Sự Hiền Hòa Của Sói

Chương 21

Có điều kỳ lạ nào đó đã xảy ra đối với thời tiết. Đã gần đến Giáng sinh, và tuy thế, dù chúng tôi đi qua lớp tuyết đông cứng, bầu trời vẫn trong sáng như là một ngày nắng vào tháng Bảy. Dù có khăn quàng quấn ngang mặt, mắt tôi vẫn cay sè vì ánh nắng chói chang. Hai con chó vui mừng vì lại được lên đường, và tôi hiểu được. Bên ngoài vực đá không có sự bất trắc hay lộn xộn. Chỉ có không gian và ánh sáng; đi qua hàng kilômét rồi vẫn còn hàng kilômét trước mặt. Sự việc xem ra...

Nhưng không phải đơn giản; chỉ vì bị tê cóng mà tôi nghĩ thế.

Khi mặt trời lặn, tôi nhận ra sự ngu dốt của mình đã dẫn đến điều gì. Thứ nhất, tôi ngã trên một con chó, và trong khi cố gượng đứng lên tôi làm rách chiếc váy đang mặc và khiến cho hai con chó sủa lên một tràng. Thế rồi, sau khi đặt xuống một chén thiếc đựng nước tan chảy từ tuyết, tôi không tìm thấy nó đâu. Cố kiềm chế nỗi sợ hãi, tôi gọi Parker, và ông này xem xét mắt tôi. Dù ông không nói, tôi vẫn biết mắt mình đỏ hoe và nước mắt giàn giụa. Những tia đỏ và tím ngang dọc tầm nhìn mù mờ. Có cảm giác đau nhức phía sau hai con mắt. Tôi biết đáng lẽ hôm qua mình phải che mắt trước khi ra đi, nhưng tôi đã không nghĩ đến việc này; tôi cảm thấy vui được đi với ông, và quả là thích thú khi ngắm nhìn khu bình nguyên rộng mở sau khi đã trông thấy khung cảnh bẩn thỉu của Hanover.

Parker dùng một mảnh vải nhỏ gói lá trà vào trong, làm mát trong tuyết để có một loại thuốc đắp ngoài da, rồi bảo tôi ép lên hai con mắt. Tôi cảm thấy đỡ hơn, tuy không hiệu nghiệm bằng vài giọt thuốc giảm đau bán ở cửa hiệu của Perry Davis. Có lẽ cũng tốt khi chúng tôi không có loại thuốc nào như thế. Tôi nghĩ đến Nesbit trong văn phòng, tù túng và bực bội; tôi đã lâm vào tình cảnh như thế.

“Từ đây... chúng ta còn đi bao xa nữa?”

Thói quen khiến cho tôi lấy gói lá trà đắp ra; không lịch sự khi nói với ai mà không nhìn họ.

Ông nói: “Đắp nó lên.” Và khi tôi đắp lại gói lá trà trên mắt, ông tiếp: “Ngày mốt ta sẽ đi tới đó.”

“Có gì ở đó?”

“Một hồ nước, với một ngôi nhà gỗ.”

“Tên là gì?”

“Tôi không rõ tên là gì.”

“Tại sao phải đi đến đó?”

Parker lưỡng lự trong cả một phút dài, nên tôi lén nhìn ông qua gói lá trà trên mắt. Ông đang nhìn ra khoảng xa xăm và có vẻ như không để ý: “Bởi vì lông thú ở đó.”

“Lông thú? Ý ông nói là lông thú của người Na Uy phải không?”

“Đúng.”

Bây giờ tôi hạ gói lá trà xuống và sôi nổi nhìn ông: “Tại sao ông muốn dẫn ông ta đi đến nơi này? Đấy chính là điều ông ta muốn!”

“Chính vì vậy mà ta đi. Phải tiếp tục.”

“Có thể nào chúng ta... giả vờ đi đến nơi khác?”

“Tôi nghĩ ông ta đã biết địa điểm. Nếu ta đi hướng khác, tôi nghĩ ông ta sẽ không đi theo. Trước đây ông ta đã đi qua đường này - ông ta và Nepapanees.”

Tôi nghĩ về ý nghĩa này: Nepapanees đã không trở về, thế thì anh ta còn ở đó. Và nỗi sợ lan tỏa trong tôi, thấm vào tận xương tủy rồi đọng lại ở đó. Quả là dễ khi che giấu phản ứng của tôi phía sau gói lá trà trên mắt; không dễ gì mà giả vờ can trường với việc này.

“Lối này, khi ông ta đến, chắc chắn rồi.”

Và rồi thì sao? Tôi thắc mắc, nhưng không dám nói ra. Một tiếng nói khác trong đầu tôi - tiếng nói quấy rầy - bảo: Bà đã có thể ở lại. Bà đã làm giường. Bây giờ nằm xuống đi.

Rồi, sau một lúc, Parker nói: “Bà há miệng ra.”

“Ông nói gì?” Liệu ông ấy đọc được ý nghĩ của tôi không? Nỗi xấu hổ dâng lên trong tôi, hầu như khỏa lấp nỗi sợ hãi.

Giọng ông nhẹ nhàng hơn, có vẻ thích thú về điều gì: “Bà há miệng ra.”

Tôi há miệng một chút, cảm thấy ngu ngơ như trẻ con. Có cái gì đấy có góc cạnh và cứng đè lên môi tôi, bắt buộc tôi phải há miệng rộng thêm, rồi đi vào miệng tôi một miếng gì đấy giống như băng nước hồ - dẹp và tan chảy. Ngón cái hoặc ngón trỏ của ông quét qua môi tôi, thô ráp như giấy nhám. Hoặc có lẽ đấy là găng tay của ông.

Tôi ngậm miệng lại quanh vật thể ấy, rồi nó ấm lên và tan chảy, vỡ ra thành vị ngọt ngào thấm đẫm, tạo thành một luồng nước cuốn xô trong miệng tôi. Tôi đang mỉm cười: đường phong. Tôi không rõ ông kiếm ra loại đường này ở đâu.

“Tốt chứ?” Ông hỏi, và từ giọng nói tôi cảm nhận ông cũng đang mỉm cười. Tôi nghiêng đầu qua một bên như thể đang nghĩ ngợi câu trả lời.

“Hừm.” Tôi nói nhẹ nhàng, vẫn cảm thấy an tâm phía sau túi lá trà. Điều này khiến cho tôi khinh suất: “Cái này làm cho mắt tôi tốt hơn chứ?”

“Không. Nó làm cho hương vị ngon hơn.”

Tôi hít một hơi thở sâu - lẫn mùi khói và hương vị ngọt ngào của mùa thu, đẩy lùi vị đắng của than củi. “Tôi sợ.”

“Tôi biết.”

Phía sau tấm mặt nạ của mình, tôi chờ đợi ngôn từ trấn an của Parker. Có vẻ như ông đang suy nghĩ, muốn lựa chọn ngôn từ một cách cẩn thận.

Chẳng có ngôn từ gì cả.

༺༒༻

Có năm người tình nguyện trong nhóm tìm kiếm: Mackinley, một người bản xứ là Sammy làm hướng đạo; một anh trai trẻ ở địa phương tên Matthew Fox; Ross, người đàn ông có con trai và vợ đi khỏi nhà; và Thomas Sturrock, trước đây là Người Tìm kiếm. Trong cả nhóm, Sturrock nhận ra mình là người bất đắc dĩ; so với bốn người còn lại ông có vẻ chỉ là một ông già, và dù sao thì không ai rõ ông đang làm gì ở Caulfield. Chỉ nhờ tính giỏi thuyết phục mà ông có chỗ trong nhóm tìm kiếm, sau một buổi tối dài nói ngon ngọt với cái ông Mackinley có gương mặt như cáo và nhắc cho ông này về thành tựu của ông trong quá khứ. Thậm chí ông còn nói về kỹ năng của mình trong việc dò theo dấu vết, nhưng may mắn là Sammy không cần sự giúp đỡ nào, vì trên lớp tuyết mới còn tinh nguyên chói lòa Sturrock không thể nhận ra họ đang đi theo dấu vết hay không. Nhưng ông ở đây, mỗi bước giúp ông tiến gần hơn đến Francis Ross và mục tiêu cho chuyến đi đến Caulfield của ông.

Từ khi Maria Knox trở về từ Sault St Marie với câu chuyện khác thường về việc gặp gỡ Kahon’wes, trong ông lại dấy lên nỗi kích xúc mà ông nghĩ đã lịm tắt hẳn. Ông cứ mãi băn khoăn trong đầu: liệu Kahon’wes đã biết ông đứng phía sau vụ này không? Liệu những cái tên mà ông nói ra chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên? Không thể nào. Ông đã cho rằng tấm thẻ được viết bằng ngôn ngữ Iroquois và ghi chép Liên minh Năm Dân tộc. Ai biết được, có thể nó được viết ra vào thời ấy. Dù đúng hay không, ông vẫn nhận ra những hệ quả lớn lao hơn của phát hiện này: tạo ảnh hưởng đối với chính sách dành cho người Da Đỏ; gây bối rối cho các chính quyền hai bên đường biên giới; tạo thêm trọng lượng cho người bản địa đòi quyền tự quyết. Ai lại không muốn làm việc tốt và còn được lợi cho cá nhân khi làm việc này?

Đấy là những ý nghĩ của ông trong vài tiếng đồng hồ đầu tiên. Rồi ông bắt đầu nghĩ - do óc thực dụng - có thể Maria đã nói đúng, và vật ấy chỉ là thứ giả mạo khôn ngoan. Trong sâu thẳm của đầu óc, ông biết việc đó không tạo khác biệt gì cả. Ông sẽ thuyết phục Kahon’wes ủng hộ mình; việc này là không khó. Nếu ông trình ra tấm thẻ với đủ luận cứ thuyết phục và khôn khéo (không có vấn đề gì ở đây), phản ứng đầu tiên sẽ làm cho ông nổi danh; những tranh cãi tiếp theo sau sẽ chỉ giúp cho thêm nhiều người biết đến ông. Còn việc không biết tấm thẻ hiện đang ở đâu, thì ông không muốn lo lắng quá. Ông tin chắc rằng Francis Ross đã nhận được tấm thẻ này, và rằng ngay khi họ tìm ra anh thì ông sẽ có cách nói để anh trao nó cho ông. Ông đã dượt đi dượt lại những luận cứ mình sẽ sử dụng...

Ông vấp qua một cái gì đó, giày đi trên tuyết của ông vướng vào một mảng băng, và ông quỳ xuống. Là người đi cuối trong nhóm, ông dừng lại, một bàn tay mang găng chống lên mặt tuyết, trong khi ông lấy lại hơi thở. Các khớp xương ông đau nhức vì lạnh. Đã nhiều năm đi đây đi đó như thế này mà ông đã quên cơ thể mình bị ảnh hưởng ra sao. Hy vọng đây là chuyến đi cuối cùng. Người đi kế bên, Ross, nhận ra ông tụt lại phía sau và đứng lại chờ ông. Cảm ơn Trời là ông này đã không quay trở lại để tìm cách giúp ông; như thế thì mất mặt quá.

Maria đã kể lại việc trông thấy Ross đi cùng một phụ nữ ở Sault St Marie, và đã đặt câu hỏi liệu việc bà vợ ông ra đi có phải là chuyện vô tư như người ta đã nghĩ hay không. Sturrock cảm thấy vui vui, bởi vì có vẻ như Maria không phải là người thích nhận xét điều ghê gớm đến thế. Nhưng như Maria đã vạch ra, nó không ghê gớm bằng giả thuyết mà người ta đưa ra khi cho rằng Bà Ross đã bỏ đi cùng với tù nhân trốn thoát (mà ông chồng chẳng quan ngại chút nào!). Sturrock thấy ông kia là con người thú vị. Khuôn mặt ông không lộ cảm xúc gì; nếu có lo lắng về bà vợ hoặc cậu con trai thì ông vẫn chẳng lộ vẻ gì cả. Điều này khiến cho những người khác trong nhóm không thích Ross. Cho đến giờ, Ross vẫn không muốn trò chuyện với ông, nhưng không sờn lòng, ông cố đi theo kịp Ross.

Cố kiềm chế nhịp thở gấp gáp, ông nói: “Ông Ross à, có vẻ như ông thoải mái trong môi trường này. Tôi đánh cược là ông đã thường đi như thế này.”

Ross khụt khịt: “Không hẳn thế.” Và có lẽ vì thấy Sturrock đang thở hào hển, ông nói dịu lại: “Tôi chỉ đi săn và đại loại như thế. Không giống ông chút nào.”

Sturrock cảm thấy một chút tự mãn: “À... ông hẳn đang lo lắng cho gia đình mình.”

Ross lê bước im lặng một chốc, mắt nhìn xuống đất, rồi nói: “Dường như có người nghĩ lo lắng như thế vẫn chưa đủ.”

“Người ta không cần phải tỏ lộ công khai để cảm thấy quan ngại.”

“Đúng.” Ross có vẻ mỉa mai, nhưng Sturrock đang bận đặt giày đi trên tuyết vào dấu chân của anh trai trẻ đi trước nên không nhìn thấy vẻ mặt của ông bạn đồng hành.

Sau một lúc, Ross nói: “Ngày nọ tôi đi Sault St Marie. Tôi đến gặp một người bạn của vợ tôi, để hỏi bà có gặp vợ tôi không. Trong khi ở đó, tôi trông thấy cô con gái lớn của Knox. Cô thấy tôi và tỏ ra giật mình - tôi đoán cả thị trấn đã đồn đại là tôi có một phụ nữ yêu mến.”

Sturrock mỉm cười, cảm thấy có lỗi nhưng nhẹ nhõm. Ông lấy làm vui là Bà Ross đã có người chăm sóc. Ross khô khan nhìn ông: “Đúng, tôi nghĩ thế.”

Vào ngày thứ hai sau khi xuất phát từ Sông Dove, Sammy dừng lại và giơ tay ra dấu cho mọi người trong nhóm im lặng. Cả nhóm dừng lại. Người hướng đạo bàn với Mackinley phía trước, rồi ông này quay nhìn người trong nhóm, ông chưa kịp cất tiếng thì có một tiếng thét từ đám cây cối bên tay trái, và có tiếng cành cây gãy. Cả nhóm hốt hoảng; Mackinley và Sammy cùng giơ khẩu súng trường lên phòng trường hợp đó là con gấu. Sturrock nghe tiếng thét lanh lảnh và nhận ra đó là tiếng người - một phụ nữ.

Sturrock và Angus Ross, vì ở vị trí gần nhất, bước tới trước, dấn chân vào lớp tuyết dày, bị trở ngại vì lùm bụi và những vật thể ẩn khuất dưới lớp tuyết. Bước đi khó khăn đến nỗi phải một hồi lâu họ mới nhìn ra ai đang kêu đến họ. Nhìn quanh quất giữa đám cây cối: Sturrock nghĩ có hơn một bóng người - nhưng một phụ nữ? Một số phụ nữ... ở đây giữa mùa đông?

Và rồi ông nhận ra cô: một phụ nữ thân gầy, tóc màu sậm đang đi về phía ông, khăn choàng phất phới phía sau người, đang thét lên một tiếng trong sự kiệt sức và nhẹ nhõm pha trộn nỗi sợ hãi rằng những người đàn ông này chỉ trong trí tưởng tượng. Cô đi qua lùm bụi tiến về phía Sturrock, rồi đổ gục xuống chỉ cách ít bước, vừa kịp Ross đón lấy một đứa trẻ trong vòng tay. Một bóng khác từ giữa đám cây cối chạy về phía họ. Sturrock tiến đến cô và quỳ xuống trên một đầu gối, giống như nhại lại một cử chỉ tình tứ[64], đôi giày đi trên tuyết của ông gây ngáng trở. Gương mặt cô lộ vẻ kiệt lực và sợ hãi, đôi mắt thất thần như thể sợ hãi ông.

“Này này, ổn thôi. Bây giờ cô được an toàn. Suỵt...”

Ông không chắc cô hiểu. Bây giờ một đứa bé trai đi đến bên cô, đưa một tay lên vai cô trong thái độ bảo vệ, đôi mắt đen chăm chăm nhìn ông với vẻ nghi ngại.

Sturrock không bao giờ biết cách nói chuyện với trẻ con, và đứa trẻ này không có vẻ thân thiện, ông nói: “Chào. Các người đi từ đâu đến?”

Cậu con trai lẩm bẩm vài từ mà ông không hiểu, và người phụ nữ trả lời ông cũng với thứ tiếng đó - không phải tiếng Pháp mà ông biết, cũng không phải tiếng Đức.

“Cô nói tiếng Anh được không? Cô hiểu tôi nói gì không?”

Những người khác trong nhóm đã tề tựu chung quanh, kinh ngạc nhìn họ. Ở đây là một phụ nữ, một đứa bé trai có lẽ bảy hay tám tuổi, và một đứa bé gái còn nhỏ hơn nữa. Cả ba đều có triệu chứng đã bị phơi ra thời tiết giá lạnh. Không người nào nói ra tiếng gì mà họ hiểu được.

Họ quyết định dựng lều trú ẩn, cho dù chỉ mới hai giờ chiều. Sammy và Matthew dựng nơi trú ẩn phía sau một thân cây trốc gốc và tìm củi để đốt một đống lửa to, trong khi Angus Ross pha trà và chuẩn bị thức ăn. Mackinley đi trở lại khoảnh rừng nơi người phụ nữ chỉ đến rồi dẫn về một con ngựa bị suy dinh dưỡng, bây giờ được đắp lên một tấm chăn và được cho ăn bột yến mạch. Người phụ nữ và hai đứa trẻ ngồi xúm xít gần đống lửa. Sau khi họ thì thầm với nhau một hồi, cô đứng dậy đi đến Sturrock. Cô ra dấu muốn nói chuyện riêng, nên hai người đi ra xa căn lều một tí.

Không mào đầu gì cả, cô hỏi: “Chúng tôi đang ở đâu?”

Ông nhận thấy tiếng Anh của cô hầu như không có trọng âm gì cả, mà các âm tiết đều ngang nhau.

“Chúng ta cách Sông Dove một ngày rưỡi đường, về hướng nam. Cô từ đâu đi tới đây?”

Cô chăm chăm nhìn ông, đôi mắt đảo nhanh về phía những người kia: “Ông là ai?”

“Tên tôi là Thomas Sturrock, ở Toronto. Những người kia ở Sông Dove, ngoại trừ người có mái tóc nâu ngắn - đó là Mackinley, nhân viên của Công ty Vịnh Hudson, và một người hướng đạo.”

“Các ông đang làm gì ở đây? Các ông đang đi đâu?” Cô không nhận ra những câu hỏi của mình không được lịch sự.

“Chúng tôi đang đi theo một dấu vết, về hướng bắc. Vài người bị mất tích.” Không có cách gì giải thích đơn giản tình huống phức tạp này, nên ông không cố giải thích.

“Dấu vết đó dẫn đến đâu?”

Sturrock mỉm cười: “Chỉ đến khi dấu vết đó dừng lại thì chúng tôi mới biết.”

Rồi người phụ nữ thở ra, có vẻ như đã trút đi phần nào nỗi nghi ngại và sợ hãi: “Chúng tôi đang tìm đường đến Sông Dove. Chúng tôi mất la bàn và một con ngựa. Có một người khác đi cùng. Anh ấy đã rời đi để...” Gương mặt cô thay đổi với vẻ hy vọng: “Trong vài ngày qua, có người nào trong nhóm ông bắn súng trường không?”

“Không.”

Cô lại chùng xuống: “Chúng tôi chia cách nhau, bây giờ tôi không biết anh ấy ở đâu.”

Cuối cùng, vẻ mặt cô như cho thấy sự sụp đổ tinh thần: “Có chó sói. Chúng giết một con ngựa. Chúng đã có thể giết chúng tôi. Có lẽ...”

Cô thổn thức nhưng im lìm, không có nước mắt.

Sturrock vỗ vai cô: “Suỵt. Bây giờ cô khá ổn rồi. Chuyện hẳn là kinh khủng, nhưng đã qua rồi. Không cần phải lo sợ nữa.”

Cô ngước mắt nhìn ông, và ông thấy đôi mắt cô quả là đẹp; màu nâu trong suốt trên khuôn mặt trái xoan mịn màng.

“Cám ơn ông. Tôi không biết đáng lẽ đã phải làm gì... Các ông đã cứu mạng sống chúng tôi.”

Sturrock tự tay chăm sóc cho bàn tay cô đã bị cóng lạnh. Mackinley triệu tập cuộc họp rồi quyết định Sammy sẽ cùng ông đi tìm người đàn ông kia - có những dấu vết rõ ràng để đi theo - trong khi những người khác ở lại lều trú ẩn. Nếu đến tối hôm sau vẫn chưa tìm được người kia thì Matthew và Sturrock sẽ hộ tống người phụ nữ và hai đứa trẻ đến Sông Dove. Sturrock không lấy làm vui lắm với cách thu xếp này, nhưng ông nhìn ra lý do cho phép hai người mạnh khỏe nhất tiếp tục đi càng nhanh càng tốt. Hơn nữa, một phần trong ông cảm thấy tự mãn vì người phụ nữ đã đối xử với ông theo cách đặc biệt; cô không nói chuyện riêng với ai khác, và luôn ở bên ông, thậm chí thỉnh thoảng nở nụ cười hiền dịu với ông. (“Thế thì, ông ở Toronto...?”) Ông tự nhủ vì mình cao tuổi nên trông không có vẻ đe dọa, nhưng cũng biết đó không phải là lý do duy nhất.

Mackinley và Sammy đi tiếp khi trời còn sáng, từ người phụ nữ mà họ hiểu được lờ mờ rằng anh kia có thể bị thương. Hai người bị nuốt chửng trong khoảnh u tối dưới cành cây kẽ lá. Ross cho mỗi người hớp một ngụm cô-nhắc. Người phụ nữ tỏ ra phấn khởi rõ ràng.

Khi hai đứa trẻ đã chìm sâu vào giấc ngủ, cô hỏi: “Thế thì các ông đang dò theo những ai vậy?”

Ross thở dài và không nói gì; Matthew liếc từ Ross qua Sturrock, và ông này nhận ra ẩn ý.

“Chuyện khá kỳ lạ, và không dễ nói ra. Ông Ross à, có lẽ... Không hở? À, cách đây vài tuần có một sự cố không may, cô biết chứ, và một người chết. Cùng lúc, con trai của ông Ross biến mất khỏi Sông Dove - có lẽ anh ấy đi dõi theo ai đó. Rồi có hai nhân viên Công ty Vịnh Hudson đi tìm anh ấy trong khi thực hiện cuộc điều tra. Hai người đã đi khá lâu mà chưa ai nhận được tin tức gì của họ.”

“Và...” Matthew sôi nổi nghiêng người tới trước, do thái độ khuyến khích của người phụ nữ, “không chỉ có thế! Có một người khác, bị bắt vì là nghi phạm trong vụ án mạng - một người hai dòng máu và trông bất hảo - rồi ông ta trốn thoát, à không, thật sự là có người phóng thích ông ta, rồi ông ta biến mất cùng với mẹ của Francis... từ lúc đó không ai thấy họ!”

Matthew ngưng bặt và ửng đỏ mặt, nhận ra quá muộn mình đã lỡ lời, và ném ánh mắt sợ hãi qua Ross.

“Ta vẫn không biết hai người có đi với nhau hay không, hoặc một trong hai người đi theo hướng này,” Sturrock có ý nhắc nhở Matthew với tia nhìn mệt mỏi về phía Ross trong khi ông này vẫn không lộ xúc cảm. “Nhưng tóm tắt, đó là lý do tại sao chúng tôi đang ở đây - để tìm kiếm bất cứ người nào nếu được, để biết chắc họ... an toàn.”

Người phụ nữ nghiêng người gần ngọn lửa, đôi mắt tròn và long lanh; cô đã thay đổi nhiều so với trạng thái kinh hãi trong khoảnh rừng chỉ mới vài tiếng đồng hồ trước. Cô thở mạnh và nghiêng đầu: “Các ông đã rất tử tế với chúng tôi. Mạng sống chúng tôi là do các ông cứu. Thế nên, Ông Ross à, tôi thấy cần cho ông biết rằng tôi đã gặp con trai ông và vợ ông, cả hai đều khỏe mạnh. Họ khá khỏe mạnh.”

Lần đầu tiên Ross mới quay sang cô, và trân trân nhìn cô. Nếu không tận mắt chứng kiến thì Sturrock chẳng bao giờ tin được gương mặt như phiến đá hoa cương ấy lại lộ cảm xúc đến thế.

༺༒༻

Lần đầu tiên trong nhiều tuần, Francis thức dậy trong ánh nắng rực rỡ. Bầu không gian im ắng lạ thường - không có tiếng động thường nhật từ hành lang hoặc khoảnh sân. Anh thay trang phục rồi bước ra. Cánh cửa đang mở; sự việc đã khá thoáng từ khi Moody ra đi. Anh tự nghĩ chuyện gì sẽ diễn ra nếu mình bỏ đi một mình; có lẽ ai đó sẽ hốt hoảng mà bắn anh một phát. Không đúng, bởi vì Giáo dân là người của Thượng đế và không có xu hướng mang vũ khí. Dù sao thì nếu đi đâu anh vẫn để lại sau lưng dấu vết trên nền tuyết.

Anh chống nạng bước ra hành lang. Không thấy ai đi lại, và thật ra có rất ít âm thanh của cuộc sống. Francis suy nghĩ nhanh - hôm nay có phải là Chủ nhật không? Không, Chủ nhật đã qua vài ngày trước (khó mà theo dõi ngày tháng ở đây). Anh mơ viển vông rằng mọi người đã bỏ đi. Anh đi theo hành lang kéo dài phía trước mặt. Anh không biết các cánh cửa mở ra hướng đi đâu, bởi vì từ khi được mang đến đây anh chưa từng ra khỏi phòng mình. Không thấy bóng dáng cái anh cai ngục Jacob ở đâu. Cuối cùng, anh tìm ra một cánh cửa mở ra bên ngoài, và đi qua theo đó.

Cái sốc của không khí trong lành thì vừa lạnh lẽo vừa ngọt dịu. Ánh nắng làm hoa cả mắt; cái lạnh khiến cho da mặt anh buốt rát, nhưng anh hít mạnh không khí như thế vào buồng phổi, nếm trải cảm giác đau nhức. Làm thế nào anh nằm giam mình trong căn phòng đó lâu như thế? Anh chán ghét chính mình. Anh tập đi nhanh hơn, khập khiễng tới lui bên ngoài cánh cửa, làm quen dần với cây nạng. Và rồi anh nghe một tiếng la. Anh nhắm chừng phương hướng để đi vòng một góc khu chuồng gia súc, và thấy một tốp người khoảng một trăm mét phía trước. Dù thôi thúc đầu tiên của anh là lùi lại để ẩn giấu, có vẻ như họ không quan tâm đến anh lắm, nên anh khập khiễng tới gần thêm. Jacob ở trong tốp người này; anh ta nhận ra anh và đi về phía anh.

“Chuyện gì đang xảy ra? Tại sao mọi người ở đây?”

Jacob nhìn ngoái lại ra sau: “Anh còn nhớ tôi nói với anh về chuyện Line và anh thợ mộc đã bỏ đi không? À... anh ta đã trở về.”

Francis chậm chạp chống nạng đến đám người Na Uy thích ngồi lê đôi mách: vài phụ nữ đang khóc, Per đang an ủi trong giọng điệu nghe như kinh cầu. Giữa bọn họ, anh thấy người mà Jacob đã nói đến - một con người tội nghiệp có mắt lõm sâu, râu tóc bù xù, mũi và đôi má đỏ bầm vì cóng lạnh; râu ria phủ sương muối trắng xóa. Thế thì đây là anh thợ mộc mà anh chưa gặp bao giờ, mà Line đã cuỗm đi. Một người dường như đang cật vấn anh ta, nhưng anh ta có vẻ mê mụ.

Francis tự trách mình vì đã hiểu ra sự việc quá chậm, rồi loạng choạng bước đến anh ta, cảm thấy cơn giận nổi lên. Anh hét lên mà không biết người kia hiểu tiếng Anh hay không: “Anh đã làm gì với cô ấy? Line hiện giờ ở đâu? Anh đã bỏ rơi cô ấy ngoài kia hả? Còn hai đứa con cô ấy đâu?”

Người thợ mộc quay sang anh với vẻ ngỡ ngàng - mà cũng dễ hiểu thôi, vì anh ta chưa từng gặp Francis.

Với vẻ vừa dữ dằn vừa sợ hãi, Francis hạch sách: “Cô ấy ở đâu?”

Anh ta lắp bắp: “Cô... tôi không biết. Một đêm… chúng tôi đi đến một ngôi làng, rồi tôi không chịu được. Tôi biết mình làm điều sai trái. Tôi muốn quay về. Nên tôi để cô ấy... ở ngôi làng.”

Có một phụ nữ với vóc dáng rắn rỏi kế bên anh ta, bám lấy anh ta, đẫm nước mắt. Francis đoán cô là người vợ bị bỏ rơi.

“Ngôi làng nào? Cách bao xa?”

Mắt anh ta chớp chớp: “Tôi không biết tên. Nó kế bên con sông... con sông nhỏ.”

“Cách mấy ngày đường?”

“Ơ... Ba ngày.”

“Anh nói láo. Không có làng nào cách đây ba ngày đường, không có nếu anh đi về hướng nam.”

Mặt anh ta tái nhợt đi, dù cho bình thường đã xanh xao: “Chúng tôi đánh mất la bàn.”

“Anh bỏ cô ấy ở đâu?”

Anh thợ mộc bắt đầu khóc. Cuối cùng, anh giải thích trong sự pha trộn tiếng Na Uy và tiếng Anh: “Dễ sợ... Chúng tôi lạc đường. Tôi nghe một tiếng súng, tôi nghĩ có thể tìm ra người đi săn và ông ấy chỉ đường cho tôi. Nhưng tôi không tìm được... Có chó sói. Khi quay về, tôi thấy vết máu, và họ đã... đi.”

Anh nức nở trông thảm thương. Người phụ nữ kia rời xa khỏi anh, như thể vì kinh tởm. Những người khác há hốc nhìn Francis với vẻ ngạc nhiên - phân nửa trong số họ đã không trông thấy anh kể từ lúc anh được mang đến đây trong tình trạng dở sống dở chết. Francis cảm thấy mình chực bật khóc, cổ họng quặn thắt khiến cho anh gần ngạt thở.

Per giơ tay lên ra dấu cho mọi người chú ý, nói bằng tiếng Na Uy: “Tôi nghĩ tất cả chúng ta nên đi vào trong. Espen cần được chăm sóc, và ăn uống. Rồi chúng ta sẽ tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra và phái người đi tìm họ.”

Dần dần tất cả quay người đi vào các tòa nhà.

Jacob đi theo Francis. Cho đến khi cả hai vào bên trong, anh mới cất tiếng: “Anh nghe này. Tôi không rõ, nhưng... Điều kỳ lạ là chó sói tấn công và giết chết ba người. Có lẽ chuyện xảy ra không phải như vậy.”

Francis vừa nhìn Jacob vừa đưa tay áo lau mũi.

Từ cửa phòng mình, Per gọi đến: “Jacob… Francis... hai người không cần vào đó. Đến nhà ăn cùng với những người khác.”

Ngạc nhiên và cảm động, Francis đi theo Jacob đến nhà ăn.

Họ ăn bánh mỳ và phó mát, uống cà phê. Chỉ có tiếng xầm xì khi họ trao đổi với nhau, cảm thấy kinh sợ vì vụ việc. Francis nghĩ đến lòng tử tế mà Line đã đối xử với mình, và việc cô tha thiết muốn ra đi. Nhưng cô cũng là người cứng cỏi. Có lẽ sự thể không phải như vậy. Anh không muốn nghĩ đến, chưa muốn.

Không ai trong phòng nhìn anh với vẻ ngờ vực. Nếu muốn, anh có thể đi với họ tìm kiếm Line, nhưng đầu gối anh đang đau nhức với cử động chưa quen thuộc, và anh thấy mình yếu đuối như bông. Anh đã nằm trong căn phòng trống được nhiều tuần, các cơ bắp của anh nhão ra, làn da nhợt nhạt. Đã nhiều tuần kể từ khi...

Anh lấy làm sốc mà nhận ra rằng trong ít nhất một tiếng đồng hồ anh đã không nghĩ đến Laurent, kể từ lúc anh trông thấy đám người kia; và nếu anh trung thực, thì kể từ lúc anh mở cánh cửa thông ra bên ngoài và nếm trải không khí ngọt ngào, lạnh lẽo. Anh đã không nghĩ đến Laurent trong thời gian đó, và cảm thấy như mình đã không chung thủy.

Một thời gian lâu về trước, trong đêm ấy, phía sau ngôi nhà gỗ Francis thấy một luồng ánh sáng chiếu qua khung cửa sổ. Anh đã bắt đầu đi dọc bờ sông, phòng trường hợp Laurent có khách. Laurent thường có khách, lúc trước cũng thế, nên Francis đứng chờ bên ngoài phòng trường hợp này xảy ra. Anh không muốn miệng lưỡi độc địa ấy la mắng mình. Anh nghe cánh cửa mở ra, rồi thấy một người đàn ông với mái tóc đen dài đi ra sân vườn. Ông ta cầm cái gì đó trong tay, Francis không thể nhìn ra đó là cái gì, rồi ông cho vào chiếc túi, nhìn quanh quất, hoặc nghe ngóng thì đúng hơn, với vẻ bất động nhưng đầy cảnh giác của người chuyên theo dõi dấu vết. Francis đứng im, lặng thinh. Đã nửa đêm, trời khá tối, nhưng anh biết đó không phải là người sống ở Sông Dove - anh biết cách họ đi đứng, di chuyển, hít thở. Người này thì khác biệt, ông ta khạc nhổ xuống đất, quay người nhìn đến cánh cửa đang mở rộng, và Francis thoáng thấy một làn da sậm màu và phản chiếu ánh sáng, một mái tóc nhờn uốn quanh hai bờ vai, một khuôn mặt như phỗng đá, khép kín. Ông ta không còn trẻ. Ông ta quay trở vào ngôi nhà gỗ, khuất hẳn khỏi tầm mắt Francis. Rồi ánh sáng bên trong vụt tắt. Người đàn ông bước ra, lẩm bẩm câu gì đó trong hơi thở, và đi đến bờ sông. Tiếng chân âm thầm. Francis thở một hơi nhẹ nhõm - nếu là một nhà buôn bán thì anh phải lánh mặt luôn. Nhưng người này không ở lại.

Francis lần mò dọc bờ sông và rón rén đi vòng đến phía trước ngôi nhà gỗ. Anh không nghe động tĩnh gì bên trong. Nơi cánh cửa, anh dừng lại rồi mở ra.

“Laurent?” anh thì thầm, cảm thấy xấu hổ với chính mình vì đã thì thầm. “Laurent?”

Rất có thể Laurent sẽ bực tức với anh - chỉ mới một ngày rưỡi trước hai người đã cãi cọ với nhau. Hoặc là - anh cảm thấy ớn lạnh đến tận con tim với ý nghĩ - có phải anh ấy đã ra đi trong cuộc hành trình cuối cùng bí ẩn để tránh mặt mình hay không? Anh ấy có thể chọn thời điểm ra đi sớm hơn, để tránh chuyện lôi thôi. Bản chất anh là thế.

Francis đẩy cánh cửa mở rộng. Bên trong im ắng và tối đen, nhưng ấm áp nhờ bếp lò. Francis mò mẫm bước đến nơi thường đặt cây đèn, và tìm được. Anh mở cửa lò, đốt bấc đèn, và chớp mắt trong ánh sáng thình lình lóe ra. Không có tiếng đáp trả; Laurent đã đi, nhưng bao lâu rồi? Anh ấy có thể đi mà để lại dấu vết. Có thể anh ấy không đi hẳn, vì chắc chắn anh không thể để bếp lò còn cháy. Anh ấy có thể...

Cuộc sống của anh chỉ còn lại vài giây đồng hồ, và Francis đã làm mất thời gian quý báu trong khi đang lần mò với bấc đèn. Khi nhìn quanh, Francis sẽ thấy Laurent đang nằm trên giường. Sẽ lập tức thấy vết đỏ trông kỳ lạ trên đầu; rồi sẽ nhanh nhẹn bước đến nơi anh có thể nhìn gương mặt anh ấy, cổ anh ấy, vết thương nặng.

Sẽ thấy rằng đôi mắt anh ấy còn ướt.

Sẽ cảm nhận anh ấy vẫn còn ấm.

Francis chớp đôi mắt đã đẫm lệ. Jacob đang cất tiếng: anh này nói mình sẽ đi ra ngoài - anh không thích ngồi lâu một chỗ. Jacob đặt tay lên vai Francis - bây giờ mọi người đều tử tế với anh, mà anh không chịu được - liệu trong lúc này Francis sẽ tạm ổn ở đây không? Anh ta không còn phải đe dọa Francis đừng bỏ trốn... hứ!

Francis tán thành, với vẻ mặt được hiểu là đau khổ về số phận trong tưởng tượng của Line.

Sau khi đã nhìn thấy thi hài của Laurent, sau khi đã đứng trong cơn sốc có Trời mới biết trong bao lâu, Francis quyết định mình phải đi dõi theo kẻ sát nhân. Anh không thể nghĩ ra phải làm việc gì khác. Anh không thể trở về nhà, biết rằng sự thể sẽ ra sao. Không muốn lưu lại Sông Dove thêm khoảnh khắc nào mà không có Laurent. Anh tìm thấy chiếc túi của Laurent rồi cho vào tấm chăn, thực phẩm, một con dao săn - to hơn và bén hơn con dao của anh. Anh nhìn quanh ngôi nhà, tìm kiếm một dấu hiệu, một lời nhắn cuối cùng của Laurent cho anh. Không tìm thấy khẩu súng trường của Laurent ở đâu - có phải người đàn ông kia đã mang đi? Anh cố nhớ lại bộ dạng ông ta; thình lình nhận ra rằng ông ta đã cho cái gì đó vào chiếc túi ấy một cách cẩn thận, và anh cảm thấy vô cùng tức giận.

Tránh ánh mắt nhìn đến chiếc giường, Francis nậy các thanh gỗ trên sàn nhà và mò mẫm tìm túi tiền của Laurent. Không có nhiều trong đó, chỉ có một cuộn các tờ giấy bạc và tấm thẻ xương nực cười mà Laurent cho là có giá, nên anh cũng lấy đi. Suy cho cùng, nhiều tháng trước, khi đang vui Laurent đã tỏ ý cho anh tấm thẻ.

Cuối cùng, anh khoác lên chiếc áo choàng bằng da chó sói, với lớp lông bên trong. Anh sẽ cần đến chiếc áo này, vào ban đêm.

Anh thầm nói lời giã biệt. Và đi ra theo cùng hướng người lạ mặt kia đã đi, mà không biết mình sẽ làm gì nếu bắt kịp ông ta.

༺༒༻

Tôi nhớ lại có lần mình khởi hành một chuyến đi xa, và tôi nghĩ việc này sẽ lưu lại trong đầu óc tôi thật sinh động bởi vì nó mở đầu cho đoạn cuối của một thời kỳ trong cuộc đời tôi và bắt đầu một thời kỳ mới. Tôi tin chắc nhiều người khi đến Tân Thế giới cũng có cảm nghĩ như thế, nhưng ý tôi không nói đến chuyến vượt Đại Tây Dương, dù chuyện này là không tả xiết. Chuyến đi của tôi là từ cánh cổng của bệnh viện tâm thần ở Edinburgh đến một ngôi nhà to đang đổ nát ở vùng Cao nguyên Tây. Cùng đi với tôi là một người đàn ông mà sau này là chồng tôi, nhưng dĩ nhiên lúc ấy tôi không có ý tưởng nào về điều ấy.

Và tôi không có ý tưởng nào về tầm quan trọng của chuyến đi, nhưng một khi đã khởi hành thì cả cuộc đời tôi bắt đầu thay đổi hẳn. Lúc ấy tôi không hề đoán ra, nhưng rồi tôi không bao giờ trở lại Edinburgh. Đúng ra, khi cỗ xe rời khỏi bệnh viện để bắt đầu con đường dài, một số mối quan hệ bị cắt đứt - cắt đứt khỏi quá khứ của tôi, khỏi cha mẹ tôi, khỏi quãng đời tương đối thoải mái của tôi, thậm chí khỏi lớp học của tôi - mà không bao giờ được nối lại.

Sau này, tôi thích nghĩ về chuyến đi ấy, tưởng tượng ra bàn tay của định mệnh, cắt đứt các mối dây sau lưng tôi, trong khi tôi ngồi u mê trong cỗ xe ấy, tự hỏi có phải tôi đã hóa điên (theo cách nói như thế) hay không mà xa rời bệnh viện tâm thần cùng những tiện nghi ở đó. Rồi tôi tự hỏi, ta có hay nhận ra những mãnh lực không cưỡng lại được khi chúng đang diễn ra? Dĩ nhiên là tôi không nhận ra. Và ngược lại, tôi đoán, ta có hay tưởng tượng rằng cái gì đấy là rất quan trọng, nhưng rồi lại tan biến như sương mai, không để lại dấu vết nào?

Dù cho tôi mơ màng ra sao, cuối cùng chúng tôi đã đến đích. Đoạn cuối của cuộc hành trình mà tôi cảm thấy rất quan trọng. Nhưng có lẽ tầm quan trọng là do nỗi sợ hãi đối với bạo lực.

Quang cảnh ở đây không đơn điệu lắm; chỉ có ít chỗ lồi lõm như tấm thảm cần được trải căng ra cho thẳng. Phía trước mặt, qua những tia sáng lấp lóe tôi có thể thấy một hồ nước nhỏ. Mặt nước dài và gấp khúc trông giống ngón tay đang ra hiệu cho chúng tôi, uốn quanh một chỏm đá vươn cao vài chục mét. Có cây cối ven bờ bên kia, nhưng chỉ là trảng thực vật lúp xúp chứ không phải là rừng. Phần lớn mặt nước đã đóng băng, mịn và trắng như một sân băng thể thao. Nhưng ở một đầu, nơi con sông đổ nước vào qua một ghềnh đá, hơi nước tỏa lên trắng xóa từ mặt nước đen, nước chảy cuộn nên không đóng băng được.

Chúng tôi đi dạo quanh hồ giá lạnh. Mặt trời rọi ánh sáng lạnh lẽo từ hướng tây; bầu trời là khung nền một màu xanh lam, cây cối vẽ nên những nét màu than chì lên mặt tuyết. Tôi cố tưởng tượng chúng tôi ở đây là vì một lý do khác - một lý do tốt lành - nhưng sự thật là không có lý do nào cho tôi hiện diện nơi đây cùng Parker. Hai chúng tôi không có điểm nào chung ngoại trừ là cái chết ấy đã trói buộc chúng tôi với nhau: nỗi khao khát cho công lý. Và rồi khi việc này xong xuôi - bất cứ xong xuôi ra sao - sẽ không còn gì gắn kết hai chúng tôi nữa. Và đó là điều mà tôi không chịu nổi khi nghĩ đến.

Vì thế mà tại sao tôi cố gắng ngắm nhìn, cho dù đôi mắt tôi rát bỏng. Tôi phải nhìn. Tôi phải ghi nhớ lấy quang cảnh này.

Dưới cây cối, lớp tuyết đọng trên đất mỏng hơn. Ngôi nhà gỗ vô chủ đã bị thời tiết tàn phá đến nỗi nó trở nên vô hình, chỉ đến khi đến gần người ta mới nhận ra. Cánh cửa chỉ khép hờ, xệ xuống từ bản lề gỉ sét, tuyết bị thổi dạt vào bên trong, tạo thành một kiểu rào chắn. Parker leo qua rào chắn này và tôi leo theo ông, kéo chiếc khăn quàng ra khỏi mặt. Chỉ có một cửa sổ chớp, may mà đã đóng kín. Bên trong không có gì cho thấy khi xưa có người ở, chỉ có một đống những gói và bọc, được tuyết phủ trắng lên trên.

“Đây là nơi nào?”

“Nhà của người đặt bẫy. Có thể cũ hàng trăm năm.”

Ngôi nhà trũng xuống và đổ nát, các thớt gỗ trở nên bạc màu vì thời tiết, thật sự có thể cũ ngang bằng với ngôi nhà. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì ý nghĩ này. Ngôi nhà cổ nhất ở Sông Dove chỉ mới được mười ba tuổi.

Tôi vấp phải cái gì đó trên sàn nhà. Tôi chỉ đến những gói: “Lông thú phải không?”

Parker gật đầu, dùng con dao mở ra một gói. Ông rút ra một tấm da màu sẫm pha xám nhạt: “Trước đây đã từng thấy cái này chưa?”

Tôi đón nhận, và trong tay tôi nó dịu dịu, lành lạnh và mềm mại đến khó tin. Trước đây tôi đã nhìn thấy loại này - tôi nghĩ ở Toronto - được vắt qua cổ của một phụ nữ giàu có. Lông chồn bạc. Người ta đang bàn tán về nó, làm thế nào nó có giá tới một trăm đồng guinea, hoặc một khoản tiền lạ thường như thế. Nó óng ánh bạc và nặng, nhưng cũng trơn láng như tơ tằm. Nó có đủ tính chất như thế. Nhưng có đáng giá đến thế sao?

Tôi cảm thấy thất vọng vì Parker. Tôi không biết mình đã trông đợi gì, nhưng không hiểu sao đến đoạn cuối này, tôi phải nhìn nhận rằng ông đã trải qua bao gian khổ như Stewart chỉ để tìm ra một thứ.

Chúng tôi dựng lều trú ẩn trong ngôi nhà mà không trao đổi nhau lời nào. Parker im lặng làm việc, nhưng là cách im lặng khác hẳn, không phải như khi ông mê mải lúc bình thường. Tôi có thể nói ông đang bận tâm với điều gì khác.

“Ông nghĩ chuyện này sẽ mất thời gian bao lâu?”

“Không lâu.”

Không ai trong chúng tôi nói rõ ý mình muốn nói, nhưng cả hai đều biết đấy không phải là nhiệm vụ trước mắt. Tôi thường xuyên nhìn qua khung cửa, vốn quay về hướng nam, nên tôi không thể thấy con đường chúng tôi đã đi đến đây. Ánh sáng bên ngoài trông lóa mắt; mỗi một tia nhìn đều khiến cho tôi nhức đến tận xương đầu. Nhưng tôi không thể ở bên trong ngôi nhà; tôi cần được một mình.

Tôi giữ khoảng cách với trảng cây dọc bờ tây, đi lên phần nước đen không bị đóng băng của mặt hồ, bị thu hút vì ghềnh đá ở đầu kia của hồ nước. Khi đến nơi, tôi nhặt vơ vào các cành cây khô để làm củi đốt. Liệu chúng tôi sẽ đốt lửa hay không, nếu đang đợi Stewart đến? Có một vị chua, tanh mùi kim loại trong miệng tôi mà tôi đã biết rõ. Vị của tính nhút nhát.

Đầu kia của hồ nước chỉ cách không đến một trăm mét, thế nên bạn hẳn không thể nào đi lạc được. Nhưng tôi đã đi lạc. Tôi vẫn giữ khoảng cách gần bờ hồ, nhưng khi đi trở lại tôi không thấy ngôi nhà gỗ ở đâu cả. Thoạt đầu, tôi không hốt hoảng. Tôi tìm lại lối đi của mình về phía ghềnh đá, nơi nước có màu đen, tỏa khói, ven bờ là mặt băng có màu nhạt dần. Tôi cảm thấy sự thôi thúc - như người đi trên vách đá cứ muốn bước ra gần bờ vực - muốn bước lên mặt băng, từ trắng đến xám, để xem nó dầy mỏng ra sao. Để bước càng nhanh càng tốt, rồi bước một ít xa thêm.

Tôi quay lại, giữ hướng mặt trời lặn và ánh sáng lóe bên tay phải mình, rồi lại bước vào trảng cây. Các thân cây chia ánh nắng thành những làn sóng dao động chập chờn rồi tỏa ra những vệt và những mảng tranh tối tranh sáng, khiến cho tôi chóng mặt. Tôi nhắm mắt lại, nhưng khi mở mắt ra tôi không thấy gì cả - một khoảng trống không nóng bỏng quét qua mọi vật thể, và cơn đau nhức khiến cho tôi kêu lên. Dù cho những gì tôi đã biết, thình lình tôi có nỗi sợ hãi rằng đôi mắt mình sẽ không phục hồi được. Triệu chứng mù mắt vì tuyết ít khi trở thành vĩnh viễn, nhưng được biết đã xảy ra. Và rồi tôi nghĩ, sẽ tồi tệ đến thế sao? Điều này có nghĩa khuôn mặt của Parker sẽ là khuôn mặt cuối cùng mà tôi thấy.

Tôi bò trên hai bàn tay và hai đầu gối, vấp phải một cái gì đó giống như một gò tuyết bị khuấy tung lên. Tôi mò mẫm mặt đất với hai bàn tay, có lẽ là hang ổ của thú rừng nào đó. Đất phía dưới lớp tuyết có màu sẫm, rời rạc. Trong tôi bị đánh động: hẳn là một con thú lớn mới có thể đào lên nhiều đất đến thế, và chỉ đào gần đầy - đất còn mới, dễ vụn nát trong tay tôi. Tôi bắt đầu đứng dậy, và tay tôi chạm phải cái gì đó dưới lớp đất khiến cho tôi lảo đảo lùi lại và la lên một tiếng trước khi tôi kịp dừng lại. Nó mềm và lạnh, rõ ràng giống như vải hoặc là... hoặc là...

“Bà Ross?”

Không hiểu bằng cách nào ông ở kế bên tôi mà tôi không hay biết. Khoảng trống không tan đi một ít và tôi có thể thấy bóng dáng sẫm màu của ông, nhưng đôi mắt tôi đang đánh lừa tôi; những hình thể vàng và tím hòa lẫn với những cành cây và những mảng tuyết trắng.

Parker nắm lấy cánh tay tôi và nói: “Suỵt... không có ai ở đây.”

“Ở đằng kia... có cái gì trên nền đất. Tôi đã chạm phải nó.”

Một đợt sóng buồn nôn phủ lấy tôi rồi rút đi. Tôi không còn nhìn ra gò đất, nhưng Parker đi lần mò quanh quất và tìm thấy. Tôi vẫn đứng yên tại chỗ, lau những giọt nước mắt chảy không ngừng (không hiểu sao tôi không khóc) từ đôi mắt. Nếu tôi không lau kịp thì nước mắt đông lại thành những hạt trân châu nhỏ trên má tôi.

“Một người trong bọn họ phải không? Một người Na Uy?” Tôi không thể gạt bỏ cảm giác trên bàn tay mình.

Parker đang ngồi xổm, cào đất và tuyết qua một bên: “Không phải một người Na Uy.”

Tôi thở ra nhẹ nhõm. Thế thì đó là một con thú. Tôi bốc một nắm tuyết chà xát hai bàn tay để gột rửa cảm giác kinh khiếp ấy.

“Đó là Nepapanees.”

Tôi bước ít bước đến ông, loạng choạng, vì không chắc đôi mắt mình nhận ra sự thật. Hình ảnh Parker lung linh và cháy bỏng trước mặt tôi như là một người vào ngày 5 tháng Mười một.

“Đứng xa ra.”

Dù sao chăng nữa thì tôi không thấy gì nhiều, còn hai chân tôi vẫn bước đến gần hơn mà tôi không chủ định. Rồi Parker đứng dậy và vòng tay giữ lấy tôi, chắn tầm nhìn của tôi đến vật thể ấy trên mặt đất.

“Chuyện gì xảy ra với anh ấy?”

“Anh ấy bị bắn.”

“Cho tôi xem.”

Sau một lúc lưỡng lự, ông bước qua một bên, nhưng vẫn nắm lấy cánh tay tôi khi tôi quỳ xuống bên cạnh nấm mồ cạn. Bằng cách nheo đôi mắt đến mức gần nhắm hẳn, tôi có thể nhận ra. Parker đã cào bới đất và tuyết qua một bên, để lộ ra phần đầu và thân người. Thi hài nằm úp mặt xuống, mái tóc được bím đã dơ bẩn, nhưng những sợi chỉ đỏ và vàng cột bím tóc vẫn còn có màu tươi sáng.

Tôi không cần phải xoay người anh lại. Anh đã không rơi qua mặt băng mà chết đuối. Có một vết thương trên lưng anh, kích thước bằng nắm tay tôi.

Chỉ đến khi quay lại ngôi nhà gỗ tôi mới nhận ra sự đần độn của mình. Tôi hẳn đã đánh rơi đôi găng tay của mình ở đâu đó giữa trảng cây, và các ngón tay tôi trắng bệch và tê dại. Hai lỗi nặng trong vòng hai ngày; tôi đáng bị xử bắn.

“Tôi xin lỗi, tôi thật là ngu dốt...” Lại xin lỗi. Vô ích, ngu dốt, gánh nặng vô dụng.

“Không tệ lắm.”

Mặt trời đã lặn, bầu trời có màu lam-lục dịu. Một đống lửa đang cháy trong ngôi nhà, và Parker đã mang khối tiền dưới dạng lông thú chất thành một chiếc giường.

Đây mới là lần thứ hai tôi để cho chuyện này xảy ra với mình; lần thứ nhất là trong mùa đông đầu tiên của tôi ở đây, và lúc ấy tôi đã lĩnh hội bài học của mình. Trong vài tuần qua, có vẻ như tôi đã quên nhiều thứ. Trong mọi sự việc.

Parker chà xát hai bàn tay tôi với tuyết. Cảm giác ở các ngón tay đã len lỏi trở lại, và các ngón tay tôi bắt đầu nóng bỏng.

“Thế thì Stewart đã ở đây - ông ta biết về các tấm lông thú.”

Parker gật đầu.

“Tôi lo mình không dùng súng được.”

Parker làu bàu: “Có lẽ sẽ không cần thiết.”

“Có thể là tốt nhất nếu ông lấy cả hai. Tôi có thể...”

Đáng lẽ tôi phải là một đôi mắt thứ hai cho ông. Trông chừng cho ông. Bảo vệ ông. Bây giờ tôi không làm được ngay cả việc này.

“Tôi rất tiếc. Tôi không giúp gì được.” Tôi kiềm nén một tiếng cười cay đắng. Đấy có vẻ như là không phải phép.

“Tôi vui vì bà đang ở đây.”

Tôi không thể nhìn thấy vẻ mặt của ông - nếu tôi nhìn thẳng đến ông thì những ánh lóe sáng lấp đầy thị lực của tôi; tôi chỉ có thể nhìn thấy ông qua khóe mắt.

Ông vui vì tôi đang ở đây.

“Bà đã tìm ra Nepapanees.”

Tôi rút hai bàn tay lại: “Cảm ơn ông. Bây giờ tôi tự làm được.”

“Không, khoan đã.” Parker mở hàng cúc của áo ông. Ông nắm lấy bàn tay trái của tôi và đưa vào bên trong, nơi cánh tay phải của ông nối với thân người ông, rồi giữ bàn tay tôi trên làn da ấm của ông. Tôi đưa bàn tay phải của mình vào bên kia, và thế là chúng tôi khóa nhau như thế, cách nhau một cánh tay, mặt đối mặt. Tôi tựa mái đầu mình lên ngực ông, bởi vì tôi không muốn ông nhìn vào mặt mình với đôi mắt đỏ ràn rụa. Nhìn vào đôi má nóng bỏng. Nhìn vào nụ cười.

Với vành tai ép vào một khoảnh da trần, tôi có thể nghe quả tim Parker đang đập. Nhịp đập nhanh không? Hai bàn tay đang cháy bỏng, hồi sinh trở lại với làn da ấm áp mà tôi chưa từng thấy. Parker đẩy tấm da chồn bạc dưới đầu tôi; một chiếc gối mềm dịu và mát mẻ trị giá một trăm đồng guinea. Sức nặng của cánh tay ông đặt lên lưng tôi. Một lúc sau, khi tôi xê dịch một chút, tôi thấy ông đang nắm một sợi tóc đã rụng ra, vặn xoắn thành một sợi thừng trong tay ông. Ông vuốt ve nó, một cách lơ đãng, như vuốt ve một trong hai con chó của ông. Có thể là vậy. Hoặc không đúng. Chúng tôi không trò chuyện gì cả. Không có gì cần phải nói. Không có âm thanh gì ngoại trừ tiếng chúng tôi thở và tiếng lửa lách tách. Và nhịp đập không đều của quả tim ông.

Nói thực lòng, nếu được ban một điều ước, tôi sẽ ước rằng đêm nay sẽ ngừng trôi. Tôi biết mình ích kỷ. Tôi không giả vờ khác đi. Và có lẽ tôi cũng xấu xa. Có vẻ như tôi không màng đến những người đã mất mạng sống, và cũng không màng phải chăng điều đó có nghĩa là cuối cùng tôi nằm ở đây như thế này, với đôi môi áp vào làn da ấm, để ông có thể cảm nhận hơi thở của tôi đến và đi.

Tôi không đáng được ban điều ước, nhưng rồi, tôi tự dặn lòng, dù đáng hay không thì cũng thế mà thôi.

Ở đâu đó ngoài kia, Stewart đang đi đến.

 

[64] Cử chỉ tình tứ: tác giả so sánh với việc người đàn ông phương Tây khi cầu hôn thường quỳ xuống trên một đầu gối trước mặt người yêu.