Sự Hiền Hòa Của Sói

Chương 17

Một tuần lễ sau khi Francis từ chối lời mời của Susannah, anh đi đến ngôi nhà gỗ của Laurent nhân khi cha anh sai anh đi làm công chuyện vặt. Anh vẫn nghĩ về Susannah Knox, nhưng bây giờ trường đã nghỉ hè và ngày đi chơi bãi biển chỉ còn là kỷ niệm mờ ảo, lung linh. Anh đã không tham dự buổi picnic và cũng không gửi lời nhắn. Anh không biết phải nói gì. Anh đã không tự hỏi hoặc tự trách mình về việc đã hắt hủi cơ hội mà từ lâu anh đã mơ tưởng. Đó giống như là, sau khi đã xem cô như là mẫu người lý tưởng mà mình không thể với tới được, thì anh không thể hình dung ra cô là cái gì khác.

Hôm ấy, một buổi chiều tà, Laurent đang pha trà ở trong nhà thì Francis huýt sáo phía ngoài cửa trước.

Salut, François[54],” anh gọi ra, và Francis đẩy cánh cửa bước vào. “Anh dùng một chút nhé?”

Francis gật đầu. Anh thích ngôi nhà gỗ của anh chàng người Pháp, lộn xộn và khác hẳn với ngôi nhà của cha mẹ anh. Các đồ vật được giữ lại với nhau bằng dây và đinh; chiếc ấm trà không có nắp nhưng được giữ lại vì nó vẫn làm nhiệm vụ chứa nước trà; anh giữ quần áo của mình trong ngăn tủ đựng trà. Khi Francis hỏi anh tại sao không đóng ngăn tủ đựng quần áo, vì anh hoàn toàn có khả năng làm việc này, thì anh đáp rằng một ngăn tủ này cũng tốt như là ngăn tủ kia, có phải vậy không?

Họ ngồi trên hai chiếc ghế bên ngoài cánh cửa mà Laurent chêm để mở ra, và Francis ngửi thấy mùi rượu cô-nhắc trong hơi thở của Laurent. Đôi lúc anh uống rượu vào ban ngày, dù Francis chưa bao giờ thấy anh quá chén. Ngôi nhà gỗ trông về hướng tây và ánh mặt trời thấp chiếu vào gương mặt hai người, khiến cho Francis phải nhắm mắt lại và nghiêng đầu. Khi anh ngước nhìn Laurent, anh thấy người đàn ông lớn tuổi hơn mình đang nhìn mình, ánh nắng vàng trong đôi mắt anh sâu thẳm.

Quel visage[55],” Laurent thì thầm, như là nói với chính mình.

Francis không hỏi câu ấy có nghĩa là gì, vì anh không nghĩ nó nói đến mình.

Bầu không khí tĩnh lặng tuyệt vời; âm thanh lớn nhất là tiếng dế kêu. Laurent mang ra một chai cô-nhắc và, không hỏi han gì, rót một ít vào tách trà của Francis. Francis uống và cảm thấy táo bạo một cách dễ chịu; cha mẹ anh hẳn sẽ la mắng anh nếu phát hiện, và anh nói ra điều này.

“Chúng ta không thể làm cha mẹ vui lòng suốt đời được.”

“Tôi không nghĩ mình làm họ vui lòng lúc nào cả.”

“Anh đã lớn. Chẳng bao lâu anh sẽ sống tự lập, phải không? Cưới vợ, kiếm một chỗ cho riêng mình, tất cả mọi chuyện còn lại.”

“Tôi không biết.” Chuyện này xem chừng không chắc xảy ra, quá xa vời một cách chóng mặt so với tiếng dế kêu và cô-nhắc và mặt trời đang xuống thấp.

“Anh có người yêu không? Cô gái da ngăm nhỏ bé đó - có phải là người yêu của anh không?”

“À... Ida hả? Không, cô ấy chỉ là bạn - đôi lúc chúng tôi đi với nhau về nhà.” Chúa ơi! Mọi người ở vùng này đều nghĩ Ida là người yêu của anh hay sao? “Không, tôi...”

Không hiểu vì sao, anh thấy mình muốn thổ lộ với Laurent về chuyện này: “Có một cô gái tôi thích. Thực ra ai cũng thích cô ấy, cô thật đẹp, và cũng hiền nữa... Vào cuối học kỳ cô mời tôi đi dự picnic. Trước đó cô chưa bao giờ thực sự trò chuyện với tôi... và tôi cảm thấy tự mãn. Nhưng tôi không đi.”

Có một khoảnh khắc im lặng dài. Francis cảm thấy mất tự nhiên và ước gì mình đã không nói ra.

“Không hiểu việc gì xảy ra với tôi nữa!” Anh cố cười cợt cho qua chuyện, nhưng không xong.

Laurent vỗ về chân anh: “Anh không có việc gì hết, mon ami[56]. Chúa tôi, chẳng có gì cả.”

Francis nhìn đến Laurent. Khuôn mặt anh người Pháp trông nghiêm túc, gần như buồn buồn. Đúng là anh đấy không? Anh có làm cho người ta buồn không? Có lẽ là vậy. Mấy lúc sau này có vẻ như Ida buồn vì anh. Còn về cha mẹ anh, đúng là... họ rất buồn. Francis cố mỉm cười để làm cho anh vui. Và rồi sự việc thay đổi. Họ đã xuống quá thấp - hoặc đã tiến quá nhanh? Anh nhận ra bàn tay của Laurent vẫn còn đặt trên chân mình, nhưng không vỗ về nữa, mà bây giờ xoa nắn đùi anh với những cử động nhịp nhàng. Anh không thể ngừng nhìn vào đôi mắt nâu-vàng. Có mùi cô-nhắc và thuốc lá và mồ hôi, và anh như thể bị dán dính vào chiếc ghế, chân tay nặng nề và cứng nhắc như thể bị lấp đầy một thứ nước ấm và nhớt. Hơn nữa, anh đang bị kéo về phía Laurent, và không sức mạnh nào trên đời có thể ngăn được.

Rồi có lúc Laurent đứng dậy, bước đến cánh cửa vẫn còn mở để định đóng lại, rồi quay sang Francis: “Anh biết đó, nếu muốn thì anh có thể ra về.”

Francis chăm chăm nhìn anh, ngừng thở và thình lình kinh hãi. Anh nghĩ mình không thể thốt nên lời, nên anh lắc đầu, chỉ một lần, và Laurent đưa chân đóng sập cánh cửa.

Sau đó, Francis nhận ra mình sẽ phải quay về nhà. Anh vẫn còn nhớ món đồ nghề mình cần mượn, dù có vẻ như việc này trải qua khoảng thời gian dài không tưởng tượng được. Anh sợ phải trở về trong trường hợp sự việc trở lại bình thường. Ngộ nhỡ lần sau anh gặp Laurent, anh này có thái độ như là không có chuyện gì xảy ra? Bây giờ Laurent có vẻ hoàn toàn thư giãn, đang mặc vào chiếc áo sơ mi, và những làn khói thuốc đang lượn lờ quanh đầu, như thể đó là chuyện bình thường, hàng ngày, như thể trái đất đã không chuyển động quanh trục của nó. Francis sợ phải trở về nhà, sợ phải nhìn cha mẹ với đôi mắt từ lúc này dò hỏi, như thể họ đã biết chuyện.

Anh đứng trên lối đi với món đồ nghề, không rõ phải từ giã ra sao. Laurent bước đến bên anh, nở nụ cười tinh quái.

“T... thế...” Francis lắp bắp. Anh chưa hề lắp bắp trong đời. “Ngày mai... tôi đến nhé?”

Laurent đưa hai bàn tay ôm lấy khuôn mặt của Francis. Vừa khô ráp vừa dịu dàng, hai ngón tay cái lần mò xương gò má. Đôi mắt hai người ở tầm cao ngang nhau. Laurent hôn anh, và đôi môi anh có cảm giác như là trung tâm của cuộc sống.

“Nếu anh muốn.”

Francis đi theo con đường dẫn về nhà, vừa sướng thỏa vừa kinh hoàng. Thật là lố bịch: con đường, cây cối, các con dế, bầu trời nhạt nắng, vầng trăng đang lên, mọi thứ đều giống y như trước. Như thể chúng không biết gì, như thể chúng không màng. Và anh nghĩ: “Chúa ơi, tôi là thế sao?”

Trong nỗi sướng thỏa và trong cơn kinh hoàng: “Tôi là thế sao?”

Susannah đã bị quên lãng. Nhà trường và mối quan tâm về các nam học sinh mờ dần vào quá khứ xa xăm. Mùa hè năm ấy, trong vài tuần, anh cảm thấy hạnh phúc. Anh đi qua khu rừng; anh là một người đàn ông khỏe mạnh, có thế lực, một người với những bí mật. Anh tháp tùng Laurent trong những chuyến đi săn và câu cá, mặc dù bản thân anh không săn hoặc câu. Khi họ gặp người nào đó trong rừng, anh gật đầu chào họ, ậm ừ cộc lốc, mắt dán vào sợi dây câu hoặc thăm dò trên cây rừng, và Laurent ngầm cho thấy anh đang trở thành một tay súng săn cừ khôi, mắt như chim ó, tàn bạo. Nhưng thời gian tuyệt diệu nhất là khi hai người bên nhau, trong khu rừng hoặc ngôi nhà gỗ, và Laurent trở nên nghiêm túc. Laurent cũng thường say xỉn, và đôi tay nâng lấy khuôn mặt của anh, nhìn và nhìn như thể không bao giờ chán.

Suy đi nghĩ lại, không có nhiều lúc như thế - Laurent kiên quyết nói anh không nên lưu lại ngôi nhà gỗ quá lâu, kẻo thiên hạ nghi ngờ. Anh cũng phải dành thời gian đúng mức ở nhà cùng với cha mẹ. Anh thấy việc này là khó khăn - từ buổi chiều hôm ấy, khi anh bước vào nhà và thấy hai người đang ngồi dùng bữa.

Anh giơ lên món đồ nghề: “Phải chờ cho anh ấy trở về.”

Cha anh gật đầu.

Mẹ anh quay lại: “Con đi lâu quá. Cha con muốn làm xong việc ấy trước khi dùng bữa. Con đã làm gì?”

“Nói với cha mẹ rồi. Con phải chờ.” Anh đặt món đồ nghề lên mặt bàn rồi đi lên lầu, phớt lờ tiếng kêu mệt mỏi của bà mẹ về bữa ăn tối.

Đang run rẩy với niềm vui.

Vì lẽ mối quan hệ với cha mẹ anh chỉ là hời hợt ngay cả vào những thời gian tốt đẹp nhất, họ không để ý đến sự khác biệt khi anh im lìm hoặc lơ đãng. Giữa các chuyến đi đến nhà Laurent, anh chia thời gian cho việc đi dạo, nằm trên giường, làm việc nhà với thái độ bồn chồn và lơ là. Chờ đợi. Và rồi một đêm khác ở ngôi nhà gỗ, hoặc chuyến đi câu cá ở hồ, khi anh thực sự là chính mình. Những khoảnh khắc được nắm bắt lấy, nồng nàn và buốt nhói, khi thời gian có thể lặng lờ trôi như buổi chiều Chủ nhật, hoặc cuồn cuộn như dòng thác. Nếu anh đếm số đêm mình đã trải qua ở ngôi nhà gỗ của Laurent, thì sẽ là bao nhiêu?

Có lẽ hai mươi. Hai mươi lăm. Quá ít.

Francis giật bắn khỏi quá khứ của mình khi Jacob đi vào phòng anh. Anh lấy làm vui vì sự gián đoạn. Jacob có vẻ kích động hơn là bình thường anh từng thấy. Francis lấy tay xoa mặt như thể anh đã thiếp ngủ, hy vọng Jacob sẽ không nhìn ra những giọt nước mắt.

Jacob đã mở miệng nhưng không nói ra tiếng nào.

“Chuyện gì thế?”

“Một chuyện lạ lùng. Người phụ nữ tên Line và hai đứa con, cùng anh thợ mộc - họ đã ra đi trong đêm. Vợ anh thợ mộc đang dọa tự tử.”

Francis há hốc miệng. Anh thợ mộc, mà anh chưa từng gặp, đã bị cô y tá của anh dẫn dụ ra đi. (Thế thì tại sao cô ấy lại hôn anh?)

Jacob đi qua đi lại: “Tuyết sẽ rơi. Không phải là lúc thuận lợi để di chuyển, nhất là đối với trẻ con. Và tôi đã gặp cô ấy, đêm hôm kia, trong chuồng gia súc. Cô ấy yêu cầu tôi đừng nói gì. Nên tôi không nói.”

Francis hít một hơi dài: “Họ là người lớn. Họ có thể làm việc gì họ thích.”

“Nhưng nếu họ không rành địa hình... họ không biết làm thế nào di chuyển trong mùa đông...”

“Còn bao lâu nữa tuyết rơi?”

“Cái gì?”

“Còn bao lâu nữa tuyết sẽ rơi? Một ngày? Một tuần?”

“Một hoặc hai ngày. Không lâu. Tại sao?”

“Tôi biết họ đi đâu. Cô ấy đã trao đổi với tôi; cô hỏi về Caulfield.”

Jacob hiểu ra ý nghĩ của anh: “Họ có thể đi tới nơi. Nếu họ được may mắn.”

༺༒༻

Một tiếng đồng hồ trước, họ đã gặp những cây đầu tiên, đúng là nhỏ và lơ thơ nhưng vẫn là cây, và Line cảm nhận một niềm vui dâng trào. Họ thật sự đang đi xa. Đây là rừng cây, và vùng rừng cây kéo dài đến tận bờ hồ. Gần như là họ sắp đến nơi đó. Tờ giấy chỉ dẫn cô đi theo hướng đông-nam cho đến khi gặp một con sông nhỏ, rồi đi theo sông này về phía hạ nguồn. Torbin đang ngồi trên yên phía trước cô, và cô đã kể cho nó nghe câu chuyện về con chó của cô thời cô còn nhỏ ở Na Uy.

Cô kể cho nó nghe giống như con chó trong truyện thần thoại cùng với những người lính, với đôi mắt to như chiếc đĩa.

“Con cũng có thể có một con chó, khi chúng ta tìm nơi nào đó để sống. Con thích thế không?” Cô đã nói hớ mà không kịp dừng.

“Nơi nào đó để sống?” Torbin lặp lại. “Mẹ nói chúng ta đi chơi. Không phải đi chơi hả?”

Line thở dài: “Đúng. Chúng ta đi để sống ở nơi khác, nơi nào đó tốt hơn, ấm hơn.”

Torbin cựa quậy quanh yên ngựa để nhìn lên mắt cô, một tia nhìn trông nguy hiểm trên khuôn mặt nó, không cởi mở, mà săm soi: “Tại sao mẹ nói dối?”

“Đó thực sự không phải là nói dối, con yêu ạ. Chuyện phức tạp nên không thể giải thích tất cả cho con, không giải thích được ở Himmelvanger. Điều quan trọng là không ai ở đó được biết, nếu không họ sẽ không cho chúng ta đi.”

“Mẹ nói dối với chúng con.” Đôi mắt của Torbin trông nghiêm khắc và hoang mang. Per và ngôi nhà thờ có mái ngói đỏ đã biến nó thành một đứa nhỏ mô phạm. “Nói dối là tội lỗi.”

“Trong trường hợp này thì đó không phải là tội lỗi. Torbin à, đừng tranh luận. Có nhiều chuyện mà con không hiểu được, con còn quá nhỏ. Mẹ tiếc phải làm theo cách này, nhưng đâu đã vào đấy rồi.”

Đôi má đỏ hồng vì lạnh và phấn khích, Torbin tức giận nói: “Con không còn quá nhỏ.” Cậu bé đang ngoe nguẩy.

“Ngồi im, anh trai trẻ, nếu không tôi đánh đòn. Tin tôi đi, bây giờ là không phải lúc để tranh cãi.”

Nhưng trong khi ngoe nguẩy, Torbin thúc cùi tay vào bụng mẹ, khiến cho cô há hốc miệng và cảm thấy cơn tức giận dâng trào. “Đủ rồi!” Cô buông tay khỏi dây cương rồi đánh vào chân thằng bé.

“Mẹ nói dối! Nói dối! Đáng lẽ con không đi!” Cậu bé thét lên, quẫy đạp giữa hai cánh tay cô rồi luồn xuống mặt đất. Hai chân nó khuỵu xuống, rồi nó đứng dậy chạy ngược về hướng họ đã đi qua.

“Torbin! Torbin! Espen!” Line kêu thét lên chát chúa, kéo giật sợi dây cương để quay đầu ngựa, nhưng có vẻ như con ngựa không hiểu chuyện gì. Con vật dừng lại rồi không cử động, như con tàu dừng ở sân ga. Espen đang phi phía trước cùng với Anna, kéo con ngựa chạy vòng lại, và thấy Torbin đang chạy len lỏi giữa những thân cây.

“Torbin!” Anh nhảy xuống, ẵm Anna trao cho Line lúc này đã xuống ngựa.

“Đứng đây, anh đi bắt nó! Đừng đi!”

Anh chạy theo Torbin, vòng quanh các thân cây và ngã bổ qua một cành cây rơi trên đất. Trong một khoảnh khắc kinh hoàng, hai người đã mất hút. Anna nhìn qua Line với đôi mắt màu lam u uẩn, và bắt đầu khóc.

“Không sao đâu, con yêu, anh con chỉ ngu xuẩn một chút. Họ sẽ trở lại ngay.” Theo sự thôi thúc, cô cúi xuống vòng hai cánh tay qua đứa con gái, nhắm mắt lại trên mái tóc lạnh lẽo trơn nhờn của cô bé.

Có lẽ không hơn vài phút sau, bóng hai người xuất hiện trở lại giữa rừng cây. Gương mặt Espen trông nghiêm nghị, và anh lấy tay lôi Torbin lúc này đã biết sợ. Nhưng vào lúc ấy, Line nhận ra một chuyện nào đó tệ hại hơn đã xảy ra.

Cô và Anna đang tìm kiếm, lúc đầu nghĩ rằng chúng ta sẽ tìm thấy ngay; một vật hình tròn, cứng, bằng thép trông giống như chiếc la bàn đáng lẽ bình thường không phải ở đây, nó sẽ lộ ra rõ ràng. Line biến đổi thành một trò chơi cho Anna, hứa hẹn phần thưởng cho người nào tìm ra. Chẳng bao lâu, trò chơi trở nên chán ngắt: địa hình ở đây quá phức tạp; những mô đất, hố sâu làm trẹo cổ chân, hang thỏ được che giấu và rễ cây quấn quít, khúc gỗ mục ngang dọc. Cô không nhớ được có phải mình đánh rơi khi Torbin thúc cùi tay vào bụng mình, hoặc sau đó, hoặc khi cô cố ghìm cương ngựa. Địa hình rối rắm không lưu lại dấu vết nơi nào họ đã đi qua.

Cô bảo Espen mình tìm không ra, và Torbin nhận ra vẻ sợ hãi trên khuôn mặt mẹ mình nên nín thinh. Cậu bé biết đó là do lỗi của mình. Tất cả bốn người bắt đầu tìm kiếm, đi thành vòng tròn quanh hai con ngựa, kéo qua một bên những cây địa y và lá cây mục, đưa bàn tay chọc xuống những hốc tối tăm, ướt lạnh. Mọi hướng đều trông giống nhau như giễu cợt họ: những bụi rậm cây thông lớn lên rồi chết đi tại chỗ, ngã xuống và dựa vào vòng tay nhau, đan kết quanh họ thành một cái bẫy dầy đặc.

Anna là người đầu tiên nhận ra: “Ma-ma, tuyết rơi.”

Line đứng thẳng dậy, lưng mỏi nhừ. Tuyết. Im lìm, những bông tuyết khô bay chung quanh cô.

Espen nhận ra dáng vẻ trên khuôn mặt cô. Anh nói: “Ta tiếp tục tìm kiếm trong nửa giờ nửa, rồi phải tiếp tục đi. Dù sao thì ta vẫn có thể nhắm hướng tốt. Quan trọng là cần phải biết hướng đi đến rừng cây. Đây là chặng dễ đi.”

Một lần, Torbin reo lên và nhảy nhót, nhưng đó chỉ là một viên đá hình tròn màu xám. Line thầm cảm thấy nhẹ nhõm khi Espen kêu dừng lại. Cô yêu anh vì cách anh nắm quyền chỉ đạo, tập họp tất cả lại để dặn dò, rồi chọn hướng mà đi tiếp. Anh chỉ ra rằng địa y mọc quanh thân cây ở hướng bắc, nên họ phải để ý quan sát xem hướng nào địa y mọc dầy hơn. Đối với Line, có vẻ như địa y mọc đồng đều mọi hướng, nhưng cô gạt ý nghĩ này đi. Espen sẽ nhận biết; anh là người bảo hộ cho họ. Cô chỉ là một phụ nữ.

Espen dẫn Torbin đến con ngựa của anh, rồi họ im lìm chạy đi. Tiếng tuyết rơi khỏa lấp mọi âm thanh, kể cả tiếng kẽo kẹt của dây cương.

༺༒༻

Tôi đi đến chuồng gia súc mà không có lý do chính đáng, ngoài việc tôi đang nghĩ làm thế nào hỏi han các phụ nữ, nhưng nói thật, tôi sợ họ. Họ trông mạnh mẽ, xa lạ và khinh khỉnh, chỉ hiền dịu đôi chút do nỗi tiếc thương. Tôi là người chưa bao giờ bận tâm với lòng từ thiện và tử tế, hoặc thậm chí hiếu kỳ về người thân cận của mình, thế thì tôi là ai mà hỏi han họ? Ít nhất các con chó tỏ ra vui mừng khi trông thấy tôi, điên cuồng vì chán ngán khi bị nhốt trong chuồng. Con Lucie chạy đến, vẫy đuôi, hai hàm mở rộng trong kiểu nụ cười hạnh phúc của loài chó. Tôi cảm thấy kỳ quặc vì tình thương mến đối với nó, cảm nhận cái đầu thô ráp của nó dưới bàn tay tôi, lưỡi thè ra như cát nóng bỏng.

Rồi Parker hiện diện ở đây. Tôi tự hỏi ông đã nhìn thấy tôi từ xa hay không.

Đây là lần đầu tiên ông đến tìm tôi. Đây là lần đầu tiên kể từ khi ông gõ cửa nhà tôi lúc nửa đêm và chúng tôi đạt thỏa thuận giúp nhau. Hôm qua thì tôi hẳn đã vui; hôm nay tôi không chắc.

Giọng nói của tôi nghe the thé không như tôi muốn: “Ông đã nhận được tin tức như mong muốn hay chưa?”

“Ý bà nói gì?”

“Lý do ông đến đây. Nó không liên quan đến Francis hoặc Jammet. Ông muốn gặp lại Stewart. Vì chuyện gì đó xảy ra mười lăm năm trước. Vì một vụ xô xát ngu xuẩn.”

Parker nói một cách cẩn trọng mà không nhìn đến tôi: “Không phải thế. Jammet là bạn tôi. Và con trai bà... à, anh ấy mến Jammet. Tôi nghĩ họ mến nhau, phải không?”

“À ra thế!” Tôi thốt ra một tiếng cười ứ nghẹn. “Quả là cách diễn đạt kỳ lạ. Ông nói nghe như là...”

Parker không nói gì. Con Lucie vẫn liếm bàn tay tôi và tôi quên rụt tay lại.

“Thật ra, tôi...” Hình như Parker đặt bàn tay ông lên cánh tay tôi, và dù một phần trong tôi muốn giật tay ra, tôi vẫn không làm gì. “Thật ra, tôi không...”

Tôi không tin được mình đã không biết. Tiếng nói của tôi vỡ vụn như lá khô: “Ông nói gì?”

“Jammet đã... À, anh ấy đã kết hôn, nhưng đôi lúc anh cũng có... bạn. Đàn ông trẻ, đẹp trai, như con trai bà.”

Bằng cách nào đó ông dẫn tôi bước xa khỏi cánh cửa, đi đến một góc tối chất những bành cỏ khô, rồi tôi ngồi trên một trong những bành này.

“Lần cuối cùng tôi gặp anh ấy - đó là vào mùa xuân - bà biết không, anh nói đến một người nào đó sống gần anh. Anh ấy biết tôi không phê phán anh; mà anh cũng không màng.”

Khuôn mặt ông thoáng nụ cười, ông bắt đầu châm lửa dọc tẩu, không vội vã: “Anh quan tâm sâu sắc đến anh kia.”

Tôi đưa tay vuốt tóc mình. Có vài lọn tóc vuột ra khỏi chiếc nơ, và qua ánh sáng ở lối đi tôi có thể thấy dăm ba sợi tóc bạc. Tôi phải đối diện với hiện thực. Tôi đang già đi, và đầu óc đầy những ý nghĩ mà tôi không chịu đựng được. Tôi không chịu đựng được ý nghĩ là mình không nhận ra những diễn tiến. Tôi không chịu đựng được ý nghĩ là Angus ghét Francis vì chuyện này, vì bây giờ tôi nhận ra rằng anh đã biết. Tôi không chịu đựng được ý nghĩ về nỗi đau buồn của Francis, hẳn là - đúng là - cực độ, bí ẩn, cô đơn không chịu nổi. Và tôi không chịu đựng được ý nghĩ là khi gặp nó, tôi đã không an ủi nó được nhiều.

“Trời ơi! Đáng lẽ tôi phải ở bên nó.”

“Bà là một phụ nữ can đảm.”

Tôi hầu như bật cười: “Tôi là một phụ nữ ngu dốt.”

“Bà đã đi đến tận đây vì con trai bà. Ghét đi như thế này. Anh ấy biết điều đó.”

“Mà không làm gì ra trò. Chúng ta vẫn chưa tìm ra người để lại dấu vết.”

Parker không chen ngang mà phủ nhận, ông im lặng hút thuốc trong một phút rồi nói: “Stewart cho bà xem vết sẹo phải không?”

Tôi gật đầu: “Ông ấy nói ông gây ra khi xô xát trong một chuyến đi.”

“Không phải trong chuyến đi. Sau đó. Để tôi nói cho bà nghe đôi điều mà có lẽ ông ấy không nói, rồi bà tự suy nghĩ. Stewart có tương lai hứa hẹn. Ai cũng nói ông ta sẽ tiến xa. Ông là mẫu người thích hợp. Vào một mùa đông ở Hồ Clear, ông bắt nhóm chúng tôi đi đến một thương điếm khác. Gần năm trăm kilômét. Tuyết phủ dày gần một mét trên mặt đất. Thời tiết thật kinh khủng. Người ta không di chuyển giữa mùa đông trừ khi bị bắt buộc. Ông ta làm thế để chứng tỏ mình làm được.”

“Có phải đó là chuyến đi nổi tiếng mà anh Moody nói đến không?”

“Đó là chuyến đi nổi tiếng, nhưng không phải vì những lý do anh ấy nêu ra. Khởi đầu, bọn tôi có năm người. Stewart, một nhân viên Công ty khác tên Rae, cháu trai của Rae, mới mười bảy tuổi. Anh con trai không làm việc cho Công ty; anh đang thăm viếng vùng này. Rồi còn có tôi và người hướng đạo, Laurent Jammet.”

“Như tôi nói, thời tiết xấu; tuyết phủ dày. Rồi thời tiết càng tệ hại hơn. Có cơn bão tuyết, và may mắn mà chúng tôi tìm được một ngôi nhà gỗ, cách xa mọi nơi chốn hàng trăm kilômét. Cơn bão tuyết tiếp tục và tiếp tục. Chúng tôi chờ cho bão dứt, nhưng đó là một trong những cơn bão tháng Giêng kéo dài hàng tuần. Thực phẩm của chúng tôi cạn dần. Chỉ có một thứ còn nhiều là rượu. Jammet và tôi quyết định đi tìm người giúp đỡ. Dường như đó là cơ hội duy nhất. Chúng tôi nói với hai người kia là sẽ trở về càng sớm càng tốt, để lại cho họ tất cả thực phẩm, rồi lên đường. Chúng tôi gặp may. Sau hai ngày, chúng tôi tìm ra một ngôi làng người Da Đỏ, rồi thời tiết lại tồi tệ thêm, và thêm ba ngày chúng tôi không quay về được.”

“Khi cuối cùng chúng tôi quay về, có chuyện đã xảy ra. Chúng tôi thấy Stewart và Rae trong tình trạng say khướt. Anh con trai đã chết, nằm trên mặt đất, chết ngộp trong thức ăn nôn mửa. Họ không bao giờ giải thích cặn kẽ, nhưng tôi nghĩ chuyện đã xảy ra là như thế này: Stewart đã nói đến cái mà ông ta gọi là ‘ra đi trong huy hoàng’. Ông đã cười đùa về việc này. Tôi nghĩ khi chúng tôi chưa về kịp thì ông đã bỏ cuộc. Ông quyết định họ phải uống rượu cho đến chết. Rae và ông ta không được như ý, nhưng anh con trai chết.”

“Làm thế nào ông biết đó là ý tưởng của ông ấy?” Tôi rùng mình trong người vì ý nghĩ này. Anh con trai khi ấy bằng tuổi Francis bây giờ.

Giọng ông nghe lạnh tanh vì khinh bỉ: “Đó là cách nghĩ của ông ta.”

“Và rồi sau đó thì sao? Họ có sa thải ông ấy không?”

“Làm thế nào họ chứng minh được? Đó chỉ là một thảm kịch. Chỉ do thiếu suy xét. Thế đã là tồi tệ rồi. Rae trở về Scotland, Stewart tiếp tục làm việc, còn anh con trai nằm trong lòng đất. Tôi rời khỏi Công ty. Từ lúc đó đến giờ tôi không gặp lại ông ta.”

“Còn vết sẹo thì sao?”

“Tôi nghe ông ta chỉ trích anh con trai. Nói anh ấy yếu đuối và sợ hãi, và muốn tìm lấy cái chết. Thế rồi tôi uống rượu.” Ông nhún vai, không tỏ vẻ tiếc nuối.

Một thời gian dài trôi qua trong im lặng. Dù sao, tôi biết ông nói chưa hết.

“Còn chuyện kia?”

“Ừ. Năm hay sáu năm trước, Công ty thiếu nhân lực nên họ mang người từ Na Uy. Phạm nhân, Stewart làm quản đốc ở Thương điếm Nai Sừng tấm, và họ nhận một nhóm người này. Những người Na Uy ở Canada cũng gia nhập bọn họ. Người quả phụ ở Himmelvanger, người chăm sóc con trai bà - chồng cô ấy ở trong nhóm này.”

Tôi nghĩ đến người quả phụ - trẻ, đẹp, với vẻ bồn chồn và khao khát. Có lẽ tố chất này giải thích vụ việc.

“Tôi không ở đó, nên đây chỉ là lời đồn đoán. Vài người Na Uy nổi loạn và bỏ trốn. Không hiểu bằng cách nào mà họ mang theo được nhiều lông thú cao giá. Lúc đó Stewart lâm vào tình cảnh bi đát, vừa vì vụ nổi loạn vừa vì mất số hàng cao giá. Một người nào đó làm việc ở nhà kho hẳn phải là tay trong.”

“Stewart phải không?”

“Tôi không biết. Dĩ nhiên là người ta phóng đại, nói các bộ lông thú là cả một khối tiền cho người nào tìm được bọn họ. Hàng chục bộ chồn bạc và chồn đen.”

“Nghe như không có giá trị nhiều để phải tốn công.”

“Bà biết một tấm da chồn bạc giá bao nhiêu không?”

Tôi lắc đầu.

“Ở London, giá cao như vàng.”

Tôi cảm thấy sốc. Và thấy thương cho các con thú. Tôi có thể không giỏi giang gì, nhưng ít nhất khi sống có giá trị hơn khi chết.

“Stewart được điều đến đây. Bây giờ ở đây không còn lông thú. Chỉ còn có thỏ. Chẳng có giá trị gì cả. Tôi không hiểu tại sao họ còn cất công duy trì Hanover. Đối với một người đầy tham vọng thì đó là sự xúc phạm. Người ta không được thăng chức từ nơi chốn như thế này. Đó là hình phạt đối với những gì ông đã làm.”

Tôi nóng lòng muốn biết rõ đoạn kết: “Chuyện này liên quan gì đến Jammet?”

“Ờ. Năm rồi...” Ông dừng lại, vân vê thuốc lá trong dọc tẩu - một cách cố ý, tôi thấy dường như thế. “Mùa đông năm rồi... tôi tìm thấy các bộ lông thú.”

“Chồn bạc và chồn đen hở?”

“Đúng.” Giọng ông pha vẻ thích thú, hoặc có lẽ để chống chế.

“Có đáng là một khối tiền không?” Tôi cảm thấy - tôi xin lỗi Francis về việc này - một nỗi phấn khích. Khối tiền có nhiều hình thức dù cho kinh khiếp, và luôn khiến cho một quả tim nông cạn như tim tôi đập nhanh hơn.

Parker hơi nhăn mặt: “Không nhiều như người ta nói, nhưng... vừa đủ.”

“Còn… mấy người Na Uy thì sao?”

“Tôi không tìm thấy họ. Nhưng bất kỳ dấu vết nào cũng đã mất từ lâu. Họ ở trên vùng trống không.”

Tôi không thể ngưng hỏi tiếp: “Ý ông nói là chó sói phải không?”

“Có lẽ.”

“Nhưng ông đã nói chó sói... để lại nhiều bộ phận.”

“Qua nhiều năm, nhiều loài sinh vật đến tiêu thụ: chim ăn thịt, chồn... Có lẽ họ đã đi xa. Điều tôi muốn nói là tôi không thấy gì hết. Các bộ lông thú được cất giấu như thể họ định quay lại. Nhưng họ không hề quay lại.”

“Thế là tôi kể cho Laurent nghe. Anh ấy sẽ tìm người mua ở Mỹ. Nhưng anh có tật rượu vào lời ra. Anh mang câu chuyện ra khoe khoang. Tin tức hẳn lan truyền, lan tới Stewart ở đây. Chính vì thế mà anh ấy bị giết.”

“Điều gì khiến cho anh nghĩ đấy là Stewart?”

“Stewart muốn chiếm các bộ lông thú hơn ai hết. Bởi vì ông ta làm mất. Nếu kiếm lại được, ông ta sẽ là anh hùng. Công ty sẽ thu nhận lại ông.”

“Hoặc là ông ta sẽ giàu to.”

Parker lắc đầu: “Tôi nghĩ tiền bạc không quan trọng. Đối với ông ta là niềm kiêu hãnh.”

“Có thể là do người khác - bất kỳ người nào đó - đã nghe Jammet nói và muốn chiếm lấy khối tiền.”

Ông quay sang nhìn tôi: “Nhưng dấu vết người đó dẫn đến đây.”

Tôi suy nghĩ về điều này một chốc. Đúng thế. Đúng nhưng chưa đủ.

“Dấu vết dẫn đến đây nhưng bây giờ đã mất. Nếu ta không tìm được hung thủ...”

Thình lình tôi nhớ ra một thứ, và nóng bừng vì phấn khích:

“Này, tôi tìm ra ở nhà Jammet...” Tôi rút ra mảnh giấy từ túi mình và trao cho Parker.

Ông xem xét, cầm nghiêng về phía cánh cửa tuy vẫn không đủ sáng.

“Sáu mươi mốt, đó là loại hàng hóa, phải không?”

“Phải. Phải rồi. Bà tìm ra cái này phải không?”

“Trong hũ bột của anh ấy.”

Parker mỉm cười. Tôi cảm nhận niềm hãnh diện - chỉ trong tích tắc, rồi mờ dần. Cái này chẳng chứng minh được gì cả, ngoài việc Jammet quan tâm đến các bộ lông thú theo cách nào đó.

Chẳng giúp ích được gì.

“Tôi trao nó cho anh ấy, với một tấm da chồn bạc. Việc này làm anh cười to, nên anh giữ lấy. Dĩ nhiên là mang tấm da đi bán.”

Tôi nói: “Ông giữ nó đi. Có lẽ ông sẽ nghĩ đến cách sử dụng nó như thế nào.” Thậm chí tôi không tự hỏi tôi có ý nói gì. Parker cũng không hỏi, nhưng mẩu giấy đã biến khỏi tầm mắt tôi. Tôi vẫn không biết phải làm gì. Dĩ nhiên Moody là người cần được thuyết phục.

“Ông sẽ kể cho Moody tất cả chuyện này chứ? Có lẽ lúc bấy giờ anh ấy sẽ nhận ra.”

“Đó không phải là bằng chứng, như bà đã nói. Moody yêu mến Stewart; Stewart luôn có tài khiến cho những người như Moody yêu mến mình. Hơn nữa, Stewart đã không đi đến Sông Dove. Có một người nào khác.”

“Tại sao lại có người gây án hộ cho người khác?”

“Có nhiều lý do. Tiền bạc. Sợ hãi. Khi ta biết người đó là ai thì ta sẽ biết tại sao.”

“Đó có thể là một trong những người ở đây. Có lẽ đó là Nepapanees, và khi anh ấy... đe dọa khai ra, Stewart giết anh.”

“Tôi đang nghĩ, tôi tự hỏi họ có thể tìm ra thi hài anh ấy hay không.”

“Có nghĩa là sao?”

“Có nghĩa, họ đi theo hướng Stewart chỉ cho họ đi. Tuyết sẽ bao phủ dấu vết. Họ chỉ nghe ông ta nói chuyện gì đã xảy ra.”

Bầu không khí im lặng dày đặc đến nỗi ngay cả tiếng các con chó ăng ẳng không thể xuyên qua.

 

[54] Salut, François: tiếng Pháp trong nguyên bản, có nghĩa “Chào, François”, François là biến thể theo tiếng Pháp của Francis.

[55] Quel visage: tiếng Pháp trong nguyên bản, câu nhận xét chung chung có nghĩa “Quả là khuôn mặt”.

[56] Mon ami: tiếng Pháp trong nguyên bản, có nghĩa “bạn thân của tôi”.