Sự Hiền Hòa Của Sói

Chương 16

Từ lúc cha cô trở về nhà sau một đêm bị giam giữ, ông xem dường là một con người khác, ông ngồi một mình trong phòng đọc sách, không đọc sách hoặc viết thư hoặc làm việc gì khác để giúp mình bận bịu, mà bất động nhìn qua khung cửa sổ trong hồi lâu. Maria nhận biết tình trạng này bởi vì cô đã nhìn lén qua lỗ khóa, sau khi ông ra lệnh không được làm phiền. Bản chất của ông không phải là tự mình tách ra khỏi cô, nên cô lo lắng.

Susannah cũng lo lắng, nhưng vì những lý do khác. Dĩ nhiên là cô quan ngại cho người cha và hành vi kỳ lạ của ông, nhưng ông vẫn ngồi dùng bữa cùng với gia đình, và cũng tỏ ra vui tươi. Như cô nói với chị, hẳn vào lúc này ông không thể thi hành các nhiệm vụ của một quan tòa, thế thì ông làm được việc gì khác? Không, Susannah chỉ tỏ lòng quan ngại đối với Donald. Anh và Jacob đã ra đi được ba tuần, không lâu lắm, dù cho họ dự định sẽ trở về sớm hơn. Maria và Susannah đã ức đoán về lý do. Câu trả lời hiển nhiên nhất là họ vẫn chưa tìm ra Francis Ross. Nếu anh con trai kia đã chết, họ hẳn sẽ trở về. Nếu họ tìm thấy anh gần đâu đó thì cũng thế.

Với đôi mắt mở tròn, gần bật khóc, Susannah hỏi: “Nhưng nếu họ tìm ra Francis và anh giết họ để trốn lánh công lý thì sao?”

Maria tỏ vẻ khinh thường: “Em thực sự nghĩ Francis Ross có thể giết anh Moody và Jacob, khi cả hai người đều được vũ trang hay sao? Hơn nữa, anh ta hẳn không đủ sức. Anh ta không cao hơn em. Thực sự đó là chuyện vô lý nhất mà chị từng nghe.”

Bà mẹ trách móc khi ngồi trên ghế lo việc may vá: “Maria...”

Susannah bực bội nhún vai: “Em chỉ nghĩ đến giờ này thì họ đã phải gửi tin tức về.”

“Họ không gửi được nếu không có người mang tin.”

“Ôi chao, không phải như họ đang ở giữa... Ngoại Mông.”

Maria chẳng đặng đừng nhận xét: “Thực ra, Mông Cổ còn có mật độ dân cao hơn Canada nhiều.”

“Nếu chị muốn trấn an em thì... đừng nói vậy!” Susannah đứng dậy bước ra khỏi phòng, đóng sầm cửa lại.

Bà Knox nói nhẹ nhàng: “Đáng lẽ con phải tỏ ra tử tế hơn. Nó đang lo lắng.”

Maria cố kiềm chế cãi lại. Có lẽ cô cũng lo lắng, nhưng như từ trước đến giờ, mọi người đều quan ngại cho trạng thái tinh thần của Susannah hơn là của cô.

“Thực sự là không có gì phải lo lắng. Ta có thể nhận tin tức bất cứ lúc nào. Con lấy làm ngạc nhiên Công ty đã không cử người đi tìm họ.”

Không khí trong gia đình ngột ngạt vì người cha ngồi như phỗng đá trong phòng đọc sách, Susannah đang rơi nước mắt, còn người mẹ im lìm một cách kỳ lạ. Maria quyết định phải thoát ra khỏi tất cả. Sự thật là cô bứt rứt phần nào vì phản ứng của mình khi bàn về Moody. Cô cũng đang thắc mắc chuyện gì đã xảy ra đối với họ, và cầu mong anh được bình an; tương tự như người ta quan ngại về bất kỳ người bạn nào họ không nghe tin tức trong một thời gian. Điều này chẳng có nghĩa gì cả. Nhưng cô đang nghĩ đến gương mặt của anh: tàn nhang trên đôi gò má, đôi gọng kính xệ thấp trên sống mũi, và nụ cười khôi hài mỗi khi anh được hỏi, như thể anh nghi ngờ khả năng mình trả lời, nhưng vẫn sẵn lòng trả lời.

Cô đi đến cửa hàng với đôi giày ủng và chiếc váy lấm bùn. Bà Scott đang đứng sau quầy, và chỉ ngẩng đầu trong một tích tắc. Khi chào bà, cô thoáng thấy một vết sưng đang ngả màu vàng trên gò má trái, hủy hoại nét cân đối của khuôn mặt. Bà Scott - có thời là cô Rachel Spence - đóng vai trò Đức mẹ Đồng trinh trong ảnh Chúa giáng trần ở trường học. Cư dân lớn tuổi vẫn nhắc cho bà nhớ điều này, nhưng đó là ngày xưa, còn bây giờ họ hay hỏi đến những sự cố xảy ra mà bà thường xuyên chịu đựng.

Ông Sturrock đang ở trong phòng. Maria ngồi chờ gần bếp lò ở tầng dưới, không chắc ông chịu gặp mình, nhưng chỉ một phút sau ông đi xuống.

“Cô Knox. Cơ may nào giúp cho tôi gặp cô?”

“Ông Sturrock à, tôi e là do nỗi buồn chán.”

Ông nhún vai một cách tao nhã, hiểu ý nghĩa câu nói của cô theo cách khác: “Tôi lấy làm vui, nếu chuyện đó mang cô tới đây.”

Có nét gì đó trong diễn cảm của ông làm cho cô e dè. Nếu ông là người trẻ tuổi hơn thì cô hẳn nghi ông có tình ý với mình. Có lẽ là vậy. Cô nghĩ nếu chỉ có người lớn tuổi hơn cha cô để ý đến cô thì đó là chuyện bình thường.

Sturrock gọi cà phê rồi nói: “Cô đừng nghĩ tôi thiếu phép tắc nếu tôi mời cô lên phòng nhé? Chỉ là một cái mà tôi muốn cho cô xem.”

“Không, tôi không cho đó là thiếu phép tắc.” Điều kỳ lạ là cô đã nghĩ thế, tuy có phần nghi ngại.

Phòng ông có mùi mốc, nhưng sạch sẽ. Ông thu dọn chồng giấy trên chiếc bàn gần cửa sổ, và kéo hai chiếc ghế. Maria ngồi xuống, cảm thấy thích sự chăm sóc của ông. Lúc còn trẻ hẳn ông khá đẹp trai, và thật ra bây giờ vẫn thế, với mái tóc bạc dầy và đôi mắt xanh lam trong trẻo. Cô cười thầm với chính mình về ý nghĩ ngốc nghếch.

Quang cảnh nhìn từ cửa sổ là mặt tiền con đường; vị trí tốt cho người muốn nhìn cảnh qua lại. Chẳng chóng thì chầy, mọi người sống ở Caulfield đều sẽ đến cửa hàng. Ngay cả ngôi nhà của cô cũng được nhìn thấy thấp thoáng đằng xa, và xa hơn nữa là mặt nước xám lặng lờ dưới trần mây thấp.

“Không bằng lâu đài, nhưng tôi thấy nó được việc.”

“Ông làm việc ở đây hở?”

“Theo một cách nói thì là vậy.” Ông ngồi xuống, trao cho cô một tờ giấy: “Cô nghĩ gì về cái này?”

Maria cầm tờ giấy, trông cũ kỹ, được xé ra từ một quyển sổ. Có những đường vẽ bút chì, nhưng thoạt tiên cô không nhìn ra phương hướng trên dưới ra sao. Có những dấu hiệu có góc cạnh - chủ yếu là những đường theo các cấu hình khác nhau: đa giác, đường song song, đại loại như thế. Chung quanh các dấu này là nét vẽ phác của một số hoa văn hình gậy, nhưng không có khuôn mẫu rõ ràng. Cô xem xét một cách cẩn thận.

“Tôi rất tiếc phải làm cho ông thất vọng, nhưng tôi không nhìn ra cái gì hết. Đây là bản chép hoàn chỉnh chứ?”

“Vâng - theo những gì tôi biết. Nó được chép lại từ một mảnh nguyên vẹn, nhưng dĩ nhiên còn có những hình khác.”

“Chép lại từ cái gì? Đây không phải thuộc về Babylon[48], đúng không, mặc dù trông khá giống chữ viết hình nêm[49].”

“Đó cũng là ý nghĩ đầu tiên của tôi. Nhưng không thuộc về Babylon, hoặc chữ viết tượng hình[50], hoặc chữ Hy Lạp. Nó cũng không phải Sanskrit[51], hoặc Do Thái, hoặc Aramaic[52], hoặc Ả Rập.”

Maria mỉm cười; ông đang nói về việc đánh đố, và cô thích việc đánh đố. “Nó không phải chữ Hán hoặc chữ Nhật. Tôi không biết, tôi không nhận ra - các hình thể này... Nó có phải là một loại chữ viết ở châu Phi không?”

Ông lắc đầu: “Nếu cô nhận ra thì tôi rất khâm phục. Đây là cái gì đó mà tôi đã mang đến các viện bảo tàng và trường đại học để cho các chuyên viên ngôn ngữ xem, nhưng họ đều không nhận ra nó là cái gì.”

“Và cái gì đó khiến cho ông nghĩ rằng... nó còn hơn là một khuôn mẫu trừu tượng, đúng không? Ý tôi nói là, mấy hình thể này trông như trò trẻ con.”

“Đó là bởi vì tôi không có kỹ năng sao chép lại cho chính xác. Nguyên bản có một khuôn mẫu nhất định. Như cô nói, đây chỉ là một phần. Nhưng đúng, tôi vẫn nghĩ nó còn hơn là vài nét nguệch ngoạc.”

“Ông nói nét nguệch ngoạc là sao?”

“Nguyên bản được cắt thành một mảnh xương, và được nhuộm với một loại phẩm màu đen nào đó, có lẽ là một hỗn hợp bồ hóng. Công việc này rất công phu. Đây là những hình thể xếp đầy chung quanh, theo một chuỗi. Tôi nghĩ các dấu hiệu là một thứ ngôn ngữ và ghi lại một sự kiện nào đó, và các hình thể minh họa sự kiện đó.”

“Thật vậy sao? Ông đã diễn dịch tất cả điều này hở? Nguyên bản hiện đang ở đâu?”

“Ước gì tôi biết được. Người làm chủ nó đã hứa trao nó cho tôi, nhưng...” Ông nhún vai.

Maria nhìn ông chăm chú: “Người đó... có phải là Jammet không?”

“Cô đoán giỏi lắm!”

Cô cảm thấy kích xúc với một niềm tự mãn: “Thế là nó nằm trong số tài sản của anh ấy phải không?”

“Nó mất rồi.”

“Mất rồi? Ý ông nói là bị đánh cắp chứ gì?”

“Tôi không biết. Hoặc nó bị đánh cắp, hoặc anh ấy bán nó hay cho ai đó. Nhưng tôi nghĩ hai việc sau là không đúng; anh ấy nói sẽ giữ nó cho tôi.”

“Vì thế... ông đang chờ anh Moody mang nó về phải không?”

“Có thể là hão huyền, nhưng đúng vậy.”

Maria lại nhìn vào tờ giấy: “Ông biết không, nó gợi cho tôi nhớ đến cái gì đó... hoặc đúng hơn là các hình thể gợi cho tôi. Nhưng tôi không chắc đó là cái gì. Tôi không nhớ.”

“Nếu cô cố nhớ ra thì tôi rất cám ơn.”

“Ông Sturrock à, xin đừng bắt tôi phải khổ sở. Nó là cái gì vậy?”

“Tôi rất tiếc. Tôi không biết.”

“Nhưng ông có một ý tưởng.”

“Đúng. Điều này nghe ra không tưởng, nhưng tôi... có một - à, tôi nghĩ hy vọng là cách nói đúng nhất. Tôi hy vọng đây là một thứ chữ viết của người Da Đỏ.”

“Ý ông nói... người Da Đỏ Bắc Mỹ? Nhưng họ không có chữ viết - ai cũng biết điều này.”

“Có thể xưa kia họ có chữ viết.”

Maria suy nghĩ về lời ông nói. Ông có vẻ hoàn toàn nghiêm túc.

“Nguyên bản cũ là như thế nào?”

“À - tôi cần phải tìm hiểu.”

“Ông biết nó từ đâu ra không?”

“Không, và bây giờ khó mà tìm hiểu.”

“Thế thì...” Cô tìm cách chọn ngôn từ cho đúng, không muốn làm ông phật lòng: “Dĩ nhiên là ông đã nghĩ nó có thể là vật giả mạo.”

“Tôi đã nghĩ tới điều này. Nhưng thường người ta chỉ làm ra vật giả mạo để kiếm chác. Khi có thị trường cho những vật như thế. Tại sao ai đó lại cất công làm ra một vật mà không có giá trị?”

“Nhưng đó chính là lý do khiến cho ông đến đây, Caulfield, phải không? Thế thì ông hẳn tin nó không phải là vật giả mạo.”

Ông mỉm cười, tự chế nhạo mình: “Tôi không phải giàu có. Nhưng luôn vẫn có thể - tuy rằng không chắc - đó là vật thực.”

Maria lại mỉm cười, không chắc chắn mình nghĩ gì. Tính hay nghi ngại là rào cản giúp bảo vệ cô chống lại sự giễu cợt, và đó là cách cô thể hiện thái độ kịch liệt phản đối. Nhưng cô e rằng ông đang đi theo con đường sai lầm.

“Các hình thể đó... gợi cho tôi nhớ lại những hình vẽ của người Da Đỏ mà tôi đã từng thấy. Như là lịch, đại loại như vậy, ông biết chứ.”

“Cô không thấy thuyết phục.”

“Tôi không biết. Có lẽ nếu tôi xem qua nguyên bản...”

“Dĩ nhiên rồi, cô cần xem qua. Cô nói đúng, chính vì thế mà tôi đến đây. Đó là mối quan tâm của tôi: các sự vụ và lịch sử của người Da Đỏ. Tôi thường viết các bài nghiên cứu. Tôi được tiếng nhờ đó, tuy chỉ là nhỏ nhoi thôi. Tôi thực lòng tin...” ông ngập ngừng, nhìn ra khung cửa sổ, “… tôi thực lòng tin rằng nếu người Da Đỏ có một nền văn hóa chữ viết, thì người ta sẽ đối xử với họ khác đi.”

“Ông có thể đúng.”

“Tôi có một người bạn, một người bạn Da Đỏ, thường nói đến điều khả dĩ này. Cô thấy không, điều này không phải là hoàn toàn chưa ai nói tới.”

Nếu Sturrock cảm thấy thất vọng vì phản ứng của cô thì ông vẫn không để lộ ra.

Cảm thấy mình đã quá khắt khe, cô đưa tay nắm lấy tờ giấy: “Tôi chép lại được không? Nếu ông cho phép - Tôi có thể mang đi mà... thử làm việc gì đó.”

“Làm việc gì?”

“Chữ viết là một thứ mã, phải không. Và bất kỳ thứ mã nào cũng có cách giải mã.” Cô nhún vai, cho thấy mình không có kinh nghiệm trong việc này.

Sturrock mỉm cười và đẩy tờ giấy về phía cô: “Được rồi, cô cứ tự nhiên. Tôi đã thử, nhưng không thành công.”

Maria không hề tin rằng mình có thể giúp, nhưng ít ra việc này cũng giúp tâm trí cô thoát khỏi mấy chuyện chán nản và lo lắng đang vây phủ cô mọi bề.

༺༒༻

Ông ở độ tuổi trung niên, người tầm thước, với đôi mắt xanh lam tinh anh trên gương mặt phong sương, và mái tóc muối tiêu cắt ngắn. Ngoài đôi mắt, bộ dạng ông không có gì nổi bật, nhưng tạo ấn tượng của một con người khiêm tốn, có sức thu hút, đáng tin cậy. Tôi có thể hình dung ông là một luật sư hoặc bác sĩ miền quê, một mẫu người công chức vốn đã đem trí thông minh làm việc tốt - ngoại trừ có lẽ đôi mắt ấy: như soi mói, nhìn sâu rộng, sáng sủa như mơ mộng. Đôi mắt của một nhà tiên tri. Tôi thấy ngạc nhiên, thậm chí bị thu hút. Không hiểu sao tôi đã nghĩ mình sẽ gặp một quái vật.

Stewart bắt tay tôi và khẽ cúi đầu chào: “Bà Ross. Rất hân hạnh được gặp bà.”

Tôi gật đầu.

“Còn anh hẳn là Moody. Hân hạnh được quen biết với anh. Frank nói với tôi anh làm việc ở Vịnh Georgian. Một vùng đẹp đẽ của phần đất này.”

Moody mỉm cười và bắt tay với Stewart: “Vâng, đúng vậy. Tôi cũng hân hạnh được gặp ông. Tôi đã nghe nói nhiều về ông.”

Stewart lắc đầu với một nụ cười, có vẻ như ngượng ngập: “À, thế... Ông Parker. Tôi nghĩ cần cảm ơn ông đã dẫn đường cho hai vị này trong cuộc hành trình khó khăn như vậy.”

Parker lưỡng lự một giây đồng hồ rồi đưa tay bắt. Theo tôi nhận xét, khuôn mặt Stewart không tỏ vẻ gì là ghi công Parker cả.

“Ông Stewart, tôi rất vui được gặp lại ông.”

Stewart lộ vẻ như vừa muốn tạ lỗi vừa lúng túng: “Gặp lại? Xin lỗi, tôi không nhớ...”

“William Parker. Gần Hồ Clear. Mười lăm năm về trước.”

Mặt ông tỏ vẻ tươi tắn dễ chịu: “Hồ Clear à? Ông Parker, xin ông thứ lỗi, trí nhớ tôi bây giờ đã kém.”

Parker không cười: “Có lẽ nếu ông vén tay áo bên trái, ông sẽ nhớ.”

Nét mặt Stewart thay đổi, và trong một giây khắc tôi không hiểu nổi. Rồi ông cười phá lên, đập tay lên vai Parker: “Trời đất! Làm thế nào tôi quên được? William! Đúng rồi, đương nhiên. Mà này, đã lâu lắm rồi, như ông nói.” Rồi ông nghiêm sắc mặt lại: “Rất tiếc tôi đã không đến gặp ông sớm hơn khi mới trở về. Có một tai nạn thương tâm, như quý vị đã nghe.”

Chúng tôi gật đầu, như bọn học trò gật đầu với thầy hiệu trưởng.

“Nepapanees là một trong số những nhân viên giỏi nhất của tôi. Chúng tôi đang săn thú dọc một con sông cách đây không xa.” Ông nói nhỏ lại, và tôi nghĩ tuy không chắc, tôi thấy long lanh giọt lệ trong đôi mắt ông: “Chúng tôi đang theo dấu vết nào đó và... tôi vẫn không tin chuyện gì đã xảy ra. Nepapanees là người có kinh nghiệm theo dõi dấu vết; người săn thú giỏi. Trong vùng lùm bụi thì không ai biết rành như anh ấy. Nhưng trong khi đi theo một dấu vết dẫn ra dọc bờ sông, anh ấy bước lên một lớp băng mỏng rồi chìm nghỉm.”

Ông ngưng lại, đôi mắt chú mục vào cái gì đấy không hiện diện trong phòng. Tôi nhận thấy gương mặt ông, vốn thoạt tiên toát vẻ tự tin, bây giờ hằn vẻ mệt mỏi. Có thể ông ở tuổi bốn mươi. Có thể ông già hơn mười lăm tuổi. Tôi không biết chắc.

“Chỉ một phút anh ấy ở đó, phút kế tiếp đã biến mất. Anh chìm xuống, cho dù tôi bò ra xa đến mức có thể được nhưng vẫn không thấy anh ấy. Tôi còn gục mặt xuống để tìm, nhưng vô ích. Tôi vẫn tự hỏi - có lẽ mình đã làm được hơn thế nữa?”

Ông lắc đầu: “Bạn có thể làm một việc cả ngàn lần mà không nghĩ ngợi gì. Giống như đi trên mặt nước đóng băng. Bạn đã biết rõ lớp băng dày bao nhiêu, biết dòng nước bên dưới chảy mạnh hay yếu. Và rồi sau những lần như thế bạn biết là an toàn, lần kế tiếp bạn đặt chân lên thì bạn phạm phải sai lầm, và mặt băng không đỡ được sức nặng của bạn.”

Moody gật đầu với vẻ cảm thông. Parker đang nhìn ông với chút ít chú ý, săm soi ông với cùng dáng vẻ mà tôi đã thấy trên gương mặt ông khi đang xem xét mặt đất, cố tìm ra dấu vết. Tôi không rõ ông thấy khó hiểu chỗ nào, vì Stewart chỉ lộ vẻ hối tiếc và buồn rầu.

Tôi hỏi: “Người ngoài kia là vợ anh ấy phải không?”

“Elizabeth tội nghiệp. Đúng. Họ có bốn đứa con; bốn đứa trẻ không cha. Một hoàn cảnh kinh khủng. Tôi thấy anh đi ra gặp cô ấy.” Ông đang nói với Moody: “Có lẽ anh nghĩ chúng tôi vô cảm khi để cô ấy một mình, nhưng đó là cung cách của họ. Họ tin rằng không ai có thể nói gì vào thời khắc như thế này. Phải để họ than khóc theo cách của họ.”

“Nhưng hẳn là, họ có thể nói cho cô ấy biết là cô không phải đơn độc. Và trong thời tiết này...”

“Nhưng trong nỗi đau của riêng cô ấy, thì cô đơn độc, phải không? Anh ấy chỉ có một vợ, và cô ấy chỉ có một chồng.” Đôi mắt xanh của ông nhìn qua tôi, và tôi phải nhìn nhận là ông nói đúng. “Cô ấy đặc biệt đau khổ vì tôi không mang thi hài anh ấy về được. Quý vị biết không, theo người Da Đỏ thì chết đuối là vô phúc. Họ tin rằng linh hồn không thể siêu thoát. Ít nhất cô ấy đã được rửa tội, nên có lẽ cô sẽ tìm thấy ít an ủi. Và các đứa trẻ cũng thế. Đó là phúc lành.”

Dù đang ở trong không khí gây sốc, Stewart vẫn nhất quyết muốn dẫn chúng tôi đi xem chung quanh. Chuyến tham quan là cử chỉ lịch sự đối với tất cả khách viếng thăm, nhưng có tính cách khập khiễng và hão huyền, như thể chúng tôi đang đóng vai trò của các vị khách thì thầm lời khen tặng.

Đầu tiên, ông dẫn cho chúng tôi đi xem tòa nhà chính; ba mặt là quảng trường. Tòa nhà một tầng bằng gỗ với một hành lang chính giữa như là cột sống, và các phòng nằm dọc theo hai bên. Trong khi chúng tôi đi xem, sự khác biệt giữa quá khứ và hiện tại của Hanover càng lúc càng rõ nét. Toàn thể một chái của tòa nhà là dành cho khách; ít nhất có chục phòng. Các phòng dành cho chúng tôi hướng ra phía ngoài, nhìn ra con sông và khu đồng bằng. Bây giờ quang cảnh toàn một nền trắng cùng những đường chân trời màu xám lờ mờ hòa trộn nhau, có một dốc đá màu nâu cắt ngang. Nhưng vào mùa hè thì cảnh này hẳn là đẹp. Rồi có một phòng ăn, nhưng khi không có bàn ăn dài thì xem trống vắng và cô đơn. Stewart cho chúng tôi biết rằng xưa kia, khi Hanover còn là trung tâm của một vùng có nhiều lông thú, nơi đây chứa một trăm nhân viên và gia đình của họ, và lợi nhuận cao tạo ra những buổi tiệc tùng kéo dài thâu đêm. Nhưng đó là nhiều năm về trước, trước khi Stewart đến nhận công tác. Trong khoảng hai mươi năm qua, thương điếm này hoạt động với một đội ngũ nhân viên ít ỏi, cố duy trì quyền kiểm soát chông chênh của Công ty trong vùng hoang dã, nhằm giữ thể diện của quá khứ hơn là vì lý do tài chính hợp lý.

Chái trung tâm dài của tòa nhà phần lớn là trống vắng; lúc trước là nơi cư ngụ của nhân viên điều hành, bây giờ là hang ổ của nhện và chuột. Thay vì có hàng chục nhân viên điều hành, bây giờ chỉ còn Stewart và Nesbit. Một nhân viên duy nhất cư ngụ ở đây là thông dịch viên chính, Olivier, một anh trai trẻ không lớn tuổi hơn Francis. Stewart kêu anh này đến gặp chúng tôi, và có lẽ anh không vui nhưng vẫn không lộ ra ngoài mặt. Anh có đầu óc nhanh lẹ, sẵn sàng làm vui lòng người, và với vẻ tự hào Stewart nói với chúng tôi rằng anh nói giỏi bốn thứ tiếng vì có lợi thế ở cha mẹ anh: một người nói tiếng Pháp và một người nói tiếng Anh, có gốc gác ở hai sắc tộc bản địa khác nhau.

Stewart nói: “Olivier sẽ tiến xa trong Công ty,” và Olivier mặt sáng lên với vẻ vui mừng lẫn ngượng ngập. Tôi tự hỏi có đúng thế không: làm thế nào một anh trai trẻ da ngăm đen tiến thân trong một công ty của người nước ngoài? Nhưng rồi, có lẽ anh đã tiến khá. Anh có công ăn việc làm và có tài năng, lại có người nâng đỡ là Stewart.

Từ chái thứ ba của tòa nhà, gồm các văn phòng, Stewart dẫn chúng tôi đến một kho chứa hàng, ông giải thích là trong mùa hè họ đã chở đi phần lớn lượng lông thú, nên bây giờ hàng tồn kho còn ít. Người đặt bẫy làm việc trong mùa đông để kiếm lông thú, và đến mùa xuân họ mang sản phẩm đến bán cho thương điếm. Donald dọ hỏi về các loại hàng hóa và sản lượng, và Stewart chú tâm trả lời khiến cho Donald cảm thấy tự mãn. Tôi liếc qua Parker để thăm dò phản ứng của ông, nhưng ông ngó lơ. Tôi cảm thấy bị hắt hủi. Những người khác phớt lờ, nhưng có cái gì đấy đập vào mắt tôi. Tôi cúi xuống và nhặt lên một mẩu giấy hình vuông. Viết trên đó là một số chữ cái và chữ số: 66HBPH, tiếp theo là tên các con thú. Tôi nhớ lại rằng mình vẫn còn giữ mẩu giấy mà Jammet đã cẩn thận giấu - có lẽ vậy - trong ngôi nhà gỗ của anh.

Tôi trao mảnh giấy cho Stewart: “Cái gì thế?”

“Đó là giấy đóng gói. Khi chúng tôi đóng gói lông thú...” ông đang nói với mình tôi, là người duy nhất không biết đến cách làm việc của Công ty, “… danh sách các món hàng được để trên cùng để chúng tôi biết mình không mất món nào. Mã số trên cùng chỉ ra loại hàng hóa - đây là tháng Năm năm rồi, tên Công ty, dĩ nhiên là vậy, tên hạt, tức là Missinaibi, được chỉ danh bằng chữ P, và thương điếm - Hanover, H. Vì vậy mà mỗi gói hàng được xác định xuất xứ và thời điểm.”

Tôi gật đầu. Tôi không nhớ các chữ cái trên mảnh giấy của Jammet, chỉ biết rằng đấy là vài năm trước, có lẽ là vào lần cuối anh làm việc ở đấy. Vẫn còn cần được giải thích thêm.

Đi quá các nhà kho là khu chuồng gia súc, trống trơn ngoại trừ các con chó và vài con ngựa. Và quá nữa, là bảy hoặc tám ngôi nhà gỗ nơi các nhân viên tải hàng sống với gia đình của họ, và nhà nguyện.

“Bình thường thì tôi dẫn quý vị đi gặp mọi người, nhưng hôm nay... Đây là một cộng đồng gần gũi, đặc biệt bây giờ chúng tôi không có nhiều người. Có nhiều chuyện buồn.” Rồi ông quay đầu lại, hình như nói với riêng tôi lần nữa: “Xin tự nhiên đến nhà nguyện bất kỳ lúc nào. Luôn mở cửa.”

“Ông Stewart, tôi biết lúc này đầu óc ông bận rộn nhiều việc, nhưng ông biết là chúng tôi có lý do để đến đây không?” Tôi không màng liệu bây giờ có phải là lúc thuận tiện để nêu ra việc này hay không, tôi không muốn Moody là người đầu tiên nói ra.

“Vâng, tôi biết chứ. Frank nói với tôi về chuyện nào đó... Quý vị đang đi tìm ai đó, phải không?”

“Con trai tôi. Chúng tôi đã theo dấu nó. Dấu vết dẫn chúng tôi đến đây... hoặc ít nhất là gần đâu đây. Lúc gần đây ông có thấy người lạ mặt nào không? Nó là đứa trẻ mười bảy tuổi, tóc đen...”

“Không, tôi rất tiếc. Trước khi quý vị đến đây, chúng tôi không thấy ai cả. Tôi e mình đã bỏ sót, với mọi chuyện như thế này... Tôi sẽ hỏi mấy người khác. Nhưng theo tôi được biết thì không có ai khác đang ở đây.”

Vậy là trước mắt chỉ có thế. Moody có vẻ không hài lòng với tôi chút nào, nhưng đó là vấn nạn nhỏ nhặt nhất của tôi.

Stewart kiếu chúng tôi để đi lo vài công việc của Công ty và tôi nhìn qua Parker và Moody. Chúng tôi ngồi trong phòng khách của Stewart, với một lò sưởi tạo cảm giác khá thoải mái, và một bức tranh sơn dầu phía trên lò sưởi, vẽ các thiên thần.

“Tối qua, ngay sau khi chúng ta đến đây, tôi nghe Nesbit đang đe dọa một phụ nữ. Anh ta bảo cô ấy sẽ biết tay anh ta nếu cô không giữ mồm giữ miệng ‘về ông ấy’. Anh ta nói thế - ‘về ông ấy’. Cô ấy đang tranh cãi; tôi nghĩ cô không muốn làm theo. Và rồi anh ta nói chuyện gì đó sẽ xảy ra khi ‘ông ấy’ trở về. Đấy hẳn là Stewart.”

Moody hỏi: “Cô ấy là ai vậy??’

“Tôi không biết. Tôi không thấy mặt cô này, và cô nói khẽ hơn anh ta.”

Tôi lưỡng lự, không biết có nên kể cho Moody nghe về Nesbit và Norah hay không. Có cái gì đấy khiến cho tôi nghĩ người ấy là Norah; xem dường cô là mẫu người thích tranh cãi. Nhưng cánh cửa đã bật mở và anh thông dịch trẻ Olivier bước vào. Dường như anh được sai phái đến để làm bạn với chúng tôi. Nhưng tôi có cảm tưởng như người nào đấy muốn theo dõi chúng tôi.

༺༒༻

Có lần cô nghe chuyện một phụ nữ lâm vào cảnh rối rắm vì người chồng đe dọa giết cô này. Cô đi đến thương điếm gần nhất của Công ty và đứng chờ bên ngoài, với tư trang của cô chất đống trước mặt. Đầu tiên, cô đốt tư trang của mình. Rồi châm que diêm đốt chiếc túi treo quanh cổ. Chiếc túi chứa đầy thuốc súng và nổ tung, khiến cho cô mù mắt, mặt và ngực bị bỏng. Sống sót vì lý do khó hiểu, cô lại lấy một sợi dây thừng treo cổ mình trên một nhánh cây. Nhưng cô vẫn sống, rồi lấy một cây kim dài đâm vào lỗ tai phải. Cho dù cây kim đâm lút sâu vào đầu, cô vẫn không chết. Cô chưa tới số, và linh hồn cô không muốn rời xa cô. Thế là cô từ bỏ ý định, đi đến nơi nào đó để bắt đầu cuộc sống mới, rồi khấm khá lên. Tên cô là Chim-bay-trong-ánh-nắng.

Điều lạ lùng là cô còn nhớ những chi tiết như thế trong câu chuyện. Tên người phụ nữ; lỗ tai bên phải. Có lẽ cô nhớ cái tên vì nó có phần giống tên cô: Bird - tức Chim. Cô không biết gì khác về người phụ nữ kia, ngoại trừ cô biết muốn chết là như thế nào. Nếu không vì các con cô thì cô nghĩ mình cũng muốn treo cổ. Alec sẽ ổn: mười ba tuổi, lanh lợi, đã có việc làm, đang học việc với Olivier làm thông dịch. Josiah và William thì nhỏ tuổi hơn nhưng không có nhiều trí tưởng tượng khiến cho chúng sợ hãi và hoang mang. Nhưng Amy còn nhỏ, và trong cuộc sống này con gái cần được hỗ trợ nhiều hơn, nên cô bé sẽ phải chịu đựng trong thời gian dài hơn. Nhưng khi không có chồng bên cạnh thì lúc nào cũng như là trong mùa đông.

Không cần phải chú tâm nhìn qua cửa sổ, cô vẫn thấy các vị khách đi đến và đứng cách ngôi nhà dăm bảy bước, nhìn về phía cô. Cô có thể nhận ra họ đang nói về mình; ông ta sẽ nói về chồng cô, kể câu chuyện chồng cô chết như thế nào. Cô không còn tin nơi ông ta nữa; khi nói chuyện với cô, ông ta luôn giữ kín các bí mật. Ông ta bắt chồng cô phải giữ kín các bí mật tuy chồng cô không thích, dù anh nhún vai mà phó mặc; sau các chuyến đi săn trở về anh bỏ lại các bí mật bên ngoài ngôi nhà.

Sáng hôm ấy - cô đang mong chờ anh trở về ngay khi cô thức giấc, Amy hỏi hôm nay pa-pa trở về phải không, và cô nói phải - cô bước ra cánh cổng phía tây, nghe tiếng các con chó sủa từ đằng xa, rồi cô mỉm cười với chính mình. Cô nghe rõ đến nỗi cô tin chắc mình nghe được tiếng nói của những người chạy trên nền tuyết. Cô vẫn còn mỉm cười khi anh trở về sau chuyến đi săn, dù cho họ đã cưới nhau một thời gian lâu như thế. Cô nghe tiếng các con chó và bước đến mô đất nơi người ta có thể nhìn qua hàng rào. Và thấy chỉ có một người đi với chiếc xe trượt tuyết. Cô đứng đấy mà nhìn cho đến khi ông ta đi đến vách đá, rồi cô đi xuống khoảnh sân để nghe ông ta nói gì, dù cô đã biết. Những người khác - William và George và Kenowas và Mary - đã thấy ông trở về một mình và đi ra để tìm hiểu, nhưng ông nói trực tiếp với cô, chiếu đôi mắt xanh đến cô như là một loại thần chú màu xanh, đến nỗi cô không thể thốt nên lời. Cô không nhớ những gì khác cho đến khi anh khách - cái anh lính mới tò te đó với vết thương do dao đâm và chân bị đau - đi ra và cố gắng ngỏ lời với cô, nhưng tiếng nói của anh nghe như tiếng ong kêu vo ve và cô không hiểu anh nói gì. Rồi một lúc sau anh mang ra một cốc cà phê, đặt bên cạnh cô. Cô không nhớ mình đã yêu cầu cà phê, nhưng có lẽ cô đã yêu cầu; cà phê thơm ngon, ngon hơn là bất kỳ loại nào cô đã từng dùng, và cô nhìn những bông tuyết li ti rơi xuống đất rồi biến mất trên nền đen trơn như dầu. Rơi xuống rồi tan chảy, thế là mất hút hẳn. Và rồi tất cả những gì cô có thể nghĩ tới là khuôn mặt của người chồng đang cố nói chuyện với cô, nhưng cô không thể nghe anh vì anh đang bị kẹt dưới một phiến băng dầy trên mặt sông, và anh đang chết đuối.

Cô cầm lấy cốc cà phê, rót xuống làn da ở mặt dưới cánh tay. Cà phê nóng, nhưng không nóng đủ. Làn da ửng hồng, tất cả chỉ có thế, và cánh tay cô bốc khói như thịt trong gió lạnh.

Họ dẫn cô vào nhà, và Mary ngồi bên cô, cho thêm củi vào lò sưởi, mang thức ăn đến cho các đứa trẻ. Mary vẫn ở đấy, như thể lo sợ Elizabeth sẽ nhảy vào lửa nếu ở một mình. Alec đến và vòng tay ôm lấy cô, bảo cô đừng khóc, dù cô không khóc lúc này. Đôi mắt cô khô khốc như một khúc củi. Amy cũng không khóc, nhưng đấy chỉ vì cô bé còn quá nhỏ nên không hiểu. Ba đứa con trai khóc cho đến khi thiếp ngủ vì mệt mỏi. Mary ngồi kế bên cô mà không nói năng gì, vì đã hiểu biết rõ. Một lần, George đến và nói sẽ cầu nguyện cho linh hồn của anh: George là tín đồ Cơ đốc và rất mộ đạo. Mary đẩy anh ra ngoài; cô và Elizabeth là tín đồ Cơ đốc nhưng Nepapanees là người ngoại đạo. Anh thuộc sắc tộc Chippewa, không có giọt máu da trắng nào trong huyết quản. Đôi lần anh đi nhà thờ nghe giảng đạo, nhưng nói đó không phải cho mình. Elizabeth gật đầu với George; cô biết anh có ý giúp. Và có lẽ giúp cô được; ai nói rằng Cha trên Trời không thể can thiệp trong số phận của chồng cô? Có lẽ có một thỏa thuận hỗ tương.

Với giọng the thé như tiếng chìa khóa trong ổ khóa gỉ sét, Elizabeth nói: “Mary, hãy nói với tôi tuyết đang rơi.”

Mary ngước lên. Cô đang đặt Amy trên lòng mình, và trong một khoảnh khắc Elizabeth mơ tưởng như Mary là người mẹ và Amy là đứa trẻ mà cô không hề quen biết.

“Không, tuyết đã ngưng rơi một giờ rồi. Nhưng bây giờ trời đang trở tối. Tuyết sẽ rơi ngày mai.”

Elizabeth gật đầu. Tuyết đã ngưng rơi chỉ vì một lý do, và cô biết mình sẽ làm gì vào buổi sáng. Đáng lẽ phải làm sớm hơn nếu không có tuyết, khiến cho lúc này họ phải dừng lại và suy nghĩ. Hầu họ sẽ làm chu toàn hơn. Vào buổi sáng họ sẽ trở lại con sông để tìm anh và mang anh về.

Amy thức giấc, nhìn qua mẹ. Dù sao thì mẹ là của cô bé, với đôi mắt nâu-xám và làn da xanh xao. Họ đã muốn có thêm một đứa con gái. Nepapanees đã nói trêu rằng anh muốn có một đứa con gái giống anh, thay vì giống cô.

Bây giờ sẽ không có thêm một đứa con gái nào cả. Linh hồn của đứa con gái này, nếu Nepapanees tin đó là thực, sẽ phải chờ được sinh ra nơi khác, vào một lúc khác.

Vấn đề là cô không còn tin vào bất kỳ việc gì nữa.

༺༒༻

Donald quay về phòng mình để viết thư cho Susannah. Tuyết rơi thêm trong khi họ dùng bữa; nếu Stewart nói đúng thì cơn bão tuyết này sẽ kéo dài nhiều ngày, và sẽ không có cơ hội đi đâu trước khi nó chấm dứt. Nhưng anh có hơn một lý do mà cảm ơn cho điều này. Anh cảm thấy mệt mỏi một cách đáng ngại. Hai bàn chân anh nhức dữ dội mặc dù mang giày da đanh, còn vết thương trên bụng nổi đỏ và nhỉ nước. Anh ngồi chờ trong phòng ăn một lúc rồi kéo Stewart qua một bên, nói nhỏ rằng mình cần chăm sóc y tế. Stewart gật đầu và hứa sẽ kêu người nào đó với một ít chuyên môn đến giúp anh. Rồi, khá bất ngờ, ông nheo mắt với anh.

Dù gì chăng nữa, bây giờ anh cảm thấy không đau lắm, ngồi ở chiếc bàn ọp ẹp mà anh yêu cầu, với tập giấy và ít mực đã rã đông. Trước khi bắt đầu, anh cố định hình khuôn mặt hình trái xoan của Susannah trong tâm trí mình, nhưng một lần nữa thấy khó mà nhận ra. Một lần nữa, khuôn mặt của Maria hiện ra sắc nét tuyệt đối, và anh nhớ ra rằng hẳn là lý thú mà viết cho Maria để thảo luận tình trạng phức tạp của họ, mà anh tin chắc sẽ làm buồn cô em. Chưa kể đến vụ việc rối ren của người góa phụ. Anh muốn biết Maria sẽ nói gì về mấy chuyện này. Ngày mai hoặc ngày mốt, không có gì phải vội vã, anh sẽ dọ hỏi. Nhưng bây giờ, có thể gạt những nhiệm vụ ra khỏi đầu óc của mình.

Anh viết với đủ tự tin: “Susannah thân mến”. Nhưng tiếp theo đó, anh lưỡng lự. Tại sao không viết thư cho cả hai chị em? Dù sao chăng nữa, anh quen biết với cả hai. Anh chấm cây viết lên mặt bàn đôi ba lần, rồi lấy một tờ giấy mới mà viết: “Maria thân mến”.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, có tiếng gõ cửa. Anh đáp mà vẫn tiếp tục viết: “Mời vào.”

Cánh cửa mở, một cô gái Da Đỏ trẻ đi vào, không một tiếng động. Anh đã được chỉ cho thấy cô; tên cô là Nancy Eagles, vợ của một nhân viên tải hàng trẻ. Cô không quá hai mươi tuổi, có gương mặt dễ thương lôi cuốn, và giọng nói nhỏ nhẹ đến mức anh phải cố lắng nghe mới hiểu ra.

Anh cảm thấy ngạc nhiên và vui vui: “À, Nancy, phải cô đó không? Cám ơn...”

Giọng nói cô nhỏ nhẹ và thiếu sinh khí, như thể nói với chính mình: “Ông Stewart nói anh đang bị đau.” Cô cầm một tô nước và vài mảnh vải - hiển nhiên là cô đến để chăm sóc anh. Không nói gì thêm, cô ra dấu cho anh hiểu phải cởi áo ra, và đặt tô nước xuống sàn nhà. Donald lấy giấy thấm đặt lên tờ thư rồi mở các nút áo, thình lình nhận biết về thân người trắng trẻo mảnh khảnh của mình.

“Không có gì nặng, nhưng... đây này, cô xem, tôi bị một vết thương hai... ba tháng trước, mà chưa lành hẳn.” Anh tháo bông băng ra, màu hồng và ướt vì chất dịch nhỉ ra.

Nancy đưa bàn tay đẩy nhẹ ngực anh, cho anh ngồi xuống trên giường: “Đó là một con dao.” Cô chăm chăm nhìn vết thương, không hỏi anh trực tiếp.

“Đúng. Nhưng đó là một tai nạn...” Donald cười, bắt đầu dông dài kể cho cô nghe câu chuyện về trận đấu bóng bầu dục.

Nancy quỳ gối trước mặt anh, không quan tâm đến nguồn gốc của vết thương. Khi cô dùng bông chấm vết thương, anh hít một hơi mạnh và ngưng nói, chưa kịp giải thích về động tác ngã người truy cản. Nancy nghiêng người tới trước ngửi vết thương. Donald cảm thấy nóng bừng mặt, ngừng thở, nhận thấy đầu cô gần tựa vào lòng mình. Tóc cô đen tuyền, mượt mà như lụa, không thô ráp như anh đã nghĩ. Làn da cô cũng mượt mà, mềm mại, trông vô tội. Anh thắc mắc cô có biết mình đẹp hay không. Anh mường tượng người chồng Peter của cô - một nhân viên tải hàng có vóc người cao, vạm vỡ - lúc này bước vào, và mặt anh tái nhợt vì ý nghĩ này. Có vẻ như Nancy không bận tâm. Cô lấy bông băng sạch đắp một thứ bột dược thảo rồi ra dấu anh giơ hai tay lên, rồi băng chặt đến nỗi Donald lo sợ mình sẽ chết ngạt trong đêm.

“Cám ơn cô. Tử tế quá…” Anh tự hỏi mình có cái gì đó để tặng cô, và đầu óc lục lọi trong số ít vật dụng anh mang theo người. Anh không tìm ra được món gì thích hợp.

Nancy thoáng mỉm cười, lần đầu tiên đôi mắt huyền của cô nhìn vào mắt anh. Anh nhận thấy đôi lông mày cô có nét cong thanh tú của đôi cánh chim mòng biển, và rồi, trong nỗi kinh ngạc cùng cực của anh, cô cầm lấy bàn tay anh ép vào ngực mình. Trước khi anh có thể thốt lên một tiếng hoặc rụt tay lại, cô ép môi mình lên môi anh, còn bàn tay kia của cô nắm lấy cơ quan không phải là vô cảm giữa hai đùi anh. Anh thốt lên tiếng nào đó - anh không chắc là tiếng gì - và sau một khoảnh khắc những cảm giác dâng trào khiến cho anh không biết chuyện gì đang tiếp diễn, rồi anh cương quyết đẩy cô xa ra. (Moody, hãy trung thực đi - khoảnh khắc đó kéo dài bao lâu? Đủ lâu.)

“Không? Tôi… tôi xin lỗi. Chuyện đó thì không. Không.”

Tim anh đập thình thịch, âm thanh của nhịp đập vang vang như tiếng sóng đập vào màng nhĩ. Nancy nhìn anh, đôi môi dày màu hạt dẻ hé mở. Trước đây anh chưa từng nghĩ phụ nữ bản địa có thể đẹp như phụ nữ da trắng, nhưng bây giờ anh không thể hình dung ra bất kỳ ai đẹp hơn cô gái trước mặt mình. Donald nhắm mắt lại để thoát khỏi hình ảnh của cô. Các ngón tay của cô vẫn còn đặt trên cánh tay anh nơi anh giữ cho cô cách xa mình, như thể họ là cặp khiêu vũ đã đông cứng giữa bước nhảy.

“Tôi không thể... Cô xinh đẹp, nhưng... không, không được.”

Cô nhìn xuống quần anh, trông như nó không đồng ý với lời anh nói.

“Chồng cô...”

Cô nhún vai: “Không sao.”

“Đối với tôi thì không được. Tôi xin lỗi.”

Anh cố gắng quay người đi, có phần thầm mong cô tấn công anh lần nữa. Nhưng không có chuyện gì xảy ra. Khi anh liếc nhìn lại, cô đang thu nhặt cái tô nước bẩn, quần áo và bông băng cũ.

“Cám ơn, Nancy. Xin đừng... cảm thấy xúc phạm.”

Nancy nhìn nhanh đến anh nhưng không nói gì. Donald thở dài, và cô đi ra không một tiếng động như khi bước vào. Anh nhìn cánh cửa đã khép, thầm rủa. Rủa mình, rủa cô và rủa cả nơi chốn đổ nát hoang vu. Bức thư đặt trên bàn đang trách móc anh. Những ngôn từ tươi sáng, khúc chiết; ngoài tính hóm hỉnh... tại sao anh lại viết thư cho Maria? Anh cầm lấy tờ thư vò thành một nhúm tròn, và lập tức hối tiếc. Rồi anh nhặt lấy chiếc áo sơ mi dự phòng và ném xuống sàn nhà, chỉ là kiếm chuyện để ném cái gì đó (nhưng cái gì đó không vỡ được). Sàn nhà bẩn thỉu. Tại sao anh giận dữ như thế khi anh làm việc phải? (Có lẽ hối tiếc? Bởi vì anh là người hèn nhát, không đủ can đảm để đón nhận khi được dâng hiến tuy vẫn khao khát?)

Chết tiệt, chết tiệt, chết tiệt.

༺༒༻

Sau khi Moody xin kiếu để rời bàn ăn, Parker cũng đứng dậy xin đi nghỉ. Sau khi ông đã đi, tôi thắc mắc hai người tính toán việc gì hay không, cho dù Donald có vẻ rất mệt mỏi đến nỗi có lẽ anh thật sự muốn đi ngủ. Về phần Parker thì tôi không chắc. Tôi mong ông đang tìm cách suy luận theo phép mầu nào đó, và tôi chưa đoán ra. Stewart đề nghị Nesbit dẫn tôi đến phòng khách để uống gì đó. Ông nói mình sẽ đến sau ít phút - theo cách mà tôi lập tức tự hỏi ông định làm gì. Cũng là điều hay mà có đầu óc luôn nghi ngại, nhưng tôi vẫn không thể nói cho đến giờ mình tìm thấy những gì.

Nesbit rót hai ly whisky mạch nha và trao cho tôi một ly. Chúng tôi cùng chạm ly.

Tối nay anh đang căng thẳng và cáu kỉnh; đôi mắt sôi sục, hai bàn tay vặn xoắn liên tục hoặc gõ trên mặt bàn. Anh hầu như không ăn gì. Thế rồi, trước khi uống cà phê, anh xin kiếu để đi ra ngoài. Stewart đáp lời theo cách phù hợp, nhưng đôi mắt tỏ ra gượng gạo. Tôi nghĩ ông đã biết. Norah giúp phục vụ chúng tôi suốt bữa ăn, và dù nhìn cô chăm chú tôi vẫn không phát hiện nét căng thẳng nào trên mặt cô. Bây giờ khi Stewart ở đây, cô trở nên dễ bảo hơn, không tỏ lộ nét u sầu nào như tối qua. Khi Nesbit trở lại mười hoặc mười lăm phút sau, tư thái anh đã thay đổi; những cử động của anh uể oải, đôi mắt trông ngái ngủ. Parker và Moody không tỏ vẻ nhận ra điều gì khác lạ.

Tôi đi đến cửa sổ, vén bức màn nhìn ra. Tuyết không còn rơi, nhưng đóng trên mặt đất dày dăm ba phân.

“Anh Nesbit, anh nghĩ sẽ có tuyết rơi thêm hay không?”

“Tôi không tự phụ là người hiểu biết về thời tiết ở đây, nhưng có vẻ là vậy. Bà nghĩ sao?”

“Tôi chỉ băn khoăn không biết lúc nào chúng tôi có thể ra đi. Nếu chúng tôi phải tiếp tục cuộc tìm kiếm...”

“À, dĩ nhiên rồi. Đây không phải là mùa thuận lợi trong năm.” Có vẻ như anh không quan tâm đến số phận của đứa con trai mười bảy tuổi của tôi đang một mình ở ngoài vùng hoang dã. Hoặc có lẽ anh sâu sắc hơn là tôi tưởng.

“Nơi chốn dễ sợ, như ở đây. Vô cùng thuận lợi cho các can phạm. Tôi luôn nghĩ, đáng lẽ nên mang họ đến Tasmania[53] là nơi chốn xa xôi nhất mà tôi nghĩ ra, thì vui hơn. Khá giống Hạt Lake.”

“Nhưng ở đây không cách biệt lắm. Hoặc không xa khu dân cư.”

“Cảm thấy khá cách biệt. Bà biết không, mấy năm trước có một đám nhân viên - tôi nghĩ họ là người nước ngoài - cố trốn chạy khỏi Thương điếm Nai Sừng tấm. Trong tháng Giêng! Dĩ nhiên là không ai trông thấy họ nữa. Lạnh cóng đến chết giữa vùng hoang vu, tội nghiệp bọn khốn kiếp.” Anh cười nhẹ, cay đắng: “Bà Ross, thứ lỗi cho tôi ăn nói bỗ bã. Đã lâu rồi không trò chuyện với một quý bà nên tôi đã quên cách ăn nói.”

Tôi không muốn chấp nhận; có điều gì đấy trong câu nói mà tôi đã nghe còn tệ hơn.

Anh nhìn tôi với vẻ suy đoán mà tôi không thích. Tối nay anh không say, nhưng đôi đồng tử anh rất nhỏ, ngay cả trong ánh sáng lờ mờ. Bây giờ đôi bàn tay anh bất động và thư giãn; được làm dịu. Tôi hiểu được anh, tôi nghĩ thế. Tôi biết cảm giác là như thế nào.

“Anh nói họ mất tích hay sao?”

“Đúng. Nhưng bà đừng sợ hãi - như tôi đã nói, họ là người nước ngoài. Người Đức hay đại loại như vậy.”

“Anh không thích người nước ngoài sao?”

“Không hẳn thích. Ngày nào họ cũng la rầy tôi. Cho tôi một người Scotland thì hay hơn.”

“Giống như Ông Stewart?”

“Chính xác. Giống như Ông Stewart.”

Tôi nốc cạn ly rượu. Anh hùng rơm, nhưng còn hơn là chẳng anh hùng gì cả.

Khi Stewart bước vào, mặt tôi đã nóng vì whisky nhưng đầu óc tôi vẫn còn tỉnh táo. Nesbit rót một ly cho ông và chúng tôi thoải mái trò chuyện trong ít phút.

Rồi Stewart quay sang nhìn tôi: “Tôi đang suy nghĩ về Ông Parker. Bà biết không, ban đầu tôi không nhớ ra ngay tên ông ấy vì đã lâu rồi. Cho tôi biết, bà gặp ông ấy như thế nào?”

“Chúng tôi mới gặp nhau lúc gần đây. Ông ấy đến Caulfield và khi tôi cần người hướng đạo thì có người giới thiệu ông ấy.”

“Thế thì bà không biết rõ ông ấy lắm, phải không?”

“Không rõ lắm. Tại sao?”

Stewart mỉm nụ cười, ra vẻ như có tin tức thú vị sẽ loan báo: “À... Ông ấy, hoặc ít nhất là lúc trước, có cá tính khá thú vị. Có vài sự cố ở Hồ Clear... Một số nhân viên tải hàng khá ngông cuồng, và ông ấy nằm trong số đó.”

Làm ra vẻ như đang buôn chuyện tầm phào, tôi mỉm cười nói: “Quả là kỳ lạ! Xin ông kể tiếp.”

“Đúng ra thì không kỳ lạ lắm. Chỉ là vài sự cố xấu xa. Khi còn trẻ, William hay dùng vũ lực. Chúng tôi đi cùng chuyến tải hàng - đó là hơn mười lăm năm về trước, bà hiểu chứ - một chuyến đi trong mùa đông. Cũng có mấy người khác đi cùng, nhưng... đó là chuyến đi vất vả, và diễn ra cãi cọ. Về việc tiếp tục đi hay quay về, đại loại như vậy. Thực phẩm đang cạn dần. Dù sao chăng nữa, xảy ra chuyện chúng tôi xô xát với nhau.”

“Xô xát! Trời đất!” Tôi ngồi nghiêng người về phía trước, mỉm cười để khuyến khích ông kể tiếp.

“Có lẽ bà còn nhớ ông ấy nói gì, và đúng vậy, ông ấy cho tôi cái gì đó để nhớ tới ông,” Stewart vén cánh tay áo bên trái. Chạy dọc theo cẳng tay là một vết sẹo trắng dài, rộng vài ba li.

Tôi cảm thấy sốc mà không che giấu được.

“Đôi lúc mấy anh con lai này, nếu cho họ nửa chai rượu là họ biến thành quỷ dữ. Chúng tôi cãi vã nhau và anh ta cầm dao đâm tôi. Mà giữa vùng hoang vu; đó không phải là chuyện đùa, tôi có thể nói với bà như vậy.”

Ông lại kéo cánh tay áo xuống. Lúc này tôi không thể nghĩ ra phải nói gì.

“Tôi xin lỗi, có lẽ tôi không nên cho bà xem. Một số quý bà hãi hùng khi trông thấy vết sẹo.”

Tôi lắc đầu: “Không đâu...”

Nesbit rót thêm rượu cho tôi. Không phải là vết sẹo làm cho tôi khó chịu, nhưng chính vì hình ảnh cuối cùng của Jammet luôn ám ảnh tâm trí tôi. Và hình ảnh đầu tiên của Parker: người nhân tạo đang lùng sục ngôi nhà gỗ: một con người hoang dại, kỳ dị, trông mà phát khiếp.

Nesbit vui vẻ nói: “Không phải vì trông thấy vết sẹo của mình, mà vì ý nghĩ người hướng đạo của bà luôn thủ con dao kề cận bên bà.”

“Trong ba tuần qua, tôi thấy ông ấy không có vẻ gì như thế. Ông ấy là người hướng đạo mẫu mực. Có lẽ như anh nói, tính bạo lực của ông ấy là do rượu rum. Bây giờ ông ấy không uống rượu.”

Tôi nghĩ thầm Stewart có thể đã nói dối. Tôi nhìn vào đôi mắt ông, cố đọc tâm hồn ông. Nhưng ông chỉ có vẻ tử tế, chân thật; có phần kỳ vọng, khi nghĩ về ngày xưa.

“Kể cũng tốt mà nghe có người rút tỉa được bài học từ lỗi lầm của họ, phải không?”

Tôi nói nhẹ: “Đúng như vậy. Nếu thêm nhiều người trong chúng ta làm thế.”

Sau đó, trong phòng mình, tôi vẫn mặc nguyên bộ trang phục và ngồi trên ghế để tránh ngủ gục. Tôi không thích gì hơn là nằm xuống và thả lỏng để quên hết. Nhưng tôi không làm được, và tôi không chắc mình quên hết được; tôi đang phiền muộn, công tâm mà nói thế. Tôi muốn hỏi Parker về Stewart, về quá khứ của hai người, nhưng tôi ngại đến đánh thức ông lần nữa. Ngại, hoặc sợ. Hình ảnh lúc trước trở về khiến tôi bị sốc. Tôi đã quên làm thế nào hình ảnh Parker khiến tôi lạnh cả sống lưng; làm thế nào ông trông tàn bạo và kỳ dị. Dĩ nhiên là tôi không quên vẻ bề ngoài của ông, nhưng tôi đã quên ảnh hưởng của vẻ bề ngoài ấy đối với mình lần đầu tiên. Quả là kỳ lạ như thế, khi bạn hiểu biết thêm về người nào đấy.

Nhưng tôi không thấu hiểu Donald. Trong thái độ tự bảo vệ, anh không muốn giấu diếm việc lúc trước hai người bọn họ đã gặp nhau, nhưng có lẽ anh chỉ đi trước một bước mà làm việc không tránh khỏi; một màn tháu cáy nhân đôi.

Đôi mắt tôi đã quen với bóng tối, và lớp tuyết phản chiếu ánh sáng lờ mờ, vô định hướng, đủ cho tôi mò mẫm khi bước ra hành lang. Tôi gõ cửa phòng anh thật nhẹ, rồi tự đi vào, đóng cánh cửa lại sau lưng mình. Tôi nghĩ mình đã cố rón rén, nhưng anh ngồi bật dậy trên giường.

Giọng anh nghe hoảng hốt và giận dữ: “Trời ơi... Không! Đi ra!”

“Anh Moody, tôi đây, Bà Ross.”

“Cái gì? Cái quái gì vậy?” Anh lần mò tìm diêm quẹt và đốt cây đèn cầy kế bên giường ngủ. Khi khuôn mặt hiện ra từ bóng tối, anh đã mang vào đôi kính, và đôi tròng mắt anh gần như lọt ra khỏi hố mắt.

“Xin lỗi, tôi không muốn làm anh sợ.”

“Làm cái quái gì mà bà vào đây giữa đêm khuya vậy?”

Tôi đã nghĩ sẽ gặp phản ứng ngạc nhiên và khó chịu chứ không phải giận dữ: “Tôi phải trao đổi với ai đó. Xin anh vui lòng... không mất nhiều thời giờ đâu.”

“Tôi nghĩ bà đã trao đổi với ông Parker.”

Trong giọng anh có điều gì đấy, nhưng tôi không biết chắc là gì.

Tôi ngồi trên chiếc ghế duy nhất, sau khi đã dẹp quần áo anh qua một bên: “Tôi không biết nghĩ thế nào, và ta cần bàn với nhau.”

“Để chờ tới sáng mai không được sao?”

“Họ không muốn chúng ta một mình với nhau. Anh có thấy như thế không?”

“Không.”

“À... tôi đang nói cho anh hay những gì tôi đã nghe lỏm Nesbit nói, rồi Olivier đi vào và chúng ta không thể trao đổi thêm.”

“Thế thì sao?” Giọng nói của anh vẫn nhanh nhẩu do tức giận, nhưng anh đã bớt sợ so với khi tôi mới bước vào. Như thể anh sợ tôi là một người nào khác.

“Phải chăng việc này cho thấy có những chuyện gì đó mà họ không muốn cho chúng ta biết? Và vì chúng ta đang lần theo dấu vết kẻ sát nhân, những chuyện gì đó có thể có liên quan.”

Anh nhìn tôi, bực dọc. Nhưng anh không tống cổ tôi ra: “Stewart nói gần đây không có chuyện gì lạ xảy ra ở đây.”

“Có thể không có người lạ.”

“Ý bà cho rằng đó là người sống ở đây hả?” Anh lộ vẻ bị sốc vì tôi đang đặt nghi vấn cho một nhân viên của Công ty.

“Có thể lắm. Một người nào đấy mà Nesbit quen biết. Có lẽ Stewart không biết gì về chuyện này.”

Moody nhìn chăm chăm vào góc phòng phía sau vành tai trái của tôi: “Tôi nghĩ tốt hơn là ta nên xử lý toàn bộ vụ việc một cách thẳng thắn. Nếu ta nói với sự thật tại sao ta đến đây, chứ không phải câu chuyện phi lý của bà.”

“Nhưng đã có người nghi ngờ chúng ta. Tôi nghĩ chỉ cần đề cập đến việc chúng ta đang theo dõi một dấu vết là đủ cho họ cảnh giác đề phòng. Nesbit đang đe dọa một phụ nữ - tôi nghĩ đó là Norah - để đừng nói về một người nào đấy. Tại sao anh ấy phải làm thế?”

“Có thể có nhiều lý do. Tôi nghĩ bà không biết người phụ nữ đó là ai.”

“Đúng là tôi không thấy mặt cô ấy, nhưng Norah... Norah và Nesbit đang có... quan hệ.”

“Cái gì? Một cô phục vụ hả?” Moody lộ vẻ kinh ngạc. Nhưng kinh ngạc ở chỗ Norah là người phục phịch, xấu xí chứ không phải Nesbit có hành động thiếu phép tắc. Mấy chuyện như thế vẫn luôn xảy ra. Anh cắn môi; có lẽ anh đang nghĩ đến việc viết một báo cáo. “Làm thế nào bà biết được?”

“Tôi thấy hai người.” Tôi không muốn nói mình thấy họ khi đang lẩn lút vòng quanh trong đêm, và may mắn là Moody không hỏi.

“À... cô ấy là góa phụ.”

“Thật vậy sao?”

“Một nhân viên tải hàng ở đây. Chuyện buồn.”

“Trước đây tôi không biết.” Tôi luận ra rằng làm người phục vụ trong Công ty là một nghề nguy hiểm. “Điều tôi muốn nói là, chúng ta sẽ phải hỏi han người ở đây... mà không cho họ biết.”

Ngay cả khi nói thế, tôi thắc mắc làm thế nào chúng tôi thực hiện việc này. Moody trông không được thuyết phục với ý kiến này. Tôi phải nhìn nhận đấy không phải là ý kiến hay, nhưng tôi chỉ nghĩ ra có thế.

Anh ném ánh mắt có ý nghĩa đến cánh cửa: “À, nếu không có việc gì khác...”

Tôi nghĩ đến cánh tay của Stewart và định kể cho Moody nghe, nhưng anh này không tin tưởng nơi Parker và có thể bắt đầu dọ hỏi nguyên do nào khiến cho Parker đến Sông Dove. Những câu hỏi mà lúc này tôi không muốn trả lời.

“Tôi thật sự cần ngủ. Nếu bà không phiền.”

Tôi đứng dậy: “Được. Cảm ơn anh.” Anh trông nhỏ nhắn hơn khi co người dưới tấm chăn. Trẻ hơn và yếu đuối hơn. “Trông anh mệt mỏi. Có ai chăm sóc cho các vết phồng rộp của anh không? Tôi tin có người có kiến thức y khoa ở đây...”

Moody nắm lấy tấm chăn kéo lên tận cằm, như thể tôi đang cầm chiếc rìu xông đến. “Có. Xin bà cứ đi. Tôi chỉ cần giấc ngủ...”

Các kế hoạch hỏi han nhân viên vào ngày kế phải bị hoãn lại, bởi vì lúc chúng tôi thức dậy, phần lớn bọn họ đã ra đi. George Cummings, Peter Eagles, William Blackfeather và Kenowas - nói cách khác là tất cả đàn ông bản địa sống và làm việc ở Nhà Hanover - đã đi tìm thi hài của Nepapanees, chỉ ngoại trừ Olivier. Họ khởi hành trước bình minh, không một tiếng động, đi bộ. Ngay cả người chúng tôi gặp vào buổi trưa đầu tiên, cái anh Amaud say xỉn kinh niên (sau này tôi biết đó là gác dan) cũng tỉnh táo trở lại vì tiếc thương và gia nhập nhóm tìm kiếm.

Người phụ nữ góa bụa và đứa con trai mười ba tuổi đã đi cùng họ.

 

[48] Babylon: thành phố cổ vĩ đại nằm trên vùng sa mạc ở Iraq hiện nay, cách Baghdad 90 km về phía nam, vào thời cực thịnh thể hiện một nền văn minh xuất chúng.

[49] Chữ viết hình nêm: loại chữ viết gồm những nét giống cái nêm, thường được người cổ đại vùng Tây Á khắc trên đất sét, đá, kim loại, sáp… Các bản viết đầu tiên có niên đại khoảng 3000 TCN.

[50] Chữ viết tượng hình: loại chữ viết sử dụng những biểu tượng để chỉ vật thể (như người, chim chóc, cây cối, mặt trời, mặt trăng, nhà và cửa) hoặc ý tưởng (như đếm số, chuyển động, thời gian, vui buồn). Ví dụ: chữ viết Ai Cập cổ đại bắt đầu từ khoảng năm 3300 TCN, và chữ Hán còn được dùng đến ngày nay.

[51] Sanskrit: ngôn ngữ cổ, được sử dụng trong tôn giáo (như kinh Phật) và thơ văn ở Ấn Độ, hiện nay vẫn được các giới đạo sĩ và học giả Ấn Độ sử dụng.

[52] Aramaic: ngôn ngữ liên hệ mật thiết đến tiếng Do Thái, được sử dụng từ trước năm 1000 TCN rồi dần dà trở thành ngôn ngữ thông dụng ở vùng Trung Đông. Jesus giảng đạo bằng Aramaic, và Kinh Cựu ước cũng được viết theo Aramaic. Hiện nay một số dân ở Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ… vẫn còn sử dụng Aramaic.

[53] Tasmania: hòn đảo lớn ở miền nam nước Úc.