Cũng buổi sáng hôm ấy, khi trời còn đang ở trong cái màng mênh mông, ẩm ướt và lạnh lùng chưa phá vỡ, ánh sáng của những ngọn đèn điện cô đơn còn vãi trên đường, trên hè yên tĩnh và còn vương trên những cánh cửa đóng kín. Trần Văn đứng gác sau cái ụ bao cát sông Hồng, tần ngần nhìn theo một tốp người mà anh biết là bộ đội, lặng lẽ rời phố kéo đi. Những cái bóng nhấp nhô không quay lại. Tiếng giày bước đều, tiếng võ khí chạm vào người mà cái tĩnh mịch rì rầm và ran ran của chung quanh khuấy động thêm lên. Họ đã đi xa rồi mà những tiếng ấy vẫn vọng lại, khẽ dần, khẽ dần và lâu lắm còn lích kích bên tai Trần Văn. Cái thành phố đã vắng và rỗng lắm rồi, lại vắng và rỗng thêm, mềm nhẽo hẳn đi, như thân thể một con người không có xương sống. Một nỗi buồn làm rã rời người xâm chiếm lòng anh. Bộ đội đi đâu? Anh tự hỏi và đứng ngây người nhìn ra phía Hàng Gai mà gió lạnh đánh vật vờ mấy mẩu thuốc lá còn cháy vứt trên đường.
Anh mới vừa cùng với Loan và mấy học sinh viết xong mấy cái khẩu hiệu ở ngoài đầu phố Hàng Đào. Làm xong công việc ấy anh thấy yên tâm. Nhưng chân tay anh buồn bã. Anh vốn là người cần cù, nhưng làm việc phải có giờ giấc, và không chịu được thức khuya. Tuy vậy anh cũng gác thay cho một sinh viên kêu đau bụng xin về nhà nằm nghỉ. Anh đứng gác, ngáp luôn miệng. Trăm mối lo đổ đến khi một mối lo trước mắt chợt tới. Anh cố gạt đi để khỏi rối tâm trí nhưng không sao được. Đầu gối anh đã mỏi, cứ phải co lên, duỗi xuống luôn cho đỡ chồn. Tay anh cóng lạnh và khẩu mút, khẩu súng trường duy nhất của trung đội anh, tì cái báng ướt đẫm sương lên vai anh lạnh cóng. Gió rét dồn hết cả vào cái ụ. Mũi anh như tê dại, người như không còn sức nóng. Anh vẫn đưa mắt nhìn ra các ngả đường để quan sát. Một mẩu Hồ Gướm trước mặt, những hàng liễu mơ hồ rủ xuống bờ nước đen đặc. Mấy ngọn đèn trên cổng vào cầu Thê Húc sáng le lói. Bên dãy Thị chính từng ô dài ánh sáng đỏ, xanh, vàng nhấp nháy dưới rặng cây lẩn trong đêm tối. Khí lạnh của hồ thấm vào người anh. Lòng anh dạt dào một thứ hoài cổ thường hay đến với anh. Mi mắt ướt vì sương chớp chớp theo dòng tư tưởng của anh. Anh bâng khuâng như sống trong quá khứ, thuở Lê Thái Tổ thắng trận đi chơi hồ, trao lại cho còn rùa thiêng thanh kiếm đuổi giặc nay không dùng nữa, thuở những tao nhân mặc khách đến đây để ngâm thơ vịnh nguyệt, xướng hoạ với nhau, hào hứng giữa cảnh trời xanh nước biếc của cái hồ xinh đẹp nằm giữa kinh kì. Anh thấy rực rực trong người cái vinh quang của một dân tộc hiền hậu mà tự cường, cần cù và tế nhị, ghét tất cả cái gì là bạo lực, ưa thích văn chương và lễ độ. Một dân tộc mà lòng yêu hoà bình cũng lớn như lòng yêu các dân tộc khác, nhưng luôn luôn bị chà đạp, bị khinh miệt, bị chia rẽ, bị tàn phá và khi bắt đầu được thấy loé cái ánh sáng của tương lai thì kẻ ngoài lại đến để tiếp tục dập vùi. Anh uất ức với cuộc đời khắc nghiệt đang trải qua. Hà Nội khổ! Cái mảnh đất lâu đời này đã chịu đựng biết bao nhiêu tủi nhục trong mấy năm nay. Nó chưa ngẩng được đầu lên khi bọn Pháp đầu hàng Hít-le thì đã bị ngã dúi xuống đế giày quân Nhật. Nó còn chưa hết bàng hoàng với đêm Nhật đảo chính thì đã sa vào một chính phủ bù nhìn nhố nhăng hò hét. Cách mạng Việt Minh mới ra đời trong lụt lội, trong đói khổ và trong kiệt quệ. Hà Nội chưa hồi sinh đã lại chứng kiến đạo quân Tàu phù của Tiêu Văn, Lư Hán, nhiễu nhương, bòn vét, giết người và ỉa bậy, với cả một đám người hải ngoại lai căng theo gót chúng về xâu xé Tổ quốc. Bóng ma thanh thiên bạch nhật vừa mờ đi, thì đạo quân thiết giáp kéo cờ tam tài đã bị vùi xuống từ hơn một năm, lại xuất hiện trên các đường Hà Nội! Cho đến bao giờ? Sự thay phiên của những đạo quân ngoại quốc ấy, lướt đi như những giấc mơ đầy quái vật, trước những phố phường ngao ngán. Chẳng có gì chống đỡ, ngoài sự chịu đựng chờ thời và lòng khinh bỉ hoài nghi. Trí anh ngược lên những ngày xa xôi, hơn nữa, kể từ khi Hoàng Diệu không chống nổi Pháp, treo cổ lên cây, để tử tiết với thành Hà Nội chìm trong đêm nô lệ, biến thành một thành phố thực dân, phức tạp, mất cả uy nghi cũ; những lâu đài di tích bị triệt hạ để nhường chỗ cho ngục tù, cho nhà thờ, cho máy chém; cuộc sống của con người quằn quại trong ô nhục, bừng lên với những cuộc bạo động không thành, đen xịt trong những ngày thê thảm hàng vạn bộ xương bọc da lang thang như những cô hồn trên đầu đường góc phố, hàng vạn hàng vạn xác người chồng chất lên những thùng phân, xe rác, giữa lúc trong các dinh thự Pháp những tiệc hoa xa xỉ đang tưng bừng, và trên nền trời sục rục bóng những lưỡi kiếm của quân đội Nhật vung lên…
Sương sớm đã xoá mờ cái hồ, phố Hàng Đào quang dần ra, phơi trần những nếp nhà liền nhau, nhỏ hẹp, chênh vênh một vài căn gác như những hộp chồng lên, chỉ vừa cho một cánh cửa sổ. Những ngôi nhà chỉ hào nhoáng khi mở cửa và khi ánh điện chiếu vào cửa kính, quầy hàng tơ lụa, len dạ, do những bàn tay khôn khéo trang hoàng, như những cung hoa lệ, nhưng khi đóng lại thì trông sao mà tẻ ngắt. Con hươu sao, con tê giác, con lạc đà, con vịt che ô, những nhãn hiệu kì khôi, quen thuộc mà những người chủ không cất dọn để ra đi trong một cuộc tản cư mà họ cho là chẳng phải kéo dài, ngơ ngác nhớ những ngày sầm uất, chán chường như một gánh xiếc sắp lên đường. Những mái hiên nhô ra, thụt vào, bày ra một cảnh tượng chắp vá. Những ngôi đền nhỏ, bưng lên trên một nóc nhà thấp, như một người già mà con cháu bỏ mặc, nay bừng tỉnh nhìn qua bức mành cảnh phố vắng tanh. Tất cả những cái cũ kĩ, lủng củng ấy, bị đè bẹp xuống, xo ro trong một cơn chờ đợi đầy đe doạ, rõ ràng không phải sinh ra để chiến đấu. Thế nhưng nó cứ phải đứng lên, và người cứ phải bảo vệ nó. Chiến tranh đang đến, vô lí như một định mệnh.
Trần Văn nhìn cái ụ bao cát, do những bàn tay không biết đánh nhau là gì chồng chất lên, mảnh như đồ mã. Mấy cái hố đào bên kia vỉa hè mà ban đêm anh tưởng là sâu lắm, nay thấy nó nông choèn. Anh rùng mình nghĩ đến những trận đánh. Anh sẽ nấp ở đấy mà ném lựu đạn vào quân Pháp tiến vào. Anh nghĩ đến bài giảng của Văn Việt. Khi xe tăng giặc đến thì mình phải nhảy ra mà ném chai ét-xăng cờ-rếp, rồi quăng lựu đạn. Dũng cảm hơn, phải lao vào xe, cầm một khúc gỗ đút vào xích xe cho nó bật ra khỏi bánh. Anh vốn chậm chạp, anh không hiểu con người phải nhanh đến như thế nào mới làm được ngần ấy việc trong nháy mắt. Anh lè lưỡi sợ hãi một mình, tưởng như cả cái khối sắt kia sẽ đè lên anh và nghiền nát. Nhưng anh nghĩ, vấn đề là phải thắng trong keo quyết định này. Sao những người thiện chiến là bộ đội lại ra đi? Họ có trở về không? Anh tự nhủ: Dù sao thì mình cũng chỉ biết được cho mình. Anh đã ở lại. Anh đã chia tay với mẹ. Anh đã bỏ cái nhà ấm cúng, cuộc đời dạy học mà anh tha thiết, công việc nghiên cứu sử anh đã làm trong mấy năm nay. Cuộc sống lặng lẽ qua rồi. Anh đã viết cái lời thề sống chết. Quan hay không quen, sống hay chết, anh vẫn cứ phải đi vào cuộc chiến đấu. Vui sướng biết bao nếu trong trận cuối cùng này anh được là người cuối cùng hi sinh cho tự do dân tộc.
Tự nhiên anh thấy yêu hơn bao giờ hết cái phố lâu đời. Anh nhớ lại những ngày vui, trong những buổi sáng lành lạnh như thế này, mùa ao ước của những quần áo đẹp, nơi đây đông như một chợ phiên. Người ở các phố dưới kéo lên, để mua bán, để ngắm hàng, ngắm người. Nam nữ trong phố chăm lo bộ cánh, kéo đi lượn Bờ Hồ. Kẻ đi người lại, tranh nhau đua đòi lịch sự. Không phải Trần Văn ưa gì sự nhộn nhịp, phù hoa ấy. Có những ngày anh đã thấy ngấy với cái Hà Nội vùi đầu trong cuộc sống ăn chơi. Nhưng lúc này, cũng như nhiều người nhu nhược, trước những thay đổi sắp xảy ra thì trở nên bảo thủ, anh lưu luyến tất cả những cái gì đã qua không trở lại. Anh cảm thấy mình đã khắt khe với người, với việc. Có những phút con người lắng xuống, tự thấy mình có những khinh ghét vu vơ, và lúc ấy con người trở nên độ lượng, tha thứ cho những cái chẳng hay ho gì cho lắm. Anh hối hận, sao anh còn có thể giận Trinh. Hôm qua, trong lúc anh chuẩn bị bố trí cái tổ tác chiến mới của anh, thì ô tô của Trinh và Bao phóng qua và lúc ấy anh cau mày, bực mình vì cái nhởn nhơ của họ. Anh lẩm bẩm một mình: “Hãy mong cho Trinh sung sướng”. Anh thấy người lâng lâng, lòng không chút hờn oán đối với một người đàn bà yếu đuối.
Trời sáng rõ, anh vui sướng đã làm xong cái nhiệm vụ gác đêm, ở dưới đường, thay cho bạn. Nó vẫn nặng nề và nguy hiểm hơn những cuộc gác ban ngày trên gác cao. Anh xem đồng hồ và thở phào một tiếng. Một đêm lại đã qua. Vẫn chưa xảy ra chuyện gì cả. Anh mua một tờ Cứu quốc của một chú bé vừa chạy vừa rao trong buổi sáng vắng lạnh. Ngoài những bài tường thuật vụ thảm sát ở ngõ Yên Ninh, vụ Pháp chiếm đóng sở Tài chính, một cái đầu đề chữ lớn làm cho tim anh đập mạnh: “Lại một tối hậu thư của quân đội Pháp”. Mắt anh lướt nhanh đến cái tin sau cùng: “Quân Pháp muốn dúng tay vào việc trị an Hà Nội”. Tay anh run bắn lên, anh vừa đọc vừa nhăn trán:
“Hồi 9 giờ 15 tối ngày 19, Liên kiểm trung ương Pháp báo cho Liên kiểm trung ương Việt Nam biết rằng trong ngày 18-12, công an Việt Nam ở Hà Nội đã không làm tròn nhiệm vụ. Vậy nếu tình thế kéo dài, bắt đầu ngày 20-12 quân Pháp sẽ đảm nhiệm trị an ở thành phố Hà Nội”.
Anh nín thở đọc câu cuối cùng cộc lốc:
“Ta đã trả lời: Đấy là quyền tối cao của nước Việt Nam tự do”. Tiếp đến những lời Tổng bộ Việt Minh kêu gọi nhân dân sẵn sàng đợi lệnh Chính phủ, những bức thông điệp thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Lê-ông Bờ-lum, gửi Ủy viên cộng hoà Pháp quốc, đề nghị phái đoàn Quốc hội Pháp sang, đề nghị ngay những phương pháp cương quyết và cấp tốc để chấm dứt tình hình căng thẳng hiện thời… Chiến tranh đến nơi rồi. Tờ báo như rời khỏi tay anh. Anh định đi tìm các bạn thì một chiếc xe ô tô ở phía hồ, đường vua Lê đi lên. Anh trông thấy Quốc Vinh ngồi trong xe, đăm đăm nhìn cái khẩu hiệu do bọn anh vừa kẻ. Sao Quốc Vinh lại đi ô tô? Sáng sớm ở đâu về? Chắc chắn là ở cuộc họp bất thường và đi xe về gấp để lo chuẩn bị. Trông ngực anh đập đến như vỡ. Gió ở ngã tư đầu phố đánh thốc vào, bốc bụi đường và những đám cát vung vãi. Phố mịt mù, gió lành lạnh, rợn như một trận lạc mạo phong. Trần Văn nhắm nghiền mắt lại. Những giọt sương đọng trên mũ sắt rơi xuống bàn tay buốt cứng của anh.
Anh vác súng ra khỏi ụ, một tay vẫn cầm tờ báo. Thấy Quốc Vinh cười với anh một cách hồn nhiên, anh đỡ lo, và cũng đỡ cái dè dặt mà anh thường có khi gần một cán bộ. Xe dừng lại, Quốc Vinh nhảy xuống, một tay đưa lên miệng, một tay nắm lấy Trần Văn. Giữa những tiếng nổ của động cơ, Quốc Vinh hỏi:
- Anh gác đấy à? Anh em khoẻ cả chứ? Đâu cả rồi?
Trần Văn lúng túng. Sau cái lệnh tập trung, anh em tự vệ hăng hái đến trụ sở được một đêm, rồi hôm sau ai lại trở về nhà nấy. Tuỳ, anh sinh viên luật thì kêu thiếu thuổng, bỏ về nhà ngủ. Một anh khác thì kêu đau bụng. Bác phở trọc thì đêm phải về bán ù lấy vài bát phở kiếm ít tiền. Sờn thì xin phép về trông gỗ cho chú, kì thực thì đi ngủ với con nhà thổ Tuyết, tằng tịu với nhau trong khi đào hố, rồi đánh nhau với Thừa là chồng nó mới ở quê ra… Người nào cũng có lý do để về, chỉ còn mấy học sinh và Tu trên gác. Quốc Vinh như đoán được cái lúng túng của Trần Văn:
- Phải cương quyết anh ạ.
Trần Văn hỏi:
- Tôi vừa xem báo, thấy tình hình có vẻ gay go lắm. Nó hẹn ngày 20 giữ lấy trị an. Ta có nhận không? Nếu không nhận thì có thể chiến tranh không?
Vừa nói, anh vừa đưa tờ báo cho Quốc Vinh. Hai người nhằm nghiền mắt lại vì bụi cát táp vào mặt. Quốc Vinh xoay lưng Trần Văn lại cho thuận chiều gió. Anh nói nhỏ:
- Từ nay đến ngày mai, tình hình sẽ gay gắt lắm. Âm mưu xâm lược của nó đã rõ. Chúng ta phải hết sức đề phòng, nhất là tối hôm nay là hết hạn cái tối hậu thư của nó.
- Nó có thể đánh ta không?
- Có thể, cho nên chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo để không bị đánh bất ngờ.
Quốc Vinh ho vài tiếng và nói:
- Anh triệu tập ngay anh em lại. Võ khí sẵn sàng. Không một phút rời trụ sở. Tối nay có thể quyết liệt đấy.
Xe của Quốc Vinh đi rồi, Trần Văn còn đứng ngẩn người ra giữa đường. Chuyến xe điện tới gần mà anh không biết. Cát vẫn bay mù mịt. Trong đám bụi, hai người trong Ban trật tự giải ngót gần chục tên lưu manh lôi thôi lốc thốc đi qua. Đoạn hậu là Nhật Tân, vẻ bận rộn, tay ẩy một thằng đang ngoái cổ lại. Con Lu lu cao lớn chạy lạch đạch, cuồng chân hí hửng. Chúng nó bị bắt quả tang vào trong các nhà tản cư ăn cắp. Một thằng, vẻ cà lơ, tay bị trói giật lại đằng sau, vừa đi vừa van lạy:
- Các anh tha cho em. Lần này là lần đầu. Chúng em biết tội rồi. Chúng em cũng biết nghĩ.
Một anh trật tự nói:
- Anh biết nghĩ nên mới vào nhà đồng bào lục lọi. Lệnh của Chính phủ đã nghiêm cấm, không biết à?
- Nếu em biết thì em đã không làm.
Nhật Tân thét:
- Không biết xấu. Đi! Phải xử tử chúng mày, quân khốn nạn!
- Anh tha em ra. Em xin liều với thằng Tây. Em cũng thề sống chết với thủ đô.
Nhật Tân bợp tai thằng vừa nói, và không nhìn ngang nhìn ngửa, anh rút khẩu súng lục giơ lên cao, đe doạ:
- Đi không tao bắn chết bây giờ. Vớ vẩn.
Trần Văn nhìn trong đám lưu manh không có Long đen. Anh thở dài, mừng thầm cho hắn và ân hận như đã để lỡ một dịp cứu vớt một con người khốn nạn. Anh định bước vào trong nhà, thì ông già Tư đã mở cửa, đứng chào anh một cách trịnh trọng và giả dối. Đấy là một ông già râu bạc gần hết, tóc hất ngược, mình bận một cái áo ba-đờ-xuy nâu sẫm, có cái vẻ sạch sẽ, cẩn thận của những người nhà được tín nhiệm trong các gia đình giàu có. Ông ta nói:
- Xin ngài cho tôi được trình. Các ngài cũng vì việc công việc nước nên mới đến đây. Tôi đã để cho các ngài đóng trên gác hai. Nhưng các ngài dỡ tung cả đồ thờ ra, làm thế thì tôi khó xử quá.
Trần Văn cười trong bụng. Ổ tác chiến của anh đóng ở trên gác hai là một gian nhà thờ nhỏ, lủng củng những ngai, những bài vị, những kiếm, những cờ. Ông già Tư giao hẹn không được động đến các đồ thờ, sợ uế tạp. Nhưng không có chỗ ngủ, anh chờ khuya đến, ông ta không lên rình mò nữa, mới dọn các đồ thờ đi cho xuống gầm, và nằm ngủ trên giường thờ, sáng ra lại bày như cũ. Đêm đầu đã không xảy ra chuyện gì. Sáng nay, chắc là ông ta bắt được. Anh nói:
- Tình hình này cụ cũng lượng cho.
- Không ạ, bẩm nhà chúng tôi sạch ạ, ngăn nắp ạ, đến cái sân cũng phải sạch, đồ nào thức ấy không bao giờ suy suyển. Bây giờ các ngài làm thế thì chúng tôi thực là không dám ạ. Bẩm các ngài thì đi, chứ chúng tôi thì cứ phải ở đây. Các cụ chúng tôi ra thì kì kèo, là kì kèo chúng tôi. Xin trình với ngài chúng tôi ngại nhất là để các cụ tôi phải kì kèo.
- Sắp đánh nhau rồi đấy cụ ạ.
- Thưa ngài, đánh nhau thì lại khác ạ. Nhưng còn thời bình thì các ngài giữ gìn cho.
- Cụ ơi, không phải nhà của cụ mà sao cụ giữ ghê thế?
- Thưa ngài của các cụ tôi cũng như của tôi đấy ạ. Các ngài làm thế thì tôi không biết nói thế nào. Xin các ngài…
Trần Văn muốn tát vào mặt cái lão già khó chịu, luôn luôn làm khó dễ anh em. Hai vợ chồng người Ấn Độ bán vải ở cách vài nhà, thập thò nhìn ra ngoài đường và nghe ngóng câu chuyện của hai người. Trần Văn càng bực mình, nghĩ: “Không sợ người ngoại quốc người ta cười cho”. Anh định đi bừa vào trong nhà, mặc kệ ông ta. Một tiếng gọi, anh quay ra thấy Văn Việt đi xe đạp ở ngoài phố vào, miệng phì phào điếu thuốc lá thơm, râu quai nón cạo nhẵn. Vẫn cái bờ-lu-dông tím, vẫn cái bao súng lục bóng đeo bên hông, vẫn đôi giày da đen có ghệt nhỏ túm lấy cái quần dạ màu nâu sẫm, vẫn cái vẻ hiên ngang nho nhã của người thanh niên uỷ viên quân sự. Trần Văn chạy lại, nói thì thầm, nhưng lễ phép:
- Có thể tối nay nó đánh mình phải không anh?
Ghếch xe đạp bên hè, một chân đá cái pê-đan quay tít, điếu thuốc lá cặp giữa hai ngón tay một cách lơ lửng, Văn Việt cười:
- Ai bảo anh thế?
- Tôi vừa gặp anh Quốc Vinh, mới đi họp về thì phải.
Văn Việt nhún vai, một tay tì trên càng khẽ rung rung cái chuông. Mặt anh nhạt dần, có một vẻ gì chua chát:
- Họ họp từ nửa đêm kia, cả bà Oanh nữa! Anh ấy nói thế?
- Vâng. Nhưng chắc anh cũng biết rồi.
- Tôi biết? Họp đâu mà biết!
Văn Việt bắt tay Trần Văn, cười khẩy, rỉ tai Trần Văn:
- Người đoàn thể nói thì mình phải tin thôi. Được, họ cứ họp, mình cứ canh, cứ gác, cứ bố trí, cứ huấn luyện cho thật cừ. Họ họp suốt đêm thì mình cũng thức suốt đêm. Bảo đánh là đánh. Nhưng riêng tôi, tôi cũng có cái phán đoán của tôi. Nếu nó đánh mình, thì nó phải đánh buổi sáng sớm, vì nó có cả một ngày hoạt động. Lại có lợi là bất ngờ, làm cho ta hoang mang, lại bảo vệ được kiều dân nó. Và nhất là nó có điều kiện giữ được nước điện mà không có thì nó chết. Nếu đánh tối thì không phải là nó đâu. Phải hiểu khác.
Văn Việt cười khanh khách, nắm chặt tay Trần Văn:
- Ta cứ tin vào các ông ấy thôi. Nhưng phải chuẩn bị gấp đấy. Giờ H rồi. Khổ cho những ai không ở trong đoàn thể!
Người uỷ viên đạp phóng lên phía Hàng Bạc. Trần Văn càng hoang mang. Nhưng anh vẫn cảm thấy có môt cái gì không phải như mọi ngày nữa. Anh tin Quốc Vinh hơn, lòng buồn buồn cho Văn Việt lúc này còn xoi mói. Anh phớt lão già Tư, vào nhà xách xe đi tìm anh em, bực bội vì họ đã quá thờ ơ với thời cuộc. Chiến tranh thế là đến nơi rồi và sắp lôi cuốn anh vào một cuộc chém giết ghê gớm. Mắt anh hầu như không thấy gì cả. Ngày thường anh đi xe đạp rất cẩn thận, nhưng lúc này anh phóng xe như bay. Anh cũng chẳng tính toán xem nên đến ai trước, ai sao cho lợi đường và lợi thời giờ. Anh chỉ nghe có tiếng nói trong lòng: “Đẻ ơi! Có lẽ đẻ sẽ không bao giờ gặp con nữa!”
*
* *
Trung đội của Trần Văn họp ngay ở phòng ăn của cái nhà buôn tơ lụa lớn này. Trên bàn để năm sáu cái chai không, những miếng cờ-rếp, những quả lựu đạn của xưởng Phan Đình Phùng. Một đội viên Vệ quốc quân từ cái lỗ tường đục dưới cầu thang làm giả cẩm thạch chui ra, tay xách một thùng ét-xăng. Anh đội mũ sắt Nhật, trang bị gọn ghẽ, như đã trong thời chiến. Anh không nói, và bước tới bàn ăn, đặt cái thùng bên chân bàn. Trần Văn thét:
- Không ai hút thuốc lá nữa!
Mấy anh sinh viên dập vội điếu thuốc lá đang hút. Trần Văn nhìn trung đội của anh, gồm phần lớn là học sinh, sinh viên, và anh em lao động: Tu, anh phu khuân vác, Sờn, anh thợ xẻ, Mộng Xuân, anh kép cải lương, ông hàng phở, anh phu xe… Cái vẻ ngơ ngác của họ làm cho anh cảm động. Tất cả, như những con chim sẻ kiếm ăn rải rác, giật mình vì một tiếng động, ùa bay theo một hướng. Vai đeo khẩu súng duy nhất của trung đội, anh nói:
- Bắt đầu từ lúc này, chúng ta đã sống trong tình trạng chiến tranh rồi. Chúng ta phải sống tập trung không được về nhà nữa. Đồng chí bộ đội đây sẽ đi với chúng ta, cùng với chúng ta chung một nhiệm vụ là hi sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ thủ đô. Chúng ta là người Hà Nội, chúng ta phải làm gương cho toàn quốc. Hà Nội là đất chiến thắng, Hà Nội có Đống Đa. Hà Nội là đất nghĩa khí. Hà Nội có cụ Hoàng Diệu. Hà Nội là đất cách mạng. Hà Nội có vườn hoa Ba Đình. Đến lượt chúng ta bây giờ, chúng ta phải giải phóng thủ đô, như Trần Quang Khải cách đây bảy trăm năm cướp lại Thăng Long, ngâm bài thơ cướp giáo; như Lê Lợi giải vây cho Đông Đô; như Quang Trung diệt tan quân Tôn Sĩ Nghị trong ngày tết chiến thắng đẹp nhất trong lịch sử chúng ta. Nhận cái thùng ét-xăng này, chúng ta phải hứa là tất cả những xe tăng, xe thiết giáp nào vào trong khu của chúng ta trong đêm nay, phải đốt cho bằng hết. Khi nào có lệnh, thì các bạn có nhiệm vụ tác chiến mở thùng ra, chuẩn bị cho những chai ét-xăng cờ-rếp tiêu diệt chiến xa. Các bạn khác thì xông ra đào hố, ngả cột điện…
Chân tay anh run bắn lên. Sau khi anh đã chuẩn bị được những câu hùng hồn, đến đây anh rối trí, không biết nói gì thêm. Các bạn anh cũng đứng dậy chờ đợi. Mặt anh lạnh lạnh. Họ trông anh như một người lạ chẳng biết anh em bao giờ. Hồi lâu, anh nói:
- Từ giờ phút này, nên nhớ là sai một tí là chúng ta có thể mất đầu. Bây giờ chúng ta chia những quả lựu đạn mới được phát thêm và những chai này.
Cái phòng ăn trở nên tấp nập. Chung quanh bàn, mấy người tranh nhau lấy những quả lựu đạn tốt nhất như đi chợ chọn hàng. Góc này, hai anh học sinh chia nhau mấy viên đạn súng lục. Chỗ kia, một anh giở súng lục ra lau. Người xem lại con dao găm, người tuốt kiếm. Những người phụ trách phá hoại thì kiểm điểm dao, cuốc, dây thừng để kéo đổ cột đèn. Mấy anh trong tổ cứu thương phân công sẵn người khiêng cáng. Không khí chuẩn bị náo nhiệt, vô tư nhiều hơn là lo sợ. Một học sinh nói:
- Ở đâu được đánh Tây cũng sướng. Nhưng không đâu có được cái vinh dự như chúng mình, chống giữ thủ đô oanh liệt.
Sờn ngắm nghĩa một quả lựu đạn:
- Toàn lựu đạn ta làm, mất tay như bỡn.
Anh học sinh nói:
- Hay nhất lại là ở chỗ ấy. Có bao giờ lại chính tay chúng ta đúc lựu đạn để đánh lại chúng nó không? Ồ, nghĩ buồn cho mấy thằng tản cư. Chúng nó sẽ rất xấu hổ khi thấy thủ đô được giải phóng mà không có chúng nó ở đây.
Trần Văn đứng nhìn anh em, thấy cuộc đời của mình thật kì lạ. Hôm qua còn là một giáo học, hôm nay đã thành một người chiến đấu sắp xông ra trận. Anh vừa nói như giảng một bài sử, chỉ khác là trước đây trong lớp học trò nghe như câu chuyện xa xôi, mà lúc này thì họ đang sắp làm cái việc mà ông cha ngày trước đã làm. Chính anh cũng sẽ lao vào trong cuộc, có ít nhiều chịu đựng và liều lĩnh như theo một định mệnh kéo đi, nhưng cũng có cái vui của người đã dứt khoát chọn một con đường, dù là nguy hiểm.
Anh đang ngồi bên bàn, lau khẩu súng thì Tu đến bên mời anh ra môt chỗ. Cái lưng gù gù của bác phu khuân vác già như càng gù thêm. Tu đã tình nguyện vào đội cảm tử đánh xe tăng, và sắp về Hàng Bạc, theo sự bố trí của Văn Việt, Tu nói:
- Cháu không được ở với ông nữa. Cháu muốn nhờ ông một việc. Nhờ ông biên cho một lá thư về quê cho mẹ cháu, dặn dò nuôi lấy ba đứa con, cứ nhớ lấy ngày hôm nay mà làm giỗ cháu.
Trần Văn dựa khẩu súng vào bàn, đứng dậy nhìn Tu. Tay anh đặt lên cái vai rộng của người phu khuân vác, và lòng anh se lại. Lúc nãy khi anh nói, Tu hình như chẳng hiểu gì cà. (Một hôm, thấy anh em nói về Hoàng Diệu, Tu thủ thỉ hỏi anh ông ấy là ai). Ngày thường chẳng ai bảo họ là người Hà Nội, và họ cũng gần như chẳng biết Hà Nội là gì. Cái gì đã làm cho họ ở lại với thủ đô? Nghĩ đến vợ con Tu, chỉ vẻn vẹn có vài trăm bạc để tản cư, anh thấy lòng bất nhẫn. Anh nói:
- Vâng tôi sẽ viết. Nhưng sao lại dặn thế?
Tu cười lặng lẽ, mặt phồng lên làm thành những cái múi dăn deo, cái lưng gù mang nặng cả một cuộc đời vất vả, cúi xuống một cách chịu đựng:
- Dạ. Ông cứ viết cho như thế ạ. Cháu cũng được yên trí mà mẹ con nó cũng được yên trí.
- Nhưng nhỡ mình sống thì thế nào?
- Thế thì còn gì bằng nữa ạ.
Chú Lai ở ngoài cửa chạy vào. Lai đã được trung đội nhận làm liên lạc. Nó hí hửng như được quà. Nó vẫn đen đủi, tóc còn rối bù, nhưng đã sạch sẽ hơn hôm mới đến. Lai kêu:
- Ông Văn ơi! Ông có được ra Thị chính tuyên thệ không?
- Tuyên thệ?
Trần Văn vừa nói vừa nhìn Tu. Người phu cười với chú Lai và kéo nó đến bên mình. Anh nói:
- Em ở đây với ông Văn nhé, (quay nói với Trần Văn). Có chú Lai cũng vui thêm. Tôi cũng đỡ nhớ cháu lớn, cũng bằng cỡ này.
Mọi người đã quây lấy Tu sắp sửa từ biệt anh em và có lẽ không còn trở lại. Tu đã thề không phá được xe tăng thì không về. Bên ngoài, tiếng một đứa bán báo rao: “Tin cuối cùng ơ! Người Việt Nam không thể không đề phòng ơ!” Tiếng ai hát bài Suối mơ như trong một buổi sáng yên vui. Trần Văn rút bút máy ra. Tu căn dặn như thể nhờ người làm đơn:
- Ông cứ bảo mẹ con nó nhớ ngày hôm nay cho cháu.
Một tốp anh chị em chợ Đồng Xuân tiến vào, tiếng guốc vang lên. Đi trước là Nhân. Khắn nhung đen, quần lĩnh, áo vải đồng lầm, cô con gái Ngọc Hà, khuôn mặt bàu bàu và nước da mịn, như đem vào trong cái phòng rối rít cả một sức trẻ đang lên và cả cái rộng thoáng của những vườn rau, vườn hoa ngoại thành. Mọi người reo to hoang nghênh các đại biểu chợ Đồng Xuân, những người đã từng vào tận trong thành đấu tranh với Pháp. Nhân nói:
- Chúng em đem gạo ủng hộ các anh.
Trần Văn quay ra làm cho Nhân cúi xuống, thẹn thò. Anh muốn mọi người không ai hiểu lầm quan hệ giữa Nhân và anh. Rất đứng đắn, anh nói:
- Các chị thật là sốt sắng.
- Có gì đâu anh. Đây là trích tiền lãi nửa tháng của chúng em.
- Cảm ơn các chị, cảm ơn cô. Tôi tiếc rằng hôm qua không tới mừng cô được. Cụ vẫn khoẻ chứ, cô Nhân? Tôi gửi lời thăm hỏi cụ nhé.
- Vâng, cảm ơn anh. Đẻ em vẫn khoẻ. Tết này không biết đã yên chưa, anh nhỉ? Bao giờ anh lại lên chơi Ngọc Hà?
Tu cuối xuống, bốc một dúm gạo và để cho những hạt trắng tinh từ từ trôi trên lòng bàn tay:
- Ở nhà tôi chả bao giờ có những thứ này.
Nhân nói:
- Ủng hộ các anh phải ủng hộ cái tốt chứ ạ.
Trần Văn đã đến bàn, bắt đầu viết thư. Trí anh đi từ những anh hùng lịch sử mà anh ngưỡng phục đến hàng vạn, hàng triệu những người đã ngã xuống và còn ngã nhiều, những người bình thường, tối tăm, như Tu, như Lai, nối tiếp nhau hết đời này đến đời khác, chịu đựng biết bao nhiêu cảnh sinh li tử biệt trong cuộc trường chinh không mỏi, không ngừng. Trong cuộc, họ là những người làm nhưng phần nhiều không biết, và cũng ít ai biết đến những việc họ đã làm, những đau khổ họ đã qua.
- Em đi, anh nhé. Anh có cần gì thì báo, em sẽ đem vào. Dù có đánh nhau, chúng em vẫn vào tiếp tế cho các anh.
Anh không nghe thấy tiếng Nhân nói với anh. Anh nhìn Tu, và lại cúi xuống tờ giấy, chia sẻ giữa hai ý kiến, nên viết theo lời dặn ghê gớm của Tu, hay chỉ nên viết một lá thư thăm hỏi bình thường. Khi viết xong, anh hối hận là đã không được niềm nở lắm đối với cô em gái bạn.