Sống mãi với Thủ Đô

Chương 17

Đứng trên thềm trụ sở của tự vệ chiến đấu, Quốc Vinh nhìn mấy đồng chí đang khiêng cái máy vô tuyến điện phủ kín vải lên chiếc ô tô đậu sát hè. Đường đầy lá sấu rụng. Cái ý nghĩ từ nay anh chỉ còn nói chuyện với bên ngoài bằng cái máy ấy càng xoáy vào đầu óc anh. Một trận gió lạnh thổi, lá bay xoay tít trên mặt đất, cuốn đi trong đám bụi mù của con đường không quét. Anh rét so ro, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Anh có những cảm giác lạ lùng. Cái phút chờ đợi từ bao nhiêu lâu đã tới. Nỗi uất ức vẫn đè nặng lên người anh đã được gỡ ra. Người anh nhẹ nhàng, đầu đỡ căng. Anh lẩm bẩm: “Tám giờ tối. Dứt khoát như thế, mình dễ làm. Chỉ còn có việc đánh chết thôi”. Anh thấy như được trở lại cái thời kì hoạt động bí mật đầy nguy hiểm, nhưng rất say mê và không phải mệt vì những công việc chính quyền. Nhưng bên cạnh cái nhẹ nhàng ấy, anh lại thấy bàng hoàng, lưu luyến những thói quen của cuộc sống công khai ngắn ngủi, thoắt hiện thoắt biến đi như một giấc mộng, trong ấy nổi lên hình ảnh của Phượng và những cuộc gặp gỡ ngập ngừng chưa nói hết. Bao trùm lên cả người anh là một cái gì đầy mâu thuẫn, lẫn lộn tin tưởng và lo âu. Anh vừa mong cho nó chóng tới lại vừa mong cho thời khắc kéo dài. Đầu anh chứa đựng những tên vị trí, đơn vị, những con số, những kế hoạch, những cuộc họp, những ước vọng thành công, thiết tha như lời cầu khẩn.

Đồng chí Bí thư thấy anh tần ngần, đến sát bên anh, nói vẫn cái giọng trẻ trẻ, thân mật:

- Độ này sao ho nhiều thế?

Quốc Vinh đáp, không thật:

- Tôi đã đỡ.

Anh muốn nhìn đồng chí cấp uỷ lâu lâu, vì nghĩ rằng có lẽ chẳng bao giờ còn gặp đồng chí nữa. Trong những ngày khủng bố 41-42, những ngày đen tối nhất của phong trào, cơ sở Đảng gần như tan rã hết, Quốc Vinh đã cùng hoạt động bí mật ở Hà Nội với đồng chí Bí thư. Anh nhớ cái buổi chiều chia tay với đồng chí ở Mọc và mười lăm phút sau thì đồng chí bị bắt. Tình cũ trong hoàn cảnh mới, Quốc Vinh chưa muốn đi ngay. Đồng chí Bí thư hỏi:

- Trong toàn Liên khu, số đàn bà, trẻ con, ông già, bà lão đã cho tản cư hết chưa?

- Cũng còn một số.

- Cho tản cư nốt đi. Nếu không thì ảnh hưởng nhiều đến tác chiến. Còn độ chừng bao nhiêu?

- Thưa anh, khoảng ba nghìn.

- Sao còn nhiều thế?

Quốc Vinh bối rối. Sự thật, anh chưa nắm được con số cụ thể về những người cần phải vận động cho tản cư và anh báo cáo con số đại khái. Anh hối hận, nhưng cũng không cải chính. Đồng chí Bí thư nói:

- Phải có kế hoạch tản cư ráo riết hơn. Bảo vệ dân là nguyên tắc của cách mạng. Đồng chí đi nhé, không anh em chờ.

Quốc Vinh đứng im một lúc, vẻ bẽn lẽn. Cuối cùng anh quyết định hỏi một điều mà anh cho là phạm vào nguyên tắc:

- Trung ương và Hồ Chủ tịch có còn ở Hà Nội nữa không?

- Các đồng chí ở đâu thì Trung ương và Hồ Chủ tịch ở đấy.

- Vâng… Thôi tôi đi. Tôi xin gửi lời chào quyết chiến quyết thắng lên Trung ương, lên Hồ Chủ tịch.

Đồng chí Bí thư nắm tay anh, hỏi:

- Rét thế này, sao để hở cổ thế kia?

Nói xong đồng chí cởi cái phu-la của mình quàng vào cổ Quốc Vinh. Thấy Quốc Vinh từ chối, anh nói:

- Các đồng chí ở trong này sẽ gian khổ hơn chúng tôi ở ngoài. Tôi biếu cậu đấy.

Quốc Vinh bắt tay đồng chí Bí thư và bước nhanh xuống thềm, vừa ho vừa chạy ra cổng. Phố vắng một cách không yên lành. Những cây sấu còn rỏ giọt sương lạnh. Đầu phố, nóc nhà ga lẫn trong mù. Thoáng thấy một thằng lính Pháp gác ở cửa ga cùng với một chiến sĩ của mình, anh cau mặt lại. Quốc Vinh bước lên xe, đằng đuôi đã buộc cái xe đạp của anh. Đây là lần thứ hai anh đi ô tô, lần thứ nhất vào ngày cách mạng. Lần này có lẽ là lần cuối cùng. Anh mỉm cười, gạt cái ý nghĩ ấy đi. Xe chạy. Anh lim dim mắt hưởng cái thú của đệm xe rung rinh.

*

* *

Xe của Hồng Lưu và Nguyễn Gia Định chưa chạy được. Tài xế quay ma-ni-ven mãi, máy vẫn không nổ. Hồng Lưu sốt ruột mở cửa xe bước xuống đường. Anh chợt trông thấy một thiếu nữ đứng vẩn vơ trước cái hàng rào sắt của trụ sở. Ấy là một người con gái nước da ngăm ngăm đen, người mũm mĩm, vẻ học sinh. Hồng Lưu lấy làm lạ, để ý xem cô ta đứng đấy làm gì trong buổi sáng này. Chợt thiếu nữ tiến lại, ngập ngừng rồi đánh bạo hỏi Hồng Lưu:

- Em xin lỗi anh, em muốn hỏi anh chị Oanh có còn ở trong trụ sở không?

Hồng Lưu đang bước lại đầu ô tô, hỏi sẵng:

- Chị Oanh nào?

- Chị Oanh, phụ nữ cứu quốc thành, chị Oanh hẹn em từ tối hôm qua ở đây để giao em công tác. Em đợi mãi.

- Cô đợi từ tối hôm qua ở đây à?

- Vâng ạ. Em vẫn đứng ở đây.

Thiếu nữ chỉ vu vơ cái hàng rào, miệng phụng phịu như muốn khóc. Mặt cô tái đi, dáng người mệt nhọc. Cô đưa cho Hồng Lưu một cái giấy nhỏ. Anh xem thì đúng là chữ của Oanh và cả chữ kí. Oanh đã hẹn cô ta đến đây từ hồi bảy giờ tối ngày 18. Hồng Lưu hỏi:

- Cô là Đỗ Quyên à?

- Thưa anh, vâng.

Lúc này, nước mắt Quyên ứa ra. Sau khi chia tay với Trần Văn và với bọn Loan ở lớp học, Quyên đi tìm Oanh, mãi chiều hôm qua mới gặp được. Đúng hẹn, Quyên tới. Quyên tính toán sao cho không lỡ hẹn một phút đồng hồ. Trong trí óc của cô thiếu nữ tiền phong ngây thơ, mọi việc lúc này phải ăn khớp nhau ghê lắm. Đối với một người cán bộ như Oanh, thời giờ phải kể từng giây từng phút. Người cán bộ đã hẹn thì nhất định không sai. Quyên không thể để cho người ta phải đợi. Khi ở nhà bước chân đi, Quyên phấn khởi. Sắp tới chỗ hẹn, Quyên hồi hộp. Quyên chắc mẩm là Oanh đã chờ mình sẵn ở đấy rồi. Không ngờ đợi mãi cũng chẳng thấy Oanh ra. Sợ đi thì chị ta lại đến, Quyên cứ đứng ngoài cổng. Suốt đêm chờ, rét như cắt ruột. Quyên thầm trách Oanh sai hẹn và tủi thân vì cảm thấy mình bị coi thường. Lần này là lần thứ hai. Lần trước đi xin công tác Quyên đã bị người ta nhét cho cái việc mật mã chẳng lí thú gì rồi. Nhưng trong ý nghĩ, Quyên lại bào chữa cho Oanh. Oanh có thể mắc vào một việc quan trọng bất thường nào, chẳng nên trách…

Hồng Lưu hỏi:

- Gia đình cô ở đâu?

Quyên đáp:

- Cậu mợ về quê cả rồi.

- Thế sao không về quê với cậu mợ?

- Em là một nữ học sinh Hà Nội, em muốn ở lại kháng chiến. Anh có quen chị Oanh không?

Tiếng thanh thanh, ỏn ẻn của một cô gái Hà Nội làm cho Hồng Lưu dịu dịu người và đỡ căng đầu. Trong khỉ chờ chữa ô tô, có một người phái yếu đứng nói chuyện cũng hay hay, vừa vui vừa đỡ sốt ruột. Cái thú này, tối hôm nay là hết. Thiếu nữ những không đẹp, nhưng cái tươi và cái đang nở rạo rực của tuổi chanh cốm vẫn có cái gì làm cho ta xao xuyến như hương vị đầu mùa.

Anh nói cái giọng ngọt ngào, vuốt ve mà anh thường có khi đứng trước một phụ nữ:

- Có. Chị Oanh vừa họp với chúng tôi. Chị ấy sắp ra đấy và cùng đi xe với chúng tôi. Sao chị ấy lại sai hẹn quá thế!

Anh lái xe vẫn quay ma-ni-ven và thở hồng hộc. Một xe gíp Pháp phóng qua. Trông thấy cái xe của Hồng Lưu, một thằng mũ đỏ bĩu môi, nhún vai. Cái gíp chạy vụt về.phía Đồn Thuỷ mập mờ trong sương. Lá và bụi bay tung bắn vào Hồng Lưu. Anh hỏi người tài xế:

- Chết chửa. Bao giờ xong?

Hồng Lưu cười:

- Đánh nhau đến nơi mà xe cộ thế này thì đánh cái chó gì…

Quyên lấy làm lạ. Đối với Quyên, mọi việc lúc này đều quan trọng, xe phải tốt lắm chứ sao lại hỏng được. Người cán bộ phải nghiêm trang mới phải, sao lại có vẻ đùa, mà còn cười nữa. Chắc đây là một ông to thì người ta mới nói thế được. Quyên đoán Hồng Lưu phải là một nhà cách mạng lão luyện. Cái vẻ người thật là hiên ngang, cương quyết mà lại rất ôn hòa.

Oanh xách túi bước ra, xăm xăm tới chỗ Hồng Lưu. Thấy người lái đang hí hoáy chữa xe, chị dừng lại, nheo mắt, môi còn hằn vết sáp đỏ hàng ngày chưa bay hết, hơi hơi cong lên. Quyên nhận ra Oanh, ngạc nhiên vì cách cải trang của Oanh nhiều hơn là vui sướng được gặp người nữ cán bộ. Bỗng Quyên nhoẻn miệng cười, đôi má tròn trặn, lúm sâu lỗ đồng tiền. Quyên chạy lại với Oanh, ngoan ngoãn như một cô em gái. Quyên nói, trách móc:

- Em đợi chị mãi.

Họ ôm lấy nhau. Oanh nói:

- Quyên tha lỗi cho chị nhé. Chị bận, quên khuấy đi mất. Bây giờ Quyên đi đâu, hay đi luôn với chị. Chị sẽ nhờ Quyên làm một việc này, quan trọng lắm. Quyên khóc ư? Chị thật đáng trách.

Oanh dìu Quyên đến gần ô tô, phân trần với Hồng Lưu:

- Không biết trí nhớ của tôi thế nào mà hay quên quá. Quyên tốt lắm. Không theo gia đình tản cư.

Hồng Lưu gật đầu:

- Tôi biết, – và quay lại Quyên, anh mời. – Lên xe ô tô với chúng tôi, cùng đi cho vui.

Quyên nép bên tay che chở của Oanh, nhổ khục mấy ngón tay của Oanh đặt lên vai mình. Quyên ngước mắt lên nhìn Hồng Lưu, và càng thầm phục cái lòng tốt của người cán bộ. Gặp được Oanh, Quyên yên trí lắm rồi. Trước cách. mạng, Oanh và Quyên cùng học ở trường nữ học Đồng Khánh. Oanh học trên bốn lớp. Oanh đã tổ chức những buổi biểu diễn Ballet d’Annam (1) giúp quỹ cứu tế quốc gia của Pháp. Có kết quả, chị định tổ chức luôn mấy buổi nữa để ủng hộ Hội truyền bá quốc ngữ. Nhưng con mẹ Bờ-ra-sê (2) không cho. Việc ấy đã làm cho nữ sinh Đồng Khánh công phẫn. Hồi trường Bưởi chống lại trường Ly-xê (3) An-be Xa-rô, nữ sinh Đồng Khánh cũng hưởng ứng. Oanh dẫn đầu các bạn học đi dự lễ kỉ niệm Gian Đa và Hai Bà Trưng do trường An-be Xa-rô và trường Bưởi cùng làm chung. Dự định của học sinh Việt Nam là Đồng Khánh thì hạ cờ Pháp xuống, còn trường Bưởi thì xông vào đánh tụi học sinh con Tây. Nhưng bọn Pháp biết trước. Chúng cho lính đến vây đám hội, đặt súng ở chung quanh chĩa vào. Thế rồi Oanh bị đuổi. Trước ngày Nhật đảo chính, Oanh tham gia cách mạng. Sau đảo chính, Oanh càng hoạt động tích cực. Bị Nhật lùng bắt, Oanh phải thoát li gia đình ra vùng ngoại ô. Trước ngày cách mạng, Oanh là một trong những người phụ nữ cứu quốc đứng trên gác Nhà hát thành phố, diễn thuyết hô hào ủng hộ Việt Minh trước đám biểu tình ngày 17 tháng Tám. Giữa sự kinh ngạc và vui mừng của cái biển quần chúng ầm ầm và kích thích đến cao độ, Oanh đã tung cao lá cờ Việt Minh công khai lần đầu tiên ở Hà Nội. Khi hiến binh Nhật tới thì Oanh đã cùng với các đồng chí của mình biến đi trong đám đông.

Hồi ở trường, Quyên rất tin Oanh, bây giờ lại càng tin. Tuy rằng ở phố mình, Quyên cũng đã vào tổ tuyên truyền, nhưng tổ trưởng chỉ là một học sinh cùng trường, Quyên không phục nên đi tìm Oanh.

Máy đã nổ. Quyên theo Hồng Lưu và Oanh bước lên xe. Ngồi ở ghế trên, Nguyễn Gia Định quay xuống, mặt lạnh lùng. Anh không tán thành cái cử chỉ không được thận trọng của Hồng Lưu. Qua cái kính xe trước mắt mờ mờ, đọng nhiều giọt sương như mưa, anh nhìn con đường lá rụng tơi tả, lạnh buốt và hoang vắng như đường rừng. Vốn người không hay xông xáo, từ khi về đóng ở Hà Nội, anh không hay đi ra ngoài phố. Cái đại lộ Trần Hưng Đạo này, anh chỉ đi qua hồi đón Cụ ở Pháp về. Bây giờ anh thấy tiếc tiếc đã bỏ lỡ nhiều dịp đi xem những cảnh đẹp của thủ đô. Rồi đây anh sẽ không còn đi qua cái đại lộ này nữa. Những cây sấu hai bên đường rủ xuống thành một cái vòm dài, âm âm, có chiều ngơ ngác. Trong cái biếc biếc như khói, như mây trước mặt, anh chỉ thấy nổi lên cái dinh Hồ Chủ tịch ở đấy tối nay anh sẽ chỉ huy chiến đấu. Anh mong cho.chóng được về nơi mà bộ đội đang chờ.

Thấy anh có vẻ lạnh nhạt, Quyên khó chịu và nghĩ: “Những anh cấp dưới bao giờ cũng khinh khỉnh hơn cấp chỉ huy”. Quyên càng có cảm tình với Hồng Lưu, người sao mà đầm ấm. Xe giật mạnh, má Hồng Lưu sát vào mái tóc thơm của người thiếu nữ. Hồng Lưu hỏi:

- Cô ở đâu?

Quyên lễ phép:

- Thưa anh ở Hàng Bút.

- Con gái Hàng Bạc thì hay ăn quà. Con gái Hàng Đào thì làm cỗ giỏi, con gái Hàng Bút chắc là phải học giỏi lắm.

Oanh và Quyên cùng cười. Quyên thẹn thò, ấp úng một câu không rõ. Hồng Lưu nói:

- Tôi có đọc một tờ báo nói ngày xưa học trò đi thi, đến đấy mua giấy bút sách vở, có những cô Hàng Bút đối đáp thơ phú với học trò, nhiều ông hay chữ mà cũng phải chịu. Cô biết chứ?

- Không ạ.

Quyên lấy làm lạ sao lúc này Hồng Lưu vẫn còn vui vẻ, bình tĩnh được như thế, lại biết cả những chuyện ngày xưa mà ở ngay trong phố từ thuở nhỏ Quyên chẳng biết gì, cậu mợ cũng không biết.

- Cậu mợ làm gì?

- Cậu em làm viên chức, mợ em bán giấy.

- Tôi nói có đúng không.

Chiếc xe rẽ vào phố Huế làm ngả nghiêng mấy người đều chưa quen ngồi xe. Hồng Lưu luôn tiện sát lại Quyên và bần thần người một cách khoái trá, anh muốn giữ cái đùi êm nóng và tròn trặn của cô gái trinh lâu lâu bên đùi anh, sợ cái khoái cảm ấy mất đi như đứa trẻ đang vờn con bướm hồi hộp lo nó biết có người rình và bay đi chỗ khác.

Quyên khẽ dịch về phía Oanh, hỏi Hồng Lưu một cách kính phục:

- Thưa anh, trước anh cũng học ở Hà Nội?

Hồng Lưu gật đầu, không ra nhận, cũng không ra không. Sợ Oanh nói rõ cái tung tích của mình mà anh muốn giấu cô học sinh Hà Nội, anh cười và ngả người vào chỗ tựa, làm cho cái áo tơi dạ lính rời khỏi vai anh. Nguyên anh là một đội khố đỏ. Năm 1940, Pháp bị Nhật đánh thua ở Lạng Sơn, Hồng Lưu đào ngũ chạy về Bắc Sơn, được quân khởi nghĩa ở đấy cho ăn uống và thả về. Cảm phục anh em cách mạng, Hồng Lưu tình nguyện ở lại và từ đấy tham gia chiến đấu ở vùng Bắc Sơn, Đình Cả, Vũ Nhai. Tính anh hay tò mò. Từ khi anh về thành phố, anh hay thu góp những chuyện vặt về Hà Nội để tỏ ra mình là người thông thạo thủ đô.

Quyên bỗng vịn lên vai Oanh, kêu:

- Chị ơi, trường Đồng Khánh của chúng ta đây này.

Oanh nói:

- Đừng gọi tên cái thằng vua ấy nữa. Bây giờ là Quân uỷ hội rồi!

- Không hiểu sao, em nhớ trường cũ quá, chị ạ.

Oanh nắn cái vành khăn vấn quá chật và làm cho chị nhức đầu, nghiêng cái khăn vuông cho hơi lệch qua một bên, chị nhìn ra hồ, lâu lâu nói:

- Chị cũng nhớ. Nhớ nhất là hai con bạn ở Trung Bộ, hai năm nay chưa gặp. Chị viết thư cho chúng nó hẹn ra chơi. Chúng nó viết thư bảo trung tuần tháng này thì ra, hẹn không gặp nhau ở ga, cũng không ở nhà, mà ở Bờ Hồ, đứa nào cũng sẽ mặc áo dài xanh, quần trắng, khoác tay đi dạo chung quanh hồ, giữa mùa khô ráo cho bõ nhớ, rồi lại đi thăm trường. Đứa nào đã có chồng thì khao những đứa kia, mà nếu chưa cả thì góp tiền khao nhau.

- Thế thì chị không phải khao rồi.

- Ừ, đáng lẽ hôm nay chúng nó ra đây. Chúng nó trông thấy chị thế này sẽ cười nôn ruột.

Xe đã tới hồ, mặt nước êm ả, bốc đó đây những đám sương vắng teo như những vệt khói trên cánh đồng không. Quyên nói:

- Biết đâu chốc nữa lại không gặp. Hồ đẹp thế kia, em thích cho các chị gặp nhau cơ.

- Gặp gì ngày hôm nay nữa !

Nguyễn Gia Định không quay ngang quay ngửa, mặt vẫn lầm lầm. Anh sắp thoát khỏi phải nghe câu chuyện dông dài giữa Hồng Lưu và cô nữ sinh gặp ở giữa đường, rồi lại câu chuyện vớ vẩn của Oanh. Lắm lúc, anh muốn bịt tai đi để tâm trí được tập trung vào những việc anh đang phải lo giải quyết khi trở về. Trong cái bực tức của anh, có lẫn cả cái ghen của một người cảm thấy mình ít có duyên với phụ nữ.

Xe đỗ trước dinh Bắc Bộ. Hồng Lưu mở cửa, nhảy xuống hè một cách rất nhẹ nhàng, rồi quay lại, cúi xuống bắt tay Oanh. Anh nắm chặt tay Quyên run run. Anh lùi mấy bước, giơ tay lên bên cái mũ ca-lô, có đính ngôi sao vàng thêu kim tuyến, vành tròn ngoài cũng thêu kim tuyến, lóng lánh trên nền dạ đỏ thắm, chào hai người phụ nữ một lần cuối cùng, miệng tươi cười nói:

- Thắng lợi!

Rồi anh quay đi, liếc nhìn mấy cây sấu trước hàng rào, giày đinh rít trên cái hè rộng lát gạch nhỏ có những lằn chìm như khía. Nguyễn Gia Định lúc cúc đi sau anh. Họ bước qua cái cổng sắt bên trái. Một Vệ quốc quân đứng gác bồng súng chào. Quyên nghĩ anh ta thật sung sướng được bảo vệ dinh Cụ. Trên gác cao, các cửa kính sơn xanh vẫn còn lồng rèm đăng ten. Lá cờ nước đỏ như tiết, mịn như nhung, phấp phới trên vòm ngói đá đen. Chắc Cụ vẫn đang làm việc trên ấy. Quyên chưa bao giờ được vào đây, và thèm được như Hồng Lưu gần Cụ luôn luôn. Trong sân, anh em bộ đội đang tấp nập. Đối diện với dinh, vườn hoa con cóc vẫn phun nước một cách thanh bình. Nhưng trước cửa khách sạn Mê-tờ-rô-pôn, xe nhà binh Pháp, tua tủa súng ống và những cần vô tuyến điện, đỗ một hàng dài đến tận phố Tràng Tiền. Nhiều xe khác chạy tới, tiếng động cơ rú, tiếng phanh rít. Cái cửa tròn vào khách sạn xoay tít như cò quay. Quyên thấy lo ngại cho Cụ Chủ tịch. Quyên nao nao thương Hồng Lưu. Nếu đánh nhau, thì anh sẽ chống giữ ở đây thế nào? Quyên hỏi Oanh:

- Anh ấy chắc là cao cấp chị nhỉ?

Oanh đang ghi mấy chữ viết tắt trên cuốn sổ nhỏ xíu. Chị vừa gập sổ vừa nói:

- Cao cấp gì. Quyên này, em sẽ đóng vai thư kí cho một nhà trí thức mới ở Pháp về, một bác sĩ rất giỏi, rất có tiếng, nhưng cũng khó hiểu lắm. Bề ngoài là thư kí, nhưng bề trong là theo dõi, có gì thì báo cho chị biết.

Một chiếc cam nhông chở đầy lính Pháp và phu phen từ vườn hoa Chí Linh rầm rầm phóng lại, sạt vào cái thành xe của Quyên như định ẩy ngã. Quyên kêu rú lên, giữa lúc xe mình cũng chuyển bánh. Mặt Oanh tái đi. Chị khẽ tát yêu vào má Quyên và nói:

- Không sợ. Không sợ. Việc gì phải sợ chúng nó?

*

* *

Khi đi qua những con đường lớn và thẳng, trước kia còn mang những tên người Pháp, phần nhiều chỉ gợi lên cho kẻ bị trị những kỉ niệm tủi nhục, những con đường đẹp với những biệt thự theo kiến trúc phương tây, nhiều kiểu khác nhau, sạch sẽ và yên tĩnh, với những hàng cây lớn rủ bóng xanh mát xuống đường, người Hà Nội thường có cảm giác như mình vào một nơi xa lạ. Sau ngày khởi nghĩa, mặc dầu những con đường ấy đã được mang tên những anh hùng, những danh nhân của dân tộc, những chiến công lịch sử, những phong trào cách mạng, và người Việt Nam đã đến ở nhiều rồi, mà đôi khi ta vẫn còn có cái cảm giác ngỡ ngàng. Nhưng vượt khỏi Hồ Gươm mới thật như trở về với những phố của mình. Những phố cũ kĩ còn giữ nguyên tên những phường, những giai thoại, những kỉ niệm thuở trước của kinh thành, nó nhắc nhở, khêu gợi, nó âm vang trên mỗi bước chân đi. Những ngôi nhà hẹp lòng, lồi ra, lõm vào, chen chúc nhau, ít có một khoảng vười con ngăn cách. Những mái ngói lâu đời đã ngả màu đen và mốc trắng như những mái chùa, mái đình trải qua nhiều mưa nắng, những mái ngói của những căn gác thấp, ọp ẹp, khấp khểnh, bỡ ngỡ và tui tủi giữa những nóc nhà mới cao vút lên một cách hãnh tiến. Những dãy hàng cánh cửa lùa san sát kề bên những ngôi hàng lồng kính, cái còn phảng phất thời những cô hàng xén dịu dàng, nền nếp, ý nhị của kinh kì, cái đã phô trương hình thức cầu kì, diêm dúa, hào nhoáng của cái xã hội bon chen, gian giảo, lố lăng thời nô lệ Pháp. Những hiệu ăn nổi tiếng của thủ đô sành sỏi, bên cạnh những đình chùa miếu mạo mà những câu đối cổ kính đã bị lu mờ giữa những biển hàng xanh đỏ trắng vàng, chi chít những chữ nho, chữ quốc ngữ, những nhãn hiệu tranh nhau quảng cáo. Tất cả một khu lộn xộn, lúc nhúc, ồn ào nhiều màu sắc, trước kia, dưới những triều vua sống cách biệt nhau, đêm đêm gài kín cổng, nơm nớp lo cướp bóc, giặc giã, hoả hoạn, nay quây quần lấy nhau, thông với nhau bằng những con đường quanh co, eo hẹp. Thiếu bóng cây, thiếu khoảng rộng, thiếu không khí, xoắn xuýt Hà Nội xưa và nay, trơ trụi gạch ngói với người. Và nấp trong những phố tíu tít ấy người ta sản xuất và buôn bán, cung cấp và thu nhập, toả cái truyền thống lịch thiệp, tinh xảo của Hà Nội đi khắp nơi, gây nên cái sức quyến rũ của thủ đô hoa lệ.

Nhưng buổi sáng hôm nay, Quốc Vinh cảm thấy mình không phải trở về với phố phường quen thuộc mà chính là đang trở ra mặt trận đầy sát khí, mà những phố bên ngoài không có. Về đến gần nhà, anh bỗng cảm thấy có cái gì rợn rợn. Anh mở to đôi mắt lồ lộ. Anh kêu khẽ, kinh ngạc: “Quái, các cậu nhà mình?” Anh lái xe cũng dừng tay lái. Trên bãi rộng, trước ga tàu điên, mấy người đi qua cũng đứng lại, ngẩn ra xem, có người quay mặt đi như sợ hãi. Đầu phố Hàng Đào, phía Cầu Gỗ, sừng sững, đỏ tươi, hai chữ CẢM TỬ kẻ từ bao giờ, chiếm cả bề dài bề rộng của bức tường vôi nham nhở của một dãy quán bán sách đã dọn đi. Hai chữ cảm tử như đôi mắt nhỏ máu lừ lừ nhìn Quốc Vinh. Dưới là một hàng chữ đen: “Chúng tôi, những thanh niên Hà Nội nguyện hi sinh đến giọt máu cuối cùng. Thề sống chết với thủ đô!”. Phố Hàng Gai, một biểu ngữ nữa kẻ bằng chữ đỏ: “Mỗi phố là một mặt trận, mỗi nhà là một pháo đài!”. Một tự vệ đứng sau đống bao cát đầu phố Hàng Đào, chĩa cái nòng súng mút ra khỏi miệng ụ. Phố xá đều im lặng, một thứ im lặng nặng trĩu, và có một vẻ riêng đau xót, thù hằn. Những bàn tay vô hình nào viết nên những dòng chữ dữ tợn, đanh thép kia, như trong linh tính đã cảm thấy một cái gì ghê gớm sắp xảy ra. Những phố Hàng Gai, Hàng Đào, Cầu Gỗ như. sát lại, những phố đằng sau như bôn tới, âm ỉ, quyết liệt, sẵn sàng. Mấy dòng cộc lốc, lạnh lùng, lẫn cả màu sống chết, lặng.lẽ nhìn ra Hồ Gươm, vừa kêu gọi và cũng vừa trả lời. Buổi sáng có chút ánh nắng gợi lại chút ít những ngày yên ấm. Cố gắng mỏng manh của cuộc sống bình thường, nhưng tuyệt vọng như cái hôn vớt vát trên đôi môi nhợt nhạt.

Quốc Vinh thấy gáy anh lạnh buốt, da sởn lên, gây gây như khi ta trông thấy máu me. Anh lo lắng: “Chẳng nhẽ có người biết cái hội nghị của ta ư?” Nhưng anh tự hào với cái khu phố đã tự đứng lên như một bức thành. Anh lặng đi trong giây lát, tai văng vẳng lời nhẹ nhàng của đồng chí Bí thư: “Đã đánh được chưa?” Xe anh chạy vào trong phố, và tì tay vào cái máy vô tuyến điện, anh có cảm tưởng như chẳng bao giờ còn ra khỏi nơi này.

Chú thích:

(1) Ca vũ việt Nam.

(2) Đốc học Pháp.

(3) Trung học.