Sòng Bạc

CHƯƠNG 17

Tôi có đề nghị với anh ta là gặp nhau ở khách sạn Pierre, nhưng anh ta đã từ chối một cách rất lễ phép.

— Thế thì ở đâu?

— Nếu ông vui lòng, ông Cimballi, xin ông hãy làm theo thật đúng những gì tôi xin ông làm cho...

Tôi theo những lời chỉ dẫn của anh ta: Tôi đi ngược lên hết Long Island, tôi qua sông East River bằng cầu Throgs Neck, rồi xuyên suốt Bronx từ đầu này sang đầu kia đến tận con sông ở Harlem, và chỉ bắt đầu từ đó thôi, ngang với Phố 79, mới đi vào Manhattan, rồi đi dọc hết đại lộ Broadway mà vào công viên Central Park...

... Rồi đi cho đến Trung tâm Lincoln Center, và để xe lại ở đó.

— Xe để chỗ nào cũng được, Ông Cimballi. Ông xuống đi bộ.

— Đi bộ à?

— Vâng, đúng thế, ông đi bộ, ông Cimballi. Đi về phía nào cũng được...

Thế là hiện nay tôi đang đi bộ, từ Damrosch Park đến quảng trường trước mặt nhà hát Metropolitan Opera dưới một cơn mưa lạnh buốt. Cuối cùng người Anglais xuất hiện: Áo khoác kiểu Bogart, mũ dạ nhỏ có đính một cái lông gà rừng, dáng điệu có vẻ tự bằng lòng mình lắm.

— Rất tiếc là ông đã phải làm một cuộc hành trình như vừa rồi, nhưng chúng tôi muốn được bảo đảm là ông không bị theo dõi.

— Theo dõi?

— Nhưng ông không bị. Nghĩa là ngày hôm nay thì không.

— Bởi vì tôi đã bị theo dõi rồi à? Gần đây hay bao giờ?

— Rất có thể như thế. Ít nhất là một lần. Nếu không phải theo dõi thực sự thì cũng bị canh chừng.

Làm bộ trú mưa, chúng tôi bước vào một thư viện.

— Ai theo dõi tôi và bao giờ?

— Hôm kia, thứ hai, khi ông ở Aspen về. Có hai người đàn ông chờ ông ở phi trường, lúc ông đổ bộ xuống đấy cùng với cô Kyle, con trai ông, con bé người Áo ở nhà ông, và cái chị bảo mẫu khổng lồ ấy - Anh ta giơ một bàn tay lên đề ngăn câu hỏi của tôi rồi tiếp tục - Chính tôi cũng có mặt ở đó để chứng kiến lúc ông đến, theo một giả thuyết mà tôi tự đặt ra cho mình. Nhưng tôi chưa báo cho ông ngay, vì tôi chưa biết hai người đàn ông đó là ai, có thể là những người mà ông thuê để bảo vệ ông không biết chừng.

— Không, tôi chẳng thuê ai cả.

— Hôm nay thì tôi biết rồi.

Anh ta rút từ trong một cái túi của chiếc áo khoác đi mưa của anh ra một bức ảnh chụp hai người đàn ông lên một chiếc xe hơi.

— Chúng tôi đã nhận mặt được một người, và thế là đủ rồi: Frank Lippi, nghề chính thức: Kế toán phụ. Nhưng tất nhiên hắn làm việc cho bọn Caltani. Đã ở tù ba hay bốn năm gì đó.

Trong vài giây đồng hồ, tôi bỗng cảm thấy một nỗi sợ hãi đến thót ruột lại. Người Anglais nói:

— Tôi rất tiếc.

Nhưng anh ta còn nhiều điều nói cho tôi biết và chỉ cho tôi xem, nên anh ta không từ chối “a nice cup of tea” (một ly trà ngon). Chúng tôi đi tới khách sạn Algonquin mà anh ta quen thuộc. Một chiếc xe đến đón chúng tôi, do một người đàn ông lái, mà Người Anglais cũng chẳng buồn giới thiệu với tôi nữa.

Trong buồng của anh, Người Anglais trải lên bàn một số bức hình. Và trong hai tiếng đồng hồ tiếp theo sau, anh còn làm lại cái cử chỉ này nhiều lần.

— Ông có biết một trong số những người này không?

Tôi xem kỹ từng chiếc ảnh một. Tất cả khoảng hơn ba mươi người khác nhau, chỉ có một điểm chung là tuổi đều đã ngoài bốn mươi cả, trừ hai người, và không một người nào có bộ mặt đủ lương thiện để có thể giao cho làm tổng giám đốc hãng New York Stock Exchange được! Nhưng không có một bộ mặt nào gợi cho tôi nhớ một cái gì cả.

— Tuổi tác của họ không phải là điểm chung duy nhất. Tất cả, theo các mức độ thân sơ, đều là những bạn hữu lâu năm của Karl Gustave Baumer. Ông yêu cầu tôi điều tra về người này và đặc biệt là về thời gian trước khi người đó chết. Cách tốt nhất là điểm lại những thân cận với người đó.

— Ngoài Walcher?

— Không, lão này không biết gì về cuộc điều tra của chúng tôi, nếu đó là điều ông định hỏi tôi. Thậm chí, chúng tôi còn hết sức giữ gìn để cho lão không biết kia. Tuy rằng không bao giờ người ta có thể chắc chắn được về những điều này.

Tôi vẫn ngắm nghía các bức ảnh.

— Tại sao lại chỉ đặc biệt có hơn ba mươi ông nội này thôi, trong khi Baumer, giữa những quán bia và cái khách sạn ông ta phải biết đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người ấy chứ?

— Bởi vì những người trong ảnh có một đặc điểm đáng lưu ý: Hoặc ở các quán bia tại New York, hoặc ở khách sạn tại City, họ - có cả phụ nữ trong số này - đã gặp Baumer trong khoảng thời gian hai tuần lễ trước ngày 21 tháng chín 1974. Gần một nửa trong số họ...

— Cái ngày 21 tháng chín 1974 ấy là ngày gì vậy?

— Đó là ngày mà Baumer gặp lại Maggie Keller, người hầu bàn cũ của ông ta. Ngày mà ông ta bắt đầu yêu chết mê chết mệt cô hầu bàn này, đến mức, chỉ trong một thời gian rất ngắn, đã tự làm đảo lộn cả cuộc đời mình, bỏ đi với cô ta đến vùng nhiệt đới rồi ở lỳ đó cho đến khi chết vào tháng Giêng năm 75. Chúng tôi phải khởi động ở đâu đó để tiến hành cuộc điều tra này, nên chúng tôi đã chọn cái thời điểm đó để bắt đầu. Trong giả thuyết là sự xuất hiện của Maggie Keller vào ngày hôm đó không phải do một sự ngẫu nhiên.

Người Anglais lại trải ảnh ra, và chọn lấy vài cái có hình của những bồ bịch thân của Karl Gustave.

— Chúng ta hãy trở về với những ông bà này. Gần một nửa trong số họ đã được Baumer nuôi không hay cũng gần như thế trong khách sạn của lão ở Atlantic City. Năm người đã ở liên tục tại đấy từ đầu tháng 9 cho đến ngày 21 cùng tháng. Vào dạo ấy, mùa hè chưa qua hẳn, Baumer ở ngoài bãi biển nhiều thời gian hơn là ở trong cái quán bia. Vả lại những quán này vẫn cứ chạy đều mà không cần đến lão. Trong số năm người này, thì hai đã chết, và hai đã rời khỏi vùng New York. Chúng tôi đã phải công phu mới tìm lại được họ. Họ đã biến mất, không để lại một dấu vết gì cả. Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng phát hiện ra được. Một người hiện ở Florida và đã tìm được một chân bảo vệ trong một cơ ngơi thuộc quyền sở hữu của một người tên là Bert Sussman.

— Không biết.

Nụ cười của người Anglais.

— Người này có những quyền lợi, nhất là trong một dịch vụ xuất nhập khẩu chủ yếu về dầu ôliu, cùng hùn vốn phân nửa với bọn Caltani. Thế còn người bạn thứ hai của Baumer, anh này lại còn được may mắn hơn nữa: Hiện nay đang sống những ngày rất ung dung ở San Juan của Porto Rico trong chức vụ gác đêm của một nhà nghỉ sang trọng...

— Thuộc quyền sở hữu của bọn Caltani.

— Không. Chúng tôi không thấy điều này. Nhưng Caltani bố, bây giờ chết rồi, ngày trước cũng có nhiều quyền lợi lớn ở La Havane. Khi Castro lên cầm quyền, ông ta rút hết về Porto Rico, là nơi có nhiều bạn cũ của ông ta cũng đến trú ngụ. Sở hữu chủ của nhà nghỉ ấy là bố đỡ đầu của Jos Caltani thằng anh cả.

— Thế còn hai người đã chết?

— Ma túy quá liều đối với một người, tai nạn trong khi say rượu đối với người kia. Ông Cimballi, tôi sẽ không đi vào chi tiết. Tôi chỉ giải thích tại sao chúng tôi lại đi đến chỗ là phải chú ý đến những gì xảy ra ở khách sạn tại Atlantic City trong thời gian trước ngày 21 tháng chín, năm 74. Chúng tôi đã tìm lại được năm chứng nhân có mặt ở đấy vào thời điểm này, và chúng tôi nhận thấy hai trong số này đã rời khỏi New York, cả hai đều có dính líu đến bọn Caltani, hai đã chết trong những hoàn cảnh có thể coi như họ bị ám sát, còn người thứ năm thì là một con sâu rượu đã quên cả đến tên mình. Tất cả những khám phá ấy không phải là không có ích, nhưng cũng không phải là cơ bản. Điều cơ bản là sự nhận xét rằng, nếu người ta đã phải mất công để loại bỏ bằng nhiều cách những chứng nhân ấy, thì có nghĩa là những người này chắc đã có thấy, có nghe một cái gì đó mà lẽ ra họ không được thấy và được nghe. Tôi nói có rõ không?

— Rõ.

— Thế là chúng tôi tự hỏi cái ấy là cái gì? Cực chẳng đã, chúng tôi phải lấy những bức hình của Olliphan, và đi chỗ này chỗ kia ở Atlantic City, giơ ra cho mọi người xem. Người ta không nhận ra người trong hình, nhưng nhận ra chiếc xe của anh ta vào tháng chín năm 74, anh ta có một chiếc Ferrari trắng. Chiếc xe ấy thì dễ thấy quá. Lần theo đường dây, đem hình của Olliphan và Walcher để cạnh nhau, cuối cùng chúng tôi đã tìm được một người nhớ rằng có trông thấy hai người này ngồi với nhau. Chừng vào ngày 5 hay 6 gì đó tháng chín năm 74...

— Walcher khẳng định rằng đã gặp Olliphan lần đầu tiên vào tháng sáu năm 75, sau khi Baumer chết, và khi Olliphan thay mặt bọn Caltani đến đề nghị về cái khách sạn.

— Thế thì có thể là lão nói dối đấy. Và nói dối trên hai điểm: Trước hết lão đã biết Olliphan sớm hơn thế nhiều, và sau nữa đề nghị của bọn Caltani muốn mua khách sạn không phải vào tháng sáu năm 75, nhưng đúng hơn vào tháng chín năm 74 kia.

— Anh có bằng chứng về những điều này không?

— Hầu như không có gì cả - Người Anglais vừa nói vừa cười - Nhưng nếu tôi phải đánh cuộc... Không, ông Cimballi, tôi không có một chứng cớ nào cả. Người ta chỉ thuật lại cho tôi một cuộc nói chuyện giữa Baumer và Walcher vào quãng mùng sáu tháng chín mà thôi. Dường như Walcher lúc đó có nói rằng: “Karl một triệu, đấy là một cái giá ghê gớm” và lão ta có vẻ giận dữ. Thì Baumer vừa cười vừa trả lời, theo cái kiểu nói bình thường của lão là đừng coi vấn đề tiền bạc là quan trọng: “Thế đấy, người ta không mang được tiền theo vào quan tài đâu".

Người Anglais thu lại đám hình như là thu những quân bài, xếp vào một phong bì, và lại lấy một phong bì khác ra:

— Ông Cimballi, khô có chứng cớ. Chỉ có những suy đoán, những lời xì xào, đồn đại mà thôi. Chỉ cần Olliphan và Walcher chối là chưa bao giờ gặp nhau trước tháng sáu năm 75, là chúng ta chịu không thể tọng những lời nói dối ấy vào họng họ được.

Anh ta lại bày ra những tấm hình khác, và tôi mang máng nhận ra một phụ nữ trẻ tuổi.

— Chúng tôi đã đi theo đến tận cùng giả thuyết đặt ra lúc đầu. Chúng tôi thấy có hai thời điểm có vẻ quan trọng: Ngày mồng 5 tháng 9, Olliphan đến trả giá cho Baumer một triệu dolars để mua cái khách sạn. Và Baumer từ chối mặc dù Walcher đã hết sức vật nài, trách móc. Mười sáu ngày sau đó, ngày 21, Baumer được một chị hầu bàn cũ đến thăm, và như các ông vẫn thường nói trong tiếng Pháp: “Lão bèn lập tức làm tang". Từ đó đến chỗ chúng tôi phải chú ý đến Maggie Keller chỉ có một bước thôi, và chúng tôi đã vượt qua cái bước ấy.

***

Năm 1974, cô ta hai mươi sáu tuổi. Đẻ ở New York. Làm việc hai năm, từ 1968 đến 1970, trong quán bia của Baumer, ở phố 44 Tây, cạnh Times Squares.

Không có một chứng cớ nào chính xác là giữa Baumer và cô ta có những mối liên quan nào khác là giữa chủ với một người làm công. Nhưng Baumer là một người rất tốt bụng lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ. Cho nên khi Maggie lấy chồng và trở thành Maggie Keller, rồi đi California với chồng thì Baumer có ứng cho cặp vợ chồng trẻ này một ít tiền để làm vốn mà lập nghiệp. Bốn năm trôi qua đi... và ngày 21 tháng chín, vào chiều tối Maggie lại xuất hiện ở quán bia và muốn gặp Baumer. Cô ta có vẻ mệt mỏi, chán nản, có người còn nói là có vẻ sợ hãi nữa. Nhà Mạnh Thường Quân vội từ Atlantic City trở về, và đưa người phụ nữ trẻ ấy vào trong phòng làm việc của mình. Người ta không biết Maggie đã nói những gì, nhưng từ lúc đó trở đi, Baumer tự nhiên ăn ở khác hẳn một cách kỳ lạ. Trước hết, lão đi biệt tăm đâu hẳn hai ngày tròn, đến nỗi những người chung quanh đã thấy lo ngại. Ngày 23 vào buổi chiều, lão lại trở về, có vẻ bận rộn, bí mật, nhưng theo tất cả mọi người chung quanh, thì hình như rất vui vẻ. Lão làm việc rút tiền một lần thứ nhất khoảng mười ngàn dolars, lấy vào trương mục của quán bia ở Phố 44. Rồi lão lại đi, nói là sẽ vắng mặt trong vài ngày. Và thế là hết, không ai được gặp mặt lão nữa. Tất nhiên người ta có nhận được tin tức của lão, nhưng chỉ bằng những tấm bưu thiếp thôi...

Người Anglais cũng đã tìm lại được cả một vài tấm bưu thiếp này. Anh ta đưa tôi coi. Đều là “gửi cho tất cả các bồ” hoặc là gửi cho “êkíp của Quán Bia”, hoặc cho tên của một trong những người quản lý, hay tên của một người bạn lâu năm nào đó. Còn nội dung thì rất ngắn, đại loại “Mọi sự đều tốt lành, mình đang đi nghỉ” hay “Đáng tiền lắm”. Không có một chỉ dẫn nào về lão đang làm gì và ai đi với lão. Những bưu thiếp được gửi trong khoảng thời gian giữa ngày 30 tháng 9 và ngày 15 tháng chạp năm 74, từ nhiều nơi đến: Nouvelle Orleans, Bahamas, Đảo Vieges, Jamaique, Mexique. Từ 15 tháng chạp trở đi, im lặng. Một sự im lặng kéo dài cho đến ngày có tin về cái chết của lão xảy ra vào ngày 8 tháng giêng 75 ở Acapulco, nước Mexique.

Chúng tôi đã thử soát xét lại xem thời gian của lão ra sao. Về cái lỗ trống đầu tiên giữa ngày 21 và chiều ngày 23 tháng chín, thì đơn giản thôi: Lão đưa Maggie về nhà lão, một căn nhà nhỏ ở Greenwich, mà lão ở một mình từ khi góa vợ vào năm 51. Có kẻ nói, vị Mạnh Thường Quân tốt bụng này đã phải lòng người mà ông bảo trợ, vừa đưa người đó lên giường của mình. Baumer thật ra không phải loại người như thế, nhưng mà đó là những chuyện có thể xảy ra được lắm.

Ngày 23, sau khi đi rút tiền một lần nữa, lão đi California cùng với Maggie.

Tại sao chúng tôi lại đi tìm ở California? Chỉ đơn giản là vì Maggie từ đó đến. Chúng tôi giả thuyết rằng cô ta có những chuyện khó khăn gì ở đó nên đã chạy lên cầu cứu ông chủ cũ. Giả thuyết này hóa ra đúng: Maggie có một quán trọ dọc đường ở cách San Diego về phía bắc khoảng sáu mươi cây số, tại một nơi gọi là Ramona. Chúng tôi có chứng cớ là Baumer đã có qua đây, vì lão đã có viết một ngân phiếu hai mươi bảy ngàn dolars để thanh toán hết các nợ nần của cặp vợ chồng Maggie. Người chồng này đã bỏ vợ hai năm trước đó, để lại cho vợ một đứa con.

Sau đó, lẽ ra trở về New York thì Baumer biến luôn, lại một lỗ hổng mười ngày nữa trong thời gian này.

Tôi hỏi:

— Thế Maggie Keller nói sao?

— Chúng tôi không hỏi cô ta. Chúng tôi không thể và cũng không muốn. Lát nữa tôi sẽ nói tại sao. Cũng như chúng tôi đã không hỏi hai cái vị về hưu sang trọng, trước đây vẫn ăn nhờ ở đợ Baumer, bây giờ sang ở Florida và Porto Rico. Vậy thì Baumer biến đâu mất trong mười ngày. Và chỉ có những bưu thiếp gửi từ Nouvelle Orleans báo cho bạn bè ở New York biết lão vẫn còn sống. Nhưng ở Nouvelle Orleans mặc dầu đã hết sức tìm kiếm, chúng tôi cũng không thấy một dấu vết nào của Baumer, có hay không có Maggie đi kèm. Thực sự, lão lại nổi lên mặt nước vào ngày mười tháng mười, ở khách sạn Emerald Beach tại Nassan, lão ở đó với Maggie. Lão ở đó trong thời gian và đi thuê một chiếc tầu tên là Blue Cypress, với một thủy thủ đoàn bốn người. Ngay đây, cũng phải nói rằng để lấy tiền thuê chiếc tầu này, lão đã trút sạch két của tất cả các quán bia, và nạo vét tất cả những số tiền nào mà lão có thể tìm được. Điều đó giải thích vì sao sau này gia sản của lão lại lâm vào một tình trạng tai họa. Cặp Baumer - Maggie xuống tầu Blue Cypress, sau đó là hai tháng đi lông bông trên bể Caraibes, với những thời gian đỗ bến ngắn ngủi, để gửi những cái bưu thiếp kỳ cục kia.

— Walcher khẳng định là có đi Nassan để gặp Baumer và khuyên bảo lão. Hắn cũng khẳng định là có thuê cả một thám tử tư nữa.

— Cả hai việc đều đúng. Walcher có gặp Baumer vào buổi sáng ngày 11 tháng 10, ngay trước khi lão xuống tầu đi ngao du. Nhưng việc can thiệp của Walcher chẳng được việc gì cả. Baumer vẫn cứ đi phơi nắng, du dương với người tình. Cho đến ngày 14 tháng chạp, là ngày mà chiếc Blue Cypress đến thả neo ở Vera Cruz một bến tầu của Mexique Naumer và nàng tiên của lão đổ bộ xuống đó. Họ ở Mexique ngày 15, khách sạn Camino Real tại Chapultepec, thuê một chiếc xe hơi và nói là sẽ đi tham quan xứ Mexique. Lại một lỗ trống nữa trong thời gian này. Một êkíp của chúng tôi đã đi lục tìm khắp các khách sạn, quán trọ dọc đường trong nửa xứ Mexique. Không thấy một dấu vết nào, cũng như ở Louisiane vậy. Có thể là Baumer và cô gái đã vào ở một nhà tư nhân. Chúng tôi không biết gì hết. Lại phải đợi mãi đến đêm mùng 3 hay mùng 4 tháng giêng năm 75, khi cặp này đi bộ xuống khách sạn El Mtrador ở Acapulco mới lại thấy lão tái xuất hiện. Và chính ở đây, bốn ngày sau thì Baumer chết vì nhồi máu cơ tim, và căn bệnh này có vẻ là rất đúng.

Tôi nhìn chằm chằm vào Người Anglais:

— Tóm lại, là cho đến bây giờ anh ta chỉ mới làm cái việc là bổ sung thêm cho câu chuyện mà Marc Lavater đã kể với tôi.

Anh ta công nhận thế:

— Ông nói rất đúng. Nhưng đây chỉ là tiểu sử có thể nói là chính thức của Karl Gustav Baumer trong ba tháng trước khi lão chết. Tôi có một bản nữa hơi khác thế. Không được vui lắm, thưa ông Cimballi. Nhất là đối với ông.

Bởi vì những nhân viên điều tra của anh ta đã đi theo dõi lại từng bước chân một của Baumer ở tất cả các nơi. Từ California đến Nassan, rồi trong mỗi bến nơi chiếc Blue Cypress đỗ lại, rồi ở Vera Cruz, Mexique và cuối cùng ở Acapulco. Và bởi vì ở tất cả những nơi đó họ không tìm được bất cứ một người nào đã trông thấy Baumer ở trong tình trạng hoàn toàn say rượu hay đang ngủ vùi vì quá say.

Bởi vì chiếc Blue Cypress trước khi Baumer thuê, đã được một người mua đứt. Người này tên là Harrison Neame ở Springfield, Illinois, đã trả tiền mua từ một trương mục có đánh số ở một ngân hàng tại Nassan. Bởi vì cái tên Harrison Neame này là hoàn toàn xa lạ ở Springfield Illinois.

Bởi vì bốn người trong thủy thủ đoàn của chiếc Blue Cypress đã bí mật biến mất ở Vera Cruz, ngay buổi tối khi Baumer đổ bộ xuống đó. Và bởi vì chiếc Blue Cypress đã được bán lại ngay, mà bán lỗ chỉ vài ngày sau đó bởi một công ty dịch vụ Mexique, không nhìn thấy mặt của người chủ chiếc tầu bao giờ cả.

Bởi vì cái ngân hàng nhận hai mươi bẩy ngàn dolars của Baumer, do Maggie chuyển đến đã được cảnh sát liên bang phát hiện từ lâu là của một Gia Đình ở California, có dính líu với bọn Caltani.

Bởi vì Maggie Keller có một đứa con trai ba tuổi, và đứa trẻ này đã được gửi cho vú nuôi, ba ngày trước khi Maggie đổ bộ xuống New York để cầu cứu Baumer. Bởi vì ngày 24 tháng 9, đứa con này đã được chính Maggie đến lấy lại, và hôm đi lấy chẳng những có Baumer đi theo, mà còn có cả hai người đàn ông khác “trông giống như những cảnh sát... hay là những tên cướp”. Bởi vì hôm mùng 10 tháng mười khi Maggie đến Nassan với Baumer thì không thấy cô ta có đứa con nữa. Bởi vì từ ngày 24 tháng chín trở đi, không ai trông thấy đứa con trai của Maggie Keller đâu nữa.

— Và bây giờ, tôi muốn biết ý kiến cá nhân của anh về những chuyện gì đã thực sự xẩy ra cho Baumer.

— Ông Cimballi, rất nhiều suy đoán, nhưng không có một chứng cớ nào xác định. Nhưng tôi nghĩ rằng mọi việc đã xẩy ra như sau: Người ta đã lợi dụng Maggie Keller - gây sức ép bằng cách đe dọa tính mệnh của đứa con trai cô ta - để lôi kéo Karl Gustav Baumer đến California, và làm cho mọi người tin rằng đây là một cuộc du dương tình ái. Tôi tin rằng cái người phụ nữ trẻ xuất hiện ở Nassan dưới cái tên là Maggie Keller, và đi theo Baumer trong suốt cuộc ngao du trên biển, rồi còn ở với lão ở Acapulco ngày lão chết, chưa bao giờ là Maggie Keller. Tôi tin rằng cái cô Maggie Keller chính cống đã được người ta trả lại cho đứa con trai, hiện nay đang trốn ở đâu đó, có thể là ở ngoài nước Mỹ và đương rất sợ hãi. Chúng tôi đang đi tìm cô ta.

— Marc Lavater đã có gặp và nói chuyện với cô ta.

— Ông ấy đã gặp một người đàn bà tóc vàng, hơi lực lưỡng, đeo kính như trên những bức hình mà chúng tôi có. Người này đã nói với Lavater cô ta là Maggie Keller. Nhưng ngay hôm sau khi gặp Lavater, cô ta đã bỏ việc và biến mất. Từ đó đến nay không thể tìm ra cô ta được nữa. Tôi tin rằng cái lão Baumer đi chơi lông ngông trong hàng tháng đó là một con người đã bị nhồi ma túy và đẫm rượu, không còn ở trong tình trạng có thể phản ứng được nữa. Người ta đã bắt cóc lão, với mục đích duy nhất là để ngăn cản lão không lo công việc nhà của lão được nữa, và nhất là ngăn cản lão không trả được tiền nợ cho cái ngân hàng của Walcher. Tôi tin rằng người ta đã hành động như vậy là để có thể mua được cái khách sạn mà lão không muốn bán, và với cái giá chỉ bằng số tiền nợ của lão thôi. Tôi không tin rằng người ta định tìm cách giết lão. Cái chết của lão là chết tự nhiên.Tim lão đã suy sụp. Có lẽ người ta cũng có giúp cho nó một tý để nó sụp hẳn.

— Thế vai trò của Walcher?

— Lúc này chưa thể xác định được. Theo lời hắn kể với Lavater về cuộc gặp gỡ của hắn ở Nassau với Baumer, hắn khai là đã ngồi đối mặt với một con người rõ ràng là rất say, và khước từ không muốn nghe hắn nói. Có thể là hắn không nói dối. Và tình trạng say sưa của Baumer ở Nassan không phải là điều làm cho hắn phải ngạc nhiên. Baumer xưa nay vẫn là một tay bợm nhậu mà.

Người Anglais cất những bức ảnh vào phong bì.

— Còn một lời giải thích cuối cùng nữa, ông Cimballi. Chúng tôi đã tiến hành cuộc điều tra mà không hỏi Maggie, bây giờ ông hiểu tại sao rồi. Cũng không hỏi những vị về hưu sang trọng, không hỏi cả Walcher và lại càng không hỏi Olliphan nữa. Tôi có một lý do chính đáng về việc này. Tôi tin một cách vững chắc rằng nếu bọn Caltani biết ông đã - nói thế nào nhỉ - mở một cuộc điều tra về Baumer thì tính mạng của ông và của những người trong gia đình ông sẽ bị đe đọa.

— Có lẽ đã bị đe dọa rồi đấy.

— Không, tôi không nghĩ thế! Cuộc điều tra do Lavater tiến hành chắc đã làm cho bọn Caltani lo ngại. Nhưng thấy không xảy ra chuyện gì, chắc chúng đã bắt đầu yên tâm rồi. Là tôi hy vọng thế. Trừ ra những chuyện mà tôi không biết đã chọc tức chúng. Hiện nay thì chúng chỉ canh chừng ông thôi. Chứng cớ là hai cái người theo dõi ông ngày hôm kia ở phi trường đấy. Nhưng nếu ông không làm gì thì chúng cũng sẽ không làm gì. Sự im lặng của ông là cách bảo vệ tốt nhất cho ông. Và bây giờ thì ông hiểu tại sao tôi đã phải bố trí cẩn thận đến như vậy để gặp ông hôm nay.

***

Tôi gọi điện ngay cho Marc Lavater. Sự im lặng mà anh ta đón nhận những thông tin của tôi, để cho tôi đánh giá được tính nghiêm trọng của tình thế. Cuối cùng anh mới nói:

— Thế mà tôi đã để lọt mất tất cả những điều đó...

Anh định nói về cuộc điều tra của anh mà Người Anglais vừa rồi đã vạch ra sự thiếu sót và những hạn chế.

— Marc, người nào việc ấy chứ.

— Thế anh định làm gì bây giờ?

— Không làm gì cả. Tuyệt đối không. Nếu có một giải pháp nào khác ngoài sự giả chết, thì tôi chưa nắm được...

— Có thể là Walcher biết sự thật.

Marc hãy còn bàng hoàng vì những phát hiện của người Anglais.

— Không có vấn đề đi tìm Walcher đâu!

Bình thường, Lavater vẫn rất nhanh trí. Hôm nay chắc anh đã bị một đòn đánh đến choáng váng đây, nên mới hỏi:

— Nhưng tại sao?

— Marc! Hoặc là Walcher cũng nằm trong cái mánh này, và đi tìm hắn thì khác gì báo động cho bọn Caltani. Hoặc Walcher là người lương thiện, thì việc làm đầu tiên của hắn là đi báo ngay cảnh sát là người ta đã giết mất người bạn già Baumer của hắn.

— Anh nói có lý! Thôi đừng nói thêm nữa.

Tôi nổ ra.

— Ồ! Sao lại không, tôi sẽ nói thêm nhiều nữa kia! Bởi vì không nói gì đến chuyện là bất cứ một cuộc điều tra nào của chính quyền về cái chết của Baumer sẽ có hậu quả là người ta sẽ thẩm tra lại việc bán Con Voi Trắng, và do đó năm mươi triệu mà tôi đã bỏ ra sẽ bị phong tỏa lại, ngoài ra, tôi sẽ còn bị tụi Tầu nắn lưng bóp cổ tôi nữa.

Chỉ có giả chết thôi.

Giả chết nhưng ở bề mặt thôi. Tất nhiên không có vấn đề là tôi sẽ cứ vĩnh viễn ở mãi trong một tình thế như vậy. Thật ra, tôi chỉ nhìn thấy có hai khả năng hoạt động: Thứ nhất là yêu cầu Người Anglais tiếp tục cuộc điều tra, tập trung vào Walcher và Olliphan, nhưng tiếp tục một cách tuyệt đối bí mật và thứ nhì là theo dõi các hướng mà chính tên Olliphan đã bí mật chỉ cho tôi: Nam Phi.