Phúc Lạc Hội Truyện Full

HAI NỬA

Để chứng tỏ đức tin, mẹ tôi lúc trước thường hay mang theo cuốn kinh thánh nhỏ bìa giả da mỗi khi bà đi lễ ở nhà thờ Nhất Rửa Tội cho Người Hoa vào sáng chủ nhật. Nhưng sau này, khi mẹ tôi đánh mất niềm tin vào Chúa, bà cột cuốn kính thánh lại và chèn dưới một chân bàn ngắn, đó là một cách để bà điều chỉnh sự thiếu cân bằng trong cuộc sống. Cuốn Kinh thánh đã ở đó trên hai mươi năm.

Mẹ tôi làm ra vẻ không biết cuốn Kinh thánh ở đó. Mỗi khi có ai hỏi bà để cuốn Kinh thánh ở đó làm gì, bà nói hơi to tiếng: “Ủa, cuốn Kinh thánh này hả? Tôi quên mất”. Nhưng tôi biết bà vẫn còn nhớ. Mẹ tôi không phải là người nội trợ giỏi nhất thế giới, nhưng mấy chục năm nay, cuốn Kinh vẫn sạch bóng.

—★—

Tối nay, tôi nhìn mẹ tôi quét phía dưới cái bàn trong nhà bếp, mỗi tối bà thường quét bàn sau khi ăn tối xong. Bà nhẹ nhàng đưa chổi quét quanh cái chân bàn được kê lên bằng cuốn Kinh. Tôi nhìn bà quét hết chỗ này đến chỗ khác, chờ lúc thuận tiện để cho bà hay chuyện giữa tôi và Ted, để báo cho bà biết là chúng tôi sắp ly dị. Khi ấy, tôi biết là bà sẽ nói: - “Làm sao như thế được?”

Và khi tôi nói đó là sự thực cuộc hôn nhân của tôi đã tan vỡ, tôi biết bà sẽ còn nói; - Vậy thì con phải cứu lấy nó.

Và mặc dù tôi biết là đã hết hy vọng - Hoàn toàn không còn gì để cứu - Tôi sợ khi nói với bà điều này, bà sẽ thuyết phục tôi cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân ấy.

Tôi nghĩ thật mỉa mai khi mẹ tôi muốn tôi cưỡng lại cuộc ly hôn này. Mười bảy năm về trước, bà rất phiền muộn khi tôi bắt đầu đi chơi với Ted. Hai chị tôi trước khi lấy chồng chỉ có bạn trai là người Hoa ở nhà thờ.

Tôi gặp Ted trong dịp Sinh hoạt ở lớp sinh thái, khi chàng nghiêng người qua đề nghị trả tôi hai đô la để mượn vở chép bài tuần rồi. Tôi không nhận tiền nhưng chịu đổi một tách cà phê. Lúc đó đang học kỳ hai ở trường Berkeley, tôi ghi tên học khoa nhân văn nhưng sau chuyển sang mỹ thuật. Ted đang học năm thứ ba y khoa, chàng bảo tôi là khi chàng mổ bào thai lợn ở lớp sản, chàng đã quyết định chọn ngành y.

Tôi phải thú thật ban đầu điểm tôi thấy hấp dẫn ở Ted chính là sự khác biệt giữa chàng và các em trai tôi và những bạn trai người Hoa tôi đã quen: vẻ ngổ ngáo, tự tin, hễ muốn là được thái độ ngoan cố, khuôn mặt xương xương; dáng gầy và cao lêu nghêu, bắp tay chắc nịch của chàng, và cha mẹ chàng nhập cư từ Tarrytown Nữu Ước, chứ không phải từ Thiên Sinh, Trung Hoa.

Mẹ tôi chắc hẳn cũng đã chú ý đến sự khác biệt này khi Ted đến nhà đón tôi vào một tối nọ. Khi tôi về nhà, mẹ tôi vẫn còn thức xem truyền hình.

“Cậu ta là người Mỹ”, Mẹ tôi đe, như thể tôi bị mù quáng đến mức không nhận biết. “Một ngoại nhân đấy!”

- Con cũng là người Mỹ! - tôi nói - Mẹ cứ làm như con sắp lấy anh ta đến nơi không bằng.

Cả bà Jordan, mẹ chàng, cũng có vài điều muốn nói. Ted tình cờ mời tôi đi cắm trại với gia đình chàng, cuộc họp mặt thân mật hàng năm trong thị tộc, được tổ chức kế bên sân Pôlô trong công viên Golden Gate. Mặc dù trong tháng trước đó chúng tôi chỉ đi chơi với nhau một vài lần, và dĩ nhiên là chưa ăn ở với nhau, vì cả hai đứa còn sống chung với gia đình, Ted đã giới thiệu tôi là bạn gái của chàng với tất cả họ hàng, mà mãi tới lúc đó chính tôi cũng không biết điều này.

Khi Ted và cha chàng đi chơi bóng chuyền với mấy người khác, mẹ chàng dắt tay tôi, và chúng tôi bắt đầu đi bộ dọc theo bờ cỏ, tách ra khỏi đám đông. Bà âu yếm siết chặt tay tôi nhưng không bao giờ nhìn thẳng vào mắt tôi.

- Bác rất mừng là cuối cùng đã gặp được cháu, - bà Jordan nói. Tôi muốn nói với bà, thật ra tôi không phải là bạn gái của Ted, nhưng bà đã nói tiếp: “Cháu và Ted vui vẻ với nhau như vậy là rất tốt. Do đó, bác hy vọng là cháu sẽ không hiểu lầm những điều bác sắp phải nói ra đây”.

Và rồi bà bình tĩnh nói về tương lai của Ted, chàng cần phải tập trung học hành, và phải một thời gian dài nữa chàng mới có thể nghĩ đến việc cưới vợ. Bà cam đoan với tôi là bà hoàn toàn không có thành kiến với người thiểu số, hai vợ chồng bà làm chủ một số tiệm tạp hóa, và bản thân hai người biết có nhiều người tốt là người châu Á, Tây Ban Nha và cả người da đen nữa. Nhưng nghề của Ted được đánh giá bằng một tiêu chuẩn khác, những người đánh giá chàng như bệnh nhân và những bác sĩ khác có thể sẽ không được hiểu biết như gia đình bà. Bà nói, thật đáng tiếc, thiên hạ bây giờ là vậy, và người ta không ưa chiến tranh Việt Nam đến mức nào.

- Thưa bác, cháu không phải là người Việt Nam: - tôi cố nói một cách nhỏ nhẹ, mặc dù tôi suýt thét lớn: “Và cháu không có ý định lấy con bác”.

Khi Ted đưa tôi về ngày hôm đó, tôi bảo chàng là tôi không thể gặp chàng nữa. Khi chàng hỏi tôi tại sao, tôi nhún vai không đáp. Khi chàng ép tôi, tôi thuật lại những điều mẹ chàng nói, đúng nguyên văn, không một lời phê bình.

- Và em chỉ việc ngồi yên à! Ðể mẹ anh muốn làm gì thì làm ư? - Chàng quát lên, như thể tôi là một người đồng lõa phản bội. Tôi cảm động khi thấy Ted bối rối đến như vậy.

- Chúng ta phải làm gì bây giờ? - Tôi hỏi, và tôi có cảm giác đau nhói, có thể đấy là sự bắt đầu của tình yêu.

Trong những tháng đầu, chúng tôi bám chặt lấy nhau trong sự tuyệt vọng hơi ngốc nghếch, bởi vì mặc dù mẹ tôi hoặc bà Jordan có thể phản đối, nhưng thật ra không có gì ngăn cản chúng tôi gặp nhau. Tưởng tượng là tấn thảm kịch đang treo lơ lửng đe dọa chúng tôi, chúng tôi càng trở nên khăng khít không rời nhau như là hai nửa của một toàn thể: âm và dương.

Tôi là người gặp nạn và chàng là người anh hùng cứu mạng, lúc nào tôi gặp nguy hiểm là chàng tới cứu ngay, khi tôi vấp ngã chàng nâng tôi dậy. Ðây là một cảm giác rất lạ vừa làm chúng tôi phấn khởi, lại vừa làm chúng tôi kiệt sức. Tác dụng tình cảm của việc cứu nguy và được cứu nguy như mê hoặc cả hai chúng tôi. Cũng như khi trên giường, chúng tôi làm tình với nhau bằng cách kết hợp cái yếu đuối của tôi và sự che chở của chàng.

- Chúng ta phải làm bây giờ? - Tôi tiếp tục hỏi chàng. Khoảng một năm sau lần gặp gỡ đầu tiên, chúng tôi chung sống với nhau. Một tháng trước khi Ted bắt đầu học Y ở UCSF chúng tôi làm lễ cưới trong nhà thờ Tân Giáo, và bà Jordan ngồi ở hàng ghế đầu đã khóc òa như thường thấy ở mẹ chú rể. Khi Ted học xong nội trú ở khoa da liễu, chúng tôi mua một căn nhà kiểu Victoria ba tầng cũ kỹ có vườn ở Ashburry Heights. Ted giúp tôi dựng một xưởng vẽ dưới nhà để tôi có thể nhận việc như một người phụ tá cho những họa sĩ đồ thị.

Trong suốt thời gian này, Ted quyết định phải đi nghỉ hè ở đâu. Chàng quyết định khi nào tìm được chỗ tốt hơn rồi chúng tôi mới có con. Chàng thường bàn với tôi một số những vấn đề này, nhưng cả hai chúng tôi đều biết khi rút lại vấn đề, tôi thường nói “Ted, anh quyết định đi”. Sau một thời gian, chàng không bàn gì với tôi nữa. Ðơn giản là chàng quyết định. Và tôi không bao giờ nghĩ đến việc phản đối. Tôi thích lờ đi không muốn biết đến thế giới xung quanh, mà chỉ chủ tâm đến cái trước mắt tôi: thước vuông góc chữ T, con dao X, cây viết chì xanh.

Nhưng năm ngoái, cảm giác của Ted về cái chàng gọi là quyết định và trách nhiệm đã thay đổi. Một bệnh nhân mới tới hỏi chàng có thể chữa những mạch như mạng nhện trên má cô ta không. Và khi chàng bảo chàng có thể hút những mạch máu đó ra và làm cho cô ta xinh đẹp trở lại, cô ta đồng ý để chàng chữa trị. Nhưng thay vào đó, chàng ngẫu nhiên hút ra một dây thần kinh, làm phần bên trái khuôn mặt cô ta trễ xuống và cô ta kiện chàng.

Sau khi chàng thất kiện do sơ suất - bây giờ tôi mới hiểu rõ đây là cú sốc lớn đầu tiên đối với chàng - chàng bắt đầu ép tôi quyết định. Ý kiến tôi thế nào, nên mua một chiếc xe Mỹ hay một chiếc xe Nhật. Có nên đổi từ hợp đồng bảo hiểm cả đời sang hợp đồng từng thời kỳ không? Tôi nghĩ thế nào về ứng cử viên phe đối lập? Gia đình nên như thế nào?

Tôi nghĩ về những điều này, thuận và chống. Nhưng cuối cùng, tôi đều thấy rối cả lên, bởi tôi không bao giờ tin có được một giải đáp đúng trong khi lại có quá nhiều giải đáp sai. Do đó, mỗi khi tôi nói: “Anh quyết định đi” hoặc “Em không biết” hoặc “Đối với em cái nào cũng được” Ted thường nóng nảy bảo “Không, em quyết định, em lúc nào cũng ba phải, không muốn gánh trách nhiệm để không có lỗi”.

Tôi có thể cảm thấy là mọi thứ đang thay đổi giữa chúng tôi. Tấm màn che chở bị lột đi, và bây giờ Ted bắt đầu thúc đẩy tôi trong mọi việc. Chàng bắt tôi phải quyết định những thứ vặt vãnh nhất, như thể chàng đang trêu chọc tôi. Ăn món Ý hay Thái. Một món khai vị hay hai. Món khai vị nào. Thẻ tín dụng hay tiền mặt. Thẻ Visa hay thẻ Master.

Tháng rồi, khi chàng chuẩn bị đi dự lớp chuyên đề về bệnh da liễu tổ chức ở Los Angeles trong hai ngày, chàng hỏi tôi có muốn đi cùng không, tôi chưa kịp nói gì thì chàng nói thêm: “Khỏi lo, anh muốn đi một mình”.

- Như thế anh càng có nhiều thời gian để học - Tôi đồng tình.

- Không phải vậy, bởi vì em chẳng bao giờ quyết định việc gì cả!

Tôi phản đối: - Nhưng đó là những việc không quan trọng.

- Không có gì quan trọng đối với em cả - chàng nói giọng phẫn nộ.

- Ted, nếu anh muốn em đi với anh thì em sẽ đi.

Rồi chàng nổi cáu: Chúng ta cưới nhau bằng cách quỉ nào? Có phải em chỉ nói: Bằng lòng, bởi vì vị mục sư bảo: “Đọc theo tôi”. Em sẽ sống ra sao nếu tôi không cưới em? Có bao giờ em nghĩ đến việc đó không?

Không có một tí logíc nào giữa những gì tôi nói và những gì chàng nói, đến nỗi là chúng tôi như hai người đứng trên hai đỉnh núi khác nhau, liều lĩnh nhào tới ném đá vào nhau, mà không để ý vực thẳm nguy hiểm ở giữa, ngăn cách hai đứa.

Nhưng bây giờ tôi hiểu rõ rằng Ted biết chàng muốn nói gì. Chàng muốn chỉ cho tôi xem khe rạn. Bởi vì tối hôm đó chàng gọi điện từ Los Angeles và nói chàng muốn ly dị.

Từ khi Ted đi rồi, tôi ngồi suy nghĩ thật lâu. Mặc dù tôi biết thế nào rồi cũng đến ly dị, mặc dù tôi biết là tôi phải làm gì với đời tôi, cú điện thoại của Ted vẫn làm tôi choáng váng.

Khi một cái gì mãnh liệt như thế đánh trúng bạn, thế nào bạn cũng bị mất thăng bằng và té ngã. Và khi bạn có thể tự mình đứng dậy, bạn ý thức được là bạn không thể tin ai cứu bạn được, chồng cũng không, mẹ cũng không, Chúa cũng không cứu được. Và rồi bạn có thể làm gì để không bị nghiêng và vấp ngã một lần nữa? Mẹ tôi trong một thời gian dài rất tin vào ý chúa. Như thể bà chỉ việc mở vòi nước ở trên trời là bao nhiều điều tốt lành sẽ tuôn ra. Bà nói chính nhờ đức tin mà chúng tôi mới gặp những điều tốt lành như thế này, có điều tôi nghĩ là bà nói “Số mạng” bởi vì bà không thể phát âm bằng tiếng Anh âm cuối trong chữ: “đức tin”. Và sau này, tôi khám phá ra rằng có thể là từ đó đến giờ bà nói số mạng và đức tin chỉ là một ảo tưởng mà ta có thể điều khiển được bằng cách này hay cách khác. Tôi khám phá ra rằng giỏi lắm tôi chỉ có quyền hy vọng và với hy vọng thì không thể chối bỏ khả năng nào, tốt hay xấu. Tôi chỉ muốn nói là nếu có quyền lựa chọn, xin Chúa hay Ngài hoặc có thể là bất kỳ đấng thiêng liêng nào hãy đặt sự khác nhau vào đây.

—★—

Tôi nhớ ngày tôi bắt đầu nghĩ về điều này là cả một sự khám phá ra điều bí mật đối với tôi. Đó là ngày mẹ tôi đánh mất đức tin vào Chúa. Bà thấy là không bao giờ có thể tin những việc chắc ăn được nữa.

Chúng tôi đi tắm biển ở một điểm vắng vẻ phía Nam thành phố, gần khe Ác Quỷ. Cha tôi đọc trong tạp chí Sunset, đây là chỗ câu cá Ngát rất tốt. Và mặc dù cha tôi chỉ là phụ tá của một dược sĩ, dù trước kia ông đã từng là bác sĩ ở Trung Hoa, chứ không phải là một người câu cá chuyên nghiệp, nhưng ông tin vào khả năng, nghị lực của mình, một khi đã quyết chí làm một việc gì thì phải làm cho bằng được. Mẹ tôi thì tin bà có khả năng nấu được bất kỳ thứ gì cha tôi bắt được.

Chính niềm tin vào nghị lực của mình đã đưa cha mẹ tôi đến nước Mỹ này. Nghị lực đã cho phép cha mẹ tôi có bảy người con và mua một căn nhà ở phố Hoàng Hôn với một số tiền rất ít. Nghị lực giúp cha mẹ tôi vững tin là vận may sẽ không bao giờ hết, là Chúa luôn đứng về phía họ, là tổ tiên chúng tôi ắt hẳn rất vừa lòng vì thần thánh trong nhà chỉ tâu lại toàn việc thiện, là sự bảo đảm cả đời, có nghĩa là đường may mắn của chúng tôi sẽ không bao giờ gãy, là tất cả các yếu tố đều cân bằng, vừa đủ cả phong lẫn thủy.

Thế là cả gia đình tôi chín người: cha tôi, mẹ tôi, hai người chị, bốn cậu em trai và tôi rất tự tin khi chúng tôi đi dọc theo bãi biển. Chúng tôi đi thành hàng một trên cát màu xám mát lạnh, từ lớn đến nhỏ. Tôi ở giữa, lúc đó tôi mới mười bốn tuổi. Nếu có ai đó nhìn, chắc hẳn thấy chúng tôi rất quái dị, chín đôi chân trần lê bước, chín đôi giày trong tay, chín cái đầu đen nhánh nhìn về phía biển xem những đợt sóng vỗ vào bờ.

Gió quất mạnh vào hai ống quần vải quanh chân tôi và tôi cố tìm một chỗ để cát không bay vào mắt nữa. Tôi thấy là chúng tôi đang đứng trong chỗ trũng một vịnh nhỏ. Nó như là một cái chén khổng lồ, bể ra làm hai, nửa kia bị trôi ra biển. Mẹ tôi bước về phía bên phải, bên đó bãi biển rất xanh và chúng tôi đều bước theo. Phía bên này, vách ngoài vịnh cong lại che cả sóng lớn và gió cho bãi biển. Và dọc theo vách ngoài, trong bóng râm, có một dải đá ngầm bắt đầu từ gờ bãi biển xuyên qua vịnh, ở đây sóng biển rất lớn và dữ dội. Như thể người ta có thể đi ra biển trên dải đá ngầm này, mặc dù dải đá trông có vẻ trơn trợt không vững. Phía bên kia vách ngoài vịnh lởm chởm hơn, do bị nước xói mòn. Trên vách đầy những đường nứt, nên khi sóng vỗ vào vách, nước dội ra từ những lỗ này thành một đường trắng xóa.

Nghĩ lại, tôi nhớ bãi biển này là một chỗ khủng khiếp, đầy những bóng ma làm chúng tôi ớn lạnh, và đầy những hạt vô hình bay vào mắt chúng tôi làm chúng tôi khó thấy được mối nguy hiểm đang chờ. Tất cả chúng tôi đều bị mù quáng vì cảm giác mới mẻ này: một gia đình người Hoa cố làm ra vẻ một gia đình người Mỹ chính gốc trên bãi biển.

Mẹ tôi lấy ra tấm khăn trải giường vải sọc cũ kỹ, tấm khăn bay phần phật trong gió đến khi chúng tôi dằn được bằng chín đôi giày. Cha tôi lấy cần câu cá dài bằng tre ra, ông đã tự mình làm cần câu theo kiểu ông đã làm ở Trung Hoa hồi còn thơ ấu. Và bọn con nít chúng tôi ngồi túm tụm vai kề vai trên tấm khăn, với lấy túi thức ăn và ăn ngấu nghiến bánh mì sandwich với bàn tay dính đầy cát.

Rồi cha tôi đứng dậy, chiêm ngưỡng chiếc cần câu của ông, vẻ uyển chuyển và sức mạnh của chiếc cần. Thỏa mãn, ông nhặt chiếc giày lên và đi về phía gờ bãi biển, bước lên dải đá ngầm đến sát mí nước. Hai chị tôi, Gia Ninh và Luyến, nhảy ra khỏi tấm chăn, vỗ đùi phủi cát. Rồi hai người vỗ vào lưng nhau vừa chạy thi xuống bờ biển vừa cười ngặt nghẽo. Tôi vừa muốn đứng dậy đuổi theo họ thì mẹ tôi hất đầu về phía bốn cậu em trai và nhắc nhở tôi bằng tiếng Hoa: “Coi chừng em” hay theo từng chữ là: “Trông nom thân thể chúng”. Những thân thể này là cái neo của đời tôi. Mã Thiều, Mạnh, Lục và Bình. Tôi ngã người xuống cát, rền rỉ, cổ họng tôi thắt lại, tôi oán trách: - Tại sao? Tại sao con phải coi chừng em?

Và bà đáp giống như mọi lần: “Bổn phận”

Bổn phận. Bởi vì chúng là em tôi. Hai chị tôi đã từng trông nom tôi. Còn cách nào khác hơn để tôi biết trách nhiệm? Còn cách nào khác hơn để tôi báo hiếu với cha mẹ tôi?

Mã Thiều đã mười hai tuổi, Mạnh mười và Lục chín, đủ lớn để chơi đùa với nhau. Chúng đã chôn Lục trong một cái hố cát cạn chỉ còn chừa cái đầu. Bấy giờ Mã Thiều và Mạnh bắt đầu ném cát xuống để xây bức tường lâu đài cát trên mình Lục.

Nhưng Bình mới bốn tuổi, dễ bị kích động và cũng dễ chán, dễ cáu. Bé không muốn chơi với mấy anh vì mấy anh đã gạt bé sang một bên, và la: “Thôi, Bình em làm hư hết!”

Do đó, Bình đi thơ thẩn xuống bãi biển, lê từng bước như một vị hoàng đế bị truất phế, nhặt mấy cục đá nhỏ và mấy khúc gỗ trôi, lấy hết sức quăng vào bọt sóng vỗ vào bờ. Tôi đi tò tò theo sau, vừa đi vừa tưởng tượng đến những cơn thủy triều và tự hỏi không biết tôi sẽ làm gì nếu thủy triều dâng lên. Chốc chốc tôi lại gọi Bình: “Ðừng có đến gần nước quá. Em sẽ bị ướt chân đó”. và tôi nghĩ là tôi giống mẹ tôi ở điểm hay lo lắng vì những chuyện không đâu, nhưng khi nói ra thì cứ giả vờ như không có gì nguy hiểm hết. Nỗi lo lắng bao vây lấy tôi như tấm vách ngoài vịnh, làm cho tôi cảm thấy mọi thứ đã được an bài và bây giờ nỗi lo cứ canh cánh bên tôi.

Mẹ tôi rất mê tín. Thật ra bà tin trẻ con thường bị nguy hiểm trong những ngày nhất định, tùy theo ngày sinh âm lịch. Trong một cuốn sách nhỏ bằng tiếng Hoa tựa đề “Hai mươi sáu cửa ác” có giải thích về điều này. Mỗi trang sách có phần minh họa một mối nguy hiểm khủng khiếp đang chờ đón những đứa trẻ thơ ngây. Bốn góc trang có miêu tả bằng chữ Hoa và do tôi không đọc được chữ Hoa nên tôi chỉ có thể xem hình.

Trong sách chỉ có hình một thằng bé duy nhất: khi thì leo một cành cây gãy, khi thì đứng gần một cánh cổng đổ, khi thì trượt ngã trong một cái chậu bằng gỗ, khi thì bị một con chó cắn tha đi, khi thì chạy trốn sét đánh. Và trong mỗi bức tranh đều có một người đàn ông như đội lốt thằn lằn. Ông có một vết nhăn sâu hoắm trên trán hay thật ra là ông có hai cái sừng tròn. Trong một bức tranh, người đàn ông lốt thằn lằn này đang đứng trên đầu hình cung, cười khoái trá nhìn thằng bé té từ thành cầu xuống, hai chân mang dép chổng lên trời.

Chỉ nghĩ đến một trong những hiểm họa này có thể giáng xuống đầu một đứa bé là đã đủ thấy lo rồi. Và mặc dù một ngày sinh chỉ ứng với một hiểm họa, nhưng mẹ tôi lo nghĩ đến tất cả những hiểm họa này. Chẳng qua là vì bà không biết cách chuyển từ âm lịch sang dương lịch. Do đó, khi lưu tâm đến tất cả những hiểm họa này, bà tin chắc là bà có thể ngăn ngừa được tất.

Mặt trời chuyển hướng qua phía bên kia vách. Mọi thứ đã ổn định. Mẹ tôi đang bận phủi cát trong giày và tấn lại mấy góc bằng giày đã sạch cát. Cha tôi vẫn đứng ở cuối dãy đá ngầm, kiên nhẫn thả câu, chờ đợi nghị lực hiện hình thành một con cá. Tôi có thể thấy những người nhỏ xíu xa xa dưới bãi biển và tôi chắc đó là hai chị tôi nhờ hai cái đầu đen nhánh và cái quần vàng. Tiếng la hét của mấy em tôi trộn lẫn với tiếng chim mòng biển. Bình đã tìm được cái chai soda không và đang đào cát gần bức vách tối tăm. Và tôi ngồi trên cát, ngay chỗ tiếp giáp giữa bóng râm và ánh nắng chói chang phía ngoài.

Bình đang nện chai soda vào đá, nên tôi gọi bé “Đừng đào sâu quá. Em sẽ đào được một cái lỗ trong bức vách và chui qua bên Tàu được đó”. Và tôi cười lớn khi bé nhìn tôi như tin đó là sự thật. Bé đứng dậy và bắt đầu đi về phía biển. Bé ướm thử một chân lên dải đá ngầm, tôi la lên:

- Bình

- Em đi ra chỗ cha, - bé phản đối.

- Đi sát theo vách, đừng đi xuống nước - tôi nói - Nhớ tránh cá mập đó.

Và tôi nhìn theo khi bé đi từng bước dọc theo dải đá ngầm, lưng dán chặt vào vách đá mấp mô. Tôi vẫn còn thấy em tôi ở đó rất rõ đến nỗi tôi có cảm giác là tôi có thể bắt em tôi đứng đó mãi mãi. Tôi thấy bé đứng gần vách đá, an toàn, gọi to cha tôi. Nghe tiếng gọi, cha tôi ngoái lại nhìn Bình. Tôi mừng rỡ khi thấy cha tôi sẽ trông chừng bé trong một lúc. Bình bắt đầu bước lại gần cha tôi thì có con gì cắn câu và cha tôi ra sức cuộn dây lại càng nhanh càng tốt.

Có tiếng la. Ai ném cát vào mặt Lục và Lục nhảy ra khỏi cái hố cát, nhào lên mình Mạnh, đấm đá lung tung. Mẹ tôi hét lên bảo tôi can hai đứa ra. Và ngay sau khi tôi lôi được Lục ra khỏi Mạnh, tôi nhìn lên và thấy Bình đi một mình ra gờ đá ngầm. Trong lúc lộn xộn đánh nhau, không ai chú ý đến Bình. Tôi là người duy nhất thấy Bình đang làm gì.

Bình bước một, hai, ba, bước. Thân hình bé nhỏ của em đang di chuyển rất nhanh như thể em phát hiện ra một cái gì rất tuyệt diệu gần bờ biển. Và tôi nghĩ là Bình sắp té xuống nước. Tôi biết thế nào Bình cũng té. Trong khi tôi đang nghĩ ngợi, thì Bình đã bị hụt một chân, mất thăng bằng, rồi rơi ùm xuống biển và biến mất không để lại một gợn sóng trên mặt nước.

Tôi quỳ sụp xuống nhìn sững chỗ bé biến mất, không động đậy, không nói một tiếng nào. Tôi không thể hiểu được. Tôi đang nghĩ, tôi phải nhảy xuống nước và kéo Bình lên? Hay tôi phải la lên cho cha tôi hay? Tôi có thể đứng lên kịp không? Tôi có thể bắt đầu lại từ đầu và cấm Bình đi ra chỗ đá ngầm với cha tôi?

Và rồi hai chị tôi về, một người hỏi: “Bình đâu?” Yên lặng mất vài giây và tôi nghe tiếng la hét và cát bay bụi mù khi mọi người chạy qua tôi ra phía bờ biển. Tôi đứng đó, không tài nào xê dịch nổi trong khi hai chị tôi tìm kiếm gần vách đá, trong khi mấy em trai tôi bò lăn ra xem có cái gì dưới những mảnh gõ trôi không. Cha mẹ tôi đang cố rẽ sóng bằng tay.

Chúng tôi ở đó mấy tiếng đồng hồ. Tôi còn nhớ những chiếc thuyền đi tìm, và tôi còn nhớ buổi hoàng hôn hôm đó khi trời vừa sập tối. Chưa bao giờ tôi thấy một buổi hoàng hôn giống như vậy: ánh hồng đỏ rực khi chạm mặt nước thì trải ra thành hình quạt, sưởi ấm cả một biển. Khi trời bắt đầu tối, những con thuyền bật đèn vàng hình quả cầu và từ xa thấy nhấp nhô trên ngọn sóng ánh bạc trong buổi tối.

Khi nghĩ lại, tôi thấy thật không phải khi nghĩ về màu sắc buổi hoàng hôn và những chiếc thuyền vào những lúc như thế này. Nhưng tất cả chúng tôi đều có những ý nghĩ rất lạ. Cha tôi đang đếm phút, ước lượng nhiệt độ của nước biển, sửa lại ước tính của ông khi Bình té. Hai chị tôi buột miệng gọi: “Bình ơi, Bình ơi!” như thể Bình đang trốn trong một bụi cây nào đó tít phía trong vách đá. Mấy em tôi ngồi trong xe, lẳng lặng đọc truyện cười. Và khi những chiếc thuyền tắt đèn vàng, mẹ tôi xuống biển. Cả đời bà chưa bao giờ biết bơi, nhưng niềm tin vào nghị lực của mình đã thuyết phục là bà có thể làm những gì người Mỹ không làm được. Bà có thể tìm thấy được Bình.

Và khi đội cấp cứu cuối cùng kéo được bà lên bờ, nghị lực của bà vẫn còn nguyên không bị sứt mẻ. Tóc tai, quần áo của bà ướt đẫm, nhưng bà đứng lặng lẽ, điềm tĩnh và uy nghi như bà chúa mỹ nhân ngư vừa mới lên bờ. Cảnh sát hoãn lại cuộc tìm kiếm, tống tất cả chúng tôi lên xe về nhà với nỗi buồn riêng.

Tôi chắc rằng sẽ bị cha mẹ tôi, hai chị và mấy em tôi đánh chết. Tôi biết đó là lỗi của tôi. Tôi đã không trông chừng em cẩn thận, tuy rằng tôi đã thấy mối nguy hiểm đang chực chờ Bình. Nhưng khi chúng tôi ngồi trong phòng khách tối đèn, tôi nghe hết người này đến người kia thì thầm sự ân hận của mình.

- Ta thật là ích kỷ khi muốn đi câu cá - Cha tôi nói.

- Chúng ta không nên đi dạo - Chị Gia Linh nói, trong khi chị Luyến khóc thút thít.

- Tại sao anh ném cát vào mặt em vậy? - Lục rên rỉ - Tại sao anh bắt em đánh nhau?

Và mẹ tôi lặng lẽ thú nhận với tôi: - Mẹ bảo con can không cho hai đứa đánh nhau. Mẹ bảo con ngó chỗ khác…

Tôi chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì mẹ tôi đã nói: - Vậy thì bây giờ mẹ với con phải đi tìm Bình. Phải tìm ngay sáng mai. - Và mọi người đều nhìn xuống. Tôi xem đó như là sự trừng phạt đối với tôi: Phải đi với mẹ tôi trở lại bãi biển, giúp bà tìm thi thể Bình.

Ngày hôm sau, mẹ tôi làm những chuyện tôi không bao giờ ngờ tới. Khi tôi thức dậy, trời vẫn còn tối những mẹ tôi đã thay đồ rồi. Trên bàn trong nhà bếp có để một bình thủy, một tách trà, cuốn Kinh thánh và chìa khóa xe.

- Cha sửa soạn xong chưa mẹ? - Tôi hỏi

- Cha con không đi. - Bà nói.

- Vậy thì chúng ta đi bằng cách nào mẹ? Ai lái xe?

Mẹ nhặt chìa khóa lên và tôi theo bà ra xe. Trên đường tới bãi biển tôi luôn tự hỏi không biết mẹ tôi bằng cách nào học lái xe trong vòng một đêm. Bà không sử dụng bản đồ. Bà lái xe về phía trước một cách thành thạo, rẽ xuống Geely, sau đó ra xa lộ lớn, chớp đèn báo hiệu rất đúng lúc và đi dọc theo đường bãi biển, bà lái xe vòng qua những khúc quanh nguy hiểm một cách dễ dàng trong khi nhiều tài xế mới không kinh nghiệm đã để xe lao xuống hố ở những khúc quanh này.

Khi chúng tôi đến bãi biển, bà đi ngay xuống con đường cát đến bờ đá ngầm, nơi tôi thấy Bình biến mất. Bà cầm trong tay cuốn Kinh thánh. Và nhìn hướng ra biển, bà lầm rầm khấn vái, những cánh chim mòng biển đã mang lời khẩn nguyện của bà lên tận thiên đường. Bà bắt đầu bằng: “Đức chúa lòng thành vô cùng!” Và kết thúc bằng: “Amen!” và ở giữa bà nói bằng tiếng Hoa.

- Con luôn tin là Chúa sẽ ban phước lành - Bà ca ngợi Chúa giống giọng bà dùng để ca ngợi bằng tiếng Hoa một cách quá đáng. Chúng con biết là phúc lành thế nào cũng đến. Chúng con không hề nghi ngờ gì về điều này cả. Quyết định của Ngài là quyết định của chúng con. Ngài ban thưởng phúc lành vì chúng con tuyệt đối tin Ngài. Ðể đáp lại, chúng con luôn cố gắng bày tỏ lòng tôn kính sâu đậm nhất. Chúng con đi nhà thờ. Chúng con hiến tiền cho nhà thờ. Chúng con hát thánh ca. Chúa đã ban cho chúng con nhiều phúc lành hơn nữa. Thế mà chúng con đã để một phúc lành của Ngài không đúng chỗ. Chúng con đã bất cẩn. Ðó là sự thật. Chúng con có quá nhiều thứ tốt lành nên chúng con không thể lúc nào cũng giữ được hết những thứ này.

Có lẽ là Chúa đã giấu Bình một nơi để dạy cho chúng con một bài học phải giữ gìn những ban phát của Ngài hơn nữa trong tương lai. Con đã học được điều này. Con sẽ khắc cốt ghi tâm. Và bây giờ con đến để mang Bình về!

Khi mẹ tôi nói những điều này, tôi lặng nghe khiếp đảm. Và tôi bắt đầu khóc khi bà tiếp: - Hãy tha thứ cho chúng con vì cách cư xử không tốt của Bình. Con gái con, đứa đang đứng ở đây, chắc chắn sẽ dạy Bình biết vâng lời hơn trước khi Bình về lại với Ngài!

Sau khi cầu nguyện xong, mẹ tôi có đức tin mạnh đến nỗi bà thấy Bình ba lần, đang vẫy gọi bà phía ngoài ngọn sóng đầu tiên.

- Kìa! Và bà đứng thẳng lên như người lính canh, đến khi bà hoa mắt lên cả ba lần và Bình biến thành một chấm trong biển đen nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Mẹ tôi không chịu khuất phục. Bà đi trở lại lên bờ và đặt cuốn kinh xuống. Bà nhặt cái bình thủy và tách trà lên rồi đi ra bờ biển. Bà kể cho tôi nghe là đêm hôm trước bà nhớ lại cái thuở bà còn là một thiếu nữ bên Trung Hoa, bà biết một chuyện.

- Mẹ nhớ có một đứa bé bị cụt tay khi chơi pháo, - mẹ thấy cánh tay đứa bé bị dập nát, nó khóc thét lên, nhưng mẹ nó tuyên bố là nó sẽ mọc lại một bàn tay khác tốt hơn.

Người mẹ này nói là bà sẽ trả gấp mười lần món nợ của tổ tiên. Bà sẽ dùng cách trị bằng nước để xoa dịu cơn phẫn nộ của Chu Trung, vị thần lửa có ba mắt. Và thật vậy, tuần sau, mẹ rất kinh ngạc khi thấy đứa bé đạp xe chạy ngang qua, cả hai tay đều nguyên vẹn đặt trên tay lái.

Rồi mẹ tôi im lặng. Bà lại nói, vẻ tư lự, kính cẩn.

- Nhà ta có ông tổ trót lỡ ăn trộm nước từ giếng thánh. Bây giờ nước đang lên trở lại giếng. Chúng ta phải làm dịu cơn thịnh nộ của Long Thần đang nằm cuộn trên biển. Và chúng ta phải làm Long Thần nới lỏng nanh vuốt ra khỏi Bình bằng cách hiến cho Long Thần một kho báu khác.

Mẹ tôi rót trà đã pha đường vào trong tách, và ném tách trà xuống biển. Rồi bà mở nắm tay ra. Trong lòng bàn tay bà là chiếc nhẫn ngọc xafia trong của bà ngoại tôi cho. Bà ngoại tôi đã mất mấy năm trước. Chiếc nhẫn của mẹ tôi đã khiến biết bao phụ nữ thèm muốn đến quên cả trông con. Chiếc nhẫn này sẽ làm cho Long Thần quên Bình đi.

Bà ném chiếc nhẫn xuống biển.

Nhưng cả với chiếc nhẫn, Bình cũng không xuất hiện ngay. Trong vòng khoảng một tiếng đồng hồ, chúng tôi chỉ thấy toàn rong biển trôi giạt qua. Rồi tôi thấy mẹ tôi đưa hai tay lên ôm lấy ngực, và nói bằng một giọng lạ lùng: - Thấy chưa? Chỉ vì chúng ta nhìn sai hướng - Và ngay cả tôi cũng thấy Bình đang lê bước một cách mệt nhọc ở tít đầu kia bãi biển, tay cầm giày, đầu gục xuống vì kiệt sức. Tôi có thể cảm được những cảm giác của mẹ tôi. Lập tức bao nhiêu mỏi mệt, đói khát đều tan biến. Chúng tôi chưa kịp đứng dậy thì cả hai chúng tôi đều thấy Bình đốt một điếu thuốc, cao lên và trở thành một người lạ.

- Mẹ ơi, thôi mình đi, - tôi nói.

- Nó ở đằng kia, - mẹ tôi quả quyết. Bà chỉ về phía vách đá lởm chởm ở bên kia biển. - Mẹ thấy nó. Nó đang ở trong hang, ngồi trên một bậc nhỏ trên mặt nước, nó đang đói và hơi bị lạnh, nhưng bây giờ nó đã biết không than thở nhiều nữa.

Bà đứng lên và bắt đầu đi qua bãi cát như thể đây là con đường lát đá cứng, tôi cố đi theo sau một cách khó nhọc, vấp ngã ở những ụ cát mềm. Bà leo lên con đường dốc đến chỗ đậu xe, bà không dám thở mạnh khi bà kéo ra một cái ống lớn phía trong cốp xe. Bà buộc chiếc phao cứu hộ này vào cần câu cá của cha tôi. Bà đi trở lại và ném cái ống xuống biển, tay giữ chặt cần câu.

- Cái này sẽ đến chỗ Bình ở. Mẹ sẽ mang em về. - Bà nói một cách dữ tợn. Chưa bao giờ tôi nghe trong giọng bà lắm nghị lực như thế.

Cái ống đi theo ý nghĩ của bà. Nó trôi ra ngoài, đến phía bên kia vịnh. Ở đây nó bị sóng lớn đánh. Dây câu bị kéo căng. Bà gắng sức giữ chặt lấy cần câu. Nhưng dây câu bị đứt và bị cuốn xuống nước theo hình xoắn ốc.

Cả hai mẹ con leo đến gần gờ đá ngầm để xem. Bây giờ cái ống đã đến phía bên kia vịnh. Một ngọn sóng lớn vỗ mạnh nó vào vách đá. Cái ống giờ đã căng nước, bị sóng dồn lên rồi lại dìm xuống dưới vách đá vào trong một cái hang. Nó lại trồi lên. Cứ như thế không biết bao nhiêu lần, mất hút rồi lại trồi lên, đen lánh, cái ống như muốn báo một cách trung thành là nó đã thấy Bình và đang cố kéo Bình ra khỏi hang.

Không biết bao nhiều lần cái ống biến mất, rồi lại trồi lên, trống rỗng, nhưng vẫn còn đầy hy vọng. Và rồi sau cả chục lần như thể, khi nó nổi lên, nó đã bị xé tan và không còn xác sống nữa.

Lúc ấy, và chỉ đến lúc ấy, mẹ tôi mới từ bỏ hy vọng. Không bao giờ tôi quên được cái nhìn trên khuôn mặt mẹ tôi lúc đó. Cái nhìn khiếp sợ và tuyệt vọng hoàn toàn, vì mất Bình, vì ngây thơ nghĩ rằng bà có thể dùng đức tin để thay đổi định mệnh. Và cái nhìn đó đã làm tôi giận dữ - giận dữ đến tối tăm mặt mũi, là mọi thứ đã bỏ rơi chúng tôi.

—★—

Bấy giờ tôi biết chẳng bao giờ còn mong sẽ tìm thấy Bình, cũng như bây giờ tôi biết tôi sẽ chẳng bao giờ tìm ra cách cứu vãn cuộc hôn nhân của tôi. Tuy nhiên, mẹ tôi vẫn khuyên tôi phải cố hết sức.

- Để làm gì kia chứ? - Tôi hỏi - Không còn hy vọng gì nữa. Không còn lý do gì để cố gắng nữa.

- Bởi vì đó là bổn phận của con - Bà nói - Ðây không phải là hy vọng. Không phải là lý do. Đây là số mạng của con. Ðây là đời con, con phải làm cái gì chứ?

- Vậy con có thể làm được gì?

Và mẹ tôi nói: Con phải tự suy nghĩ và quyết định con phải làm gì. Nếu có một người nào đó chỉ bảo cho con, thì con không cố sức nữa. - Rồi bà đi ra khỏi nhà bếp để tôi ngẫm nghĩ về vấn đề này.

Tôi nghĩ tới Bình, tôi biết Bình đang gặp nguy hiểm, và tôi lại để việc đó xảy ra như thế nào. Tôi nghĩ tới cuộc hôn nhân của tôi, tôi đã thấy trước những dấu hiệu, thật sự là tôi đã thấy. Nhưng rồi tôi lại để hôn nhân tan vỡ. Và bây giờ tôi lại nghĩ là định mệnh được thành hình một nửa từ sự mong đợi, một nửa từ sự vô ý. Tuy nhiên, khi bạn mất đi một cái gì thân yêu thì đức tin sẽ thế chỗ. Bạn phải chú ý đến cái bạn đánh mất. Bạn phải xóa bỏ sự mong đợi đi.

Mẹ tôi vẫn còn để ý đến sự mất mát. Cuốn Kinh ở dưới bàn. Tôi biết là bà vẫn trông thấy nó. Tôi nhớ là có thấy bà viết một cái gì vào cuốn Kinh trước khi bà chêm cuốn Kinh dưới chân bàn.

Tôi nhấc bàn làm và lấy cuốn Kinh ra. Tôi đặt cuốn Kinh lên bàn, giở nhanh những trang sách, bởi vì tôi biết là nó sẽ ở đó. Trước kinh Tân Ước có một phần tựa là “Cái Chết”, và bà viết vào đó “Tô Bình” một cách nhẹ nhàng bằng viết chì, tựa như có thể xóa được.