- Dĩ nhiên là con cũng có thể là thần đồng, - bà bảo tôi khi tôi mới 9 tuổi. - Con có thể là người giỏi nhất trong một lãnh vực nào đó. Dì Linh Ða biết cái gì nào? Con gái bà ta chỉ giỏi láu cá.
Mẹ tôi đặt toàn bộ hy vọng vào nước Mỹ. Bà đã đến đây vào năm 1949 sau khi đánh mất tất cả ở Trung Hoa. Ông cụ, bà cụ thân sinh bà, nhà cửa, người chồng trước của bà và hai người con gái, chị em song sinh. Nhưng không bao giờ bà nhìn lại quá khứ với nỗi tiếc nuối. Có nhiều cái để vươn tới những điều tốt đẹp hơn.
Chúng tôi không chọn được đúng loại thần đồng ngay. Thoạt tiên bà nghĩ là tôi có thể là một Shirley Temple người Hoa. Chúng tôi thường xem những phim cũ của Shirley trên Tivi như thể đây là phim huấn luyện. Mẹ tôi thường thúc vào tay tôi và nói: “Con xem đó! Và tôi thường thấy Shirley nhịp chân, hay đang hát một bài hát thủy thủ, hay đang tròn môi làm điệu, nói “Ối, trời ơi!”.
- Con xem kìa - Mẹ tôi bảo, khi mắt Shirley đầy lệ “Con đã biết cách như thế nào rồi. Chẳng cần phải có tài mới khóc được”.
Ngay sau khi mẹ tôi nảy ra ý nghĩ về Shirley Temple, bà dẫn tôi đến một trường dạy uốn tóc trong khu truyền giáo và phó thác tôi vào tay một người học nghề rõ ràng vừa cầm kéo vừa run. Tôi đi ra với một mớ tóc xoăn tít lồi lõm thay vì những lọn tóc quăn. Mẹ tôi lôi tôi vào phòng tắm và cố nhúng nước kéo tóc tôi thẳng ra.
- Con trông giống như một con xẩm mọi. - Bà than thở như thể tôi cố ý muốn làm vậy.
Cô gái trong trường dạy uốn tóc phải tỉa bớt đám tóc ướt sũng để làm tóc tôi ngay lại “Kiểu Peter Pan ngày nay đang rất thịnh hành.” - Cô quả quyết với mẹ tôi. Bây giờ tóc tôi ngắn như con trai, với mái tóc trên chân mày khoảng 5 phân. Tôi thích kiểu tóc này và điều này làm tôi thật sự mong đợi vào danh tiếng của mình trong tương lai.
Thật ra lúc đầu, tôi cũng náo nức như mẹ tôi, có khi còn hơn cả mẹ tôi. Tôi hình dung thần đồng là một phần trong người tôi như nhiều hình ảnh khác nhau, đang thử xem cái nào vừa. Tôi là một nữ diễn viên ba lê xinh xắn đang đứng gần tấm màn, chờ đúng điệu nhạc là bay ra sân khấu trên đầu ngón chân. Tôi như là Con của Ðức Chúa Trời được bế ra khỏi máng cỏ, đang khóc vì bị thần thánh làm nhục. Tôi là Cô Bé Lọ Lem bước ra khỏi cỗ xe ngựa làm từ quả bí đỏ của nàng với điệu nhạc vui vang trong không gian.
Trong trí tưởng tượng của tôi, tôi có cảm giác là chẳng bao lâu tôi sẽ trở nên hoàn hảo. Cha mẹ tôi sẽ yêu mến, chìu chuộng tôi. Tôi sẽ chẳng còn bị la rầy nữa. Tôi sẽ chẳng còn phải hờn dỗi về việc gì nữa.
Nhưng đôi lúc thần đồng trong tôi trở nên nôn nóng. “Nếu mày không khẩn trương kéo ta ra, ta sẽ biến mất luôn - thần đồng dọa. - Và lúc đó mày sẽ mãi mãi chẳng là cái gì cả”.
Mỗi tối, sau bữa ăn, mẹ tôi và tôi thường ngồi ở bàn formica trong nhà bếp. Bà thường kiểm tra tôi, theo gương những đứa trẻ phi thường bà đọc được từ những câu chuyện trong Tin hay không của Ripley, hay Nội trợ giỏi, Tạp san thời sự và cả chục tạp chí khác bà chất thành một chồng trong nhà tắm. Bà xin những tạp chí này từ những người bà đến dọn đẹp nhà cửa. Và vì bà đến dọn dẹp cho rất nhiều gia đình mỗi tuần, nên chúng tôi có rất nhiều loại tạp chí. Bà thường đọc qua tất cả các loại tạp chí này để tìm những câu chuyện về những đứa trẻ phi thường. Ðêm đầu tiên, bà đưa ra một câu chuyện về một đứa bé mới lên ba đã biết tên thủ phủ của tất cả các tiểu bang và thậm chí biết tên thủ đô của hầu hết những nước châu Âu. Một thầy giáo đánh giá là đứa bé này có thể phát âm đúng tên những thành phố lạ.
- Tên thủ đô của Phần Lan là gì? - Bà hỏi tôi, mắt nhìn câu chuyện trong tạp chí.
Tôi chỉ biết thủ phủ của California, bởi vì Sacramento là tên đường chúng tôi đang ở trong phố người Hoa. “Narrobi!”, tôi đoán, đó là chữ nghe ngoại quốc nhất mà tôi có thể nghĩ ra. Bà kiểm lại xem đó có phải là một cách phát âm khác chữ “Hensinki” trước khi tôi xem câu trả lời.
Bài kiểm tra càng ngày càng khó, tôi phải nhân nhẩm trong đầu, tìm con đầm cơ trong một cỗ bài, tôi phải trồng chuối ngược mà không được dùng tay, dự đoán nhiệt độ hàng ngày ở Los Angeles, New York và London.
Một tối kia, tôi phải đọc một trang trong Kinh Thánh trong vòng ba phút, sau đó kể lại tất cả những gì tôi nhớ được. Bây giờ Jehoshaphat rất giàu có và rất được tôn kính và... mẹ ơi, con chỉ nhớ được tới vậy - tôi nói.
Và khi nhìn gương mặt thất vọng của mẹ tôi một lần nữa, một cái gì trong tôi bắt đầu chết đi. Tôi ghét cay ghét đắng những bài kiểm tra, những mong mỏi và thất vọng. Buổi tối hôm đó trước khi đi ngủ, tôi nhìn vào tấm gương phía trên bồn nước trong nhà tắm, và khi tôi chỉ thấy gương mặt của mình nhìn chằm chằm lại, và sẽ luôn luôn là gương mặt tầm thường như thế, tôi bắt đầu khóc. Một đứa con gái xấu xí và buồn bã làm sao! Tôi thét lên the thé như một con thú điên, cố cào nát gương mặt trong gương.
Và rồi tôi nhìn thấy cái dường như là phần thần đồng của tôi, bởi vì từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ thấy được khuôn mặt đó. Tôi nhìn vào mình trong gương, chớp mắt để thấy rõ hơn. Cô gái đang nhìn chằm chằm vào tôi đang giận dữ nhưng có năng lực. Cô gái đó và tôi là một. Tôi nảy ra những ý tưởng mới, những ý tưởng ngang bướng, hay đúng hơn là một loạt những ý tưởng, “sẽ không”. Tôi tự hứa là sẽ không để bà biến đổi tôi. Tôi sẽ không là cái mà tôi không phải.
Vào những tối mẹ tôi kiểm tra, tôi đáp một cách lơ đãng, tay chống cằm. Tôi giả vờ như đang chán ngấy. Và tôi đang chán thật. Tôi phát chán đến nỗi tôi bắt đầu đếm tiếng còi tàu ngoài vịnh trong khi mẹ tôi quay tôi trong những phạm vi khác. Tiếng còi phần nào giải khuây cho tôi và gợi tôi nhớ hình ảnh con bò nhảy qua mặt trăng. Và ngày kế, tôi tự bày ra một trò chơi, xem thử mẹ tôi có buông tha tôi trước tám tiếng còi không. Sau một thời gian tôi thường chỉ đếm được một, hoặc nhiều lắm là hai tiếng còi. Cuối cùng, mẹ tôi đã bắt đầu tuyệt vọng.
Hai ba tháng trôi qua không ai nhắc đến việc tôi là một thần đồng nữa. Và một ngày kia mẹ tôi đang xem Chương trình biểu diễn của Ed Sullivan trên truyền hình. Truyền hình nhà tôi đã cũ nên âm thanh cứ bị chập lại làm ngắn đi. Mỗi lần mẹ tôi đứng đậy đi được nửa đường để điều chỉnh nút âm thanh, thì truyền hình có tiếng trở lại và Ed lại đang nói. Nhưng khi bà vừa ngồi xuống ghế trường kỷ, thì truyền hình lại mất tiếng. Bà đứng dậy, trong truyền hình lại vang lên tiếng nhạc dương cầm thật lớn. Bà ngồi xuống, yên lặng. Ðứng lên, ngồi xuống, đi tới, đi lui, có tiếng và mất tiếng. Cứ như thế, mẹ tôi và truyền hình đang biểu diễn một điệu vũ cứng nhắc. Cuối cùng, bà đứng kế bên truyền hình, tay đặt lên nút điều chỉnh âm thanh.
Bà như bị mê hoặc bởi tiếng nhạc, một bản nhạc dương cầm hơi cuồng loạn một chút, có tính như thôi miên, lúc dồn dập, lúc du dương như trêu ghẹo, rồi lại dồn dập trở lại.
- Con xem, - mẹ tôi bảo, hối hả vẫy tay gọi tôi, - Xem đây!
Tôi có thể thấy vì sao mẹ tôi mê tiếng nhạc. Bản nhạc do một cô bé người Hoa chơi, khoảng 9 tuổi với kiểu tóc Peter Pan.
Cô bé có vẻ láo xược của một Shirley Temple. Cô ta vừa khiêm tốn vừa kiêu ngạo như một đứa trẻ người Hoa đích thực. Và rồi cô ta lại còn cúi rạp người chào làm cho váy áo trắng chầm chậm tuôn xuống nền nhà như những cánh hoa cẩm chướng lớn.
Cho dù đây là những dấu hiệu báo trước, tôi không cảm thấy lo lắng gì cả. Gia đình tôi không có đàn dương cầm và chúng tôi không có đủ tiền để mua một chiếc, chưa kể đến giấy nhạc và sách học dương cầm. Do đó, khi mẹ tôi nói xấu cô bé trên truyền hình tôi lại tỏ ra rộng lượng.
- Chơi đúng nốt, nhưng nghe không hay! - Tôi vô tư nói - Cô ta chơi khá hay. Có thể cô ta không phải là người chơi hay nhất, nhưng cô ta đã cố gắng rất nhiều - Tôi biết ngay là tôi sẽ hối hận vì đã nói câu này.
- Giống hệt như con - Mẹ tôi nói - Không phải là người giỏi nhất. Bởi vì con không cố gắng. - Bà hứ một tiếng nhỏ, buông nút điều chỉnh âm thanh và ngồi xuống ghế trường kỷ.
Cô bé người Hoa cũng ngồi xuống chơi lại bản “Vũ điệu Anitra” của Grieg. Tôi nhớ bản này lắm, vì sau này tôi phải học chơi bản ấy.
Ba ngày sau khi xem Chương trình biểu diễn của Ed Sullivan, mẹ tôi báo cho tôi biết thời khóa biểu học và tập đàn dương cầm. Bà đã nói chuyện với ông Trung ở lầu một, trong cùng chung cư với chúng tôi. Ông Trung là một giáo sư dương cầm đã về hưu và mẹ tôi đã phải dọn dẹp nhà cửa cho ông để đổi lấy buổi học hàng tuần và một cây đàn dương cầm để tôi tập dượt hàng ngày, mỗi ngày hai tiếng, từ 4 đến 6 giờ.
Khi mẹ tôi báo cho tôi biết điều này, tôi có cảm giác như thể tôi bị đày xuống địa ngục. Tôi la khóc và dậm chân khi không còn chịu đựng được nữa.
- Tại sao mẹ không chấp nhận con như thế này? Con không phải là thiên tài! Con không thể chơi đàn dương cầm. Vì nếu như con có chơi được đàn dương cầm chăng nữa, con sẽ không lên truyền hình cho dù mẹ có mướn con một triệu đô la - Tôi khóc.
Mẹ tôi tát tôi! “Ai bảo mày thành thiên tài?” - Bà hét - “Tao chỉ bảo mày hãy cố gắng hết mức. Vì tương lai của mày. Mày nghĩ là tao muốn mày thành thiên tài? Hứ? Để làm gì? Ai bảo?”.
- Ðồ bất hiếu, - Tôi nghe bà lẩm bẩm bằng tiếng Hoa - Nếu nó có được chừng ấy tài như chừng ấy tính khí, thì bây giờ nó đã nổi tiếng rồi.
Ông Trung, tôi gọi lén là Lão Trung, là một người rất lạ, ông luôn gõ nhịp ngón tay theo điệu nhạc câm của một dàn nhạc vô hình. Trong mắt tôi, ông có vẻ già lắm rồi. Ðầu ông gần sói, ông mang mắt kính dày và đôi mắt ông luôn có vẻ mệt mỏi và buồn ngủ. Nhưng chắc hẳn là ông ta trẻ hơn tôi nghĩ, vì ông đang sống với mẹ và chưa có vợ.
Tôi gặp cụ bà Trung một lần, thế là đủ. Bà có mùi đặc biệt như mùi một đứa bé đi tiêu trong quần. Và ngón tay của bà như ngón tay một người chết, như một quả đào có một lần tôi tìm thấy bị bỏ quên ở phía sau tủ lạnh. Khi tôi đụng tới thì vỏ tự bóc ra khỏi thịt.
Chẳng bao lâu tôi tìm ra lý do vì sao lão Trung về hưu không dạy đàn dương cầm nữa. Ông bị điếc “Như Beethoven!” Ông hét vào mặt tôi. “Cả hai chúng ta chỉ nghe trong đầu!”. Và ông thường bắt đầu chỉ huy những bản sonata câm, điên rồ của ông.
Buổi học của chúng tôi như thế này. Ông mở sách và chỉ những ký hiệu khác nhau, giải thích cách dùng những ký hiệu này để làm gì: “Khóa! Cao! Trầm! Không có nốt thăng, không có dấu giáng! Ðây là cung đô trưởng! Hãy nghe và đàn theo ta!”
Và rồi ông thường dạo thang âm đô một vài lần, một hợp âm đơn giản, và như thể bị ngứa ngáy nghề cũ không đưa ra được, dần dần ông thêm nốt vào, láy rền và nện bass đến khi bản nhạc thật sự trở thành một cái gì hay tuyệt.
Tôi thường đàn theo ông, thanh âm đơn giản, hợp âm đầu rồi tôi đàn tầm bậy, tùm lum, nghe như con mèo chạy lên chạy xuống trên những thùng rác. Già Trung mỉm cười tán thưởng và bảo “Hay lắm! Nhưng bây giờ con hãy học cách giữ nhịp!”
Và thế là tôi khám phá ra rằng mắt già Trung không thể theo kịp những nốt tôi đàn sai. Ông chỉ kiểm tra được phân nửa khi tay tôi chạy trên phím. Ðể giúp tôi giữ nhịp, ông đứng phía sau tôi, gõ nhịp vào vai phải của tôi. Ông đặt những đồng xu trên cổ tay tôi để tôi không lắc cổ tay khi tôi bấm gam và hợp âm rải. Ông bắt tôi bẻ cong tay theo một trái táo và giữ tay như thế khi đàn hợp âm. Ông đi đều bước một cách cứng nhắc để chỉ tôi cách từng ngón tay nhấc lên và mổ xuống như thế nào, ngắt âm như là một chú lính tí hon ngoan ngoãn.
Ông đã dạy tôi tất cả những thứ này, và tôi cũng học được cách làm biếng và cách trốn lỗi, rất nhiều lỗi là đằng khác. Nếu tôi đánh lộn nốt vì chưa tập kỹ, tôi không bao giờ sửa lại. Tôi chỉ tiếp tục chơi theo nhịp. Và Già Trung tiếp tục chỉ huy khúc nhạc mơ màng riêng của ông.
Do đó, có thế là tôi chưa bao giờ thật sự cho mình một cơ hội đúng. Tôi đã nắm được phần cơ bản khá nhanh, và tôi đã có thể trở thành một người đàn dương cầm giỏi ở lứa tuổi thiếu niên. Nhưng tôi đã kiên quyết không cố gắng, không là ai khác hơn tôi, nên tôi chỉ học đàn những khúc dạo chói tai nhất, những bản thánh ca không hợp âm nhất.
Trong vòng một năm, tôi đã tập dợt như thế, theo ý mẹ tôi, nhưng theo kiểu của tôi. Và rồi một ngày kia tôi nghe mẹ tôi và bạn của bà, dì Chung Linh Đa đang lớn tiếng khoe khoang cho mọi người cùng nghe. Mới đi lễ xong, tôi đang đứng dựa bức tường gạch, bữa đó tôi đang mặc một chiếc áo đầm với váy lót cứng, màu trắng. Con gái dì Linh Ða, Vỹ Lý, cỡ tuổi tôi, đang đứng ở đằng kia bức tường, cách tôi khoảng hai thước. Chúng tôi lớn lên bên nhau như hai chị em, suốt ngày cãi nhau về bút chì màu và búp bê. Nói cách khác, chúng tôi phần lớn rất ghét nhau. Tôi cho là cô ta rất kiêu kỳ, Chung Vỹ Lý đã có chút tiếng tăm là nhà vô định cờ vua người Hoa nhỏ tuổi nhất trong phố Hoa.
- Nó đem về nhà quá nhiều giải thưởng - Dì Linh Đa than sáng chủ nhật hôm đó. - Nó chơi cờ tướng suốt ngày.
Suốt ngày nội lau chùi những phần thưởng nó đem về cũng hết ngày giờ - Dì Linh Ða ném cái nhìn trách mắng về phía Vỹ Lý, nhưng cô ta giả vờ không thấy mẹ.
- May là chị không gặp như vậy - Dì Linh Đa thở đài bảo mẹ tôi.
Và mẹ tôi so vai, khoe lại: tôi còn gặp chuyện tệ hơn chị. Nếu tôi bảo Linh Muội rửa chén, nó không nghe gì khác ngoài nhạc. Như thể người ta không thể ngăn chận được tài năng bẩm sinh này.
Và ngay lúc đó, tôi kiên quyết phá tan niềm tự hào vô lý của bà.
Vài tuần sau, Lão Trung và mẹ tôi âm mưu bắt tôi đàn trong một buổi diễn tài năng được tổ chức ở nhà thờ. Ðến lúc này, cha mẹ tôi đã dành dụm đủ tiền mua cho tôi một cây đàn dương cầm cũ, màu đen, hiệu Wurlitzer với cái băng ghế đã bị trầy. Cây đàn là niềm hãnh diện trong phòng khách của chúng tôi.
Trong buổi biểu diễn tài năng, tôi sẽ chơi một bản tên là “Đứa bé van nài” từ Những hình ảnh thời thơ ấu của Schumann. Đây là một bản nhạc buồn, đơn giản, nhưng khi nghe bản này tưởng là nó khó hơn trong thực tế. Tôi phải học thuộc hết bản, đàn phần điệp khúc hai lần để làm cho bản nhạc nghe dài thêm. Nhưng tôi la cà chẳng chú tâm học bản nhạc, đàn được vài nhịp là bắt đầu giở ngón bịp, nhìn lên xem những nốt kế… Tôi chưa bao giờ thật sự lắng nghe tôi đang đàn cái gì. Tôi mơ ước được ở một nơi khác, được làm một người khác.
Phần tôi thích tập nhất là kiểu chào rất kỳ lạ: đưa chân phải ra, đụng bông hồng để trên thảm bằng cái gót nhọn, đánh một vòng qua bên, khuỵu chân trái, nhìn lên và mỉm cười.
Cha mẹ tôi mời tất cả các dì, dượng trong PHÚC LẠC HỘI đến xem buổi biểu diễn của tôi. Dì Linh Ða và cậu Tính cũng đến xem. Vỹ Lý và hai anh trai có cũng có mặt. Hai hàng ghế đầu dành cho những đứa bé lớn hơn tôi cũng có, nhỏ hơn tôi cũng có. Những đứa nhỏ tuổi nhất biểu diễn trước. Những đứa trẻ này ngâm những bài thơ trẻ con thật đơn giản, chơi đàn vĩ cầm tí hon kêu quác quác, quay vòng Hula Hoops, nhảy cỡn lên trong chiếc máy xòe vũ ba lê màu hồng, khi chúng cúi đầu, hoặc rạp người chào, khán giả đồng thanh thở dài, “A!”, và rồi hăng hái vỗ tay tán thưởng.
Khi đến phiên tôi, tôi rất tự tin. Tôi còn nhớ sự thích thú rất trẻ con của tôi. Như thể là tôi biết chắc chắn rằng phần thần đồng trong tôi thật sự tồn tại. Tôi không cảm thấy sợ hãi một chút nào, không cảm thấy thần kinh bị căng thẳng. Tôi còn nhớ là tôi tự bảo mình: Ðây chính là dịp thi thố tài năng!
Tôi đưa mắt nhìn khắp khán giả, từ gương mặt hồi hộp của mẹ tôi, cái ngáp dài của ba tôi, đến cái mỉm cười gượng gạo của dì Linh Ða và vẻ mặt hờn dỗi của Vỹ Lý. Tôi mặc một chiếc áo dài trắng có nhiều lớp ren, và cột một cái nơ hồng trên kiểu tóc Peter Pan của tôi. Khi tôi ngồi xuống, tôi tưởng tượng khán giả sẽ đứng bật dậy và Ed Sullivan sẽ chạy tới để giới thiệu tôi với mọi người trên truyền hình.
Và tôi bắt đầu đàn. Mọi thứ thật là đẹp. Tôi mải mê nghĩ đến dáng vẻ đáng yêu bề ngoài của tôi, nên lúc đầu tôi không lo nghĩ gì đến tiếng đàn của tôi sẽ nghe như thế nào. Do đó, tôi rất ngạc nhiên khi tôi đánh sai nốt đầu tiên và tôi nhận được có một cái gì đó nghe không ổn. Và rồi tôi đánh sai thêm một nốt nữa. Tôi cảm thấy trên đầu tôi bắt đầu giá lạnh và cơn lạnh dần dần lan xuống toàn thân. Tuy nhiên đôi tay tôi như bị bỏ bùa và tôi không thể ngưng đàn được. Tôi cố nghĩ là những ngón tay của tôi sẽ tự điều chỉnh lại như một chiếc xe lửa chuyển sang con đường đúng. Tôi đàn mớ lộn xộn kỳ quặc này qua hai điệp khúc, và những nốt nhạc quái đản theo đuổi tôi mãi đến hết bài.
Khi tôi đứng lên, tôi khám phá ra là chân tôi đang run. Có thể là tôi chỉ lo lắng bồn chồn và khán giả như Lão Trung, đã thấy tay tôi chơi đúng và không nghe gì sai hết. Tôi đưa chân phải ra quỳ xuống, nhìn lên và mỉm cười. Cả gian phòng im lặng, trừ Lão Trung cười rạng rỡ và hét to: “Hoan hô! Hoan hô! Giỏi lắm!”. Nhưng sau đó tôi thấy gương mặt mẹ tôi, gương mặt kinh ngạc như bị ai đánh. Khán giá vỗ tay yếu ớt và khi tôi trở về chỗ, cả khuôn mặt tôi run run khi tôi cố không khóc nấc lên, tôi nghe một cậu bé nói nhỏ với mẹ: “- Thật là khủng khiếp!” - Và người mẹ thì thầm lại: “Con yêu nào, cô ấy dĩ nhiên là đã rất cố gắng”.
Và bây giờ tôi mới nhận thấy khán giả đông làm sao, như là cả thế giới đều đến đây. Tôi ý thức được những cặp mắt nhìn đăm đăm như thiêu đốt lưng tôi. Tôi cảm thấy nỗi nhục nhã, xấu hổ của cha mẹ tôi khi cả hai ngồi cứng đơ đến hết buổi biểu diễn.
Chúng tôi có thể bỏ về lúc nghỉ giải lao. Nhưng niềm tự hào và một cảm giác kỳ lạ về danh dự như đóng đinh cha mẹ tôi tại chỗ. Và thế là chúng tôi xem hết buổi diễn: một cậu bé 18 tuổi với một bộ ria mép giả biểu diễn một màn ảo thuật và tung hứng những vòng lửa khi đang cưỡi xe đạp một bánh. Một cô gái ngực nở nang trang điểm rất kỹ hát trích đoạn Nàng Bướm và rất được hoan nghênh. Một cậu bé 11 tuổi đoạt giải nhất về vĩ cầm đàn nghe như tiếng ong.
Sau buổi biểu diễn, gia đình Tô Chung và St. Clairs trong PHÚC LẠC HỘI đến từ giã cha mẹ tôi.
- “Khối tài năng trẻ”, - dì Linh Đa nói mập mờ và toét miệng cười.
- “Ðó là vấn đề khác”, - cha tôi nói, và tôi tự hỏi không biết là ông ám chỉ tôi với một giọng khôi hài, hay ông nhớ là tôi đã đàn rất tồi.
Vỹ Lý nhìn tôi nhún vai: “Bồ không phải là một thiên tài như tớ” - Cô ta nói rất thực tế. Và nếu như tôi không cảm thấy quá khổ sở như thế, chắc hẳn tôi đã túm bím tóc cô ta và thoi vào bụng cô ta.
Nhưng vẻ mặt của mẹ tôi đã tiêu hủy tôi bằng cái nhìn lặng lẽ, trống rỗng, nói lên rằng bà đã mất tất cả. Tôi cũng cảm thấy y như vậy, như thể là mọi người đang đổ xô đến, trố mắt nhìn một tai nạn để xem thật sự thiếu phần nào. Khi chúng tôi lên xe buýt về nhà, cha tôi hát nho nhỏ theo điệu con ong làm tổ ban nãy, và mẹ tôi ngồi yên. Tôi cứ nghĩ là bà muốn về tới nhà mới la tôi. Nhưng khi cha tôi mở khóa cửa nhà, mẹ tôi đi vào trong, và đi thẳng ra phía sau, vào phòng ngủ. Không một lời trách mắng. Và về một phương diện nào đó tôi cảm thấy thất vọng. Tôi chỉ mong bà la tôi, để tôi có thể hét lớn lên, òa khóc và trách bà đã làm khổ tôi.
Tôi cho rằng thất bại trong buổi biểu diễn tài năng có nghĩa là tôi chẳng bao giờ phải học đàn dương cầm nữa. Nhưng hai ngày sau, đi học về, mẹ tôi đi từ trong bếp ra và thấy tôi đang xem truyền hình.
- Bốn giờ rồi, - Bà nhắc tôi y như mọi ngày. Tôi sửng sốt, như thể bà bắt tôi phải chịu cực hình trong buổi biểu diễn tài năng một lần nữa. Tôi dán chặt người hơn nữa trước cái truyền hình.
- Tắt truyền hình đi, - Năm phút sau, bà nói vọng ra từ nhà bếp.
Tôi không nhúc nhích và rồi tôi quyết định. Tôi không phải làm theo lời mẹ tôi nữa. Tôi không phải là nô lệ của bà. Ðây không phải là nước Trung Hoa. Trước kia tôi đã nghe lời bà và nhìn xem chuyện gì đã xảy ra. Bà là một người ngốc.
Bà từ nhà bếp đi ra và đứng ở ngưỡng cửa vòng cung của phòng khách. - Bốn giờ rồi, - Bà nói một lần nữa, to hơn.
- Con sẽ không đàn nữa, - tôi nói một cách thờ ơ - Tại sao con phải đàn? Con không phải là một thiên tài.
Bà bước tới đứng trước cái truyền hình. Tôi thấy ngực bà phập phồng, bà đang rất giận.
- Không! - Tôi nói, và bây giờ tôi thấy mạnh hơn, như thể con người thật của tôi cuối cùng đã vùng lên. Thì ra đây là bản tính có trong tôi từ đó đến giờ.
- Không! Con không muốn! - Tôi hét lên.
Bà kéo mạnh tay tôi, lôi tôi dậy, với tay tắt truyền hình. Bà có một sức mạnh đáng sợ, nửa lôi, nửa vác tôi tới cây đàn, trong khi tôi giãy nãy, đá tứ tung những tấm thảm dưới chân. Bà dựng tôi dậy và đặt tôi ngồi trên băng ghế cứng. Tôi khóc thổn thức và tôi đau khổ nhìn bà. Ngực bà càng phập phồng hơn và mồm bà hé ra, mỉm cười một cách điên loạn như thể tôi khóc làm bà hả dạ lắm.
- Mẹ muốn con trở thành loại người mà con không phải! - Tôi thổn thức - Con sẽ chẳng bao giờ là đứa con gái mẹ muốn!
- Chỉ có hai loại con gái, - Bà hét lớn bằng tiếng Hoa - Loại vâng lời cha mẹ và loại hư đốn chỉ làm theo ý mình! Ta chỉ chấp nhận một loại con gái sống trong nhà này. Con gái biết vâng lời cha mẹ!
- Vậy thì con không muốn làm con của mẹ. Con muốn mẹ không phải là mẹ của con. - Tôi hét lớn. Tôi cảm thấy kinh hoàng khi nói những điều này ra. Tôi có cảm giác tôi đã trút hết gánh nặng trong ngực tôi và cảm thấy nhẹ nhõm như thể cuối cùng phần xấu xa trong tôi đã thắng.
- Đã quá muộn rồi, dầu gì mi cũng là con của ta. - Mẹ tôi nói the thé.
Và tôi có thể cảm thấy cơn giận của bà đã lên đến cực điểm. Tôi muốn xem nó nổ bung ra. Và tôi chợt nhớ đến những người con bà đã đánh mất ở Trung Hoa, những người con mà chúng tôi không bao giờ dám đả động tới. - Vậy thì con ước là con không bao giờ bị sinh ra! Tôi hét lớn - Con ước phải chi con chết đi! Chết như họ.
Như thế là tôi đã đọc đúng câu thần chú. Úm ba la! Và gương mặt bà trở nên trống rỗng, miệng bà khép lại, buông thõng tay, và bà từ từ lùi ra khỏi phòng, kinh hoàng như thể bà là chiếc lá màu nâu nhỏ, khô khan, mỏng manh, không còn sức sống bị thổi bay đi.
Ðây không phải là nỗi thất vọng duy nhất tôi đã gây ra cho mẹ tôi. Những năm sau đó, tôi đã làm cho bà thất vọng rất nhiều lần, mỗi lần một khẳng định thêm ý muốn riêng của tôi, khẳng định thêm quyền không phải làm theo sự mong mỏi của người khác. Tôi không có điểm A. Tôi không trở thành lớp trưởng. Tôi không thi đậu vào Stanford. Tôi bỏ Đại học nửa chừng.
Bởi vì không giống như mẹ tôi, tôi không tin là mình có thể trở thành người mình muốn. Tôi chỉ có thể là tôi.
Và trong suốt thời gian này, chúng tôi không bao giờ đá động tới tai họa trong buổi biểu diễn hay những lời buộc tội khủng khiếp của tôi sau đó trên băng ghế dương cầm. Tất cả đều còn như vậy không kiểm chứng, như một sự phản bội, bây giờ không nói lên được. Do đó tôi không bao giờ có dịp hỏi vì sao bà đã đặt hy vọng vào cái quá lớn để thất bại là việc không thể tránh khỏi.
Và tệ hơn nữa, tôi không bao giờ có dịp hỏi bà điều mà tôi sợ nhất: vì sao bà đã từ bỏ hy vọng?
Bởi vì sau vụ cãi nhau ở cây đàn dương cầm, bà không bao giờ nhắc tôi chơi đàn nữa. Bài học chấm dứt. Nắp đàn đóng lại, bỏ ra ngoài bụi bặm, đau khổ của tôi và mơ ước của mẹ tôi.
Vì thế bà làm tôi rất ngạc nhiên. Một vài năm trước, bà đề nghị cho tôi cây đàn nhân ngày sinh nhật thứ ba mươi của tôi. Suốt thời gian ấy, tôi không hề chơi đàn. Tôi cho lời đề nghị là một dấu hiệu tha thứ, và tôi cảm thấy trút được gánh nặng ngàn cân.
- Mẹ có chắc không? - Tôi bẽn lẽn hỏi - Con muốn nói là cha mẹ có thấy vắng nó không?
- Không, đây là cây đàn của con - Bà quả quyết - Luôn luôn là của con. Con là người duy nhất biết đàn.
- Có con cũng hết biết đàn, - Tôi nói - Lâu quá rồi!
- Con sẽ học lại nhanh thôi, - Mẹ tôi nói như thể bà biết điều này là chắc chắn - Con có tài bẩm sinh. Con có thể trở thành thiên tài nếu con muốn.
- Không, con không thể.
- Chỉ tại vì con không cố gắng, - Mẹ tôi nói. Và bà tỏ ra giận dữ buồn bã. Bà chỉ nói điều này như thể tuyên bố một sự thật không ai chối cãi được. - Con lấy đi - Bà nói.
Nhưng lúc đầu tôi không lấy. Bà đã cho tôi cây đàn, thế là đủ. Và sau đó, mỗi lần nhìn thấy cây đàn trong phòng khách của cha mẹ tôi, phía trước song cửa sổ là tôi cảm thấy tự hào, như thể đó là một giải thưởng đắt giá mà tôi đem về.
Tuần rồi tôi gọi một người sửa đàn đến nhà cha mẹ tôi để lên lại dây đàn vì những lý do tình cảm đơn thuần. Mẹ tôi đã mất vài tháng trước và tôi đang dọn dẹp nhà cửa cho cha tôi, mỗi lần một ít. Tôi cất nữ trang trong những bao nhỏ bằng lụa đặc biệt. Tôi cất những áo nịt bà đan bằng chỉ vàng, hồng, đỏ, cam - tất cả những màu này tôi không ưa - vào trong hộp chống nhậy. Tôi tìm thấy một số áo dài lụa cũ của người Hoa, loại xẻ một chút hai bên. Tôi cuộn tấm lụa cũ lên da, rồi gói những chiếc áo lại trong một miếng vải và quyết định mang chúng về nhà tôi.
Sau khi tôi đã cho lên dây đàn, tôi mở nắp đàn và nhấn phím. Tiếng đàn vang lên còn phong phú hơn tôi nhớ. Thật ra đây là một cây đàn rất tốt. Trong băng ghế vẫn còn những cuốn vở chép những âm giai bằng tay như xưa, vẫn còn những cuốn sách nhạc cũ rách bìa phải dán lại bằng giấy vàng như xưa.
Tôi mở cuốn sách của Schumann đến cái bài hắc ám tôi đã đàn ở buổi diễn. “Đứa bé van nài” ở trang phía bên trái. Bản nhạc có vẻ khó hơn tôi nhớ. Tôi đàn một vài nhịp, và tôi rất ngạc nhiên khi thấy tôi nhớ lại những nốt nhạc rất dễ dàng.
Và lần đầu tiên, hay có vẻ là lần đầu tôi để ý đến bản nhạc ở phía bên phải. Bản nhạc được đặt tên là “Mãn nguyện”. Tôi cũng cố gắng đàn bản này. Bản này có âm điệu vui hơn nhưng cùng một nhịp nhạc và hóa ra cũng khá dễ. “Đứa bé van nài” ngắn hơn nhưng chậm hơn, “Mãn nguyện” dài hơn lại nhanh hơn. Và sau khi đàn cả hai bài một vài lần, tôi ý thức được đây là hai nửa của cùng một bản nhạc.