Phúc Lạc Hội Truyện Full

TIẾNG VỌNG TỪ BỨC TƯỜNG

Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi bảo với tôi rằng ông cố tôi đã xử tội một người ăn mày phải chết bằng một cách tồi tệ nhất, và sau này người chết đã trở lại giết chết ông tôi. Hoặc là vậy, hoặc là ông đã chết vì bệnh dịch một tuần sau đó. Tôi tưởng tượng trong đầu hoài về những giây phút cuối cùng của người ăn mày. Tôi thấy đao phủ cởi áo tử tù ra và đưa người ấy ra ngoài sân. Ðao phủ luận tội tên phản bội này bị xử tử chém một ngàn nhát. - Nhưng trước khi ông nâng lưỡi gươm sắc lên để kết liễu cuộc đời tử tù, người ta thấy tâm hồn người ấy đã vỡ ra hàng ngàn mảnh sẵn rồi. Vài ngày sau đó, khi ông cố tôi đang đọc sách, nhìn lên, ông thấy chính người ăn mày ấy trông giống như một chiếc hình vỡ nát được lắp ráp vội vào nhau. “- Khi nhát gươm chém tôi ngã xuống” - Bóng ma nói “- Tôi nghĩ rằng đó là điều tệ nhất ta phải chịu đựng. Nhưng tôi đã lầm. Điều tệ nhất nằm ở phía bên kia kìa! - Và người chết ôm lấy ông cố tôi bằng đôi tay vụn vỡ và lôi ông xuyên qua bức tường, để cho ông thấy hắn muốn nói gì. Tôi đã có lần hỏi mẹ tôi thực sự ông đã chết như thế nào. Mẹ tôi đáp - Trên giường, rất nhanh chóng, chỉ sau hai ngày bị bệnh.

- Không, không. Con muốn nói ông kia kìa. Ông ấy bị giết thế nào? Người ta lột da ông ấy trước hở? Họ có dùng rựa để chặt xương ông ấy không? Ông ấy có thét lên và cảm biết được một ngàn nhát chém không?

- A! Tại sao bọn Mỹ chúng mày lại có những tư tưởng không lành mạnh ấy trong đầu? - Mẹ tôi hét lên bằng tiếng Hoa! - Người ấy đã chết gần bảy mươi năm nay rồi. Ông ấy chết như thế nào thì có quan trọng gì.

Còn tôi luôn luôn cho rằng quan trọng chứ, để biết điều gì tệ nhất có thể xảy ra cho người ta, để biết làm thế nào có thể tránh được, để không bị lôi kéo bởi ma lực của một điều không thể nói ra được. Bởi vì ngay cả từ khi còn là một đứa trẻ nhỏ, tôi đã có thể nhận thấy điều kinh hoàng không nói lên được bao trùm ngôi nhà của chúng tôi, những điều kinh hoàng đã đuổi theo mẹ tôi cho đến khi bà phải giấu mình trong một góc tối bí ẩn của tâm hồn bà. Ấy vậy mà chúng vẫn tìm ra bà. Tôi đã theo dõi, trong suốt bao nhiêu năm, khi chúng xâu xé bà, từng miếng một, cho đến khi bà biến mất và trở thành một bóng ma.

—★—

Như tôi còn nhớ, phần bí mật của mẹ tôi đã bật tung từ tầng hầm ngôi nhà cũ của chúng tôi ở Oakland. Khi đấy tôi lên năm và mẹ tôi cố giấu không cho tôi biết. Mẹ chặn cửa bằng một chiếc ghế gỗ, mắc dây xích chặt và đóng chặt bằng hai loại khóa. Nơi này quá bí ẩn đến nỗi tôi phải hết sức tìm cách tháo mở, cho đến một ngày cuối cùng tôi có thể hé mở nó ra bằng những ngón tay nhỏ bé của tôi, để rồi rơi đâm đầu ngay vào một lỗ hổng tối om. Chỉ sau khi tôi ngừng kêu khóc - Tôi thấy máu mũi mình rơi trên vai của mẹ - khi đó mẹ tôi mới kể cho tôi nghe về người sống trong tầng hầm và tại sao tôi không bao giờ nên mở cửa nữa - Ông ta đã sống ở đó hàng ngàn năm! - Bà nói - nên rất hung ác và đói khát đến nỗi nếu mẹ tôi không nhanh tay cứu tôi, ông ta sẽ ăn thịt hết chúng tôi và quẳng xương xuống sàn nhà dơ bẩn. Sau đó, tôi bắt đầu thấy những điều khủng khiếp. Tôi đã thấy những điều ấy bằng đôi mắt Trung Hoa của tôi, đôi mắt thừa hưởng từ mẹ tôi. Tôi đã thấy ma quỉ nhảy múa điên cuồng bên dưới chiếc lỗ tôi vừa đào trong chiếc thùng đựng cát. Tôi thấy những tia sấm sét có mắt dõi tìm để đánh lên trẻ con. Tôi thấy con bọ có gương mặt người, và tôi liền cán bẹp nó ngay dưới bánh xe đạp ba bánh của tôi. Tôi không kể cho ai nghe về những điều tôi đã thấy ngay cả mẹ tôi. Hầu hết mọi người không biết tôi gốc Hoa, có lẽ bởi vì họ của tôi là St. Clair. Khi mới gặp tôi lần đầu, người ta nghĩ rằng tôi giống cha tôi, một người Ái Nhĩ Lan gốc Anh, vừa to xương nhưng lại vừa thanh nhã. Nhưng nếu họ nhìn thật kỹ, họ có thể thấy những nét Trung Hoa. Thay vì có đôi gò má có góc cạnh như cha tôi, đôi má tôi phẳng lì như đá cuội ở bãi biển. Tôi không có mái tóc vàng rơm hay nước da trắng của ông, màu tóc tôi lợt lạt hơn, như trước kia đã từng đen sẫm nhưng bị cháy nắng hoe màu. Còn mắt tôi, mẹ tôi đã cho tôi đôi mắt không có mí, giống như đôi mắt khắc trên chiếc đèn làm bằng quả bí với hai nhát cắt gọn của một con dao nhíp. Tôi đã từng đẩy hai khóe mắt lại để làm cho khuôn mặt tròn hơn, hoặc tôi mở mắt thật to đến thấy được cả lòng trắng. Nhưng khi tôi làm như vậy và đi quanh nhà, cha tôi lại hỏi cớ sao tôi trông có vẻ kinh hãi đến thế. Tôi có một bức ảnh của mẹ tôi cũng có cùng cái nhìn kinh hãi như vậy. Cha tôi nói bức hình được chụp khi mẹ tôi vừa mới được thả khỏi Trại Nhập cư ở đảo Angel. Bà ở đó ba tuần, cho đến khi họ tiến hành xong thủ tục và phân định bà là một cô dâu thời chiến, một người trốn ra nước ngoài, là học sinh, hoặc là vợ của một công dân Mỹ gốc Hoa. Cha tôi bảo họ không có luật lệ dành cho người vợ Hoa của một công dân Châu Âu. Bằng cách nào đó, cuối cùng họ tuyên bố bà là người trốn đi nước ngoài, bị lạc trong biển người nhập cư đủ loại khác nhau. Mẹ tôi chưa bao giờ kể về cuộc đời của bà ở Trung Quốc, nhưng cha tôi bảo ông đã cứu bà khỏi cuộc sống kinh khủng ở đó, một thảm kịch bà không thể nào kể được. Cha tôi hãnh diện đặt tên cho bà trong giấy tờ nhập cư: Betty St.Clair, gạt bỏ tên thật của bà là Tịnh Tịnh. Và rồi ông đặt lại năm sinh của bà: 1916 thay vì 1914. Thế là, với một ngọn bút quét đi mất tên cũ của bà, biến thành một con rồng thay vì con hổ. Trong bức ảnh, mẹ tôi trông đúng là người bỏ nước trốn đi. Bà nắm chặt một chiếc giỏ xách hình vỏ sò, dường như sợ một người nào đó sẽ lấy cắp mất nếu bà không coi chừng. Bà mặc một chiếc áo kiểu Trung Hoa dài đến gót chân, xẻ hai bên một cách kín đáo. Thân trên bà khoác một chiếc áo vét kiểu Tây phương, trông kỳ cục trên thân hình nhỏ bé của bà, vai độn, nẹp to và cài nút vải to quá khổ. Ðây là chiếc áo cưới của mẹ, quà tặng của cha tôi. Mặc bộ đồ này, bà trông dường như không giống từ đâu đến mà cũng không giống sắp đi đến một nơi nào. Cằm bà cúi xuống, nên người ta có thể thấy các nếp rõ ràng trên mái tóc bà, một đường ngôi trắng gọn gàng chạy từ trán trên chân máy bên trái lên đến tận đỉnh đầu. Và ngay cả lúc đang cúi đầu, khiêm tốn vì thất trận, mắt bà đang nhìn sửng ống kính, mở to.

- Tại sao mẹ trông hoảng sợ thế? Tôi hỏi cha tôi. Và cha tôi giải thích: chỉ vì ông bảo “Cười đi”, và mẹ tôi cố gắng giữ mắt mở to cho đến khi đèn Flash lóe xong, mười giây sau đó. Trông mẹ không như thế, giống như chờ đợi một việc gì xảy ra, mang một cái nhìn kinh hoàng thế đấy. Nhưng sau này bà đã không còn cố giữ mắt mở cho to như vậy nữa.

—★—

- Ðừng nhìn bà ta - mẹ đã bàn tôi như thế khi cùng bước với tôi qua khu phố người Hoa ở Oakland. Mẹ nắm chặt tay tôi và kéo tôi lại sát bên mẹ. Dĩ nhiên là tôi đã nhìn thấy người đàn bà ấy, một người ngồi trên vệ đường, dựa vào một ngôi nhà, trông bà ta nửa già nửa trẻ, đôi mắt lờ đờ như mất ngủ từ lâu. Ðầu ngón tay ngón chân bà đen thẫm như nhúng vào mực Ấn Độ, nhưng thực ra tôi biết bà bị thối móng. Tôi khẽ hỏi mẹ tôi:

- Bà ấy làm sao vậy?

- Bà ấy gặp một gã đàn ông xấu - Mẹ tôi đáp - Bà ấy đã có một đứa con mà bà ấy không muốn tôi biết điều ấy không đúng sự thật. Tôi biết mẹ tôi đặt ra mọi chuyện để răn tôi đề phòng, để giúp tôi tránh một hiểm họa chưa biết chừng nào xảy đến. Mẹ tôi nhìn đâu cũng thấy hiểm họa, ngay ở các người Trung Hoa khác... Nơi chúng tôi sống và đi mua sắm, người ta nói tiếng Quảng Ðông hoặc tiếng Anh. Mẹ tôi đến từ vùng Vô Tích, gần Thượng Hải, nên bà biết nói tiếng Quan Thoại và một ít tiếng Anh. Cha tôi thì chỉ nói được một vài câu tiếng Hoa nên một mực bắt mẹ tôi phải học tiếng Anh. Thế nên khi ở bên ông, bà nói cả bằng dáng điệu, cử chỉ, mắt nhìn và đôi khi bà kết hợp vừa tiếng Anh, vừa ngập ngừng rồi tức giận thốt lên hàng tiếng Hoa. “Tôi không biết nói đâu”. Thế là cha tôi lại phải đặt lời thay bà.

- Ba nghĩ rằng mẹ con muốn nói rằng bà ấy mệt đấy.

- Cha tôi khẽ nói khi nhìn thấy bà có về buồn rầu, ủ rũ.

- Ba cho rằng mẹ con đang nói chúng ta là gia đình sung sướng nhất ở xứ này đấy - Ông kêu lên khi mẹ tôi nấu một món ăn cực kỳ thơm phức. Nhưng riêng phần tôi, khi có mình tôi và mẹ tôi, bà nói bằng tiếng Hoa toàn những điều cha tôi không thể nào tưởng tượng được. Tôi có thể hiểu được hoàn toàn các tiếng bà nói, nhưng bà có ý muốn nói đến gì thì tôi không thể hiểu được. Cứ hết ý này dẫn sang ý khác không liên lạc.

- Con không được đi đâu hết ngoại trừ đi đến trường và đi về nhà - Mẹ tôi cảnh cáo tôi khi bà quyết định tôi đủ lớn để tự đi học một mình.

- Tại sao vậy mẹ?

- Con không thể hiểu những việc ấy đâu!

- Tại sao lại không?

- Bởi vì mẹ chưa hề đặt nó vào trí con.

- Tại sao không?

- Ái chà! Lại còn hỏi thế nữa! Bởi vì thật là khủng khiếp phải nghĩ đến. Một gã nào đó bắt con trên đường, bán con cho một người khác, rồi làm cho con có một đứa trẻ. Con sẽ phải giết đứa nhỏ đi, và khi người ta tìm thấy nó trong thùng rác, việc gì xảy ra? Con sẽ phải đi tù, và chết ở đó. Tôi biết câu trả lời này không đúng sự thực, nhưng chính tôi cũng thường hay đặt điều nói dối khi phải dịch cho mẹ tôi đủ thứ đơn từ, hướng dẫn, thông báo của trường, từ những cú điện thoại. - Nghĩa là sao? - Bà hỏi tôi khi người bàn hàng trong tiệm tạp phẩm la lên vì bà mở nắp lọ ra để ngửi bên trong. Tôi quá ngượng ngùng nên phải giải thích với bà rằng người ta không cho người Hoa vào mua hàng trong cửa tiệm này. Khi trường gửi một bản thông báo về nhà về việc chủng ngừa bại liệt, tôi báo cho bà biết thời gian và địa điểm, rồi tôi thêm rằng nhà trường yêu cầu học sinh dùng hộp bằng kim loại để đựng thức ăn trưa mang theo, vì họ khám phá ra rằng giấy báo cũ gói thức ăn mang theo vi trùng gây bệnh bại liệt.

—★—

- Chúng ta đang lên hương đấy. Cha tôi hãnh diện tuyên bố, nhân dịp ông được thăng chức làm người giám sát bán hàng ở một hàng buôn y phục - Mẹ con xúc động lắm.

Quả là chúng tôi có lên hương thật, chúng tôi đi qua vùng vịnh, đến San Francisco và leo lên một ngọn đồi ở vùng bờ biển phía Bắc, đến một khu người Ý ở, nơi đây các lề đường đều rất dốc nên tôi phải nghiêng người đi từ trường về nhà mỗi ngày. Tôi đã lên mười và phấn khởi hy vọng chúng tôi có thể bỏ lại những nỗi sợ hãi xưa ở Oakland. Căn hộ của chúng tôi nằm trong tòa nhà ba tầng, mỗi tầng có hai hộ. Mặt tiền tòa nhà được phục chế lại, tường trắng đắp vữa nổi, trên đỉnh được nối với một dãy các thang cứu hỏa bằng kim loại. Nhưng bên trong căn nhà lại cũ kỹ. Các cửa ra vào gắn các ô kính vuông mở ra một hành lang ẩm mốc, của mọi người quyện vào nhau. Mọi người có nghĩa là tất cả các đèn gắn trên cửa trước bên cạnh chiếc chuông điện nhỏ: Anderson, Giordino, Hayman, Ricci, Sorci, và tên của chúng tôi, St.Clair. Chúng tôi sống ở tầng nhì, kẹt ở giữa mùi xào nấu bốc lên và tiếng chân người giẫm xuống. Phòng ngủ của tôi đối diện con đường, nên vào ban đêm, trong bóng tối, tôi có thể thấy một thế giới khác trong trí tưởng tượng. Xe hơi tranh nhau leo ngọn đồi dốc đẫm sương, máy nổ inh ỏi và bánh xe quay tít. Những người vui vẻ cười nói, dồn dập thở.

- Chúng ta sắp đến chưa? - Một con chó đập chân, cất tiếng tru, vài giây sau có tiếng kèn xe cứu hỏa trả lời và tiếng một người đàn bà rít lên: - Sammy Con chó hư! Im nào! - Và với mọi hình ảnh dỗ dành, chẳng bao lâu tôi chìm vào giấc ngủ.

Mẹ tôi không được vui về căn hộ này, nhưng thoạt đầu, tôi không thấy điều ấy. Khi chúng tôi dọn đến, bà bận bịu dọn dẹp, xếp đặt bàn ghế, bỏ bát đĩa ra, treo tranh lên tường, phải mất đến một tuần lễ. Chẳng bao lâu sau đó, khi bà và tôi cũng đi đến bến xe buýt, bà gặp một người đàn ông, chính người này đã làm cho bà mất quân bình.

Đó là một người Hoa mặt đỏ gay, đi lắc lư trên đường như bị lạc lối. Ðôi mắt của hắn đảo qua, trông thấy chúng tôi, hắn bèn bật người thẳng lên, giang tay về kêu to: - “Tôi tìm thấy em rồi! Suzie Wong, người trong mộng của tôi! Ha ha! - Và với đôi tay giang rộng, chiếc miệng mở to, hắn ta lao về phía chúng tôi. Mẹ tôi buông tay tôi và vòng tay ôm lấy thân mình, tưởng như bà không mặc quần áo, và bà không biết làm gì khác hơn. Ngay lúc bà buông tôi ra, tôi bắt đầu thét lên khi thấy gã đàn ông nguy hiểm lao đến gần. Tôi vẫn còn hét vang sau khi hai tên khác cười chạy đến nắm lấy gã ta, lay hắn và nói: - Joe, ngừng lại đi! Mày làm mẹ con nó sợ quá đấy. Cả ngày còn lại - lúc lên xe buýt, khi ra vào các cửa hàng, khi mua thức ăn cho bữa chiều - mẹ tôi cứ run bắn người lên. Bà xiết chặt tay tôi đau nhói. Có lần bà buông tay tôi ra để lấy ví trả tiền tại quầy thu ngân, tôi định lẻn đi nhìn quầy kẹo. Bà nhanh chóng nắm tay tôi lại, và ngay lúc đó tôi biết bà rất tiếc trước đó đã không bảo vệ tôi tốt hơn. Ngay khi chúng tôi đi phố về, mẹ tôi bắt đầu cất chai lọ và rau cải đi. Và rồi, dường như thấy điều gì không ổn, bà lấy chai lọ từ chiếc kệ này ra và đổi chúng sang kệ khác. Sau đó bà bước nhanh vào phòng khách và dời một chiếc gương tròn lớn đặt trên tường đối diện cửa chính sang đặt lên tường cạnh chiếc trường kỷ.

- Mẹ làm gì vậy? - Tôi hỏi.

Bà thì thầm một điều gì bằng tiếng Hoa về sự mất quân bình và bắt đầu dời chỗ những đồ đạc, bàn ghế lớn: ghế trường kỷ, ghế dựa, bàn, bể nuôi cá vàng.

- Việc gì xảy ra đây? - Cha tôi hỏi, khi ông đi làm về.

- Mẹ đang dọn dẹp để trông đẹp hơn - Tôi đáp.

Ngày hôm sau, khi đi học về, tôi thấy bà lại xếp đặt mọi thứ một lần nữa. Tất cả đều nằm ở vị trí khác. - Tại sao mẹ lại làm như vậy? - Tôi hỏi, nhưng sợ lần này bà sẽ cho tôi một câu trả lời thật. Tuy nhiên, bà thì thào một ít điều phi lý theo kiểu người Hoa: - Khi có một điều gì xảy ra ngược với bản chất của con, khi ấy con bị mất quân bình. Ngôi nhà này xây quá dốc, và một cơn gió dữ thổi từ đỉnh cao đã cuốn hết sức mạnh của con xuống đồi. Vì thế con không bao giờ vươn lên được. Con luôn luôn sẽ lại bị lăn trở lại phía sau. Rồi bà lại chỉ các bức tường và cửa ra vào của căn hộ chúng tôi:

- Con xem cái cửa này hẹp biết chừng nào, cứ y như một chiếc cổ bị bóp nghẹt. Và nhà bếp lại quay mặt ra phòng vệ sinh, thế nên tất cả những gì đáng giá đều bị nước cuốn đi hết.

- Nhưng mẹ nói vậy nghĩa là sao? Việc gì sẽ xảy ra nếu cuộc sống không quân bình? - Tôi hỏi mẹ tôi.

Sau đó, cha tôi giải thích:

- Mẹ của con đang gợi dậy những bản năng tiềm ẩn của bà. Tất cả các bà mẹ đều có những bản năng như thế. Con sẽ thấy khi con lớn lên. Tôi tự hỏi tại sao cha tôi không bao giờ lo lắng cả. Ông mù rồi sao? Tại sao mẹ tôi và tôi lại thấy nhiều hơn? Một vài ngày sau đó, tôi khám phá ra rằng cha tôi nói đúng. Tôi đi học về, bước vào phòng ngủ và thấy mẹ tôi đã xếp đặt lại phòng ngủ của tôi. Giường của tôi không còn được kê cạnh cửa sổ nữa, mà giờ được đặt sát vào tường. Và nơi trước kia kê giường của tôi, giờ có một chiếc nôi nhỏ đặt vào đó. Thế ra mối hiểm họa bí mật là chiếc bụng phồng to, nguồn gốc của sự mất quân bình của mẹ tôi, bà sắp sửa có em bé.

- Con thấy đó - Cha tôi nói khi cả hai chúng tôi đều cùng nhìn chiếc nôi - Bản năng ấp ủ đấy. Đứa nhỏ sẽ nằm ở đây - Ông rất hài lòng về đứa bé tưởng tượng đang nằm trong nôi. Nhưng ông đã không thấy điều tôi thấy sau đó. Mẹ tôi bắt đầu va vào đủ mọi thứ, bà va vào cạnh bàn, dường như quên mất đứa bé nằm trong bụng bà, dường như bà đang tiến tới vì một nỗi lo lắng nào đó. Bà không hề nói về niềm vui sắp có thêm một đứa con, nhưng bà nói về nỗi nặng nề đang vây quanh bà, về mọi thứ mất quân bình, không hòa hợp nhau. Thế nên tôi lo lắng về đứa bé, lo rằng nó đang bị mắc lại ở đâu đó, giữa bụng mẹ và chiếc nôi trong phòng tôi.

—★—

Với chiếc giường kê sát tường, thế giới của trí tưởng tượng về đêm của tôi bỗng dưng thay đổi. Thay vì những tiếng động dưới đường, tôi bắt đầu nghe tiếng vọng ra từ bức tường, từ căn hộ cạnh bên. Tôi đọc được bên chiếc chuông điện trên cửa tên của một gia đình gọi là Somic sống ở đó. Ðêm đầu tiên tôi nghe tiếng kêu nghẹn ngào của một người nào đó. Một người đàn bà ư? Hay một cô gái? Tôi ép sát tai vào tường và nghe có tiếng một người đàn bà đang giận dữ, rồi một tiếng khác, tiếng một cô gái cất giọng trả lời lại. Thế là các giọng nói cứ hướng vào tôi, cũng tựa như còi xe inh ỏi trên đường, và tôi nghe những lời buộc tội văng vẳng: - Tao nói với ai đây? Tại sao mày cứ chọc cho tao nổi điên lên? Cút đi và ở ngoài đó luôn! Thà mày chết đi cho rồi! Rồi tôi nghe có tiếng kẽo kẹt, tiếng đóng sầm cửa, tiếng xô đẩy, tiếng la hét và rồi: “Quác! quác quác!” Có ai đó đang giết người. Có ai đó đang bị giết. Có nhiều tiếng la hét, kêu thét, một người mẹ đã đưa cao thanh gươm lên trên đầu cô gái và bắt đầu tách đi cuộc đời con mình. Đầu tiên là bím tóc rồi đến da đầu, chân mày, ngón chân ngón tay cái, gò má nhọn, chiếc mũi xiên, cho đến khi không còn gì nữa, không còn âm thanh nào nữa hết. Tôi nằm tựa lên gối trở lại, tim đập mạnh với những điều tôi vừa chứng kiến bằng tai và trí tưởng tượng của mình. Một cô gái vừa bị giết. Tôi không thể ngăn lại việc vừa xảy ra. Ngăn sự kinh hoàng của toàn bộ sự việc. Nhưng đêm kế tiếp, cô gái sống lại với nhiều tiếng la hét hơn, nhiều tiếng đánh đập hơn, cuộc sống của cô ta một lần nữa lại ở trong cơn hiểm nghèo. Và chuyện cứ thế tiếp diễn, đêm này tiếp đêm kia, một giọng nói nào đó ép qua tường bàn với tôi rằng đây mới là điều tệ nhất có thể xảy ra: điều khủng khiếp là không thể biết được khi nào chuyện này mới chấm dứt. Ðôi khi tôi nghe tiếng của gia đình ồn ào này ngang qua hành lang ngăn giữa hai cánh cửa của hai căn hộ chúng tôi. Căn hộ của họ nằm ở cầu thang đi lên lầu ba. Còn căn hộ của chúng tôi năm ở cầu thang đi xuống tầng trệt.

- Mày tuột xuống thành cầu thang là gãy chân đó, ta sẽ vặn cổ mày! - Một bà la to. Lời cảnh cáo của bà được tiếp theo bằng những tiếng chân dẫm đùng đùng trên các bậc thang - Ðừng quên đi lấy bộ đồ của ba mày đấy!

Tôi quá biết cuộc sống khủng khiếp này của họ, nên tôi bỗng giật mình khi đột nhiên trông thấy cô ta bên ngoài lần đầu tiên. Lúc đó tôi đang kéo cửa đóng lại trong khi phải cầm một chồng sách vở trên tay. Khi tôi quay lại thấy cô ta đang tiến đến tôi cách vài bước, tôi bỗng kêu lên và làm rơi hết sách vở. Cô ta cười khẩy, còn tôi giờ biết được cô ta là ai, một cô gái cao lớn, theo tôi đoán, khoảng mười hai tuổi, lớn hơn tôi độ hai tuổi. Cô ta chạy ào xuống cầu thang và tôi cũng mau chóng nhặt sách vở lên và bước theo, cẩn thận đi ở lề bên kia đường. Cô ta không có vẻ gì một cô gái đã bị giết một trăm lần. Tôi không thấy y phục loang máu. Cô ta mặc một chiếc áo vải xốp, áo len dài tay màu xanh, váy xếp li màu xanh. Thực ra, khi tôi quan sát cô ấy, trông cô ấy rất vui, hai bím tóc nâu của cô ta lắc lư qua lại theo nhịp bước. Và dường như cô ta biết tôi đang nghĩ về cô ta nên cô ta quay lại, cau mày nhìn tôi và nhanh chóng rẽ sang một con ngõ bên cạnh, đi khuất khỏi tầm mắt tôi. Sau đó, mỗi lần tôi thấy cô ta, tôi đều giả vờ nhìn xuống, bận rộn xếp lại sách vở hoặc xem lại nút áo, tôi cảm thấy có tội vì đã biết hết mọi chuyện về cô ta. Hai người bạn của cha mẹ tôi, dì Tố Uyên và dượng Cẩm Ninh một ngày kia đón tôi ở trường và đưa tôi đến bệnh viện thăm mẹ. Tôi biết có việc nghiêm trọng vì những điều họ nói lên đều không cần thiết, nhưng họ dùng một giọng nghiêm trang quan trọng hẳn đi chẳng hạn như dượng Cẩm Ninh nhìn đồng hồ, nói:

- Bây giờ bốn giờ rồi!

- Xe buýt không bao giờ đến đúng giờ - Dì Tố Uyên đáp.

Khi tôi đến bệnh viện, mẹ tôi dường như đang gật gù nửa ngủ nửa thức. Đột nhiên bà mở bừng mắt ra, nhìn sững lên trần nhà.

- Lỗi của tôi. Lỗi của tôi. Tôi đã biết việc ấy trước khi nó xảy ra mà - Bà lẩm bẩm nói - Tôi đã không làm gì để ngăn nó lại.

- Betty mình ơi! - Cha tôi hoảng hốt gọi. Nhưng mẹ tôi cứ kêu rên hoài những lời tự buộc tội mình. Bà nắm lấy tay tôi và tôi nhận thấy toàn thân bà đang run rẩy. Bà nhìn tôi thật lạ, chừng như đang van xin tôi sự sống, chừng như tôi có thể tha tội được cho bà. Bà lẩm bẩm luôn miệng bằng tiếng Hoa.

- Lena, mẹ con nói gì vậy? - Cha tôi kêu lên. Lần này, ông không thể mớm lời tiếng Anh cho bà được.

Và lần này, tôi không có sẵn câu trả lời. Tôi sững sờ vì điều tệ nhất đã xảy ra. Ðiều bà đã từng sợ hãi đã xảy ra... Ðó không còn là những điềm báo trước nữa rồi. Và thế là tôi lắng tai nghe.

- Khi đứa bé sắp sinh ra - Bà nghĩ thầm - Tôi đã có thể nghe nó kêu khóc trong dạ tôi. Những ngón tay nhỏ của nó bám víu để được ở lại. Nhưng y tá, bác sĩ đều bảo phải kéo nó ra. Rồi khi đầu nó nhô ra, các cô y tá kêu lên, vì mắt nó đang mở lớn! Nó thấy hết mọi sự! Rồi cả thân hình nó lướt ra và nằm trên bàn, ướt nồng sự sống.

Khi tôi nhìn nó, tôi thấy ngay lập tức. Ðôi chân nhỏ xíu, đôi tay nhỏ xíu, chiếc cổ gãy và một cái đầu to khủng khiếp, tôi không thế nào không nhìn được. Ðôi mắt nó mở to và cái đầu của nó - Ôi, nó cũng mở ra nữa! Tôi có thể thấy được chỗ mà ý nghĩ của nó đáng lẽ phát sinh, nhưng không có gì ở đó cả. Không có não. Bác sĩ kêu lên! Ðầu của nó chỉ là một chiếc vỏ trứng rỗng!

Kế đó, đứa bé có lẽ nghe tiếng chúng tôi, chiếc đầu to của nó như chứa đầy hơi nóng và muốn bốc lên khỏi bàn. Nó nghiêng đầu sang bên này, rồi sang bên kia. Nó nhìn thẳng ngay tôi. Tôi biết nó có thể thấy mọi thứ trong tôi. Làm sao tôi đã không nghĩ đến việc giết đứa con của tôi! Làm sao tôi đã không nghĩ đến việc sinh ra đứa trẻ này!

Tôi không thể nói lại cho cha tôi biết mẹ đã nói gì. Ông đã quá buồn bã với hình ảnh chiếc nôi rỗng trong trí. Làm sao tôi có thể nói với ông rằng mẹ điên loạn mất rồi!

Thế là tôi dịch ra cho ông:

- Mẹ nói rằng chúng ta phải nghĩ rất kỹ về việc có thêm một đứa bé nữa. Mẹ nói, mẹ hy vọng đứa bé ấy sẽ rất sung sướng xét về một mặt khác. Và mẹ nghĩ bây giờ chúng ta nên đi ăn tối!

Sau khi đứa bé chết, mẹ tôi như người hụt hẫng, tách rời, không phải liền một lúc, nhưng dần dần từng mảng một, như từng chiếc đĩa một rời khỏi kệ. Tôi không bao giờ biết khi nào việc ấy sẽ xảy ra, nên tôi luôn luôn lo lắng chờ đợi.

Đôi khi bà bắt đầu nấu ăn, nhưng dừng lại nửa chừng, nước chảy ào ào vào bể, nhưng mũi dao của bà lơ lửng, chơi vơi trên đám rau cải đang thái dở đang. Bà lặng yên, nước mắt tuôn rơi. Ðôi khi chúng tôi đang ăn, phải dừng lại và đặt dao nĩa xuống, vì mẹ tôi bưng mặt trong đôi tay, bà nói: - Không sao cả - Cha tôi lặng ngồi suy nghĩ xem điều gì “không có sao”. Còn tôi rời khỏi bàn, biết việc ấy sẽ lại xảy ra nữa, luôn luôn sẽ có lần tiếp theo.

Cha tôi dường như cũng hụt hẫng, tách rời, theo một kiểu khác. Ông cố gắng làm cho mọi việc được tốt hơn. Nhưng dường như trong khi ông đang chạy để bắt kịp những vật trước khi chúng rơi, chỉ có ông ngã xuống, trước khi ông có thể nắm bắt được một thứ gì đó.

- Mẹ con chỉ mệt thôi! - Ông giải thích với tôi, khi chúng tôi cùng ăn tối ở Gold Spike, chỉ có tôi và ông, vì mẹ tôi giờ đang nằm như pho tượng trên giường của bà. Tôi biết ông đang nghĩ về bà vì mặt ông đầy vẻ lo lắng, Ông nhìn xuống đĩa mì ống đang ăn như nhìn đĩa sâu bọ.

Ở nhà, mẹ tôi nhìn mọi vật chung quanh bằng đôi mắt trống vắng. Cha tôi đi làm về, vò đầu tôi, nói:

- Sao? Con gái của ba! - Nhưng luôn luôn ông hướng mắt về phía mẹ tôi. Tôi cũng cảm thấy một sự sợ hãi, không phải trong đầu nhưng ở tận trong bụng tôi. Tôi không còn thấy điều đe dọa, nhưng tôi cảm nhận nó. Tôi cảm nhận mọi chuyển động nhỏ trong ngôi nhà lặng lẽ của chúng tôi. Còn về đêm, tôi có thể cảm nhận những trận ẩu đả ào ào ở phía bên kia bức tường phòng ngủ, chuyện cô gái bị đánh đến chết. Trong giường với mép chăn đắp ngang cổ, tôi đã từng tự hỏi bên nào tệ hơn? Phía chúng tôi hay phía họ? Và sau khi suy nghĩ về điều này một lúc, tôi cảm thấy an ủi một chút khi nghĩ rằng cô gái nhà bên cạnh có một cuộc sống bất hạnh hơn.

Một đêm kia, sau bữa ăn tối, chuông cửa nhà chúng tôi kêu vang. Điều này thật lạ, bởi vì thường người ta nhấn chuông tầng trệt trước.

- Lena, con ra xem ai đấy! - Cha tôi nói vọng lên từ nhà bếp. Ông đang rửa bát, còn mẹ tôi đang nằm trên giường. Giờ đây mẹ tôi luôn luôn nằm nghỉ và làm như bà đã chết từ hồi nào và đang trở thành một bóng ma sống đó thôi.

Tôi thận trọng mở chốt, kéo cửa ra và ngạc nhiên khi thấy cô gái nhà bên cạnh. Tôi nhìn cô ta sững sờ không che giấu. Cô ta cười với tôi, trông cô ta thật bù xù xốc xếch như vừa ra khỏi giường. Cha tôi hỏi:

- Ai đấy?

- Nhà bên cạnh đấy! - Tôi la to đáp lời - Ðấy là chị…

- Teresa - Cô ta nhanh miệng đáp.

- Chị Teresa! - Tôi nói to cho cha tôi nghe.

- Mời cô ấy vào đi - Cha tôi nói cùng lúc Teresa đẩy tôi qua một bên và bước vào nhà chúng tôi. Không cần được mời, cô ta bước thẳng đến phòng ngủ của tôi. Tôi đóng cửa trước lại và theo sau hai chiếc bím tóc nâu đong đưa nhún nhảy như đôi roi quất trên lưng ngựa.

Cô ta đi ngay đến bên cửa sổ, mở ra: - Chị làm gì vậy? - Tôi kêu lên. Cô ta ngồi bên cửa sổ, nhìn xuống đường. Rồi cô quay nhìn tôi và khúc khích cười. Tôi ngồi trên giường quan sát cô ta và chờ cô ta cười xong. Tôi cảm thấy hơi lạnh lùa vào qua khung cửa tối mở rộng.

- Có chuyện gì vui quá vậy? - Cuối cùng tôi cất tiếng hỏi. Tôi chợt nghĩ, biết đâu cô ấy đã cố lắng tai qua bức tường và không nghe gì cả, vì sự im lặng nặng nề nơi ngôi nhà bất hạnh của chúng tôi.

- Tại sao chị cười vậy? - Tôi khẩn khoản hỏi.

- Mẹ tôi đuổi tôi ra khỏi nhà - Cuối cùng cô ta lên tiếng.

Cô ta nói chuyện bằng một vẻ nghênh ngang, dường như hãnh diện về sự kiện ấy. Cô ta cười khúc khích nói tiếp - Tôi và bà ấy cãi nhau và bà đẩy tôi ra khỏi nhà, khóa cửa lại. Bây giờ bà nghĩ rằng tôi đang chờ ngoài cửa cho đến khi cảm thấy hối hận đủ để xin lỗi bà. Nhưng tôi sẽ không làm như thế đâu.

- Vậy chị sẽ làm gì? - Tôi nín thở hỏi, chắc phen này mẹ cô ta sẽ giết cô ta vĩnh viễn.

- Tôi sẽ dùng lối đi thoát hiểm của nhà này để leo trở vào buồng của tôi. Và bà sẽ chờ, rồi sẽ lo lắng, sẽ mở cửa trước ra và sẽ không thấy tôi đâu. Lúc đó tôi đang ở trong buồng, trên giường - Cô ta lại cười khúc khích.

- Bác ấy không nổi nóng lên khi tìm thấy chị sao?

- Không! Bả sẽ mừng vì tôi không chết hay bị việc gì. Ồ, bả sẽ giả vờ nổi nóng đại loại thế. Mẹ con tôi làm kiểu này hoài - Ðoạn cô ta luồn qua cửa sổ nhà tôi và lặng lẽ tìm lối quay trở về nhà. Tôi nhìn sững cánh cửa mở một hồi lâu, tự thắc mắc về cô ta. Làm sao cô ta lại quay về? Cô ta không thấy được cuộc sống của cô ta khủng khiếp đến chừng nào hay sao? Cô ta không nhận thấy được chuyện ấy sẽ không bao giờ chấm dứt sao?

Tôi nằm lại trên giường chờ nghe tiếng kêu thét, tiếng la lối. Mãi đến khuya, tôi vẫn còn thức và tôi bắt đầu nghe tiếng la hét. Bà Sorci hét lên: - Ðồ con gái ngu! Mày suýt làm tao đứng tim! - Và Teresa hét lại - Con suýt chết được. Con suýt ngã gãy cổ đây này - Rồi tôi nghe tiếng họ cười, rồi tiếng khóc. Khóc và cười, những tiếng la hét yêu thương.

Tôi choáng váng lặng người. Hình như tôi thấy hai mẹ con ôm chầm lấy nhau và hôn nhau. Tôi khóc vì mừng cho họ, vì tôi đã hiểu lầm.

Trong tâm khảm, tôi vẫn cảm thấy niềm hy vọng đã tác động vào tôi đêm ấy. Tôi bám vào niềm hy vọng ấy, ngày lại ngày, đêm lại đêm, năm này qua năm khác. Tôi thấy mẹ tôi nằm trên giường, lẩm bẩm trong miệng khi ngồi trên trường kỷ. Và tôi biết việc này, điều tệ nhất có thể xảy ra, sẽ chấm dứt vào một ngày nào đó. Tôi vẫn hình dung những điều xấu tệ trong trí nhưng bây giờ tôi biết cách biến đổi chúng. Tôi vẫn nghe tiếng bà Sorci và Teresa cãi nhau dữ dội, nhưng tôi vẫn trông thấy một điều khác.

Tôi thấy một cô gái phàn nàn về chỗ đau không thấy được, chịu không nổi. Tôi thấy mẹ cô ta nằm trong giường mặc áo phủ dài. Cô gái lấy một lưỡi gươm sắc ra và bảo mẹ - Mẹ phải chết với ngàn vết chém. Đó là cách duy nhất để cứu mẹ.

Bà mẹ chấp nhận và nhắm mắt lại. Lưỡi gươm bổ xuống và đưa tới đưa lui xoèn xoẹt. Bà mẹ kêu thét lên vì đau đớn và kinh hoàng. Nhưng khi bà mở mắt ra, bà không thấy máu và không thấy thịt rơi.

Cô gái hỏi: - Bây giờ mẹ thấy chưa?

Bà mẹ gật đầu: - Bây giờ mẹ hiểu rõ rồi. Mẹ đã trải qua điều tệ nhất. Sau đó, sẽ không còn điều nào là điều tệ nhất có thể xảy ra nữa.

Và đứa con gái nói: - Bây giờ mẹ phải trở lại, qua phía bên kia. Khi ấy mẹ sẽ thấy tại sao mẹ sai lầm.

Rồi cô gái nắm tay bà mẹ, kéo bà xuyên qua bức tường.