Phúc Lạc Hội Truyện Full

HAI MẶT

Con gái tôi muốn về Trung Hoa hưởng tuần trăng mật lần thứ hai, nhưng nó sợ.

- Nếu như con quá hòa đồng với họ đến nỗi họ tưởng con là người của họ thì sao? - Vĩ Lý hỏi tôi. - Nếu như họ không cho con về Mỹ thì sao?

- Khi đến Trung Hoa, con không cần phải mở miệng người ta đã biết con là khách từ nước ngoài về.

- Mẹ nói gì vậy? - Con gái tôi thích trả treo, nó ưa cật vấn tôi.

- Ái dà! Dù con có mặc y phục như họ, có để mặt trơn không son phấn, có dấu nữ trang lòe loẹt đi chăng nữa, người ta vẫn biết. Chỉ cần nhìn cách đi đứng, và vẻ mặt mặt của con người ta biết con không phải người trong nước như họ.

Con tôi tỏ vẻ không bằng lòng khi tôi bảo nó trông không giống người Hoa. Mặt nó lộ nét quạo quọ của dân Mỹ. Mười năm trước đây, có lẽ nó đã vỗ tay reo lên “hurrnah!” - làm như đó là một tin mừng. Nhưng bây giờ nó muốn trở thành người Hoa, vì đó là thời thượng. Nhưng quá muộn rồi. Bao nhiêu năm nay tôi cố dạy nó, nhưng ôi thôi! Nó chỉ theo lối sống Trung Hoa của tôi cho đến năm biết ra khỏi nhà đi học một mình. Nó chỉ nói được mấy tiếng Hoa: Sh-Sh, houche, chr gan, và gwan deng shaveijan. Xi tè, xe lửa, ăn cơm và tắt đèn đi ngủ. Làm sao nó có thể nói chuyện với dân Trung Hoa với chỉ mấy từ đó? Làm sao nó dám nghĩ rằng có thể hòa đồng với họ? Nó chỉ có da vàng, tóc đen là giống người Hoa. Còn bên trong tất cả đều là Mỹ hết.

Nó như thế là lỗi tại tôi. Tôi muốn các con tôi là một sự kết hợp tốt nhất giữa hoàn cảnh Mỹ và tính cách Hoa. Làm sao tôi biết hai thứ này không thể kết hợp với nhau?

Tôi dạy cho con ứng xử với hoàn cảnh ở Mỹ. Nếu người ta sinh ra ở đây trong hoàn cảnh nghèo nàn, nỗi nhục đó không kéo dài lâu. Người ta sẽ được ưu tiên hàng đầu trong việc nhận học bổng. Nếu bị mái nhà sụp xuống đầu, người ta không cần khóc than vì điều xui xẻo vừa xảy ra. Người ta có thể kiện bất kỳ ai và buộc chủ nhà phải thanh toán. Ta không phải ngồi như đức Phật dưới một gốc cây để chim câu ỉa cứt lên đầu. Ta có thể mua dù. Hay đi vào một nhà thờ Cơ đốc. Ở Mỹ, không ai bảo ta phải theo một hoàn cảnh người khác tạo ra cho ta.

Con tôi học những điều này, nhưng tôi lại không thể dạy nó tính cách của người Hoa. Vâng lời cha mẹ, lắng nghe sự phán đoán của mẹ như thế nào. Không bộc lộ suy nghĩ của mình. Và giấu cảm xúc đằng sau gương mặt để có thể lợi dụng những cơ hội kín đáo ra sao. Tại sao những việc dễ không đáng cho ta theo đuổi. Làm thế nào để biết giá trị đích thực của mình và trau chuốt nó cho đừng bao giờ phô trương nó khắp nơi như một chiếc nhẫn rẻ tiền. Tại sao suy nghĩ của người Hoa là tốt nhất.

Không. Nó không chịu theo lối suy nghĩ như vậy. Nó cứ mải nhai kẹo cao su, thổi bong bóng to căng hơn cả má nó nữa. Chỉ có loại suy nghĩ đó đeo theo nó.

- Uống hết cà phê đi, - tôi bảo nó ngày hôm qua, - Ðừng có đổ phí của trời.

- Mẹ ơi, đừng có cổ lỗ thế, - nó đem đổ tách cà phê xuống bồn rửa bát.

Tôi đã chịu thua nó từ bao giờ?

*

*  *

Con gái tôi sắp tái giá. Thế nên nó yêu cầu tôi đến thẩm mỹ viện nổi tiếng “Rony” của nó. Tôi biết nó muốn gì. Nó xấu hổ vì bề ngoài của tôi. Bố mẹ chồng nó và các bạn bè luật sư quan trọng của chồng nó sẽ nghĩ gì về bà già người Hoa lạc hậu này?

- Dì An Mỹ có thể cắt tóc cho mẹ.

- Ông Rony rất nổi tiếng, - con gái tôi nói, giả vờ điếc, - Ông làm đầu tuyệt lắm.

Thế là tôi ngồi vào ghế của ông Rony. Ông nhúng tôi lên, nhúng tôi xuống cho đến khi vừa vặn. Con gái tôi bình phẩm mái tóc của tôi làm như tôi không có ở đó. - Nhìn cái đầu xẹp lép một bên kia. Đầu bả cần cắt và uốn. Còn cái bột màu tím này là do bả làm ở nhà. Bả chưa bao giờ để cho thợ chuyên môn làm gì cả.

Nó nhìn ông Rony trong gương. Ông ta nhìn tôi trong gương. Tôi đã thấy cái vẻ chuyên nghiệp này trước đây rồi. Người Mỹ không thực nhìn nhau khi nói chuyện. Họ nói với ánh phản chiếu của họ. Họ chỉ nhìn người khác hay chính họ khi họ nghĩ không có ai đang ngó họ. Thế nên họ chẳng bao giờ thấy họ thực sự như thế nào. Họ thấy họ cười mà không hé miệng, hay quay về phía họ không thấy khiếm khuyết của mình.

- Bà cụ muốn làm đầu kiểu thế nào? - Ông Rony nghĩ tôi không hiểu tiếng Anh. Tay ông ta lùa vào trong tóc tôi, biểu diễn cho thấy phép lạ của ông ta có thế làm tóc tôi dày hơn, dài hơn.

- Mẹ, mẹ muốn kiểu nào? - Sao con tôi lại nghĩ cần phải dịch tiếng Anh cho tôi? Tôi chưa kịp nói gì thì nó đã giải thích suy nghĩ của tôi: - Bà muốn uốn hơi gợn sóng. Có lẽ chớ nên cắt ngắn quá. Nếu không, đến ngày đám cưới sẽ cụt ngủn. Bà không muốn cái đầu dị hợm hay quái đản.

Nó nói lớn, làm như tôi bị điếc. - Ðúng thế không mẹ? Ðừng cụt lắm?

Tôi mỉm cười. Tôi sử dụng gương mặt Mỹ. Đó là gương mặt dân Mỹ cho rằng của người Hoa, một gương mặt họ không thể hiểu. Nhưng trong lòng tôi thấy xấu hổ. Tôi xấu hổ vì nó xấu hổ. Tôi hãnh diện vì con gái tôi, còn con gái tôi lại không hãnh diện vì mẹ nó.

Ông Rony vuốt ve mái tóc tôi. Ông nhìn tôi rồi nhìn con gái tôi. Rồi ông bảo nó một câu làm nó hết sức khó chịu: - Thật là lạ, hai mẹ con sao giống nhau quá!

Tôi mỉm cười, lần này với gương mặt của người Hoa. Còn con gái tôi mím môi, nheo mắt lại, như kiểu con mèo thu mình lại trước lúc vồ mồi. Ông Rony đi ra ngoài cho chúng tôi suy nghĩ về điều này. Tôi nghe ông bẻ đốt ngón tay, gọi: - Gội đầu nghen! Bà Trung kế tiếp đấy!

Còn lại mình mẹ con tôi giữa tiệm uốn tóc đông người. Con tôi nhíu mày trong gương. Nó thấy tôi đang nhìn nó.

- Đôi má giống nhau. - Nó chỉ má tôi rồi nhấn má nó. Nó tóp má vào trông giống như một người đói, rồi kề mặt nó sắt mặt tôi và hai mẹ con nhìn nhau trong gương.

- Con có thể thấy cá tính của mình trên khuôn mặt. - Tôi nói không suy nghĩ. - Con có thể nhìn thấy tương lai của con.

- Mẹ muốn nói gì?

Bây giờ tôi phải cố nén cảm xúc lại. Tôi nghĩ hai khuôn mặt này sao mà giống nhau thế! Cùng một niềm vui, nỗi buồn, cùng may mắn, cùng lầm lỡ.

Tôi nhìn thấy chính tôi và mẹ tôi hồi còn ở Trung Hoa, thời tôi là thiếu nữ.

*

*  *

Mẹ của mẹ - nghĩa là bà ngoại con - có lần đã bảo cho mẹ biết thời vận tương lai của mẹ sẽ ra sao, và cả tính của mẹ sẽ dẫn đến những hoàn cảnh tốt xấu nào. Ngoại con ngồi tại bàn gương lớn. Mẹ đứng sau lưng, cằm tựa vào vai ngoại. Ngày mai là sang năm mới. Theo tuổi Tàu thì mẹ sẽ được 10 tuổi, một năm tuổi quan trọng. Vì lý do đó, có lẽ ngoại sẽ không phê bình mẹ nhiều lắm. Ngoại nhìn gương mặt mẹ.

Ngoại sờ tai mẹ. - Con sẽ được may mắn. Con có đôi tai giống mẹ. Vành tai lớn và dày, thùy châu đầy đặn, sẽ hưởng nhiều phúc đức. Có nhiều người sinh ra quá nghèo hèn. Tai họ quá mỏng, ép sát vào đầu, số họ sẽ chẳng bao giờ được thần may mắn gọi tới. Con có đôi tai tốt, nhưng phải lắng nghe vận hội của mình.

Ngón tay gầy gò của ngoại lần xuống mũi mẹ. - Con có cái mũi của mẹ. Lỗ mũi không rộng quá, do đó tiền tài sẽ không chảy ra ngoài. Mũi thẳng và mịn là một tướng tốt. Con gái mũi khoằm là bất hạnh, cả đời làm theo việc xấu, toàn gặp điều xui xẻo.

Ngoại gõ gõ cằm mẹ rồi đến cằm ngoại. - Cằm không ngắn quá, không dài quá. Mẹ con mình sẽ thọ vừa đủ, không chết yểu, cũng không sống lê thê làm gánh nặng cho người khác.

Ngoại vuốt ngược tóc trên trán mẹ lên, và kết luận, - Mẹ con mình như nhau. Có lẽ trán con rộng hơn, vậy con sẽ khôn khéo hơn. Tóc con dày, đường chân tóc trên trán thấp. Vậy có nghĩa là tiền vận con sẽ khá vất vả. Mẹ cũng thế. Nhưng con nhìn đường chân tóc của mẹ bây giờ nào. Cao chưa! Thật là phúc đức cho tuổi già của mẹ. Sau này con sẽ lo lắng và rụng tóc như mẹ.

Ngoại nâng cằm mẹ lên, xoay mặt về phía ngoại, bốn mắt giao nhau. Ngoại xoay mặt mẹ bên này, rồi đến bên kia - Ðôi mắt con chân thực, nhiệt tình, ngó theo mẹ tỏ nét kính trọng. Mắt không nhìn xuống vì nhục nhã. Mắt không quay đi hướng khác. Con sẽ là một người vợ hiền, dâu thảo, một người mẹ tốt.

Khi ngoại nói những điều đó, mẹ còn rất nhỏ. Và mặc dù ngoại bảo hai mẹ con rất giống nhau, mẹ muốn giống hơn nữa. Nếu ngoại ngước mắt lên ngạc nhiên, mẹ muốn làm hết như vậy. Nếu miệng ngoại buồn trễ xuống, mẹ cũng muốn buồn như ngoại.

Mẹ rất giống ngoại. Ðó là lúc trước, khi hoàn cảnh phân ly hai mẹ con: một trận lụt đã khiến gia đình ngoại bỏ mẹ lại, mẹ lấy chồng lần đầu, lọt vào một gia đình không thương yêu mẹ, rồi chiến tranh bùng nổ khắp nơi, và sau đó, mẹ vượt biển đến một nước mới. Ngoại không thấy gương mặt mẹ đã biến đổi biết bao qua những năm tháng đó. Miệng mẹ trễ xuống. Mẹ lo âu nhưng vẫn không rụng tóc. Mắt mẹ dõi theo lối sống Mỹ. Ngoại không thấy mẹ bị khoằm mũi vì té nhào tới trước trên chuyến xe buýt đông đúc ở San Francisco. Cha mẹ khi đó đang trên đường đến nhà thờ để tạ ơn Thượng Ðế đã ban cho mẹ nhiều ân đức, nhưng mẹ phải trừ bớt ít phúc đức vào cái mũi khoằm đó.

*

*  *

Khó giữ khuôn mặt Tàu ở đất Mỹ. Ban đầu, ngay cả trước khi đến Mỹ, mẹ phải giấu gốc gác của mình đi. Mẹ trả tiền cho một cô gái Tàu sinh trưởng ở Mỹ, hiện ngụ tại Bắc Kinh để cô ta chỉ cách cho mẹ. Cô ta hỏi:

- Ở Mỹ, người ta không thể nói là muốn sống ở đó mãi mãi. Nếu bà là người Hoa, bà phải nói rằng bà ngưỡng mộ trường học của họ, lối suy nghĩ của họ. Bà phải nói bà muốn trở thành một học giả và trở về dạy cho người Hoa những gì bà đã học.

- Tôi phải nói muốn học gì đây? Nếu họ hỏi tôi, nếu tôi không trả lời được...

- Tôn giáo, bà phải nói bà nghiên cứu tôn giáo. - Cô gái thông minh ấy đáp. Mọi người Mỹ đều có những ý tưởng khác nhau về tôn giáo, thế nên chẳng có ai đúng ai sai cả. Bảo với họ rằng bà đến vì Thượng Đế, họ sẽ kính trọng bà.

Nhận thêm một món tiền nữa, cô gái này đưa cho mẹ một mẫu đơn đã điền đầy đủ từ tiếng Anh. Mẹ phải tập viết lại những từ này như thể chúng được hình thành từ đầu óc mẹ. Bên cạnh từ HỌ TÊN mẹ viết LINH ĐA XUÂN. Bên cạnh từ NGÀY SINH mẹ viết 11 tháng năm, 1918, cô gái khẳng định rằng tháng năm tây cũng chính là tháng ba ta. Bên cạnh từ NƠI SINH mẹ viết THÁI NGUYÊN, TRUNG HOA, và ở phần NGHỀ NGHIỆP, mẹ ghi SINH VIÊN KHOA THẦN HỌC.

Mẹ trả cho cô ta nhiều tiền hơn để lấy một danh sách các địa chỉ của những người quen biết rộng ở San Francisco. Cuối cùng, cô gái tặng không cho mẹ các hướng dẫn để thay đổi hoàn cảnh của mẹ. Cô chỉ:

- Ðầu tiên, bà phải kiếm một ông chồng... Công dân Mỹ là tốt nhất.

Cô thấy mẹ ngạc nhiên nên vội tiếp. - Đương nhiên là ông ta phải gốc người Hoa. Công dân Mỹ đâu có phải là dân Mỹ. Nhưng nếu chồng bà không phải là công dân Mỹ bà phải làm ngay việc thứ hai. Nghe này, bà phải có con. Con trai hay con gái không thành vấn đề ở Mỹ. Chẳng có đứa nào săn sóc cho bà khi tuổi già đâu, phải không nào! - Cả hai chúng tôi đều cười.

- Tuy nhiên hãy cẩn thận. Chính quyền sẽ hỏi bà đang có con chưa hay có nghĩ đến việc có con không. Bà phải trả lời “không”. Bà phải tỏ vẻ chân thành, bảo bà sẽ không lập gia đình, vì là người có đạo, bà biết có con là sai trái.

Chắc mẹ lộ vẻ hoang mang lắm, nên cô ta bèn giải thích thêm. - Nghe này, làm sao hài nhi chưa sinh ra biết nó không được làm gì? Khi nào đến Mỹ, nó sẽ là công dân Mỹ và có thể làm bất kỳ điều gì nó muốn. Nó có thể yêu cầu mẹ nó ở lại, phải không nào?

Nhưng mẹ hoang mang không phải vì lý do đó. Mẹ thắc mắc tại sao cô ta bảo mẹ phải tỏ vẻ chân thành. Khi mẹ đang nói sự thật thì làm sao mẹ tỏ vẻ gì khác được chứ?

Nhìn xem, mặt mẹ vẫn còn thành thực biết bao. Tại sao mẹ không ban cho con vẻ thành thật đó? Tại sao lúc nào con cũng bảo với bạn bè rằng mẹ đến Mỹ trên một chiếc thuyền chậm chạp từ Trung Hoa? Không đúng thế đâu. Mẹ đâu đến nỗi nghèo như vậy. Mẹ đi máy bay mà. Mẹ đã để dành số tiền gia đình người chồng trước của mẹ cho hồi họ đuổi mẹ di. Mẹ cũng dành dụm được một món tiền từ 12 năm làm điện thoại viên. Nhưng đúng là mẹ không đi chuyến máy bay nhanh nhất. Nó đi mất ba tuần, ngừng khắp mọi nơi: Hồng Kông, Việt Nam, Phi-líp-pin, Hawaii. Thế nên khi đến nơi, thành thực, mẹ không được vui lắm.

Tại sao con cứ kể cho thiên hạ nghe rằng mẹ gặp cha con trong nhà hàng Cathay House, rằng mẹ đã bẻ một chiếc bánh bói và nó bảo mẹ sẽ lấy một người lạ đẹp trai, da sậm màu, và khi mẹ ngước lên thì thấy cha con, người phục vụ bàn, đứng đó. Tại sao con đùa như vậy? Thế là không thành thực. Ðiều đó không đúng! Cha con không phải là bồi và mẹ chưa bao giờ ăn trong nhà hàng đó. Nhà hàng Cathay House có treo một tấm bảng đề: “Món ăn Tàu”, thế nên trước khi tấm bảng bị gỡ xuống, chỉ có người Mỹ đến đó. Bây giờ nó là nhà hàng Mc Donald, có treo một tấm bảng lớn ghi: “Mai dong lou”, “lúa mì” “đông” “cao ốc”. Tất cả đều nhảm nhí. Sao con chỉ để ý đến những thứ nhảm nhí của người Hoa? Con phải hiểu hoàn cảnh thực của mẹ, mẹ đã đến Mỹ, lấy chồng, đánh mất gương mặt Tàu như thế nào và tại sao con lại như thế này.

Khi mẹ đến nơi, chẳng có ai hỏi han gì mẹ. Chính quyền xem giấy tờ của mẹ và đóng dấu cho vào. Mẹ quyết định, đầu tiên phải đến một địa chỉ ở San Francisco mà cô gái ở Bắc Kinh đã viết cho mẹ. Xe buýt bỏ mẹ xuống một con đường rộng có xe điện. Ðó là đường California. Mẹ lên đồi thấy một tòa nhà cao, đó là nhà thờ Saint Mary. Mẹ ghi nhớ địa chỉ này phòng khi chính quyền hỏi mẹ tôn thờ tín ngưỡng nào. Rồi mẹ trông thấy một cái bảng khác bên kia đường, vẽ ở phía ngoài một tòa nhà thấp: “Ngày nay để dành cho ngày mai, hãy gởi tiền tại Ngân hàng nước Mỹ”. Mẹ tự nhủ à ra đây là nơi dân Mỹ thờ phượng. Thấy chưa, ngay cả lúc đó, mẹ đâu có ngờ nghệch. Bây giờ nhà thờ đó vẫn nguyên diện tích, còn ở chỗ nhà băng như hồi xưa, bây giờ là một tòa nhà cao đến 50 tầng, nơi vợ chồng con làm việc và coi thường mọi người.

Con gái tôi cười ngặt nghẽo khi tôi kể chuyện này. Mẹ của con khôi hài có duyên đấy.

Mẹ đi tiếp lên đồi, và trông thấy hai ngôi chùa ở hai bên con phố, tựa như chúng là cổng vào một ngôi đền lớn. Nhưng khi nhìn kỹ mẹ thấy ngôi chùa thực chất chỉ là một cao ốc mái lợp ngói, mà không có tường, không có gì cả bên dưới cái mái đó. Mẹ lấy làm lạ sao người ta lại làm mọi thứ trông như một hoàng thành cũ hay một lăng tẩm hoàng đế. Nhưng nếu nhìn hai bên những ngôi chùa giả này, ta thấy đường phố chật hẹp đông đúc, dơ dáy và tối om. Mẹ thầm nghĩ sao trong chùa họ chỉ chọn xây những cái gì xấu nhất của kiến trúc Trung Hoa? Sao họ không xây vườn, đào cỏ? À, đây đó cũng thoáng thấy một cái gì đó mang dáng dấp một cái am cổ nổi tiếng hay một nhà hát kịch Trung Hoa, nhưng bên trong luôn luôn chỉ rặt một thứ rẻ tiền như vậy.

Thế nên đến khi mẹ tìm được địa chỉ mà cô gái Thượng Hải trao cho mẹ, mẹ biết mình chớ nên trông đợi nhiều quá. Đó là một cao ốc lớn màu xanh, rất ồn ào, trẻ con chạy lộn chạy xuống các cầu thang và hành lang. Đi vào căn phòng số 402, mẹ gặp một bà lão. Bà bảo mẹ ngay tức thì rằng bà đã mất thì giờ đợi mẹ suốt cả tuần nay. Bà thoăn thoắt ghi vài địa chỉ trao cho mẹ, và chìa tay ra sau khi mẹ lấy tờ giấy. Mẹ đưa bà một đô-la Mỹ, bà nhìn nó nói: - Thưa cô nương, chúng ta đang ở Mỹ. Ăn mày cầm một đô-1a này còn đói nữa là. - Mẹ đưa thêm một đô nữa bà ta nói: - Ái dà, cô nghĩ có được những thông tin này dễ lắm à? - Thế là mẹ đưa thêm một đô nữa, bà ta mới chịu câm miệng, rút tay lại.

Với những địa chỉ bà lão đưa cho, mẹ tìm được một căn hộ rẻ tiền trên đường Washington. Nó cũng giống như mọi nơi khác, nằm trên nóc một tiệm buôn nhỏ. Và qua bản danh sách giá ba đô này, mẹ tìm được một việc làm, tiền công bảy mươi lăm xu một giờ. Ồ, mẹ cố tìm một chân bán hàng, nhưng nó đòi hỏi phải biết tiếng Anh. Mẹ thử tìm một chân chiêu tiếp viên, nhưng họ muốn mẹ phải xoa nắn cho khách ngoại quốc nữa, và mẹ biết ngay là nghề này cũng tệ như làm điếm rẻ tiền ở Trung Hoa! Thế nên mẹ lấy mực đen xóa hẳn địa chỉ này. Những công việc khác đòi hỏi phải có sự quen biết đặc biệt, chúng do những gia đình từ Quảng Ðông, Tô Châu và Tứ Xuyên ở miền Nam đã đến đây lập nghiệp từ nhiều năm trước, nắm giữ và truyền lại cho con cháu.

Ngoại đã nói đúng. Tiền vận mẹ lận đận. Công việc trong xưởng bánh này là việc tệ nhất. Những chiếc máy lớn màu đen chạy ngày đêm tuôn ra những chiếc bánh đổ vào những vỉ nướng tròn di động. Mẹ và các phụ nữ khác ngồi trên ghế cao, và khi bánh đi qua, mẹ và các phụ nữ khác phải bốc chúng ra các vỉ nướng nóng hổi khi bánh vừa vàng. Công nhân đến đặt một mẩu giấy vào giữa chiếc bánh, xếp bánh làm đôi, rồi bẻ cong hai rìa bánh lại khi bánh vừa cứng. Nếu lấy bánh ra sớm quá, tay sẽ bị phỏng, vi bột còn ướt rất nóng. Nhưng nếu lấy trễ quá, bánh cứng lại trước khi ta bẻ cong mẩu thứ nhất. Thế là phải quăng những cái bánh hư này vào thùng, bị trừ lương, vì chủ chỉ có thể bán chúng như bánh vụn.

Sau ngày làm việc đầu tiên, mười ngón tay mẹ đỏ rộp lên. Ðây không phải là công việc cho người ngu. Phải học nghề nhanh chóng, nếu không ngón tay sẽ biến thành xúc xích nướng. Thế nên ngày kế tiếp, chỉ có đôi mắt mẹ đỏ rát, vì mẹ không bao giờ rời mắt khỏi nhưng chiếc bánh. Ngày sau đó, cánh tay mẹ mỏi nhừ vì cứ phải giơ ra để sẵn sàng nắm kịp chiếc bánh đúng lúc. Nhưng đến cuối tuần lễ đầu tiên, mẹ đã quen việc, chẳng cần chú tâm nữa và có thể thư giãn để ý ai đang làm việc hai bên mình. Bà bên phải lớn hơn mẹ, không bao giờ mỉm cười, mỗi khi giận là lầu bầu với chính mình bằng tiếng Quảng Đông. Bà ta nói chuyện như người điên. Cô bên trái trạc tuổi mẹ. Thùng của cô ta rất ít bánh hư. Nhưng mẹ nghĩ cô ta đã ăn chúng vì cô rất mập.

- Ê, cô nương ơi. - Cô gọi lớn, át cả tiếng máy. Nghe tiếng cô ta mẹ mừng quá khám phá ra rằng cô ta nói tiếng Quan Thoại như mẹ, dù thổ ngữ của cô nghe nặng nề. Cô hỏi:

- Cô có bao giờ nghĩ rằng cô sẽ rất có thể lực đến độ có thể quyết định tương lai của người khác không?

Mẹ không hiểu cô ta muốn nói gì. Do đó cô ta bèn nhặt một mẩu giấy nhỏ lên và đọc lớn, lần đầu bằng tiếng Anh - Đừng đánh nhau và phơi quần áo dơ nơi công cộng. Người thắng trận hưởng mọi dơ dáy, sau đó dịch ra tiếng Hoa: “- Chớ nên đánh nhau và giặt giũ cùng một lúc. Nếu bạn thắng, quần áo bạn sẽ dơ”.

Mẹ vẫn chưa hiểu cô ta muốn nói gì, do đó cô ta bèn nhặt một mẩu giấy khác và đọc bằng tiếng Anh: “- Tiền là căn nguyên của mọi tội lỗi. Hãy nhìn quanh và đào sâu”. Rồi cô ra dịch sang tiếng Hoa: “- Tiền là ảnh hưởng xấu. Người ta bất an và cướp mộ”.

- Mấy thứ vớ vẩn này là gì vậy? - Mẹ hỏi, bỏ những mẩu giấy vào túi, nghĩ mình phải nghiên cứu những danh ngôn cổ điển của dân Mỹ.

- Đó là những câu bói tương lai, thời vận, - cô ta giải thích. - Người Mỹ nghĩ người Hoa viết những danh ngôn này.

- Nhưng chúng ta chẳng bao giờ nói những câu như thế này! Những thứ này chẳng có nghĩa gì cả. Chúng không phải là câu bói, mà là những lời khuyên tồi tệ.

- Không phải đâu cô ơi, - cô ta cười, bảo. - Chúng ta xui xẻo mới phải ở đây để làm ra những chiếc bánh bói này và người nào đó xui xẻo mới phải bỏ tiền ra mua chúng.

Mẹ quen Tô An Mỹ như thế đó. Phải rồi, dì An Mỹ đó, bây giờ đã cổ lỗ lắm rồi. Dì và mẹ vẫn còn cười về chuyện những mẩu giấy bói này và về việc làm cách nào để chúng trở nên vô cùng hữu dụng trong việc giúp tìm một người chồng sau này.

- Ê, Linh Đa, - Một ngày nọ An Mỹ bảo mẹ tại sở làm. - Ðến nhà thờ của mình Chủ nhật này nhé. Chồng mình có một người bạn, anh ta đang tìm một người vợ Hoa tốt. Anh ta không phải công dân Mỹ, mình chắc anh ta biết cách xin nhập tịch mà. - Mẹ nghe nói đến Dương Tiên, cha con, lần đầu như thế đấy. Nó không giống cuộc hôn nhân đầu tiên của mẹ, mọi thứ đều được xếp đặt trước cả. Lần này mẹ được lựa chọn. Mẹ có thể lấy cha con, hay không lấy cha con và trở về Trung Hoa.

Khi gặp Dương Tiên, mẹ biết có việc không ổn: anh là người Quảng Ðông! Làm sao An Mỹ có thể nghĩ rằng mẹ có thể lấy một người như thế chứ? Nhưng dì ấy chỉ nói: “Chúng ta đâu còn ở Trung Hoa. Bồ không phải lấy trai cùng làng nữa. Ở đây, tất cả đều là đồng hương dù họ xuất xứ từ nhiều miền khác nhau ở Trung Hoa”. Thấy dì An Mỹ thay đổi khác xưa nhiều chưa?

Cha mẹ ban đầu còn e thẹn, chẳng ai dám nói với nhau bằng thổ ngữ của mình. Cha mẹ cũng đi học Anh văn, nói chuyện với nhau qua vốn từ tiếng Anh ít ỏi mới học được, đôi khi lấy một miếng giấy ra viết một chữ Hán để thể hiện ý của mình. Ít ra thì cha mẹ cũng có một miếng giấy nối nhau lại. Nhưng khó mà biết ý định hôn nhân của người kia khi ta không thể nói thành lời. Tất cả những dấu hiệu be bé như nô đùa, nạt nộ... đều là cách giúp ta biết việc ấy có nghiêm túc hay không. Nhưng cha mẹ chỉ có thể nói chuyện theo kiểu của thầy giáo tiếng Anh. Tôi nhìn thấy con mèo. Tôi nhìn mấy con chuột. Tôi nhìn thấy cái mũ.

Nhưng mẹ biết ngay cha con thích mẹ như thế nào. Anh thường giả vờ đang đóng tuồng Tàu để thể hiện ý của mình. Anh chạy tới chạy lui, nhảy lên nhảy xuống, giật giật tóc, thế là mẹ hiểu cha muốn nói - bận quá! - Công ty điện thoại Thái Bình Dương, sở làm của cha con, bận rộn, huyên náo biết chừng nào. Con đâu biết cha con có thể trở thành một diễn viên tài ba? Con đâu biết cha con hồi xưa rậm tóc lắm?

Ôi, sau này mẹ khám phá công việc của cha con không như cha diễn tả. Không tốt đẹp như vậy. Ngay cả đến bây giờ. Khi mẹ có thể nói tiếng Quảng Đông với cha con, mẹ vẫn luôn hỏi con tại sao cha không tìm một sở làm tốt hơn. Nhưng cha giả vờ đóng kịch như hồi xa xưa ấy, hồi cha không hiểu bất kỳ điều gì mẹ nói.

Đôi khi mẹ thắc mắc tại sao mẹ lại muốn lấy cha con. Mẹ nghĩ An Mỹ đã gieo ý nghĩ đó vào đầu mẹ. Dì bảo: - Trong xi-nê, nam nữ thường trao đổi thư từ trong lớp học. Thế là họ yêu nhau. Bồ cần gợi ý để anh ta nhận thức được ý định của mình. Nếu không, bồ sẽ thành gái già trước khi anh ta kịp nghĩ ra.

Tối hôm đó An Mỹ và mẹ đi làm và lục lọi trong các mẩu giấy bói để tìm lời khuyên thích hợp gởi cho cha con. An Mỹ đọc lớn những mảnh giấy có thể sử dụng và để riêng chúng ta: “Nếu bạn đã có ý định thì bây giờ là lúc lập gia đình”, “Khổng Tử bảo một người đàn bà đáng giá ngàn lời. Bảo vợ bạn là bà ta đã sử dụng hết số đó rồi”.

Mẹ và dì cười bò. Nhưng khi mẹ đọc câu: “Căn nhà không phải là tổ ấm khi trong nhà không có người phối ngẫu”, mẹ không cười. Mẹ biết đó là câu thích hợp. Mẹ gói câu nói ấy vào chiếc bánh rồi nặn nó thật đẹp với tất cả tấm lòng mình.

Buổi chiều kế tiếp, khi tan học, mẹ thò tay vào túi xách rồi nhìn vào trong, la lên, làm như bị chuột cắn: - Gì thế này? - Rồi mẹ lôi chiếc bánh ấy ra trao cho ba con. - Hề, nhiều bánh quá, nhìn thấy chúng là muốn bệnh rồi. Anh ăn bánh này đi!

Mẹ biết ngay từ hồi đó rằng cha con bản chất không hoang phí một thứ gì. Anh mở bánh ra, bỏ bánh vào miệng nhai, rồi đọc mảnh giấy.

- Nó nói gì thế? - Mẹ hỏi, giả vời như chỉ hỏi chơi thôi. Thấy anh ta vẫn không trả lời, mẹ thúc: - Dịch đi nào!

Cha mẹ đang đi quảng trường Potsmoth, sương mù đã kéo về và mẹ lạnh run trong chiếc áo khoác mỏng. Mẹ hy vọng cha sẽ vội vã hỏi cưới mẹ ngay. Nhưng thay vì như vậy, mặt cha nghiêm lại nói: - Anh không hiểu từ “phối ngẫu”. Tối nay anh sẽ tra từ điển, và mai sẽ nói cho em biết ý nghĩa câu này.

Ngày hôm sau cha hỏi mẹ bằng tiếng Anh: - Linh Đa này, em có thể phối ngẫu anh không? - Mẹ phì cười, bảo anh dùng từ đó sai rồi. Anh trở lại, nói đùa một câu của Khổng Tử rằng, nếu lời sai thì ý cũng sẽ sai. Cha mẹ trách mắng nhau, bông đùa nhau suốt ngày hôm đó như thế, rồi dẫn đến quyết định lấy nhau.

Một tháng sau cha mẹ tổ chức hôn lễ tại nhà thờ Báp-tít Trung Hoa đầu tiên, nơi cha mẹ đã gặp nhau. Chín tháng sau, cha mẹ có bằng chứng về quyền công dân, đó là một đứa con trai, anh Vinh Tân của con. Mẹ muốn có một đứa con trai sẽ đạt được rất nhiều thứ, sự ca tụng, tiền bạc, cuộc sống nhàn hạ. Hồi đó mẹ nghĩ cuối cùng mình đã có mọi thứ mình muốn. Mẹ hạnh phúc đến độ không nhìn thấy cảnh nghèo của mình. Mẹ chỉ nhìn thấy những gì cha mẹ có. Làm sao mẹ biết Vinh Tân sẽ bị tai nạn xe hơi chết? Chết yểu khi mới mười sáu tuổi đầu!

Khi Vinh Tân được hai tuổi, mẹ sinh anh Vinh Sơn. Mẹ đặt tên là Vinh Sơn, vì mẹ bắt đầu nghĩ cha mẹ còn túng thiếu. Rồi mẹ bị dập mũi khi đi xe buýt. Chẳng bao lâu sau, con chào đời.

Mẹ không biết điều gì khiến mẹ thay đổi. Có lẽ cái mũi khoằm đã tàn phá suy nghĩ của mẹ. Có lẽ hồi con còn bé, thấy con giống mẹ quá, mẹ đâm thất vọng. Mẹ muốn đời con khá hơn, muốn con có một hoàn cảnh tốt nhất, một cá tính tốt đẹp nhất. Mẹ không muốn con hối tiếc bất kì điều gì. Thế nên mẹ mới đặt tên con là Vĩ Lỹ. Đó là tên con đường chúng ta sống. Vì mẹ muốn con nghĩ rằng mẹ thuộc về nơi này. Nhưng mẹ cũng biết nếu mẹ lấy tên đường này đặt cho con, chẳng bao lâu nữa con sẽ lớn lên, rời bỏ nơi này và mang theo con một mảnh đời của mẹ.

*

*  *

Ông Rony chải mái tóc cho tôi. Tóc thật đen. Thật mềm mại.

- Mẹ đẹp quá. Khách khứa ở đám cưới sẽ nghĩ mẹ là chị của con.

Tôi nhìn gương mặt mình trong tấm gương tiệm uốn tóc. Tôi thấy hình phản chiếu của mình. Tôi không thể nhìn thấy những khuyết điểm, nhưng tôi biết chúng vẫn có đó. Tôi đã cho con tôi những khuyết điểm này. Cùng một đôi mắt, đôi má, chiếc cằm. Cá tính của nó xuất phát từ hoàn cảnh của tôi. Tôi nhìn con gái mình và lần đầu tiên tôi thấy nó.

- Ái dà! Mũi con sao vậy?

Nó nhìn vào gương. Chẳng thấy gì không ổn. - Mẹ nói gì? Có gì đâu? Mũi con vẫn thế mà.

- Nhưng sao con làm nó khoằm thế? - Một bên mũi Vĩ Lý quằm xuống, kéo theo cả gò má.

- Mẹ nói gì vậy? Đây là cái mũi mẹ cho con đấy mà.

- Sao thế được nhỉ? Mũi con sệ xuống rồi. Con phải đi giải phẫu thẩm mỹ sửa nó lại.

Nhưng con tôi bỏ ngoài tai lời tôi nói. Nó dựa gương mặt tươi cười của nó sát bên bộ mặt lo lắng của tôi. - Mẹ đừng lẩn thẩn. Mũi của mẹ con mình đâu có xấu. Nó tạo cho chúng ta một vẻ tinh ranh. - Con tôi trông bằng lòng lắm.

- Tinh ranh là thế nào?

- Nó có nghĩ là chúng ta nhìn một hướng này, nhưng lại theo một hướng khác. Chúng ta ủng hộ bên này, nhưng cũng ủng hộ bên kia. Chúng ta nói đúng, nhưng thực bụng chúng ta lại khác.

- Người ta có thể nhìn thấy điều đó trên mặt chúng ta à?

Con tôi cười. - À, họ không thấy tất cả suy nghĩ của chúng ta đâu. Họ chỉ biết chúng ta có hai mặt.

- Thế là tốt à?

- Nó tốt, nếu ta có thể đạt được điều ta muốn.

Tôi nghĩ về hai gương mặt của chúng tôi, về những ý định thực bụng của chúng tôi. Cái nào là Mỹ? Cái nào là Hoa? Cái nào tốt hơn? Nếu ta để lộ mặt này, ta phải luôn hi sinh mặt kia.

Nó cũng giống như hồi tôi về Trung Hoa năm vừa rồi, sau gần bốn mươi năm xa xứ. Tôi đã tháo bỏ những nữ trang diêm dúa. Tôi không mặc quần áo sặc sỡ. Tôi nói tiếng địa phương của họ, dùng tiền bản xứ. Thế mà họ vẫn biết. Họ biết gương mặt tôi không phải trăm phần trăm người Hoa. Họ vẫn tính tiền tôi theo giá cao dành cho khách nước ngoài.

Thế nên tôi suy nghĩ. Mình đã mất gì? Đã được gì đổi lại? Tôi sẽ hỏi con tôi xem nó nghĩ sao.