Phúc Lạc Hội Truyện Full

HAI CHIẾC VÉ VỀ NƯỚC

Ngay giây phút tàu hỏa của chúng tôi rời biên giới Hồng Kông tiến vào Trung Quốc, tôi cảm thấy khác hẳn. Tôi cảm thấy khác hẳn. Tôi thấy làn da trán tôi giần giật, máu cuồn cuộn chảy theo một đường mới và xương cốt nhói đau một nỗi đau thân thuộc cũ. Tôi nghĩ mẹ nói đúng, tôi đang bắt đầu trở thành người Hoa.

- Con không thể ngăn được điều đó, - mẹ tôi đã nói như thế hồi tôi mười lăm tuổi, lúc nào cũng khăng khăng phủ nhận không chịu là mình có một ít gì “Hoa” dưới lớp da cả. Khi ấy, tôi đang học lớp 10 tại trung học Calilo ở San Francisco. Tất cả bạn bè Âu, Mỹ của tôi bảo là tôi còn ít máu “Tàu” hơn bọn nó nữa. Nhưng mẹ tôi học ở trường nuôi dưỡng trẻ em nổi tiếng ở Thượng Hải, bà bảo bà biết tất cả về di truyền học. Thế nên dù tôi có đồng ý hay không, trong đầu bà chắn chắn vẫn có ý nghĩ: Một khi đã sinh ra là người Hoa, người ta không khỏi suy nghĩ và cảm nhận như người Hoa.

- Một ngày nào đó con sẽ thấy. Nó nằm ở trong máu con, chỉ đợi lúc thoát ra.

Khi nghe mẹ nói, tôi tưởng tượng thấy mình đang biến đổi như người hóa sói, như một dải DNA đột nhiên bật lên rồi ngấm ngầm cuộn lại thành một hội chứng, một chum, một đống những lối cư xử làm lộ chân tướng Hoa ra, tất cả những việc mẹ làm khiến tôi bối rối như kì kèo bớt một thêm hai với các chủ hiệu, xỉa răng nơi công cộng, mù màu đến nỗi không biết màu vàng chanh và hồng nhạt không phải là màu dành cho quần áo mùa đông.

Ngày hôm nay tôi mới nhận thức được rằng tôi chưa hề biết người Hoa nghĩa là thế nào. Tôi nay đã 36 tuổi. Mẹ đã mất và tôi đang ở trên xe lửa, mang theo giấc mơ hồi cố hương của mẹ. Trở về Trung Quốc.

Vũ Quang Ninh, người cha già 72 tuổi và tôi, đầu tiên sẽ đến Quang Du thăm dì của cha, đã xa cách từ năm ông 10 tuổi. Tôi không biết vì cái viễn cảnh gặp lại dì hay vì cha sắp về Trung Quốc mà trông cha như một cậu bé, ngây thơ, tươi tắn, đến độ tôi muốn cài khuy áo lạnh và vỗ về đầu ông. Hai cha con ngồi đối diện nhau, giữa là một chiếc bàn nhỏ với hai tách trà lạnh tanh. Lần đầu tiên tôi thấy mắt cha ngấn lệ nhìn qua cửa sổ xe lửa, ngắm những cánh đồng vàng, xanh, nâu, con kênh hẹp bọc những luống cày, những ngọn đồi thoai thoải, ba nông dân mặc áo xanh cỡi chiếc xe bò trong sáng tháng Mười tinh mơ này. Tôi cũng không ngăn nổi lòng mình. Mắt tôi mờ lệ tựa như lâu lắm rồi, thật lâu lắm rồi, không được nhìn hình ảnh đó và hầu như đã quên mất.

Trong chưa đầy ba giờ nữa chúng tôi sẽ đến Quang Du, mà theo quyển sách du lịch hướng dẫn thì bây giờ người ta thường gọi là Quảng Đông. Dường như tất cả các thành phố tôi nghe nói đến, trừ Thượng Hải, đã thay đổi trên các mặt khác nữa. Sau khi gặp dì của cha ở Quang Du, chúng tôi sẽ đón một chuyến xe lửa đến Thượng Hải và gặp hai chị cùng mẹ khác cha với tôi lần đầu tiên tại đó.

Đó là hai người con sinh đôi của mẹ tôi với đời chồng trước, hai đứa trẻ nhỏ dại mà mẹ đã buộc phải bỏ lại trên đường lúc chạy giặc từ Quế Lâm đến Trùng Khánh năm 1944. Đó là tất cả những gì mẹ kể cho tôi nghe về hai người con gái của mẹ, thế nên trong tâm trí tôi bao năm nay, họ vẫn là những em bé ngồi bên vệ đường, vừa nghe bom rít lên ở đằng xa vừa mút ngón tay chùn chụt.

Mãi đến năm nay có một người tìm thấy hai chị và viết thư báo cho chúng tôi tin mừng này. Lá thư đến từ Thượng Hải, đề gởi cho mẹ tôi. Khi tôi thoạt nghe rằng hai chị vẫn còn sống, tôi tưởng thấy hai chị sinh đôi của tôi biến từ hai đứa trẻ thành hai cô bé sáu tuổi. Trong tâm trí tôi, hai chị đang ngồi kề bên nhau tại bàn, chuyền cho nhau cây viết máy. Một chị viết ngay ngắn hàng chữ: “Mẹ thân yêu. Chúng con còn sống”. Chị vuốt ngược lọn tóc và trao cho chị kia cây bút để ghi dòng kế: “Mẹ đến đón chúng con. Nhanh nhanh mẹ ơi!”

Đương nhiên, hai chị không thể biết mẹ đã chết bất đắc kì tử ba tháng trước vì vỡ mạch máu trong óc. Một phút trước đó mẹ đang nói chuyện với cha, phàn nàn về những người thuê nhà trên lầu, và hoạch định đuổi cổ họ bằng cách giả vờ bảo thân quyến bên Trung Quốc sắp sang ở. Phút kế tiếp mẹ đã ôm đầu, mắt nhắm nghiền, lảo đảo tìm ghế xa-lông, rồi sụm xuống nền nhà, hai tay còn chới với.

Thế nên cha tôi là người đầu tiên bóc thư ra xem, hóa ra là một lá thư rất dài. Hai chị bảo hai chị luôn kính yêu mẹ như một người mẹ chân chính. Hai chị giữ gìn bức hình đóng khung của mẹ. Hai chị kể về cuộc đời mình, từ lúc mẹ tôi nhìn mặt hai con lần cuối trên đường rời Quế Lâm đến lúc cuối cùng được người ta tìm ra.

Lá thư đã làm xúc động tâm can cha tôi - Hai người con gọi mẹ từ một cuộc đời khác hẳn mà ông chưa hề biết - đến độ ông trao lá thư cho dì Linh Đa, người bạn cố tri của mẹ, nhờ dì hồi âm và báo cho hai chị tôi rằng, bằng những lời lẽ nhẹ nhàng nhất, rằng mẹ đã qua đời.

Thay vì làm theo lời của cha, dì Linh Đa lại đem lá thư ấy đến PHÚC LẠC HỘI và bàn bạc với dì Chấn Ảnh và An Mỹ xem nên làm gì, vì các dì biết hàng bao năm nay mẹ tôi hết sức truy tìm và không ngừng hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp lại hai đứa con gái sinh đôi của mình. Dì Linh Đa và các dì khác ngậm ngùi khóc thương mẹ tôi vừa mất ba tháng trước, giờ đây đã không còn. Các dì không thể không nghĩ đến một phép lạ nào đó, làm sao hồi sinh mẹ dậy để bà thực hiện mơ ước của mình.

Thế nên các dì đã viết cho hai chị tôi ở Thượng Hải như thế này: “Hai con gái thương yêu của mẹ. Tâm trí và trái tim mẹ chẳng bao giờ quên được hai con. Mẹ hằng nuôi dưỡng hi vọng rằng mẹ con ta sẽ có ngày mừng hội ngộ. Mẹ chỉ tiếc ta đã xa cách quá lâu. Mẹ muốn kể cho hai con nghe tất cả về cuộc đời mẹ từ ngày xa cách ấy, khi gia đình mẹ đến Trung Quốc gặp hai con...”. Các dì ký tên mẹ ở cuối thư.

Thực hiện tất cả xong xuôi rồi các dì mới kể cho tôi nghe về hai chị của tôi, lá thư họ đã nhận được và lá thư vừa hồi âm.

- Thế thì hai chị sẽ nghĩ rằng mẹ sắp đến. - Tôi thầm thì. Tôi hình dung hai chị tôi nay đã mười hay mười một, nắm tay nhau nhảy nhót, hai bím tóc tung tăng, vui mừng vì nghĩ mẹ của hai chị sắp đến, trong khi mẹ đã chết rồi.

- Làm sao cháu có thể viết rằng mẹ cháu sẽ không đến? - Dì Linh Đa hỏi. - Mẹ là mẹ chung cả. Cháu phải là người báo tin cho hai chị biết. Suốt bao nhiêu năm nay, hai chị cháu đã mơ đến mẹ. - Tôi nghĩ dì nói đúng.

Thế rồi tôi cũng mơ về mẹ và hai chị tôi, và nếu như tôi đến Thượng Hải thì sẽ như thế nào. Bao nhiêu năm nay, trong khi hai chị đợi mẹ tìm ra thì tôi đã được sống với mẹ và rồi mất mẹ. Tôi hình dung lúc gặp hai chị tôi ở phi trường. Hai chị sẽ đứng kiễng chân hồi hộp tìm kiếm giữa rừng đầu người xuống máy bay. Tôi sẽ nhận ra hai chị ngay lập tức, nhờ gương mặt lo lắng giống nhau như hai giọt nước.

- Muội muội. Em đây. - Tôi mơ thấy mình đang gọi bằng tiếng Hoa tồi tệ của mình.

- Mẹ đâu? - Hai chị sẽ hỏi và nhìn quanh, miệng vẫn mỉm cười, cả hai gương mặt đỏ bừng, nôn nả. - Mẹ trốn phải không? - Nếu còn sống chắc mẹ sẽ trốn đằng sau một lát để người ta thấp thỏm chờ đợi. Tôi sẽ lắc đầu bảo hai chị rằng mẹ không trốn.

- À, mẹ kìa, không phải à? - Một chị sẽ hồi hộp khẽ hỏi, tay chỉ một bà nhỏ thó gần như bị nuốt chửng giữa một núi quà tặng, thức ăn, đồ chơi trẻ em - Những thứ này thảy đều mua “xôn”. Khoát tay bảo đừng cảm ơn, quà cáp này có đáng gì đâu, nhưng sau đó sẽ lật nhãn hàng lên chỉ cho hai chị tôi xem. - Hiệu Calvin Klein, 100% len đấy nhé!

Tôi tưởng tượng mình vừa dợm nói: - Hai chị, em rất tiếc, em đến một mình... Tôi chưa kịp báo tin, họ đã nhìn mặt tôi và hiểu ngay. Hai chị nức nở khóc òa, giật tóc, môi giần giật đau đớn, rồi vùng bỏ chạy. Tôi thấy mình quay lại máy bay trở về nhà.

Tôi nằm mơ thấy cảnh này nhiều lần, nhìn thấy nỗi đau buồn của hai chị chuyển sang kinh hãi rồi giận dữ, sau đó tôi năn nỉ dì Linh Đa viết thêm một lá thư nữa. Thoạt đầu, dì từ chối.

- Làm sao dì nói mẹ cháu đã chết được chứ? Dì không thể viết thế đâu. Dì Linh Đa bướng bỉnh không chịu nhận lời.

- Nhưng làm cho hai chị tin rằng mẹ cháu sẽ đến thì ác quá. Khi hai chị thấy chỉ có mình cháu, hai chị sẽ ghét cháu.

- Ghét cháu? Không thể như thế được. - Dì quắc mắt mắng. - Cháu là em ruột của hai đứa nó, là gia đình duy nhất của chúng mà.

- Dì không hiểu. - tôi phản đối.

- Dì không hiểu cái gì?

Tôi nói khẽ: - Hai chị sẽ nghĩ là cháu chịu trách nhiệm, mẹ cháu chết là do cháu không quý bà.

Dì Linh Đa lộ vẻ vừa thỏa mãn vừa buồn rầu, như thể điều đó đúng và cuối cùng tôi đã nhận thức được. Dì ngồi viết trong một giờ đồng hồ, khi đứng dậy, dì đưa cho tôi một lá thư dài hai trang. Mắt dì ngấn lệ. Dì đã làm cái việc mà tôi sợ nhất. Cho dù dì có báo tin mẹ tôi chết bằng tiếng Anh đi nữa, tôi cũng chẳng có lòng dạ nào đọc lại.

- Cháu xin cảm ơn dì. - tôi thầm thì.

—★—

Quang cảnh chuyển sang màu xám, những ngôi nhà đúc trệt, thâm thấp, những nhà máy cũ kĩ, rồi thêm nhiều đường ray đầy những chuyến xe lửa như xe của chúng tôi chạy ngược lại. Tôi trông thấy những sân ga chen chúc người mặc Âu phục màu nâu sáng có chấm, màu tươi sáng, trẻ con mặc màu hồng, vàng, đỏ và cam. Có những người lính mặc quân phục màu ô liu và đỏ, và các bà cụ áo xám, quần ngắn đến nửa vế. Chúng tôi đã đến Quảng Châu.

Xe lửa chưa ngừng bánh hẳn, người ta đã lo mang hành lí từ trên các ngăn trên tàu xuống. Các va li nặng trĩu quà tặng cho họ hàng, những chiếc hộp nứt buộc dây chằng chịt để giữ đồ bên trong khỏi đổ ra ngoài, những bao nylon đựng đầy chỉ, rau quả, nấm khô và hộp đựng máy ảnh, tất cả suýt chút nữa là ào cả xuống. Rồi chúng tôi bị cuốn vào dòng người xô đẩy, chen lấn nhau, đến khi lọt vào trong một trong mười hai ngàn người chờ đợi để qua trạm hải quan. Tôi có cảm giác như mình sắp leo lên chiếc xe buýt Stocktor ở số 30 ở San Francisco. Mình đang ở Trung Quốc mà, tôi tự nhắc mình. Ấy thế mà tôi không thấy phiền gì đám đông. Nó được đấy chứ. Tôi cũng bắt đầu lấn tới trước.

Tôi lấy các tờ khai và hộ chiếu ra. Vũ Tịnh Mai, sinh tại California, Hoa Kỳ, 1951. Không biết nhân viên hải quan có hỏi xem tôi có phải là người trong tấm hình dán trong hộ chiếu không? Trong hình này, mái tóc dài đến cằm của tôi được hất ra sau, chải kiểu rất nghệ thuật. Tôi đeo long mi giả, kẻ môi. Gò má nhô lên nhờ phấn màu đồng nhưng tôi đã không dự trù trước cái nóng tháng mười. Bây giờ tóc tôi rũ rượi vì hơi ẩm. Mặt không phấn son, lúc ở Hồng Kông “mascara” chải lông mi của tôi đã chảy ra thành những quầng mắt và mọi thứ khác tan ra như những lớp mỡ. Thế nên hôm nay tôi để mặt trơ không trang điểm, chỉ có một lớp mồ hôi lấm tấm phủ lên trán và mũi tôi.

Dù không trang điểm, trông tôi cũng không giống người Hoa thực thụ. Tôi cao hơn 1,65m, đầu tôi vượt lên trên đám đông và chỉ ngang tầm mắt với các du khách. Mẹ có lần bảo chiều cao của tôi là do từ ông ngoại, vốn người phương Bắc và có thể mang ít dòng máu Mông Cổ. - Bà ngoại có lần bảo mẹ như thế, - mẹ giải thích - Nhưng bây giờ chẳng thể hỏi bà ngoại nữa. Tất cả đã chết hết rồi, ông bà ngoại con, các chú, các bác, vợ con họ, mọi người đều bị giết trong chiến tranh, một trái bom đã rơi xuống đúng nhà ông ngoại, trong nháy mắt đã tiêu diệt bao thế hệ.

Mẹ nói giọng bình thản đến nỗi tôi nghĩ chắc mẹ từ lâu đã nguôi ngoai nỗi đau buồn ấy rồi. Rồi tôi đâm thắc mắc sao mẹ biết cả nhà đều chết hết.

- Có lẽ mọi người đã rời khỏi nhà trước khi bom nổ. - Tôi gợi ý.

- Không. Cả gia đình ngoại chết hết rồi. Chỉ còn lại mẹ con mình thôi.

- Nhưng sao mẹ biết? Có thể vài người đã thoát chết.

- Không thể được - Lần này mẹ nói gần như giận dữ. Mặt mẹ cau lại, rồi bao phủ bởi một vẻ hoang mang thảng thốt. Mẹ cất tiếng tự như đang cố nhớ lại nơi mình đã để lạc mất thứ gì đó. - Mẹ đã quay lại căn nhà đó. Mẹ cứ nhìn lên tìm kiếm nơi trước kia là ngôi nhà của ngoại. Nhưng nhà không còn nữa, chỉ còn lại bầu trời. Dưới bầu trời đó, bên dưới chân mẹ là căn nhà bốn tầng, giờ chỉ là đống gỗ cháy rụi, và toàn bộ sinh mạng trong nhà. Mẹ trông thấy những vật bị bắn tung ra một phía sân, chẳng còn gì đáng giá. Còn một cái giường của ai đó vẫn ngủ, giờ chỉ còn lại chiếc khung sắt quăn một góc. (Một quyển sách mẹ chẳng biết loại nào nữa vì trang nào cũng cháy đen). Mẹ thấy có một tách trà, không vỡ, nhưng lại đầy tro than. Rồi mẹ tìm thấy con búp bê của mẹ, tay chân nó đã gãy hết, tóc thì cháy trụi... Hồi còn bé xíu, mẹ chỉ nhìn có mỗi mình con búp bê đó trong cửa hiệu và khóc nằng nặc đòi ngoại phải mua nó. Đó là một búp bê Mỹ tóc vàng, có thể di động tay chân, mắt biết chớp lên chớp xuống. Khi mẹ lập gia đình, ra ở riêng, mẹ cho cháu gái nhỏ nhất của mẹ con búp bê đó, vì nó rất giống mẹ. Không có con búp bê kề bên là con bé khóc liền. Con thấy không? Nếu con bé ở trong nhà với búp bê thì bố mẹ nó phải có ở đó, và như thế thì tất cả mọi người cũng có ở đó, cùng chờ đợi nhau, vì gia đình mẹ lúc nào cũng phải quây quần như vậy.

—★—

Người phụ nữ ở trạm hải quan xem giấy tờ của tôi, rồi liếc nhanh nhìn tôi và với hai động tác nhanh gọn, đóng mộc lên tất cả giấy tờ và nghiêm khắc gật đầu ra hiệu cho tôi đi tiếp. Chẳng bao lâu sau cha con tôi thấy mình lọt vào một khu rộng lớn chen chúc hàng ngàn người và hành lí. Tôi thấy lạc lỏng, còn cha thì lúng túng chẳng biết làm sao.

- Xin lỗi ông - tôi chào một người trông như Mỹ. - Nhờ ông chỉ dùm tôi đón taxi ở đâu? - Ông ta lầm bầm câu gì đó nghe như tiếng Thụy Sĩ hay Hà Lan.

- Tiểu Yến! Tiểu Yến! - Tôi nghe tiếng ai đó thét the thé từ sau lưng. Một bà cụ đội mũ đan màu vàng, tay xách chiếc túi nylon màu hồng đựng đầy những mỹ khí gói kín. Tôi đoán chắc bà định gạ chúng tôi mua hàng. Nhưng cha tôi ngó sững bà cụ bé nhỏ này, ông nheo mắt nhìn cụ rồi mắt ông mở to ra, gương mặt rạng rỡ, rồi toét miệng cười như một cậu bé sung sướng.

- Dì! Dì! - Ông gọi khẽ.

- Tiểu Yến! - Bà dì của tôi thủ thỉ gọi. Thật là ngộ, bà gọi cha tôi là “con chim yến nhỏ”. Chắc hẳn đó là cái tên đặt cho cha hồi còn mút sữa, để xua đuổi tà ma khỏi ăn cắp trẻ con.

Bà dì và cha nắm chặt tay nhau - chớ không ôm - và cứ nắm mãi như thế, hết người này nói đến người kia nói: - Nhìn kìa! Dì già quá rồi. Xem cháu già đi chưa kìa! - Cả hai vừa cười vừa khóc hu hu, còn tôi cắn chặt môi ráng đừng khóc. Tôi sợ không dám chia sẻ niềm vui với họ hôm nay, vì tôi nghĩ cuộc hội ngộ ngày mai ở Thượng Hải sẽ khác biết bao, sẽ ngượng ngùng biết bao.

Bà dì cười chỉ vào tấm hình chụp Polaroid của cha tôi. Cha đã khôn ngoan gởi hình kèm theo lá thơ báo trước chuyến viếng thăm của chúng tôi. Xem bà dì giỏi chưa kìa, dường như dì ngẫm nghĩ khi so sánh tấm hình với cha tôi. Trong thư, cha viết khi nào đến, chúng tôi sẽ gọi cho dì từ khách sạn. Thế nhưng bây giờ họ lại đến đón, thật là bất ngờ. Không biết hai chị tôi có đến đón ở phi trường không.

Đến lúc đó tôi mới nhớ chiếc máy ảnh. Tôi đã dự định chụp hình cha và bà dì ngay giây phút tương phùng. Giờ thì cũng không đến nỗi muộn lắm.

- Ðây, cha và bà đứng đây này, - Tôi giơ chiếc máy ảnh Polaroid lên. Đèn nhóa và tôi trao họ tấm ảnh lấy liền. Bà và cha tôi vẫn đứng bên nhau, mỗi người cầm một góc ảnh chờ hình hiện lên. Họ yên lặng như thành kính. Bà dì chỉ lớn hơn cha năm tuổi, vậy là độ 77. Thế mà bà trông hom hem già cỗi như một cái xác ướp. Tóc bà lưa thưa, bạc trắng, răng thì bị siết ăn đen hết. Tôi tự nhủ mấy chuyện ca tụng phụ nữ Trung Hoa tươi trẻ suốt đời thật xạo quá.

Bà dì thầm thì bảo tôi: - Cháu lớn khôn rồi - Bà ngước lên nhìn tấm thân cao lớn của tôi, rồi liếc xuống chiếc túi ny lông màu hồng - Tôi nghĩ đựng quà cho chúng tôi - tựa như tự hỏi không biết nên tặng tôi thứ gì đây vì tôi đã lớn khôn như thế này. Rồi bà nắm lấy khuỷu tay tôi quay lại. Một ông một bà trạc ngũ tuần đang bắt tay cha tôi, ai cũng mỉm cười nói: Dạ! Họ là vợ chồng con của bà dì, đứng bên cạnh họ là bốn người nữa trạc tuổi tôi, và một cô bé khoảng mười tuổi. Giới thiệu nhanh quá, tôi chỉ kịp nhớ là một người trong số đó là cháu nội trai của bà dì cùng vợ, và người kia là cháu nội gái cùng chồng. Còn cô bé Lý Lý, chắt của bà dì.

Bà và cha nói tiếng Quan Thoại còn những người khác trong gia đình chỉ nói tiếng Quảng Đông. Tôi chỉ hiểu tiếng Quan Thoại nhưng không nói giỏi. Thế nên bà và cha nói chuyện thao thao với nhau bằng tiếng Quan Thoại, hỏi thăm nhau người làng người nước. Thỉnh thoảng hai người mới ngừng lại nói chuyện với chúng tôi, lúc bằng tiếng Quảng Ðông, lúc bằng tiếng Anh,

- Ồ, đúng như cháu đoán mà - cha nói, quay sang tôi, - Ông ta mất mùa hè năm ngoái. Tôi hiểu câu cha nói, nhưng chỉ không hiểu người mà cha nói ấy, ông Lý công nào đó, là ai. Tôi có cảm giác như mình đang ở Liên Hiệp Quốc và những người phiên dịch đang chạy lồng lên.

- Chào cháu! Tôi bắt chuyện với cô bé - Tên cô là Tịnh Mai, cô bé ngọ nguậy nhìn đi chỗ khác, làm bố mẹ nó bối rối bật cười. Tôi cố nghĩ ra vài từ Quảng Đông học được từ bạn bè ở Chinatown để nói chuyện với cô bé, nhưng chỉ nhớ được những từ chửi thề, những từ chỉ chức năng cơ thể và những câu ngăn ngắn ví dụ như: ngon lắm, dở ẹt và cô ta xấu thật. Chợt tôi nghĩ ra một kế khác: tôi giơ máy ảnh Polaroid lên, lấy ngón tay ngoắc ngoắc Lý Lý. Cô bé nhẩy tới ngay, một tay chống hông như kiểu các cô làm mẫu thời trang, ngực ưỡn ra và nhe hàm răng sữa ra cười với tôi. Tôi vừa chụp hình xong, bé đã đứng sát bên tôi, vừa nhảy tưng tưng vừa khúc khích cười khi thấy hình ảnh mình hiện lên trên tấm phim màu xanh.

Cho đến khi chúng tôi gọi xe taxi về khách sạn thì bé Lý Lý đã nắm chặt tay tôi kéo đi.

Trên xe, bà dì nói liên tục không nghỉ, do đó tôi không có dịp nào hỏi thăm bà về những quang cảnh đi ngang qua.

- Cháu viết thư bảo ghé thăm có mỗi một ngày, - bà dì bảo cha tôi, giọng lo lắng. - Mỗi một ngày! Làm sao cháu thăm gia đình trong có một ngày được chứ! Thiên San cách Quảng Châu nhiều giờ xe hơi. Thế mà cháu lại có ý gọi điện cho dì khi đến nơi. Thật là vớ vẩn. Dì có máy điện thoại đâu.

Tim tôi nao nao. Không biết dì Linh Đa có bảo hai chị tôi chúng tôi sẽ gọi điện từ khách sạn ở Thượng Hải không?

Bà dì tiếp tục mắng cha tôi: - Dì cuống cả lên, hỏi thằng con dì mà xem, đến độ sắp xáo tung trời đất lên để tìm ra cách giải quyết! Thế nên cả nhà quyết định cách tốt nhất là đón xe từ Thiên San đến Quảng Châu, và đón gặp cha tôi và tôi ngay từ đầu.

Tôi nín thở khi bác tài lách xe chạy giữa các xe tải và xe buýt, vừa chạy vừa bấm còi không ngừng. Dường như chúng tôi đang ở trên mấy cây cầu bắc qua thành phố dài dằng dặc và lưu thông tự do. Tôi trông thấy tầng tầng lớp lớp các căn hộ chung cư, tầng nào cũng đầy quần áo phơi ngoài ban công. Chúng tôi vượt qua một xe buýt công cộng đầy ngạt người đến độ mặt hành khách dán sát vào mặt cửa sổ. Rồi tôi thấy đường chân trời của khu vực kinh doanh của Quảng Châu. Từ xa, trông nó như một thành phố lớn của Mỹ, với cao ốc và các công trình xây dựng mọc lên khắp nơi. Khi xe chậm chậm đi vào khu buôn bán sầm uất của thành phố, tôi thấy hàng chục cửa hiệu nhỏ, bên trong tối om, hai bên là dãy quầy và kệ. Có một cao ốc đang xây dựng, mặt tiền đan những dàn giáo làm bằng các thân tre cột lại với nhau bằng dây ni lông, các nam nữ công nhân đứng trên những đầu tre nhỏ hẹp cạo vôi tường, họ làm việc mà không có dây đai an toàn hay mũ bảo hộ lao động gì cả.

Giọng the thé của bà dì lại cất lên: - Thật là uổng, cháu không về thăm làng, thăm nhà dì được. Các con trai dì bán rau quả trong thị trường tự do rất thành công. Vài năm gần đây, gia đình dì đã tích lũy đủ để xây một căn nhà lớn, ba tầng lầu, toàn bằng gạch mới, toàn thể gia đình dì và vài gia đình khác ở nữa cũng vẫn vừa. Mỗi năm lại kiếm khá tiền hơn. Đâu phải dân Mỹ các cháu mới biết làm giàu!

Xe taxi ngừng lại, và tôi nghĩ đã đến nơi rồi, thế nhưng khi ngó ra ngoài lại thấy một tòa nhà còn đồ sộ nguy nga hơn cả Dinh Hyatt - Ðây là Trung Hoa cộng sản sao? Tôi ngạc nhiên hỏi lớn, rồi lắc đầu quay sang cha. - Chắc là đến nhầm khách sạn rồi. - Tôi liền lôi ra sổ lộ trình, về du lịch và phiếu đăng ký khách sạn. Tôi đã chỉ thị rõ ràng cho người đại lý du lịch của mình chọn một khách sạn không đắt tiền, trong khoảng ba mươi đến bốn mươi lăm đô thôi. Tôi chắc chắn thế. Vậy mà sổ lộ trình lại ghi: Khách sạn Kỳ Viên. Ðến nước này thì lão đại lý ấy phải chuẩn bị thanh toán các phí tổn dôi ra đây.

Khách sạn Kỳ Viên thật là tráng lệ. Một anh bồi vận đồng phục, đội két mới cứng nhào ra mang hành lý của chúng tôi vào sảnh. Bên trong khách sạn trông như một rừng cửa hiệu hình vòm và nhà hàng làm toàn bằng kính và đá granite. Thay vì thán phục, tôi lại đâm lo về chi phí, lo rằng cái bề ngoài của khách sạn hẳn sẽ làm cho bà dì nghĩ rằng dân Mỹ giàu có chúng tôi không thể thiếu các tiện nghi xa xỉ, dù chỉ là một đêm.

Nhưng khi bước đến bàn đăng ký, chuẩn bị sẵn sàng để kỳ kèo về việc đặt phòng nhầm lẫn này, thì tôi biết rằng các phòng của chúng tôi đã được trả trước, mỗi phòng giá 34 đô la. Tôi sượng trân, còn bà dì và các người khác ra vẻ hết sức thích thú. Bé Lý Lý cứ mở tròn mắt nhìn cái quầy đầy các trò chơi điện tử.

Toàn thể gia đình tôi chen chúc vào một chiếc thang máy, anh bồi khách sạn vẫy tay chào chúng tôi, hẹn gặp lại ở tầng thứ 18. Cửa thang máy vừa sập lại, mọi người im lặng hẳn, và khi cánh cửa mở ra, tất cả đồng loạt lên tiếng như thở phào nhẹ nhõm. Tôi có cảm giác rằng bà dì cùng con cháu chưa hề đi một chuyến thang máy nào lâu như vậy.

Phòng chúng tôi sát bên nhau, và phòng nào cũng như phòng nấy. Thảm, màn cửa, khăn trải giường đều màu xám nâu.

Mỗi phòng có một ti vi màu với hộp điều khiển từ xa đặt luôn trong chiếc đèn để bàn giữa hai giường ngủ. Nền và tường phòng tắm lát đá cẩm thạch. Tôi thấy có một quầy rượu xây trong tường với một tủ lạnh nhỏ đựng đầy nhóc những lon bia Heineken, lon coca hiệu Classic, Seven up, những chai rượu nhỏ hiệu Johnie Walker nhãn đỏ, rum Bacardi, Vốtka Smirnof, sô cô la gói hiệu M&M’S, sô cô la thanh hiệu Cadbury và hạt điều rang mật. Một lần nữa tôi ngạc nhiên bật hỏi lớn: - Ðây là nước Trung Hoa Cộng sản sao?

Cha bước vào phòng tôi: - Họ quyết định chúng ta cứ ở trong phòng và họ sẽ qua thăm. - Cha nhún vai: Họ bảo thế sẽ đỡ phiền hơn. Và có nhiều thời gian trò chuyện hơn.

- Còn bữa tối thì sao? - nhiều ngày qua tôi đã tưởng tượng và hình dung ra bữa tiệc Trung hoa thực sự đầu tiên của mình. Một bữa tiệc linh đình với món xúp bốc khói đựng trong một quả bí ngô, gà nướng trui, vịt Thượng Hải và các món trang hoàng khác.

Cha tôi bước tới cầm lên một quyển sách gọi phục vụ dành cho mỗi phòng, đặt cạnh tạp chí “Du lịch thảnh thơi”. Ông lật nhanh các trang, rồi chỉ vào thực đơn:

- Họ muốn ăn thứ này đây.

Thế là xong. Tối nay chúng tôi sẽ dùng bữa tối tại phòng cùng với gia đình, ăn xăng-huýt cặp thịt, khoai tây chiên và bánh nhân táo có kem.

Bà dì cùng con cháu đi ngắm nghía các cửa hàng trong khi chúng tôi tắm rửa. Sau chuyến đi nóng bức trên xe lửa, tôi chỉ mong được tắm và thay quần áo mát.

Khách sạn cung cấp những túi gội đầu nhỏ, khi mở ra tôi thấy nó có màu hổ phách. Trung Hoa là đây này. Tôi xát một ít dầu lên mái tóc ướt của mình.

Ðứng dưới hoa sen, tôi nhận ra dường như trong nhiều ngày rồi, đây là lần đầu tiên tôi được ở một mình. Thế nhưng thay vì thấy thanh thản, tôi lại thấy cô đơn. Tôi nhớ lời mẹ nói về việc hoạt hóa các tế bào của mình để trở thành người Hoa. Mẹ nói thế nghĩa là gì nhỉ?

Ngay sau khi mẹ mất, tôi tự đặt cho mình vô vàn câu hỏi, những câu hỏi không thể có lời giải đáp, để buộc mình phải đau buồn nhiều hơn nữa. Làm như tôi muốn lưu giữ mãi nỗi đau thương để nhắc với lòng rằng tôi đã quan tâm tới mẹ sâu sắc.

Còn bây giờ tôi đặt câu hỏi vì muốn có câu trả lời. Món thịt heo trông giống như mạt cưa mà mẹ hay nấu là món gì? Bao năm qua mẹ đã mơ gì về hai người con gái thất lạc? Những khi mẹ giận điên lên vì tôi, có phải vì mẹ đang nghĩ đến họ không? Mẹ có ước mong tôi là họ? Mẹ có tiếc rằng tôi không là họ.

—★—

Một giờ sáng, tôi thức dậy vì nghe có tiếng gõ gõ trên cửa sổ. Chắc hẳn vì tôi đã thiếp đi và bây giờ thấy thân thể mình đang thư giãn. Tôi ngồi trên nền nhà, tựa vào giường. Bé Lý Lý nằm cạnh tôi. Các người khác cũng đang ngủ ngổn ngang trên giường, trên nền nhà. Bà dì ngồi ở chiếc bàn nhỏ, trông rất buồn ngủ. Cha tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, ngón tay gõ cọc cọc trên mặt kiếng. Trước khi chợp mắt, tôi nghe cha kể cho bà dì nghe cuộc đời của ông từ sau khi xa cách dì. Làm cách nào ông vào Đại học Hán kinh, sau đó làm việc trong một tòa soạn ở Trùng Khánh, nơi cha gặp mẹ, một góa phụ trẻ. Làm thế nào cha mẹ cùng nhau trốn về Thượng Hải cố tìm căn nhà của ngoại nhưng chẳng còn gì ở đó. Sau đó, cha mẹ đến Quảng Đông rồi lên Hồng Kông, Hải Phòng và cuối cùng đi San Francisco…

- Tố Uyên không nói cho cháu biết, bao nhiêu năm nay cô ấy cố tìm kiếm hai con gái của mình - giọng cha lặng lẽ - Lẽ tự nhiên, cháu không bàn bạc với vợ cháu về chuyện hai cô con gái. Cháu nghĩ vợ cháu xấu hổ vì đã bỏ con lại.

- Vợ cháu bỏ chúng ở đâu? - Làm cách nào mà người ta tìm ra chúng?

Tôi tỉnh như sáo, dỏng tai nghe, dù đã được bạn bè của mẹ cho biết vài phần của câu chuyện.

- Chuyện xảy ra khi quân Nhật chiếm Quế Lâm.

- Quân Nhật chiếm Quế Lâm à? Không thể thế được. Quân Nhật chưa bao giờ đến được Quế Lâm.

- Vâng, báo chí hồi đó tường thuật như vậy. Cháu biết điều này, vì khi ấy cháu đang làm việc cho một tòa soạn. Quốc Dân Đảng thường chỉ thị cho báo chí được loan tin gì và không được loan tin gì. Nhưng chúng cháu biết quân Nhật đã tràn đến tỉnh Quang Thi. Chúng cháu có những nguồn tin báo cho biết Nhật đã chiếm đường sắt Vũ Xương - Quảng Đông, kéo quân đến rất nhanh, tiến về phía thành phố chính của tỉnh. Bà dì lộ vẻ kinh ngạc - nếu dân chúng không biết thì làm cách nào Tố Uyên biết được quân Nhật sắp đến? - Cha giải thích:

- Một sĩ quan Quốc Dân Đảng bí mật báo tin cho vợ cháu biết. Chồng trước của Tố Uyên cũng là một sỹ quan và mọi người đều biết sĩ quan và gia đình họ sẽ là những người bị giặc giết đầu tiên. Thế nên vợ cháu bèn thu gom ít tài sản và nửa đêm bế hai con trốn đi. Hai đứa bé còn chưa đầy một tuổi.

- Sao vợ cháu lại bỏ hai đứa nhỏ cho được - Bà dì thở dài. - Lại là hai đứa con gái sinh đôi nữa chứ. Gia đình ta chưa hề được phúc đức nào như thế - Rồi bà lại ngáp dài, hỏi:

- Tên hai đứa nhỏ là gì - Tôi lắng tai nghe. Tôi định dùng đại từ quen thuộc “chị” để gọi cả hai người, bây giờ tôi muốn biết đích xác tên của hai chị.

- Chúng mang họ bố là Vương còn tên chúng là Xuân Vũ và Xuân Hoa.

- Tên đó nghĩa là gì?

- À, - Cha thôi vẽ những Hán tự tưởng tượng lên cửa sổ và giải thích bằng tiếng Anh: - “Xuân Vũ”, nghĩa là mưa xuân, còn “Xuân Hoa” nghĩa là hoa xuân; vì cả hai đều sinh cùng mùa xuân, và đương nhiên mưa đến trước hoa y như trật tự trước sau ra đời của hai đứa trẻ. Mẹ con giống như một nhà thơ vậy, con có nghĩ thế không?

Tôi gật đầu. Tôi thấy bà dì cũng gật đầu nữa. Nhưng đầu bà chúc xuống trước và gục luôn. Bà ngáy o o và ngủ thiếp đi.

- Tên mẹ nghĩa là gì? - Tôi thầm thì hỏi:

- Tố Uyên, - Cha viết những Hán tự rõ ràng hơn trên mặt kính. Viết theo chữ Hán có nghĩa là: ước mong hằng ấp ủ. Một cái tên rất cầu kỳ chứ không tầm thường như các loại hoa. Con nhìn mẫu tự đầu tiên này, nó có nghĩa gần như: “Mãi mãi chẳng bao giờ quên”. Nhưng có một cách viết Tố Uyên khác. Đọc thì y hệt, nhưng nghĩa thì hoàn toàn đối nghịch. - Ngón tay cha hoa lên một Hán tự khác. - Phần thứ nhất nhìn như nhau: “Chẳng bao giờ quên”. Nhưng phần cuối, thêm vào phần thứ nhất, làm cho toàn bộ chữ có nghĩa là: “Mối hận thù hằng nuôi dưỡng”. Khi mẹ tức cha, cha bảo đáng lẽ tên mẹ phải là “Thù” mới đúng.

Cha nhìn tôi mắt sũng nước. - Thấy cha khôn chưa nào? Tôi gật đầu, ước gì có cách nào an ủi cha. Tôi hỏi - Thế thì tên con, Linh Muội, nghĩa là gì?

- Tên con cũng là một tên đặc biệt. Cha không biết có tên Trung Hoa nào lại không đặc biệt? “Linh” không chỉ là tốt, mà còn là cái gì đó tinh khiết, tinh túy, tuyệt hảo, “Linh” là cái tính chất còn lại sau khi ta đã bỏ đi những tạp chất ra khỏi những thứ như vàng, gạo hay muối. Do đó, cái còn lại là tinh túy. Còn “Muội” là cái từ thông thường trong “tiểu muội”, có nghĩa là em.

Tôi lặng suy nghĩ. Mẹ hằng ấp ủ ước mong. Tôi là đứa em mà đáng lẽ phải là tinh hoa của hai chị. Lòng tôi lại dậy lên nỗi buồn cũ, hẳn mẹ phải thất vọng vì tôi lắm. Bà dì nhỏ bé đột nhiên trở mình, đầu quay quay rồi lại gục xuống, miệng hé ra như để trả lời câu hỏi của tôi. Bà lầu bầu rồi cuộn người trên ghế.

- Thế sao mẹ lại bỏ hai con còn nhỏ ngoài đường? - Tôi muốn biết, vì tôi thấy mình cũng đang bị bỏ rơi.

- Đã lâu lắm rồi cha cũng tự hỏi mình như vậy. Nhưng rồi cha đọc được lá thư của hai chị con ở Thượng Hải, rồi cha nói chuyện với dì Linh Đa và tất cả những người khác. Cha đã hiểu việc mẹ con làm không có gì là nhục nhã cả.

- Thế việc gì xảy ra?

- Mẹ con chạy trốn, - Cha bắt đầu.

- Không, cha kể bằng tiếng Hoa đi, - tôi ngắt lời, - Con có thể hiểu được mà.

Cha vẫn đứng ở cửa sổ, mắt nhìn vào bóng đêm, bắt đầu kể.

—★—

Sau khi trốn khỏi Quế Lâm, mẹ con đi bộ trong nhiều ngày, cố tìm ra chính lộ. Mẹ con định quá giang trên xe tải hay xe ngựa, xe bò gì đó để đến Trùng Khánh, nơi chồng đóng quân.

Mẹ con đã khâu tiền bạc nữ trang vào các đường may trong áo, số tiền đó mẹ nghĩ đủ để trả cho các chuyến xe đi suốt một đoạn đường. Mẹ nghĩ, nếu mình may mắn, mình sẽ không bán đi chiếc xuyến vàng lớn và chiếc nhẫn ngọc, vốn là nữ trang ngoại cho mẹ.

Cho đến ngày thứ ba, mẹ chưa bán thứ gì cả. Các con đường đầy nghẹt người, ai nấy đều chạy xin các xe tải ngang qua cho quá giang. Còn xe thì cứ phóng ào đi vì sợ không dám ngừng lại. Thế nên mẹ con chẳng lên được xe nào, mà chỉ thấy cơn đau khởi đầu của bệnh kiết lỵ nhói lên trong ruột.

Hai vai mẹ đau đớn vì hai đứa trẻ lắc lư trên chiếc địu. Hai bàn tay thì giộp lên xách hai valy da. Rồi chỗ giộp nứt ra và bắt đầu chảy máu, mẹ đành bỏ lại chiếc valy, chỉ còn giữ lương thực và một ít quần áo. Rồi sau đó, mẹ cũng đành quăng đi bao gạo, bao bột mì và tiếp tục đi mãi như thế nhiều dặm nữa, vừa đi vừa hát ru hai con, cho đến khi mẹ hoảng hốt vì sốt và đau đớn.

Cuối cùng, mẹ con không nhấc nổi một bước chân. Mẹ không còn đủ sức để địu hai đứa con thêm nữa. Mẹ ngã gục xuống bên đường. Mẹ biết mẹ sẽ chết vì bệnh, hay vì đói khát, hay vì giặc Nhật, mà mẹ biết chắc đang tràn đến ngay sau lưng.

Mẹ bế hai đứa trẻ ra khỏi địu, đặt chúng ngồi xuống bên đường, rồi nằm xuống bên cạnh con. Mẹ con bảo hai đứa nhỏ rất ngoan không khóc. Chúng cười với mẹ con, đưa đôi tay mũm mĩm ra ôm mẹ đòi bế nữa. Khi ấy mẹ con biết mình không thể nào đành lòng nhìn hai con thơ chết theo mình.

Mẹ con trông thấy một gia đình với ba đứa trẻ trên một chiếc xe bò đi ngang. Mẹ khóc lóc cầu xin họ. - Lạy ông bà, xin mang hai đứa nhỏ con tôi với… Nhưng họ chỉ nhìn lại, đôi mắt trống rỗng vô cảm, chẳng ngừng bước.

Mẹ thấy một người khác nữa đi ngang qua, bèn cất tiếng gọi, lần này một người đàn ông quay lại, mặt ông ta thật là kinh khủng… Mẹ con bảo, trông người ấy thật như Thần chết - đến độ làm mẹ run rẩy phải nhìn lảng đi chỗ khác.

Khi đường đã vắng người, mẹ con xé mấy đường may trong áo ra, lấy nữ trang nhét vào dưới áo một đứa nhỏ và tiền nhét vào áo đứa kia. Mẹ móc túi lấy ra mấy bức hình của gia đình ngoại, của ông bà ngoại, hình mẹ con và chồng trong ngày cưới. Rồi mẹ viết sau lưng mỗi tấm hình tên hai đứa con và dòng chữ này: “Làm ơn lấy số tiền và nữ trang này chăm sóc cho hai đứa bé. Khi tình hình an ninh, xin mang chúng đến Thượng Hải, số 9 Hoa Chân Lư, Lý gia chân thành hậu tạ. Lý Tố Uyên và Vương Phúc Kỳ.

Rồi mẹ con vuốt má hai đứa nhỏ, dỗ chúng bảo đừng khóc. Mẹ sẽ đi xuống phố tìm thức ăn cho chúng và sẽ trở lại. Rồi không dám nhìn lại, mẹ con ra đi, vừa khóc vừa lảo đảo té, trong đầu chỉ còn niềm hy vọng cuối cùng rằng một người nhân hậu nào đó sẽ gặp hai đứa trẻ và săn sóc chúng. Mẹ không dám tưởng tượng ra bất cứ điều gì khác.

Mẹ con không nhớ mình đã đi bao xa, đã đi hướng nào, lả đi khi nào và người ta đã nhặt được mẹ ra sao. Khi bừng tỉnh, mẹ thấy mình đang nằm sau một chiếc xe tải chạy nẩy lên nẩy xuống với nhiều người bệnh khác nữa đang rên rỉ. Mẹ thét lên vì nghĩ mình đang trên đường xuống địa ngục; gương mặt của bà truyền giáo người Mỹ cúi xuống bên mẹ mỉm cười và dỗ dành mẹ bằng một ngôn ngữ êm dịu mà mẹ không hiểu. Thế nhưng mẹ hiểu được rằng mẹ đã được cứu sống và giờ thì đã quá muộn không thể quay lại cứu hai con thơ được nữa.

Khi đến Trùng Khánh, mẹ con mới biết chồng vừa mất cách đó hai tuần. Về sau mẹ kể cho cha nghe rằng khi các sĩ quan báo cho mẹ tin này mẹ đã phá lên cười, cười như điên như dại. Gian khổ đi bao nhiêu dặm đường, mất mát bao nhiêu, rồi đói khát, bệnh tật, để rồi chẳng tìm được gì cả.

Cha gặp mẹ con trong một bệnh viện. Mẹ đang nằm trên một chiếc chõng nhỏ, gần như bất động, bệnh kiết lỵ đã làm thân thể mẹ hao gầy, cha vào bệnh viện chữa một ngón chân bị cắt đứt vì mảnh đá rơi. Mẹ con nằm nói chuyện lầm thầm với chính mình.

- Hãy nhìn chiếc áo này, - mẹ bảo, và cha thấy mẹ mặc chiếc áo khá lạ thường so với thời chiến. Nó bằng sa tanh lụa, rất dơ, nhưng rõ ràng là một chiếc áo đẹp.

- Hãy nhìn gương mặt này, - mẹ bảo, và cha thấy mặt mẹ đầy bụi, đôi má tóp rọp, nhưng đôi mắt long lanh nhìn đáp lại, - Ông có thấy niềm hy vọng ngu xuẩn của tôi không?

- Tôi nghĩ tôi đã mất tất cả, trừ hai thứ này, - mẹ thầm thì, - và tôi tự hỏi không biết tôi sẽ mất thứ gì kế tiếp đây? Chiếc áo hay hy vọng? Hy vọng hay chiếc áo?

- Còn bây giờ hãy nhìn xem việc gì đang xảy ra này, - mẹ con cười nói, như thể mọi lời cầu nguyện của mẹ đã được chứng giám. Và mẹ con bứt tóc khỏi da đầu dễ dàng như người ta nhổ mạ non khỏi đất ướt.

Một bà nhà quê đã tìm thấy hai đứa trẻ. - Làm sao bà cầm lòng cho đậu chứ? - Khi hai chị con lớn lên, bà đã thuật chuyện và nói với hai chị con như vậy. Hai chị con khi ấy vẫn ngồi ngoan ngoãn gần nơi mẹ con bỏ lại, trông như hai cô công chúa nhỏ đợi kiệu đón về.

Người đàn bà nhà quê - Mỹ Thanh và chồng bà - Mỹ Hàn - sống trong một cái hang đá. Có hàng ngàn hang đá như thế trong và quanh tỉnh Quế Lâm. Chúng kín đáo đến độ người ta cứ ẩn mãi trong đó ngay cả sau khi chiến tranh đã chấm dứt. Vợ chồng họ Mỹ cứ vài ngày lại ra khỏi hang lục lạo tìm kiếm thức ăn còn rơi vãi trên đường, và đôi khi họ bắt gặp những thứ mà cả hai đều đồng ý là nếu bỏ lại tiếc lắm. Có hôm họ mang về hang một bộ ấm chén kiểu vẻ thật tao nhã, ngày khác lại tha theo một chiếc ghế đẩu bọc nệm nhung và chiếc chăn cưới mới. Và một ngày nọ, họ bắt gặp hai chị của con.

Vốn là những người Hồi giáo sùng đạo, họ tin trẻ sinh đôi là một điều may mắn gấp bội. Buổi tối hôm đó khi khám phá những tài sản quí giá trong người hai đứa trẻ, họ lại càng tin tưởng điều đó hơn nữa. Vợ chồng họ Mỹ chưa hề trông thấy nhẫn, kiềng đẹp như vậy. Họ chiêm ngưỡng các tấm hình chụp và biết hai đứa bé xuất thân từ một gia đình nề nếp, nhưng cả hai chẳng ai biết đọc biết viết cả. Mãi nhiều tháng sau, bà Mỹ Thanh mới tìm được người đọc giùm những dòng chữ viết sau lưng các tấm hình chụp. Lúc ấy, bà đã thương yêu hai bé gái như con ruột của mình.

Năm 1952, ông Mỹ Hàn mất. Hai đứa trẻ sinh đôi đã tám tuổi và bà Mỹ Thanh quyết định đã đến lúc tìm kiếm gia đình ruột thịt của hai chị con.

Bà đưa cho hai bé gái xem hình mẹ ruột và bảo chúng được sinh ra trong một gia đình giàu có, bà sẽ đưa chúng về gặp mẹ ruột và ông bà ngoại. Mỹ Thanh có nói cho hai chị con về món tiền thưởng nhưng thề sẽ không nhận. Bà rất yêu hai trẻ, bà chỉ muốn chúng được hưởng những gì chúng được quyền hưởng - một cuộc sống tốt hơn, một ngôi nhà đẹp, được học hành. Gia đình có thể sẽ để lại bà như á mẫu của hai trẻ. Phải, bà chắc chắn họ sẽ ép bà ở lại.

Đương nhiên là khi bà tìm được địa điểm số 9, đường Hoa Chấn Lư trong khu tô giới Pháp thì nó đã hoàn toàn khác xưa. Nơi đó, bây giờ là một nhà máy vừa dựng lên và chẳng có công nhân nào biết về cái gia đình sống trong căn nhà bị cháy rụi, tại địa điểm đó.

Và lẽ đương nhiên, bà Mỹ Thanh không thể biết là mẹ con và cha, người chồng mới, đã quay lại cùng nơi đó năm 1945, với hy vọng tìm kiếm vừa gia đình lẫn hai đứa con của mẹ.

Cha mẹ sống ở Trung Hoa cho đến năm 1947. Cha mẹ đi đến nhiều thành phố khác nhau - quay lại Quế Lâm, đến Trường Sa, xuống tận Côn Minh ở phía Nam. Mẹ lúc nào cũng đảo mắt nhìn những trẻ sinh đôi, rồi tìm những bé gái. Sau đó, cha mẹ đi Hồng Kông, và cuối cùng đi Hoa Kỳ năm 1949; cha nghĩ đến khi lên thuyền mẹ con vẫn tiếp tục tìm kiếm. Nhưng khi đến nơi, mẹ không còn nói gì về hai đứa con nữa. Cha nghĩ, cuối cùng thì chúng đã chết trong tim mẹ con.

Khi thư từ được phép công khai trao đổi giữa Trung Hoa và Mỹ, mẹ con liền viết ngay đến bạn bè ở Quế Lâm và Thượng Hải. Cha không biết mẹ con làm việc đó. Dì Linh Đa đã kể cho cha biết. Nhưng dĩ nhiên đến lúc đó mọi tên đường đã thay đổi. Bạn bè mẹ người thì mất, người thì dời đi nơi khác. Do đó, phải mất nhiều năm mới tìm được một mối liên lạc. Khi mẹ con tìm được địa chỉ một người bạn học cũ và viết thư nhờ bà ta tìm hai con gái cho mình, bà ta hồi âm, bảo việc đó cũng như mò kim đáy bể. Làm sao mẹ còn biết hai người con gái hiện ở Thượng Hải mà không ở nơi nào khác trên đất nước Trung Hoa? Người bạn ấy dĩ nhiên đã không hỏi: sao mẹ con biết chúng vẫn còn sống?

Thế nên người bạn học ấy đã không đi tìm. Việc tìm kiếm trẻ con thất lạc trong chiến tranh chỉ là một điều tưởng tượng điên rồ, và bà ta không có thì giờ làm chuyện đó.

Thế nhưng mỗi năm mẹ con vẫn viết thư cho những người quen khác nhau. Và năm ngoái này, trong đầu mẹ con đã lóe lên một dự định to lớn là trở về Trung Hoa để đích thân tìm kiếm hai con. Cha nhớ mẹ con bảo: - Ông Cẩm Ninh à, chúng ta phải trở về trước khi quá muộn, trước khi chúng ta già quá. Cha bảo mẹ con: chúng mình đã quá già, và đã quá muộn rồi.

Lúc ấy cha chỉ nghĩ mẹ con muốn về Trung Hoa du lịch! Cha không biết mẹ muốn tìm kiếm hai đứa con. Thế nên khi cha bảo đã quá muộn rồi, câu nói ấy chắc hẳn đã gieo vào đầu mẹ con một ý nghĩ kinh khủng là hai đứa con của mẹ có lẽ đã chết rồi. Cha nghĩ nỗi lo sợ ấy lớn mãi trong đầu mẹ, cho đến khi nó giết chết mẹ con.

Có lẽ chính hương hồn của mẹ con đã dẫn đường cho người bạn học của mẹ ở Thượng Hải tìm ra hai người con gái. Sau khi mẹ con mất, bà ấy tình cờ nhìn thấy hai chị con, trong khi đang mua giày ở cửa hiệu bách hóa số 1 trên đường Nam Kinh Đông. Bà ta bảo y hệt như một giấc mơ, bà thấy hai phụ nữ giống nhau như tạc cùng đi xuống thang lầu. Trên gương mặt họ có phảng phất nét gì đó gợi bà ta nhớ đến mẹ con.

Bà ta vội bước đến, gọi tên họ, nhưng đương nhiên là thoạt đầu hai người không nhận ra, vì bà Mỹ Thanh đã đổi tên cho họ. Người bạn mẹ con, tuy vậy lại chắc chắn lắm, bà hỏi dồn: - Hai cô là Vương Xuân Vũ và Vương Xuân Hoa phải không? Rồi hai phụ nữ giống nhau như hai giọt nước ấy cuống quít lên, họ đã nhớ cái tên viết trên mặt một bức hình cũ, bức hình chụp một cặp vợ chồng trẻ mà họ vẫn kính trọng như thân sinh thương yêu của mình, những người đã mất mà linh hồn vẫn còn vất vưởng trên trần thế để tìm con.

—★—

Đến phi trường, tôi mệt lả người. Đêm qua tôi không ngủ được. Bà dì đã theo vào phòng tôi lúc ba giờ sáng và bà nằm lăn ra giường ngủ ngay, ngáy vang như sấm rền. Tôi nằm thao thức suy nghĩ về câu chuyện của mẹ, ôi biết bao nhiêu điều trước đây tôi chẳng hề biết về mẹ, đau buồn biết bao chị em tôi đã mất mẹ.

Bây giờ đứng đây, tại phi trường, sau khi bắt tay và chào tạm biệt tất cả mọi người, tôi nghĩ đến tất cả những cách chia tay khác nhau trên đời này. Vui vẻ vẫy tay chào tạm biệt tại sân bay, nhưng biết sẽ chẳng bao giờ gặp lại. Bỏ lại trên đường mà lại hy vọng có lúc tao phùng. Tôi tìm thấy mẹ trong câu chuyện của cha và nói từ biệt trước khi có cơ hội biết rõ mẹ hơn.

Bà dì mỉm cười với tôi trong khi chúng tôi chờ đợi người ta gọi vào cổng. Bà già quá. Tôi quàng một tay ôm bà, một tay ôm bé Lý Lý. Dường như cả hai cùng một cỡ. Phút chia ly đã đến, khi vẫy tay chào lần cuối, bước vào khu vực chờ đợi, tôi cảm thấy như mình đang đi từ một tang lễ này sang một tang lễ khác. Tay tôi nắm chặt hai chiếc vé đi Thượng Hải. Hai giờ nữa cha con tôi sẽ đến đó.

Máy bay cất cánh. Tôi nhắm mắt lại. Làm thế nào tôi diễn tả cho hai chị nghe về cuộc đời của mẹ bằng tiếng Hoa tồi tệ của mình?

—★—

- Dậy con, đến nơi rồi, - cha tôi gọi. Tôi hốt hoảng bừng tỉnh, tim đập thình thịch. Tôi nhìn ra cửa sổ thấy máy bay đã đáp xuống phi đạo. Ngoài trời xám xịt.

Tôi bước xuống thang máy bay, đặt chân lên mặt nhựa đường và tiến về tòa nhà. Giá mà mẹ còn sống để bước đến phút hội ngộ này. Tôi hồi hộp đến độ như đi trên mây, đôi chân không còn cảm giác cất bước nữa.

Tiếng ai đó hét lên: - Cô ấy đến kìa! - Rồi tôi trông thấy chị. Tóc ngắn. Nhỏ nhắn. Vẫn cùng một nét mặt. Chị lấy hai bàn tay bịt miệng và khóc nức nở như thể vừa trải qua một thử thách kinh khủng và nay vui mừng nó đã chấm dứt.

Tôi biết đó không phải là mẹ tôi, thế nhưng chị có cùng một vẻ mặt của mẹ khi tôi lên năm tuổi. Hôm đó tôi biến mất tăm suốt cả buổi chiều đằng đẵng đến nỗi mẹ ngỡ là tôi đã chết rồi. Khi tôi hiện ra như một phép lạ, mặt ngái ngủ, bò từ dưới gầm giường ra, mẹ vừa cười, lại vừa khóc, mẹ cắn vào mu bàn tay mình để chắc rằng mình không mơ.

Giờ đây tôi lại trông thấy hình ảnh cũ của mẹ, mà đến hai kia chứ, đang vẫy vẫy chào tôi, một bàn tay cầm bức hình Polaroid tôi gởi đến cho hai chị. Tôi vừa ra khỏi cổng, ba chị em tôi chạy ào đến ôm nhau, quên hết mọi phân vân mong đợi.

- Mẹ ơi! Mẹ ơi! - ba chị em tôi thầm thì gọi, tựa như mẹ đang ở giữa chúng tôi.

Hai chị nhìn tôi tự hào. Một chị hãnh diện bảo chị kia: - Tiểu muội đã khôn lớn rồi - Tôi nhìn lại gương mặt hai chị và không thấy một đường nét nào của mẹ trên đó cả. Thế nhưng hai chị trông vẫn rất thân quen. Bây giờ tôi đã biết phần nào trong tôi là Trung Hoa. Điều đó quá rõ ràng. Nó chính là gia đình tôi. Nó nằm trong huyết quản của chúng tôi. Sau bao nhiêu năm, cuối cùng nó mới có thể thoát ra.

—★—

Ba chị em tôi đứng quàng tay ôm nhau, vừa cười vừa lau nước mắt cho nhau. Đèn “flash” của máy Polaroid vừa tắt, cha đưa cho tôi tấm hình chụp. Chị em tôi im lặng cùng nôn nóng đợi hình ảnh hiện lên.

Mặt phim màu xanh xám chuyển sang màu sắc rực rỡ của ba hình ảnh chị em tôi, vừa làm rõ màu vừa làm sắc nét cùng một lúc. Và dù không nói ra, tôi biết tất cả chị em tôi đều thấy một điều: chúng tôi thảy đều giống mẹ. Cũng đôi mắt của mẹ, cái miệng của mẹ, đang mở ra, ngạc nhiên, nhìn mong ước hằng ấp ủ của mình.