Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời

Chương 8

Trong mười ngày tiếp sau sự xuất hiện của bài kèm bức ảnh của tôi trên tạp chí Brutus, ở quán bar tôi được nhiều người đến gặp hơn hẳn. Bạn cũ cấp hai và cấp ba. Thoạt đầu, mỗi khi đi vào một quầy báo và nhìn thấy hàng chồng tạp chí, tôi lại tự hỏi có thể đọc được hết chúng từ đầu đến cuối. Nhưng, như tôi nhận thấy, qua bài báo được đăng trên Brutus đóm phần lớn mọi người đọc các tạp chí chăm chú hơn là tôi nghĩ. Ở mọi nơi, hiệu cắt tóc, trên tàu, ở ngân hàng, quán cà phê, ai cũng cầm trên tay một tờ báo mở sẵn, rồi say sưa tập trung vào đó. Hoặc có thể chỉ đơn giản là họ tóm lấy tất cả những gì rơi vào tay vì sợ phải ngồi không.

Gặp lại những người bạn cũ không phải là một chuyện rất vui vẻ. Không phải vì nhắc lại thời xa xưa tươi đẹp với họ thì không dễ chịu. Cả tôi, tôi cũng cảm thấy nuối tiếc khi gặp lại bạn bè hồi đó. Họ cũng rất mừng khi gặp lại tôi. Nhưng, xét đến cùng, không có chủ đề câu chuyện nào của họ làm tôi quan tâm. Biết được những gì đang xảy ra ở thành phố tỉnh lẻ thời niên thiếu của tôi, hay biết được bạn bè cùng lớp bây giờ như thế nào hoàn toàn không phải là những mối bận tâm của tôi. Quá nhiều thời gian và không gian từ nay đã chia cắt tôi với con người mà tôi từng là. Và rồi, sự hiện diện của họ khiến tôi không thể không nghĩ đến Izumi. Mỗi lần nghe nói đến thành phố ngày xưa, hình ảnh đó lại xuất hiện trong tâm trí tôi. “Cô ấy không xinh đẹp một chút nào nữa”, anh bạn tôi đã nói. “Cô ấy làm bọn trẻ con sợ…” Hai câu nói đó vang vọng trong đầu tôi. Và cả việc Izumi không chịu tha thứ cho tôi nữa.

Sau khi in bài báo đó, tôi thấy tiếc là mình đã quá nhẹ dạ đồng ý trả lời phỏng vấn vì nghĩ việc đó sẽ giúp quảng cáo cho mấy cái quán của tôi. Nhất là tôi không được là, đã không phải chịu chút đau đớn nào, tôi lại còn thành công lớn nữa?

Cuối cùng, sau một tháng, những cuộc viếng thăm giảm dần. Đó là mặt tốt của báo chí: bạn trở nên nổi tiếng trong nháy mắt, và bị lãng quên cũng nhanh chóng như thế. Cuối cùng tôi cũng cảm thấy được nhẹ nhõm. Ít nhất thì tôi cũng không có tin gì của Izumi. Có vẻ như là cô không đọc Brutus.

Tuy nhiên, một tháng rưỡi sau khi bài báo được in, vào đúng lúc tôi đã bắt đầu thật sự quên đi câu chuyện đó, có cuộc viếng thăm cuối cùng của bạn cũ: Shimamoto-san.

Một tối thứ Hai đầu tháng Mười một, cô đến gặp tôi tại một trong hai câu lạc bộ. Robin’s Nest (đặt tên cho một bản nhạc jazz mà tôi rất thích). Cô ngồi lặng lẽ ở quầy bar, gọi một ly Daiquiri. Tôi ngồi cách cô ba ghế, rất gần, nhưng còn chưa biết rằng đó là Shimamoto-san. Tôi chú ý ngay đến người khách lần đầu tiên thấy đến quán. “Chà, một phụ nữ đẹp”, tôi tự nhủ. Nếu cô từng đến đây, chắc chắn tôi phải nhớ mặt cô: đó không phải loại phụ nữ khiến người ta có thể hững hờ. “Hẳn là cô ta đang chờ ai đó.” Dĩ nhiên là thỉnh thoảng cũng có phụ nữ đi một mình đến quán bar. Họ chờ đợi, thậm chí một số còn hy vọng, được đàn ông nói chuyện cùng. Chỉ cần nhìn là biết. Nhờ kinh nghiệm, tôi biết rằng một phụ nữ thật sự xinh đẹp không bao giờ uống rượu một mình trong một quán bar. Bởi vì những người phụ nữ đẹp không thật sự thích bị người lạ bắt chuyện. Đơn giản là việc đó làm họ chán.

Vì thế tôi không chú ý lâu đến người khách đó. Tôi nhận ra khi cô đến, rồi chỉ thỉnh thoảng nhìn về phía cô. Cô trang điểm rất kín đáo và ăn mặc thanh lịch, quần áo đắt tiền: áo len Cachemire màu be trên một chiếc váy lụa màu xanh. Một cái áo len mảnh và nhẹ đến mức có thể nghĩ là một làn da thứ hai. Trên quầy đặt một túi xách cùng tông màu với váy. Tôi không thể đoán được tuổi cô. Cô đang ở độ tuổi lý tưởng, tôi chỉ có thể tìm được cách nói đó.

Cô có một vẻ đẹp mê hồn, nhưng không có vẻ gì là một diễn viên hoặc người mẫu. Những người đó không đến các quán bar của tôi, và xung quanh họ luôn lơ lửng một bầu không khí đặc biệt, tạo ra bởi ý thức về cái nhìn của người khác đặt lên mình. Người phụ nữ này khác hẳn. Cô ung dung một cách tự nhiên, thoải mái với những gì vây quanh mình. Một khuỷu tay đặt trên quầy, tay chống cằm, cô nghe nhóm tam tấu chơi nhạc và uống từng ngụm nhỏ  cocktail như thể đang dừng lại ở một trang sách hay. Thỉnh thoảng cô nhìn về phía tôi. Tôi cảm thấy một cách cụ thể một cái nhìn đặt lên mình. Tuy nhiên, tôi không sao tưởng tượng nổi rằng người phụ nữ đó thực sự nhìn tôi.

Như thường lệ tôi mặc một bộ comlê và đeo cà vạt. Cà vạt và áo sơ mi Armani, comlê Soprani Uomo và giày Rossttti. Tuy thế, tôi không thuộc loại người quá bận tâm đến ăn mặc. Về cơ bản, tôi thấy thật lố bịch khi tiêu nhiều tiền vào quần áo hơn cần thiết. Khi  bình thường, tôi chỉ cần một chiếc quần jeans và một cái áo pull. Nhưng tôi cũng có một triết lý cá nhân nho nhỏ: khi quản lý một quán bar, cần phải ăn mặc theo cách mình thích khách hàng cũng như vậy. Điều đó cho phép tôi tạo ra một sự căng thẳng nhất định lên khách hàng và người làm của tôi. Vì vậy, mỗi tối khi đến câu lạc bộ, tôi lại mặc một bộ comlê hiệu và đeo một chiếc cà vạt.

Tôi nếm các loại cocktail, quan sát khách hàng, nghe các nhạc công chơi nhạc. Tối đó, quán khá đông vào đầu buổi tối, nhưng, từ chín giờ, cơn mưa đuổi bớt khách đi. Mười giờ, tôi đã có thể đếm được số bàn còn khách. Người phụ nữ lạ mặt ở quầy bar vẫn im lặng uống cốc Daquiri của mình. Tôi bắt đầu để ý nhiều đến cô: rõ ràng là cô không chờ đợi ai, vì cô không nhìn đồng hồ, cũng không chốc chốc nhìn ra cửa.

Khoảng mười một giờ, cô cầm lấy túi xách và xuống khỏi ghế. Nếu cô muốn đi về bằng tàu điện ngầm, thì quả thật đã đến giờ phải đi. Tuy nhiên, cô không đi ra cửa: cô tiến thẳng về phía tôi như không có gì xảy ra và ngồi xuống cạnh tôi. Một mùi hương nhẹ nhàng tỏa ra xung quanh cô. Khi đã ngồi xuống ghế, cô mở túi lấy ra một bao Salem, đặt một điếu lên môi. Tôi mơ hồ theo dõi những cử chỉ của cô bằng khóe mắt.

-Quán dễ chịu thật, cô nói với tôi.

Tôi ngẩng đầu khỏi quyển sách và ngạc nhiên nhìn cô. Nhưng vào lúc đó, tôi cảm thấy một cú sốc. Không khí trong phổi tôi như thể đột nhiên nặng trĩu. Tôi nghĩ đến lực hút. Có phải nó lại một lần nữa tác động lên tôi?

-Cám ơn, tôi trả lời, nghĩ rằng hẳn là cô đã đoán ra tôi là người quản lý. Rất vui vì cô thích.

-Vâng, tôi rất thích, cô khẳng định và nhìn thẳng vào mắt tôi, môi nở một nụ cười.

Cô có một nụ cười rất đẹp: cặp môi mở rộng, những nếp nhăn duyên dáng hiện ra ở khóe mắt. Nụ cười đó mơ hồ nhắc tôi nhớ đến một điều gì đó.

-Tôi cũng rất thích nhạc, cô chỉ chiếc đàn piano nói thêm. Nhân tiện, anh có lửa không?

Tôi không có bật lửa hay diêm trên người. Tôi hỏi người coi quầy bar và tự tay châm lửa cho cô.

-Cám ơn, cô nói.

Tôi nhìn khuôn mặt cô và cuối cùng đã nhận ra cô là ai.

-Shimamoto-san, tôi lẩm bẩm, miệng khô khốc.

-Mất bao lâu cậu mới nhận ra tớ, cô nhận xét giọng vui vẻ sau khi im lặng một lúc. Tớ đã nghĩ là cậu còn không nhớ nổi tên tớ cơ.

Tôi ngắm nhìn cô, câm lặng, như thể trước mắt tôi là một thứ dụng cụ chính xác cực kỳ hiếm đã từng nghe ca ngợi rất nhiều mà chưa bao giờ được nhìn thấy. Đúng là cô, Shimamoto-san. Nhưng tâm trí tôi vẫn chưa thể tiêu hóa nổi điều đó. Tôi đã nghĩ đến cô quá thường xuyên. Và rồi tôi đã luôn chắc rằng sẽ không bao giờ gặp lại cô.

-Tớ rất thích bộ comlê của cậu, cô nhận xét, rất hợp với cậu đấy.

Tôi gật đầu không nói gì. Tôi không chắc có thể nói năng bình thường được.

-Xem nào, Hajime, cậu đẹp trai hơn trước đấy. Và cũng vững chãi hơn.

Cuối cùng tôi cũng bắt đầu nói được.

-Nhờ bơi lội đấy. Tớ bắt đầu khi học cấp hai, và từ đó vẫn tiếp tục.

-Tớ vẫn luôn nghĩ là sẽ rất thích nếu biết bơi.

-Ai cũng có thể bơi được thôi, chỉ cần học…

Nói xong tôi mới nhớ đến cái tật ở chân của cô. “Mình đang lảm nhảm gì thế này?” tôi nghĩ. Bối rối, tôi muốn nói thêm điều gì đó để lái câu chuyện theo hướng khác nhưng không tìm được lời nào. Tôi nhét một tay vào túi quần để tìm thuốc lá. Rồi tôi nhớ ra mình đã bỏ hút thuốc được năm năm rồi.

Shimamoto-san im lặng quan sát tôi. Cô giơ tay gọi người phục vụ quầy, gọi thêm 1 ly Daiquiri. Khi yêu cầu cái gì đó, lúc nào cô cũng nở một nụ cười thật tươi. Một nụ cười đẹp tỏa rạng khiến ai cũng muốn mang đến cho cô một cái khay đựng tất cả những gì có ở xung quanh. Một người phụ nữ khác cười như thế hẳn sẽ làm người ta khó chịu lắm, nhưng có vẻ như cô cuốn hút được mọi người vào nụ cười của mình.

-Còn cậu, cậu vẫn mặc màu xanh nhỉ, tôi nhận xét.

-Ừ. Lúc nào tớ cũng thích màu đó. Cậu nhớ tốt đấy.

-Tớ nhớ tất cả những gì liên quan đến cậu, nói chung là vậy. Cách cậu gọt bút chì, cho bao nhiêu viên đường vào trà.

-Bao nhiêu?

-Hai.

Cô hơi nheo mắt để nhìn tôi rõ hơn.

-Xem nào, Hajime, tại sao hôm đó cậu đi theo tớ lâu thế? Cách đây tám năm ấy.

Tôi buông một tiếng thở dài.

-Tớ không chắc đó là cậu. Cách bước đi thì đúng là của cậu, nhưng tớ có cảm giác đó là một người khác. Tớ không sao chắc chắn được. Chính vì thế mà tớ cứ đi theo cậu mãi. Cuối cùng thì tớ không chỉ muốn đi theo mà còn tìm một cơ hội để nói chuyện với cậu.

-Nhưng tại sao cậu không làm thế? Tại sao không hỏi thẳng tớ liệu có phải là tớ không? Đơn giản hơn biết bao.

-Chính tớ cũng không biết tại sao lại cư xử như vậy, tôi thành thực trả lời. Nhưng tớ không thể làm thế được vào lúc đó. Tớ sẽ không thể nói được lời nào.

Cô hơi cắn môi.

-Tớ không nhận ra ngay đó là cậu. Khi biết mình bị theo dõi, tớ đã rất sợ. Thật đấy, tớ sợ lắm. Nhưgn sau khi lên taxi, khi các cảm xúc đã lắng xuống, ý nghĩ đó là cậu chạy qua đầu tớ.

-Cậu biết không, Shimamoto-san, hôm đó, đã có người đưa cho tớ một cái phong bì. Tớ không biết quan hệ của ông ấy và cậu như thế nào, nhưng tớ…

Cô đặt ngón tay trỏ lê môi tôi. Rồi lắc đầu như muốn nói: “Đừng nói những chuyện đó nữa. Xin cậu đấy, đừng bao giờ nói với tớ về chuyện đó nữa.”

-Cậu lấy vợ chưa? Cô hỏi tôi để chuyển sang chuyện khác.

-Rồi, tớ có hai con gái. Vẫn còn nhỏ.

-Tốt đấy. Con gái hợp với cậu hơn; không giải thích được, nhưng tớ cảm thấy thế.

-Thế ư?

-Đúng, một điều không thể giải thích, cô mỉm cười nói. Thế ra là cậu đã lo liệu để con cậu không phải là “con một”?

-Tớ có định thế đâu. Mọi chuyện chỉ diễn ra thế thôi.

-Có hai con gái thì như thế nào nhỉ?

-Lạ lắm. Ở trường mẫu giáo mà con lớn của tớ học, hơn một nửa là con một. Không còn giống như thời của chúng ta nữa. Ngày nay ở thành phố đó đã trở thành một chuẩn mực.

-Chúng ta sinh quá sớm!

-Có thể lắm, tôi cười. Có thể là thế giới đã tiến lại gần chúng ta. Nhưng khi nhìn hai đứa con gái của tớ chơi với nhau ở nhà, tớ cảm thấy rất lạ. Tớ tự nhủ: “Thế ra người ta có thể được nuôi dạy như thế.” Còn tớ, khi còn nhỏ, lúc nào tớ cũng chơi một mình, và tớ cứ nghĩ đứa trẻ nào cũng thế.

Các nhạc công vừa chơi xong bản Corcovado, trong phòng vang lên vài tiếng vỗ tay lẻ tẻ. Lúc nào cũng như vậy, sau nửa đêm: nhạc trở nên gần gũi hơn, và một mối liên hệ hình thành giữa các nhạc công và người nghe. Người chơi dương cầm uống một ly vang đỏ giữa hai bản nhạc, tay trống hút một điếu thuốc.

Shimamoto-san uống một ngụm cocktail.

-Cậu biết không, Hajime, thật tình tớ đã do dự rất nhiều trước khi đến đấy. Trong hơn một tháng. Tớ biết một cách thật tình cờ, khi đọc một tờ tạp chí, rằng cậu là chủ một quán bar ở đây. Thoạt tiên, tớ nghĩ là có nhầm lẫn gì đó. Tớ chưa bao giờ tưởng tượng ra cậu là quản lý quán bar. Nhưng đúng là tên cậu, và tớ cũng nhận ra mặt cậu nữa. Hajime, người bạn hàng xóm hồi nhỏ của tớ! Điều đó làm tớ cảm thấy tiếc nuối lắm, tớ vô cùng vui vì được gặp lại cậu, dù chỉ là qua một bức ảnh. Nhưng tớ tự hỏi không biết đến đây gặp cậu có phải là một ý hay không. Có vẻ như là không gặp lại thì tốt hơn cho cả cậu và tớ. Tớ nghĩ “Chẳng phải là đã đủ khi qua bài báo này mình biết được là cậu ấy sống rất ổn sao?”

Tôi im lặng lắng nghe.

-Tớ muốn đến đây nhìn thoáng qua một cái kể từ khi biết được cậu ở đâu đến chết đi được. Thế là tớ đã tới, tớ đã ngồi lên cái ghế không xa cậu lắm, và quan sát cậu. Tớ tự nhủ rằng, nếu cậu không để ý đến sự có mặt của tớ, tớ sẽ chỉ ở lại một lúc rồi sẽ đi. Nhưng tớ không thể tự ngăn mình nói chuyện với cậu, sự nuối tiếc quá lớn.

-Nhưng tại sao, tôi hỏi, tại sao cậu lại nghĩ rằng không gặp lại là hay hơn?

Cô suy nghĩ một lúc, ngón tay vuốt ve miệng cái ly, rồi trả lời:

-Tớ đã luôn tự nhủ chắc chắn là cậu muốn biết rất nhiều điều về cuộc đời tớ: tớ lấy chồng chưa, tớ sống ở đâu, tớ làm gì cho đến giờ. Tớ có nhầm không?

-Điều đó cũng không hề xấu đấy chứ?

-Phải, tớ cũng nghĩ thế.

-Nhưng cậu không muốn trả lời những câu hỏi thuộc dạng đó, đúng không?

Cô mỉm cười vẻ bối rối, rồi gật đầu. Có vẻ như cô sở hữu cả một bộ sưu tập những nụ cười.

-Đúng vậy, tớ không muốn nói về cái đó. Đừng hỏi tớ tại sao. Dù thế nào, tớ cũng không muốn nói về tớ. Thật là lạ, và không bình thường lắm, tớ biết… Tớ không làm vậy để tạo ra vẻ bí hiểm hay tự phụ gì đâu. Nhưng chính vì thế mà tớ không muốn gặp cậu: tớ không muốn hiện ra trước mắt cậu như một người đàn bà cao ngạo. Đó là một trong số các lý do khiến tớ không muốn đến.

-Và những lý do khác?

-Tớ không muốn bị thất vọng.

Tôi nhìn bàn tay đang cầm chiếc ly của cô, mái tóc rơi thẳng xuống hai vai, đôi môi đẹp hơi uống cong. Đồng tử mắt cô đen nhánh. Một nét nhỏ trên mi mắt tiết lộ một suy tư sâu sắc gợi lại cho tôi một chân trời xa xôi.

-Tớ không muốn ngày hôm nay lại phải thất vọng vì một người mà tớ đã từng vô cùng yêu quý ngày xưa.

-Thế tớ có làm cậu thất vọng không?

Cô lắc nhẹ mái đầu.

-Tớ đã quan sát cậu thật kỹ một lúc lâu rồi. Thoạt tiên, tớ có cảm giác cậu đã khác xưa. Cậu cao lớn quá, cậu còn mặc comple nữa. Nhưng nhìn lâu hơn, tớ đã nhận ra Hajime thời bé của tớ. Cậu biết sao không? Cậu vẫn có y nguyên những cử chỉ giống như hồi mười hai tuổi.

-Tớ không biết điều đó đấy, tôi nói.

Tôi cố mỉm cười nhưng không thể.

-Cách cậu cử động bàn tay, các cậu nhìn. Thói quen đập đập ngón tay lên một thứ đồ vật. Cách cậu nhíu mày vẻ lo lắng. Không có gì trong số đó thay đổi hết. Cậu mặc đồ Armani, nhưng bên trong cậu vẫn thế.

-Đây không phải đồ Armani. Cà vạt và sơ mi của tớ là Armani thôi, comple thì không phải.

Cô mỉm cười thật tươi.

-Cậu biết không, Shimamoto-san, tớ vẫn luôn muốn gặp lại cậu. Tớ muốn nói chuyện với cậu, có biết bao nhiêu chuyện tớ muốn nói với cậu.

-Tớ cũng thế, cô trả lời. Cậu biết điều đó, phải không? Chỉ có điều, cậu đã không tới. Khi cậu chuyển nhà đi khỏi vào hồi đầu cấp hai, tớ đã chờ cậu rất lâu. Tại sao cậu không đến? Điều đó đã làm tớ buồn vô cùng. Tớ tự nhủ cậu đã có những người bạn mới ở nơi khác và quên mất tớ rồi.

Cô dụi điếu thuốc vào gạt tàn. Lớp sơn móng tay của cô trong suốt.

Móng tay của cô trông giống những thứ đồ vật thủ công tinh xảo. Nhẵn, không tì vết.

-Tớ sợ, tôi nói.

-Sợ? Cô nhắc lại. Nhưng sợ gì? Sợ tớ?

-Không, không phải cậu. Tớ sợ bị bỏ rơi. Khi đó tớ chỉ là một đứa trẻ và tớ khó có thể hình dung được là cậu chờ tớ đến, thật sự sợ sẽ bị cậu bỏ rơi. Tớ sợ đến thăm cậu và nhận ra là tớ làm phiền cậu. Chính vì thế mà tớ đã lánh xa. Tớ tự nhủ nếu quả thật gặp lại cậu nặng nề đến thế, thì tốt hơn là tiếp tục sống với ký ức về cái thời chúng ta còn thân thiết với nhau.

Cô hơi cúi đầu xuống. Lăn một hạt điều trên lòng bàn tay.

-Việc đó có vẻ không được hiệu nghiệm cho lắm, cô nhận xét.

-Không, không hiệu nghiệm lắm đâu.

-Lẽ ra chúng ta đã có thể có một tình bạn dài lâu hơn. Nói thật tình là tớ, dù ở cấp hai, cấp ba hay ngay cả ở đại học, tớ đều không có được một người bạn thật sự nào. Lúc nào tớ cũng cô độc. Tớ luôn tự nhủ rằng sẽ rất tuyệt nếu cậu vẫn ở gần tớ. Hoặc ít nhất chúng ta có thể viết thư cho nhau. Điều đó hẳn sẽ thay đổi rất nhiều điều trong đời tớ, tớ nghĩ thế. Sẽ có rất nhiều khoảnh khắc dễ chịu đựng hơn.

Cô ngừng một lúc, vẻ tư lự.

-Không biết tại sao mà từ cấp hai tớ đã học kém đi nhiều. Và vì học hành dở quá, tớ lại càng tự khép mình hơn. Thứ mà người ta gọi là cái vòng lẩn quẩn ấy.

Tôi gật đầu.

-Ở cấp một, tớ nghĩ tớ học hành không đến nỗi tệ lắm, nhưng sau đó, mọi thứ kết thúc. Như thể tớ đang sống ở dưới đáy một cái giếng ấy.

Đó cũng chính là điều tôi đã cảm thấy trong suốt khoảng mười năm kể từ khi tôi vào đại học cho đến lúc cưới Yukiko. Một điều gì đó không hoàn hảo, trật đường ray và kéo theo một điều khác vào một thế giới khác. Và tất cả cứ tiếp tục tồi tệ, không hồi kết. Dù cho có vẫy vùng đến bao nhiêu, người ta cũng không thể thoát ra khỏi cái hố được nữa. Cho đến khi có ai đó đến và kéo bạn lên mặt đất.

-Trước hết là cái tật ở chân đã ngăn cản tớ làm những việc bình thường như những người khác. Tớ chỉ dành thời gian để đọc sách, thậm chí không buồn tìm cách mở lòng mình với người khác. Và rồi, nói thế nào nhỉ? Vẻ bên ngoài của tớ rất dễ bị để ý. Khiến cho phần lớn mọi người nghĩ tớ là một người cao ngạo và hướng nội. Mà cũng có thể là họ có lý…

-Chắc chắn rồi, cậu quá đẹp, tôi nói.

Cô rút một điếu thuốc, tôi vội châm một que diêm.

-Cậu thấy tớ thật sự đẹp à?

-Phải. Chắc người ta nói mãi với cậu điều đó rồi, nhưng…

Cô cười.

-Không hề. Tớ thích nghe cậu nói thế. Nói thật tình là tớ không thích mặt tớ lắm. Dù thế nào đi nữa, chắc chắn là thông thường phụ nữ không thích tớ. Thật là không may. Tớ không quá quan tâm đến việc người ta khen ngợi vẻ đẹp của tớ. Tớ thường xuyên tự nhủ rằng mình thích được là một người phụ nữ bình thường, có nhiều bạn bè như mọi người khác.

Cô chìa tay, chạm nhẹ vào tay tôi đang đặt trên mặt quầy bar.

-Dù thế nào đi nữa, tớ rất mừng vì được gặp lại cậu. Cậu hạnh phúc, thế là tốt rồi.

Tôi không trả lời.

-Cậu hạnh phúc, đúng không nào, cô nằn nì.

-Tớ không biết. Ừ, thì tớ không bất hạnh, và tớ cũng không cô độc… Thỉnh thoảng, tôi nói thêm sau một lúc im lặng, tớ tự hỏi không biết giai đoạn hạnh phúc nhất của đời mình có phải là khi chúng ta cùng nghe những cái đĩa nhạc đó, cậu và tớ trong phòng khách của bố mẹ cậu.

-Cậu biết không, tớ vẫn giữ chúng đấy. Nat King Cole, Bing Crossby, Rossini, Peer Gynt, và tất cả những cái đĩa khác. Tớ đã giữ chúng để tưởng nhớ bố tớ. Tớ vẫn rất cẩn thận gìn giữ, không có đến một vết xước đâu. Cậu còn nhớ tớ cẩn thận với mấy cái đĩa thế nào chứ?

-Bố cậu mất rồi à?

-Năm năm rồi, ung thư ruột. Một cái chết đau đớn. Mà bố tớ từng rất khỏe mạnh đấy chứ.

Tôi nhớ lại bố của Shimamota-san. Nhìn bên ngoài trông ông khỏe khoắn như cây thông mọc trong vườn nhà ông vậy.

-Còn mẹ cậu có khỏe không?

-Tớ nghĩ là khỏe.

Điều gì đó trong giọng nói của cô làm tôi thấy ngạc nhiên.

-Cậu không hòa thuận với mẹ à?

Shimamoto-san uống hết ly Daiquiri, đặt nó xuống măt quầy, gọi người phục vụ. Rồi hỏi tôi:

-Cậu thử nói xem nào, có loại cocktail đặc biệt của nhà hàng không?

-Có chứ, có vài loại độc đáo lắm. Nổi tiếng nhất là loại mang tên quán, cocktail Robin’s Nest. Chính tớ đã nghĩ ra đấy. Pha từ rượu rum và vodka. Uống ngon lắm, nhưng khá nặng.

-Chắc là rất tuyệt để quyến rũ các cô gái.

-Có vẻ cậu không biết, nhưng cocktail sinh ra là để làm chuyện đó đấy.

Cô cười.

-Thế thì tớ muốn uống một cốc.

Khi ly rượu đã được đặt trước mặt, cô chăm chú nhìn màu sắc của nó, chạm môi vào, rồi nhắm mắt một lúc để cho mùi vị tan chảy trong miệng.

-Vị tuyệt quá, cô nói. Không quá ngọt, cũng không đắng. Hơi chua và mát, nhưng có một dư vị khó tả lắm. Tớ không biết cậu tài năng như thế đâu nhé.

-Tớ không biết cách lắp giá, hay thay dầu. Thậm chí tớ còn không biết cách dán một con tem cho thẳng. Lúc nào tớ cũng nhầm lẫn khi bấm số điện thoại. Nhưng tớ lại thành công với các loại cocktail độc đáo. Tớ khá có tiếng trong lĩnh vực này đấy.

Cô đặt ly xuống, ngắm nhìn một lúc. Khi cô nghiêng nó, màu đèn trên trần hơi ánh lên bên trong ly.

-Đã lâu lắm rồi tớ không gặp mẹ, cô nói. Cách đây mười năm, tớ và mẹ tớ có vài bất hòa, những vấn đề khá phức tạp, và từ đó tớ không gặp lại bà nữa. À, có, tớ có gặp vào dịp đáng tang bố, nhưng chỉ có thế thôi.

Nhóm tam tấu vừa chơi xong một bản blues độc đáo, và đàn piano bắt đầu chơi đoạn dạo đầu bản Star-Crossed Lovers. Khi tôi có ở quán, người chơi dương cầm thường chơi bản balad mà tôi rất thích này. Đó không phải là một trong những bản nhạc nổi tiếng nhất của Ellington, và không có kỷ niệm riêng tư nào của tôi đặc biệt gắn kết với nó nhưng, kể từ lần đầu tiên nghe, lúc nào nó cũng làm tôi bị mê hoặc. Khi tôi còn là sinh viên, hay ngay cả sau đó khi đã làm nghề biên tập sách giáo khoa, tối đến, tôi lại đặt đĩa nhạc Such Sweet Thunder của Duke Ellington vào máy và nghe đi nghe lại bản nhạc và bài solo lừng danh của Johnny Hodges, một kết hợp giữa sự tinh tế và khéo léo kỹ thuật. Khi nghe giai điệu đẹp và nhẹ nhàng của nó, tôi luôn nhớ đến giai đoạn đó của đời mình. Không thể nói rằng khi đó tôi hạnh phúc. Thế nhưng, ký ức về thời ấy lại làm tôi thấy ngập tràn tiếc nuối. Tôi trẻ hơn, đói khát hơn, cô độc hơn hiện nay. Nhưng tôi thật sự là mình. Thời đó, tận sâu trong tim tôi cảm nhận được từng nốt nhạc mà tôi nghe, từng dòng chữ trong sách mà tôi đọc, như thể chúng đi vào thật sâu trong tôi. Những sợi dây thần kinh của tôi chĩa lên tua tủa như những đầu đinh, mắt tôi tràn ngập một thứ ánh sáng xuyên suốt qua những người trò chuyện với tôi. Và từ đó, mỗi lần nghe bản Star-Crossed Lovers,  tôi lại nhớ đến cái ánh mắt mà tôi có vào thời đó, như thể đang nhìn hình phản chiếu của mình trong gương.

-Thật tình là vào năm học lớp chín, một hôm tớ đã đến chỗ cậu. Tớ thấy cô đơn quá, cảm thấy một nỗi buồn không sao chịu đựng nổi. Tớ đã thử gọi cho cậu nhưng không có người trả lời điện thoại. Thế là tớ đã lấy tàu đi đến nhà cậu. Nhưng tấm biển trên cửa mang một cái tên khác.

-Hai năm sau khi cậu đi khỏi, nhà tớ cũng chuyển, vì công việc của bố tớ. Bọn tớ đến sống gần Enoshima, tớ ở đó cho đến khi vào đại học. Khi đi, tớ đã gửi cho cậu một tấm thiệp ghi địa chỉ mới, cậu không nhận được à?

Tôi lắc đầu.

-Nếu nhận được, tớ đã trả lời. Thật lạ, hay là cậu ghi nhầm địa chỉ?

-Hoặc có thể chỉ đơn giản là chúng ta không gặp may. Chúng ta luôn đi qua nhau. Nhưng thôi, nói về cậu đi. Về cuộc đời cậu cho đến hôm nay.

-Không hấp dẫn lắm đâu.

-Nhưng tớ quan tâm.

Tôi kể đại khái cho cô những gì tôi đã trải qua. Tôi thú nhận với cô tôi đã làm tổn thương người bạn gái thời trung học của mình một cách sâu sắc, nhưng không đi vào chi tiết. Tôi chỉ giải thích rằng tôi đã làm một việc không tốt với cô gái ấy, và đồng thời cũng làm điều không tốt với chính tôi. Rồi tôi nói với cô về công việc đầu tiên. Sự cô đơn của tôi. Tôi nói tôi chưa từng bao giờ có một người bạn thật sự nào. Nói với cô về những cô gái của các cuộc phiêu lưu, nhưng không hề mang cho tôi hạnh phúc. Kể bằng cách nào mà, sau khi học trung học, tôi không thật sự yêu ai hết, cho đến khi gặp Yukiko khi đã gần ba mươi tuổi, và sau đó lấy cô làm vợ. Thú nhận với cô tôi đã nghĩ đến cô, Shimamoto-san, nhiều đến thế nào.

-Tớ sẵn sàng vứt đi tất cả để có thể gặp và nói chuyện với cậu chỉ trong một giờ đồng hồ.

Điều đó làm cô mỉm cười.

-Cậu thường xuyên nghĩ đến tớ à?

-Phải, lúc nào cũng nghĩ.

-Tớ cũng hay nghĩ đến cậu. Có vẻ như cậu là người bạn duy nhất mà tớ từng có.

Cô đặt một khuỷu tay lên mặt quầy bar, má tựa lên tay, hai mắt nhắm hờ, như thể đang hoàn toàn phiêu lãng, không một chút sức lực. Cô không đeo cái nhẫn nào, nhẫn cưới cũng không. Thỉnh thoảng, điều duy nhất mà tôi thấy là mí mắt cô phập phồng. Sau một lúc, cô chậm rãi mở mắt, nhìn đồng hồ. Tôi cũng nhìn đồng hồ của tôi: đã gần nửa đêm.

Cô lấy túi, xuống khỏi ghế một cách thận trọng.

-Chúc ngủ ngon. Rất vui vì gặp lại cậu.

Tôi đi cùng cô ra đến cửa.

-Cậu muốn tớ gọi taxi không? Trời mưa thế này sẽ khó tìm đấy.

Cô lắc đầu.

-Không, đừng lo. Tớ tự xoay xở được.

-Thật không, cậu không thất vọng chứ? Tôi hỏi.

-Về cậu?

-Phải.

-Không hề, đừng lo, cô cười, nói. Cậu có thể yên tâm. Nhưng bộ comple, cậu có chắc là không phải đồ Armani không?

-Chính vào lúc đó tôi nhận ra là cô không đi khập khiễng. Cô đi không nhanh lắm và, khi quan sát thật kỹ, có thể nhận thấy là cô sử dụng một kỹ thuật bước đi; cách đi hơi cứng của cô hơi thiếu một chút tự nhiên, nhưng rất khó nhận ra.

-Tớ đã phẫu thuật cách đây bốn năm, cô nói như thể muốn xin lỗi. Không thể nói rằng đã chữa được hoàn toàn cái tật, chỉ là đỡ hơn trước thôi. Đó là một phẫu thuật khá phức tập, nhưng đã không xảy ra chuyện gì; người ta đã phải cắt đi khá nhiều xương, phải nẹp lại,…

-Cậu đã làm đúng, bây giờ không thể nhận ra nữa đâu.

-Phải, tớ tin là tớ đã làm đúng. Có thể là tớ chỉ mắc sai lầm duy nhất là đã chờ đợi quá lâu.

Tôi lấy áo măngtô của cô ở phòng để quần áo, giúp cô mặc. Đứng cạnh tôi, cô không có vẻ cao lắm. Tôi thấy lạ, vì nhớ rằng khi mười hai tuổi cô cao bằng tôi.

-Tớ sẽ gặp lại cậu chứ? Tôi hỏi.

-Có thể.

Một nụ cười thoáng qua hiện trên khóe môi cô, như một làn khói chầm chậm bay lên trong một ngày không gió. Có thể….

Cô mở cửa đi ra. Năm phút sau tôi lại leo lên cầu thang dẫn ra bên ngoài. Tôi lo lắng với ý nghĩ cô không tìm được taxi. Bên ngoài, trời vẫn mưa, nhưng Shimamoto-san không còn ở đó. Đại lộ vắng tanh, chỉ có ánh đèn pha ôtô phản chiếu mơ hồ trên mặt đường loáng nước.

“Nhỡ đó là một ảo giác thì sao?” đột nhiên tôi tự hỏi. Tôi đứng im lìm nhìn mưa rơi trên hè phố một lúc lâu. Tôi đã trở lại là một cậu bé mười hai tuổi. Khi còn nhỏ, tôi rất thích không làm gì, chỉ nhìn mưa rơi. Cơ thể tôi khi đó sẽ dần dần được thả lỏng, có vẻ như là thế giới thật tan biến đi dưới những giọt nước. Hẳn là trong cơn mưa phải có một lực đặc biệt thôi miên người ta. Ít nhất đó là điều tôi từng tin vào hồi đó.

Nhưng tôi đã không mơ: khi quay lại quán, tôi tìm thấy trên quầy bar, trước chỗ Shimamoto-san vừa ngồi lúc nãy, một cái ly không và một gạt tàn đựng nhiều đầu mẩu thuốc lá còn mới, với vết son môi ở trên. Tôi ngồi lên chiếc ghế bên cạnh, nhắm mắt lại. Tiếng vọng của những nốt nhạc dần giãn ra xa, tôi ngồi lại một mình. Trong bóng tối mềm mại tôi đang ở trong, mưa rơi không ngừng.