Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời

Chương 7

Ba mươi tuổi, tôi lấy một người phụ nữ kém tôi năm tuổi, mà tôi gặp trong một chuyến đi du lịch một mình vào kỳ nghỉ hè. Tôi đang đi dạo trên một con đường thôn quê thì đột nhiên trời đổ mưa như trút. Tôi vội chạy đến một chỗ trú bên cạnh đường, nơi cô đã đứng sẵn cùng một cô bạn. Cả ba người chúng tôi đều bị ướt hết. Nếu hôm đó trời không mưa, hoặc chỉ đơn giản nếu tôi có mang theo ô (khi ra khỏi khách sạn, tôi đã nghĩ đến chuyện đó) thì sẽ không bao giờ tôi gặp cô, có thể đến hôm nay tôi vẫn là biên tập viên sách giáo khoa, tối đến ngồi dựa lưng vào tường phòng uống rượu lảm nhảm một mình. Mỗi khi nghĩ đến điều đó, tôi lại tự nhủ rằng định hướng cuộc đời chúng ta thật sự tùy thuộc vào rất ít thứ.

Yukiko (đó là tên cô) và tôi thích nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cô bạn gái đi cùng xinh hơn nhiều nhưng tôi bị Yukiko cuốn hút ngay lập tức, với một mức độ mãnh liệt thách thức toàn bộ lý trí. Đó chính là cái lực hút lừng danh kia, mà tôi đã không còn cảm thấy từ rất lâu. Vì cô cũng sống ở Tokyo, chúng tôi gặp lại nhau sau kỳ nghỉ. Tôi mời cô đi chơi nhiều lần. Càng gặp cô nhiều, tôi càng thích cô hơn. Tuy thế, hình thức của cô hết sức bình thường. Ít nhất thì đó không phải là kiểu phụ nữ mà đàn ông thích làm quen trên đường. Nhưng tôi, tôi tìm thấy trong những đường nét của cô điều gì đó dành cho tôi, dành riêng cho tôi. Tôi thích khuôn mặt cô. Mỗi lần gặp, tôi lại nhìn cô chăm chăm. Đúng, khuôn mặt cô có điều gì làm tôi thích một cách sâu sắc.

-Tại sao anh nhìn em như thế?

-Bởi vì em xinh đẹp.

-Anh là người đầu tiên nói với em điều đó.

-Bởi vì anh là người duy nhất thật sự hiểu được vẻ đẹp của em. Anh hiểu điều đó, em biết mà.

Lúc đầu, cô không tin những gì tôi nói. Và rồi, dần dần, cô học được cách đặt lòng tin vào tôi. Những lần gặp nhau, chúng tôi tìm đến một nơi vắng vẻ để nói chuyện hàng giờ liền. Trước cô, tôi có thể nói một cách chân thành và trung thực. Khi ở bên cô, tôi cảm thấy toàn bộ sức nặng của những gì tôi đã đánh mất trong mười năm sống một mình đã qua. Tôi có cảm giác quãng thời gian đó trôi đi một cách vô ích. “Nhưng vẫn còn chưa quá muộn, tôi tự nhủ. Mình vẫn còn có thể túm lại được thời gian đã mất kia”. Khi ôm Yukiko trong tay, tôi có thể cảm thấy ở tận sâu trong ngực một cơn chấn động làm cả người tôi tràn ngập sự tiếc nuối. Khi chia tay cô, tôi cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi. Từ lúc đó, sự cô độc làm tôi tổn thương, im lặng làm tôi sợ hãi.

Sau ba tháng, tôi ngỏ lời cầu hôn. Khi đó là cách sinh nhật ba mươi tuổi của tôi một tuần. Bố Yukiko là giám đốc một hãng xây dựng cỡ trung. Đó là một người rất thú vị, một người tự học khéo léo chăm chỉ, đã tự dựng lên cho mình một triết lý riêng về cuộc đời. Ông vạch ra con đường cho mình, theo cách khá gây hấn so với sở thích của tôi, nhưng đó là lần đầu tiên tôi gặp được một con người như thế. Dù cho đi lại bằng xe Mercedes có tài xế riêng, ông không hề tạo cảm giác mình là người quan trọng. Khi tôi đến gặp ông và thông báo ý định muốn cưới con gái ông, ông chỉ trả lời đơn giản:

-Cả hai đều không còn là trẻ con, nên nếu yêu nhau thì cưới nhau đi.

Xét về mặt xã hội, tôi chỉ là một người làm công quèn, lương bổng của tôi không lấy gì làm xuất sắc, nhưng có vẻ như là ông không mảy may quan tâm đến điều đó.

Yukiko có một anh trai và một cô em gái. Anh trai cô sẽ kế thừa doanh nghiệp của bố, nơi giờ đây anh đã giữ cương vị phó chủ tịch. Đó là một người rất khá nhưng, so với tính cách đặc biệt của ông bố, anh có vẻ bị chìm lấp. Trong số ba người con, cô em út, vẫn còn là sinh viên, là người có tính cách cởi mở và nổi bật nhất. Cô có thói quen ra lệnh, đến mức tôi phải nghĩ rằng cô thay thế ông bố trong công việc thì hợp lý hơn.

Sáu tháng sau đám cưới của chúng tôi, bố Yukiko gọi tôi đến gặp để hỏi tôi có muốn bỏ công việc hiện tại hay không. Vợ tôi đã nói với ông rằng tôi không thích thú gì lắm công việc ngồi chữa lỗi những quyển sách giáo khoa.

-Bỏ việc đó thì không phải là vấn đề, tôi trả lời. Vấn đề là phải tìm được một cái gì đó khác.

-Con chỉ cần đến làm ở chỗ bố. Công việc nhiều, nhưng lương thỏa đáng.

-Biên tập sách giáo khoa không phải là thứ mà con khoái, nhưng làm việc trong một hãng xây dựng thì con tin là con còn ít thích thú hơn, tôi thẳng thắn thú nhận. Con rất mừng vì bố đề nghị với con điều đó, nhưng khi phải làm việc gì đó không thích, người ta sẽ luôn cảm thấy chán nản.

-Điều đó thì đúng, bố của Yukiko nói. Không nên tự ép buộc mình làm những gì mình không muốn.

Có vẻ như là ông đã chờ đợi câu trả lời đó. Chúng tôi đang trò chuyện bên một cốc rượu. Ông anh trai cả không thích rượu nên ông thường rủ tôi đến uống cùng.

-Nhân tiện, công ty bố sở hữu ở Aoyama một tòa nhà, một tháng nữa sẽ hoàn thành xây dựng. Địa điểm khá tốt, tòa nhà cũng không tệ. Hiện nay vẫn còn hơi khuất, nhưng khu đó đang phát triển. Tại sao con không mở ở đó một cửa hàng? Con sẽ không phải trả tiền thuê, và nếu con có một dự định nghiêm chỉnh bố có thể cho vay tiền vốn cần thiết để có thể bắt đầu.

Tôi suy nghĩ một lúc. Tôi nghĩ đó không phải là một ý dở.

Cuối cùng, tôi mở ở tầng hầm tòa nhà một câu lạc bộ nhạc jazz khá cao cấp. Khi còn là sinh viên, tôi đã làm thêm trong các quán bar dạng đó, và tôi biết những kiến thức sơ đẳng của nghề này. Tôi biết phải phục vụ rượu và đồ ăn gì, phải bật nhạc gì, trang trí như thế nào, loại khách nào cần hướng tới, tất cả đều đã thành hình trong đầu tôi. Bố vợ tôi chịu trách nhiệm sửa sang nội thất. Ông triệu người thiết kế giỏi nhất và người trang trí nội thất giỏi nhất, và cho trả một món tiền thách thức mọi cạnh tranh. Kết quả thật đáng kinh ngạc.

Quán bar thành công vượt quá mọi mong đợi, và sau hai năm tôi mở thêm quán thứ hai ở Aoyama. Một quán lớn hơn, với một bộ ba nhạc công. Cần phải có thời gian, công sức và nhiều vốn, nhưng tôi đã tạo ra được một câu lạc bộ nhạc jazz khá thú vị và rất đông khách. Điều đó cho phép tôi nghỉ xả hơi đôi chút. Tôi đã thành công trong việc sử dụng hiệu quả cơ may mình có được. Con gái đầu lòng của tôi ra đời vào khoảng thời gian đó. Đầu tiên, tôi làm việc sau quầy bar và đích thân pha các loại cocktail, nhưng với việc mở thêm quán thứ hai tôi phải tập trung vào công việc quản lý. Kể từ nay, tôi lo những công việc liên quan đến cung ứng, nhân sự, sổ sách, trông chừng để mọi chuyện được tiến hành nhịp nhàng. Tôi có rất nhiều ý tưởng và biến ngay chúng thành hiện thực. Tự tôi xây dựng các thực đơn và nếm chúng. Cho đến khi đó tôi chưa bao giờ ngờ tới, nhưng loại công việc này thích hợp với tôi một cách hoàn hảo. Khởi đầu từ tay trắng để tạo dựng một cơ sở kinh doanh riêng và làm việc không ngừng nghỉ để hoàn thiện nó là tất cả những gì mà tôi thích. Đó là các câu lạc bộ nhạc jazz của tôi, đó là thế giới của tôi. Chưa bao giờ tôi biết đến kiểu niềm vui đó vào quãng thời gian còn làm người sửa lỗi bản thảo. Trong ngày, tôi lo liệu các công việc hành chính và, khi tối đến, tôi đi một vòng các quán bar của mình, nếm cocktail, quan sát phản ứng của khách, giám sát cách làm việc của những người làm, nghe nhạc. Mỗi tháng tôi trả cho bố vợ tôi một khoản, nhưng vẫn còn lại thu nhập hết sức sung túc. Chúng tôi đã mua một căn hộ bốn phòng ở Aoyama, và tôi đi xe BMW 320. Con gái thứ hai của chúng tôi ra đời vào quãng thời gian đó.

Ba mươi sáu tuổi, tôi đã có thêm một ngôi nhà nữa ở Hakone. Vợ tôi đã mua một chiếc jeep Cherokee màu đỏ để đi chợ và chở các con. Hai câu lạc bộ mang lại cho tôi đủ tiền để có thể mở một quán thứ ba nếu tôi muốn, nhưng tôi không thích. Tăng số lượng quán lên, tôi sẽ không có khả năng trông coi mọi thứ thật sâu sát, và tôi sẽ tự giết mình vì công việc nếu muốn đảm bảo quản lý tốt. Hơn thế nữa, tôi không còn muốn hy sinh toàn bộ thời gian của mình cho công việc nữa. Tôi nói với bộ vợ tôi điều đó, ông bèn khuyên tôi đầu tư một phần lợi nhuận vào cổ phiếu và bất động sản. Những cái đó mang lại tiền nhanh, và cũng không khó khăn lắm để quản lý. Tuy nhiên, tôi không có nhiều hiểu biết lắm về lĩnh vực này.

-Con chỉ cần tin tưởng vào bố, ông nói. Nếu con làm những gì bố nói, con sẽ không thể nhầm lẫn. Bố biết phải làm gì.

Đầu tư theo những lời khuyên của ông, tôi kiếm được những món lợi nhuận lớn, và rất nhanh chóng.

-Được rồi, giờ con đã hiểu phải không? Bố vợ tôi nói. Trong tất cả các lĩnh vực, kỹ năng đều cần thu nhặt dần dần. Nếu con làm việc trong một hãng, dù cho có đến trăm năm, con cũng sẽ không bao giờ có được những gì con đang có hiện nay. Để thành công, cần phải có may mắn, và trí tuệ. Điều đó là bình thường, nhưng còn chưa đủ: con cần có vốn. Không có đủ vốn, con sẽ không thể làm gì. Quan trọng hơn nữa, còn có kỹ năng. Dù cho con có tất cả những cái khác, mà không có kỹ năng, thì mọi việc cũng không tiến triển được đâu.

-Cái đó thì rất đúng, tôi trả lời.

Tôi hoàn toàn hiểu những gì bố vợ tôi muốn nói. Cái mà ông gọi là “kỹ năng” là một hệ thống mà ông đã xây dựng – một hệ thống khá khắc nghiệt và phức tạp, đòi hỏi có được những thông tin đáng tin, thiết lập một hệ thống nhân lực hiệu quả, đầu tư và thu lợi từ đó. Lợi nhuận sau đó sẽ lớn dần lên, được chuyển hóa khi đi qua một mạng lưới luật pháp và thuế khóa tinh vi, hoặc chúng sẽ đổi tên và đổi hình thức. Bố vợ tôi muốn dạy cho tôi những thủ thuật của hệ thống đó.

Không có ông, đến nay hẳn tôi vẫn ngồi sửa bản thảo sách giáo khoa, điều đó là chắc chắn. Tôi sẽ sống trong một căn hộ hai phòng sập sệ ở Nishiogikubo, sẽ đi một chiếc Toyota Corana cũ rích hỏng điều hòa. Tôi đã xoay xở tốt với những điều kiện được tặng cho vào lúc khởi đầu. Tôi đã mở hai cơ sở kinh doanh trong một khoảng thời gian ngắn, có trong tay ba mươi người làm công, tôi kiếm được nhiều tiền hơn mức độ trung bình. Hai câu lạc bộ của tôi được quản lý theo cách khiến chính ông chuyên gia thuế phải ngưỡng mộ, và có được tiếng tăm rất tốt. Tuy thế, chắc chắn là vẫn còn hàng đống người có được những khả năng giống tôi, những người có thể đạt được một kết quả tương tự. Nếu không có vốn và “kỹ năng” được bố vợ truyền lại, hẳn là tôi sẽ không bao giờ làm được điều đó. Ý nghĩ đó khiến tôi cảm thấy khó ở. Có vẻ như là tôi đã đi một con đường tắt không được chính danh cho lắm và đã sử dụng các phương tiện phi luân lý. Tôi thuộc vào cái thế hệ từng biết đến những phong trào sinh viên đầy bạo lực những năm từ sáu mươi lăm đến bảy mươi. Dù có thích thú hay không, chúng tôi đã sống qua những sự kiện đó. Để nhấn mạnh mọi chuyện một chút, thế hệ của chúng tôi đã kêu lên một tiếng “không” rền vang trước một logic tư bản chủ nghĩa luôn luôn thuần túy hơn, luôn luôn phức tạp hơn và luôn luôn hiệu quả hơn, thứ đã nuối trôi thứ lý tưởng chủ nghĩa nhất thời của quãng thời gian ngay sau chiến tranh. Ít nhất, đó là cách tôi phân tích tình hình. Những phong trào sinh viên vào một giai đoạn bản lề của tiến trình phát triển của xã hội.. Nhưng thế giới trong đó tôi sống giờ đây đã đươc xây dựng theo một logic tư bản chủ nghĩa phát triển cao hơn. Cuối cùng, dần dần cái thế giới đó đã chiêu hồi được tôi. Trong khi chờ đèn xanh trên đại lộ Aoyama sau vôlăng chiếc BMW của mình, tai lắng nghe bản Winterreise của Schubert, tôi đã nghĩ: “Có thể nói rằng tất cả những thứ này không phải là cuộc đời của mình”, như thể tôi đi theo một số phận đã dành sẵn cho tôi bởi một người đàn ông mà tôi đang nhìn thấy trong gương chiếu hậu kia chính là tôi theo cách nào, là người khác theo cách nào? Cái bàn tay đang đặt trên vôlăng kia có thật là tay tôi không? Những cảnh tượng xung quanh tôi kia là thực tế cho đến mức độ nào? Càng suy nghĩ đến tất cả những thứ đó, tôi lại càng thấy khó hiểu hơn.

Tuy nhiên, xét về toàn thể, tôi đang sống một cuộc đời sung sướng, không hề điểm một chút không hài lòng nào. Tôi yêu vợ tôi. Yukiko dịu dàng và biết suy nghĩ. Sau lần sinh thứ hai, cô bắt đầu béo lên, và ăn kiêng cùng tập luyện trở thành những mối bận tâm lớn nhất của cô. Nhưng lúc nào tôi cũng thấy cô đẹp. Tôi thích được ở bên cạnh cô, tôi thích ngủ với cô. Điều gì đó ở cô an ủi tôi, làm tôi thấy yên tâm. Dù có điều gì xảy ra, không bao giờ tôi muốn trở lại cuộc đời buồn bã và cô độc của tuổi hai mươi trước kia. Chỗ của mình là ở đây, tôi tự nhủ. Ở đây, mình được yêu, được bảo vệ. Và cả tôi nữa, tôi yêu vợ tôi, các con gái của tôi, và tôi bảo vệ họ. Với tôi đó là một kinh nghiệm mới, và tắm mình trong môi trường đó là cả một phát kiến mới mẻ.

Tôi đích thân chở con gái đầu lòng đi học ở trường mẫu giáo mỗi buổi sáng. Tôi bật một băng catxet toàn những bài hát trẻ con và hai chúng tôi hát vang ở trong xe. Sau đó. Tôi về nhà và chơi một lúc với con gái sau, trước khi đi đến căn phòng tôi thuê không xa nhà lắm để làm văn phòng. Mùa hè, chúng tôi sống cả gia đình vào những dịp cuối tuần ở ngôi nhà nông thôn Hakone. Chúng tôi đi xem bắn pháo hoa, đi thuyền trên hồ, đi dạo trên những lối mòn trên núi.

Trong những kỳ vợ tôi mang thai, tôi có vài chuyến ngoại tình không đáng kể. Đó không phải là những mối quan hệ quá sâu sắc và không kéo dài. Tôi không bao giờ ngủ hơn một hoặc hai lần với một người đàn bà. Ba lần là nhiều nhất. Nói thẳng thắn, thậm chí tôi còn không có ý thức là mình phản bội Yukiko. Tất cả những gì tôi tìm kiếm là những lần vụng trộm không để lại hậu quả, và tôi nghĩ những người đàn bà kia cũng không đòi hỏi gì hơn. Tôi muốn tránh bằng mọi giá việc làm cho những mối quan hệ đó trở nên sâu sắc, chọn lựa kỹ lưỡng những cuộc chinh phục theo tiêu chí đó. Khi ngủ với những người đàn bà đó, tôi chỉ muốn được trải qua một kinh nghiệm. Họ và tôi, chúng tôi đều đi tìm một cái gì đó.

Không lâu sau khi sinh con gái đầu, tôi nhận được một tấm thiệp gửi đến địa chỉ cũ ở tỉnh của tôi và sau đó được chuyển lên Tokyo. Đó là một giấy báo tin buồn, cái chết của một người phụ nữ ba mươi sáu tuổi với cái tên lúc đầu tôi không hề thấy quen. Tấm thiệp gửi đến từ Nagoya, thành phố nơi tôi không biết ai cả. Sau khi suy nghĩ một lúc, tôi nhận ra rằng người phụ nữ đó chỉ có thể là cô chị họ của Izumi, người tình Kyoto ngày xưa của tôi. Tôi đã gần quên mất tên cô. Tôi chỉ còn nhớ cô là người gốc Nagoya.

Tôi không mất nhiều thời gian để đoán ra người gởi giấy báo tin buồn là Izumi. Còn ai khác có thể nghĩ đến chuyện báo cho tôi về cái chết của người phụ nữ đó? Tôi không hiểu rõ lắm tại sao cô lại quyết định làm việc này. Tuy nhiên, sau khi đọc đi đọc lại tờ giấy, cuối cùng tôi đã phát hiện ra được một thứ cảm xúc lạnh lẽo và cứng rắn đã tác động lên Izumi: cô chưa bao giờ quên cách cư xử của tôi, và không tha thứ cho tôi. Cô quyết định thông báo cho tôi chuyện đó. Hẳn là cô sống không hạnh phúc lắm, tôi có trực giác mơ hồ như vậy. Nếu cô hạnh phúc, thì hẳn là cô sẽ không bao giờ nảy ra ý định gửi cho tôi tờ giấy báo đó. Hoặc, khi làm vậy, ít nhất cô cũng sẽ phải thêm vào một lời giải thích nhỏ.

Tôi nghĩ đến cô chị họ của cô. Tôi nhìn thấy lại căn phòng, cơ thể của cô, những cái ôm siết đầy say mê của chúng tôi. Tất cả những cái vô cùng sống động ấy ngày xưa đó, giờ đây không còn chút thực tế nào nữa. Chúng đã biến mất, như một làn khói bị gió cuốn đi. Vì sao mà cô chết? Tôi không thể biết được. Ba mươi sáu tuổi, đó không phải là cái tuổi để chết. Cô vẫn mang họ cũ: vậy là cô đã không lấy chồng, hoặc đã ly dị.

Cuối cùng, một hôm, tôi có tin về Izumi qua một người bạn cũ học cùng trung học. Anh nhìn thấy một bức ảnh chụp tôi trên một số đặc biệt của tờ tạp chị Brutus tên là “Hướng dẫn các quán bar Tokyo”, và biết được là tôi sở hữu hai câu lạc bộ nhạc jzaa ở Aoyama. Một tối khi đang đứng sau quầy, tôi nhìn thấy anh ta vừa tiến thẳng về phía tôi vừa kêu lên: “Xin chào, lâu lắm rồi! Cậu khỏe không?”, nhưng anh không đến quán chỉ để gặp tôi. Anh đi uống rượu với các bạn đồng nghiệp, và vì tôi đang ở đó anh bèn tận dụng cơ hội để đến chào tôi.

-Tớ đến đây nhiều lần rồi, cậu biết không, gần ngay công ty tớ mà. Nhưng tớ không hề biết cậu là chủ đâu nhé. Thế giới nhỏ quá nhỉ!

Ở trường trung học, tôi là một học sinh rất không nổi bật, trong khi anh ta là một thành viên của ban cán sự lớp, một học sinh lúc nào cũng đạt điểm cao, môn nào cũng giỏi, ngay cả môn thể dục. Tính cách anh khá hiền lành, không thích dính vào chuyện người khác. Ngày trước vì cao to khỏe mạnh, anh còn tham gia đội bóng đá của trường; nhưng với tuổi tác anh đã đẫy ra. Anh có hai cằm, và chiếc áo vest trong bộ comple xanh nước biển có vẻ hơi chật. “Toàn những bữa ăn vì công việc thôi, anh giải thích. Không bao giờ nên làm cho một hãng thương mại. Phải làm thêm rất nhiều, những cuộc tiếp tân liên hồi kỳ trận, lúc nào cũng phải đi đâu đó, khi nào có kết quả không tốt là bị ném ra ngoài, khi kết quả tốt thì lại phải làm nhiều hơn… Không, cậu thấy đấy, đó không phải là công việc dành cho một người bình thường.” Hãng của anh nằm ở Aoyama 1-chome, anh có thể đi bộ đến quán bar sau khi rời khỏi đó.

Chúng tôi nói chuyện với nhau đúng như những người bạn học cũ đã không gặp từ mười tám năm nay. Việc của cậu tốt chứ? Cậu lấy vợ, có con chưa? Cậu có gặp lại những người bạn cũ không? Chính xác vào lúc đó anh bắt đầu nói về Izumi.

-Cậu còn nhớ cô gái cậu hay cặp kè hồi đó không? Lúc nào các cậu cũng đi với nhau. Ohara…

-Izumi Ohara.

-Đúng rồi, Izumi Ohara. Hôm trước tớ gặp cô ấy đấy, cậu tin được không?

-Ở Tokyo? Tôi ngạc nhiên hỏi.

-Không, ở Toyohashi.

-Toyohashi? Tôi nhắc lại, còn ngạc nhiên hơn. Ở tỉnh Aichi đúng không?

-Đúng rồi, Toyohashi đó đấy.

-Cô ấy có thể làm gì ở đó nhỉ?

Hẳn anh phải cảm thấy sự căng thẳng trong giọng nói của tôi và trả lời:

-Tớ không biết cô ấy làm gì ở đó, nhưng tớ có thể nói rằng tớ đã gặp cô ấy, cái đó thì chắc chắn… Dù sao thì cũng quan trọng gì. Thậm chí thật ra tớ cũng không chắc đó có phải là cô ấy không nữa.

Anh gọi thêm một cốc Wild Turkey với đá trong khi tôi nhấm nháp một ly vodka-gimlett.

-Quan trọng gì đâu, kể đi nào!

-Cậu thấy đấy, anh nói, vẻ khó xử, khi tớ nói điều đó không quan trọng, thì là vì đôi khi tớ tự hỏi không biết điều đó có phải là thật hay không. Tớ đã cảm thấy rất kỳ, giống như là mơ trong lúc tỉnh ấy. Tớ chắc rằng điều đó là thậ,t nhưng cùng lúc nó lại có vẻ rất không thật. Tớ không biết phải giải thích thế nào, nhưng…

-Nhưng đúng là thật phải không nào?

-Đúng, đúng là thật.

-Thế thì kể đi.

Anh gật đầu vẻ do dự, rồi uống một ngụm whisky.

-Tớ đến Toyohashi vì một cô em của tớ sống ở đó. Tớ đang đi đến Nagoya cho đến tối thứ Sáu; tớ quyết định ngủ đêm tại chỗ cô em và về nhà vào ngày hôm sau. Cậu có tưởng tượng được rằng tớ đã gặp Izumi Ohara ở đó không. Trong thang máy, tớ gặp đúng cô ấy. Hoặc dù thế nào thì cũng là một người giống cô ấy khủng khiếp. Tớ tự nhủ: “Không thể nào là cô ấy được. Không thể nào lại có thể gặp cô ấy trong thang máy của tòa nhà nơi cô em tớ đang sống, ở Toyohashi, không, không thể.” Và rồi, cô ấy đã thay đổi không ít. Thậm chí tớ còn không hiểu sao mình lại nhận ra cô ấy dễ dàng đến thế. Có thể là một trực giác.

-Nhưng đúng là cô ấy chứ?

Anh gật đầu.

-Cậu cứ thử tưởng tượng là cô ấy sống ngay cùng tầng với cô em tớ. Cho nên cô ấy xuống cùng tầng với tớ và đi cùng cầu thang đi cùng hướng, rồi cô ấy vào trong một căn hộ, cách nhà em gái tới hai cửa. Vì đang tò mò quá, tớ đã đến nhìn tên ghi trên biển. Ghi là “Ohara”.

-Thế cô ấy không nhận ra cậu à?

Anh lắc đầu.

-Tớ và cô ấy học cùng lớp, nhưng không biết gì nhiều về nhau, không mấy khi nói chuyện với nhau. Và từ đó đến giờ tớ đã lên hai mươi cân. Không có lý do gì để cô ấy nhận ra được tớ cả.

-Nhưng cậu chắc đó là cô ấy chứ? Ohara là một cái họ khá phổ biến, và cũng có nhiều người giống nhau.

-Thì chính thế, vì rối trí quá, tớ đã nói chuyện với cô em. Nó cho tớ xem danh sách người ở trong khu nhà, cậu biết đấy, một biên bản cuộc họp của các đồng sở hữu hay cái gì đó tương tự. Ở đó ghi rất rõ “Izumi Ohara”. Cùng cả tên và họ. Trùng hợp quá còn gì.

-Thế thì cô ấy sống độc thân à?

-Cô em tớ không biết gì đâu. Có vẻ như là đó là một dấu hỏi lớn của cả khu nhà. Cô ấy không nói chuyện với ai; khi ai đó gặp cô ấy trong hành lang và lên tiếng chào, cô ấy sẽ không trả lời; nếu người ta bấm chuông nhà cô ấy, cô ấy sẽ không mở cửa. Ở khu phố người ta không thích cô ấy lắm, hình như là như vậy.

-Thế thì không thể là cô ấy được, tôi nói, và vừa mỉm cười vừa lắc đầu. Izumi hoàn toàn không như thế đâu, cô ấy luôn mỉm cười thật tươi chào hỏi mọi người.

Đồng ý, thế thì đó hẳn phải là một người khác trùng tên với cô ấy. Thôi bỏ đi, chuyện đó thú vị gì đâu…

-Nhưng cái cô Izumi Ohara đó sống một mình à?

-Tớ nghĩ thế. Chưa ai từng nhìn thấy có đàn ông ra hoặc vào nhà cô ấy, theo lời người ta kể. Cũng không ai biết cô ấy sống bằng cái gì. Thật sự là một dấu hỏi lớn đấy, tớ đã nói rồi mà.

-Còn cậu, cậu nghĩ gì về chuyện đó?

-Tớ? Nhưng chuyện gì?

-Thì về cô ấy. Về cái cô Izumi Ohara trùng tên nhưng lại là người khác ấy. Khi nhìn thấy cô ấy trong thang máy, cậu đã nghĩ gì? Cô ấy có vẻ khỏe mạnh không?

Anh suy nghĩ một lúc trước khi trả lời:

-Cô ấy không tệ lắm.

-Không tệ lắm? Nghĩa là gì?

Anh lắc ly whisky, những viên đá đập lanh canh vào nhau.

-Dĩ nhiên là cô ấy đã già đi. Ba mươi sáu tuổi rồi mà. Quá trình đồng hóa yếu đi, cậu còn muốn gì nữa nào. Cơ bắp thì nhão ra. Không thể nào mãi mãi là học sinh trung học được.

-Dĩ nhiên rồi, tôi nói.

-Thế thì nói chuyện khác nhé, đồng ý không? Dù thế nào đi nữa đó cũng không phải là cô ấy, thế nên…

Tôi buông một tiếng thở dài. Rồi đặt hai tay lên mặt quầy và nhìn anh và nói:

-Tớ muốn biết. Tớ phải biết. Izumi và tớ, bọn tớ đã chia tay một cách rất không hay, ngay khi ra trường. Tớ đã làm một điều rất không đẹp, và đã làm tổn thương cô ấy rất nhiều. Kể từ đó, tớ không hề biết cô ấy ra sao. Tớ không biết cô ấy ở đâu, làm gì. Vì thế mà tớ thấy rất đau khổ. Nên, cho dù câu trả lời thế nào, tớ muốn cậu nói với tớ thành thực: đó có phải là cô ấy không?

Anh gật đầu.

-Trong trường hợp đó, đồng ý… Đó chính là cô ấy. Rất tiếc, nhưng đúng là cô ấy.

Anh im lặng một lúc trước khi nói tiếp.

-Cậu thấy đấy, khi còn học trung học, lúc nào tớ cũng thấy cô ấy rất xinh. Đó là một người rất hay, tính cách tốt, thật sự đáng yêu. Không đẹp đến ghê người, nhưng có duyên, có cái gì đó làm người khác cảm động. Đúng không nào?

Tôi gật đầu.

-Cậu thật sự muốn tớ nói hết chứ? Anh hỏi thêm.

-Nói đi.

-Sẽ hơi nặng nề đấy.

-Không sao đâu. Tớ muốn được biết.

Anh uống thêm một ngụm whisky.

-Các cậu lúc nào cũng quấn quýt với nhau, điều đó làm tớ ghen tị. Tớ cũng muốn có một cô bạn gái như thế. Tớ có thể thú nhận với cậu điều đó, sau từng ấy thời gian. Chính vì thế mà tớ nhớ rất rõ khuôn mặt cô ấy, nó in sâu vào ký ức của tớ, và khi tớ gặp lại cô ấy trong cái thang máy đó sau mười tám năm tớ nhận ra cô ấy ngay lập tức. Tất cả để nói rằng tớ không hề có lý do nào để nói điều xấu về cô ấy…. Tớ đã bị sốc. Tớ rất không muốn nói điều này nhưng chắc chắn là cô ấy không còn xinh đẹp một chút nào nữa.

Tôi cắn môi.

-Sao lại có thể như thế được?

-Cô ấy làm bọn trẻ con sợ.

-Sợ?

Không hiểu rõ lắm, tôi nhìn chằm chằm người bạn cũ. Hẳn là anh ta đã chọn từ không chuẩn.

-Cậu muốn nói gì với từ “sợ”?

-Nghe ngày, hay là thôi không nói chuyện này nữa?

-Cô ấy kể cho bọn trẻ con những câu chuyện làm chúng sợ à?

-Cô ấy không nói chuyện với ai, tớ nói rồi mà.

-Thế thì khuôn mặt cô ấy làm chúng sợ?

-Đúng.

-Cô ấy có một vết sẹo hay cái gì đó tương tự à?

-Không hề.

-Thế thì làm sao chúng lại sợ?

Anh uống một ngụm whisky, đặt cốc xuống quầy bar. Nhìn tôi một lúc. Anh có vẻ bối rối và do dự, nhưng vẻ mặt của anh còn để lộ một điều nữa: giống như một dấu vết của cậu học sinh trung học ngày xưa. Anh ngẩng đầu lên, nhìn vào xa xăm, như thể đang ngắm nhìn một dòng sông. Rồi anh nói:

-Tớ không biết phải giải thích với cậu thế nào, và tớ cũng không muốn lắm. Thế nên đừng hỏi tớ nhiều. Nếu gặp cô ấy, cậu sẽ biết ngay như thế là thế nào. Không thể nào nói được chuyện đó với một người chưa tận mắt nhìn thấy cô ấy.

Tôi không nói gì. Tôi nhấc ly của mình lên, uống một chút vodka. Giọng của anh nhẹ nhàng, nhưg có điều gì đó nói với tôi rằng dù có tra hỏi anh đến đâu, anh cũng sẽ từ chối không chịu nói gì thêm với tôi.

Sau đó, anh nhắc đến hai năm đã sống ở Braxin để làm việc. “Cậu không tin được đâu, tớ đã gặp một cậu bạn cũ cấp hai ở Sao Paulo! Cậu ấy giữ một chân kỹ sư ở hãng Toyota…”

Dĩ nhiên là thậm chí tôi còn không nghe thấy anh đang nói gì. Khi đi, anh vỗ vai tôi nói nhỏ:

-Cậu biết đấy, thời gian biến đổi con người ta theo những con đường khác nhau lắm. Tớ không biết đã từng có chuyện gì giữa cậu và cô ấy, nhưng dù là thế nào thì cậu cũng không phải chịu trách nhiệm về con người mà cô ấy trở thành. Ai cũng từng có những kinh nghiệm tương tự, ở các mức độ khác nhau. Cả tớ nữa cũng thế. Tớ đảm bảo với cậu là chuyện giống y hệt. Không làm được gì đâu. Mỗi người có đời riêng của mình, đời ai chỉ thuộc về người đó. Cậu không thể nào có trách nhiệm được với một người khác. Chuyện đó giống như là sa mạc ấy: mỗi người phải quen với nó theo cách của mình, không có cách nào khác… Cậu còn nhớ bộ phim Walt Disney mà chắc cậu đã xem hồi còn học cấp một ấy: Sa mạc sống động?

-Có, tôi trả lời.

-Đấy, giống hệt như thế. Thế giới của chúng ta giống như thế. Khi trời mưa, hoa nở, và khi trời không mưa, hoa héo. Bọn thằn lằn ăn côn trùng, và bị bọn chim ăn thịt. Nhưng tất cả đều sẽ chết và khô teo đi. Một thế hệ biến mất, một thế hệ khác thế chỗ. Đó là một quy luật tuyệt đối. Có nhiều cách sống, và nhiều cách chết. Nhưng có quan trọng gì dâu. Điều duy nhất còn lại là sa mạc.

Sau khi anh đi khỏi, tôi ngồi một mình chống khuỷu tay lên quầy bar uống hết cốc này đến cốc khác – ngay cả khi những người khác cuối cùng đã đi khỏi, ngay cả khi những người làm công đã xếp xong bàn ghế và dọn dẹp, và cũng đi khỏi. Tôi không muốn về nhà. Tôi gọi điện cho vợ, nói tôi vẫn còn việc phải làm và sẽ về muộn hơn thường lệ. Tôi tắt hết đèn và tiếp tục uống whisky trong bóng tối. Tôi uống xếch, đi tìm đá là việc quá phức tạp.

“Phải, tất cả đều sẽ chết, tôi tự nhủ. Một số thứ biến đi mất giống như bị chém một nhát thật ngọt, những thức khác dần lẫn lộn vào nhau và biến đi mất theo thời gian. Và chỉ còn lại sa mạc.”

Khi tôi rời khỏi quán bar, trước khi trời sáng một chút, trên đại lộ Aoyama hơi đổ mưa bụi. Tôi kiệt sức. Mưa rơi xuống những khối nhà im lìm, như những tấm bia mộ ẩm ướt. Tôi để xe ở bãi đỗ và đi bộ về nhà. Nửa đường, tôi ngồi lên một bệ phân cách nhìn một con quạ lớn đậu trên đèn giao thông đang kêu. Bốn giờ sáng, thành phố mang cái vẻ khốn khó và bẩn thỉu. Tôi nhìn thấy cái bóng của phá hủy và thối rữa bay lơ lửng. Và tồn tại của tôi bị kẹt cứng giữa tất cả những thứ đó. Giống như một cái bóng in lên bức tường.