Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời

Chương 12

Trong hai tháng tiếp sau đó, cho đến mùa xuân, tôi gặp Shimamoto-san hàng tuần. Thỉnh thoảng nàng bất ngờ đến một trong các câu lạc bộ của tôi, chủ yếu là đến Robin's Nest. Nàng đến sau chín giờ. Nàng ngồi ở quầy bar, uống hai hoặc ba ly cocktail và đi vào khoảng mười một giờ. Tôi đến ngồi bên cạnh nàng để nói chuyện. Tôi không biết nhân viên của tôi nghĩ gì về mối quan hệ của chúng tôi. Nhưng tôi không lo lắng gì lắm về chuyện đó. Chính xác như hồi ở trường tiểu học: tôi vẫn luôn rất ít quan tâm đến ý kiến của người khác.

Đôi khi nàng gọi điện đến quầy bar và mời tôi hôm sau ăn trưa với nàng. Thường thì chúng tôi hẹn nhau ở một quán cà phê trên đại lộ Omote-sandô, và sau một bữa trưa nhẹ chúng tôi đi dạo trong khu phố. Chúng tôi không bao giờ ở cùng nhau quá hai hoặc ba tiếng. Khi đến lúc phải chia tay, nàng liếc nhìn đồng hồ đeo tay, mỉm cười với tôi và nói: "Thôi, em phải đi rồi." Nàng vẫn có nụ cười tuyệt đẹp quen thuộc, nhưng tôi không sao hiểu rõ được những tình cảm mà nó thể hiện. Nàng thấy nhẹ nhõm vì thoát được tôi? Tôi không có cách nào kiểm chứng xem nàng có được ai đó chờ ở một chỗ khác hay không.

Dù thế nào đi nữa, trong những dây phút bên nhau ngắn ngủi đó, chúng tôi nói chuyện rất say mê. Nhưng không bao giờ tôi ôm quàng lấy vai nàng, không bao giờ nàng cầm lấy tay tôi. Theo một dạng hiệp ước ngầm, chúng tôi không chạm vào nhau nữa.

Trên phố phường Tokyo, nàng tìm lại được nụ cười đầy quyến rũ và thoải mái mà nàng có trước đây. Tôi không bao giờ tìm thấy lại trên mặt nàng những cảm xúc dữ dội đã làm xáo động nàng trong chuyến đi của chúng tôi đến tỉnh Ishikawa, trong một ngày Chủ nhật lạnh giá của tháng Hai. Sự gần gũi nồng ấm bột phát nảy sinh giữa chúng tôi ngày hôm đó cũng không xuất hiện trở lại. Dù điều đó không hề được quyết định ra miệng, không ai trong chúng tôi nhắc lại chuyến đi nhỏ đầy lạ lùng đã thực hiện cùng nhau.

Đi bên cạnh nàng, tôi tự hỏi trong tâm trí nàng đang có những ý nghĩ nào khuấy động. Có lúc tôi nhìn thật sâu vào mắt nàng. Và tôi chỉ nhìn thấy ở đó một sự im lặng yên bình. Đường kẻ nhỏ trên mí mắt trên của nàng luôn làm tôi nghĩ đến một chân trời xa xôi. Giờ đây tôi thấy mình đã bắt đầu hiểu một chút cái cảm giác cô độc mà Izumi cảm thấy khi còn gần gũi với tôi hồi còn học trung học. Shimamoto-san sở hữu một thế giới nội tâm độc lập mà chỉ một mình nàng biết cách đi vào. Nàng là người duy nhất biết nó, duy nhất đảm trách nó. Tôi không thể xâm nhập. Cánh cửa đã từng hé mở một lần duy nhất, nhưng kể từ đó nó đã đóng lại im ỉm.

Ngay khi nghĩ đến tất cả những điều đó, tôi không biết được cái gì là đúng hay không nữa. Tôi thấy như thể mình đang quay lại thành cậu bé mười hai tuổi, bất lực và hoang vắng, mà tôi đã từng là. Chỉ cần nàng ở đó trước tôi là tôi không còn phải biết mình phải làm hay nói gì nữa. Tôi cố tìm lại sự bình tĩnh vốn có. Tôi cố gắng suy nghĩ. Vô ích. Có vẻ như tôi đã nói hoặc làm điều gì đó với nàng, một điều lẽ ra không được phép, tôi đã phạm những sai lầm. Tuy nhiên, dù tôi nói gì hay làm gì, nàng cũng luôn giấu kín những cảm xúc của mình và tiếp tục nhìn tôi với nụ cười quyến rũ không thể đoán định. Như thể muốn nói với tôi: “Quan trọng gì, thôi nào, mọi chuyện sẽ ổn thôi”.

Tôi gần như không biết gì về tình hình hiện tại của nàng. Thậm chí tôi còn không biết nàng đang ở đâu. Và với ai. Nàng kiếm sống như thế nào? Nàng lấy chồng chưa? Có thể là nàng đã có chồng. Nàng từng có một đứa con, nó đã chết ngay hôm sau ngày sinh. Và chuyện đó xảy ra vào tháng Hai, một năm trước. Suốt cả đời chưa bao giờ nàng làm việc. Tuy nhiên, nàng mặc quần áo sang trọng, mang đồ trang sức đắt tiền. Hẳn là tiền phải đến từ đâu đó. Đó là tất cả những gì tôi biết về nàng. Hẳn nàng đã có chồng khi sinh đứa con. Dù rằng tôi không thể chắc chắn được vào điều đó.

Đó chỉ là một giả thuyết, chỉ đơn giản là tôi không thể nghĩ nàng có một đứa con ngoài giá thú.Tuy nhiên, dần dần, trong những lần gặp gỡ, nàng bắt đầu nhắc đến những năm học cấp hai, rồi trung học. Hẳn là nàng tự nhủ rằng nàng không gặp phải nguy cơ gì khi nói đến những giai đoạn không có chút liên hệ nào với cuộc sống hiện nay của mình. Tôi cũng biết được nàng từng cảm thấy cô độc như thế nào trong suốt những năm đó. Nàng đã cố hết sức để ngang bằng với người khác. Dù gặp phải hoàn cảnh gì, nàng cũng không bao giờ đi tìm những lời biện hộ. "Em không muốn dùng cái tật ở chân như một lời thanh minh, nàng nói. Khi bắt đầu đi tìm những lời biện hộ, người ta sẽ giữ mãi cái thái độ đó suốt cả đời, còn em, em không muốn sống theo cách ấy." Nhưng trong suốt đoạn đời đó, cái thái độ này đã không mấy có lợi cho nàng. Điều đó gây ra nhiều hiểu lầm với người khác, những hiểu lầm từng làm tổn thương nàng sâu sắc. Càng ngày nàng càng khép kín hơn. Buổi sáng, khi tỉnh dậy, nàng thường bị nôn vì không muốn đến trường.

Một hôm nàng cho tôi xem một bức ảnh chụp hồi còn ở trường trung học: nàng ngồi ngoài trời, trên một chiếc ghế trong vườn, xung quanh là những cây hướng dương nở hoa. Đó là mùa hè, nàng mặc một chiếc quần soóc vải jeans, một cái áo phông trắng. Và nàng thật đẹp. Nàng mỉm cười, nhìn thẳng vào ống kính, một nụ cười vẻ kém thoải mái hơn hiện nay một chút nhưng cũng vẫn tuyệt vời. Vẻ hơi thiếu tự tin ở nụ cười đó khiến nó càng trở nên cảm động hơn. Nàng không có vẻ gì là một cô bé gái đơn độc đang sống qua những ngày bất hạnh.

-Có vẻ như là em đang rất hạnh phúc, nếu chỉ nhìn vào bức ảnh này, tôi nhận xét.

Nàng chậm rãi lắc đầu. Những nếp nhăn nhỏ quyến rũ xuất hiện ở đuôi mắt nàng, như thể nàng đang nhớ lại những ngày đó.

-Anh biết không, Hajime, những bức ảnh đó không có nghĩa lý gì đâu, đó chỉ là một dạng bóng hình không chút chiều sâu nào. Cái tôi thật của em khi đó không hiện ra trên bức ảnh, nó ở chỗ khác. Đó không phải là điều mà người ta có thể in lên một cuộn phim máy ảnh.

Bức ảnh làm tôi thấy se lòng. Nhìn nó, tôi nhận thức được toàn bộ thời gian mình đã để mất. Một khoảng thời gian quý giá sẽ không bao giờ trở lại nữa. Một khoảng thời gian mà tôi sẽ không bao giờ còn tìm lại được, ngay cả với toàn bộ nỗ lực trên đời. Một khoảng thời gian chỉ tồn tại vào lúc đó. Tôi chăm chú nhìn bức ảnh.

-Tại sao anh nhìn bức ảnh này kỹ thế? Shimamoto-san hỏi.

-Để lấy lại được tất cả khoảng thời gian đánh mất đó, tôi nói. Anh không gặp em trong suốt hơn hai mươi năm, anh muốn lấp lại cái khoảng trống đó, dù chỉ là một chút xíu.

-Nàng nhìn tôi với một nụ cười lạ lùng, như thể trên mặt tôi có vết nhọ.

- Lạ thật đấy. Anh chỉ muốn lấp đầy cái khoảng trống giai đoạn đó, còn em chỉ muốn thu nhỏ nó lại đến hư vô.Từ trường cấp hai đến trung học, nàng không có bạn trai nào. Không phải là không có cậu bé nào thích được thân thiết với nàng, vì nàng rất xinh, nhưng nàng từ chối. Nàng thử vài lần, tất cả đều không kéo dài.

-Em nghĩ là em không yêu những cậu con trai cùng tuổi. Anh biết thời đó bọn họ thế nào rồi đấy - thô lỗ, ích kỷ, bị ám ảnh bởi một ý nghĩ duy nhất: thò được tay vào dưới váy bọn con gái. Em thấy thất vọng lắm. Cái mà em tìm kiếm là một mối quan hệ giống như mình đã có ngày xưa.

-Em biết không, Shimamoto-san, anh cũng thế, năm mười sáu tuổi, anh nghĩ anh đúng là thô lỗ, ích kỷ và chỉ nghĩ đến chuyện thò tay vào dưới váy các cô gái. Cũng tương tự vậy thôi.

-Thế thì có lẽ tốt hơn cả là chúng ta không gặp lại nhau vào thời kỳ đó, nàng cười thật tươi, nói. Rời khỏi nhau vào năm mười hai tuổi và gặp lại ở tuổi ba mươi bảy, có thể như thế là thích hợp hơn cả.

-Em tin là như thế à?

-Đến giờ thì chắc là anh đã có khả năng nghĩ một chút đến những thứ khác ngoài thò tay vào dưới váy các cô gái rồi chứ?

-Một chút, tôi đáp, một chút xíu. Nhưng nếu em quan tâm đến những suy nghĩ của anh, thì lần sau gặp anh, em nên mặc một cái quần.

Shimamoto-san đặt hai tay lên mặt bàn, mỉm cười nhìn chúng. Vẫn vậy, ngón tay nàng không hề đeo nhẫn. Mỗi lần gặp nhau nàng lại đeo một cái đồng hồ khác, thường xuyên đeo vòng tay, cả khuyên tai nữa, nhưng nhẫn thì không bao giờ.

-Và rồi, em ghét làm phiền sự tự do của các cậu con trai. Anh hiểu không, có rất nhiều điều em không thể làm được: đi picnic, bơi, trượt tuyết, trượt băng, đi sàn nhảy, tất cả với em đều là không thể. Ngay cả khi đi dạo cùng anh, anh cũng phải đi rất chậm. Tất cả những gì em có thể làm không chút khó khăn gì là ngồi bên cạnh ai đó, nói chuyện và nghe nhạc. Vào tuổi đó, các cậu con trai không thể chịu đựng nổi những hoạt động kéo dài đến thế. Còn em thì không muốn trở thành điều phiền nhiễu với bất kỳ ai.

Nàng uống một ngụm Perrier vị chanh. Đó là một buổi chiều ấm áp tháng Ba. Thậm chí đã có thể nhìn thấy những người trẻ tuổi mặc sơ mi ngắn tay, trong đám đông, đang đi lại trên Omote-sandô.

-Nếu hồi đó chúng ta còn chơi với nhau, rất có thể em cũng sẽ làm phiền cả anh nữa. Anh sẽ chán em. Anh sẽ muốn được lao vào một thế giới khác rộng lớn hơn, hoạt động hơn, và em sẽ rất đau khổ về điều đó.

-Không, Shimamoto-san, anh không nghĩ là anh có thể chán được em. Bởi vì, em thấy đấy, có mối liên hệ đặc biệt nào đó giữa anh và em. Anh biết điều ấy. Anh không thể giải thích được nó bằng lời nói, nhưng anh biết mối liên hệ ấy nằm ở đó và nó quan trọng, và quý giá. Anh chắc là em cũng biết.

Nàng chăm chú nhìn tôi, mặt không đổi sắc.

-Anh là một người rất bình thường, tôi nói tiếp, anh không có gì đặc biệt để tự tán dương. Và khi còn trẻ, anh còn kém cỏi nữa, kiêu ngạo và không có chút tinh tế nào, vì thế chắc là anh không phải là một người thích hợp để ở bên em. Nhưng anh có thể nói với em điều này: anh sẽ không bao giờ thấy chán em. Về điểm này thì em khác với những người khác. Với em, anh là một người đặc biệt, anh cảm thấy thế.

Shimamoto-san lại nhìn hai bàn tay đặt trên bàn. Nàng hơi doãng những ngón tay ra, như để nghiên cứu hình dáng của chúng.

-Nghe này, Hajime, thật là đáng tiếc nhưng một số điều không thể trở ngược về sau được. Một khi đã đi về phía trước, thì dù có nỗ lực đến mức nào, người ta cũng không thể quay lại đằng sau. Khi đã có một chi tiết dù là rất nhỏ bị lỏng ra, tức khắc mọi thứ sẽ đứng im, và mãi mãi nằm im như thế.

Một lần, chúng tôi cùng nhau đi nghe các Concerto cho piano của Liszt. Shimamoto-san gọi cho tôi đề nghị đi cùng nàng đến buổi hòa nhạc. Nhạc sĩ là một dương cầm thủ nổi tiếng Nam Mỹ. Tôi cùng nàng đến phòng hòa nhạc của công viên Ueno. Buổi độc tấu thật tuyệt diệu. Kỹ thuật của người nghệ sĩ thật hoàn hảo, nhạc vừa tinh tế vừa sâu, xúc cảm của người chơi có thể cảm nhận rõ. Tuy nhiên, dù có nhắm mắt lại cố hết sức tập trung, tôi vẫn không sao chìm đắm được vào thế giới âm nhạc đó. Một tấm riđô mỏng dựng lên giữa buổi hòa nhạc đó và tôi. Một tấm riđô mỏng đến mức không thể chắc nó có tồn tại hay không; cứ như vậy mãi, dù cho có cố gắng đến đâu tôi cũng không sao đi qua được nó. Khi tôi kể điều đó với Shimamoto-san lúc ra khỏi phòng hòa nhạc, nàng nói với tôi là nàng cảm thấy một điều tương tự.

-Theo anh, đâu là vấn đế của cuộc hòa nhạc này? nàng hỏi. Nghệ sĩ dương cầm chơi rất tuyệt đấy chứ.

-Em còn nhớ không? Cái đĩa mà chúng ta nghe hồi nhỏ hơi bị xước ở cuối bài thứ hai, nghe thấy có tiếng rít nhỏ. Crr, crr, crr. Khi không nghe thấy tiếng đó, anh thấy thiếu cái gì đấy.

Shimamoto-san phá lên cười.

-Ý kiến của anh không thật sự có vẻ gì là có cảm giác nghệ thuật cả!

-Nghệ thuật với chả cảm giác nghệ thuật! Anh sẵn sàng ném chúng làm thức ăn cho bọn kền kền hói đầu! Anh thì anh yêu cái tiếng đó, anh không thể bỏ nó được.

-Có thể, nàng chấp nhận. Nhưng kền kền hói đầu là gì? Em chỉ mới biết kền kền bình thường thôi, còn kền kền hói đầu thì chưa bao giờ.

-Trong tàu điện ngầm trên đường về, tôi giải thích cho nàng sự khác nhau giữa kền kền thường và kền kền hói đầu. Khác biệt về nơi cư trú, tiếng kêu, giai đoạn giao phối, tất cả.

-Kền kền hói đầu sống bằng nghệ thuật, kền kền thường ăn xác chết. Có gì chung đâu.

-Anh thật là kỳ lạ! Nàng cười kêu lên, rồi nàng hơi nhích vai lại gần tôi, trên chiếc ghế chúng tôi đang ngồi. Đó là lần đầu tiên trong vòng hai tháng cơ thể chúng tôi thoáng chạm qua nhau.

Tháng Ba trôi đi như thế. Tháng Tư là tháng khai trường và con gái út của tôi vào cùng trường mẫu giáo với chị nó. Yukiko, từ giờ đã có thêm một chút thời gian rảnh rỗi, ghi tên vào một nhóm tình nguyện viên của khu phố chuyên giúp đỡ trẻ em tàn tật của các trường. Thường thì tôi chở các con gái đến trường và đón chúng về. Khi tôi không có thời gian, Yukiko đi thay. Khi nhìn thấy hai con gái lớn dần, tôi nhận ra là mình đang già đi. Độc lập với những gì chiếm giữ những suy nghĩ của tôi, hai con gái của tôi lớn lên. Dĩ nhiên là tôi yêu chúng. Nhìn chúng lớn lên với tôi là một hạnh phúc. Nhưng, có lúc, khi nhận ra sự thay đổi quá mau chóng, theo từng tháng, tôi cảm thấy nghẹt thở. Như thể có một cái cây đang mọc lên trong tôi, cành lá xòe ra, đâm vào da, xương, thịt và nội tạng của tôi để lấy dưỡng chất, và giành giật lấy chỗ đứng. Đôi khi, ý nghĩ đó bóp chặt lấy tôi đến mức làm tôi mất ngủ.

Tôi gặp Shimamoto-san mỗi tuần một lần và có những cuộc trò chuyện dài với nàng. Tôi chở các con gái đến trường, đưa chúng về nhà. Và nhiều lần trong tuần, tôi làm tình với vợ. Tôi nghĩ rằng mình làm tình với cô nhiều hơn kể từ khi gặp lại Shimamoto-san. Nhưng đó không phải là cảm giác tội lỗi. Khi tôi ôm cô, hoặc khi ở trong vòng tay cô, tôi đang tìm cách bám chặt vào một cái gì đó.

-Anh thử nói xem nào, có chuyện gì thế? một hôm Yukiko hỏi tôi. Dạo này anh rất lạ. (Đó là một buổi chiều, chúng tôi vừa làm tình xong). Em chưa bao giờ nghe nói đến chuyện ham muốn tình dục của đàn ông lại đột nhiên tăng lên sau ba mươi bảy tuổi cả.

-Anh có chuyện gì đâu, tôi khẳng định, anh vẫn bình thường mà.

Cô nhìn tôi một lúc lâu rồi lắc đầu.

-Em thật sự tự hỏi trong đầu anh đang có gì, cô nói.

Thì giờ rãnh rỗi, tôi dành để nghe nhạc cổ điển, lơ đãng nhìn xuống nghĩa trang Aoyama qua cửa sổ phòng khách. Tôi không còn đọc nhiều nữa. Tôi gặp khó khăn trong việc tập trung vào một cuốn sách.

Nhiều lần tôi gặp lại người mẹ trẻ tuổi đi chiếc Mercedes 260E. Đôi khi chúng tôi nói chuyện với nhau trong khi đợi con ở cổng trường. Những thông tin lặt vặt giống như tất cả những người sống ở khu Aoyama vẫn thường nói với nhau: giờ nào bãi đổ xe của một siêu thị vắng người nhất, quán ăn Ý vừa đột nhiên trở nên kém hẳn kể từ khi thay bếp trưởng, hội chợ rượu vang nhập khẩu tháng sau ở cửa hàng Meiji-ya. "Nào, nào, giờ thì mình biến thành một kẻ ngồi lê đôi mách đứng nói chuyện ở cạnh nơi giặt công cộng rồi", tôi tự nhủ, nhưng dù thế nào đi nữa đó cũng là những chủ đề trò chuyện duy nhất mà chúng tôi có thể nói được với nhau.

Khoảng giữa tháng Tư, Shimamoto-san lại biến mất. Lần cuối cùng tôi gặp nàng, chúng tôi ngồi nói chuyện một lúc ở Robin's Nest, nhưng một cú điện thoại từ quán bar kia cắt đứt cuộc trò chuyện của chúng tôi; tôi buộc phải sang đó giải quyết một việc gấp.

-Anh sẽ quay lại trong khoảng nửa tiếng nữa là cùng, tôi đảm bảo với nàng.

-Vâng, cứ đi đi, đừng lo, em sẽ ngồi đây đọc sách chờ anh, nàng mỉm cười trả lời.

Tôi vội vã quay trở lại, nhưng ghế của Shimamoto-san đã để trống. Đã hơn mười một giờ một chút. Nàng để lại một mẩu tin nhắn cho tôi, viết lên sau lưng một bao diêm để trên mặt quầy bar. "Có lẽ em sẽ không thể đến trong một khoảng thời gian. Em phải đi. Tạm biệt. Anh nhớ giữ gìn sức khỏe."

Tôi cảm thấy hụt hẫng mất một lúc sau đó. Tôi không biết phải làm gì nữa. Tôi đi đi lại lại trong nhà, tôi lang thang vô vọng trên phố, đến trước cổng trường rất sớm để đón các con gái. Điều đó khiến tôi có thời gian nói chuyện với cô gái trẻ đi chiếc Mercedes. Thậm chí có lúc chúng tôi còn đi uống cà phê với nhau. Những cuộc trò chuyện của chúng tôi luôn luôn xoay quanh những loại rau ở Kinokuniya, những quả trứng bio ở cửa hàng đồ tươi, hoặc đồ giảm giá ở Miki-House. Cô tâm sự mình thích quần áo của nhà Inaba-Yoshie và cô chọn những bộ mà cô thích trong catalogue và đặt trước khi đến mùa. Và rồi cô nói với tôi về quán ăn bán món lươn thật ngon, gần sở cảnh sát Omote-sandô, nhưng thật đáng tiếc là nó đã đóng cửa. Cứ nói chuyện như thế, chúng tôi trở thành bạn tốt của nhau. Tính cô rất dễ chịu và cởi mở hơn nhiều so với cô tỏ ra khi mới gặp lần đầu. Nhưng tôi không cảm thấy chút quyến rũ mang tính dục tình nào ở cô. Chỉ đơn giản là tôi cần ai đó để nói chuyện. Nói những chuyện nhẹ nhàng không lưu lại hậu quả. Tôi tìm kiếm những cuộc trò chuyện trong đó không gì có nguy cơ làm tôi nhớ đến Shimamoto-san.

Khi thật sự không còn gì để làm, tôi đến những cửa hàng lớn. Một lần, tôi mua liền sáu chiếc sơ mi. Tôi cũng mua đồ chơi, búp bê cho các con gái, đồ lặt vặt cho Yukiko. Tôi đến phòng trưng bày xe BMW, nhìn ngắm thật lâu chiếc M5 và, mặc dù không có chút ý định mua nào, hỏi người bán đủ loại thông tin về chiếc xe.

Tuy nhiên, sau nhiều tuần ở trạng thái bồn chồn đó, tôi cũng đã tập trung trở lại được vào công việc. Mình không thể sống mãi như thế được, tôi tự nhủ. Tôi gọi đến một chuyên gia thiết kế và một người trang trí nội thất, thảo luận với họ về một cuộc cải tạo các quán bar. Tôi nghĩ đã đến lúc phải thay đổi một chút trang trí của mấy chỗ đó cũng như trong chiến lược kinh doanh của mình. Một lúc nào đó cần phải làm chuyện này. Với các quán bar cũng như với con người. Nếu không bao giờ có gì thay đổi, sự hăng hái sẽ dần dần giảm sút. Từ bấy lâu nay, tôi cảm thấy trong mình đòi hỏi phải thay đổi. Người ta thậm chí còn có thể chán được những khu vườn tưởng tượng. Thế nên tôi quyết định bắt đầu bằng việc cải tạo một phần trang trí của quán bar, bắt đầu với quán đầu tiên, sau đó là Robin's Nest. Phải làm cho mấy nơi này trở nên tiện ích hơn, loại bỏ các thứ đồ dùng quá phức tạp và cải thiện phần thiết kế. Phải xem lại toàn bộ hệ thống âm thanh và điều hòa nhiệt độ. Và cả thực đơn nữa. Tôi lên một danh sách chi tiết tất cả những gì có thể cải tiến, sau khi đã tham khảo ý kiến mỗi nhân viên. Danh sách khá dài. Tôi giải thích thật cụ thể cho những người trang trí hình ảnh về quán bar đổi mới như trong óc tôi tưởng tượng ra, bảo họ vẽ đồ án, nêu yêu cầu, đòi sửa lại nhiều lần các bản vẽ. Tôi tự tay chọn tất cả các vật liệu, đòi dự toán, tính toán ngân sách. Chỉ để tìm ra được giá để xà phòng trong toalét, tôi đã phải mất ba tuần lục tung các cửa hiệu ở Tokyo, tìm bằng được giá để xà phòng lý tưởng. Tôi kiệt sức thật sự với toàn bộ công việc đó, và đó cũng chính là mục đích mà tôi tìm kiếm.

Tháng Năm trôi qua, tháng Sáu đến. Shimamoto-san vẫn không xuất hiện. Tôi bắt đầu tự nhủ rằng nàng đã rời hẳn khỏi thành phố. "Có lẽ em sẽ không thể đến trong một khoảng thời gian", nàng đã viết như vậy: đặc biệt là sự mù mờ của "có lẽ" và "một khoảng thời gian" khiến tôi thấy đau khổ. Có thể một ngày nào đó nàng sẽ quay trở lại. Nhưng tôi không thể ngồi mãi ở quán để chờ đợi "có lẽ" và "một khoảng thời gian". Nếu tiếp tục sống như vậy, cuối cùng tôi sẽ trở thành một thằng ngu hoàn hảo. Giờ đây tôi cố sức giữ cho mình được bận rộn nhất có thể. Tôi đến bể bơi còn chăm chỉ hơn trước. Sáng nào tôi cũng bơi hai nghìn mét liền. Sau đó, tôi lên phòng tập ở tầng trên để tập tạ. Thoạt tiên, tôi bị đau cơ suốt một tuần. Trong khi chờ đèn đỏ, tôi bị chuột rút ở chân trái đau đến nỗi không nhấn nổi bàn đạp ga. Tuy nhiên cơ bắp tôi nhanh chóng quen với bài tập mà tôi bắt chúng phải chịu. Những nỗ lực ở cường độ cao về thể lực đó ngăn tôi nghĩ đến điều gì khác, và việc tập tành hàng ngày đó giúp tôi có được sự tập trung cần thiết cho các công việc khác nhau mà tôi tự buộc mình phải làm. Tôi tìm cách tránh sự hẫng hụt vào mọi lúc, cố gắng lúc nào cũng tập trung đầu óc. Khi gội đầu, tôi cũng hết sức tập trung. Khi nghe nhạc, tôi hết sức tập trung. Quả thật là nếu không làm vậy, tôi sẽ không đủ sức để sống tiếp được.

Mùa hè, Yukiko, các con gái và tôi thường đi nghỉ cuối tuần ở nhà nghỉ của chúng tôi ở Hakone. Xa thủ đô, giữa thiên nhiên, hai cô con gái và Yukiko có vẻ sung sướng và thoải mái. Họ hái hoa, dùng ống nhòm xem chim bay, chơi trò đuổi bắt, lội nước sông. Hoặc cả bốn chúng tôi nằm dài trong vườn, không làm gì cả. Chỉ có điều, ba người còn lại đều không biết gì hết. Cả ba đều không biết rằng nếu chuyến bay về Tokyo bị hủy bỏ vào một ngày tuyết rơi tháng Hai thì rất có thể tôi đã bỏ rơi họ để đi bất kỳ đâu cùng Shimamoto-san. Ngày hôm đó, tôi đã rất có thể buông xuôi tất cả: công việc, gia đình, gia tài, tất cả. Và ngay cả giờ đây nữa, tôi vẫn không ngừng nghĩ đến nàng. Tôi còn nhớ rất chính xác cảm giác mà tôi đã cảm thấy khi vòng tay quanh vai nàng, rồi đặt một cái hôn lên má nàng. Và sau đó, tôi không tài nào đuổi được khỏi tâm trí hình ảnh của Shimamoto-san ngay cả trong lúc làm tình với vợ. Không ai biết điều tôi thật sự có trong đầu. Hoàn toàn giống việc tôi không hề biết điều Shimamoto-san thật sự có trong đầu.

Tôi quyết định giành phần còn lại của kỳ nghỉ hè cho việc cải tạo quán bar. Để lại vợ và hai con gái ở Hakone, tôi một mình trở về Tokyo, lao vào công việc, chỉ đạo chi tiết cho những người làm. Phần thời gian còn lại, tôi tiếp tục chăm chỉ đến bể bơi và nâng tạ. Cuối tuần, tôi đến ở cùng gia đình ở Hakone, chúng tôi đi bơi ở bể bơi của khách sạn Fujiya rồi ăn tối ở đó. Đêm đến, tôi làm tình với Yukiko.

Tôi sắp bốn mươi tuổi; tuy nhiên tôi chưa hề béo lên một gam nào,và có vẻ như tóc tôi vẫn không chịu thưa đi. Nhờ tập thể thao thường xuyên, tôi hoàn toàn không cảm thấy cơ thể mình già đi. Tôi sống một cuộc đời quy củ, tránh mọi điều thái quá, kiểm soát thật kỹ đồ ăn thức uống. Tôi chưa ốm lần nào. Tôi có dáng vẻ của người mới ba mươi tuổi.

Vợ tôi rất thích vuốt ve cơ thể không mặc gì của tôi. Cô đặt tay lên ngực tôi, vuốt xuống cái bụng phẳng, thích lần sờ xuống phần dưới của tôi. Cô cũng đến một câu lạc bộ thể thao và luyện tập rất chăm chỉ. Nhưng vài cân nặng thừa ra nhất định không chịu biến mất dù cho cô có làm gì đi nữa.

-Thật bất hạnh, tuổi tác mà, cô thở dài nói. Ngay cả khi giảm được cân thì hai bên hông em vẫn cứ nặng trịch như thường.

-Không mà, anh thích cơ thể em như thế này. Em rất đẹp như thế này, không việc gì phải tự hành hạ với mấy trò tập thể dục và ăn kiêng cả. Mà em có béo đâu cơ chứ.

-Tôi không nói dối. Tôi thích cơ thể mềm mại hơi đẫy của cô. Tôi thích vuốt ve cái lưng trần của cô.

-Anh không hiểu rồi, nàng lắc đầu đáp. Đừng nói đơn giản là em đẹp như thế này: anh không biết được là em phải cố gắng như thế nào để giữ được như thế đâu.

Nhìn từ bên ngoài, cuộc sống của chúng tôi rõ ràng là lý tưởng. Cả bản thân tôi, thỉnh thoảng, cũng tự nhủ đó là một cuộc sống hoàn hảo, tôi không có gì phải phàn nàn cả. Công việc mang lại cho tôi niềm say mê và giúp tôi kiếm được nhiều tiền. Chúng tôi có một căn hộ ở Aoyama, một ngôi nhà nhỏ trên vùng núi ở Hakone, một chiếc BMW và một chiếc jeep Cherokee. Chúng tôi tạo thành một gia đình hoàn chỉnh. Vợ tôi và tôi yêu hai cô con gái. Còn đòi hỏi cuộc đời gì nhiều hơn nữa? Ngay cả khi vợ và các con tôi cầu xin tôi nói thẳng cho họ rằng họ phải làm gì để trở thành một người vợ tốt hơn, những đứa con tốt hơn, và để tôi yêu họ hơn, tôi cũng sẽ không biết phải nói gì: thật sự là tôi không có gì để chê trách họ hết. Cuộc sống gia đình của tôi hoàn hảo. Tôi không thể tưởng tượng một tồn tại nào dễ hơn thế nữa.

Thế nhưng, kể từ khi Shimamoto-san biến mất, tôi có cảm giác mình đang sống trên mặt trăng, không có oxy để thở. Không có Shimamoto-san, tôi không còn nơi nào trên đời này để mở lòng mình nữa. Trong những đêm mất ngủ, nằm dài trên giường, bất động, tôi lại nghĩ, nghĩ mãi về cái sân bay Komatsu dưới làn tuyết rơi. Sẽ thật hay nếu các kỷ niệm mờ dần đi sau khi bị nhìn đi nhìn lại, tôi tự nhủ. Nhưng ký ức đó nhất định không chịu xóa mờ. Ngược lại, mỗi lần nó lại càng hiện ra rõ nét hơn: bảng giờ khởi hành thông báo mọi chuyến bay đi Tokyo đều bị muộn, tuyết bên ngoài rơi không ngừng... Một làn tuyết dày đến mức không thể nhìn được gì quá một mét. Shimamoto-san đang ngồi trên một cái ghế băng, hai tay khoanh lại trước ngực. Nàng mặc một chiếc áo khoác màu xanh nước biển, quấn một cái khăn quanh cổ. Một mùi hương của nước mắt và tuyệt vọng bồng bềnh quanh nàng. Ngay cả giờ đây, tôi vẫn nhớ cảnh đó, tôi có thể cảm thấy nó. Vợ tôi đang nhẹ nhàng thở bên cạnh tôi trong giường. Tôi nhắm mắt lại lắc đầu. Cô ấy không biết gì hết cả.

Tôi còn nhớ mình đã cho Shimamoto-san uống nước như thế nào, từ môi truyền sang môi, thứ tuyết tan, trên bãi đỗ xe của quán bowling đóng cửa. Tôi còn nhìn thấy nàng đang nép sát vào tôi trên chuyến máy bay trở về. Mắt nàng nhắm, đôi môi hé mở như thể sẽ thốt ra một tiếng thở dài. Cơ thể mềm mại, thả lỏng hoàn toàn trong vòng tay tôi. Khi đó, nàng thật sự muốn tôi. Trái tim nàng hé mở cho tôi. Nhưng tôi đã kiềm chế, tôi đã kiềm chế để được ở lại trong một thế giới thiếu sinh khí, hoang vắng như bề mặt mặt trăng. Và không lâu sau đó, nàng đi mất, và cuộc đời tôi lại lạc lối thêm một lần nữa.

Những ký ức sống động đó khiến tôi không ngủ nổi gần như cả đêm. Bị kéo ra khỏi giấc ngủ vào khoảng hai hoặc ba giờ sáng, tôi không sao ngủ lại được. Khi đó, tôi bèn dậy, vào bếp, rót một cốc whisky. Cốc rượu trên tay, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ phía dưới, nghĩa trang tối om, và những ngọn đèn pha trượt đi trên mặt đường. Thời gian chia cắt giữa màn đêm sâu thẳm đó và bình minh chậm chạp trôi đi, thật buồn bã. Đôi khi, tôi tự nhủ nếu có thể khóc thì hẳn mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Nhưng tôi phải khóc vì cái gì đây? Vì chính tôi? Tôi quá ích kỷ để có thể khóc cho những người khác, và quá già để có thể khóc cho chính tôi.

Rồi mùa thu đến. Khi đó, trái tim tôi đã tìm lại được sự bình yên. Cuối cùng tôi đi đến kết luận sau: tôi không thể tiếp tục sống như thế này nữa.