Những kẻ phiêu lưu

QUYỂN BỐN – HÔN NHÂN VÀ THỜI TRANG Chương 1 & 2

Khói đặc quánh trong căn hầm mờ tỏ. Ở góc trong, ban nhạc nhẩy đang khua ầm ĩ thứ âm thanh không cần đếm xỉa đến chất lương. Robert nhìn lên khi Denisonde len lỏi qua các dãy bàn chật cứng. Khi cô đến bên, anh không nhìn cô, mà nhìn xuống ly pastis.

"Bobby?" Anh vẫn nhìn ly rượu. "Muộn rồi, về đi".

"Cô xong việc rồi à?"

"Vâng".

Anh nhìn đồng hồ. "Mới có hai giờ".

Lần đầu tiên anh nhìn lên cô rồi ra hiệu về những chiếc bàn đông đúc. "Họ có ối việc ra đấy chứ".

"Ngoài phố vắng tanh".

Anh cầm chiếc túi nhỏ của cô, đổ tất cả các thứ ở trong lên bàn. Thỏi son, hộp phấn, gương, mấy tờ bạc nhầu nhĩ…Anh cầm tiền lên đếm. "Chỉ có sáu ngàn franc?"

"Em đã bảo là không có việc mà".

Anh cáu bẳn quăng chúng đi. "Tôi đã tiêu ở đây gấp mấy chỗ này để đợi cô".

"Em xin lỗi".

Anh nhặt lại tiền, nhét vào túi, đẩy những thứ còn lại về phía cô. "Tôi chưa sẵn sàng đi".

Denisonde nhét các thứ vào túi. "Em ngồi được không?" cô nhún nhường. "Em mệt quá".

"Không, cô ngồi đâu thì ngồi. Tôi không cần cô".

Cô ngập ngừng một lát rồi len lỏi qua những dãy bàn, trở lại quầy bar. Người đứng quầy đẩy ly pastis tới khi cô ngồi lên chiếc ghế cao. "Anh ta lại lên cơn phải không?"

Cô gật đầu.

"Ngồi như thế từ chập tối đấy. Chẳng chuyện trò với ai cả".

Cô không trả lời.

"Tôi không hiểu cô dây với anh ta làm gì", người bán bar dướn lên, thì thầm. "Một cô gái như cô phải có người đàn ông biết quý trọng, biết giúp đỡ cô trong chuyện làm ăn chứ không phải cứ ngồi ì ra đấy để mặc cô lo mọi việc".

"Anh ấy là người lịch lãm".

"Một người lịch lãm?" Người bán bar cười hô hố. "Nếu người lịch lãm là như thế thì tôi thà có cái áo tơi lá còn hơn. Cô chỉ phí phạm đời mình thôi. Bỏ hắn đi, và tôi sẽ đưa cô vào chỗ làm ăn thực sự tốt, cô sẽ không còn phải gõ gót vỉa hè trong những đêm băng giá nữa".

Cô cười "Tôi không thích vào một chỗ nào cả. Tôi chỉ thích mình làm mình ăn thôi".

"Không phải là nhà chứa. Tôi vừa được ông chủ OK. Kiếm vài cô gái tử tế, ông ấy bảo tôi thế, và tức khắc tôi nghĩ đến cô, cô Denisonde, tôi nghĩ, cô trúng phóc đối với một chỗ như thế này. Đẳng cấp thực sự".

Ban nhạc ngừng chơi, và bộ ba nhạc công đi xuống. Người da đen gầy đét, chơi trống, dừng lại bên cô. "Hello, Denisonde".

"Jean-Claude".

Anh ta tựa lưng vào quầy bar để có thể nhìn cô, và qua cô, nhìn cả phòng. "Bobby suốt đêm chả nói một câu".

"Không rắc rối chứ?" cô lo lắng.

Jean-Claude lắc đầu. "Giờ chúng tôi quen với Bobby rồi. Ai nấy đều tránh xa anh ta".

"Tốt" cô liếc qua vai. Robert vẫn ngồi nhìn ly rượu. "Tôi mong anh ấy chịu về nhà. Anh ấy bệnh".

"Làm sao cô biết?"

"Bao giờ tôi cũng biết. Biết ngay từ chập tối khi chúng tôi bắt đầu đi. Tôi chẳng làm được gì vì cứ lo lắng cho anh ấy. Vì thế mà tôi về sớm".

"Cô thực sự kết anh ta?"

Cô nhìn Jean-Claude. "Anh ấy cô đơn. Anh ấy cần ai đó"

"Như chỗ tôi biết thì anh ta đâu có cô đơn".

"Anh nghe thấy cái gì?"

"Tối qua người đàn ông ấy lại đến. Người hỏi về Bobby ấy".

"Robert có nói chuyện với ông ta không?"

"Không. Vẫn như mọi khi, anh ấy bảo ông ta xéo đi. Sau đó, Bobby cũng  bỏ đi, và chỉ trở lại trước lúc cô về. Như người đàn ông nói thì cha Bobby muốn anh ta về nhà". Denisonde im lặng. "Thằng nhỏ là đứa đại ngu", Jean-Claude nói tiếp. "Hắn không cần phải tiêu luôn trong những hắc điếm như thế này".

"Chiến tranh đã làm một đôi điều kỳ quặc với người ta".

"Tôi đã ở trong chiến tranh, mà tôi vẫn là tôi đấy chứ".

Denisonde cười mệt mỏi. "Anh đã may mắn".

Người bán bar đến chỗ họ. Denisonde, tôi kiếm cho cô một khứa đầy tiềm lực" anh ta thì thầm "Kìa, ở cuối quầy bar đấy".

Denisonde từ từ quay lại. Một người nhỏ bé bận complê soi mói nhìn cô. Cô lắc đầu. "Thôi cám ơn. Bobby không muốn tôi đi với bất cứ ai ở đây".

"Đừng có ngu. Ông ta sẽ gặp cô ở ngoài, và Bobby sẽ chẳng bao giờ biết được. Năm ngàn  franc".

"Thôi, cám ơn".

Giọng Jean-Claude từ phía sau cô. "Đấy chính là người đàn ông mà Bobby từ chối nói chuyện. Chắc ông ta vừa mới vào".

Denisonde lại nhìn về phía cuối quầy bar. Chợt cô quyết định "Được" cô nói với người bán bar, liếc lại phía Robert. Anh vẫn trân trân nhìn ly rượu.

Cô run lên trong khí lạnh của đêm khuya, kéo chặt chiếc áo choàng rồi đứng nép vào một cánh cổng. Một lát sau, người đàn ông bước ra và đi xuống góc phố.

"Đây" cô nói như rít lên.

Người đàn ông tạt vào. "Chào cô" ông nhã nhặn.

"Người bán bar bảo năm ngàn franc".

Không một lời, ông ta lấy ra mấy tờ giấy bạc. Cô cầm và nhét vào chiếc túi nhỏ. "Chỗ anh hay chỗ em?"

"Chỗ em".

"Ngay góc đường thôi".

Denisonde bước vượt lên rồi rẽ ở góc đường, rẽ tiếp  vào chung cư. Họ lặng lẽ đứng ở hành lang khi cô mở cửa căn hộ.

"Giường ở đàng này" cô quẳng áo choàng lên ghế rồi đóng cửa lại. Khi cô bắt đầu tụt quần áo thì thấy ông ta vẫn đứng đấy, bất động. "Tại sao lại vội vã thế?" ông hỏi. "Anh đã trả em gấp năm lần giá chợ. Ta hãy nói chuyện đã".

Cô nhún vai, ngồi xuống. "OK, nếu anh thích thế".

Ông bỏ áo choàng, ngồi xuống ghế, lấy thuốc ra. "Anh hút được không?" Cô nhún vai. Ông châm thuốc rồi nói. "Cha Robert muốn anh ấy về nhà".

"Tại sao lại nói với tôi? nói với Robert chứ".

"Anh ấy không nghe".

Cô đưa tay ra, đầy ấn tượng. "Tôi không giữ anh ấy làm tù nhân. Robert có thể đi bất cứ lúc nào muốn".

"Ông sẽ đưa một triệu franc, nếu cô làm anh ấy về nhà".

"Cha anh ấy sẽ không phải đưa tôi cái gì hết. Nếu Robert muốn thì anh ấy có thể đi, bất kỳ lúc nào".

"Một triệu franc là khoản tiền lớn, cô sẽ không phải sống thế này nữa. Và có thể làm bất cứ cái gì cô muốn".

"Bây giờ tôi vẫn đang làm bất cứ cái gì tôi muốn. Robert cũng chẳng giữ tôi hơn gì tôi giữ anh ấy". Cô đứng lên. "Ông bảo với  cha anh ấy rằng nếu ông ấy thực sự muốn anh ấy về thì cách duy nhất là đến đây nói chuyện với chính Robert".

"Cha anh ấy là người tự trọng, ông sẽ không làm thế".

"Đấy là chuyện của Nam tước, và của con trai ông ấy. Tôi chẳng làm gì được cả".

"Nam tước là người nguy hiểm đối với kẻ thù đấy".

"Nam tước cũng là người biết điều. Ông ấy biết ở với tôi, Robert hoàn toàn an toàn, biết tôi chăm sóc anh ấy".

Người đàn ông không trả lời.

"Còn gì nữa không?" cô hỏi với giọng kết thúc.

"Còn" Người đàn ông đứng lên cởi áo. "Năm ngàn franc là quá nhiều cho một cuộc đối thoại".

Robert vẫn ngồi ở bàn khi cô trở lại. Cô dừng  bên bàn rồi lặng lẽ thả những tờ giấy bạc xuống. Không nhìn cô, anh nhét tiền vào túi, rồi đứng lên. "Nào, về thôi".

Về đến căn hộ của họ, Denisonde đóng cửa, khoá lại, khi anh đi vào phòng ngủ. Một lát sau, anh đi ra, thình lình tát cô. Cô ngã xuống trong sự kinh ngạc sững sờ.

Mặt anh nhăn nhó vì giận dữ. "Đã bao nhiêu lần tôi bảo cô là phải thay khăn trải giường sau khi xong việc cơ mà!"

Chương 2

Cơn đau u dao đâm suốt người và Robert khẽ rên trong giấc ngủ. Một cách mơ hồ, anh cảm nhận bàn tay cô xoa xoa trên má. "Denisonde", anh thì thào, rồi rơi lại vào bóng đêm, tai vẫn ong ong tiếng rú dội xuống dãy hành lang lát đá ẩm ướt, tiếng gót ủng nặng nề trên sàn xi măng bên ngoài xà lim.

Robert lại rên lên trong giấc ngủ rồi chợt ngồi dậy. Anh đưa tay ra, và thấy đang một mình trên giường. "Denisonde!" Anh thét lên, không kiềm chế nổi sự sợ hãi. "Denisonde!"

Cánh cửa phòng ngủ mở ra. "Em đây, Robert". Cô đưa chiếc ly ra. "Uống đi".

Với thái độ biết ơn, anh cầm ly, uống thứ nước ngọt ngào, ấm áp ấy. "Anh tưởng em đã đi," anh nói, giọng khàn đặc.

"Anh biết là em không đi mà", cô đỡ chiếc ly rỗng không. "Giờ thì cố ngủ đi".

Tay anh vẫn túm chặt những ngón tay cô. Thứ thuốc ngủ có á phiện đã làm mắt anh trĩu xuống. "Anh không biết nếu không có em thì anh sẽ ra sao".

Cô đứng nhìn, và khi anh đã chìm vào giấc ngủ, cô bước sang phòng  bên. Cà phê đã nóng trên lò, cô rót một tách rồi đến ngồi bên bàn, lười nhác nhìn chiếc đồng hồ. Đã gần trưa. Cô với điện thoại quay số. Giọng phụ nữ trả lời.

"Yvette?"

"Ừ".

"Cậu đã mặc quần áo chưa?"

"Rồi".

"Mình có cuộc hẹn mà không đi được".

"Bao nhiêu?"

"Hai ngàn rưởi franc".

"Chẳng bõ" Yvette nói. "Tớ đưa cậu một nửa thì cũng chẳng còn gì".

"Cậu không phải đưa cho mình một nửa. Mình lấy năm trăm franc thôi".

"Được. Tớ gặp ở đâu và làm thế nào để nhận ra anh ta?"

Khi đặt điện thoại xuống, Denisonde thở dài. Gần đây cô đã mất quá nhiều khách hàng, nhưng cũng chẳng thể làm khác được. Cô lấy để Robert một mình khi anh bệnh nặng như thế.

Cô nhấm nháp cà phê, châm điếu thuốc. Đàn ông vẫn ngu thế đấy. Thậm chí với đĩ điếm, họ vẫn thích cảm thấy mình là một cái gì đó đặc biệt, và nếu cô ta lỡ một cuộc hẹn thì thường là cô ta cũng mất luôn một khách hàng. Hai năm sống với Robert, cô mất quá nhiều. Hầu hết các khách ổn định của cô đều bỏ đi, mà ai cũng biết lý do tồn tại của bất cứ cô điếm nào đều trông vào đám khách hàng ổn định.

Mấy tháng rồi, để hai người đủ sống, cô lại phải ra đứng đường, như một lính mới tò te. Đã hai lần cô vớ nhầm phải  bọn cớm, nhưng may mà xin xỏ được.

Phải làm gấp một cái gì đó. Cái gì thì cô không biết. Chỉ có người đàn ông đang nằm sau cánh cửa phòng ngủ kia biết thôi. Chỉ anh mới đưa ra được câu trả lời. Thậm chí bây giờ cô cũng không biết điều gì đã xảy ra với anh, khi anh xuất hiện ở cửa căn hộ của cô, hai năm trước đây.

Chiến tranh đã kết thúc được gần một năm và từ lâu họ cũng mất liên lạc với nhau. Cha anh đã từ Mỹ trở về, và anh đã đi làm ở một nhà băng. Lần anh đến gặp cô, thật kỳ quặc, anh rủ cô đi uống trà. Không hơn không kém.

Cô nhìn khuôn mặt gầy và ủ dột của anh. "Anh vẫn đau à?"

"Một chút. Các bác sĩ đảm bảo là với thời gian, nó sẽ qua thôi".

"Em gái anh ổn chứ? Nghe nói cô ấy lấy tay Nam Mỹ ấy".

"Dax? Ừ, nó sống với anh ấy ở Hoa Kỳ".

Ký ức về khuôn mặt sẫm màu đầy căng thẳng hồi lại trong cô. "Hy vọng là cô ấy hạnh phúc".

Anh cau mày. "Điều gì khiến em nói vậy?"

"Em không biết".

"Chiến tranh đã thay đổi bao điều với anh và em gái anh. Anh không biết có ai còn thực sự hạnh phúc được nữa không".

"Anh sẽ lại hạnh phúc. Với thời gian, chiến tranh sẽ lui đi. Cứ nhìn quanh mà xem, mọi người đã bắt đầu quên nó rồi. Anh cũng sẽ quên được."

Robert nhìn quanh phòng trà đông đúc. Chợt anh đứng lên, môi mím chặt, ném tờ bạc lên bàn. "Đi, ra khỏi chỗ này đi".

Cô theo anh ra ngoài phố. "Anh sẽ tiễn em về", anh nói.

"Em không muốn anh ngược đường. Chắc anh bận lắm".

Cặp môi anh méo xệu đi. "Chính vậy. Cha anh đã kiếm được một thẳng nhỏ chạy việc bận nhất thế giới. Đó là anh".

"Em chắc ông đã có kế hoạc lớn cho anh".

"Nếu có thì ông ấy cũng giữ bí mật".

"Anh có vẻ cáu. Lỗi tại em ư?"

"Không, không phải lỗi của em. Thật đấy".

Khi đến nhà mình, cô nói "Anh có muốn lên không?"

Anh lắc đầu. Cô đưa tay ra. "Cảm ơn anh đã mời em uống trà. Rất vui".

"Denisonde?" anh nắm tay cô.

Cô nhìn vào mắt anh, nó đã dịu đi. "Anh Robert?"

"Em cần gì không? Một cái gì đó anh có thể làm cho em?"

Cô cười, lắc đầu. "Không gì cả, cảm ơn anh. Em đã có tất cả mọi thứ em cần. Em thu xếp rất cừ mà".

"Đúng vậy".

"Robert, có chuyện gì thế?"

"Chẳng gì cả", rồi anh trở nên chua chát. "Chắc anh trật khấc rồi. Anh chẳng thu xếp được cái gì hết".

Cô nhìn theo cho đến khi anh rẽ ở góc đường. Ngay khi đó, linh tính đã bảo cô rằng anh sẽ trở lại. Vì sao, bao giờ thì cô không biết. Nhưng chắc chắn anh sẽ trở lại. Và cô cảm nhận một nỗi buồn choán ngợp, bởi cô biết khi anh trở lại thì sẽ chẳng hay ho gì cho cả hai.

Muộn hơn, vào buổi chiều hôm đó, Robert ngồi xem xét các giấy tờ trên bàn. Cái tên tập hồ sơ đặt trên cùng làm anh hưng phấn. CÔNG TY KUPPEN.

Bên dưới là năm mươi trang, bao gồm chi tiết và báo cáo của nhiều  công ty khác nhau đã làm nên tổ hợp công nghiệp lớn nhất Đức này. Trong  chiến tranh, những công ty này từng là mục tiêu cho các máy bay ném bom của Đồng Minh. Giờ thì chúng chỉ là những tờ giấy ở trên bàn anh.

Người thư ký riêng của cha anh đã trao anh tập hồ sơ này từ nhiều ngày nay. Đính trên nó là mẩu giấy mang chữ viết tay của Nam tước. "Nghiên cứu kỹ rồi gặp cha vào sáng thứ sáu".

Mở hồ sơ ra, anh không hiểu vì sao cha lại quan tâm đến các công ty Kuppen. Tuần trước, anh đọc trên báo là Đồng Minh đã thành lập một uỷ ban để nghiên cứu tổng thể công ty rồi đưa ra kế hoạch xoá sổ cả tổ hợp này. Họ cho rằng tiềm năng chiến tranh của những công ty như Kuppen, Krupp là quá lớn.

máy huỷ diệt từ nước Đức đi ra. Máy bay, tàu ngầm, những trái bom Kuppen V4 đã trút cái chết xuống nước Anh, thậm chí súng trường Kuppen từng là trang bị tiêu chuẩn trong quân đội Quốc xã. Được xé tan những công ty như thế, thật thú vị.

Chuông điện thoại reo. Anh cầm lên. Giọng người thư ký của cha anh. "Nam tước đã sẵn sàng gặp anh".

"Tôi đến ngay đây".

Nam tước ngước lên khi Robert bước vào. Ông ra hiệu tới chiếc ghế "Con đã đọc các báo cáo chứ?"

"Vâng, thưa cha".

"Con cũng biết tháng trước, Nam tước Von Kuppen đã bị tuyên án năm năm tù vì sự dính dáng của ông ta trong các tội ác chiến tranh?" Robert gật đầu. "Và cả việc tuần trước, một uỷ ban đã được thành lập để phá tan nhiều công ty của Đức chứ?"

Robert bật nổ. "Đáng ra phải làm ngay từ sau thế chiến thứ nhất. Có thể bọn Quốc xã sẽ không bao giờ khởi sự được".

Nam tước điềm tĩnh nhìn anh. "Có phải vì  thế mà con nghĩ là cha đưa con những báo cáo này để nghiên cứu không?"

"Còn lý do nào khác được? Rõ ràng là uỷ ban này cần một lời khuyên chuyên nghiệp của cha".

"Hoặc con là t hoàn toàn ngốc, hoặc là thẳng ngu một cách ngây thơ, mà cha không biết loại nào tồi hơn".

Robert bối rối. "Con không hiểu".

"Cha cho là con đã đọc phân tích chứng khoán?" Robert gật đầu. "Có lẽ con đã thấy cổ đông lớn nhất, ngoài gia đình Von Kuppen, là Credit Zurich International ở Thuỵ sĩ?"

"Vâng, họ sở hữu ba mươi phần  trăm." Chợt như một quả bom nổ trong đầu anh. "CZI!"

"Đúng thế" cha anh nói, khô khốc. "CZI. Credit Zurich International. Nhà băng của chúng ta ở Thuỵ Sĩ".

"Không thể hiểu được. Có nghĩa là chúng ta sở hữu ba mươi phần trăm của Kuppen?"

"Chính xác" cha anh lặng lẽ đáp. "Đấy là lý do chúng ta không thể để họ phá tan nó đi được".

"Thế thì chúng ta làm cuộc  chiến tranh chống lại chính mình à? Và cũng kiếm lời từ đó à?"

"Cha đã bảo là con đừng trở thành một thẳng ngốc. Chúng ta không kiếm lời từ chiến tranh. Tài sản của chúng ta đã bị Hitler trấn lột rồi".

"Thế thì điều gì khiến cha nghĩ rằng chúng ta sẽ lấy lại?"

"Nam tước Von Kuppen là một con người lịch sự. Cha nhận phần chuyển nhượng của ông ta với điều kiện là ông ta không công nhận những sắc lệnh của Quốc xã. Ông ấy sẽ giữ bổn phận của mình".

"Chắc rồi" Robert nói, giọng đầy châm biếm. "Ông ta mất gì nào? Bảy mươi phần trăm của những gì mà chúng ta kiếm cho ông ta còn gấp cả vạn lần một trăm phần trăm của zero nếu như uỷ ban đập tan cái công ty ấy đi".

"Con nói như một đứa trẻ nít".

"Thật à?" Robert đứng lên. "Có lẽ cha đã quên. Đấy là lũ người đã quyết chí xoá sạch chúng ta trên mặt đất. Đấy là lũ người đã lôi con gái cha vào nhà tù để đánh đập và hãm hiếp. Đấy cũng là lũ người đã tra tấn con để buộc con phải phản bội lại đồng bào. Cha quên tất cả những cái đó rồi à?"

Cặp mắt cha anh vẫn kiên định. "Cha không quên. Nhưng còn liên can gì chứ? chiến tranh đã qua rồi".

"Thật hả cha?" Robert giận dữ cởi áo ngoài ra, xắn tay áo sơ mi lên đến khuỷu tay. "Chiến tranh qua rồi hả cha? Nhìn cánh tay con đi, và nói cho con biết cha còn nghĩ thế không?"

Nam tước nhìn xuống cánh tay Robert. "Cha không hiểu".

"Thế thì để con giải thích. Cha thấy những nốt bầm tím li ti này chứ? Vết kim tiêm đấy, và chi? có thể cảm ơn những người bạn Quốc xã đã làm thế với con trai mình. Bằng cách nào bọn chúng cũng không lấy được tin tức gì từ con nên đã biến con thành một con nghiện ma tuý. Rồi chợt một sớm mai, chúng dừng lại. Cha có mảy may hiểu vậy có nghĩa là thế nào không? Cha vẫn còn bảo chiến tranh đã hết  với con chứ?"

"Robert" giọng Nam tước run rẩy. "Cha không biết. Chúng ta sẽ kiếm bác sĩ. Con sẽ được cứu chữa".

Giọng Robert bỗng vỡ ra. "Con đã thử rồi cha ạ. Vô ích. Con đã chung sống với đau đớn. Con không thể chịu được nữa".

"Con phải đi nghỉ ở đâu đó. Mọi người sẽ tìm cách giúp con. Cha sẽ tìm cách khác để xử lý vụ Kuppen".

"Cứ để cho người ta làm, cha. Chúng ta không cần nó! Hãy để người ta đập tan nó ra!"

Nam tước nhìn anh. "Cha không thể. Còn những người khác nữa, họ hàng ở Anh và Mỹ. Cha chịu trách nhiệm với họ".

"Nói cho họ biết tất cả. Con chắc họ sẽ đồng ý với chúng ta".

Cha anh lặng thinh.

Từ từ, Robert buông ống tay áo xuống, bước ra cửa. "Con xin lỗi cha".

Nam tước nhìn anh. "Con đi đâu đấy?"

"Con ra đi. Đấy là điều cha vừa bảo con phải làm mà".