Khi số tiền đầu tiên kiếm được tương đối khấm khá bằng nghề viết, tôi thấy cần phải cho bất cứ người ăn xin nào khi bắt gặp hoặc họ chìa tay ra xin. Khi du lịch ở Nga năm 1935, tôi trao chút tiền nhỏ cho những ai cần đến, lúc đó tôi hết sức ngạc nhiên khi người ta bảo rằng làm như thế nhà nước không tán thành, vì chẳng những không giải quyết haycải thiện được gì mà lại còn khuyến khích một lối sống nhục nhã, những kẻ lý ra được xã hội nâng lên, v.v. và v.v.. Nhưng kỳ thực thì chính phủ Nga có lý hơn chính phủ của chúng ta nhiều, luôn luôn quyên tiền cho dủ loại kế hoạch rất xứng đáng, mặc dù chế độ thuế má nghiêm nhặt đã giúp họ tận thu được những món tiền kếch xù, nhưng cũng có ý kiến cho rằng những món tiền lớn ấy đã bị phí phạm trong những tiêu pha cực kỳ phi lý. Có nhiều cơ quan từ thiện luôn đi quyên góp mỗi năm, công việc thường gặp thuận lợi, bởi vì cái công việc khoan thai bỏ ra một hai đồng vào đó khiến cho thiên hạ cảm thấy hạnh phúc, một niềm hạnh phúc mới dễ dàng mà lại cao cả thanh sạch làm sao.
Có lần tôi làm khách du lịch, và tôi đến ngay Âu Châu.
Tôi bước ra ngoài và nhìn ngắm thế giới. khắp nơi đều thấy có cùng một điều: Thế giới và ăn mày. Tôi thấy đủ loại ăn mày hữu hiện. Ăn mày giàu và ăn mày nghèo, ăn mày ngạo mạn và ăn mày kính cẩn, ăn mày béo và ăn mày gầy, ăn mày mạnh và ăn mày yếu, ăn mày còn toàn vẹn và ăn mày khuyết tật, ăn mày khôn lanh và ăn mày trì độn.
Lại thấy ăn mày tài tử và ăn mày chuyên nghiệp.
Nghĩ cho cùng, tất thảy con người trên cõi đời này đều là ăn mày cả, thế này hay thế khác, không bỏ sót một ai, dù vĩ đại hay nhỏ nhoi. Giáo sĩ xin Thượng Đế ân điển, vua chúa xin Bề Trên tha thứ lỗi lầm, xin con dân lòng trung thành. Mà thử hỏi, ai kẻ trên đời có thể khăng khăng đến mười năm mà không cầu xin Đấng Chí Tôn xoá bỏ hay tha thứ cho những sai quấy chứ?
Tôi thấy ăn mày vui và ăn mày buồn.
Một trong những đứa nhỏ ăn mày vui nhất mà tôi từng gặp là một thằng bé người Nga, trạc tuổi chín hay mười gì đó, đón tàu hoả từ nhà ga một làng nhỏ phía nam Kiev trên đường đi Kharkov. Nó đón tàu chạy từ tinh mơ cùng chuyến với tôi, nó hát giọng lớn và đánh thức một số hành khách đang mơ ngủ. Nó hát như một con gà trống sung sức giục giã mặt trời. Hát như thiên thần cất tiếng. Nó ăn mặc rách rưới, chân không giày, nhưng nó có một khuôn mặt sáng rỡ của thiên thần. giọng nó vang vang, mạnh và vui nhất, vô uý mà mộc mạc nhất, và bài hát cũng vậy, dù tôi không hiểu lời nhưng nhạc điệu tuôn trào trong trẻo đầy khí vị, vui vẻ, hân hoan, hoa mỹ, mộc mạc, phong mạo, mạnh mẽ và vô uý. Một thằng bé ăn mày, chắc hẳn đã mồ côi, một cái bang nhí, vô gia cự không cha không mẹ, không anh em cậu dì các thứ, không bạn bè. Bạn bè ư? Trên đời có bao nhiêu người thì nó có bấy nhiêu bạn, tốt xấu lẫn lộn một đống.
Tôi đang ngủ trên băng gỗ, toa hạng ba. Và giọng thằng bé như dòng nước mát đánh thức dậy với tinh mơ, thấy khoái hoạt với thế giới và
Cộng Hoà Xô Viết, hoặc bất cứ những gì người ta xướng gọi lên.
Một bác nông phu đen đủi xứ Caucase trên băng đối diện cũng choàng dậy. Ông châm một điếu thuốc Nga, hít vào, ngáp, rồi bắt đầu mỉm cười. Ông phác một cử chỉ về phía tiếng hát và nói mấy câu tiếng Nga.
Bài ca mà thằng bé này hát không thể mô tả được, và cũng không làm sao quên cho được, nó bắt đầu mạnh mẽ, hầu như mãnh liệt, giọng vút lớn lên, tuy nhiên, như tiếng gáy một con gà, tiếng gáy mỗi lúc một trở nên cường tráng một cách khó tin vào lúc sắp kết thúc với nỗi hân hoan buổi sáng, thỉnh thoảng bài ca đạt đến chỗ hào sảng vui hoạt và hoan hỉ không sao ngờ được.
Tôi ngồi dậy, duỗi các bắp thịt và châm một điếu thuốc Nga. Đoạn tôi vội vã đi về phía cửa sổ toa hạng nhất, nhấc cửa lên và nhìn xuống thằng bé ca sĩ, nó cũng đang nhìn lên tàu, vừa hát vừa cười, rạng rỡ nhô người lên y hệt dáng điệu chú gà trống tơ. Sực nhìn lại, tôi chẳng thấy chẳng có ma nào đến để nhìn và nghe nó hát cả. Tôi nghĩ, nãy giờ nó chỉ hát cho chuyến tàu và cho bình minh.
Bài hát buồn, nhưng đó là cái buồn không quên mất niềm vui. Thằng bé chắc nịch, dẻo dai, khắc khổ, mềm mại, tóc hoe vàng, da sạm vì phong sương và lăn lóc với đời. Nó hát hết một lần, đoạn ngước lên mỉm cười với tôi, và tôi vừa nháy mắt vừa sục sạo tìm những đồng tiền Nga. Người nông phu đen đen xứ Caucase cũng đến một cửa sổ khác, nhấc cửa và nói gì đó với nó, ra chiều thân ái. Tôi không hiểu gì cả, nhưng đó chắc hẳn là một câu hỏi. thằng bé trả lời qua loa, và khi tôi giơ tiền ra, ném xuống, thằng bé bắt gọn lỏn, nó nói cám ơn bằng tiếng Nga và bắt đầu hát lại bài hát kia một lần nữa, quả đúng là việc mà tôi mong muốn.
Nó đánh thức khá nhiều người trước khi tàu chuyển bánh. Mọi người đều thích nó. Thật không thể nào quên được cái giai điệu đó, và tôi dám quyết rằng trong đời chúng ta không dễ gì có dịp nghe bài hát ấy một lần nào khác. Giai điệu phát xuất từ cả tấm lòng của một chủng tộc, cả sức mạnh và đau khổ của một thời đại. Trong năm mươi năm tới đây, tôi có thể trở lại nước Nga cả trăm lần, nhưng không chắc tí nào còn có dịp nghe được nhịp tâm ca đó lần nữa.
Đây là một trong những cái làm cho tôi hài lòng về nước Nga.
Tôi đi Edinburgh ở Tô Cách Lan, và tìm được một khách sạn khá đẹp trên sườn đồi, từ phòng có thể nhìn thấy một con đường hẹp. Edinburgh là một thành phố cổ kính, ảm đạm và quí phái. Ở Edinburgh cũng có ăn mày.
Một bọn ba người ăn mày đến chỗ khúc quanh con đường, dừng lại trước khách sạn và bắt đầu diễn tấu. Họ là những ăn mày trẻ. Một người vỗ vỗ cái trống lớn, người kia chơi măng cầm và người thứ ba, nhà nghệ sĩ vĩ đại nhất, hát qua một máy khuếch âm và nhảy claquet. Nhảy ngoài đường. Nhảy ngoài đời. Nhảy ngay trên sàn sân khấu cuộc đời. Loại nhạc gì mà nghe tuyệt diệu và phù hợp với dã ngoại quá. Tôi không hiểu, nếu diễn trên sân khấu nó như thế nào, nhưng dám chắc là không bằng một nửa thế này. Loại nhạc đó cần cuộc đời làm sân khấu, khiến bao nhiêu du khách thích thú mê tơi. Đó là những gì rất người. Tôi không còn thích viếng thăm các thắng cảnh hay di tích nữa, tôi muốn biết về những con người. Và tiếng hát, cung cách của những người ăn mày này là những gì tôi sẽ sung sướng nhớ lại. Ban nhạc ăn mày này là một ban vĩ đại. Tay trống, tay măng cầm, và tay ca sĩ kiêm vũ công. Ở cái thành phố Edinburgh âm u ảm đạm đó, cái thành phố thâm trầm và cao quý đó, ba người ăn mày này đập tan cái tịch liêu rêu phủ của hàng hàng thế kỷ, bằng sự phẫn nộ Tô Cách Lan thâm u và ưu uất. Những thanh niên này ăn mặc giản dị, quần áo bình thường, trừ tay ca sĩ kiêm vũ công. Anh ta mặc áo rách và đầu đội mũ tròn rộng vành.
Anh chỉ hát điệp khúc bài hát. Nhạc cứ trào dâng đều đều, đến điệp khúc anh lại cầm máy và hát xong điệp khúc anh lại nhảy theo. Anh nhảy như một người phẫn chí, không đợi chân chấm đất sau khi nhấc lên, mà đạp xuống rất nhanh, mạnh và đầy phẫn nộ, anh không nhảy một chỗ, anh nhảy dọc xuống đường dốc, rồi quay ngược lên, ối da da, mê tuyệt. Tôi luôn cố hết sức nhớ lại bài ca anh hát, nhưng chỉ vỏn vẹn mấy chữ Ha ya hika, waka ho, và những gì nữa cũng bằng cái thứ ngôn ngữ lóng lánh ấy.
Cảnh sát đến đuổi ba người ăn mày đi, và tôi vội lấy mũ cùng áo choàng chạy xuống thang theo họ. Tôi gửi chàng ca sĩ một đồng rưỡi shilling và hỏi chuyện anh, Cảnh sát có luôn đuổi không? Có, nhưng thỉnh thoảng mới bị nhốt, thì cũng tuỳ địa điểm. Không được đến quá gần khu thương mại.
Ban nhạc đi cách xa năm ngã tư, rồi dừng lại và tiếp tục diễn tấu. Họ chỉ có mỗi một bản ruột, cái bản Ha ya hika waka ho này thôi. Tôi chắc đây là bản nhạc do mấy chàng đặt ra, nên tôi dọ hỏi chàng ca sĩ. Anh nói, không, đây là một bài hát Mỹ. Anh nói tên bài hát rồi anh hát lần nữa, và tôi lắng nghe, nhưng nó không còn là một bài hát Mỹ đó nữa. Nguyên bản của nó không có lấy một phần mười cái phẫn nộ mà bi tráng này.
Ở Luân Đôn, phòng trọ của tôi trên một tầng ba khách sạn dành cho du khách, cửa sổ nhìn xuống đường phố. Có nhiều dạng ăn mày đi lại trên con lộ này, phần nhiều là những tay chơi phong cầm, cùng những người bán hoa nữa. Có một bà người Luân Đôn, khổ to lớn, trạc tuổi năm mươi, luôn ôm một bó hoa hồng và bước chậm rãi dọc lề đường, mời gọi những người trong khách sạn. Tiếng mời gọi của bà đến làm nát cả tim tôi. Bà chỉ nói, làm ơn mua giúp một bông hồng đẹp, một bông hồng vườn quá dễ thương, cứ vậy thôi, nhưng chính giọng của bà, đó mới là cái không thể nào nguôi quên cho được.
Đó là cái giọng buồn bã nhất, dễ thương nhưng bi ai nhất mà tôi từng nghe, chất điệu và ngôn ngữ rất Luân Đôn. Những lời thốt ra nửa như nói nửa như hát. Thật là cảm động. Thật u sầu và đẹp kiểu cách, đó mới là điều đáng ghi nhớ.
Khi tôi xa nhà và lê bước tha hương, tôi ngợp vì trần gian quá nhiều loại thể ăn mày. Phần đông khiến tôi bất nhẫn lắm, nhất là những loại ăn mày giàu, ăn mày mập ú, hợm hĩnh, nhưng những ăn mày thực sự, dáng vẻ thanh tao, vui nhộn và biết phẫn nộ, khiến tôi vừa ngậm ngùi trầm thiết vừa vui hoạt mênh mang.
Âm hưởng những giọng ca, những tiếng nói của họ làm tôi không thể nào quên. Nó mãi mãi vang vọng trong tim tôi.