Người có trái tim trên miền cao nguyên

Chương 11

Khi trận chiến không thể tránh khỏi đã xảy ra thật khủng khiếp vào mùa hạ năm 1939, tất cả những âm vang của đau buồn, của bi ai và khổ nhục. rồi tai hoạ dồn dập đến với tôi từ khắp mọi phía, mọi nơi, khiến tôi phải cố viết để nói lên một cái gì, may ra có thể có chút lợi ích cho một ai đó, ở một nơi nào khác. Vở kịch thứ nhì của tôi, The Time Of Your Life, được thai nghén trong thời kỳ đó, từ cái cảm thức bi hoài về sự lâm luỵ tất hữu đang chờ đợi nhân loại.

 

Ông bố nhìn đăm đăm thằng con mười bốn tuổi, vừa bối rối vừa yêu thương, và cố hết sức để cảm thông nó.

Ông nói, Này, Joe.

Thằng con đang đứng trước tấm gương nhỏ treo trên tường phòng ăn, nhìn chằm chằm vào con mắt sưng bầm của mình. Nó đứng dậy khỏi bàn mà không ăn lấy một chút nào. Mẹ nó cũng đặt thìa súp xuống, nghển người ra phía trước, say mê và thích thú về cả hai cha con chúng nó.

Thằng con soi vào tấm gương nhỏ rồi quay lại nhìn vào mắt bố và mẹ nó.

Nó nói, Cái gì vậy? Con không muốn ăn, vậy thôi.

Ông bố đặt tay lên miệng vuốt vuốt ria mép và nghĩ coi ông nên nói cái gì. ông năm mươi tuổi và nó là thằng con út. Thằng út trong số năm đứa. Mấy đứa kia tứ tán cả rồi, đứa nào cũng đều xa lạ với ông, nhưng ngay từ lúc nó sinh ra, ông đã nghĩ rằng thằng này mới thật là con của mình. Ông còn nhớ đứa bé nằm trong cái thùng, nó cười với ông, cười êm lặng, và năm này qua năm khác, càng lớn lên nó càng giống ông, chẳng khác nào như khi ông còn là một cậu bé ở quê nhà. Giờ thì thằng nhỏ đã cao to bằng ông, phốp pháp, cũng với cái đầu và khuôn mặt đó, cũng tóc vàng hoe dày rậm.

Bà mẹ là một người Mỹ, một cô gái mà Nick Frantisek đã gặp ở Pennsylvania ba mươi năm trước, khi ông đang làm phu hầm mỏ ở đó và chỉ bập bẹ vừa đủ vài ba tiếng Anh giả cầy. Bà vẫn là cô gái mà ông hằng yêu thương. Ông chưa hết cảm kích về việc bà là người Mỹ, một cô Mỹ xinh xắn. Những thằng con hoặc giống bà, hoặc giống cả hai, mỗi người một nửa. Chúng đều là những đứa con ngoan, riêng thằng út này coi bộ giống ông hơn cả. Mẹ thằng nhỏ cũng hài lòng về điều đó không kém gì ông bố.

Từ những buổi đầu bà vợ ông đã học kha khá về về tiếng Tiệp để làm vui lòng chồng, và bài cười thân ái làm sao, như một người ngoại quốc ở nước Mỹ, một Tiệp kiều vậy, một công nhân to lớn và chất phác trong một thế giới hỗn tạp, cuồng điên và lộng lẫy. Những người khác, những kẻ lạ, đã khiến gã ngoại kiều trong ông thích thú, họ đã gây cho ông nhiều phấn khích bởi những khác thường nho nhỏ, ngay cả nơi mấy thằng nhóc nhà ông, ông yêu biết bao cái đặc Mỹ của tâm hồn chúng, khả ái lẫn cởi mở hồn nhiên cùng cái tinh thần bộ tộc của mẹ chúng trong mỗi đứa. Ông cố dạy cho chúng học sơ qua một ít tiếng Tiệp, chúng học nhưng chúng luôn luôn coi đó là một cái gì buồn cười ghê lắm, chính ông đôi khi cũng cảm thấy như thế. Chúng cười rộ lên khi ông hỏi chúng bằng cái giọng trầm trầm về tên của chúng, cha ông tổ tiên chúng là ai, và phải đợi chúng trả lời khó nhọc bằng cái giọng và âm điệu ngoại quốc ngượng nghịu buồn cười, chúng còn bịa thêm ra vài âm sắc chim chuột gì nữa, rồi cả nhà bò lăn ra cười. Tuy nhiên Joe mới là đứa thực sự muốn học tiếng của quê cha, nó nói khá và có vẻ thích nữa, nhất là lúc chỉ có hai bố con với nhau.

Ông bố đã gọi tên thằng con, như một người Tiệp này nói với một người Tiệp khác, vẫn đứng nhìn vào gương, thằng con trả lời bằng tiếng Anh.

Cái gì vậy? Con đã nói là con không muốn ăn, vậy thôi.

Ông bố đưa tay lên miệng vuốt vuốt ria mép, cố nghĩ xem ông nên nói bằng tiếng Anh hay bằng tiếng Tiệp. Joe, ông nói một thứ tiếng Anh nghe như tiếng Tiệp, ăn cơm đi con.

Thằng nhỏ gân cổ lên, Con không đói mà.

Joe, mẹ thằng nhỏ gọi.

Bà muốn nói nhiều lắm nhưng lại thôi, và chỉ gọi tên thằng nhỏ. Bà muốn bảo nó, Joe này,đàng hoàng lại chút coi, mày điên rồi con ạ.

Ông bố Nick nhìn mẹ thằng nhỏ bằng cái nhìn ra hiệu cho bà đừng nói gì thêm nữa. Bà mỉm cười đáp lại cái nhìn đó và bắt đầu húp thìa súp. Từ cái nhìn đó, bà có thể nghe ông nói, Được rồi, Bess, để anh nói cho thằng Joe rõ.

Thằng nhỏ quay khỏi tấm gương và nhìn bố nó một lát, muốn nói cái gì, lại đổi ý, đi về phía đi văng bên cửa sổ, ngồi xuống nhìn sàn nhà. Bỗng nhiên nó nói bằng tiếng Tiệp.

Con sẽ giết tụi nó.

Joe, ông bố hét thằng con.

Bà mẹ đứng dậy khỏi bàn và lên gác. Bà biết đây là lúc mà Nick muốn bà tránh hẳn ra.

Hừ, thằng nhỏ nói bằng tiếng Anh, chúng nó đừng hòng mà qua mặt con.

Ông bố nói bằng tiếng Tiệp, Té ra mày vẫn đang nghĩ đến chuyện đó. Tao tưởng mày nghĩ đến chuyện khác chớ.

Thằng nhỏ đáp bằng tiếng Tiệp, Đó chỉ là phần nào thôi.

Điều này làm ông bố khoái chí. Ông nhớ lại những trận choảng nhau như điên như khùng với bố ông ở quê nhà xa lắc, và cái lối bố con cãi nhau nữa chứ, bố bảo bố hay, con cho con phải, rồi thì đấm đá túi bụi cả lên rất nhộn, kết htúc là lúc cả đám nam phụ lão ấu bu quanh, nhảy vào, la hét và can ngăn hai bố con ra.

Nick hỏi thằng nhỏ, Đầu đuôi ra sao?

Joe nói, Con không thích.

Nó ngừng nói và trở nên căng thẳng với cơn giận điên tiết vì căm hận mà nó đã cố nén suốt cả buổi chiều. Ông bố ngồi im để tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra, như Joe đã nói với ông. Nhân viên các cửa hàng đang biểu tình và canh chừng các hàng hiệu. Joe chẳng biết ất giáp gì chuyện đó. Họ đi đi lại lại trước tiệm Emporium, đả kích và hô hào thiên hạ đừng vào. Joe từ sở làm, nó giữ một chân tuỳ phái, đi qua những người đình công và vào tiệm. Nó đem về vài thứ mà ông chủ sai đi mua, và rời tiệm. Không dưng, có bốn người đuổi theo, hất gói hàng văng ra khỏi tay nó, rồi xúm nhau nện nó một trận tơi bời. Joe quá ngạc nhiên đến nỗi không kịp phản ứng gì cả, mãi cho đến khi có hai người cảnh sát ngăn bọn kia lại. Joe bị xô đẩy và đánh đập mà chả phản ứng được gì cả.

Từ đó, nó chỉ muốn trở lại để đánh cả bọn. Mắt trái nó sưng lên và thâm sì.

Nick nói, Có gì đâu, họ là công nhân tranh đấu vì quyền lợi. Họ lầm thôi. Quên chuyện ấy đi Joe.

Thằng nhỏ như tỉnh khỏi cơn mê sân hận và nhìn bố nó chòng chọc.

Nó nói, Con sẽ lùng bọn đó.

Nick nói, Tao bảo rằng không.

Thằng nhỏ im một lúc. Nó đang nghĩ đến bọn Đức và bốn gã kia.

Nó nói, Hừ, cứ nhìn bọn Đức mà xem. Chúng tưởng chúng là gì cơ chứ, mà cứ cố xâm nhập cái xứ sở nhỏ bé của chúng ta?

Ông bố hài lòng nhưng cũng căm giận nước Đức như thằng con.

Thằng nhỏ nói, Chúng sẽ vào ngay bây giờ và chiếm cả nước.

Nick nói với thằng con bằng tiếng Tiệp, Chúng cũng phải gặp khó khăn ghê lắm chứ. Chúng không đánh nổ người Tiệp khi họ chỉ tay không, chứ đừng nói là khi họ có súng trong tay.

Thằng nhỏ nói, Chúng không dùng súng đâu. Chúng chỉ hù và chiếm đóng.

Ông bố đứng dậy khỏi ghế, lồng ngực đầy nhiệt huyết của thời trai trẻ, căm hận cái thế giới bất công và cái lối xử sự khốn kiếp của nó.

Ông nói, Này  Joe, người Tiệp sẽ đánh cả thế giới, cả bọn Anh và bọn Pháp.

Thằng nhỏ nói, Một nước bé tí tẹo mà làm được quái gì?

Bé tí tẹo à? Ông bố gầm lên, và trên gác bà mẹ nghe họ. Bà nghe ông hét, Tiệp Khắc là một nước lớn nhất thế giới.

Thằng con nói, Bố điên rồi.

Ông bố rống tướnglên, Điên, mày nghe tao nói này Joe.

Ông dấn thẳng tới thằng nhỏ, sừng sững trước nó, và với sức mạnh Slav cuồn cuộn của thời trai tráng sót lại. Cái sức mạnh đã đưa ông từ một làng hẻo lánh thẳng tới New York ba mươi ba năm trước đây.

Ông nói, Tao cho mày biết, nước của tao là nước vĩ đại nhất thế giới.

Thằng nhỏ đứng dậy, thủ thế, nó biết thế nào cũng gặp rắc rối, chưa đến nỗi như giữa nước Đức  với nước của bố nó, nhưng giữa bố và con, thừa biết rằng ông sẽ chán ghét nó nếu nó không chấp nhận rắc rối, và rồi chính nó sẽ phải chán ngấy.

Thằng nhỏ giữ vững lập trường, nói, Tiệp Khắc là một nước nhỏ. Biết đâu, chả mấy chốc nó sẽ biến mất, chẳng còn là một đất nước nữa.

Nó chúa ghét phải biết điều đó, nhưng nó tin là thật vì tình hình thế giới. Nước vĩ đại nhẩt thế giới không phải là ở diện tích của nước đó mà là nhân dân nước đó vĩ đại. Nếu so sánh vào một lúc nào đó, có thể Tiệp Khắc là một nước vĩ đại nhất thế giới, hoặc ít ra là một trong những nước vĩ đại nhất, nhưng điều đó không được rồi khi mà nó dính dáng đến chiến tranh, chính trị các thứ, bởi trên phương diện đó, người ta không tơ màng gì đến sự vĩ đại của những con dân, những cá nhân riêng biệt kiệt xuất, họ chỉ đếm số dân và hô hào chiến đấu, rồi thắng trận rồi yêu sách các đòi hỏi này nọ. Có vậy thôi. Tệ thật, nhưng đó là sự thật và bố nó cũng chả làm gì được hơn.

Những gì thằng nhỏ vừa nói làm cho ông bố giận kinh khủng. Ông biết nó nói gần với sự thật đấy, nhưng ông không ưa vậy.

Ông bắt đầu xắn tay áo lên, như ông đã xắn tay áo ba mươi năm trước, khi ông gây gổ với những tên bự con, hoặc một tên nào khác.

Ông bố nói, Mày nói vậy à?

Thằng con nói, Đúng.

Ông bố nói, Joe, tao sẽ đánh mày trước.

Trên gác, người mẹ Mỹ lắng nghe cuộc cãi vã điên khùng, vô lý, lạ lùng và chỉ một lát sau cô lắng nghe cuộc ẩu đả tức cười, hay hay. Thoạt đầu cô muốn đi vội xuống nhà và xin can hai bố con, nhưng sau cô quyết định đợi một lát thì hơn. Trận đánh bắt đầu chậm lại, nhưng chưa đầy một phút đã trở nên kịch liệt thật sự, cô nghe tiếng đồ đạc rơi loảng xoảng. Đợi cho đến khi chắc rằng hầu hết các thứ trong phòng ăn bị phá tan tành cả rồi, cô mới bước xuống nhà và đứng ngay cửa lớn, nhìn họ.

Ông bố khóa chặt đầu thằng con, thằng con bẻ ngoặt ngón chân ông bố, và hai bố con lăn lộn trên sàn nhà. Ghế ghiếc đổ cồng kềnh, còn tất cả những gì lúc nãy ở trên bàn thì đều nằm dưới đất, chén đĩa vỡ toang và súp thì rơi vãi khắp tấm thảm. Đó là cái cảnh bừa bãi đẹp mắt nhất mà cô được thấy trong hơn tám năm nay, kể từ khi thằng con kế út, Tom, đánh lộn với Nick.

Cô vẫn tin rằng Nick, người yêu của cô, khó mà bại trận cho được. Thật ra, cô thích thú lắm. Còn như thằng Joe con cô, nó cũng khá quá đi chứ. Nó dễ thương hết sức. Cô nhớ những lần đi chơi sở thú, những con sư tử gầm gừ nhau luôn khiến mẹ con cô khoái chí. Đây cũng chả khác gì những con sư tử uy dũng quần thảo nhau. Hết ông bố rồi lại thằng con, đè cưỡi lên nhau, và kẻ bị đè đâm ra nổi quạu, như những con sư tử, và lại lật ngược tình thế. Joe gỡ được đầu ra, nhưng ngay lúc đó Nick cũng luồn được ngón chân cái ra ngoài, rồi bỗng nhiên hai bố con đều đứng dậy, thở hít một hơi và hăng hái đánh nữa. Ông bố ôm ngang hông thằng con, nhấc bổng nó lên khỏi sàn, nhưng thằng con kịp xô ông bố lùi lại, té nhào. Nằm dưới sàn nhưng Nick lại nhanh nhẹn khoá đầu thằng con, lần này ông duỗi thẳng cẳng ra, không cho thằng con nắm được. Thằng Joe gần như, nhưng không hẳn là hoàn toàn, thất thế.

Ông bố nói, Nào, mày nói gì Joe?

Thằng con bật cười. Nó hét tướng lên, bố điên thật rồi.

Ông bố cáu tiết nhấc thằng con dậy và đẩy nó sát vào chân tường. Cô gái thấy tiếng ồn náo thật là tuyệt, và cô thích cái cảnh cả nhà đều rung chuyển. Thằng nhỏ húc đầu, vặn cổ, và lại thoát ra được.

Nhưng lần này thì trận đánh kết thúc. Chỉ vì thằng nhỏ không chịu đánh nữa, và chẳng còn hoài nghi gì nữa, dù ở nhà quê hay ở tận Âu châu cũng thế cả. Ông bố quay lại và thấy cô vợ vừa đang mỉm cười vừa thu dọn chén đĩa vỡ.

Tất cả rồi cũng đâu vào đấy. Bọn Đức khó khăn chán mới vào được.

Thằng con xếp mấy chiếc ghế vào chỗ cũ.

Ông bố nói, mày nhớ nhé Joe.

Thằng con nói, Bố điên mất.

Nick nói, Cũng được. Mày biết tao muốn nói gì mà.

Cô vợ cũng nhập bọn, thấm thấm mấy vệt súp vung vãi bằng cái khăn lau đĩa bát bé xíu.

Ba mươi năm trước, ai cũng nói cô điên mới đi yêu một gã bần nông to xác, nhưng giờ đây và hơn bao giờ hết, cô biết rằng thiên hạ lầm lẫn biết chừng nào, và mọi sự trên thế gian đã trở nên tốt đẹp hơn khi ông hôn cô lần đầu tiên.

Ông quay lại nói với vợ, Dọn bàn đi Bess. Bây giờ tất cả chúng ta ngồi xuống ăn tối thôi, nghe cái lối ông nói điên điên mà hay hay, Joe và vợ ông phá lên cười, và phải công nhận cái lối ông nói nó ngồ ngộ làm sao ấy.

Cơm nước xong, thằng con khẽ nói, Đây mới là nước vĩ đại nhất thế giới, bố ạ. Và ông bố cũng chả buồn phải chối cãi.