Người có trái tim trên miền cao nguyên

Chương 13

 

Đang tản bộ xuống đường Annankatu ở Helsingfors thì tôi chợt thấy hai chiếc kèn đồng, một chiếc cello, hai vĩ cầm, và một tấm hình Beethoven trong tủ kính một cửa hiệu, và tôi nhớ đến âm nhạc với hết lòng tha thiết. Bạn cũng thừa biết đấy, chúng ta bước vào lòng thế giới, với ngổn ngang những tiếng còi tàu hực hỡ, tiếng kèn xe hơ hải chói tai, chưa hết, bạn thấy thiên hạ tụ năm tụ bảy đỏ đỏ xanh xanh cố làm đủ thứ chuyện, này trong những tiệm ăn haytrên những đường phố người ta rì rầm nói chuyện to nhỏ đầy vẻ lo âu trầm uất tội nghiệp. Và nó phủ mờ âm nhạc trong lòng bạn, nhưng rồi âm nhạc bỗng đánh thức bạn dậy, dịu dàng mà kỳ ảo.

Bạn nói, lạy Chúa, chả có gì khác. Sau khi xe lửa dừng lại và bạn bước xuống, ở tàu thuỷ thì bạn xuống cầu tàu, ở phi cơ thì khi nó hạ cánh bạn hãy đặt chân xuống mặt đất, chả có gì khác. Bạn đã đi cùng khắp hoặc chẳng nơi nào cả. Các tên của thành phố trên bản đồ, trên hàng chữ lớn ở nhà ga, còn tên quốc gia thì được chạm khắc trên các đồng tiền mà ta thường dùng để mua bánh trái các thứ, nhưng thực ra bạn chỉ là kẻ vô sở trú, vì nếu càng đi đến được nhiều nơi bao nhiêu thì bạn càng hiểu ra rằng, quả là không có một nơi chốn địa lý nào đích thực cho con người cả.

Kệ mẹ nó, bạn nói. Luân đôn, và không gì cả. Paris, và không  gì cả. Viena, và không gì cả. Mạc Tư Khoa, cũng vậy. Duy vật biện chứng. Ý thức giai cấp v.v. và v.v.. Không gì cả. Mọi hướng đều không có chỗ nào để đến. Và bạn cảm thấy nát lòng quá thể. Bạn nói, lạy Chúa. Đây là thế gian, đây là nơi chốn của thế gian. Chuyện gì vậy? Tất cả đều để hỗn độn. Trên các đường phố nơi bạn vừa mới lưu lạc đến, luôn cho bạn cảm thấy cái phiền não câm nín của thế giới.

Ở Helsingfors thì không đến nỗi tệ như vậy, mặc dù ở Phần Lan cũng có sự tư hữu tài sản, người người có chút của cải, nhàn nhã kẻ mua người bán.

Khi tôi thấy cái tù và, cái trombone, cái cello, vĩ cầm và bức chân dung của Beethoven, tôi buồn nẫu ruột. Nhìn sơ hình dáng chiếc tù và cũng đủ thấy đâu phải là một thành công nhỏ, cả chiếc vĩ cầm nhỏ bé cũng là một bài thơ nói lên nhiều ý nghĩa, một cái gì vừa tuyệt diệu vừa đa cảm làm sao.

Tôi vào tiệm và hỏi cô gái bằng tiếng Anh, rằng cô có thể cho tôi ngh vài đĩa nhạc Phần Lan được không. Con gái Phần Lan trầm tĩnh, mạnh khoẻ và xinh đẹp đến ngạt thở. Tổ tiên họ theo giáo phái Luther và họ tin vào Chúa. Mỗi chúa nhật họ đi nhà thờ và họ hát, hát như để vơi bớt những nặng nề và nhọc nhằn trong tuần qua, và để thấy mặt trời mọc lên rực rỡ phía ngày mai.

Cô gái trong tiệm nhạc ở Helsingfors cổ kính. Nói năng lễ độ, và ngơ ngác trước những thủ pháp chính trị. Họ có lý lẽ để xinh đẹp một cách thơ dại như vậy. Họ khác các cô gái Nga khôn lanh, giỏi lý luận.

Jean Sibelius, tôi nói với cô gái trong tiệm, Finlandia.

Hai tháng trước đây, ở đâu vậy cà? Thế mà giờ đây tôi đang ở Helsingfors, đêm mùa hè vẫn sáng trong, thật xinh đẹp và nhộn nhịp, một thế giới năng động và cuồng nhiệt, những góc phố luôn lan toả một niềm thân ái đầy văn minh. Những âm nhạc như là thứ thuốc phiện công hiệu nhất của con người, trừ phi…Nhưng tôi chỉ cần âm nhạc. không là gì khác. Chúng ta tận hưởng cơn cuồng nộ cổ điển mà dung dị của một con người, chiến đấu đến cùng trong cô quạnh, vật vã cùng Thượng Đế và kiên khổ với thời gian, ném mình vào cô tịch ngất ngưởng, để rồi phải mòn người đi đến bảy tám cân, và rời căn phòng để bước ra ngoài thế giới cùng với một cái gì đó độc lập, sống động vô hạn, điên cuồng, tuyệt diệu, cuồng nhiệt, báng bổ, thịnh nộ, sùng ái, dịu dàng, không riêng một mà cũng không cho tất cả, nó lừng lững và chói ngời với chính nó, đầy đặn và viên mãn một cách khó tin, một giao hoà giữa thinh lặng và trống không, rồi âm thanh hoà quyện với những sinh thể vô dung. Âm nhạc hiện ra. Một hoà khúc.

Finlandia, tôi nói. Cái chữ sao mà mạnh mẽ và hay ho một cách kỳ lạ. Tôi sực nhớ ra, mình đang ở Phần Lan, trong một tiệm đàn ở đường Annakatu, Helsingfors. Jean Sibelius cũng ở Phần Lan, chính nơi đây ông đã viết nên Finlandia, và từ năm năm trước khi còn ở Mỹ, tôi đã nghe nó đến bây giờ, nghe không ngừng nghỉ, nhưng nay được nghe Finlandia tại Helsingfors chẳng phải là việc tầm thường chút nào.

Cô gái tỏ ra rất chân thành và nghiêm mật, nhấc kim để lên đĩa hát, quay máy. Cô lùi lại vài bước và khiêm tốn đứng nghe. Sau cái im lặng, âm nhạc bắt đầu lung linh nhập vào thế gian. Phần Lan.

Ôi Jesus Christ, con người quả là không có một nơi nào để đến. Và âm nhạc đánh thẳng vào cái thế giới nhiễu nhương, đập tan địa ngục khỏi lầm than, bất chấp hoang tàn, và xây dựng một xã hội bình đẳng. Này nhé, năm ngoái ở nước Anh nhà vua lắng nghe và biết hết sự thật, ngày mai nữa ở Nebraska một hài nhi lắng nghe và cũng chạm phải sự thật, rồi một trăm hay một ngàn năm nó cả vua chúa lẫn trẻ con cũng sẽ hạnh ngộ với sự thật.

Tôi hút đến bốn điếu thuốc, và rồi tác phẩm vĩ đại này của Jean Sibelius cũng vừa châm dứt. Cái im lặng trước khi âm nhạc bắt đầu lại dồn lên, sống lại. Và bây giờ thì không còn là Finlandia nữa, mà là Phần Lan, là Helsingfors.

Cô gái không nói gì thêm, chỉ mỉm cười cảm động đến gần khóc, đoạn cô bỏ đi và trở lại với một album gồm những hoà tấu khúc của Sibelius.

Tôi nói, Không, cô cho tôi nghe Finlandia ở ngay Helsingfors là thật đã quý hoá lắm rồi. Mai tôi sẽ đáp tàu đi Stockholm rồi về lại Mỹ.

Tôi moi trong túi ra vài đồng mark và hỏi, Tôi có thể trả tiền nghe Finlandia được không?

Việc này, sự xuất hiện của tiền, làm hỏng bét hết mọi chuyện. Cô gái không những không hiểu tôi đang nói gì, lại càng không thể lành hội ý nghĩa những gì tôi đang trình bày. Cô không hiểu được là tôi đang cảm thấy như thế nào. nhưng với âm nhạc thì cô thấu đạt hết cỡ dù chẳng cần hiểu lời rõ nghĩa gì ráo. Cô lặng lẽ bỏ đi và chỉ trở lại với một cô gái khác biết nói tiếng Anh.

Tôi giải thích các việc lẫn sự vụng về của mình, cô gái phiên dịch lại cho cô bán hàng biết, và chúng tôi cùng cười vang, thấu cảm.

Cô gái biết tiếng Anh nói, không sao, không sao, ông có muốn nghe lại Sibelius lần nữa không?

Tôi nói, Không, tôi chỉ muốn nhớ lại Finlandia ở Helsingfors. Cô có biết Jean Sibelius không?

Cô gái đáp, Vâng, dĩ nhiên.

Cô kia đứng bên cạnh và quan sát tôi.

Tôi hỏi, chứ ông ấy người như thế nào?

Cô gái đáp, Mập. ông ấy rất khoẻ và đến tiệm chúng tôi thường lắm.

Ông ấy ở Helsingfors chứ?

Vâng.

Tôi nói, Cô nghe cho đây. Hôm nay tôi ở Helsingfors và có lẽ không còn dịp để trở lại đây nữa. Mai tôi xuôi tàu về Stockholm. Tôi là một người Mỹ, và người ta gọi tôi là nhà văn. Cô có nghĩ Jean Sibelius sẽ cho tôi hội kiến không? Xin cô một phút, để tôi giải thích. Chẳng là, năm năm trước khi còn ở Hoa Kỳ, lần đầu tiên khi nghe được Finlandia, cô biết sao không, tôi tuôn dậy khỏi chỗ ngồi, bàn ghế đổ nhào, đấm ầm ầm lên tường làm rơi vãi mấy mảnh hồ, và nói, lạy Chúa, chứ người này là ai vậy? Và bây giờ cũng gần như thế. Không phải ngày nào  tôi cũng ở Helsingfors, và không phải thế kỷ nào Jean Sibelius cũng ở Helsingfors cùng một thời điểm với mình.

Cô gái nói, Vâng, xin đợi cho một lát. Để tôi kiếm số điện thoại.

Cô ta từ trên lầu bước xuống và nói, Jean Sibelius đã Jarvenpaa.

Tôi hỏi, Cách đây bao xa?

Cô gái trả lời, Một giờ đồng hồ.

Tôi viết địa chỉ lên một phong bì và vội vã ra đi. Hai cô gái Phần Lan tiễn tôi tận cửa, và họ cũng bị kích thích gần như tôi vậy. Không ngờ ở tận bên Mỹ ông ấy cũng nghe và mê Finlandia, âm nhạc thật là quốc tế (và đúng quá đi chứ, ngay cả cái chữ music cũng vậy. Nếu nói "bánh" bằng tiếng Anh thì nhiều người sẽ không biết ta muốn gì, nhưng nếu t nói "music" thì họ hầu như hiểu ngay).

Tôi nghĩ mình nên gửi một điện tín. Tôi cố viết nhưng sao nghe lủng củng quá, mà việc này đâu có cần thiết phải như vậy. Tôi bèn hỏi người quản lý khách sạn xem tôi có thể gọi điện thoại tới Jean Sibelius được không. Tôi thấy mình như một thằng điên. Tức cười chết đi được.

Anh ta đáp, Dĩ nhiên.

Và tôi đã bắt được liên lạc với ông.

Tôi nói, Tôi từ Mỹ qua. Ở Mỹ ai cũng thích nhạc của ông.

Ông ta nói bằng tiếng Anh, Tôi ở chỗ này, một vùng quê. Hãy đến lúc bảy giờ.

Lúc bấy giờ là bốn giờ rưỡi, và đến Jarvenpaa mất một tiếng đồng hồ, nên còn khoảng thời gian một tiếng nữa để cố hình dung xem cái gì đang xảy ra vậy. Tôi là ai mà lại đến gặp Jean Sibelius? Tôi sẽ nói được gì với cái con người vĩ đại đã soạn ra Finlandia, và ông đối xử với tôi sao đây? Ái chà chà, ông ta bảy mươi tuổi còn tôi mới hai mươi bảy. Tôi sinh ở Mỹ và là một nhà văn quèn, còn ông thì là một nhà soạn nhạc lừng lẫy, lạy Chúa.

Nhưng thưa bạn, đó là âm nhạc. Đó là Phần Lan. Các cô gái thì đẹp trầm tĩnh và nhất mực lễ độ. Phải gắng để khám phá xem những điều gần như khác biệt này đã xảy ra và cấu thành như thế nào, đó chính là công việc của nhà văn: thứ âm nhạc tuyệt diệu đó và những khuôn mặt hồn nhiên thuần khiết của các cô gái Phần Lan.

Tôi lên phòng mình trong khách sạn và cố nghĩ ra vài câu hỏi để nói chuyện với Jean Sibelius, nhưng trên đời này có lẽ không gì chán ngán bằng những câu hỏi, tôi thử viết ra những câu hỏi và phải công nhận rằng đó là những gì tệ hại nhất mà ai cũng có thể nghĩ ra.Đó là những câu hỏi dài dòng rối rắm, hỏi rằng, phải chăng có đúng là tất cả hình thái nghệ thuật đều tiềm ẩn trong thiên nhiên và tất cả những gì mà nhà nghệ sĩ có thể làm là khi khai mở những hình thể đó, cái thế giới ngồn ngộn của nhân thế, của phố phường rầm rập xe cộ tàu bè, những nhà chọc trời, những cơ xưởng, máy móc ầm ì có ảnh hưởng gì đối với nhà soạn nhạc có chút tài năng trở thành một nhạc sĩ  vĩ đại, nàol à những di sản tinh thần, chủng tộc, những kinh nghiệm cùng kỷ niệm của chủng loại mình, của bản thân, hoặc như chỉ cần nhiều nghị lực, một chút phẫn nộ, ý chí hay động lực muốn bày tỏ cái tử tính cao vút của mình vào một lúc nào đó và trở nên bất tử?

Jesus Christ.

Và lạy Chúa tha tội, tôi đã phun ra những câu hỏi dấm dở dở hơi đó thực.

Đó là một chiếc Buick cũ, chạy rầm rì như một con dơi trườn ra khỏi địa ngục, vượt qua những phong cảnh thanh sạch của Phần Lan, dọc theo hai bên đường là những cậu trai cưỡi xe đạp, những cô gái tản bộ, những nông phu về nhà trên những xe bò. Không khí trong lành. Cây cỏ tươi tắn. Bầu trời sáng láng. Những ao hồ trong trẻo. Cây cỏ hồn tinh anh. Ây là nơi chốn của Finlandia.

Mô tả cũng không phải là một chuyện dễ. không phải chỉ có những cái hiển hiện này, mà còn có một cái gì khác nữa. không phải chỉ bởi vì Phần Lan ở phía bắc. Mát mẻ. Yên tĩnh. Tóc vàng. Mắt xanh. Thực là không sao hiểu được hết.

Người tài xế dừng lại giữa cánh đồng và hỏi thăm ba cô gái đường đến nhà Jean Sibelius. Mấy cô bảo bác tài là bác đã chạy quá rồi đó. Ở trước đây độ hai dặm thước thôi. Ở Phần Lan ai cũng biết Jean Sibelius, những người ở vùng Helsingfors thường hay trò chuyện với ông.

Đừng hiểu lầm ý tôi muốn nói một cái gì. Cũng đừng nghĩ là được nhiều người nói chuyện với ông là điều đáng chú ý hoặc được nhiều người quen biết là vinh hạnh gì lắm. Tôi chỉ muốn nói vầy vậy thôi. Họ đều là dân Phần Lan. Jean Sibelius là cái người cao lớn, sáng tác nhạc, vậy thôi. Tất cả họ đều cùng nhau hít thở bầu không khí tốt lành của Phần Lan.

Tôi bước vào  căn nhà mà đầu óc rối tung. Chị giúp việc đang đợi tôi và chào bằng tiếng Phần Lan. Ông ta đang ngồi nói chuyện với một thanh niên, một người Mỹ gốc Phần Lan từ California sang, rồi thì ông ta đứng dậy và kìa, đó là những gì mà tôi đang tìm kiếm, Finlandia, Jean Sibelius, bảy mươi tuổi, vẫn cứ trẻ trung và bất tử, cười nói vồn vã mà lễ độ, Vâng! Vâng! À vâng! Bàn tay nhiều sinh lực chìa ra giới thiệu với người bạn ông, bộ điệu linh hoạt, ngồi xuống tràn đầy nghị lực, và lạy Chúa, còn những câu hỏi điên khùng dấm dớ thì sao? Tôi ậm ừ trong cổ họng, nhưng dù sao thì cũng phải nói cho xong phần mình rồi chuồn cho lẹ, chẳng phải vậy sao, nên bắt đầu giải thích những câu hỏi, lừng khừng ngượng ngập. Đó là một người to lớn, tôi không có ý muốn nói đến cái kích quá khổ bề ngoài vạm vỡ của ông. Còn tôi là một nhà văn trẻ từ Hoa kỳ đến, có được mười một tiếng đồng hồ để hít thở và thơ thẩn với quê xứ của Finlandia, với Helsingfors, với Jean Sibelius.

Ông trả lời từ tốn những câu hỏi khốn khổ đó, và thật là tuyệt. Vâng, à vâng, và im lặng. im lặng là tất cả (ông chồm dậy, hai bàn tay to lớn của ông run run và cầm lấy hộp xì gà. Xì gà ư? Rồi ông hét gọi uýt ky, một lát sau chị giúp việc đem rượu vào.) Âm nhạc giống như cuộc đời, nó bắt đầu và chấm dứt trong thinh lặng. Ông phác một cử chỉ cuồng nhiệt, tất cả những gân cốt trong con người ông đều sống động. Ông nói, uống uýt ky nhé. Ông không biết phải làm gì nên rót cho người bạn trẻ của ông một ly khác, một ly cho tôi, và chúng tôi cùng uống.

Tôi nói, Thế giới lao nhao những thành phố, những tàu bè, nhà chọc trời, rầm rập những xe điện ngầm, phi cơ ngùn ngụt, xưởng thợ máy móc các thứ…có ảnh hưởng gì đến việc sáng tạo của ông?

Ôi chao, tôi chỉ muốn chui xuống đất vì thấy mình là một thằng cha lố bịch hết cỡ.

Ông tỏ vẻ xúc động và bắt đầu nói tiếng mẹ đẻ.

Người thanh niên nói, Ông không trả lời hết được. Âm nhạc sẽ nói hộ ông. Tất cả đều ở trong âm nhạc.

Tôi nói, Tôi rất áy náy về những câu hỏi. Tôi sẽ…

Ông nói bằng tiếng Phần Lan nhiều nhạc điệu, chàng thanh niên phiên dịch lại, rằng, cái Đẹp và Sự Thực và ông không thích phải rườm lời. không phải chỉ có ca từ, ở âm nhạc có một cái gì khác hơn thế nữa. ai cũng nói đến cái đẹp và sự thật. Còn ông đâu phải là nhà tiên tri, ông chỉ là một nhà soạn ra âm nhạc.

Và ông nở một nụ cười phẫn nộ dịu dàng, khuôn mặt cương nghị, đẹp dữ dội.

Ông nói bằng tiếng Anh, Ta uống uýt ky đi.

Tôi kiên nhẫn lần dò đến câu hỏi rằng, Cái gì khiến cho nhà soạn nhạc thành vĩ đại.

Không, ông nói bằng tiếng Anh. Ta không thể chạm đến một chuyện như vậy được.

Tuyệt vời hết chỗ chê. Đó là cái gì rất thực. nói về nó thì thật là phí phạm, là chạm đến chỗ không cùng. Ông đâu có khờ khạo gì mà đi bông lơn với ngôn ngữ. Ông viết chúng thành âm nhạc, thế thôi.

Tôi thấy quá tuyệt vời vì những gì nơi tự thân ông gửi tới, trẻ trung và quá nhiều phẩm cách của một hài đồng, đầy kích động, hùng tráng, nghị lực, kiên trì, hồn nhiên tươi tắn đến làm ta phải kinh ngạc. Và trên đường trở lại Helsingfors, tôi bắt đầu thấy nơi phong cảnh của Phần Lan như rộ lên cái âm điệu tinh khiết, trong veo như nước thánh của Finlandia.