Khi George Gershwin chết, tôi nghĩ rằng mình phải chiếu điện quang tuyến vào đầu thôi, nhưng bác sĩ bảo là việc đó chưa cần kíp lắm.
Ông nói, Đó là một cái gì mà chúng ta khó thể biết đến, chỉ hiểu rằng có hai loại phát sinh, thông thường và nguy kịch. Chẳng rõ tại sao lại có cả hai. Đó chính là điều phải khám phá cho ra.
Tôi nói, Tôi? Ông muốn nói gì, là tôi ư?
Ông nói, Tôi muốn nói là ông chẩn đoán cũng đúng như mọi người, không chừng còn hay hơn.
Tôi nói, Cám ơn, thế nhưng những cơn đau thỉnh thoảng trong đầu tôi thì sao?
Ông nói, Ờ, những cơn đau thỉnh thoảng trong đầu ông ấy à? Chả có gì phải quan ngại cả, nó như một phần của tự nhiên hay ít ra không tránh được của sự sống, ông hiểu chứ?
Tôi nói, Cái đó khác. Nói vậy thì ai ai cũng bị cả rồi. Còn đây, chẳng bởi vì tôi là nhà văn?
Ông nói, Không phải vì ông là nhà văn, mà vì ông sắp chết, thôi quên nó đi, vì ai rồi cũng sẽ tiêu vong.
Tôi nói, Trời đất, có thiệt không đấy?
Ông nói, Thật mà, ông còn biết rõ hơn tôi cơ, không có ai trong chúng ta, bất cứ lúc nào, lại cách cái chết hơn một phút. Ông biết rõ điều đó mà. Thiếu oxy và hydro, như một người đang chết đuối, có thể đưa chúng ta đi biệt trong nháy mắt. Mất tương quan, mất quân bình hay vị trí, như khi bị ngã, có thể đưa chúng ta thăng thiên trong vài giây. Va chạm, như khi một người bị đưa nhanh tới một đối tượng làm bằng một chất thể cứng hơn mình, và đùng một cái, ta biến đi như một ánh chớp. Đó là những cách đi trong rủi ro và dữ dội, nhưng thường thì không ai trong chúng ta ở cách cái chết hơn một phút.
Thế là tôi quyết định lờ đi, quên quách những cơn đau âm ỉ trong đầu.
Dầu vậy, đó là cái tin buồn nhất tôi được nghe trong nhiều năm nay, vì một đêm nọ ở New York, tôi đã gặp hắn, nói chuyện với hắn, và nghe hắn chơi dương cầm suốt hai tiếng đồng hồ. Hắn chỉ là một đứa trẻ và chẳng ai muốn bất cứ một người nào như vậy mà lại chết đi vào cái tuổi ba mươi lăm, ba mươi sáu. Cũng không ai muốn cho bất cứ kẻ nào biết nghe âm nhạc mà lại qua dời trong khi người đó vẫn còn là một đứa trẻ. Tôi, có lần nói chuyện với thiên tài Sibelius về những ước muốn như vậy đấy. Silbelius lúc ấy đã gần bảy mươi.
Tôi ở thành phố nhà khi nghe tin đó. Một người anh em họ cho tôi biết. Hắn lái chiếc xe Chevrolet đến nhà bà tôi và chúng tôi chạy một mạch đến Kingsburg. Khi chúng tôi ra xa lộ gần Malaga thì hắn bật radio. Một giàn nhạc bay lượn nhún nhảy, và không dưng người anh em tôi nhớ lại.
Hắn nói, Gershwin chết rồi.
Hắn chỉ việc nói như vậy, và tôi cảm thấy ngay đó là sự thật. Một sự thật chắn nghẹn ngang cổ đến không thể không tin được. Nhớ lại Gershwin khi còn ở New York, tôi không sao hiểu được là anh ta đã qua đời. Nhưng trời ơi, đó lại là sự thật. Và vậy đó, hắn chết. Tôi nhìn những cây nho tươi dưới ánh nắng đẹp, những lá cỏ xinh xắn, những con đường tĩnh lặng.
Người anh em họ hỏi, Anh quen biết hắn chứ?
Tôi đáp, Tôi có gặp hắn một đêm ở New York trong một buổi tiệc khá đông thực khách, cũng chuyện vãn các thứ.
Chúng tôi ra vườn nho ở Kingsburg, nhìn những chùm quả lúng liếng trên cao, rồi trở về nhà bà tôi ăn cơm: lá nho gói bọc quanh thịt cừu và cơm, bánh kiểu quê và phó mát, dưa hấu lạnh. Xong, chúng tôi trở lại công viên, nhìn tứ tán mà lòng bồn chồn bất an tự hỏi, rồi sẽ ra sao. Ra sao, Khó tin và rực rỡ làm sao. Lạ lùng, ảm đạm và lung linh đẹp đẽ biết chừng nào: Có những tĩnh vật được vẽ bởi những vĩ nhân khi họ muốn biết chúng ra sao: tĩnh vật, hình thể của những tĩnh vật lê đào, nho, cá trên đĩa, ổ bánh, chai rượu, các sự thực dưới ánh sáng. Các vật sống động mà tất cả những ai đã yêu thì tuyệt đẹp và huyền nhiệm vô cùng.
Hai giờ sáng hôm đó tôi đáp tàu về San Francisco và vẫn tiếp tục giữ cái nhìn lên mọi vật: bóng tối của phong cảnh và bầu trời của chờ sáng, một buổi sáng yếu ớt đến, mặt trời mọc soi rọi cái thế giới do chúng ta bày đặt ra, có cả xấu lẫn đẹp khoác lên mặt đất, những đường xe lửa, những toà nhà kỹ nghệ cao ngất nghệu bên những ổ chuột khốn nạn thầm lặng của nghèo khó. Suốt đêm, tôi thả mình trôi nổi trên vùng nghĩ tưởng xa xăm đó.
Tôi cố nói hết để bạn cảm biết nó ra sao, bởi những cơn đau trong đầu của tôi chẳng phải vì tôi là nhà văn, nó truy bức và hoành hành bạn và tôi cũng như bao người còn sống, những kẻ chưa lao qua cõi trời Đâu Xuất kia vì chiến tranh, vì tai nạn hay bệnh tật các thứ, đều như nhau cả. Tôi nói sẽ không cạn hết những đáy tầng chập chùng của sinh tử, nhưng bạn hãy cho một ý niệm khi nếm thấy cái vị chết vừa vương vướng trên đầu lưỡi mình.
Khi chúng ra vừa sinh ra đời, đó là một bắt đầu, nhưng ở đây cái bắt đầu không là như vậy, cái bắt đầu tôi đang nghĩ và muốn nói tới đây là khi chính bạn nhìn và lần đầu tiên thấy.
Cái bắt đầu tôi muốn nhấn mạnh là, khi bạn ra khỏi giấc mơ của vũ trụ và cảm thấy cái vinh quang mãnh liệt, cái cô đơn của hiện hữu, của hiện hữu từ hư vô, của sự tương quan với, và là một thành phần của nguồn tinh lực vĩ đại, là một thực thể, toàn diện và bất tử, bình thường hay trầm trọng.
Cái bắt đầu là khi bạn nhận thức ra sự dị biệt giữa cái người ta giả vờ là, và cái người ta là: chẳng là gì ngoài những trần khách của thế giới, những kẻ vay mượn thời gian, đến và đi. không phải sở hữu chủ của bất cứ gì, ngoài cái đặc quyền bản thể cư trú và chịu đưng thời gian. Con người là những sinh linh màu nhiệm, lại không bao giờ xa cái chết hơn một phút, không bao giờ rời bỏ vinh quang, và khi họ còn sống là còn trẻ con, bởi đời sống luôn ở giai đoạn ấu thơ. Những người vào giây phút cuối cùng để đi đến cái chết ở những tuổi như bảy mươi, tám hay chín mươi, đều tập tễnh như trẻ nít hài nhi. Họ đi như đã đến, một cách bất lực.
Cứ cho là họ đã từng vĩ đại trước mắt đồng loại họ, hoặc bé mọn và vô danh, hoặc dưới mắt Thượng Đế họ đã cao thượng, thánh thiện và chân thành, như con người, khi họ đi vào khoảnh khắc cuối cùng đó, như những con người đã đến đây, đã bước cái khoảnh khắc đầu tiên. Những khoảnh khắc đó, khoảnh khắc đến nơi và khoảnh khắc rời bỏ, là những khoảnh khắc huyền bí và mầu nhiệm, bình thường và, nếu chúng ta thích nói cách khácở, nguy kịch, mặt đến cũng không nhẹ nhàng hơn so với đi. Cả hai đều đồng thời vừa nhẹ nhàng vừa nguy kịch.
Chúng luôn luôn cùng nhau, ngoại trừ đối với thuỷ thổ, với ánh triều dương, vừa những mảnh thời gian vinh hiển, đạt được mục tiêu trong mỗi cá biệt. Nhẹ nhàng và nguy kịch là một trong những gì rất sống động, ngoại trừ những khoảnh khắc mà sự lưu chuyển của thời gian bị chặn lại bởi sự thức tỉnh vô cùng của con tim, bởi sự nâng cao tột đỉnh của tâm linh, sự bành trướng nhất thời của chân lý, tìm chân lý, và tìm thấy.
Đây chỉ là một gợi ý, gợi ý rằng một ít của nó ra sao. Các phân tử thì quá nhiều và biến thiên đến nỗi không ai có thể nói được tất cả nó ra sao. Ngay đối với chính mình, không một ai, không một hài nhi nào, vĩ đại hay nhỏ nhoi, hoặc dưới mắt Thượng Đế là cao thượng hay chân thành, có thể biết được tất cả ra sao, hoặc ngay là tất cả có thể ra sao. Nó đôi khi là hiện tại, như bài ca trữ tình, hoặc ngút ngàn miên viễn, không ai ngờ biết được.
Chiều hôm đó ở thành phố nhà, người anh em họ và tôi lái xe khắp các nẻo phố cuối tuần, rồi bỗng chúng tôi thấy một người khác phái, xinh tươi và dễ thương như một chùm nho. Người anh em họ rống tướng lên vì hâm mộ. Hắn lái vòng lên vòng xuống một con đường, canh chừng cô gái, la hoảng lên vì thú vị và ngưỡng vọng, vỗ lên đầu một cách đau khổ vì chỗ "không thốt được nên lời", rền rĩ một cách thấm thía bằng tiếng quê nhà, và gọi "Chúa ơi" rất dáng vẻ bằng tiếng Anh.
Cô gái không quá mười sáu hay mười bảy, hoặc trên dưới gì đó chút đỉnh, nhưng trẻ trung và sung mãn như tất cả những chồi lộc phơi phới trên mặt đất, cũng khả ái và cân đối như tất cả những gì đến với đời sống này: ngày đến đêm, hoa đến quả, biển đến bãi, dưỡng khí đến trái tim. Và với người anh em họ, tôi bị ray rứt bởi nỗi buồn phiền do sự thích thú và ái mộ một thể chất xinh đẹp đến mức thiêng liêng, dù thể chất đó là của con gái, của một tên say, một tên xuẩn động, hay bất cứ của một kẻ nào nhỏ nhoi hoặc vĩ đại. Người anh em họ và tôi thấy cái đẹp bất tử, và khi cái đẹp đó biến vào một căn lều lụp xụp, bên cạnh đường xe lửa vắng lặng, người anh em họ tôi lại càng rền rĩ hơn, anh hơ hải nhìn quanh rồi lại la lên một cách điên cuồng. Ta đi uống bia thôi!
Chúng tôi lái xe vào một quán trên đại lộ Ventura và uống một hơi hai chai, rồi về thẳng nhà hắn. Ở đó tụ tập đâu khoảng hai chục người, cùng một gốc gác xứ sở với nhau, xúm quanh nói chuyện. Những người già đầy lòng tư hương và nhớ đến các trang lứa đã khuất, gợi lại những ngày đầu mới đặt chân lên cái xứ cờ hoa này, lạ lẫm và tốt đẹp biết bao.
Những ngày khó nhọc ấy, có lúc một người trong chúng tôi, hiện vẫn còn sống, tưởng như đang bước những bước cuối cùng của đời mình, trong khi những người khác cầu nguyện và chửi thề, và cuối cùng kẻ hấp hối kia đã gượng dậy với chúng tôi. Rồi hai hay ba tuần gì đó, người ấy hồng hào trở lại, một cá nhân chen chúc giữa tập thể, hàn huyên này nọ, góp với nhau từng nụ cười, và chúng tôi vẫn ở bên nhau, đầm ấm qua các mùa, nhìn thế giới chập chùng ánh sáng. Chúng tôi nói về những người đã chết như thể họ vẫn còn ở đó, sống động cùng năm tháng phiêu mù lướt qua, như thể Dikran vẫn còn nghịch ngợm giữa chúng tôi, thông minh, láu lỉnh và nhiều chuyện vui, giọng cười sáng choang, ôm lấy mấy đứa nhỏ nựng nịu, cho quà. Chúng tôi nói về Hovagim và cái xe Buick cà tàng cổ lỗ sĩ của ông, cả cơn giận lôi đình kinh thiên động địa khi một ai đó đối xử không tốt hoặc nói láo khoét gì đó, một hôm ông bừng bừng với người hàng xóm khi y dối trá với ông, ông bèn nhấc chiếc Ford như một khối sắt, lật nghiêng xuống rồi hét vang, Nào! Láo toét nữa đi! Và tất cả chúng tôi phá ra cười.
Khuya đêm đó, người anh em họ và tôi lại lái xe lên tỉnh và sà vào một tửu quán.
Người anh em họ hỏi, Anh có nhớ những người mà họ nhắc đến đó không?
Tôi đáp, Nhớ lai rai vài người, nhưng nhớ nhất vẫn là Hovagim. Có lần ông chở anh em tôi ra vườn nho của ông bằng chiếc Buick thổ tả, ông đưa chúng tôi đi săn và cho nghe các đĩa hát Armenia bằng chiếc máy hát cũ xì, khọt khẹt buồn rấm rứt, và ông ứa nước mắt. Ông thường cho chúng tôi nho, đào và dưa hấu. Tôi nhớ ông nhiêu hơn Dikran, tôi chỉ nghe mẹ tôi kể về cậu ấy, và tôi thích cậu. Cu có vẻ là một người nghiêm nghị, mặc dù luôn khôi hài.
Chúng tôi đến quán Basque đường Tulare. Ở đó có một máy hát tự động, chúng tôi uống Scotch, nghe các tình khúc, các bản Tango Tây Ban Nha suốt hai tiếng đồng hồ. Đó là một quán thật đẹp, thật ngon mà tôi từng uống, và tôi chạnh nghĩ đến cái đêm ở New York khi mới gặp Geshwin, và hắn cho tôi biết đã cảm thấy thế nào trong phút linh cầu sáng tác một nhạc phẩm.
Khi uống, tôi biết hắn cảm thấy thế nào, nhưng không bỉêu lộ được. Một cảm nhận khó tả, rằng hắn đã đi qua cái khoảnh khắc cuối cùng, nhưng vẫn còn lang thang lui tới giữa chúng ta, nghe và nhìn trong bóng tối và ngoài ánh sáng, đi quá tầm rồi trở lại với chúng ta. Biết và cảm nhận như vậy đấy. Nhưng nhờ ơn trời, bất cứ ai trong chúng ta cũng phải chết trước khi chúng ta đã đến hoặc đi, cả trước khi bắt đầu, trước khi đạt đến một khoảnh khắc đáng nhớ. Chúng ta hoặc là đất, hoặc đá, hoặc hư không.
Trên chuyến tàu về nhà, tôi là một người Armenia buồn bã. Không vì Brahms đã chết, hoặc Bach, hoặc bất cứ ai khác, Renoir hoặc Goya, Dostoyevsky hoặc Dickens, Robert Burns, Byron hoặc Daniel Boone hoặc Tolstoy hoặc Andrew Jackson, hoặc Mark Twain hoặc bất cứ một người nào mà ta yêu mến. Chính bởi vì nó là như vậy, nguy kịch và nhẹ nhàng, xin nhờ lượng trời vô hạn.