Nguyễn Hữu Chỉnh cùng con cầm binh ra trận. Hữu Du đi tiên phong bại một trận ở Thanh Quyết. Hữu Chỉnh bại luôn mấy trận ở Thăng Long.
Trên đường bôn tẩu, sau lưng quân của Tướng Tây Sơn Nguyễn văn Hòa trùng điệp đuổi theo, Nguyễn Hữu Chỉnh người ngựa đều mệt lả, Chỉnh bỗng thấy như hiện ra trước mắt hình ảnh vị sư già, hai vị tăng và hai chú tiểu toàn thân vẩy máu. Và Chỉnh dường nghe văng vẳng bên tai lời nói của bậc chân tu: “Ai gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Hôm nay quan nhân đã gieo gió, ngày mai quan nhân sẽ gặt bão”. Chỉnh hoa cả mắt, đầu choáng váng. Quả như lời khuyến cáo ấy, giờ đây giông bão đã nổi lên, báo hiệu ngày tàn của đời Chỉnh. Giữa lúc đó, tiếng quân reo vang dậy, tướng Nguyễn văn Hòa đã xông ngựa lướt tới và bắt sống được Chỉnh. Thế là con sáo sang sông và con sáo sa vào lưới rập của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.
Bắt được Chỉnh rồi, quân Tây Sơn đuổi theo đám tàn quân của Nguyễn Hữu Du.
Đám tàn quân đói, mệt, lần lượt ra hàng. Hữu Du đơn thương độc mã bôn đào về miền thượng du sơn cước. Chạy đến suối Ngọc thì người và ngựa đều mệt lả mà quân Tây Sơn đã bao vây khắp thung lũng. Chàng nhìn xuống suối, than rằng: “Mạng ta đã cùng rồi”. Bỗng chàng thấy lồ lộ trên mặt nước hình ảnh của Huyền Tiên. Nàng nhìn chàng, vẻ căm hờn, oán trách. Du hối hận quỳ xuống bên suối, giọng tha thiết: “Huyền Tiên, em tha tội cho anh”.
Tiếng suối reo đáp lại lời chàng một cách lạnh lùng.
Hữu Du chợt nhớ lại lời nguyền ngày nào: “Có suối Ngọc Tuyền và bửu kiếm kia làm chứng”. Như bị hấp dẫn bởi một thần lực huyền bí, Du rút thanh Ngọc Tuyền ra, tự đâm vào cổ. Một dòng máu tóe ra rơi xuống làn nước, vạch một đường đỏ giữa muôn ngàn ngấn bạc long lanh…
Thẩm Thệ Hà