Ngọc Tuyền Thảm Sử Truyện Full

Tiết phụ Nam Xương

Vũ Nương, quê ở Nam Xương, thùy mị nết na, người người đều mến. Năm mười tám tuổi, nàng về làm dâu nhà họ Trương, đối với mẹ chồng trọn lòng hiếu thảo, đối với chàng một dạ yêu chiều. Duyên thắm tình êm, tâm đầu ý hiệp.

Năm ấy có loạn Chiêm Thành, chồng Vũ Nương là Trương Sinh được gọi tùng quân. Khi tiễn biệt, bà mẹ dặn rằng:

- Nước nhà gặp cơn biến, làm trai tất phải đền. Nhưng nơi trường sa vốn không phải là chỗ đùa, con khá nên thận trọng.

Vũ Nương cũng bịn rịn:

- Chén nguyền chưa cạn, tình rẽ đôi nơi. Từ đây thương người cuối bãi đầu ghềnh, nắng mưa dầu dãi; chạnh niềm gối chăn chiếc bóng, vò võ năm canh...

Rồi vợ chồng nhỏ lệ mà chia biệt.

Chàng đi được mười ngày, nàng sinh ra một đứa con trai đặt tên là Đản. Từ đấy, Vũ Nương lấy việc cung phụng mẹ chồng làm bổn phận, chăm nom con trẻ làm niềm vui. Lần lữa tháng ngày, nàng chỉ biết gởi mộng hồn vào nơi gió cát...

Bà mẹ vì nhớ Sinh mà sinh bệnh. Một hôm bà gọi nàng lại, trối rằng:

- Chồng con ra đi thắm thoát đã được nửa năm, mẹ cũng muốn đợi ngày về, cùng vui sum họp. Nào hay số trời đã định, không tránh được nào. Vậy con hãy vui vẻ mà nuôi con, đợi chồng. Trời xanh kia sẽ không phụ.

Bà trối xong thì mất. Nàng hết lòng lo tang lễ, rồi thủ phận nuôi con, đợi chồng.

Năm năm sau, giặc Chiêm bị đánh tan. Trương Sinh về tới nhà mới hay mẹ chết, bèn bế con ra viếng mồ mẹ, giọt lệ khôn cầm. Đản thấy chàng khóc cũng khóc theo. Tiếng khóc chan hòa trong gió, nghe thêm não nùng.

Sinh gạt nước mắt, dỗ Đản:

- Thôi nín đi con. Cha đã khổ, con làm cha càng khổ thêm.

Đản ngây thơ nói:

- Không! Ông không phải là cha Đản.

Sinh ngạc nhiên. Đản tiếp:

- Cha Đản không hề khóc như ông.

Sinh càng ngạc nhiên:

- Vậy chớ cha Đản là ai?

Đản tươi cười nói:

- Cha Đản đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cùng đi, mẹ Đản ngồi cùng ngồi, nhưng chả bao giờ bế Đản cả.

Nghe con nói, Trương Sinh nổi cơn giận dữ. Có cái gì ứ nghẹn trên cổ làm Sinh nghẹn ngào. Thì ra trong lúc Sinh xông pha nơi chốn sa trường, vợ chàng không giữ được thủy chung đã sa vào tay người khác.

Sinh đau đớn về nhà, gọi vợ mắng nhiếc nặng lời. Vũ Nương chỉ biết khóc mà kêu oan. Láng giềng cảm thương hoàn cảnh, hết sức phân trần, chàng vẫn một mực không tin.

Đêm ấy, nàng ôm con khóc suốt sáng. Khi thấy vầng lê minh vừa ló dạng, nàng vội viết mấy vần thơ gởi lại chàng:

Giá trong một mảnh chàng không hiểu,

Trâm gãy, bình rơi đến nỗi này.

Thôi phận mỏng mành cam chịu thẹn,

Tiếng đời còn biết nói sao đây?

Vũ Nương rơi lệ, hôn con một lần chót, rồi lần ra bến Hoàng giang. Nàng ngửa mặt lên trời, than rằng.

- Kẻ bạc mạng giá trong khó chuộc, mượn dòng sông rửa nợ oan khiên. Xin thần linh chứng cho lòng.

Rồi nàng gieo mình tự trầm mà chết.

Trương Sinh hay tin chạy ra thì ngọc đã lặn, châu đã chìm. Cho người tìm thây thì không thấy thây đâu cả. Đọc mấy dòng thơ của nàng gởi lại, chàng thấy lòng se thắt, phân vân chưa biết sự thật là đâu.

Cho đến một hôm, ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya, chàng chợt nghe con mừng rỡ reo lên:

- Cha Đản lại đến kìa!

Chàng ngoảnh nhìn con, thấy nó chỉ cái bóng chàng in trên vách. Một sự thật làm cho chàng sửng sốt, nghẹn ngào. Chỉ vì cái bóng mà người vợ yêu quý của chàng phải chịu hàm oan, đến nỗi phải gieo ngọc trầm châu. Càng nghĩ đến, Sinh càng muôn phần xa xót...

 

Cùng làng với Trương Sinh có vị đầu mục tên là Phan Lang. Một đêm, Phan Lang nằm mộng, thấy một nàng áo xanh đến kêu xin tha mạng. Hôm sau quả nhiên có người chài lưới đến biếu một con rùa mai xanh. Nhớ đến điềm chiêm bao, Phan Lang liền đem phóng sinh con rùa xuống sông Hoàng.

Năm ấy, quân Minh mượn tiếng hưng Trần phạt Hồ, cử đại binh qua ải Chi Lăng. Phan Lang trốn ra bể bị đắm thuyền chết đuối. Khi tỉnh dậy, Phan thấy cung điện lộng lẫy. Một bà phu nhân nhìn Phan cười rằng:

- Đây là Thủy Tinh cung và tôi là Linh Phi trong Qui động. Ngày nọ đi chơi ở bến sông bị bắt, may nhờ người cứu thoát. Nay nhớ ơn ấy, cứu người thoát khỏi nạn thủy triều.

Rồi Linh Phi cho đặt tiệc ở gác Triều Dương để thiết đãi. Trong buổi tiệc, Phan để ý đến người con gái giống hệt Vũ Nương. Thấy Phan nhìn, người con gái cười nói:

- Tôi với ông là người đồng hương, ông đã quên sao?

Chừng đó Phan mới nhận ra. Tiệc tan, Phan nói với Vũ Nương:

- Trương Sinh đã ăn năn hối hận; Đản vẫn nhắc mãi mẫu từ. Nàng nỡ nào không nhớ đến nghĩa cũ tình xưa mà trở về?

Nàng chau mày nghĩ ngợi, đoạn đưa Phan một chiếc hoa vàng, dặn rằng:

- Nhờ trao hộ cho Trương lang, bảo với chàng rằng: Nếu còn nhớ đến tình xưa, chàng nên lập một đàn giải oan ở bến sông, lấy ngọn thần đăng chiếu xuống nước, tôi sẽ trở về.

Hôm sau, Linh Phi tiễn đưa Phan Lang về. Phan thuật chuyện lại cho Trương Sinh nghe. Sinh thấy hoa vàng, tin là thật, liền lập đàn tràng làm lễ, đốt thần đăng đón nàng.

Ngọn thần đăng vừa chiếu xuống sông, quả nhiên Vũ Nương hiện lên trên một chiếc kiệu hoa, cờ tán rực rỡ. Sinh và Đản mừng rỡ kêu to.

Vũ Nương vẫn ở giữa dòng nói vào:

- Về thăm chốc lát, không thể ở lâu. Duyên cũ đã tan, tiên trần có khác.

Rồi nàng lần lần biến mất.

Người trong làng thấy nàng linh hiển, cùng nhau góp tiền xây dựng một ngôi miếu thờ nàng trên bến Hoàng giang.

 

Một hôm, vua Lê Thánh Tôn du hành đến huyện Nam Xương, trông thấy miếu Vũ Nương ở đầu ghềnh khói hương nghi ngút. Nhà vua tức cảnh làm bài thơ hoài cảm:

Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,

Miếu ai như miếu vợ chàng Trương?

Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ,

Làn nước chi cho lụy đến nàng.

Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt,

Giải oan chi mượn đến đàn tràng.

Qua đây mới biết nguồn cơn ấy.

Khá trách chàng Trương khéo phụ phàng.

 

Thẩm Thệ Hà

HẾT