Ngọc Tuyền Thảm Sử Truyện Full

- IV -

Một hôm, Tiên vào rừng hái củi, Du thơ thẩn ra dòng suối.

Ngồi bên bờ suối, chàng ngắm nhìn những tia sáng long lanh phản chiếu trên làn nước bạc. Vầng hào quang ám ảnh mãi tâm trí chàng. Chàng nghĩ chắc thanh kiếm kia đẹp lắm, có lẽ Huyền Tôn đã luyện xong thần khí nên lưỡi kiếm mới lóe ánh hào quang lạnh lẽo, rợn người.

Chàng ao ước được cầm thanh kiếm trong tay, múa thử vài đường tuyệt kỹ. Đó là điều ao ước tự nhiên của con nhà võ trước một kỳ trân quý báu. Điều ao ước lúc đầu chỉ hiện ra một cách mơ hồ trong tâm não, nhưng lần lần nó hiện rõ ra, lớn lên rồi xâm chiếm cả trí óc chàng. Chàng muốn quên đi cũng không thể nào quên được. Chàng nhủ thầm: “Hay là mình lấy thanh bửu kiếm lên ngắm nhìn một chút cho thỏa lòng mơ ước rồi trả về chỗ cũ”. Ý nghĩ ấy thôi thúc chàng hành động. Chàng ngần ngại, do dự mấy lần toan thực hiện, mấy lần ngồi bất động, ngẩn ngơ...

Sau cùng, tính tọc mạch và lòng ham muốn chiến thắng tính thuần lương và lòng tự trọng. Chàng vội cởi bỏ áo ngoài, nhảy ùm xuống suối.

Chẳng bao lâu, chàng trồi lên, mang theo thanh bửu kiếm. Chàng mặc áo vào rồi tuốt kiếm ra khỏi vỏ. Lưỡi kiếm sáng xanh, long lanh dưới ánh mặt trời. Chàng sung sướng múa tít vài đường, quanh mình chàng như bao bọc những vầng hào quang rực rỡ.

Chàng dừng múa, ngắm say mê thanh kiếm. Thanh Ngọc Tuyền đẹp thật, đẹp một cách quý phái, đẹp hơn tất cả những thanh kiếm mà chàng được trông thấy từ xưa đến nay. Vậy mà chàng phải đem trả về chỗ cũ để nó nằm yên dưới đáy suối? Một lần nữa, chàng lại ngần ngại, do dự... Chàng chợt nhớ đến câu thơ: “Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma”. Một thanh kiếm quý thế này, lẽ nào để: “Ngọc Tuyền muôn thuở bóng trăng soi”? Chàng lại nghĩ thầm: “Hay là mình đem giấu kín, thỉnh thoảng đem ra múa kiếm dưới trăng, cho đỡ khao khát?” Ý nghĩa nầy chàng tự thấy là chính đáng và chàng quyết thực hành. Chàng mang kiếm về và giấu vào một nơi kín đáo.

Mấy hôm sau, Du cùng Tiên ngồi chơi bên bờ suối. Tiên hỏi:

- Anh dừng bước nơi đây đã được bao lâu rồi?

Du thân mật đáp:

- Anh đến vào độ Trung Thu mà nay thì mùa xuân mới đến.

- Phải rồi, cây rừng đã thay lá, gió bấc cũng đã buốt lạnh từ lâu. Lúc nầy kinh thành thiên hạ đang rộn rịp đón xuân.

Tiên chợt nhìn xuống suối, nàng ngạc nhiên nói:

- Lạ chưa! Làn nước sao hôm nay không tỏa ánh hào quang?

Du cũng giả bộ ngạc nhiên:

- Lạ thật!

Tiên dàu dàu nhìn đăm đăm dòng suối. Du nói đùa:

- Hay là Chúa Xuân đã cướp mất tinh anh thanh thần kiếm?

Tiên thở dài, không đáp. Thật tình, thanh kiếm đối với nàng chỉ là vật vô dụng. Nàng không quan tâm đến nó. Nhưng hiện tượng khác lạ hôm nay làm cho nàng thắc mắc. Nàng nghĩ thầm: “Có lẽ thanh kiếm đã bị người nào lấy mất. Mà người ấy là ai? Ai mà biết được sự bí mật của thanh kiếm?” Mấy câu hỏi ấy cứ vẩn vương trong đầu óc nàng khiến nàng ngồi thừ ra, không buồn nói năng đùa cợt như mọi ngày. Lần đầu tiên, một ý nghĩ lóe lên trong đầu nàng: “Hay người ấy là chàng?” Ý nghĩ đó vừa đến, nàng vội muốn xóa tan ngay. Nàng không muốn có một ý nghĩ gì vẩn đục vì chàng. Nàng không muốn làm tiêu tan hạnh phúc mỏng manh hiện tại.

Nàng cúi đầu, đáp khẽ:

- Em lo sợ quá, anh à.

Du ái ngại:

- Vì sao em lo sợ?

- Em không hiểu vì sao, nhưng em có linh tính có một điều gì không may sắp xảy ra đến cho em.

- Em đừng lo sợ gì cả, có anh đây mà.

Lời trấn an của Du không làm cho Tiên an tâm chút nào. Nàng thẫn thờ nhìn xuống suối, đôi rèm mi chớp nhanh như hai cánh bướm.

Một đêm xuân, lòng tráng sĩ bỗng chạnh niềm cố quốc. Tiếng quyên kêu rộn rã làm náo động giấc tha hương.

Nguyễn Hữu Du thao thức mãi, không tài nào ngủ được. Chàng nhớ kinh kỳ. Nhớ lời cha dặn. Nhớ những ngày xông pha chiến trận. Nhớ những ngày dọc ngang đây đó, tưởng không có gì có thể ngăn được bước chân ngang tàng... Vậy mà mấy tháng nay chàng đã bị ngăn bước nơi đây, chí tang bồng bị trói trong túp lều tranh chật hẹp. Chàng bị ngăn bước chỉ vì một bóng sắc giai nhân.

Bất giác chàng ngâm kẽ hai câu thơ:

Bán kiên cung kiếm lăng tằng thậm,

Nhất phiến nhu hoài chỉ vị khanh.

(Nửa đời sương gió ngang tàng,

Quả tim mềm chỉ vì nàng đấy thôi).

Giờ đây, tiếng quyên kêu nhắc chàng nhớ đến bổn phận. Sứ mạng chàng chưa hoàn thành. Chàng thấy cần phải về, phải đặt ái tình sau nghĩa vụ.

Chàng nhìn Tiên. Nàng vẫn ngủ ngon lành như đứa trẻ. Vẻ mặt lúc nào cũng buồn một cách thê lương. Chàng cúi xuống hôn khẽ vào trán Tiên.

- Em hãy tha thứ cho anh. Anh phải lên đường vì nghĩa vụ.

Tiên có nghe gì đâu, nàng vẫn thiêm thiếp trong giấc ngủ. Nàng như nàng tiên ngủ trong rừng trong truyện thần thoại. Nàng tiên có hay đâu có ác quỷ bên mình.

Hữu Du cương quyết đứng lên. Một lần nầy đi có lẽ là một lần vĩnh biệt. Chàng nhìn Tiên lần chót rồi ra sau vườn lấy thanh thần kiếm.

Chàng lên ngựa. Chàng nhìn túp lều tranh, dòng suối ngọc, khu rừng phong lộng gió, như giã từ những hình ảnh thân yêu.

Chàng ra roi, cho ngựa ruổi về kinh khuyết...

Sáng hôm sau, Tiên thức dậy thấy mất chàng trai. Nàng cất tiếng gọi chàng, không một lời đáp lại. Nàng chạy khắp nơi tìm chàng, bóng chàng đã vắng bặt. Nàng thổn thức, nghẹn ngào.

Thế là sự lo sợ của Tiên đã thành sự thật. Chàng đã bỏ rơi nàng. Chàng đã lừa dối nàng. Chàng đã phản bội. Không còn sự đau khổ nào nặng nề, cay nghiệt hơn. Nàng thấy đời nàng như sa vào một hố sâu thăm thẳm, sâu tận cùng, và tâm hồn nàng đang chơi vơi tan vào cõi tối tăm mờ mịt.

Tiên lần bước ra suối. Nơi đây đã khắc ghi bao kỷ niệm êm đềm. Nhìn dòng suối bạc thiếu ánh hào quang, bây giờ Tiên mới biết chắc chắn ai là kẻ chiếm mất thanh thần kiếm. Bỗng nhiên Tiên thấy không còn mù quáng nữa và trở nên sáng suốt lạ thường. Nàng biết chính chàng đã lấy thanh kiếm, và biết đâu cũng chính chàng là thủ phạm giết chết phụ thân nàng. Vậy mà bấy lâu nàng lầm tin vì chàng đã khéo léo đổi danh đổi hiệu, khéo léo lợi dụng sự đau khổ bơ vơ của nàng để xâm chiếm trọn vẹn một quả tim non. Chàng là ác quỷ mà nàng lầm tưởng là cứu tinh.

Tiên vừa sầu đau vừa uất hận. Nàng nhớ đến lời nguyền của chàng ngày nào: “Có suối Ngọc Tuyền và bửu kiếm kia làm chứng”. Phải, dòng suối và thần kiếm sẽ làm chứng. Kẻ phản bội gian ác sẽ không thể nào thoát khỏi lời nguyền.

Còn nàng, sự bất hiếu vô tình của nàng cũng có dòng suối kia làm chứng. Nàng đã xem kẻ giết cha là người ân, đã coi kẻ thù là người yêu. Tội của nàng cũng không thể nào tha thứ được.

Tiên giàn giụa nước mắt. Nàng đau khổ đến tột cùng. Thế là hết. Nàng phải tìm một nơi để giải thoát niềm khổ hận.

Và Tiên đành mượn dòng suối ngọc để gởi tấm thân ngà và sự đau khổ thiên thu...