Cẩm nang thư (hay Enchiridion) của Epictetus là một loạt những trích đoạn từ Discourses, tạo thành một bản tóm lược súc tích về những lời dạy cốt tủy của ông. Nó được dựa một cách sơ sài theo mẫu của những cẩm nang binh thư thời đó, và chia sẻ sự giản dị của những tác phẩm cổ điển như Nghệ thuật chiến tranh. Những binh sĩ thậm chí còn mang theo Cẩm nang thư vào trong chiến trường[10]. Qua suốt những thế kỷ và những nền văn hóa, những nhà lãnh đạo, những vị tướng của thế giới và những người dân thường, đẽu dựa vào Cẩm nang thư như là kẻ hướng đạo chính yếu để đạt tới sự bình an cá nhân và hướng đi tinh thần giữa những thử thách của cuộc đời.
Sharon Lebell
Hạnh phúc và tự do bắt đầu với sự hiểu biết rõ ràng về một nguyên tắc: Một số điều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, và một số khác thì không[11]. Chỉ sau khi bạn đã đối mặt và chấp nhận cái nguyên tắc nền tảng này, và học cách phân biệt giữa những gì bạn có thể và không thể kiểm soát, thì bạn mới có thể đạt tới bình an nội tâm và cách hành xử hữu hiệu.
Ở trong tầm kiểm soát của chúng ta là những quan niệm, những khát vọng, những tình cảm yêu ghét của riêng chúng ta... Đây chính là những khu vực mà chúng ta cần quan tâm, bởi vì chúng trực tiếp tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta luôn luôn có thể chọn lựa nội dung và tính chất cuộc sống nội tâm của mình.
Nằm bên ngoài tầm kiểm soát của chúng ta là những thứ như thân thể, tài sản, uy tín, địa vị xã hội của chúng ta...
Chúng ta phải nhớ rằng những cái này là những cái ngoại tại, do vậy không phải là cái mà ta cần quan tâm[12]. Cố kiểm soát hay cố làm thay đổi cái mà chúng ta không thế thì chỉ mang lại phiền não.
Hãy nhớ: Những điều nằm bên trong tầm kiểm soát của chúng ta thì trong bản chất tùy thuộc chúng ta, không bị ngăn trở, không bị câu thúc; trái lại, những cái nằm ngoài tầm kiểm soát của ta thì bấp bênh, lệ thuộc hoặc bị quy định bởi những ý thích bốc đồng và hành động của người khác. Cũng nên nhớ, nếu bạn nghĩ rằng mình có thể hoàn toàn kiểm soát những cái mà bản chất tự nhiên của chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, hay nếu bạn cố lấy những công việc của người khác làm công việc của chính mình, thì bạn sẽ thất bại, trở thành một kẻ phẫn chí, lo lắng và ưa trách móc.
Chú thích:
(10) Theo Phạm Cao Tùng, trong bài giới thiệu Cẩm nang thư (xuất bản tại Sài Gòn trước 1975), thì cả những phụ nữ quyền quý cũng luôn đưa Cẩm nang thư vào tận khuê phòng. Điếu đó cho thấy Cẩm nang thư thiết thân với cuộc sống như thế nào.
(11) Đây là câu nói rất quan trọng, là “chìa khóa” để hiểu toàn bộ cuốn sách này. Là câu nói cần suy ngẫm thật kỹ, hiểu thật rõ ràng thì mới có thể thực hành đúng.
(12) Không cần quan tâm tới “cái ngoại tại"? Có lẽ Epictetus muốn dành ưu tiên cho “cái nội tại", nhưng nếu hoàn toàn “phớt lờ” cái ngoại tại thì cũng khó mà có được sự hài hòa? Trong tập sách này, tác giả thường xuyên nói đến “cái ngoại tại" và "cái nội tại". Đây là hai khái niệm cơ bản cần nắm vững vì nó sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần qua suốt tập sách. Trước mắt ta cần nhớ: “cái ngoại tại" hay “hoàn cảnh ngoại tại" là những gì xảy ra “bên ngoài" ta, và trên nguyên tắc chung, ta không hoàn toàn kiểm soát được nó. Ngược lại, “cái nội tại” là cái ở “bên trong” ta, chẳng hạn như quan niệm của ta, là cái mà ta có thể kiểm soát được - nó tùy thuộc vào ta... Theo Epictetus, ta khó lòng thay đổi “cái ngoại tại" vì nó không tùy thuộc vào ta, nhưng ta có thể thay đổi “cái nội tại" cùa mình. Qua suốt suốt tập sách này, tác giả nhắm đến việc giúp người dọc học cách thay đổi “cái nội tại” để đổi phó với những thăng trầm của “cái ngoại tại”.