Nghệ Thuật Sống

- 47. 48. 49. 50 -

Sự tự-thị[75] không phải là cách thức của triết gia đích thực. Không ai thích ở gần một kẻ khoác lác. Đừng làm người khác khó chịu với những câu chuyện đầy kịch tính về những thành tích của chính mình. Không ai thèm quan tâm nhiều về những câu chuyện chiến tranh và những cuộc mạo hiểm đầy kịch tính của bạn, mặc dù trong một lát, họ tỏ ra lịch sự lắng nghe bạn nói. Nói một cách thường xuyên và quá đáng về những thành tựu của mình là hợm hĩnh và gây nhàm chán.

Bạn không cần phải là một tên hề. Bạn cũng không cần dùng tới những phương pháp thiếu tế nhị để thuyết phục những kẻ khác, rằng bạn thông minh tài giỏi, trải đời và hòa nhã.

Nên tuyệt đối tránh lời nói gây hấn, khoa trương, màu mè nhưng không thành thực[76]. Nó chỉ hạ thấp bạn trong mắt những người quen của mình.

Nhiều người tùy tiện “gia vị” lời nói của họ với những điều tục tĩu để mang lại sức mạnh hay cường độ cho nó, hay để làm bối rối người khác. Hãy từ chối, đừng hùa theo lời nói đó. Khi những người xung quanh bạn bắt đầu trượt vào lời nói vô nghĩa, khiếm nhã thì hãy rời bỏ nơi đó nếu bạn có thể; hay ít nhất, hãy giữ im lặng, và hãy tỏ thái độ cho thấy bạn bị xúc phạm bởi lời nói thô lỗ đó bằng nét mặt nghiêm nghị của mình.

 

48

HÃY ƯA THÍCH SỰ MÃN NGUYỆN

LÂU DÀI HƠN SỰ THỎA MÀN TỨC THÌ

Hãy đặt lý tính của bạn lên vị trí tối cao.

Hãy khắc sâu vào tâm trí thói quen đắn đo, cân nhắc.

Hãy thực tập nghệ thuật trắc nghiệm để xem những sự thể đặc thù nào đó là tốt hay không. Hãy học cách trì hoãn việc đánh giá[77], thay vì luôn luôn tức thời phản ứng lại từ bản năng thô lậu. Sự tự phát, tự thân nó, không phải là một đức hạnh. Nếu bạn được hứa hẹn một lạc thú nào đó và nó kêu gọi, dụ dỗ bạn, thì hãy bước lùi lại và tự cho mình một khoảng thời gian trước khi nhảy vào nó một cách thiếu suy nghĩ. Hãy trầm tĩnh, khách quan cân nhắc vấn đề trong trí bạn: Lạc thú này sẽ mang đến cho mình hoan lạc chốc lát, hay sự thỏa mãn lâu dài, chân thực? Nó sẽ tạo ra sự khác biệt trong chất lượng của đời bạn, và loại người mà mình trở thành, khi biết phân biệt giữa những phấn khích chóng qua và những phần thưởng lâu dài, bền vững.

Tuy nhiên, không nên trì hoãn quá lâu vì sẽ tạo thói quen “ba phải": không dám phán đoán gì cả, dẫn đến việc nhùng nhằng không biết cái gì đúng, cái gì sai.

Nếu khi trầm tĩnh xem xét lạc thú này, và nhận thức rằng nếu buông mình vào nó sẽ gây hối tiếc, thì bạn sẽ vui vẻ tránh xa nó. Cứ mỗi lần bạn thắng được bản thân, hãy củng cố sự chiến thắng đó, và sức mạnh tinh thần trong bạn sẽ được tăng cường thêm lên.

 

49

HÃY GIỮ MỘT LẬP TRƯỜNG

Một khi bạn đã cân nhắc và xác định rằng một hành động là đúng, thì đừng nghi ngờ phán đoán của mình. Hãy giữ vững quyết định của mình. Rất có thể sẽ có những người hiểu lầm những ý định của bạn và kết án bạn. Nhưng nếu theo sự phán đoán tốt, rằng mình đang hành động đúng, thì bạn không có gì phải sợ. Hãy giữ một lập trường[78]. Đừng dao động một cách hèn nhát.

 

50

LỊCH SỰ VÀ LOGIC, MỖI CÁI CÓ

CHỖ ĐỨNG RIÊNG

Sự đúng đắn và logic là hai điều khác nhau, và mỗi cái đều có sự áp dụng thích đáng của nó.

Mệnh đề: “Hoặc là ngày, hoặc là đêm” hoạt động tốt trong một luận cứ, một mệnh để tuyển trạch, nhưng không tốt như thế trong một cuộc trò chuyện thân mật. Cùng thế ấy, tại một bữa tiệc, nếu bạn đói thì việc lấy nhiều thức ăn là hợp logic, nhưng làm như vậy sẽ là khiếm nhã.

Khi bạn ăn tiệc với người khác, hãy cẩn thận: Bạn không chỉ thỏa mãn nhu cầu của cơ thể mình, mà còn phải biết giữ lịch sự và phẩm cách của mình.

Chú thích:

(75) Selt-importance: Tự cho mình là quan trọng.

(76) Lời nói màu mè không thành thực” thường được gọi là xảo ngôn. Dùng xảo ngôn để đắc nhân tâm, để lấy lòng người khác với ý đồ đen tối thì trong thực chất chỉ là hành vi thất nhân tâm. Bởi vì, khi người khác phát hiện ra cái xảo ngôn đó thì họ sẽ không còn tin tưởng nữa. Do vậy, một trong những nguyên tắc căn bản của đắc nhân tâm phải là lòng trung thực và sự chân thành tận đáy lòng chứ không phải là những cái màu mè hời hợt ở bề mặt. Nguyễn Hiến Lê là dịch giả của sách Đắc Nhân Tâm (Dale Carnegie) và Sống Đẹp (Lâm Ngữ Đường) Cả hai cuốn đều mang lại lợi ích cho nhiều người. Tuy nhiên, ông cho rằng cuốn trước dạy cho người ta về “kỹ thuật sống, còn cuốn sau mới thật dạy về “nghệ thuật sống”.

(77) Phải thừa nhận rằng “trì hoãn việc phán đoán" là một biện pháp rất hay, nó tránh cho ta sự xốc nổi, bộp chộp. Sự trì hoãn đó sẽ giúp ta có đủ thời gian và điều kiện cần thiết để đi tới những phán đoán đúng.

(78) Epictetus khuyên ta không nên cử chạy theo người khác mà hãy giữ lập trường của mình, về nguyên tắc, điều đó rất đúng. Bởi vì nếu không có một lập trường thì ta dễ bị dao dộng bởi dư luận của người khác. Tuy nhiên, cái lập trường của ta phải được cân nhắc cẩn thận, để xác tín rằng nó đúng. Nếu lập trường đó là sai mà ta vẫn cứ khăng khăng bám lấy nó thì ta trở thành kẻ ngoan cố! Do vậy, nếu không có một lập trường thì ta sẽ luôn dạo dộng như một thân cây trong cơn bão. Nhưng ta sẽ trở thành kẻ ngoan cố nếu lập trường cùa ta sai mà ta không dám từ bỏ nó. Chẳng hạn, Hitler cũng giữ lập trường, nhưng cái lập trường của ông đã làm đổ bao nhiêu là máu!