Nghệ Thuật Sống

- 11. 12. 13. 14 -

Đừng yêu cầu hay mong đợi rằng những biến cố sẽ xảy ra như bạn mong muốn. Hãy chấp nhận những biến cố như chúng thực sự xảy ra[34]. Theo cách đó, bình an nội tâm sẽ đến.

12

Ý CHÍ LUÔN Ở BÊN TRONG

TẦM KIỂM SOÁT CỦA BẠN

Không có gì thực sự ngăn chặn bạn. Không có gì thực sự ngăn trở bạn. Bởi vì ý chí riêng[35] của bạn luôn luôn nằm trong quyển kiểm soát của bạn.

Bệnh tật có thể thách thức thân xác bạn, nhưng phải chăng bạn chỉ là thân xác? Tật què chân có thể ngăn trở đôi chân bạn, nhưng bạn không chỉ là đôi chân. Ý chí của bạn to lớn hơn đôi chân mình.

Bạn không cần phải để cho ý chí của mình bị tác động bởi một sự việc, trừ phi bạn để cho nó làm như thế. Với mọi sự xảy ra với bạn, hãy nhớ điều này.

 

13

HÃY TẬN DỤNG NHỮNG GÌ

XẢY RA VỚI BẠN

Mọi khó khăn trong đời đều cho chúng ta một cơ hội quay vào trong và gợi dậy những tài nguyên nội tại tiềm ẩn. Chúng ta có thể và nên biến những thách thức mà chúng ta chịu đựng thành sức mạnh của chính mình.

Những người khôn ngoan cẩn trọng, họ nhìn vượt lên chính cái sự việc và tìm cách tạo thói quen tận dụng nó.

Khi gặp một biến cố ngẫu nhiên, đừng chỉ phản ứng một cách may rủi: Hãy nhớ quay vào bên trong và hỏi, bạn có tài nguyên nào để xử lý nó hay không[36]? Hãy đào sâu. Bạn có những sức mạnh mà có thể bạn không nhận thức rằng mình có[37]. Hãy tìm đúng tài nguyên đó. Hãy sử dụng nó.

Nếu bạn gặp một người quyến rũ thì tài nguyên cần đến là sự tự chủ. Nếu gặp sự đau đớn hay sự yếu đuối thì đó là sức chịu đựng. Nếu gặp sự lăng nhục thì đó là sự kiên nhẫn.

Theo dòng thời gian, bạn xây dựng thói quen áp dụng nguồn tài nguyên nội tại thích hợp vào mỗi biến cố, và bạn sẽ không bị lôi cuốn bởi những ấn tượng của cuộc đời. Dần dần, bạn sẽ không còn cảm thấy mình bị áp đảo (bởi ngoại giới) nữa.

 

14

HÃY CHĂM SÓC NHỮNG GÌ

MÀ BẠN CÓ ĐƯỢC

Không gì có thể thực sự bị lấy đi từ bạn. Không có gì để mất. Bình an nội tâm bắt đầu khi, về những sự thể, chúng ta ngừng nối: “Tôi đã mất nó”. Thay vào đó, hãy nói: “Nó đã được trả về lại[38] nơi nó đến”. Con bạn chết? Chúng được trả lại. Vợ bạn chết? Nàng được trả lại. Những vật sở hữu và tài sản của bạn bị mất đi? Chúng đã được trả lại.

Có lẽ bạn bực mình vị một kẻ xấu ăn cắp những vật dụng của mình. Nhưng tại sao bạn lại quan tâm về chuyện ai đã trả lại cho đời, cái mà đời đã ban cho mình?

Điều quan trọng là hãy chăm sóc cẩn thận những gì mà bạn có trong khi đời để cho bạn có – như một khách lữ hành chăm sóc một căn phòng tại một quán trọ[39].

Chú thích:

 (34) Thiên nhiên vận hành theo những quy luật riêng của nó; do vậy, rất có thể nó sẽ không xảy ra đúng như điều ta muốn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ta buông xuôi, không phấn đấu cho những điều mình muốn đạt được. Chỉ có điều, sau khi đã nỗ lực hết mình mà sự việc vẫn xảy ra không như ta mong muốn, thì ta nên chấp nhận tình huống và chuẩn bị cho một nỗ lực mới, chứ không nên ngồi đó để than vãn...

[35] Trên nguyên tắc và nhìn chung thì ý chí của ta có thể nằm trong tầm kiểm soát của ta. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ: a. Khi ý chí ta yếu đuối thì nó dễ bị ngoại cảnh chi phối; b. Có những động lực “vô thức” nó nằm ngoài tầm kiểm soát của ý chí.

(36) Khi gặp một “thách thức” của cuộc đời, người ta thường hướng ra ngoài để tìm sự trợ giúp - ở người thân, bạn hữu... Nhưng quả thật đó chỉ là sự hỗ trợ tạm thời và thứ yếu. Epictetus khuyên ta nên tìm sự trợ giúp ở sức mạnh vốn có bên trong ta, đây mới đúng là sức mạnh lâu dài, luôn sẵn có trong ta dưới dạng tiềm năng. Tuy nhiên, phải có một bản lãnh nhất định thì mới có thể tìm tháy dược sự hỗ trợ từ sức mạnh nội tại của mình.

(37) Tâm lý học hiện đại đã chứng minh rõ ràng điều này. Sức mạnh này cũng giống như những quặng mỏ nằm sâu dưới lòng đất, chúng có ở đó nhưng dưới dạng tiềm năng, vấn đề là phải biết cách khai thác những quặng mỏ đó và đưa chúng vào sử dụng.

[38] Khi nói rằng ta đã “mất” một sự thể nào đó là ta mặc nhiên thừa nhận rằng nó là vật sở hữu của ta. Nhưng Epictetus nói rằng ta không “mất” cái gì cả, mà ta chỉ “trả” nó lại, có nghĩa là ta đã “mượn” nó từ một nguồn nào đó. Quả thực, nếu ta “trả lại” cho ai đó một cái mà ta đã “mượn” thì đâu có phải buồn lòng! Nhưng với những kẻ “phàm phu tục tử” như chúng ta thì không dễ gì có được một cái nhìn như thế!

(39)) Những cái ta đang có trong tay là rất phù du. Tuy vậy, không phải vì thế mà ta không chăm sóc chúng. Chăm sóc chúng nhưng không luyến chấp vào chúng. Hình ảnh một người lữ hành chăm sóc căn phòng tại một quán trọ thật tiêu biểu cho mỗi con người trên trần gian: Chúng ta đều chỉ là những khách lữ hành, và trần gian chỉ là quán trọ - ý tưởng này hóa ra đã có từ đã mấy ngàn năm, mà vẫn còn như mới được nói hôm qua! (Tôi nay ở trọ trần gian – Trịnh Công Sơn).