rong công điện số Deptel 243, Tổng thống Kennedy đã đồng ý với quyết định hạ bệ Ngô Đình Nhu và nếu như cần thiết thì có thể hạ bệ cả Ngô Đình Diệm. Thế nhưng lúc ấy chính ông ta cũng rất lòng vòng khi đưa ra quyết định cuối cùng. Ông ta thật sự không muốn sử dụng quyền lực Tổng thống của mình để gây ra một sự kiện vịnh Con Lợn thứ hai. Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn lại liên tục đòi hỏi Chính phủ phải có thái độ rõ ràng, dứt khoát bằng cách gửi về vô số các báo cáo liên quan đến tất cả các tướng lĩnh và cả các sỹ quan cấp tá đang chỉ huy từng lữ đoàn, trung đoàn chủ lực cũng như nơi đóng quân của họ để Washington lựa chọn. Trong mỗi buổi sáng của tuần tiếp theo, Đại sứ Sedgewick đều cáu nhặng lên trước mặt D. Marnin về cái gọi là “công tác nắm đối tượng quá kém cỏi” của các cơ quan tình báo, nơi có toàn “những đứa mà lúc nào cũng tỏ ra là mình khôn ngoan hơn cả người trong cuộc”.
Cuối cùng chính là những nhân vật cấp tiến đồng minh của ông Sedgewick trong Bộ Ngoại giao gồm ngài Harriman và ngài Hilsman đã thuyết phục được Washington đi đến quyết định nhường quyền xử lý mọi vấn đề liên quan đến ông Diệm cho Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. (Giống như một kẻ mới vào nghề trước và sau anh, D. Marnin luôn phải học đi học lại trong suốt sự nghiệp ngoại giao của mình là tất cả các quyết định được đưa ra ở cấp cao nhất từ Washington đều phải chịu áp lực rất lớn của hàng trăm giờ thảo luận kéo dài từ tuần này sang tuần khác theo một nguyên lý đơn giản là càng ngày càng làm cho mọi thứ rối tinh lên với những kẻ ngoài cuộc không thạo việc.
Điện số CAS 0303
Từ mạng lưới CIA ở Sài Gòn, gửi tới: Cục Tình báo trung ương
Tuyệt mật Từ Đại sứ Sedgewick Điện khẩn
NODIS Ngày 29 tháng 8 năm 1963
Yêu cầu: Chỉ đọc không sao chép
Người gửi: Đại sứ Sedgewick
Người nhận: Tổng thống Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ.
Bây giờ đã là lúc phải đưa ra quyết định cuối cùng. Tình hình ở đây đã lún sâu đến mức không thể thay đổi được nữa. Cả Sài Gòn đã trở thành một trại lính. Những dấu hiệu mới đây từ mạng lưới CIA cho thấy gia đình họ Ngô đã tích cực chuẩn bị tất cả cho cuộc chiến cuối cùng. Các chuyên gia hàng đầu về Việt Nam mà tôi hoàn toàn tin tưởng trong văn phòng này dự đoán rằng các Tướng lĩnh đều đã quyết định tiến về phía trước. Tham mưu trưởng Quân đội đồng thời là người của mạng lưới CIA, tướng Khiêm đã bảo đảm chắc chắn với chúng tôi rằng phần lớn các Tướng lĩnh và sỹ quan cao cấp, ngoài Tư lệnh Quân đoàn III và Quân đoàn IV là Tướng Đính và Tướng Cao, đều đã thống nhất được với nhau. Họ đều biết rằng họ đã đến sát cầu gôn của đối phương và thời gian không còn đủ để cho họ chần chừ. Thêm vào đó, họ cũng hiểu rằng họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cúi đầu xuống và lao thẳng vào trong lưới. Chúng tôi tin tưởng rằng các tướng lĩnh sẽ hành động và họ có cơ hội rất lớn để giành thắng lợi.
Cuộc thảm sát có thể tránh được nếu gia đình họ Ngô chấp nhận rút lui khỏi chính trường trước khi các hành động quân sự được tiến hành. Cho tới nay khả năng này vẫn có thể xảy ra. Nếu như Tướng Đính, viên Tư lệnh đỏng đảnh của Quân đoàn III và là tổng trấn Sài Gòn cùng tham gia vào với các viên tướng khác thì điều này có thể được hiểu là gia đình họ Ngô chỉ còn mỗi nước đầu hàng mới có thể tránh được một Gotterdammerung. “Sự diệt vong của các vị thần”. Cho tới lúc này, Tướng Đính vẫn rất mực trung thành với gia đình họ Ngô. Tuy nhiên đã bắt đầu có dấu hiệu cho thấy anh chàng này đang dao động.
Các tướng khác đang cố gắng lợi dụng bản tính phù phiếm của tướng Đính. Cả Tướng Đôn và tướng Khiêm đều rất thân với anh chàng này. Trong khi đó, các tướng lĩnh đều nhận ra rằng con súc sắc đã được tung ra. Rõ ràng là họ sẽ phải cố gắng làm việc này mà không cần đến sự trợ giúp nào khác từ phía Chính phủ Mỹ. Nếu không họ sẽ rất dễ bị mang tiếng xấu là trở thành những con rối trong tay người Mỹ - một điều mà không ai trong số họ muốn như thế. Không chỉ có vậy, tất cả chúng tôi đều hiểu rằng nỗ lực này sẽ sớm đem lại thành công và rằng tất cả những gì mà họ cần đều đã được đáp ứng. Nếu như mọi cố gắng của các Tướng lĩnh ở đây bị bỏ dở hay bị phát giác thì chính nền Cộng hòa ở Nam Việt Nam sẽ gặp rủi ro rất lớn và không loại trừ khả năng sẽ bị rơi vào tay Cộng sản.
Ký tên
Đại sứ Sedgewick
Mandelbrot và D. Marnin gặp nhau trong phòng thay đồ ở sân thể thao Cercle Sportif rồi cùng nhau uống nước ở quầy giải khát. D. Marnin đã đưa cho người phóng viên một chiếc phong bì rất to màu vàng, không ghi địa chỉ - đó là chiếc đầu tiên trong mấy chục chiếc khác mà anh còn có trách nhiệm đưa cho ông bạn mình trong sáu tháng sau đó.
- Ông Đại sứ nói rằng ông ấy giao phó thứ này theo ý muốn của cậu và rằng cậu phải bảo đảm rằng cậu sẽ giữ kín nó giống như báu vật của gia đình cậu.
- Thế cậu không có tí lo ngại gì về những gì mà cậu đưa cho tớ hay sao? Hả ông mục sư chưa bao giờ vi phạm những điều cấm kỵ trong buồng xưng tội - Mandelbrot trả lời bằng một giọng hóm hỉnh.
Bốn giờ chiều hôm Thứ bảy nóng nực đó, họ chơi với nhau được ba xéc đấu đơn, nhiều hơn ý định của D. Marnin một xéc bởi lẽ anh chàng Billy cứ năn nỉ “xin thua” thêm một xéc nữa. Trong hai xéc đầu tiên, D. Marnin dễ dàng giành chiến thắng trong thời gian chưa đến ba mươi phút. Thế rồi với đầm đìa mồ hôi trên người họ cũng phải nhanh chóng rời sân để tránh cơn mưa cuối chiều chuẩn bị đổ xuống hòng cuốn sạch bầu không khí oi ả. Cùng lúc đó, một chuyên gia trồng cây cao su tên là Dennis Rocard vẫn luôn ghé vào các hộp đêm mỗi khi có dịp qua Sài Gòn đang ngồi uống rượu ngay ngoài hành lang. Anh ta nhìn họ cười ngạo nghễ rồi dùng ngón trỏ của tay phải dứ dứ vào bên thái dương ý bảo rằng bọn họ là hai thằng điên rồi cầm chai rượu Campari bằng tay trái vẫy vẫy về phía họ mà nói:
- Chỉ có lũ chó hoang với bọn người Mỹ...[22]
Mandelbrot vẫn đang nổi đóa lên vì khả năng chơi bóng của mình quá kém cỏi và đành chấp nhận thái độ kẻ cả nhưng không biết gì khi chơi bóng với Marnin. Anh chàng phóng viên này không ngớt lời kể lể vể sự sáng suốt của Đại sứ Bascome Sedgewick. Cách nói bóng gió của anh ta dường như đều xuất phát từ những bộ phim hành động với những người anh hùng đi cứu thế giới từ hồi đầu thập kỷ. Khi đó, người ta vẫn được cho là kỳ quái nếu đem cách nghĩ và cách hành động của các diễn viên áp đặt lên các phạm trù chính trị. Chính vì vậy D. Marnin hoàn toàn bị sốc khi ông bạn mình mô tả tuần đầu tiên của ngài Sedgewick tại Sài Gòn giống như khuôn mẫu của nam diễn viên Alan Ladd trong phim Shane và rồi mười phút sau đó lại là diễn viên Gary Cooper trong phim ‘Trưa hè nóng bỏng”. Cuối cùng là chỉ khoảng nửa giờ sau đó, ngài Đại sứ trong mắt của Mandelbrot lại trở nên giống như diễn viên Errol Flynn “ngưòi đang chỉ huy cả một sư đoàn kỵ binh xông pha ngoài chiến địa”
- Errol Flynn như tôi nhớ ấy đã đóng vai tướng George Armstrong Custer.
D. Marnin bỗng giật mình quay trở lại với thực tại vì Mandelbrot đang chằm chằm nhìn vào anh một cách đầy nghi ngờ.
- Này đừng nói là cậu đã quá trung thành vào ông Corning rồi đấy nhé.
- Tôi chẳng bao giờ buộc mình vào với ai hết. Tôi chỉ đang cân nhắc xem nếu anh chàng Rocard kia mà đúng thì có nghĩa là cậu đã bị say nóng quá lâu rồi đấy.
- Coi này ông bạn của tôi, bất cứ ai hiểu được những gì đã xảy ra trong tuần vừa rồi thì đều há hốc mồm ra mà kinh ngạc ấy chứ.
- Há hốc mồm là thế nào?
- Nghe này anh bạn khờ khạo ơi, ngay cả khi cậu đang làm việc ở đấy, dường như cậu cũng chẳng biết là Chính phủ Mỹ phải vất vả đến mức độ nào thì mới có thể gạt bỏ cái cứt khô ấy để làm một cái gì chứ. Và tất cả những gì diễn ra trong vòng một tuần qua ở đây chỉ có thể gọi là một phép màu.
- Thế cậu đang ám chỉ đến điều gì chứ?
- Tám năm trước đây, Chính phủ Mỹ đã rất quyết tâm theo đuổi một chính sách ở Việt Nam - đó là cùng sống chết với Ngô Đình Diệm. Nhưng kết quả là chúng ta đã bị lún sâu đến mức gần như xa lầy tại đây. Và rồi ngài Sedgewick xuất hiện tại nơi tồi tệ nhất và chỉ trong một tuần - một tuần chó chết! - ông ấy đã ngay lập tức làm thay đổi 180 độ trong chính sách của Mỹ. Và màn trình diễn này cũng vừa được công bố. Trừ khi tôi nhầm nhưng chắc chắn là ông chủ của cậu đang điều khiển mọi thứ theo chương trình riêng của ông ấy. Tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu như nhìn thấy ông ấy chỉ cần một tay đã có thể giải quyết được vấn đề nhức nhối nhất đối với Chính phủ Mỹ. Và rồi khi mọi thứ đã được an bài, ông ấy sẽ sẵn sàng rời khỏi nơi này để đến cuối mùa xuân năm sau trở thành đại diện của Đảng Cộng hòa ra tranh cử chức Tổng thống Mỹ.
- Bây giờ thì tôi biết chắc chắn rằng cậu đã bị say nắng. Tổng thống Kennedy gần như đã cầm chắc cơ hội đắc cử lần thứ hai. Đây là Camelot chứ không phải là miền tây hoang dã đâu. Hay là cậu đã quên rồi?
- Cho dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa thì tại việc đề cử trong năm 64 tới sẽ khiến cho ông Sedgewick có mặt trong cuộc bầu cử vào năm 68 khi ấy bất cứ ứng cử viên nào của Đảng Cộng hòa cũng có thể giành được chiếc ghế Tổng thống Mỹ.
- Hơn thế nữa, ngay cả khi chúng ta có lật đổ được ông Diệm thì cũng chẳng có bằng chứng nào cho thấy là tình hình ở đây sẽ có lợi cho chúng ta cả.
- Thôi đi ông ạ, ai lừa ai chứ và tại sao lại như thế? Tôi biết là ông có trách nhiệm nắm tình hình ở đây và tôi hiểu là ông đang làm nó rất tốt. Vậy thì ông nghĩ là ông vừa đưa cho tôi cái chó chết gì ở trong cái phong bì này chứ? Tôi biết Đại tá Gascon đã gặp gỡ riêng với Tướng Khiêm, Tướng Khánh, Tướng Bích và cả ông Minh “lớn” nữa. Và chắc chắn là ông ấy không bật đèn đỏ hay đèn vàng nào hết. Chỉ có đèn xanh - đèn xanh của nợ ấy mới hay chứ.
D. Marnin bỗng thấy lạnh hết cả người. Toàn bộ bí mật quan trọng nhất của đoàn ngoại giao Mỹ ở Sài Gòn lại trở thành một cuốn sách để ngỏ cho một phóng viên của tờ New York times, một người đã có tới hơn chục lần tự chứng minh rằng anh ta không thể giữ được lấy cái gì gọi là bí mật. D. Marnin cảm thấy tức tối thực sự bởi vì anh đã quá khờ dại để trở thành kẻ tòng phạm bị buộc tội là đã tiết lộ bí mật quốc gia cho Mandelbrot, so với nó chẳng còn tội lỗi nào trầm trọng hơn mà một người như anh có thể vướng phải. Tính mạng của hàng trăm thậm trí có thể cả hàng ngàn con người đang bị lệ thuộc hoàn toàn vào điều bí mật đó. Thế nhưng anh vẫn kịp trấn tĩnh lại mà trả lời:
- Tôi chẳng hiểu cậu đang nói cái cóc khô gì hết.
- Nghe này! Cậu cứ coi như mình đang ở buổi lễ trao giải của Viện hàm lâm ấy nhé. Cậu biết tất cả những gì mà mình đang nói cho cậu đều là sự thật hết. Mình cũng không hiểu là cậu có biết hay không. Mình đã gọi cậu là một kẻ nói dối bởi lẽ cậu cố tình lờ nó đi. Vậy thì cậu đừng khiến cho mình phải gọi cậu như vậy một lần nữa. Mình không muốn dại dột phá vỡ mối quan hệ hai mặt cực kỳ có giá trị này.
- Billy ơi là Billy, để tôi nói cho cậu hay nhé. Tôi bảo đảm là tôi hoàn toàn không biết là cậu đang nói về cái gì hết.
Đó là tất cả những gì mà D. Marnin có thể thốt ra được về chủ đề đó. Mandelbrot cũng hiểu là anh không nên đi sâu vào vấn đề quá nhạy cảm ấy làm gì.
Chia tay với Mandelbrot ở câu lạc bộ, nơi mà tay phóng viên định gặp gỡ một trong những cô bạn gái của anh ta, D. Marnin đi thẳng đến khu dinh thự của Lily. Cô đã đi ăn trưa cùng với mấy vị phu nhân ở Câu lạc bộ chơi Gôn vì thế cô đón anh trong cái lối ăn mặc quá đỗi cầu kỳ với áo dài màu đỏ thêu hoa, khuôn mặt được trang điểm hết sức cẩn thận mặc dù với sắc đẹp thiên phú cô chẳng cần phải làm như vậy. Nhưng vốn là người quá quen thuộc với những gì thật sự là của cô, D. Marnin cảm thấy không thích thú cái màu mi mắt quá đậm đà kiểu thời thượng ấy của cô.
- Tại sao những người phụ nữ xinh xắn nhất Việt Nam lại phải trang điểm cho mình giống như một cô kỹ nữ ở Las Vegas thế nhỉ? - anh hỏi - Anh lại nghĩ rằng em đang ở bữa tiệc trà của các quý bà chứ không phải đang ở phòng hút thuốc của đàn ông.
- Ôi người tình tội nghiệp của em - cô trả lời - người phụ nữ chẳng bao giờ tự trang điểm mình cho đàn ông ngắm cả. Họ chỉ tự trang điểm mình để cho những người phụ nữ khác mà thôi. Điều này cũng có nghĩa là việc trang điểm chỉ cốt để theo mốt mà thôi. Em muốn được trang điểm giống hệt như cách mà vợ các tướng lĩnh khác vẫn làm. Bởi vì tất cả bọn họ đều đến từ những gia đình chẳng có gì đặc biệt, cho nên em không thể để cho mình quá tốt hay quá thông minh hoặc là ăn mặc quá luộm thuộm khi em đi vói bọn họ và em càng không thể cứ mang dáng vẻ tang tóc mãi được. Nếu không, bọn họ sẽ nói cái gì đó khiến cho mũi em cứ vểnh lên giữa trời thì phiền lắm. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi phải nói chuyện vói mấy bà có cái đầu rỗng tuếch thì chủ đề dễ khai thác nhất là mấy vụ cảm cúm sơ sơ, mấy người thợ làm đầu bất cẩn hay mấy con bồ của chồng họ. Còn không những bữa như trưa nay sẽ trở nên quá nhàm chán.
- Thế có ai kiếm được người tình mới rồi sao?
- Còn hơn cả thế nữa cơ - cô nói với một nụ cười rất mãn nguyện - em còn biết được là tại sao suốt tuần qua anh bận tối mắt tối mũi đến thế.
- Thế là cái gì vậy?
- Ngài Sedgewick của anh xem ra đã trở thành một mẫu người đàn ông nguy hiểm nhất rồi đấy. Chồng em vẫn hay nói là có bốn loại sỹ quan. Một loại vừa ngu lại vừa lười - đám này chiếm số đông nhất. Một loại vừa nhiệt tình, hăng hái nhưng lại ngu - loại này nên khẩn trương sa thải càng sớm càng tốt. Một loại vừa thông minh, vừa nhiệt tình - loại này nên để cho làm tham mưu. Và loại cuối cùng là cực kỳ thông minh nhưng lại rất lười - loại này nên để cho làm Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang. Ông chủ mới của anh nên được xếp vào loại vừa cực kỳ hăng hái nhưng lại ngu, một loại có thể xem là tồi tệ nhất trong cả đám ấy.
- Sao em lại nói vậy.
Mấy đứa con gái của Lily đang ở thăm gia đình người thân trong kỳ nghỉ cuối tuần cho nên chỉ còn hai người bọn họ trong ngôi nhà rộng lớn. D. Marnin nằm ngả người trên giường trong buồng ngủ của cô. Cô đã cởi chiếc áo bên ngoài và đang ngồi sau chiếc bàn trang điểm làm bằng gỗ gụ. Chỉ còn chiếc áo ngực và chiếc quần lót màu trắng trên mình, cô bình tĩnh thoa kem lên mặt để rửa sạch những vết son kẻ lông mày cũng như tất cả những thứ mỹ phẩm mà anh không thích. Cô quay lại và nhìn anh nhoẻn miệng cười:
- Anh có thấy thú vị thế nào khi chứng kiến mấy thằng bé ăn mặc theo cách của chúng để đóng vai những tay Cao-bồi và mấy người Anh-điêng rồi giả bộ như thể chúng là người lớn thực sự rồi ấy không?
Cô bước đến bên giường và hôn nhẹ lên môi anh, khiến cho anh cảm nhận thấy vị kem lành lạnh.
- Tất cả mọi người ở Sài Gòn đều biết những gì đã xảy ra trong suốt tuần vừa qua - cô nói tiếp - ngay cả Đại sứ quán các anh cũng nên cẩn thận với điều đó.
- Anh không chắc là anh hiểu em định nói tới điều gì - anh trả lời một cách cẩn thận.
Cô bỗng phá lên cười.
- Em sẽ nói cho anh là em biết cái gì - cô nói -nhưng với điều kiện anh cũng phải nói cho em những gì mà anh biết.
D. Marnin khẽ cựa quậy một lát rồi vươn người tới đặt lên môi cô một nụ hôn rồi lại một nụ hôn khác.
- Trái tim anh không có cùng nhịp đập trong những nụ hôn ấy đâu, anh yêu ạ. - cô nói.
- Có nhiều chuyện đã xảy ra - cuối cùng anh nói - những điều rất thú vị. Nhưng anh không thể nói với em về nó được. Anh đã thề là anh không được tiết lộ những gì mà anh biết và anh không thể phá vỡ lời thề ấy.
- Anh thật đáng yêu. Nhưng thế thì em cũng sẽ không thể nói với anh về tất cả những gì mà em biết. Em cũng đã thề rồi mà.
- Tùy em thôi.
- Ôi, ôi... Thôi được rồi. Em sẽ nói cho anh biết. Nhưng anh phải hứa là không được kể cho bất cứ ai đâu nhé. Hãy thề trên ngôi mộ của mẹ anh đi.
- Anh thề.
- Ngài Sedgewick của anh dường như được cử tới Sài Gòn trong quyết định lật đổ Ngô Đình Diệm. Tướng Donnelly của các anh, người vẫn tiếp cận với tất cả các tướng lĩnh mỗi ngày và ngài Markoff, người vẫn ăn trưa cùng Ngô Đình Nhu hết ngày này đến ngày khác đã cực lực phản đối việc bỏ rơi ông Diệm. Thế nhưng, ông Sedgewick chẳng thèm quan tâm đến họ. Ông ấy có thể được ví giống như một con voi đang chạy lung tung trong cửa hàng đồ sứ vậy.
- Em nói vậy có nghĩa là gì?
- Trong mấy ngày vừa đặt chân đến Sài Gòn vói sự hiểu biết bằng không về Việt Nam, Đại sứ Sedgewick của các anh đã cử ngay ông bạn của chúng ta là Đại tá Gascon tới gặp các tướng Đôn, Khiêm, Kim, Khánh, Bích và Minh “lớn” để khuyến khích những người này tẩy chay ông Nhu và đang thỏa thuận để gạt ông Diệm sang một bên ngay lập tức.
D. Marnin như nghe thấy tiếng sét đánh ngang tai. Đã hai lần liền trong ngày hôm nay và như thế đã là quá sức đối với anh. Liệu rằng còn có ai nữa trong cái thành phố này không biết tí nào về cái kế hoạch tuyệt mật của Đại sứ quán Mỹ nữa hay không?
- Sao mà em biết chuyện này chứ? - anh hỏi cô một cách thành khẩn - Sao mà em có thể tin được những chuyện như vậy chứ? Ai đã nói với em vậy?
- Người Mỹ các anh hình như không hiểu là việc có đưa ra quyết định tổ chức, ủng hộ một cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm hay không lại không phải là những điều mà chính các tướng lĩnh ấy có thể làm được một mình. Đó là quyết định của một gia đình. Việc chọn hướng đi sai, rẽ sang bên trái trong khi đáng lý ra anh phải rẽ sang phải có thể sẽ bắt anh phải trả giá không chỉ suốt cuộc đời mình mà còn là sự hưng thịnh của mấy thế hệ sau này nữa. Điều này lại quá đỗi quan trọng đối với một người dân Việt Nam. Tất cả những người này, ngoại trừ Tướng Đôn, một thế hệ trước đây đều là những người nông dân. Và nếu như đời cha họ không phải là nông dân thì chắc chắn đời ông, đời cụ họ đã là nông dân. Họ đều trưởng thành từ những con số không và nếu như họ không tạo lập được gì cho gia đình họ thì họ sẽ không còn là một cái gì hết. Họ cần phải có cơ đồ của họ. Và để tạo lập được cái cơ đồ ấy họ phải phụ thuộc vào những bà vợ, những người đang phải một tay tần tảo buôn bán mà chính những người này là những người em vô tình vừa ăn trưa với họ hôm nay.
- Và như thế là... mấy ông tướng đó - đã kể hết những gì gọi là tuyệt mật liên quan đến an ninh quốc gia cho các bà vợ biết.
- Dĩ nhiên là họ làm vậy rồi. Với họ thì cái gì có thể gọi là tuyệt mật mà không thể tuôn ra hết chứ? Có lẽ nó chỉ còn những thông tin thật cụ thể và thật chi tiết như những đơn vị nào đang đóng ở đâu, quân số có bao nhiêu, trang bị vũ khí có bao nhiêu... Còn khi họ phải trả lời là họ nên tiếp tục trung thành vói ông Diệm hay là gia nhập vào nhóm tạo phản nhấn chìm ông ấy xuống, thì đó lại là điều mà tất cả những tay hạ sỹ chạy vội về nhà để thảo luận vói vợ. Và cuối cùng cả đám bọn họ cũng vẫn chỉ là những tay hạ sỹ quèn mà thôi.
- Vậy là mấy người thật sự có quyền quyết định những gì sẽ xảy ra tại đất nước này - một gánh nặng thật sự ấy - lại là một nhóm các bà vợ ngồi tụ tập với nhau ăn trưa trong Câu lạc bộ những người chơi gôn vào một hôm thứ bảy như thế này?
- Họ và những đối tác người Hoa của họ nữa. Sai lầm lớn nhất mà ông Diệm đã phạm phải đó là đã cho đập tan tổ chức của người Hoa ở Sài Gòn. Nếu như họ có cơ hội, những người này sẽ quyết tâm phục thù, cũng giống như những gì mà họ đã làm với chồng em vậy. Thế nhưng việc làm ăn vẫn là việc làm ăn, đám ba Tàu đó sẽ không giết con ngỗng vẫn còn đang đẻ cho họ những quả trứng vàng đâu. Chương trình nhập khẩu hàng hóa (CIP) vẫn đang nằm trong tay họ và anh cũng biết là mỗi một tờ giấy đó của Chính phủ sẽ được dùng để in ra tiền. Nếu anh muốn biết sự thật thì cách tốt nhất để người Mỹ các anh có thể hạ bệ Ngô Đình Diệm lại không phải là cách đi thỏa thuận với mấy tay tướng lĩnh hạng năm đó đâu. Tất cả những gì mà các anh phải làm là ngừng ngay chương trình CIP lại. Đám người ba Tàu sẽ làm nốt phần còn lại ấy. Khi mà ông Diệm không còn là chỗ dựa đáng tin cậy về mặt tài chính cho đám thương nhân ở đây, anh hãy tin vào lời em đi, chế độ của ông ấy sẽ không thể tồn tại được quá một tuần nữa đâu.
Nói đến đây, cô bắt đầu hôn lên môi anh và vuốt ve, mơn chớn người anh. Vậy là theo tất cả những gì mà cô còn quan tâm vào lúc này, cuộc tranh luận của họ đã hết.
- Ôi em, đợi anh một phút - D. Marnin nói - thế còn cuộc đảo chính thì sao? Mấy vị phu nhân ở Câu lạc bộ chơi gôn đó đã bảo chồng họ làm gì?
- Hm... Ch... thì em đã bảo anh rồi đấy thôi.
- Chưa, em chưa nói gì cả.
- Dĩ nhiên là em nói rồi. Theo anh thì họ còn nói gì chứ? Họ sẽ bảo bọn chúng là hãy lớn lên đi và đừng có nghĩ rằng mình là diễn viên John Wayne đang đóng một trong các bộ phim về miền Tây nước Mỹ nữa. Họ đã bảo với chồng mình hãy học đếm thế nào trước khi liều mạng với số phận của sáu thế hệ tiếp theo trong gia đình họ nữa.
- Học đếm là sao cơ?
- Thì đếm những con số ấy - họ không gộp lại với nhau được đâu. Chẳng hạn như tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh Quân đoàn III ấy. Ông ta có rất nhiều, nhiều vô sô các lý do để trung thành với gia đình họ Ngô Đình. Cái gì sẽ xảy ra với ông ta nếu ông Diệm và ông Nhu bị giết chết?
- Em thử nói xem nào.
- Em không nghĩ là ông ấy có thể sống mà đảm nhiệm các chức vụ của mình quá một tuần. Tuy nhiên em cũng không chắc lắm. Nhưng quan trọng hơn là ông ta và cả vợ ông ta, bà Đính, một người rất sùng đạo Thiên Chúa và là một tay nghiện chơi gôn cũng không biết nên làm gì. Thêm vào đó, Đại tá Tung - người chưa bao giờ bước chân vào Câu lạc bộ gôn - một người đang nợ ông Diệm tất cả mọi thứ và có thể sẽ trở thành người đầu tiên bị các tướng lĩnh làm thịt cùng với ông Diệm. Không phải ngẫu nhiên mà lực lượng đặc nhiệm của ông ta được bố trí ở khắp nơi quanh Sài Gòn. Và lực lượng bảo vệ thuộc Phủ Tổng thống thì đặc biệt trung thành. Còn tướng Cao ở Quân đoàn IV nữa, một gã gầy đét luôn gặp vấn đề rắc rối nên ông ta cũng không thể chạy xa bay cao được. Tướng Khánh ở Quân đoàn II chắc chắn sẽ làm tất cả những gì mà người Mỹ các anh sai bảo, nhưng mà ông ta đang ở Pleiku và sẽ chẳng thể làm được gì có giá trị trong mấy ngày đầu tiên khi đảo chính bắt đầu. Và Tướng Đỗ Cao Trí ở Quân đoàn I - một người lính chững trạc nhất trong cả đám bọn họ - thì lại ở quá xa.
- Ông Diệm và ông Nhu - cô nói tiếp - đã bảo đảm rằng tất cả những người chỉ huy quân đội ở quanh Sài Gòn hoặc vùng lân cận mà có thể đưa quân tiến về Sài Gòn bằng xe tăng hoặc xe thiết giáp APC trong thời gian nhanh nhất là hai giờ đều đang chiếm giữ các vị trí cho gia đình họ Ngô. Ông Diệm đã thoát chết trong cuộc tập rượt tháng 11 năm 1960 khi Đại sứ Durbrow của các anh làm ông ấy thất vọng. Cho nên ông ấy sẽ không giao phó số phận của mình cho bất cứ ai không tin tưởng. Chính vì vậy, mọi thứ đang phụ thuộc rất nhiều vào Tôn Thất Đính, người có vợ luôn xưng tội với cha Ngô Đình Thục. Và cho đến nay chưa có dấu hiệu là ông Đính đang dao động và cũng chưa có viên tướng nào dám cả gan vận động ông này tham gia vào nhóm tạo phản, bởi vì không loại trừ khả năng ông này sẽ phản bội lại họ mà báo cho ông Nhu.
- Chính thế mà em nghĩ là sẽ không có tướng lĩnh nào dám tổ chức đảo chính sao?
- Đây không phải là chuyện nghĩ nữa đâu. Vấn đề ở đây là phải biết. Em biết chắc là sẽ chẳng có vụ đảo chính nào khác.
- Cho dù Đại sứ Sedgewick có làm cái gì đi nữa?
- Đại sứ Sedgewick của các anh có thể giống như Hitler nhưng cũng chưa thể làm được gì. Tất cả đám tướng lĩnh mà các anh đã chọn vào vị trí bảo vệ vận mệnh của quốc gia và đặc quyền của các anh tại đây đều không xứng đáng làm chỉ huy của một đại đội chứ chưa nói gì đến một đất nước. Làm sao mà những người biết về Dương Văn Minh - một gã đần độn - có thể coi khả năng làm tướng của ông ấy lại giỏi hơn nghề làm vườn hoa lan được chứ.
- Vậy là sẽ chẳng có cuộc đảo chính nào hết?
- Anh không nghễnh ngãng đấy chứ? Hay là anh không hiểu? Cuộc đảo chính của các anh đã tiêu rồi - giống như Napoleon và giống như ông chồng em nữa ấy.
[22] Nguyên bản là một câu chửi bằng tiếng Pháp.