NGÀY TÀN NGỤY CHÚA

Chương 37

Docsach24.com

ại sứ Sedgewick đã nổi cơn thịnh nộ lôi đình khi Đại tá Gascon lao như tên bắn qua mặt cô Helen Eng vào thẳng phòng ông ta để thông báo cho ông ta rằng cuộc đảo chính mà Đại sứ quán Mỹ vẫn đang cho là sẽ nổ ra ấy đã không thể xảy ra được. Cuộc trao đổi rất dài dòng giữa hai người chứa đầy những tình tiết hết sức khôi hài, Đại sứ Sedgewick luôn lẫn lộn giữa tướng Kim, người anh em vợ với tướng Trần Văn Đôn và là người đứng đầu nhóm tạo phản và tướng Khiêm, Tổng tham mưu trưởng và là thủ lãnh của một nhóm tạo phản khác. Chính vì thế, Đại tá Gascon cứ lấn cấn như gà mắc tóc khi diễn giải lý do vì sao cuộc đảo chính không thể tiến hành theo kế hoạch. Đại sứ Sedgewick cảm thấy như mình bị lừa tới hai lần, bởi vì gần hai giờ trước đó ông ta đã sai D. Marnin đem bức điện sau đây đến phòng mật mã để gửi về cho Tổng thống Kennedy.

Điện số 375.

Từ Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn Gửi tới: Ngoại trưởng

Tuyệt mật Điện khẩn; Ngày 31 tháng 8 năm 1963 - 6 giờ sáng

Gửi tới: Tổng thống Mỹ

Chúng ta đang đi trên một con đường mà không có lối quay trở lại: lật đổ Chính phủ Ngô Đình Diệm. Trong đoạn này không hề có một con đường nào khác bởi vì uy tín của nước Mỹ đã được công khai thừa nhận là phải đi đến cùng và điều đó càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết khi các tin tức bị lọt ra ngoài. Theo quan điểm của tôi, trên những nguyên tắc cơ bản, ta không còn sự lựa chọn nào khác bởi vì chúng tơ sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Ngay cả khi có bất cứ một thành viên nào trong gia đình này có thể nắm quyền lãnh đạo đất nước đi nữa thì họ sẽ không có những người ủng hộ, chẳng hạn như giới trí thức, các nhân viên trong hệ thống chính quyền, an ninh hay lực lượng quân đội và lực lượng bán vũ trang người bản xứ - chứ chưa nói gì đến sự ủng hộ của người Mỹ.

Xét trong một chừng mực nào đó thì cơ hội để các tướng lĩnh tiến hành một cuộc đảo chính phụ thuộc rất lớn vào bản thân họ, nhưng cũng không còn nghi ngờ rằng điều đó ít nhất cũng phụ thuộc vào phía chúng ta. Các tướng lĩnh người Việt vẫn nghi ngờ chúng ta chưa có đủ ý chí, lòng quyết tâm và sự quyết đoán để cho điều này được thực hiện. Bọn họ đều bị ám ảnh bởi ý nghĩ là chúng ta sẽ bỏ rơi bọn họ. Vì thế chúng ta cần phải gây áp lực thêm nữa. Nếu như kế hoạch đó bị dừng lại tôi tin rằng các tướng lĩnh người Việt sẽ mất hết sự tôn trọng đối với chúng ta. Tôi cũng nhận thấy điều này sẽ dẫn đến đến khả năng bị mất miền Nam Việt Nam cũng như sẽ có thêm nhiều binh sỹ Mỹ phải bỏ mạng tại mảnh đất này. Cá nhân tôi sẽ không bao giờ tính đến kế hoạch này nếu như có một cơ hội hợp lý để cùng với ông Diệm giữ lại mảnh đất này.

Các ngài đã yêu cầu tôi nên tham khảo thêm quan điểm của tướng Donnelly. Ông ấy cho rằng tôi nên yêu cầu ông Diệm sa thải vợ chồng ông Nhu trước khi để cho các tướng lĩnh hành động. Thế nhưnq tôi tin là những bước như thế sẽ không có cơ hội giành được kết quả như mong muốn mà nó còn có thể tạo ra những phản ứng trầm trọng khi các tướng lĩnh lại coi đây là dấu hiệu chần chừ hay lùi bước của Chính phủ Mỹ. Tôi tin đó là sự mạo hiểm mà chúng ta không nên thử làm gì.

Đại sứ: Sedgewick

Với ông Đại sứ Sedge wick, buổi sáng hôm đó thật là ảm đạm. Trước khi Đại tá Gascon tới báo tin, D. Marnin cũng vừa thông báo cho ông ta rằng hai nhà sư tên là Bắc và Hiệp đã đột ngột biến mất khỏi trụ sở của USOM. Sáng hôm đó, ngài Curly Bird là người đầu tiên đã gọi điện cho anh vì thế khi nghe tiếng người thư ký của ông Bird ở bên kia đầu dây, anh đã nghĩ rằng có thể là chuyện liên quan đến Lily. Thế nhưng đó lại là thông báo của ông ta về sự ra đi của hai nhà sư. Vào lúc bảy giờ sáng, lão Du là đầu bếp người Trung Quốc và cũng là một Phật tử đem thức ăn đến thì phát hiện ra rằng căn phòng đã chống trơn. Họ đã bay khỏi nơi trú ẩn mà không để lại lấy một mẩu giấy hay bất cứ thứ gì liên quan không biết chuyện gì đã xảy ra với họ. Mấy người lính gác cổng nói rằng hai người bọn họ đã ra đi từ lúc sáu giờ sáng, không mang theo gì ngoài chiếc bát đi khất thực. Kể từ khi nhận lệnh của ngài Đại sứ không được phép làm phiền hai nhà sư Bắc và Hiệp, chỉ có hai nhà sư này gọi người khác lại để hỏi han chứ không có ai được quyền chặn họ lại. Chính vì thế không có tay lính gác nào dám ngăn cản họ làm bất cứ điều gì và người gác cổng sáng nay cũng mặc nhiên để hai nhà sư này ra khỏi cổng mà không thông báo cho ai hay chặn họ lại.

Ông Curly Bird là người cảm thấy thoải mái nhất khi hai nhà sư bỏ đi. Nhưng D. Marnin hiểu rằng Đại sứ Sedgewick sẽ rất bực bội vì chuyện này. Trong rất nhiều lần phát biểu công khai, ông ấy vẫn coi sư Bắc và sư Hiệp là hai minh chứng sống thể hiện thiện ý của Đại sứ quán Mỹ sẵn sàng đứng ra bảo vệ cho những “con người bé nhỏ”. Vậy là anh quyết định tự mình đi tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra trước khi thông báo tin này cho ông Sedgewick. Anh lái xe đi tới chùa Xá Lợi ngay cạnh cổng ra vào của trụ sở USOM. Ở đây mọi thứ đã khác mấy tuần trước rất nhiều. Không còn tiếng chuông đổ liên hồi, không còn ngút ngát mùi trầm hương, không còn tiếng lách cách vội vàng của máy chữ hay tiếng quỳnh quỵch của máy in rônêô. Phần lớn các nhà sư đã đi ra ngoài khất thực trên các ngả đường. Những người còn lại thì vẫn đang lau chùi, quét dọn. Tất cả rác rưởi đều đã dọn đi hết. Quang cảnh ở đây đã trở lại với vẻ tĩnh mịch vốn có của một ngôi chùa của người Việt Nam.

D. Marnin không còn nhìn thấy một nhà sư nào mà trước đó anh đã quen. Chẳng những thế anh cũng không thể tìm đâu thấy một nhà sư có thể nói được tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Một nhà sư khoảng bốn mươi tuổi đang ngồi trong gian phòng làm việc cũ tỏ ra là người chịu trách nhiệm ở đây. Ông ta đeo một cặp kính gọng bằng kim loại và trên đầu cạo sạch tóc của ông ta có mấy cái nhọt đang mưng mủ và một vài cái khác đã được gián bằng băng dính y tế. Thật may mắn khi nhà sư này là người Sài Gòn và giọng nói của ông ta cũng tương đối ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu. D. Marnin tự giới thiệu bản thân mình và hỏi ông ta về sư Bắc và sư Hiệp rồi cung cấp đầy đủ thông tin tên tuổi của họ cũng như chỉ tay sang phía trụ sở của USOM và bảo đó là nơi họ đã sống.

- Chuyện gì đã xảy ra với họ thế - anh hỏi - bây giờ họ đâu rồi?

- Họ đi rồi - nhà sư kia trả lời.

- Họ đi đâu mới được chứ?

- Về nhà.

- Về tận Nha Trang hay sao?

Nhà sư khẽ gập đầu và mỉm cười khoái trá như thể đó là một trò đùa vậy.

- Tại sao họ phải đi chứ?

- Họ đã ở đó quá lâu rồi.

- Lâu thì sao chứ? Ai bảo họ đi thế?

Ông ta lại gật đầu và lại cười tiếp.

- Thế làm sao mà người ta lại có thể nói chuyện được với họ khi họ đang ở trong USOM chứ? Ở đó họ làm gì có điện thoại chứ.

Ông ta chỉ tay về phía tường rào ngăn cách giữa ngôi chùa và khu dinh thự bên cạnh rồi nhún nhún vai mấy cái và dùng ngón tay trỏ và ngón giữa chỉ rất nhanh để mô tả động tác một ai đó trèo lên trên.

- Đã có ai đó nói chuyện với họ bằng cách chèo qua bức tường kia hay sao?

Ông ta gật đầu đồng tình và lại bật cười thêm một lần nữa.

Đại sứ Sedgewick cũng hết sức ngỡ ngàng khi biết được tin này.

- Cậu nói sao cơ? Họ lững thững đi bộ ra khỏi trụ sở của USOM là thế nào? Làm sao mà họ có thể làm vậy được cơ chứ? Họ là những con tin cơ mà. Họ là những con tin xấu số đang tìm kiếm cơ hội làm tị nạn chính trị để tránh sự truy lùng của một chính quyền cảnh sát cơ mà! Họ đang phải lo sợ cho tính mạng của họ chứ! Hãy đọc trên tờ New York Times đây này! Đó cũng chính là câu chuyện mà tất cả các hãng thông tấn và đài truyền hình trên toàn thế giới đang nói đấy thôi. Họ đúng là những biểu tượng xấu số của một tầng lớp những người cần được hưởng các quyền lợi căn bản mà Đại sứ quán chúng ta đang phải đòi lại cho họ. Mà chính tôi đã nói với cậu là cậu phải bảo đảm là họ có tất cả những gì họ cần đó sao. Tôi đã nói với cậu là cậu phải khiến cho họ thật sự hài lòng cơ mà. Và chính cậu cũng đã nói với tồi là họ rất hài lòng đó thôi.

- Vâng thưa ngài, họ vẫn nói là họ chẳng có gì để phàn nàn cả. Hôm qua lúc tôi gặp họ, họ còn tỏ ra rất cảm kích khi hôn lên tay tôi khi tôi bước vào phòng của họ.

- Vậy thì tại sao họ lại bỏ đi chứ?

- Rõ ràng là đã có ai đó bảo họ bỏ đi.

- Thế còn cảnh sát thì sao? Họ đã chẳng yêu cầu chúng ta phải giao nộp sư Bắc và sư Hiệp để họ thẩm vấn rồi đấy thôi.

- Trong ba ngày đầu tiên họ có để lại mấy tay mật vụ theo dõi ở ngoài cổng gác. Nhưng sau đó họ phát hiện ra rằng hai nhà sư này cũng chỉ là những người bình thường khác nên họ chẳng thèm quan tâm nữa.

- Vậy là bây giờ họ có thể đang ở trên một chiếc xe đò nào đó trở về Nha Trang. Và cả cậu, cả tôi, cả CIA cũng đều không cho là họ bị ép buộc. Nói vậy thì cái đồ con khỉ gì đang diễn ra ở đây kia chứ?

- Chúng tôi có thể là không biết chắc chắn. Nhưng như tất cả những gì mà chúng ta có thể nói...

Đúng lúc này, cô Helen Eng gọi tới nói rằng Đại tá Gascon đang bước vào. Gascon chẳng thèm để ý đến sự có mặt của D. Marnin bởi vì anh ta biết rằng một trong những nhiệm vụ của người phụ tá là đọc trước và sửa lại tất cả các bức điện mà Đại sứ Sedgewick sẽ ký.

- Hỏng hết mọi thứ rồi - anh ta nói.

Đại sứ Sedgewick đứng bật dậy hỏi vội vã:

- Anh đang nói cái khỉ gì vậy chứ?

- Mấy tay đó không thể gộp lại với nhau được - Gascon nói y như những gì mà Lily đã từng nói với anh -Tướng Minh đã cho ngừng cả kế hoạch lại. Có quá nhiều thứ không chắc chắn và không có gì bảo đảm là chúng ta sẽ giành chiến thắng. Không có Tướng Đính đứng về phía chúng ta thì chúng ta sẽ phải gây ra một vụ tắm máu. Theo Tướng Minh, ông Nhu đã biết hết mọi chuyện và ông ta đang phủi sạch hai tay ngồi đợi chúng ta phạm sai lầm. Cả Tướng Minh và Tướng Khiêm đều nghĩ là họ đã bị phản bội và bán cho dinh Tổng thống. Họ nghi ngờ đó chính là người trong Đại sứ quán có quan hệ rất gần gũi với ông Nhu.

- Làm thế quái nào mà họ lại có ý nghĩ ấy chứ? Anh có bằng chứng gì không, bất cứ cái gì có liên quan thôi cũng được?

- Không thưa ngài Đại sứ - Gascon trả lời - theo như tôi thấy thì mọi chuyện đúng là xôi hỏng bỏng không. Lộ tẩy hết rồi còn gì nữa.