Nắng đồng bằng

Chương tám

Docsach24.com

rên nhánh sông Sài Gòn hôm ấy, một sánh nắng đẹp, người dân đang trồng tỉa ở cánh đồng Chèng Heng bỗng dưng nhìn thấy bốn lùm cây nhỏ đang lững lờ trôi theo dòng nước. Nhác trông tưởng mấy đám lục bình. Không phải! Những cành lá bị pháo tiện đứt đêm qua? Cũng không đúng! Thực ra nó là những cành đùng đình chụm ba, chụm bốn dựng xiên xiên trên mặt nước; nó không mỏng xuống như bèo, cũng không cháy vàng như lá cành dính miếng; nó cứ lặng lờ trôi, trôi thận trọng sát bờ, cành lá thanh mảnh xòe ra tươi mát.

Nếu nhìn thật tinh, sẽ thấy sau những vòm lá đó, thấp thoáng những gói ni lông nhạt hơn màu lá nhưng đậm hơn màu nước, nổi lềnh bềnh. Bốn lùm cây hiền lành trôi xuôi đó chính là bộ phận trinh sát của Linh ngụy trang, đang lựa theo con nước ròng, hành quân về "cứ”.

Mất một trung tá tình báo Mỹ, mất một quận trưởng tài ba, được việc nhất trong sáu quận trưởng, kèm theo ba cán bộ bình định và hơn một tá lính thiện chiến, thằng định hoàn toàn bất ngờ. Cơ quan tâm lý chiến của nó vội tung tin xí xóa: “Đó là một tai nạn xe cộ đáng tiếc xảy ra (có dính dáng ít nhiều tới bàn tay "Việt Cộng") trong khi đang thực thi công vụ. Để trả giá, bọn đặc công "Việt Cộng" đã bỏ lại bốn mươi lăm xác chết, ba B.40, một B.41, mười lăm súng AK.47 và hai mươi lăm súng cộng đồng...". Nhưng ngay sáng hôm sau, chúng xua ba tiểu đoàn bảo an đã từng lập chiến tích trên sông rạch, càn xuống nước. Bộ phận của Linh và bộ phận của người Bù Chao có bắp thịt nhẽo nhợt phải ém hầm mật. Một thứ hầm kỳ lạ: cửa trổ trong lòng nước, lòng hầm ăn lên trên khô, khó có thể dò ra được. Chúng chặt, đốt, ủi phá, xăm xoi mãi vô hiệu, ngày thứ mười đành quay về bốt. Những người dân Bù Chao đã mò những thùng gạo ở đáy sông lên nuôi bộ đội. Họ còn đi bắt tôm, cá về làm một bữa nhậu thịnh soạn chiêu đãi, ăn mừng thắng lợi. Duy có chú Tư là lảng lảng đi. Có một lần Linh thấy chú lặng lẽ xách cuốc ra gò. Khi trở về, thấy mắt chú đỏ hoe, rồi chú leo lên võng nằm, chẳng nói năng gì. Mọi người đều biết chú đi sửa sang lại nấm mồ Sáu Hóa. Mộ anh làm vội, sàn sàn mặt đất. Đắp cao lên một chút, chúng phát hiện ra, đâu có để cho xương thịt người chết được yên.

Ngày này qua ngày khác, bộ phận Linh không tài nào cắt về được. Khắp các ngả đường mòn, các ngã ba sông rạch, đều đen đặc những chiếc mũ sắt rình rập. Cuối cùng, anh quyết định không dùng ghe, thả bộ xuống sông. Trước lúc cho đồ vào túi ni lông, đột nhiên chú Tư chở từ ruộng về một chị mặt mũi xanh xao, hai con mắt sưng húp. Đến khi Hai Thịnh ôm chầm lấy người đàn bà đó khóc, Linh mới chợt nhớ ra đó là chị Sáu. Nghe tin anh Sáu hy sinh ngay tại cửa ngõ nhà mình, chị mới hay biết người chồng thân yêu của mình còn sống. Ngay sáng hôm sau, chị xách một bọc nhỏ ra bưng, quyết tìm tới chỗ bè bạn của chồng. Chị không ở lại ngôi nhà ấy nữa. Linh bàn với Mười Đảnh để Thanh ở lại đón giao liên, đưa chị Sáu lên quận gặp anh Sáu Dô sắp xếp công tác. Cũng may, ngay tối hôm đó Sáu Dô từ trên quận cắt được xuống. Anh vẫn chỉ bận chiếc quần cụt tới đầu gối, mặt có gầy hơn, làm cái trán càng gồ ra. Người bí thư huyện ủy ấy (đồng chí bí thư cũ bất lực đã chuyển về khu) suốt buổi toàn nói chuyện, pha trò rất vui, có vẻ không quan tâm mấy tới cái chết của người bạn nối khố. Nhưng đêm xuống, khi mọi người ngủ cả, chỉ còn tiếng chuyện trò rì rầm của Hai Thanh và chị Sáu anh mới bấm Linh dậy, nhờ dẫn ra mộ Sáu Hóa. Trước nơi yên nghỉ của bạn, anh ngồi rất lâu, hút hết điếu thuốc này tới điếu thuốc khác. Gần sáng, anh mới đứng dậy, nói lầm bầm:

- Thôi, cứ nằm cho yên đi, Sáu Còi! Công việc để bọn tao lo cả cho... Hôm nào tao mới đánh đờn cho mày ca... Tao đã kịp chuyện trò gì với mày đâu, hả Sáu?...

Nửa giờ sau, anh cùng với Thanh và chị Sáu ngược đường cắt trở lại quận. Bộ phận Linh còn bốn người, cũng thả đồ xuống sông.

… Họ đã trải qua trọn một đêm trôi nổi, luồn lách trên mặt nước. Và bây giờ, cánh ruộng quen thuộc đã ở ngay bên sườn kia rồi. Một thôi nữa là cặp bến lớn, nhà ngay đó.

Bên kia, người trước thấy vẫy người sau, chỉ một thoáng, bà con đã đổ ra đầy cả bến sông. Họ đưa tay, đưa mũ lên len lén vẫy chào. Có những em bé gái trèo tít lên ngọn sầu riêng, vừa ngó mông ra trục lộ, vừa quay mặt lại cười. Bơi cạnh Linh, xạ thủ B.40 kiêm chiến sĩ liên lạc Ma Hồ Lang cũng ngóc cổ lên đưa tay vẫy lại, cười tít. Linh nhắc khẽ:

- Bỏ tay xuống, Lang! Coi chừng có thám báo trà trộn.

Anh chàng có cái má phinh phính, cặp môi đỏ chót và tảng lưng vạm vỡ, tròn lẳn như cá trắm, như người bị bỏng, rụt phắt tay lại. Nhưng con mắt vẫn cứ tít lên.

Thấy tình cảm của dân hôm nay khang khác. Linh bảo Đảnh lên xem sao, rồi ra hiệu cho mọi người giạt sát vào bờ. Không chờ Linh nói, Lang vươn tay bám vào cành cây đang nhoài ra mặt nước, đu nhẹ lên ngọn, rồi thu người quan sát phía sau lưng. Phía ấy sình lậu bạt ngàn nhưng bọn lính trên lộ 14 cũng ưa thọc bậy ra lắm. Cái thân hình phổng phao của Lang, ngồi không động nhẹ một cành cây.

Lát sau, Đảnh bơi trở lại. Cái lưng gầy guộc, đen thui của anh nổi lên như mặt ghế băng đánh véc-ni. Nhìn thấy mặt Đảnh đỏ nhừ như vừa bị ai tát, Linh hỏi:

- Gì vậy?

- Rượu! Mấy ông bác cứ ép. Không uống không được. Ở đây bà con cũng nghe tin diệt thằng Xầm rồi. Mấy chú mấy thiềm đang đi gom bánh tráng, rượu thịt mời anh em lên nhậu đỡ. Từ chối đi, anh Tám nhận lời là lai rai tối ngày luôn. Sớm mai họ sẽ gánh đầu heo, củ kiệu, thuốc thơm tới úy lạo...

Linh ngả theo ý của anh xã đội xưa nay vốn rất chừng mực trong mọi chuyện trên đời. Anh giơ hai tay lên đầu xin kiếu với bà con rồi ra hiệu bơi tiếp.

Đảnh chỉ một ông già mặc bộ bà ba trắng đục như người Chàm, đang đứng đờ đẫn trên bờ, nói:

- Ông Ba lòa cứ đòi phải được gặp người chỉ huy. Ổng có chuyện muốn nói. Mình đi thế này chắc ổng buồn.

- Lòa à?

- Lòa. Bữa nào tôi sẽ dẫn anh tới nhà ổng.

Vục đầu vào đánh đấm, hôm nay mới thấy mở mặt mở mày ra một chút. Cứ nhìn nét mặt của bà con là thấy tình thế chung đã sáng sủa hay xấu đi. Mọi lần theo Sáu Hóa ra đây, bà con thoáng thấy đã lang lảng. Có tìm đến bắt chuyện, thì câu trước câu sau người ta cũng đứng dậy, mắt nhớn nhác nhìn xung quanh. Họ sợ liên lụy, họ sợ điệp báo, sợ lính phục bắn chết lây... Khúc sông này dạo mới xuống, chỉ dám đi đêm, đi một hai người, súng ống lăm lăm. Vậy mà hôm nay, giữa ban ngày, hành quân được cả bán đội, ngang nhiên như ở hậu cứ.

Bơi đã xa mà Lang còn ngoái đầu lại tiếc rẻ. Trên bờ, mấy cô gái áo hồng, áo đỏ vẫn dựa gốc cây sầu riêng vẫy nón. Mấy cô gái trẻ ở cánh ruộng heo hút này đều có vẻ mê cái anh chàng xạ thủ đẹp trai, trẻ tuổi, nói chuyện có duyên. Có cô còn bạo mồm tuyên bố:

- Ra bưng, chỉ cần dòm thấy cái miệng của ảnh là lãi rồi!

Thằng! Diễm phúc thật! - Linh nghĩ, trong bụng cũng có chút ghen ghen - Cứ ngồi tại nhà nhưng không mấy khi là không có đường sữa, trà thuốc của mấy cô gửi tặng. Gửi Lang nhưng vẫn nói đãi bôi: "Gửi mấy anh trinh sát". Được cái Lang không nghiện trà nghiện thuốc nên Linh và Sáu Hóa cứ trà lá hoài hoài. Thỉnh thoảng Linh lại dẫn Lang ra ruộng dạo một vòng như ông bố vênh vang dẫn cô gái đẹp ra chợ... Kể cũng tiếc! Nếu được ngoi lên khề khà trò chuyện, nhâm nhi vài ly rượu thì thú quá. Bộ đội chịu cực chịu khổ cũng để thỉnh thoảng được hưởng những giây phút ấm cúng trong lòng dân thế này. Linh bỗng thấy bồn chồn... Cái dáng con gái đi Hon-đa xanh lại chập chờn trước mắt anh. Liệu chút nữa gặp mình, cô ấy sẽ ra sao? Thúy còn giận mình không? Anh thấy náo nức như ngày xưa đi học mong chóng tối để đến nơi hẹn hò...

Linh quay sang trêu Lang khi đã khuất hẳn cánh ruộng:

- Bây giờ cho cậu tha hồ vẫy! Gớm, có mấy cái nón mà mụ cả người!

- Đâu nào?... Em vẫy thím Hai cơ sở đấy chứ! - Lang hơi đỏ mặt. Anh chàng chữa ngượng bằng cách ngắt một ngọn lau ngậm vào miệng, cho bông trắng chếch thẳng lên trời rồi đạp mạnh chân vượt lên trước Linh.

… Giá mà anh Sáu đừng nằm lại bên ấy thì vui biết mấy! Chôn cất Sáu Hóa xong, Linh lao ngay vào chống càn và bao thứ việc bận bịu linh tinh khác. Cho đến lúc này, trên đường trở về, anh mới thấy đau, thấy nhớ. Linh gằm đầu xuống nước, để mặc cho những con sóng nhỏ từ bàn chân Lang tràn vào mũi, vào miệng. Từ nay, không còn anh ấy nữa, mình biết xoay xở thế nào? Nắm một đơn vị tác chiến đứng trong đội hình lớn đâu có khó gì. Mình chỉ lo một việc: đánh. Nhưng ở đây, giữa một vùng tranh chấp ác liệt, địa bàn hoàn toàn xa lạ, lại độc lập tác chiến, mình sẽ có không ít những trầy trật, khó khăn...

Thấy Linh cứ ngâm mãi mặt trong nước, Lang càng quẫy chân mạnh. Sóng trào qua cả bồng của Linh làm anh ho sặc sụa. Lang lại cười tít mắt. Cái thằng lúc nào cũng cười được. Đói khát vất vả là thế mà cặp má nó cứ căng ra. Ở rừng ở núi từ thuở lọt lòng nên dù ăn lùm ở bụi đến thế nào, Lang cũng không hề đụng tới một mẩu ký ninh. Gan góc, tháo vát, cắt đường cắt hướng giỏi hơn cả người địa phương, bắn B.40 nhanh như phóng lựu, Lang là niềm tự hào của cả tổ trinh sát. Linh thật lòng quý mến cậu trinh sát đẹp trai, trẻ tuổi này. Với những người chiến sĩ như thế thì còn phải lo lắng gì. Cứ đánh tới, sức tới đâu ráng làm tới đó, đùm bọc lấy nhau mà đánh giặc. Linh ngoi đầu lên, thở một hơi thật dài.

Lang ngoái đầu lại, kêu:

- Vịnh Bá Kỳ kia rồi! Sắp về tới nhà rồi, anh Linh ơi! Lúc nào nước dừng, cho em đánh một trái kiếm cá ăn nhé! Trúng đàn cá bông tha hồ mà nấu cháo. Một trái nhỏ chút xíu thôi.

Linh đang đăm đăm nhìn về cứ, không nghe thấy Lang nói gì nhưng anh cũng gật đầu, cười. Giá lúc này Thúy chèo ghe ra đón. Mình sẽ bám vào sườn ghe cho trôi theo. Hình ảnh ấy thật là đẹp, thật nên thơ. Mình sẽ im lặng nhìn Thúy. Cái nhìn ấy sẽ thay cho tất cả những lỗi lầm đêm nào. Mắt mình cũng chẳng đến nỗi khô queo lắm đâu.”Con nhỏ nó cứ nhắc hoài đến anh có đôi mắt to to ấy...". Và buổi chiều, khi dòng sông chỉ còn tiếng bìm bịp kêu, mình sẽ nói với Thúy... Nói thế nào đâu? Thúy ơi, Thúy đẹp lắm! Thúy dễ thương lắm! Thúy... Tôi... Mà sao đêm hôm đó mình lại dớ dẩn thế, vụng dại thế! Ngốc ơi là ngốc!

Thấy Linh mỉm cười, Lang gạ thêm:

- Hay là đánh cả hai trái, anh Linh ạ! Biết đâu chỉ trúng cá lăng... Hai trái nhé!

- Trái gì?

- Ơ! - Lang ngớ ra rồi xịu mặt. Bỗng cu cậu reo lên - Thuyền kìa! Có thuyền ra đón, anh Linh ơi!

Linh cũng vừa nhận ra một chiếc ghe nép sát trong hàng cây ven bờ đang tiến lại. Trên ghe lố nhố bốn, năm người. Nhất định là có Thúy rồi! Sao lại có thể không có được? Chị bí thư chi bộ xã ra đón bộ đội đi làm nhiệm vụ thắng lợi trở về. Có lý lắm chứ! Anh hồi hộp bơi chầm chậm lại một chút.

Chiếc ghe nhỏ hình như cũng đã phát hiện ra những lùm cây đang đi động, nó ghếch mũi lao ra. Nhiều bàn tay trên ghe đưa lên ngoáy tít. Không bình tĩnh được, Lình tung mạnh những cành lá nghi trang ra giữa dòng, sải tay bời nhanh theo mọi người. Bỗng cánh tay anh sượng lại trong lòng nước, mặt sa sầm: trên ghe, giữa những khuôn mặt đồng đội quen thuộc, nổi rõ khuôn mặt của Kiêu. Một khuôn mặt tươi tỉnh, cười hết sức cởi mở và bàn tay vẫy, đưa cao hơn bất cứ ai.

Không hiểu đã chuẩn bị từ bao giờ, Kiêu móc bồng lôi ra nào kẹo, nào sữa, nào cà phê, thuốc lá, bày la liệt lên mặt chiếc bàn ken bằng những thân sậy. Anh ta thoăn thoắt rưới nước sôi vào chiếc vợt pha cà phê vừa nói không ngớt miệng:

- Tôi đoán bữa nay thể nào anh Tám cũng dẫn quân về, nên cứ chầu chực đón từ sớm mai tới giờ. Lính bung ra dữ dằn như vậy mà anh vẫn cắt được, ghê gớm thiệt! Cái tài cắt rừng của anh Tám, nội vùng này chả ai sánh được. Úi chà! Anh về đây mà nghe, "cứ" nào, xã nào, ở đâu thiên hạ cũng đồn đại về chiến công vừa qua của anh Tám... - Thấy Linh hơi chau mày, Kiêu chữa lại - Tất nhiên đó là chiến công chung, nhưng thử hỏi không có những người cầm đầu cự phách như anh với anh Sáu thì phỏng làm nên trò trống gì. - Nhoáng một cái, Kiêu đã khui xong hộp sữa, đổ thành dòng quánh vàng vào chiếc ca i-nốc - Làm bậy một ly cà phê sữa rồi chút nhậu chơi! Có cả can đây! - Kiêu lôi từ dưới võng lên cái can rượu nếp thang nâu nâu đầy tới miệng - Vừa may có anh Tám về, cô Thúy lại mới kiếm được ký thịt heo. Chính bánh tráng cuốn dừa khô ăn đỡ ngán hơn cuốn thịt heo, anh ạ?!

Linh day mặt nhìn ra sông. Chỉ cần quay lại bắt gặp cái miệng mỏng như lá lúa kia là mình sẽ nổi nóng ngay lập tức Kiêu vẫn nói lau láu. Anh ta có vẻ sợ im lặng. Linh có cảm tưởng, nếu cái dòng ngôn ngữ kia bị tắc lại, chắc anh ta se bỏ chạy mất. Nhìn Kiêu lúc này sao giống những lần anh ta tán chuyện trời biển với mấy anh ban chỉ huy tiểu đoàn hồi còn ở chủ lực thế! Khác một cái là anh ta độ này có vẻ diện hơn. Quần áo láng coóc, thẳng ly. Cái đồng hồ ba chữ "A" trên cổ tay dạo trước có đâu. Ghê thật! Trông như công tử phố chợ. Quẳng dây súng lên mặt bàn, Linh đứng dậy. Anh kín đáo ngó nhìn xung quanh. Thúy đâu nhỉ?...

- Ấy! Cứ đàng hoàng... - Kiêu vồn vã - Mọi việc đâu có đó cả rồi! Anh Tám cữ ngồi nghỉ, khỏi lo. Chờ nước lớn rồi tắm. Quần áo quẳng đại ra đó, anh em nó giặt cho - Anh ta cầm tay Linh kéo xuống.

Thấy Linh vẫn không bắt chuyện, Kiêu hơi hẫng, liếc nhanh Linh một chút rồi lại nói lướt đi như một người có điều gì vui vẻ hết sức:

- Ờ... ở… Mọi thứ hầm bà làng tôi đã thu xếp ổn hết trọi! Tôi được về đây làm phó của anh. Mừng quá sức! Phó của ai chứ phó của anh Tám thì lý tưởng quá! Tôi chủ động xin về đấy! Nằm trên mãi, buồn quá trời đất! Có gì anh cứ triển khai, tôi thực hiện tới nơi mà, anh Tám! Anh tin tôi đi! - Nói xong, Kiêu đốt vội một điếu thuốc, phù khói thật mạnh, xem chừng thoải mái lắm.

Linh miễn cưỡng đưa tay đỡ lấy bát cà phê sữa đang bốc hơi ngầy ngậy mà Kiêu đưa sát tận mặt. "Anh Tám! Anh Tám! Một điều anh Tám, hai điều anh Tám! Cái gì mà "anh Tám" dữ vậy?". Linh đặt bát cà phê xuống.

- Bóc thuốc hút đi, anh Tám! Tôi mới “móc" bà già đem vào được ít gói, lát nữa anh cầm bậy nửa cây xài đỡ! Hết, lại tính toán sau, cứ đàng hoàng mà sống, đàng hoàng mà đánh giặc.

- Tôi có thuốc rê rồi - Linh không nhận ra giọng nói của mình.

- Khỏi! Khỏi! Khi nào tôi còn thuốc thơm, dù chỉ một điếu, anh cũng đừng nghĩ đến chuyện hút thuốc rê. Để tôi chụm lửa nấu miếng nước sôi. Có chè "Con sói" mới kiếm được - Thấy Linh bắt chuyện, Kiêu càng hoạt bát. Anh ta chớp nhìn Linh một cái, rồi nhanh nhẹn ngồi xuống bên bếp, cái lưng khỏe mạnh căng ra.

Nhìn cái cổ của Kiêu vã mồ hôi vì thổi lửa, Linh thấy lòng mình mềm lại. Cứ tưởng rằng mình sẽ không chịu nổi sự có mặt của nó. Nhưng nhìn mặt nó bây giờ, đâu có đến nỗi đáng ghét lắm. Nó đã biết ý nói lấp đi những chuyện cũ, mình cũng chẳng nhớ lại làm gì. Trước mắt lại còn bao nhiêu công việc. Bây giờ... Mà cũng chẳng sao, miễn anh ta làm ăn nghiêm chỉnh và đánh đấm được. Mọi chuyện đều cho qua tất - Linh chép miệng. Ồ, mà sao Thúy vẫn chưa về nhỉ?

Linh lơ đãng rót cà phê ra bát, đẩy về phía Kiêu. Kiêu phẩy tay:

- Khỏi! Khỏi! Uống nhiều sình bụng. Mỗi sáng ngủ dậy nhấp một ly thấy khỏe dữ lắm. Từ sáng mai nghe anh Tám! - Giọng Kiêu đã thực sự thoải mái. Anh ta còn đưa tay vỗ mạnh vào vai Linh nữa - Chút quên! Giấy điều động công tác của tôi đây ông xem đi!

Linh hơi liếc nhìn tờ giấy pơ-luya đánh máy không có dấu đã nhàu nát, rồi đứng dậy vươn vai:

- Tốt thôi! Ông về vừa đúng lúc. Còn hai thằng ráng mà làm ăn. Mình đi tắm đây. Ông gọi mấy cậu mới về xuống uống nước.

- Có ngay! Xà-bông của mình đây nè!

Với tâm trạng dễ chịu, Linh cầm khăn mặt đi xuống bến. Phải tắm rửa đàng hoàng một chút trước khi gặp Thúy. Trông mình bây giờ chắc khó coi lắm. Chả bù với thằng Kiêu...

Có tiếng Kiêu nói vọng theo:

- Dạo này cậu có vẻ sút đi nhiều rồi đó, Linh ạ!

Linh không chú ý tới câu nói đã có vẻ thân thiện đó. Anh cởi áo vắt vai, đi như chạy. Chuyển lên "cứ" gò, cuộc đời cũng có tươi hơn thật, dỡ bó chân bó cẳng.

Đi qua một cành cây khô vươn ngang đường, Linh vừa nhún chân định nhảy lên bẻ, bất đồ anh trông thấy Thúy dang từ dưới sông lên. Chị vẫn mặc bộ bà ba đen thường ngày, tay cầm cây giầm và chiếc áo trắng chỉ dành để mặc đi bưng. Linh lúng túng khoác vội cái áo lên người. Đáng lê phải chào hỏi trước nhưng Linh lại đứng sững giữa đường môn dịch dắc, ngây ngô mỉm cười. Thúy cũng đã nhận ra anh, chị hơi giật mình, mặt tái đi một chút, môi mấp máy và cặp mắt mở to. Nhưng ngay sau đó, nét mặt Thúy bỗng lạnh tanh. Chị cúi đầu nhìn xuống và lặng lẽ bước đi như không hề quen biết Linh. Nụ cười của Linh trượt vào khoảng trống. Anh sượng sùng đứng giữa đường, quên cả tránh lối, khiến Thúy phải đi càn vào đám cây. Xuống tới bến rồi Linh vẫn còn thấy gai gai trên mặt và chợt nhận ra mình đã mặc ngược áo. Anh nhảy òa xuống nước.

Lội hẳn ra giữa dòng, Linh cố ý kỳ cọ, tắm táp thật lâu. Quần áo phơi trên cành đã khô cong rồi. Anh vẫn chần chừ chưa muốn lên. Trên kia, thỉnh thoảng tiếng nói của Kiêu và Thúy lại vẳng tới chỗ anh. Linh hít một hơi thật sâu, lặn ra tới giữa dòng. Lặn tiếp hơi nữa sang bờ bên kia. Anh đu người lên gốc cây, ngồi sưởi nắng một lúc mới sải tay bơi về. Kiêu đang kể chuyện gì có vẻ vui lắm mà nghe cô ấy cười khúc khích. Linh thủng thẳng bước lên bờ. Giá cô ấy xuống đây, chỉ một chút thôi. Ít nhất cũng xuống giặt cái áo ra bưng về lấm láp đi chứ. Anh chậm chạp mặc bộ đồ mới khô vào người. Miếng mạng của Thúy trên vai áo cọ vào vai buồn buồn. Chờ mãi vẫn không có tiếng chân di xuống, chả biết làm gì nữa, Linh thở dài đi lên.

Thúy vẫn đang ngồi đối diện với Kiêu, xây lưng lại anh. Linh thoáng nôn nao khi nhìn thấy mái tóc ấy buông thả xuống vai. Dưới đất, Mười Đảnh đang loay hoay nấu nước, và trên võng mắc cạnh Thúy, Lang đang nằm ngủ ngon lành.

Cầm chiếc khăn rằn phẩy phẩy con muỗi đang đậu trên khuôn ngực tròn trặn của Lang, Thúy nói:

- Vậy là bà con đã chuẩn bị đủ một trăm lít gạo để sẵn mấy bữa nay. Trong khi đó ta phải ăn cháo... Thím

Hai nói lính vẫn nằm ở cụm tầm vông đường bò. Thím sẽ tín hiệu bằng đèn. Từ bìa lô cao-su, nếu thấy đèn sáng, ta cứ vào. Gạo hết, tôi thấy cứ mạnh dạn bám. Đi tới đâu nắm dân tới đó - Chị nhỏ giọng - Anh có nhớ con Tư Hạnh không?

- Cô bé đẹp đẹp hay bán đồ cho mình chứ gì?

- Nó dó. Thím Lai nói phải hết sức dè chừng. Nhiều khả năng nó là tình báo nhân dân của bọn tề đó! Tôi cũng nghi nghi nên chưa định bàn với các anh. Có nguồn tin, nó dính cả vào cái vụ mấy anh đằng mình bị chút trong rào.

- Vậy hả? Ghê gớm hè! Chà! Thời buổi này Thiên Nga, Phượng Hoàng nhan nhản - Kiêu gãi gãi cằm, cặp mắt không rời khỏi khuôn mặt Thúy.

Thúy quay lại, vỗ vỗ vào đầu Lang:

- Dậy! Dậy tắm rửa rồi hãy ngủ, cưng!

Lang ú ớ rồi xoay người lại, ngủ nữa. Thúy đứng lên:

- Có lẽ mình cứ kiên quyết tổ chức đột ấp thôi, anh Chín ạ! Bên tôi cũng có mấy việc cần làm.

Kiêu vẫn nhìn Thúy đăm đăm, tay vuốt vuốt tóc, miệng ậm ừ:

- Để coi lại tình hình đã... - Chợt thấy Linh, Kiêu cao giọng - Để tôi bàn... à, xin ý kiến anh Tám đây hẵng! Nhưng đi chớ. Dứt khoát phải đi chớ! Lúc này mình co lại là nó càng làm dữ đó!

Linh lạnh lùng lấy dây súng đeo vào người, nói không nhìn ai:

- Hai người cứ bàn, tôi đi xuống trung đội một chút.!

Anh đã dợm bước đi, lại quay ra bàn rót trà uống. Anh muốn Thúy nhìn thấy vẻ mặt lãnh đạm, bất cần của mình. Nhưng chị vẫn cúi xuống, nét mặt thản nhiên. Anh quay phắt lại, bước nhanh.... Nhưng ngay lúc đó, tiếng Thúy vang lên:

- Chiều không có đồ ăn, tôi với anh Chín ra gò kiếm măng đi! Tiện thể nằm thêm tình hình tối đi ấp luôn.

Kiêu nhìn nhanh cái lưng của Linh, trả lời có vẻ gượng gạo:

- Kiếm măng hả? Ừ, đi thì đi!

Thúy xách dao găm đi liền. Và chính vẻ mặt chị lúc này mới là vẻ mặt lãnh đạm. Kiêu uể oải đi theo. Tới chỗ ngoặt, bước chân anh ta bỗng ngoãn ngoắt tới sát Thúy... Mười Đảnh cũng xách lưới xuống sông.

Linh sựng lại như bị giội gáo nước lạnh vào đầu. Khi bóng hai người đã khuất hẳn, Linh bần thần tháo dây súng, ngồi xuống... Anh nằm dài xuống võng, móc thuốc hút. Có cái gì đang dâng lên chẹn lấy ngực anh...

Lang ló đầu ra khỏi mép võng:

- Em đã ngủ đâu. Em đùa chị Năm đấy! Bây giờ lính về bốt ăn cơm rồi, cho em đánh trái nhé! Đánh một trái đảm bảo nửa ghe. Em biết luồng cá mà!

Linh thờ ơ lắc đầu. Lang ngồi dậy, đầu ngoẹo đdi, thất vọng, tay gãi gãi cổ:

- Biết thế theo chị Năm đi bé măng lại hay hơn. Mà sao chị ấy chẳng gọi em, chỉ rủ mỗi anh Chín - Lang tò mò nhìn vào mắt Linh - Anh Linh nè, tại sao chị ấy lại không rủ anh? Đúng ra chị Năm phải rủ anh em mình

mới phải chứ!

Linh khó chịu, "hứ" Lang một cái, rồi với tờ "Điện tín" gói đường còn vương trên bàn.

“Người ta dự tính rằng: mùa hè năm nay Hà Nội sẽ tung ra một cuộc tấn công có quy mô rộng lớn, tương đương xuân 1968 vào các tỉnh trung phần, rồi từ đó phát triển...".

Mắt vẫn lướt trên các cột báo nhưng những dòng chứ lúc mờ lúc tỏ, khi gần khi xa, nhập nhòa trước mắt anh. Anh đọc mà đầu óc cứ nghĩ đâu đâu. Nổi lên trên những hàng chữ như kiến bò ấy là nét mặt lạnh nhạt của Thúy và cái chân đi ngoăn ngoắt của Kiêu.

"Các phi vụ trinh sát của sư đoàn II không quân đã phát giác ra địch quân xuất hiện nhiều ở biên giới Căm-bô-dia. Vị nguyên thủ quốc gia đã cùng ông đại tướng tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên đi thị sát vùng II chiến thuật..."

Thị sát vùng II kia à! Vùng II nào nhỉ? Ờ! Biết đâu thằng Lang nó nói đúng. Rất có thể họ yêu nhau lắm chứ! Một thanh niên tráng kiện, đẹp trai, lại mồm mép, biết chiều chuộng đàn bà; một cô gái xinh đẹp, dịu dàng, lại là "bà" bí thư xã, xứng đôi vừa lứa quá! Những ngày mình còn bị kẹt ở bên kia, có trời biết đã xảy ra chuyện gì... Mà thôi, chuyện gì thì chuyện, mặc kệ họ. Nào, xem xem nó nói bậy nói bạ cái gì trong này:

"… Tướng Giáp đã nhóm họp các thành phần chính trị ủy trong quân đội hồi đầu tháng để bàn về..."

"Chính trị ủy" là cái gì? Đồ ngốc! Con mắt thằng Kiêu nhìn mình mới gian chứ, vừa lấm lét, vừa đắc thắng, lại vừa thương hại. Hừ! Nó mà thương hại mình à? Chả hiểu thế nào, mấy ông lại đưa nó về đây. Cô ta nữa? Người thứ gì mà cau có cũng... đẹp! Ơ, nhưng mà sao thế này? Mình ghen ư? Ghen với ai?

“… Trong cuộc họp báo sáng nay, ông tổng trưởng dân vận và chiêu hồi đã loan báo, cho đến nay: 24-10-1972, số cán binh cộng sản tìm về với chánh nghĩa quốc gia là…”.

Không rõ họ sắp về chưa? Có lẽ Thúy còn giận mình, chứ chắc gì đã yêu Kiêu. Mà yêu thế nào được thằng ấy... Cái lần Thúy lên rồi bỏ về, mình... Đến lúc này, khi cô ấy ngoảnh mặt đi thờ ơ, lạnh nhạt mới thấy con người ấy xa xôi, không thể với tới được Thúy! Thúy vẫn còn giận tôi ư? Hay Thúy đã quên rồi! Mới xa có ít tháng mà trên lúm đồng trinh của Thúy, tôi lại thấy thêm một vết nhăn. Thúy ơi! Tôi... Tôi yêu em thật rồi! Yêu em thực sự rồi! Em có biết không! Trở lại với anh đi. Anh cần nói chuyện với em…

Linh vò nát tờ báo, ngồi nhỏm dậy. Sông nước vẫn vắng lặng, yên tĩnh. Lang đã ngáy ngon lành. Anh lại từ từ nằm xuống, vuốt tờ báo đắp lên mặt. Cố nhắm mắt một lúc vẫn không sao ngủ được, anh lại vùng dậy. Cô ất đã cố tình trêu tức anh? Thằng Kiêu...! Đã biết ngay mà! Dính dáng vào ba cái chuyện này là mệt lắm. Thôi, dẹp, dẹp. Xuống các "bê" chút coi. Có khi mang đồ xuống nằm với anh em lại thảnh thơi. Linh thả chân xuống đất nhưng vẫn chưa chịu đứng dậy. Xuống các "bê". Làm gì còn các "bê" nữa mà xuống. Toàn đại đội bây giờ chỉ còn mười mấy mạng, gom lại chỉ già một tiểu đội. Thế mà lại nhẹ. Đại đội trưởng, chính trị viên, bí thư chi bộ cũng mình, kiêm nhiệm đủ cả. Đến thằng liên lạc cũng không có. Mượn tạm thằng Lang, đến lúc tác chiến lại phải trả nó cây B.40. Chà! Thằng nhỏ ngủ ngon lành quá! Có lẽ mấy ngày tới phái lo kết nạp cho nó. Đảng số lại không đủ. Chỉ có mình và cậu Phận trung đội là chính thức. Nhã mới dự bị. Gay go thật. Số đảng viên phát triển không đủ với số đảng viên ngã xuống. Liệu chi bộ có tồn tại được không? Linh điểm qua từng khuôn mặt trong đơn vị và không biết mình đã ngủ thiếp di từ lúc nào.

Khoảng nửa đêm, Linh đang nằm cuộn tròn trong võng chợt nghe ba tiếng nổ lớn phía ấp chiến lược. Linh giật thót người, ngồi bật dậy. Mìn mo rồi! Tiếng nổ của clây-mo. Nó đã nổ trước là dứt khoát mình bị rồi. Ngay sau có lại có hai tiếng nhỏ hơn, tiếng B.40. Tiếng B.40 của Lang. Tiếng nổ không bình thường chút nào cả. Nó thất thanh như tiếng kêu cứu. Một loạt súng con nổ rộ lên. Linh thót lên ngọn cây. Trước mắt anh, chỉ còn ánh hỏa châu bung đầy trời, nhấp nháy, rối loạn. Trận đánh đã tắt lịm từ lúc nào. Linh tính bảo cho anh biết nhất định đã xảy ra chuyện chẳng lành. Anh tì mạnh trán vào chạc cây. Hồi chiều, đúng ra mình không nên ở nhà. Anh Sáu Dô cho người mời lên họp gấp. Đã định để Kiêu đi họp thay nhưng Kiêu xin đi theo tổ đột ấp kiếm gạo. Nằm chơi lâu quá rồi, xông pha một chút cho nó dày dạn còn chuẩn bị làm ăn lớn. Nghe có lý quá, Linh cũng không cản. Vả lại, Thúy vẫn im lặng, thậm chí lúc xuất phát, chị còn lãnh đạm đi qua trước mặt anh. Thì ở lại, càng khỏe người. Thằng Lang cũng năn nỉ đòi đi. Nó đã muốn gì thì khó ai ngăn được. Mới đi về còn mệt thế mà nó tỉnh như sáo. Lúc Lang khoác dàn đạn B.40 lên lưng, Linh còn dặn đi dặn lại:

- Đi đứng cẩn thận nghe Lang! Bám cho chặt. Tao dành cho mày trái tạc đạn này về ném cá!

… Linh tuột nhanh xuống đất, hấp tấp cởi bộ quần áo dài. Cả đội có chiếc ghe đã đưa bộ đội đi ấp, Linh bơi hối hả qua sông. Tới bờ bên kia, anh rút tạc đạn cầm tay, bươn theo đường mòn trong lô cao-su dẫn vào ấp. Được một đoạn, anh bỗng nhảy sang bên, ngồi móp xuống sau một bụi cây. Một đàn muỗi bay ào lên. Trước mặt anh có những bóng đen đang lật bật đi tới. Đi đầu là hai người cầm súng. Tiếp theo là một cái cáng. Lại một cáng nữa. Thấp thoáng mấy bóng người phía sau. Tất cả đều vận quần cụt. Linh trông rõ một trong mấy người đang cáng là cái dáng mềm mại của Thúy và cái dáng cao lênh khênh của Mười Đảnh.

… Chín... mười... mười ba... Linh thấy bải hoải tay chân. Cả hai cáng này mới là mười lăm. Còn một người nữa đâu? Hồi chiều xuất phát mười sáu kia mà? Thôi, bỏ một con rồi. Như bị bổ một nhát búa trúng đầu, Linh ngồi sụp xuống. Những cái cáng đang diễu qua trước mặt. Trời đất ơi, tại sao chiều nay anh lại không đi? Anh đã bỏ mặc anh em. Cả tổn thất này nữa, cũng là do anh... Đến khi đoàn người đi khuất, Linh mới đứng lên, loạng choạng đi theo. Mờ mờ trước mắt anh là dáng đi ủ rũ của Kiêu. Nó đi sau! Nó vẫn đi sau! Bao giờ nó cũng đi sau! Chắc lúc nãy nó cũng đi sau nên mới để xảy ra nông nỗi này. Quân giải phóng mà để mất xác. Nhục nhã quá! Linh cứ cúi đầu đi theo tới lúc ngẩng lên thì đoàn người đã dừng lại bên mí nước.

Tiếng Kiêu vang lên, bẳn gắt:

- Thôi! Không phải khiêng về "cứ" - nữa. Chôn luôn đây thôi! Còn thằng Lang, đồng chí Phận đưa về phẫu cấp cứu...

- Chỗ này đất thấp quá, anh Chín! Chôn đây sợ nước cuốn đi mất.!

- Không sợ gì cả! Chôn đâu chả được. Làm lẹ đi không pháo nó dập thấy mẹ bây giờ!

- Tôi không đồng ý. Để hỏi ý kiến anh Linh đã! - Phận lên tiếng.

- Không phải hỏi ai cả! Tôi ra lệnh. Anh cứ chấp hành đi! Cái gì cũng Linh, Linh. Nó có thèm đi đâu mà hỏi! - Giọng Kiêu hậm hực.

Như bị tát trái vào mặt, Linh lừ lừ đi lại. Anh cố hạ giọng xuống nhưng tiếng nói cứ run lên:

- Không được làm tử sĩ ở đây. Đồng chí Kiêu phụ trách bộ đội đưa đồng chí ấy về cứ, tìm chỗ cao ráo đắp điếm đàng hoàng

- Anh dằn giọng - Tôi sẽ kiểm tra lại. Đồng chí Phận và tôi đưa Lang về phẫu. Rõ chưa?

Kiêu giật mình quay lại, thấy Linh, anh ta luống cuống rồi đột ngột buông một tiếng "Rõ!" lạc lõng. Linh và Phận nhanh chóng đưa Lang xuống ghe. Ghe nhao ra được một đoạn, Linh quay lại, vẫn thấy bóng Kiêu đứng lặng ngắt trên bờ.

Nước đang ròng sát đáy. Ghe không chèo được, Linh và Phận phải nhảy xuống đẩy đi ngược dòng. Bùn lệt sệt ngập tới bắp vế hai người. Bám tay vào cột chèo rồi, Linh mới chợt nhận ra Thúy đang ngồi thu người trong lòng ghe. Chị đang cầm tay bắt mạch cho Lang. Mấi tóc rủ xuống che hết mặt.

Hai người đẩy cật lực. Bắp chân mỏi nhừ, bùn vấy cả lên bụng lên ngực. Thỉnh thoảng lại có vật gì sắc cạnh cứa vào gan bàn chân liếc ngọt ở bắp chân. Linh không thấy đau. Anh rụt cổ, gồ vai lên đẩy, phẫu còn xa. Tính mạng của Lang có khi được quyết dính bởi sự nhanh hay chậm của cái giầm bơi quạt nước.

Lang nằm ngửa, oặt lưng lên then thuyền, chốc chốc lại rướn người lên, rên rỉ. Tội nghiệp thằng nhỏ quá chừng. Mới hồi chiều còn đòi dành trái kiếm cá ăn. Cả tháng nay không có một chút chất tươi, vậy mà nó cứ cười hoài. Ngay cả lúc vào tới nội đồn, lửa đạn bốn chung quanh, nó vẫn vừa cười vừa dập thủ pháo. Những ngày phải ém thum, cu cậu ngứa ngáy chân tay lắm. Có dịp được về hậu cứ là chạy nhảy cùng rừng, ca hát líu lô như con nít. Từ lâu, Linh đã coi Lang như em út trong nhà. Dạo còn ở "bê" điều nghiên, đêm nào Lang cũng rúc xuống hầm Linh nằm hỏi đủ thứ chuyện. Có lần Lang ngây thơ hỏi: "Anh Linh à, em trẻ con quá khó vào Đảng lắm, anh nhỉ? Đảng viên là phải từng trải, ít nói, đi đứng cẩn thận như anh với anh Sáu...". Linh bật cười. Những đêm Linh chui rào, đòi đi thay không được, lúc trở ra, anh đã thấy Lang đứng chờ ở cửa đột rồi. Cậu em út ấy chăm sóc, lo cho anh từng tí, chu đáo, cẩn thận như em gái. Đi đâu, làm gì cũng muốn cặp kè với Linh.

Lang khoe có người chị gái ở Bộ tư lệnh Thông tin Hà Nội, hơn mình ba tuổi. Sau này trở về, sẽ gả cho Linh. Lang mà nói là chị dứt khoát phải nghe. Chị Lang sợ Lang lắm! Sợ hơn cả ông bố là phó chủ tịch tỉnh nữa. Bởi vì nếu chị làm trái ý, Lang bỏ cơm lên núi chơi, chị sẽ phải vừa khóc vừa đi tìm.

Linh hỏi:

- Chị có đẹp không?

- Không biết! - Lang lắc đầu.

“Thằng em mà còn mũm mĩm như vậy, chắc chị cũng... không đến nỗi nào" - Linh nghĩ.

Thời kỳ đầu mới vào chiến trường đã va phải bọn chiến đoàn "52", Lang không dám rời công sự lên đón bắn một chiếc M.48 to lừng lững như cái nhà, đang nghiến cây tiến đến. Linh nóng gáy bợp nhẹ cho cu cậu một cái rồi giật lấy súng nhảy lên. Bị bợp bất ngờ, Lang ngơ ngác mất một lúc mới hiểu, mặt câu ta xị xuống, nước mắt lưng tròng, Linh tưởng Lang sẽ giận anh suốt đời. Nhưng đến khi Linh bị một trái pháo khoan sụp hầm, đất cát, gỗ rầm lấp kín lấy ngực, tưởng chết; chính Lang đã vừa mếu máo vừa cào cấu nát bấy mấy đầu ngón tay, moi Linh ra. “Anh Linh ơi! Anh Linh! Anh chết chưa?". Có lẽ không bao giờ Linh quên được tiếng gọi vừa tháng thốt vừa ngộ nghĩnh đó.

Nước dừng lại rồi lớn dần dần. Linh và Phận nhảy lên ghe chèo gấp. Mái giầm quạt thật nông, vẫn đụng bùn ê cả tay. Một tiếng rên như đứt hơi. Linh ngôi thụp xuống trước mặt Thúy. Lang đau lắm, mặt dúm lại, toàn thân cứ muốn lật sang bên.

Khi chiếc ghe lướt êm rồi, cái giọng Quảng Nam của Phận mới cất lên, nặng trịch:

- Thím Hai báo chiều lính có xuống phía đường bò. Cả con Tư Hạnh cũng lảng vảng gần đó. Con học trò này độ rầy hư đốn lắm. Liên tục đi lại với bọn lính trong đồn, hay la cà tới "cứ" tới bưng để thăm dò tình hình, phát hiện dấu dép, học sinh lấy tiền đâu mà xài sang quá trời vậy? Đáng lẽ cắt vòng gò mả Đông thì lọt, nhưng ông Kiêu không nghe, sợ phía ấy không có địa thế, nên cứ đâm đầu đi thẳng. Thế là bị! Mẹ nó! - Không biết Phận chửi ai - Không có thằng Lang thì còn bị nữa! Nó dính miếng lủng ruột rồi vẫn còn quất được hai trái B.40, bọn lính bỏ chạy chứ không còn là khiêng nhau. Xem chừng chúng cũng lật kha khá, thấy "đù mẹ, đù cha" ầm lên. Phận nuốt nước miếng giọng càng nặng hơn.

- Kể ra các anh chỉ huy cứ cho anh em trụ lại thì thằng Nhã đâu có mất xác? Mất luôn cả cây B.41 nữa! Mẹ nó! Ngày mai chúng lại tha hồ huênh hoang. Nói thiệt, mình mất một người, nó mất một trăm cũng không xứng! Lại mất tay đảng viên sắp qua dự bị... - Tiếng anh tổ trưởng Đảng ngày một to lên như đang bốp chát với ai.

- Thôi! Chèo nhanh tay lên, Phận!

Linh sốt ruột gắt và lo lắng nhìn cái bụng quấn đầy băng của Lang đang nhướng lên, đầu Lang cứ ngất ra mạn ghe như muốn truội xuống nước. Linh vừa đưa tay giữ chặt lấy, Lang hét váng lên.

Thúy nhẹ nhàng đỡ đầu Lang đặt lại ngay ngắn, nói như năn nỉ:

- Đừng la nữa Út ơi! Em có thương chị, thương mấy anh thì ráng chịu một chút. La nhiều mất sức... Kia kìa! Sắp tới rồi! Mấy anh sẽ chữa cho em khỏi ngay. Em sẽ lại mập, lại khỏe, lại đi hái măng với chị... Út có nghe chị Năm nói không?...

Lang hơi hé mắt nhìn lên, miệng mím chặt, không kêu nữa.

Nhìn Lang đang nằm ngoan ngoãn, Linh thoáng nghĩ: "Giá khi mình bị thương cũng được Thúy...". Anh vô tình ngước mắt nhìn lên. Dưới ánh hỏa châu, đôi mắt ấy cũng vừa ngước nhìn anh và vội vã cụp xuống. Linh hấp tấp ra đầu ghe phụ chèo với Phận. Anh cố gượng nhẹ cho chiếc ghe khỏi tròng trành. Gió về đêm lành lạnh nhưng Linh thấy người anh đang nóng ran lên vì một cảm xúc khó tả. Ngay sau lưng anh là đôi mắt ấy, mái tốc ấy và một bàn tay dịu dàng, mềm mại của...

Bỗng chiếc ghe chao dữ dội. Tiếng Thúy hốt hoảng:

- Mấy anh ơi! Lang nó làm sao đây nè!

Linh bật đèn pin nhào tới. Lang nằm mềm nhũn, mặt tái xanh. Anh để tay vào mũi Lang: hầu như không thấy gì nữa. Thúy vụt đứng dậy ra thay chỗ Linh, quạt giầm ràn rát. Chiếc ghe chồm lên.

Gần sáng, chiếc ghe mới tới được phẫu. Đồng chí y sĩ còn trẻ măng xem kỹ vết thương rồi nói nhỏ với Linh:

- Nặng đấy anh ạ! Chúng tôi sẽ mổ cho đồng chí ấy ngay! Các đồng chí lấy giấy tờ cần thiết cho cậu ấy đi. Tỷ lệ tử vong hơi cao.

Một suy nghĩ bỗng lóe lên như muốn đốt cháy đầu óc Linh. Anh gọi khẽ:

- Phận! Lại gần đây! Ngồi xuống đây! - Im lặng một chút, giọng anh nhỏ hẳn lại như thì thầm - Đơn của Lang đã thông qua tổ rồi phải không? Tốt quá! Kìa, ngồi sát lại dây. Chi bộ chỉ còn tôi với Phận. Chúng ta sẽ kết nạp Đảng cho Lang. Hai người thôi cũng được. Lang sẽ hiểu cho chúng mình.

Linh đưa tay vuốt lại mái tóc. Phận lầm lì không nói. Vừa lúc đó Thúy lặng lẽ đi đến và ngồi xuống.

- Cả tôi nữa! Đồng chí bí thư chi bộ ạ! Ba! Đủ đảng số rồi!

Linh hơi ắng người đi. Anh cúi xuống sát mặt Lang:

- Lang ơi, Lang! Tỉnh lại một chút thôi. Tỉnh lại đi, em!

Lang hơi máy mắt rồi từ từ mở hé ra, trông mắt chỉ thấy có lòng trắng. Thúy dịu dàng vuốt lại mái tóc rối bù của Lang đang xòa xuống trán.

Thế rồi trong đêm vùng ven, thoang thoảng mùi cây trái từ ngoài bưng thổi về, ba người, mặt mũi, quần áo lấm lem bùn đất ngồi sát vào nhau, chụm đầu nghiêm trang trên dáng nằm của người chiến sĩ. Người cởi trần cất tiếng nói chậm và rõ ràng:

- Thay mặt cấp ủy và chi bộ, tôi tuyên bố từ giờ phút này đồng chí Ma Hồ Lang được công nhận là đảng viên chính thức của Đảng Lao động Việt Nam, thuộc chi bộ 1, đảng ủy... không qua thời gian dự bị...

Giọng nói của anh bỗng nghẹn tắc lại. Người chiến sĩ đang nằm thiêm thiếp, băng quấn đầy ngực, không hiểu có nghe rõ không, nhưng từ đôi mắt khép một nửa của anh, một dòng lệ ứa ra. Cô gái ngồi bên cạnh bật lên khóc thút thít.

Không chịu nổi tiếng khóc bị dồn nén lại đó, Linh run run đặt tay lên ngực Lang rồi đứng dậy. Anh nói khẽ nhưng rắn rỏi như một lời hứa với mình:

- Em cứ yên tâm nằm viện. Đơn vị sẽ đánh thay phần cho em!

Chiếc ghe quay ngược trở về "cứ".