Nắng đồng bằng

Chương chín

Docsach24.com

ớm mai. Dòng sông phẳng lặng và trắng như sữa. Từ trên võng mắc sà sà mặt nước, Linh định cứ thế nhoài xuống bơi vài vòng. Anh có cảm giác chỉ cần nhúng xuống một chút là toàn thân sẽ bị nhuộm trắng phau và lưỡi sẽ nếm được mùi vị ngòn ngọt của nước. Anh trườn ra mép võng, buông chân... Tuy vậy anh vẫn nằm im. Ba hôm nay ăn toàn cháo nấu với rau móp lõng bõng, chậy tay muốn rủn cả ra rồi. Anh nhìn đăm đăm ra khúc sông lượn vòng. Chỗ ấy nước vẫn lặng lờ và trắng đến nỗi không soi nổi một bóng cây nào trên bờ. Cả một đêm trong giấc ngủ chập chờn, anh đón nghe một tiếng giầm khua nước. Thuý đã đi ngót một tuần nay chưa thấy về.

Có tiếng sột soạt trên đường mòn. Linh nhỏm dậy. Phận và một du kích có mái tóc ướt bết sương, lùi lùi đi vào. Cả hai đều chỉ mặc quần đùi, toàn người trát lọ nham nhở. Trên lưng Phận tênh tênh nửa bồng gạo. Nhìn hàm răng trắng khác thường trên bộ mặt đen đũa của Phận, Linh quay mặt ra sông cuốn thuốc hút. Có tiếng bước chân của cậu du kích giẫm khẽ kháng trên lá khô, đi về hầm của mình.

Phận đứng ngập ngừng sau lưng Linh hồi lâu mới nói:

- Chỉ được non chục lít thôi anh ạ!

Không thấy Linh trả lời, Phận trở nên rụt rè:

- Hai đứa tui bò cả đêm mà cũng chỉ tiếp cận được ngôi nhà rìa ấp. Nhà họ cũng cạn gạo rồi.

Thấy khói thuốc trên miệng Linh vẫn lặng lẽ nhả ra, Phận luống cuống ngồi xuống:

- Tui định báo cáo nhưng sợ anh không cho đi...

Linh quay phắt lại:

- Ai bảo đồng chí đi như vậy, hử?

- Tại... Tại nằm ngủ không được. Lòng dạ nào mà nhìn mọi người húp cháo hoài. Nhân tiện thử dò đường xem.

Linh gắt lên:

- Đâu phải chỉ có chuyện kiếm một bữa ăn? Đây này...- Linh rút tờ công văn đánh máy lên trước mặt Phận - Tỉnh chỉ thị bằng mọi cách phải chuẩn bị được ba tháng gạo và tập trung hỗ trợ cho xã thu thuế, thu đảm phụ tối đa đưa về trên. Tình hình vậy mà các cậu lại định thí thân đổi lấy một vài lon gạo. Lại còn rủ rê du kích đi theo nữa?

- Nhưng... Tôi ngủ hổng được. Tôi định....

Phận bỗng im bặt trước ánh mắt nghiêm khắc của Linh. Anh lấy móng tay gậy gậy những vết pin đen đã đóng vẩy trên ngực. Cái nhìn của Linh dừng lại ở cặp mắt hõm sâu sau một đêm thức trắng của Phận và bỗng dưng thấy lòng mình se lại. Anh không ngờ con người vốn dĩ thận trọng như Phận mà cũng mạo hiểm như vậy. Nửa đêm dám lẻn một mình vào vùng địch chỉ để kiếm ít gạo... Anh thợ đào đất xứ Quảng làm nhiều hơn nói này trước đây nguyên là quản lý tiểu đoàn. Một viên quản lý căn cơ, chặt chẽ, không hút thuốc, uống trà và ghét rượu thậm tệ. Dạo hành quân xuống vùng sâu, thấy Phận tuổi tác cũng đã lớn, công việc làm hậu cần đã quen thạo, ban cán bộ định giữ lại làm tài vụ trung đoàn, Phận không chịu "nửa đường đứt gánh với cái đơn vị đã gắn bó từ dạo đầu nhập ngũ. Nặng nợ rồi!" - Phận nói với anh Cầu như vậy. Xuống sâu không còn chế độ cấp phát, tất cả nguồn lương thực đều nằm trong ấp chiến lược, anh tự giác từ bỏ những cột hàng "chi, thu”, xuống giữ một cây cối tép đã mất bàn đế. Bây giờ tiếng là trung đội trưởng nhưng với quân số bốn, năm người, thực ra Phận còn vất vả hơn cả tổ trưởng một tổ ba người. Tuổi mới khoảng ba mươi lăm nhưng anh lại là người duy nhất trong tiểu đoàn có tóc bạc. Lúc vui vẻ Linh thường đùa Phận có gương mặt hao hao giống vua Quang Trung, nhất là khi hàm râu đen sì cả tháng không kịp cạo. Lang còn đùa thêm: có một lần chính Phận đã tự nhận là cháu ba đời của Nguyễn Huệ, nhưng chắc chắn một điều rằng cụ Nguyễn ngày xưa không khắc khổ tằn tiện như "Nguyễn Phận" bây giờ. Nghe vậy, Phận chỉ ứ hự trong cổ. Song, quả thật đôi lần người ta bắt gặp anh soi mặt xuống sông vào lúc mặt nước phẳng lặng như gương. Thêm vào đó, hàm râu rậm anh càng không có ý cạo đi.

- Anh Tám cho tôi cuốn một điếu thuốc! - Phận lóng ngóng xé một miếng giấy quyến.

Nhìn cái bụng lép kẹp của con người cả đời không hút một hơi thuốc, Linh không còn lòng dạ nào mà khiển trách nữa. Cậu ấy rét. Anh thoáng nhớ lại chính anh cũng đã có một lần liều mạng như vậy... Một đêm hết thuốc rê, cả đơn vị ngáp ngắn ngáp dài, anh Sáu Hoá hết ngồi lên lại nằm xuống có vẻ phiền não lắm. Sốt ruột, Linh lẳng lặng lẻn dậy xách súng vào trong ấp. Gần sáng anh tha về một cục thuốc, to bằng đầu gối. Sáu Hoá tròn xoe mắt, hỏi. Anh nói để quên ở đáy bồng...

Linh càu nhàu:

- Thuốc men gì? Biết hút đâu mà hút! Thôi, đi ngủ đi. Người với ngợm trông hay chưa kìa? Liều!

Phận "Rõ!" một tiếng rất gọn nhưng vẫn ngồi im.

- Cái gì nữa?

- Báo cáo anh... Tôi không hiểu làm thế này là sai hay đúng, nhưng hồi đêm đi qua ổ kích, tôi tiện tay có... có tóm được một chú nghĩa quân. Nó đang ngồi ở cửa rừng.

- Tiện tay? - Linh tròn xoe mắt - Ai bảo anh tóm? Lấy gì mà nuôi nó?

- Tôi... Tôi tưởng...- Phận luống cuống làm rách mảnh giấy quấn thuốc - Vậy cho tôi thủ tiêu luôn nó bây giờ?

- Đi ngủ đi! Lắm chuyện...

- Rõ!

Phận đứng dậy như người bị phạm lỗi, cầm cục xà-bông thơm đi xuống bến, cái đầu to tướng có một nhúm tóc bạc ở sau ót cứ lúc lắc.

“Nếu rủi tới đây, một viên đạn chó chết nào đó bỗng dưng vô cớ tìm tơi mình thì người nắm cái đơn vị này nhất định sẽ là Phận. Phải, chính cậu ấy, không thể ai khác?". Linh nghĩ thầm.

Tiếng con gái nói nho nhỏ ở phía hầm của xã kéo Linh quay lại. Anh ngớ ra: Năm Thuý đã theo đường gò về từ lúc nào, đang trao đổi cái gì có vẻ sôi nổi lắm với xã đội trưởng Mười Đảnh. Qua những vòm lá rậm rịt, anh thấy rõ khuôn mặt võ vàng của Thúy với gò má nhô cao khác thường. Trông chị già hẳn đi như người vừa ở tù ra. Thúy đang lấy thuốc đỏ quệt vào những chỗ sây sát trên bắp chân, trên cánh tay. Đáng lẽ phải chạy ngay tới đó nhưng Linh lại ngần ngại ngồi im. Rốt cuộc là Thúy đã trở về. Những ngày vừa qua Linh ít có dịp tiếp xúc với Thúy. Công việc điều nghiên, trinh sát của bộ phận Linh tạm thời bị đình lại vì đang giữa tuần trăng. Anh em trong đơn vị quay qua chuyện lo kiếm gạo, cải thiện sinh hoạt. Trong lúc đó thì Thuý chúi đầu vào bao công việc bề bộn, xô bồ trong xã. Từ ngày Thúy nắm bí thư xã thay chú Tư, tình hình có ngon lành hơn. Các tổ tự vệ mật, tổ thông tin, tổ phụ nữ trong ấp bắt đầu hoạt động. Bọn tề điệp có vẻ co lại. Đi đứng, bám dân bám ấp cũng dễ dàng hơn trước. Nhưng hơn nửa tháng nay bọn địch liên tiếp mở những cuộc hành quân càn quét, đánh tróc "cứ", kết hợp với những đợt thanh lọc, bình định trong dân, mạng lưới cơ sở toàn xã tạm thời phải nằm im. Đảm phụ, thuế má và cả nguồn lương thực cung cấp cho đội du kích bị cắt dứt. Công văn, chỉ thị của quận tới tấp đưa xuống xã. Thúy gầy rạc người đi. Ban ngày chị ra bưng làm việc với cơ sở, đến tối mịt mới về. Nhiều bữa bỏ cả ăn. Có lần bị lính rượt, chị ém mình xuống sình, nửa đêm mới mò về được tới "cứ", toàn thân rét run. Cả đội du kích cũng bị cuốn vào những công việc thầm lặng, không tên, không tuổi đó. Anh chỉ mong chóng hết tuần trăng để lao vào nghiên cứu mục tiêu. Nhất là từ khi Thúy vào ém hẳn trong ấp để rà lại toàn bộ mạng lưới cơ sở, Linh càng nôn nóng, sốt ruột...

Không ngừng được, Linh quả quyết đứng dậy, đi lại phía Thuý. Kiêu đã ngồi đó từ lúc nào. Anh ta đang ân cần giúp Thúy bôi thuốc đỏ vào chỗ khuỷu tay, Thúy vẫn chưa nhìn thấy Linh. Chị nói nhỏ nhẻ:

- Tôi đề nghị các anh đêm nay cho một tổ đột ấp. Tôi đã hiệp đồng tỉ mỉ với bà con. Mình sẽ vào thẳng khu chợ là khu lâu nay bà con

chưa thấy bóng dáng cách mạng. Tôi sẽ làm việc với tay chủ lò heo một chút rồi gom bà con lại nói chuyện. Bà con đã chuẩn bị, gạo, mắm cho ta rất chu tất. Chỉ cần ra, vô phải thiệt êm...

Linh ngồi xuống, nhẹ hẳn người đi. Không ngờ mấy ngày ở trong lòng địch, Thúy lại gỡ được nhiều cái rối rắm như vậy.

Kiêu hỏi, mắt sáng lên:

- Thằng cha chủ lò heo nào thế?

- Thằng Ba Mập...- Thúy chợt quay lại nhìn thấy Linh, giọng chị thoáng một chút vui - Nửa năm nay hắn không chịu đóng cho ta một đồng thuế. Tay này giầu sụ và rất thân với bọn tề. Thấy ta lâu nay không vào được, hắn đánh bài bây. Bọn em út hắn ở các xưởng cưa, xưởng cá, chủ tiệm cũng theo hắn làm tàng luôn. Thấy tôi vào thẳng lò mổ, hắn đứng chết trân, mồm há hốc không nói được lời nào. Khi đã hoàn hồn, hắn lập cập xỉa ra một bọc tiền cỡ cái bánh tét, toàn giấy một ngàn... Ai thèm lấy cái thứ đó. Tôi buộc hắn ngay tối nay sẽ đứng ra gom hết số thuế của bọn đàn em trao cho cách mạng, không được thiếu một đồng. Lúc tôi trở ra, hắn eòn khúm núm đưa một cái đầu heo mới vớt trong thùng...

- Đâu rồi chị Năm? - Mười Đảnh sốt sắng hỏi.

- Tôi không lấy.

- Chà! Hụt bữa nhậu rồi. Nghe thèm muốn nhậu nước miếng... - Đảnh hít hà tiếc rẻ.

- Lỡ nó cho mình lọt bẫy thì sao? - Kiêu nghi ngờ hỏi.

- Lọt sao được? Nó có muốn làm ăn kiếm chác lâu dài chớ! - Phận vừa lên đến nơi, trên đầu còn đầy bọt xà-bông, tham gia ngay vào câu

chuyện - Ở xứ tôi cũng vậy. Bọn đó sợ cách mạng hơn. Ở giữa, nó phải đóng cả thuế cho ta lẫn địch. Lơ mơ là sạt nghiệp như không.

- Chị có gặp mấy gia đình có con đi lính không? - Đảnh hỏi.

- Nữa! Chút nữa bỏ mấy em nhịn đói. - Thúy vui vẻ chỉ ra cửa hầm. Đến lúc ấy Linh mới trông thấy chừng mười người, cả trai lẫn gái, tất cả còn trẻ măng, đang ngồi lúm xúm bên cạnh những gói đồ con con.

- Ai đó, chị Năm? - Phận tò mò hỏi.

- Tân binh lấy trong ấp ra đó! Mười Đảnh kêu người nấu cơm cho mấy em ăn đi. Đi cả đêm đói rồi. Có gạo đó! - Chị quay qua trả lời câu hỏi ban nãy của Đảnh - Gặp sao cho xiết. Già nửa hộ trong ấp không có con đi lính địa phương thì có con đi lính chủ lực. Tôi chi gặp mấy gia đình nhân cốt. Họ hứa sẽ kéo được con cháu về. Không theo được cách mạng thì ra các cứ “Bù Chao”. Chính họ góp gạo, mắm nhiều nhất. Mấy em đây là của bà con tình nguyện gửi gắm cho cách mạng...

Linh nhìn đám con trai con gái ăn mặc đủ màu đang ngồi yên lặng mở to những đôi mắt ngỡ ngàng. Mấy cô, mấy cậu này chắc lần đầu tiên thấy cuộc sống ở rừng. Cũng bàn ghế, trà lá, họp hành đàng hoàng. Chỉ cần dăm ba bữa, họ sẽ trở thành những người chủ thực sự, những tay súng du kích khôn ngoan và láu lỉnh... Giá có anh Út "Cò ngẳng" ở đây, Linh sẽ nói một câu thật văn hoa: "Đây chính là những Mười Đảnh, Năm Thúy trong tương lai của chúng ta".

Tiếng Thúy vẫn vang bên tai anh:

- Cái chính là phải làm cho bà con thấy Cách mạng luôn luôn ở bên cạnh họ. Mọi việc sẽ xuôi chèo mát mái hết...

Linh đứng lên:

- Đêm nay toàn đội trinh sát sẽ đi với các đồng chí. Cần cho bà con thấy tận mắt uy thế của Cách mạng... - Linh bỗng ngừng bặt. Chút nữa anh đã lặp lại i sì câu của Năm Thúy.

Anh đi ra cửa rừng. Đằng sau anh, Phận đang vung tay nói sôi nôi:

- Chừ hề! Cả bộ đội lẫn xã có bốn chục người. Mỗi người mang ba chục lít. Vị chi một ngàn hai trăm lít. Trừ mấy người phải mang thêm vũ khí, còn lại ngót nghét cũng được ngàn lít. Đủ xài ba tháng đánh đá rồi!

Giữa đêm khuya, có một tia đèn pin sáng xanh, lia loang loáng trên những cánh võng mắc chồng chéo. Chấm sáng tròn xoe đang lướt dần tới võng Linh. Anh nằm im hồi hộp. Nửa đêm mà có đèn từ dưới bến lên thế này là không bình thường rồi. Không mệnh lệnh chiến đấu khẩn trương thì cũng tin địch càn lớn. Nhiều khi sợ ánh đèn pin của giao liên, của truyền đạt viên hơn cả chính nội dung mệnh lệnh. Khi chấm sáng có vẻ ngờ ngợ đừng lại ở võng anh, Linh liền ló đầu ra, xoè tay che bớt độ sáng. Nhận ra khuôn mặt xinh xắn của Rổn, anh nhổm dậy kéo tuột chú bé giao liên đùi vế còn ướt nước vào lòng:

- Có gì mà gấp gáp dữ vậy, em?

- Sao người anh nóng quá trời vậy? - Rổn giãy ra.

- Vừa hạ cơn sốt rét.

- Nè! Có thư hoả tốc! - Rổn móc túi mìn mo đeo trễ hông, lấy ra cái phong thư nhỏ xíu.

Linh hấp tấp xé mép bì thư. Anh đọc vội:

Kính gửi anh Linh và Kiêu!

Ngay đêm nay, mời hai anh về hố Đầu Lâu họp gấp.

Ký tên

HAI RÒNG

Tham mưu trưởng tỉnh đội

Linh ngẩng lên hỏi, vẻ háo hức:

- Tình hình có gì mới không?

- Em hổng rõ. Nhưng có vẻ dữ dội lắm. Mấy đứa giao liên bọn em đang ngủ cũng bị gọi dậy, tung đi hết. Chỉ có anh là ở xa nhất đó! Em thấy người nào cũng vội vội vàng vàng. Có cả Chú tỉnh đội trưởng và chú bí thư nữa - Rổn nháy mắt, dứ dứ ngón tay trước mặt - Nghe nói sắp mần ăn lớn rồi!

- Vậy hả?

Linh nhảy phắt xuống đất. Cơn sốt nóng lạnh như biến đâu mất. Có chuyện thật rồi! Phải thế chứ! Xìu xìu ểu ểu mãi đâu có được. Đã đến lúc phải lằm ăn cho ra trò. Thảo nào mấy hôm nay đài BBC cứ la ầm lên sốt cả ruột, máy bay chúng nó cũng quần nhiều hơn, ngoài lộ suốt đêm ngày ầm ì tiếng GMC chở nặng, dân ra làm đồng cứ thấy dáo dác, và mình, mình cũng cảm thấy có một cái gì mơ hồ đang hình thành. Hay! Nếu đúng thế thì tuyệt! Anh định chạy tới gọi Kiêu nhưng anh ta đã đứng lù lù ngay trước mặt Linh tự lúc nào.

Linh sắng giằng:

- Đi! Đi họp! Lẹ lên, ông Chín! Chắc có chuyện động trời rồi!

Kiêu đứng dạng chân ngáp dài:

- Ông đi đi! Tôi ở nhà trông coi đơn vị. Đã chắc gì có chuyện quan trọng. Mấy ông trên ưa làm chuyện giật gân!

- Nhưng điện gọi cả hai. Vắng mặt đâu có được?

Kiêu ngáp tiếp cái nữa:

- Ừ, đi thì đi!

Rổn ngó nghiêng hỏi:

- Chị Năm nằm đâu, anh Tám? Chị có thư của quận.

Linh bấm đèn vào cái võng ni lông sa tanh màu đen mắc cách đó không xa, chỉ cho Rổn. Nhưng khi thấy khuôn mặt Thúy đã hiện ra nhờ nhờ bên mép võng, anh vội tắt đèn đi. Rổn chạy ra đó.

Linh gọi Phận dậy trao đổi mấy việc cần làm ở nhà, rồi nhắc khẽ:

- Tiếp tục nắm thêm má Sáu, chị Hai, tình hình con Tư Hạnh. Mình lên họp xin ý kiến xử lý. Có gì ở nhà xin thêm ý kiến chị Năm.

Trong khi bước vội theo Rổn xuống bếp, anh còn kịp thấy Kiêu nán lại bên võng Thúy, nói điều gì. Không có tiếng Thúy đáp lại, chỉ nghe mép võng chùm xoàn xoạt. Linh bỗng thấy nhoi nhói trong người. Họ đang tiễn biệt nhau... Từ hôm đó đến nay, đã đánh thêm mấy trận nữa rồi mà Thúy vẫn có khác gì đâu. Ngoài những khi bàn bạc công tác khô khan, Thúy thường né tránh nói chuyện với anh. Thái độ của Thúy càng làm anh tự ái. Anh không muốn phải tự giãi bày lòng mình. Không đời nào! Người ta cố chấp, người ta đã thay lòng đổi dạ, người ta thích những chăm chút dịu ngọt, người ta... chặc! Thôi, coi như xong! Ấy vậy, sao mỗi lần giáp mặt Thúy, anh cứ thấy... nôn nao. Càng nén xuống lại càng nôn nao. Cuối cùng cả hai người, dù sống trong một cụm rừng nhỏ nhoi, ngày ngày chung lo bao công việc bộn bề, mà vẫn lạnh lùng như hai kẻ xa lạ...

Khi Linh và Kiêu tới nơi, thiên hạ đã ngồi chật cả hố, trời cũng vừa đáng rõ. Lập tức hai người bị ngợp trong những cái bắt tay, đấm lưng, huých sườn của bạn bè lâu lâu gặp lại. Linh ngỡ ngàng nhận ra nhiều khuôn mặt rất đỗi thân quen của gần hai mươi cán bộ chủ trì các đơn vị võ trang, các địa danh trong tỉnh. Trên vóc dáng, trên nét mặt người nào cũng còn in dấu vết những trận đánh táo bạo, những ngày tháng cực kỳ gian nan vừa qua. Song cả hai chục cặp mắt ấy, khuôn mặt ấy đều đang rạng rỡ. Kia là anh Sáu Dô ngồi gác đùi lên anh Ba quận trưởng, trông giống như anh đánh xe bò ngồi bên ông chủ lò heo. Đây là thằng Hải, người nhái. Gớm chưa? Hắn ngồi xếp bằng tròn mà bộ ngực cá trắm cứ vênh lên. Nghe nói hôm kia, đội thủy của nó đã quất chìm chiếc tàu ba ngàn tấn. Ấy, đứa nào huých vào vai mình đau thế? Linh quay lại, cái miệng cười xởi lởi của Bảy Hoàng đã ở ngay trước mặt. Anh ta đã lên tới tiểu đoàn trưởng rồi đó. Khiếp thật! Chả mấy chốc mà lên ông quận, ông tỉnh, mình lại gật sái cố. Ai kia nhỉ? Chui cha! Anh Cầu! Anh Cầu đang ngồi với mấy cán bộ đặc công của tiểu đoàn cũ. Mấy tay này đều là cán bộ trung đội trước đây. Còn mấy tay cán bộ đại đội nữa đâu? Chắc hy sinh cả rồi... Linh lặng người đi. Anh lúng túng chào đáp lễ chú Tư tỉnh đội trưởng đang trao đổi khe khẽ với một người bên cạnh, chắc là đồng chí bí thư tỉnh ủy. Kìa! Thằng Lợi, đại đội trưởng trinh sát, thằng Mạnh công binh, thằng Sánh 12 ly 8! Chào! Xin chào tất cả! Chào hết thảy những người anh em năm thì mười họa mới có dịp kéo nhau về đây. Linh cứ xoay người như chong chóng. Trước mặt anh, Kiêu đang lễ độ bóc thuốc mời hai người đứng đầu tỉnh và hào phóng quăng cả gói vào giữa vòng người.

Bảy Hoàng kéo mạnh Linh ngồi xuống bên mình, nhét vào tay anh một ly trà pha đặc quẹo và miếng đường táng đã bẻ làm hai. Anh ta có vẻ đang dở kho tiếu lâm nên sau phút ồn ào chào hỏi, anh hắng, giọng thật to, tiếp tục câu chuyện:

- …Khi con nhỏ văn thư có bầu. Mà dứt khoát là phải có bầu, trông mập mạp như thế... Thằng cha quận phó bèn quyết định rủ con nhỏ "nhảy". Con gái ở rừng các cậu còn lạ gì? “Nhảy" bất tử. Thích thì "nhảy" chơi. Gian khổ, chết chóc chưa hẳn đã là lý do. Nhiều khi vì ở rừng lâu quá, lo ế chồng. Nhìn mấy bà cấp quận, cấp tỉnh tuổi đã "băm” mà còn ở vậy, mấy cổ ngán. Nhưng cũng có khi thằng cha già "tạc đạn” nào đó dỗ ngọt cho ăn kẹo, thế là mang bầu. Rồi sợ kỷ luật, sợ mắc cỡ với bạn bè, nhảy ra chiêu hồi chơi. Ở không xiết thì ra làm dân, lo trồng tỉa, lấy chồng, đẻ con. Mấy cổ nghĩ ngon lành vậy đó! Nhưng thằng cha quận phó lại có chủ đích đàng hoàng. Nó chắc hết nhìn thấy thắng lợi rồi. Cứ ra khai báo bậy bạ vài điều không có hại gì lắm, đặng được yên thân mà kiếm một chân công chức hay một việc quỷ quái nào đó, lo làm giầu, lo nhậu nhẹt chơi bời cho bõ những khổ cực vừa qua...

Nhân lúc mọi người đều đang dán mắt vào Bảy Hoàng, Linh bỏ đến nhóm anh Cầu. Bảy Hoàng vẫn thao thao:

- … Hai "anh chị" trốn ra khỏi rừng vào lúc gần sáng. Chỉ có thể là gần sáng. Sớm hơn, muộn hơn đều hỏng khá. Các vị mới bò ra lộ 13, cứ vậy thả dài dài về chợ. Nhưng, sự đời dễ mấy ai hay. Ủa, Tám Linh đâu rồi?... Á, à! Dữ dằn chưa? Dân tinh nhuệ ngồi cụm với nhau có vẻ thân ái lắm!

- Cái gì mà rề rà dữ vậy, cha? Kể nốt đi còn họp. - Anh Ba quận trưởng giục - Thoát chứ?

- Chắc thoát thôi. Thời buổi này chiêu hồi thiếu gì! - Kiêu nói bâng quo, ngoảnh mặt ra suối có vẻ dửng dưng với câu chuyện.

- Sáng ra, hai đứa dắt tay nhau vào tiểu khu. Nếu vào được thì suôn sẻ quá? Nhưng nửa đường gặp bọn sư 5 vừa bại trận ở Lộc Ninh kéo về. Nếu gặp bọn chỉ huy thì còn nói làm gì. Đằng này chạm ngay bọn trinh sát đi đầu. Mà dù ta hay Tây, dân trinh sát vẫn là dân cực nhất, ngang tàng nhất. Thảy hai "anh chị" còm róm bên lề đường, đang bơ phờ mệt mỏi, chúng ngứa mắt túm ngực hỏi liền. Thằng chả giá khịa ra là đi chợ sớm, đi ăn giỗ về, hay đi đâu đó là xong ngay. Chúng chỉ ngứa mắt hỏi chơi thôi. Ai dè thằng chả vội móp xuống kể lể sạch trơn mọi điều trong bụng, thì khấp khởi cho rằng, nghe xong chắc sẽ được mời lên xe "Dép" đi gặp ngài tỉnh trưởng hay sư trưởng, dở nhất cũng là quận trưởng. Một quận phó của "Việt Cộng" ra đầu thú với quốc gia đâu có léng phéng được. Nhưng.... Nhưng?... Nhưng... - Anh ném mỗi chữ "nhưng" nặng như tạ - chưa kịp nghe trọn câu, thằng trinh sát gân guốc, bụi bặm đi đau đã khạc một miếng lớn xuống đất rồi thở phì phì:

- "Việt Cộng" hả? Quận phó hả? Chiêu hồi hả? Ngon đó? Vậy thì tới số rồi, các con tội nghiệp của ba ạ!...". - Khoan đã, nóng thấy mồ! Đi tắm chút coi - Bảy Hoàng giả bộ đứng dậy, mặt tỉnh bơ.

Sáu Dô đưa chân khoèo anh ngã ngồi xuống:

- Ba láp vừa chứ mày, Bảy? Ngồi đó! Nói xong rồi tắm!

Hình như chỉ chờ có vậy, Bảy Hoàng cười khịt khịt trong cuống mũi rồi đan chéo chân vào nhau, rung đùi ầm ầm:

- Thằng trinh sát nói: "Tới số rồi các con tội nghiệp của ba ạ! Cộng sản sắp thắng tới nơi mà chúng mày còn đâm đầu đi hàng à? Đồ ngu! Nè!...". Nó đưa cây súng trên tay xỉa thẳng vào ngực thằng phản bội, đẩy hết một băng. Thằng chả chết bể ngực mà mắt vẫn trố ra không hiểu gì cả. Còn con vợ, chúng vẫy lại và... tha cho - Bảy Hoàng đột ngột dừng lại, cảm cụi cuốn một điếu thuốc.

Xung quang xôn xao cả lên:

 - Chắc chúng nó thấy có bầu không nỡ. Dù sao bọn khỉ đột ấy cũng từng làm chồng...

- Hay nó biết con vợ chỉ là văn thư quèn, không bõ giết?

- Cậu nói dở bỏ mẹ! Đanh trong tâm trạng u uất, chung nó cóc cần biết đứa nào làm lớn hơn đứa nào. Bắn cho hả thôi.

- Cũng có thể đo nước mắt đàn bà. Kẻ hung hăng nhất cũng là kẻ hay mủi lòng nhất! - Chính trí viên Cầu rụt rè triết lý.

Đến lúc ấy Bảy Hoàng mới nói chậm rãi theo từng nhịp gật gù:

- Các bác nói vừa đúng lại vừa sai. Nó tha mà thành không tha... Cả bọn chó đẻ đó bâu vào lôi con nhỏ tới một cái nhà đố cạnh đường. Một trung đội ba chục thằng, thử hồi con nhỏ làm sao sống?...

Không khí hơi trầm xuống vì cái kết cục bị thảm và bất ngờ đó.

Kiêu bật lên, nói đầu tiên:

- Thằng ngu, chết là phải! - Thấy mọi người nhìn mình, Kiểu tiếp luôn - Tình hình mở ra thuận lợi như thế này mà không ráng thêm chút nữa. Hèn thiệt!

Chú Tư gấp lại tờ giấy, đi đến gần Bảy Hoàng, nheo mắt:

- Lúc ấy chú mày đang nhậu ở đó sao mà biết tường tận quá vậy?

- Có chớ! - Mặt hoàng vẫn như không.

- Nữa!

- Dạ! Tôi đang nhậu la-ve với khô mực trong tiệm "Hảo à". Rẻ lắm! Có một trăm một ly bự!

- Ngồi một mình?

- Dạ! Ngồi với đào chớ! Đào minh tinh màn bạc đàng hoàng. Tôi còn nghe rõ cả tiếng chú bài thuốc rê trong rừng nữa!

Mọi người cười à lên, trong khi Bảy Hoàng tỏ ra đăm chiêu như đang nhớ lại một kỷ mềm chân thực nhất.

Chú Tư vừa cười vừa lắc đầu với ông bí thư rồi nhìn đồng hồ. Người tỉnh đội trưởng vẫn mặc bộ bà ba đen rộng thùng thình như xưa, da mặt có xanh hơn và cặp mắt thâm quầng. Giọng nói của chú vẫn thủ thỉ hiền hậu. Chú nói:

- Ta làm việc nghe! Tình hình khẩn trương hết sức rồi, các đồng chí ạ! Bọn mình chỉ còn hai tiếng ngồi với nhau ở đây thôi. Bây giờ anh Mười sẽ nói với chúng ta những điều chủ chốt nhất. Sau dó ta sẽ đi vào bàn bạc cụ thể.

Đồng chí bí thư tỉnh uỷ đứng dậy. Ông nặc bộ đồ xám may theo kiểu quân phục Giải phóng, có cầu vai. Tuổi ông chừng trên năm mươi, thân hình cân đối, trắng trẻo, khuôn mặt khá đẹp với cái mũi thẳng, cằm tròn, đặc biệt là đôi mắt rát sáng và sâu. Khi nói, từ trong mắt như có hòn than lấp láy. Giọng ông vang, chắc nịch. Linh chăm chú ngắm nhìn người cán bộ Đảng cấp cao nhất trong tỉnh và so sánh: giá đổi chỗ cho ông làm thủ lĩnh quân sự và chú Tư làm bí thư Đảng thì có lý hơn.

Xung quanh đồng chí bí thư, hai chục Đảng viên, hai chục cán bộ đang im lặng chờ đợi. Đến lúc này mới rõ cái không khí ồn ào ban đâu thật là giả tạo. Ai cũng cố gắng ra vẻ bình thản khi trong lòng trống thấp thỏm đón một điều hết sức hệ trọng. Ngay cả Bảy Hoàng cũng vậy. Mấy chỗ làm duyên của anh lần này cứ sường sượng. Giống như anh học trò trước một môn thi hóc búa, cứ đi lại huýt sáo vẩn vơ để che giấu tâm trạng hồi hộp phấp phỏng bên trong.

- Tình hình rất thuận lợi. Cả ở chiến trường và trên bàn hội nghị - ông Mười bập ngay vào đề - Mỹ đang lúng túng cực độ. Thằng ngụy dao động hoang mang. Lực lượng ta hầu hết đã trở lại và đang gài sâu xuống các địa bàn. Trên nhận định đây là thời cơ vô cùng thuận lợi. Do đó, Trung ương Cục chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, quyết định mở một cuộc tiến công quy mô trong toàn Miền để bắt chúng phải cúi đầu, ký nhận hiệp định Pa-ri. Chúng ta sẽ dốc hết sức giành thắng lợi từng phần, đánh đổ địch từng bộ phận, đưa tới thắng lợi hoàn toàn. Các đồng chí sẽ là những quả đấm quyết định. Vận mệnh đất nước, thời cơ ngàn năm có một đã thấy rõ, đề nghị các đồng chí ngồi đây nhận thức được vấn đề. Quán triệt sâu xuống từng chi bộ, đảng viên, quần chúng, kiên quyết đạp bằng khó khăn xốc tới, nắm chắc bạo lực cách mạng ngay cả những lúc chúng nó chống trả lại quyết liệt…

Ông nói nhiều nữa, nhưng Linh không còn nghe thấy gì cả. Đầu óc anh đang bị kích thích cao độ. Bao năm ăn bụi ở lùm, bao nhiêu đau thương chết chóc, bao điều nhẫn nại dằn lòng cũng để có ngày hôm nay, ngày quật khởi. Đã trả giá quá đắt với chúng nó rồi, đây là dịp cần phải thanh toán. Chao ôi! Mong chờ hy vọng mãi, bây giờ mới được toại nguyện. Sung sướng lắm sao khi mình còn đống đến ngày hôm nay để được đánh trận cuối cùng. Có ai thấm thía trên đời bằng người lính vế một trận đánh cuối cùng không? Đồng chí bí thư vẫn nói. Đồng chi ấy đang truyền đạt mệnh lệnh của Đảng, truyền đạt nguyện vọng tha thiết của nhân dân. của con người. Linh nghe như nuốt từng lời của đồng chí bí thư. Xung quanh anh, mọi người cũng đang im lặng. Những vầng trán căng ra, những cái miệng mím chặt, những con mắt cháy lên nhìn nhau. Linh xúc động nắm chặt bàn tay Kiêu ở bên cạnh. Bàn tay ấy nằm lạnh ngắt, cứng đơ trong tay anh, rồi từ từ rút ra.

Chú Tư cầm que chỉ lên một chiếc bản đồ căng trước mắt mọi người:

- Tập trung vào đây, các đồng chí! Chiến trường toàn tỉnh sẽ lấy quận Chấu Thành làm điểm. Quận sẽ lấy "xê" của đồng chí Linh làm đột phá. Đúng giờ "G" ngày "N", "xê" đặc công của đồng chí Linh phải san bằng được chi khu Tân Bình Hòa. Đây cung là cái chi khu trọng điểm của địch, bao gồm những tên cầm đầu ác ôn nhiều nợ máu nhất. Đây là trận đánh châm ngòi, mở màn cho chiến dịch toàn tỉnh. Nếu các đồng chí dứt được cái chốt này, sẽ tạo điểu kiện cho các đơn vị khác hoàn thành nhiệm vụ, kể cả lực lượng tập trung của các quận. Đồng thời sẽ tạo thuận lợi cho mũi chính trị làm ăn được, qua đó hình thành ba mũi giáp công mở vùng, mở mảng, chiếm đất, giữ  dân, đưa bà con về xóm cũ, phối hợp nhịp nhàng với chiến dịch toàn Miền trong đêm “N" hếch sử. Tóm lại là như vậy...

Mọi con mắt đều đổ dồn vào Linh và Kiêu. Linh như người ngồi dưới nắng trưa nóng rát. Anh lừ lừ nhìn vào một điểm vô hình trước mặt, nghĩ xoáy vào mục tiêu của mình.

Chú Tư hỏi:

- Từng đơn vì sẽ sang làm việc cụ thể với tham mưu, các bí thư quận gặp anh Mười. Xin hỏi các đồng chí có thấy trở ngại gì không? Cứ mạnh dạn, ta cùng gỡ rối.

Không ai giơ tay. Mọi khuôn mặt đang sắt lại trước nhiệm vụ nặng nề.

- Thế nào, ban chỉ huy "xê" đột phá? Dứt điểm chớ? - Chú hỏi tiếp.

Linh thúc nhẹ vào sườn Kiêu lúc ấy đang chăm chú lắng nghe từng câu của tỉnh đội trưởng:

- Ông nói đi!

Kiêu hơi giật mình. Khi thấy ánh mắt hiền hậu của chú Tư và ông Mười đang nhìn mình có ý khuyến khích, trông đợi, Kiêu vội đứng thẳng người, nói đĩnh đạc như đã chuẩn bị sẵn:

- Thưa các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy tỉnh! Thưa tất cả các đồng chí! "Xê” đột phá chúng tôi xin chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện. Sẽ ráng hoàn thành nhiệm vụ cao nhất. Đây là thời cơ lớn. Dạ! Đây là sứ mạng thiêng liêng. Dạ! Chúng tôi xin xả thân...

Tỉnh đội trưởng gật gật đầu. Đồng chí bí thư tỉnh nhìn Linh bằng cặp mắt ấm áp:

- Còn đồng chí Linh thấy thế nào?

Linh ngập ngừng một chút rồi nói:

- Báo cáo các đồng chí, tôi chỉ có một suy nghĩ: Tình hình có nhiều khó khăn thật. Bọn địch có vẻ phỏng đoán ra ý dỗ của ta, mấy bữa nay ráo riết lo án ngữ, lo phòng thủ. Quân số đơn vị tôi hao hụt nhiều. Chỉ còn gần khoảng một trung đội, chưa kể số anh em đau yếu. Nhưng chả lẽ vì thế mà chỉ lo cầm cự, đánh đấm cầm chừng để rồi cứ kéo dài mãi tình trạng này? Cuối cùng ta cũng teo dần đi, lùi dần từng thước đất... Trước tình hình thế này mà mở cuộc tiến công, tôi thú thật có hơi bất ngờ. Nhưng tôi tin trên không bao giờ sai. Chúng tôi sẽ làm, hết sức mình và tin rằng kết quả không đến nỗi tồi lắm. Chúng tôi sẽ không phụ lòng tin của tỉnh đội và tỉnh ủy, của cả các đồng chí đã ngã xuống...

- Đồng chí có cần tăng cường thêm ban chỉ huy không?

Linh đưa mắt nhìn Kiêu. Anh ta đang cúi gằm đầu như đang bận rộn suy tính điều gì.

- Dạ! Có hai cũng đủ rồi. Chúng tôi sẽ dựa vào nhau thật chặt chẽ để làm ăn. Tôi muốn nói thêm: cái chi khu ấy, đồng đội của tôi, anh Sáu Hóa đã ngã xuống... Tôi mong mỏi được đập phá nó từ lâu. Còn bản thân tôi, tôi không suy nghĩ gì cả. Tôi vẫn khát khao đứng được trên sở chỉ huy chúng nó một lần, ngay giữa ban ngày...

- Hay! Tôi cũng xin sẵn sàng cống hiến bảy mươi kí thịt cho trận đánh cuối cùng. Thí thân dậu mẹo một phen! - Bảy Hoàng cũng nhổm lên.

Lời nói xúc động của Linh như nói giùm tâm tư cho mọi người. Họ ào lên:

- Đánh thôi! Chết bỏ cũng đánh! Đánh dập dạp mãi chán quá xá rồi! - Hải tung nắm đấm khổng lồ lên đầu.

- Xin hỏi lần này chủ lực có xuống không ạ?

- Sẽ xuống! Nhưng xuống nhanh hay chậm là do công sức dọn đường của các đồng chí.

- Dọn thôi! Dọn ra trò để rước mấy ông xuống đánh cho chúng nó lác mắt luôn.

- Nói đùa chứ, nếu có mấy anh xe tăng xuống, tôi xin ăn cháo hoài hoài, để nhường gạo cho lính chiến xa.

- Đừng hão huyền mấy cha! Tăng túng gì? Tăng pháo mà xuống được đến đây thì coi như chiến tranh sắp kết thúc!

- Bọn tiểu khu nói với bà con trong ấp: "Đánh lai rai với mấy ông Cách mạng địa phương hoài cũng vậy. Huề hết! Mấy ông có muốn thắng

cứ đưa tăng xuống. Chỉ cần nghe tiếng gầm là bọn này chạy ré liền!".

- Quanh năm ở rừng, đánh đấm ọp ẹp, mò mẫm, tôi chỉ ước có được một lần chạy theo xe tăng, quét địch thẳng cánh giữa ban ngày, quét tới rồi chết cũng cam...

- Phiên họp sau xin gặp nhau ở giữa chợ. Có đủ cả hủ tiếu bò, la-ve hãng BGI, cà phê đá, thuốc thơm... Tôi xin bao hết lượt. Còn phương tiện đi lại thì đó, hon-đa, xe dép... ai muốn gì có đó!...

- Xuỵt! Trật tự! Để nghe anh Tư nói.

- Khoái quá trời!

- Bốc vừa chứ, mấy cha! Khéo lại xìu như bánh tráng nhúng nước bây giờ!

- Im! Im lặng!

Mọi người vẫn cười nói ồn ào. Những khuôn mặt khắc khổ nhất cũng phởn phơ trở lại. Chú Tư và chú Mười ngồi nhìn hết lượt các khuôn mặt cán bộ bằng đôi mắt dịu dàng bao dung. Không khí nhộn nhạo, sảng khoái xung quanh làm những nếp nhăn trên vầng trán chú Tư giãn ra, nom chú như trẻ lại vài tuổi.

Bảy Hoàng bỗng đột ngột đứng lên:

- Thưa các quý vị! Theo tin phương Tây mới nhận được, các đồng chí tỉnh đội trưởng bản tính vốn tốt bụng của chúng ta hôm nay xuống họp có mang theo mấy con gà do chính tay đồng chí nuôi nấng chăm sóc. Đề nghị chúng ta bày tỏ lòng biết ơn một cách thiết thực nhất là nhai cái xương cuối cùng trong nồi cháo gà. Nếu... Thưa các bạn, nếu thủ trưởng chiêu đãi...

Chú Tư ngớ người:

- Ai bảo chú thế?

- Dạ, khi đêm tôi nằm mơ...

- Mày! Mồm miệng thía lia vậy mà cứ năn nỉ tao làm mối cho con nhỏ đánh máy bên tỉnh ủy? Ế vợ suốt đời thôi, cháu ạ!

- Dạ, ế sao được, chú Tư? Mai mốt thắng lợi, ra phố thổi còi tập hợp hết mấy cô lại. Dòm cô nào mỡ màng, non tơ nhất là vác về. Lo gì, chú Tư?

- Thôi được rồi? - Chú Tư cười xoà - Sáu Dô cho mần gà đi! Ăn xong, ai ở đâu về đó, bắt tay vào chuẩn bị ngay.

- Hoan hô thủ trưởng! Tôi xung phong cắt tiết gà - Bảy Hoàng xăng xái xắn quần áo, lỉnh xuống suối.

Mọi người cụm lại thành từng nhóm, sôi nổi bàn tán. Khói thuốc lá các loại phả ra mù mịt, tưởng như thung lũng sương.

Linh nhìn quanh không thấy Kiêu đâu. Anh định leo lên bìa trảng tìm thì đụng phải Sáu Dô. Sáu Dô gí cái trán gồ sát mặt Linh:

- Ông Mười nhất trí cho bắt con Tư Hạnh rồi. Ông giúp đỡ xã một tay, nghen!

Linh không trả lời. Anh đưa tay ôm ghì lấy tấm lưng còm nhom của bí thư huyện ủy. Họ còn đứng với nhau một lúc nữa trong khi đồng chí bí thư tỉnh ủy móc gói thuốc thơm vừa ân cần chia cho từng người vừa dặn dò:

- Phải dự kiến hết mọi khả năng, các đồng chí ạ! Có thể chúng sẽ lật lọng, sẽ phản ứng điên cuồng vào giờ phút chót. Đừng hoang mang, nghen! Xương máu của chúng ta sẽ không bỏ phí đâu. Đợt này ban chỉ huy tỉnh đội và thường vụ tỉnh uỷ cũng xuống đứng điểm với các đồng chí. Đâu rồi? Đồng chí gì ở "xê" đột phá ấy nhỉ?... Linh! Đồng chí Tám Linh ơi!...