Mưu Trí Thời Tần Hán

Chương 8

Trời mưa xối xả, cảnh tượng một vùng nước ngập mênh mông cuồn cuộn. 900 nông dân từ Dương Thành đi đến biên giới Ngư Dương. Họ đến vùng đất ân đức. Mưa to làm gián đoạn con đường, quả thực là khó đi tiếp, họ chỉ biết mở to mắt nhìn đường mà than thở bất lực. Lúc này là tháng 7 năm thứ nhất đời thứ hai nhà Tần.

Trần Thắng, một chàng trai người Dương Thành xuất thân từ tầng lớp cố nông lúc đó cũng ở trong số 900 người này. Chàng trai cao to, lúc nào cũng ngay thẳng cương trực này tìm thấy được Ngô Quảng - một người bạn đồng hành gặp nạn - và anh nói thầm với bạn' "Bây giờ đã đến Ngư Dương rồi, kỳ hạn của quan phủ cũng hết rồi, pháp luật nhà Tần quy định phải chém đầu. Cùng là chết, đại trượng phu vì sao không một lần làm nên sự nghiệp vĩ đại?" Những lời này thật đã nói trúng ý Ngô Quảng. Anh ta tuy đồng ý nhưng vẫn rất lo lắng: "Anh và tôi đều không quyền không thế, làm sao làm được đại sự đây?,

Trần Thắng đã nghĩ đến vấn đề này từ trước. Đúng vậy, những người nông dân nước Ba Thục thật thà chất phác, cả năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời kia liệu có nghe theo sự chỉ huy của anh ta không? Chỉ có điều, anh ta biết, những người nông dân vẫn rất tin tưởng vào những vị vua, công tử, tướng lĩnh và đại thần tốt. 900 người này đều là người nước Sở trước đây. Tục ngữ có câu: "Sở là nước lớn, diệt Tần nhất định phải là Sở". Tần diệt 6 nước, người Sở thù nhất. Người nước Sở còn đặc biệt tin vào quỷ thần. Chúng ta sao không mượn danh nghĩa của họ để làm đại sự? Đúng! Dựa vào quỷ thần nhất định có thể thị uy dân chúng. Ngô Quảng nghe xong, thấy đây là một kế hay.

Sáng hôm sau, những người làm bếp đi mua cá, phát hiện trong số cá mua về có một con rất to, bụng nó trương lên như sắp nứt ra. Lấy dao mổ ra chỉ thấy trong bụng có một quyển sách lụa. Mở ra xem thì thấy ở phía trên đề ba chữ lớn màu đỏ "Trần Thắng Vương". Sự việc là lạ này thoáng một cái đã truyền đến tai 900 người.

Đêm xuống, mọi người vây quanh đống lửa ngoài cánh đồng sưởi ấm. Chỉ nghe thấy những tiếng hú gọi bầy của đàn cáo từ xa vọng lại. Lẫn trong tiếng hú có cả tiếng người, dường như là đang hét lên: "Đại Sở hưng, Trần Thắng Vương!".

Hai cách này thật là linh nghiệm: Trần Thắng thấy thời cơ đã đến, thuận theo tình hình, giết chết hai tên sai dịch áp giải người ra biên giới. Sau đó triệu tập mọi người và động viên: "Đại trượng phu không chết thì thôi, đã chết thì phải chết cho có ý nghĩa. Thời gian nhà Tần thi hành chính sách bạo ngược khiến trăm dân hận đến tận xương tủy đã quá dài. Chúng ta không cam chịu đến Ngư Dương để chết, hãy quyết định khởi sự. Cơ hội xưng Vương xưng Hầu đến rồi, Vương Hầu tướng lĩnh lẽ nào không phải là trời ban?"

Lời đồn đại mấy ngày qua quả nhiên đã được nghiệm chứng. Lúc này, Trần Thắng trong mắt dân chúng giống như quầng sáng thần bí phủ trên đầu, nghiễm nhiên trở thành chúa cứu thế soi sáng cho mọi người. Thế lực đã hình thành, còn ai không nghe lệnh? Thế là, cờ hiệu "Đại Sở" được dựng lên, chính quyền do Trần Thắng làm chủ cũng được thiết lập. Mọi người tuyên thệ cùng giơ cao ngọn cờ phản Tần.

Một hòn đá làm nổi lên hàng ngàn con sóng. Không chỉ có 900 người này theo Trần Thắng khởi nghĩa mà dân ở gần đó nghe tin cũng đến tham gia, đội quân chẳng mấy chốc phát triển lên đến hàng vạn người. Cuộc khởi nghĩa đầu tiên của Trần Thắng như đốm lửa thiêu cháy cánh đồng. Không lâu sau, các cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Tần trong cả nước liên tiếp nổ ra.

Nhờ vào lực lượng bên ngoài thúc đẩy sự nghiệp đi đến thành công. Kế sách này không chỉ có tác dụng đối với các cuộc khởi nghĩa nông dân thời xưa mà trong thương trường hiện nay, nó cũng là con đường hữu ích để thay đổi bộ mặt doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ở Tây Phi có một quốc gia nhỏ tên là Togo. Quốc gia này chỉ có 3 triệu dân, diện tích rộng 50.000 km2. Song, nước nhỏ nhưng khí thế không hề nhỏ. Họ đã dựa vào nguồn vốn của mình xây dựng nhà máy gang thép Lomi mỗi năm sản xuất ra 4 vạn tấn gang thép. Năm 1979, sau khi nhà máy được thành lập, vì rất nhiều lý do khi đi vào sản xuất đã bị lỗ vốn nghiêm trọng. Chính phủ Togo không chút do dự hạ quyết tâm đưa nhà máy này từ quốc doanh trở thành tư nhân và công khai thông báo với toàn thế giới mời những người có năng lực đến thi tuyển vào vị trí quản lý.

Thương nhân người Mỹ, ông Moore đã trúng thầu ngay từ lần đầu trong đợt đấu thầu này. Moore trước đây từng vực dậy thành công một nhà máy gang thép đang bị lỗ vốn ở Panama. Bây giờ sau khi nhận thầu nhà máy gang thép Lomi ông thỏa thuận với chính phủ Togo thời gian thuê là 10 năm, 2 năm đầu sẽ trả tiền thuê cố định, 8 năm còn lại hai bên phân chia lợi nhuận. Kết quả, trong thời gian không lâu, nhà máy gang thép Lomi đã chuyển bại thành thắng.

Moore kinh doanh như thế nào? Đầu tiên ông hướng tầm ngắm vào thị trường châu Phi và thị trường thế giới. Bởi vì Togo là một nước nhỏ, mỗi năm chỉ cần 6.000 tấn thép nguyên liệu là đủ. Sức sản xuất hàng năm của nhà máy gang thép này lớn như vậy, đầu ra căn bản phải nhắm vào thị trường quốc tế. Sản phẩm có thể tung ra thị trường quốc tế hay không đầu tiên lại phải phụ thuộc vào sản phẩm có khả năng cạnh tranh với thị trường tương đối khốc liệt này hay không?

Sức cạnh tranh nằm ở chất lượng, ở việc hạ thấp giá thành. Muốn làm được những việc này, mấu chốt là ở khâu quản lý. Moore đề xuất không cần chính phủ phụ cấp thêm về tài chính, chi cần toàn bộ quyền tự chủ kinh doanh, quyền nhập khẩu nguyên liệu và quyền không phải đóng thuế xuất khẩu sản phẩm. Sau khi những điều kiện này được chính phủ chấp thuận Moore mời riêng một người giỏi chuyên môn ở Đức làm giám đốc cố gắng hạ thấp giá thành vốn tương đối cao bắt đầu từ khâu quản lý.

Nguồn điện của nhà máy này trước đây là do trạm điện Akesof của nước làng giềng cung cấp. Do mực nước giảm nên năng lượng điện cũng bị giảm đi nhiều và giá điện tăng lên không ít. Moore quyết định không dùng lò sưởi điện, thay thế bằng nguồn năng lượng khác. Qua điều tra, ông ta biết được thép nguyên liệu phế thải trên thị trường chỉ có 100 đô la một tấn mà cốt thép đã thành phẩm có thể bán được 455 đô la một tấn, giá thành không nhiều mà lợi nhuận lại đáng kể. Thế là sử dụng thép nguyên liệu phế thải chế tạo thành công cốt thép liền trở thành sản phẩm chính của nhà máy gang thép.

Nhìn từ góc độ thị trường, Moore cho rằng nhà máy gang thép ở châu Phi đầu tiên phải chiếm lĩnh được thị trường thép nguyên liệu châu Phi. Các quốc gia châu Phi nếu nhập khẩu. thép nguyên liệu từ châu âu thường phải mất ba tháng mà nhà máy gang thép Lomi chỉ cần thời gian một tuần là có thể giao hàng. Thời gian chính là vàng bạc, là đối tượng cạnh tranh. Dựa vào ưu thế này, công ty gang thép Lomi đã chiếm lĩnh được phần lớn thị trường thép nguyên liệu ở châu Phi.

Nhờ vào nguồn nhân lực, vốn và kinh nghiệm quản lý của nước ngoài, công ty Lomi đã cải tử hoàn sinh, thay đổi bộ mặt một cách nhanh chóng. Dựa vào sự tương hỗ, bạn mượn anh ta lực lượng để tăng gia sản xuất, anh ta mượn bạn lực lượng để phát huy tác dụng của nguồn vốn, nguồn nhân lực nhàn rỗi và làm cho nguồn vốn tăng lên. Đây đúng là một cách hay giúp nhau cùng có lợi, nhất cử lưỡng tiện.