Mưu Trí Thời Tần Hán

Chương 7

Triệu Cao giả chiếu thư thành công, Hồ Hợi kế vị hoàng đế đời thứ hai. Theo chiếu thư ngụy tạo, công tử Phù Tô đã tự vẫn, hai anh em Mông Khoát, Mông Nghị là tướng đóng giữ biên ải bị bắt giam.

Người mà Triệu Cao hận nhất chính là anh em họ Mông. Lúc Tần Thủy Hoàng còn sống, Mông Nghị từng phụng chỉ xét xử Triệu Cao và đề nghị xử tội chết nhưng được Tần Thủy Hoàng xá miễn. Nay, anh em họ Mông cố chấp đang bị giam giữ, Triệu Cao nhất định phải ngấm ngầm trả mối thù này.

Ông ta trước mặt Hồ Hợi đặt điều nói rằng "Lúc tiên đế chưa băng hà, từng có ý lập bệ hạ làm thái tử, là Mông Khoát, Mông Nghị nhiều lần cản trở từ bên trong, nên đổi ý lập Phù Tô. Nay bệ hạ lên ngôi, Phù Tô đã chết, họ Mông nhất định sẽ báo thù cho ông ta". Hồ Hợi chủ ý là muốn phóng thích hai anh em họ Mông nhưng vì Triệu Cao xúi giục liền hạ lệnh xử họ tội chết.

Mông Nghị là một người thật thà, sau khi nhận được chiếu thư do ngự sử Khúc Cung mang đến, ông ta vẫn dùng lý lẽ để kháng cự: "Trước kia, Tần Mục giết Tam Lương, Sở Bình giết Ngũ Xa, Phù Sai giết Ngũ Tử Tư, Chiêu Tương Vương giết Bạch Khởi, tất cả đều là án oan, mong bệ hạ điều tra kỹ sự việc, không giết oan người vô tội". Nhưng tên Khúc Cung này đã được Triệu Cao bí mật dặn dò từ trước, lẽ nào dám thôi? Không đợi Mông Nghị nói hết, hắn rút kiếm chém một nhát đầu Mông Nghị đã rơi xuống đất.

Mông Khoát cũng là một trang nam tử kiên cường bất khuất. Chết đến nơi rồi nhưng ông ta vẫn tranh biện: "Họ Mông ta từng ba đời lập công cho nước Tần. Trong tay ta có 30 vạn quân, muốn mưu phản còn phải đợi đến ngày nay sao? Họ Mông ta đời đời trung trinh, nhất định là bị gian thần hãm hại nên mới có kết cục như ngày hôm nay. Thời xưa, Hạ Kiệt giết Quan Long Phùng, vua Trụ nhà ân giết Vương tử Tỉ Can, cuối cùng đều bị họa diệt vong. Nay nguyện chết để can gián đức vua, xin đại phu phục mệnh".

Mông Khoát thật là quá lương thiện, ông ta vẫn còn nuôi ảo tưởng về Hồ Hợi. Nhưng tên sứ giả triều đình phụng chỉ kiên quyết làm theo lệnh. Mông Khoát chỉ ngẩng mặt nhìn trời mà than rằng: "Ta có tội gì với trời, không có lỗi mà cũng phải chết?" rồi uống thuốc độc tự tử.

Triệu Cao hãm hại người trung lương, muốn khép tội cho người ta sợ gì mà không làm. Tuy nói rằng kế sách này của ông ta tạm thời có thể thực hiện được nhưng đối với những người lương thiện mà nói thì cần phải học cách phá nó, phải đấu tranh để chiến thắng nó. Cái tâm hại người không nên có nhưng cái bụng đề phòng người khác cũng không thể không có. Trong thương trường phức tạp hiện nay, đối với những kẻ ngang ngược vô lý cần phải học cách dựa vào lý lẽ để tranh luận, dùng gậy ông đập lưng ông và tăng cường các biện pháp đối phó với chúng.

Năm 1989, trong cơ chế tồn tại song song kinh tế bao cấp và kinh tế thị trường, hiện tượng "Nợ tam giác" - một hiện tượng xã hội đặc thù của Trung Quốc diễn ra ngày càng phổ biến. Năm đó, khoản nợ tam giác của cả nước là 100 tỉ, năm 1990 đã là 200 tỉ và đến tháng 6 năm 1991 lên đến 300 tỉ. Cùng với nó một đội quân đòi nợ khổng lồ cũng xuất hiện ở Trung Quốc. Đội quân đòi nợ của một doanh nghiệp có thể lên đến hàng trăm hàng ngàn người.

Ở một nhà máy nọ có hai nữ công nhân được mệnh danh là "người đòi nợ thiện nghệ nhất". Nghe nói họ ra ngoài đòi nợ, từ lúc tay không đến lúc quay về họ đã có một bản lĩnh nhũng nhiễu quấy rầy, vui cười, tức giận", chốc chốc lại một người diễn "bộ mặt trắng bệch", một người diễn "bộ mặt đỏ dừ", 18 chiêu thức võ nghệ không có gì là không thể, không có gì là không thông.

Song, tình hình của nhà máy này lại khiến họ lo lắng. Nhà máy này quả thực không có tiền, trên sổ sách chỉ còn hơn 100 đồng, món nợ hơn 20.000 làm sao đòi được đây? Mặc cho hai người bọn họ cố gắng kể lể trình bày, giám đốc vẫn chỉ nhún vai. Ông ta nói với hai người rằng, vì bên ngoài không chịu trả tiền hàng cho nhà máy của họ, trước mắt, họ đã ở vào nơi sơn cùng thủy tận, ngay cả tiền lương tháng sau của nhân viên cũng chưa biết trông cậy vào đâu, cho dù muốn sai người đi đòi nợ cũng không có tiền để trả lộ phí cho họ.

Lẽ nào lại không có cách gì. Đối phương đã đóng chặt cửa, còn có thể nói đạo lý gì với những đơn vị kiểu này? Hai nữ công nhân này - những người đòi nợ thiện nghệ - liền sử dụng tuyệt chiêu - tuyệt thực. Hôm đó, họ đến văn phòng của giám đốc, ngồi lì ở ghế sô-pha không chịu đứng dậy và nói với giám đốc: "Kể từ hôm nay, chúng tôi tuyên bố sẽ tuyệt thực. Chỉ cần nhà máy không trả nợ, chúng tôi thà chết đói cũng ở trong phòng này, không đạt được mục đích quyết không thôi".

Hành động này đã làm kinh động đến thị trưởng! Giải quyết không tốt là liên quan đến mạng người, thật không dễ xử lý. Tranh chấp nợ tam giác của nhà máy này đã lan đến phủ thị trưởng. Phủ thị trưởng buộc phải coi việc này là tình huống đặc biệt khẩn cấp, cần xử lý, chỉ thị cho ngân hàng thành phố gấp rút cho nhà máy này vay tiền để nó có thể trả nợ trong thời gian ngắn nhất.

Hai nữ công nhân này nhịn đói gần ba ngày cuối cùng cũng giành được thắng lợi, cầm 20.000 tiền nợ chiến thắng trở về.

Còn có một người cũng được mệnh danh là "người đòi nợ thiện nghệ". Kỹ thuật đòi nợ của cô ta đã đạt đến trình độ thành thục.

Cũng không biết sự thần thông đó đến từ đâu, cô ta nghe ngóng được người mắc nợ thường đến vũ trường nọ hẹn hò với tình nhân. Thế là cô ta giấu trong bụng một máy ghi âm loại siêu nhỏ trị giá hơn một nghìn đồng ghi âm lại một cách rõ ràng những lời đường mật của đôi bạn tình trong lúc hẹn hò ở vũ trường đèn hồng rượu lục. Trong âm thanh lả lướt, những lời đối thoại của đôi trai gái đã trở thành phương tiện cực tốt để cô ta đòi nợ.

"Thưa ông, tôi nghĩ vợ ông rất sẵn lòng nghe đoạn băng ghi âm này?" Người mắc nợ kia lập tức thay đổi thái độ ngoan cố, chây ì lúc đầu, mặt đỏ dừ lên rồi lại tái mét sau đó là trắng bệch, một lúc sau mới nói được một câu: "Chuyện gì cũng có thể thương lượng".

Thế là, một món nợ lớn hơn 500 ngàn đã kéo dài một năm, cô ta chỉ cần có 5 ngày là đòi được. Vì món nợ này, nhà máy đó trước sau tiêu hết hơn 200 ngàn tiền đi đòi nợ mà cũng không thành công. Không ngờ cô ta lại đòi được một cách trôi chảy như vậy. Giám đốc nhà máy vỗ đùi sung sướng: "Máy ghi âm đó thưởng cho cô".

Đối với một số người không thể nói đạo lý với họ, chỉ có thể dùng mấy "tuyệt chiêu”. Muốn khép tội cho người khác sợ gì mà không làm là âm mưu của những kẻ gian thần. Nhưng đối với những người lương thiện mà nói không thể coi là mẫu mực. Song, trong chốn thương trường phức tạp, đối với những người không thể nói đạo lý, có thể đi ngược lại đạo lý để dùng tuyệt chiêu, lấy gậy ông đập lưng ông hay không? Vấn đề này đáng để mọi người suy nghĩ.

Đừng cho rằng những việc này chỉ ở Trung Quốc mới có, thực ra ở nước ngoài cũng không ít.

Một trong những truyền nhân đời thứ ba của công ty Duban của Mỹ - ông Aefuleder rất giỏi dùng "tuyệt chiêu”.

Một lần, ông ta được biết công ty Kpaer của Belgique cũng sản xuất thuốc nổ không khói nên rất muốn làm rõ tình hình cụ thể. Vì thế, ông ta lặng lẽ đến Belgique dùng tiền hối lộ mua chuộc những người có trách nhiệm để ông ta đóng giả thành một công nhân, trà trộn vào công trường của công ty. Ở đó ông ta nhìn trộm khắp nơi, không lên tiếng vừa lén xem cách thao tác vừa đánh cắp tin tức tình báo bí mật về sản phẩm độc quyền.

Thế vẫn chưa hết, Aefuleder không làm thì thôi, đã làm lại làm đến cùng. Ông ta dứt khoát xông vào văn phòng công ty, trước mặt các nhân viên của công ty này nói rằng mình đã biết tất cả. Trong lúc đối phương đang tròn mắt ngạc nhiên chưa kịp phản ứng lại, Aefuleder nói một cách hùng hổ hăm dọa, hoặc là ký với công ty Duban hợp đồng độc quyền hoặc là để công ty Duban tự sản xuất thuốc nổ không khói. Nếu chấp thuận điều kiện sau thì ngay cả sản phẩm do mình sản xuất ra công ty Kpaer cũng không phân biệt được.

Công ty này vẫn không thể làm rõ được việc làm sao có thể biết được những tin tức tình báo bí mật của họ nhưng lại không có cách nào chứng minh ông ta hoạt động gián điệp. Họ suy tính lợi hại và biết rõ mình đã trúng kế, không có cách nào khác cuối cùng đành phải ký vào bản hợp đồng độc quyền.

Cách làm này tuy vẻ vang nhưng không thể nói là nó không hữu dụng. Đánh nhau không ngại dối trá, trong thương trường để đạt được mục đích thì có lời gì mà không dám nói, có việc gì mà không dám làm đây? Đương nhiên một là không được vi phạm pháp luật, hai là không để cho đối phương phát giác: Mưu trí mà, có lúc quả thực không thể cùng tồn tại với đạo đức.