Trong chiến tranh, song thân tôi ở Thiên Tân, rồi Bắc Kinh trong khu vực Nhật chiếm đóng. Ba tôi bị Nhật bắt giam vài ngày, năm 1937, rồi được thả nhưng phải làm việc ở Sở hỏa xa. Trong giấy tờ của người, tôi thấy một cuốn sổ tay đầy chữ Nhật, vì tụi Nhật bắt các nhân viên hỏa xa phải học tiếng của họ. Suốt chiến tranh, miền bị Nhật chiếm đóng và Trùng Khánh vẫn liên lạc thư từ với nhau được, nhân viên bưu điện ở một miền đem thư từ gởi qua miền kia giao cho những sở ở vài thị trấn đã được chỉ định truớc, và nhân viên bưu điện của miền “địch” lại đó lấy, thỏa hiệp đó không có gì lạ vì vẫn có sự trao đổi tự do rất quan trọng giữa hai miền về mọi mặt hàng, cả những chất ma túy nữa, mà những công chức cao cấp nhất ở Trùng Khánh vẫn giao thiệp với tụi Nhật trong mấy năm đó.
Trong chiến tranh, hết thảy có tới 42 tướng, 70 sĩ quan, cấp tá và công chức cao cấp, và 500.000 quân lính Quốc Dân đảng, đưa qua mặt trận Nhật do sự đồng ý ngầm của Tưởng và sự xếp đặt của Tưởng và Tai Lee, viên trùm mật vụ, đúng với chính sách gian trá của Tưởng: vừa diệt cộng vừa thương thuyết với Nhật. Cũng là một sự tính toán quỉ quyệt giúp cho Tưởng giảm chiến phí được bộn. Tụi Nhật phải nuôi, trả lương, cung cấp quân nhu cho những đạo quân Trung Hoa chiến đấu cho họ. Năm 1942 và 1943, tỉ số đào ngũ tăng lên đúng vào lúc Joe Stilwell, tổng tư lệnh do chính phủ Mỹ, sau vụ Trân Châu Cảng, phải qua tổ chức lại quân đội Trung Hoa để thành một lực lượng chiến đấu hữu hiệu từ các căn cứ trên lục địa sẽ tấn công qua Nhật. Tưởng sợ bị bắt buộc phải chia bớt quyền hành với Mỹ, cho một nửa triệu quân qua phía Nhật, là làm cho số đó thoát khỏi sự chỉ huy của Mỹ, như vậy là phá hỏng kế hoạch của Mỹ muốn biến đối Trung Hoa thành một xưởng chế tạo binh khí mà lại giúp cho Nhật lúc đó đương thiếu rất nhiều quân trên mặt trận Đông Nam Á.
Sau năm 1942, Nhật giao vài vụ hành quân trên mặt trận Trung Hoa cho những đạo quân Trung Hoa tay sai đó, vì tin chắc rằng chỉ cộng sản là còn kháng chiến, còn ở phía Tưởng thì chiến thuật rút lui được theo đúng. Năm 1944, 98% quân đội tay sai đó được đạo quân Thứ tám và đạo quân mới Thứ tư của cộng thu dụng, chỉ còn 2% là mang cái danh chiến đấu cho Quốc Dân đảng. Tưởng Giới Thạch tính rằng khi hưu chiến, thì những quân đội của ông để tấn công vào các căn cứ cộng sản theo một cuộc hành quân gọng kìm vĩ đại từ Bắc tới Nam.
Sự tính toán quỷ quyết đó là đặc điểm của Tưởng, cũng như cái mưu mô kỳ dị cho thư từ, hàng hóa, sáp xức tóc, xức da, các chất ma túy tự do lưu thông từ mật trận này qua mặt trận kia, dưới sự che chở của các tổ chức thương mại của đảng Sơ-mi-lam, và các xí nghiệp độc quyền, Ming Houa và Fou Hing. Trong suốt chiến tranh, ngoại trưởng Nhật luôn luôn xếp xúc với các công chức cao cấp trong sở “Tuân lệnh và phục vụ” và do đó, gián tiếp tiếp xúc với Tưởng Giới Thạch. Vậy không lấy gì làm lạ rằng thư từ của song thân tôi ở Thiên Tân, miền Nhật chiếm đóng, tới tay tôi rất nhanh.
Giọng thư của ba tôi rất bình tĩnh. Rõ ràng là người thỏa mãn lắm, người cho tôi địa chỉ văn phòng của chú Ba tôi, em ruột của người ở Trùng Khánh, và cũng cho địa chỉ họ nội tôi ở Thành Đô nữa. Người bảo tôi đừng lo gì cả: người vẫn khỏe mạnh. Điều rất lạ lùng là có thêm một câu của má tôi nữa, cho hay má tôi sẽ mừng được báo tin cho bạn bè rằng tôi đã có chồng, cơ hồ như nhờ cuộc hôn nhân của tôi mà má tôi làm lành với tôi. Người viết: “Thế là bây giờ má có thể báo cho họ rằng con gái của má đã có chồng”, người gạch dưới mấy chữ đó mà không cho hay “họ” đó là ai.
Cùng với những bức thư đó, song thân tôi còn gởi cho tôi những tấm hình của tôi hồi nhỏ: hình tôi đứng bên cạnh má tôi, hình đứng cạnh con ngựa gỗ Balthazar của tôi, hình chụp với em tôi, hình chụp má tôi bồng đứa em mới sanh, hình song thân tôi đứng sát nhau…
Vài tuần sau, Pao một hôm bỗng nổi cơn âu yếm, dắt tôi đi chơi suốt ngày chung quanh những suối nước nóng ở Bắc Bồi, cách Trùng Khánh dăm cây số, đương đi, anh móc những tấm hình đó ở trong túi ra, khoét hết những mắt của má tôi rồi xé tan tành, bắt tôi thề rằng từ nay không được liên lạc với ba má tôi nữa. Kế đó, anh viết thư cho ba tôi, tôi khóc vì không muốn ảnh làm ba tôi đau lòng. Tôi không bao giờ được biết hôm đó anh viết những gì mà ba tôi cũng không trả lời.
Hôm sau ngày tôi nhận được thư của ba tôi và đi kiếm chú Ba theo địa chỉ ba tôi cho.
Phòng giấy của chú Ba ở Ngân hàng Meifeng. Một ngôi nhà đồ sộ tám tầng, cửa bằng sắt và thủy tinh, phòng trước mênh mông, nhộn nhịp, có nhiều ghi sê. Đối diện là Ngân hàng Muối ở Tứ Xuyên, mặt ngoài coi cũng vĩ đại. Hai Ngân hàng đó gom lại, nắm được phần lớn số vốn của các địa chủ Tứ Xuyên mới thành những nhà kinh doanh, tư bản. Trước 1921, Ngân hàng Meifeng là Nghiệp đoàn Ngân hàng Mỹ tại Đông Phương (American Oriental Banking Corporation), nhưng sau các cuộc nổi loạn năm 1923 và 1925, người Mỹ rút hết vốn đi mà người Tứ Xuyên thành chủ nhân của Ngân hàng.
Năm 1956, khi tôi trở lại Tứ Xuyên thì hai Ngân hàng đó đã bị quốc hữu hóa: Ngân hàng Meifeng thành một chi nhánh ở Tứ Xuyên của Ngân Hàng Quốc Dân, còn Ngân hàng Muối thành Ngân hàng Nông nghiệp của Quốc Dân.
Hôm đó tôi tới Ngân hàng Meifeng hồi chín giờ sáng, mới đầu đứng ở ngoài hàng rào chính, nhút nhát quá, không dám vô. Rồi tôi lẻn vô phòng trước. Một nhân viên hỏi tôi muốn gì. Tôi đáp rằng muốn vô thăm ông Tchou Kien San. Đúng lúc đó một người bước vô phòng, nét mặt rất giống ba tôi, nhưng lưỡng quyền cao hơn, dáng đi uyển chuyển và ung dung hơn. Ông bận một chiếc áo dài màu nâu bằng lụa lót da thú, đi giày bằng nhung đen, mắt sáng, vẻ nhìn cương quyết. Tôi nhìn phía lưng ông trong khi nhân viên nữ tiến lại gần ông, nhưng chú ba cảm thấy có người nhìn mình, quay lại, chăm chú ngó tôi. Tôi nói: “Thưa chú Ba”, chú bảo: “Cháu đấy hả”. Tôi cúi đầu chào: “Dạ”. “Chú đã ngờ ngợ, nét mặt cháu phảng phất như ba cháu, và cũng như em, cháu Nguyệt Lan [1] nữa… Cháu có biết rằng hai năm trước nó lại chơi đây không?”. “Thưa không, cháu không biết”. Có ai cho tôi hay rằng em gái tôi, Marianne đã lại Tứ Xuyên đâu.
Chú Ba bèn quay trở lại đi trước tôi, bước chân nhún nhảy êm như ru, vì giày bằng vải. Chú mở cửa, dắt tôi vô phòng giấy của chú, một căn phòng kê nhiều chiếc ghế bành bọc da, đã có từ hai chục năm trước, thời chịu ảnh hưởng của Mỹ, nhiều cái bàn và một chiếc bình phong bằng gỗ chạm kiểu Tứ Xuyên, tường treo nhiều bức hoành và liễn viết chữ Trung Hoa. Chú gọi người đem nước sôi vô, mở một cái tủ lớn làm ở trong tường, cửa kính, che lụa trắng, nhìn vào tôi thấy vô số hộp tròn, vuông, bát giác bằng tre, gỗ sơn, thiếc mỗi hộp đựng một thứ trà. Chú Ba sành về trà, bảo một người hầu châm nước vào bình trà, rồi chú vén tay áo vừa lấy một nhúm trà, đựng trong một cái hộp bỏ vào bình, vừa giảng cho tôi thứ trà đó trồng ở đâu, hái ra sao, vào mùa nào, giá bao nhiêu và không ngớt hỏi tôi làm gì, tại sao tới Trung Khánh. Cặp mắt linh động của chú thỉnh thoảng liếc ngó tôi rồi quay đi, nhìn bức tường ở trước mặt vì ngó một người trong khi người đó nói là điều vô lễ. Tôi thưa rằng tôi đã có chồng, tôi đọc và viết chữ Pao cho chú coi, và chú bảo: “Cháu phải lại ở ngôi nhà của chú tại Trùng Khánh không được ở khách sạn nữa”.
Ngay chiều hôm đó, khi Pao ở Đại bản dinh về, tôi kể hết cho anh nghe và dắt anh lại thăm chú Ba. Kiệu ngừng trước cổng lớn bằng gỗ sơn then, tại đầu một lối đi có tên là Tiền Phu [2], khi ở trên kiệu bước xuống tôi thấy Pao sửa lại nét mặt cho nghiêm trang, cử chỉ cho lễ độ để chú tôi có ấn lượng tốt về gia phong của ảnh.
Qua cửa rồi, chúng tôi vào sân thứ nhất, rồi tới sân thứ nhì, sân thứ ba, biệt thự của chú Ba vào hàng đẹp nhất ở Trùng Khánh, rộng lẫy giữa cảnh nghèo nàn của mọi người, mặc dầu so với phương tây thì biệt thự có vẻ lạnh lẽo, nhỏ mà thiếu tiện nghi. Phòng khách hình chữ nhật cũng lát gạch vuông như các phòng khác, vì đương mùa đông lạnh, nên trên các chiếc ghế bọc vải trắng có chất những tấm da thú, da báo miền tuyết Tứ Xuyên, có vết đốm như cánh bướm, còn da gấu và da dê thì trải trên sàn. Trong không khí tĩnh mịch lạnh lẽo, thoang thoảng có hương lan mùa đông trong các bình trên bàn viết của chú Ba, khiến cho tôi thấy khoan khoái lạ lùng.
Vì hồi trẻ không được học tới nơi tới chốn, nên bây giờ ngày nào chú Ba cũng tập viết. Mỗi buổi chiều, ngồi trước bàn giấy chú phải viết cho xong một trang. Chú thích sạch tới cải mức cuồng nhiệt: đồ vật chung quanh mà dơ dáy, hỗn độn là chú không chịu được, đồ vật gì chú cũng bắt dán nhãn và sắp đặt một cách thực tỉ mỉ, ngay các hộp trà cũng vậy, trong ngăn kéo của chú, luôn luôn có sẵn một chiếc khăn lau bằng len mềm để chú đích thân lau chùi bàn viết: chú cầm cây chổi lông đi khắp nhà quét bụi, chú thuyết một tràng cho vợ con và gia nhân nghe về vệ sinh, sức khỏe và sự sạch sẽ. Chú cũng đã sắm một chiếc xe Fort nhỏ mà cứ để hoài ở ngoài sân, không bao giờ đi. Nhưng ngày nào cũng ra ngó xe, lấy khăn chùi cho bóng loáng, bộ phận chắn bùn, và dùng một cây chổi lông đặc biệt phủi hết bụi trên thùng xe. Ai cũng biết chiếc xe hơi của chú Ba, và có ai giễu chú chú đáp: “Cứ cười cho thỏa đi, tôi không vì lời nhạo của bà con mà bỏ chiếc xe của tôi đâu”. Tình thân thiết giữa chú và tôi, sáng suốt và lâu bền từ buổi đầu đó, không bao giờ thay đổi.
Thấy chúng tôi vô, chú Ba la lên: “Có khách đặc biệt! khách đặc biệt!”, chú nhìn Pao mà mặt tươi lên. Lại pha trà, trong khi chú ngắm nghía Pao bảnh trai trong bộ quân phục may ở Anh (anh có tám bộ như vậy), và khen anh bằng những lời văn hoa hợp tình hợp cảnh. Tôi tin rằng chú thỏa mãn về cuộc hôn nhân của tôi lắm. Tôi đã không cưới một người ngoại quốc, nên phép xã giao, lễ nghi không hóa ra rắc rối. Tôi đã cưới một sĩ quan Trung Hoa. “Tuyệt”, chú Ba vừa nghĩ vậy vừa chăm chú ngó Pao bằng cặp mắt tinh đời tán thưởng, vừa hỏi thăm về quê hương, dòng họ anh và nhớ ra rằng đã có lần gặp thân phụ Pao ở trường võ bị Paoting. Càng đàm đạo, nét mặt của chú càng tươi lên.
Chú Ba khen cuộc hôn nhân của chúng tôi là có lợi vào cái thời xáo trộn đó, thời mà Tứ Xuyên bị bốn chục triệu người lạ tới xâm chiếm, hạng người dân Tứ Xuyên gọi là “những kẻ ở dưới chân chúng ta” vì họ ở miền hạ lưu sông Dương Tử vì bị khinh là có tinh thần địa phương, cô lập. Các công chức cao cấp phong nhã ở Thượng Hải, Nam Kinh, trả đũa lại, gọi dân ở đây là những “con chuột Tứ Xuyên”. Giới quý phái trong miền sợ chính quyền Trung ương xen vào công việc của họ, nhưng có được một người bà con ở trong chính quyền Trung ương thì có thể nhờ cậy được, vì lúc ấy mọi từng lớp trong các tỉnh trước kia tự trị đó đã bắt đầu phải chịu nạn lạm thu, tham nhũng của Quốc Dân đảng rồi.
Ở Tứ Xuyên, cũng như ở khắp Trung Hoa, tình họ hàng quan trọng lắm, ở cái tiểu quốc hẻo lánh miền trung đó, bất kỳ một sự kinh doanh nào cũng ghép chặt vào một hệ thống bè phái phong kiến và huyết thống, ấy là chưa kể hội kín các đại ca (Kelao) đâu cũng xâm nhập vào được.
Ở Ngân hàng Meifeng mà chú Ba hồi đó làm Tổng quản lý, có ba ông giám đốc là anh em ruột, ông thứ tư là anh em họ của ba ông kia. Chú Ba sở dĩ vô được ngân hàng đó là nhờ đã quản lý tài chánh trong một thời gian rất lâu cho vị quân phiệt lớn nhất Tứ Xuyên, Lieou Hiang, và nổi danh là nhà lý tài chuyên môn. Trong ngân hàng, con trai, con gái, cháu, anh em họ và bà con xa gần của các ông giám đốc chiếm rất nhiều chức vụ nhất là ở chỗ thâu tiền, ở phòng kế toán ra nhiều phòng quan trọng khác. Chú Ba cũng cho nhiều cháu trai, cháu gái vô làm ở Ngân Hàng tại Trùng Khánh, Thành Đô, Nội Giang và vài thị trấn khác. Bây giờ ngân hàng đã đổi chủ, những nhân viên đó (anh em chị em họ hàng của tôi) vẫn còn làm việc, tôi lại thăm vẫn thấy họ ngồi ở chỗ cũ, làm những công việc họ làm ba chục năm trước.
Hôm sau tôi và Pao dọn lại ở nhà chú Ba. Chú dành cho chúng tôi một phòng rất đẹp, kê một chiếc giường lớn chạm trổ, chung quanh có màn trướng bằng lụa, khăn đắp chân nhẹ như lông thiên nga nhồi bằng tơ gốc, thêu hoa và chim. Chúng tôi có một phòng tắm với một bồn tắm mênh mông tráng men, trong đó gia nhân đổ nước nóng vô cho chúng tôi. Phòng rửa mặt rất sạch sẽ: luôn luôn có người chùi rửa. Ở cổng sơn then, mỗi khi Pao vô hay ra, người gác cổng đều hô lớn: “cậu Ba vô” hay “cậu Ba ra”. Giờ nào chúng tôi cũng có trà ướp hoa mới châm, sàn rất sạch sẽ, có nhiều ống nhổ (mặc dầu chúng tôi không dùng tới) bằng sứ vẽ hoa, ngày nào cũng thay nước, đồ đạc bằng gỗ sơn không dính một hạt bụi, màn cửa sổ bằng lụa trắng. Phòng đó là phòng đẹp nhất trong nhà. Chú Ba chiều chúng tôi quá.
Tiếp theo là những bữa tiệc để giới thiệu vợ chồng tôi với thân hào Tứ Xuyên: Họ K’an, họ Trần, họ T’eng và nhiều họ khác, trong bữa tiệc, các sân được treo đèn lồng, trên các bàn tròn, bày những món ngon nhất trong tỉnh, và chú Ba vừa ăn ngon lành vừa giảng về thuật nấu bếp, khen hoặc chê vợ chồng tôi ăn nhiều hay ăn ít. Ai cũng có quà tặng tôi hàng chồng khăn phủ giường, hàng tá xấp lụa giường, hàng tá xấp lụa để may quần áo. Pao ngạc nhiên, bảo: “Chú Ba coi em như một con ruột chú vậy”.
Trong mười ngày đầu, Pao vui vẻ dễ thương lắm, dắt nhiều “Nghĩa huynh” lại nhà chú Ba độ khoe họ hàng bên nội tôi sang trọng ra sao, cái đó vinh dự cho ảnh lắm.
Ngày nguyên đán Trung Hoa vào tháng hai dương lịch, chú Ba đưa tôi và người vợ bé của chú tên là Yao Niang (chị này coi sóc nhà cửa ở Trùng Khánh, còn thím Ba tôi chỉ huy nhà cửa ở Thành Đô), lên máy bay về thăm nhà chú ở Thành Đô. Mỗi năm chú về Thành Đô ít nhất là ba, bốn lần, và trong ba năm kế đó, tôi thường nhân những dịp đó, theo chú về, vì mọi phương tiện chuyên chở đã bị tổ chức Sơ-mi-lam kiểm soát, nhân viên ngân hàng dễ mua giấy máy hay hơn là người thường. Ngân hàng nào cũng có một nhân viên chuyên đút lót bọn Sơ-mi-lam để xin các giấy chuyên chở mời họ đi uống trà…
Tôi về đó lần này để được giới thiệu với đại gia đình, họ hàng, và chú Ba dùng thành ngữ cổ, bảo rằng: “Cô dâu về làm lễ nhị hỉ”. Pao không đi với tôi mà ở lại Trùng Khánh, được một đám gia nhân hầu hạ. Chiếc phi cơ buổi sáng cất cánh đi Thành Đô, chỉ một lát chúng tôi ra khỏi đám sương mù mà bay lên trời xanh, trong buổi đầu xuân đó. Nhìn xuống dưới thấy đồi núi như quay trôi đi, rồi chúng tôi bay trên cánh đồng Thành Đô lấp lánh trong không khí trong trẻo và lạnh dưới ánh mặt trời rực rỡ.
Tôi đã tả trong một cuốn khác [3] lần đi chúc Tết các bà con họ hàng đó, và niềm vui thích (lần nào cùng dào dạt) khi gặp đại gia đình phong kiến của tôi, mặc dầu ngày nay ở Tân Trung Hoa người ta không chấp nhận nó nữa.
Tuy mấy tháng sau, tôi phải nhận thấy rằng, như mọi gia đình khác, đại gia đình của tôi cũng có những điều bí ẩn không tiện nói ra, những ganh tị, tranh giành mờ ám, những âm mưu lén lút, nhưng thù oán, những dục vọng dữ dằn, những cuộc cãi vã nho nhỏ, rằng, hơn nữa, gia đình đó, theo nguyên tắc ngày nay, gồm một nhóm người bóc lột kẻ nghèo, nhưng về Thành Đô, xa anh Pao tôi được nhẹ mình, thư thái, điều đó đủ giảng tại sao tôi thấy người nào trong họ cũng cực kỳ dễ thương mà quả thực họ rất tử tế với tôi, nhất là thím Ba tôi, ai cũng hết sức làm cho tôi vui thích, giúp đỡ tôi! Và tình yêu thắm thiết – mà vẫn sáng suốt – đối với gia đình tôi không thể nào bị thời gian hay cách mạng hủy diệt, hoặc làm cho phai nhạt đi được.
Tết là những ngày hoan lạc; nội cái tục: Tết nhất thì ai cũng phải niềm nở, cũng đủ là một lá bùa hạnh phúc rồi, suốt mấy tuần đầu năm, người ta vui vẻ, tử tế với nhau, ăn ngon mặc đẹp. Phải giữ gìn không có một ngôn ngữ, một cử chỉ khó chịu nào làm mất cái vui đầu năm đó, bản tính tôi uyển chuyển, khiến cho tôi nếu không quên được thì cũng coi thường những cuộc gây lộn với Pao. Ở giữa đám bà con họ hàng đông đúc vui vẻ đó, tôi tràn trề hạnh phúc và chỉ muốn làm vui lòng họ, tôi tiếc cho anh Pao không có ở đó và tôi viết thư bảo tôi nhớ anh. Ở bên cạnh bà con, tôi quên những lúc đau khổ của tôi mà thỏa thuê hưởng những giờ tuyệt thú (dù chỉ vì mặt trời vui vẻ, rực rỡ chiếu, và mọi người có vẽ sung sướng, thì những giờ, những ngày đó cũng tuyệt thú rồi). Trong cái tháng ngắn ngủi đó[4] tôi rất dễ dàng thắng được bản tính nóng nảy của tôi mà sống theo nhịp điệu uể oải biếng nhác, không biết thời khắc của họ hàng tôi, làm gì thì chỉ là làm chơi một cách cực kỳ tỉ mỉ, kiên nhẫn. Có lẽ có tính cách hơi khôi hài đấy, nhưng tình yêu chân thành cho sự bó buộc đó hóa dễ dàng, thành thử lần đó tôi thực tình tan hòa, thích thú được tan hòa trong một nhóm và trong thâm tâm, tôi mừng tới ứa lệ rằng đã tìm được Đại gia đình rất dễ thương của tôi ở Tứ Xuyên.
Có nhiều nhà phải đi thăm: chú bác, cô dì, cậu mợ, ông chú, ông bác, thân thuộc xa gần, mà cách xưng hô không có trong tiếng Pháp, tôi phải học kỹ mới thuộc, rồi đi thăm, xá, ăn rồi xá, uống trà rồi xá, tôi ngoan ngoan theo thím Ba tôi, như con gái của người vậy. Vui đáo để, ngày nguyên đán, phải xá tất cả những bậc trưởng thượng. Không khí lành lạnh đượm chút ánh nắng trong sân, trong vườn, những cây mai, cây mận, cánh hoa phơn phớt hồng hay phơn phớt vàng tỏa hương, nhè nhẹ, vạn vật được trang điểm rực rỡ, vui tươi, biến đổi hẳn đi, thị trấn Thành Đô cổ và yên tĩnh đẹp làm sao với những ngõ quanh co, những căn nhà bằng phên trát thạch cao, không vững, những nóc ngói xám, những con két xanh đỏ, đu đưa trên cái sào bằng thiếc, trước các cửa tiệm, những cánh cửa sơn then dán nhưng tấm giấy điều mừng năm mới, những tiệm trà danh tiếng sao mà nhiều thế, và trong không khí lành lạnh ban mai, hương trà mới châm tỏa ra thơm phức, những con bé nghịch ngợm lăng xăng chạy qua chạy lại, má ửng đó, tóc chải nhẵn bóng, kết thành hai cái bím cột bằng chỉ đỏ, quần áo của chúng bằng vải bông, màu sặc sỡ, coi y như những giỏ hoa biết cử động. Từng đám khách đi chơi xuân thơ thẩn trong các lối đi hai bên trồng trúc đào, ở công viên Shao-sheng, nơi đó có dựng một đài kĩ niệm cuộc tranh đấu cho đường xe lửa Tứ Xuyên, cuộc tranh đấu đó là khởi điểm cuộc cách mạng đầu tiên (năm 1911) của Trung Hoa; những hồ đầy sen, những trà thất, và sắp thành từng hàng, từng hàng, những đông lan (lan mùa đông) màu xanh lợt, tím lợt như hồi sinh để khoe sắc. Nên thơ thay và không sao quên được là cảnh công viên Đỗ Phủ với những bụi trúc nhắc ta đại thi hào bậc nhất của Tứ Xuyên. Trong sân, trong đền Vũ Hầu [5] mới sơn lại, màu lòe loẹt, chật cứng người lại lễ bái, nhiều gia đình kéo nhau đi hết, cha chỉ cho con tượng các vị anh hùng thời Tam Quốc. Tên những vị anh hùng đó sống lại trong những chiến công, những mưu mẹo tài tình mà người kể chuyện đạo diễn lại dưới ánh một tim đèn nhỏ bằng sợi, nhúng vào một cây đèn bằng đất đầy dầu cải (colza) hình dáng rất giống những cây đèn người Hi Lạp dùng trong thời đại anh hùng của họ. Cả ngàn hương vị cay cay của các món ăn Tứ Xuyên, bánh mứt, hương thơm mát mát, chua chua của cam, quít và cả một đám anh em chị em họ, khoác tay tôi (chỉ bọn phụ nữ thôi đấy), gọi tôi là chị Ba, em Ba… tôi học được cách nói của Tứ Xuyên, mặc cho thói cầu kỳ, kiểu cách chung quanh nhiễm lần vào tôi, thấm nhuần tôi, bỏ hết mọi sự gò bó, tôi trôi trong sự ung dung, tin tưởng mà đại gia đình đã làm cho tôi tìm lại được, cơ hồ như phép màu đó không bao giờ dứt cả.
Sau một bữa tiệc đầy đủ mọi người, chú Ba bảo rằng đã tìm cho tôi được một tên [6] theo ngôi thứ, tức theo tuổi và thế hệ tôi, trong gia phả.
Chú Ba ghi mọi thế hệ vào gia phả, và sau này tặng tôi một bản: thế hệ tôi có tới hai mươi lăm người: bốn anh em do ba tôi sanh, bốn người con của chú Ba, mười hai người con của chú Sáu, và năm người con của bác Cả; hai mươi mốt anh em chị em, con chú, con bác của tôi đó đều được sắp vào gia phả như anh chị em ruột của tôi, người con trai sanh ra đầu tiên gọi là Trưởng Nam, người con gái sanh ra trước hết gọi là Trưởng Nữ, không kể những người đó là con của bác tôi hay của các chú tôi, cứ ai lớn tuổi hơn hết về phía trai thì là anh cả, lớn tuổi hơn hết về phía gái thì là chị cả…
Trong sự sắp đặt theo huyết thống của cha đó, tên họ thành ra rất quan trọng vì là tên thị tộc (clan) và ở Tứ Xuyên người ta cho rằng hai người cùng một tên họ không bao giờ được cưới nhau dù đã được chứng tỏ một cách rõ ràng họ không có một chút liên hệ nào về huyết thống. Chẳng hạn một người họ Chu không thể cưới một người họ Chu, một người họ Lưu không được cưới một người khác cùng họ Lưu. Mà trong khắp nước Trung Hoa cho có 286 tên họ cho khoảng 500 triệu người, thành thử có rất nhiều cơ hội cho một người họ Chu cưới một người họ Chu, nhưng một sáng kiến khác của thời phong kiến làm cho việc đó không thể xảy ra được. Hôn nhân nào cũng phải do gia đình hai bên thu xếp với nhau, và không gia đình nào chịu kết hôn với một người cùng tên họ vì như vậy có nghĩa là loạn luân, bị người khác chê cười, hiềm kị: tội đó nặng lắm, không ai dám mắc, không một người làm mai chuyên nghiệp nào lại nhận một việc ghê gớm như vậy [7].
Nguồn gốc tục đó, như nhiều cái khác nữa, có lẽ do sự kiện này: hệ thống thị tộc dựng trên huyết thống của đàn ông (tức phụ hệ), truyền thuyết nam tôn nữ ti ngầm chứa trong Không giáo, đã diệt hệ thống nguyên thủy tức mẫu hệ, và nghiêm khắc ngăn cấm sự loạn luân. Nhiều làng hồi xưa còn theo hệ thống bộ lạc, đa số dân chúng trong làng cùng mang một tên họ và kết hôn với người làng khác mang một tên họ khác, chứ tuyệt nhiên không bao giờ kết hôn với người cùng tên họ, tất cả các cuộc hôn nhân đó đều được cha mẹ sắp đặt, trai gái không được lựa chọn, tiếng “ái tình” bị cấm tuyệt, không khi nào dùng tới, hễ nói tới là làm cho ngươi ta đỏ mặt lên, cười ngạo, nổi giận, chửi mắng…
Mặt khác, anh em con cô cậu có thể cưới nhau được, vì tên họ khác nhau. Ý niệm rằng tinh của đàn ông có ưu thế, rằng khí huyết do cha truyền cho, mẹ chỉ tiếp nhận để nuôi cái thai thôi cũng là một ý niệm phong kiến nữa mà chính Pao tin là đúng.
Ngày nay đã thay đổi rồi, con cái có thể theo họ cha hay theo họ mẹ tùy ý, và nội điểm đó cũng đủ là một cuộc cách mạng văn hóa.
Cũng có những thị tộc đời đời làm thông gia với nhau, như họ Hồi họ Hồng, họ Đặng (?) (Teng) khi sanh con, trai hay gái, thì kiếm ngay một đứa gái hay trai trong họ Chu để hứa hôn, ngược lại cũng vậy.
Trong những cuộc kết hôn đó còn xen vào những giao tình trong công việc kinh doanh, thương mại nữa, thật là rắc rối chồng chất.
Chú Ba giảng cho tôi – đúng hơn là cho hết thảy chúng tôi – những điều đó vì chú thích nói dông dài về gia đình, và không có lúc nào thuận tiện bằng ngày Tết để nhắc lại những tục lệ gắn bó, ghì chặt mỗi cá nhân và và toàn thể với cái hệ thống Đại gia đình phong kiến.
Vì vậy tôi được đặt tên là Ba và tên đó được ghi vào gia phả, hơi chiếm mất chỗ của người con gái chú Ba tôi, sanh sau tôi mười ngày, và trong nhà người ta quyết định gọi tôi là Ba cao, cô em đó là Ba mập vì cô đó có da có thịt hơn tôi, mặt tròn và vui vẻ…
Ngay từ khi mới gặp mặt, tôi đã yêu quí thím Ba liền, tóc thím đen nhánh như huyền, da thím trắng và mịn, hai bàn tay rất đẹp. Hiện nay, đã 77 tuổi mà bàn tay thím còn đẹp mặc dầu da đã sạm nắng và tóc đã hoa râm. Chân thím bị bó, nhỏ xíu. Thím thấp bé tới nỗi ngồi trên ghế dựa mà chân không chạm đất. Thím rất thạo việc tề gia và việc trong họ, chỉ huy mà lúc nào cũng ôn tồn, ngọt ngào. Thím không hề phiền muộn vì chị Yao, vợ bé của chú tôi, chị này dung nhan tầm thường, có phần xấu xí, không bao giờ lên mặt ta đây, và hễ có thuốc phiện cho chị hút thì chị coi sóc nhà cửa ở Trùng Khánh một cách dễ dàng vì gốc gác ở đó, chú Ba gặp chị trong một thanh lâu và chị đã săn sóc chú bị một bệnh không rõ rệt, chị thích thú tả cho tôi nghe triệu chứng của bệnh nhưng tôi chẳng đoán ra bệnh gì cả. Chú đã mua chị về và cho chị làm quản gia. Rất ít khi chú chuyện trò thân mật với chị, nhưng suốt ba chục năm, không để chị thiếu thốn gì cả, cả về cái khoản thuốc phiện, không bao giờ keo kiệt về tiền may sắm áo quần cho chị. Chị không tiêu hoang, kỹ lưỡng và đạm bạc như thím Ba, không uống rượu, không làm hại thanh danh gia đình, chị hút thuốc phiện một cách kín đáo, không bao giờ hưởng quá ba điếu một lúc.
Ít tháng sau, chị và thím Ba tích cực liên kết với nhau vì chú Ba đam mê nhất thời một đàn bà hát bóng. Cô đào này đẹp, là “ngoại nhân” vì gốc Thượng Hải (cô ta bảo vậy) phá của dữ lắm, chính vì lý do cuối đó, chứ không phải vì lý do cô có thực tâm yêu chú Ba không (điều này không sao biết rõ được), mà thím Ba và chị Yao đâm lo, mặt lúc nào cũng nhăn nhó. Thím Ba lẩm bẩm rằng chú Ba bị cô ta bỏ bùa mê, rồi thở dài tiếp tục làm việc nhà, môi mím lại, mày cau có, nghiêm khắc, còn chị Yao, thô lỗ hơn, lắm lời hơn, nghĩ tới cái nguồn thuốc phiện của mình có thể cạn đi, mà hoảng sợ, bảo rằng “minh tinh” đó là một con điếm, kẻ nào làm mai làm mối, chị biết rồi, quân bất lương đó âm mưu dùng ả nọ làm mồi để hại chú Ba, tống tiền chú Ba. Nhưng rồi mọi sự đâu vào đấy cả, “minh tinh” đó tốn kém quá, mỗi ngày mỗi đòi hỏi nhiều hơn và chú Ba chấm dứt.
Trên tường, trong phòng giấy ở ngân hàng và trong phòng khách ở Thành Đô, cả trong các phòng ở trại ruộng Ta Er Woh, gần Trùng Khánh, nơi mà chú tản cư, sau khi nhà ở Trùng Khánh bị bom dội sập, tháng 5 năm 1939, treo ra liệt các hình của đào hát bóng đó: “ngực hậu hĩnh”, má lúm đồng tiền, cặp mắt lớn, mơ mộng, ngước lên trời, hình nào cũng tô màu. Chị Yao càu nhàu; “Tốn kém, tai hại”. Chú Ba hạ những tấm hình đóng khung đó xuống coi và diễn thuyết dài dòng về những cái đức của một khuôn mặt đẹp, có vẻ như chú trình bày một triết thuyết về cái đẹp vậy: “Này, coi những nét này chẳng hạn, trán với cằm xứng nhau, tỏ rằng sức mạnh tinh thần rất cao… ngó cặp mắt này cách nhau ra sao… các nhà tướng số bảo khoảng cách giữa hai con mắt phải bằng chiều dài một con mắt…” Không bao giờ chú tỏ ra thô tục, khiếm nhã, nhưng hăng hái đề cao không ngớt những vẻ đẹp của ả nọ, mà chị Yao hồi đó gọi là một cái “bộ xương”, còn thím Ba thì bảo: “(Đào) nhất ở chỗ nào?”. Rồi một hôm bỗng nhiên các tấm hình biến đâu mất hết, không còn ai nghe thấy chú Ba diễn thuyết về những luật của cái đẹp nữa. Chú lại tự giam mình trong phòng giấy mà tập viết. Rồi chú bước ra khỏi phòng, bảo khiêng kiệu lại, và từ tối đó, không ai nghe thấy chú nhắc tới đào hát bóng đó nữa.
Trừ cái vụ nhỏ nhặt đó ra, suốt mấy năm gần gũi chú thím, tôi thấy hai người rất hòa hợp nhau, hiểu biết nhau, bao dung nhau, không có một nứt rạn nào trong hôn nhân cả. Chú Ba thỉnh thoảng giễu thím nói chớt và thím đỏ mặt lên như một thiếu nữ khi chú chuyện trò với thím. Buổi tối, thím thức đợi chú về, cũng như hết thảy chúng tôi, thím nóng ruột lắng nghe chân chú hàng giờ. Bây giờ chú thím đều già rồi mà vẫn không rời nhau. Sau cuộc cách mạng, chị Yao cai được thuốc phiện và chết vì bệnh lao mấy năm sau. Thím Ba săn sóc chị, và bây giờ, tuy chân bị bó, nhỏ xỉu, mà thím vẫn hoạt động, có thể đi bộ mấy cây số, ngày nào cũng đi dự buổi học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, thím ham học lắm, thường tới trước buổi họp nửa giờ. Chú Ba vì đau đầu gối ở nhà đợi thím về. Trong cảnh tương đối nghèo đó, thím vẫn sung sướng như hồi chú thím còn giàu có, giúp đỡ bao nhiêu bà con họ hàng và người dưng.
Qua mười ngày đầu năm ở Thành Đô rồi, thím Ba và một nhóm trẻ trong đó có tôi, lại chơi Pihsien, một thị trấn nhỏ cách Thành Đô 15 dặm, khoảng 12 cây số. Đoàn chúng tôi ra cửa Tây, con đường sụp lún, lầy lội, bùn đỏ dính chặt vào chân bọn phu xe. Hôm đó trời nắng, thứ nắng dịu đó sẽ làm cho cánh đồng hóa ra nhớp nháp, ẩm thấp, như trong một nhà gương để trồng cây. Không khí oi ả, nặng như cái trần nhà, trùm lên vùng Thành Đô, lúc nào cũng đóng hơi nước nhè nhẹ, không khác trong phòng tắm hơi. Thứ sương đó cũng bốc từ những cánh đồng bón phân, đất đen và mầu mỡ lên chỉ trong vài tuần cuối đông – một mùa đông ngắn và không lạnh lắm – và trong hồi đầu xuân là không khí tương đối khô ráo. Khí hậu luôn luôn ẩm thấp đó làm cho da các thiếu nữ được mịn như cánh hoa mộc lan (magnolia); ngay những người đàn bà đã có chồng, xanh xao, siêng năng, lùn, mập, thiếu ăn, nước da cũng tốt. Bọn phu đi dép bằng rơm đan, lội bì bõm trong bùn, và một lát sau chúng tôi ra khỏi thị trấn, tiến nhanh về phía Pihsien. Tôi nhìn bắp thịt vồng lên trên lưng người phu xe của tôi. Chú ta ở trần, nhễ nhại mồ hôi mặc dầu trời lạnh, đầu quấn một cài khăn để mồ hôi khỏi chảy xuống mắt. Tôi muốn xuống xe đi bộ, nhưng như vậy không được, thím Ba không khi nào cho phép.
Chú Ba đã nói chuyện cho tôi nghe về thị trấn nhỏ Pihsien ở phía Nam này, nơi mà tổ tiên chúng tôi đã ngừng lại đầu tiên để làm ruộng, cùng như biết bao người dân khác ở Tứ Xuyên hiện nay, cũng như hai nhà văn Quách Mạt Nhược và Ba Kim, như Chu Ân Lai, tổ nên chúng tôi là những người Hakka (Khách Gia)[8], thế kỷ thứ XI, bỏ lưu vực Hoàng Hà mà di cư xuống miền Nam tránh sự tàn phá của người Mông Cổ, và Thát Đát, lập nghiệp ở các tỉnh miền Nam như Phúc Kiến, Quảng Đông, nhưng các cụ tới trễ quá, các ruộng tốt đã bị chiếm rồi, phải sống nghèo nàn, lãnh canh, thành thử thời nào cũng có người di cư đi hoài để kiếm những đất tốt hơn. Nhiều người gánh thuê, bán rong hoặc buôn muối lậu, làm giặc, nổi loạn. Sau cuộc xâm lăng của Mãn Thanh ở thế kỷ XVII, Tứ Xuyên chống cự bốn chục năm, một phần bị tàn sát, một phần bị dịch hạch, gần như không còn người dân nào cả. Nhà Thanh dùng chính sách di dân, bắt những người Hakka lại lập nghiệp trong các miền hoang vu. Thế kỷ XIX họ tổ chức các đoàn quân Hakka để đẹp các cuộc nổi loạn trong miền. Người Hakka do đó rời Quảng Đông mà lên miền Tứ Xuyên ở Tây Bắc, họ theo những thuyền chở muối đi trên các con kênh, và những đường mòn trong núi mà bọn buôn lậu muối vẫn dùng. Họ định cư ở các thung lũng phì nhiêu và trong cánh đồng Thành Đô. Trong số các khu đó, Pihsien phì nhiêu, phong phú hơn cả vì mỗi năm có thể làm hai, có khi ba mùa lúa được.
Những người phu xe vừa đi – gần như chạy – trên đường vừa nói đùa với nhau trong không khí mát mẻ ban mai. Chú Ba cũng xen vào câu chuyện của họ, cho họ hay rằng họ may mắn không phải sống ở Trùng Khánh, nơi mà con đường nào cùng là những thang đá đưa từ đầu thang dưới tới chân thang trên, thành thử những phu khiêng kiệu và phu xe, mùa đông mưa và sương mù, đường trơn phải cẩn thận lắm mới khỏi té, mà mùa hè, nóng như thiêu, mồ hôi chảy ròng ròng, mờ cả mắt, họ trượt chân một cái thì có thể gãy xương lắm, mà gãy xương là bể nồi gạo, bao tử đói thắt lại, không sao tránh khỏi. Bọn phu xe cười, một người bảo đã được nghe nói về Trùng Khánh, vì có một người em khiêng kiệu ở đó và bọn khiêng kiệu này không sống lâu được, sinh lực kiệt lần đi, mùa hè cùng như mùa đông, vì mùa hè nóng như lò lửa mà mùa đông lạnh như băng, người nghèo kiếm đâu được quần áo? Vậy bọn họ quả là may mắn được sống ở thị trấn Thành Đô đẹp đẽ, bằng phẳng này, đường nhẵn như sân một dinh thự, và chỗ nào cũng có nước, do đó có nhiều quán trà để giải khát. Trùng Khánh ít nước tới nỗi cây không mọc nổi trên đá, mà tia nắng quất vào vai như nọc roi, ấy là chưa kể những tay kiệu bằng tre lún sâu vào da thịt, nhất là khi kiệu nghiêng nghiêng lên những đường dốc gần như dựng đứng…
Một chú khác bảo vậy mà đời sống đó còn hơn đời sống trong quân đội, vì chú đã thấy nhiều sĩ quan bắt lính, họ dữ như chó sói, họ vác súng đi lượm những người ngồi trong quán trà hoặc đương làm ngoài ruộng, cột người ta lại bằng dây thừng rồi lôi đi, chưa hết, họ còn bắt người ta khuân vác những bó củi, thùng dầu, khúc vải mà họ cướp của dân, đem về tỉnh bán nữa, họ lựa nhưng người mạnh, quất bằng roi, nhiều người chết vì bị bỏ đói, họ bắt người ta đi một ngày ba chục dặm hoặc hơn nữa, ban đêm nhốt lại, sáng sớm người nào còn sống thì lượm những người chết, kéo lê ra tới đường cái, trước khi bọn sĩ quản ngó tới. Như vậy thà làm phu khiêng kiệu cho các thầy, các ông còn hơn là vác súng ở dưới quyền bọn người miền biển đó. Chú ta có một người em bị bắt cách đó hai tháng, để lại nhà nhiều miệng nuôi. Những người phu đó kể chuyện của người khác mà là gián tiếp kể lể nói điêu đứng của họ, bằng một giọng cho ta đoán được rằng trong thâm tâm họ, đã sùng sục lên một nỗi uất hận…
Thật giống một cách lạ lùng những điều mà thi hào Đỗ Phủ đã tả – giống cả tới lời nói đẹp đẽ mà tàn nhẫn – trong khúc Oán Thành Đô mà mỗi câu tận cùng bằng một âm kéo dài ra này:[9]
Theo con đường Hsin An,
Tôi nghe thấy lời than thở của những người bị bắt lính.
Tôi hỏi, người thư lại đáp:
Làng thì nhỏ, hết người rồi,
Nhưng cần phải bắt thêm lính.
Không còn tráng đinh,
Chỉ còn những thanh niên nhỏ bé, ốm o.
Những người no đủ, mẹ họ vừa đi bên cạnh họ vừa khóc,
Những kẻ đói thì cô độc, không ai chúc họ may mắn,
Ánh rạng đông nghịch ngợm tỏa xuống.
Đồi núi dội lại tiếng la hét của những người bị thương…
Nhưng trời đất cứ thản nhiên…
Đoàn càng đi thì tôi càng thấy cái cảnh đau khổ suốt đời đi bộ, khiêng, kéo, suốt đời cực nhọc, muốn chết đi của những người dân nghèo trong khi những nhà chỉ huy đưa họ tới cảnh tàn phá, chết chóc, họ có chống cự lại thì thẳng tay giết họ, những kẻ vô danh, không ai biết tới. Có lẽ nào chỉ có mỗi một thi sĩ thế kỷ thứ VIII (Đỗ Phủ) là nhắc tới thân phận của họ thôi ư?
Chung quanh chúng tôi toàn là đồng ruộng rực rỡ, say ánh sáng, lồng lộng dưới vòm trời, những con heo con đang chui vào cái chòi rất bẩn, sàn là đất nện, rồi lại ủn ỉn chui ra, rồi tới những xóm nhà xám và đen xây bằng gạch chắc, và chúng tôi thấy Pihsien hiện lên trước mặt, với thành lũy có cổng hẹp đưa vào một con đường lớn hai bên chen chúc các cửa tiệm, và một ngôi đền mái rộng, uốn cong lên trời, hồi đó đảng viên các hội kín của cuộc cách mạng 1911 hợp nhau để đánh đuổi triều đình Mãn Thanh. Trong chính điện của ngôi đền, sau những tấm màn đóng bụi, là những tượng thần mỗi năm được khiêng ra một lần để các ngài đi soát cửa thành và thành luỹ có đục lỗ để bắn súng.
Tại một khu ngoại ô, có một ngôi đình lớn, tức nhà thờ tổ họ mà ông cố tôi đã xây cất, bên cạnh là mồ mả tổ tiên, có ngôi chỉ là một nấm đất nhỏ, có ngôi được trang hoàng bằng những phiến đá lớn.
Từ Pihsien mà vị thủy tổ của chúng tôi làm nghề bán rong tậu được một khu đất nhỏ, con cháu lần lần tủa ra làm ăn khắp trong tỉnh Tứ Xuyên, dựng được những cơ sở phụ khác, lựa nơi chôn cất, từ hàng nông phu tiến lên hàng địa chủ rồi thành “vọng tộc”. Ở Pihsien sự phát đạt đó hiện ra rõ ràng: đứng ở ngôi nhà thờ tổ bao quát được các đồng ruộng và khu nghĩa địa trồng nhưng bụi cây lan mu cao và mềm mại để đánh dấu chỗ chôn cất các thế hệ sau, gỗ loại cây đó dùng để đóng quan tài sau này. Ở đó, những ngày Tết, thím Ba và các thím khác sửa soạn hàng chồng thỏi vàng, thỏi bạc, bông giấy để đốt trên mộ. Và trong ruộng, ngày thượng nguyên, có một cuộc lễ lớn, múa rồng. Từ trong đền, con rồng vĩ đại uốn khúc vừa tiến ra, vừa chớp nhoáng, nó dài tới nỗi phải có một trăm người đỡ mình nó, đầu nó ngưng lên chống bằng một cây sào, nó tiến theo các đường phố, ra đồng ruộng, đi vòng quanh thành lũy, nhiều người đốt những ống thuốc súng ngay sát mình họ mà không sợ bỏng, để trừ bệnh tật mà suốt năm được mạnh khỏe. Những người đỡ con rồng đó nhô lên, hụp xuống, ùa tới, vặn người để theo kịp múa rồng trong tiếng nổ của pháo, đi vòng quanh thị trấn, ra các ruộng cải vàng, lúa xanh màu ngọc thạch, các rẫy trồng thuốc lá, cả thuốc phiện nữa, nơi đó cả triệu đường mương long lanh đưa nuớc vào tưới mùa màng.
Trong ba năm sau, tôi trở lại Thành Đô, Pihsien bốn lần để theo thím Ba trong các cuộc du lãm bắt buộc đó, để giúp thím thực hiện những nghi lễ tôn kính cần thiết cho tình đoàn kết trong Đại gia đình phong kiến. Lần nào, tâm hồn tôi cũng nhu thuận, lờ lờ trở lại, nửa mơ mộng, nửa mệt mỏi vì một lối sống chẳng cần phải suy tư, tự do hoạt động, cứ theo từng mùa, theo nghi lễ và tập tục là đủ, những nghi lễ đó đã xác định rồi, không phải xét lại nữa. Nếu họ hàng tôi không tốt bụng – không phải là cá nhân tốt mà là cả đoàn thể tốt, tốt không phải với riêng với tôi mà đối với đoàn thể chúng tôi – nếu không có cái tình đó thì tôi không làm sao chịu được lâu chế độ đó. Trong mấy năm đó, tôi học được về nội địa Trung Hoa, về chế độ phong kiến, nhiều hơn là học suốt đời ở một thị trấn miền duyên hải, tôi bắt đầu học cẩn thận chữ Trung Hoa, và sau này tôi còn nhớ được những điều tôi đã học, nhờ vậy không còn dở về ngôn ngữ của dân tộc tôi nữa. Tôi tập cách xoay quanh một vấn đề, phớt qua nó thôi chứ không đi thẳng vào nó, tập xét đoán tinh thần phong kiến, điều đó rất ích lợi vì nó cho tôi nhận định được còn phải gắng sức ra sao nữa mới hiểu rõ được tinh thần, tâm lý người Trung Hoa, cởi được những ràng buộc của dĩ vãng, diệt được những thái độ đã có từ bao đời nay, và những hoài bão di truyền từ mấy ngàn năm do tập tục phong kiến. Và ngày nay sở dĩ tôi hiểu được tất cả sự quan trọng của cuộc cách mạng văn hoá là nhờ mấy năm ở Tứ Xuyên đó.
Miền chung quanh Pihsien hồi đó còn sản xuất thuốc lá, ít thôi và thuốc là ngành buôn bán chính của họ Tchou từ 1799 đến 1917, năm mà tiệm Kouang Hing vỡ nợ. Chú tôi dắt tôi đi coi những kho chứa thuốc ở Pihsien, rộng rãi, sáng sủa, chất từng bành thuốc còn nguyên lá…
Ngoài thuốc lá ra, họ tôi còn bán muối lấy ở mỏ Tseu-king[10] lên, những mỏ này được khai thác từ đời Hán. Chú Ba bảo rằng thứ muối mỏ đó tốt nhất, nấu ăn rất ngon, nhiều người thích. Trước kia, suốt bao nhiêu thế kỷ, triều đình giữ độc quyền bán muối, giao cho những viên chức chuyên môn kiểm soát: ông cố tôi là một trong những viên chức đó. Gia đình tôi còn bán những bánh ngọt để lâu được, làm trong các tỉnh miền Nam. Lại xuất cảng gỗ, dầu trẩu nữa, nhưng không khuếch trương lớn.
Theo con đường cái về phía tây, cách Pihsien vài cây số là Kouan-Hien (Quán Huyện?) nơi có những hoành sơn đầu tiên của dãy núi vĩ đại trùng trùng điệp điệp chạy từ Bắc tới Nam, giữa khoảng Tây Tạng và Tứ Xuyên. Tôi có lại đó nhiều lần, tới cả những núi Tsing Cheng, ở bên kia Kouan Hien, chỗ có nhiều đền và tinh xá của Đạo giáo. Tất cả miền đó đều trồng thuốc phiện, trồng lan qua cả miền đồi ở chân núi, tới tận tỉnh Tây Khánh. Những ruộng trồng cây anh túc (cây thẩu) hồng và trắng chiếm hết những thung lũng cách biệt nhau, và Pihsien ở trung tâm vùng đó: hái được bao nhiêu, đều chở lại Pihsien, bất cứ hai người dân, thì gần như có một người nghiện. Coi nước da bủng, cặp mắt lờ đờ, thân hình ốm o chỉ còn xương với da, ta thấy được là họ nghiện, người giàu cũng hút, nhưng được tẩm bổ, nên thuốc phiện không tàn phá họ, còn hạng lao công, phu phen khiêng kiệu, chèo thuyền ăn không đủ no mà nhờ thuốc phiện để có “hơi sức” thì mau tiều tụy lắm. Chú Ba bảo: “Gia đình mình không bao giờ buôn thuốc phiện” và trừ chị Yao, trong nhà không có ai nghiện. Riêng thế hệ tôi thì chắc chắn vậy vì từ hồi nhỏ đã được cha mẹ nhắc nhở những chiến tranh nha phiến, những cuộc cướp bóc tàn bạo dã man của các cường quốc phương Tây thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Trong các ổ điếm và các tiệm hút ở Tứ Xuyên, loại thuốc phiện nào cũng có bán từ những thứ thuốc Vân Nam ngon nhất, tới những thuốc xái cho hạng khiêng kiệu, cái việc buôn bán thuốc phiện nhơ nhớp đó một phần cũng do thói tham lam của bọn quân phiệt, họ cần tiền để gây những cuộc huynh đệ tương tàn. Tứ Xuyên là tỉnh giàu nhất Trung Hoa mà lại có những kẻ nghèo nhất, những đám rách rưới, nạn nhân trong mấy thể kỷ của sự tàn bạo và sự trồng thuốc phiện.
Nhiều người trong gia đình tôi, kể cả Chú Ba, đã sống thời quân phiệt ở Tứ Xuyên, ngay năm 1939, trong Trung Nhật chiến tranh mà uy quyền của bọn quân phiệt vẫn còn. Sau cách mạng 1911, họ xuất hiện ở Tứ Xuyên sớm hơn các nơi khác, họ là những người đầu tiên chống Viên Thế Khải và chống thói tham quyền của Viên muốn lên ngôi hoàng đế sau khi triều đình Mãn Thanh bị lật đổ, nhưng chẳng bao lâu họ vướng vào những cuộc thanh toán lẫn nhau. Từ 1915 đến 1939, Tứ Xuyên không được một lúc nào thái bình, trước sau có tới 410 trận chiến của bọn họ, những trận tàn khốc nhất xảy ra tại miền phì nhiêu Thành Đô. Bọn quân phiệt tỉnh khác, từ 1917 đến 1923, Lieou Wen Houei ở Tứ Xuyên đánh nhau với bọn phiệt Vân Nam, có lần đánh nhau bảy ngày bảy đêm ngay trong vòng thành Thành Đô. Nạn nhân chính là dân chúng. Kế đó, Lieou Wen Houei chống Tai K’an ở tỉnh Quí Châu, qua chiếm Tứ Xuyên, đánh nhau mười tám ngày đêm cũng trong thị trấn và ở ngoại ô Thành Đô. Bọn quân phiệt Quí Châu và Vân Nam rút lui, nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục ở trong tỉnh Tứ Xuyên, suốt hai chục năm không ngừng.
Đường phố Thành Đô chia ra làm ra hai khu vực của loạn Đảng; từ bờ lề bên đây đường qua bờ lề bên kia phải đóng thuế “quan” vì qua một địa phận khác. Cũng như các chư hầu thời xưa, họ đổi thị trấn thành dồn lũy, dùng uy lực bắt nông dân làm lính cho họ. Năm 1934, Lieou Hiang tấn công Lieou Wen Houei – (cháu đánh chú [10] và cùng với Teng Hi Heou, họ bao vây Thành Đô một lần nữa, mỗi người chiếm một khu, ngày ngày đúng giờ thì choảng nhau trên những đường phố chính ở trung tâm thị trấn. Nghe nói có “nước” dùng chiến xa, một “ông tướng”, tôi quên mất tên, sung công tất cả các xe bò chở phân người, sai bao một lớp thiếc, cho quân sĩ leo lên đi tấn công “địch”. Tội nghiệp bọn cu li xúc phân phải đẩy những “chiến xa” đó ra mặt trận như thường ngày họ đẩy qua đường phố ra ruộng ở ngoài vòng thành. Chết nhiều nhất là bọn cu li đó.
Các quân phiệt cần nhiều người, tiền bạc, khí giới cho những chiến tranh tai hại đó. Người thì không thiếu gì, cứ lượm ở đồng ruộng, trên đường cái trong thành phố. Ở Tứ Xuyên có câu: “Ba trăm dặm, ba trăm ngàn đinh (tới tuổi bắt lính)”. Gần một triệu người bị bắt từng “bầy” cho các cuộc nội chiến ở Tứ Xuyên và quân số lúc nào cũng tới 400.000. Từ 1915 đến 1943, không kể tiền dùng vào chiến phí, 71 quân phiệt vơ vét của dân riêng trong tỉnh Tứ Xuyên gần sáu tỷ đồng làm của riêng.
Từ những tô giới Thượng Hải, Hán Khẩu, các nước Pháp, Mỹ, Anh cung cấp rất nhiều khí giới cho bọn quân phiệt Trung Hoa. Sau thế chiến thứ nhất, phần lớn những quân nhu thừa thải đều gởi qua Trung Hoa, qua các hãng xuất nhập cảng Âu Tây ở Thượng Hải, chẳng hạn hãng Jardine Matheson. Hãng chúa đó làm giàu nhờ bán khí giới và thuốc phiện. Hãng Sassoon ở Thượng Hải từ 1920 đến 1930 cũng làm giàu nhờ bán súng đại bác và thuốc phiện.
Năm 1917, Tứ Xuyên đã phá sản chỉ còn rất ít tiền bằng nén bạc, và đồng bạc thật mỗi ngày một mỏng đi, sau pha thêm chì, cuối cùng biến mất hết, thay bằng thứ tiền bằng đất sét nung, dùng vài lần là gãy vụn ra. Nhưng các quân phiệt chẳng lo lắng gì cả, vì hạng địa chủ đứng vô phe họ, chính họ cũng là những đại địa chủ, và dân phải đóng thuế ruộng bằng tiền thật. Chính người dân mới phải thấy cái cảnh mồ hôi, nước mắt, mùa màng của mình biến mất để thu lại một nắm bùn.
Bọn quân phiệt đánh thuế và bán thuốc phiện để lấy tiền trả chiến phí. Chính sách thuế khóa ở Tứ Xuyên đã lừng danh. Nửa triệu người ở trong quân ngũ, suốt hai chục năm, tốn 86 triệu đồng, những năm trước 1940, những năm sau tốn 140 triệu, sau khi chính phủ Tưởng Giới Thạch tới Tứ Xuyên năm 1938-39, người ta lại tuyển thêm lính nữa, vơ vét thêm tiền nữa. Chính sách thu tiền vẫn là chính sách cũ từ thời quân phiệt nghĩa là đánh thuế và bán thuốc phiện, nhưng nông dân phải è cổ ra mà chịu một cách nặng hơn.
Thuế thì có thuế ruộng, 50 phần trăm mùa gặt hè, rồi tới vô số thứ thuế khác, bao la và tạp đa không tưởng tượng nổi, mà người ta duy trì dưới hình thức này hay hình thức khác cho tới năm 1949. Xin kể sơ dưới đây: Thuế tổng quát, thuế thuốc lá, thuế rượu, thuế phụ về chuyên chở, thuế giáo dục, thuế thương mại, thuế cho mướn nhà, thuế hội hè, thuế săn bằng (?)[11], thuế che chở khỏi lạnh (?), thuế quân nhu, thuế hằng tháng, thuế số nhà, thuế heo ngày Tết, thuế về răng (?), thuế về đầu (?), thuế hối lộ, thuế xét chợ, thuế đèn đỏ, thuế tiệc tùng, thuế cho làng được sạch sẽ, thuế cảnh sát, thuế đường, thuế giấy, thuế gạo, thuế phụ đánh vào muối (về muối có năm thứ thuế khác nhau), thuế tàu, thuế miễn bị trưng binh, thuế miễn làm tạp dịch, thuế sắt, thuế than, thuế hộp đựng muối, thuế lò sưởi, thuế thuốc hút vấn nguyên lá, thuế đặc biệt về đèn, thuế đồ thêu, thuế nhà in, thuế gởi hàng lên phía Bắc (đánh từ 1925), thuế thị xã, thuế chiều cao của cửa ra vào, thuế chiều rộng cửa sổ, thuế tóc, thuế máu (?), thuế cân và quả cân, thuế dẹp cướp, thuế diệt cộng, thuế phụ về bình định v.v…
Phải phục các ông “tướng” đó là có tài tuyệt luân tưởng tượng ra không biết bao nhiêu thứ thuế mới có những tên mê ly như: thuế thương người, thuế cho quân lính được an lạc, thuế thêm gạo cho quân lính, thuế nước, thuế tạm thời… Nội thứ thuế “cứu tế xã hội” đánh trong thị trấn Pihsien cũng thu được hai lần 309.000 đồng trong hai năm…
Những thuế đó đè nặng lên vai nông dân, thợ thủ công và các tiệm buôn nhỏ. Thuế thổ trạch đánh vào địa chủ, địa chủ lại đánh xuống tá điền, tại các thị trấn, người giàu không phải đóng thuế cửa sổ vì họ xây xung quanh nhà những bức tường “mù” cao mà không có lỗ, không phải đóng thuế đèn vì sau những cánh cửa nặng nề bằng gỗ sơn then, không có một ánh đèn nào lọt ra ngoài. Họ không bị bắt lính vì họ có học, không phải làm tạp dịch vì họ không phải là hạng lao động chân tay.
Nhiều khi đánh thuế vào một vật lại cao hơn giá trị của nó, muốn chở những thảo mộc dùng làm thuốc từ Bích Thạch tới Trùng Khánh, phải qua 83 trạm thu thuế, đường chở từ Tso-tchouen tới Trùng Khánh (khoảng 320 cây số), phải trả 21 thứ thuế. Từ Loh Hien tới Trùng Khánh (400 dặm) có 134 trạm thu thuế hàng hóa.
Thuế đánh vào phân người và các cầu tiêu khiến cho bọn phú gia rất bất bình vì trực tiếp nhắm vào họ: họ làm chủ các cầu tiêu công cộng, nhưng họ chỉ phải trả có một thứ thuế đó thôi. Thuế “đánh vào hạnh phúc” để buộc những người chịu thuế phải tỏ ra vui vẻ, làm cho người ta bàn tán rất nhiều trong các trà thất. Một kẻ bộ hạ xảo quyệt của một quân phiệt tạo ra thứ thuế “làm biếng” để kiếm tiền cho chủ. Thuế đó đánh vào những người nào không trồng thuốc phiện… Bọn quân phiệt đặt ra nhưng cơ quan để “trừ thuốc phiện”[12] và thuế làm biếng tính theo số cây thẩu mỗi nhả trồng: trồng càng ít thì thuế càng nặng. Thuế đó đánh cả vào những nơi không thể trồng thuốc phiện được, như Nei k’iang, thị trấn sản xuất đường, mứt, trái cây kết tinh (?) (fruits cristallises) cũng phải đóng 10.000 đồng bạc thuế “làm biếng” vì đất không trồng thuốc phiện được.
Vậy nông dân bắt buộc phải trồng cây thẩu. Những chiến dịch trừ thuốc phiện và những cơ quan các ông tướng thành lập gọi là để diệt thuốc phiện thực ra là để bắt dân phải trồng thuốc phiện, có những đoàn thanh tra đi “diệt” thuốc phiện và báo cáo về năng suất mùa “hái” thuốc phiện sắp tới. Các ông tướng còn đem quân lính đến canh và bảo vệ công việc “hái” thuốc phiện để khỏi lọt vào tay các ông tướng khác. Lính cầm súng đừng coi chừng nông dân lấy nhựa đặc, màu nâu của trái thẩu… Các ông tướng ham thứ nhựa đó tới nỗi chủ ruộng phải cho người đi theo nông dân, đút từng muỗng cơm cho họ trong khi họ rạch trái thẩu để lấy nhựa, nhựa này chảy ra một lát là sậm lại, đặc lại, công việc tinh tế đó họ phải làm đi làm lại cả ngàn lần trong nhưng khu ruộng trồng thẩu. Họ thay phiên nhau hứng cho thật mau thứ nhựa màu nâu, ngưng kết lại đó, và hứng được bao nhiêu thì chở đi liền, có lính vũ trang hộ tống, người ta trả công nông dân rẻ mạt mỗi ngày vài đồng tiền, không bằng công gặt lúa nữa, nhưng nếu nông dân không trồng thẩu thì phải đóng một thứ thuế nặng hơn thuế mướn ruộng…
Trước năm 1935, người ta đã thu thuế trước cho ba mươi chín năm sau. Sau 1935, người ta tăng lên, thuế trước tới bảy chục năm. Năm 1940, có sự lạm phát “phi mã”, mãi lực của đồng tiền giảm đi gần như không còn gì, cho nên sự trưng thuế và phụ thu về đất đai, lúa má càng đè nặng lên vai nông dân.
Năm 1939, do sự thúc đẩy của tổ chức Sơ-mi-lam, chế độ Tưởng Giới Thạch tìm cách quốc hữu hóa các phẩm vật dùng hàng ngày, thành lập các cơ sở kinh doanh nắm hết độc quyền các sản phẩm Tứ Xuyên. Vì số những sản phẩm đó hạn chế, rốt cuộc thuốc phiện lại vẫn là nguồn cung cấp tiền của nhiều nhất cho sở mật vụ.
Các Sơ-mi-lam giựt hết sự kiểm soát các nguồn tài nguyên ở trong tay các quân phiệt địa phương… Sau năm 1938, nhiều miền trước kia không sản xuất thuốc phiện, bây giờ cũng bắt đầu trồng vì nhu cầu mỗi ngày một tăng. Sự chuyên chở thuốc phiện đã thành độc quyền của bọn Sơ-mi-lam. Các văn phòng quận huyện của Quốc Dân đảng dùng làm thương quán, chứa các dược phẩm, vải lụa, dầu thẩu và thuốc phiện để bán buôn, có những đoàn phu xếp thành hàng dài trước các công sở để gánh tới trung tâm cất hàng xuống tàu, những bao, thùng ngoài dán nhãn là: “giấy tờ của chính phủ” hoặc “chiến cụ”. Sông Dương Tử thành con đường chính chở thuốc phiện từ Tứ Xuyên tới Thượng Hải, cũng như con đường xe lửa từ Vân Nam sang Đông Dương suốt chiến tranh, sự mậu dịch giữa Kemp-tai (mật vụ Nhật) và Sơ-mi-lam ở dưới quyền của Tai Lee, không lúc nào gián đoạn, thuốc phiện còn nguyên chất chở tới các xưởng ở Thượng Hải, Thiên Tân, để nấu thành bạch phiến, nha phiến rồi bán đi khắp nơi, đầu độc dân chúng trong các thị trấn Nhật chiếm đóng…
Nói về chuyện đó cũng như các chuyện khác, chú Ba thao thao bất tuyệt, chú bắt chước cử động của những người lấy nhựa thuốc phiện cầm con dao nhỏ lưỡi cong rạch trái thẩu ra sao. Chú kể những cuộc đụng độ giữa bọn ăn cắp cũ, bọn Kelao và bọn xâm lăng mới, những cuộc Sơ-mi-lam bắt cóc các ông tướng nhỏ bộ hạ của các ông tướng lớn, bắt họ hợp tác với mình trong việc cướp thuốc phiện. Bọn Kelao thỉnh thoảng ủng hộ các nhà trí thức tự do để thanh toán “bọn cướp ở Hà Khẩu” danh từ họ dùng để trỏ chính quyền Tưởng Giới Thạch. Một trung số các ông chúa địa phương đó bị bọn trí thức thuyết phục, lập một “đại học” trong khu vực ông ta, và trong đại học đó, tức thì một tiểu tổ cộng sản len lỏi vào hoạt động… Bọn tay chân của Tai Lee bắt ông ta, buộc tội mang khí giới bất hợp pháp, buộc ông ta phải nộp một số tiền khổng lồ để được thả. Tới mùa hái thuốc phiện, đâu đâu cũng có những cuộc dàn trận giữa bọn Kelao và bọn Sơ-mi-lam.
Bọn Kelao trước kia là một hội ái quốc, phản Thanh, và đã đóng một vai trò quan trọng trong cách mạng 1911, nhưng lần lần trụy lạc, tổ chức các vụ cướp bóc, giết chóc, nắm hết sự buôn bán thuốc phiện và sự mãi dâm đồng thời cung cấp vệ binh cho các quân phiệt. Tưởng Giới Thạch phái Dou Yuseng, tên cướp ở Thượng Hải, với những “đảng đen” Tam tài của ông ta, để diệt bọn Kelao, nhưng bọn này chống cự tới cùng. Tháng 7 năm 1936, Mao Trạch Đông, thay mặt ủy Ban Trung Ương, viết một bức thư cho bọn Kelao, gợi lòng ái quốc, nhắc những ngày anh dũng của họ, kể cái nguy cơ Nhật xâm lãng, rán lôi kéo họ để cùng tấn công kẻ thù chung. Năm 1911, có vài tài liệu của đệ Bát lộ quân (Hồng quân) cho hay rằng quân lính gặp nhiều nỗi khó khăn do các hội kín có thế lực ở thôn quê gây ra. Năm 1949, bọn Kelao không giúp Tưởng Giới Thạch nữa mà đầu hàng Hồng quân, thành thử Mao chiếm Tứ Xuyên mà không phải ra quân. Có tin đồn rằng trong sự thương thuyết đó, người làm trung gian là một đảng viên có uy tín của Kelao, ở tại Hương Cảng và đồng thời cũng theo cộng quân. Hiện nay ở Tứ Xuyên không còn bọn Kelao, bọn quân phiệt mà cũng không còn thuốc phiện nữa.
Chú Ba sở dĩ làm giàu, khôi phục lại được sản nghiệp họ Tchou là nhờ chế độ quân phiệt, như chú đã thú nhận năm 1956, khi chú viết bài tự kiểm. Chú gởi một bản sao cho ba tôi, nhờ vậy mà tới tay tôi. Chú đã theo những lớp giảng về Mác xít, cho nên trong bài đó tuyên bố đã hiểu rằng giai cấp điền chủ đã bóc lột dân chúng…
Sau bốn tuần về thăm gia đình ở Thành Đô, chú Ba và tôi lại đáp máy bay đi Trùng Khánh. Pao ra phi trường đón: nhờ xa nhau, tính tình anh có vẻ dịu lại, chúng tôi không gây lộn nhau trong một thời gian, nhưng chẳng bao lâu, anh lại bị hành hạ một cách vô lý, lại suốt ngày phí thì giờ thuyết những điều cực nhàm chán, mà chẳng làm việc gì có ích. Mới đầu anh không bắt chú Ba xen vào chuyện riêng của chúng tôi, nhưng rồi một buổi chiều nhân chú Ba đi ngang qua, anh kéo lại, bảo anh đã vớt tôi ra khỏi một cảnh nhục nhã, thà chết còn hơn: cưới một người ngoại quốc. Chú Ba nghe, mỉm cười làm thinh.
Mãi đến năm 1966, hai mươi bảy năm sau, tôi về thăm chú thím, lúc này ở trong một căn nhà rất tầm thường, phía ngoài cửa Nam thị trấn Thành Đô, trong khi tôi nhấp thứ trà mà chú đã kỹ lưỡng để dành cho tôi: “Tang Pao Houang không tốt với cháu. Nó là một thanh niên có quá nhiều tham vọng”. Rồi nhìn chung quanh, chú thở dài, dĩ vãng đã xa lắc rồi, đã cách mấy chục năm, đã xảy ra một cuộc cách mạng rồi. Pao không còn nữa, mà mồ mả tổ tiên tôi đã bốc đi, cải táng trong một nghĩa địa công cộng, còn ngôi nhà thờ tổ mà ông cố tôi đã xây cất nay thành một Trường mẫu giáo dạy con nông dân ở Pihsien.
Chú thích :
[1] Orchidée de Lune
[2] Bucheron
[3] Cuốn Destination Tchoungking (Đường vô Trung Khánh).
[4] Ở Thành Đô người ta ăn Tết trọn tháng giêng.
[5] Tức Khổng Minh.
[6] Bản tiếng Pháp: nom de famille (tên họ) nhưng đọc đoạn sau chúng ta sẽ hiểu đây chỉ là tên đặt theo ngôi thứ trong họ, để người trong nhà, trong họ gọi, vì người Trung Hoa cũng như người mình, nhất là ở miền Nam này, không muốn gọi tên tục.
[7] Tục này ba bốn chục năm trước ở Nam Việt còn có một số ít người theo, điều đỏ chứng tỏ rằng trong Nam chịu ảnh huởng của Trung Hoa nhiều hơn ngoài Bắc, vì những cuộc di cư của Dương Ngạn Đích, Mạc Cửu ở cuối thế kỷ XVIII.
[8] Tiếng này trỏ chung những người ở phương Bắc xuống phương Nam lập nghiệp – Quảng Đông đọc là Hạc Cá. Người Việt mình gọi là người Hẹ.
[9] Chúng tôi kiếm chưa ra được nguyên tác bài này.
[10] Hay Bác
[11] Taxe pour l’égalisation: không thể đoán nghĩa được.
[12] Thật là mỉa mai và khôi hài.