Một Mùa Hè Vắng Bóng Chim

- 6 -

Do những sự ngẫu nhiên: chiến tranh Trung – Nhật khiến tôi quyết định về Trung Hoa năm 1938, rồi làm vợ Pao và vợ chồng bất hòa, đau khổ, mà tôi trở thành văn sĩ.

Mùa xuân năm 1939, tôi ăn Tết ở Thành Đô xong, trở về Trùng Khánh thì Pao đương đợi lệnh đi Tây An, mà anh gọi là “chiến tuyến”, danh từ này làm cho tôi hiểu lầm trong một thời gian lâu. Mỗi lần gặp bạn thân là anh tỏ vẻ oán trách rằng những người “đàng hoàng” thì đứng một chỗ, còn những kẻ có xảo thuật, biết đút lót, con ông cháu cha, thì được thăng quan tiến chức. Suốt ngày anh kể những chuyện “ngồi lê đôi mách” về bọn tướng tá, về Sou Peiken với những chuyện động trời của ông ta ở Trường Sa, về Ho Yaotsou và T’ang T’sung (Đường Tung), chủ Phòng Nhì, về Hà Ứng Khâm, Bộ trưởng Quốc phòng. Một ông nọ đã tịch thu một toa đầy những đồ mà ông ta bảo là chiến cụ, một ông khác đã bị mất chức và chắc vì sổ sách tiền nong. Bọn sĩ quan trẻ bực tức lắm vì “bọn già đã bôi keo vào ghế của họ rồi ngồi vào, cứ dính chặt lấy thôi”. Người ta ganh nhau để thăng cấp một cách dữ dội, thâm hiểm. Người em họ của Pao là Tang Pao Houa, thường lại thăm chúng tôi và hơi sợ Pao. Chú ấy còn ở cấp Úy, lo về quân lương và chuyên chở, giúp chúng tôi được nhiều, nhờ chú mà những rương đồ của Pao được gửi từ Hương Cảng trả về cho chúng tôi, trong đó có một cái máy đánh chữ xách tay, đẹp, mới tinh, mà Pao mua đúng lúc sắp rời nước Anh.

Cuối tháng 3 năm 1939, xảy ra một việc mà Pao cho là rất quan trọng. Anh sắp được Tưởng Giới Thạch tiếp cùng với một số sinh viên quân lực ở Châu Âu về. Trong tuần lễ trước ngày yết kiến, Pao tỏ ra mơ mộng, hiền từ, gần như thành kính, rõ ràng là anh có thái độ suy tư long trọng lắm. Anh chăm chú nghiên cứu các diễn văn của Tưởng, và đọc cho tôi nghe, lòng sùng bái của anh gần như lây qua tôi, tính tình anh hóa dễ chịu, lại hứa cả với tôi rằng, sau khi tôi thành kính trầm tư như anh, thấm nhuần được cái đức rồi, thì ít tháng sau có thể anh sẽ cho phép tôi làm việc trong một bệnh viện. Trong khi tôi chờ đợi thì tôi phải viết thư xin bác Hers gởi trả những quần áo và sách vở còn để lại ở Âu Châu. Khi nào Pao có một địa vị có thể tỏ tấm lòng “tận trung” được, thì tôi sẽ tiếp tục học nữa, trong khi anh hy sinh cho tổ quốc trên mặt trận. Bây giờ thì tất cả tương lai của anh còn đặt trên bàn cân, mọi sự còn tùy thuộc ấn tượng đầu tiên anh gây được trong tâm hồn vị Thủ lãnh (anh chụm chân lại, gót giày đập vào nhau: cắc).

Tôi bèn viết thư cho bác Hers xin gởi trả những đồ đạc của tôi, tôi cũng viết một bức thư nữa cho ông ngoại tôi. Trước đó, nhân dịp đầu năm, tôi đã viết một bức thư dài cho ông tôi, đề ngày mùng 3 tháng giêng. Cho hay tôi đã có chồng, và tôi sẽ không trở qua Bỉ nữa, tôi bảo tôi yêu quý ông tôi lắm, nhưng phải hành động như vậy vì tôi là người Trung Hoa. Viết tới đây tôi còn trước mặt tôi bức đó mà ông đã gởi trả lại tôi.

Về những quần áo, sách vở của tôi để ở nhà ông tôi thì khỏi lo, ông giao lại cho Hers với mấy chữ cho hay rằng ông đã truất phần gia tài của tôi (gia đình Denis luôn luôn phản ứng như vậy). Nhưng tôi còn để lại một chiếc va li chứa ít quần áo và một bức chân dung của tôi với Louis do một bạn học vẽ cho, và thình lình Pao hỏi tôi từ trước có gởi thư cho Louis không. Dĩ nhiên tôi đáp có. Anh bảo phải đòi lại, tôi bảo để tôi viết thư đòi Louis, nhưng Pao cấm, ra lệnh cho tôi phải nhờ bác Hers đòi cho. Tôi rán giảng rằng như vậy lòng tự ái của Louis sẽ bị thương tổn nặng, nhưng Pao nhất định không nghe và cái việc rất giản dị hóa ra một chuyện cực kỳ rắc rối, phiền lòng. Louis không chịu giao bất kỳ cái gì cho người khác, chỉ giao lại cho tôi thôi. Anh chỉ đòi tôi viết cho anh một chữ cho hay tôi đã đoạn tuyệt và muốn anh trả lại tất cả những cái gì của tôi. Anh viết thêm: “Sở dĩ anh chấp nhận như vậy là “vì nước Trung Hoa”. Anh ngỡ rằng tôi đã bị ai ép buộc ra sao đó, nên tôi mới làm thinh và có thái độ kỳ cục như vậy. Ý muốn của anh không có gì đáng trách, anh tự cho anh là bị xúc phạm. Bác Hers bỗng nhiên viết thư giảng đạo lý cho tôi, tỏ rằng chính bác cũng chẳng hiểu việc gì đã xảy ra…

Và tất cả những rắc rối đó chỉ vì vài cái quần áo và vài bức thư. Pao hành động như thể tất cả tương lai anh tùy thuộc mấy thứ đó, anh nổi điên lên, hôn mê như người lên đồng, đánh đập tôi, bảo rằng một ngày kia anh sẽ thành một vĩ nhân, và Louis sẽ dùng những bức thư của tôi để làm nhục anh, dọa dẫm anh. Tôi không thể nào bảo anh hay rằng cái chuyện đó không chắc gì xảy ra, vì chưa nói thì anh đã hét lên: “Mày dám bênh vực nó, mày dám cãi lời người chồng cao thượng của mày hả?” Rồi đánh tôi túi bụi.

Rốt cuộc Louis phải nhường, mọi thứ đều gởi tới Hương Cảng, cất trong phòng sắt Ngân hàng Trung Hoa, và năm 1950 tôi lại đó lấy ra, lúc này Louis và Pao đều không còn sống nữa, mà những cái đó có quí báu hoặc quan trọng gì đâu. Nhưng bác Hers gởi riêng cho tôi bằng đường hàng không, những bằng cấp của tôi ở đại học Bruxelles, may làm sao, gói đó tới trong khi Pao đi vắng. Em họ của anh, Pao Houa, giao lại cho tôi vì Pao chỉ dặn chú chặn thư chứ không chặn những bưu kiện gởi cho tôi. Tôi giao những bằng cấp đó cho chú Ba, chú cất mấy năm trong tủ sắt riêng của chú tại ngân hàng Meifeng.

Tới ngày Pao được vào yết kiến Tưởng Giới Thạch, mặt mày nhẵn nhụi, giày đánh thật bóng, bận quân phục đẹp nhất, thật tề chỉnh, đeo găng tay trắng, Pao ra đi, tươi rói. Tôi đã giặt đi giặt lại đôi găng tay của anh, nhưng nước Trùng Khánh không trong sạch lắm, khó mà giặt găng cho trắng được, nên chúng tôi đã mua phấn bột để đánh thêm. Tôi mong rằng Pao đừng hăng hái xiết tay ai quá mạnh, kẻo phấn bay đi hết…

Cuộc yết kiến đó có hai kết quả, trước hết là Pao nhận được một tấm hình lớn của Tưởng Giới Thạch, với chữ đề tặng do chính tay Tưởng viết, chúng tôi đem treo ngay lên tường trong phòng ngủ, rồi vài hôm sau một ngôi sao nữa xuất hiện trên cổ áo của Pao: anh đã lên trung tá, không còn là thiếu tá nữa.

Cái thói kỳ cục đeo găng trắng đó là do Tưởng Giới Thạch cho rằng ăn bận như vậy mới đẹp, nó đã làm cho Pao có lần đau khổ vô cùng. Hôm đó anh quên đeo găng và thình lình Tưởng cho gọi lên hầu. Khi Tưởng thấy anh quên đeo găng, rầy mắng anh, anh kinh hoảng về nhà, mặt nhợt nhạt… Thua một trận, mất một triệu quân lính, là điều không đáng kể, nhưng không đeo găng mà vô yết kiến thì là một trọng tội…

Vài tuần sau, Pao ra đi, bảo là để thanh tra “mặt trận đông bắc” ở Tây An. Ảnh khóc lóc, lắp bắp rằng chuyến này đi thì sẽ chết, tôi ân hận vô cùng, hứa sẽ viết thư đều đều cho anh. Anh là vị anh hùng hy sinh cho bổn phận, tôi sẽ là người vợ tiết nghĩa chờ đón ngày anh về… y như nhân vật trong các truyện lối cổ, trong cái hài kịch đó, chúng tôi lựa những vai đó…

 

Bước qua tháng tư, màn sương mù tan dần, trời quang đãng, và chỉ ít bữa, một màu trắng chói lọi, tản mạn tỏa khắp, do hơi nóng lóa mắt bốc từ núi ra, và ánh nắng phản chiếu từ dưới sông lên. Có vài lần báo động phi cơ Nhật bay tới: Báo đăng những chuyện trên mặt trận. Có những thị trấn được lấy lại ở trong tay Nhật rồi bỏ, theo “chiến thuật rút lui”. Tin tức từ mặt trận không cho chúng tôi biết điều gì cả, thực sự chẳng có gì xảy ra, trừ ở mặt trận cộng sản, nơi duy nhất có vài trận thực sự tấn công Nhật. Nhưng báo chí Trùng Khánh chẳng đăng một hàng nào về mặt trận đó cả.

Tôi dạo thành phố, tập viết chữ, đọc Tam Quốc Chí, viết thư cho Pao. Anh cam đoan với tôi rằng sau khi anh về, tôi sẽ được phép làm việc… Tôi rất ít đi thăm ai, trừ gia đình K’ang, ở một ngôi nhà rất rộng đối diện với nhà chú Ba bên kia đường…

 

Năm mười một tuổi, tôi bị xuất thần lần đầu tiên, như người lên đồng, đương lúc tỉnh, mới đầu tôi xấu hổ lắm vì không ai bị bệnh đó cả. Tôi cho tật đó là ghê gớm lắm, bất thường, liên quan chặt chẽ với một trọng tội. Hồi đó tôi không biết rằng nhà văn, những nhà sáng tạo thường có trạng thái đó[1]. Tôi đã sống trong một gia đình có tiếng “nghệ sĩ” cũng như tiếng “kép hát” hoặc “thi sĩ” là tượng trưng một sự bất lực nay vầy mai khác, một khuynh hướng đáng xấu hổ, mà cái việc “mơ mộng giữa ban ngày” là một việc gần như ngu xuẩn. Cho nên khi tôi bị cái trạng thái như mất hồn kỳ cục đó, thì mới đầu tôi rán thắng nó cũng như thắng cái thói quen làm bằng tay trái. Nhưng rồi xảy ra nhiều tai biến, chính cái gì khác trong bản chất tôi đó đã thắng tôi: Một đối thoại, một việc xảy ra, hoặc một giấc mộng đêm trước làm cho tôi quên hết mọi sự chung quanh, tới nỗi tôi đi mà gặp cái gì cũng đụng vào cái nấy. Má tôi la: “Mày mở mắt mà ngủ đấy hả?”.

Bây giờ ở Trùng Khánh tôi lại xuất thần, mà lần này là phước cho tôi, nhờ vậy mà tôi khỏi bị ám ảnh vì cảnh ngộ hiện tại của tôi, vì Pao, khỏi bị lo lắng mà hại tôi suốt đời.

“Ông ta tập thản nhiên, vô tri giác, dù cây liễu mọc ở cánh tay hoặc chim làm tổ ở trên đầu ông cũng không biết”.

Tôi đọc câu đó trong một cuốn sách của chú Ba và thấy nó cơ hồ như biện giải cho những lúc xuất thần của tôi. Từ khi Pao đi xa, tôi thơ thẩn, thích mơ mộng, quên hết thảy, trừ những giờ đăm đăm nhập định đó, một lát sau tôi cựa quậy, trở về trạng thái bình thường, để nói chuyện với chú Ba… Tôi nhận thấy có biết bao phụ nữ miệt mài trong cuộc sống vô nghĩa này mà tự ý làm cho cá tính của họ tiêu tan mà đi một cách đáng thương, và mặc dầu tôi có vẻ cũng lệ thuộc cuộc sống đó như họ – vì tôi cũng “lặp lại” cử chỉ của họ, làm tất cả những việc họ làm – nhưng tôi vẫn rán tìm cách thoát ra. Và, tôi thoát ra được.

Tôi thường lại chơi cái hẻm núi rộng lớn, nơi con sông Ka Ling đổ vào sông Dương Tử, ở đó có mỏm đá cao trên ngọn là thành phố Trùng Khánh, tôi đứng ngắm hàng giờ dòng nước cuồn cuộn với những thuyền chen chúc nhau, cánh buồm như những ô vuông. Phong cảnh dựng đứng và trơ trọi đó có một vẻ đẹp hùng vĩ, tôi nhìn dòng sông Dương Tử uốn khúc quanh những mỏm đá, như một đường hầm mờ mờ đưa tới xa xa tới những hẻm nổi danh ở Tứ Xuyên. Ngay dưới chân tôi, dưới 478 bục đá kia là bờ sông, chất lộn xộn những thùng, những bành hàng hóa mà phu phen tranh nhau đưa lên vai để khiêng, rồi leo, leo, leo, những bục thang thành một đoạn bất tuyệt, leo hoài không ngừng, và người ta thấy cổ họ, chân họ nổi gân lên, nghe thấy hơi thở hổn hển của họ phát từ những bộ ngực lép xẹp thóp lại. Họ leo, leo dốc, nối nhau thành hàng bất tận, vai lúc nào cũng vác nặng. Tôi thấy những phu khiêng kiệu, chiến đấu từng bực, từng bực một, cái cán tre đâm sâu trong thịt họ, mỗi khi kiệu lắc lư, trong kiệu, các công chức đội nón nỉ, bận đồng phục gù cài tới cổ, ưởn người ra khoan khoái. Tôi không ngớt nhìn những người lao động đó làm việc không nghỉ, vác bốc, kéo hàng – và thật là vô lý, không hiểu tại sao tôi lại muốn ở vào địa vị họ, tôi mua đôi dép rơm mà họ đi, uống thứ trà đậm, chát mà họ uống ở các quán cóc bốn bề gió thổi, tôi cũng leo những bực thang như họ, nhưng hỡi ơi, không vác gì trên lưng cả. Cảnh đó ám ảnh tôi, tới nỗi tôi đã hai lần tả trong hai tác phẩm của tôi.

Rồi bước qua tháng năm, có tin đồn rằng Nhật sẽ dội bom dữ vì trời quang đãng. Chú Ba về Thành Đô với chị Yao, sau khi bảo gia nhân đóng thùng tất cả các bảo vật trong nhà để đem gởi Ngân hàng. Bọn gia nhân và tôi bắt đầu đóng thùng thì ngày mùng 3 tháng 5 có nạn dội bom. Nhưng ngày mùng 4 cuộc dội bom mới tàn phá nhiều nhất những khu đông đúc nhất trong thị trấn, còi đã hụ chấm dứt báo động, ít nhất là chúng tôi tưởng vậy, nhưng phi cơ địch tưởng đã đi rồi, trở lại dội bom như mưa xuống những đường phố đông nhất ở Trùng Khánh, và hỏa hoạn nổi lên khắp nơi. Một trái bom rớt đúng vào nhà chú Ba, tôi với hai gia nhân bị vùi một lúc dưới đám vôi gạch vụn, nhưng rồi chúng tôi chui thoát ra được và chạy trốn vừa kịp trước khi ngôi nhà bốc lửa, bom vẫn tiếp tục rơi xuống, và thiên hạ càng chạy ra khỏi những căn nhà cháy ngùn ngụt, thì nỗi kinh hoàng càng tăng lên. Tôi đã tả tất cả cảnh tượng đó[2]: tối đó gần hết dân cư ở khu trung tâm đông đúc nhất, chạy ra ngoài thành phố ra sao, tôi chạy lại ngân hàng Meifeng ra sao, ở đó tôi gặp được anh Hai ra sao, tôi đã tả đám người tìm chỗ ẩn núp trong ngôi nhà rộng bằng đá đó trong khi trọn mấy dãy phố cháy chung quanh chúng tôi, trong ngân hàng đèn tắt hết trừ vài ngọn đèn dầu nhỏ chập chờn, mà ở ngoài thì là một lò lửa mênh mông! Tôi đã kể rằng đêm đó các nhân viên ngân hàng và tôi, khoảng trăm người ra khỏi châu thành đi bộ lại một chi nhánh của ngân hàng thôn quê tại Ta Er Who, vì có tin đồn tụi Nhật sắp trở lại nữa, dội bom cho tới khi nào Trùng Khánh chỉ còn là một đống gạch vụn bốc khói mới thôi, tôi đã tả đám đông ùn ùn kéo nhau đi, và nhờ ánh những ngọn lửa vĩ đại liếm các tường của thành phố mà chúng tôi thấy được những làn sóng người trong đó có chúng tôi, rồi chúng tôi đi suốt đêm ra sao, gần như do đám đông đẩy tới, khi hừng đông leo những đồi sỏi thấp ở chung quanh thành phố, và anh Hai và tôi tới Ta Er Woh ra sao; đoàn chúng tôi gồm 14 phụ nữ và 39 đàn ông.

Hôm sau vẫn còn người tản cư. Chúng tôi nghỉ ngơi bên sườn đồi đưa từ cái sân có kho hàng của Ngân hàng Ta Er Woh xuống, nhìn thấy lớp sóng người bất tận ra khỏi Trùng Khánh, đeo theo những vật tùy thân. Nhưng tôi muốn trở về thị trấn, vì ngại rằng Pao tưởng tôi đã chết, tôi muốn đánh điện tín cho anh hay. Anh Hai không chịu hiểu tôi, cho rằng tôi điên, tôi mới tới mà đã đòi về liền. Nhưng tôi cảm thấy rằng bổn phận tôi phải làm cho anh Pao yên tâm… Ảnh đã chẳng bỏ hết để quay về Vũ Hán kiếm tôi đấy ư? Anh Hai mới chợp mắt được một chút. Giận lắm, bảo tôi: “Ít nhất cũng ăn đã rồi hãy đi”. Tôi vâng lời anh rồi lại đi bộ 15 dặm (khoảng 10 cây số). Lần này đi ngược dòng đám người tị nạn, tôi có một cảm giác lạ lạ, tôi cứ bước tới, mặc dầu nhiều người la: “Coi kìa, cô kia quay trở lại kìa!”

Khoảng ba giờ chiều tôi tới trụ sở hội Thánh nữ Ki tô giáo, vẫn ôm chiếc áo choàng ngoại của Pao, vật duy nhất của tôi khỏi bị cháy. Sau cùng tôi tới Ngân hàng Meifeng, tìm được hai vòi nước để uống và rửa mặt. Kế đó tôi lại Sở Bưu điện, thấy một đám người tụ họp ở đó, nhưng nhân viên không nhận đánh điện tín nữa. Tôi đành trở về Ngân hàng, nghỉ trên một cái ghế hẹp mà dài, sáng hôm sau trở lại bưu điện. Tôi không đói khát nhờ có mấy hàng bán rong, họ đối với tôi rất tử tế. Họ cho tôi uống trà, ăn cơm, giúp đỡ tôi, mà tất cả những người đó đều ở lại, chứ không chạy trốn, tôi ăn một bữa cơm nữa với một gia đình khác mà tôi không được biết tên.

Buổi chiều hôm sau, anh Hai trở ra. Không có đèn, chúng tôi lấy những sợi dây thừng cũ để cột thuyền, quấn lại thành bó đuốc, chúng tôi sống một tuần lễ như vậy trong khi thị trấn hồi sinh, các người tản cư lần lần trở về, các gia đình tìm kiếm nhau, một tờ báo nhỏ được phát hành (các máy in bị phá hư, ba nhật báo chính phải gom máy móc và nhân viên lại mới cho ra được số báo đó), một bọn người đánh chiêng đi rao khắp các đường phố tên những em thất lạc, ngày thứ ba, những người đưa thư bận quần áo xanh, cẩn thận đi ghi địa chỉ những nhà bị tàn phá và thỉnh thoảng thấy một cái thùng với một cái bảng ghi: “Trước kia, đây là nhà số 4 đường Dép Nỉ”, và ở bưu điện người ta đã phát thư cho những ai lại lấy.

Tôi không muốn lại đại bản dinh của Pao hoặc lại nhà các “nghĩa huynh” của ảnh. Tôi ở lại ngân hàng Meifeng… Ít bữa sau, tôi nhận được thư của chú Ba bảo tôi về Thành Đô. Tôi lên máy bay về Thành Đô. Thím Ba đưa tôi lại ông lang, tin chắc rằng thể nào tôi cũng đau. Thành Đô được nguyên vẹn, không có những nhà cửa đổ nát, thiên hạ vẫn bình tĩnh đi dạo, không phải tìm chỗ đặt chân trong đám vôi cát vụn, không phải lớn tiếng gọi những đứa con thất lạc, nhìn cảnh đó tôi thấy lạ lùng quá.

Tới Thành Đô rồi tôi mới bắt đầu có những phản ứng sợ sệt. Ban đêm, nghe tiếng phi cơ, trước khi tôi biết rằng mình sợ, thì tim đã đập rất mau. Nhưng tới mùa thu, tôi bình phục.

 

Mãi đến tháng sáu Pao mới ở “mặt trận” về, anh ở nhà chú Ba tại Thành Đô ba tuần, vì ở Trùng Khánh chúng tôi không còn nhà nữa.

Gặp lại anh, tôi mừng lắm, trong khi vắng anh, tôi quên hết những tật của anh, chỉ nhớ thái độ cao quí, lòng ái quốc, hy sinh cho quốc gia của anh thôi. Tôi ngây thơ hỏi anh có dự nhiều trận tại mặt trận Hoàng Hà, nơi anh bảo đã tới không. Anh đăm đăm ngó phía trước vẻ đau đớn và đáp: “Dĩ nhiên”, mà chẳng cho tôi biết một chi tiết nào cả. Tôi rụt rè hỏi thêm:

- Tụi Nhật dã man lắm không? Anh có thấy rõ chúng không?

Anh xẵng giọng đáp:

- Một sĩ quan không bàn về vấn đề võ bị với đàn bà.

Thế là tôi không hỏi nữa Nhưng ít bữa sau, các bạn của anh tới thăm anh và trong câu chuyện, họ thường nhắc tới tên Hồ Tôn Nam. Pao bảo rằng được Hồ tiếp đãi rất long trọng, rằng trong một cuộc đua ngựa, anh đã thắng mặc dầu tại bản dinh Hồ Tôn Nam có một đội quân Hồi ở Cam Túc, toàn là kỵ sĩ giỏi cả… Pao có vẻ tự mãn lắm, mấy ngày sau chỉ lo viết thư cho Hồ Tôn Nam.

Sau này tôi mới hay rằng mấy tháng đó anh ở Tây An, trong ban tham mưu của Hồ Tôn Nam, mà quân đội của Hồ không hề giao chiến với Nhật, vì họ chỉ có nhiệm vụ phong tỏa Diên An thôi. Pao đi thăm là thăm “mặt trận” đó với vài sĩ quan trẻ khác, trong đó có Vĩ Quốc, người con thứ của Tưởng, đã vô bộ tham mưu của Hồ Tôn Nam.

Pao về được khoảng mười ngày thì thình lình hết dễ thương, lại bị con quỷ cũ của anh hành hạ. Phẩm Hạnh và Đạo Đức. Đạo Đức và Phẩm Hạnh. Tôi thiếu cả hai thứ đó. Nhiệm vụ của anh là phải cứu vãn tôi, dùng uy quyền tiêm hai cái đó cho tôi. Hôm sau, trong một bức thư Hồ Tôn Nam đã ám chỉ đến tôi, hay rằng gia đình tôi ở Thành Đô, Hồ ngỏ ý muốn lại thăm tôi và gia đình tôi, và Pao sợ rằng khi thấy nét mặt tôi có vẻ lai, Hồ sẽ chê tôi, vì thói bài ngoại của Hồ, ai mà không biết. Như vậy Hồ có thể mất ấn tượng tốt về Pao! Pao viết thư cho Hồ rằng tôi “nhút nhát” lắm, không chịu gặp bất kỳ ai. Tôi sống trong đại gia đình tôi và không ai có thể “bứng” tôi ra khỏi được, lại thêm tôi đương có mang…

Thế là bắt đầu một loạt lẩn trốn thoái thác, bịa chuyện ra để nói dối. Không những anh dối trá khi nói về tôi, mà cả khi nói về anh nữa. Để cho tôi phục anh, anh bịa những chuyện lâm chiến của anh, anh bảo anh thuộc khóa Hoàng Phố thứ tám (thực sự là khóa mười một), để được thêm thâm niên trong chức vụ, những chuyện anh bịa ra để khoe khoang không ăn khớp với nhau, anh phải bịa một chuyện khác để “giải thích”. Bị bắt gặp tự mâu thuẫn với mình, anh chỉ còn cách ương ngạnh cãi rằng anh “thành thực”, tỏ vẻ rất tức giận sao người ta dám nghi ngờ lời anh, cả những khi anh tuyên bố một điều ai cũng biết là sai: Trong những chuyện anh bịa ra loạn xạ đó, không còn gì là lẽ phải, là hợp lý nữa, cái gì anh tự cho là sự thực thì phải đúng, không cần mạch lạc, bàn bạc gì cả, cứ một mực chuyên chế, nay vầy mai khác. Anh bắt tôi phải tuyên bố với mọt người rằng tôi có mang, không chịu đi đâu cả. Anh bắt tôi không được mang họ Tchou nữa, mà mang họ Tang… Điều nó tới tai chú Ba, chú vừa giận vừa sững sờ, gần như cho rằng anh muốn làm nhục họ Tchou. Nhưng chú vốn khoáng đạt, làm thinh, như thể không biết gì cả.

Pao đi dạo trong các đường phố Thành Đô, thăm bạn bè, nói chuyện hoài với họ mà không chán… Bọn họ đều sợ Tưởng Giới Thạch, đều vận động để được thăng chức, đều tỏ vẻ sùng bái – ngoài miệng thôi – những qui tắc đạo đức, mà không thực hành. Hết thảy đều vui vẻ kể những chuyện tham nhũng, hối lộ, nhờ cậy người quen, và làm đúng những điều họ chê ở người khác. Không có chuyện áp dụng những qui tắc họ đề cao, vì liêm khiết, cần mẫn là điều nguy hại. Không ăn hối lộ, không mưu mô xảo quyệt là “trái bản tính con người” là hành động như cộng sản. Chỉ bọn cộng sản mới từ chối hối lộ, mới hăng hái làm việc, và mới “ngu” mà chiến đấu với Nhật. Đọc sách, tìm một giải pháp, rán cải thiện một tệ trạng cũng là điều đáng chê: như vậy là làm cho người khác “nói tới mình”, đôi khi một công chức có thể vì vậy mà “mất mặt”, việc tốt hơn hết là đừng làm gì cả – nhất là đừng đề cao một người khác. Làm một việc tài giỏi thì người bên cạnh có thể bị xúc phạm. Như vậy là cũng làm “mất mặt” họ, và khi mình cần đến họ thì họ không giúp đỡ mình. Nếu mình nhắc cái tôi siêng năng làm việc, thì những báo cáo sẽ “thấm” lần lên, như dầu trong một cái tim bấc, lên tới một mức nào đó là mình có thể mất mạng. Cho nên cứ lặp lại những công thức sáo, rán đừng làm gì cả để tránh mọi sự rắc rối: giao du, để họp thành một bè phái nho nhỏ, chặt chẽ, rán kiếm ba bốn chức vụ một lúc để lãnh ba bốn số lương… lâu lâu chỉ lại bàn giấy một lần cho có mặt là đủ rồi, thành thử có nhiều anh bạn của Pao xoay xở làm sao mà “ở ba bốn chỗ một lúc”.

Chính vị Thủ lãnh của cái trò hề quái đản và hấp hối đó, tức Tưởng Giới Thạch, cũng có những cơn giận tàn phá, có những lầm lẫn bất thường, những thói kỳ cục những ám ảnh không sao hiểu nổi. Ông ta không có mục tiêu gì rõ rệt, trừ mục tiêu bám lấy quyền hành, để đạt mục tiêu đó ông không thành tín với ai hết, không có một qui tắc hành động nào hết, làm cho người này chống đối người kia, đặt những bẫy thăm dò xét bọn mật thám của ông, thình lình ra lệnh xử tử một kẻ nào đó, không cho ai khuyên bảo, bàn luận gì cả, cứ bắt người ta nhắm mắt tin, nhắm mắt vâng lời. Thờ một ông chủ như vậy thì Pao làm sao có thể khá được.

Stilwell, sau này nhận ra được thái độ điên khùng của Tưởng. Tưởng có thói bất chấp bộ trưởng quốc phòng, bất chấp bộ tham mưu, bất chấp phòng hành quân, kêu điện thoại ra lệnh cho một Trung tướng Sư đoàn trưởng tiến quân rồi vài giờ sau lại ra lệnh rút lui. Khi nổi giận lên, ông thường thốt ra lời này: “Bắn bỏ nó đi!” (ông cũng có thói quen liệng chén dĩa, bình hoa, ống nhổ nữa vào mặt những kẻ ông không ưa), thành thử những người được vị tối cao đó mời ăn cùng bàn, thường phải viết di chúc sẵn, phòng chết bất ngờ giữa bữa ăn. Cái lối tàn phá bất tuyệt đó, những tổ chức kiểu Gestapo[3], thói làm méo mó, vặn vẹo tất cả sự kiện, những phán xét vô lý, nham hiểm đó, làm tiêu ma cá tính của nhiều người có tài năng, khiến nhiều thanh niên tương đối lương thiện hóa ra trụy lạc.

Có lần Pao và các “nghĩa huynh” than thở về tình trạng hỗn loạn đầy nghẹt khí độc đó, bảo rằng “rán chống lại đống phân trong một cầu tiêu”, vậy mà họ không thể sống được chỗ đó. Họ luôn luôn chỉ trích sự “bất lương” của ông này ông nọ, kẻ thân tín của thủ lãnh, nhưng tuyệt nhiên không dám phê bình một tiếng về Tưởng, mặc đầu dĩ nhiên là họ biết rõ chứ. Lương tâm của họ có đột nhiên bùng lên một chút thì bị cái thói ích kỷ trên hoạn lộ của họ dập tắt liền. Mà hoạn lộ của họ tùy tính bất thường, lúc vui lúc giận của Tưởng, tùy những phát kiến cùng nghi ngờ của Tưởng, làm sao họ có thể không thành những con người thiếu nhất trí, nay vầy mai khác, như bị chia ra từng mảnh, khi phải sống trong một hoàn cảnh như vậy?

Đôi khi trong ngôn ngữ của họ, người ta có thể nhận thấy một sự kính trọng có vẻ đê tiện, một niềm sợ sệt ganh ghét đối với cộng sản mà họ gọi là “tụi côn đồ đỏ”, như khi họ buột miệng nói về Diên An: “chúng nó chiến đấu trong khi chúng ta ngồi đây nói chuyện phiếm!” Họ chê cười cộng sản là “làm bộ” lương thiện, nhưng đúng là chúng lương thiện thật mà được lòng dân (ngay Pao và các bạn chiến đấu của anh hồi đó ở Thành Đô cũng nhận rằng “tụi dân ngu đứng về phe chúng nó”), thành thử chỉ còn có mỗi một điểm để chê chúng một cách vô tội vạ là quan niệm tính dục của họ, quan niệm “tự do luyến ái”. Cộng sản tuyên bố “nam nữ bình quyền”. Thật là những tội ác ghê gớm nguy hại cho Trung Hoa! Ngay những báo hăng hái chống cộng nhất cũng không thể buộc tội họ là thối nát, là để lính chết đói (như trong quân đội của Tưởng).

Trong Hồng quân có những thiếu nữ ăn bận như con trai và vác súng! Họ xúi giục bọn nô tì phản kháng lại chủ! Quả phụ của họ tái giá!… Nhưng Pao thuyết về đạo đức, liêm khiết, bổn phận tuân lời đến thứ kỷ luật cứu quốc trong khi những đứa con gái tám tuổi bị đem bán vào các ổ điếm (điều đó không ai cấm đoán cả), trong khi bọn người bị bắt lính lảo rảo đi ngoài đường, kẻ nọ cột với kẻ kia như những con thú, lảo đảo, hôi hám, đói tới nỗi chỉ còn da với xương, trong khi bọn gái điếm đứng nối đuôi nhau trước các tửu quán, trong các đường phố để đón khách, trong khi cứ bốn người lính thì ba người chết đói và chết bệnh, vì bọn sĩ quan bỏ túi hết số tiền lương thực của họ…

 

Chú Ba thấy Pao ủ rũ, khuyên tôi dắt anh lại Pihsein cho anh thăm nhà thờ tổ, rồi lại Quán Huyện nơi mà dưới chân dãy đồi ở phía Tây bắt đầu là cánh đồng, mà hiện nay vẫn còn thấy những công trình thủy lợi của Li Pin cách đây hai ngàn năm đã ngăn con sông Mân làm hai, biến con sông vô dụng đó thành một hệ thống kinh và mương đưa nước vào ruộng, nhờ vậy mà cánh đồng Thành Đô hóa ra phì nhiêu tới bây giờ…

Vào một buổi sáng, Pao và tôi lại Quán Huyện. Đền thờ Li Pin phơi những nóc rực rỡ nhiều màu, những đường xoáy ốc lam và tím, những dãy màu hổ phách và đỏ thắm lượn chung quanh những con vật tượng trưng, lên lên xuống xuống theo cạnh góc của các mái hiên xiên xiên, ở trong. Li Pin và người con trai, nghiêm trang ngồi im nhìn sự nghiệp của mình: cánh đồng Thành Đô đầy những thửa ruộng lấp lánh màu ngọc bích và màu vàng, nhìn khả năng sản xuất phi thường của cánh đồng đó, đủ để nuôi dân, vậy mà bọn nông dân nghèo khổ không tưởng tượng nổi, chỉ được hưởng một phần nhỏ mùa màng của họ thôi. Trời hôm đó tuyệt đẹp, thơ thẩn theo dòng con sông Mân, trong ngọn gió hè phất phất, ngó những phiến đá tròn như quả trứng trong những cái lưỡi bằng miên liễu để che chở bờ sông khỏi bị lở, nhìn những chiếc thuyền vùn vụt trôi theo dòng nước cuồn cuộn, thật thích thú lạ lùng. Vòm trời xanh lợt, như lơ đãng ngó xuống chúng tôi trong không khí bắt đầu oi ả, và tôi còn nhớ rõ những tiếng trạo phu gọi nhau như tiếng chim chung quanh chúng tôi; tiếng thác đổ như tiếng ngựa giậm chân, dội vào gặm mòn cột cầu bằng đá, có tên là Mỏm đá Voi (sau này sập, thành thử năm l964, khi tôi trở lại thì không còn), và tiếng gió nữa, như tiếng chim mỏ nhát, thổi xuống những ngọn đồi cây cối rậm rạp, âm u…

Những cảnh đó không làm cho Pao vui một chút nào cả, chỉ là cơ hội cho anh thuyết giáo tôi nữa, nổi cơn lôi đình một cách quá quắt nữa, tiếp theo là đánh đập túi bụi vào mặt tôi. Tôi căm hận, lầm lì, lẩm bẩm: “Anh không có mắt, không có tai, chẳng có gì cả… chỉ nghĩ tới anh và hoạn lộ của anh thôi… Cả cái chính phủ của anh chỉ là thối nát… và anh chỉ lo giữ cái địa vị của anh thôi…”

Thế là anh đánh đập tôi dữ hơn nữa, khiến tôi mửa, sau đó bị chứng kiết lỵ (bệnh này, mùa hè phát ra thường), tôi xúc động, hoảng quá ngất đi. Như những người không biết gì về y khoa, thấy tôi ngất đi trong cái đình cất trên sông Mân, đối diện với Mỏm đá voi, tưởng tôi chết, Pao thình lình hối hận, đỡ tôi dậy, vỗ vỗ vào tay tôi, khóc lóc, hứa lần sau, không vậy nữa, bảo tôi có thể tiếp tục học thêm, muốn làm gì thì làm, đánh trả lại anh cũng được. Tôi nằm yên, mắt nhắm khó chịu lắm vì đã són ra, không đáp mà cũng không nhúc nhích… Hôm sau chúng tôi đi tới núi Tsin Tcheng Chan, phía bên kia Quán Huyện.

Núi đó có một tịnh thất rất cổ và rất nổi danh của Đạo Giáo, bây giờ vẫn còn là một nơi du lãm ở Tứ Xuyên. Những ngôi đền thanh nhã, cất từ mấy ngàn năm ở trong đám cây Ging Ko, giữa tiếng róc rách của nhiều ngọn suối, mà một ngọn đổ vào những hốc đá do thời gian và nước xói mòn, đục thành nhiều hình khác nhau, nghe du dương như tiếng đờn. Có nhiều phòng cho du khách, những chiếc giường lớn, có cột mắc mùng, nhưng đầy rệp và đêm đó tôi bắt được và giết 64 con, nhất là giữa những kẽ chân, giết một cách dễ dàng, mà thích thú! Tôi sắp hàng những xác rệp đó lên mặt bàn trong phòng. Tường treo những bức tranh của các họa sĩ danh tiếng. Đền cất đã trên ngàn năm, nhiều lần trùng tu rồi, nhưng lần nào cũng giữ đúng kiến trúc cổ. Trên đầu chúng tôi, trong không khí mát mẻ, nhô lên những mỏm đá phía sau là những ngọn đầu tiên của dãy núi lớn.

Chúng tôi đi theo những đường mòn trong núi, Pao thì quát tháo, còn tôi thì lòng rầu rĩ, như ngây dại. Khi xuống núi, những người đã khiêng kiệu cho chúng tôi từ chân núi lên, cứ đi được độ hai giờ lại ngừng để hút một điếu thuốc phiện, họ không có tiền, xin chúng tôi trả trước cho! Vì số tiền trả lần lên núi, họ đã mua thuốc hút hết rồi. Pao dọa dẫm, tàn nhẫn ra lệnh họ phải tiếp tục đi mà không hút, họ đặt kiệu xuống, ngó chúng tôi một cách đáng sợ. Pao diễn thuyết một hồi về cái hại của thuốc phiện, mạt sát họ là trụy lạc, nhưng rồi cũng đưa tiền. Và chung quanh chúng tôi, trong những thung lũng khuất gió, chỗ nào cũng là những ruộng thẩu đầy hoa hồng hồng, vàng vàng…

 

Về tới Thành Đô, tôi lên cơn sốt. Thím Ba cho mời ông lang tới, ông coi mạch rồi bảo tôi “khí suy” khí nghẹt trong tim, phải cho thứ thuốc thông tim. Lông mày tôi cau lại là có con rắn cuộn tròn trong óc, phải uống thuốc giải nó. Tôi cho rằng ông lang đó chỉ coi mạch thôi mà đoán bệnh, chẳng cần hỏi một câu tất là phải già tâm lý. Tôi như sắp bị một thứ bệnh kinh niên, tôi lo lắng, uống vị nhân sâm ông lang bốc cho, thấy bình tĩnh, khỏe khoắn, nhưng rồi sinh lực dồi dào của tôi đã thắng được.

Hai ngày sau tôi bình phục, nhưng đã làm cho Pao sợ. Anh than thân trách phận, phải gắng sức để “thành công”, mệt thật, anh làm hết sức anh, nhưng có điều trở ngại trên hoạn lộ là anh chưa bao giờ chỉ huy trong một cuộc tác chiến. Do đó, thiếu một bực thang để leo lên (anh nói đến những kẻ phụ tá có thể giúp anh được, đến một cách dễ dàng để gây vốn, vì quân đội chỉ là một tổ chức vĩ đại làm ăn bất lương). Tôi có thể giúp anh, nhưng phải kiên nhẫn. Tôi bảo anh đã hứa cho tôi làm việc và tôi muốn làm việc, không thể ngồi không hoài được. Thình lình anh chấp nhận: Ừ, ở đâu tại Thành Đô, nếu tôi muốn tôi có thể học thêm, anh sẽ dắt tôi lại trường đại học để tôi có thể học để hỏi bạn… Sự đổi ý đó làm tôi ngạc nhiên. Tôi nghĩ bụng: có lý nào, rồi anh ấy lại đổi ý cho mà coi… nhưng sáng hôm sau, chúng tôi cùng lại Đại học Trung Hoa Liên hiệp miền Tây ở gần cửa nam Thành Đô.

Trường đại học đó đã hóa ra quan trọng phi thường: tập hợp sáu đại học với đủ nhân viên, sinh viên từ những miền bị Nhật chiếm đóng, rút lui về đây để tiếp tục học hành. Pao xin được gặp vị khoa trưởng Trường Y khoa, bác sĩ Kilborn, một nhà truyền giáo Gia Nã Đại. Bác sĩ Kilborn tiếp chúng tôi, ông lực lưỡng, thân mật, nói tiếng Tứ Xuyên rất hay. Chúng tôi hỏi điều kiện nhập học. Tôi bắt đầu cảm thấy rằng trở lại đời sống sinh viên là điều tôi không muốn. Tôi muốn làm một công việc gì ích lợi ngay bây giờ, liên quan với tình thế kia. Vả lại tôi cũng ngại tính tình Pao thất thường, mà cái gì cũng tùy thuộc ảnh. Trước đó Pao đã nói Hồ Tôn Nam có một người “bà con” nữ sinh viên ở đây. Pao muốn dùng tôi để gặp cô ta chăng? Tôi nói với bác sĩ Kilborn rằng tôi muốn có việc làm, và ông khuyên tôi hãy lại thăm bác sĩ Marian Manley, cũng là một nhà truyền giáo, điều khiển một nhà hộ sinh ở sát bên trường Đại học: lại đó tôi có thể giúp ích ngay được.

Rồi Pao rủ tôi đi chụp hình chung để kỷ niệm tình yêu bất diệt của chúng tôi, đã nhiều lần như vậy mà lần nào cũng để mừng vợ chồng làm lành với nhau. Hình chụp khéo, anh đưa tôi coi rồi lại bắt đầu gây sự. Khi ở tiệm chụp hình về, anh đã ghé một nhà coi tướng số. Ông này nhìn qua tấm hình của tôi, bảo tôi có tướng lãng mạn, phải răn đe, dạy dỗ nhưng cay đắng, vì tai nhỏ quá… Anh Pao lặp lại những lời đó với tôi, tôi cãi lại rằng ở Trung Hoa có bao nhiêu cái ghê tởm, có những người bị bắt lính, cột lại, lôi ra mặt trận, thì thật đáng buồn, rằng anh không biết làm gì khác mà cứ lặp lại hoài nhũng lời chê bai tôi về tính dục, và về tai tôi. Không kịp suy nghĩ về hậu quả, tôi nói thẳng vào mặt anh: “Anh chỉ nói xấu dọa dẫm để bắt chẹt tôi, thế thôi”. Anh bảo: “Tao cứu vớt mày… tao rán cứu vớt mày mà!”

- Không, anh muốn giết tôi – nhưng coi chừng đấy, kẻo mà một ngày kia quá trớn…

Anh nổi quạu cười gằn: “Mày muốn dọa tao hả? Mày làm gì được tao?”

- Tôi biết tôi chẳng làm gì được anh hết, nhưng nếu tôi chết đi thì anh không dễ gì giảng giải cái chết của tôi cho xuôi được đâu.

- Mày phải biết rằng đàn bà tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, không có cá tính riêng chứ…

- Và chính anh cũng do đàn ba sinh ra. Nói vậy là anh chửi chính thân mẫu anh và tất cả những bà mẹ khác.

Tôi giận quá, thở hổn hển và khi thấy anh nắm tay lại, tôi co giò chạy: “Cứ đánh tôi đi, chỉ cái đó là tài giỏi được. Tại sao không đi đánh tụi Nhật kia? Ở Tây An anh làm cái nghề ngỗng gì, ngoài cái việc đua ngựa với bạn bè? Vâng, mà trước khi đi, dám nói với tôi rằng đi đánh Nhật. Trung Hoa đã mất một nửa đất đai rồi đấy, mà anh chẳng thấy có việc gì khác là đánh tôi”.

- Câm miệng lại câm ngay!

Bỗng nhiên anh hóa ra bình tĩnh lạ thường. Từ hôm đó, anh không nói gì với tôi về Hồ Tôn Nam nữa.

 

Tôi một mình lại trường Hộ sinh ở đường Tiểu Thiên Trúc (?)[4] ngoài cửa Nam Thành Đô để gặp bác sĩ người Mỹ, Marian Manley mà bác sĩ Kilborn đã giới thiệu.

Cô Marian Manley bé nhỏ, rất linh hoạt, nét mặt không bao giờ già vì cơ hồ lúc nào cũng có nụ cười tinh quái như con nít. Cô là một nhà truyền giáo hoạt động nhưng không cố chấp, cô em có tên Grace và song thân cô đều làm việc suốt cuộc đời ở Trung Hoa. Tại Tứ Xuyên có nhiều gia đình như vậy: Gia đình Endicott, gia đình Chester Ronning, hiện nay là một nhà ngoại giao cao cấp Gia Nã Đại. Cha mẹ họ đã làm nhà truyền giáo ở Trung Hoa và những người thời đó tôi gặp thuộc về thế hệ thứ nhì, họ coi Trung Hoa là xứ sở của họ, hơn cả tổ quốc họ nữa và họ rất quyến luyến với Trung Hoa, điều đó là một cản trở về tâm lý: khiến họ khó gia nhập chế độ mới, vì họ hoàn toàn tin ở địa vị quan trọng của họ cùng sự nghiệp thiêng liêng của họ khung cảnh cựu Trung Hoa. Endicott nói tiếng Trung Hoa như người Trung Hoa, Kilborn và William Sewell cũng vậy, ông này sau có viết một cuốn tả những sự thay đổi ở đại học, năm 1949 khi cộng sản vô Tứ Xuyên. Các nhà truyền giáo Gia Nã Đại ở Thành Đô nổi tiếng là có tinh thần tự do, có người có cảm tình kín đáo với dân tộc Trung Hoa và Hồng quân. Nhưng đa số các nhà truyền giáo Mỹ mù quáng một cách hả hê, cho tới phút chót, họ vẫn ăn ở sung sướng trong những ngôi nhà đẹp đẽ bằng gạch xám, giữa những đồ đạc tuyệt đẹp mua sắm bằng ngoại tệ, còn chung quanh họ bạn đồng sự của họ cùng sinh viên thì thiếu ăn má xanh bủng xanh beo… Cô Marian Manley không biết chút gì về chính trị, về phương diện đó, cô rất ngây thơ, cô sợ cộng sản lắm, tin chắc như đinh đóng cột rằng sau chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của tổng thống Tưởng Giới Thạch, Trung Hoa sẽ dân chủ, sáng suốt theo Kitô giáo vì vợ chồng Tưởng đều theo phái Giám lý [5], một giáo phái ở Anh, chính sự cải giáo của Tưởng đã làm cho các nhà truyền giáo lầm trong thời gian lâu như vậy.

Buổi sơ kiến của chúng tôi rất thân mật, Marian nhận dạy tôi liền trong nhà hộ sinh nhỏ của cô, một ngôi nhà bằng gỗ, tầm thường ngói xám như mọi nhà khác ở Thành Đô, có hai tầng cất theo hình tứ giác chung quanh một cái sân và một cái giếng. Một nửa dùng làm chỗ ở cho các cô mụ và cho cô, còn một nửa làm phòng cho sản phụ, phòng đở đẻ và phòng coi mạch. Có ba phòng nhỏ hạng nhất, mỗi phòng chứa được hai sản phụ, hai phòng hạng nhì, mỗi phòng gồm mười hoặc trên mười giường. Xét chung thì có thể cùng một lúc thu nhận từ 20 đến 25 sản phụ, lại có thêm một phòng hài nhi, nuôi trung bình 30 em bé. Mùa đông, phòng này chật ních, đôi khi phải nhận từ 35 đến 40 em bé. Mỗi chiếc nôi là một cái thùng có nắp, bốn bên và phía trên có lưới sắt chắc chắn để phòng chuột. Hết thảy đồ đạc, giường, nệm bằng xơ dừa, mền bằng vải, đều làm ở trong xứ.

Các cô mụ đều gốc gác Tứ Xuyên, phải học ba năm. Bài học giảng bằng tiếng Trung Hoa, vì không một cô nào biết tiếng Anh, cô Marian đọc bài viết bằng một thứ tiếng Tứ Xuyên pha Mỹ. Có từ ba đến năm cô mụ giỏi và vài cô phụ giáo, có một phòng ngủ cho khoảng hai chục nữ sinh viên về phụ khoa. Việc đỡ đẻ hầu hết là làm tại nhà chứ không ở bệnh viện, nhưng nhiều bà mẹ thích phong lưu đem em bé lại gởi, đỡ phải săn sóc.

Tôi có cảm tưởng rằng tôi học về phụ khoa dễ hơn là học năm năm để làm bác sĩ. Ở đây học vài tháng là tôi có thể giúp ích được, chứ phải đợi năm năm rồi mới làm được một việc gì thì lâu quá, tôi chịu không được… Tôi nói với cô Marian rằng tôi sẵn sàng học ngay. Rồi tôi trở về, uống nước nhân sâm, làm bộ té xỉu dọa Pao nếu không cho tôi làm việc thì tôi sẽ chết thình lình, tôi đau ruột, xanh xao… thành thử Pao càng dễ tin, Pao có vẻ bi thảm, đáp rằng anh sẽ đi một mình, chịu cuộc đời “cực khổ” ở Trùng Khánh, rồi chắc chắn anh sẽ đau, không bao giờ còn gặp mặt nhau nữa… Nhưng, lúc đó thần kinh tôi dễ kích thích lạ lùng, nên rất dễ giả vờ cảm động. Không có gì làm khô héo lòng bằng tâm bệnh như ích kỷ, đa nghi, kiêu căng… mà không được người khác hiểu mình. Tôi khóc lóc, té xỉu nhưng nhất định không chịu nhường một mảy may. Ảnh lại thăm tôi ở nhà hộ sinh, thăm cô Marian, chỉ chê mỗi một điểm là bệnh viện “nhỏ quá”. Rồi anh huênh hoang bảo khi nào “anh thành một nhân vật quan trọng, em muốn cất bao nhiêu bệnh viện anh cũng cất cho, em có thể thành bộ trưởng Y tế”. Tôi đâu có muốn làm bộ trưởng y tế, chỉ muốn tiếp xúc với thực tế thôi, và làm một công việc mà tôi cảm thấy ở trong thâm tâm tôi và trong lòng những người chung quanh tôi, là rất cần thiết, rất khẩn cấp.

Và Pao đi Trùng Khánh một mình, không đau khổ lắm, mặc dầu anh phải “hy sinh”, vì nhiệm sở mới của anh là ở nha “Tuân lệnh và Phục vụ” đặt trực tiếp dưới quyền của Tưởng, còn tôi ở lại Thành Đô, khỏi thành một trở ngại cho anh: anh đã kể, biết bao điều láo khoét về tôi, cả cái điều tôi có mang, thành thử sự biệt tăm của tôi trong một thời gian rất hợp cho anh. Lại thêm Hồ Tôn Nam, lại Trùng Khánh dự một hội nghị quân sự và Pao cũng sẵn sàng, lúc nào cũng ra mặt, để khỏi bị quên lãng trong những lần thăng chức hỗn độn. Mãi tới cuối tháng 11 anh mới về đón tôi lại Trùng Khánh, và lúc đó chiến tranh thế giới nổ, làm tham vọng vô cùng của Pao có kết quả tốt, còn tôi thì đã thành một thứ nhà văn, mặc dầu phải hai chục năm nữa, tôi mới nhận định được ý nghĩa của tiếng đó.

 

Chưa ai vạch một tổng quan theo quan điểm Trung Hoa về mùa hè 1939 bi thảm đó, trong khi tại khắp Châu Âu người ta chuẩn bị chiến tranh, chưa ai kể những hy vọng và suy đoán về việc quốc tế hóa chiến tranh trong đám người ở chung quanh Tưởng Giới Thạch, và những vai trò chơi đánh đu giữa Tưởng và người Nhật. Hầu hết các sử gia đều cho các âm mưu vận động và phản vận động của các nước Châu Âu thời đó, kể cả Nga Sô, là trung tâm của Thế chiến thứ nhì. Nhưng đứng ở một lục địa khác thì cách nhìn sẽ khác, và đối với nước Trung Hoa chúng tôi thì thế chiến thứ nhì manh nha từ ngày 18 tháng 9 năm 1931, ngày Nhật xâm chiếm Mãn Châu, rồi xảy ra thực sự ngày mùng 7 tháng 7 năm 1937, ngày Nhật xâm chiếm Trung Hoa, hậu quả đương nhiên là chiến tranh lan qua Châu Âu năm 1939 mà hóa ra quốc tế. Ở phương Tây ít người chấp nhận ý kiến đó, Trung Hoa, dưới thời Tưởng Giới Thạch, vẫn còn là một “vật” để chịu mọi áp lực từ ngoài vô, vẫn là một quân cờ trên bàn cờ của các đại cường, thụ động, ức hiếp sao cũng được. Không ai đoán được rằng trong sự vùng dậy vĩ đại xảy ra lúc đó, vai trò nhục nhã mà Trung Hoa phải chịu đã bắt đầu tan biến, quyết định mà tháng chạp năm 1936 Mao Trạch Đông buộc Tưởng Giới Thạch phải theo, mặc dầu là miễn cưỡng theo, tức quyết định chống Nhật, đã đánh dấu một khúc quẹo trong lịch sử Trung Hoa, từ đó Trung Hoa đã đổi hướng.

Nhưng cánh cửa tương lai quay chậm chạp trên cái chốt do chiến tranh thoa dầu. Ngày mùng 10 tháng 3 năm 1939, Neville Chamberlain nói về một “kế hoạch hòa bình” năm năm ở Châu Âu. Cho tới tháng chạp năm 1941, Anh vẫn tích cực và thân thiện giao thiệp với Nhật, mặc dầu Nhật lấn Anh về thương mại ở Mãn Châu và Hoa Bắc. Họ tin rằng Trục Đức – Ý – Nhật có thể bị phân liệt mà Nhật sẽ được rảnh tay ở Trung Hoa mà chia “chia nhau” thị trường Trung Hoa: Anh sẽ nhường vài quyền lợi ở Hoa Bắc để làm chủ Hoa Nam. Mọi sự hòa giải ở Châu Âu đã thất bại mà bộ ngoại giao Anh còn tranh đấu cho một sự hòa giải ở phương Đông. Kế hoạch hòa bình năm năm, do thủ tướng Anh đề nghị ở Birmingham, bị thủ tiêu đúng ngày đó, vì Hitler đưa quân vô chiếm Prague ngày mùng 10 tháng 3 và ngày 14, nước Cộng hòa Tiệp Khắc bị sát nhập vào Đức Quốc xã, Ba Lan và Hung Gia Lợi được Hitler thí cho vài mảnh nhỏ của Tiệp Khắc.

Nhưng Mỹ, mà Anh cũng vậy, vẫn tìm cách xem có cách nào làm cho Nhật và Trung Hoa “thương thuyết” với nhau không, nghĩa là có cách nào cho chính họ hòa giải với Nhật không. Nhật và Hitler thấy họ chịu nhượng bộ như vậy, càng cho là họ yếu. Ngày 22 tháng chạp năm 1938, Nhật tuyên bố trật tự mới (ở Đông Á); rõ ràng là khiêu khích bọn thực dân da trắng ở Á Châu, họ muốn lấy sự kỳ thị chủng tộc làm nguyên lý để chiếm Đông Nam Á, chiếm địa vị của bọn đế quốc da trắng.

Mùa xuân 1939, các nhà “kinh doanh” và mật vụ Nhật bắt đầu tuôn vào Hà Nội và Sài Gòn. Người Pháp lúc đó lo đối phó với các cuộc khởi nghĩa ở Việt Nam, hoan hỉ tiếp bọn Nhật, giúp họ đàn áp tàn nhẫn phong trào độc lập ở Việt Nam. Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp qua Trung Hoa gặp Hồ Chí Minh, ông này sau vài năm ở Moscou, tháng 8 năm 1938 về Diên An, rồi năm 1939 hoạt động tại Hoa Nam. Ông bị nhốt khám gần hai năm, do lệnh Tưởng Giới Thạch, chân đeo xiềng, thành ghẻ loét. Bắt buộc phải đi nằm khám khác, bị trói mà ngủ trên một cầu tiêu, ông ta trong mấy tháng đó làm được nhiều bài thơ hay nhất.

Y Pha Nho đầu hàng Franco (29 tháng 3 năm 1939), mà chế độ phát xít thêm một kiện tướng nữa, không chịu thua kém. Nhật cũng chiếm các đảo Spratley, cách Manille 700 hải lý về phía Tây, cách Sài Gòn ba trăm hải lý về phía Nam, và cách Hương Cảng một ngàn hải lý, đó là một căn cứ quân sự quan trọng ở tiền tuyến để xuất phát tấn công miền Đông Nam Á. Rồi tới phiên Mussolini chiếm Albanie ngày 7 thắng 4.

Các nước dân chủ phương tây vẫn thờ ơ, bám lấy ảo vọng rằng có thể thỏa hiệp với Trục để thành lập một “liên minh chống cộng” rất mạnh. “Kế hoạch hòa bình” của Chamberlain chỉ là một đề nghị trá hình để mở rộng và tăng cường hiệp ước chống cộng, ký kết giữa Đức, Ý, Nhật năm 1936, ăn khớp với đề nghị “đại liên kết chống cộng” mà Nhật đưa ra với Tưởng Giới Thạch tháng chạp năm 1938.

Tháng tư năm 1939, Hitler công bố hiệp ước Anh – Đức, Von Jodl, tham mưu trưởng quân đội Đức Quốc Xã diễn thuyết về những “nguyên tắc chiến lược” thuận lợi cho vấn đề Ba Lan “sau khi đã” giải quyết thỏa mãn “vấn đề Tiệp Khắc”. Cuộc âm mưu chính trị càng ngay càng chia ra nhiều phong trào phản đối nhau, mâu thuẫn nhau. Ngày 15 tháng 4, ở Moscou, sứ thần Anh và ngoại trưởng Nga, ông Litvinov đàm thoại với nhau. Churchill viết: “Cứ xét Nga Sô từ trước bị đối xử ra sao và hiện nay vẫn còn bị đối xử ra sao thì người ta không có thể trông cậy gì nhiều về họ”. Ba Lan, Lỗ Ma Ni, các tiểu vương quốc Balte[6] không biết bị Đức xâm chiếm với phải hợp tác với Nga, bên nào tai hại hơn, “sự lựa chọn ghê tởm đó[7] làm tê liệt chính sách của Anh và Pháp”, là một câu ý vị của Churchill. Nhưng làm tê liệt hai nước đó, chính là vấn đề nan giải, nên liên kết với Đức và Nhật, chia nhau các thuộc địa với họ trên khắp thế giới để thành lập một mặt trận chống cộng, hay là nên liên kết với một quốc gia cộng sản: Nga Sô?

Khi Mỹ bị liên can vào thì chính sách của họ cũng nước đôi, mâu thuẫn như vậy. Mỹ mệnh danh là “trung lập” mà tiếp tục gởi cho Nhật 92% số chiến cụ cần thiết cho Nhật đánh chiếm Trung Hoa, các nhóm Mỹ thân tín hoạt động tích cực và cho tới tháng chạp năm 1941, báo chí của Heart khó khăn lắm mới duy trì được chính sách “trung lập” của Mỹ. Nhưng dư luận lần lần thay đổi, các hoạt động của Nhật ngày càng làm cho dân chúng Mỹ lo ngại, nhất là khi Nhật can thiệp vào Đông Dương mùa hè năm 1939.

Churchill viết: “Nga Sô sẽ làm gì? Staline thật là con người “bí mật”. Sự thật, chính khách quỷ quyệt nhất là Staline biết rõ các chính khách phương Tây có gì trong đầu óc rồi. Tháng 2 năm 1939, người ta đã thăm dò về phía Đức. Tháng 5 Churchill đọc ở Quốc hội, một diễn văn lời lẽ cương quyết, thiên về chính sách liên kết Anh, Pháp và Nga: “Gấp rút đấy, đừng để trễ”. Nhưng bộ ngoại giao Anh và Pháp chống cộng mạnh quá, thành thử các cuộc thương thuyết với Moscou cứ kéo dài ra.

Staline hành động khéo léo và thận trọng để có thể nghiêng về cả hai phía. Trong cái trò tế nhị đó, Nga Sô vẫn kín đáo và bí mật cho tới phút cuối cùng, mà ai có quyền trách họ điều đó được? Tương lai của quốc gia cộng sản đầu tiên trên thế giới đó đã nằm trên bàn cân!

Ở Trung Hoa, phe cộng sản ở Diên An và phe Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh đều theo dõi và hiểu những cuộc vận động đó. Tưởng so sánh những âm mưu đó với những âm mưu thời Tam Quốc hai ngàn năm trước. Không có gì lạ trong cái trò Real politik (chính trị thực tế) đó, nước bài của Churchill là “giao hảo với nước xa nhất để diệt cái nguy cơ gần nhất”, nước bài của Staline là: tạm thời liên kết với Đức để gạt cái nguy cơ lớn nhất là bị mọi nước đều chống Nga, cả hai nước bài đó đều hợp lý cả.

Mùa hè năm đó, Tưởng Giới Thạch đã cảnh cáo Anh, bảo rằng cái ý muốn có một vụ Munich ở phương Đông[8] sẽ gây tai hại cho Anh, Tưởng cảnh cáo như vậy, không phải là vì muốn thắng Nhật, mà chỉ vì ngại bị phương Tây hất ra ngoài các cuộc âm mưu của họ, mà Staline có thể làm cho bộ máy chiến tranh của Hitler chuyển qua phía Tây. Tưởng bảo rằng lỗi lầm lớn của Hitler là liên kết với Nhật mà không liên kết với Trung Hoa. Từ 1933, Tưởng luôn luôn lựa các cố vấn Đức, như Von Beck để giúp ông ta chống cộng. Năm 1939, vẫn còn là cố vấn Đức ở Trung Hoa.

Tháng sáu năm 1939, vì có lời yêu cầu của Nhật, Pháp ở Đông Dương không cho gửi mọi khí cụ vô Trung Hoa, do ngã Hải Phòng và đường xe lửa Vân Nam nữa.

Tháng bảy năm 1939, Anh ký một hiệp ước Anh Nhật để tăng cường uy tín của họ (họ nghĩ vậy), bên cạnh Nhật “cuộc liên kết chống cộng” mà các thực dân Âu Châu kí kết với nhau để chống Nga Sô, bị Mao Trạch Đông tố cáo ở Diên An, và mùa hè càng qua thì thế giới càng mau bị nguy cơ chiến tranh.

Buổi tối ngày 19 tháng 8 năm 1939, Staline tuyên bố muốn ký hiệp ước với Đức. Ngày 22 tháng 8, Ribbentrop (Đức) qua Moscou, tối hôm sau hội kiến với Staline và ký ngay một hiệp ước bất tương xâm. Mao Trạch Đông bảo: “Đó là hậu quả chứ không phải nguyên nhân của các chính sách Anh và Pháp”. Hiệp ước đó có giá trị trong mười năm, nhưng chỉ 22 tháng sau, tháng sáu năm 1941, Hitler đã xua quân qua chiếm Nga. Nhưng người ta cũng đã lợi được hai năm.

Đêm 30 tháng 8 rạng mùng 1 tháng 9 năm 1939, Ba Lan bị Đức xâm chiếm, Hitler tuyên chiến với Anh và Pháp, ngày mùng 1 tháng 9, tức 11 tháng sau vụ Munich, thế là hết “hòa bình trong thời đại chúng ta”.

Ở Trùng Khánh, người ta cực kỳ hoan hỉ khi hay tin bấy lâu nay chờ đợi, rằng thế chiến thứ nhì đã bắt đầu. Từ nay chiến tranh ở Trung Hoa phải được coi là một mặt trận của cuộc xung đột thế giới, và như vậy là tiến được một bước như Tưởng đã ước ao: Mỹ phải gia nhập chứ không đứng ngoài được nữa, và phải đổ tiền vào cái chiến tranh của ông ta, chiến tranh chống Mao Trạch Đông…

Ở Châu Âu, các phong trào hòa bình hỗn độn lắm, bị nhồi sọ vì một chính sách tuyên truyền lạc quan, các nhà trí thức phương tây tách ra khỏi các đảng cộng sản Châu Âu, nhưng về phương diện Mác-xít người ta không thể lựa chọn giữa 2 bên: một bên là chính sách phát xít thô lỗ của Hitler với những cuộc tàn sát ghê tởm sáu triệu người Do Thái; một bên là chính sách dã man, thêm tội diệt chủng, mà từ mấy chục năm nay các nước tự mệnh danh là dân chủ, đã áp dụng ở các thuộc địa của họ. Nhưng đối với chủ trương ích kỷ coi Châu Âu là trung tâm vũ trụ – ngay những người Mác-xít cũng không tránh được tật đó – thì những việc xảy ra ở Châu Âu so với những việc xảy ra ở các châu khác vô cùng quan trọng hơn, hiện nay các đảng cộng sản Châu Âu vẫn còn mắc chứng cận thị đó…

Hiệp ước về Nhật Bản có hậu quả là làm cho tình thân thiện Đức Nhật giảm đi. Trong giới quân phiệt Nhật, người ta đã chuẩn bị khá nhiều cho cuộc xâm lăng Đông Nam Á rồi, nhiều chính khách mới, đóng vai bồ câu, nóng lòng muốn thỏa hiệp với Anh, Mỹ, Pháp để cùng nhau chia cắt Trung Hoa. Nhưng bọn quân phiệt thắng thế, vậy tháng 4 năm 1941 Nhật chỉ còn ký với Nga một hiệp ước trung lập gồm bốn điểm, để Nhật được yên ở phía sau, mà có thể chuẩn bị chiếm đóng Đông Nam Á được. Vì Hitler đã không bàn tính với Nhật khi đơn phương ký kết với Nga, bây giờ cũng trả đũa lại, không thèm bàn tính với Đức, điều đó ảnh hưởng tới sự diễn tiến của thế giới thứ nhì.

 

Một buổi chiều tháng 9, mưa lất phất mà oi ả. Tôi đã học và làm việc ở nhà hộ sinh được ba tháng rồi. Tôi vô phòng khách của cô Marian Manley để trả cô một cuốn sách. Ở nhà hộ sinh, xa Pao, tôi có thể đọc sách mà không sợ bị anh giựt, có khi xé trước mặt tôi nữa.

Cô Marian đương ngồi trước máy đánh chữ, ngày nào cô cũng đánh máy những bức thư dài gửi về gia đình, cô lại viết truyện ngắn và làm một trường thi nội dung là một truyện cổ tích Trung Hoa. Vài truyện ngắn của cô viết về Trung Hoa đã được đăng trên các tạp chí Mỹ, như tạp chí Woman’s Home Companion (Người bạn trong nhà của phụ nữ). Cô cũng đã viết một cuốn về Trung Hoa, nhưng chưa tìm được nhà xuất bản. Bây giờ cô muốn viết một tiểu thuyết kể một truyện xảy ra ở Trung Hoa. Cô bảo: “Tôi biết rằng tôi có thể viết được, tôi biết vậy”.

Tôi không nhớ tại sao cô có vẻ “khác người”, hơi cách biệt các nhà truyền giáo khác ở Đại học, ở tại bệnh viện Thành Đô, không phải vì tư tưởng tôn giáo của cô đâu, mà vì cô không có tính theo đời, nên thích được cô liêu, chỉ huy nhà hộ sinh nhỏ và trường phụ khoa này, sống nơi cách biệt với các nhà truyền giáo khác. Hay là tại văn nhân nào cũng cần được cô liêu chăng? Tôi thấy cô khả ái, và chúng tôi mỗi ngày một thân với nhau hơn.

Buổi chiều tháng chín đó, cô Marian đương đánh máy, ngước mặt lên khi tôi bước vô và mời tôi ở lại uống trà, ăn vài chiếc bánh cô vừa mới làm. Tôi vui vẻ nhận lời, và cô lại nói về công việc viết lách của cô, muốn cho tôi nghe vài trang tiểu thuyết cô đương viết. Khi cô gỡ cặp kính ra, mắt cô cơ hồ hết tinh thần, buồn ngủ như mọi người cận thị khác, cô hăng hái chùi cặp kính. Cô có vẻ trẻ trung, gần như con nít, hai chân quắp lại ở dưới chiếc ghế dựa, trong khi cô đọc rõ ràng từng âm một, như người tụng kinh, bằng cái giọng Mỹ nhè nhẹ. Tôi vơ vẩn ngó ánh tà chiếu vào những đường gân trên các cột gỗ ở ngoài hàng ba, khói từ cả ngàn đám than củi tỏa lên vòm trời chiều trắng đục, và từ căn bếp ở dưới hầm, nơi mà cô Marian và cô Grac đã làm mứt bằng thứ cam Tứ Xuyên, rất nhiều, rất rẻ, có mùi vỏ cam đưa lên làm cho tôi thèm chảy dãi.

- Sao, bà thấy ra sao?

Thình lình cô Marian gỡ cặp kính ra, lại chùi nữa, gom cả can đảm lại để nghe những lời tôi nhận xét về tác phẩm của cô. Tôi phục con người đó quá, sao mà viết hay, viết khéo được như vậy: “Truyện hay tuyệt…” cô nhún vai, cười lớn tiếng, mạnh mẽ chùi cặp kính. “Tôi mong rằng người đại diện cho tôi thích truyện đó… Tôi ước gì ông ta kiếm cách cho xuất bản cuốn của tôi được! Nhưng có vẻ như ông ta không tìm ra được nhà xuất bản. Vậy mà tôi biết rằng tôi có thể viết được, tôi viết hay nữa chứ…”

Cô nói tôi biết, tôi viết hay cũng mạnh mẽ như khi cô giậm chân, mỗi lần có điều gì bất như ý ở nhà hộ sinh. Rồi như để xin lỗi sau cuộc hăng say bộc phát nho nhỏ đó, cô ngậm cười lại, trên mặt cô lại hiện lên nụ cười ngây thơ, nhăn nhó. Quả thực là văn cô hay: trôi chảy, đều đều, lôi cuốn người đọc.

- Tôi thấy truyện tình đó hay lắm.

Truyện một thiếu nữ bị cha mẹ ép gã làm vợ bé cho một quân phiệt, cô ta trốn thoát, cưới một thanh niên mà cô yêu… Năm 1939, Tứ Xuyên hoàn toàn không có được chuyện đó. Cô Marian nói: “Tôi muốn viết một truyện thực hay về Trung Hoa. Tôi cho rằng người Mỹ mới bắt đầu chú ý tới Trung Hoa”.

Chiến tranh xảy ra ở Trung Hoa từ năm 1937, nhưng Mỹ không dự vì trung lập, tháng 9 năm 1939, chiến tranh xảy ra ở Châu Âu, Mỹ cũng đứng ngoài… ngay những người Do Thái ở Mỹ cũng không nhắc nhích, không phản kháng các vụ hành hung Do Thái ở Đức.

Tôi nói với cô Marian:

- Tôi đã ghi ít điều về cuộc hồi hương của tôi tháng chín năm ngoái, về sự thất thủ của Vũ Hán, về cuộc hành trình của chúng tôi tới Trùng Khánh… những cảm tưởng khi đi đường, những cái đó có thể gợi ý cho tôi viết một truyện ngắn…

- Cho tôi coi được không?

Tôi trở về phòng để lấy những tờ ghi chép đó đưa cho cô. Chỉ có ba bốn trang, chứ không hơn. Không phải là thứ “nhật ký” mà Pao bắt tôi viết, để anh cau mày đọc xem tôi đã tấn bộ được chút nào chưa trong tư tưởng, mà là những ấn tượng của tôi, gặp đâu ghi đấy, trên những mảnh giấy nhỏ, nhét vào túi trong chiếc áo dài của tôi cùng với những giấy vệ sinh mang theo dọc đường, tôi tự cảm thấy hơi có lỗi mà không cho Pao hay. Tôi coi lại những trang đó, viết thêm cho những ghi chép tản mác đó có chút mạch lạc, rồi buổi tối, tôi đem lại cho cô Marian. Lại thấy cô ngồi đánh máy chữ nữa rồi, cho nên tôi đặt lên trên bàn rồi rút lui. Nửa giờ sau, có tiếng gõ cửa; cô Marian bước vô, tay cầm những tờ ghi chép đó của tôi…

- Hay đấy… rất linh động… tôi muốn bà hay liền. Đọc những trang đó tôi thích lắm. Này, giá chúng mình nối lại được tất cả với nhau nhỉ, nếu có thêm thì dùng những ghi chép đó của bà và ngọn bút của tôi, chúng mình có thể viết một cuốn sách được đấy…

Chúng tôi gần như khởi công tức thì, trong ba ngày tôi thảo xong một chương, nghĩ tới đâu viết tới đấy, viết xong đưa cho cô Marian. Mỗi lần mười trang, hai mươi trang. Cô viết lại, tô chuốt, cho vào khuôn, sửa đổi câu chuyện, bỏ bớt những điều có thể làm cho những độc giả nghiêm khắc thấy chướng, hoảng sợ, hoặc có thể nguy hại cho chúng tôi vì hoàn cảnh lúc đó. Có nhiều điều không nên nói ra.

Ngày nay đọc lại công trình hợp tác của chúng tôi, cuốn Destination Tchoungking (Đường vô Trùng Khánh) đó, tôi có thể tách ra những đoạn nào của tôi: những chi tiết cụ thể, trực tiếp, những người đi đi lại lại, những xú khí, hơi nóng, phong cảnh, những từ ngữ chân xác. Đúng như nhà văn Nora Wain, sau này tôi gặp ở Anh, đã nhận xét trong một bài điểm sách, một bút pháp thanh nhã như một lớp rêu đẹp đẽ, phủ lên các biến cố không còn thấy cái gì xấu xa, sống sượng, khô khan, gây gổ nữa. Cảnh khốn cùng, nhớp nhúa, những đau khổ của Trung Hoa, những cái ghê tởm và bất công đã được phủ một lớp men trắc ẩn bóng lộn, và nét quái gỡ của những cảnh đó giản dị. Không còn chút giận dữ nữa, phần lớn những nỗi bất bình cũng mất, không phải là một cáo trạng, chỉ là sự an toàn (cho tác giả) và lúc đó thì phải như vậy. Thời đó là thời chính Rewi Alley viết về cuốn của George Hogg[9] “có nhiều điều dẫn ra thì nguy hiểm”, nên chính ông đã cắt đi nhiều đoạn “những trang cháy bỏng không thể cho truyền bá được”, phải lấy ra, cất đi hoặc hủy đi. Đâu đâu cũng có bọn “cảnh sát tư tưởng” và không nhà văn nào ngu ngốc tới nỗi trong lòng nghĩ sao thì chép hết ra như vậy.

Ngay từ đầu sách, chúng tôi đã có một chú ý: viết sao cho hợp với trình độ cảm quan của độc giả Mỹ, cho họ thích, yêu và phục dân Trung Hoa và chính quyền hợp pháp của Trung Hoa đã anh dũng kháng Nhật. Nếu viết sự thực ra thì có khác gì giúp Nhật hại Trung Hoa, có khác gì phản Trung Hoa? Chính bên cộng sản cũng làm thinh vì quyền lợi của mặt trận thống nhất, chính họ cũng im đi nhiều cảnh tàn bạo mà họ phải chịu, vì lúc đó họ chỉ lo chống Nhật trước hết, và cũng vì cứ để cho Tưởng Giới Thạch công khai liên kết với Nhật mà lại hơn cả…

Thư nào cũng bị bóc ra, kiểm duyệt và hủy bỏ nếu chứa những “tin đồn nguy hại có thể làm cho công chúng bất mãn”. Cô Marian và các nhà truyền giáo khác đều rất giữ ý, không phê bình chính phủ một lời nào cả trong các bức thư của họ. Sách còn nguy hại hơn nữa. Cô Marian bảo: “Tôi ngại không dùng tài liệu này được, để tôi coi xem có thể dùng nó cách nào được”.

Về cuốn sách của “chúng ta” như cô nói – điều thứ nhất phải tránh là đừng làm cho người Mỹ phẫn nộ… Trung Hoa còn chiến đấu thì làm vậy là bậy… phụ nữ Mỹ đã bắt đầu để ý tới và gởi tiền giúp người Trung Hoa… nhưng họ hơi nghiêm khắc theo lối Thanh giáo… Đừng nên kể chuyện rằng ông nhà và bà ở chung một khách sạn tại Hương Cảng… và cô tế nhị giảng cho tôi rằng các phụ nữ Mỹ trong sạch không có chuyện yêu nhau trước khi cưới (hồi đó là năm 1939). “Trên tàu biển mà tình tự với nhau, cái đó có thể làm cho người ta hiểu lầm…” Thế là chúng tôi sửa lại chuyện cho được chỉnh.

Những nhận xét về nạn mãi dâm biến mất. Có vài điều không thể tránh được… đọc xong, người ta có thể nghĩ bụng: “Tụi Trung Hoa sống bê bối, vô luân như vậy thì chúng ta giúp họ làm quái gì? Tại sao không để cho tụi Nhật tẩy sạch những dơ dáy đó đi, nếu chúng tẩy được?” Lại còn địa vị của nhà truyền giáo nữa. “Tôi không được xen vào một cuốn sách bút chiến hoặc không đoan chính… Tôi nghĩ không nên nói về…” Tôi đồng ý về mọi điểm, rất mang ơn cô đã khuyên bảo tôi.

Chúng tôi cũng giản dị hóa, rút bớt đi: dù sao, cũng không thực là một tự truyện, chỉ là một chuyện có lợi cho Trung Hoa, cô Marian hăng hái, có kinh nghiệm. Còn tôi lúc đó vẫn coi Tưởng Giới Thạch là một vị anh hùng của quốc gia, bị người ta khuyên bậy, bọn chung quanh không tốt, cái đó đúng. Cô Marian cũng nghĩ rằng Tưởng lo cứu Trung Hoa, ông ta theo Giám lý hội, theo Ky Tô giáo, bấy nhiêu chẳng đủ cho ta chấp nhận tất cả những việc ông làm ư?

Mấy chương đầu đã sửa xong, cô gởi cho người đại diện của cô ở Mỹ. Tác phẩm được vui vẻ chấp nhận, cô khoe với mọi người trong Đại học. Còn tôi, tôi lo lắng: “Anh Pao mà biết được thêm cái việc kỳ quái này của tôi, mới làm sao đây? Ảnh chẳng đã lặp đi lặp lại rằng đàn bà không có tài thì mới có đức, còn phụ nữ nào có tài thì là một con quỷ đấy ư?”.

Tháng mười một khi anh trở về đón tôi ra Trùng Khánh, thì anh có vẻ phát phúc hơn, mập lên một chút. Anh muốn cho tôi làm việc dưới quyền bà Tưởng Giới Thạch, bảo rằng tôi có thể giúp bà đắc lực. Tôi không thích giúp bà Tưởng, tôi chỉ muốn tiếp tục làm việc ở nhà hộ sinh, nhưng tôi bỗng nghĩ ra rằng cuốn sách đó có thể mở đường cho tôi ra sao. Pao lại thăm cô Marian, cô nói về tiểu thuyết, khéo léo nói ít thôi, chỉ bảo rằng theo ý cô, nó có thể hướng dẫn dư luận Mỹ được. Pao hoan hỉ vô cùng, bảo tôi: “hợp lúc lắm, tốt em nên ghi tất cả những thứ đó lên giấy, cho người ta biết đức lang quân cao quý của em ra sao”. Anh chỉ nghĩ tới chuyện tuyên truyền cho anh thôi, và mọi người đều biết rằng bà Tưởng luôn luôn nghe lời các nhà truyền giáo Mỹ. Pao bảo tôi: “Khi em viết xong, có thể chính phủ sẽ in cho. Phải gởi cho bà Tưởng coi, biết đâu bà chẳng giới thiệu cho? Và lúc đó người ta có thể bảo rằng em đã giúp chồng em được một chút, để chuộc những lỗi lầm trước kia của em”.

Tôi nghĩ bụng, Trung Hoa đương đánh Nhật thì mình phải tin rằng Tưởng có lý. Những thanh niên liêm khiết, dữ dằn và trung tín như Pao sẽ quét sạch những cái bê bối. Tôi phải tin như vậy.

Và tôi trở ra Trùng Khánh với Pao; anh đã kiếm được một căn nhà, dắt tôi lại thăm Đổng Hiển Quang, lúc đó chỉ huy cơ quan tình báo tiếp xúc chặt chẽ với một nhóm họ Tống ở Mỹ về, đứng sau lưng là Tưởng Giới Thạch [10].

Sự thể thay đổi, cuộc chiến đấu của Trung Hoa mỗi ngày một thêm “tính cách quốc tế”. Pao ở trong ban liên lạc với Anh, và liên lạc với Mỹ có phần tăng lên, anh muốn qua Mỹ, vì vậy rán lấy lòng các nhà truyền giáo. Anh hỏi tôi về cả tôn giáo nữa. Cải giáo có lợi cho nghề của anh không? Anh hỏi ý kiến một hai nhà truyền giáo rồi mua một thánh kinh. Chúng tôi dự cả một buổi lễ trong một nhà thờ Tin Lành (Phái Giám lý) và một buổi tiếp tân đêm lễ Phục sinh ở nhà Đổng Hiển Quang.

Trong các câu chuyện phiếm, tôi hay rằng Mỹ lo ngại hơn Anh về các dự tính của Nhật.

Bây giờ Pao nói với mọi người rằng tôi đã học ở Anh. “Anh không muốn em nói tới nước Bỉ, cái nước khốn nạn, nhỏ xíu, không quan trọng gì đó nữa… Phải nói rằng em đã du học ở Anh”. Anh viết một tiểu luận về các cái hay của chế độ Tưởng và bảo tôi dịch ra tiếng Anh. Anh thu xếp để tôi phỏng vấn Pearl Chen bí thư của bà Tưởng. Cô Pearl là người Mỹ lai Trung Hoa, rất có khả năng trong nhiệm vụ thư ký, cho rằng nói chuyện với tôi phí thì giờ, nên cứ ngó đồng hồ của cô hoài, tỏ vẻ rất bực mình. Chúng tôi ra về, không quyết định được gì cả. Pao muốn tôi được bà Tưởng cho yết kiến để trình cuốn sách của tôi cho bà coi. Tôi bảo anh rằng cuốn đó không phải của tôi viết mà của cô Marian viết theo bản nháp của tôi, lại viết chưa xong nữa. Tôi không muốn gặp bà Tưởng và không gặp bà. Biết nói với bà về chuyện gì bây giờ? Pao bảo tôi phải bắt chước bà về mọi mặt vì bà là một gương mẫu về mọi đức. Ngay cả khi bà diễn thuyết trước một đám đông gồm cả nam lẫn nữ, bà cũng chỉ ngó về phía đàn bà mà không bao giờ quay mặt về phía đàn ông…

 Anh Pao bắt tôi lúc nào cũng phải nhìn xuống, vì tôi có thói quen nhìn thẳng vào mặt người khác, anh cho vậy là xấu lắm. Anh ngưỡng mộ những đàn bà tuẩn tiết theo chồng… “Trinh tiết là cái giá trị duy nhất mà người đàn bà có thể có được”. Anh rán bắt tôi hứa rằng anh có mệnh hệ nào thì tôi sẽ tự tử. Anh không thể chấp nhận được rằng tôi không đồng ý với anh, nên vài ngày sau lại ép tôi nữa, nhưng tôi vẫn không hứa.

Trong suốt mùa đông, tôi tiếp tục gởi bản nháp về Thành Đô cho cô Marian. Cuốn Destination Tchoungking tiến đều đều, giọng ôn hòa, như được san phẳng hết những chỗ gai góc, gồ ghề, chỉ còn những điều nhã nhặn, không làm mất lòng ai, để chiếu một hình ảnh về Trung Hoa có thể gợi được thiện cảm của người Mỹ.

Đầu xuân 1940, tôi trở về Thành Đô với Kuan Chou, cô em vui tính, con chú Ba tôi. Chúng tôi đi xe buýt, mất mười ngày chứ không phải hai ngày như thường lệ. Lại qua một thời gian đỡ đẻ, làm việc, khuây khỏa sau cuộc đời nghẹt thở ở Trùng Khánh…

 Trọn mùa hè 1940, ở Trùng Khánh, trong khoảng từ cuộc dội bom nọ tới cuộc dội bom kia, không dữ dội lắm, tôi đánh máy và gởi những chương cuối cùng cho cô Marian. Sau cùng, tôi đánh bạo viết chương cuối bằng một giọng hơi chỉ trích và riêng về phần tôi thì công việc thảo cuốn đó hoàn tất vào cuối hè năm 1940.

Năm 1941, thình lình như một cơn dông miền nhiệt đới, tôi bắt đầu hiểu con người thực của Tưởng Giới Thạch. Đầu năm 1942, cuốn Destination Tchoungking xuất bản ở Mỹ. Lúc đó, vì có vụ Trân Châu Cảng tháng chạp năm 1941, người Mỹ có cảm tình với Trung Hoa. Cuốn Destination Tchoungking không bao giờ bán chạy, nhưng lần in đầu ở Mỹ bán hết ngay. Tác quyền là 1.000 Mỹ kim, tôi được lãnh một nửa, trừ 30%, còn lại 350 Mỹ kim, chỉ có bấy nhiêu thôi.

Trong mười năm sau tôi không viết nữa, trừ ít bài tiểu luận và vài truyện ngắn không in và tôi còn giữ bản thảo trong một chiếc vali.

Cuốn Destination Tchoungking không làm cho tôi tin rằng tôi viết được, trái lại, làm cho tôi có mặc cảm tự ti, không sao thành văn sĩ được. Bây giờ tôi mang ơn cô Marian đã không bỏ hết các đoạn tôi viết, mà còn giữ đúng được một phần nào. Tôi không cố ý, mà bị lôi cuốn nên mới viết, và tôi cho viết văn là một nắp xả hơi, một hoạt động phụ mà tôi gần như không thừa nhận, còn nghề y sĩ mới thực là lẽ sống của tôi. Vì muốn thành bác sĩ, tôi đã quyết tâm chiến đấu lâu dài. Và tôi đã thành bác sĩ, đã tích cực hành nghề trong 15 năm, tới 1964. Mãi tới ngày nay, năm 1967, tôi mới chịu nhận rằng tôi là một nhà văn, với đủ ý nghĩa của tiếng đó: phải dấn thân, phải có trách nhiệm tinh thần, chịu những nỗi nghi ngờ, thống khổ, mâu thuẫn.

Đoạn sau không được đẹp. Nó xảy ra ở Anh năm 1943.

Nhà Jonathan Cape xuất bản Destination Tchoungking mùa thu năm 1942. Mặc dầu có lời khen của ông bà Tưởng Giới Thạch, mặc dầu truyện đã có lý tưởng hóa một cặp vợ chồng Trung Hoa can đảm chiến đấu cho Tổ quốc, mặc dầu truyện có vẻ một truyện thần tiên, mà có một kẻ trong đám nhân viên minh mẫn ở tòa đại sứ Trung Hoa, khéo nhận ra được lời chỉ trích của tôi cả khi tôi đã giấu nó sau những lời tán tụng, và đã tỉ tê với Pao rằng cuốn đó không được “như ý”.

Dĩ nhiên trong nhà không còn bản nào cả, Pao phải đi mua ở tiệm Bumpus. Anh đem về nhà, bảo tôi: “Bà Dorothy Woodman (trên tờ New Stateman) bảo chúng mình rằng tác phẩm hay lắm, nhưng có người ở Tòa đại sứ chê là tồi. Anh sẽ đọc”. Đúng là Dorothy Woodman, Kingsley Martin, J. B. Priestley, Nora Wain, Stafford Cripps và Isobel Cripps hết thảy đều chiến đấu trong ủy ban vận động giúp Trung Hoa, quyên tiền và các phẩm vật vệ sinh cho Trung Hoa, đã đồng thanh khen Destination Tchoungking, cho rằng tác phẩm đã gây một “hình ảnh” khả ái về Trung Hoa lâm chiến, như vậy là có ích. Pao có bao giờ đọc gì khác ngoài những công văn, diễn văn của Tưởng, và cuốn Mein Kampf cho thấy những lời khen đó đủ bảo đảm rồi. Bây giờ anh bắt đầu nghi ngờ.

Việc xảy ra vào buổi tối. Pao ngồi đọc, tôi leo lên giường, đắp mền, sợ run lên… hồi hộp, lo ngại nằm đợi, chân tay lạnh ngắt. Pao đọc ở phòng bên… Vài giờ sau anh đọc tới trang cuối, tới những hàng duy nhất trong đó tôi để lộ niềm thất vọng về chế độ Tưởng Giới Thạch, và niềm tin ở một tương lai mà ảnh không nghĩ tới.

Trong cái tương lai rất lờ mờ lối ám chỉ đó, không có chỗ cho Tưởng và các sĩ quan trẻ tuổi của ông… tôi đã tán thưởng, ca tụng hạng phu phen.

“Ở Trung Hoa đáng quan trọng không phải là bọn chúng tôi, bọn người ngồi kiệu trong khi anh cúi xuống để nâng chúng tôi lên, khiêng chúng tôi đi. Bọn công chức, thư lại, bọn tự xưng là trí thức chúng tôi, nếu không có anh, thì chẳng có giá trị gì cả. Chúng tôi vô tài, không tạo nổi tương lai. Con người quan trọng, chính là anh, anh cu li. Anh không biết anh chịu cực, anh chiến đấu, rồi yên lặng chết, gần như không tìm hiểu tại sao. Anh cu li ơi, khi anh đưa ngón tay lên dò những chữ viết trên tường, thì tôi thấy được tất cả ý nghĩa của cử động đó, thấy nó là dấu hiệu rằng anh bắt đầu tò mò tìm hiểu, thắc mắc. Cử động đó có một tầm quan trọng sâu sắc, và tôi, khi quan sát anh, tôi bỗng cảm thấy sung sướng, tin ở tương lai vì trong đám sương mù của hừng đông, anh đã đưa ngón tay lên dò từng chữ để đọc…”.

Tôi viết đoạn đó để kết thúc tác phẩm, nó như cái nọc độc ở khúc cuối một truyện dài, vô hại. Tinh thần của Pao quen đoán được “sự phá hoại về tinh thần” dưới đoạn cuối đó. Anh vô phòng tôi, rảo bước tiến lại gần tôi. Tôi như thấy tiếng chân anh tới. Anh kéo tung mền tôi ra. Tôi ngồi nhổm dậy, run cầm cập, trong khi anh đánh tôi, vừa đấm tôi, vừa đá tôi văng ra khỏi giường, vừa quát: “Mày là quân cộng sản, đầu óc mày trụy lạc vì chủ nghĩa cộng sản… Mày tuyên truyền cho cộng sản trong cuốn đó… làm sao mày dám viết rằng một ngày kia bọn cu li, bọn nông dân sẽ ngửng đầu lên để đọc, ngửng đầu lên có nghĩa là nổi loạn. Làm sao mày dám nói rằng bọn cu li nổi loạn chống chúng tao?…

Mặt khác vì cuốn đó mà tôi bị những người thực sự tin cộng sản tấn công gay gắt: họ chỉ thấy tôi ca tụng Tưởng, một điều đáng khinh bỉ, cuốn đó bị đưa ra cho công chúng “tố” dữ dội, nhưng mãi đến năm 1945, một người Mỹ trong Bộ Ngoại giao cho tôi hay điều đó. Năm 1948 và 1949, ông ta ở Trung Hoa trong thời giải phóng và đã diễn thuyết ở Đại học cũ của tôi, Đại học Yentching. Ông ta bảo tôi: “Bọn Trung Hoa đỏ không ưa bà đâu, họ chỉ rán lợi dụng bà thôi, một ngày nào đó họ sẽ quay lại mạt sát bà và sẽ dùng cuốn đó làm bằng cớ để buộc tội và diệt trừ bà”.

Rồi tới năm 1966, 1967, lại có một số người nữa cho tôi hay rằng có một “nhóm” ở Bắc Kinh đã tố cáo tôi một lần nữa trong cuộc Cách mạng văn hóa.

Nhưng tôi không hề lo ngại về điều đó, vì nhiệm vụ của nhà văn là dò dẫm, tìm tòi, lục lợi trong sự băn khoăn, hoang mang, thất vọng, phát kiến. Và ai muốn nói sao thì nói, muốn làm gì thì làm, tôi vẫn nhờ cuốn Destination Tchoungking mà lao mình trên con đường thăm thẳm đó, không biết nó sẽ đưa tôi tới đâu.

Chú thích:

[1] Chẳng hạn văn hào Nga Dostoievski và Mahamel, người sáng lập Hồi giáo.

[2] Trong cuốn Destination Tehoungking – Nhà xuất bản Stock.

[3] Cơ quan mật vụ của Hitler.

[4] Petit bambou céleste.

 [5] Méthodisme.

[6] Tức các nước Lituanie, Livonlé, Estonie ở gần bờ biển Baltique.

[7] Giữa Nga và Đức.

[8] Nghĩa là nhượng bộ Nhật.

[9] I see a new China (Tôi thấy một Trung Hoa mới).

[10] Vợ Tưởng Giới Thạch họ Tống, tên là Mỹ Linh.