Một Mùa Hè Vắng Bóng Chim

- 4 - (tt)

Trùng Khánh là một ảo tưởng, một quái vật nặng nề, dữ tợn, một cái quái dị hoàn toàn, hư ảo; một thành lũy mà cây cối không mọc nổi trên lớp đất dầy khoảng một lóng tay bao phủ lớp đá. Thị trấn đó nhớp nhúa, bẩn thỉu, khí hậu khó chịu nhất thế giới: mùa hè nóng như lò lửa, mùa đông chìm trong một đám sương mù tàn nhẫn, tuy bề ngoài bẩn thỉu, khốn cùng – chuột đâu mà nhiều thế – bi thảm, tàn nhẫn, mà bên trong có một đời sống ồn ào đẹp đẽ, rung động của một triệu dân cực nhọc thắng được thiên nhiên, đau khổ cơ hồ như vô tận, nhưng đức can đảm, kiên nhẫn, khoan dung của họ trước một sự bất công thô bạo, không khác gì ngọn lửa ủ dưới lớp tro, một ngày kia sẽ thiêu hủy hết cái tổ chức độc ác đó.

Chúng tôi tới đó ngày mùng 2 tháng giêng, vào lúc mùa đông lạnh nhất. Một đám sương mù dày đặc bao phủ hết những căn nhà kỳ cục ngoan cố mọc ra cùng với những nấm rêu, rễ cây, tất cả những cái đó ngâm và tan ra trong cảnh tan hoang, dơ dáy. Sông Cái hồi đó cạn nhất, bãi cát màu vàng lợt dài ở giữa, tên là Sheuanghupa, dùng làm chỗ cho phi cơ đáp xuống trong nửa năm, trải ra ở giữa dòng sông phẳng lặng dưới lớp sương mù nghẹt thở. Mặt trời không còn nữa trong cái không khí êm dịu màu xám vàng, êm dịu nhưng mà rất độc tới đá cũng phải mòn.

Mấy ngày đầu chúng tôi không biết phải thức dậy lúc nào, vì không thấy mặt trời, ánh nắng, vợ chồng tôi đều quá mệt mỏi, nhất là tôi, vì khóc lóc, rối loạn tâm hồn. Một thứ ẩm uớt nhờn nhờn lúc nào cũng bám vào tóc, vào da chúng tôi. Tôi không có đủ quần áo – vì đã liệng bỏ bớt ở dọc đường – cho nên lúc nào cũng lạnh run. Lại thêm chứng xuất huyết, tuy làm cho nỗi đau dữ dội dịu xuống, nhưng lại khiến tôi suy nhược, không chống nổi lạnh.

Hai tuần đầu chúng tôi trọ trong một khách sạn mà ban đêm từng bầy chuột chạy trong cầu thang, tụi gái điếm dắt nhau từng đám lên lên xuống xuống suốt ngày đêm. Tiếng ho, tiếng khạc đờm, tiếng kêu khàn khàn tiếng cười, tiếng gọi nhau, tiếng em bé oe oe, tiếng lạch cạch chơi mạt chược không lúc nào ngớt, tiếng thùng rác đụng vào cánh cửa, tất cả những tiếng đó chỉ một hai ngày, nghe rồi cũng quen. Tôi sợ nhất là sự dơ dáy của những chiếc khạp lớn bằng sành có nắp đậy đặt ở mỗi đầu cầu thang để dùng làm cầu tiêu, sợ vì bọn gái điếm tiêu tiểu ở đó, mà cái bệnh hoa liễu hoành hành ở Trùng Khánh, do cái “đức” chủ yếu của không khí.

Tôi thích những cầu tiêu công cộng ít nghẹt thở hơn, vì sương mù len lỏi qua được mái tranh đã nát, mà vách bằng phên trét đất, không bí lắm, chỗ đó đông người, nhưng tại khách sạn cũng vậy, một phần do thức ăn, một phần do thần kinh kích thích quá trong những cơn nổi quạu của tôi, nên tôi bị chứng kiết, có buổi sáng phải chạy ra cầu tiêu hai chục lần hoặc hơn nữa, tôi mệt mỏi chỉ sợ ngồi trên mặt cầu bằng đất trơn, té xuống hầm cầu thì khốn.

Vào khoảng ngày thứ năm sau khi tới Trùng Khánh, Pao đã đánh tôi hai lần trong chỗ đông nguời – một lần trong công viên, một lần trong khách sạn, lần trong khách sạn tàn nhẫn ghê gớm, tới nỗi những người bồi cũng phải can, nhưng Pao quay phắt lại quát to: “Tao sẽ sai bắn tụi bây”. Thế họ thản nhiên, làm công việc của họ. Còn lần trong công viên – gọi là công viên chứ chỉ là một cái đài nhỏ xíu ở giữa, chung quanh có những bậc thang nhỏ, dựng đứng đưa lên – thì một đám đông tò mò chạy lại coi, nhưng rồi vội vàng tản ra ngay khi thấy bộ quân phục của Pao, các bà mẹ la lớn bầy trẻ: “Ngó cái gì vậy? Có gì đâu mà ngó…”. Rồi lôi kéo chúng đi chỗ khác, bắt chúng nín thinh.

Trùng Khánh, ngày mùng 3 tháng giêng năm 1939.

Thưa bác,

…Hôn nhân đẹp đẽ thật, nhưng cũng khổ não quá… Pao khi cưới cháu, biết dĩ vãng cháu chứ, mà bây giờ đây cuộc đời của chúng cháu như cõi địa ngục trên trần, ảnh bảo, ảnh cảm thấy cuộc đời vĩnh viễn hỏng rồi, ảnh mất tất cả niềm hăng hái… gia đình ảnh cực kỳ đạo đức (ảnh bảo vậy), ảnh có nghị lực, thông minh, tương lai rực rỡ. Bây giờ đây, chỉ vì cháu đã thất thân với một người ngoại quốc, mà tương lai ảnh sẽ tan nát. Ảnh không sao trút bỏ được ý nghĩ đó. Mà ảnh không muốn ly dị. Cháu xin ảnh để cho cháu đi, cho cháu tự tử, ảnh bảo như vậy cũng chẳng thay đổi được gì cả.

Thưa bác, cháu sẽ không trở qua Âu nữa đâu. Pao bảo, anh muốn trừng phạt cháu, mà cách tốt nhất là bắt cháu cấm cung, săn sóc một em bé, không được ra ngoài làm việc. Anh bảo cháu làm mất thể diện của Trung Hoa… Cháu muốn làm việc giúp nước. Pao bảo muốn vậy thì phải làm việc với ảnh. Như vậy dĩ nhiên là khổ nhưng nếu có cách nào khác thì cháu sẽ rán. Đồng thời, cháu còn biết bao điều cần học hỏi về Trung Hoa… Bây giờ cháu phải lựa chọn, và mặc dầu tất cả những cái đó, cháu cũng lựa Trung Hoa. Có lẽ cái kiếp của cháu là phải đau khổ như hiện nay cho tới suốt đời để giúp nước được nhiều hơn… Cháu không biết nữa. Có thể rằng cháu sẽ có một đứa con, nó sẽ thực hiện được những chuyện cháu không làm được… Pao bảo cháu không được cho ai biết rằng cháu có máu lai trong huyết quản…

Bây giờ đọc lại bức thư đó, tôi cảm thấy mệt mỏi buồn nôn… Pao lợi dụng lòng yêu Trung Hoa của tôi. Lợi dụng cái máu lai của tôi, ảnh đánh đập tôi, làm cho tôi kinh hoảng, gọt óc tôi, chẳng có lý do gì cả, chẳng hợp lý chút nào cả… Có lần tôi bảo anh: “Anh phàn nàn tình cảnh Trung Hoa thật rối beng, nói hoài rằng chúng ta phải đoàn kết với nhau mà giúp nước, thì tại sao anh lại ngồi đó hàng giờ, hàng ngày than thân trách phận rằng đã cưới tôi, rồi đánh tôi, rầy mắng tôi? Nhưng như vậy chỉ làm cho cơn điên của anh kéo dài hơn, thành thử tôi nín thinh, câm miệng, ủ rủ, lầm lì chịu cho anh đánh đập”. Và ba chục năm sau, vài tuần trước khi có cuộc cách mạng văn hóa vô sản, lại nghe những lời giảng đạo đức một cách cuồng nhiệt, tôi nhận ngay ra được cái giọng quen thuộc hồi trước, và tôi gần hóa ra trầm uất, tinh thần thác loạn.

Bây giờ tôi còn thường nằm mê thấy mùa hè gay gắt vắng bóng chim đó trong đời tôi, còn nghe thấy tiếng gào thét của những kẻ bắt buộc phải vào trại trưng binh, của những kẻ bị đánh đập đến chết, tiếng thở hổn hển của những người vừa đuổi bắt bọn lính đào ngũ vừa la: “đào binh, đào binh”, tiếng giày ống của họ giày xéo các bụi cây trong khi họ chiếu đèn rọi lục lọi trong đêm tối ghê rợn, cái xác của chú tài xế bị ném đá tới chết do một sức thần bí kỳ dị nào đó ưỡn lên, và biết bao cảnh khác nữa, và tôi hả dạ rằng cuộc cách mạng đó đã xảy ra, và tôi tin rằng nỗi đau khổ chồng chất như Hy Mã Lạp Sơn mà dân chúng phải chịu đó – đem ra so sánh thì nỗi đau khổ của tôi chỉ như hạt cát, không đáng kể – tất cả nỗi đau khổ đó đã không phải là vô ích. Nhưng cái dĩ vãng của Trung Hoa đã đâm rễ sâu quá, chặt quá đến nỗi ngay cả trong Tân Trung Hoa… nhiều khi tôi còn nghe thấy cái giọng luân lý quan liêu phong kiến, mặc dầu đã khoác một lớp mới. Và tôi thỏa mãn rằng một cuộc cách mạng đương muốn làm lại Con Người bắt đầu từ con người Trung Hoa, để cởi bỏ những tư tưởng đã có từ mấy ngàn năm, không ra khỏi cái dấu xe cũ từ thời đại đồ đồng. Sẽ khó khăn đấy, vì mới đây, ngay ở Trung Hoa, một “cán bộ” Cộng sản đã quay lại nhìn tôi và la “có cái nét mặt như bà thì đứa trẻ Trung Hoa nào trông thấy cũng phát sợ”…

Tôi còn nhớ đại tá Pang, một “nghĩa huynh” (anh em kết nghĩa) của chúng tôi, cao lớn, đẹp trai, ở sát vách chúng tôi tại khách sạn Quế Lâm, đi cùng chuyến xe buýt với chúng tôi tới Trùng Khánh. Ông ta có một bà vợ e lệ, ít nói như câm, to béo phục phịch, ngây dại, ăn ở với ông ta, đã có được bốn đứa con trai. Vậy mà gần như tuần nào ông ta cũng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đánh đập bà vợ tới chết ngất. Chúng tôi ở bên cạnh, nghe thấy ông ta đánh bình bịch như đập vào cái nệm, chỉ khác là thỉnh thoảng có tiếng rên rỉ. Chính ông ta nói với chúng tôi, trong khi ngồi trong chiếc ghế bành, bận một bộ quân phục may cắt ở Đức, rất khéo, rất bảnh bao:

- Tôi không hiểu tại sao lại hành động như vậy. Nhà tôi rất hiền, đã cho tôi bốn đứa con trai, không khi nào cãi lại tôi cả, luôn luôn đợi tôi về rồi mới ăn, cả những khi tôi đi dự tiệc, tới khuya mới về. Vậy mà đôi khi tôi cảm thấy nổi cơn điên lên nghẹt thở… phải đánh đập nhà tôi thì mới chịu được. Không bao giờ nhà tôi dám chống cự…

Tôi nghe ông ta, giọng ông ta ngọt ngào, ông uống trà, vầng tráng đẹp hơi cau lại vì cái tật đó của ông.

Pao cười, trỏ tôi, bảo:

- Anh Pang, bứt rứt về điều đó làm quái gì! Tôi cũng đập mụ này như vậy, mà mụ cũng chẳng bao giờ phản kháng.

Rồi còn chuyện một người “nghĩa huynh” (anh em kết nghĩa) khác nữa mà Pao khoái chí kể đi kể lại hoài cho tôi nghe, khiến tôi không bao giờ quên được… Vợ người “anh em” đó một hôm dắt con về thăm cha mẹ vài ngày. Khi ở nhà cha mẹ, nàng đi coi hát với một người chị họ, người anh rể và ba đứa cháu. Trong lúc tạm nghỉ giữa hai màn, người chị họ dắt ba đứa con đi tiểu, và người chồng ngồi lại với cô em bên vợ vài phút ở giữa rạp hát đầy khán giả.

Vậy mà có người đồn rằng người đàn bà đó đã đi coi hát một mình với một người đàn ông. Chỉ trong vài tuần, tiếng đồn lan ra, rùm beng, thành một chuyện ô nhục.

Một buổi tối, sĩ quan chồng của nàng, chơi mạt chược với các “nghĩa huynh”, thắng và vơ tiền bộn bộn. Một người anh em bảo: “anh đánh bạc hên, nhưng anh có biết rằng anh đội mũ xanh[1] không? – “Anh muốn nói gì vậy?” – “Ủa, vậy chứ anh không biết rằng chị nhà thích coi hát lắm sao?”. Mọi người cười rộ…

Sĩ quan đó về nhà, nắm tóc vợ mà giựt, đánh vợ gãy răng rồi nhốt vợ trần truồng trong một cái cũi. Những chiếc cũi bằng gỗ, tre và dây kẽm gai đó chỉ cao vừa đủ cho một người đứng thẳng, người ta dùng để nhốt cộng sản trong các trại giam, và trước kia các ông quân phiệt dùng để hành hạ những nông dân thiếu thuế. Chấn song làm bằng thân tre quấn dây kẽm gai dựa mình vào là nó đâm vào thịt. Sĩ quan đó nhốt vợ vào cũi rồi đem bêu ngoài đường cho mọi người trông thấy. Phải vài ngày sau, người vợ mới chết đói, trong khi đó không ai dám giúp đỡ nàng cả, mà nàng cũng không được trông thấy đứa con vì nó bị nhốt trong nhà với người vú. Gia đình nàng muốn nhờ pháp luật can thiệp, nhưng phải cái tội không giàu có, cũng không có quyền thế. Sĩ quan đó bảo: “nó chỉ là một thứ vợ mướn thôi, nó đã làm cho tôi nhục nhã”.

Trong ba năm sau, tôi phải chịu nỗi kinh hoàng mỗi ngày mỗi tăng đó, những cơn đánh đập mỗi ngày mỗi tàn bạo trút xuống tôi từng loạt. Để qua những giờ bị hành hạ đó, tôi tập vừa hít thật sâu vừa đếm “Trung Hoa có bốn trăm triệu người: 1, 2, 3, 4, 5… Anh ấy sắp chán… Anh ấy sắp chán, sắp nghỉ tay”. Dù cảnh đó kéo dài, tiếp tục trong sáu, bảy có tới gần mười giờ, tôi không được ăn uống gì cả, mà cũng phải ngồi co ro trên sàn, đợi những cú giáng xuống, và tôi sợ nhất là bị đòn mà hóa đui hoặc mặt mày thành sẹo, tôi gom hết tàn lực để cố thu lại cho thành một cục nhỏ, nhỏ xíu trong thâm tâm tôi mà lặp đi lặp lại như tụng kinh: “Anh ấy sắp mệt… sắp chán tay… chỉ rán chịu thêm một chút nữa thôi… chỉ thêm một giờ, hai giờ nữa thôi… thế nào anh ấy đánh riết rồi cũng phải mệt…”. Có lần tôi thấy mệt quá chừng, nhất là những khi tôi không ăn uống gì cả, nhưng không ăn mà lại hay, vì như vậy tôi mê man, chơi vơi, không nghe thấy cái giọng hét lớn những đức mà tôi thiếu một cách xấu hổ, kể những đức “chính trực” huyền ảo của Trung Hoa phong kiến, nhờ đó có thể cứu vãn được Trung Hoa – vị thủ lãnh Tưởng Giới Thạch bảo vậy – …(và sau này, mỗi lần Pao nhắc tới vị “Thủ lãnh” lại chụm chân lại, hai gót giày đập vào nhau đến “cắc” một cái).

Tôi còn nhớ một vụ. Hôm đó, Pao trở về nhà lúc giữa trưa, tôi đoán có chuyện gì không êm rồi. Anh gọi to: “lại đây” – (tôi lại gần anh). Anh liệng mình xuống giường “má mày phải là Do Thái không?” – “Do Thái? – không, má tôi không phải là Do Thái, mà là gốc người Flandre [2] theo Công giáo”. Chỉ nghĩ tới điều người ta có thể ngờ má tôi là Do Thái, tôi cũng phì cười, và tôi vui vẻ, nhẹ dạ, quên cơn nguy nên nói tiếp: “Tôi đôi khi tiếc rằng không phải là Do Thái, giá là Do Thái thì tôi đã tài giỏi hơn nhiều…”.

- “Mày nói gì đó?”.

Mắt trợn lên, cổ áo sơ mi banh ra, Pao thình lình ngồi phắt dậy – ảnh tập có những cử động đột ngột đó làm cho tôi kinh hoàng.

- “A, mày tiếc không phải là Do Thái hả? Quân đê tiện này, mày có chút danh dự gì đâu mà sợ mất, có chút thể diện gì đâu, mày muốn làm Do Thái hả?

Vừa nói, ảnh vừa xắn áo sơ mi lên.

- Là Do Thái thì có xấu gì? Họ cũng là người như…

- Câm cái miệng lại, không thì đánh chết bây giờ. Mầy là vợ một sĩ quan Trung Hoa mà dám mở miệng nói là muốn làm Do Thái hả?

Và anh tiếp tục chửi mắng tôi thô lỗ… không thể nào chép lại đây được. Tụi Do Thái ghê tởm, dâm đãng, xấu xa… luôn luôn tìm cách phá tân những con gái nhà lành… Tôi đã biết rõ nhiều người Do Thái… Lời vu oan đó thật là tàn nhẫn, không tin được, lố bịch. Tôi thở hổn hển… Tôi kinh hoàng.

- Hôm nay có người cho tao hay rằng mày gốc Do Thái, má mày là người Do Thái nhập tịch Ba Lan.

- Má tôi không phải là Do Thái.

Hôm sau, Pao đem về cho tôi một cuốn Mein Kampf  [3] các sĩ quan và các tổ chức thanh niên phải đọc cuốn đó cũng như đọc các diễn văn của Tưởng Giới Thạch.

- Này, đọc đi… Mày sẽ biết tất cả những điều cần biết về tụi Do Thái: Phải đọc cuốn đó.

Tôi đáp:

- Tôi không đọc. Anh có giết tôi thì giết, tôi không đọc sách của một quái vật. Tôi cho Hitler là một quái vật, một kẻ đồi bại.

Lần đó là lần đầu tiên tôi thắng ảnh, một thắng lợi rất nhỏ mà tai hại cho tôi: trong mấy tháng trời Pao cầm cuốn đó liệng vào mặt tôi, hét lớn: “Tao sẽ bắt mày đọc, mày bất chấp tao, tao đập bể đầu mày”. Nhưng tôi vẫn không đọc Mein Kampf. Thế là tối nào, Pao cũng đọc lớn tiếng từng đoạn, xen vào những diễn văn của vị thủ lãnh, những bài văn giảng luân lý của Tăng Quốc Phiên, và những đoạn trích trong một cuốn nhan đề là “Một ngàn tiết phụ” kể truyện những người đàn bà tự ải, tuyệt thực hoặc tự tử bằng cách khác để khỏi bị một kẻ ve vãn, khỏi phải tái giá hoặc khỏi bị hiếp dâm, người ta không phân biệt ba tình cảnh đó. Những người đàn bà đó chết rồi làm vẻ vang cho họ hàng, làng mạc và được người ta dựng miếu thờ… Còn tôi thì chẳng những không trọng tiết hạnh, mà còn cố ý thất tiết với ngoại nhân nữa.

Mười mấy năm sau, năm 1954, ở Mã Lai, trong một cuộc tiếp tân, tôi nhớ lại vụ đó. Ông Fenner, sĩ quan trong mật vụ Anh, sau làm giám đốc công an Mã Lai, cùng với một sĩ quan đồng sự khác, khéo léo kéo tôi lại một góc để hỏi:

- Bà có lần nào qua Nga không?

- Qua Nga? Không, không bao giờ… à, để tôi nhớ lại: hồi 19 tuổi tôi có dùng đường xe lửa xuyên Sibérie đi ngang qua Nga…

- À, à.

Họ ngó nhau, có vẻ đầy ý nghĩa, rồi một người hỏi tôi:

- Và bà có ngừng ở Varsovie không?

- Ngừng ở Varsovie làm gì? Tại sao tôi lại ngừng ở Varsovie.

Tôi chẳng hiểu gì cả. Vài tháng sau mới vỡ lẽ: trong thẻ của tôi ở Sở Công an, người ta ghi rằng má tôi là Do Thái nhập tịch Ba Lan, do đó tôi thành người khả nghi!

Điều đó chứng tỏ rằng Sở Mật vụ Anh, ít nhất là ở Mã Lai đã dùng những thẻ cũ và sai của Mật vụ Quốc Dân đảng…

Lời Pao mắng tôi: “Hành vi của mày làm nhục nước Trung Hoa” làm cho tôi đau xót ghê gớm, đau xót nhất. Và tôi viết cho Bác Hers: “Cháu phải chuộc lại tuổi trẻ nhơ nhớp của cháu… như thể tất cả cảnh hỗn độn ở Trung Hoa hiện nay là do cháu gây nên cả”. Giữa những tiếng mắng chửi quát tháo và những trận đòn mà Pao bắt tôi chịu, thể chất tôi vừa đau đớn, vừa đói, bao tử thắt lại và đầu óc trống rỗng. Tôi đi thơ thẩn trong những đường Trùng Khánh gần dựng đứng như những cái thang, đi lên đi xuống, lảo đảo, đê mê, trong đám sương mù. Thành phố dựng trên những bờ dốc, chung quanh là những con đường chính, những chiếc công xa, vài chiếc xe buýt lúc lắc và những chiếc kiệu bằng tre do hai người khiêng trên vai, một người phía trước một người phía sau…

Chỗ nào cũng nhơ nhớp, cũng có những cảnh tàn bạo, những kẻ hành khất, những tiếng ha ha, hi hi của người dọn tuyết li và phu khuân vác, kéo, đẩy, khiêng trên vai cái nạn chiến tranh, và sự tham nhũng của chủ, da thịt họ khô đét, bắp thịt và mắt họ lồi ra vì sức lao động tàn phá đời họ, tiếng hổn hển ha ha, hi hi trong cái nhớp nhúa như mồ hôi của lớp sương mù giết người, và trong cái nhớp nhúa của chính mồ hôi họ tiết ra, tức sinh khí của họ tiết ra. Rồi những quần áo rách rưới của họ đầy rận mới ghê tởm chứ, khiến những người như tôi đã quen thấy cảnh lam lũ rồi mà cũng phải ngạc nhiên trước những giẻ rách như xơ mướp đó, có khi để lòi cả đít, lúc nhúc những rận, như thể những giẻ rách đó là da thịt họ tróc vảy vậy. Và trong các chiến dịch “động viên tinh thần” khi người ta đem bỏ tù họ vì ăn bận lôi thôi, “thô lỗ” thì chúng ta uất hận vì chế độ đó ngu xuẩn quá mức, mà cứ phải nén giận, riết rồi tới kiệt lực. Trong suốt mấy năm đó, tôi không hề thấy một người cu li nào bận quần áo lành lặn bao giờ, mà chỉ thầy những bộ mặt lòi xương và da, những hàm răng hư, gãy, những thân thể gớm ghiếc, trán thô, cong vòng, toàn là những dấu vết của trọn một đời cùng khốn, thêm những dấu vết của bệnh nghiện thuốc phiện nữa: cử chỉ chậm chạp, lóng cóng, sườn hổn hển, vì họ phải hút lấy hút để những xái thuốc phiện bằng những tẩu tre, để cho dịu nỗi đau khổ đi.

Khi có một vị thượng khách nào ghé thăm Trùng Khánh, thì cảnh sát đứng nối nhau thành hàng ngăn chặn, đuổi các hành khất đi, để cho đường phố có vẻ sạch sẽ, và trẻ con trong các lều lẻn ra, bò trong các hầm bùn lầy hoặc ngồi bắt rận cho nhau: da chúng xám ngoẹt y như những con chuột cống tụ tập trên các vĩa hè ban đêm, chuột cống khoét thịt em bé, ăn thịt những con chuột già rụng lông và thường khi cắn cả người lớn nữa. Vậy mà, mặc dầu tất cả những cái đó, mặc dầu hết thảy, một cảm giác hùng mạnh vẫn toát ra từ cuộc sống buồn thảm, lúc nhúc, cần cù đó, ngay trong hai tuần đầu, tôi đã cảm thấy như vậy, cảm thấy lòng hăng hái của dân chúng, chí kiên quyết tới ương ngạnh của thị trấn, một sức mạnh bị dồn ép như sức mạnh của dòng sông phi thường kia, hiện nay đương mùa đông, bình tĩnh hạ xuống, nhưng rồi đây sẽ đứng lên, dưng lên, dưng lên, 40, 60, 70 thước để chồm lên, cuồn cuộn cuốn tất cả các chiến thuyền, buồm lớn và rách, đưa chúng băng băng xuống các cánh đồng miền xuôi. Các căn lều dơ dáy với những đống rác và phân chất dưới chân thành lũy, sẽ bị dòng sông mùa xuân cuốn đi hết! Lúc đó tôi có cảm tưởng rằng chính dân chúng cũng đợi mùa đó tới, và tôi ẩn nhẫn đợi trong niềm hi vọng… Một hôm tôi bảo Pao: “Sắp xảy ra một cái gì nó quét sạch tất cả những cái này đi”, nhưng giọng tôi xa vắng, mơ hồ quá, có lẽ ảnh không nghe thấy.

Những người ham làm mà người ta gọi là cu li đó, đau khổ gắng sức leo, leo từng bục đá ở Trùng Khánh. Một sự gắng sức đau đớn, chua xót, một hàng bất tuyệt những bàn chân không – cực khổ leo dốc, thở hổn hển; da thịt con người mà phải vác, gánh trên vai một cách không hợp với con người chút nào cả, như con trâu, con ngựa, gánh, khiêng những bành bông vải, những thùng xăng, những rổ đầy rau, hoặc đầy phân, phân người để bón ruộng, lại phải khiêng cả những người khác nữa chứ, các quan lớn, quan bé, các sĩ quan, các nhà ngoại giao, những ông đầu to bụng bự, phải khiêng hết thảy bọn đó trên vai mà lên lên, xuống xuống những con đường đục thành nấc thang ở Trùng Khánh. Trên những bả vai đó, nổi lên những cục u lớn, chai lại, lớn bằng nắm tay, và nhiều người phải bị bệnh sán khí kinh niên, phải lấy rơm cột lại, bịt lại cho khỏi lòi ra ngoài những tấm giẻ rách nhíu lại bằng dây gai, thay cho quần.

 

Trong ba năm sau, anh Pao và tôi là nhân viên trong chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh. Tôi phải giảng cách tổ chức của chính quyền đó thì độc giả mới hiểu được những biến cố đã xảy ra.

Có hai người làm trụ cột cho quyền uy của Tưởng: Hồ Tôn Nam, thủ lãnh nhóm sĩ quan trẻ Hoàng Phố và Tai Lee, giám đốc mật vụ. Hai người đó là nòng cốt của tổ chức hoàn toàn phát xít gọi là “sơ-mi-lam”, họ thay hình đổi dạng, mang nhiều tên hoạt động về mọi mặt chính trị, võ bị, có khi trong bóng tối, có khi giữa thanh thiên bạch nhật.

Lý thuyết gia của đoàn thể tinh hoa phát xít đó là Trần Lạp Phu, một nhân vật cực hữu, năm 1938 làm bộ Trưởng Giáo dục, “triết gia” của Quốc Dân đảng là những tư tưởng về nhân vị (Ngô Đình Diệm sau này áp dụng ở Việt Nam). Tổ chức sơ-mi-lam thành lập ngày mùng một tháng tư năm 1932, nòng cốt gồm mười ba cộng sự viên thân cận nhất của Tưởng Giới Thạch, với hai anh em họ Trần: Lạp Phu và Quả Phu (?), họ họp nhau, lập một cơ quan “cải lương tinh thần”. Trong số 13 người kể trên, có một số sĩ quan Hoàng Phố, năm 1926-1927 ở trong một hội Thanh niên cách mạng, sau hóa ra phản cách mạng. Chính Tai Lee là một cựu sinh viên Hoàng Phố và ở trong số 13 người đó[4].

Phong trào phát xít sơ-mi-lam phát triển mạnh, có rất nhiều hình thức, tổ chức, đoàn thể, cơ quan, nhưng quyền chỉ huy tối cao lần lần vào tay Tai Lee hết, ông này là nhân vật số 2, sau Tưởng Giới Thạch và chỉ thuộc quyền Tưởng thôi…

Đoàn thể sĩ quan trẻ Hoàng Phố tuy chính thức không thuộc quyền Tai Lee, nhưng là nền tảng quân sự cho phong trào sơ-mi-lam, dựa vào tổ chức đó để làm những cuộc “thanh trừng chính trị” trong những nhóm quân nhân và bán quân nhân, nhất là sau ngày hội nghị quân sự ở Nanyu chủ trương diệt Cộng.

Tổ chức Sơ-mi-lam gồm ba vòng. Ở trọng tâm là 13 nhân vật kể trên, rồi tới bọn sĩ quan Hoàng Phố, tức vòng ngoài là hội Phục Hưng (?) (FouHing). Hội này lo việc trưng tập các sinh viên, các nhà trí thức, và tuyển một số lớn hội viên, sau này lựa lại những người có khả năng lãnh đạo. Chính hội đó tuyển các sinh viên du học Châu Âu, và nhiều sinh viên được kết nạp vì lý do này hay lý do khác, mà nhiều khi chính họ không hay. Các cán bộ Sơ-mi-lam len lỏi vào tất cả các Trường trung học và đại học, người ta đem xe cam nhông lại chở sinh viên tới một phòng hội họp và tại đó người ta bắt họ phải ghi tên vào hội Phục Hưng. Năm 1943, hội gồm năm triệu “hội viên”.

Một tổ chức khác của phong trào đó là Đoàn thể Tam Dân cho thanh niên, đoàn thể này dùng một cách trực tiếp hơn để trưng dụng các thanh niên dưới 19 tuổi trong các trường. Đoàn thanh niên đó được Tưởng thành lập ở Hán Khẩu tháng sáu năm 1938, thanh niên hồi đó nhiệt tâm theo Hồng quân và có từng đám bỏ trường đi bộ lại Diên An, vì vậy phải thành lập một tổ chức chống lại để phá bọn đó. Từ năm 1939, Tai Lee không ngớt tổ chức những hệ thống đặc biệt để ngăn chặn sinh viên đi Diên An. Mà con đường đi Diên An phải qua Tây An, đại bản doanh của Hồ Tôn Nam, viên tỉnh trưởng nhà binh có nhiệm vụ phong toả căn cứ cộng sản, cho nên chính ở Tây An, bọn sinh viên bị cả quân nhân lẫn nhân viên công an bắt và tra tấn: đa số các trại tập trung thanh niên (mệnh danh là “học đường” hoặc “viện”) đều ở Tây An.

Trong giai đoạn phát triển của phong trào sơ-mi-lam đó, nguời ta chịu ảnh hưởng của ý thức hệ thống phát xít, bắt chước thuật đột kích của Hitler, bắt chước tổ chức sơ-mi-nâu [5]. Những hội viên “vòng trong” và những cận vê tinh nhuệ của Tưởng Giới Thạch bắt buộc phải đọc cuốn Mein Kamf. Sau 1943, cuốn Số phận Trung Hoa do Tưởng soạn, thay cuốn Mein Kamf. Trong nhóm sĩ quan Hoàng Phố, ai có tương lai nhất, sau này có thể tuyển làm nhân viên chỉ huy, thì được đưa qua Đức Quốc xã của Hitler trực tiếp học thuyết phát xít. Người con thứ của Tưởng Giới Thạch, tức Tưởng Vĩ Quốc qua Đức mấy tháng, và trong số sĩ quan trẻ được qua Đức “nghỉ” sáu tuần, có anh Pao. Trong tập album của Pao, mấy năm sau còn có một tấm hình chụp đứng chung với Vĩ Quốc. Ít nhất là sáu chục sinh viên lục quân từ 1934 đến 1938 được học lý thuyết và phương pháp của Đức Quốc Xã. Vậy họ ngưỡng mộ Hitler là phải, ngay một số lớn nhân vật “dân chủ tiểu tư sản” ở Châu Âu trước năm 1939 cũng phục Hitler.

Thuyết năng suất cao, ăn ở cho sạch sẽ, ái quốc cực đoan của người Đức đã thu hút các sĩ quan Trung Hoa trẻ mà lòng tự ái quốc gia bị thương tổn, hóa ra bài ngoại, tinh thần bài Do Thái của họ, ảnh hưởng của cuốn Mein Kampf, ở Trung Hoa không áp dụng được, vì cộng đồng Do Thái cuối cùng ở Kaifeng (Khai Phong) thành lập hồi thế kỷ thứ VI đã động hóa với Trung Hoa từ lâu rồi. Các chi nhánh của tổ chức Sơ-mi-lam thật nhiều và làm cho ta kinh ngạc. Tai Lee và Tưởng Giới Thạch cũng như hai anh em Trần Lạp Phu cũng ở trong cái hội kín Trung Hoa như tổ chức Tam Tài (?) (Triade)[6]. Hồi trẻ, Tưởng là cháu nuôi của Hội Trưởng hội kín lớn nhất tại Thượng Hải. Ông được gia nhập bọn mạt lưu xã hội ở Thượng Hải nhờ thân phụ của hai anh em Trần Lạp Phu, chính ông cụ đó cũng là hội trưởng một hội kín quan trọng. Như vậy Tưởng mong được sự giúp đỡ của một bọn ăn cướp, chính Tai Lee cũng ở trong các hội kín, suốt thời chiến tranh, tiếp xúc với tổ chức Tam Tài ở Thượng Hải, trong vùng chiếm đóng của Nhật. Tưởng đã dùng bọn cướp trong tổ chức Tam Tài để tàn sát thợ thuyền Thượng Hải tháng 4 năm 1927, rồi tháng chạp năm đó, lại dùng họ nữa để đàn áp phong trào thị xã Quảng Châu. Trùm bọn cướp Thượng Hải, Tou Yue sheng, vì giúp Tưởng diệt thợ thuyền, được Tưởng đề cao là nhà bác ái, thưởng huân chương và đề cử vô ủy Ban Hồng Thập Quốc Tế, lợi dụng chức vụ này, Tou mua bán thuốc men, như kí ninh, lời vô cùng, lại buôn lậu nha phiến và bạch phiến nữa. Trong khi quân lýnh chết về bệnh sốt rét thì kí ninh chất đống trong kho… để phân phát cho bọn cướp của Tou Yue sheng đem bán chợ đen mà được mật vụ của Tai Lee che chở. Tou Yue sheng theo Tưởng tới Trùng Khánh và gài bọn Sơ-mi-lam vào hội kín trong tỉnh, tức hội kín Kelao (hội các Đại ca), hội này có ác cảm với bọn Tưởng mới tới vì bị giật mối ngay trên đất săn của họ, tức Tứ Xuyên, bị cạnh tranh trong việc bán thuốc phiện và kiểm soát các ổ điếm.

Tưởng nắm quyền tối cao trong tổ chức đó của ông ta, đặt ra những nghi thức gồm tinh thần huynh đệ trong các hội kín, pha với tinh thần môn đệ trung thành với tôn sư cửa đạo Khổng và một triết lý phát xít dựng trên sự duy trì nòi giống cho thuần khiết không lai. Tai Lee lãnh nhiệm vụ củng cố tổ chức.

Trái với Hitler, Tưởng không bao giờ muốn chính thức thừa nhận tổ chức Sơ-mi-lam vì đó là một “hội kín”. Nhưng ai muốn thăng chức mau, thì phải là một Sơ-mi-lam được Tai Lee che chở, và đối với nhiều sĩ quan trẻ, như Pao, chẳng hạn, muốn được tiếp xúc với Tai Lee thì nhờ Hồ Tôn Nam ở Tây An giới thiệu.

 

Tai Lee và Hồ Tôn Nam yêu nhau thắm thiết hơn anh em ruột thịt. Không thể bảo Tai Lee là có tật đồng tính ái (vì ai cũng biết ông ta nhăng nhít với rất nhiều phụ nữ, lại có thói dùng chồng của tình nhân đó trong các vụ buôn bán chợ đen), nhưng Hồ Tôn Nam thì có thể có tật đó. Mỗi khi gặp nhau, Tai Lee và Hồ đi bách bộ thảo luận với nhau trọn đêm. Họ viết thư cho nhau rất thường, không ai dám phá mối tình thân thiết đó hoặc xen vào giữa họ. Khi hay tin rằng Hồ Tôn Nam sắp cưới người con gái thứ nhì của bộ trưởng tài chánh Khổng Tường Hi, Tai Lee khóc, vội vàng đáp phi cơ tới Tây An để ngăn cản Hồ. Cô ba họ Khổng đó nổi danh ở Trùng Khánh là có tài bắn súng sáu. Cô ăn bận như con trai, tay cầm roi, bên hông dắt súng sáu, theo sau là một bấy chó dữ hình thù như chó sói. Hễ không thích ai cô nối quạu mắng thẳng người đó liền. Rất nhiều người sợ gặp cô lắm, mỗi lần đi qua những con đường đưa tới khu dinh thự ở tả ngạn Trùng Khánh của các bộ trưởng, sứ thần, sĩ quan cao cấp và Tưởng Giới Thạch là phải rảo bước, không dám la cà.

Tai Lee cho rằng cuộc hôn nhân đó tai hại, mặc dầu họ Khổng triệu phú[8]. Và vào làm rể nhà đó, Hồ sẽ được vào hàng thân thích của Tưởng, vì Khổng Tường Hy là Bộ trưởng bộ tài chánh, anh em cột chèo với Tưởng[8]. Người ta bảo vì vậy mà Tai tuyển một đào hát tên là Yeh, cho giả làm sinh viên ngành chính trị, có tư tưởng tiến bộ, để dò xét các sinh viên đại học Thành Đô, báo cáo với mật vụ rồi gởi cô ta tới Tây An tặng Hồ Tôn Nam. Không rõ cô Yeh có thành công trong nhiệm vụ không, chỉ biết rằng Hồ sau đó, không cưới cô ba họ Khổng.

Tai Lee và Hồ Tôn Nam liên kết với nhau để chống ảnh hưởng của hai anh em Trần và đồng bọn, mặc dầu chính họ Trần đã dựng nên phong trào Sơ-mi-lam. Tưởng giữ cho thế hai phe đó ngang nhau, đồng thời ủng hộ Bộ trưởng quốc phòng thân Nhật: Hà Ứng Khâm mà Tai và Hồ đều ghét. Dùng thuật cho bọn bộ hạ chống đối lẫn nhau đó, Tưởng thao túng được hết thảy, ngay Hồ Tôn Nam, viên tướng mà Tưởng tin cậy nhất cũng không làm gì Hà Ứng Khâm được. Để có tiền trả lương khoảng 600.000 nhân viên trong tổ chức Sơ-mi-lam, Tai Lee dùng do 50.000 cán bộ “đặc biệt” làm trung gian, buôn bán các chất ma túy, thuốc phiện và bạch phiến với Nhật Bản. Những xưởng chế tạo bạch phiến ở Thượng Hải, Thiên Tân, Nam Kinh khi bị Nhật chiếm rồi mà vẫn kiếm được chỗ tiêu thụ ở khắp cõi Trung Hoa và Tai Lee cung cấp cho xưởng đó nhựa cây thẩu để nấu.

Sau khi Vũ Hán thất thủ bọn Sơ-mi-lam kéo nhau từng đoàn tới Tứ Xuyên, thành trì của Tưởng. Họ kiểm soát hết các món tiêu thụ hàng ngày, kể cả thực phẩm, đồng thời kiểm soát mọi phương tiện giao thông trên không, trên sông và trên bộ.

Để tranh giành quyền hành và ảnh hưởng với Tai Lee, Hà Ứng Khâm, Bộ trưởng Quốc phòng, cũng gian lận biển thủ các đồ cung cấp cho quân đội. Có nhiều sư đoàn chết đói, chết bịnh trong khi đó các sĩ quan đem thực phẩm và quần áo của binh lính bán chợ đen. Hà bán các chức chỉ huy, báo cáo về các sư đoàn ma để tiếp tục nhận thực phẩm và tiền lương, và đem bán chợ đen nào là nỉ, gạo, da, xăng nhớt, nào là các dược phẩm cung cấp cho quân đội, do đó, vơ vét được một tài sản khổng lồ.

Khi Trùng Khánh thành kinh đô của Tưởng thì tụi Sơ-mi-lam đụng đầu với hội kín Kelao và các quân phiệt trong tỉnh. Hai bên Tai Lee và Kelao dàn trận choảng nhau, và Tai Lee dùng thuật tố cáo để dọa dẫm bọn chủ điền phong kiến cùng bọn “thân hào” Tứ Xuyên. Năm 1939, Tưởng mở một chiến dịch “diệt trừ nha phiến” ở Tứ Xuyên, và cứ cách quãng đều đều, lại thêm những chiến dịch “cải tiến đạo đức của dân tộc” thế là Tai Lee có cơ hội chiếm độc quyền bán thuốc phiện tại những nơi bọn quân phiệt Tứ Xuyên làm chủ, và tố cáo sự sa đọa trong đời tư của họ. Bọn Kelao nổi dóa, hăm ăn gan bọn Tai Lee nếu Tai Lee cướp mất món lợi thuốc phiện của chúng, nhưng năm 1943, bọn Sơ-mi-lam cũng đã giật được phần lớn mối lợi đó của dân Tứ Xuyên.

Tưởng biết rằng muốn nắm quyền hành thì phải được thanh niên ủng hộ, cho nên các trường đại học đầy bọn đi tuyển mộ Sơ-mi-lam. Năm 1940, người ta tổ chức các lớp huấn luyện giáo sư, giáo viên trong khắp các trường đại học, trung học, tiểu học ở Tứ Xuyên để “nâng cao đạo đức” của họ. Người ta cấm họ nhắc tới các vấn đề cộng sản, lạm phát cũng không được nghiên cứu vấn đề tham nhũng hoặc tình cảnh khốn cùng của nông dân. Những trại tập trung, mệnh danh là “những gia đình cải huấn” được thành lập, do bọn Sơ-mi-lam quản lý, để nhốt các sinh viên và các nhà trí thức có tư tưởng tiến bộ bị bắt trên đường lại Diên An. Người ta trừng trị họ như “cha dạy con”, “thuyết” họ, dùng roi vọt và bắt họ tập thể dục. Kẻ nào chịu theo họ thì họ cho đi do thám các người khác.

Từ năm 1937, bọn Sơ-mi-lam lãnh nhiệm vụ coi chừng nhân viên các tòa đại sứ ở ngoại quốc, và năm 1939, mỗi tòa đại sứ đều có một đại diện của Tai Lee, báo cáo về tư tưởng của sứ thần cùng các nhân viên. Sau cuộc hội nghị ở Nanyu, đoàn sĩ quan Hoàng Phố được tăng cường rồi, sự bổ nhiệm các tùy viên quân sự đi ngoại quốc phải được Tai Lee phê chuẩn.

 

Phần tinh hoa của chế độ tức nhóm “thượng lưu”. Ở trên đỉnh cơ quan kiểm soát của Tưởng là sở “Tuân lệnh và phục vụ”, một tiểu chỉnh phủ có quyền hành gần như tuyệt đối. Cơ cấu đó gồm những sĩ quan trẻ thuộc “vòng trong” nhưng không phải hết thảy như vậy, vì Tưởng cũng gây ra cả ở đó những sự tranh chấp, chống đối nhau bằng cách phân phối chức vị cho cả bọn Hà Ứng Khâm (thân Nhật) lẫn bọn thân Mỹ: Tống Tử Văn và Khổng Tường Hi, bề ngoài làm ra vẻ vô tư mà sự thực là để kiểm soát, dò xét hết thảy.

Tuân lệnh và phục vụ” căn bản là một cơ cấu thân Trục [9], thân Đức, mà khi Đức xua quân qua chiếm Nga, họ thích lắm. Sau trận Trân Châu Cảng, bề ngoài họ thân Mỹ, và có nhiều người Mỹ qua Trung Hoa, ở trong phái đoàn quân sự: vậy càng ngày Tưởng càng tùy thuộc Mỹ.

Năm 1942, Sở Chiến lược của Mỹ thành lập một chi nhánh ở Trùng Khánh, do thiếu tá Milles chỉ huy, Milles là một sĩ quan phản gián trong Hải quân Mỹ, do đó người ta thành lập ngay một Sở Hợp tác Hoa Mỹ, Tai Lee làm giám đốc, Milles làm “đệ nhất cố vấn”. Sở đó là nòng cốt của cơ quan tình báo CIA ở Á Châu ngày nay, nhiều nhân viên do Tai Lee đào tạo làm việc cho Sở đó, nhân viên Trung Hoa nhận được những báo cáo về những người Mỹ bị nghi ngờ có tinh thần tự do, để đáp lại, họ báo cáo về các người Trung Hoa khả nghi cho Mỹ biết. Vậy là nhiều phương pháp tinh mật của tổ chức Sơ-mi-lam được bọn sĩ quan “đặc biệt” của Mỹ dùng, nhờ đó sau này họ thành lập cơ quan CIA (Tình báo Trung ương của Mỹ).

Ngân sách của Sở hợp tác Hoa Mỹ, của tổ chức Sơ-mi-lam và của Cơ quan CIA không bị một chức quyền nào kiểm soát cả. CIA chỉ phải phúc trình với tổng thống Mỹ, còn tổ chức Sơ-mi-lam cuả Tai Lee chỉ phải phúc trình với Tưởng Giới Thạch thôi.

Tổ chức đó mà sự chấp hành tối cao thuộc về Sở “Tuân lệnh và Phục vụ” làm cho những quyết định của sở này thắng cả những ý kiến của các bộ trưởng, và chiến tranh càng kéo dài thì quyền hành của Sở, của Tai Lee càng tăng trong quân đội vì trong bộ tham mưu của sư đoàn nào cũng có tay chân của ông ta.

Bắt đầu từ 1944, các hợp đồng nhập cảng xuất cảng dầu, trâu, bông vải, thực phẩm, khoảng chất và mọi sự chuyên chở đều do Sở “Tuân lệnh và Phục vụ” quyết định hết. Chỉ một số ít công chức trong Sở đó là có thể xuất ngoại du học, và nhờ vậy được coi là có đủ khả năng lãnh chức tùy viên quân sự ở ngoại quốc, chức mà ai cũng khao khát, và thành “tay mắt” của Tai Lee ở thế giới bên ngoài.

Nhiệm vụ của những nhân viên quan trọng trong Sở đó là thu thập những tin tức trong nước về sự “diệt cộng”, giao thiệp với các cơ quan tình báo ngoại quốc, các hội truyền giáo ngoại quốc, theo dõi các nhà trí thức có những tư tưởng nguy hại. Họ che chở tất cả những người nào được Tưởng Giới Thạch giao cho một công việc và tất cả những vật dụng dành cho Tưởng, họ giữ những thẻ lý lịch của cả ngàn giáo sư, sinh viên, nhà trí thức, vân vân… giam trong các trại tập trung, họ dò xét hoạt động của nhân viên các tòa đại sứ ở ngoại quốc, và nhân viên hành chánh ở Trung Hoa. Họ do thám tất cả các bộ trưởng, giám đốc, tướng tá, thông tín viên ngoại quốc và nhà truyền giáo. Họ có sẵn một đoàn dùng vào các “công tác riêng” như ám sát những kẻ họ không ưa. Họ đào tạo đoàn lính cận vệ của Tưởng Giới Thạch, họ biết “cách suy tư của vị Thủ lãnh” trước khi được công bố.

Trong các cuộc hội nghị quân sự có Tưởng diễn thuyết trước sĩ quan Hoàng Phố, thì nhân viên sở “tuân lệnh và phục vụ” sắp thành hàng ngũ, tay cầm cuốn sổ nhỏ để ghi lời của “Thủ lãnh”. Quân phục rất tề chỉnh, đeo găng tay trắng, họ ra vẻ đoàn lính cận vệ của một bạo chúa lắm.

Quan niệm cứu quốc của Tưởng là trở về những truyền thống luân lý thời Trung cổ. Ông ta quá chủ ý tới cái mớ lộn xộn đạo đức cổ truyền đó mà không còn đầu óc để suy nghĩ một cách tích cực về công việc trị nước nữa.

“Đạo cha con, đạo vợ chồng, tình anh em, tình bằng hữu, phải phân biệt tôn ti, nam nữ, già trẻ”. Sự tôn ti tự nhiên đó buộc con người phải tuân lệnh một cách mù quáng cho nên cũng như ở Đức Quốc Xã, ở Ý phát xít, “phụ nữ khi ở nhà phải nghe lời cha, về nhà chồng phải nghe lời chồng và góa chồng thì phải tự tử, như vậy là tiết nghĩa”, đó là lý tưởng phải đạt được, điều đó có chi lạ.

 

Trước kia tôi tưởng rằng tới Trùng Khánh rồi thì mọi sự sẽ vui vẻ hơn, vợ chồng chúng tôi sở dĩ gây nhau hoài vì cuộc hành trình bực bội, cực khổ quá, nên dễ quạu, tới nơi, có cho ăn chỗ ở rồi thì chúng tôi có thể làm một việc hữu ích được. Nhưng chẳng bao lâu tôi đã lầm lớn.

Vì Pao chỉ nghĩ tới việc tiến theo, leo lên đến ngọn thôi, về tới Trung Hoa là cái lớp sơn ở trường võ bị Sandhurst bên Anh, nứt rạn liền, điều gì anh nói ra cũng sai hết, còn anh thì càng tích cực dấn thân sâu thêm vì lòng “trung” với họ Tưởng. Tham vọng của anh sẽ đưa anh lên cao, rất cao, từ cái “vòng trong”, tới nhóm “tuân lệnh và phục vực”, tới đỉnh…

Bây giờ tôi mới thấy rằng hồi đó tôi ở cái phe tà, rằng chẳng riêng gì tôi mà bất kỳ người nào khác cũng không thể làm được cái gì hữu ích, có chút giá trị trong chế độ đó. Vậy mà nhiều người cũng như tôi trong bao nhiêu năm, vẫn cứ lầm lẫn hoài mà tin tưởng rằng bằng cách này hay cách khác, từ cái cảnh rối beng, hỗn độn dơ dáy tức cái nước Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch, cái kinh đô Trùng Khánh của Tưởng Giới Thạch đó, có thể một ngày kia sẽ xuất hiện một cái gì tốt đẹp.

Chú thích:

[ ] Nghĩa là ‘mọc sừng’

[2] Miền Bắc nước Bỉ

[3] “Cuộc chiến đấu của tôi” do Hitler viết để vạch chương trình hành động của Đức Quốc Xã.

[4] Tổ chức này gọi là Hội Phục hưng hay Phục Hưng xã đứng đầu là Tưởng Giới Thạch, sau Tưởng là Tai Lee (Phong Để?). Hội có 13 thái bảo, gồm: Phong Để (Tai Lê) đứng đầu sau là Hạ Trung Hàn, Phan Hựu Cường, Quế Vĩnh Thanh, Đặng Văn Nghi, Cát Khải Vũ, Lương Can Kiều, Tiếu Tán Dục, Đằng Kiệt, Khang Trạch, Đỗ Tâm Như, Hồ Tôn Nam, Tằng Khuyết Thanh (B.T. theo Bí mật gia tộc họ Tưởng).

[5]  Của Hitler.

[6] Phù hiệu của tổ chức này là ba vòng tròn tượng trưng Trời, đất, và người (Tam Tài).

[7] Hồi đó dân Trung Hoa gọi Khổng Tường Hi là “Khổng tài thần”: ông thần tài họ Khổng.

[8] Tống Khánh Linh, lớn hơn cả, là vợ Tôn Văn, Tống Ái Linh, ở giữa, là vợ Khổng Tường Hy, Tống Mỹ Linh, nhỏ hơn cả, là vợ Tưởng Giới Thạch. Tống Tử Văn là em trai. Cũng gần như chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm.

[9] Tức Đức, Ý, Nhật.