Một Mùa Hè Vắng Bóng Chim

- 4 -

25 tháng 11 năm 1938

Thưa Bác Hers,

Sau vài trận dội bom của quân Nhật, chúng cháu đã rời Nanyu ngày 16 tháng 1 và đã tới Quế Lâm. Xe lửa đi lâu quá, may mắn làm sao, chúng cháu kiếm được một phòng nhỏ ở Quế Lâm. Cơ hồ như ai cũng lại đây tị nạn. Người ta bảo: “Đọc lại sử Trung Hoa thì sẽ biết có gì sắp xảy ra”. Như vậy là nghĩa làm sao? Thường thường người ta nghĩ tới tỉnh Tứ Xuyên có lẽ là lần tản cư sau, người ta đi Tứ Xuyên, tức là Trùng Khánh… Cháu đương tìm hiểu về dân tộc cháu, quê hương cháu. Hành lý quả là cả một vấn đề, cháu liệng thêm ít quân áo đi nữa, được rảnh lúc vào cháu học lúc nấy…

Thật là chán nản, ghê tởm, sự hỗn độn dơ dáy trên xe lửa từ Nanyu tới Hành Sơn và từ Hành Sơn tới Quế Lâm. Mà thật là đáng nối dóa lên, cái cảnh hành lý của các sĩ quan và gia đình họ chiếm biết bao chỗ trong các toa, còn dân tị nạn thì chồng chất trên nóc toa, chịu mưa chịu nắng, trong lúc mệt mỏi mê man, té từ nóc toa xuống – có kẻ hấp hối vì một bệnh truyền nhiễm, hoặc bệnh sốt rét, và bị người khác xô xuống đường, có kẻ lại chỉ vì muốn tiêu tiểu nhưng yếu quá, không vịn chắc mà thiệt mạng.

Tại ga nào, cũng có lố nhố một biển đầu người và thân thể chen chúc nhau đợi xe, họ lúc nhúc lấn ra tới cả ngoài hàng rào của nhà ga, xô nhau chiếm sân ga, leo lên xe, bị quất, đập, gạt ra, đẩy lui lại, mà vẫn cứ ùn ùn trở lại nữa. Từng đoàn phu gánh hồ sơ, văn thư của bộ tham mưu trong những cái thúng lớn, nối gót nhau kéo đi thành hàng dài bất tuyệt như con rết khổng lồ.

Chuyến xe leo dốc, ngừng lại hàng giờ, hàng ngày. Chúng tôi ở bốn ngày bốn đêm trong một lẫm lúa của một nông dân giàu có (giàu theo mức sinh hoạt Trung Hoa chẳng có gì cao lắm), trong khi ngủ, chuột chạy trên người chúng tôi, cái đó có đáng kể gì đâu, còn cả triệu nông nỗi như vậy nữa, và phước đức lắm đấy mới khỏi chết ở dọc đường. Rồi mưa xối gió quất, cũng là một cái phước nữa vì đỡ được những cuộc dội bom gần như xảy ra hàng ngày.

Bốn ngày trú trong trại ruộng đợi xe, Pao và tôi không gây lẫn nhau. Sau cùng xe tới, chúng tôi cùng với hàng ngàn nguời khác xô nhau, níu kéo nhau, tranh nhau lên xe, có kẻ leo lên nóc, có kẻ bíu vào cửa sổ. Ngồi trên xe chưa được một ngày, Pao lại bắt đầu lớn tiếng chửi mắng tôi, chẳng kể có người ở xung quanh. Toa chứa 87 hành khách, chúng tôi ngồi trên một cái băng hẹp, đối diện với chúng tôi là hai người khác, năm ngày như vậy, thành thử người ta nghe thấy, trông thấy hết. Tại sao trước mặt bao nhiêu người như vậy mà Pao gây với tôi? Sau này, ảnh có vẻ như lựa những nơi công cộng như khách sạn, công viên để la tôi, có khi đánh đập tôi nữa. Anh hét lớn, mắng tôi là vô luân, không trinh tiết, và tôi làm hại lớn cho tiền đồ của ảnh vì tôi lai Âu.

- Anh giảng với 85 hành khách khác như vậy. Rồi anh ôn lại tất cả những đức cần để cứu quốc: Lễ độ, chính trực, liêm khiết, tự trọng, trung thành, nhân ái. Thực là quái dị, hơi khôi hài nữa trong chỗ đó, nhưng tôi không cười được. Rồi anh bảo rằng những người nền nếp như anh luôn luôn trung thành, mà Trung Hoa cần có những người như vậy, còn tôi làm mất “thể diện” của Trung Hoa, sở dĩ Trung Hoa lâm nguy như ngày nay chính là vì những kẻ như tôi.

Sau mấy giờ rầy la vô lý như vậy, nước tiểu của một người tị nạn ngồi trên nóc xe nhỏ giọt xuống người tôi. Tôi la lên: “Đấy, coi dân chúng của anh đấy, ở trên nóc toa ấy”. Anh nổi quạu leo lên nóc đánh đập người ta và lúc đó, tôi mới cảm thấy rằng mình quả có tội. Bây giờ nhớ lại, mấy năm đời công chức của anh lên như diều, thì tôi thấy những lời anh trách tôi đó quả là lố bịch, anh vừa ngại tôi vừa chê tôi cả về thể xác lẫn tâm hồn, mà lại say mê tôi, lòng oán và tình yêu đó cột anh vào với tôi, hành hạ anh và anh phản ứng lại bằng những cơn âu yếm đến cực độ mà cừu thị cũng cực độ. Thành thử anh đau khổ ghê gớm, đau khổ một cách thành thực mà vô ích, nhất là không có chút tinh thần hài hước nào cả, anh bị chìm đắm trong cái bi kịch thăm thẳm nửa yêu nửa oán đó. Sau khi khóc chán vì sự tàn nhẫn quá mức của anh, tôi bật cười, và anh cảm thấy bị xúc phạm dữ dội… Không có gì làm cho anh bị xúc phạm bằng…

Chuyến xe tiếp tục chạy về Quế Lâm, thời khắc trôi qua, và Pao thuyết hoài, gần như điên, về đức hạnh, về truyền thống, tới khi mệt lử mới thôi.

Lúc đó mới chỉ là đầu “mùa hè bi thảm” của tôi, và năm ngày sau, khi xe tới Quế Lâm, chúng tôi lảo đảo bước xuống, tôi gần như ngây ngây dại dại, còn Pao thì bây giờ mới làm thinh, không “thuyết” nữa, nhưng làm thinh không lâu. Kế đó là hai tuần lễ ở Quế Lâm, thị trấn tỉnh Quảng Tây, phong cảnh ở đây đẹp nhất thế, núi ở đất đâm vọt lên trời và có nhiều hang động, dòng sông như ngọc lam, ngọc bích, dợn lên những mỏm đá, cuồn cuộn chảy… chim bói cá bay lượn. Bộ lạc Miêu, đàn bà lực lưỡng, siêng năng đeo vòng và xuyến bằng bạc, đàn ông coi lịch sự trong bộ áo nút bạc. Quảng Tây được khen là một tỉnh “kiểu mẫu” do hai nhà quân phiệt Lý Tôn Nhân và Bạch Sùng Hi cai trị, họ đôi khi không đồng ý với Tưởng Giới Thạch nhưng lúc đó vì chiến tranh mà ủng hộ Tưởng. Sau khi chúng tôi tới, một hôm Nhật dội bom xuống Quế Lâm, và đám đông hoảng hột, chen lấn nhau qua cầu để núp trong các hang, xô đẩy tôi và tôi té xuống sông, Pao vớt tôi lên.

Thế là tôi lại lệ thuộc Pao, hối hận… vì lòng ái quốc vì mang ơn anh, vì hôn nhân và tình ái, tôi không rời anh được.

Ở Quế Lâm tôi thường thơ thẩn, vô các tiệm sách mua sách cũ đem về nhà: Thơ, Tam Quốc Chí… Tôi tập viết. Pao không cho tôi đọc tập thơ: “Em không nên đọc những thứ này, em đã lãng mạn quá rồi”, và chỉ cho tôi đọc bộ Tam Quốc Chí, bộ truyện mà anh biết kỹ vì anh thường tự ví mình với một hai nhân vật trong truyện, đặc biệt là về đức trung quân.

Cuối tuần lễ đầu ở Quế Lâm, ngày nào chúng tôi cũng bị Nhật dội bom, núi và hang là những chỗ trú ẩn tự nhiên rất tốt. Nhưng tránh được bom thì lại không tránh được những lời thuyết giáo nghiêm khắc và thái độ tàn nhẫn mới phát sinh của Pao. Dù tôi muốn hay không, thì anh cũng phải cải thiện, nhồi nặn lại tôi… Tôi chịu nhường, chịu nhịn, khóc lóc, ăn năn, mà anh cũng không tha, cứ một mực “thuyết” hoài thuyết hủy… như cái máy phóng thanh mà tôi không sao nhận nút hãm được… và rốt cuộc anh cũng không thay đổi được tôi.

Quế Lâm, 25 tháng 11.

Thưa Bác

Cháu đã viết thư cho ông ngoại cháu, nhưng không viết cho anh Louis, cháu sẽ thưa tại sao. Cháu muốn tiếp tục học thành bác sĩ, và cháu đã có lỗi thân mật quá với một người ngoại quốc… Anh Pao bảo cháu bây giờ có cơ hội gây lại thanh danh… Anh đã biết tất cả dĩ vãng cùng những lầm lẫn, tội lỗi của cháu. Chúng cháu còn trẻ, có thể làm việc, Trung Hoa cần bọn cháu… Ảnh bảo ảnh muốn cháu thay đổi, học hành, đọc các sách cổ, lịch sử… Ảnh bảo chúng cháu phải lập kế hoạch, cháu phải thành y sĩ… Ảnh bảo thanh niên Trung Hoa cần những vị thủ lãnh, và nếu người ta cho anh cơ hội thì anh có thể thành thủ lãnh được. Ảnh bảo muốn cháu trở về Châu Âu để được yên ổn, nhưng cháu không muốn đi, cháu có nhiều điều phải học về tổ quốc của cháu… Dĩ nhiên chúng cháu đương gặp cơn quẩn bách … Sống chung với một đám người, không có phương tiện chuyên chở, có lẽ phải đi bộ tới Trùng Khánh, nhưng cháu không sợ cảnh đó. Cháu mạnh lắm. Pao bảo ở Trung Hoa, nếu không được người che chở thì cháu không có hy vọng nào tự tạo một địa vị được, cháu là đàn bà, có nét mặt lai và có dĩ vãng như vậy. Ảnh mê cháu lắm, muốn che chở cháu. Cháu có thể giúp đỡ anh rất nhiều vì anh cần có một người vợ nói được ngoại ngữ, mà ảnh có thể dắt theo trong các cuộc tiếp tân được, ảnh bảo vậy…

Bức thư lời lẽ lộn xộn đó cho thấy rõ tham vọng của Pao ở đâu vì những lý gì mà anh giữ tôi lại, bây giờ đọc lại, tôi hiểu tâm lý anh, hiểu tâm thần hoảng hốt, mờ ám của tôi, và hiểu một khi anh đã uốn nắn tôi thành người vâng lời, dễ bảo để anh sai khiến thì tôi sẽ phải phục vụ tham vọng của anh ra sao?

* * *

Đầu tháng chạp chúng tôi rời Quế Lâm, tiếp tục cuộc hành trình bằng xe buýt theo những đường núi xuyên qua các tỉnh Quảng Tây và Quý Châu để tới Tứ Xuyên. Tôi nói với Pao: “Tứ Xuyên là quê bên nội em, em có họ hàng ở đó”. Chúng tôi đi qua những miền lạc hậu ở sâu trong nội địa mà rất ít người ở miền biển đặt chân tới. Có những khu gồm toàn những dân tộc thiểu số như Miêu, Dao, Lolo, sống trên những đồi núi cao và thường đánh nhau với người miền đồng bằng. Họ to lớn, nước da đỏ, ăn lúa đen, mắt nhìn trừng trừng và dữ, săn bắn và trồng lúa, có bộ lạc còn ở trình độ dã man, có bộ lạc còn giữ những di tích của chế độ mẫu quyền. Vậy chúng tôi đi qua miền Tây Nam mênh mông, càng tiến thì càng thấy cảnh nghèo khổ ghê gớm, nó đè nặng lên thể chất làm đọa lạc tâm hồn con người một cách tàn nhẫn, hiển nhiên tới nỗi Pao phải nhận thấy, nhưng lại cho là tại “họ thiếu đạo đức”. Có những kẻ vật vờ, có những làng bỏ trống trong những khu rừng núi tan tành vì thác đổ, và chỗ nào cũng có thuốc phiện.

Chính trong cuộc hành trình đó Pao bị các bạn trêu chọc. Buổi tối, khi chúng tôi ngừng lại để ăn, họ lớn tiếng chỉ trích nét mặt của tôi: “Rõ ràng là lai”. Ai mà không thấy nét mặt tôi là lai Âu! Nhưng tôi không cãi anh, còn anh thì nổi quạu với tôi, như thể tôi chịu trách nhiệm về nét mặt của tôi vậy!… Nhưng cuộc hành trình mệt quá chừng, và chỉ nội cái việc phải giữ gìn sức khỏe để sống sót trên con đường ngoằn ngoèo chữ chi, nghiêng về một phía đó, trong chiếc xe buýt chạy hết tốc lực, qua đèo qua suối, lắc lư, dằn xóc đó cũng đủ làm cho tôi quên ngay được những lời xúc phạm của các hành khách khác. Các anh em kết nghĩa của Pao ngoài miệng thì thuyết về tình huynh đệ, mà thực tâm thì tranh đấu với nhau để “thành công”, tìm mọi cách phá hoại tiếng tăm của nhau, nói xấu nhau để làm nổi bật mình lên. “Có hai cách thành công: một là tự xây dựng tiếng tăm của mình, như một ngọn núi, mà leo lên tới đỉnh, một cách nữa là đào những cái bẫy để cho tất cả những kẻ kình địch rớt xuống, mà chỉ còn riêng mình là có vẻ không có khuyết điểm nào cả”. Họ thường nói như vậy và “cách thứ nhì dễ thực hành hơn cách thứ nhất”. Tạo tiếng tốt cho mình, hoặc gây tiếng xấu cho người khác, hoặc làm cho người mất mặt, chủ yếu của quỷ kế trong xã hội là ở đó, kỹ thuật leo lên địa vị cao, chiến lược và chiến thuật làm mòn sức kẻ kình địch để cho mình thành công là ở đó. Bọn “anh em kết nghĩa” đó khoái chí ra sao khi kể với nhau những chuyện để hạ uy tín của các anh em vắng mặt! Pao cũng cười với họ, và tôi nghĩ bụng: “Hễ vắng mặt ảnh thì họ lại nói xấu ảnh và mình”. Trong chiếc xe buýt, thói giả dối, như một xú khí, bao quanh chúng tôi suốt ngày, suốt đêm… làm cho tôi sững sờ, tưởng như không sống trong cảnh thực nữa, không có tôi nữa, chỉ có cảnh đẹp và hùng vĩ của miền bị tàn phá chúng tôi đi qua là bình tĩnh…

Ngồi cạnh nhau mà rất ít khi họ giúp nhau, chỉ suốt ngày châm chọc nhau, châm chọc Pao và tôi. Vợ họ nhã nhặn muốn gợi chuyện với tôi. Tôi đưa ý kiến. Họ ngồi nghe ra vẻ có thiện cảm, rồi thình lình quỷ quyệt đập tôi một vố chí tử… làm sao đàn bà mà lại có kiến thức kỳ cục như vậy được… và lời mạt sát đó làm cho lòng thật thà của tôi tắt phụt đi, và Pao lại bồi thêm cho tôi nữa.

Bây giờ tôi mới hiểu thế nào là ngầm phá tinh thần người khác. Tuy chẳng có gì mà hậu quả thật tai hại như giọt nước đều đều nhỏ xuống trán ta hàng giờ liên tiếp, như lối hình phạt bằng kim đâm, và bây giờ tôi thấu được nỗi đau khổ ghê gớm của những kẻ bị chỉ trích dai dẳng, nhai nhải hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần, rốt cuộc phải tự tử. Tôi nghĩ bụng: “Tới Tứ Xuyên sẽ dễ chịu hơn…Tới đó mình có họ hàng…”

Dọc đường từ Trùng Khánh, chúng tôi gặp một chiếc cam nhông đi trước chúng tôi, chở các sĩ quan trẻ với hành lý của họ. Chúng tôi đuổi kịp họ và thấy chiếc cam nhông lật bên lề đường. Như mọi tài xế khác, người lái xe đó cho xe chạy như điên như gió cuốn, để từ đỉnh núi băng xuống làng xóm trong thung lũng, và tới một khúc quẹo, trơn vì mưa lất phất, chiếc xe sụp vào một ổ gà. Không có ai bị thương, các sĩ quan ở trong xe chỉ bị lắc mạnh thôi, vài cái chén dĩa bị bể, vài đồ nấu bếp văng ra ngoài giỏ… vậy mà bọn sĩ quan trẻ đó cùng nổi cơn điên, uất hận vì một cơn kinh hoảng và mất thể diện, hè nhau lượm những mảnh, những phiến đá từ sườn núi rớt xuống vì mưa, bão, liệng túi bụi vào người tài xế tới chết mới thôi.

Xác chú ta còn nằm trơ trơ trên đống đá, khô lần lần rồi, chiếc cam nhông vẫn đưa bốn bánh lên trời như một con quái vật đã chết. Bọn sĩ quan trẻ đợi chiếc xe chúng tôi tới. Chúng tôi chỉ chở được dăm ba người thôi, còn thì phải đợi chiếc xe sau.

May thay, tới đó chúng tôi tìm được một làng cách chỗ đó vài ba cây số. Một làng ghê tởm, nhà rách nát. Dân đều nghiện thuốc phiện như những bộ xương biết đi. Thấy xác người lái xe ở trong núi, anh Pao dịu lòng xuống, trầm ngâm, bỗng anh quay lại phía tôi, âu yếm, bừng bừng, nhưng tiếng cười the thé của một người đàn bà rình chúng tôi làm anh ngừng lại, anh thấy nhục như mất thể diện vậy. Một đám sương mù trắng từ trong cõi đêm tối giữa rừng núi phát ra, trời mông lung trong không khí. Tôi nằm mê thấy hồn người tài xế chập chờn trong đám khói thuốc phiện bao vây chúng tôi, và ác mộng đó thực hợp với cảnh tàn phá quái dị và bi thảm mà chúng tôi đương bị xô xuống. Bây giờ đây mà có khi tôi còn bị cơn ác mộng đó, nửa đêm thức dậy, nhớ lại sườn núi dưới vòm trời lạnh lẽo đêm đó, nhớ lại những kẻ sát nhân ngu xuẩn, khoái chí nhe răng ra cười đó. Mấy hôm sau, tôi lặp lại câu này hoài như một lời thần chú: “Rời Trùng Khánh sẽ dễ chịu hơn… mọi sự sẽ dễ chịu hơn”.

Rồi một buổi chiều nọ, sau khi rời Quế Lâm được năm tuần, chúng tôi tới con Sông Cái, vua các con sông, tức sông Dương Tử, rộng lớn hùng dũng, cuồn cuộn chảy ào ào, đỏ như đồng, giữa hai vách núi cách nhau một cây số rưỡi. Thị trấn Trùng Khánh đứng cheo leo hiểm trở, ngạo nghễ trên ngọn núi. Ở chỗ mà hai nhánh sông giao nhau thành một khối vĩ đại; và thêm các sườn núi gần như dựng đứng, cách mặt nước trên 60 thước là những nhà sàn tồi tàn, tối tăm, trông xa như một đám sò bám vào núi mà leo lên, chung quanh là nước. Thị trấn trải ra trong đám suơng mù buổi chiều, khói xám tỏa trong cái tổ mùa đông, một cảnh huyền ảo, một giấc mơ, một phiến đá vĩ đại trên ngôi mồ của người khồng lồ. “A, tới rồi… tới đây rồi”. Mọi người đều vui vẻ sung sướng. Đàn ông ca hát, đàn bà tõ ra nhẹ nhàng tử tế với nhau, lấy những chiếc khăn lông nho nhỏ chùi mặt cho con bú, rồi thấm những phân cùng sữa chứng ọc ra trên những quần áo họ. “Ở đây mọi sự sẽ dễ chịu hơn”. Tôi cũng lau mặt chẳng những cho hết bụi, hết cáu ghét, mà còn cho lòng trút được nỗi chua chát chất cả tháng nay nữa. Dĩ nhiên, bây giờ thì dễ chịu hơn rồi. Có một bệnh viện, có công việc để làm. Pao sẽ làm việc, sẽ bớt quạu quọ… Tôi sẽ tìm được gia đình, họ hàng ở Tứ Xuyên. Chưa biết chừng, chính họ hàng cũng không muốn tiếp tôi… Nhưng tôi cứ rán, rán nhiều vào. Phải chiếm được lòng của mọi người ở phía đó mà, mà tôi biết rằng công việc đó rất khó khăn. Một lần nữa, tôi sẽ rán…

Trong khi leo bốn trăm tám mươi bục đá ở sườn núi để tới chỗ bắt đầu có đường phố, chúng tôi thấy Trùng Khánh ban đêm có vẻ mênh mông và cao quý; đá như có một sức hùng dũng mới mẻ. Vậy, chúng tôi đã tới trung tâm kháng Nhật, tới thị trấn cao thượng bị bao vây này. Tôi nghiến răng leo dốc, lòng tràn trề hy vọng “Cảnh khổ nào tôi cũng sẽ chịu được, tôi sẽ kiên nhẫn tới cùng”. Vì lúc đó tôi còn trẻ, đầy sinh lực, tôi tập chịu đựng, chỉ bám lấy thôi, bám chắc lấy như những căn nhà tồi tàn cố bám vào sườn núi gần dựng đứng này. Tôi sẽ không buông tha.

Bây giờ, năm mươi tuổi rồi, biết rằng những năm đó tôi đã phỉnh gạt, chính tôi cũng tự phỉnh gạt tôi nữa, mà tôi vẫn không ân hận đã cố bám vào tổ quốc, như con sò, hoặc như những căn nhà tối tăm kia bám vào đá một cách vô vọng.