Một Mùa Hè Vắng Bóng Chim

- 3 -

Thư gởi bác Hers – Ngày 28-10-1938

Nanyu, qua Hengshan (Hành Sơn) tỉnh Hồ Nam

“Cháu ở lại Vũ Hán tới ngày 22 (…) rồi xuống tàu của Hồng Thập Tự quốc tế để lại Trường Sa (Tchengsa) tỉnh Hồ Nam. Hai ngày cuối cùng ở dưới tàu không có đèn, cũng không có thức ăn. Trường Sa ngày nào cũng bị dội bom, chúng cháu không ở đó lâu, và tản cư lại đây (Nanyu), có lẽ ở đây nhiều lắm là một tháng, rồi lại đi chỗ khác… Bộ tham mưu đóng ở Hengshan, và ở đây nữa… hai nơi cách nhau dăm cây số… một thành phố nhỏ ở trong núi không có đèn điện, điện thoại, xe lửa; ở giữa thiên nhiên, nhưng cảnh đẹp làm sao, đẹp lạ lùng”.

Ngày 22, ngày chúng tôi rời Vũ Hán thì các biểu ngữ CỐ THỦ VŨ HÁN, THỀ BẢO VỆ VŨ HÁN TỚI CÙNG vẫn còn ương ngạnh rũ xuống trong nhũng đường phố thê thảm câm lặng, và gió đánh những tấm đó, nghe phất phất như tiếng gọi lính vậy, các đoàn quân tình nguyện vẫn còn nối hàng tiến ra “mặt trận”, tiến tới cái chết, thương binh vẫn còn nằm trên giường, tàu Hồng Thập Tự không tản cư họ đi.

Cảnh im lặng, càng làm nổi bật tiếng kéo lê bất tuyệt của bốn trăm ngàn bàn chân rời khỏi thị trấn, thành những hàng dài, dài như đoàn rết, người nào người nấy đều gánh đồ, vừa đi nhún nhẩy theo cái điệu vạn cổ bất dịch của dân gồng gánh Trung Hoa, để cho xương thịt thích ứng với sự lên xuống nhịp nhàng các gói hành lý treo ở hai đầu đòn gánh. Những đoàn người tản cư trôi như dòng sông, quyết liệt không biết mỏi, vô tận. Không có một chiếc xe kéo. Các ngọn cờ phấp phới trên nóc các dinh thự đã được hạ lần lần.

Phải mất ba ngày rưỡi, tàu mới tới Trường Sa(Tchengsa), thủ phủ tỉnh Hồ Nam, trên con sông Hsiang (Tương?). Khi tàu ghé bến, nhìn lên bờ chỉ thấy lộn xộn, hỗn độn. Vũ Hán thất thủ làm cho mọi người hoảng hốt, những người tị nạn ở Trường Sa (Tchengsa) từ ít bữa trước, lại bắt đầu ra đi, đụng đầu với những kẻ từ Vũ Hán tản cư tới. Bọn người này nhìn lại hỏi: “Có gì xảy ra vậy?”. Bọn kia đáp: “Trường Sa (Tchengsa) không yên đâu bà con, nên đi xa thêm nữa, đi nữa đi, đi sâu vào phía Tây…”, có những gia đình người nào người nấy đều kiệt lực vì đi bộ, nằm ngồi ngổn ngang với các gói hành lý ở giữa đường phố, làm nghẽn cả lối đi, hoặc ở bờ sông và cột chiếc khăn mặt vào đầu một cây gậy, nhúng xuống nước sông, kéo lên lau mặt. Hai bên bờ sông và hai bên đường lộ, họ ngồi nối nhau, ngút mắt. Tuy nhiên, nhìn vào sự hỗn độn đó một lát thì cũng nhận ra được một sự chuyển động theo một hướng. Một con rắn vĩ đại ngày đêm đều bò tới, để lại phía sau những kẻ ngồi xuống chờ đợi, hoặc ngừng lại vì quá mệt, không đi xa được nữa, nằm xuống chờ chết, trừ vài kẻ chạy ngược chiều trở lại. Hàng triệu người đã chạy trốn khỏi thành thị, theo đường bộ tỏa về thôn quê, về phía Tây.

Tôi đoán có tới khoảng hai chục triệu người tị nạn trên các đường lộ ở các tỉnh miền Trung, và tụi Nhật đã hạ họ bằng súng liên thanh, y như quân Đức tháng 5- 1940 đã thả bom xuống những đoàn người tản cư chật đường ở Pháp.

Và khắp nơi trong tiếng rầm rầm nhức óc của xe cam nhông, xe gíp (Jeep), xe lửa chở quân đội, dân chúng vẫn lầm lủi, lặng lẽ, gánh nặng trên vai, bước từng bước một, thành một cuộc rút lui vĩ đại, để tiếp tục sống, tiếp tục chống cự. Và các tướng tá, trước cũng như sau, luôn luôn là những kẻ đầu tiên đào tẩu, trưng dụng mọi thứ xe cộ để thoát thân, còn dân đen thì luôn luôn là những người cuối cùng tản cư bằng chân, mà sau lưng họ, các đoàn quân tình nguyện vẫn còn ở lại tiếp tục cuộc chiến đấu…

Tới chiều tối, cát bụi dày quá tới nỗi nó thấm vô da, luồn vô tóc, ta nuốt nó vào đầy miệng. Chúng tôi mướn mấy chiếc xe kéo chở chúng tôi từ bến tàu tới ga xe lửa, nhưng chuyến xe lửa đặc biệt chở bộ Tổng tham mưu lại những đồn dinh mới trong miền núi ở Nanyu và Hengshan đã khởi hành từ buổi chiều rồi. Anh Pao nếu không quay trở lại kiếm tôi thì đã đáp chuyến xe đó và bây giờ anh phải xoay xở lấy để đuổi theo kịp đoàn tham mưu. Viên xếp ga bảo: “Tối nay có một chuyến xe” nhưng không bán vé. Nhà ga là một trại tị nạn, rất nhiều gia đình chiếm sân ga, đợi xe từ mấy ngày nay, chỉ có chỗ ngồi chứ không có chỗ nằm, và chuyến xe đợi từ hai hôm trước có lẽ tối nay sẽ tới. Nhưng rồi xe cũng không tới, và sau khi ngồi đợi khoảng hai giờ, đã quá nửa đêm rồi, chúng tôi trở về thị trấn. Đường lộ đầy ổ gà, bụi và bùn. Tôi gặp những chiếc xe bò, do đàn ông kéo (dây thừng cột họ vào xe, lằn sâu vào vai họ), trên xe chồng chất ngất ngưỡng đủ thứ: giường, tủ, bàn ghế, thau bỏ trong những cái lưới, quần áo, đồ đạc, dồn trong những cái gói bao bằng vải son, tất cả đều lắc lư, lăn qua lăn lại. Xe buýt chất nặng quá, cao quá, tới nỗi lảo đảo. Còn bọn người bộ hành thì bước nặng nề, đeo con trên lưng, và đèo thêm nào gối mền, giẻ rách, chén sắt để uống nước. Dĩ nhiên, anh Pao có một người bạn trong thị trấn, chúng tôi lại gõ của, đánh thức người đó dậy, người đó giới thiệu một người bạn khác, cũng đương ngủ, cũng bị chúng tôi đánh thức dậy, và cho chúng tôi hay có một chiếc cam nhông của quân đội sáng sớm sẽ khởi hành.

Bây giờ đây, đôi khi tôi ngỡ rằng tất cả những bạn, những “anh em kết nghĩa” của anh Pao đó – như anh nói – đều là những nhân viên mật vụ trong đoàn thể Sơ-mi-lam. Đoán vậy chứ không thể nào biết chắc được điều đó, mà hồi đó thì dĩ nhiên tôi đâu dám hỏi, có hỏi thì Pao cũng trả lời: “họ là” anh em, “đồng chí, cùng trong đoàn thể, thế thôi…”. Mà Pao là một vị anh hùng đã hy sinh vì yêu tôi, quay trở lại kiếm tôi… Mỗi khi nghĩ tới điều đó, tôi lại rưng rưng nước mắt, có ai mà hy sinh cho tôi tới mức đó… Cho nên tôi sung sướng theo anh tới bất kỳ nơi nào mà các anh em trong nhóm Hoàng Phố, hoặc các mật vụ “sơ-mi-lam” của Tưởng vạch đường cho chúng tôi tới. Sau này có tới non 300.000 người ở lại lục địa để phá hoại cuộc cách mạng 1949.

Chúng tôi lại lên xe tới một khách sạn, mướn được một chiếc phòng nhỏ dơ dáy kê một chiếc tủ đứng lớn, trong đặt một cái khạp da lươn, có nắp gỗ, dùng làm cầu tiêu. Có một chiếc giường, một chiếc khăn đắp chân bằng sa tanh hồng bẩn thỉu, một chiếc mùng dày, khi chúng tôi giũ ra thì những nếp mùng, bụi và muỗi bay ra vo ve. Năm giờ sáng, một chiếc cam nhông bóp còi inh ỏi trước khách sạn, đánh thức chúng tôi dậy và một người bồi vô gọi. Chiếc cam nhông của quân đội đó có một tấm bố màu xanh che mưa, phía trong, ngoài bốn người to lớn, còn chất đầy khí giới, thùng đạn, từng chồng lựu đạn… Chúng tôi chui vào dưới tấm bố và bắt đầu liệng bớt một phần hành lý đi… Vì là chạy loạn, đáng lẽ tôi phải mang theo một cái thau cũ, hai miếng giẻ, một cục xà bông, một cái mền bông nhỏ, nhẹ, một tấm vải sơn vừa thay áo mưa vừa dùng để bao các vật lặt vặt, lại có thể trải ra, nằm lên được, một sợi dây thừng để cột tất cả lại, hoặc một bao lưới lớn, ít quần áo, thay đổi, hai đôi giày ten-nít, một cái chén bằng thiếc, (để uống nước, súc miệng), và dĩ nhiên một cuộn giấy bản để đi cầu, hết thảy thành một bọc nặng độ mười ký mà một người như tôi có thể mang được. Nhưng tôi lại (dại dột) mang theo hai bộ đồ len, một chiếc áo bông dài, nhẹ, quần áo trong (mua ở Hương Cảng), một bộ áo tắm (trèng ơi, sao lại mang theo đồ tắm?), một chiếc áo dài Trung Hoa ở Quảng Châu bằng vải sơn, chiếc áo cưới màu lam, hai chiếc áo vải màu lam may cắt ở Vũ Hán trong có bốn giờ, rồi vớ, giày da… Tôi bỏ lần lần tất cả những thứ đó lại dọc đường, hoặc tại các khách sạn trong mấy tuần lễ sau đó. Trước hết là chiếc áo tắm, tôi tặng một anh bồi, anh ta mỉm cười nhận mà ngần ngừ, lim dim, chẳng biết dùng của nợ đó vào việc gì được. Có khác gì tặng một đôi giày ban cao gót cho một thím nhà quê sắp chết đói, hoặc phân phát một gói kẹo cho những trẻ bị phỏng nặng vì na-palm, thật là ngu ngốc, chẳng ý thức được cơn ác mộng nó đương đeo đuổi tất cả bọn chúng tôi.

 

“Ở Nanyu, ngọn núi nào cũng có vô số đền chùa. Một số các vị chỉ huy quân sự cao cấp nhất lại đó để mặc niệm. Trong thôn đầy nghẹt người. Thật là may mắn vô cùng, cháu kiếm được một phòng trong khách sạn, tiền thuê mỗi ngày sáu cắc. Không có điện, không có nước, nhưng vị tối cao còn phải trú ngụ trong một ngôi đền, còn các tướng lãnh tranh giành nhau một căn phòng năm đồng mỗi tháng ở trong làng – thì hạng như cháu được vậy đã ra vẻ quý phái lắm rồi. Thật là tuyệt, và thấy cái cảnh đó chắc bác sẽ cười mà nghĩ bụng: “đáng kiếp”, bọn sang trọng có nhà cửa dinh thự ở Nam Kinh, Thượng Hải… bây giờ phải chạy đông chạy tây, vì một căn phòng bẩn thỉu… Thế còn vợ họ? Phần lớn các bà sĩ quan cao cấp không lại đây vì không thể chịu được lối sống này, các bà ấy “con nhà gia giáo” quá, làm sao nuốt được hoàn thuốc “đắng” ấy. Vậy chỉ còn vợ các sĩ quan cấp dưới với bọn nàng hầu… Cháu cho tiền anh bồi phòng để mỗi ngày anh cung cấp cho hai thau nước thật nóng. Cháu mua vải trắng để làm “ra” và vải lam để trải lên giường… Cháu thích đời sống ở đây… khí hậu mát mẽ lạ lùng mà phong cảnh mới đẹp làm sao…”.

Phải, Nanyu đẹp thật.

Con đường quốc lộ trải những phiến đá vôi lớn, xuyên qua Nanyu từ bắc tới nam, và đây là một trung tâm rất lớn trên con đường đưa từ Quảng Châu lên các thị trấn ở miền đông Dương Tử, con đường mà trải qua bao nhiêu thế kỷ nay, trải qua bao nhiêu triều đại, các đoàn kị binh và các đoàn xe của các đại thần vẫn qua qua lại lại mà Nanyu cũng là một nơi hành hương nữa. Một chiếc cầu đẹp, có thác có ghềnh, có những ngọn suối ào ào đổ từ trên núi xuống. Đã có bao nhiêu đoàn chở cống phẩm: muối, ngũ cốc, lụa từ những tỉnh mầu mỡ ở miền Trung qua chiếc cầu đó để tiến lên kinh đô, chiến sĩ và dân tị nạn cũng đã bao nhiêu lần qua đây, và thời Thái Bình Thiên Quốc nổi loạn cách đây một thế kỷ các đoàn dân binh cũng theo con quốc lộ này, qua Nanyu lên Trường Sa, tiến lên nữa để chiếm Vũ Hán. Dãy Hengshan có nhiều ngọn núi nhìn xuống Nanyu mà ngọn cao nhất, linh nhất miền nam, là ngọn Tou Yun Feng. Có những ngôi chùa mênh mông, tường đỏ nóc vàng, kiến trúc cân đối, thanh nhã, chung quanh là những cổ thụ mấy trăm năm, những ngôi chùa rực rỡ vàng son, lộng lẫy đó càng nổi bật lên trong cảnh nghèo nàn của làng Nanyu nhỏ xíu, khiến cho thời nào ai cũng lấy làm ngạc nhiên. Ngôi chùa nép ở dưới chân núi đã được trùng tu trong đời Minh và được dùng làm nơi huấn luyện quân sự. Hengshan, thị trấn chính, cách nơi đó dăm cây số có một khách sạn của sở Du lịch Trung Hoa, sơn trắng, sạch sẽ, lúc đó các vị bộ trưởng, giám đốc, công chức cao cấp lại ở chật ních. Vị mà trong thư, gởi cho bác Hers, tôi gọi là vị “Tối cao” tức Tưởng Giới Thạch, ở trong các ngôi chùa trong núi cùng với các ông lớn trong nội các và bộ tổng tham mưu.

Chúng tôi rất mừng kiếm được một phòng trong “đại khách sạn Nanyu” ở trong thung lũng, dưới chân núi, khách sạn gồm một dãy quán gỗ, bên một dòng sông, trên dòng sông cất nhiều cầu tiêu, nhưng ngọn gió thu ranh mãnh và dòng nước suối cuồn cuộn nổi bọt đã đánh bạt những hơi thối đi, căn phòng chúng tôi thật bẩn thỉu, suốt ba tuần lễ ở đó, tôi thường chùi rửa, vì tôi có thói quen ở sạch rồi, luôn luôn phải tấn công trừ cho hết những cái cáu bẩn, không thì không chịu được, cơ hồ như tin rằng, bàn tay của các bà nội trợ có thể làm cho thế giới có trật tự, sạch sẽ hơn được. Có nhiều phụ nữ như vậy, suốt ngày lau chùi đánh bóng như cái máy thì tâm trí mới được yên tĩnh.

Các bà vợ thứ và các nàng hầu ở phòng khác không bị cái đó ám ánh như tôi, cho nên ngạc nhiên ngó tôi – con quái vật này – hăng hái lau chùi quét dọn, trang hoàng phòng bằng những chậu vãn cảnh (fuchsia) và cúc: đâu có ở đây lâu, chỉ tuần sau, chưa biết chừng, ngày mai đây là phải tản cư nữa, thì sửa sang quét dọn làm chi? Tôi nổi danh, một cái danh chẳng đẹp đẽ gì, người ta bảo tôi là “ngoại nhân”, là “kỳ cục”, lại thêm tôi làm việc chân tay, mà công việc chân tay hạ phẩm giá con người… Chưa biết chừng tôi là dòng dõi nô tì chăng? Đối với nhiều bà trong bọn đó thì đức tự trọng chính là cái tài sống trong sự dơ dáy lợm giọng. Họ để từng đống xương gà ở trên mặt bàn và những đám ruồi vo ve như tiếng tụng kinh câu nguyện không hề làm giảm cái vui trò chuyện, tiếp đãi bạn bè của họ, họ liệng vỏ cam hoặc nhai trái cây, nút hết nước rồi phun nhổ bã trên sàn, họ tập cho con họ tiểu, tiêu ngay trên ban công. Không khi nào họ động tới một ngón tay để lượm các rác rưởi, mà luôn luôn sai đầy tớ. Họ nhìn tôi lau chùi cả thành cửa sổ, dán những mảnh báo để thay những chỗ cửa kính đã bể. Họ rình tôi, đánh mạt chược với nhau, khạc nhổ và cười hô hố, lại đưa ngón tay trỏ tôi cho con họ nhìn theo nữa. Những người hồi trẻ, mới đầu thấy tôi lau chùi mà mỉm cười, bây giờ đã thành bạn thân của tôi, ngày nào cũng đem nước nóng và trứng cho chúng tôi, thỉnh thoảng còn đập ruồi cho tôi nữa, thiên hạ cười thì cười, tôi mặc kệ, cứ tiếp tục làm theo ý tôi, mua bông về chưng nhiều hơn là mua thức ăn. Nhưng Pao thì không cười và chẳng bao lâu chính tôi cũng không cười được nữa.

“Thư gởi từ Nanyu, không đề ngày.

Thưa Bác,

Bây giờ cháu mới chua xót nhận ra rằng chiến tranh này Trung Hoa đã thua rồi, vì những kẻ vụng về, hèn nhát, phản quốc, mà những người có thiện chí (nguyên văn) như cháu cũng đành khoanh tay… Không một thiếu nữ nào dám vô một quân y viện cả. Không còn phụ nữ trên mặt trận nữa, trừ cộng sản… và không còn binh sĩ nữa, chỉ có dân đen… binh sĩ chết rồi… chỉ còn những kẻ đào tẩu… không một bệnh viện nào do người Trung Hoa điều khiển mà hoạt động đàng hoàng. Hồng Thập Tự rán giúp đỡ các người tị nạn, nhưng chỉ như một giọt nước trong sa mạc… Trung Hoa cần nhiều người có kinh nghiệm, được đặt vào đúng chỗ… không một người nào làm cái nghề thực sự của mình…”.

Nhưng hôm sau, tính tình tôi lại thay đổi.

Cháu cứ tưởng sau ba năm xa quê, về đây cháu sẽ lạ nước lạ non, nhưng giờ đây, ở giữa miền quê này, cháu lại thấy “quen thuộc” hơn với quê hương hơn trước nữa… Sức khỏe cháu rất dồi dào… Cháu rán trở về bên đó cho kịp để khỏi mất một năm học… Công việc quan trọng nhất cháu có thể giúp nước bây giờ là tiếp tục học hành. Anh Pao bảo rằng bà Tưởng khuyên ai có thể ra ngoại quốc được thì cứ đi… Nếu bác có viết thư xin bác đề là bà Tang. Tốt hơn là dùng…

Tôi đã tự mâu thuẫn, kỳ dị, nhất là trong những câu cuối, nhưng như vậy chỉ là phản ánh sự hỗn loạn chung lúc đó ở Nanyu.

Vì lúc đó bắt đầu xung đột trong đời sống của tôi với Pao. Chúng tôi ngồi ăn bữa trưa trong khách sạn. Tôi không nhớ lúc đó chúng tôi đang nói chuyện với nhau về vấn đề gì, chỉ nhớ thình lình Pao bảo: “Đàn bà không được cãi lý, em không được thảo luận với anh. Em phải nghe lời anh. Và chừa cái thói cãi lại đi”. Tôi ngó anh ấy trừng trừng. Tôi có thực cãi lý với ảnh không? Đâu có.

Rồi tiếp, theo anh độc thoại thôi một hồi. Tôi “Tây” quá, phải tập thành “Trung Hoa” hơn nữa. Thiên hạ bắt đầu nói này nói nọ. Người ta gọi tôi là “máu lai”. Quốc gia chỉ có thể cứu vãn được bằng những đức của cổ nhân. Tưởng Giới Thạch đã bảo vậy. Tôi cũng phải học những đức đó mà một trong những đức đó là vâng lời. “Tài năng không làm cho phụ nữ có đức”. Tôi phải thành “một người vợ hiền và một người mẹ kiểu mẫu”. Vì vậy, tôi không bao giờ được cãi lời ảnh, trong khi ảnh nói: “Cãi lời chồng là một dấu hiệu vô luân” – “Vô luân ư? Nhưng thiếu tá X lại thăm mình hôm qua đó, dắt theo một đứa cháu gái mười sáu tuổi… và chính anh nói với em rằng đứa cháu đó là nàng hầu thứ tư của ông ta, cái đó em mới gọi là vô luân…”.

Pao vươn tay qua mặt bàn tát ngay vào mặt tôi “Chỉ được cái nói người, nhìn lại cái thân coi. Mày dám trả lời tao, miếng một miếng hai với tao hả”. Tôi ngạc nhiên quá đỗi, chỉ đáp lại: “Anh đánh tôi, đánh tôi đau…”. Anh bảo: “Mày cũng làm cho tao đau khổ, mày tưởng cưới một con vợ mất tân, tao sung sướng lắm sao?”.

Tôi nổi giận lên mà đồng thời cũng thấy mình xấu hổ vì có tội. Một người đàn bà khó mà không cảm thấy có tội trong trường hợp như vậy, mặc dù tất cả những thuyết về tự do tính dục, và nam nữ bình quyền. Dĩ nhiên tôi biết rằng trước khi có chồng mà mất tân là một điều nhục nhã mặc dầu lệ đó không áp dụng vào bọn thợ đàn bà bị các chú cai mặc tình hiếp dâm; cũng không áp dụng vào các nhà chứa điếm như những nhà mới mở ở Hengshan, nơi đó có những em gái tám tuổi “tiếp” các ông tướng trong Bộ tham mưu. Cái lối chuyên chế bất công đó: đàn bà thì phải trinh tiết còn đàn ông thì tha hồ điếm đàng, đó, đức hạnh truyền thống là vậy.

Người ta càng đề cao đức hạnh bằng một giọng ưu thời bao nhiêu thì người ta lại càng mở nhiều nhà chứa điếm bấy nhiêu. Và hạng nô tì mua ở thôn quê, hạng “vợ cho mướn” để các ngài sĩ quan trong trại dùng tạm, hai hạng đó cũng không cần phải có tiết hạnh.

- Nhưng, anh Pao, khi cưới tôi anh đã biết rồi chứ, biết rằng tôi không còn tân mà. Chúng ta đã sống chung với nhau cả mấy tuần trước khi cưới và tôi đã kể với anh…

- Mày đã kể với tao! Phải, mày đã cả gan nói với tao về những cái đó, coi cái chuyện thiếu nữ Trung Hoa ngủ với một thằng da trắng, một tên ngoại quốc là một chuyện thường tình vậy. Tự xét coi, đứng trước một người đàn ông, có bao giờ mày nhìn xuống đâu… Tối qua, thiếu tá Tchang và đại úy Wang lại chơi, mày đã chuyện trò, cười cười với họ như thể không biết rằng nam nữ hữu biệt…

- Nhưng các anh ấy là bạn thân của anh mà…

- Dĩ nhiên, họ là bạn thân của tao, nhưng vợ họ không có cử chỉ, thái độ như vậy…

- Phải… vợ họ quát tháo đây tớ, la hét, sống dơ dáy, đánh mạt chược (lúc đó tôi nổi khùng lên). Và chính anh bảo tôi rằng họ chỉ là thứ vợ tạm thời, vợ mướn…

- Nhưng họ không ngủ với một tên ngoại quốc, một tên da trắng… Mày có dan díu với mười tổng trưởng hoặc hai chục công chức cao cấp, thì tao cũng mặc, miễn họ là người Trung Hoa. Nhưng một tên ngoại quốc…”.

Đúng là cái tinh thần bài ngoại tràn trề như nước lũ, tinh thần đặc biệt của các sĩ quan trẻ tuổi Hoàng Phố của Tưởng Giới Thạch nữa, tinh thần đó đi đôi với quan niệm rằng đàn bà là một vật sở hữu. Cái dĩ vãng, bị nhục nhã, tước đoạt, chém giết do phương Tây gây ra ở châu Á, đã lưu lại trong giới quan lại Trung Hoa một mặc cảm chủng tộc lộn ngược, biểu lộ trong lòng thù oán mãnh liệt đó, nhất là trong vấn đề tính dục mà người đàn bà bị coi như một vật sở hữu. Nhưng về phần Pao, cũng như tất cả cái đoàn thể sĩ quan trẻ, thái độ bài ngoại chẳng phải chỉ là oán thù, mà còn là một sự tiện lợi nữa, khi chính họ phản quốc thì họ tìm ngay được những con vật để tế thần, gánh hết tội cho họ, và họ có thể hô hào “cứu quốc” theo một nguyên tắc kì thị chủng tộc gay gắt, bệnh hoạn.

Trong sân, một đám phụ nữ tươi như hoa lặng lẽ dạo mát lắng tai nghe. Vách ván của khách sạn mỏng quá, mà những vết nứt, lỗ hở ở vách cũng như ở sàn rộng lớn quá, nên thiên hạ nghe thấy hết. Mặc dầu tôi đã gắng sức mà không làm sao giống hệt với các bà, các cô chung quanh tôi được, sự khác biệt đó tố cáo tôi: tôi quá thích lau chùi, quét dọn, tôi thích dạo mát một mình, tôi đọc sách, tôi muốn làm việc trong một bệnh viện…

Chỉ sau khi Pao mắng chửi tôi, đối xử tàn nhẫn với tôi là vài sinh viên ở Châu Âu về, trước kia đã thấy tôi giao du với Louis[1] mới độc địa tô điểm thêm vào. Có ai muốn hoặc có thể thương hại tôi không? Chắc nhiều người nghĩ rằng tôi đã mưu mô dụ dỗ Pao cưới tôi. Tôi đề nghị trả lại tự do cho Pao, tôi năn nỉ anh buông tha cho tôi đi, tôi chẳng đòi hỏi gì cả, chỉ xin được đi thôi. Nhưng anh nhất định không chịu. Tôi la: “Anh thật là khó hiểu, nếu anh cho tôi là đứa khốn nạn, thì tại sao anh không buông tôi ra?”. Nhưng anh lại không muốn vậy.

Tôi thờ thẫn trong làng Nanyu, leo đồi nhìn các người dân làm việc, để xa lánh các nghĩa huynh “độc ác” và các bà vợ tạm thời của họ. Trong làng có thợ mộc, thợ may, thợ nề, phu vác đồ, phu gánh nước, tôi trò chuyện với người bồi trẻ đã tận tâm giúp đỡ cho đời sống chúng tôi được dễ chịu, và với ông già nặng nề, chậm chạp vừa quét sân vừa hát nho nhỏ trong miệng:

“Đứng lên đi, các bạn không chịu đời nô lệ, cùng nhau đem xương máu ra, xây dựng trường thành của chúng ta’’. 

Tôi nhìn những người sửa đường ngồi đập từng đống đá sỏi, tiếng búa vang trong không khí ấm áp trong trẻo. Họ không chế giễu tôi, chỉ liếc ngó tôi rồi tiếp tục làm việc, tôi không có cảm tưởng rằng họ ghét tôi. Mà những bài họ hát không phải là thứ mà các “nghĩa huynh” ưa. Khi tôi trở về khách sạn thì các bà vợ sĩ quan đương chơi mạt chược ngó trừng trừng tôi, khạc nhổ rồi cười ngạo.

Hôm sau vụ gây lộn dữ dội đó, Pao rất dễ thương. Ngày đó là ngày thứ bảy, nhân buổi chiều vàng, chúng tôi nắm tay nhau đi dạo mát. Tôi chỉ còn hơi tê mê một chút, nhưng rồi bản chất tôi uyển chuyển, thắng được, quên được, như một vết thương đã kín miệng, lên lớp da non mềm mại. Tôi không rầu rĩ, trầm tư nữa, đời có biết bao điều để học, bao việc phải làm và tôi muốn tiếp tục tiến tới hoài. Nhưng ít hôm sau, lại gây lộn trở lại, còn lâu hơn, tệ hơn nữa. Rồi lại hòa được. Pao ủ dột bảo rằng sắp phải từ biệt tôi để đem quân ra mặt trận. Anh chua xót nhận rằng đã thua, phải bỏ cuộc thôi. “Hết lính rồi”.

Ở Nanyu có một cuộc hội nghị quân sự quan trọng…  ‘‘chưa biết lúc nào, anh sẽ phải ra mặt trận” – Anh Pao nói vậy – và lòng tôi lại nhiệt thành hướng về anh, vị anh hùng đau khổ vì tổ quốc đã bại trận, mang nhục… Một người đàn ông trẻ như vậy, tốt như vậy, cương quyết như vậy thì có lỗi gì tôi cũng bỏ qua được hết. Ảnh cộc cằn một chút, cái đó có quan trọng gì? Biết bao người đã đau khổ trong khi tôi sống sung sướng ở Bỉ… còn cái sự mất tân thì đúng là lỗi của tôi, và chỉ riêng tôi có lỗi. Tại sao tôi không đợi cho tới khi gặp Pao rồi anh cưới tôi? Tôi sẽ gắng sức sửa lỗi, sẽ tỏ ra rất dễ thương, không bao giờ than thân trách phận.

Một hôm Pao bảo tôi nên trở qua Bỉ học tiếp. Bà Tưởng đã đọc diễn văn khuyên ai có thể xuất ngoại để du học, tự chuẩn bị sau này chiếm lại non sông ở trong tay địch thì cứ đi. Và nhiều người trong họ hàng bà đã qua Mỹ học rồi. Tôi viết thư cho bác Hers bảo rằng có lẽ tôi sẽ phải trở về Bruxelles để học vì Trung Hoa đã thua rồi. Pao bảo anh có lẽ cũng sắp được phái ra ngoại quốc để chuẩn bị kế hoạch, đợi ngày “phục thù”… Nhưng hai hôm sau lại không tính chuyện đi nữa, cả hai đều ở lại và đời sống lại tiếp tục… Cuộc hội nghị tối cao của các nhà chỉ huy quân sự càng diễn tiến thì tin tức thay đổi từng ngày và Pao, tùy theo các tin đồn chung quanh bộ tham mưu, mà mỗi ngày về nói với tôi một khác…

Rồi một cuộc khủng hoảng nữa xảy ra, sau lần chúng tôi đi chơi núi Tou-Yun Feng, ngọn núi cao nhất và thiêng nhất trong miền. Hôm đó trời thật đẹp, chúng tôi leo những bực đục trong đá, đã mòn vì lâu đời, lên thăm tịnh xá cất ở đỉnh núi. Không khí trong trẻo, lấp lánh, tới nỗi hơi thở mà nghe như tiếng hát. Chúng tôi đem theo một ít cam, vòm trời mênh mông càng về chiều càng xanh đậm, thăm thẳm hơn, cho tới khi bóng tối tím như nhảy múa đổ xuống triền núi. Mỗi lần nhớ lại cảnh đẹp đó, lòng tôi lại như bừng sáng lên.

Chúng tôi đi chung một bọn: có cô Lou, vị hôn phu của cô, thiếu tá Tchang, và vài ông bạn khác trong bộ tham mưu. Chúng tôi lên tới tịnh thất, ăn bữa cơm chay và nghe vị hòa thượng thuyết pháp. Suốt đêm đó, chúng tôi nghe gió rít trên đỉnh núi, sáng hôm sau dậy sớm nhìn cảnh mặt trời mọc, và lúc xuống núi chúng tôi gặp Tướng Phùng Ngọc Tường, phó chủ tịch Hội đồng quân lực ở dưới núi lên, có hai ông cũng dự hội nghị tối quan trọng đương họp lúc đó, và giữa hai cuộc họp, ông đi thăm cảnh núi.

Và bỗng nhiên Pao sa sầm nét mặt lại, trách móc thái độ của tôi. Tại sao tôi lại nói chuyện với hòa thượng, với các người đàn ông khác? “Thấy cô Lou đấy không, cô ấy không hề thốt một tiếng, rõ là trinh khiết”. Tôi cãi lại: Cô ấy ngủ với vị hôn phu của cổ – Pao quát tháo: Người ta sắp cưới nhau, và cô ấy sẽ không còn biết một người đàn ông nào khác (sau này mới biết lời đó sai: vị hôn phu của cô Lou đổi ý và cô cưới một người khác, và hai người rất sung sướng với nhau). Tôi phát khóc lên vì những lời trách móc đó, đúng lúc đó, một tiếng vù vù, mới đầu lầm với tiếng thác chảy, lần lần lớn lên, làm rung động không khí chung quanh và trên nền trời hiện lên lác đác vài phi cơ phóng pháo. Chúng tôi chạy kiếm chỗ núp trong khi chúng trút những trái bom lấp lánh như bạc xuống, làm cho hang núi vang dội tiếng bay véo véo và tiếng nổ của bom ầm ầm. Chúng tôi bò tới chỗ núp, một ông bạn núp trong một cầu tiêu công cộng nhỏ. Khi các phi cơ bay đi rồi, nhìn xuống thấy một đám bụi và khói phủ làng Nanyu như một chiếc khăn liệm màu đen. Ngôi chùa rộng dùng làm trung tâm huấn luyện quân sự bị bom dội trúng: nóc ngói vàng tan từng mảnh, cây cối gãy đổ, xác người ngổn ngang, bụi tỏa mù mịt trong một khu rộng, tiếng rên la, gào thét vang lên bất tuyệt trong khi chúng tôi đi xuống khỏi đường dốc mà tiến tới cửa trước ngôi chùa. Không kịp suy nghĩ, tôi buột miệng nói ngay: “Chúng ta có thể tiếp tay khiêng các người bị thương”. Pao quay lại, nổi giận tím mặt lại: “Điên hả… một người đàn bà có đức hạnh không đâu bỏ chạy như vậy?… Thích đàn ông tới cái mức đó ư?… Phải rờ mó đàn ông thì mới chịu được hả?… Muốn chạy theo họ hả?… địa vị của mày là ở bên cạnh tao này, là săn sóc cho chồng… cho chồng mày, nghe chưa?”.

Chúng tôi trở về khách sạn. Một trái bom nổ làm cho ngôi nhà rung rinh và mặt sàn căn phòng chúng tôi la liệt những mảnh vụn. Tôi tìm được cây chổi, lo quét dọn, Pao nằm phịch xuống giường, một lát sau mới ra. Tôi gạt tàn bấc đèn dầu và nghe thấy trong các phòng bên tiếng chơi mạt chược lách cách và tiếng la, tiếng cười của các bà…

Hôm sau, người ta chỉ bàn tán về tin bộ Tổng tham mưu đã dời xuống Quế Lâm trong tỉnh Quảng Tây, nơi đó an toàn hơn Nanyu. Thế là hội nghị quân sự giữa chừng bỏ dở.

Ngày 12 tháng 11, một phần lớn thị trấn Trường Sa (Tchengsa) bị tiêu hủy không do quân Nhật mà do chính Quốc Dân đảng. Họ theo chính sách “tiêu thổ” lần lần, vô lý, điên cuồng, phá phách một cách vô ích, tới đâu gây cảnh tan hoang khốn khổ tới đó, tai hại cho dân chúng hơn là cho quân thù. Vì vậy mà mùa xuân năm 1938, do lệnh của Tưởng Giới Thạch, họ phá một khúc đê Hoàng Hà, để nước ùa vào đồng ruộng, mà ngăn chặn quân Nhật. Đã chẳng chặn được quân Nhật mà cả một miền bị lụt và một triệu dân chết đuối.

Rồi sau đó lại là một chiến thuật tàn phá nữa, vô ích mà không sao hiểu nổi về mặt quân sự. Tưởng lại ban lệnh đốt thành phố Trường Sa (Tchengsa), gần trọn thị trấn ra tro, hàng trăm người chết và hàng ngàn người khác mất chỗ che mưa đụt nắng. Sau này họ trút trách nhiệm cho một người tên là Sou Peiken, ông ta đã lầm lỗi nặng, đã đốt số xăng dự trữ ở phi cảng mà người ta chưa kịp dời đi chỗ khác. Tưởng Giới Thạch nổi cơn lôi đình: vì xăng cần cho phi cơ của ông để ông bay đi nơi này nơi khác, nên ông quý nó hơn sinh mạng con người. Sau Peiken bị cách chức, nhờ có Tang Tsung, nhân vật số 2 của cơ quan mật vụ, che chở, ông ta mới thoát chết. Các sĩ quan tham mưu sợ run lên, nhất là vì cơn thịnh nộ của Tưởng, họ tự hỏi nhau thống chế rồi đây có đem bắn bỏ vài mạng “làm gương” không, vì mất số xăng đó; Sou Peiken bị nhốt khám một ít lâu, nhưng sau này tôi gặp lại ông ta ở Trùng Khánh, béo phục phịch, mắt long lên và khạc nhổ ồn ào.

Thực ra Trường Sa (Pchengsa) bị thiêu hủy vì trong thành phố có một nhóm cộng sản hoạt động trong bóng tối, người ta đồn rằng mật vụ muốn giết Chu Ân Lai lúc đó đương ở Trường Sa. Cả miền đó đầy những quân du kích sống lẩn lút vì Trường Sa từ mấy năm nay là đại bản doanh bí mặt của đảng cộng sản. Và Mao Trạch Đông đã đào tạo cán bộ tại đó…

Lúc đó tôi không biết rằng cách Nanyu không xa, bên kia sông có Quận (?) Trà Lăng tại đó Mao Trạch Đông đã thành lập Ủy Ban hành chánh đỏ đầu tiên. Khỏi Trà Lăng là ngọn núi Tsin Kang Chan, nơi cộng sản đã thành lập căn cứ đầu tiên tháng 10 năm 1927. Vậy ông lão quét khách sạn có hát khúc:

“Đứng lên đi, những ai không chịu đời nô lệ…” thì cũng không có gì lạ.

Tôi cũng không rõ cuộc hội nghị quân sự ở Nanyu có cái tầm quan trọng ra sao. Chính thức thì người ta tuyên bố rằng Tưởng đã quyết định “tiếp tục chiến đấu” nhưng lại có tin phong thanh rằng vẫn còn đàm phán hòa giải với Nhật.

 

Thượng Hải, Nam Kinh thất thủ rồi, tiếp theo là Vũ Hán và Quảng Châu, như vậy Quốc Dân đảng chỉ còn hai thị trấn quan trọng: Trùng Khánh và Tây An ở phía tây. Nhật đã chiếm trọn miền duyên hải. Đầu hàng chăng? Thương thuyết chăng?

Tưởng Giới Thạch cùng vợ, Fong Yu Hiang (Phùng Ngọc Tường), Tống Tử Văn, Khổng Tường Hi, Hà Ứng Khâm, khoảng mười hai bộ trưởng và sáu chục tướng lúc đó ở Nanyu, có nhiều lời đồn lắm nhưng chỉ có tin này là rõ rệt: họ luôn luôn đấu khẩu nhau. Tại sao bà Tưởng lại thúc giục tất cả những người nào có thể “trốn đi du học” được thì cứ đi? Tại sao Vũ Hán lại gần như đầu hàng mà không chịu chống cự, mặc dầu đã mộ 50.000 quân tình nguyện, đưa họ ra mặt trận mà không có khí giới, không có lương thực? Có đúng rằng “sống với Nhật còn hơn với Cộng” như vài “nghĩa huynh” đã nghĩ, như Pao đã tuyên bố một hôm khi trở về khách sạn không? Có đúng rằng chúng ta đã đàm phán về hòa bình với Nhật không?

Pao không chịu cho tôi biết các tin tức một cách có liên tục, chỉ tuyên bố những câu tổng quát như: “hết thảy chúng ta phải chết vì tổ quốc, anh sẵn sàng rồi”. Như vậy có nghĩa là phe các quan lớn trong Quốc Dân đảng muốn điều đình với Nhật không thắng thế được rồi, mà Phùng Ngọc Tường đã cương quyết đòi tiếp tục chiến đấu. Nhưng, mặt khác, khi Pao bảo: “Thà sống với Nhật còn hơn sống với Cộng”, thì có nghĩa là phe muốn điều đình đã lấn bước. Và những điều kiện Nhật đưa ra bắt buộc ta chấp thuận sẽ làm cho Trung Hoa vĩnh viễn nô lệ Nhật dưới chiêu bài “liên minh chống cộng”. Tôi cảm thấy rằng dân tộc Trung Hoa muốn tiếp tục chiến đấu, không nghĩ tới chuyện nhận một sự “hòa giải” với Nhật, tôi nói với Pao như vậy, anh cười rộ: “Biết cái gì mà nói?”. Tại sao không lo việc nội trợ mà cứ xen vào chính trị?”.

Rồi anh thuyết giáo về sự vô luân, thiếu đạo đức của tôi: “đàn bà không có tài thì mới có đức. Coi trong lịch sử đó. Mỗi lần một người đàn bà lên cầm quyền là đế quốc sụp đổ”.

Ngoài cơ quan quân sự chính quyền Quốc Dân đảng, ở Nanyu còn có Uông Tinh Vệ, con người tài danh nhưng âm hiểm lúc đó giữ chức Phó Tổng thống. Uông mới đầu là một sinh viên cách mạng, năm 1909 liệng một trái lựu đạn vào nhiếp chính vương nhà Thanh, khi cách mạng 1911 phát sinh, Uông theo Tôn Dật Tiên, có người nói rằng chính ông ta sửa soạn và thảo một số diễn văn cho Tôn, và Tôn đã đọc lời di chúc cho ông ta chép, do đó, khi Tôn mất năm 1925, ông ta thành “môn đệ thân tín” của Tôn. Ông ta chống quyền hành quân sự mỗi ngày mỗi tăng của Tưởng Giới Thạch, cũng là môn đệ của Tôn, lý do chỉ vì tham vọng cá nhân chứ không phải vì nguyên tắc, đường lối. Trong những năm 1920-1929, ông theo tả Đảng trong chính quyền Quốc Dân đảng ở Vũ Hán chống cuộc đảo chánh quân sự của Tưởng tháng ba và tháng tư 1927. Sau các cuộc tàn sát do Tưởng tổ chức ở Thượng Hải và vài thành phố khác, Uông đầu hàng và cũng dự vào việc diệt cộng, thành ra chống cộng còn hăng hái hơn đa số bạn đồng liêu trong phe hữu nữa. Vì tham vọng cá nhân, ông ta luôn luôn âm mưu, trù tính gian kế. Tụi Nhật lúc đó chuẩn bị chiếm Trung Hoa, vuốt ve ông, ông thích lắm, vốn có tính hoạt đầu, ông ta dám cho rằng Tôn Dật Tiên hồi sinh thời đã hoạt động cho cuộc “liên minh Hoa-Nhật”.

Năm 1938-39, chính quyền Nhật trình bày thuyết “khu thịnh vượng chung ở Châu Á”, trong đó Nhật và Hoa liên hiệp với nhau cai trị Châu Á sau khi đuổi hết tụi da trắng đi rồi. Uông chấp nhận thuyết đó và tới Nanyu dự cuộc hội nghị để bênh vực quan điểm của mình với Nhật.

Tháng 10 năm 1938, quân Nhật muốn ngưng chiến trên khắp các mặt trận Trung Hoa trong khi họ chuẩn bị chiếm Đông Nam Á, sau khi Vũ Hán và Quảng Châu thất thủ, họ muốn củng cố quyền hành ở các miền đã chiếm, và nếu trong thời gian không hoạt động về quân sự đó, họ có thể vận động kéo Trung Hoa vào hàng ngũ của họ thì cái mộng làm bá chủ Châu Á của họ gần như thực hiện được rồi. Nhưng bọn quân phiệt Nhật đòi cho cuộc  ‘‘hòa giải” đó một giá quá cao, cao tới nỗi Trung Hoa mà chấp nhận thì không khác gì đầu hàng không điều kiện, và mặc dầu Uông Tinh Vệ, Hà Ứng Khâm và nhiều người khác hăng hái tán thành, Tưởng Giới Thạch nhận thấy rằng chấp nhận những điều khoản đó thì thế nào cũng bị lật đổ. Phùng Ngọc Tường bảo Tưởng rằng không khi nào dân Trung Hoa chịu chấp nhận những điều kiện của Nhật.

Vì dân Trung Hoa tận lực cổ vũ, ủng hộ cuộc chiến tranh kháng Nhật này. Ngay Tưởng, trong các diễn văn cũng phải tuyên bố theo giọng của Mao Trạch Đông. “Chiến tranh này là chiến tranh của dân Trung Hoa… là một cuộc chiến tranh của nhân dân”. Những quân tình nguyện bảo vệ các thị trấn quả thực là tự ý tới, không phải do Quốc Dân đảng, hoặc Mặt Trận Thống Nhất (có khuynh hướng cộng sản) vận động, thúc đẩy. Trung Hoa thành ba miền: Mãn Châu (từ 1931 gọi là Mãn Châu Quốc, ở dưới quyền kiểm soát của Nhật), Hoa Bắc và Hoa Nam, như vậy quân Nhật sẽ chiếm đóng đảo Đài Loan, Tưởng bảo: “Như vậy thì tôi sẽ lưu xú muôn năm” – “Nhật Bản đòi những điều kiện hoàn toàn vô lý”. Và một số tướng đồng ý với ông. Trong tất cả các cuộc thương thuyết đó, Tưởng phải kể tới mặt trận ở phía Tây Bắc, mặt trận kháng Nhật của Cộng sản mà trung tâm ở Diên An.

Cuộc kháng chiến đó tiếp tục, vững vàng, kèm thêm một cuộc cãi cách xã hội, được dân chúng làm hậu thuẫn. Nếu Tưởng có vẻ đầu hàng Nhật thì Mao chứ không còn ai khác nữa, sẽ xuất hiện, thành niềm hy vọng duy nhất, vị cứu tinh của Trung Hoa.

Quân chánh quy Quốc Dân đảng đã hoàn toàn thất bại. Tháng chạp năm 1937, Tưởng ra lệnh chống cự ở Nam Kinh, và chỉ duy có lần đó, ông tung ra mặt trận những đoàn quân thiện chiến nhất của chính ông, mà bị tiêu diệt. Sau khi Nam Kinh thất thủ, ông không muốn đưa quân của chính ông ra nữa. Tháng 10 năm 1938 ở Vũ Hán, ông lại ra lệnh phải chống cự, nhưng thị trấn đó đã đầu hàng… Bây giờ đây quân Nhật chiếm hết miền duyên hải, các đường xe lửa, các thị trấn lớn, trừ những tỉnh cực tây và những căn cứ của Hồng quân.

Trên mặt trận cộng sản, người ta dùng một chiến lược khác: chiến tranh du kích, chiến tranh hao mòn do Mao Trạch Đông vạch ra quy tắc. Ở Tây Bắc, mùa thu 1937, Lâm Bưu thắng được trận quan trọng nhất ở Pin Hing Kuouan, trong giai đoạn đầu của chiến tranh. Cuộc đại thắng đó làm thay đổi diễn tiến của chiến tranh ở Hoa Bắc, vì chặn được quân Nhật vô miền Tây Bắc mà bảo vệ được một miền mênh mông, đồng thời tạo được một căn cứ cho kế hoạch dài hạn len lỏi vào hậu tuyến Nhật. Mãn Châu sau này thành ra khu chiến lược chủ yếu trong cuộc nội chiến ở Trung Hoa cuối thế chiến thứ nhì, năm 1945.

Cuối năm 1938, Diên An, căn cứ chính của Hồng quân, không phải chỉ là một tiền đồn mà thôi, nó đã thành một ngọn đèn rực rỡ, tỏa tinh thần ái quốc nồng nhiệt thu hút các sinh viên, các nhà trí thức khắp nơi ở Trung Hoa. Nếu Tưởng nhượng bộ Nhật thì nhất định là uy tín của Diên An sẽ lôi cuốn toàn dân Trung Hoa.

 

Ngày mùng 7 tháng 7 năm 1937, Nhật thấy sức kháng cự của Trung Hoa mạnh lên, bèn tấn công Lư Câu Kiều, cách Bắc Kinh khoảng mười cây số. Đạo quân 29 tự ý phản công liền, trong khi Tưởng ở một nơi trong miền núi, do dự luôn mấy ngày, thảo luận với các công chức và quân nhân cao cấp xem nên đánh hay không. Nhưng tại Diên An, căn cứ cộng sản, mọi người đã bị động viên để kháng chiến, và khắp Trung Hoa, dân chúng hô hào phải viện trợ thật nhiều cho đạo quân 29, và đòi thành lập một mặt trận thống nhất với Hồng quân ở Diên An. Lần này quân đội Trung Hoa kháng Nhật sẽ không để cho chính viên tổng tư lệnh của họ, Tưởng Giới Thạch, phá ngầm như những năm 1931-32, 33 nữa, ngày 17 tháng 7 Tưởng đưa ra một báo cáo gồm bốn điểm, bảo rằng đã tới “giai đoạn cuối cùng” Trung Hoa phải “chiến đấu tới cực độ nếu không thì vĩnh viễn bị tiêu diệt”. Mao Trạch Đông cho rằng đã từ mấy năm nay mới nghe được Tưởng tuyên bố một lời hợp chính nghĩa về mặt ngoại giao. Nhưng mãi tới ngày 22 tháng 9, nguyên tắc Mặt trận Thống Nhất mới được phê chuẩn, mặc dầu Cộng sản đã đề nghị từ một năm trước và toàn thể dân tộc Trung Hoa đều hưởng ứng. Tháng 8 năm 1938, Hồng quân tổ chức lại thành đệ Bát lộ quân gồm 40.000 người, mà 30.000 người rời Diên An để đi đánh Nhật.

Vậy là hai lực lượng bề trong chống đối nhau, đã cùng nhau kháng Nhật. Lực lượng thứ nhất là Hồng quân do Mao Trạch Đông thành lập, đã được cuộc Vạn lý trường chinh[2] tôi luyện, và từ khi quân Nhật xâm chiếm Mãn Châu, đã thành cái biểu tượng mỗi ngày mỗi lớn của tinh thần đoàn kết, thống nhất, tinh thần kháng Nhật và cải tạo xã hội.

Còn lực lượng kia là chính quyền Tưởng Giới Thạch xây dựng trên Quốc Dân đảng. Một đám chủ ngân hàng, chủ điền, và quân nhân do hoàn cảnh đoàn kết với nhau thành một thứ bá quyền có rất nhiều quân đội và một tổ chức mật vụ mỗi ngày mỗi mạnh.

Ngay từ buổi đầu đã có hai mặt trận và hai chiến trường. Hai đạo quân đương đầu với bọn Nhật xâm lăng ở nhiều nơi, mỗi đạo quân hoạt động theo một lối, theo tổ chức, truyền thống chính trị cùng kinh nghiệm chiến đấu của mỗi bên. Tới cuối chiến tranh, vẫn còn hai đạo quân, hai mặt trận, hai chiến trường, nhưng sự quân bình về uy lực đã thay đổi, nghiêng về phía Hồng quân hơn là về phía Tưởng.

Khẩu hiệu của du kích đỏ là: “Len lỏi vào trong hậu tuyến địch, phá đường giao thông, tổ chức đại chúng, huấn luyện cho họ có ý thức về chính trị, để cho du kích quân sống được trong dân chúng như cá trong nước, mà địch không dám tin cậy ai nữa”. Tập luận về chiến tranh trường kỳ kháng Nhật do Mao Trạch Đông viết, chứa tất cả những nguyên tắc chiến lược và chiến thuật áp dụng để chống Nhật từ 1937-1945.

Cuộc thắng trận của Lâm Bưu ở Ping Hing Kouan chẳng những mở đầu cho cuộc xâm nhập của quân du kích và cuộc nhân dân kháng chiến ở sau lưng địch mà còn ngăn Nhật tiến vô miền Tây Bắc, lại củng cố mặt trận thống nhất, ít ra là bề ngoài: nhóm thân Nhật ở chung quanh Tưởng không thể đòi thương thuyết với Nhật nữa, các cán bộ đào tạo trong khu cộng được tung vào phía sau lưng địch, các nhà tổ chức quần chúng từ Diên An tủa vào các đồng quê để thành lập các hội nông dân, sinh viên, thương nhân, phụ nữ, thiếu nhi kháng Nhật, để tạo những đoàn thanh niên du kích và những đoàn quân tự vệ già và trẻ; như cá lội trong biển, chúng ta tự do đi đi lại lại giữa dân chúng: “chúng ta tổ chức huấn luyện dân chúng thì tự nhiên tụi phản quốc bị tiêu trừ, chúng ta dựa vào lòng dân”.

Từ tháng 10 năm 1938, Đệ bát lộ quân đã hoạt động mà làm cho hai mươi sư đoàn Nhật không tiến được nữa.

Nhưng mặt trận thống nhất vẫn bấp bênh. Tám tháng sau khi thành lập, tất cả các tổ chức thanh niên tiến bộ phải ghi tên, tới tháng 7 năm 1938, nhiều tổ chức lại bị cấm chỉ, tất cả các sinh viên bắt buộc phải nhất loạt chuyển qua Đoàn thanh niên Tam dân chống cộng, thành lập ngày 16 thảng 6. Tưởng Giới Thạch đọc một diễn văn về “Trách nhiệm của Thanh niên Trung Hoa”. Bộ Giáo dục quyết định rằng các sinh viên đại học là những nhân tài rất quý cho quốc gia không thể đem hy sinh phí phạm cho chiến tranh mà phải “để dành sau này dùng vào việc kiến thiết quốc gia”. Sự thực đó chỉ là chính sách động viên thanh niên để chặn ảnh hưởng cộng sản.

Giữa tháng 10 năm 1938, Chu Đức, Tổng Tư lệnh Hồng quân, cùng với Chu Ân Lai bay lại Vũ Hán đề nghị “thực hiện kế hoạch Mặt trận thống nhất một cách tốt đẹp hơn. Tưởng Giới Thạch đòi cho Hội Đồng quân lực của ông ở Trung ương có quyền kiểm soát Hồng quân, nhưng cuộc đàm phán không có kết quả.

Tháng 11 năm 1938, Mao Trạch Đông hay tin Quốc Dân đảng muốn phản bội, không cho Mặt trận thống nhất thành một tổ chức hữu hiệu, bèn đọc một diễn văn nổi danh nhấn mạnh vào sự cần thiết phải thận trọng võ trang: “Từ năm 1911, tất cả bọn quân phiệt đều coi quân đội như sinh mạng của họ là chú trọng vào quy tắc này: kẻ nào nắm được quân đội là nắm được quyền hành. Tưởng Giới Thạch cũng coi quân đội như sinh mạng ông ta. Ông ta tạo một đạo quân trung ương lớn lao với mục đích phản cách mạng… Ông ta trung thành với quy tắc căn bản, nắm được quân đội là nắm được quyền, và chiến tranh quyết định được hết thảy… Về điểm đó, ông đã cho chúng ta một bài học. Đây là then chốt của vấn đề: nội chiến và diệt Cộng hay tiếp tục kháng Nhật? Tháng 11 năm 1938 ở Nanyu, nhiều người tán thành phải chống Cộng trước hết, hòa giải với Nhật thành lập một liên minh Hoa Nhật diệt Cộng. Hà Ứng Khâm và Uông Tinh Vệ lập lại thuyết của bọn quân phiệt Nhật, bảo rằng: “Một trăm năm nữa, Nhật Bản và Trung Hoa sẽ đoàn kết, chỉ còn là một quốc gia và chúng ta sẽ thực sự làm chủ Châu Á”. Trước hai chủ trương trái ngược nhau đó, Tưởng theo một chính sách bề ngoài là tiếp tục kháng Nhật, nhưng sự thực thì chuẩn bị cho một sự quốc tế hóa chiến tranh, để được hưởng cái lợi chiến thắng mà đồng thời Hồng quân sẽ mệt mỏi. Tưởng sẽ diệt được căn cứ Diên An của Mao Trạch Đông…

Do đó có khẩu hiệu “đổi không gian lấy thời gian’’ nghĩa là bề ngoài tiếp tục chiến đấu mà vẫn không bỏ hắn các cuộc thương thuyết với Nhật, đồng thời ngăn không cho Hồng quân lớn mạnh lên.

Ngày 12 tháng 11 ở Nanyu, người ta quyết định như vậy.

Hôm sau, Tưởng và vợ bay vô Trùng Khánh “kinh đô của Trung Hoa tự do”, theo sau là các nhân viên cao cấp, còn Bộ tổng tham mưu thì ngày 14 ngồi xe lửa xuống Quế Lâm, từ đó sẽ tới Trùng Khánh sau. Thấy quyết định tiếp tục chiến đấu đó, tôi hăng hái, vui thích quá, viết: “Hễ còn một Trung Hoa đầy sinh khí (nói theo giọng Tưởng Giới Thạch) thì chúng ta không chịu thua sức mạnh… không gì thắng nổi chúng ta… và Trung Hoa sẽ còn được tự do”.

 Tôi đâu có biết rằng lời thách đố đó chẳng có gì là anh dũng cả, trái lại chỉ là những tính toán kỹ lưỡng, những bội tín khéo sắp đặt… Niềm vui của tôi là một ảo vọng, mà đa số nhưng người thành thực tin rằng Tưởng có ý kháng Nhật thật, càng vỡ mộng như tôi.

Đề nghị hòa giải với Nhật mà không thành, Uông Tinh Vệ[3] cũng tới Trùng Khánh. Ở dưới bóng của Tưởng Giới Thạch, ông ta chẳng có nhiệm vụ nào cả. Tháng chạp năm 1938, ông ta được phái đi diễn thuyết ở trường Võ bị Côn Minh, người ta cho ông sử dụng một phi cơ. Tai Lee, thủ lĩnh tổ chức “Sơ-mi-lam” và cố vấn của Tưởng, ra phi trường tiễn Uông. Uông thấy cơ hội tốt quá để trốn thoát bằng phi cơ. Ông thoát khỏi Côn Minh tới Hà Nội. Tưởng phái mật vụ tới Hà Nội để ám sát Uông, nhưng chỉ giết được viên bí thư của Uông. Từ Hà Nội Uông tới Thượng Hải, được quân Nhật tiếp rước trọng thể, và năm 1940 đưa lên hàng tổng thống một chính phủ Hoa Nam dưới sự kiểm soát của Nhật, kinh đô ở Nam Kinh. Nhật còn một tên bù nhìn nữa. Ying Jou-keng, tổng thống một chính phủ Hoa Bắc, kinh đô ở Bắc Kinh, còn Mãn Châu thì từ năm 1934, Nhật đã biến thành một quốc gia tách ra khỏi Trung Hoa, đón Phổ Nghi, ông vua cuối cùng của nhà Thanh bị cách mạng 1911 truất ngôi, cho làm hoàng đế Mãn Châu quốc.

Vài nhà quan sát Âu Tây cho sự “trốn thoát của Uông Tinh Vệ là một mưu kế, một thủ đoạn của Tương Giới Thạch đưa Uông qua với bọn Nhật để Uông mang cái danh ô nhục là phản quốc… Đời Uông Tinh Vệ, một con người hoạt đầu có tài mà vô sỉ, từ đó kể như là hết. Có một tấm hình chụp hắn được tướng Nhật Toyama tiếp và giao cho một thanh gươm. Trong buổi lễ đó, hắn vận lễ phục Âu, đội một cái nón nỉ cao và đeo găng trắng.

 

Trong ba năm sau, mặt trận do quân của Tưởng Giới Thạch đóng, được yên tĩnh, cho tới năm 1944, không có cuộc đại tấn công nào của Nhật, chỉ là những trận nhỏ đánh vào các đội dân địa phương, và chắc chắn là không hề có mặt cuộc xáp chiến nào giữa một đạo quân hơi quan trọng của Nhật và những sư đoàn được bảo vệ rất kỹ của Tưởng. Quân Nhật đem phần lớn lực lượng lên mặt trận của Cộng mà căn cứ lớn là Diên An.

Từ đầu năm 1939, Quốc Dân đảng không tiếp tế khí giới, tiền bạc, quân nhu cho Đệ Bát lộ quân của Cộng sản như đã ghi trong hiệp ước. Năm 1935, Tưởng đã bổ nhiệm Hồ Tôn Nam, một sĩ quan ông cho là có tương lai nhất lên tỉnh Cam Túc ở miền Tây Bắc. Năm 1937, Hồ Tôn Nam được quyền cai trị cả miền Tây Bắc và từ năm 1939 đến 1945, Hồ dựng một hệ thống vĩ đại, phong tỏa Diên An, gồm hầm, hào, hàng rào dây kẽm gai, đồn lũy, không khác chiến lũy Maginot (của Pháp trước thế chiến thứ nhì). Những khí giới tốt nhất, những sư đoàn thiện chiến nhất (500.000 quân) và bao nhiêu đồ tiếp tế tốt nhất do Nga Sô rồi Mỹ sau này gởi qua, đều dành cho Hồ Tôn Nam hết để chuẩn bị cuộc chiến duy nhất mà Tưởng thực tâm muốn phát khởi, là cuộc chiến tranh diệt Cộng, quân của Hồ tuyệt nhiên không giao chiến với Nhật.

Cuộc hội nghị Nanyu, thảo kế hoạch dài hạn đó phải giảm bởi các cấp bậc đi cho bớt kềnh càng. Do đó mà nhưng sĩ quan trẻ cựu sinh viên Hoàng Phố, những nhân viên mật vụ và bọn Sơ-mi-lam được lên cầm quyền và những người như Pao được thăng chức rất mau.

Chiến dịch thanh toán những phần tử tiến bộ lại tiếp tục trở lại. Đầu năm 1939, người ta khai trừ một số nhân viên trong Cục bộ chính trị của Hội Đồng Quân Lực quốc gia, trước kia tạo ra để “hợp nhất” tất cả các người ái quốc. Phòng Ba, tức Phòng Tuyên truyền, trước dùng vài nhà trí thức phe tả như Quách Mạt Nhược, bây giờ bị dẹp. Chu Ân Lai, đại diện cộng sản liên lạc với Hội đồng Quân lực, bị tước hết chức vụ thực sự. Người ta thảo nhưng chỉ thị mật về cách cô lập bọn phản quốc có tư tưởng nguy hại. Người ta lục soát trở lại các tiệm sách… Tháng ba năm 1939, vài sĩ quan của Đạo quân số 4 mới thành lập (Cộng sản) bị bắt và chôn sống… ở Tứ Xuyên, có những gia đình sĩ quan cộng bị mật vụ giết… Sự kiểm duyệt mỗi ngày mỗi thêm nghẹt thở, báo chí bị khớp mỏ. Từ đó trở đi, Mặt Trận Thống Nhất hữu danh mà vô thực.

 

Vậy là Tưởng theo chính sách tạm thoả hiệp, nhượng bộ Nhật hy vọng được các cường quốc phương Tây viện trợ, lung lạc các nhóm chỉ huy, dùng quyền lợi tài chính trước mắt mà diệt Cộng trong một cuộc nội chiến.

Tháng chạp 1938, Cộng sản đã thành lập được vài căn cứ kháng Nhật quan trọng ở miền Bắc và hai căn cứ phụ ở Hoa Bắc sau cuộc chiến thắng của Lâm Bưu ở Bình Hình Quan, hai căn cứ rộng lớn được thành lập ở Sơn Tây và trong dãy núi Đại Hùng.

Ở Hoa Trung, căn cứ của đạo quân thứ tư, đã bắt đầu hoạt động.

Ở Hoa Nam, sau khi Quảng Châu thất thủ (tháng 10 năm 1938) họ thành lập một đội du kích chống Nhật, tức đội quân Châu Giang. Thành phần cốt cán gồm những du kích quân mười một năm trước, năm 1937, đã dự vào những cuộc chiến đấu của thị xã Quảng Châu trong những ngày mà Chu Ân Lai, Yeting, Chu Đức và vài người khác đã can đảm chống cự những kẻ thù đông hơn nhiều. Quốc Dân đảng đã trả thù vụ đó một cách rùng rợn, vậy mà một số chiến sĩ Quảng Châu cũng trốn thoát, ẩn náu được, bây giờ họ tái xuất hiện, họp với các sinh viên, thợ thuyền, các người Trung Hoa hải ngoại hồi hương do ngã Hương Cảng, thêm một số quân Quốc Dân đảng trụ lại sau (khi Quảng Châu đã bị Nhật chiếm) và một số người tình nguyện, ngay ở Quảng Châu nữa. Họ đào những khí giới đã chôn cất lên, cướp khí giới của bọn lýnh đào tẫu và thành lập đội du kích Châu Giang. Mới đầu họ chỉ có tám cây súng dùng được làm cho tụi Nhật không lúc nào được yên. Tới cuối năm 1939, họ đã giải phóng được một khu gồm 200.000 dân.

Một nhóm Cộng thành lập ở đảo Hải Nam và duy trì được tới hết chiến tranh. Sau khi quân Nhật chiếm đảo đó ngày 10 tháng 2 năm 1939, nhóm đó bị thiệt hại, nhưng không bao giờ ngưng chiến đấu.

Từ 1939 đến năm 1945, hai phe, hai chủ trương (Quốc Dân đảng và Cộng sản) tranh nhau quyết liệt phần thắng. Và chiến tranh nhân dân thực hiện được những thành tích phi thường: dân chúng được động viên, huấn luyện, có ý thức về chính trị, đã như nước với cá – du kích – hết thảy, đàn ông, đàn bà, trẻ con đều thành những chiến sĩ và họ đã thắng.

Thời đó có một bài hát đề cao sức mạnh của du kích quân như sau:

Chúng ta đều là tay thiện xạ,

Mỗi viên đạn trúng một tên địch.

Chúng ta là một đạo quân có cánh,

Không sợ núi cao sông sâu.

Trong rừng rậm, khắp nơi,

Chỗ nào cũng ẩn nấp đồng chí

Trên các ngọn núi cao cheo leo,

Có vô số anh em của chúng ta.

Chúng ta không có thức ăn quần áo,

Thì đã có địch cung cấp cho chúng ta.

Chúng ta không có súng đạn,

Thì đã có địch chế tạo cho chúng ta dùng.

Chúng ta sinh đẻ trên đất này,

Mỗi tấc đất là của chúng ta.

Kẻ mào muốn lại xâm chiếm.

Thì chúng ta sẽ kháng cự tới cùng.

Nhưng không có một bóng dáng du kích quân nào cả khi đoàn tham mưu của Tưởng Giới Thạch rời Nanyu trong cảnh hỗn độn, lúng túng, bề bộn dụng cụ, đồ đạc, văn thư, quần áo, đùm đề gia đình gồm mấy trăm phụ nữ (trong số đó có tôi). Thật là một đám cồng kềnh, lộn xộn, léo nhéo chạy tán loạn. Hôm nay, tôi còn nhớ tới những người ở lại, nhớ còn rõ hơn là nhớ những tướng tá, tôi nhớ người bồi trẻ giúp đỡ chúng tôi, rất ân cần mà rất ngây thơ, nhớ ông lão ít ngây thơ hơn, vừa quét sân vừa hát: “đứng lên đi…”. Có thể họ ở trong đoàn du kích. Tôi mong rằng năm 1944, khi quân Nhặt tiến vô Nanyu thì họ thành du kích quân.

Chú thích :

[1] Luật sư Bỉ, tình nhân cũ của tác giả.

[2] Năm 1934, phe cộng bị Tưởng tấn công, phải bỏ Giang Tây chạy lên Thiểm Tây. Cuộc triệt thoái đó kéo dài non một năm, vượt 12.000 cây số, qua 11 tỉnh, sau cùng đầu năm 1936 họ lập chính phủ ở Diên An, cuộc triệt thoái đó trong sử gọi là cuộc “Trường hành” hoặc “Trường chinh”.

[3] Còn gọi là Uông Triệu Minh.