Tang Pao Houang là sản phẩm của giai cấp thống trị điền chủ – quân phiệt – phong kiến. Giai cấp phong kiến đó dùng chính sách quan lại mà cầm quyền ở Trung Hoa cho tới cách mạng 1949.
Nay từ khi đặt chân lên Hương Cảng, Pao đã được hồi phục trong giai cấp của anh rồi, được giúp đỡ, che chở, hầu hạ, kính trọng. Bạn bè anh lại kiếm chúng tôi, có người mời ăn, có người sẵn sàng cho anh mượn tiền, dắt chúng tôi đi mua sắm. Tôi, trước kia chẳng ở trong một đoàn thể nào cả, sống cô độc, không giao du với ai, xa cách mọi người, bây giờ không còn cô đơn nữa, không phải thủ thế nữa. Không có một cảm giác nào thích thú bằng được gia nhập một đoàn thể, được chấp nhận. Mà tôi được vậy là nhờ Pao. Được yên ổn, khỏi thắc mắc nữa, lương tâm tôi trơn tru không còn luôn luôn lo lắng, khó tính như trước nữa. Vì tôi không biết chút gì về các cơ cấu giai cấp, nên tôi tưởng rằng toàn thể người Trung Hoa cũng vui vẻ chấp nhận tôi như nhóm của anh Pao lúc đó. Bây giờ tôi có thể hiểu được những hồi đam mê quyền rũ hạng người rán vượt lên khỏi thân phận thấp hèn – thực sự hay tưởng tượng của mình – để “tiến lên”, sau cùng “thành công”. Họ vui sướng làm sao khi không nén được những khoái cảm đó. Họ la lên: “Mình sẽ được hôn những tiểu thư, những bà lớn”, “Mình đã thắng”. Thời trước ở Trung Hoa có biết bao nhiêu thanh niên giảo hoạt sinh trong gia đình nghèo, được tuyển dụng để tăng cường quyền uy của giới quan lại cầm quyền! Và họ thành công tức là họ hoàn toàn phản bội vì kẻ bạo phát – còn hơn ai hết – dùng những đức và những tật của giới họ đã len lỏi vô được để củng cố thêm quyến thế cho giới đó.
Chính tôi cũng vậy, là nạn nhân của một âm mưu ngầm mà hồi đó tôi không hay. Pao là người Trung Hoa, tôi là vị hôn thê của anh, nên được Trung Hoa thừa nhận (hoặc tôi tưởng tượng như vậy), và tôi đã bỏ Châu Âu vì nước Trung Hoa chứ không phải vì một người nào. Đó là ảo tưởng lớn của tôi.
Chúng tôi đến Hương Cảng ngày mà ở Âu Châu người ta tuyên bố hiệp ước Munich, và các nhật báo Anh ở Hương Cảng chạy tít lớn, rầm rộ hoan hô “Thời chúng ta được Hòa Bình”. Tôi bảo: “Sang năm sẽ có chiến tranh ở Châu Âu”, Pao gật đầu, bảo: “Xong công việc rồi thì chúng mình rời Hương Cảng liền, không ở thêm một ngày nào nữa. Chúng mình sẽ lại Vũ Hán để cứu nước… Vị thủ lãnh ở đó, chúng mình phải lại đó hy sinh. Chúng mình sẽ kháng chiến tới cùng”. Khuôn mặt trẻ trung, nhẵn nhụi của anh nghiêm lại, dũng cảm, lạnh như đá, tin tưởng ở tương lai, tôi thấy lúc đó anh thật là cao thượng, anh hùng, vẻ vang. Tôi không nhận ra rằng lòng tận trung cuồng nhiệt của anh dâng riêng cho một người là Tưởng Giới Thạch, chứ không phải cho dân tộc Trung Hoa, nền giáo dục và giai cấp của anh tạo nên như vậy, anh trung với một Đảng có tính phong kiến chứ không thực là ái quốc, là hy sinh. Anh trái ngược hẳn với bọn người do dự, không dấn thân, nhút nhát ở lại phía sau. Mãi lâu về sau đối với tôi, anh vẫn tượng trưng cái hạng người cao quí nhất của Trung Hoa, vì anh ở Châu Âu về chiến đấu cho Tổ quốc, tôi mê anh vì vậy, và tôi sẵn sàng theo anh tới bất kể nơi nào, trước hết là tới Vũ Hán, nơi đương xảy ra trận đánh lớn nhất…
Trong mấy tuần sau, anh dạy tôi cái đạo “trung tín”, trước kia tôi chỉ có một ý kiến rất mơ hồ về Tưởng Giới Thạch, không có gì để ghét mà cũng chẳng có thiện cảm đặc biệt gì với ông ấy. Hồi nhỏ được nghe những chuyện mơ hồ về cách ông tàn sát đối thủ để chiếm quyền hành, làm cho tôi còn ngờ ông, nhưng rồi tôi sợ chế độ cộng sản, và trong ba năm ở đại học Bruxells, nghe kể những hành vi bạo ngược của Stalin tâm hồn tôi đã bị ảnh hưởng mạnh. Mặc dù Tưởng đã bao lâu nay không chịu kháng Nhật, nhưng bây giờ ông đã thay đổi thái độ rồi tượng trưng cho phong trào kháng chiến. Pao bảo tôi rằng không có bọn cộng sản chỉ gây rối hoài làm cho đất nước bị tàn phá; dân tình khốn khổ, thì Trung Hoà đã thịnh vượng, hùng cường rồi, rằng cộng sản muốn bán nước cho Nga, nhận lệnh của Moscou, chính vì vậy mà Tưởng phải tiểu phạt chúng trong mấy năm nay.
Cảnh nội loạn mà Tưởng không kháng Nhật và người ta buộc tội một cách bất công rằng ông đã chịu thua Nhật, sự thực ông chỉ muốn hoãn lại để củng cố thêm lực lượng. Theo Pao, chứng cớ hiển nhiên là năm 1932 ông đã đọc một diễn văn bí mật trước một số sinh viên sĩ quan được tuyển lựa, ở trường Võ bị Hoàng Phố trong đó ông đã tiên tri, phác họa chiến thuật đó. Sự thực toàn thể diễn văn đó có một lời tuyên ngôn nào chống Nhật đâu, chỉ lập lại ý định, sẽ mở một cuộc hành quân diệt cộng nữa để đàn áp những tiếng thì thầm phản đối ông ta ngay trong hàng ngũ Quốc Dân đảng, vì ông nhu nhược không chống lại những cuộc tấn công của Nhật mà tuôn vô số quân ra để diệt cộng. Nhưng lúc đó tôi biết gì đâu, tin ngay lời của Pao “chúng ta sẽ kháng Nhật tới cùng… Vị Tối cao thủ lãnh của chúng ta bảo vậy”. Giọng nói trẻ trung trong trẽo đặc biệt của Pao càng làm tôi tin rằng Tưởng là người duy nhất kháng Nhật.
Các nhật báo Trung Hoa ở Hương Cảng đều hò hét “Vũ Hán sẽ không đầu hàng”. Sau ba ngày chạy khắp các tiệm, và được bạn bè của Pao tiếp đón, chúng tôi nhờ một người mua giùm cho được giấy xe lửa, và chúng tôi chuẩn bị đi Vũ Hán, hi vọng rằng còn tới đó kịp, trận đánh lớn chưa tàn…
Suốt sáu ngày ngồi xe lửa từ Hương Cảng tới Vũ Hán, Pao tiếp tục huấn luyện tôi về đức dục:
- Tưởng thống chế, vị thủ lãnh của chúng ta, chép nhật ký. Bọn anh, hồi học Võ bị ở Châu Âu, không ai không có một nhật ký để ghi những tư tưởng của mình và cải thiện đức dục của mình. Em cũng phải tập chép nhật ký đi.
Anh lấy trong vali ra một tập vỡ mới (lúc nào anh cũng có sẵn một tập). Tôi viết tên của tôi lên tập, và anh chê chữ tôi xấu quá[1], bảo:
- Em viết như con nít vậy.
Tôi bực tức, đáp lại:
- Thì có ai dạy cho em viết đâu[2].
Và tôi định bụng sẽ có lúc nào rãnh là tập viết, nhưng lại tự hỏi ở giữa trận mạc sôi nổi, còn tập với tành gì được.
Ở Trung Hoa và Nhật Bản thời phong kiến, các nhà trí thức, các chính khách, các nhà cầm quyền đều chép nhật kí về tư tưởng, hành vi của mình[3]. Những tập nhật ký đó, ai đọc cũng được, để tỏ rằng người viết thành thực.
Hậu bán thế kỷ XIX, khi Trung Hoa phái những sinh viên đầu tiên xuất ngoại du học, người ta ra lệnh cho họ phái chép nhật ký, và mỗi tháng phải gởi cho viên thanh tra giáo dục ở tòa Đại sứ Trung Hoa tại nước họ du học. Sau cách mạng 1911, các sinh viên lơ là với lệ đó, nhưng riêng các sinh viên sĩ quan Hoàng Phố vẫn theo đúng, để bất kì lúc nào cũng tỏ lòng trung thành của mình đối với Đảng, giữ đúng đường lối của Đảng, không bị những “ảnh hưởng tai hại”, nghĩa là chính kiến không bị lệch lạc. Như vậy là cấm tuyệt mọi cuộc thảo luận. Tùy những điều kiện chép trong nhật kí mà người ta xét lòng “trung thành” của mỗi sinh viên, vì nhật kí sẽ được đem ra đọc – và Tưởng Giới Thạch cùng các sĩ quan trẻ trọng cái chữ “thành” đó vô cùng. Lệ đó còn được một số đảng viên cộng sản Trung Hoa giữ được, nhưng không chính thức và mấy năm gần đây còn thấy thi hành trong các trường đại học Trung Hoa và sau cùng, năm 1966, trong cuộc cách mạng Văn hoá, các lối giả dối do khuynh hướng rất phổ biến ở Trung Hoa xét người theo lời nói đó đương bị bãi bỏ
Tôi kiếm được rất ít cách ngôn “xưng tụng, kích động” để chép vô tập vở bìa xanh dương mà anh Pao đưa cho tôi. Trong mấy tháng sau, biết bao lần anh gắng sức một cách tuyệt vọng cố đọc nhật ký của tôi để tìm cách biện giải cho những lỗi lầm của tôi… mà không thấy một câu nào có giá trị, để anh tin rằng tinh thần của tôi đáng khen, việc đào tạo tính khí cho tôi mà anh cương quyết làm, đã thành công. Ngay từ buổi đầu anh đã quyết định rằng cái phần ngoại quốc trong con người tôi phải tận diệt mới được, mà muốn tận diệt thì phải trở về truyền thống phong kiến của đạo Khổng.
Trong tập nhật ký của tôi có những câu sáo, thật chán, miễn cưỡng lặp đi lặp lại tới nhàm lời chép của Pao: “Vâng lời là một đức quý… làm con phải hiếu trước hết…” Tôi phải chiến đấu với bản thân, tìm được những lý lẽ để tin chắc cái gì là thiện, cái gì là ác, thắng được cái xu hướng ương ngạnh lúc nào cũng hoài nghi, nó ở trong thâm tâm tôi, thuộc về bản ngã của tôi. Tôi phải làm sao thắng được những nhược điểm của tôi, sửa lỗi của tôi… Vậy mà, trên những mãnh giấy đó, tôi lại ghi những cái gì làm cho tôi thực xúc động như màu trời, cảnh nhà ga Yochow bị dội bom, ăn uống thiếu thốn, và tôi viết về dân chúng, về dân tộc Trung Hoa lạ lùng, bất diệt này, dắt dìu nhau tản cư ra khỏi những châu thành bỏ trống, bị dội bom, một dân tộc kiên nhẫn, luôn luôn bị chà dưới chân, có vẻ như hoàn toàn nhu thuận mà rốt cuộc thắng được hết thảy. “Em phải chép những ý nghĩa của em về chiến tranh, về vị Thủ lãnh của chúng ta chứ”. Tôi lí nhí phản kháng. “Nhưng chúng mình chưa ra trận mà, và em đã gặp thống chế lần nào đâu” (luôn luôn tôi tránh, không dùng tiếng Thủ lãnh, tiếng nó làm sao ấy!). Pao đáp: “Em ở ngoại quốc lâu quá… bây giờ em phải quyết định chỉ là người đàn bà Trung Hoa thôi, quyết định đó em chép lại đi… chép cái ý muốn thành một người đàn bà Trung Hoa chính cống, có đức hạnh…”.
Tôi nghe lời chép lại, hăng hái lắm, đầy thiện chí, và dĩ nhiên tôi muốn trở thành người Trung Hoa… cũng như anh cả tôi mấy năm trước đã muốn là người Trung Hoa… nhưng anh đã bỏ ý đó, còn tôi thì tôi sẽ không bỏ đâu. Dĩ nhiên tôi có muốn những tư tưởng cao thượng. Thế mà một mặc cảm tội lỗi len lỏi vào thâm tâm tôi. Một ý thức tội lỗi theo đạo Khổng, lại thêm cái ý thúc tội lỗi theo đạo Kitô, làm cho tôi nghẹt thở, đầu óc bị bao vây trong mấy năm, rồi sau toàn thân tôi tuyệt vọng vùng vẫy mới thoát ra được.
Nhưng chung quanh tôi là non sông Trung Hoa mênh mông, tuyệt đẹp, với dân chúng Trung Hoa, lực lưỡng mà khốn khổ, phá sản, bị rận chấy hút máu, bị giai cấp cầm quyền ngược đãi một cách dã man, nhưng vẫn cao thượng, đẹp đẽ khiến lòng tôi không thể không xúc động, vui vẻ, yêu quí họ, mà nhận ra rằng những đau khổ, lo sợ của tôi chẳng thấm gì cả so với luồng sóng khốn cùng ghê gớm mà họ kiên nhẫn chịu đựng đó.
Chính trong chuyến xe lửa về Vũ Hán, mà tôi bỗng thấy mình trở về với cái mùi, cái cảm giác của đất Trung Hoa; cái gì cũng quen thuộc với tôi, thân thiết với tôi và linh hoạt, sống động, đám dân chúng trong những nhà ga coi ghê tởm vì cái cánh ăn mày, người tị nạn, quân lính chỉ còn da với xương, vàng bủng vì sốt rét, đói quá, kiệt sức, lết không nổi để tiến ra mặt trận, trong một chiến tranh kẻ chết vì bệnh tật, vì bị ngược đãi lại nhiều hơn kẻ chết vì bom đạn; từ đầu này đến đầu kia của giang sơn mênh mông đó, dân chúng đâu đâu cũng mở lòng ra, rồi từ cánh đồng, mùi đất Trung Hoa xông lên, tôi đã tìm lại được tất cả cái đẹp rất nhân bản của đất đai đó, mà lòng tôi hồi hộp: tôi đã về quê hương.
Sau sáu ngày ngồi xe lửa chúng tôi tới Vũ Hán (gồm ba huyện: Hán Khẩu, Hán Dương, Vũ Xương), một thủ phủ hình tam giác nằm vắt qua con sông Cái (sông Dương Tử), nổi tiếng với hai cuộc cách mạng 1911 và 1926, thuở mà dân chúng bị bóc lột tàn nhẫn và ùn ùn nổi dậy, nơi mà hiện lúc đó, tháng 10 năm 1938, đương chống cự với quân xâm lăng Nhật. Khi thấy thị trấn anh dũng đó, thị trấn theo tin đăng trên báo sẽ kháng Nhật với bất kì giá nào đó, bị cái nạn tham nhũng nhớp nhúa làm cho thối nát, tan rả hoàn toàn, tôi đau xót biết chừng nào!
Vũ Hán, ngày mùng 9 tháng 10 năm 1938.
Thưa bác Joseph,
Rời Hương Cảng ngày mùng 3, cháu đã tới đây tối hôm qua, mùng 8. Chỉ có một lần mắc kẹt vì bị oanh tạc. Đời sống ở Hương Cảng đắt đỏ ghê gớm mà khắp Trung Hoa bây giờ nơi nào cũng vậy. Một phòng ngủ không có chút đồ đạc gì mà 75 đồng một tháng. Các khách sạn đều hết chỗ, hội Y.W.C.A[4] cũng vậy, đông nghẹt những người từ Trung Hoa tản cư tới, nhất là hạng người giàu. Chưa biết cháu sẽ ở lại đây hay đi nơi khác, đi nơi khác thì có lẽ hơn vì các dưỡng đường đã dời đi gần hết rồi. Vũ Hán thực là ghê tởm, thiên hạ chỉ nghĩ tới chuyện ăn chơi cho thoả thích thôi, ở đâu cũng thấy bán công khai những dụng cụ để ngừa thai… Hôm nay là chủ nhật, tết Trung thu, mà ngày mai lại là ngày lễ Song thập[5], cho nên ai nấy ăn uống linh đình… dù sao cháu cũng mừng được ở đây… tiếp xúc với mọi hạng người… cháu học hỏi được nhiều, về mọi mặt.
Pao và tôi đã tiêu gần hết 60 Anh bảng mà bác sĩ Hers đã cho tôi trước khi tôi đi: trả tiền khách sạn và mua bán lặt vặt: tới Vũ Hán chỉ còn khoảng 10 Anh bảng. Tôi đã quyết tâm làm việc trong một dưỡng đường, tự mưu sinh lấy, không nhờ cậy anh Pao nữa.
Buổi tối hôm tới đây, chúng tôi dạo mát, trăng tròn vành vạnh, dòng sông lấp lánh, nhiều gia đình đi thưởng trăng như không hề có chiến tranh. Anh Pao nói cho tôi nghe về thân phụ danh vọng của anh, và sau đó trong phòng ngủ, anh cho tôi coi một tấm hình anh bảo là hình thân mẫu anh. Tôi không nhận ra được vì ký ức tuổi thơ của tôi khác [6] và bây giờ tôi biết rằng anh đã nói dối, hình đó không phải hình thân mẫu anh, mà là hình một thị nữ của Thái Hậu Từ Hi. Anh bảo rằng thân phụ anh là bạn thân của Tôn Dật Tiên và làm cách mạng. Mà ông chú (hay bác) anh, Tướng quân Tang – chúng tôi sắp phải lại chào – thì cũng vậy. Hỡi ơi, thân phụ anh giàu sang quá mà trụy lạc, nghiện thuốc phiện, có mấy cô nàng hầu, và khuyên con trai đừng bắt chước mình.
Pao cho tôi hay rằng hồi còn là sinh viên, anh gia nhập một tiểu tổ cách mạng, bị cảnh sát vây bắt, anh trốn thoát… anh nhắc đến một giáo sư trẻ, nhút nhát, khiêm tốn, tốt bụng, một hôm bị bắt vì là cộng sản (thứ thực) rồi bị xử bắn…
- Dễ nhận được tụi Cộng sản: chúng có vẻ lương thiện, ôn hòa, hiếu học lắm, lúc nào cũng đọc sách… ngay cả trong đám sinh viên sĩ quan Hoàng Phố, chúng anh nữa, hễ thấy một anh chàng nào đọc nhiều sách quá, cơ hồ không có tật xấu nào cả, là chúng anh nghi ngờ… hắn chưa biết chừng là cộng sản đấy. Tụi cộng sản đóng trò như vậy để được lòng mọi người, sự thực chúng làm việc cho ngoại quốc… Vị thủ lãnh của chúng ta bảo rằng Trung Hoa có hai kẻ thù truyền kiếp: Anh và Nga… Rồi Pao ngó mặt trăng, vẻ mặt dữ tợn, như thể nhầm thấy trong cái vầng trắng đục mờ mờ đó hai kẻ thù kia muốn tấn công anh vậy.
Lúc đó tôi không biết rằng lời anh nói bóng nói gió về bọn cộng sản ham đọc sách đó, là nhắm vào tôi, trong nhiều năm, tôi phải lén lút đọc những sách mà anh không “lựa” cho tôi. Nhưng tháng 10 năm 1938, ở Vũ Hán, ngày tết Trung thu đó tôi chỉ nghĩ tới điều này là chúng tôi sắp làm lễ cưới và sẽ cùng nhau phục vụ Trung Hoa.
Trong cựu tô giới Anh, những ngôi nhà cao còn nguyên vẹn, xây bằng gạch theo một kiến trúc thực dân Anh, ngạo nghễ vươn lên nền trời trong trẽo, mát mẻ. Cờ và bảng treo biểu ngữ mắc vào tường hoặc giăng ngang đường phố với hàng chữ “Vũ Hán nhất định sẽ được bảo vệ”. Thấy đám đông dắt díu đàn trẻ vui vẻ và láo nháo, thấy cảnh thanh bình mênh mông này, con sông Dương Tử sóng bạc nhấp nhô dưới ánh trăng lòng tôi vững lại. Chắc chắn là Vũ Hán sẽ chống cự tới cùng. Ngày lễ Song thập, có duyệt binh, đoàn quân tình nguyện diễn qua trong tiếng trống tiếng kèn, dưới cờ và phướng, Tưởng Giới Thạch ra mắt dân chúng trong tiếng hoan hô nhiệt liệt vì Vũ Hán được bảo vệ tới cùng.
Cảnh đó làm cho nhiệt tâm âm ỉ của tôi lại bừng bừng lên. Tưởng Giới Thạch quả là một vị anh hùng! Mà anh Pao là một đảng viên xứng với Tưởng, cũng là một vị anh hùng nữa! Tôi sung sướng làm sao, được ở Vũ Hán đúng vào cái thời hào hùng của thị trấn dũng cảm đó, được chống cự với quân xâm lăng, được nhập vào cái đám đông đương gào hét rát cổ, tỏ lòng ái quốc nhiệt liệt và ý chí chiến đấu tới giọt máu cuối cùng! Tôi mừng quá tới lệ trào ra và tôi hét lớn hơn ai hết.
Tối hôm đó chúng tôi đi thăm các bạn thân của Pao, một viên thiếu tá tên là Wou, thân hình rất mảnh khảnh, và bà vợ gốc ở Tứ Xuyên có một chỗ loét ở bụng, do vi trùng lao, lúc nào cũng dán một lá thuốc cao dơ dáy vô cùng, bà ta bảo rằng bị ông chồng truyền bệnh hoa liễu, nên mới có vết loét đó và hỏi tôi cách trị ra sao. Thiếu tá Wou cam đoan rằng có thể kiếm ngay cho tôi được một chỗ làm trong một bệnh viện. Sự thực ông làm Tổng giám đốc các quân y viện trong miền. Nhưng hôm sau có người khuyên tôi đừng nhận việc trong các quân y viện đó vì họ tuyển các nữ y tá chỉ để cho các sĩ quan tiêu khiển thôi. Vài ngày sau tôi gặp một kỹ sư Trung Hoa ở hải ngoại về, ông ta cho tôi biết nhiều điều khác về các “bệnh viện” đó nữa, và dặn tôi: “Nhưng đừng kể lại cho người khác nghe nhé: người ta cấm loan những tin đó. Cô nên xin việc trong một bệnh viện của các nhà truyền giáo ở hội Hồng Thập Tự thì hơn. Nhớ đừng nói với ai rằng tôi khuyên cô như vậy nhé”…
Chính vị quán lý hội Hồng Thập Tự, bác sĩ R.K.S. Lim khuyên tôi đừng nên vô làm trong một quân y viện Trung Hoa. Tôi còn nhớ niềm xúc động mạnh liệt của buổi chiều hôm đó, khi lại phòng giấy của ông. Hồi đó tôi không ngờ rằng nét mặt sạm, cương quyết kia lại giấu kín một nỗi thống khổ tinh thần vì bác sĩ Lim bị giằng co một bên là nghề nghiệp, một bên là bổn phận phải nói rõ sự thật về tình trạng kinh khủng do các nạn tham nhũng, hối lộ của các sĩ quan và các công chức trong các “quân y viện” gây ra. Mà hễ chỉ trích thì tức là phản quốc, bác sĩ Lim đã bị tố cáo là “bất trung”, vì trong một câu chuyện với bạn bè ông đã nói nhỏ rằng quân lính Trung Hoa chết vì sự bỏ bê, hoặc sự tàn bạo của các sĩ quan Quốc Dân đảng nhiều hơn là chết vì bom đạn trên chiến trường. Nhưng trước mặt tôi ông vẫn tỏ ra là vị chỉ huy Hồng Thập Tự đa tài và tự tin, phối trí tất cả các bệnh viện của Trung Hoa… “Cô muốn làm việc ư? Tốt lắm, nhưng chúng tôi sắp dời các bệnh viện lại Trường Sa và vài nơi khác nữa…”. Rồi ông khuyên tôi lại bệnh viện của hội truyền giáo, của Hồng Thập Tự quốc tế. “Nếu cô còn ở lại đây một thời gian, thì tại đó không thiếu gì việc cho cô làm…”.
Đương lúc Trung Hoa chiến đấu để khỏi chết… thì làm sao lại chỉ trích Trung Hoa được? Chính các nhà truyền giáo ở Hồng Thập Tự quốc tế cũng nghĩ vậy khi tôi lại kiếm họ. Một nhà truyền giáo Anh đã nói: “Được ngoại quốc viện trợ đã là khó khăn rồi… Nếu chúng ta mở miệng ra chỉ trích thì mọi viện trợ sẽ bị cúp liền… Với lại, tình trạng đó từ hồi nào tới giờ vẫn xảy ra ở Trung Hoa… Thời nào cũng bê bối như vậy mà”.
Và khi tôi tỏ nỗi nghi ngờ ra thì anh Pao đã có sẵn câu để đáp: Dĩ nhiên, bê bối thật đấy, có những kẻ bất lương, những quân tham nhũng đấy, nhưng chính vì vậy mà chúng ta phải đứng sau lưng vị thủ lĩnh của chúng ta để quét sạch tất cả sự bê bối đó đi. Tưởng Giới Thạch, đoàn thể sĩ quan Hoàng Phố gồm những thanh niên như Pao, và các ưu tú của Tưởng sẽ quét sạch tất cả những cái đó… Sự bê bối, sự tham nhũng, dơ dáy, giả đạo đức, là những sản phẩm của thời xưa, phải từ bỏ cho hết. Trong khi chờ đợi, chúng tôi phải bi bõm trong đám bùn đó. “Nhưng vẫn phái giữ mình cho trong sạch”. Mà muốn cho trong sạch thì phải thực hành những đức cao đẹp của tổ tiên. “Chỉ những đức đó mới cứu vãn được Trung Hoa!”.
Thưa Bác,
Như cháu đã viết cho bác, người ta nhận cho cháu vào làm trong một quân y viện của chính phủ, nhưng đàn bà không thể nào sống trong quân y viện đó được…
Không có nữ y tá, chỉ có một bọn gái điếm dành riêng cho sĩ quan, còn binh lính thì bị cấm ngặt. Lính chết như ruồi, không có phòng thuốc, không có bác sĩ, bệnh nhân không được săn sóc một chút nào cả…
Trong các khách sạn, Vũ Hán, luôn luôn thực đơn được đưa ra kèm theo một bảng kê giá khác nữa: bảng này là một tờ giấy lớn dán đầy những tấm hình gái điếm, khổ hình như trên sổ thông hành, mỗi tấm ghi một số. Khách hàng lựa một hình nào vừa ý, cho tên bồi biết số của tấm hình, và tức thì gái điếm đó lại ngồi vào bàn. Sau này tôi thấy ở Trùng Khánh cũng dùng lối đó mà còn thêm mấy hàng ghi thêm những vẻ đẹp, tên tuổi và giá tiền của mỗi gái điếm nữa…
Chiều tối ngày 11 tháng 10, Pao và tôi hay rằng Vũ Hán sẽ không được bảo vệ, mặc dầu tối hôm trước, người ta còn căng biểu ngữ, còn diễn binh, còn vác đuốc biểu diễn ngoài đường ánh lửa lấp lánh còn hăng hái hô hào ái quần ái quốc, và chính quyền còn long trọng tuyên bố đủ thứ.
Tôi la lên: “nhưng phải bảo vệ, nhất định phải bảo vệ Vũ Hán chứ!…” Thì mới hôm qua, tôi còn thấy những đoàn diễn binh, biểu ngữ hô hào: BẢO VỆ VŨ HÁN, CHỐNG CỰ TỚI CÙNG, và hôm nay, còn thấy ở khắp nơi: CÓ TIỀN THÌ GIÚP TIỀN, CÓ SỨC THÌ GIÚP SỨC và trong cuộc biểu diễn, học sinh, thương gia, chiến xa, đại bác kéo đi thành hàng, mọi người hò hét, và hôm nay còn có hàng trăm quân tình nguyện tiến ra mặt trận… Tất cả những cái rầm rộ đó chẳng lẽ chỉ là trò chơi sao?…
Người cho chúng tôi hay tin là tướng Tang, ông chú của Pao, một người thích yên ổn, thận trọng, mặt mỏng, nhăn nheo, mũi quặm, mấy năm sau ông suy nhược về thần kinh, rầu rĩ, ngày ngày lại phòng giấy ở Trùng Khánh, nghiêm trang ngồi vào bàn làm việc không nhúc nhích, mắt nhắm lại, vì ông không được Tưởng Giới Thạch tin dùng, và mọi người trách ông vì ông liêm khiết. Trong thâm tâm ông đã từ bỏ cuộc chiến đấu rồi, ông biết rằng chế độ không cứu vãn được nữa, nhưng ông không chịu bán nước cho Nhật Bản như một số thượng cấp của ông. Binh nghiệp của ông mờ lần đi cho tới lúc ông bị mật vụ của Tưởng tố cáo là “thiếu trung thành” và ông bị ra rìa, nhường chỗ cho một người khác… Ông biến mất… nhưng để rồi tái hiện năm 1965, làm Phó Tỉnh trưởng trong nước Trung Hoa mới, vì lúc đó giá trị của con người không tùy theo những mưu mô quỉ quyệt nữa? Tháng 10 năm 1938, hôm đó ở Vũ Hán, chính tướng Tang đã làm cái bộ thờ ơ tế nhị nói nhỏ cho chúng tôi hay rằng “có lẽ không thực cần thiết phải bảo vệ Vũ Hán”.
Ngày 15 tháng 10, Pao và tôi làm lễ cưới. Chủ lễ là bác sĩ Kent, vừa là linh mục vừa là hội viên hội Hồng Thập Tự, có hai người làm chứng: Kỹ sư Houang trong không quân, ở hải ngoại về, vừa dứt cơn sốt rét thì lại dự lễ, làm phù rể, và đại tá Pei, một người lùn mập, bận toàn đồ đen, đội nón nỉ, mà sau này tôi rất ghét vì biết ông ta làm mật vụ. Hôm đó tôi vui vẻ nên bao nhiêu nỗi nghi ngờ tiêu tan hết, ít nhất thì anh Pao và tôi cũng sẽ cùng nhau sát cánh kháng chiến, trong cái cảnh tàn phá, thối nát, buồn thảm này. Hậu quả của chiến tranh rồi sẽ qua, chỉ phải chịu đựng tạm một thời gian thôi… Với lại còn có nhiều người lương thiện phải giữ vững lòng tin mới được. Kế đó tôi lại hay tin “chẳng cần bảo vệ Quảng Châu nữa”, cũng như chẳng cần bảo vệ Vũ Hán mà chiến tranh vẫn tiếp tục, và Quảng Châu thất thủ…
Quân Nhật bắt đầu tấn công Quảng Châu ngày 12 tháng 10, mặc dầu có 200.000 lính Trung Hoa tại đó mà Quảng Châu cũng bị chiếm ngày 21. Tưởng Giới Thạch ra lệnh không chống cự và quân đội bèn rút lui.
Quân Nhật tấn công cả trên đất lẫn trên biển, ba chục chiếc thuyền Nhật chở 20.000 quân đổ bộ lên. Bốn mươi ba ngàn quân tình nguyện Quảng Châu sẵn sàng chiến đấu ngay ở trong thành phố, nhưng các công chức trốn hết và không ai chịu cấp khí giới cho họ. Chiếc cầu trên Châu Giang[7] ở Quảng Châu bị dội bom cùng một lúc với thành phố, chiều 21 những đoàn quân Nhật cưỡi xe máy dầu chạy ùa vào Quảng Châu. Như vậy, Nhật đặt sẵn quân lực ở đó để ba năm sau tấn công thuộc địa Anh ở Hương Cảng. Các nhật báo Vũ Hán tố giác rằng Nhật hành động như vậy là bắt đầu mở rộng chiến tranh xuống miền Đông Nam Á, nhưng chẳng ai để ý đến điều đó cả, nhất là người Anh. Họ tự cảm thấy yên ổn, tự cho là một cường quốc, một đại cường da trắng, và Nhật Bản xâm lăng Trung Hoa cũng đủ mệt rồi… không điên gì mà tấn công đế quốc Anh.
Bây giờ tôi thấy lạ lùng quá, tại sao Pao đã rời Vũ Hán rồi mà tôi còn bắt đầu vô bệnh viện của hội truyền giáo và tiếp tục làm việc trong nhiều ngày nữa. Pao đã nhận được lệnh bổ sung vô Tổng tham mưu và anh xuống tàu ngày 16 tháng 10 để cùng với nhân viên Tổng tham mưu lại Trường Sa (Tchengsa). Nhiều đoàn y tế Hồng Thập Tự đã đi Trường Sa (Tchengsa) trong khi chúng tôi đương làm lễ cưới.
Cưới nhau hôm trước thì hôm sau Pao ra đi, còn tôi ở lại… Ngay lúc này đây, tôi cũng không hiểu sao được điều đó. Có lẽ tại các biểu ngữ tiếp tục cổ vũ dân chúng Vũ Hán chiến đấu tới giọt máu cuối cùng, vì thiên hạ vẫn còn ở lại, nên tôi không sao tin được rằng thị trấn sẽ bị bỏ rơi? Bộ tham mưu ra đi, Pao ra đi, nhưng những đoàn quân tình nguyện vác gậy (vì không có súng) vẫn bị đưa ra mặt trận để bị hạ từng loạt mà không có gì để tự vệ. Những lá cờ lệnh lớn mắc vào các ngôi nhà vẫn phấp phới với hàng chữ: VŨ HÁN PHẢI ĐƯỢC BẢO VỆ TỚI CÙNG. Bây giờ tôi còn nhớ lời phản kháng của tôi hồi đó “Nhưng dân chúng có biết đâu rằng Bộ chỉ huy đương đánh tháo… chính quyền không thể bỏ rơi dân chúng được… mà không báo trước…”.
Pao đáp: “Chính quyền đã báo trước rồi”. Lời đó sai, cho tới ngày 18, không có lời báo trước nào cả, chắc chắn vậy. Cho nên khi Pao ra đi rồi, tôi ở lại để làm việc, dạo phố, ngó thị trấn bắt đầu thưa thớt xe cộ, còn lại những chiếc xe bò, xe cam nhông, xe bù-ệt [8] nào đều bị các sĩ quan cấp dưới và các thư lại trưng dụng để chở gia đình họ và chính họ lại một nơi yên ổn hơn. Một thị trấn trống rỗng lần lần thực là một cảnh quái dị. Buổi tối, các gia đình vẫn dắt trẻ dạo mát, hít không khí ban đêm, cười cười nói nói. Nước sông lên cao ban ngày, trên mặt quảng non hai cây số, khối nước vĩ đại màu vàng vẫn lấp lánh cuồn cuộn, và các khu ở bến tàu còn đây nhóc kiện hàng, thùng và máy móc…
Trong mấy ngày đó, ở bệnh viện, tôi tập săn sóc các người bị thương. Tôi còn nhớ rõ nét mặt của họ, nhất là nét mặt một người đàn ông mà tôi băng bó vết thương, vụng quá, miếng băng sổ ra, và vẻ ông ta cười cười trỏ cánh tay gãy lúc lắc của ông ta cho tôi thấy. Các bài xã thuyết trên báo ngày 17 còn nhắc lại trận thắng Nhật anh dũng của tướng Lý Tôn Nhân tại Tai Er chouang (Đài Nhi Trang), đầu xuân 1938 và cho rằng trận Vũ Hán cũng sẽ làm một đại thắng như Tai Er chouang…
Nhưng các nhà truyền giáo ở bệnh viện Hồng Thập Tự thì thầm với nhau rằng: “Trung Hoa sụp đổ… không sao tồn tại được quá ba tháng nữa… Vũ Hán là trận cuối cùng…”.
Câu chuyện có giọng hòa nhã, điều độ, thận trọng, không ai chỉ trích gì cả… Bệnh sốt rét trong quân đội tăng lên… gần như mọi người đều mắc phải… Bệnh đó với bệnh kiết làm cho quân lính chết rất nhiều, nhưng tệ hại nhất là họ “thiếu ăn”. Phải mua kí ninh ở chợ đen.
Chúng tôi chỉ nói phớt qua về chuyện đó thôi, một cách tế nhị. Với lại không thể chỉ trích được, giữa thời chiến, những cái đó vẫn thường xảy ra. Quốc hội Ấn đã phái qua năm bác sĩ Ấn, và ở một nơi nào đó tại phía Bắc, cũng có một bác sĩ Gia Nã Đại, Norman Béthune, nhưng nói tới đó thì mọi người lảng qua chuyện khác, vì Norman Béthune là cộng sản, theo Hồng quân, và các hội truyền giáo ngoại quốc không muốn tiếp tế cho Norman Béthune. Nói về phía đó, về mật trận Tây Bắc là điều nguy hiểm không nên… Trong tất cả các quân y viện của Trung Hoa chỉ có độ mười hai bác sĩ thực có khả năng. Bác Sĩ R.K.S. Lim tận lực xoay xở… Nhưng thiếu thuốc men, thiếu thức ăn, lính tráng chết như ruồi.
Tôi lại dạo mát ở bờ sông, nhìn những đoàn người nối đuôi nhau, bất tận, đợi xuống “bắc”. Họ đợi suốt ngày đêm. Vé đã mua từ mấy tuần trước… Bây giờ tất cả các xe có động cơ, đều bị trưng dụng rồi, và những chiếc cam nhông cuối cùng rầm rộ chở từng núi nhỏ đồ đạc, các công chức ra khỏi thị trấn. Không có xe cam nhông chở kẻ nghèo, họ phải đi bộ. Ngày 18 dân chúng bắt đầu tản cư, họ rời thị trấn, đi bộ, đi bộ miệt mài hết cây số này đến cây số khác. Tôi nghe thấy tiếng những cánh cửa sổ khép lại, kêu lạch cạch và giữa ban ngày mà đường phố bỗng im lặng như ban đêm. Tôi hơi lo sợ… nếu Vũ Hán thất thủ thật thì sao? (Lúc đó tôi chưa thể tin được điều đó). Thân phận tôi sẽ ra sao? Tôi không thể sống trong một miền bị quân Nhật chiếm đóng được… Tôi kín đáo hỏi nhỏ bà y tá trưởng. Bà bảo: “Bà dùng thêm chén trà nữa này”, bà ta không hề lo lắng. Anh đâu có đánh nhau với Nhật mà sợ…
Tôi vô phòng bệnh nhân, thấy hai nữ binh còn trẻ, một cô cẳng nát ngấu… mà mỉm cười: khuôn mặt tròn trĩnh, cặp mắt tròn linh động… Tôi tự hỏi hai cô đó vì đâu mà bị vậy… Tụi Nhật hễ gặp thương binh Trung Hoa là dùng lưỡi lê đâm túi bụi. Ở Nam Kinh chúng có thủ đoạn đó, tàn sát tất cả người bị thương nằm trong các bệnh viện, giết cả các nữ y tá và y sĩ Trung Hoa nữa…
Chiều ngày 18 tôi ra bờ sông và gặp anh Houang, viên kỹ sư ở xưởng phi cơ, đã làm phù rể, trong đám cưới của chúng tôi, anh ta đương coi người ta khuân vác máy móc xuống một chiếc tàu, các xưởng đã bị phá gỡ chở đi được mãnh nào thì chở, “anh chở những thứ đó đi đâu bây giờ?” “Đi Yi Tchang,Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên, và vài nơi khác ở phía Tây”. Khi tôi cho anh hay Pao đã đi, còn tôi ở lại thì anh ngó tôi trừng trừng bằng cặp mắt vì bệnh sốt rét mà lòng trắng hoá ra vàng còn mống (iris) mắt thì màu nâu, như mắt chim. Chắc anh nghĩ bụng: “Chị này, sao mà ngớ ngẩn vậy? Bị anh chàng kia gạt rồi, chắc vậy”. Nhưng anh ấy có lễ độ: “dạ… tôi, nếu tôi có vợ, thì tôi sẽ dắt theo. Chỉ ít ngày nữa, thị trấn này sẽ nguy hiểm lắm”.
Tôi mua số báo Ta Kung ngày 18-10-1938. Báo đăng một bài thông cáo gởi “sĩ tốt”, lời lẽ hùng hồn, hứa với họ sẽ “chống cự tới cùng”. Lật qua trang sau, tôi thấy toà soạn cho hay các máy in đã chở tới Trùng Khánh và số đó là số cuối cùng in ở Vũ Hán.
Tôi kể lại điều đó cho bà y tá trưởng nghe, bà gần như nổi quạu với tôi: “Nhưng thống chế và phu nhân còn ở đây mà… Tối hôm qua tôi còn uống trà với phu nhân, vậy không phải có gì đáng ngại cả…”.
Tôi nghĩ bụng: “Phải, không có gì đáng ngại với họ. Các ông bự đó có thể trưng dụng phi cơ, bất kỳ một thứ gì… Còn bà y tá trưởng là người Âu: Anh và Mỹ trung lập, đâu có giao chiến với Nhật. Họ được an toàn, ít nhất là lúc này. Nhưng tôi là người Trung Quốc. Tôi không biết ở Nam Kinh đã xảy ra những gì. Và tôi không tin ở sự che chở của người da trắng. Tôi mới ở Âu Châu về, và tôi đã thấy người ta bỏ mặc Y Pha Nho, chẳng giúp đỡ gì cả”. Một điều làm cho những sĩ quan trẻ như anh Pao bất bình, phản đối, là người Anh và người Mỹ làm “áp phe” với Nhật một cách công khai.
Mỹ cho rằng không có gì mà ngưng bán khí giới, sắt vụn, dầu lửa, máy móc cho Nhật, và chỉ tuyên bố “trung lập” trong chiến tranh Hoa Nhật này là đủ rồi… và mặc dầu chính Tưởng cũng buôn bán với Nhật mà chẳng bí mật gì lắm, bọn sĩ quan trẻ chỉ bất bình với bọn ngoại quốc thôi.
“Một ngày nào đây chúng ta sẽ thành bạn của Nhật và Hoa, Nhật cùng đuổi tụi da trắng ra khỏi Châu Á” – “Tại sao lại đánh nhau với Nhật? Đánh nhau với Anh với Nga mới phải chứ…”. Đó, trong mấy ngày ở Vũ Hán, tôi nghe thấy các sĩ quan nói với nhau như vậy.
Tôi lại thăm bác sĩ Kent, vị linh mục đã làm lễ cưới cho chúng tôi. “Tôi không muốn ở lại đây nếu tụi Nhật tới”. Tôi ở Châu Âu hồi hương không phải là để sống trong một thị trấn do Nhật chiếm đóng”. Và ông vận động giúp tôi, sau cùng giữ cho tôi được một chỗ trên chiếc tàu của Hồng Thập Tự quốc tế ngày 22 sẽ đi Trường Sa. Chuyến đó là chuyến chót và chiếc tàu đó do chính quyền trưng dụng…
“Chỉ tới khi nào thấy người ta dội bom hoặc đặt mìn phá hỏng các lâu đài dinh thự để khỏi lọt vào tay quân Nhật, tôi mới tin rằng Vũ Hán quả thực đã thất thủ…”. Nhưng các dinh thự vẫn còn đứng trơ trơ vì bọn kinh doanh Anh và Mỹ đã gỡ hột nổ trong các bom, họ ở lại và tính làm “áp phe” với bọn Nhật khi Nhật vô chiếm thị trấn.
Quá nửa đêm 21, tôi đương ngủ trong phòng riêng ở bệnh viện, thì có người tới đánh thức. Anh Pao đã trở về kiếm tôi. Anh đã đột nhiên nhận thấy rằng để tôi ở lại Vũ Hán là điều quá khinh suất, vì ông chú của anh, tướng Tang, gặp anh trên tàu chở các sĩ quan lại Trường Sa mà không thấy tôi, đã bảo anh: “Cháu điên hay sao đấy, Vũ Hán không được bảo vệ, tụi Nhật sắp vô chiếm, sẽ tan rã hết”. Tức thì anh la lớn, bảo tàu ngừng lại! Nhưng tàu đã rời bến rồi, làm sao ngưng lại được. Hai ngày sau, tàu ghé một giang cảng đầu tiên, anh mới lên bờ được và dùng đường bộ quay trở về Vũ Hán và sự khinh suất điên khùng đối với tôi lần đó, chứng tỏ rằng tâm hồn anh cao đẹp vô cùng, can đảm vô cùng, hy sinh tánh mạng để trở về kiếm tôi… Tôi không ngờ như vậy… Tôi đã tính tự giải thoát bằng những phương tiện của tôi. Tối 22, chúng tôi cùng xuống tàu của Hồng Thập Tự quốc tế, chiếc đó là chiếc cuối cùng rời Vũ Hán trước khi người ta đắp các đập ngang sông để “ngăn tụi Nhật”. Nhưng đập đó không ngăn được tụi Nhật. Tàu do tổ chức Thanh Niên hội Tam Dân[9] một tổ chức của chính quyền trưng dụng, bà Tưởng đích thân coi chừng cho một đoàn thiếu nữ xuống tàu. Lúc đó (1938) thấy vậy, tôi rất tôn kính bà, coi bà là một nữ anh hùng. Và năm nay (1967), bà đã diễn thuyết xin Mỹ thả bom xuống quê hương của bà, dân tộc của bà.
Ngày 25 tháng 10, quân Nhật vào Vũ Hán. Một bọn phản quốc, gái điếm, du đãng… sặc sở, lòe loẹt, ôm hoa và căng biểu ngữ đi rước chúng. Vũ Hán không bị bom phá, gần như còn nguyên vẹn, và tụi Nhật bắt tay vô việc liền, tuyên bố thành lập một “chính phủ” và săn bắt cộng sản.
Nhưng trong các miền thôn quê, du kích Đỏ xuất hiện, đào khí giới đã chôn giấu lên, tổ chức dân chúng… bao vây các thành thị theo địch, và sau cùng thắng được…
Chú thích :
[1] Viết chữ Trung Hoa
[2] Hồi nhỏ tác giả học tiếng Pháp và tiếng Anh nhiều hơn tiếng Trung Hoa
[3] Tức như tập ‘‘ngôn hành lục’’ của các nhà Nho đời Tống.
(4) Young Womens Christian Association - Hội Thank nữ Kitô giáo.
(5) Lễ cách mạng của Trung Hoa, ngày quân cách mạng chiếm Vũ Xương ngày 10 tháng 10 năm 1911 (dương lịch).
[6] Hồi nhỏ, Han Suyin ở gần nhà Pao tại Bắc Kinh, thường lại nhà Pao chơi, nên được gặp thân mẫu của Pao.
[7] Rivière des Perles.
[8] Brouette thứ xe một bánh do một người đẩy tới trước, ngoài Bắc gọi là xe cút-kit, vì tiếng bánh xe kêu cút-kít.
[9] Tức chủ nghĩa Tam dân của Tôn Văn