Một Mùa Hè Vắng Bóng Chim

- 13-

Tháng chín năm 1944, tôi vô trường Y Khoa ở đường Hunter, và bắt đầu lần thứ nhì đời sống sinh viên của tôi, mà vẫn không bỏ hẳn đời sống vợ một tùy viên quân sự, vì Pao vẫn còn đó.

Như vậy trong một thời gian, tôi là hai con người khác hẳn, nhưng do một sự ngẫu nhiên, hai đời sống nó làm trở ngại lẫn nhau. Người ta thấy tôi bận áo mưa đi ở đường Poond cùng với một bạn nữ sinh viên, và đáp lại lời chào ngạc nhiên của một quả phụ khả ái bạn của Pao. Tôi dắt một bạn sinh viên đi uống trà ở khách sạn Dorchester với một người trong giới ngoại giao. Nhiều người thấy vậy mà chưng hửng. Còn tôi, tôi không buồn quan tâm tới những cái đó nữa… tôi đã bỏ lại phía sau tôi mọi oán hận. Tôi không có trả thù Pao hay các bạn dễ thương của anh, những người đã làm cho tôi thêm khổ sở. Các bà quả phụ, các vị “danh giá” X và Y, những người có nhiều thiện ý và giữ đúng lễ nghi một cách nghiêm khắc đó, có vẻ như hạ cố đối với tôi. Họ thương hại cho Pao, gặp tôi thì lạnh lùng gật đầu chào, như vậy để tỏ rằng họ chê tôi, nhưng tôi không còn đau lòng vì vậy nữa.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi trở về đời sống sinh viên là nỗi sợ sệt khi vô chỗ người ta gọi là Quad [1], một cái sân lớn chung quanh là một nhà tu kín, kiến trúc cổ điển hình cung nhọn, và đứng ở giữa một đám thiếu nữ chen chúc nhau, ồn ào, người nào cũng lớn tiếng, giọng chói tai, dùng một thứ tiếng mà tôi không hiểu, thứ tiếng lóng của sinh viên Anh.

Trong nửa giờ đầu hoảng hốt đó, một người lại hỏi tôi: “Này, chị muốn dùng chung tủ [2] với tôi không?” Tên người đó là Cherry Heath, sau thành bạn thân của tôi… Tôi ngoan ngoan theo chị ấy vô phòng để tủ. Hai thiếu nữ nữa cũng vô, giới thiệu nhau xong, chúng tôi lại phòng ăn đứng nối đuôi lấy phần xúp, thịt hầm (ragoût) và bánh ngọt làm bằng đường tinh (saccharine).

Chị Cherry là một người bạn quý vô cùng: trung tín, giỏi giang, có tài xoay xở, cương quyết, biết rõ cách thức của đời sống sinh viên…

Ấn tượng thứ nhì của tôi là cái mùi trong phòng mổ, sau này chẳng những tôi thấy quen mà nó còn thấm vào tất cả các quần áo đồ dùng của tôi nữa. Ấn tượng thứ ba là trái khí cầu để che chở thành phổ, màu xám bạc, chằng chịt trên cả triệu ống khói, trải ra trên đầu chúng tôi, vừa che chở mà lại vừa gợi cho chúng tôi một niềm gở trong khi chúng tôi mổ các tử thỉ trong phòng thí nghiệm.

Cherry và các bạn của chị thấy tôi kỳ cục (kỳ cục một cách dễ thương… họ nói vậy), ngây thơ tức cười lắm, nhưng mãi đến hôm tôi dắt họ lại ăn bánh uống trà ở tiệm Gunthers [3], họ mới tin rằng tôi là vợ một nhà ngoại giao… Họ tin chắc rằng “không thể nào tôi đi tới nơi tới chốn được”, nghĩa là thi sẽ rớt thôi, Cherry cũng nghĩ rằng đóng tiền để ghi tên thi vô dưỡng đường, chỉ là “liệng tiền qua cửa thôi”.

Lần lần và chẳng ngần ngại chút gì cả, tôi mượn các tập “ghi chép” của các bạn học tôi “chốp” kiến thức họ, luôn luôn lựa con đường tắt, siêng năng nhưng bề ngoài thì ngớ ngẩn… Cherry và các bạn của chị đều tử tế cả, chỉ bảo tôi cho, bài giảng nào tôi không dự được thì tóm tắt những điểm chính cho tôi. Nhờ vậy, tôi kéo lại được thời gian đã mất, mà theo kịp được các bạn rất mau.

Cũng như họ, tôi hóa ra hơi lười tắm giặt, hơi coi thường các vết dơ trên quần áo; trái lại, bây giờ tôi mới được sống đời sống ở Anh trong chiến tranh; đấy mới thực là nước Anh, với dân tộc Anh. Tôi san sẻ những nỗi khó khăn cực khổ thiếu tiện nghi, thiếu nước nóng, thiếu xà bông của dân chúng, tôi dùng mẹo để xoay xở, đứng nối đuôi trước phòng ăn, tôi chịu cảnh lạnh lẽo, mưa gió, đi bộ mệt nhọc, ăn uống thiếu thốn, thèm thuốc lá, vậy mà tôi thích từng phút một của thời gian khác khổ đó!

Bây giờ bom V1 và V2 bay trên nền trời Londres và rớt xuống thành phố, nhưng chẳng ai sợ. Chúng tôi tiếp tục làm việc, mặc dù các chậu vĩ đại ngâm cốc, ly ở trong phòng “la bô”[4] ở tầng trên dùng khá nguy hiểm đấy. Tôi mang theo một ve đầu thơm Chanel số 5 do một ông bạn của Pao, đại tá, đeo hai hàng mề đai ở ngực; (đem từ lục địa Châu Âu quá) cả vào phòng mổ, và trong các buổi tiếp tân ở khách sạn Claridge, tôi làm cho cả phòng sặc mùi Formol.

Rome đã thất thủ hồi tháng sáu 1944, quân Đồng Minh lần tấn công lên phía Bắc bán đảo Ý, đánh những trận nhỏ trong hai chục tháng, rồi hăng hái hơn lên, khi có cuộc đổ bộ lên Normandie, ngày mùng sáu tháng sáu. Paris được giải phóng ngày 25 tháng tám; các phim “thời sự” chiếu cảnh dân chúng ôm hoa chen chúc nhau đi đón các vị anh hùng khải hoàn ngồi trên chiến xa; ít lâu sau chúng tôi cũng thấy, trong phần tin tức, hình những “phụ nữ Pháp” bị gọt đầu vì đã “hợp tác với Đức”, nhưng người ta không chiếu những hình xấu xa hơn về cách người Pháp trả thù bọn hợp tác với Đức, chúng tôi chỉ được nghe nói thôi.

Lúc đó Montgomery – mà chị Cherry và nhiều người Anh khác rất quý mến – được thăng chức Thống chế, sau khi thắng Rommel ở Bắc Phi, ông chỉ huy Đạo quân thứ nhất của Gia Nã Đại và Đạo quân thứ nhì của Anh, vượt dãy núi Ardennes (ở Pháp), trong bốn ngày tiến được 300 cây số, và Bruxelles được giải thoát ngày mùng ba tháng tám, Anvers ngày mùng bốn tháng chín.

Từ mặt trận Nga, tin tức thắng trận cung dồn dập đưa về trên màn ảnh, từng đoàn tù binh Đức diễn thành hàng trong đường phố Moscou; Von Paulus với bộ mặt bị chứng giật gân, tù binh Đức bị bắt trong sa mạc, rồi những người nối thành hàng dài bất tuyệt, vừa đi vừa hát bài Lili Marlène. Càng sắp tới lúc chiến thắng hoàn toàn thì Pao càng rầu rĩ. Bây giờ thì Đức sẽ đại bại, không còn nghi ngờ gì nữa. Pao phải trở về Trung Hoa vì “từ nay chúng ta phải chiến đấu với bọn Đỏ”. Cuộc nội chiến mà Tưởng đã chuẩn bị từ lâu sắp phát. Đầu năm 1945 ai cũng thấy rằng người Mỹ sẽ tiếp tục xen vào việc nội bộ Trung Hoa.

 

Tôi phải dậy sớm để tới lớp học đúng giờ, từ Barney Cottage ở Winkfield, lại đường Hunter ở Londres, đi mất trên hai giờ. Tôi mua một chiếc xe máy dầu để đi ra ga, cách nhà tôi bảy tám cây số, từ đó có chuyến xe lửa đi suốt lại Saint Pancras. Từ Saint Pancras tôi đi bộ lại đường Hunter, buổi tối có khi tôi khó về nhà được.

Sau tháng chạp 1944, Pao bán chiến xe hơi đi. Giờ làm việc của anh thất thường, anh đi dự (một mình) nhiều buối tiếp tân. Vừa mới ở giảng đường hoặc ở phòng thí nghiệm đường Hunter ra về, phải tắm rửa, thay y phục để dự các buổi tiệc ở nhà các vị ngoại giao. Việc đó đối với tôi mỗi ngày một thêm khó. Những tối thứ bảy tôi lại sống cuộc đời tiệc tùng, hội họp đó trong những câu lạc bộ sang trọng dành riêng cho một số người, còn chủ nhật thì gần suốt ngày và một phần ban đêm, tôi lo học, lo “nhồi” cho kỳ thi tới

Không phải chỉ có tôi là có chồng, còn một chị nữa cũng học một năm với tôi, chị Sanchia, có tới ba con, chị đầy sinh lực, tóc dài, hung hung, học rất siêng năng, kiên nhẫn, nhưng kỳ thi nào cũng rớt đều đều. Chị cương quyết tiếp tục học hàng năm, năm này qua năm khác nếu cần, và rốt cuộc chị thành một y sĩ rất giỏi. Tôi thấy rằng ở trường Y khoa, đa số các sinh viên chưa có gia đình cho bạn có gia đình là hạng “phá đám”. Một số giảng sư và giáo sư chắc cũng nghĩ như vậy, nhưng không bao giờ nói ra, và tỏ ra rất nhã nhặn với hết thảy chúng tôi. Chị Sanchia bồng em bé theo lại giảng đường, cho nó bú sau một thứ bình phong chị chế tạo ra, và đã tả dài dòng những cái vui trong đời sống hôn nhân cho cái phe ngưỡng mộ chị nghe. Tôi làm thinh về vấn đề hôn nhân vì lúc đó gần như ly thân rồi, không những sự thèm khát nhục dục mà ngay đến cái ý niệm về tính dục cũng gần hoàn toàn bị diệt trong lòng tôi rồi, tình trạng lạnh như đá đó kéo dài bốn năm. Tôi, trước kia lành mạnh như một người, mà lúc đó hễ nghĩ tới nhục dục là muốn buồn nôn và trong những cuộc ái ân mà tôi bắt buộc phải chịu, tôi thấy cực kỳ đau đớn, gần như chịu không nổi. Nhưng Pao sắp đi rồi, đi tới nơi rồi, và tôi kiên nhẫn rán chịu chỉ vài tháng, vài tuần nữa thôi… cho nên tôi không từ chối anh, một phần vì bây giờ đã thắng cuộc, tôi đâm ra thương hại anh, một phần nữa vì không muốn cho anh có cơ hội rầy la, quát tháo tôi. Nhưng mùi thuốc sát trùng tôi đem ở phòng giải phẫu về cũng như cảnh sọ và xương tôi vất bừa trên bàn trong phòng ăn, thường làm cho Pao cụt hứng… lại thêm ở dưới giường ngủ của chúng tôi có một bộ óc ngâm formol trong một cái soong nữa; ấy là chưa kể hai bàn tay của tôi nhuộm đủ màu bởi các thí nghiệm hóa học.

Bốn năm mùa hè của đời tôi đó, từ hai mươi tám đến ba mươi hai tuổi, tôi chỉ ghi lại như một nhận xét lâm sàng. Đó là thời chịu cực, chịu khổ; nó giúp tôi hiểu nhiều phụ nữ khác hơn khi tôi thành y sĩ. Tôi không tưởng tượng, không mơ mộng ái ân gì cả. Cái ý niệm ái tình thể chất không phát hiện ra nữa, đã bị vùi sâu tới nỗi biến mất và bốn năm sau mới hồi phục lại.

Một hôm, một người bạn của tôi, chị M. và tôi so sánh những nhận xét của chúng tôi về điểm đó; chúng tôi sống cách biệt nhau nên có thể nói về đời sống của nhau được. Sự tàn nhẫn của người chồng đầu tiên của chỉ đã có một tác động ngược hẳn: chị hóa ra một thứ đàn bà say đắm xác thịt. Chị thú: “Tôỉ không nhớ đã ngủ với bao nhiêu người đàn ông nữa, chắc tới mấy trăm người, như vậy trong ba năm”. Rồi bỗng nhiên chị thấy mất cái nhu cầu khẩn thiết đó, không còn muốn tự chứng tỏ với mình rằng mình có duyên dáng, đàn ông thích mình nữa. Rồi chị cưới người chồng sau, thành người vợ hoàn toàn trinh thục.

Mặc dầu chị Cherry tiên đoán một cách bi thảm rằng thế nào tôi cũng thất bại, và chỉ bốn tháng sau, tôi đã truyền thụ những bí mật của môn sinh vật – hóa học ít nhất là cho một nữ sinh viên khác, vì cách tốt nhất để học một môn là dạy nó. Tôi tự nghĩ ra đầu đề những bài tập, bài toán để tôi làm, tôi tự đặt ra câu hỏi về giải phẫu học, sinh lý học rồi tôi lớn tiếng tự trả lời cho tôi. Tới một lúc tôi hốt hoảng thấy rằng tôi không thể học ôn môn giải phẫu cho kịp được, vì còn phải học nhiều quá. Tôi bèn quyết định bỏ một chương, chương về cẳng chân.

Mùa đông tới, tôi không lúc nào bỏ chiếc áo mưa vì tôi lạnh, mệt mỏi hoài nên lạnh, và vì không đi vớ dài, uống một chén trà nóng bỏng, pha sữa và đường, tôi thấy khỏe khoắn, khi đói hoặc mệt quá, tôi uống từng ít một. Tôi vô các quán ăn rẻ tiền, kêu món cá và món khoai tây rán, vì bụng đói, trời lại lạnh, mà trở về tới tận Barney Cottage thì thế nào cũng xây xẩm mặt mày.

Vào hồi nghỉ lễ Noël, một phái đoàn quân sự Trung Hoa nữa mới qua và tôi phải nấu nướng đãi họ, đi dự các cuộc tiếp tân với họ. Cũng may tôi nấu ăn dở quá, các ông ấy vội vàng rời Barney Cottage để đi ăn trong một tiệm cao lâu Trung Hoa có tiếng ở Londres.

Như vậy qua được mùa đông lạnh lẽo 1944-1945. Giá đóng trên những thân cây đen trơ trọi va lấp lánh như kim cương, đường trơn và nguy hiểm. Tôi lái xe máy dầu đi học, Gillie làm bếp, giữ nhà (vợ chủ làm vườn lại làm giúp những công việc nặng nhọc) và buổi tối về tôi thấy trong lò còn vài món ăn.

Bộ óc người mà tôi ngâm trong cái soong lớn đặt dưới gầm giường để học làm cho Yungmei tò mò muốn biết. Bây giờ nó đã bốn tuổi, khỏe mạnh. Nó rất thích dắt các bạn nó vô phòng, giở cái nắp soong, nhìn vào trong bảo: “Cái đó là óc của má đấy, má cất ở dưới giường”. Những bà hàng xóm đàng hoàng nhất đều có ý ngầm chê phẩm hạnh của tôi, rồi chẳng bao lâu họ lên tiếng trách móc. Một bà dễ thương nọ mời tôi lại nhà uống trà và thuyết giáo cho tôi nghe về bổn phận làm vợ, làm mẹ, bảo tôi phải lo săn sóc con tôi chứ đừng bận thứ quần sinh viên mà “lê la” khắp nơi nữa. Tôi nhìn bà ta mà có vẻ buồn ngủ, vì mệt quá, không thể giảng giải được, nguy nhất là tôi suýt bật cười như điên, may mà nhịn được. Nhìn vẻ long trọng khi các bà ấy diễn thuyết, tôi thấy có cái gì rất nực cười… Các bà ấy không biết rằng tương lai của Pao bấp bênh tới mức nào…

Mà chính Pao cũng không biết: ảnh không thể tin rằng Tưởng Giới Thạch sẽ đổ. Nhưng tôi thì tôi cảm thấy trong xương tủy rằng thế nào cũng có một cuộc cách mạng. Tôi cảm thấy sự thay đổi lớn lao tương đối gần, tới gần… Một ngày kia, Pao sẽ không thành công như vậy nữa đâu; cái tham vọng hẹp hòi, khô khan của anh không có tương lai đâu… Tôi đã bảo anh, nhưng anh không nghe tôi. Một ngày kia, tôi phải nuôi Yungmei; tôi không muốn nó bị đem bán một lần nữa. Tôi chỉ trông cậy ở sức tôi thôi để tự nuôi tôi và nuôi nó.

Tôi hoàn toàn không tin gì ở Pao nữa, cho nên tôi nhất định không xin tiền anh. Tôi gặp nhiều bà Anh thuộc phe cổ và nghiêm, một hôm tôi cho một bà đó hay rằng vật giá ở Trung Hoa, lấy chỉ số là 100 cho năm 1937, thì tám năm sau, đã tăng lên 125.000, nhưng bà ta có vẻ không hiểu.

Hồi đó và ngay bây giờ nữa, hạng người mệnh danh là trí thức Anh mắc cái bệnh thiếu hiểu biết thông thường đó, cái bệnh không chịu nhìn biến cố nó bắt đầu xuất hiện, dự liệu trước nó: họ mắc có lẽ còn nặng hơn ở một xứ khác nữa… Có lẽ tại họ tin rằng cứ xoay xở, vụng hay giỏi gì rồi, thì cũng thành công? Cho nên không lấy làm lạ rằng những chương trình truyền hình và phát thanh của họ về các thời sự, biến cố chính trị “mới xảy ra” thường bị những lời bàn cổ lỗ làm cho mất hay.

Tới tháng hai 1945 đã mãn thời hạn ba năm tùy viên quân sự của Pao. Anh chuẩn bị để trở về Trung Hoa: phải đóng nhiều thùng đồ đạc, phải mời mọc những ai, đi thăm những ai… Sự bất đồng ý kiến giữa chúng tôi càng hiện rõ. Anh bảo sẽ phải dấn thân vào cuộc nội chiến nó sắp xảy ra. “Bởi vì bây giờ chúng ta phải chiến đấu với Cộng sản”, mà anh chưa bao giờ cầm quân ra trận, phải tập lại cho kịp người. Tôi bảo: “Anh chưa bao giờ chiến đấu với Nhật mà bây giờ lại muốn đánh nhau với người Trung Hoa, cái đó không nên. Em tin chắc rằng cộng sản sẽ thắng. Rồi anh coi, sắp có một cuộc cách mạng ở Trung Hoa”. Năm trước mà tôi nói như vậy thì thế nào anh cũng nổi cơn lôi đình, đánh đấm tôi túi bụi, nhưng bây giờ anh cảm thấy anh thua rồi, tuyệt vọng rồi, thỉnh thoảng anh dò xét tôi trong khi tôi học. Và một hôm anh bảo tôi: “Trước kia anh không biết rõ em. Bây giờ anh mới thấy em ương ngạnh tới mức nào… khi em đã thực tâm muốn cái gì thì em làm việc chăm chỉ thật!”. Trong thâm tâm anh hiểu rằng suốt mấy năm đó, anh không coi tôi là một con người, chỉ coi là một đồ vật thuộc quyền sở hữu của anh, và càng ngày anh càng thấy rõ rằng tôi thắng, thành thử mấy tuần cuối cùng trước khi anh đi, giữa chúng tôi, tình nghĩa mong manh như thủy tinh.

Tôi ích kỷ, không muốn rằng Pao nản chí, chịu thua, mà ở lại Anh ăn bám tôi: anh ở không, quanh quẩn ở bên tôi giúp được gì cho tôi? Hai năm trước thì tôi không cương quyết tống khứ anh đi như vậy; tôi đã rán khuyên anh bỏ nghề đó đi, mà học một ngành khác, bây giờ tôi sợ anh thành một gánh nặng cho tôi, vì tôi biết rằng không khi nào anh chịu học, không khi nào chịu nghiêm trang làm một việc gì cả. Óc anh không như vậy được. Anh không thể nghĩ tới cái việc hiểu biết thêm, tới cái vui phụng sự, cái vui sáng tạo, làm một việc gì vì thích làm nó. Đối với anh, lời giảng nào hợp với mục đích anh muốn đạt là lời đó đúng, đáng gọi là chân lý. Kiến thức nào cũng phải được người khác nhìn nhận, thành công là leo lên tới tột định quyền hành trong chế độ quân phiệt của Tưởng Giới Thạch, mà phụng sự là nhắm mắt vâng lời một vị Thủ lĩnh

Bàn bạc, thảo luận, suy tư, kiên nhẫn làm việc trong bóng tối, không được nhiều người ưa… tất cả những cái đó đối với Pao không có ý nghĩa gì cả. Ngay cả những lần lâu lâu anh ước ao có một cái trại để về vườn sống đời sống “nông dân”, thì đời sống “nông dân’ anh gợi ra đó cũng vẫn là đời sống một địa chủ sống giữa ruộng đất của cha mẹ để lại.

Pao không thể tin rằng mục tiêu của tôi khi học Y khoa là để thỏa lòng khát khao hiểu biết và hành động, anh không thể hiểu rằng tôi không mong thành một vị Giám đốc bệnh viện hoặc một vị Tổng trưởng y tế… Và bây giờ tôi muốn anh giữ lấy riêng cho anh những mộng đã tan tành và cả trái tim tan nát của anh nữa, nếu thực sự nhận thấy rằng những cái đó đã tan nát. Và mặc dầu tôi tin rằng anh còn có thể lựa một cuộc đời khác, không phụng sự Tưởng Giới Thạch nữa, tôi cũng muốn rằng anh sống cuộc đời đó một mình anh. Tôi không muốn giúp đỡ anh nữa. Có lúc tôi thương hại anh hơn bao giờ hết đấy, nhưng tôi tự chống lại sự mềm lòng đó, để khỏi trở ngại cho sự học của tôi.

Vậy Pao đi chụp hình, may thêm vài bộ quần áo và vài bộ quân phục để đem theo, lại nhờ một họa sĩ chuyên vẽ các trận mạc, vẽ cho một bức chân dung nữa; các tùy viên quân sự khác, thết tiệc đãi anh, tặng anh một cái đĩa bằng bạc khắc những chữ đầu tên của họ. Anh giao đĩa cho tôi giữ và hiện nay nó vẫn còn đó.

Vài ngươi mời chúng tôi: ông bà Cripps, Kingsley và Dorothy Martin… Những người khác không dễ thương lắm: nhưng chỉ riêng đối với tôi họ mới nói cái vẻ nhã nhặn, cay chua và cái giọng cộc cằn thôi. Lại có người mời Pao dự những bữa tiệc tiễn đưa đầy nước mắt. Bận quần và khoác áo mưa, tôi hấp tấp chạy khắp Londres, lần lần có dáng dấp của hạng sinh viên nghèo – mà quả thực hồi đó tôi đã thành một sinh viên nghèo – Dáng dấp đó giống với cái tôi “thực sự” hơn là cái “tôi” vợ một tùy viên quân sự rất bảnh bao; hiển nhiên là tôi có cái gì đó không bình thường nữa, khác hẳn với Pao lúc nào cũng rất mực lịch sự trong bộ quân phục.

Pao thỉnh thoảng nói bóng tới tình yêu thắm thiết của anh đối với tôi mà bị tôi hiểu lầm… và bi đát nhất là khi nói vậy, anh hoàn toàn thành thực. Vì quả thực anh yêu tôi, bây giờ đây tự biết là thua cuộc, anh biết nói gì khác nữa. Nhưng anh chỉ có thể nói với cái đầu tôi cúi trên trang sách, nói với một cái “tôi không còn ở bên cạnh anh, thuộc quyền anh nữa, cái “tôi” đó đã trốn khỏi rồi, nấp trong các bộ xương và các cuốn sách rồi, một cái tôi” mà mắt lờ đờ nhìn qua anh chứ không thấy anh, tai cũng không nghe thấy anh. Anh dắt tôi đi ăn ở những cao lâu sang trọng, tôi ăn mà nghĩ đâu đâu, không biết mình ăn gì, không quan tâm tới. Tôi thường một mình lại những quán ăn tồi tàn, trả một shilling mười một penny rưỡi[5] rồi nuốt một đĩa canh đuôi bò (sự thật là đuôi ngựa), ăn món đậu với bánh phết bơ nước, mà thấy ngon lành, vui vẻ lắm.

Trong một bữa tiệc của nhà ngoại giao ở Dorchester, tôi nói chuyện về các con ếch rút óc ra để thí nghiệm: bàn tay dính các chất hóa học, thật không hợp với các “câu lạc bộ” sang trọng ở ngoại ô Londres này, mà thức ăn và rượu không bị hạn chế, khách hàng chỉ gồm những người Mỹ và các nhà ngoại giao. Trong các buổi tiệc vui vẻ đó, tôi thường ngủ gục. Chính bà Isabel cũng rất ngạc nhiên khi tôi tới ăn ở Café Royal, mà bận chiếc áo mưa, nồng nặc mùi xác người ngâm formol, sách cặp ở nách, giày đế thấp bê bết bùn mà không đi vớ. Tôi cứ tự nhiên, chẳng buồn xin lỗi. Tôi đã thề không bao giờ bận cái áo măng tô bằng da lông nữa vì tôi muốn Pao đi rồi, tôi sẽ đem bán nó.

Pao bắt đầu nghĩ tới cuộc hành trình về Trung Hoa. Anh có thể lựa chọn về bằng đường qua Mỹ hoặc bằng đường qua Nga và anh quyết định lựa con đường trên. Ở tòa Đại sứ Trung Hoa, vài nhân viên hành chánh trong Bộ Tham mưu đã tính qua Mỹ ở nếu “tình thế hỏng bét”. Có lẽ chỉ người Mỹ mới cho rằng Cách mạng Trung Hoa xảy ra một cách thật bất ngờ, như một tiếng sấm giữa mùa xuân, vì họ không để ý tới thực trạng tình thế Trung Hoa mà chỉ mãi đeo đuổi ý muốn của họ là làm cho Trung Hoa thành một lãnh thổ, một thị trường lớn nhất của họ. Còn đa số các nhà ngoại giao Trung Hoa ở Londres thì đã cảm thấy đất rung chuyển dưới chân họ rồi.

Một buổi sáng sớm tháng ba, trời mưa, gió lạnh lẽo, hồi sáu giờ rưỡi, Pao lại ga Euston đi xe lửa tới một hải cảng để xuống tàu qua Mỹ: tên hải cảng – chiếc tàu và ngày nhổ neo đều được giữ kín. Mấy ngày cuối cùng chúng tôi lại ở trong một khách sạn tại Londres mà phòng ăn bi thảm như một nhà mồ, còn bồi thì là những ông già run rẩy (họ quá tuổi nhập ngũ rồi) dọn cho chúng tôi những khúc xúc xích nhồi đầy ruột bánh mì, có thể là mạt cưa nữa, không có trứng, cũng không có bánh phết bơ. Tôi nhớ đã phản kháng và người ta đã đáp tôi: “Còn đương chiến tranh, bà không nhớ sao?”. Những lúc đó một số con buôn thích bắt khách hàng chịu những cảnh ngược đãi tệ nhất, thói quen đó tôi vẫn còn thấy ở Anh lâu lắm sau khi chiến tranh chấm dứt.

Pao và tôi không có gì nói với nhau cả. Ảnh đi, tôi ở lại, không ai có dự tính gì cả, không quyết định, không bàn về tương lai, vì cả hai đều sợ làm tan mất sự hoà hợp tạm thời trước khi chia tay nhau. Pao bảo anh về nước xem tình thế ra sao rồi sẽ viết thư bảo tôi về. Tôi đáp rằng muốn học xong, càng sớm càng tốt. Lời nói của chúng tôi có thể là thành thực, có thể là giả dối: việc sẽ xảy ra không tùy quyết định của chúng tôi. Bỗng Pao bảo tôi: “Biết đâu chừng chẳng có ngày anh bắt buộc phải lãnh một chân giáo sư Đại học”, như vậy là anh tính được một tương lai không còn quyền hành trong tay nữa. Tôi không cải lại anh rằng anh không thể dạy bất kỳ một môn gì được. Anh kêu điện thoại nói chuyện với Yungmei ở Barney Cottage, và anh khóc khi nghe nó vui vẻ chúc anh: “Ba đi mạnh giỏi”. Mặt anh nhăn nhó, đau khổ vì cảm thấy anh đã không luôn luôn có lý về mọi việc; nỗi nghi ngờ xâm chiếm, gậm nhấm anh, anh không chịu nỗi sự thiếu tự tin đó.

Đẹp trai, khỏe mạnh, thân hình ngay ngắn, tay cầm can, vẻ tự tin, anh đi đi lại lại như diễn binh ở sân ga, và tôi bước theo anh, mình phủ chiếc áo mưa, sách cắp dưới nách. Sau khi tiễn anh lên xe, tôi phải trở về thẳng đường Hunter vì ngày hôm đó bắt đầu kỳ thi, môn đầu là môn sinh lý học. Sân ga vắng tanh, lại thêm mưa phùn, lạnh, rót xuống cùng với mồ hóng luôn luôn có trong không khí Londres: cảnh thật hợp với một cuộc biệt ly ảo não. Mưa đập vào mái tôn, bao tử tôi chưa tiêu hết tách cà phê ghê tởm ban sáng, không biết pha bằng thứ bột những hột quái quỷ gì đó. Pao bảnh bao, giày bóng láng (do tôi đánh) và áo choàng mới tinh. Chúng tôi chia tay nhau, anh leo lên xe, nghiêng mình ra ngoài cửa sổ, và đưa chiếc can vẫy vẫy khi xe chuyển bánh.

Tôi trở về đường Hunter và ngay chiều đó tôi thi bài viết về môn Sinh lý học. Ở nhà ga Saint Pancras, có một hàng dài người nối đuôi nhau đợi một chén trà, và ở quày chỉ có mỗi một chiếc muỗng cột bằng một sợi dây gai. Phải đứng nối đuôi để lãnh một chén trà; đứng nối đuôi để khuấy trà rồi đặt trả chiếc muỗng, nước trà còn chảy ròng ròng, trên quày; nối đuôi để trả tiền chén trà nóng và nhờn đó vì đã có biết bao nhiêu người cầm rồi; tối đó tôi lái chiếc xe máy dầu về Barney Cottage, chiếc xe hổn hển mới leo nổi cái dốc khá dựng đứng ở Winkfield.

Mấy ngày sau, tôi bị kích thích dữ vì lo lắng và làm việc, tùy kết quả kỳ thi này mà tôi được học bổng của British Council hay không, và có học bổng thì mới tiếp tục học Y khoa được. Pao hứa sẽ gởi tiền cho tôi, nhưng tôi biết anh chỉ hứa hảo, vì làm gì có dư tiền mà gởi: một chén cơm hồi đó phải trả 6.000 đồng và một Mỹ kim ăn 100.000 đồng. Năm 1948, một Mỹ kim ăn một triệu đồng. Về Trung Hoa, Pao lãnh tiền Trung Hoa, không có ngoại tệ để đổi và mặc dầu, các nhà quân sự được đặc quyền buôn bán vàng nén và các xa xỉ phẩm, anh không sợ thiếu tiền tiêu, tôi cũng không mong gì được anh gởi tiền, vì dĩ nhiên, tôi nghĩ vậy là phải. Anh đã vẩy vẩy cây can, vẻ tự tín mà bước ra khỏi cuộc đời của tôi, thế là xong; bây giờ tôi có thể đoạn tuyệt hẳn với cuộc đời đó. Từ hôm đó, tôi không trở lại toà Đại sứ Trung Hoa nữa, trừ một lần năm 1947[138]. Cũng vậy, tôi tuyệt giao với tất cả bạn ngoại giao của tôi, bằng cách lánh mặt đi, không trở lại cuộc đời đó nữa.

Tiền mướn Barney Cottage đã trả được hai tháng, vậy chúng tôi còn được ở tới ngày mùng 1 tháng 5; sau đó tôi phải kiếm cách nuôi Yungmei và Gillie. Làm sao trả được tiền công của Gillie? Làm sao trả được tiền ăn, tiền ở? Xoay xở cách nào được đây? Tôi không biết nữa. Ba người có thể nào sống với ba chục Anh bảng mỗi tháng, số học bổng của Bristish Council được không? Nội tiền công của cô Gillie cũng nuốt hết nửa số đó rồi, không kể tiền ăn, tiền quần áo, tiền nhà. Rồi làm sao cho Yungmei học?… Những trước hết phải lo thi cho đậu đã.

Trong tuần lễ thi đó, một buổi tối, chiếc xe của tôi chết máy ở dọc đường. Tôi phải đẩy nó ba giờ đồng hồ mới về tới nhà vì xe thì nặng mà đường thì dốc. Mười một giờ khuya tôi tới Barney Cottage, mệt lã và năm giờ rưỡi sáng cô Gillie đã đánh thức tôi để ra Londres.

Tuần lễ đó, tôi gần như không ngủ được vì mệt và lo lắng… rớt thì tai hại quá. Tôi tiếc năm trước đã từ chối một số tiền, trọn gia tài mà anh Louis, vị hôn phu trước kia của tôi ở Bỉ, đã để lại cho tôi.

Vì Louis đã tái hiện; một buổi chiều năm 1943; Pao và tôi đương đi băng qua Piccadilly Circus (ở Londres) thì tôi thấy anh đứng cạnh hàng rào thay cái tượng Eros [6] dựng trên bệ, anh bận quân phục Không lực Hoàng gia và đăm đăm ngó tôi. Anh đã thoát khỏi tụi Đức, trốn qua Anh, đầu quân vô Không lực Hoàng gia…

Tôi nhìn anh nhưng thản nhiên bước qua, vì Pao đi với tôi. Đã đoạn tuyệt rồi. Vả lại, biết nói gì với nhau đây. Tôi không xúc động. Sự thật, khi một tình cảm đã hết ý nghĩa thì thái độ thẳng thắn nhất là coi nó như đã hết ý nghĩa.

Vài ngày sau tôi nhận được một hộp trà nhỏ. Không đề tên Louis. Anh không tìm cách lại thăm tôi. Rồi một buổi chiều năm 1944, một đại tụng (avoué) Bỉ ở tòa Đại sứ Bỉ kêu điện thoại lại trường học đường Hunter, trường lại chuyển về nhà tôi, cho tôi hay rằng Louis đã chết trong một phi vụ ở Assam, trong trận Miến Điên năm 1944. Phi cơ của anh đụng vào núi, rớt. Trong di chúc, anh muốn để lại cho tôi tất cả gia tài của anh, viên đại tụng hỏi tôi làm sao gởi tiền cho tôi được, ông ta vừa thận trọng vừa kín đáo. Tôi đáp rằng không muốn nhận số tiền ấy, phải gởi về Bỉ cho hai chị (hoặc em gái) của anh. Khoảng 640 Anh bảng đã chia cho hai người đó.

Trong khi lái chiếc xe máy đầu, trong khi uống trà nóng bỏng – để khỏi lạnh – tại các phòng ăn bẩn thiu, hư nát ở nhà ga, trong khi bới đầy những tờ giấy học trò, chép hết các chi tiết về hệ thống thần kinh phản giao cảm (système nerveux parasympathique), về phản ứng với chất acétylcholie, và các cơ năng của lá gan, tôi luôn luôn lo lắng về vấn đề tiền nong.

Ngày 25 tháng ba, chúng tôi hội họp ở trường để chờ kết quả; một nhân viên ban quản trị đọc tên những người đậu theo thứ tự cao thấp, rồi dán kết quả lên bảng. Nếu rớt, có lẽ tôi có thể xin một chân thư ký được… Tôi có thể kiếm được một phòng vừa là phòng làm việc,vừa là phòng ngủ, khá rộng để chứa ba chúng tôi không? Tất nhiên Gillie không thích sống ở Londres trong một phòng như vậy… Nếu cô bỏ tôi, đi làm chỗ khác thì tôi bắt buộc phải gởi Yungmei vào một trường mẫu giáo? Giáo sư Giải phẩu học bước vô đọc số hiệu các thí sinh đậu: Tôi đậu, chị Cherry rớt. Tối đó, để ăn mừng, chúng tôi gọi thêm một đĩa cá và khoai tây rán gói trong giấy báo, và uống ba chén trà nóng ở sân ga. Chị Cherry khóc, một chị bạn khác cũng khóc vì rớt. Hai chị ấy qua tháng 10 thi lại, đậu và sau thành những y sĩ rất giỏi.

Vậy trong ba năm sau tôi sẽ được lãnh ba chục Anh bảng mỗi tháng; còn Yungmei và Gillie, phải tính sao đây?

 

Pao tới Mỹ đúng vào lúc Roosevelt từ trần; anh buồn rầu tả cho tôi đám tang của Tổng thống, và hăng hái tán tụng Mỹ. “Họ thật tử tế… họ sẵn sàng giúp chúng ta tới cùng… họ khác hẳn bọn Anh keo kiệt…” Anh gởi tôi cuốn tự truyện của bà Wellington Koo: chỉ còn vài bản không bị ông chồng hủy bỏ. Như vậy Pao muốn tôi tha thứ thái độ trước kia của anh.

Sau đó, Pao viết thư cho tôi từ Trùng Khánh. Trước hết tôi trả lời mấy hàng vắn tắt cho anh hay rằng mọi sự đều tốt đẹp.

Dĩ nhiên anh không bao giờ gởi tiền cho tôi cả: tôi phải trả hóa đơn tiệm chụp hình, khoảng 45 Anh bảng, hóa đơn tiệm thợ may, trên 30 Anh bảng. Tôi bán chiếc áo da lông được 90 Anh bảng, đủ trả nợ.

Trở về Trung Hoa, Pao bị lôi cuốn ngay vào những cuộc thương thuyết giữa Quốc Dân đảng và Cộng sản, người Mỹ đóng vai “trọng tài”. Người ta nói nhiều tới một chính phủ “liên hiệp”; ý đó rất hợp với thái độ của Mỹ đối với Trung Hoa, thái độ này do họ nghĩ rằng Trung Hoa sắp thành “bất động sản” lớn nhất tại Á châu của các nhà kinh doanh Mỹ. Họ mong thấy Trung Hoa được hòa bình, cải cách, những trước hết, họ muốn “ở lại” Trung Hoa và đó là lỗi lầm lớn của họ. Còn đâu nữa cái thời người Da trắng làm chủ châu Á, họ có vẻ như vẫn chưa thấy vậy.

Mùa thu 1945, Pao viết cho tôi: “Chúng ta không thể tin tụi cộng sản được…” Nhưng hai năm trước anh đã nói sẽ dùng viện trợ Mỹ để diệt cộng, thành thử tôi không mấy xúc động, sao bỗng nhiên anh lại phát ra đạo đức như vậy.

Tôi không tưởng tượng được cộng sản mà lại buông khí giới để chiều lòng người Mỹ, chấp nhận một chế độ “liên hiệp” để rồi nhất định bị Tưởng Giới Thạch tàn sát. Chuyện đó đã xảy ra rồi; có lý gì bây giờ họ lại ngu xuẩn, buông khí giới để đổi lấy một sự thừa nhận có tính cách giả tưởng, không sao thi hành được?

Lần đó tôi không hồi âm; mà năm sau cũng vây, khi anh báo tin đã được thăng chức và lên phía Bắc; sự thật anh lên Hoa Bắc và Bắc Kinh, tại đó anh gặp ba tôi. Ba tôi kể lại cuộc gặp gỡ khác hẳn lời trong thư Pao viết cho tôi. Pao viết:

Anh đã gặp ba em, thực tình ông không có một chút sinh khí nào cả. Ông chỉ mỉm cười và gật đầu khẽ chào… Anh muốn trách ông đã không biết cách dạy dỗ em. Nếu anh biết trước em sinh trưởng trong một gia đình như vậy thì anh đã không cưới em để làm ô danh của anh đi”.

Anh viết vậy vì hai người em gái của tôi đã kết hôn với hai người lính Mỹ, anh nổi quạu vì vậy.

Lâu lắm sau này, đọc bài tự phê của ba tôi, tôi mới thấy ba tôi, kể lại cuộc gặp gỡ đó. Hồi mà chế độ cũ bị diệt, và cộng sản lên cầm quyền, ba tôi cũng như mọi công chức, phải viết bài tự phê, không phải một lần mà nhiều lần.

Tới lúc đó biết rằng con gái tôi đã kết hôn với một người tên là Tang Pao Houang. Năm 1946 anh ấy tới Bắc Kinh. Tôi đã được ông bạn tôi Ping Shih nói về anh ta và khuyên tôi nên lại thăm vì anh ta là một nhân vật rất quan trọng: tôi do dự, nhưng Tang Pao Houang viết cho tôi mấy chữ cho biết khách sạn anh ta ở. Tôi bèn lại thăm. Câu chuyện chúng tôi nói với nhau chẳng có gì quan trọng lắm… Sau đó anh ta lại đáp lễ tôi, nhưng không ngồi lâu lắm. Có tin đồn anh ấy sắp cưới một cô tên là Sun Chia Houei ái nữ của tướng Sun, một cựu quân phiệt. Cô đó đã theo Tang Pao Houang tới Bắc Kinh và hai người cùng ở một khách sạn. Tôi biết rằng con gái tôi và anh ấy không hòa thuận với nhau, nhưng trong câu chuyện tôi không nhắc tới chuyện ấy”.

Pao có chụp chung một tấm hình với ba má tôi đang trên bực thềm đưa từ vườn lên hàng ba. Năm 1956, khi trở về Trung Hoa, tôi thấy tấm hình đó cùng với nhiều tấm khác, trong cái rương cũ mà má tôi đã chở từ Bỉ qua từ bao nhiêu năm trước.

Đầu năm 1947 tôi nhận được một bức thư khác đã gởi từ lâu. Pao có giọng đau khổ, phẫn uất. Câu chuyện anh kể lại rất rắc rối. Một sĩ quan khác và anh đứng gác phòng cho Tưởng Giới Thạch, trao đổi với nhau vài nhận xét, có người nghe lỏm được, thuật lại sai trong một tờ phúc trình gởi lên Tưởng… Pao bị trừng phạt: giáng chức và tống lên Mãn Châu trên mặt trận… Tội nghiệp cho Pao, từ bao lâu nay anh tránh được khỏi bị đày ra một trận…

Cùng lúc đó tôi nhận được thư của chị bạn Yuenling, lúc đó ở Bắc Kinh. Chị cho hay có gặp Pao, Pao phàn nàn với chị rằng không nhận được tin tức gì của tôi cả, chị khuyên tôi nên viết thư cho anh, vì chị nói thêm – Pao có tâm hồn cao thượng đẹp đẽ, chỉ phụng sự Tổ quốc thôi. Tôi hồi âm rằng tôi mạnh giỏi, Yungmei đã lớn thêm, nhưng tôi không đá động gì tới Pao cả. Cuộc thương thuyết đổ vỡ và nội chiến bắt đầu năm 1947 lan tới khắp nước. Tôi viết thêm một câu ước ao rằng sẽ không đổ máu. Yuenling đáp rằng phải diệt “bọn côn đồ”.

Trong khi tôi còn tìm hiểu bí mật đó thì báo Anh đăng tin chiến tranh đã phát, làm cho nhiều người xúc động. Tờ The Times long trọng khuyên rằng Trung Hoa đã bị chiến tranh xâu xé bây giờ phải “liên hiệp” với nhau để có hòa bình thì hơn. Có nhiều người đưa ra những đề nghị cải cách ảo dịu, người ta tin rằng một nhóm “trí thức không cộng sản” có thể “cứu vãn được tình thế” bằng những biện pháp chí lý… Nếu Trung Hoa chịu nghe. Nhưng tôi biết rằng không thể có giải pháp dung hòa được, theo tôi tất cả những điều đăng trên báo chí phương Tây đều gần như vô lý cả. Tôi theo dõi các trận nội chiến, bỏ ngoài tai những tin tức lạc quan “hòa bình” và “ngưng bắn”. Kế hoạch tạm thời đó mà tác động được gì? Trước mắt tôi đã diễn ra những cảnh mà tôi mục kích: Hàng dãy người hấp hối cột với nhau bằng dây thừng, có khi bằng dây chì nữa, họ bị lùng bắt để nhốt vô trại lính. Đánh đập tàn nhẫn. Tôi nhớ lại hình ảnh Pao một hôm ở ngoài đường nhảy bổ tới nắm cổ một người cu ly trẻ chở mấy bành bông nặng tới nỗi không thấy đường nữa, phải vừa hổn hển vừa la: “Xin tránh giùm cho tôi đi qua, tôi mang nặng đây”.

Pao hất chú ta té xuống đường, các bành bông vung vãi ra, rồi Pao đá vào sườn chú ta chỉ vì chú ta đã lỡ chạm vào cánh tay Pao. Bây giờ tôi còn nghe thấy tiếng la khóc của chú ấy, mà Pao chỉ hành động như nhiều người khác trong hoàn cảnh đó thôi. Tôi không nghĩ rằng “hòa bình” hay “liên hiệp” mà thực hiện được.

Tôi tiếp tục học, không viết thư cho Pao nữa và đợi coi chung cuộc của nội chiến ra sao.

 

Năm 1946, khi thế chiến thứ nhì kết thúc, chú Ba đã gởi được hai người con trai ra ngoại quốc: người con lớn mà tôi gọi là em Ba qua Mỹ học, còn người thứ tư Kouangti thì qua Londres.

Kouangti ở cách xa nhà tôi, học một trường công nghệ ở khu Bắc Londres. Trường thường phái tôi lại các bệnh viện ngoại ô Londres thành thử chị em tôi họa hoằn mới gặp nhau, nhưng mùa hè 1947 tôi theo học một lớp ba tháng về các bệnh mũi, tai, họng ở Londres. Chị Cherry, tôi và một nữ sinh viên khác tên là Belty chia nhau một căn phòng, ở dưới mặt đất tại đường Doughty. Kouangti thỉnh thoảng lại đó thăm tôi, mặc dầu con đường từ Bắc Londres lại đó chẳng có gì đẹp. Em ấy cho tôi biết tin tức về chú Ba và thiếm Ba. Cũng cho biết tin lạm phát nữa. Một chén cơm bấy giờ phải trả 30. 000 Hoa kim, và vô tiệm ăn thì vừa ngồi xuống đã phải trả tiền liền vì đôi khi chưa ăn xong giá bữa ăn đã tăng lên 10 hoặc 20%. Kouangti vừa cười vừa bảo: “Thiên hạ phải chở giấy bạc bằng vali hoặc xe bồ ệt để mua vé xe buýt”. Chúng tôi vẫn thường cười trước một tai vạ vô phương cứu vãn.

Sáng sớm ngày 17 tháng 10 năm 1947, ba tháng trước kỳ thi ra trường của tôi, Kouangti bổng lại phòng tôi: “Có hung tin, chị”, Pao đã chết một cách vẻ vang trên mặt trận ở Mãn Châu, gần mỏ than Fou Shou.

Dĩ nhiên tôi khóc, khóc ròng, tự cảm thấy có tội lớn… Tôi kêu điện thoại báo tin cho bà Isabel Cripps. Bà Margaret Godley lại phân ưu, ngồi một lúc với tôi để an ủi tôi. Tôi lại bệnh viện Elizabeth Garrelt Anderson, đi lang thang hết phòng này lên phòng khác rồi trở về nhà để khóc nữa. Pao chết rồi, Margaret Godley bảo: “Không, không phải lỗi của bà”. Tôi cãi lại “Đáng lẽ tôi phải can không cho anh ấy về”. Nhưng chưa qua hai ngày thì tôi đã hết hối hận.

Tôi không nhận được lời xác nhận chính thức của toà Đại sứ Trung Hoa… Có lẽ vì họ không biết địa chỉ tôi. Trước kia tôi đã nhất định không lại tòa Đại sứ nữa, lần này, Kouangti thúc tôi lại thăm ông Đại sứ. Cuộc hội kiến lạnh lẽo làm sao, viên Đại sứ (không phải là tiến sĩ Wellington Koo nữa mà là một người khác, tiến sĩ Tcheng) nào đó không hay gì cả. Ngồi vài phút rồi tôi ra về. Hôm sau tôi tới tòa Đại sứ và ngươi ta gởi cho tôi một tờ chứng tử lớn có gắn mấy con dấu bằng khăn đỏ cho hay rằng Pao đã “cao thượng hy sinh trên chiến trường” và tôi là quả phụ, được chính phủ cấp cho 10 triệu Hoa kim. Tháng 10 năm 1947 số tiền đó chỉ bằng khoảng 3 Anh bảng, tôi không mất công đi lãnh làm gì.

Sau đó tôi nhận được một bức thư của chú Ba hết lời khuyên tôi về Trung Quốc làm đám tang cho Pao. Quả phụ của một vị “anh hùng” thì thế nào cũng phải đi đưa đám “tay dắt con”. Chỗ tái bút, chú nói tới một “cô Sun nào đó tự cho là vợ chính thức của Pao, như vậy nếu tôi không về thì sẽ mất phần gia tài. Tôi nói với Kouangti rằng tôi không nghĩ tới việc hưởng gia tài.

Kouangti ngồi đối diện tôi, vẽ mặt nghiêm trang, cao cao, muốn cho tôi nghe lời khuyên của chú Ba mà giữ đúng tục cổ. Sao tôi lại có thế không phản kháng, để cho một người đàn bà khác xưng là quả phụ mà đi sau quan tài của chồng tôi, làm lễ táng cho chồng tôi được? Tôi đáp: “Được chứ, quan trọng gì cái đó?” Kouangti đánh điện cho hay tôi đau không thể về được, như vậy là mọi người hiểu rồi. Một bức thư khác của ba tôi, cũng khuyên tôi về để đòi lại “quyền” của tôi, vì cô Sun nói với mọi người rằng Pao đã để (ly dị) tôi và chính cô ta mới là vợ chính thức… Nhưng những con chim bị giết mùa hè đó, đối với tôi đã chết hẳn rồi…[7] Tôi sẽ không đóng cái hài kịch để tang. “Lúc đó vào tháng 10 mà qua tháng giêng tôi phải thi ra trường để lấy bằng bác sĩ. Pao chết rồi. Tôi không có tiền về Trung Hoa rồi trở lại Londres”.

Vị Đại sứ Trung Hoa – một ông già đáng kính, sau này sống những ngay tàn ở Mỹ, làm chuyên viên về vấn đề Trung Hoa – cho mời tôi lại văn phòng ông, bảo tôi rằng tôi là vợ một vị anh hùng, phải đem con về ở trong gia đình của Pao, với thân mẫu của Pao, như vậy mới phải đạo, vì theo tục Trung Hoa thì bổn phận của tôi từ nay là nâng đỡ mẹ chồng trong nỗi đau khổ của bà. Tôi đáp rằng không có tiền về nước. Tiến sĩ Tcheng cho rằng tôi muốn xin tiền tòa Đại sứ (dù sao, tôi vẫn còn tờ thông hành ngoại giao mà) vội vàng bảo tôi: “Bà phải là một quả phụ gương mẫu. Phải viết thư về thăm mẹ chồng. Cứ 10 ngày viết một bức. Tục lệ như vậy”.

Vậy là đám tang không có mặt tôi, bổn phận tôi theo tôi hiểu là thi lấy bằng bác sĩ, cách đó hai tháng… Kouangti và tôi bàn bạc với nhau một hồi lâu, lựa người nào trong họ có thể thay mặt tôi trong đám táng. Kế đó cả Mãn Châu sụp đổ, Hồng quân thắng trận cuồn cuộn như làn sóng lan tràn khắp Trung Hoa, và tôi không nghe nói đến đám táng, đến tục lệ, đến cô Sun nữa.

Một ý nghĩ thoáng qua trong nỗi buồn của tôi: Pao đã muốn tôi tự tử sau khi anh chết, để lưu lại cái danh thơm là một quả phụ tiết nghĩa, làm cho gia đình đạo đức của anh được thêm tiếng tăm. Nhưng tôi không chịu hứa với anh như vậy. Không đầy một tuần sau, tôi lại chăm chỉ làm việc.

Khoảng cuối tháng 11, tôi nhận được một gói nhỏ: Tập nhật ký tâm tình anh gởi cho tôi cùng với một bức thư anh gởi cho tôi đầu tháng 10, khoảng 10 ngày trước khi anh mất.

Bức thư chỉ có năm sáu hàng chứ không hơn: “Anh ra mặt trận để chiến đấu đây. Anh không biết sẽ ra sao, nhưng anh ngờ rằng hỏng rồi, không cứu vãn được nữa. Anh đã đối xử với em không được tốt lắm, nhưng nếu trời cho anh sống thì anh sẽ đối xử với em tốt hơn”. Tập nhật ký đó ở trước mắt tôi; không có bìa, có lẽ ai đó đã xé đi cho nhẹ, chỉ còn những trang bên trong; chữ viết đều và khít, anh đã tập một thủ pháp để tự chủ về tình thần, leo được thang thành công: nét không xơ, không ốm, nhưng nét nhỏ viết rất cứng cáp, điều đặn, tỏ rằng tâm hồn bình tĩnh… Tôi lật coi qua rồi đem vào bếp đốt.

Tôi chỉ đọc đây một chữ, kia một đoạn, tôi biết anh muốn tôi đọc những tư tưởng cao thượng của anh; tôi nghĩ cái lòng trung thành bị ngược đãi của anh, tới tình yêu của anh đối với tôi… nhưng chỉ nội cái tên “nhật ký” cũng đủ làm cho tinh thần tôi mất quân bình và tôi nổi lên một cơn cười như điên. Trước hết tôi phải nghĩ tới kỳ thi ra trường của tôi đã, không thể phí thì giờ vào những giao động thần kinh, vào những xúc cảm mãnh liệt, buồn rầu, cảm kích, nhớ nhung, tiếc hận được… Phải tiến tới cho mau, tự vượt tôi đi, không có thì giờ để khóc, phải tiếp tục.

Năm năm sau, tôi ở Hương Cảng nhận được một bức thư của Yuenling cho tôi những chi tiết khác về cái chết của Pao. Lúc đó chị ở Đài Loan vì chị đã theo Tưởng Giới Thạch, chị mời tôi qua chơi với chị. Chị thành một họa sĩ vẽ phong cảnh, có chồng và một con trai, coi hình thấy chị cao lớn, duyên dáng, có vẻ sung sướng… Chị kể cho tôi nghe Pao đã chết ra sao.

Trong hai chục năm nay tôi không có ý tìm hỏi mà cũng đã được nghe về bốn thuyết về cái chết của Pao. Theo thuyết chính thức thì Pao đã anh dũng chống cự tới cùng, rồi bị đạn bắn đầy mình mà chết ở mặt trận.

Theo một báo cáo mật khác, quân lính của Pao cũng như nhiều đội quân khác của Quốc Dân đảng, đào ngũ từng đám theo Hồng quân và cuộc chiến đấu thành một cuộc bại tẩu. Chỉ còn trơ lại Pao với một bộ hạ; Pao bảo hộ hạ đâm thủng ngực mình đi, người đó không nỡ, Pao đã tự tử bằng một cách nào đó không ghi rõ.

Một thuyết thứ ba còn gây xúc động hơn nữa: quân lính của Pao nổi loạn và hạ sát anh.

Rùng rợn nhất là thuyết của Yuenling. Chị gởi cho tôi một bức họa đẹp, có núi sông và một hiền triết trầm tư mặc tưởng, do chị vẽ, với mấy chữ đề tặng: “Rất thân ái” ngỏ ý mời tôi qua Đài Loan, trở về với Tưởng Giới Thạch. Chị viết:

“Tụi đó là loài thú dữ. Chúng giết chóc một cách dã man không tưởng tượng nổi! Chị muốn làm gì thì làm, chúng cũng không tin chị đâu, chị ạ. Tôi sợ chị xiêu lòng, có lẽ chúng rán dụ dỗ chị… Chị nên nhớ chúng đã giết anh nhà ra sao? Chúng khoét mắt, lột da anh, cột vào một con ngựa cho nó lôi đi tới khi anh chết mới thôi…”

Năm 1958, tôi kể lại những thuyết đó cho một chị bạn tôi, Koung Peng ở Bắc Kinh, một phần buồn vì chuyện cũ, một phần vì mong biết được sự thật. Nhưng Koung Peng làm thinh, không thốt một lời nào cả.

Bao nhiêu máu đã đổ từ ba chục năm nay… Bao nhiêu người đã chết vì bom đạn trong cuộc chiến đấu bất tận đó, trong cuộc trường chinh, trong cuộc nội chiến; bao nhiêu người không biết vợ con, cha mẹ, người yêu… của mình ra sao; còn những người khác thì phải mục kích cảnh người thân của mình bị tra tấn; lại có người như Mao Trạch Đông trong cuộc trường chinh, gởi con cái lại cho một gia đình nông dân nuôi giùm rồi cha con không bao giờ gặp lại nhau…

 

Sự chiến thắng của Cộng đảng và Hồng quân đạt tới tột đỉnh năm 1949, điều đó dễ hiểu nếu ta coi chiến thắng đó chỉ kẻo dài thêm thiên anh hùng ca, sử gọi là cuộc Trường chinh. Cuộc Trường chinh này mới đầu là cuộc rút lui sau khi các căn cứ chính của cộng sản ở Hoa Nam bị bao vây năm 1933. Tưởng Giới Thạch đã tập hợp non hai triệu binh sĩ với chiến xa và phi cơ để thực hiện chiến dịch vĩ đại thứ năm mục đích là diệt Cộng. Ông ta dùng chiến thuật gọng kềm đại quy mô, tàn phá những miền mênh mông, mong đánh bật cộng sản xuống biển.

Hồng quân vượt qua những đồn lũy xi măng, các dàn đại bác, các hầm mà Tưởng xây cất thành 4 lớp bao vây căn cứ của Cộng. Hồng quân mở một đường thoát ra mùa thu năm 1943 bắt đầu cuộc viễn chinh phi thường gọi là Trường chinh đó.

Mặc dầu thành công, Mao Trạch Đông đã bị một số lãnh tụ Cộng sản chỉ trích, Ủy ban Trung ương ẩn náu từ lâu ở Thượng Hải, rất quan trọng tới lý thuyết nhưng không áp dụng cụ thể vào hoàn cảnh Trung Hoa. Ảnh hưởng và danh vọng của Mao trong quân, dân Trung Hoa thật lớn lao. Mặc dầu trong khoảng ba năm, ông khó khăn lắm mới làm cho Đảng chấp nhận ý kiến của mình, ông vẫn duy trì và cải thiện đường lối. Những kỹ thuật quân sự ông sáng tạo không được người ta theo, do đó sinh ra nhiều thất bại, sau ông phân tích những lầm lẫn đã mắc phải, trong số đó có thái độ bè phái đối với tướng Thái Đình Giải ở Phúc Kiến; Thái và Lộ quân thứ 19 của ông ta đã anh dũng kháng Nhật ở Thượng Hải năm 1932 rồi bị Tưởng Giới Thạch phản. Mao Trạch Đông khuyên phải liên lạc với những đạo quân ái quốc mà không cộng sản, nhưng các người khác không nghe, vì lúc đó phe theo chính sách “khép cửa” thắng thế.

Tháng 10 năm 1934, sau những cuộc chiến đấu kinh khủng, đạo quân Cộng sản phá được vòng vây (quân đội và đảng viên gồm 130 ngàn người hết thảy) mà tiến về hướng Tây. Họ đi bộ từng dãy dài, vô miền Tứ Xuyên trong thời tiết lạnh lẽo mùa thu. Đàn bà đeo con nhỏ trên lưng, heo, gạo, máy móc (trong một xưởng binh công nhỏ), va li; có vai chiếc xe bò để chở những đàn bà có mang, có gì họ mang đi hết.

Đoàn người đó dài 300 cây số; đoàn hộ vệ cách đoàn tiên phong bảy ngày đường. Ngày nào, giờ nào cũng bị tấn công, đêm cũng vậy, bị phi cơ thả bom; bị phục kích trên mọi con đường, nhưng họ cứ tiến.

Cuộc Trường chinh kéo dài hơn một năm, vượt qua 11 trên 18 tỉnh, 18 dây núi có những đèo tuyệt phủ cao 4.000 thước; đi bộ 12.000 cây số, mỗi ngày 40 cây số. Khi đi là 130.000 người, tới nơi còn 30.000 người mà trong số này có nhiều người mới nhập vô đoàn ở dọc đường.

Trong hai tháng đầu, các vị chỉ huy cãi nhau, chia rẽ nhau về hành trình phải theo, về mục tiêu, tới đâu thì ngừng lại.

Tháng giêng năm 1935 ba mươi phần trăm những người đi tiên phong (khoảng 40.000 người) đau. Tới một nơi gọi là Tsun Yi (Tuân Nghĩa) (?) họ quyết định tạm nghỉ chân và họp nhau để thảo luận. Chia làm hai phe chính: phe Mao Trạch Đông muốn lập một căn cứ ở Tây Bắc, từ đó xuất quân để kháng Nhật; và phe “thân Nga” của các sinh viên “Tây du” về, như Lý Lập Tâm và nhiều người khác muốn tấn công và chiếm những “thành phố lớn”[8] để thành lập những căn cứ tương lai vững vàng.

Cuộc hội nghị Tsun-Yi (Tuân Nghĩa) (?) đó quan trọng bậc nhất hồi đó, từ các nhà chỉ huy quân sự tới lính tráng đều thấy chủ trương của Mao Trạch Đông đúng. Ông được bầu làm Tổng Bí thư của đảng và của Ủy ban Trung ương, và chiến thuật của ông được mọi người chấp nhận.

Việc thứ nhất Mao thi hành là ra lệnh bỏ hết các gánh nặng vô ích làm cho cuộc Trường chinh chậm lại mà dễ bị Quốc Dân đảng tấn công. Đồ dùng, tiền bạc, cả tới súng trường nữa, cũng phải để lại ở dọc đường hoặc chôn giấu. Con nít cũng phải giao cho nông dân nuôi giùm, trong số đó có hai đứa con của Mao.

Trút nhẹ được rồi, họ tiếp tục đi. Nhờ chiến thuật uyển chuyển, tháng hai năm 1935, Mao đánh tan được bốn sư đoàn Quốc Dân đảng. Rồi Hồng quân bước vô giai đoạn gay go nhất, cực khổ nhất của hành trình, vượt những núi cao và những con sông ở nội địa.

Ở Bắc Kinh tôi làm quen một người đàn bà sống sót sau cuộc Trường chinh, đứa hài nhi của bà hồi đó đặt trong một cái giỏ trên lưng một con la cái, cùng chung với cái gói đồ. Khi leo một ngọn núi rất cao, chậm chạp đi ven một dốc núi rất hẹp, con la trượt chân té xuống đáy vực sâu gần 2.000 thước với đứa nhỏ và các gói đồ, không thể ngừng lại để tìm kiếm được, vì địch đuổi theo sau không xa… Sau cùng Hồng quân tới Diên An.

Từ 1937 đến 1945, trong chiến tranh Trung Nhật và thế chiến thứ nhì, Hồng quân chiến đấu không ngừng với Nhật và các quân Trung Hoa làm tay sai cho Nhật; họ tấn công cả phía trước lẫn phía sau của địch, dùng thuật du kích, cướp khí giới, lương thực của địch đề tồn tại và lần lần mạnh lên, qua miền nào cũng được dân chúng làm hậu thuẫn. Họ gieo khắp nơi những mầm du kích mới, gây thành những đạo quân mới, giải phóng được những khu vực mới.

Kế hoạch cửa Tưởng Giới Thạch là án binh bất động, để cho Cộng sản kháng Nhật mà tiêu ma sức lực đi, kế hoạch đó hoàn toàn thất bại. Hồng quân sở dĩ mạnh là nhờ chiến đấu không ngừng.

Vừa chiến đấu, Hồng quân vừa giáo dục quần chúng cho họ có ý thức về chính trị. Trong cuốn hồi ký về cuộc Trường chinh, Đặng Dĩnh Siêu, vợ Chu Ân Lai kể cách thức như sau:

“Các nữ đồng chí dự trong cuộc Trường chinh cũng cương quyết và can đảm như nam đồng chí… Trong Đạo quân thứ nhất, có ba chục nữ cán bộ – những chị nào mạnh nhất đều đeo trên lưng mùng mền và bao gạo. Bộ đội ngừng ở đâu để nghỉ ngơi là các chị ấy lợi đụng cơ hội để tuyên truyền chính trị trong dân chúng, săn sóc bệnh nhân và giúp đỡ trong việc nấu ăn. Tất cả các nữ đồng chí đều đi tới cuối đường Trường chinh, không một người nào bỏ dở hoặc chết ở dọc đường. Cả ba chục người đều tới nơi tới chốn”.

Chính Đặng Dĩnh Siêu bị lao phổi nặng, mà theo lời bà thì “thật lạ lùng, sau một năm sống vô cùng cực khổ trong cuộc Trường chinh, tôi chẳng chạy chữa gì cả mà khỏi bệnh”.

Cuối chiến tranh, năm 1945, quyền lực của cộng sản tăng lên rất mạnh. Mới đầu chỉ có một triệu rưỡi dân ở một xó Tây Bắc nghèo, đất khô cằn, bây giờ họ đã mở mang rộng thêm đất đai và có một số dân là 93 triệu người. Đảng viên năm 1937 gần 40.000, năm 1945 lên tới 1.200.000.

Chiến tranh du kích và chiến tranh lưu động làm cho mấy trăm ngàn nông dân tình nguyện vô bộ đội: nhiều người tài giỏi về quân sự, về chính trị, nhiều cán bộ trẻ và nhiệt tâm chỉ huy bộ đội. Từ 35.000 người năm 1936, năm 1945 Hồng quân đã tăng lên 910.000 quân chính quy và 2.500.000 dân quân bổ trợ.

Tưởng Giới Thạch càng ngày càng dùng những biện pháp áp bức nghiêm khắc đối với Cộng sản, về cả hai phương diện quân sự lẫn kinh tế, cắt hết các nguồn tiếp tế ngay cả ở phía sau lưng họ. Họ bị đại tấn công bốn lần, còn tấn công nho nhỏ thì có tới mấy chục lần. Mà tuyệt nhiên họ không bao giờ nhận một chút viện trợ của Nga hoặc của Mỹ.

Trong hai chục năm mà Cộng sản thành lập được một cơ cấu Quân sự, kiểm soát được cơ cấu đó về chính trị và làm cho nó được sự ủng hộ rất mạnh của dân chúng, là nhờ những tư tưởng của Mao Trạch Đông khéo áp dụng vào hoàn cảnh Trung Hoa. Như nhà văn Anh John Gittinos đã nói, Mao Trạch Đông đã tạo được từ 1927 đến 1949, cái kiểu mẫu một quân đội cách mạng nhân dân, chỉ nhờ vậy mới thắng được. Ngày nay cuộc cách mạng Văn hóa vô sản đề cao kiểu mẫu đó, mà đả đảo những quan niệm khác về quân đội, tức quan niệm coi Quân đội là một “dụng cụ” có tính cách giai cấp của người cầm quyền, một giai cấp chuyên nghiệp phụng sự một nhóm nắm chủ quyền[9].

Tháng 8 năm 1945, Nhật vừa mới đầu hàng là Tướng Giới Thạch và Cộng sản chạy đua để chiếm các đất đai và thị trấn mà Nhật mới rút ra khỏi. Ngay từ lúc đầu, Tưởng đã được Mỹ giúp đỡ để đưa quân đội của ông ta tới những vị trí lợi nhất trong cuộc xung đột sắp xảy ra.

Tháng 8 năm 1945 vài ngày sau khi Nhật đầu hàng, tướng Mac Arthur, tư lệnh tối cao ở Tokyo ra lệnh số 1, bắt quân đội Nhật chỉ nộp khí giới cho Quốc Dân đảng thôi và trong khi chờ đợi, phải duy trì “trật tự và sự hợp pháp”, như vậy là xong được bước đầu. Những đạo quân Nhật đã rút khỏi vài khu vực ở Mãn Châu, bèn tấn công quân du kích Cộng sản ở Mãn Châu, và được Mỹ tán thành.

Trong thời gian đó, người ta tổ chức (trực tiếp dưới quyền Washington) sự dời quân bằng phi cơ Mỹ: một cầu hàng không được thành lập, 235 chiếc Dakota chở 110.000 lính của Tưởng lên Hoa Bắc và Mãn Châu.

Ngày 12 tháng 8, một số đơn vị Hồng quân ra khỏi Diên An để tiến vô Nội Mông, đi bộ qua Hoa Bắc, tới Mãn Châu, mục tiêu là kiểm soát các đường giao thông ở Hoa Bắc và Mãn Châu trước khi Tưởng chiếm được. Sự hành quân đó được công nhiên loan báo trên đài phát thanh Diên An.

Hạm đội thứ 5 của Mỹ cho đổ bộ thêm 50.000 lính thủy lên Trung Hoa. Và sau khi Nhật đầu hàng, số quân Mỹ đóng ở Trung Hoa tăng từ 60.000 lên 130.000.

Cô Anna Louise Strong, hồi đó làm thông tín viên Mỹ ở Mãn Châu kể lại giai đoạn dưới đây trong việc thành lập cầu hàng không Mỹ. Trong khi quân đội Quốc Dân đảng (và Mỹ) được chở tới bằng máy bay thì quân đôi Cộng sản phải cực nhọc đi bộ mỗi ngày 30 hoặc 40 cây số. Mao Trạch Đông ra lệnh cho Lâm Bưu tổ chức du kích chiến ở Mãn Châu. Nhờ được một chiếc phi cơ Mỹ cho quá giang một khúc đường nên Lâm Bưu tới chỗ mau hơn. Chiếc phi cơ đó được phải tới Diên An để kiếm các phi công Mỹ mà máy bay đã bị hạ ở Hoa Bắc. Cô Strong đặt câu hỏi: “Người Mỹ lúc đó có ngờ được rằng con người mảnh khảnh, có vẻ nhà trí thức đó, sau đóng một vai trò quan trọng bực đó không?” Dĩ nhiên là không, cho nên mới cho con người có vẽ vô hại đó “quá giang”, mà quân đội của Tưởng Giới Thạch mới đại bại trong các trận đánh chiếm Mãn Châu sau đó.

Lâm Bưu trong trận Mãn Châu đã theo các kế hoạch của Mao Trạch Đông mà hoạch định chiến lược. Vậy không lấy gì làm lạ rằng ngày nay, trong cuộc Cách mạng Văn hóa – một cuộc chiến đấu còn rắc rối, khó khăn hơn bất kỳ một cuộc nội chiến nào – Lâm Bưu vị tướng chiến thắng ở Ping Hing Kouan (Bình Hình Quan), chiến thắng ở Mãn Châu, ở Hoa Bắc, vượt Đại giang (túc sông Dương Tử) đổ xuống Hoa Nam, được coi là Mao Trạch Đông thứ nhì, người kế vị Mao, người đã hiểu rõ nhất và đã áp dụng đúng nhất tư tưởng quân sự của Mao mà thắng được trong cuộc Cách mạng năm 1949.

Cuối tháng 8 năm 1945, Mao Trạch Đông bay lại Trùng Khánh để thương thuyết thành lập một chính phủ “liên hiệp”, Mỹ sẽ đóng vai trò “trọng tài và trung gian” trong khi đó hai bên điều động quân sự như trên đã nói và đâu đâu cũng xảy ra những cuộc xung đột giữa Cộng sản và quân đội Quốc Dân đảng do Quốc Dân đảng cố ý gây ra và tấn công trước.

Ngày Song thập, hai bên hòa giải với nhau được, nhưng Mỹ chỉ viện trợ riêng cho Tưởng và Tưởng đưa quân đội vô tràn ngập cả Mãn Châu. Lâm Bưu tổ chức các đội du kích địa phương; các đội du kích đó, hợp với quân từ Diên An tới thành một đạo quân nhân dân gồm 300.000 chiến sĩ. Mỹ đặt các “đoàn hưu chiến” ở các thị trấn. Nga, vì ngày mùng 9 tháng 8 năm 1945 tuyên chiến với Nhật, nên cũng đã chiếm vài thị trấn Mãn Châu, và Tưởng yêu cầu Nga “hoãn lại” cuộc rút lui khởi Mãn Châu để quân đội Cộng sản không vô được những miền quân đội Nga chiếm đóng… Trong khi đó Mỹ tiếp tục gởi quân đội cho Tưởng bằng phi cơ, và ngày 12 tháng chạp năm 1945, Nga cho phép quân đội Quốc Dân đảng vô miền họ chiếm đóng.

Lâm Bưu không được Nga giúp một chút gì cả. Cô Anna Louise Strong nói rõ như vậy. Cô hỏi Lâm Bưu: “Ông được Nga giúp đỡ những gì?”. Lâm Bưu quả quyết: “Không được chút gì cả. Quân đội, không; khí giới, không; cố vấn cũng không, không có gì hết. Đạo quân Xô Viết đem gì vô Mãn Châu, từ người tới vũ khí, lại chở hết về Nga khi họ rút đi. Tất cả những khí giới và quân nhu họ tước được cửa Nhật, họ chở hết về Nga, hoặc hủy tại chỗ”.

Các nhân viên hành chánh Xô Viết che chở trong mấy tháng ròng những người mà Tưởng đã đặt ở các thị trấn Mãn Châu. Một thiếu tá Nga, nói với cô Strong: “Bọn cộng sản Trung Hoa rất bất bình khi chúng tôi đuổi họ ra khỏi Thẩm Dương (Moukden) để cho người của Tưởng vô thay. Nhưng chúng tôi biết làm sao bây giờ. Chúng tôi đã ký một hiệp ước với Tưởng”.

Về phía Mỹ, tướng Marshall đã được cử làm trọng tài để “tái lập hòa bình” ở Trung Hoa. Ngày mùng 10 tháng giêng năm 1946, Tưởng và Cộng sản lại ký một hoà giải nữa. Nhưng chiến tranh vốn tiếp tục, do Tưởng cố ý gây nên, chính các nhà quan sát Mỹ cũng xác nhận điểm đó. Chính Marshall cũng tuyên bố rằng: “Chính phủ (của Tưởng) bỏ hết các thủ tục dân chủ mà theo một chính sách võ lực độc tài”.

Có thể chia cuộc nội chiến làm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất theo đúng chiến thuật của Mao. “địch tiến thì ta lùi”, giai đoạn này bắt đầu vào mùa hè 1946 và kéo dài tới mùa hè 1947. Mới đầu có vẻ như Quốc Dân đảng thắng ở khắp nơi. Ở Mãn Châu, các thị trấn lớn đều ở trong tay họ. Lâm Bưu bảo: “Tất cả các thị trấn đó… sẽ là những gánh nặng trên lưng Tưởng”.

Sức của Quốc Dân đảng tiêu ma lần vì phải chiếm đóng ở các thị trấn giống các đồn luỹ, đóng quân ở đó, tự nhốt họ trong đó, các tướng lãnh không chịu ra khỏi mấy bức thành, không chịu giao chiến; và chẳng bao lâu xây ra nạn tham nhũng. Chung quanh các thị trấn đó, Cộng sản tự do tổ chức thôn dã.

Trong suốt một năm, dưới sự chỉ huy của Lâm Bưu, Hồng quân lo cải cách điền địa, khẩn hoang, trồng trọt (để khỏi thành một gánh nặng cho nông dân) và gặt hái; họ dạy dỗ nông dân hơn là chiến đấu. Nhờ chính sách đó mà họ thành công; Hồng quân sở dĩ vô được là vì họ không phải là một tổ chức tàn sát mà là một đạo quân ý thức hệ, dạy và thực hành các tư tưởng và phương pháp cách mạng.

Nhiều nhà chuyên môn quân sự ngoại quốc ngồi buồn đánh cá nhau: cá về Tưởng thì năm ăn một, cá về Mao thì ba ăn một. Cộng ít quân, Tưởng nhiều quân mà lại có khí giới Mỹ. Nhưng không thể nào so sánh Đạo quân Nhân dân Giải phóng được giáo dục, có ý thức về chính trị, hết sức làm nhiệm vụ, với những lệnh bắt buộc phải nhập ngũ, thiếu ăn, bị hành hạ và phản bội, của Tưởng.

Trong năm rút lui theo chiến lược đó, Mao Trach Đông dụng tâm để cho Hồ Tôn Nam chiếm Diên An. Cuộc rút lui ra khỏi Diên An thực vĩ đại không để lại một chút gì cả; các y sĩ và nữ y tá ở Bệnh viên Hòa bình quốc tế khiêng hết các bệnh nhân vô núi hai ngày trước khi quân đội ra đi. Các bà mẹ mới sanh được khiêng đi bằng cáng, từ trong những hang đục trên những đồi hiểm trở. Hai ngày sau khi Mao đi rồi, Hồ Tôn Nam cùng sĩ tốt ăn bận bảnh bao sau mấy năm ở không, tiến vô Diên An tuyên bố đã chiến thắng lớn mặc dầu Diên An đã trống rỗng. Để ăn mừng thắng lợi đó, Hồ Tôn Nam cưới vợ: hình như ông ta đã thề chiếm được Diên An rồi mới cưới vợ.

Cách đó khoảng vài chục cây số, ở Wah Yao Su, đảng Cộng sản hay tin: “Hồ Tôn Nam mắc bẫy”.

Sau đó là một trò chơi. Quân đội Mao Trạch Đông nhử cho quân đội Hồ Tôn Nam đi một vòng vĩ đại khắp Hoa Bắc. Để săn Cộng, Hồ thúc quân tiến tới, mà quân của ông không quen đi bộ, không quen chiến đấu: “Địch mệt thì ta đánh”. Hồ đã hết lương thực – các đường giao thông xấu lắm – mà lính đã mệt mỏi… Hồng quân lúc đó mới xung phong và giải quyết vụ đó rất mau.

Mùa hè 1947, Đạo quân Nhân dân Giải phóng chuyển qua thế công.

Trong ba tháng đầu năm đó ở Mãn Châu, Lâm Bưu tung ra năm cuộc tấn công để dò xét, theo chiến thuật “đánh rồi rút lui”, chỉ dùng ít quân đội, khoảng 60 ngàn người, mà làm cho quân Quốc Dân đảng mệt mỏi. Khi Cộng rút lui thì Quốc Dân đảng tuyên bố thắng trận, nhưng không dám truy kích mà rút vào trong đồn. Tháng năm, lần tấn công thứ tư được chuẩn bị kỹ, thi hành đúng và Cộng đại thắng, lần đó Lâm Bưu dùng ba trăm ngàn quân chánh qui, lại thêm dân quân nữa, thành tới hai triệu ngươi, vận động nhân dân, được dân Mãn Châu[10] tích cực tham gia để tấn công quân Tưởng Giới Thạch.

Từ đó bắt đầu sự sụp đổ: Hồng quân tràn tới bao vây các thị trấn Thẩm Dương, Trường Xuân, Cát Lâm của Quốc Dân đảng. Tới tháng 7 thì một nửa đất đai Quốc Dân đảng đã chiếm được ở Mãn Châu lọt vào tay Hồng quân, quân lính đào ngũ rất nhiều, khiến lực lượng của Quốc Dân đảng giảm đi trên 50%.

Từng đoàn lính chạy tán loạn, bỏ lại hết các kho quân nhu, các toa tiếp tế, xe cộ và khí giới. Theo lời của Đại sứ Mỹ tại Thẩm Dương, cuối tháng năm năm 1947, Hồng quân mỗi ngày mỗi mạnh hơn, lại được các đơn vị bí mật giúp sức, còn quân Quốc Dân đảng thì “thờ ơ, oán hận, chủ bại, bị dân chúng ghét, ngay trong quân đội, sự bất bình càng ngày càng tăng, vì sĩ quan thì làm giàu mà quân lính thì lãnh số lương chết đói…”, chính vì vậy mà Quốc Dân đảng mau thua.

Tưởng Giới Thạch vẫn ương ngạnh, đưa các đạo quân thiện chiến nhất lên Mãn Châu; và chính ở Mãn Châu mà ông ta thua trận, do đó mất Trung Quốc.

Hai cuộc tấn công thứ 6 và thứ 7 của Lâm Bưu xảy ra trong sáu tháng cuối năm 1947. Ngay ở Mãn Châu dân chúng cũng ghét bọn tướng và quan lại Quốc Dân đảng, vì họ tham lam, tàn bạo không thể tưởng tượng được (họ cướp phá các lăng tẩm vua chúa).

Sự chỉ huy quân sự thật hỗn độn. Tưởng vẫn chơi cái trò ra lệnh rồi phản lệnh, ra lệnh thẳng cho cấp dưới, bất chấp các viên tư lệnh, đổi nhiệm sở của họ theo ý riêng nay vầy mai khác của ông ta, thực là vô trật tự, thác loạn.

Bọn sĩ quan Hoàng Phố cũng vẫn dùng những thuật cũ để chiếm quyền. Khi các trong lãnh thay nhau cướp bóc Mãn Châu thì giá một chân tư lệnh tăng lên dữ dội… F.F. Lieou hồi đó ở trong quân đội Quốc Dân đảng, hiện nay dạy học ở Princeton viết một cách nhã nhặn rằng “sự bất bình len lỏi cả vào những giai cấp tầm thường nhất”.

Ngày 15 tháng 9 năm 1947, cuộc tấn công cuối cùng bắt đầu. Mục tiêu là chiếm con đường xe lửa Thẩm Dương để cắt Mãn Châu ra khỏi Hoa Bắc.

Hồng quân từ chiến thuật du kích chuyển qua dùng chiến xa và đại pháo. Tưởng Giới Thạch kêu viên tổng tư lệnh về, phái Tou Youming lại thay, với Hsiung Shihi-hui, tham mưu trưởng của viên thống chế Mãn Châu, ông này mấy năm trước đã cầm đầu một phái đoàn qua Anh. Ai cũng biết thói vênh váo của bọn sĩ quan Hoàng Phố đó. Chính Hsiung phái Pao chỉ huy một đạo quân ở Mãn Châu.

Trong khi đó, ở bản thổ Trung Hoa, Hồng quân dùng chiến thuật của Mao mà củng cố được những căn cứ lớn tại Thiểm Tây và Hà Nam. Ngày 25 tháng chạp năm 1947, Mao Trạch Đông viết: “Chúng ta tới một khúc quẹo lịch sử. Đây là điểm quyết định mà chính quyền phản cách mạng do Tưởng Giới Thạch nắm từ hai chục năm nay tới đường cùng rồi, sắp bị tiêu diệt. Đây là điểm quyết định mà chính quyền đế quốc sắp bị tiêu diệt ở Trung Hoa… Quân đội Nhân dân Giai phóng đã làm cho bánh xe phản cách mạng quay ngược lại; nó làm cho Đế quốc Mỹ tháo lui, cho cả cái bọn bất lương do Tưởng Giới Thạch cầm đầu phải tháo lui…”

Chính trong những trận do Lâm Bưu chỉ huy ở Mãn Châu vào mùa thu và mùa đông 1947, mà quân lính của Pao đã bỏ anh hoặc giết anh. Từng sư đoàn một, quân lính bỏ qua phía Cộng và qua bên đó rồi thì họ thay đổi hẳn đi, chiến đấu giỏi…

Mùa hè năm 1948, ba trăm ngàn quân Quốc Dân đảng bị cầm chân trong các thị trấn Mãn Châu, hoàn toàn nhờ phi cơ Mỹ tiếp tế lương thực và quân nhu, còn dân chứng thì chết đói.

Giai đoạn cuối cùng chia làm bốn chiến dịch chính từ tháng 9 tới tháng chạp năm 1948, và kết thúc bằng sự tan rã hoàn toàn của quân đội Quốc Dân đảng tại Mãn Châu.

Sau đó, bằng những cuộc cường hành từ bốn mươi tám tới năm chục cây số mỗi ngày, quân đội của Lâm Bưu vô Hoa Bắc và chiếm các thị trấn: Thiên Tân, Bắc Kinh tháng giêng năm 1949; kế đó Lâm Bưu xông xuống Hoa Trung, vượt sông Dương Tử tháng tư – trong hai ngày mà 300.000 người qua được con sông rộng 1.600 thước đó, tức là tới Hoa Nam.

Mùa hè năm 1949, mọi việc đều xong, Trung Hoa, được giải thoát sự thống trị của Tưởng Giới Thạch, Tai Lee và các Sơ-mi-lam chấm dứt.

Chú thích:

[1] Quadrangle nói tắt, trỏ cái sân vuông, lớn ở giữa một trường Đại học.

[2] Thứ tủ làm vào trong tường để sinh viên cất đồ.

[3] Một tiệm bánh, trà chỉ khách sang mới tới.

[4] Labo: laboratoire, phòng thí nghiệm.

[5]Nghĩa là non hai shilling, non một phần mười Anh bảng.

[6] Thần ái tình

[7] Chúng ta nhớ tác giả cho mấy năm sống với Pao là “Mùa hè vắng tiếng chim” của đời tác giả.

[8] Vì họ theo thuyết của Nga, trông cậy ở thợ thuyền hơn ở nông dân.

[9]  Đoạn in ngả này do chúng tôi tóm tắt (Người dịch).

[10] 93% dân Mãn Châu là gốc Trung Hoa, chú thích bản tiếng Pháp.