Một Mùa Hè Vắng Bóng Chim

- 14 -

Mùa hè 1945 ở Anh rực rỡ hơn các năm trước, mặt trời chói lọi hơn; nhưng có lẽ cảm giác đó chỉ là do tâm trạng tôi hết buồn rồi. Tôi ngẩng đầu lên nhìn mặt trời quý báu đó, nhìn nền trời có chim bay ngang; những luồng gió nhẹ làm cho các hàng rào và đồng ruộng gợn sóng, đạp xe mệt quá, tôi ngồi phệt xuống đám cỏ cao: cánh đồng Anh đẹp đẽ, êm dịu như nhung và phì nhiêu. Tôi hít hương thơm các loài lan nhỏ mọc tự nhiên trong đồng miền Dorset, hít mùi mật miền Wiltshire đầy những dốc, những đồi đường nét cong cong uốn lượn mềm mại, như chất phác mà gợi cảm, khinh thường tất cả những cảnh núi cao rừng rậm, cho rằng không địch nổi chúng.

Các phi cơ phóng pháo thường vù vù xuất hiện, bay đi bay về từng đoàn, phát lên tiếng kêu ai oán ghê rợn. Tôi nhớ một buổi chiều nọ, chúng tôi đạp xe trên những đường ngòng ngoèo, nằm trũng xuống, hai bên là những hàng rào đầy hoa sơn trà, mỗi bông là một ngôi sao mới rực rỡ, trên đầu tôi một trái bom bay rít lên khi đi ngang, nhưng cánh đồng mát mẻ, trong trẻo thản nhiên không biết tới… Chúng tôi đưa tay lên che mắt, vừa nhai bánh nhồi thịt, vừa ngó lên, không giận mà cũng không sợ.

Tôi đã bắt đầu tập sự ở bệnh viện từ tháng tư, vì trường Y khoa ở đường Hunter trúng một trái bom V1, nên người ta đưa chúng tôi lại các bệnh viện ở vùng ngoại ô Arlesy, Saint Albans… Trong hai năm sau tôi học từng thời hạn ba tháng một, về y khoa, mổ xẻ, trong nhiều bệnh viện ở vùng lân cận Londres…

Trong thời gian đó tôi ở trọ trong những căn phòng có sẵn đồ đạc, bữa ăn do người thuê phòng nấu; tôi dùng những rề sô nhỏ xíu đốt bằng khí, bỏ một đồng Shilling vào thì có khí để đốt; trời lạnh như cắt, tôi đạp xe trên những con đường đóng giá; ăn thì hầu như bữa nào cũng có món cá và khoai tây rán, phải đứng mà nuốt vội nuốt vàng, không có vớ dài, vớ ngắn bằng len, treo vào một sợi dây trên cái rê-sô, tám ngày mới khô. Ở một phòng dưới mặt đất, chung với hai nữ sinh viên khác trong chín tháng năm 1947, trả hai Anh bảng, mười shilling mỗi tháng, như vậy đã là xa xỉ, sung sướng phong lưu rồi đấy. Trong phòng đó chúng tôi có được một cái bếp nhỏ xíu, một cái thùng tắm, và một con mèo cái đặt tên là Minnehaha.

Tôi bận áo bờ-lu trắng (không mấy sạch) bỏ ống thính chẩn trong túi, đi thăm bệnh. Tôi tưởng tượng sau mấy năm cực khổ tôi thành bác sĩ y khoa, và ý đó làm cho tôi phấn khởi trong cảnh thiếu thốn, trong thời gian đó tôi biết được nhiều tình bạn đáng quý, nhất là tôi thực sự tập sống như đa số người Anh sống trong và sau chiến tranh, nhận những phần thực phẩm như họ, cùng túng thiếu mà vẫn vui vẽ như họ. Tôi đi những chuyến xe lửa, đáng lẽ theo thời gian biểu phải chạy hồi mười bảy giờ, nhưng cứ nằm ỳ ở sân ga hằng mấy giờ nữa rồi mới chuyển bánh, một hôm nọ, tôi ngồi sáu giờ rưỡi trong một toa xe chật cứng, đợi xe chạy, mà không một người nào nói với một người nào lấy một lời. Tôi thường chịu lạnh, thường sống dơ dáy, vậy mà sung sướng; có được ít ngày đáng kể là sung sướng nhất trong đời tôi, vì những ngày đó trẻ trung mà vô tư lự, nhưng có nhiều ngày khác không vui.

Vì trong mua hè của đời tôi đó, lòng tôi dịu rồi, nhưng một niềm lo sợ ngấm ngầm vẫn lởn vởn chung quanh vì sức khỏe của Yungmei sút đi. Tôi chưa thành y sĩ thì nó đau.

Số ba chục Anh bảng học bổng của British Council đủ cho tôi sống và trả học phí, nhưng còn Yungmei và Gillie, thành thử thiếu. Tôi phải kiếm tiền bằng những cách khác: bán quần áo và bản quyền tác giả, tôi làm nhân viên quản thủ Viện Bảo tàng Bệnh lý học ở bệnh viện Royal Free được 5 Anh bảng mỗi tháng. Nhưng người giúp đỡ tôi nhiều nhất chính là cô Gillie. Gần trọn hai năm 1945 và 1946, cô nâng đỡ đời sống của mẹ con tôi. Cô vẫn tôn trọng các tập tục xã hội mà lại sống với con người kỳ cục nhất, đáng ngờ nhất (tôi muốn nói tôi), điều đó đa số các bạn của cô không sao hiểu nổi. Cô hy sinh cho Yungmei, tìm được những cách tài tình để ở gần chúng tôi, nhờ vậy tôi mới học được, mới chiến đấu để đạt được mục đích thành một bác sĩ trong một thời hạn ngắn nhất. Hễ còn có phương tiện thì tôi rán cho Yungmei có nhà cửa đàng hoàng chứ không thể dắt nó theo tôi, sống trong những phòng mướn nhơ nhớp, hoặc lôi nó từ bệnh viện này tới bệnh viện khác. Mức sống của Yungmei không giảm theo mức sống của tôi; được vậy là hoàn toàn nhờ cô Glllie tìm chỗ giữ trẻ trong các gia đình phong lưu, và dắt Yungmei theo và chỉ nhận của tôi mỗi tuần một Anh bảng thôi. Vậy là cô đã làm việc để nuôi Yungmeỉ.

Tôi cần nhấn vào điểm này; bất kỳ lúc nào cô cũng có thể thôi giúp việc cho tôi và tôi sẽ phải bận bịu về một đứa bé năm tuổi là Yungmei. Nhưng cô khăng khăng không chịu xa nó, và đưa điều kiện rằng cô chỉ có thể săn sóc các trẻ khác, nếu cô dắt Yungmei theo; thời đó thiếu hạng nữ phó, mà cô lại có tài không ai bằng (vì quả thực cô có nhiều khả năng lạ lùng) thành thử không biết bao nhiêu người nhờ cô giúp việc. Và bà hàng xóm chúng tôi ở Winkfield, bà F. mừng lắm khi cô nhận lời giúp. Cô săn sóc mấy đứa cháu nội của bà F. lãnh tiền công của bà, nhưng thấp hơn, vì có Yungmei.

Nhưng Yungmei mỗi ngày một suy yếu: nó hóa ra khó tính, hơi gây gổ, và ngồi ăn không ngoan nữa. Trong cuộc đời bé bỏng của nó có nhiều sự thay đổi quá, cái đó ảnh hưởng đến thái độ của nó đối với cô Gillie và bà chủ nhà. Nó không hiểu tại sao lâu lâu mới gặp tôi, tại sao tôi phải làm việc nhiều như vậy, tại sao một số người lại thăm bà F., thỉnh thoảng có những nhận xét vô ý, vô tứ (làm cho nó tủi). Nó có kiến thức rất rõ rệt rằng nó là một con bé Trung Hoa, nó biết tự trọng, nhận ra cái giọng hạ cố của mấy người đó, hễ tôi lại thì nó níu chặt lấy tôi, không chịu rời ra mà khi tôi đi rồi thì nó không chịu ăn, hóa ra khó tính. Làm sao giảng cho nó hiểu rằng tôi phải làm việc cho nó và cho tôi, để hai mẹ con sống được?

Cuối mỗi tuần tôi rán lại thăm nó. Tôi không dám ở lại lâu ngại lạm dụng lòng tốt của chủ nhà. Một hôm tôi đem nó đi, mướn một phòng trong khách sạn rất nhỏ để mẹ con ở với nhau hai ba ngày. Lần đó tôi bắt gặp chị bồi khách sạn có bệnh “suyễn” đương nựng và hôn hít nó. Khoảng hai tháng sau, nó “phải cảm” nhưng dây dưa không hết. Nó mửa, nóng sút cân, Bà F. cho mời bác sĩ lại ông này bảo nó bị chứng sưng khí đạo, như tôi ngờ rằng bệnh nặng hơn, đem nó ra Londres, nhờ bác sĩ chuyên môn về bệnh lao con nít, ở bệnh viên Royal Free chẩn bệnh cho. Tôi bảo trước với nhà chuyên môn đó rằng hình như nó bị bệnh lao phổi ở giai đoạn đầu.

“Có cái gì khiến cho chị nghĩ như vậy?”

Nữ bác sĩ đó không tin lời tôi, vì ai còn lạ gì, sinh viên Y khoa thường dễ cho rằng người thân của họ hoặc chính họ bị những bệnh do đương học và lúc đó chúng tôi đương học về bệnh lao ở giai đoạn đầu…

Tôi kể lại cho bác sĩ nghe rằng tôi bắt gặp chị bồi ở khách sạn hôn Yungmei, áp mặt vào mặt nó mà nói và chị đó tự cho là bị bệnh suyễn, có tiếng ho khan rất đặc biệt, giọng lại khàn khàn. Yungmei được vô nằm phòng của trẻ em để bác sĩ xem xét trong bốn mươi tám giờ, nó mất cái giọng thanh nhã, lịch sự đã khó khăn tập được, mà nói bằng cái giọng nghẹt mũi “cockney” giọng bình dân Londres.

Bốn tuần sau, đưa nó về cho cô Gillie săn sóc thì cô nghe giọng mới của nó mà đâm hoảng.

Rọi phổi thấy một lá phổi đã bị lao nặng, ở thời kỳ thứ nhất… Tuy nặng nhưng săn sóc, nghỉ ngơi, tẩm bổ thì cơ thể nó cũng thắng được.

Vậy Yungmei trở về ở với cô Gillie tại nhà bà F… Nó nói giọng “cockney”, cố ý làm cho cô bực mình; nó đương ở thời kỳ phản kháng quyết liệt, đêm nào cũng mửa vì nó muốn được ở với tôi. Tôi giảng cho cô Gillie hiểu rằng chứng mửa đó có nguyên nhân tâm lý. Vài ngươi có thiện ý đưa ra những lý do về huyết thống, chủng tộc để giảng giải tại sao Yungmei lại làm bậy, lấy dao rạch một cái ghế bành cổ, đẹp nhất của bà F. Tội nghiệp cô Gillie, bị tứ diện tấn công, mọi người tới tấp khuyên cô phải thế này thế nọ. Riết rồi tới phiên cô cũng đau nốt, điều đó không có gì lạ. Dù sao thì tôi đã giao phó Yungmei cho cô, nó gần như là con cô, chính cô săn sóc nó suốt ngày, chứ tôi chỉ lâu lâu, rảnh mới lại thăm nó được một lát. Tôi kiếm cách đưa Yungmei đi nghỉ cuối tuần ở gần Dorset gần Lulworth Cove; thế là phải tiêu một món trong số tiền tác quyền cuốn Destination Tchoungking mà tôi đã cố dành dụm, không đám động tới. Trong mấy ngày đó nó không mửa nữa mà ăn như hổ đói. Vậy tôi tin chắc rằng nguyên nhân chỉ tại nó thâm oán cô Gillie, có lần nó quay lại nói thẳng vào mặt cô: “Khi má về thì cô có thể cút đi”. Đó là vấn đề tâm lý, nó cố ý hủy hoại sức khỏe của nó, nó phản kháng không ngừng, vì nó rất đau khổ, tội nghiệp cô Gillie, cô yêu nó như con, hy sinh tiền công vì nó, làm tất cả những gì cô có thể làm được, như là vì nó, mà cũng vì tôi nữa. Mà cũng tội nghiệp cho Yungmei, mới 5 tuổi đầu đã muốn lập lại cái tổ ấm gia đình! Ban đêm tôi trằn trọc suy nghĩ về vấn đề đó mà không tìm được giải pháp… và tôi đi hỏi ý kiến một nữ y sĩ chuyên trị bệnh thần kinh. Bà khuyên tôi thử gửi nó vô trường Caldecott ở miền Nam nước Anh xem sao. Tôi viết thư cho trường và tuần sau, cô Rendall, hiệu trưởng của trường, có dịp lên Londres, chúng tôi hẹn ngày giờ gặp nhau. Cô to lớn, khá béo tốt, cực kỳ cương quyết và thông minh, nói chuyện một lát chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nhau. Tôi nói nhiều về Yungmei cho cô nghe rồi tôi đi thăm trường. Trường là một ngôi nhà rất đẹp ở giữa một khu vườn mênh mông, trồng cây lớn và có nhiều bồn cỏ rộng. Trường nuôi trẻ ưu uất, có đứa lạc loài, hoặc cha mẹ đau khổ quá làm chúng chịu lây. Trẻ ở trong mọi cộng đồng, mọi giai cấp. Tôi hỏi ý cô Gillie. Cô còn đau lòng hơn nữa vì vẫn tưởng Yungmei được học một trường “đàng hoàng” như hầu hết các trẻ khác cô đã dạy dỗ. Nhưng tôi tin rằng Yungmei phải rời cái giới lịch sự, hoàn toàn thiếu thực tế mà tôi có lẽ đã dại dột cho nó sống thử, mong rằng nó sẽ được sung sướng, an toàn, cái giới sang trọng, trẻ phải thay quần áo rồi mới đi uống trà [1] không bao giờ chơi dơ, chủ nhật có nữ phó dắt lại giáo đường, và luôn luôn cảm ơn bằng một giọng thanh nhã nhất. Vậy Yungmei ở trường Caldecott trong hai năm 1947 và 1948, và cô Gillie đành xa hẳn chúng tôi làm cho tôi mấy đêm không ngủ được; nhưng như vậy có lợi cho cả cô lẫn Yungmei, vì những xúc động mạnh mẽ đó mà không khí phân biệt giai cấp xã hội ở Anh có thể làm cho phát sinh ra, sẽ khiến Yungmei dễ bị những thác loạn về cảm xúc. Phải cho nó tìm thấy cái mức độ của nó, mức độ của hạng người thường. Trường Caldecott sẽ giúp nó trong việc đó.

Trường đó rất tốt về mọi phương diện. Có nhiều trẻ, hầu hết là Anh, nhưng cũng có trẻ em Pháp, Ý, có đứa cha mẹ giàu có, có đứa cha mẹ nghèo khổ. Yungmei sống chung với chúng thật là tốt, vì hết thảy đều đã đau khổ; Yungmei không cảm thấy lạc lõng “ở ngoài” nữa; nó không thấy tác hại vì tôi là mẹ nó, trái lại, trong một vũ trụ mà người ta chấp nhận sự mẹ con xa nhau là thường tình, và ai cũng phải chịu những cảnh khổ não – trong các gia đình sang trọng nó đã sống, người ta cho rằng không có những cảnh đó – nó bắt đầu mở lòng ra tiếp nhận thế giới, trong thâm tâm không phủ nhận, từ chối thế giới nữa, mà bề ngoài thì không lộ vẻ phản kháng nữa.

Không ngờ gì cả, Yungmei được cứu thoát nhờ trường Caldecott, nó lớn lên, hết đau phổi. Tôi được phép đặc biệt mỗi tháng lại thăm nó một lần, chứ không phải ba tháng một lần theo lệ; và tháng nào tôi cũng đều đều đi hành trình dài đó (thời đó coi là dài), mất hơn bốn giờ – đi và về – bằng xe buýt, bằng xe lửa, và tuy mẹ con tôi chỉ ở với nhau có vài giờ mà rất có lợi cho nó. Bây giờ nó đã khoe với bạn nó: “Má cưng tôi lắm. Tháng nào má cũng lại thăm”. Những lần thăm viếng đó rất quý cho cả nó lẫn tôi, cũng như những tấm bưu thiếp, nhưng bức thư tôi rán gởi liên tiếp cho nó, để nó lúc nào cũng tin rằng nó được tôi yêu, quý, và sở dĩ nó phải sống xa tôi chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc thôi.

Được khoảng sáu tháng, tôi thấy hơi vững tâm, dám viết thư mời cô Gillie lại uống trà và cùng đi chơi với Yungmei và tôi một ngày. Cô thật có tinh thần sáng suốt và hiểu biết đáng phục, vì cô đã vui vẽ, đại lượng chấp nhận sự việc đã xảy ra: mà cô làm sao không đau khổ được sau khi hy sinh mấy năm cho chúng tôi như vậy. Cho nên cô vẫn còn là một trong những người bạn quý nhất của tôi, tình thân thiết không một chút gợn, hiện nay Yungmei đã có con (nó nuôi con giỏi hơn tôi), tình đó cũng không hề giảm.

Đời sống chúng tôi lại tiếp tục. Nhưng bấy giờ tôi phải trả tiền trường cho Yungmei tất cả vào khoảng bốn Guinée[2] mỗi tuần, thành thử mẻ một miếng lớn trong số ba mươi Anh bảng học bổng tôi nhận được mỗi tháng. Nhưng rồi khéo tính toán, tiết kiệm, nhịn tiêu, tôi cũng trả được tiền trường, tiền mua giấy xe lửa, lại thỉnh thoảng đưa Yungmei ra ngoài chơi cho nó ăn tiệm, mua cho nó đồ chơi, sách và kẹo. Chị Cherry cũng giúp tôi: nhiều khi chị trả tiền phòng, tiền ăn trọ chung cho tôi nữa.

 

Mùa hè 1947 lại có thể du lịch Châu Âu được rồi, mặc dầu mọi người chỉ có quyền mang theo năm Anh bảng. Yungmei lúc đó đương nghỉ hè, chị Cherry và tôi, cùng nhau đáp tàu qua Bỉ, vì có chị Georgette Acker mời qua chơi. Chị Georgette là bạn học của tôi ở Đại học Bruxelles mười năm trước, chị nhờ tòa Đại sứ Bỉ ở Londres cố tìm tôi cho được.

Hồi học với nhau, chị đã theo Cộng. Khi chiến tranh Trung Nhật xảy ra năm 1937, chị và chồng chị ở trong Hội Ái Hữu Trung – Bỉ, với tu viện trưởng Bolland mà tôi đã diễn thuyết giúp cho nhiều lần về Trung Hoa. Tôi nhớ nhất chị Georgette vì đức kiên nhẫn sắt đá của chị trong mọi công việc chị làm. Mười năm sau tôi thấy chị cũng như trước: dịu dàng, dễ thương, đời sống khó khăn mà vẫn vui vẻ, thành thực, hy sinh vì lý tưởng; trong thời chiến tranh, chị hoạt động cho quân đội giải phóng trong dãy núi Ardennes; rồi sau trở về Đảng, chị gặp “một bọn thanh niên trong chức vụ chỉ huy”, họ đặt chị trở về địa vị cũ của chị. Chị quả quyết tin rằng có Cộng sản mới tạo được một tương lai tốt đẹp hơn cho cả nhân loại và chị mỉa mai một cách nghiêm khắc đảng Cộng sản Bỉ là “một bọn tiểu tư sản chỉ lo đếm tiền lời các cổ phần”. Rồi chị cười, nói thêm: “Tương lai thế giới ở Trung Hoa, nên theo dõi kỹ cuộc cách mạng đương xảy ra ở đó, nó sẽ làm chấn động thế giới đấy…”

Chúng tôi ra bờ biển, ở Ostende, tôi bỏ ra ba ngày kiếm bà con bên ngoại, thấy nhiều người đã không còn; tôi gặp lại bác Hers. Một ông bạn của Georgette cho hay bác làm ở ngân hàng Bruxelles, tôi kêu điện thoại lại, nhận ra giọng nói của bác; bác không ngạc nhiên khi nghe tiếng tôi, nhưng tỏ vẻ hơi cách biệt. Nhưng bác cũng mời tôi lại ngân hàng, lúc đó 10 giờ sáng, tôi lại liền. Bác ngồi trong phòng giấy trang nghiêm, bàn ghế to lớn chắc chắn, láng bóng, bọc da màu nâu. Tôi bảo: “Ha, ha, bác đã lên chức rồi!”. Bác đáp: “Bây giờ tôi đã có vợ, phải, có vợ rồi!” – “Xin có lời mừng bác”. Rồi, mặt lạnh như bức tường, bác tiếp tục: “Bác đã cưới một thiếu nữ trẻ, rất trẻ: ghen một cách vô lý. Nó nghe ai kể chuyện về cháu, rồi không muốn gặp mặt cháu, nó ghen kinh khủng, ghen thời dĩ vãng của bác, ghen với tất cả những người bác đã quen; nó còn trẻ lắm. Bác không muốn giới thiệu cháu với nó đâu, vì bác muốn tránh chuyện rắc rối trong gia đình”. Tôi đáp: “Nhưng bác gái không có lý do gì để ghen với cháu” – “Bác biết chứ, nhưng nó bị thiên hạ đầu độc sao đó và nó ghét cháu lắm”. Tôi bật cười, thấy bác mà trước kia tôi vẫn tưởng là con người rất độc lập, có thể bắt bất kỳ ai cũng phải theo ý mình, bây giờ sao bỗng hóa ra nhút nhát tới mực đó. “Bác biết chứ, cháu từ hồi nào chỉ để ý tới những người đàn ông trạc tuổi cháu thôi mà!”. Tôi buột miệng nói ra như vậy rồi mới thấy rằng mình có giọng hiểm độc, vì năm 1947, bác Hers sáu mươi tuổi mà cô vợ mới khoảng đôi mươi.

Vài tuần sau, tôi làm quen với cô đó, thấy cô đẹp, dễ thương, thông minh, khác hẳn lời bác Hers tả. Bác lần lần hóa ra một đạo sĩ quá mức, nhà lúc nào cũng đầy cha cố, nữ tu sĩ… theo lời cô. Cô có tài điêu khắc mà chồng không cho phát triển, bằng cách giản dị này: bắt làm tối tăm mặt mũi các công việc trong nhà (họ có ba con) tôi nói cô phải phản kháng lại một cách tàn nhẫn như tôi đã cư xử với Pao.

Năm 1947, khi tôi thấy bác Hers lật lật các hồ sơ trên bàn một cách ngượng ngùng, tránh không nhìn thấy tôi, tôi suýt bắt cười. Tôi cho bác hay rằng tôi đương học Y khoa còn Pao cầm quân ở một nơi nào đó tại Trung Hoa, và tôi tính học xong sẽ trở về nước. “Trở về Trung Hoa? Cháu điên hả? Hồi nào tới giờ cháu vẫn điên, và bác tin chắc rằng cháu không học xong Y khoa được đâu” – “Bác nói vậy là “trễ tàu” rồi: cuối năm nay cháu học xong”.

Rồi tôi lại thăm Jeanne, chị của anh Louis. Chúng tôi bắt đầu viết thư cho nhau từ hồi tôi không chịu nhận gia tài của Louis, và từ đó chúng tôi tiếp tục hỏi thăm nhau. Chị mời Cherry, Yungmei và tôi về ở một tuần với chị tại miền quê. Chúng tôi đáp một chuyến xe lửa nó ỳ à ỳ ạch, lúc la lúc lắc đưa chúng tôi tới một làng quê miền Wallonie, nơi đó có cái trại của Jeanne. Trại có một sân rộng chất đầy phân – vài nơi miền Bắc nước Pháp cũng vậy – coi đống phân cao hay thấp mà người ta biết chủ nhà giàu hay nghèo. Nhưng người ta bảo chúng tôi rằng nước giếng ngọt (nó ngọt thật) và tha hồ ăn kem và sữa. Ruồi nhiều vô kể. Yungmei lại tỏ tài thích ứng: nó với đứa con trai nhỏ của Jeanne chạy khắp nơi, đánh nhau với trẻ con trong làng và học tiếng địa phương ở đó một cách dễ dàng tới nỗi tôi ngại nó quên hết tiếng Anh. Nó lại nhiễm rất mau những thói xấu của đứa con chị Jeanne: đưa ngón tay ngoáy lỗ mũi, ăn bốc…

Tôi cũng như chị Cherry thấy cảnh thôn quê đó khó chịu, bực bội quá, lại thêm bao tử tôi không chịu nổi thứ kem trộn với ruồi đó, muốn mửa, và lúc nào cũng lo Yungmei gây lộn với bọn trẻ mất dạy trong trại, có lần bị chúng cầm gậy nhọn đâm lòi mắt ra thì khốn, cho nên chúng tôi nồng nàn từ biệt chủ nhân, lại đáp chuyến xe chạy chậm như rùa để trở về căn nhà thích thú của Georgette ở Bruxelles…

 

…Làm nữ sinh viên trong chiến tranh và vài năm sau chiến tranh là phải sống cuộc đời thiếu tiện nghi, thiếu vệ sinh và chịu rét, thường chịu đói nữa, lâu lắm mới được tắm rửa, tới nỗi thành một thói quen ở dơ, khiến cho bà LLoyd Wilhiams, giám đốc bệnh viện Royal Fee, một năm sau chiến tranh phải khuyên chúng tôi tập có thứ tự, sạch sẽ hơn.

Trong những tuần, những tháng đó, tôi gắng sức không ngừng, ương ngạnh xông tới, không hiểu được tại sao lại có những người cứ bình tĩnh thủng thẳng học, không rán rút thật nhiều kinh nghiệm khi theo giáo sư đi khám bệnh. Sau hai năm chín tháng, khi được phép, tôi ghi tên thi một lúc tất cả các môn, để có bằng cấp cho thật mau và thi đậu được bằng cấp Y khoa trong một thời gian kỷ lục, ít lâu sau tôi thi lấy bằng cấp của trường Y khoa Đại học Londres và đứng trong số bốn người đầu trên hai ngàn thí sinh.

Tôi hấp tấp, vội vàng, hung hăng tiến tới như vậy làm cho có người mến mà cũng có người không ưa. Tôi là một con quỷ làm việc, điều đó không ai chối cãi: những khi tôi thành nội trú về khoa mổ xẻ, nghị lực đó khiến tôi chiếm hết cả các giường trống, thành thử số bệnh nhân tôi săn sóc nhiều gấp đôi số bệnh nhân của chị bạn nội trú kia như vậy, đối với chi, tôi nhất định là không lương thiện. Sau lưng tôi, tôi nghe thấy Thời gian và sự Túng thiếu thúc đẩy tôi phải chạy cho hết tốc độ. Ngoài việc lo cho Yungmei, tôi còn một niềm bận tâm nữa, và lần này cũng như mười năm trước, nỗi bận tâm đó là Trung Hoa.

Tôi tuyệt nhiên không bao giờ nghĩ ở lại Anh làm việc. Thế nào tôi cũng phải về nước, con đường đó đã vạch rồi, tôi sẽ theo; tôi sẽ không lết lại ở phía sau, ngồi đó thơ thẩn, ung dung hưởng đời… tôi sẽ hết sức chiến đấu, rồi trở về, trở về…

Tháng 8 năm 1945, trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima làm cho tôi đau khổ mấy ngày. Lúc đó chung quanh tôi ở Welwyn Garden City và tôi còn nhớ rõ buổi chiều tháng tám đẹp trời đó, hàng rào rất xanh, và những hàng tít lớn trên các tờ báo người nào cũng cầm trong tay. Nhiều năm tôi đọc Kingskey Martin, thấy phản ứng của ông như của tôi, cũng ghê tởm như tôi và nỗi bất bình giày vò tôi, không cho tôi yên. Tôi ép chị Cherry đi dạo phố dưới ánh nắng với tôi, tôi bảo chị rằng đó là hành động tội lỗi nhất, vô tiền trong lịch sử nhân loại… Tôi lại thấy trong lòng tôi nổi lên sự ghê tởm, tàn ngược, muốn nguyền rủa hết thảy loài người; chị Cherry, như hầu hết các sinh viên cho rằng trái bom đó “rút ngắn chiến tranh” làm cho tôi nổi giận không tưởng tượng được. Người Nhật muốn có tội gì thì tội, không đáng bị cảnh đó; những kẻ chết kia là dân trong một thành phố, đàn ông, đàn bà, trẻ em; nhưng chung quanh tôi, thái độ chung là tự đắc, vui mừng nữa, một chị nội trú còn nói rằng đáng lẽ phải thả bom nguyên tử tàn phá trọn nước Nhật kia. Thời gian qua đi, nỗi lo lắng không thể hiểu nổi của tôi khiến tôi lầm lì, làm thinh, nhưng nó không bao giờ mất hẳn.

Tháng 9 năm 1946, tôi qua Irlande để làm Y sĩ phụ khoa tại bệnh viện Rotunda. Chị Cherry và tôi xuống tàu đi Dublin (kinh đô Irlande). Ở Anh, thực phẩm còn phải hạn chế (một tuần được một quả trứng), mà ở Irlande trứng rất nhiều[2], hai ba quả để điểm tâm mỗi buổi sáng, chúng tôi cho là một sự xa xỉ không tưởng tượng được. Trái lại, chúng tôi kinh ngạc, trong các nhà nghèo, rệp sao mà nhiều thế. Tôi chưa hề thấy ở đâu rệp lớn và mập như vậy. Chị bồi phòng của chúng tôi bảo “Đó là rệp Cabra”.

Khu Cabra ở cách bệnh viện chúng tôi khoảng sáu cây số, chúng tôi đi xe đạp lại đó thăm bệnh nhân, và nhiều khi chúng tôi tới trễ. Ở khu đó thì phải là hạng người rất nghèo, thất nghiệp, có ít nhất là 5 con. Vậy mà chúng tôi luôn luôn được tiếp đãi với những lời chúc tụng niềm nở. Chúng tôi nghe giọng Irlande rung lên êm đềm như tiếng hát, các “bác sĩ” được đãi trà, bánh mì (trắng) phết bơ. Ngay thai phụ cũng chào chúng tôi nữa: “Thưa bác sĩ, tôi rầu quá, tôi đã rán giữ nó lại đợi bác sĩ tới mà không được”. Rồi các sản phụ đó xin lỗi chúng tôi như thể đã bất lịch sự với chúng tôi vậy; chúng tôi tiu nghỉu, cắt cuống rốn rồi bôi thuốc tím (teinture d’iode) lên.

Ở bệnh viện Rotunda, cả bên trong lẫn bên ngoài đều đồ sộ, chúng tôi không lúc nào thiếu việc. Ở trong vô số phòng đẻ, ngăn cách bằng bức bình phong, sản phụ nằm từng hàng, từng hàng, người nằm cũng chịu những nỗi đau đớn và hưởng những mềm vui như nhau. Có phòng không lúc nào ngừng sản xuất em bé. Chúng tôi đỡ đẻ cho họ, nhưng cũng tập đừng can thiệp một cách vô ích.

Bệnh viện Rotunda có nhiều nam sinh viên Y khoa rất sẵn sàng mời các nữ sinh lại các quán rượu ở Dublin. Qua Irlande, bệnh tởm đàn ông của tôi đã không hết mà còn tăng vì ngay cái đêm chúng tôi tới, bọn nam sinh viên liệng vào cửa phòng cài then kỹ của chúng tôi bốn mươi hai cái vỏ chai la ve, cứ mười phút một cái, như vậy suốt đêm…

Trong khi chúng tôi ở Rotunda, một thanh niên Anh tên là John Coast, thình lình lại Dublin thăm tôi. Mặc dầu tôi có ác cảm với toàn thể đàn ông mà John Coast vẫn tìm cách gây cảm tình với tôi. Tôi gặp ông ta là do Dorothy Woodman giới thiệu. Tính tình thực thà, cởi mở, rộng rãi và ân cần với tất cả mọi ngươi, bất kỳ nước nào sau chiến tranh, bà Dorothy tổ chức rất nhiều ủy ban giúp đỡ châu Á, mở rộng nhà ở Londres và ở thôn quê để tiếp đón nhiều sinh viên châu Á; những ngày “thứ năm” của bà, ai tới nhà bà cũng được, bà nấu vô số món ăn chay rất ngon để đãi một đám trí thức Á châu lơ mơ (nhưng cũng có ngươi thực sự) theo một tả đảng; những khi người chủ nhà của tôi keo kiệt quá về khoản ăn, thì nếu có thể được, tôi lại dự những bữa cơm chay đó.

Dorothy Woodman cũng như Kinesley Martin là sản phẩm của tài cai trị của người Anh: họ thuộc cánh tả của chế độ. Người Anh[3] ngây thơ săn sóc kẻ thù tương lai, nuôi họ cẩn thận và vui vẻ nghe họ chửi rủa, mạt sát mình, biết rằng hễ thời thế thay đổi thì những kẻ thù đó không quên lòng tốt của mình. Trong căn nhà rộng rãi của Dorothy, người ta tha hồ thảo luận, đưa những ý kiến cực kỳ táo bạo và chống đối, và nhiều người Á coi những giờ thảo luận đó là những giờ đẹp nhất trong đời.

Bận một chiếc áo dài may theo kiểu phương Đông, Dorothy mời mọc chúng tôi ngốn từng núi thức ăn, đưa những nhận xét tế nhị, mỉa mai để kích thích chúng tôi thảo luận, dắt các bạn Á châu của bà đi nghe hòa nhạc, coi hát bóng hoặc triển lãm họa phẩm.

Tôi không thuộc hạng “ngựa tơ” của bà, không bàn chính trị, không có tài tranh luận. Tôi chỉ đem cái háu ăn vĩ đại của tôi lại các cuộc hội họp đó thôi. Tôi còn mãi ăn, đâu có nói được, ăn mau ghê gớm (vì thì giờ của tôi hạn chế lắm), khiến Dorothy thất vọng chê tôi là “tài tử”, tiếng đó không đúng. Bà bảo tôi là “câm miệng như hến”. Tôi gật đầu, miệng đầy thức ăn, thì làm sao đáp được. Bà có thể nói thêm tôi là con hến miệng ngậm bánh “săng-duýt” (sandwich…). Mặc dầu vậy, bà đối với tôi rất tử tế, vì tôi có đáp lại được gì đâu. Bây giờ tôi còn trông thấy bà bận một cái longyi Miến Điện, hoặc một cái sà-rông Mã Lai, một cái sà-ri Ấn Độ, đeo chuỗi san hô, chạy tới nhóm này qua nhóm khác, vui vẻ khoe “Tôi đã sút được gần hai chục ký”. Số cân lúc tăng lúc giảm của bà là một đề tài quan trọng trong câu chuyện.

Dorothy rất quan tâm tới Trung Hoa và mời tôi dự một buổi mít tinh do Ủy ban Vận động cho Trung Hoa tổ chức trong buổi đó, Michaël Lindsay sẽ nói về Diên An.

Hồi đó Lindsay chưa là “huân tước”, đã ở Hoa Bắc được vài năm, đã vô Diên An rất lâu, gặp Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Chu Đức; đã cưới một thiếu nữ Trung Hoa ở Diên An. Ông trở về Anh và khen Diên An lắm…

Chính trong buổi đó, bà Dorothy Woodman giới thiệu John Coast với tôi; ông này đã bị Nhật bắt giam bốn năm, đã làm việc trên đường xe lửa mà Nhật xây cất ở Xiêm; lúc đó ông trở về Anh, thì cuốn Railroad of Death của ông mới xuất bản, John ngồi ở hàng ghế sau, ngay sau lưng tôi; ông ta cố mời tôi trưa hôm sau đó đi ăn tiệm, rồi hỏi cưới tôi liền, bảo rằng mê cái phía sau ót của tôi.

Tôi không còn nghĩ tới cái chuyện yêu một người đàn ông nào nữa nên lời nói đó chẳng làm cho tôi mất lòng mà cũng chẳng làm cho tôi xúc động. Tôi đáp rằng tôi biết ông ta nói đùa, và dĩ nhiên tôi không nhận lời được vì đã hoàn toàn không chú ý tới đàn ông nữa. Như vậy lại càng làm cho ông ta hăng hái đeo đuổi trong mấy tháng, cứ hai tuần một lần lại mời tôi đi nghe hòa nhạc hoặc coi các vũ khúc, hy vọng rằng tôi sẽ đổi ý.

Nhưng ông ta không hiểu rằng tôi mệt mỏi, lúc nào cũng mệt tới cái mức ngủ say trong khi nghe nhạc, ông ta không hiểu được tại sao tôi phải làm việc không ngừng, tại sao tôi không muốn đi chơi với ông: vì tôi thiếu ngủ. Chẳng lãng mạn chút xíu nào, quần áo, đầu tóc lôi thôi, tôi cứ tự nhiên như vậy. Ông ta tin chắc rằng có thể cải hóa tôi được: “Cô rất đẹp… nếu chịu bỏ bộ đồ nữ hướng đạo sinh đó đi…” Tôi không chịu bỏ, ông ta bảo tôi bị cái tật “quá nghiêm trang”. Đúng.

John Coast lại Dublin ba ngày trong khi tôi làm ở bệnh viện Rotunda. Ông ta chấp nhận hoạt động của tôi nhưng bắt đầu cảm thấy rằng khó mà cải hóa tôi thành một người đàn bà đẹp đẽ, lịch sự, tự tin mà lại vui vẻ được. Kế đó ông ta yêu một người khác, và chúng tôi vẫn giữ tình bạn với nhau. Sau ông ta làm ở Bộ Ngoại giao, được phái làm tùy viên Văn hóa ở Bangkok rồi ở Indonésia, viết được hai cuốn sách hay: Recruit to Revolution Dancing out of Bali.

Trừ cuộc tình duyên không thành đó ra, không có gì khác xảy ra trong bốn năm học và nội trú đó. Không có gì làm cho tôi xúc động, từ trước tới sau vô tình như vậy; tất cả tinh lực của tôi chỉ hướng vào mỗi một chiều: yêu và săn sóc Yungmei. Mùa đó là một mùa khô khan, không có những sự thống khổ nó bồi dưỡng ta, không có những sợ sệt run rẩy, không giận, không ham, không thất bại, chỉ là một mùa làm việc không nghỉ, không ngừng. Tuy nhiên, mặc dầu chống với xu hướng mơ mộng, mà tôi vẫn cảm động trước các cảnh đẹp thiên nhiên…

…Nụ cười của Yungmei còn hơn niềm vui nữa, nó là không khí ấm áp bao bọc tôi, tiếng lá xào xạc trong những con đường nhỏ hai bên trồng cây mà mẹ con tôi dạo gót. Yungmei siêng năng, nghiêm trang hái hoa mao lương[4]. Nhìn nó vui chơi, sức khỏe dồi dào, đôi khi tôi nghĩ tới cái bệnh lao nó mang trong người, và tôi tự hỏi một ngày nào đó, bệnh có âm hiểm tái phát không… và tôi lạnh mình lo sợ, vội vàng trở lại làm việc, làm việc hăng hái, siêng năng… Chỉ có sự thành công của tôi là che chở cho Yungmei khỏi bị mọi tai họa thôi.

 

Tháng giêng năm 1948, tôi thi, mới đầu đậu bằng cấp L.R.C.P[5], rồi đậu bằng cấp M.R.C.S [6] để được vô làm nội trú trong bệnh viện Royal Free. Ngoài mấy giờ làm việc ở Viện Bảo Tàng Bệnh lý học đường Hunter, trong sáu tháng cuối tôi còn học ở Trường Y khoa miền nhiệt đới và vệ sinh công cộng. Vì tôi muốn trị những bệnh như dịch tả, typhus[7], dịch hạch, cùi, rất hiếm tại Âu châu mà lại hoành hành ở Trung Hoa. Sau tôi nhận được bằng cấp M.B.B.S[8] với khả năng riêng về Giải phẫu và Bệnh lý.

Suốt thời gian học, tôi có cảm tưởng rằng ngoài cách giải thích mà người dạy và truyền cho chúng tôi một cách nghiêm trang, long trọng còn có cách giải thích khác nữa. Về nội khoa, có sự chuyên môn đến cao độ (giải phẫu, phụ khoa, sản khoa) thì cũng vậy, tôi không đồng ý với các y sĩ chỉ xét riêng có bộ phận đau của bệnh nhân. Và ông hình như cho rằng cái gì cũng do tim hoặc gan hoặc bao tử gây ra cả, khuynh hướng đó không chỉ nực cười mà sinh ra biết bao sự lầm lần trong khi trị bệnh. Về khoa giải phẩu, có lẽ còn tệ hơn nữa; người ta cứ cắt đại bao tử, giáp trạng tuyến (glandes thyroides) và các bộ phận khác nữa, trong khi có thể trị bằng cách khác.

Nhưng tôi có tư cách gì mà dám tỏ ý nghi ngờ. Tôi chăm chú đọc các tác phẩm của Hans Selye viết về các bệnh tâm thể [9], về sự mệt nhọc, mà lý thuyết hồi đó bắt đầu được chấp nhận, và tôi càng cảm thấy rằng muốn trị cho công hiệu bất kỳ một bệnh gì cũng cần xét kỷ “toàn thể bệnh nhân”. Nhưng còn nhiều tin tưởng cổ lỗ nổi danh từ lâu về nó. Người ta dạy chúng tôi những quy tắc lầm lẫn, do trí thức còn thiếu sót. Người ta bảo rằng ở châu Á không có chứng sốt cấp tính do phong thấp [10] cũng không có chứng huyết áp cao vì người châu Á ăn gạo và tính khí “thụ động” hơn; hai huyền thoại đó nay không còn ai tin nữa. Tôi lo lắng vì nhiều sự chẩn đoán sơ sài quá. Sau này trong mười lăm năm trị bệnh ở châu Á cho người Trung Hoa, Mã Lai, Ấn Độ, tôi đã phải bỏ nhiều điều sai bét người ta đã dạy cho tôi, vì tôi cứ coi sách mà ra toa chứ không chịu xét toàn thể bệnh nhân, tinh thần lẫn thể chất. Khi lầm lẫn mà lại cho bệnh nhân chết hoặc tàn tật suốt đời, thì y sĩ không sao chuộc được tội của mình cả. Những yếu tố tinh thần của mỗi bệnh, những nguyên nhân sâu xa nằm trong thái độ của bệnh nhân, cách phản ứng với biến cố, cách chấp nhận hay không chấp nhận hoàn cảnh, khi gặp cảnh đau khổ, sợ sệt, thất bại hay rầu rỉ… những yếu tố đó cũng như những yếu tố vui vẻ hạnh phúc, tôi cho là rất quan trọng trong nghệ thuật trị bệnh, nhất là khi trị bệnh cho phụ nữ và cả trẻ em nữa…

 

Cuối tháng hai năm 1948, tôi đã xong một năm nội trú về khoa giải phẩu ở Bệnh viện Royal Free; và tôi có thể hoặc ở lại Anh, làm việc trong các bệnh viên, hoặc trở về Châu Á. Cách thứ nhất dễ mà lại hợp lý hơn cách thứ nhì.

Nội chiến ở Trung Hoa sắp kết thúc trong cơn bão tố của một cách mạng thành công. Những chiến thắng của Mao Trạch Đông làm cho tôi mừng lắm (bất kỳ chế độ nào cũng còn hơn chế độ Quốc Dân đảng): nhưng đồng thời tôi cũng lo vì không ai biết được sẽ xảy ra những gì. Cái lỗi thực điên khùng mà người Mỹ đã mắc khiến cho họ phải vĩnh viễn từ bỏ hết các tham vọng của họ là đã lựa chính sách ủng hộ triệt để (chỉ không chính thức liên kết thôi, may cho họ là biết ngừng ở đó) một kẻ thối nát đến xương tủy, bị 85% dân Trung Hoa oán ghét từ bỏ, tức Tưởng Giới Thạch. Vậy mà họ vẫn tiếp tục “tiêm” rất nhiều tiền bạc, khí giới cho Tưởng, họ vẫn cướp bóc, vì để kiếm tiền và khí giới, bọn Tưởng đã bán cho Mỹ cả không khí ở trên đầu, cả sông biển của Trung Hoa, và tất cả các đặc quyền thương mại, nếu Tưởng mà thắng thì Trung Hoa sẽ vĩnh viễn thành một thuộc địa của Mỹ.

Viện lẽ để giúp chính quyền hữu hiệu mà đưa quân đội ngoại quốc vô Trung Hoa thì chỉ làm cho chính quyền đó mau sụp đổ: như vậy là làm cho nỗi bất bình, oán hận của dân chúng tăng lên, là đồng hóa Mỹ với Tưởng Giới Thạch, mà chính Mỹ bị thêm cái bệnh ảo tưởng rằng mình tuyệt mạnh, rồi dùng những ngôn từ đạo đức huênh hoang để giảng sự can thiệp của họ và có tâm trạng tự cao, tự đại điên cuồng đó thì tới khi thất bại chỉ còn cách la om sòm rằng bị phản bội thì dân Mỹ mới nuốt trôi được.

Những hoạt động cuồng loạn (không thể gọi bằng tên nào khác được) của Mỹ ở Trung Hoa trong thời nội chiến chỉ giảng được bằng nguyên nhân này: họ muốn thực hiện một kế hoạch thống trị đại quy mô, vì cho tới ngày cuối cùng, bàn tay tham lam của bọn con buôn Mỹ làm áp phe, cố moi móc, vơ vét trong tòa nhà đổ nát của Trung Hoa, ký khế ước, lập kế hoạch độc chiếm thị trường, đem sản phẩm Mỹ vô tràn ngập các thị trấn Trung Hoa. Ngày nay, trước chiến tranh Việt Nam – tột đỉnh của chính sách tai hại thống trị châu Á – đa số dân chúng Mỹ đã bắt đầu hiểu rằng bao lâu nay họ đã bị chính quyền gạt gẫm.

Cuối năm 1946, năm mươi bảy sư đoàn Quốc Dân đảng gồm 707.200 người đã được Mỹ huấn luyện và cung cấp khí giới để dùng trong nội chiến; việc huấn luyện nhân viên mật vụ vẫn tiếp tục. Mười ba đạo quân Quốc Dân đảng gồm 473.000 người đã được phi cơ và tàu Mỹ chở đi đánh Hồng quân; tám trong số mười ba đạo quân và mười hai liên đội kỹ sư và kỹ thuật gia đó được chở bằng đường bộ và đường hàng không lên Mãn Châu để đánh Lâm Bưu. Từ 1945 đến 1949, Mỹ huấn luyện, cung cấp khí giới và trả lương 850.000 người để chiến đấu cho Tưởng Giới Thạch.

Như trong mọi cuộc cách mạng, phong trào bài Mỹ phát sinh từ giới sinh viên tại tất cả các thị trấn lớn vào tháng giêng năm 1947. Nguyên nhân gần là một thiếu nữ Trung Hoa bị một bọn “lính thủy” Mỹ hiếp dâm, nhưng đó chỉ là một vụ rắc rối nhỏ như nhiều vụ khác. Sau này chính ba tôi tả cho tôi nghe lòng dân chúng căm thù người Mỹ ra sao. “Chúng muốn làm gì thì làm, chửi người ta, đấm đá cu li, buộc cu li phải chạy đua như bầy súc vật”.

Và một ông bạn sau này tôi gặp ở Hương Cảng: “Tụi Mỹ đi tới đâu là mở ổ điếm tại đó. Họ là một đạo quân chiếm đóng. Họ chở tới rất nhiều vật dụng và họ phung phí cho hết. Cái gì họ cũng có quá nhiều, họ bán số thừa thải để lấy tiền. Bọn “lính thủy” bán thuốc lá, thịt, vớ… có một số đàn bà giao thiệp với họ để kiếm son bôi môi, hàng lụa, vớ ni lông, thức ăn. Họ mua quịt, họ hành hạ kẻ nào họ không ưa…Thành phố nào cũng hóa ra thối tha. Mọi người đều oán ghét họ, cả những người rút rỉa tiền của họ. Quả là đạo quân chiếm đóng”. Và bọn G.I [11] cũng biết rằng họ ghét: “Bọn đó ghét chúng ta. Mà tại sao chúng ta lại tới đây”. Sinh viên biểu tình lớn để bài Mỹ: “Mỹ cút đi!”. Ở Thượng Hải, ở Bắc Kinh, Nam Kinh, Thiểm Tây: “G.I cút đi!”.

Nhưng người Mỹ cứ bám tới cùng, không muốn Mỹ hoá hoàn toàn nội chiến Trung Hoa, như vậy phải cần một triệu G.I. để chiếm đóng vài thị trấn, mà cũng không chịu rút hết ra khỏi Trung Hoa.

Năm 1948, khi Tưởng Giới Thạch qua Đài Loan, ông ta mang theo được 450 triệu Mỹ kim bằng vàng thoi; Mỹ đã tốn vào trong chiến tranh đó 5,9 tỉ Mỹ kim[12]. Vì thất bại chua chát, họ xoay ra “săn bắt bọn phù thủy”[13] do đó mới có bi kịch của giai đoạn Mac Carthy[14] ở Mỹ.

Mặc dầu các bạn thân khuyên tôi ở lại, tôi cũng quyết định rời Anh để về Trung Hoa. Isabel Cripps cho rằng tôi làm vậy là mạo hiểm. Tôi bảo rằng dù tôi không vô lục địa Trung Hoa thì tôi cũng muốn về gần nó hơn chứ ở Londers xa quá. Tôi đã sống xa Trung Hoa sáu năm rồi và tôi bắt đầu thấy khó chịu, áy náy, vì tôi không có ý học Y khoa để rồi sống yên ổn, đông thân chủ ở Londres. Dĩ nhiên còn phải nghĩ tới Yungmei nữa, cô Rendell, hiệu tưởng trường Caldecott bất bình lắm: “Ở đó có cách mạng mà bà muốn lôi con bà về, bắt nó sống trong cái địa ngục khói lửa đó”. Tâm hồn tôi giao động. Một y sĩ giải phẩu mà tôi đã giúp việc, cho tôi một chỗ rất tốt, làm nội trú cho một bệnh viện khác. Tổ chức Burroughs Wellcome đề nghị với tôi một chỗ làm trong phòng bệnh lý của họ vì tôi đã đậu môn bệnh lý cùng với môn giải phẫu. Tôi lại hội kiến và rốt cuộc tôi từ chối.

Tôi bảo tôi phải về châu Á; thực khó giảng quá vì ai cũng mong tôi nhận lời. Người đề nghị tôi đâm ra bực mình bảo: “Bà không thể tiếp tục liệng bánh của bà xuống nước như vậy được”. Tôi từ chối vài nơi khác nữa.

Tháng chạp năm 1948, hai ngày trước khi hết hạn một năm nội trú, tôi sửa soạn hành lý, lại trường đón Yungmei ra, còn chút tiền tác giả về cuốn Destination Tchoungking, tôi mua hai vé máy bay và đầu tháng giêng 1949 chúng tôi đi Hương Cảng. Trong một năm nội trú ở bệnh viện Royal Free, tôi được lãnh khoảng 2 Anh bảng mỗi tuần, ăn ở trong bệnh viện.

Trong khi máy bay gầm thét và cất cánh (thời đó đi du lịch bằng máy bay thật là lãng mạn, mê hồn), tôi cảm thấy đã làm xong một nhiệm vụ. Tôi bỗng nghĩ tới con người của tôi mười năm trước, năm 1938 khi tôi rời châu Âu mà trở về Trung Hoa đương kháng Nhật. Lúc đó tôi thực là chân thành, thật thà, nhiệt tâm, mắt đăm đăm hướng về Trung Hoa – và về Trung Hoa tôi đã bị hành hạ tàn nhẫn – mà bây giờ tại sao tôi lại từ bỏ một cuộc đời an toàn, êm đềm, bỏ một nghề chắc chắn, lại dắt Yungmei theo nữa? Tôi sẽ làm gì bây giờ đây? Tại sao lại có cái nhu cầu không cưỡng được phải đi đó? Tôi lại sắp trở về cảnh địa ngục chăng?

Nhưng tôi gạt ngay ý nghĩ đó đi. Vì tôi đã học được chút ít gì rồi: tôi đã hóa ra thận trọng hơn, đa nghi hơn, không ngây thơ như trước nữa. Mặc dầu tôi chưa hề lầm lẫn một cách ngu xuẫn đến nỗi coi tất cả đất nước Trung Hoa đều giống như Pao hết, mặc dầu có một sức tiềm tàng sâu trong lòng tôi hơn là sự an toàn, mặc dầu tình thương kéo tôi lùi lại [15] lần này tôi sẽ không mạo hiểm. Tôi sẽ không nhắm mắt xông bừa vào lò lửa đó, mà tôi sẽ đứng ở chung quanh, tôi sẽ nhận xét, đợi xem tình hình ra sao… Theo những tin tức cuối cùng tôi nhận được về Tòa Đại sứ Trung Hoa ở Londres thì một số nhà ngoại giao đã mua nhà, mua tiệm ăn, một số đã cuốn gói không phải để về Trung Hoa mà để qua Mỹ…

Chị Cherry bảo tôi: “Chị sắp nhảy vào miệng sư tử đấy”. Sai. Bây giờ tôi biết rằng có thiện chí chưa đủ, rằng tôi không phải ham làm một việc hữu ích với bất kỳ giá nào, rằng có thể có vô số Pao núp sau những khẩu hiệu mát xít… Tới lúc đó mà tôi cũng không tin rằng cách mạng đã thực hiện xong khi lật đổ được chính quyền Quốc Dân đảng… từ nay còn xảy ra gì nữa đây?

Tôi đã quá tin ở Trung Hoa thời kháng Nhật, tin một cách lãng mạn quá; tôi tự thuyết phục tôi rằng chính nghĩa làm cho những kẻ bênh vực nó cao thượng lên. Bây giờ tôi hiểu rằng, con người có thể tuyên bố những quy tắc rất đạo đức mà vẫn có thể phạm những tội ác ghê tởm… Cái đó lại tái diễn nữa không đây?

Cách mạng đã thắng về quân sự, còn nhiệm vụ quét sạch chế độ cũ với những thối nát của nó, nhiệm vụ đó, cách mạng sẽ làm không? Hay là những tệ hại thời trước lại tái sinh dưới những bộ mặt khác, bề ngoài khác? Mà cách mạng là gì? không trả lời những câu đó được, trừ những điều tôi được đọc, được nghe nói về cách mạng Nga. Và cái đó không làm cho tôi tin rằng tôi sẽ được tiếp đón niềm nở. Vì chính tôi cũng là con người của chế độ cũ; tôi là vợ của Pao; và một chế độ cách mạng có được công bằng không; bị cơn giông lôi cuốn, quét cả trăm triệu người… nó có thì giờ để ý tới tôi không? Trong khi con nước dâng lên, gầm thét tràn ngập Trung Hoa, trong khi cơn giông làm trốc gốc bao nhiêu chế độ cũ, thì một con người lẻ loi, vô nghĩa, ngu dốt như tôi có tránh khỏi họa được không?

Nhưng tôi không thể “sống yên ổn” ở Anh trong khi nước Trung Hoa lớn lao như con Phượng hoàng[16], đương tái sinh trên dàn lửa còn bốc khói của cuộc xung đột đại chúng đó. Không thể được. Ít nhất thì tôi cũng đứng ở bực cửa, coi chừng xem: tôi không từ bỏ Trung Hoa, tôi không quay lưng lại với nó…

Vì Trung Hoa không phải là Pao, không phải là sự tàn bạo mà tôi đã mục kích và chịu đựng, không phải là chế độ đáng khinh bỉ của Tưởng Giới Thạch và bọn quan liêu của ông ta. Trung Hoa hơn vậy nhiều: Trung Hoa là những kẻ tôi đã thấy vác những bao nặng toát mồ hôi, chết đói, chiến đấu và bị giết hàng triệu, hàng triệu… Cách mạng ở về phía họ…

- Bà đi đâu thưa bà?

Cô chiêu đãi viên cúi xuống đưa một chiếc kẹo nữa cho Yungmei.

- Hương Cảng, chúng tôi đi Hương Cảng.

Tôi giữ cho Yungmei đứng trước cửa kính để nó ngó nhìn cảnh đồng bằng phẳng của Anh trôi qua ở dưới đất. Bờ biển, biển xanh viền bạc, trải ra, lấp lánh dưới ánh sáng buổi chiều. Tôi mở sổ thông hành ra, cho Yungmei thấy hình của nó hồi bé; theo sổ đó, tôi còn là vợ của Tang Pao Houang. Sổ thông hành ngoại giao đó còn có giá trị tới năm 1951.

Chỉ không đầy năm ngày sau, kể tất cả những chỗ ghé, chúng tôi sẽ tới Hương Cảng, cửa ngỏ của Trung Hoa: Hương Cảng tuy là thuộc địa Anh, nhưng vẫn là Trung Hoa. Tới đó tôi sẽ cho nó vô học một trường Trung Hoa. Và tôi sẽ nhận xét, đợi xem sao, rồi sẽ quyết định cho nó và cho tôi.

Chú thích :

[1] Bữa bánh và trà hồi 5 giờ chiều thành một tục lệ gần như trang trọng trong các gia đình quý phái Anh.

[2] Mỗi Guinée gần bằng một Anh bảng.

[2] Irlande là một quốc gia độc lập trong Liên hiệp Anh.

[3] Tác giả muốn nói giới cầm quyền và quý phái Anh.

[4] Bouton-d’or. (một loài hoa trên những cánh đồng)

[5] Cử nhân Y khoa ở Đại học Hoàng gia.

[6] Hội viên Giải phẫu gia ở Đại học Hoàng gia.

[7] Tên gọi một số bệnh truyền nhiễm, như bệnh thương hàn, bệnh hoàng nhiệt…

[8] Tú tài Y khoa và Giải phẫu ở Đại học Londres.

[9] Maladies psychosomatiques: do tâm lý (lo sợ, buồn rầu) mà sinh ra bệnh cơ thể.

[10] Fièvre rhumatismale aigrié.

[11] Binh nhì Mỹ.

[12] Ở Việt Nam, Mỹ đã tốn gần 120 tỷ.

[13] Ám chỉ việc săn Cộng sản ở Mỹ.

 [14] Một thượng nghị sĩ tố cáo bậy vô số nhân vật Mỹ là theo Cộng sản.

[15] Tôi không biết bản Pháp văn dịch có đúng không, tối nghĩa quá. Lùi lại có nghĩa là trở về Trung Hoa như năm 1939 chăng?

[16] Tên của một tác phẩm sau của tác giả: La Moisson de Phénix (Mùa gặt của chim Phượng).