Một Mùa Hè Vắng Bóng Chim

- 12 -

Mùa thu năm 1942, Destination Tchoungking được xuất bản ở Anh. Thiếu tá Kerr một sĩ quan liên lạc Anh cho Pao hay tin đó và ngỏ lời mừng anh. Cuốn đó hợp với không khí thời đại chiến tranh, “tình đoàn kết giữa các đồng minh” có tất cả những lời sáo dùng khi nâng ly chúc mừng Tưởng Giới Thạch, Staline và Anh hoàng mà không một chút gì vô lễ. Sách được nhiều nhà phê bình khen, ra đúng lúc những cơ quan, ủy han vận động cho Trung Hoa và viện trợ Trung Hoa đương gây lại phong trào tìm hiểu Trung Hoa. Nhân dịp đó chúng tôi làm quen được với Stafford Cripps và bà vợ lsabel với Kingsley Martin, Dorothy Woodman và Margery Fry, hết thảy đều hoạt động cho Trung Hoa. Họ khác xa hầu tước phu nhân W, các bà mệnh phụ F, B, các sĩ quan cao cấp và các nhà ngoại giao mà vì nghề nghiệp chúng tôi bắt buộc phải tiếp xúc. Hầu tước phu nhân làm cho tôi hoảng sợ, các bà mệnh phụ S và B nâng niu Pao,và bà quả phụ M đóng vai hơi kỳ cục – mặc dù với những thiện ý tốt đẹp nhất đời – làm như một thứ mẹ đở đầu trong đời sống của vợ chồng tôi vậy.

Riêng tôi, tôi có nhiều cảm tình ngay với ông bà Cripps với Dorothy và Kingsley, với Margery Fry hơn với các người kia; vì họ có một ý thức xã hội và cuộc đàm đạo của họ thông minh không làm cho tôi sợ. Trong giới rất thủ cựu hồi đó chúng tôi tới lui ông Stafford Cripps bị coi là người ở phe tả, cực đoan gần như vô thần. Nhưng rồi vì mệt mỏi về chiến tranh, vì phong tục thay đổi, vì tiếng đồn về kế hoạch Beveridge, từ nghi kỵ người ta hóa ra mến ông, Stafford đã có hồi qua Trùng Khánh thăm Tưởng Giới Thạch, chắc chắn là ông ta có đủ tư cách phán đoán về các biến cố ở Trung Hoa hơn nhiều khách phương Tây khác. Mới đầu Pao ra lệnh cho tôi không được giao thiệp với ông bà Cripps “họ là cộng sản”. Sau anh hiểu rằng trong xã hội Anh ông bà ấy không thể coi là cộng sản được, và anh đổi ý bảo phải làm quen với họ. Còn Dorothy Woodman và Kingsley Martin thì Pao không ưa, còn chế nhạo nữa, nhưng bề ngoài thì làm duyên, làm dáng với họ…

Khi chuyện trò với ông bà Cripps, Kingsley Martin, Dorothy Woodman, Margery Fry, tôi vui vẻ, cởi mở biểu lộ chân tướng không lo nghĩ về chuyện bị rầy, bị hành hạ nếu Pao biết được; những vị khách đó để cho tôi một kỷ niệm rực rỡ, và chỉ tới khi tôi ra về, lại sống cuộc đời tù túng, tôi mọi, rầu rỉ, mà mọi sự đều tùy thuộc một nét cau mày của Pao, chỉ khi đó, những ý nghĩ, ước ao của tôi mới sụp đổ, thành những bóng hư ảo.

Tôi lại trở với cái miễu hoàng hôn nghi kỵ, bệnh hoạn đó nó lần lần tách tôi ra khỏi thế giới thực. Hết giờ này tới giờ khác, bị một nỗi sợ sệt ám ảnh, tôi nghi ngờ, cân nhắc những gì đã xảy ra, những gì không xảy ra… Có thực người ta đã nói vậy không? Hay là mình đã nghe lầm? Phải trả lời ra sao thì mới đúng, mới hợp? Những lời người ta nói có một ý nghĩa nào khác mà mình không nhận ra chăng? Tôi trằn trọc hàng giờ xét đi xét lại tất cả những lời đã nói, những việc đã làm, và thấy cái gì cũng có nhiều ý nghĩa khác. Pao sẽ hỏi tôi về chuyện này chuyện nọ, và tôi biết rằng nếu tôi kể lại đúng những lời người ta nói, người ta đáp, thì anh sẽ gây với tôi, cho rằng có điều khả nghi. Anh sẽ hỏi tôi tại sao lại nói câu đó, câu nọ, rồi có cớ để chất vấn tôi hàng giờ, và sau đó, tôi sẽ phải từ chối không tiếp xúc với bất kỳ ai… Vậy tôi ở nhà ra đi, trong lòng sợ sệt, rồi trở về nhà cũng sợ sệt, tôi do dự không dám dự những cuộc đàm đạo hơi có ý nghĩa một chút, vì sợ sẽ bị anh Pao trừng trị.

Hồi đó không ai biết rằng Pao lại hành hạ tôi trở lại. Người khác đâu có thích nghe tôi tả cái cảnh địa ngục trong gia đình tôi, chuyện đó thường quá rồi. Theo Pao thì chính Isabel, Stafford, Kingsley và Dorothy Woodman đều ngạc nhiên về thái độ của tôi. Chỉ có mỗi một người anh quên, cố ý quên, là Margery Fry…

Một buổi tối, Pao dắt về nhà một thiếu phụ Gia Nã Đại tóc hung hung, mắt xanh lá cây. Anh đã gặp cô ấy trong buổi khiêu vũ ở Câu lạc bộ Đồng Minh. Vậy họ dắt nhau về, tôi đương ở trong bếp làm cơm đãi họ thì Pao vô xem tôi làm những món gì, và bảo: “Cô ấy là nữ bác sĩ đấy, nấu cho ngon nhé”. Cô ta đâu phải là bác sĩ, chỉ là y tá. Tuần sau, anh đi nghỉ cuối tuần với cô ấy, mà không cho tôi hay là đi đâu. Hai đêm đó, tôi trằn trọc, lo lắng không biết anh có bị tai nạn gì không, tôi kêu điện thoại cho người thư ký của anh và ông tùy viên hải quân Trung Hoa để hỏi anh ở đâu. Cả hai đều hứa sẽ rán dò la tìm kiếm, nhưng rồi thôi, không cho tôi hay gì cả, mãi đến chiều thứ hai. Pao trở về, và nổi quạu lên khi tôi cho hay đã điện thoại cho ông tùy viên hải quân (mà anh ghét cay ghét đắng). Sau đó anh ra đi để dự tiệc (trong khi tôi khóc mướt), tôi thấy trong túi áo dài của anh tấm hình của cô ả với lời tặng này: “Kỷ niệm với người vợ bé nhỏ rất sung sướng của anh”. Lệ tôi lại trào ra nhiều hơn nữa, không khổ tâm về sự lạc lòng tà dâm đó mà chỉ rầu vì thấy hài kịch đó đê tiện quá. Lại thêm tôi mệt quá rồi. Mấy hôm sau cô ả lại tới, uống cà phê với chúng tôi rồi với Pao: họ nhắc đi nhắc lại với tôi rằng cô ta là bác sĩ… còn tôi thì không học nổi cho hết môn y khoa.

Một tuần lễ sau, tôi kêu điện thoại cho cô ta, bảo nếu cô không ngừng đi thì tôi sẽ kiện cô. Cô cam đoan rằng “không hề làm cái gì bậy”, chẳng qua chỉ là một trò đùa thôi, phải, Pao có đi nghỉ cuối tuần với cô, nhưng cả hai đều thành ý thực tâm cả; cô bảo tôi cô đã dọa huých chó cắn anh; không, cô không phải là bác sĩ, thân phụ cô mới là bác sĩ. Rồi cô trở mặt, dọa tôi: thân phụ cô là một ông lớn, sẽ có biện pháp trừng trị cái thứ “Âu lai Á đê tiện” là tôi…

Từ đó cô ta không trở lại nhà tôi nữa và trong mấy hôm Pao chỉ nói chuyện mưa nắng, hỏi tôi thích ăn món gì để trưa đưa tôi đi ăn tiệm. Tôi một mực làm thinh, anh thôi không nói nữa, ngồi trên đi văng, cau mày làm bộ đọc sách; hoặc nhắm mắt lại, ngả đầu ra sau, làm bộ ngủ. Chúng tôi đi đi, lại lại trong nhà mà cơ hồ như không nhìn thấy nhau, cả hai như những bóng ma ngạo mạn; chúng tôi ngủ trên cái giường lớn có trướng rũ bằng sa tanh, và sáng thức dậy chẳng nói với nhau một lời, vì cả hai đều lạnh như đá, đều có một ác mộng, một niềm ghét riêng mà không lời nào có thể giải được.

Rồi bà quả phụ M. lại dạy tôi về bổn phận làm vợ. “Ông ấy không phàn nàn một lời, nhưng tôi thấy ông ấy có vẻ đau khổ lắm”. Bà vừa liếc tôi, khóe mắt lạnh như băng, vừa nói với tôi như vậy, tôi đáp rằng tôi muốn học y khoa để thành bác sĩ. Cặp mắt xanh lơ long lanh của bà lại liếc tôi, lạnh lùng chê tôi. Bà bảo tôi cùng với bà lại bàn thờ cầu xin Chúa cho tôi nghị lực để “nhận định được và làm tròn bổn phận của tôi”. Bà nói thêm rằng bổn phận của đàn bà là phải đặt Chồng, Con, Gia đình lên trên cả, ngoài ra là phụ hết. Vậy chúng tôi đi cầu nguyện – đúng hơn là bà cầu nguyện xong rồi ra về.

Bà ta về rồi, tôi ra cửa sổ nhìn rồi đoán phỏng xem từ cửa sổ xuống tới sân là bao nhiêu thước. Tôi có nên tự tử không? Có nên để lại mấy chữ không? Nếu không thiên hạ có thể tưởng rằng bà M đã bức tôi phải chết mà hại cho thanh danh của bà… Bao nhiêu ý nghĩ điên khùng như vậy hiện lên trong đầu óc con nít và hay gây gổ của tôi, riết rồi tôi phì cười, hết lo lắng được một lát, tôi bỏ cửa sổ đi chỗ khác, thoát chết, nhờ một cái bản ngã khác của tôi. Vì mặc dầu mỗi lúc tôi lo sợ, suy nghĩ rời rạc thêm lên (tôi cảm thấy cảnh đêm tối xâm chiếm tôi, nó đợi đó, và tôi liếc mắt rình con quái vật quen thuộc, tức sự sợ sệt, nó trùm cái áo tơi rộng và đen mà rình tôi) còn may là có Yungmei linh động, xinh đẹp. Tôi không ngó về phía cửa sổ nữa mà gom tất cả những ý tưởng liên lạc lại, tôi bỗng lập những kế hoạch đứng vững được. Tôi thu xếp để cho Yungmei và cô Gillie đi nghỉ ở bờ biển. Cô Gillie không thích ở Londres. Những vụ dội bom làm cho cô sợ ghê gớm; ban đêm mà máy bay tới là cô bồng Yungmei xuống tầng nhà ở dưới mặt đất. Ít lâu nay, cô thường nói bóng bẩy cho tôi hiểu rằng cô muốn về ở miền quê, cô nói có những gia đình trước kia cô giữ trẻ giùm, đã cho trẻ về miền quê hết rồi để tránh bom… và một trong những gia đình giàu có, tử tế đó, đã bằng lòng tiếp cô và Yungmei, như hạng “khách tới ở mà trả tiền”; dĩ nhiên là riêng cô thì chẳng tốn kém gì cho ai cả, trái lại là khác vì dù lại nhà nào đi nữa, ngoài Yungmei ra, cô còn săn sóc thêm cho những đứa khác, đỡ đần được các bà mẹ kiệt lực, hoặc các bà nội cương quyết “đương đầu” với một bầy trẻ trong khi đàn ông ra mặt trận, còn đàn bà thì can đảm chiến đấu, đứng nối đuôi để đợi phát phần ăn. Được cô trông nom giúp trẻ cho, họ sẽ rất mừng rỡ.

Yungmei rất yêu cô Gillie, thích ở với cô, còn tôi thì cảm thấy trí óc suy nhược mau quá đến nỗi muốn cho Yưngmei đi ở ngay một nơi khác yên ổn, (dù chỉ là để nó tránh khỏi cơn điên của tôi) trong khi tôi giải quyết vấn đề – ác mộng của tôi với Pao.

Như vậy khỏi phải lo về Yungmie và Gillie trong vài tuần, tôi có thể ngọa bệnh mà buông xuôi hết cả. Nhưng tôi còn đợi, cố tự chủ mà đợi giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước, tức biến cố buộc tôi phải hành động; quyết định đó của tôi vừa giảo quyệt, vừa thản nhiên, như vậy tôi đâu có thực là bệnh hoạn; luôn luôn tôi nhận thấy khía cạnh quỷ quyệt đó, nhưng cũng vẫn phải làm.

Và biến cố đó tới. Pao buộc tôi phải rút về bản Destination Tchoungking in ở Anh. Anh đấm đá tôi túi bụi luôn mấy ngày, và la: “Phải ngưng lại, bảo các nhà xuất bản ngưng lại hết đi”. Nhưng anh chẳng làm gì cả, muốn để tôi một mình lãnh trách nhiệm về vụ đó. Trước đó đã có trường hợp Willington Koo ngăn không cho phát hành tác phẩm của vợ ông. Tôi kêu điện thoại nói chuyện với ông Jonathan Cape. Ông mới tái giá và mời tôi lại uống trà với vợ ông, tên là Kathleen; tôi tới thấy hai ông bà đương ngồi chung quanh lò sưởi. Ông hỏi tôi: “Chồng bà hành hạ bà từ bao lâu rồi?”. Tôi khóc suốt buổi nói chuyện, và khi ra về, tôi còn say nước mắt. Nhưng khi tôi nói về trường hợp ông Wellington Koo cấm phát hành sách của vợ, ông Jonathan chỉ cười; dĩ nhiên về cuốn của tôi ông cứ cho phát hành. Tôi quyết định lại nhà bà Margery Fry có lẽ vì có lần bà bảo tôi khi nào cần nghỉ ngơi thì cứ lại nhà bà. Tôi bèn gọi điện thoại: “Bà Margery, tôi không được khỏe. Tôi có thể lại ở nhà bà ít bữa không”. Bà đáp: “Được lắm, đem bàn chà răng lại”. Tôi bảo bà “tôi không được khoẻ” vì mấy bữa nay tôi khóc hoài và lần cuối cùng gặp bà thì nước mắt tôi chảy ròng ròng trên má. Lát sau, tôi bật cười, không dứt. Tôi nhớ cô S. và cách cô tự trị bệnh: lên giường nằm và nằm luôn mấy tuần tới khi mạnh mới thôi. Tôi biết rằng nếu tôi ngủ lâu, thật lâu thì chẳng cần y sĩ, chẳng cần thuốc thang, tôi cũng hết bệnh. Tôi đã thực hành cách đó hai lần trong đời tôi.

Tôi lấy một bàn chà răng, một cái áo ngủ, nhưng quên chiếc khăn bông và một chiếc áo dài để thay. Tôi viết mấy chữ cho Pao: “Em không thể chịu nỗi đời sống này nữa, em đi nghỉ vài ngày”, rồi đặt lên bàn, chỗ gần cửa. Chìa khóa, tôi nhét dưới chiếc nệm. Người gác cửa có râu mép ngắn, giơ tay rờ chiếc nón cát két để chào tôi, đưa tôi xuống bằng thang máy. Pao sẽ về vào khoảng từ 5 giờ tới 7 giờ chiều, nếu không thì khuya mới về, lúc đó tôi không còn ở nhà nữa. Tôi tự hỏi hoài không biết còn thức ăn trong tủ lạnh không. Tới ngôi nhà cao của bà Margery thì bà đã đứng ở sau chiếc cửa sổ lớn ngóng tôi; tôi rất quen thuộc hòn núi non bộ ở đây, trà đã có sẵn trên khay, phòng có lò sưởi bằng khí thắp đèn, nhưng vẫn còn lạnh.

Bây giờ tôi có thể vừa uống từng ngụm trà, sữa, vừa kể lể qua những việc đã xảy ra cho bà Margery nghe, nhưng câu chuyện của tôi có vẻ vô lý, rời rạc, nhảm nhí, tới nỗi tôi suýt trở ra về liền, nhưng vì lệ cứ trào ra hoài, nên tôi lại không đi.

Bà Margery bắt tôi lên giường nằm: “Coi cháu bơ phờ quá”. Tôi nằm suốt một tuần, chỉ thỉnh thoảng dậy đi tắm, và từ ngày thứ tư mới xuống buồng ăn. Tôi bị một cơn hoảng hốt, sợ sệt, đòi kéo màn che kín cho không thấy ánh sáng nữa. Ngay phòng khách mà tôi cũng không chịu xuống. Bà Margery thật tốt bụng, đáng quý lắm, cứ để tôi nằm, đòi được đích thân bưng bữa tối lên cho tôi nữa… mệt cho bà quá vì bà gần thất tuần rồi. Tôi ích kỷ, để bà chiều tôi, như chiều một em bé và tôi ngủ thiếp đi.

Chiều hôm sau, Pao lại. Anh dễ dàng kiếm được tôi, anh biết rằng tôi chỉ trốn ở nhà ba bốn người thôi: lsabel Cripps, Dorothy Woodman hoặc Margery Fry. Anh kêu điện thoại cho bà Margery. Bà mời anh lại chơi, anh tới và hai người nói chuyện với nhau. Khi anh ra về rồi, bà vô phòng tôi, bảo “Chân tôi bây giờ yếu quá”, vì nhà toàn là cầu thang mà bà chỉ mướn một bà làm bếp, già lắm rồi. Tôi rưng rưng nước mắt nhìn bà: vì tôi mà bà phải lên lên xuống xuống như vậy. Bà kể lại rằng Pao tỏ ra biết điều lắm. “Này cháu, chồng cháu đồng ý rằng cháu cần nghỉ ngơi vài ngày. Và hứa sẽ không quấy rầy cháu đâu…” Rồi bà kết “Con người đó tỏ ra nhiều lương tri”. Pao cũng đã nói với bà rằng Yungmei không phải là con của tôi, điều đó tôi không hề cho ai hay vì không muốn cho nó xen vô chuyện đó, tôi muốn tránh cho nó không thấy những nỗi đau khổ của tôi, che chở nó, về phía Pao, cũng như về phía tôi.

Tôi lại khóc: Cho tôi nghỉ ngơi, anh Pao tỏ ra cao thượng và tốt bụng thật! Tôi sẽ ngủ vài ngày nữa lấy lại sức, rồi lại rán nữa… Tôi viết mấy chữ lên bưu thiếp, gởi cho Yungmei và Gillie.

Sáng hôm sau, có người bấm chuông. Pao cho người đem lại một bó hoa, một thứ cúc vàng lá nhuộm đỏ rực. Tôi lại khóc và bà Margery khịt mũi; bà đã chế ngự được cái mà bà gọi là “thứ bom mát”[1] của Pao, bà bảo: “Tôi có nghĩ rằng tình cảm con người đó cũng gần gần xác thực, như thứ lá vàng này”. Tôi năn nỉ bà: “Xin bà nói với ảnh rằng tôi hết chịu nổi rồi, chỉ mong được nghỉ ngơi vài ngày thôi”, và tôi dậy cấm bó bông vào một bình bông gần giường.

Bà đưa sách của anh (hay em) bà, ông Robert Fry, viết về nghệ thuật Trung Hoa, cho tôi đọc để tiêu khiển. Bà mấy lần muốn mời bác sĩ, tôi từ chối: “Tôi có đau gì đâu chỉ có dao động về tinh thần thôi, và mệt, mệt lắm”. Tôi viết một bưu thiếp nữa cho Yungmei, mỗi ngày gởi cho nó một tấm; trong nhiều năm sau, tôi giữ thói quen đó mỗi khi tôi xa nó.

Buổi chiều đó, tôi nằm, trằn trọc nghĩ tới dĩ vãng: lần Pao trở lại Vũ Hán kiếm tôi, lần anh với tôi ở Quế Lâm, khi tôi bị đám đông xô té xuống sông… anh tốt bụng, anh cao thượng, khoan dung, tất cả những gì xảy ra đều tại tôi cả… Buổi tối hôm đó, vào khoảng tám giờ, có ai bấm chuông ở cửa, bà Margery đương ngồi cạnh tôi uống tách cà phê sau bữa ăn. Sáo đã hạ xuống, để ánh sáng khỏi lọt ra ngoài. Bà xuống xem có chuyện gì. Rồi tôi nghe có tiếng chân nặng nề lên cầu thang. Bà trở vô, phía sau bà là hai người điều dưỡng bạn đồng phục trắng, trình một lệnh do bác sĩ ký. Do lời yêu cầu của Pao, họ lại chở tôi vô một dưỡng đường để bác sĩ khám xem thần kinh tôi có thác loạn không… Pao đi sau hai người khiêng băng ca đó: anh ăn bận rất bảnh bao, sinh lực tràn trề chạy lại giường tôi, nói bằng tiếng Trung Hoa: “Dậy đi, anh tới đón em đi, dậy đi”.

Bà Margery la lớn:

- Đại tá Tang, ông đã hứa với tôi, hứa với tôi rằng để yên bà ấy trong vài ngày mà…

Hai người khiêng băng ca vô phòng, thận trọng nghiêng băng ca cho khỏi đụng, rồi dăng tấm vải trắng ra, đứng đợi. Tôi ngồi dậy, gào thét. Pao ra lệnh “chở bà ấy đi”. Anh cấm bà Margery xen vào: “Bà biết không tôi có thể bắt giam bà? Vợ tôi thì tôi chở đi, tôi có thể săn sóc nó được”. Hai người điều dưỡng lại gần tôi, tôi la lớn: “Tôi không muốn đi! Tôi không muốn đi!… Tôi xin các ông đừng khiêng tôi đi, tôi mệt lắm”. Một người điều dưỡng nói với Pao: “Thưa ông, tôi rất ân hận, nhưng bà ấy không muốn thì chúng tôi không thể khiêng bà ấy đi được”. Bà Margery bảo Pao: “Đại tá Tang, chúng mình cùng xuống phòng khách nói chuyện về việc đó”. Người điều dưỡng quay lại nói với bà: “Bà ấy không có vẻ điên mà”. Ông ta hỏi ý bạn, rồi cả hai lại nặng nề bước xuống cầu thang, thận trọng, quả quyết, vừa đi vừa nói với Pao: “Thưa ông, chúng tôi rất tiếc nhưng chúng tôi không thể khiêng đại bà ấy đi được, như vậy không nên”. Bà Margery bảo Pao: “Ông theo tôi, chúng ta cùng thảo luận về tình cảnh”. Trong cầu thang, một người điều dưỡng hỏi bà: “Phải là một trường hợp ngược đãi không?” Tôi không nghe thấy bà trả lời.

Pao bước theo la lớn: “Tôi ra lệnh cho các ông phải khiêng bà ấy đi… Tôi là tùy viên quân sự đây”. Rồi một người cảnh sát xuất hiện, to lớn, bận áo đôi, đứng chật cả cửa. Ông này nói với Pao: “Mời ông xuống, chúng ta sẽ cùng thảo luận với nhau”. Pao đáp: “Vợ tôi đấy, vợ tôi đấy!” – Vâng, vâng, nhưng thưa ông, không ai có thể bắt một người phải vô nằm bệnh viện nếu chính người đó không chịu”. Ông cảnh sát và Pao có vẻ sắp tranh luận với nhau, tôi nói lớn với ông ta: ‘Tôi xin ông, xin ông đừng bắt anh ấy, anh ấy không biết anh ấy làm cái gì đâu”. Pao bèn tiến lại phía tôi, bảo. “Em, em của anh, được. Thôi em nằm nghỉ ở đây đi”. Anh muốn hôn tôi, tôi quay mặt vào tường, bảo: “Tại sao anh lại làm như vậy? Bậy quá”. Rồi tôi bật cười, nín không được, Pao đi ra. Nửa giờ sau, trong nhà bình tĩnh rồi, bà Margery trở lên, vẻ mệt mỏi, hốc hác, có hai nếp nhăn đen đi từ mũi xuống cầm.

Hôm sau bà cho tôi hay rằng Pao đã trình bày sai sự kiện cho một bác sĩ đường Wimpole, xin ông này ký một chứng thư y nghiệm, cho tôi vô nằm bệnh viện để khám xem óc có thác loạn không. Nhưng Pao không biết rằng luật Anh không cho phép vô bệnh viện như vậy; Pao lấy tư cách là nhà ngoại giao, đã thuyết phục bác sĩ, khiến ông ta chẳng khám xét gì tôi cả mà ra lệnh càn, nhưng hai người điều dưỡng biết luật, không chịu làm trái luật.

Rồi Pao tính kiện bà Margery. Sau đó, anh phàn nàn với bà Isabel Cripps, bà này lại thăm tôi hai ngày sau cái đêm các điều dưỡng tới để định khiêng tôi đi. Tôi giảng cho bà nghe rằng một điều tôi không chịu nổi là ảnh bắt tôi phải nói dối với mọi người: vì tôi là người Âu lai Á, chứ không là Trung Hoa thuần túy, và Pao lấy vậy làm xấu hổ, tôi không thể sống mà nói dối hoài được. Bà bình tĩnh nghe tôi kể hết cả đầu đuôi, rồi bảo sẽ nói chuyện với Pao (bà nói chuyện với Pao thật). Bà còn nói thêm rằng bây giờ Pao đã làm rùm lên, không biết là vụ này có thể đi tới đâu, rắc rối lắm. Tốt hơn là tôi tới ở nhà em gái và em rể bà, một ngôi nhà lớn ở vùng quê. Tôi nghe lời bà, tới đó. Rồi sau tôi lại đổi chỗ một lần nữa, lại ở nhà một bạn khác, bà Margaret Godley, cũng yên tĩnh, cũng ở vùng quê, với tư cách là “khách trả tiền”. Yungmei và cô Gillie lại đó với tôi. Sau sáu tuần xa Pao, tôi bình phục trở lại, hết khóc mà cười lại được. Tôi lại muốn, muốn mãnh liệt làm một việc gì. Tôi biết rằng muốn sao thì sao, tôi cũng phải học cho thành y sĩ[2].

Rồi một buổi chiều (do bà Isabel đứng giữa dàn xếp) Pao và tôi gặp nhau trong giờ uống trà ở nhà hai ông bà Stafford và Isabel Cripps, hôm đó vào tháng chạp, hai ngày trước lễ Noël: ông Stafford hơi ngượng nghịu, rít những hơi dài, gõ ống điếu cho rơi tàn, rồi nhồi một điếu khác. Pao bước vô vẻ mặt cởi mở, ngay thẳng, bận một bộ quân phục mới, hết sức bảnh bao và dễ thương. Anh nói rất hay, nhận rằng chỉ riêng anh có lỗi và hứa sẽ sửa tính. Bằng một giọng rất nghiêm trang, anh gợi hoàn cảnh của Trung Hoa, bảo chúng tôi phải vì Trung Hoa đang chiến đấu để sống sót. lsabel và Stafford nghe anh thuyết mà rất cảm động. Dĩ nhiên anh lại dùng lá bài ái quốc ái quần. Hồi đó, đối với tôi và nhiều người trong bọn chúng tôi, đó là một lời hô hào phải hy sinh.

Vì có hoàn cảnh đó, nên tôi đáp: vâng, tôi sẽ trở về, ông bà Cripps bước ra, để chúng tôi ngồi một mình với nhau. Pao bảo anh yêu tôi; và anh cho hay sự thực: một phái đoàn quân sự Trung Hoa do tướng Hsiung cầm đầu, mới tới để bàn về vài vấn đề quân sự, một bữa tiệc để tiếp rước họ sẽ tổ chức tối hôm đó… tôi đau nặng những đã đỡ nhiều. Tôi ngó anh trừng trừng mặt anh tươi rói, hăng hái mà trẻ trung, hoàn toàn giả dối, mà anh lại tự cho là rất thành thực; tôi chán nản nghĩ bụng: “Tại sao cứ cái trò nói dối hoài đó vậy”, nhưng tôi đáp: “Vâng, tôi sẽ tới dự nhưng tôi muốn học y khoa”. Anh đáp: “Dĩ nhiên, em muốn làm gì thì làm”. Thế là từ nay, tôi có quyền làm mọi việc theo sở thích, từ những việc lớn tới những việc nhỏ nhất.

Vậy buổi tối đó, tôi đi dự tiệc. Có bảy hay tám quân nhân; họ đem theo cái xú khí tham nhũng thối nát của Trùng Khánh; khoe những thắng trận tưởng tượng. Tướng Hsiung bảo: “Tôi mà gặp bọn sĩ quan Anh thì tôi sẽ quay chúng như những con vụ”. Ông ta lấy làm vinh hãnh rằng Tưởng Giới Thạch sai khiến được người Mỹ và đã tống cổ được Stilwell. Trong cái canh bài quyền hành, quanh co, tế nhị, quỉ quyệt đó, họ đang chơi một ván mà tôi được chứng kiến. Nhưng lần này tôi không còn bị gạt nữa.

 

Mùa đông 1943 bước qua 1944. Stalingrad anh dũng kháng Đức; chiến tranh ở sa mạc (Bắc Phi), do tướng Montgomery chỉ huy đã làm lật ngược tình thế, phần thắng về Đồng Minh; người ta nói nhiều tới một mặt trận thứ nhì ở Châu Âu, Tưởng Giới Thạch, Roosewelt và Churchill gặp nhau ở Caire, rồi ở Téhéran, tại đây người ta hủy bỏ hết những lời hứa với Tưởng.

Tháng 8 năm 1943, Huân tước Đề đốc Louis Mountbatten, vị chỉ huy tối cao của Đồng Minh, tổ chức lại mặt trận Đông Nam A. Mountbatten bay qua Trùng Khánh để gặp Tưởng và trong tờ Paris Match ông viết rằng, tới nơi ông hay tin Stilwell đã bị Tưởng Giới Thạch đuổi đi.

Ông tướng hay quạu Joe Stilwell (biệt danh là Joe Dấm) đó được Washington phái qua Trùng Khánh từ 1942. Chiến lược của Mỹ (đã bị bỏ từ hồi đó) là tổ chức lại quân vĩ đại của Trung Hoa, phát cho họ khí giới, luyện tập họ, đặt họ dưới sự chỉ huy của Mỹ mà dùng trong nhưng trận lục địa lớn là ở Á, chống lại Nhật.

Một trong những trận lớn lao chuẩn bị theo lối đó, mở đầu cho những trận Miến Điện từ tháng 5 năm 1942 tới tháng 5 năm 1945. Nhưng mục tiêu của các Đồng minh xung đột nhau rõ rệt quá, và những quân đội gởi qua Miến Điện thành ra “một đạo quân bị bỏ quên’ trên “một mặt trận bị bỏ quên”.

Chiến lược lớn lao của Stilwell về Miến Điện là luyện tập ba mươi sư đoàn Trung Hoa: số lính là X, Y, Z: một ở Ramagarh tại Ấn, một ở Côn Minh, một ở Quế Lâm. Ba đạo quân đó, khi chuẩn bị xong rồi, sẽ tiến lên, tập họp lại thành một mặt trận từ Ấn Độ tới bờ biển phía Đông của Trung Hoa, cắt đứt mọi đường giao thông với Nhật, và đuổi hết Nhật ra khỏi Miến Điện. Xong rồi sẽ làm một con đường nối Ấn Độ với Trung Hoa, đi ngang qua Assam và Bắc Miến Điện. Con đường đó – người thì gọi là đường Bắc Miến Điện, có người lại gọi là đường Stilwell – sẽ thay thế con đường Miến Điện cũ đã bị Nhật chiếm hồi tháng 5 năm 1942.

Ngay từ mùa hè 1941, trước khi xảy ra vụ Trân Châu cảng, Hội đồng Quân sự Trung Hoa đã đồng ý để cho Mỹ sử dụng ba chục Sư đoàn. Nhưng khi Stilwell yêu cầu thực hiện lời hứa đó thì Tưởng dùng Hà Ứng Khâm, con người có thiên tài trong nghệ thuật không bao giờ giải quyết xong một việc gì cả, để thoái thác, rồi hứa nữa mà không bao giờ thực hành. Một nửa số sư đoàn của Tưởng chỉ có trên giấy tờ, mà không một sư đoàn nào có được trên nửa số quân ghi là “còn sống”, vậy thì làm sao các quân mà nó thành quân thực được, điều đó có gì khó hiểu đâu.

Để nâng cao tinh thần của dân chúng, tháng hai năm 1942, Doolittle tổ chức một cuộc tấn công Nhật bằng phi cơ, để trả thù, Nhật phá hủy tan tành phi trường Chiết Giang ở bờ biển Trung Hoa, rồi rút lui, tỏ rằng họ không phải là không biết thâm ý của Mỹ là muốn dùng những phi trường, hải cảng và quân đội Trung Hoa để tấn công họ. Tưởng Giới Thạch bất bình rằng các mặt trận khác được Đồng minh coi là ưu tiên, giở cái trò lộn sòng mà ông thường dùng: ra lệnh cho quân đội đừng ngăn tụi Nhật phá các phi trương. Stilwell không sao hiểu nổi những động cơ khiến cho Tưởng hành động hay không hành động, nổi quạu lên, phàn nàn rằng người ta bắt ông sa lầy trong cái mà ông gọi là “hố rác”, tức Trùng Khánh. Ông cho Tưởng là tính tình bất thường, ngu xuẩn, tự mâu thuẫn hoài, là thứ “Đậu phụng già”. (Sự thực chính nhóm người Trung Hoa học ở Mỹ về, làm tay chân cho Tống Tử Văn, em vợ của Tưởng, đã đặt ra tên đó để gọi Tưởng). Sau cùng Stilwell viết rằng hễ còn Tưởng thì Trung Hoa không thể nào tiến bộ được. Trong hội nghị Téhéran, tháng chạp năm 1943, tiếp theo ngay hội nghị ở Caire, Roosevelt và Staline đã bác bỏ một phần lớn chiến thuật của Mỹ mà Stilwell đã nhiệt tâm chuẩn bị và thực hành trong hai năm. Vậy những trận đã dự tính ở Miến Điện chỉ là để phô trương, đã hi sinh vô ích biết bao nhiêu lính không có đủ khí giới.

Những lời Đồng minh gần như là đã hứa với Tưởng ở Caire tháng mười một năm 1943, bây giờ Đồng Minh rút lại hết, họ thay đổi hoàn toàn chiến thuật. Stilwell bị chính phủ của ông (Mỹ) hy sinh, chứ không phải là bị “Tưởng đuổi đi”, ông ta bị hy sinh từ trước khi người ta cho ông hay, vì trọn kế hoạch tấn công Nhật bằng đường bộ đã phải hủy bỏ. Có tin đồn rằng người ta đã bí mật bỏ kế hoạch đó từ đầu năm 1943, trước khi có hội nghị Téhéran.

Nếu thực hiện kế hoạch Stilwell thì các đạo quân Mỹ và Trung Hoa sẽ vô các thuộc địa của Anh ở Đông Nam Á, ở Miến Điện. Các đạo quân Trung Hoa được cung cấp khí giới và huấn luyện đúng theo ý Stilwell, sẽ như một sự khiêu khích thực dân Anh ở Đông Nam Á Lòng tham của Mỹ đã lộ rõ (chiếm địa vị của Anh ở Châu Á) và khiến cho Anh cũng bám chặt lấy vị trí cửa họ, điều đó dễ hiểu. Chẳng những họ không muốn sự thống trị chung của Mỹ – Hoa, mà sư thống trị của Mỹ, họ cũng không chịu. Họ cương quyết mong rằng hết chiến tranh, thuộc địa của họ sẽ trả lại họ. Giới Trung Hoa ở Londres đều biết cái trò mờ ám, nước đôi đó, và giữa người Trung Hoa và giai cấp thống trị Anh, xuất hiện một sự cừu thị ngầm nhau.

Tháng 8 năm 1943, Mountbatten tới Miến Điện và thấy ở đó một tình trạng tệ hại kinh khủng mà ông đã kể lại một cách rất linh động: cứ 100 quân nhân thì trong một năm có một trăm ba mươi lăm trường hợp vô nằm bệnh viện vì bệnh sốt rét cơn; trong khi chỉ có một thương binh vì có tới một trăm hai chục quân nhân bị sốt rét đó mà phải loại ra khỏi vòng chiến. Các sĩ quan Anh lúc đó còn nhớ rõ cảnh hỗn độn rối beng kinh khủng của trận Miến Điện năm 1942, mà tình trạng đó vẫn tiếp tục, về phương diện ưu tiên, mặt trận đó vẫn đứng hạng chót, và còn đứng hàng chót thêm một năm nữa. Không có phi cơ, không có khí cụ, không có quân nhu. Những chiếc tàu người ta phái lại đó, đã bị gọi về chỉ có Wingate và các Chindit [3] của ông là hoạt động lai rai nhưng lực lượng 132 ở Mã Lai, vì lý do tâm lý và cũng là muốn thu thập tin túc (coi xem ảnh hưởng của Cộng sản trong miền mạnh yếu ra sao, mà sau này tìm cách diệt như ở Nam Tư ở Hi Lạp) để cho báo chỉ cùng đại chúng lâu lâu nhắc tới tên Miến Điện…

Mountbatten kể lại rằng ông thuyết phục Tưởng Giới Thạch đừng đuổi Stilwell về năm đó (tháng chín năm 1943) bằng cách hứa với Tưởng sẽ thành lập ngay một trận thứ nhì ở Miến Điện. Nhưng thình lình người ta lại rút về hai phần ba hạm đội của Mountbatten, sau khi hạm đội đó tới các cảng Ấn Độ, để phái qua hoạt động ở Địa Trung Hải sau tháng chạp 1943.

Nực cười thay, Tưởng được Roosevelt cho hay tin đó! Tại hội nghị Caire, Tưởng xin Roosevelt một triệu Mỹ kim. Sau đó Roosevelt kể rằng: “Tôi đâu chịu cho cái th… đó một triệu Mỹ kim”, ông ta cho hay mặt trận Địa Trung Hải mới là “ưu tiên bậc nhất”. Thế là Tưởng Giới Thạch có một cớ rất tốt để đuổi Stilwell về. Các quốc trưởng khác không giữ lời hứa, thì tại sao ông ta lại phải giữ? Và một lần nữa, Tưởng dọa hòa giải với Nhật thế là Mỹ phải viện trợ cho nửa triệu Mỹ kim.

Tưởng Giới Thạch hỏi Mountbatten ai sẽ chịu trách nhiệm về hành chánh và duy trì trật tự trong những miền Miến Điện có quân đội Trung Hoa đóng và hành quân; Mountbatten đáp rằng trách nhiệm đó về người Anh. Tưởng cho rằng như vậy không khác gì quân đội Trung Hoa phải chiến đấu để khôi phục quyền hành của người Anh ở Miến Điện. Anh đề nghị thành lập một Ủy ban “Dân sự”; các sĩ quan trong Ủy ban đó sẽ đi theo các lực lượng Đồng minh, dùng những biện pháp cần thiết để “tập trung các sự liên lạc” giữa thổ dân (tức người Miến) và nguời Trung Hoa. Vậy là quân đội Trung Hoa sẽ chiến đấu nhưng không được tiếp xúc với dân chúng trong những miền họ đóng. Trung tướng Sư đoàn trưởng Huân tước Adrian Carton de Wiart V.C.[4] được lệnh xếp đặt, chỉnh lý biện pháp đó. Sẽ đặt một cơ quan liên lạc ở Côn Minh. Carton de Wiart lại dùng bữa tối với chúng tôi, ông ta nhã nhặn khả ái, bữa trưa ông ăn với Phái đoàn Trung Hoa ở Bộ Chiến Tranh, và tướng Hsiung được đưa đi xem xét các cơ sở quân sự.

Tưởng Giới Thạch không chịu để cho quân đội Trung Hoa chiến đấu dưới sự chỉ huy của Mountbatten trừ những đạo quân Trung Hoa đã đóng từ trước ở Ramgarh (Ấn Độ). Mệnh lệnh rồi phản mệnh lệnh cứ tới tấp bay lại Londres cũng như lại Washington. Đại sứ Wellington Koo làm việc mệt quá, hóa ra lừ đừ. Các tùy viên quân sự (lục, hải, không quân) Anh xoay, vặn, vì Anh cũng tìm cách lập cơ quan liên lạc riêng của họ ở Trung Hoa.

Từ tháng 11 năm 1943 tới tháng 5 năm 1944, quân đội Trung Hoa án binh bất động; không ai có thể làm cho họ nhúc nhích được. Chính sách hoãn binh đó với thói “thay đổi như chong chóng” của Tưởng làm cho Stilwell nổi quạu lên, ông ta có vẻ như không biết rằng chính Washington đã đổi ý và phá ngầm kế hoạch của ông.

Tháng 5 năm 1944, quân đội Trung Hoa lại qua sông Salween, nhưng Anh không nhận được một thông cáo nào về sự hành quân đó cả, Carton de Wiart lo ngại lắm, lại xin phép gởi ngay một phái đoàn quan sát Anh, không phải là quân nhân để theo các đạo quân Trung Hoa ở Miến Điện. Người Anh đưa ra điều khoản nầy: “Các người vi phạm có quốc tịch Anh mà không phải là quân nhân” (người Miến Điện, vì là dân thuộc địa Anh, ở trong trường hợp đó) chỉ bị các toà án dân sự Anh xử thôi, như vậy là họ có ý sau chiến tranh, sẽ chiếm lại các thuộc địa của họ ở Đông Nam Á.

Tháng sáu năm 1944, vài công chức Anh được phép bay tới Côn Minh; nhưng Tưởng Giới Thạch chẳng chấp nhận một điều khoản nào cả, và cũng không chính thức cho phép Anh gởi phái đoàn tới Trung Hoa.

 

Nhưng tháng giêng năm 1944, Nhật đã phát động một cuộc hành quân lớn, đem đại quân vượt sông Chindwin, vô Assam; vì vậy tháng 3 năm 1944 là thời nguy cấp cho Đồng minh, cơ hồ như Assam [5] sắp bị chiếm. Calcutta sắp lâm nguy.

Nếu Nhật thành công lần đó thì họ cắt đứt được các đường giao thông đưa tới các phi trường, mà cầu hàng không tiếp tế cho Trung Hoa cũng phải ngưng.

Lại thêm Nhật tuyên truyền mạnh hơn nữa, hứa cho Ấn độc lập. Họ phù trợ Đạo quân Độc lập Ấn của Subhas Chandra Bose, một người gốc ở Bengale, và họ hy vọng khuấy động một phong trào đòi độc lập ở Bengale.

Trong nửa năm đầu 1944, mặt trận thứ nhì ở Miến Điện cũng sụp đổ, Đồng minh phải bỏ tất cả các kế hoạch dùng Trung Hoa làm căn cứ để tấn công Nhật, và chiến lược mới của Mỹ là nhảy từ đảo này tới đảo khác trên Thái Bình Dương, tấn công trực tiếp quân Nhật trên những đảo mà họ đã lần lần chiếm được. Nhưng Mỹ cũng quyết định giữ cho Trung Hoa chiến đấu ở phe Đồng minh, để tận dụng tiềm năng cùng vị trí chiến lược của Trung Hoa, và hy vọng sau chiến tranh, lập một trật tự chính trị ở Viễn Đông mà Mỹ sẽ thống trị. Họ thực hiện những kế hoạch để Mỹ thay thế bọn “thực dân” Anh, Pháp, Hòa Lan, mà chế ngự Viễn Đông cả về quân sự lẫn kinh tế. Một hậu quả của mục tiêu đó là từ năm đó, Mỹ càng nhúng tay vào Trung Hoa sâu hơn nữa, mà Quốc Dân đảng càng ngày càng phục tòng Mỹ, lệ thuộc Mỹ, sau này thành một quân cờ trong chính sách của Mỹ.

Nhưng Trung Hoa không thể đóng vai trò Mỹ giao phó cho đó, nếu cứ tiếp tục sa lầy trong cảnh nội chiến hỗn độn, do đó kế hoạch thành lập một chính phủ “liên hiệp”, Quốc và Cộng sẽ “hợp tác” với nhau, thực hiện những cải cách làm cho tổ chức của Tưởng Giới Thạch có sức tồn tại được hơn, còn lực lượng Cộng sản thì loãng dần đi thành một thứ sền sệt, bán dân chủ.

Roosevelt càng ngày càng bị Tưởng Giới Thạch “làm tiền” bằng cách cho ông ta có ảo tưởng rằng Trung Hoa làm hậu thuẫn cho chính sách của Mỹ ở bất kỳ nơi nào. Cả hai vợ chồng Tưởng đều tìm mọi cách tăng cường ảo tưởng đó lên, bà Tưởng, trong lần qua thăm Mỹ, mùa đông 1942-1943, đã xác nhận với Harry Hopkins rằng sau chiến tranh “Trung Hoa sẽ tiến song song với Mỹ”.

 

Trận lmphal, tháng sáu 1944, làm tan rã cuộc tấn công của Nhật ở Miến Điện, nhờ Mountbatten đã tổ chức lại lực lượng Miến Điện. Nhật tấn công nữa ở Miến Điện một cách tuyệt vọng, đồng thời lại tấn công Trung Hoa, nhưng Tưởng Giới Thạch cũng không chống cự.

Mountbatten biết rằng phải giữ Tưởng đứng về phía Đồng Minh với bất kỳ giá nào, trong chiến tranh đó, nhưng Tưởng lại chuẩn bị một cuộc tổng tấn công, đem toàn lực đánh Diên An, căn cứ của Mao Trạch Đông. Mountbatten bay tới Trùng Khánh để thảo luận với Tưởng.

Trận thứ ba ở Miến Điện còn dữ dội hơn, và rốt cuộc tháng Giêng 1945, Nhật phải rút hết ra khỏi Bắc Miến, và qua tháng sáu, công việc tái chiếm Miến Điện đã hoàn thành.

Hậu quả ngược đời của những biến cố rời rạc và của những kế hoạch giả dối đó, tiết lộ được nhiều điều thú vị. Nếu người ta theo kế hoạch của Stilwell và mặt trận Miến Điện, nếu con đường Stilwell được mở sớm hơn, thì chế độ Tưởng Giới Thạch đã được củng cố mạnh rồi, vì cuộc tấn công do Stilwell chuẩn bị, đã tặng cho Tưởng những hậu phương mênh mông rất phong phú, phì nhiêu tại đó không có một căn cứ Cộng sản nào cả.

Nhưng người ta đã không làm vậy, và đầu năm 1945, khi Bắc Miến được giải thoát, thì sự tan rã về kinh tế và chính trị của Tưởng đã tới mức Quốc Dân đảng, so với hồi 1942, yếu hơn Cộng sản nhiều. Vậy mà chính ông ta đã dự một phần trong việc ngầm phá kế hoạch của Stilwell chứ.

Nhưng kế hoạch của Stilwell thành công, thì vũ lực của Mỹ ở Trung Hoa đã lớn gấp mấy sức mạnh của họ khi chiến tranh chấm dứt, tháng 8 năm 1945.

Và chính trong mấy năm đó, các đạo quân Cộng sản đã lớn mạnh phi thường, lại chiếm được nhiều đất đai nữa, như vậy không phải do họ cứ ngồi yên chờ thời đâu mà do họ chiến đấu liên tục, cực khổ, không hề nghỉ, lúc thì dùng vận động chiến, lúc thì du kích ở phía sau địch, thành thử khi thế chiến chấm dứt thì ở Trong Hoa, tương quan lực lượng giữa Quốc và Cộng đã trút hẳn về phía khác rồi.

 

Người ta thuyết phục tôi trở về sống với Pao. Bà Margery cho rằng Isabel khuyên tôi vậy là lầm, rằng tôi phải đoạn tuyệt và làm lại cuộc đời.

Tôi trở về căn nhà lớn ở đường Welbeek. Bà Isabel bảo tôi nên đổi chỗ ở vì căn nhà đó hai chủ, như thể đổi nhà thì thay đổi được cả tâm linh con người…

Trong mấy tuần, mọi sự tốt đẹp hơn nhiều; chúng tôi có thể nói chuyện cả với nhau nữa miễn là chịu khó giữ ý. Tôi bảo với Pao rằng “tôi muốn học y khoa vì đã tới lúc tôi cần phải học trở lại”. Sẽ có nhiều sự thay đổi ở Trung Hoa mà dân chúng không thể tiếp tục sống trong cảnh khốn cùng như vậy. Tôi tưởng tượng tôi đã làm y sĩ, ý đó tôi đã ấp ủ từ lâu lắm, tôi kiên nhẫn, ương ngạnh nghĩ rằng từ bấy lâu nay tôi chỉ hoãn lại ngày thực hiện dự định của tôi thôi, chứ không bỏ hẳn, và bây giờ tôi nhất định trở lại Đại học, học hết Y khoa, như tôi ước ao từ hồi mười hai tuổi (mười lăm năm trước).

Pao có vẻ do dự: tin tức lạm phát ở Trung Khánh làm cho các nhà ngoại giao lo ngại: Trùng Khánh đã cho chỉ thị giảm mọi chi tiêu. Những lời George Yeh chua chát chỉ trích chính phủ, trong chỗ thân mật, khi lại chơi chúng tôi, có lẽ đã làm cho Pao lo nghĩ.

Bà Isabel giới thiệu với tôi trường Y khoa (ở đường Hunter) cho Phụ nữ. Tôi có một chứng chỉ ở Đại học Bruxelles mà chú Ba đã gửi cho tôi.

Mùa xuân năm 1944, tôi được phép vô học trường Y khoa cho Phụ nữ Royal Free (Bệnh viện miễn phí của Hoàng gia) miễn là tôi phải qua một kỳ thi vô trường; kỳ thi đó sẽ mở vào tháng ba 1945 ở Trường. Vậy tôi phải lại trường ở đường Hunter để ôn lại các môn giải phẫu, sinh lý, nhất là môn sinh vật – hóa học mà tôi không biết chút gì cả vì môn đó không có trong chương trình. Ban Khoa học tự nhiên ở Đại học Bruxelles ở Bỉ, lên năm thứ tư người ta mới dạy môn đó[6].

Vậy tôi phải học lại bằng tiếng Anh tất cả các môn giải pháp, sinh lý và hóa học ấy là chưa kể môn sinh vật – hoá học và một môn mới nữa: môn dược vật học. Phải học tất cả những môn đó trong khoảng từ mùa xuân 1944 đến tháng ba 1945; tôi bắt buộc phải học tại nhà trước đã, cho tới khi đủ sức theo nổi trọn các bài giảng và các lớp giải phẫu vào mùa thu 1944.

Chương trình đó, tôi có thể đạt được không? Tôi đã rời Đại học Bruxelles để về Trung Hoa bảy năm trước… quyết định đó đã đem lại cho tôi nhiều ngày chẳng lấy gì làm sung sướng lắm, nhưng tôi cũng không tiếc. Những ngày đó đáng sống: bây giờ đây cách ba chục năm rồi, tôi còn tin chắc điều đó hơn nữa.

Vậy năm 1945 tôi phải bắt đầu trở lại từ điểm mà tôi đã ngừng năm 1938, nhưng có bảy năm từng trải tôi tự cấm tôi không được nghĩ rằng sự tiếp tục lại đó sẽ rất khó. Tôi không nghĩ tới nỗi khó khăn, chỉ chú hết tinh thần vào mục đích tôi muốn đạt thôi. Còn vấn đề tiền nong? Rồi còn Yungmei và cô Gillie sẽ ra sao? Pao nữa? Cơ hồ như không sao tưởng tượng nổi vợ một tùy viên quân sự Trung Hoa lại thình lình đi học Y khoa.

Sự lạm phát ở Trung Hoa lúc đó có vẻ kinh khủng: giá một Mỹ kim là 25.000 đồng Trung Hoa ở chợ đen, mà sau này còn tệ hơn vậy nữa. Giá trung bình tháng hai 1944 cao gấp hai trăm năm mươi lần giá mùa hè 1942. Số quân nhân và các nhà đai diện Mỹ ở Trung Hoa tăng lên nhiều từ 1941 đến 1945, ảnh hưởng tai hại tới sự lạm phát. Các hoạt động quân sự Mỹ ở Trung Hoa phải trả bằng Hoa kim (đồng bạc Trung Hoa): đoàn Cọp Bay của tướng Mỹ Chennault với đội không quân thứ 14, Stilwell và Bộ Tham Mưu của ông ta: sự huấn luyện và duy trì những lực lượng Trung Hoa do Mỹ đảm nhiệm; cầu hàng không vượt Hy Mã Lạp Sơn, các cuộc dội bom, và luôn luôn chính phủ phải kêu gọi dân chúng đóng góp thêm để có tiền trả người Mỹ, tất cả những cái đó, như Arthur Young, nhà cố vấn tài chánh Mỹ đã nói, nhất định phải đưa tới chính sách “in thêm giấy bạc mỗi ngày một mau hơn”.

Từ mùa thu 1942, các công chức Mỹ ở Trung Hoa được trả lương bằng giấy bạc Mỹ mà họ có thể tự do bán trên thị trường; như vậy càng làm cho đồng Hoa kim mau phá giá. Mỹ và Tưởng Giới Thạch đã nhiều lần bất hòa với nhau về vấn đề tiền tệ; Trung Hoa ương ngạnh đòi giữ hối suất 20 Hoa kim ăn một Mỹ kim, chứ không chịu hối suất 100 Hoa kim ăn một Mỹ kim, vì theo Young, Roosevelt đã hứa “một cách không quả quyết” rằng sẽ chịu mọi phí tổn về hoạt động quân sự Mỹ ở Trung Hoa, lời hứa đó, Roosevelt không giữ, và Trung Hoa phải trả cho Mỹ tất cả các phí tổn về lương thực, chỗ ở, tiêu khiển, xây cất đường sá, phi cảng (chỉ riêng việc xây cất phi cảng, ba trăm ngàn người Trung Hoa đã bị trưng dụng ngay một lúc). Giữa năm 1944, Trung Hoa phải trả mỗi tháng hai trăm triệu Hoa kim kia để nuôi và lo chỗ ở cho các lực lượng của Mỹ. Năm 1945, vật giá tăng lên dữ dội, ngân sách đó tăng lên tới hai mươi lăm tỷ Hoa kim mỗi tháng (nghĩa làm tăng lên gấp trăm lần).

Vì sự lạm phải đó, tôi biết rằng tôi phải tự mưu sinh lấy. Tôi đoán trước sẽ chẳng bao lâu tôi phải tự kiếm tiền nuôi thân tôi, nuôi Yungmei và cô Gillie… Kiếm tiền cách nào được? Tôi không muốn xin tiền Pao, tôi muốn được tự do.

 

Do bà Isabel Cripps làm trung gian, tôi gửi đơn cho British Council. Tôi có thể xin học bổng được không? Vợ một nhà ngoại giao mà xin học bổng, điều đó có thể kỳ cục, nhưng sự thật nhiều nhân viên trẻ trong toà Đại sứ Trung Hoa đã lén lút xin học bổng Đại học hoặc xin một chân giảng viên ở Đại học.

British Council trả lời rằng nếu tôi đậu kỳ thi vô trường tổ chức vào tháng ba năm 1945 thì có thể cấp học bổng cho tôi được. Và tôi bắt đầu học.

Hồi này các bom bắt đầu trút xuống Londres như mưa, chúng tôi kiếm được một ngôi nhà ở ngoài thành phố, gọi là Barney Cottage, Maiden’s Green, gần Winkfield: nhà nhỏ, có vườn, tầm thường nhưng sạch sẽ. Tôi sửa soạn để dọn nhà. Lúc đó vào tháng giêng năm 1944. Tháng ba tôi thấy rằng tôi có mang.

Bây giờ mới có mang, mà có mang đúng vào lúc khó khăn nhất. Làm sao đây? Đứa bé sanh ra, tôi sẽ nuôi nó với Yungmei, tôi sẽ xoay xở chứ biết sao. Và tôi vẫn cứ học, không thay đổi các dự tính của tôi.

Tôi đi bác sĩ Greene Amlytage, nhà chuyên viên về phụ khoa, nhờ khám, ông ta xác nhận rằng tôi có thai. Tôi về căn nhà ở đường Welbeck, cho Pao hay. Tôi tưởng rằng anh sẽ mừng, nhưng không, anh không mừng có lẽ vì nạn lạm phát và cũng vì anh đã quen sống yên ổn rồi, không muốn gặp những nỗi khó khăn mới. Hồi mới có thai, tôi thấy khoan khoái, sinh lực tăng lên. Tôi cho rằng không có gì tôi không đạt được, không làm được. Chính Pao mới lo lắng, nổi quạu với người Anh vì anh đã xin theo học một lớp ở Trường sĩ quan Tham mưu mà bị từ chối. Anh và các bạn anh, càng ngày càng hay nói – nói vắn tắt thôi nhưng ngụ nhiều ý nghĩ – về nội chiến, về bọn “Cộng sản”. Tôi lặp lại: “Sau chiến tranh, sẽ có nhiều sự thay đổi”. Pao bảo: “Nếu người Mỹ chịu giúp đỡ chúng ta thì mọi sự sẽ tốt đẹp”.

Một buổi chiều, ở tiệm thợ giặt về với vài tấm “ra” [A] và hai bộ đồ, tôi bước lên thềm nhà ở đường Welbeck, bỗng thấy đau nhói dữ dội trong bụng… nhức nhối ghê gớm tới mỗi tôi xuýt ngất đi. Nhưng tôi cũng rán lên được thang máy, mở cửa, bước vào phòng ngủ rồi nằm dài trên giường. Cơn đau mỗi lúc một tăng, như xé ruột ra, chịu không nổi. “Có cái gì đương nổ trong bụng tôi, có lẽ tôi truỵ thai chăng?” Tôi lết tới máy điện thoại gọi Pao: “Anh về ngay đi, có lẽ em trụy thai mất, anh ạ. Anh làm ơn kêu điện thoại cho bác sĩ phụ khoa hay giùm em”. Pao kêu điện thoại. Bác sĩ Greene Armytage cho một xe Hồng thập tự tới chở tôi vô nằm dưỡng đường Londres. Tối đó Pao phải dự một buổi tiếp tân. Tôi bảo anh, tôi sẽ xoay xở một mình được.

[A] ra = drap : Tấm trải giường

Greene Armytage lại coi mạch và để một y tá săn sóc cho tôi. Tôi đau nhói lên tới vai bên phải, đau dữ dội và mửa hoài. Gần sáng, tôi khó thở, hổn hển.

Sáu hôm sau, Greene Arnytage đưa tôi vào phòng mổ, lúc đó mạch tôi lên tới 160, nhiệt độ xuống còn 35 độ, như vậy là triệu chứng nội xuất huyết. Tôi bị chụp thuốc mê, khi tỉnh dậy tôi thấy người ta đương sang máu cho tôi mà bụng tôi bị băng bó. Một lát sau, Green Armytage vô thăm, cho hay rằng tôi có thai ngoài tử cung, mặt nhiều huyết, nhưng bây giờ không ngại nữa. “Nhưng ba đừng lo, có thể có được nữa”. Tôi cười rồi ngủ thiếp đi[7].

Trong thời kỳ dưỡng bệnh, tôi rất sung sướng; tôi có một máy thâu thanh, bắt nghe kịch Volpone của Ben Jonson; tôi cười, tôi thấy vui hoài, gần như không ngớt. Ở ngoài, bom rú lên rồi bỗng im bặt, nhưng ở trong dưỡng đường không ai để ý tới cả. Pao vô thăm, tôi rán giảng cho anh hiểu bệnh của tôi, nhưng anh chỉ đi bách bộ trong phòng và bảo anh sắp phải trở về Trung Hoa sau ba năm ở toà Đại sứ, để về “cầm quân”.

- “Anh muốn nói để chiến đấu với tụi Nhật phải không?”

- “Không, để chiến đấu với tụi Cộng sản”.

Khi anh ra về rồi, tôi đọc tập thơ Aragon mà tôi đã mua được ở tiệm Bumpus đường Oxford, ngay trước khi lại tiệm thợ giặt, hôm tôi bắt đầu thấy đau dữ dội. Bây giờ thì tôi tha hồ đọc cái gì tôi thích; Pao không thể khủng bố tôi mà bắt tôi đọc sách nào anh thích hoặc cấm tôi đọc sách nào anh không thích.

Sau một tuần nằm ở Dưỡng đường Londres, tôi về nhà. Trong thời gian đó, Pao, Gillie và Yungmei đã dọn lại ở Barney Cottage và tôi được đưa thẳng về đó. Trời còn lạnh lắm, nhưng mùa xuân đã sắp tới. Chúng tôi ở xa, không phải chịu các cơn báo động ở Londres. Nhờ một bà bạn giới thiệu, tôi được một nữ y tá rất dễ thương săn sóc cho một tuần nữa; chẳng bao lâu tôi đi đi lại lại được. Rồi mùa xuân ở Anh tới, không khí ngào ngạt hương sơn trà và kim ngân hoa (chèvrefeuille); tôi cắm đầu học môn giải phẫu hoặc đi dạo cảnh với Yungmei và Gillie. Qua tháng sáu 1944, Đồng minh mở mặt trận thứ nhì ở Châu Âu, hôm đó tốt trời, ánh nắng rục rỡ, chúng tôi thấy phi cơ bay về phía Châu Âu, hàng trăm hàng ngàn chiếc, tiếng vù vù vang cả không khí, Gillie đưa tay vẫy vẫy, Yungmei bắt chước, và các người láng giềng lại thăm chúng tôi, chúng tôi qua thăm họ, ai nấy đều sung sựớng, vì chiến tranh sẽ chấm dứt mau, có lẽ rất mau nữa…

 

Mùa hè 1944, mọi người luôn luôn xúc động vì tin tức các trận lớn, các thắng lợi ở Châu Âu. Hè ở Anh rất đẹp. Pao và các tùy viên quân sự khác rất bận rộn, bị lôi cuốn trong nhịp điệu tăng lên của chiến tranh, ngập đầu vì giấy tờ của Bộ Chiến tranh. Họ nóng nảy được qua Châu Âu để thấy tận mắt chiến tranh; người ta tổ chức cho họ các cuộc đi thăm chiến trường và Bộ Chiến tranh lần nào cũng cẩn thận gởi cho họ những tấm hình kỷ niệm các cuộc viếng thăm đó. Một tấm hình chụp Pao đứng giữa một đám tù binh Đức, họ là những lính còn trẻ măng, mới mộ thêm trong mấy tháng cuối cùng tuyệt vọng đó. Vẻ mặt của Pao bắt đầu héo hắt đi. Anh hết mong Đức thắng. Chính phủ Tưởng Giới Thạch rất lo lắng vì sự bại trận của Đức, và vì có thể sẽ phải đương đầu trên một biên giới cực dài, với một nước Nga hùng cường tích cực giúp đỡ Cộng sản Trung Hoa chiếm chánh quyền… Và suốt mùa hè đó, tôi nghỉ ngơi ở Barney Cotage, học và lấy lại sức để chuẩn bị cho cuộc sống sau nay, chúng tôi không bao giờ đem tương lai đó ra bàn với Pao. Mặc dầu tôi trải sách lên trên bàn mà anh làm bộ như không thấy. Ngày tháng trôi qua: một sự yên lặng rầu rỉ kéo tấm màn đêm ngăn cách anh với tôi và chúng tôi không thể nói chuyện với nhau được nữa.

Chú thích:

[1]  ‘bom mát  = pommade’ Thuốc sáp để thoa dịu hoặc sáp xức tóc, nghĩa bóng là lời nịnh bợ, tán tụng, thoa dịu.

[2] Cả đoạn in ngã này, do chúng tôi tóm tắt.

[3] Lính biệt kích thành phần là Anh, Miến Điện và Népal.

[4] Chúng tôi không hiểu là gì, đoán là Vitoria Cross viết tắt, huân chương lớn nhất của Anh

[5] Một miền rộng ở Đông Bắc Ấn.

[6] Tác giả mới học hết năm thứ ba thì về Trung Hoa.

[7] Đoạn in ngã này, chúng tôi đã tóm tắt.