Một Đời Thương Thuyết

Chương 16: Nói Chuyện Về Nghề Nghiệp, Chức Vụ Và Lương Bổng

Tôi dành chương kề cuối này để bàn về những đề tài mang tính cá nhân hơn.

Cuộc đời lắm lúc tôi cũng thấy lạ. Khi còn trẻ, ai cũng phải tranh thủ hụt hơi mới mong có ngày được lên chức hay tăng lương. Đến khi gần tuổi hưu trí chỉ mong công việc cho nhẹ, thậm chí muốn được về nghỉ sớm, thì xã hội lại cứ nhắm vào mình, mời tham gia việc này, chủ trì việc nọ. Hồi còn trẻ, chỉ mơ có ngày lên làm trưởng phòng hay giám đốc, đến khi cao tuổi thì không lúc nào được yên, phản ứng tự nhiên là tránh né những kẻ cứ muốn kéo mình vào làm việc, thậm chí giao cho mình đủ loại trách nhiệm, trong đó có những chức “bự” như chủ tịch hay tổng giám đốc công ty. Khi có sức, không ai cho làm. Khi chí khí đã mòn thì xã hội cứ động viên. Thật trái khoáy!

Do đâu có những nghịch lý đó?

Tôi chưa bao giờ đi làm tại Việt Nam dù suốt một cuộc đời bôn ba khắp năm châu. Do đó tôi phải khiêm tốn và tự cấm mình nói về cách tiến thân và thương thuyết lương bổng trên thị trường việc làm tại Việt Nam.

Nhưng ngược lại, từ khi tốt nghiệp Trường Quốc Gia Cầu Đường của Pháp (thuộc 3 trường cao đẳng hàng đầu) tôi đã đi qua ở đất người tất cả những chặng đường mà bất cứ một nhân viên nào cũng phải qua nếu như không có ai đỡ đầu, thậm chí thổi lên. Cái thang xã hội tôi phải leo không thiếu bậc nào, không ai nghĩ phải tặng cho tôi một ưu đãi nào. Tôi thuộc trường hợp phải đi làm hàng ngày để sinh sống ngay từ khi ra trường và người bạn tư vấn duy nhất của tôi là nhật báo và các mục rao vặt kiếm nhân viên. Tôi từng làm kỹ sư tư vấn tại những công ty marketing, tính toán dự án, ước lượng tính khả thi kinh tế và tài chánh của những dự án lớn. Sau đó tôi đã vào một công ty lớn chuyên về điện lực và đường sắt. Tôi đã làm từ Kỹ sư trưởng lên tới Phó Giám đốc, rồi được giao chức Chủ nhiệm mạng quốc tế của tổng công ty. Sau đó tôi đã sang công ty lọc nước từ sông, lên đến chức Tổng Giám đốc vào những năm tuổi mà người khác đã trở thành tỷ phú. Sau cùng tôi mới lên tới nấc cuối cùng của đời chuyên viên là Chủ tịch công ty. Vào cùng tuổi đó thì ông Bill Gates đã là người giàu nhất thế giới từ lâu, và ông Steve Jobs đã chế ra chiếc iPhone. Cũng vào tuổi đó thì ông Clinton đã trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Nói thế để luôn luôn tự nhắc nhở mình thật bé nhỏ trong cộng đồng, do đó phải thật khiêm tốn. Nhưng điều mà tôi hơn tất cả các ông ấy là tôi đã làm đủ mọi nghề, nắm đủ hết các nấc chức vụ, miệt mài leo thang từng bước với sức tay và trí khôn. Và nhất là tôi đã làm những việc đó tại nước người, nói tiếng người, đua với công dân các nước sở tại. Tôi đã bị chấm điểm theo kiểu thiên vị ngược, mà hễ cứ bằng điểm thì phải nhường chỗ cho con ông cháu cha của xứ người ta.

Tôi không kể đến những năm chưa tốt nghiệp, phải làm đủ mọi nghề lao động để sinh tồn. Những kinh nghiệm trong khoảng thời gian này không đáng kể vì thời đó làm chi có chuyện thương thuyết lương bổng. Khi làm việc chân tay, may lắm là mỗi buổi sáng các ông sếp công trường nhận cho làm việc thêm một ngày. Và nếu các ông ấy thương lắm, thì đến trưa vào giờ ăn các ông ấy cho đi theo hầu nước.

Những năm đầu khi vào nghề

Từ ngày vào công sở làm việc thì tôi rất vất vả trong các cuộc thương thuyết về mặt nghề nghiệp. Mỗi cuối năm, phải thương thuyết cho lương của năm sau. Ông sếp nói nặng nhẹ đủ điều, nào là em không chăm chỉ, nào là thiếu tập trung, nào là phí phạm quá nhiều cuộn giấy trắng, lọ mực đen trong khi làm việc, nào là việc không xong đúng ngày đúng giờ, nào có hôm đến sở muộn. Rồi người ta trách tôi cả khi vợ đẻ thì không báo cáo ngay cho công ty, khi gia đình có tang thì tôi chạy vội đi không một lời giải thích. Và cuối cùng, họ chẳng cho tôi được một lời thương thuyết phản biện và tự bênh vực nào cả! Cứ như ông sếp nói hết hộ nhân viên, trách móc đủ điều, xong đi tới một kết luận đáng ngạc nhiên là rốt cuộc tôi cũng chẳng kém người nào khác nên ông vẫn chấm điểm trung bình và cho tăng lương theo lạm phát. Ông ấy còn nói thêm thế là may lắm cho cậu rồi đó.

Thú thật, sau những lời khắt khe tuôn như thác đổ, rồi sau đó vẫn thưởng cho ân huệ được giữ lương theo đà của lạm phát không khỏi làm cho một kỹ sư trẻ tuổi như tôi choáng váng bàng hoàng. Nhiều năm sau, khi đến lượt tôi đứng cương vị làm sếp, tôi mới hiểu là các ông sếp cũ thay nhau đốt nhân viên trẻ chỉ vì họ muốn đạt một mục đích duy nhất là tránh thương thuyết với người dưới quyền. Các ông ấy ném bao nhiêu thứ tồi tệ vào đầu mình là cốt để cho mình im miệng lại. Và sau đó, các ông ấy áp dụng những con số do ban giám đốc đề xướng và cho phép. Phải nói những con số này quá hạn hẹp, thật sự không có chỗ cho sự thưởng phạt công minh. Khi làm lính tốt thì lương bổng có gì để thương với thuyết! Rồi sau này không những tôi thương lính tốt của tôi, tôi đâm thương cả những ông sếp nhỏ làm dưới quyền của tôi, vì họ cũng chẳng có gì trong tay để khuyến khích nhân viên. Vậy thì trách gì họ?

Chỉ có thế thôi, vậy mà cũng làm cho thằng bé ngây thơ, mới ra đời chuyên viên, đã tưởng là mình đã thất bại trong cuộc thương thuyết với ông chủ! Lớn lên mới hiểu rằng thật ra chẳng có gì như vậy hết! Lúc mình còn là con số không, mình vẫn thấy rốn mình to, nên khi sếp mời vào thương thuyết lương bổng cuối năm, mình đã tưởng có tầm quan trọng nào đó. Rồi lòng bồi hồi, tim rộn ràng, trí náo động, da mặt đỏ gay, quyết chí tranh thủ với con số không! Có ngờ đâu ngay việc làm của mình nhân viên nào cũng làm được, thay thế được. Vậy thắc mắc làm chi khi đã hiểu ra chân lý?

Những năm sau đó, khi tôi đã trở thành một chuyên viên có giá trên thị trường thì các ông ấy lại chơi những trò chơi ma giáo khác. Chẳng hạn thế này. Cứ đến độ tháng 9 hoặc tháng 10, họ giao cho mình việc phải làm xong trước Giáng Sinh. Và y như rằng việc khó quá đáng mình không làm xong, nên vào mùa thương thuyết tăng lương các ông ấy lại dở trò chê bai đủ điều, rồi rộng đường định đoạt hộ mình, không cho mình có được một ý kiến gì trên việc tiến thân. Rốt cuộc trong nhiều năm, mình thấy nỗ lực tranh thủ để tự bào chữa cũng vô ích, nên quyết chí làm reo cứ câm như hến, chỉ mở tai nghe họ nhi nhô, rồi họ cũng vẫn bố thí cho mình một mức tăng lương khả dĩ chấp nhận được! Còn chuyện chức tước thì bạn ạ, tôi đã học một bài học đích đáng. Không bao giờ sếp ngay trên mình cho mình lên chức. Vì chuyện dễ hiểu là mình lên thì họ ngồi đâu? Thêm vào đó, một sự thật phũ phàng là trong bất cứ công ty nào, tập đoàn nào, chỉ có sếp trên cùng mới có quyền thực sự cho ai lên chức. Có nghĩa nếu trong cuộc đời của bạn mà bạn chưa bao giờ gặp sếp trên cùng, dù chỉ một lần, thì bạn không bao giờ nên trông mong gì vào việc lên chức! Thương thuyết để lên lương đã không có, để lên chức cũng không có nốt!

Thế nhưng thú thật cũng vẫn có kẻ được tăng lương cao hơn nhiều, làm tôi hiếu kỳ muốn hiểu tại sao. Phần lớn những người này làm những việc không ai thay thế được, do đó nếu họ từ chức thì khó lòng kiếm người khác, và cuối cùng sẽ có hại cho công ty. Các ông sếp rất sợ những nhân vật này. Họ cứ âm thầm, lặng lẽ làm việc trong văn phòng của họ. Khi người khác hỏi họ giải quyết vấn đề này nọ bằng phương pháp gì, bằng ứng dụng gì, thì họ không bao giờ khai. Đến đúng giờ, đúng hạn, họ nộp bài vở như học trò, kết quả luôn luôn tốt. Không có gì phải trách móc họ, nhưng khó lòng bắt họ giải bày bất cứ chi tiết nào để giúp cho đồng nghiệp hay sếp trên hiểu rõ việc họ làm. Nếu sếp đòi hỏi quá đáng, họ sẽ phản ứng mạnh: “Anh trách em cái gì chứ? Việc em làm tốt có đúng không anh?”.

Đố bạn đuổi những người này đi, dù bạn ghét họ đến đâu! Vì họ luôn luôn làm xong việc, bạn trách họ sao được? Nghệ thuật thương thuyết của họ chính là ít nói, ít khoe, ít giải bày. Họ làm xong việc. Có thế thôi. Còn làm cách nào, phương pháp ra sao, họ không để lộ. Cái tài của họ là không tranh chấp với ai, ở chức vụ nào cả. Họ chỉ cần lương cao thôi! Và họ đạt được kết quả mong đợi vì công ty sợ họ bỏ đi.

Một loại khác mà thỉnh thoảng bạn có thể gặp là những người rất giỏi và sắc sảo. Những người này thường được tăng lương khủng năm đầu tiên trong công ty, thậm chí cả năm thứ hai nữa. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, họ bắt đầu gây phản cảm, vì suốt ngày họ “gáy” công lao của mình. Công lao thì có thật, nhưng khi kể công nhiều quá, ông sếp bắt đầu run. “Thằng này đang nhắm chức của ông phải không?”. Thế là chẳng bao lâu sau họ không được lên lương chút nào nữa, và hơi một tí là bị ông sếp chỉ trích thả dàn. Mô hình “sắc sảo gáy o o” này không thọ mấy đâu, nên tôi xin cảnh báo để bạn đừng đi vào lỗi lầm của kẻ khác.

Thương thuyết thế nào để tăng lương tiến chức?

Kinh nghiệm cho thấy không có nhiều cách lắm đâu, tuy vậy mỗi cá nhân có thể “múa” một kiểu, “hát” một cách khác nhau.

Dù sớm hay muộn, phải khiến công ty tin tưởng vào bạn. Nhưng ai cũng biết sự tín nhiệm không tự nhiên mà tới. Khi mới vào công ty, bạn đừng tìm gì xa xôi cầu kỳ, hãy lo giành lấy sự tin tưởng của ban giám đốc. Bạn hãy nói đi đôi với làm, và làm thì đúng như đã nói. Nếu hứa thì phải có, đúng giờ đúng việc.
Sự tín nhiệm đòi hỏi rất nhiều thời gian. Công ty còn thử thách bạn dài dài. Họ chia sẻ ý kiến với nhau về bạn; họ đọc kỹ lưỡng những báo cáo và văn bản bạn viết; họ kiểm soát âm thầm xem bạn có chơi “game” trên máy tính của bạn không, có viết nhảm trên Facebook không, có thường gửi email cho người tình không; rồi sau cả thời gian dài họ mới đặt chút niềm tin lên bạn. Nhưng có một điều hay, là khi họ tin bạn rồi thì bạn có một cái vốn lớn cho phép bạn tìm được một chỗ đứng khác hơn trong công ty.

Đừng bao giờ gây khó khăn thêm cho công ty - đừng “gây rối”. Người gây rắc rối dễ bị tẩy chay, sẽ không đi đâu được xa.

Hãy cho các sếp trên thấy rõ bạn là loại “problem solver” (chuyên giải quyết vấn đề). Hễ họ bàn với bạn việc gì, y như rằng bạn luôn luôn đưa ra ít nhất một giải pháp cho vấn đề. Ngược lại, bạn nhớ cho rằng đừng bao giờ tìm gặp để xin sếp giúp đỡ: “Sếp ơi, em đang có vấn đề không biết giải quyết ra sao!”. Câu này tối kỵ đấy bạn ạ.
Khả năng giải quyết các vấn đề sẽ đưa bạn lên cao, rất cao sau này. Công ty nào cũng chỉ tìm những người như bạn! Còn chờ đợi sếp chỉ đạo thì bạn sẽ không có mảy may hy vọng lên cao.

Bạn luôn luôn phải chứng tỏ mình biết điều hành, ít nhất là điều hành chính mình. Ví dụ: bạn quản lý ngân sách tốt, không bao giờ tiêu quá mức định trước. Bạn gửi thông tin luôn luôn kịp thời. Báo cáo của bạn bao giờ cũng đích xác, đúng đắn và dễ đọc, đầy đủ chi tiết nhưng cô đọng.

Bạn luôn luôn giữ mình, không bao giờ phản ứng thái quá. Tránh nhất là cười hô hố trong công ty, còn buồn thì không bao giờ được buồn, bạn nhớ nhé!

Đến khi thương thuyết lương bổng, bạn không cần nhiều lời. Chỉ nói rõ là bạn không vui với mức lương họ cho. Rồi sau đó, nếu thấy chưa thuyết phục, bạn có thể đánh tiếng rằng các bạn học cũ của mình làm việc trong công ty khác đều được hưởng lương cao hơn bạn. Đừng giấu ý định rằng bạn cũng rất thèm muốn được số lương ít nhất là tương đương. Cái này là đòn tâm lý đấy bạn ạ. Sếp sẽ hiểu là bạn đã bắt đầu chú ý đến thị trường công việc bên ngoài. Nói thật là đến nước ấy mà họ còn không chịu hiểu nữa thì bạn chỉ còn nước ra đi, họ có giữ lại cũng như không, trừ khi bạn thực sự quý công ty. Chỉ luật thị trường mới có khả năng bắt buộc sếp tặng cho bạn mức lương bạn muốn.

Một cách khác là làm cho sếp yêu mình. Có người tưởng lầm “yêu” trong công ty có thể đưa tới việc “lên giường”. Có rất nhiều phụ nữ đã thành công trong việc o bế sếp, thậm chí cũng có cả trường hợp nhân viên phái nam quyến rũ được sếp nữ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ bạn có thể đi đâu xa với mỹ nhân kế này. Tôi dùng từ “yêu” ở đây với ý là yêu quý nhân viên đắc lực, nhân sự trung thành. Vì hễ bạn được xem như một nhân vật hoàn toàn trung thành với một ông sếp nào rồi thì đi đâu sếp cũng kéo bạn theo, vì thử hỏi sếp sẽ kiếm đâu ra người trung thành như bạn! Thông thường sự nghiệp của những người có chức vụ lớn được xây dựng trên nền tảng sự quý trọng của cấp dưới. Sách tử vi gọi cấp dưới là “tả hữu” (tả phù hữu bật). Đến khi ông sếp lên chức và trở thành sếp lớn, chẳng chóng thì chày, bạn cũng lên theo, ít nhất cũng sẽ trở thành sếp nhỏ. Sau này khi ông ấy lên làm Chủ tịch thì bạn sẽ cầm chắc một chức Phó tổng, thậm chí cả chức Tổng Giám đốc nếu khả năng của bạn cho phép.
Triết lý xưa thường khuyên phải thật trung thành với một nhân vật có tương lai xán lạn, rồi cứ thế đeo theo. Tục ngữ bên Pháp còn gọi nhân vật tương lai này là “con ngựa bạn sẽ cưỡi cả đời” nếu bạn trung thành với họ. Trong trường hợp hi hữu này thì bạn cứ yên tâm, không bao giờ bạn phải nhọc nhằn thương thuyết lương bổng hoặc chức vụ nữa. Người ta đã yêu mến, quý trọng bạn thì hãy biết điều, đừng đòi hỏi, cứ nhẫn nại phụ tá cho họ. Rồi đến ngày lành tháng tốt, bạn cũng sẽ lên làm Chủ tịch với lương khủng.
Tôi xin bàn thêm là âm dương ngũ hành có ảnh hưởng thực sự đến mối thân thiện giữa người với người. Khi bạn là Tổng Giám đốc, mạng Thổ chẳng hạn, thì không gì bằng có các phụ tá mạng Hỏa, rất vượng cho bạn. Mạng Hỏa rất thích ủng hộ mạng Thổ một cách khó lý giải.
Nếu bạn cứ theo vòng âm dương ngũ hành thì bạn sẽ dễ suy ra người phải chọn để cộng tác: Kim - Thủy - Mộc - Hỏa - Thổ. Bạn cứ đi theo chiều này để chắc rằng mạng trước sẽ che chở và ủng hộ mạng sau…
Tôi đã quản lý nhân viên bên Tây Âu bằng cách này. Dù chưa bao giờ tôi để lộ ra, nhưng tôi đã đạt được nhiều kết quả tốt về nhân sự.

Có một việc nữa tôi khuyên bạn nên làm khi sếp trực tiếp của bạn đi vắng ít lâu: nên học thuộc bài của sếp. Vì thế nào sếp trên cùng sẽ có lúc gọi đến bạn khi thấy sếp của bạn không ở trong công ty. Nếu vào đúng thời điểm đó bạn tỏ ra nhanh nhẹn, có óc bao quát, đảm đang, lý luận đanh thép và có giải pháp cho mọi hồ sơ thì quá tốt! Tôi đánh cá với bạn là sếp trên sẽ ấn tượng, thấy người dưới gì mà chất lượng lại cao thế. Chẳng mấy lâu sau bạn sẽ không ngạc nhiên vì được bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Trong tình huống kể trên, bạn chỉ nhớ một điều là phải báo cáo cho sếp trực tiếp của bạn, bằng không ông này có thể đâm ghen bóng ghen gió, và hễ họ điên người lên rồi thì họ sẽ sát phạt bạn. Ông sếp trực tiếp sẽ không trách bạn có mặt khi sếp lớn gọi. Ông ấy còn hãnh diện có trong hàng ngũ một người biến báo nữa là đằng khác… Nhưng ông ấy sẽ không tha thứ nếu bạn thiếu khiêm tốn. Bạn ạ, không có gì nguy hiểm hơn là cưỡi một con ngựa điên.
Ở đây tôi có lời khuyên các bạn trẻ nóng ruột muốn lên chức nhanh khi vào đời nghề nghiệp. Ai chẳng muốn thế! Có nhiều người cứ tưởng làm việc chăm chỉ, ngoan ngoãn, kỷ luật thì ngày lên chức sẽ tới. Điều này không hẳn sai. Tuy nhiên, những người này quên mất rằng ngoài đời, giỏi là một chuyện, được thương và cho cơ hội lại là một chuyện khác. Người khôn khéo sẽ tóm bắt được nhiều cơ hội hơn. Khôn khéo không có nghĩa là mưu mô. Nhưng năng động và đầy óc sáng tạo sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn là người “ngồi ì” đợi đến lượt mình. Ví dụ kể trên minh họa điều đó.

Tôi sẽ thiếu sót với bạn nếu tôi không nhìn nhận rằng ngoài đời, con người nhìn nhau với đôi mắt phần lớn là chủ quan. Khó lòng khách quan lắm! Tôi chưa bao giờ thấy trường hợp nào có thể gọi là hoàn toàn khách quan trong suốt 40 năm nghề nghiệp của mình. Mà hễ chủ quan thì khó tưởng tượng được sự chủ quan có thể đi xa tới mức nào.
Tôi vừa có một cô nhân viên trong một ngân hàng nổi tiếng khóc lóc nói với tôi rằng cô chăm chỉ, sếp bảo gì cũng vâng cũng dạ, làm việc gì cũng bài bản và đúng hẹn, vậy mà không hiểu sao từ 3 tuần vừa qua, bất thình lình sếp dường như đổi ý kiến về cô…
Điều tra ra thì mới biết sếp của cô vừa bị cô bồ mới thộp cổ. Nhưng vấn đề là cô bồ mới này lại làm cùng đội với cô nhân viên nói trên, và không hiểu sao từ trước đến giờ vẫn ghen ghét cô. Thế nên chuyện không may lại xảy tới với người không có chút tội tình… Chủ quan là thế đấy bạn ạ. Khó lòng đoán được những động cơ điều khiển ý thích của con người.

Chuyện giữa sếp và thuộc cấp

Có đủ loại sếp trên thế gian này. Điều chắc chắn là sếp phải thương bạn thì bạn mới có phần thưởng. Nhưng thế nào là thương? Có sếp thì rất thích bộ hạ tuân lệnh như trong quân đội vậy; có ông lại thích được nghe phản biện (dịu dàng thôi bạn ạ); có người rất quý chuộng nhân viên nói ít làm nhiều; có người ngược lại, thích nhân viên vui vẻ láu táu. Bất kể ra sao, bạn chỉ nên nhớ một điều: sếp nào nói cũng đúng cả! Mà cho dù họ nói sai, thì họ vẫn đúng. Nếu bạn lỡ cho ông sếp nào hiểu là ông ta sai bét thì ngày khai tử của bạn đến rồi đấy, vì dù có sai, người ta đôi khi cũng có lý do để nói sai, bạn có biết nội tình trong đó đâu mà phán. Họ cũng có sếp của họ, và sếp của họ cũng có sếp nữa. Nếu như ông trên cùng sai bét rồi thì các sếp dưới cũng phải chấp nhận thôi. Công ty đâu phải là nơi để biểu diễn màn dân chủ? Ông chủ là ông chủ. Bạn không bằng lòng thì bạn phải ra đi, vì luật bất di bất dịch là người trả lương cho bạn có thể đòi hỏi bạn phải thực hiện chương trình họ quyết định.

Cũng có một loại thương thuyết khác tôi phải nói tới để cho cuốn sách được đầy đủ: trường hợp bạn là sếp phải thương thuyết với nhân viên. Bạn tưởng dễ, nhưng không đâu. Chịu dưới quyền cũng khổ mà thực thi quyền cũng khổ.

Tôi sẽ kể cho bạn nghe một chuyện thật trong công ty của tôi. Vào năm 2002, một trong những công ty bên Mã Lai của tôi phải thay Tổng Giám đốc người Pháp. Ông này hết nhiệm kỳ ba năm nên xin về Pháp. Tôi là Chủ tịch Công ty, phải kiếm người thay thế. Biết chọn ai bây giờ? Bổn phận của một Chủ tịch chỉ vỏn vẹn có vài chuyện, trong đó có việc bổ nhiệm nhân viên cao cấp. Ý riêng của tôi là chọn người trong công ty, với lý do rất đơn giản là vì công ty làm những việc mang tính kỹ thuật rất cao nên khó kiếm người ở ngoài. Và thế là bên trong công ty, bọn họ “đánh nhau như mổ bò”! Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc hành chánh và nhân sự, Giám đốc tài chánh, và Giám đốc kỹ thuật là bốn người tranh giành chức vị Tổng Giám đốc.

Tôi bèn nghĩ ra một kế dễ thực hiện. Tôi gọi cả bốn lên phòng và cho họ chọn giữa giải pháp mướn người từ ngoài hay bổ nhiệm người ở trong lên chức Tổng Giám đốc. Họ phải bầu kín, và cuối cùng đều bầu cho giải pháp bổ nhiệm bên trong.

Tôi đề nghị cả bốn bầu kín lần nữa xem họ bầu cho ai trong số họ, là cao thủ ngồi xung quanh tôi. Luật chơi là không ai được bầu cho chính mình. Cuối cùng ba người đồng thanh bầu cho Phó Tổng, còn chính anh ta thì bầu phiếu trắng cho tất cả những người kia!

Tôi thẳng thắn cho họ biết mình bất bình vì họ cứ đấu đá với nhau nhiều, và nếu tôi bổ nhiệm Phó Tổng thì rồi họ sẽ vẫn tiếp tục đấu đá với nhau thôi. Lúc ấy, họ mới hứa với tôi sẽ không có chuyện đó. Tôi bèn bắt họ ký vào văn bản rằng: Hễ xích mích vô cớ với nhau thì tôi sẽ thẳng tay mướn Tổng Giám đốc từ ngoài vào, và cả bốn đều ra cửa. Nhưng tôi cũng hứa rằng nếu làm việc ôn hòa và đạt được kết quả tốt, tôi sẽ thưởng lớn.

Bạn ạ, chẳng phải nói, cả bốn đều biết điều và mọi chuyện diễn biến tốt đẹp. Thực ra, kế của tôi có gì là quỷ quái đâu? Tôi chỉ áp dụng đúng nguyên tắc “cái roi và củ cà rốt”, tục lệ Pháp gọi thế là cả phạt lẫn thưởng. Chỉ áp dụng một trong hai thì sẽ không đạt được kết quả mong muốn, nhưng áp dụng cả hai vô cùng hiệu quả.

* * *

Chuyện kể thì nhiều, nhưng nói tóm lại, bạn đừng tưởng trong nghề nghiệp nhất thiết cần thương thuyết mới tiến đâu! Có cả ngàn ví dụ những nhân vật lên chức rất cao mà chưa bao giờ phải tìm kiếm, đòi hỏi, bày biện, thương thảo. Cái duyên may của nghề nghiệp cũng giống như một thứ nghiệp chướng, muốn tránh cũng không được. Nói đâu xa, biết bao nhiêu nguyên thủ quốc gia là một đứa trẻ nghèo khi còn bé, thậm chí có cả trẻ mồ côi không có ai nuôi.

Bạn có thể hỏi ngược lại rằng hàng ngày chúng ta được trông thấy thiên hạ thương thuyết nghề nghiệp ráo riết và đạt được kết quả. Ví dụ gần nhất là những cầu thủ bóng đá, có cầu thủ được đưa giá lên đến hàng mấy chục triệu euro. Nhận xét của bạn đúng, không thể chối cãi rằng nếu họ không thương thuyết ráo riết chưa chắc gì giá của họ lên cao vậy. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Cái ngoại lệ là bằng chứng xác nhận rằng thông thường có lệ!”. Bóng đá là ngoại lệ cũng như một số bộ môn thể thao hoặc thao diễn khác. Cầu thủ chỉ kiếm tiền trong rất ít năm nghề nghiệp. Thêm vào đó, họ phải trả cho trung gian một số tiền rất lớn. Bạn không thể nào ví bạn như một cầu thủ bóng đá, vì sự nghiệp của bạn sẽ kéo dài trên 30 - 40 năm. Thế rồi bạn chắc không quên rằng thế giới chỉ có một vài tài năng xuất chúng thôi, như Zidane, Messi, Pelé, Ronaldo. Cái gì chỉ có một trên thế giới giá cũng cao. Còn bạn? Có cả trăm, cả nghìn người giống bạn, tốt nghiệp như bạn, có khả năng như bạn, do đó khó lòng bạn có thể thuyết phục rằng bạn là một nhân vật hiếm hoi. Nhưng nói cho cùng, bạn có nghĩ thật rằng Messi có thể tố giá lên cao mãi không? Tôi không nghĩ có thể. Vì đội bóng mua họ cũng không sẵn sàng mua họ với bất cứ giá nào. Do đó, ngay trong phạm vi bóng đá, tôi cũng không tin rằng việc thương thuyết sẽ có nhiều hiệu quả như mong đợi đâu. Cái gì cũng phải có lý lẽ của nó.

Vậy tôi chỉ khuyên bạn cứ phó mặc mọi chuyện cho trời, chuyện gì phải tới sẽ tới. Xã hội sẽ đánh giá bạn đúng. Chẳng chóng thì chày bạn sẽ có trách nhiệm tương đương với khả năng của mình. Hãy cứ mỗi ngày cố gắng thêm một tí, tiến một tí, rồi trong tinh thần đạo lý, bạn cứ lững thững nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt. Lúc xui thì mặc xui, lúc may thì mặc may. Sông có khúc, người có lúc, nhưng sớm hay muộn chuyện gì phải tới sẽ tới.

Luật tự nhiên là không xã hội nào để một người có khả năng mà lại phải về lâu về dài làm mãi một việc không xứng đáng với họ. Xã hội sẽ cần tới bạn, họ sẽ tận dụng khả năng của bạn. Bạn khéo thì bạn sẽ đi nhanh hơn một chút. Bạn thật thà chậm chạp thì bạn cũng vẫn sẽ tới đích vì sẽ không có ai cản bạn đâu… Bạn cứ yên tâm bước từng bước chắc chắn.

Rốt cuộc bạn sẽ không phải thương thuyết với ai đâu, bạn ạ! Nghịch lý của thương thuyết cho sự nghiệp là thực ra không có thương thuyết gì hết, trừ một vài trường hợp hơn kém chút đỉnh mà cuối cùng cũng sớm phục thiện với lý trí mà thôi. Thị trường công việc là nơi gạn lọc rất tinh tường. Kẻ giỏi không thoát mắt xanh của các chủ công ty, kẻ xoàng cũng không làm ai nhầm lẫn lâu dài.

Một chút triết lý sống

Bạn ạ, tôi muốn kể cho bạn một câu chuyện có nhiều người biết tới và kể lại.

Tôi thường sống bên Mã Lai, một nước tuyệt vời, dân hiền lành chất phác.

Một hôm có một du khách người Mỹ rủ anh bạn người Mã Lai đi câu cá.

Ngồi trước cần câu, hai người hàn huyên. Anh chàng Mỹ kể lể sự tình, làm việc hộc hơi bao nhiêu năm mới mua được nhà to, cửa rộng, xe mới. Anh ấy than ít có thì giờ hưởng những thứ mà lương bổng cao cho phép, đến du lịch cũng hiếm khi đi được với vợ con. Còn chuyện ngồi bờ sông câu cá là thực sự hiếm hoi, có lẽ nhiều năm mới được một lần. Cho nên anh ấy kết luận là giờ đây được ngồi hàn huyên với người bạn Mã Lai là một hạnh phúc không tưởng.

Anh chàng Mã Lai trợn mắt nhìn anh chàng Mỹ và chỉ nói vỏn vẹn một câu: “Anh biết không, tôi đi câu 3 lần mỗi tuần! Tôi tưởng ai cũng nghĩ như tôi, rõ ràng hạnh phúc lắm anh ạ.”

Thật ra, anh chàng Mỹ còn giấu một chuyện là anh bắt đầu đi câu vì bác sĩ khuyến cáo anh về bệnh tim. Nếu cứ làm việc như hồi còn trẻ thì chẳng bao lâu nữa bệnh tim sẽ có khả năng trầm trọng hơn.

Bạn ạ, sau một cuộc đời chìm nổi, tôi mới rút tỉa được một bài học về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống.

Lúc còn trẻ không ai chối cãi được là cần tiền để xây dựng tương lai. Tuy nhiên, dần dà theo thời gian, con người dễ thành nô lệ đồng tiền, đôi khi làm việc quá sức để chạy theo sự hão huyền, rồi càng giàu người ta lại càng ráo riết kiếm thêm như không bao giờ đủ. Bạn ạ, đuổi theo tiền thì không bao giờ là đủ, cuốc chạy sẽ không bao giờ ngừng. Cái nghệ thuật sống nằm chính ở chỗ khi nào thấy đấng trên cao cho đầy đủ, đủ ăn đủ mặc đủ tiêu xài với xã hội, bạn hãy nhớ đúng lúc đó bạn nên thay đổi triết lý sống. Lúc đó là lúc bạn hãy dừng trước ngưỡng cửa của một kiếp vất vả vì đồng tiền, bạn hãy từ bỏ những tật xấu của những người chạy theo đồng tiền nếu chẳng may bạn hiểu chuyện này muộn.

Vì sự nghiệp là tạo cái gì cao quý hơn thế, nó là một phương cách để phụng sự xã hội, đóng góp theo khả năng của mình. Tiền chỉ đáng đứng hàng phương tiện, là sự đền bù của những đóng góp đích đáng của bạn, chứ không thể là mục tiêu. Bạn có biết những người giàu nhất trên thế giới không bao giờ đếm tiền? Bạn có biết ông Steve Jobs khinh bỉ tiền không và luôn luôn chạy theo sự đam mê - đam mê chế tạo máy iPhone cho thế giới loài người, đam mê tìm vẻ đẹp tuyệt đối cho chiếc điện thoại khác thường. Ông đã đảo lộn cả cách sống của thế giới với những sáng chế của ông. Cái thú vị trong cuộc đời nằm chính ở chỗ đó, không phải là tiền mà cũng không phải là chức vụ.

Bạn hãy làm những việc mình đam mê, đừng theo đuổi nghề nghiệp sẵn có một cách gượng gạo chỉ vì việc đó cho bạn nhiều tiền. Lúc bạn thực hiện được đam mê, bạn sẽ hiểu được hạnh phúc nằm ở đâu: Nó ở đúng chỗ mà xã hội quý trọng bạn, kính phục khả năng của bạn; nó ở đúng chỗ cho phép bạn sống lành mạnh về sức khỏe và tinh thần; nó ở đúng chỗ để cho bạn có thì giờ sống với gia đình, dạy dỗ con nhỏ; nó ở đúng chỗ cho phép bạn có thì giờ chia sẻ vui buồn với bằng hữu.

Để tiền quyến rũ, bạn sẽ bị cuốn vào một cơn lốc không có kết cục, một cuộc chơi không có ý nghĩa thật, để rồi bạn phải đánh đổi sức khỏe và hạnh phúc với một chút sĩ diện và một bồ vật chất, những thứ bạn không thực sự cần thiết. Đáng hay không đáng, bạn hãy tự suy xét. Từng đi qua lỗi lầm đó nên tôi hiểu rõ lắm. May thay, tôi đã từ bỏ cuộc chạy đua đó, tuy hơi muộn nhưng không quá muộn.

Chương này nói về việc thương thuyết trong sự nghiệp, nhưng thật ra chẳng tách biệt với chuyện đời. Bạn hãy nghe tôi, chẳng có gì phải thương thuyết đâu! Xã hội có chỗ xứng đáng cho mỗi người, bạn cứ yên tâm.

NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ VÀ LỜI KHUYÊN CỦA TÔI

Thị trường công việc đóng vai một quan tòa công minh đối với khả năng của bạn. Nếu bạn giỏi và làm việc tốt, thị trường sẽ đưa bạn lên. Đừng trông mong gì nơi các ông sếp nhỏ. Cơ hội chỉ tới với sếp lớn.

Nếu sếp của bạn là một người không tốt, chẳng chóng thì chày bạn sẽ gặp nhiều vấn đề với họ và do họ gây ra. Lúc đó bạn sẽ nghẹn ngào lắm. Nên chia tay sớm.

Nếu sếp tốt và tin cẩn nơi bạn, đừng nghĩ quá nhiều đến chuyện lương bổng mà nên hướng mình vào sự thích thú với công việc, thực hiện những dự án chung.

Cuộc đời nghề nghiệp sẽ thú vị và có nhiều ý nghĩa.

Bạn nên đi theo tiếng gọi của đam mê nghề nghiệp.

Đam mê sẽ giúp bạn đi nhanh hơn, đi sớm hơn, đi vững hơn trong niềm hạnh phúc.

Nghề nào cũng sẽ cho bạn đủ ăn, đủ mặc. Vậy đừng quan tâm quá nhiều vào đồng tiền, mà nên tìm khung cảnh làm việc thư thái cho phép có cuộc sống cân bằng với gia đình, bạn bè và xã hội.

Dù ở vị trí trên hay dưới, bạn vẫn nên giữ thái độ tích cực và đạo đức. Trên đường dài bạn sẽ không bao giờ vấp ngã.

Nghề nghiệp giống như một nghiệp chướng, nên bạn không cần thương thuyết với nó. Hãy vui vẻ chấp nhận nó, vì dù sao bạn cũng không làm khác được, vậy thắc mắc làm chi?