Một Đời Thương Thuyết

Chương 15: Những Bất Ngờ “Ngộ Nghĩnh” Trên Lộ Trình

Như cuối chương trước tôi đã bàn, cuộc đời thật lắm bất ngờ khi đi mua bán và thương thuyết, nhưng càng nhiều bất ngờ hơn khi hoạt động tại những nơi không quen thuộc, nhất là khi đi nước ngoài.

Tôi đã gặp nhiều vố bất ngờ, phần lớn là những bất ngờ có tổn hại. Trong thương mại quốc tế làm gì có bất ngờ tốt, như vớ phải vàng hay trúng lô độc đắc! Do đó tôi rất sợ những bất ngờ xảy ra cho mình và đồng đội. Trong một chương khác, tôi đã nói nhiều về sự cần thiết chuẩn bị tỉ mỉ những cuộc thương thuyết sắp tới. Và những bất ngờ tới như những cơn gió lốc, đôi khi quét sạch mọi ước mơ đem hợp đồng về cho công ty.

Tôi xin kể sau đây vài kỷ niệm về những bất ngờ với hoài bão nó sẽ không bao giờ tới với bạn.

Ông Zardari của Hồi Quốc[2]

Năm 1994, tôi phải đi Hồi Quốc để bán dự án metro và một số dự án đường sắt. Thú thật đó là lần đầu tôi bước chân vào xứ này. Một trung gian đón tôi ngay tại phi trường Karachi, và chỉ một ngày sau đó dẫn tôi đi Islamabad, thủ đô Hồi Quốc.

Không biết tại sao, tôi không cảm thấy thoải mái trong chuyến đi. Có lẽ một phần vì thiếu chuẩn bị, một phần vì tôi không có những cộng sự quen thuộc của mình đi bên cạnh. Nhưng lý do chính, không thể chối cãi, là tôi được người trung gian đưa thẳng tới cung đình gặp “thánh nhân”. Thật vậy, vừa bước chân xuống phi trường quốc tế Islamabad, tôi được xe limousine chính thức cộng với hai xe bình bịch hộ vệ chạy thẳng vào dinh! Xe đi rất nhanh, bất chấp xuôi hay ngược chiều, hai xe bình bịch vừa đi vừa hú còi. Trong một khoảnh khắc, tôi cũng thầm nghĩ mình đang trong tình huống thật ngộ nghĩnh, vì không biết mình là thượng khách hay là tù nhân. Thượng khách làm sao được, vì hồi đó tôi chỉ là một Phó Chủ tịch công ty của Pháp, làm sao với chức vụ nhỏ đó lại có thể được đón trọng thể như vậy. Tù nhân cũng không, vì tôi chẳng có tội tình gì, nhất là đối với nước Hồi, nơi tôi thăm lần đầu!

Vào dinh, tôi được trung gian ân cần đưa thẳng vào một phòng họp riêng của bà Benazir Bhutto, vào lúc đó đang làm Thủ tướng Hồi Quốc. Bà không có mặt nhưng chồng bà là Asif Ali Zardari (sau này cũng được bầu làm Tổng thống Hồi Quốc) tiếp tôi cùng một bà cộng sự với vẻ đẹp đoan trang. Ngay khi bắt tay ông, tôi cảm nhận ông xem tôi như một người bạn. Người trung gian cũng giải thích cho tôi là ông Zardari không có một chức vụ gì trong chính phủ, chỉ là một businessman và khuyến khích tôi giữ thái độ thật cởi mở.

Ông Zardari là người không to lớn, xấp xỉ cao hơn tôi chút đỉnh, tính tình có vẻ nhẹ nhàng và vui vẻ, do đó tôi cũng cảm thấy tự nhiên hơn. Ông có một bộ râu rất óng ả, chắc hẳn có nhiều phụ nữ hâm mộ! Ông ấy nói với tôi là Hồi Quốc cần xây lại cả hệ thống đường sắt, ít nhất là một chục nhà máy điện nữa, kể cả điện nguyên tử, toàn những thứ mà công ty chúng tôi có khả năng cung cấp. Tôi nghe thì thèm rỏ giãi… Nhưng Ông Zardari cứ vui vẻ nói tiếp rằng cần cả tàu ngầm, xe tăng, muốn nước Pháp đem cả công nghệ ô-tô sang đầu tư… Cứ mỗi lần ông khua tay lên trời một cái lại làm tôi có cảm tưởng sắp bán được vài món cỡ tỷ đôla trở lên.

Bà cộng sự thì cứ ngoan ngoãn ghi chép. Sau này tôi mới biết bà không phải ai khác là Chủ tịch Công ty Đường sắt Hồi Quốc!

Cuối cùng, sau một giờ yết kiến, tôi cũng phải xin kiếu vì được nghe quá nhiều dự án vượt tầm, đôi khi vượt luôn cả trí tưởng tượng của tôi. Tôi ra về, tất nhiên vẫn trắng tay, mới ngỡ ra học được thật nhiều bài học:

Khi đi bán hàng, không nên gặp cấp cao quá! Ông Zardari quá cao cho mục đích tôi theo đuổi. Ở đỉnh cao đó, dự án trở nên trừu tượng, như con cá trên trời hay con chim dưới biển vậy. Thêm vào đó, chắc hẳn ông ấy quen cứ thích mua gì thì mua, kệ sau đó để cho Bộ Tài chính lo liệu cho bằng được nguồn đôla để thanh khoản.

Công ty tôi đã có trung gian cao cấp quá! Ông này chỉ quen có Thủ tướng và các Chủ tịch thôi… Rõ ràng tôi cần thêm trung gian cấp trung bình để còn đi lại với các công chức thấp hơn, và gần thực tế hơn.

Rốt cuộc, công ty của tôi chẳng bán được gì tại Hồi Quốc, và tất nhiên tôi là người phải nhận trách nhiệm của thất bại. Lần ấy tôi thề sau này không tìm gặp các vị “đầu có vương miệng” nữa.

Con của “vua” Nam Dương

Một câu chuyện tương tự đã xảy ra cho tôi vào thời kỳ tôi hay đi Nam Dương. Tôi đã tới thăm xứ này ít ra cũng 50 lần. Vào năm 1983 tôi mê mẩn với một dự án “khách sạn 5 sao” ngay tại trung tâm Jakarta, trên đường Jalan Thamrin.

Con đường này có thể ví như đường Lê Lợi hay Nguyễn Huệ của Thành phố Hồ Chí Minh vậy. Bạn thử tưởng tượng một miếng đất 10.000 thước vuông, đẹp không lời nào có thể tả được! Sau khi mời được một số doanh nhân cao cấp cùng đầu tư với công ty, tôi rất tâm đắc vì đã sớm có được số vốn cần thiết để dựng lên dự án. Một số công ty chuyên vận hành khách sạn, như Sofitel, Mandarin, Shangri-La rất thích dự án của tôi và tỏ ý muốn gia nhập. Chính phủ Pháp cũng chính thức xác nhận sẽ hỗ trợ cho dự án.

Tuy nhiên trong một chuyến đi Jakarta sau đó, tôi bỗng nhận thấy các thành viên của dự án tỏ sự lạnh nhạt. Họ không đi họp nữa và chỉ thở dài. Một ông còn nói với tôi là có nhiều dự án tốt hơn dự án này. Tôi rất ngạc nhiên nghe những điều đó, vì đối với tôi, vào thời kỳ Nam Dương đang phát triển phồn thịnh, tôi không thể tưởng tượng nổi làm sao có dự án nào tốt hơn. Tôi tìm mãi lý do bỗng nhiên mọi người lại thay đổi thái độ nhanh chóng như vậy.

Chẳng cần phải tìm lâu! Một hôm đang ở hồ bơi trong khách sạn, tôi được nghe bàn bên cạnh nói với nhau: “Ông có biết thằng con lớn của Suharto sắp xây khách sạn không? Ở Jalan Thamrin đó”. Ông Suharto là Tổng thống Nam Dương, quyền thế vô hạn. Cả gia đình ông rất tích cực trong chuyện kinh doanh; tài sản của họ khắp nước, nơi nào cũng có.

Lúc ấy tôi mới hiểu tại sao các thành viên trong dự án của tôi rút lui, vì chỉ việc để tên của họ xuất hiện trong một dự án cạnh tranh với Gia Đình Lớn thôi cũng đủ gây khó dễ cho họ sau này. Bạn ạ, tránh voi chả xấu mặt nào! Thế là tôi lại thất bại, nhưng bài học cho tôi thấm thía: Luật kẻ mạnh bao giờ cũng là luật tuyệt đối. Rút lui có mất mát gì đâu, một chút sĩ diện, vài vé máy bay, hàng chục giờ đợi phi cơ ngoài phi trường, và một số đêm thức trắng trong khách sạn vì lo âu! Món ngon luôn luôn để dành cho Thượng Đế, bạn nhớ nhé! Đến thằng Bờm còn biết nữa là.

Sân bóng đá tại Maroc

Vào năm 1988, tôi dẫn đoàn đi thương thuyết một dự án nhà máy điện chạy bằng than bên Maroc, nhưng tôi không tiện công khai tên dự án ở đây. Bạn đọc sẽ hiểu tại sao.

Sau nhiều tháng đàm phán ròng rã, cuối cùng đội của tôi cũng thương thuyết xong. Và sau khi được Vua Hassan II cho phép ký hợp đồng, chúng tôi hồ hởi khôn xiết. Tuy nhiên, vào buổi chiều trước hôm ký chính thức, một nhân vật quan trọng trong cuộc thương thuyết tỏ ý muốn gặp tôi nói chuyện riêng. Tôi ngại lắm, vì biết thế nào cũng có chuyện không hay sắp xảy ra, một sự cố khó tránh, một rủi ro thật kinh khủng.

Thêm vào đó, xem như tính tình ông này quanh co phức tạp lắm nên lại càng làm tôi ngại ngùng. Ông này thân người cao ráo, khá gầy, mặt xương xẩu. Trong những lúc đương đàm phán, ông luôn luôn tỏ vẻ nghiêm nghị, làm cho tôi không thoải mái lắm. Tôi do dự, không biết có phải trình công ty mẹ về sự việc ông muốn gặp riêng không, vì nếu ông này đem cái gì khó xử ra bàn với tôi thì số mệnh của dự án không khéo phải đình chỉ.

Ông ấy bắt đầu câu chuyện bằng cách hỏi về gia đình tôi, lại càng làm tôi bối rối thêm. Sau đó ông đi thẳng vào vấn đề, xin công ty tôi tặng không một sân bóng đá! Tôi giật nẩy mình, không cầm được cảm xúc. Tôi bảo ông rằng thương thuyết xong hết rồi, giá thành của chúng tôi xuống liên tục đến gân đến cốt đến xương rồi, làm sao có chỗ để xây một sân bóng đá nữa? Tại sao lại không phát biểu sớm hơn, đợi đến giờ phút chốt hợp đồng rồi mới nói?… Trong lòng tôi như điên lên, vừa nóng ruột vừa bực tức, song tôi vẫn cố nén.

Vị quan chức này liền bảo tôi hãy bình tĩnh để nghe “ổng” trình bày… Đây! Sân sẽ xây tại làng của ổng chứ không phải trong đô thị nào. Đây, mặt bằng có sẵn rồi không cần giải tỏa hay đền bù gì hết ráo! Đây, các ông chỉ cần đem xe ủi đất rồi trồng cỏ là xong. Rồi nhớ cắm thêm hai hộp lưới cho thủ môn hai bên, món chi này đâu có bao nhiêu!

Đúng, không có gì phải la làng!

Tôi lấy lại bình tĩnh, làm con tính nhẩm thấy món chi tiêu này cũng không quá to. Nhưng tôi cũng không muốn nhượng bộ dễ dàng, nên xin ông ta “nhẹ tay” trong thời gian thực hiện dự án để đền bù lại chi phí của công ty chúng tôi. Ông ta hứa sẽ “nhẹ tay”.

Ngày hôm nay, làng của “ổng” đã có một sân bóng đá tuyệt đẹp, chi phí xây dựng chẳng đáng là bao nhiêu so với số đầu tư cho dự án. Thế là thân phận người Việt này cũng đã có công với một làng quê tận bên Maroc!

Bài học của sự việc quá bất ngờ này là đàm phán không bao giờ kết thúc! Khi bạn tưởng đã “chốt” rồi, bạn vẫn còn có thể tiếp tục làm con tin… Vô số người còn định đoạt được trên số mệnh của dự án, cho dù hợp đồng đã ký.

Khi chủ đầu tư muốn mua, mình lại không bán!

Vào năm 1995, tôi sang Mỹ, tới Portland, bang Oregon. Portland là một đô thị trung bình với khoảng 600.000 dân, còn nếu kể cả ngoại ô và vùng phụ thuộc thì tổng cộng được 2 triệu dân. Đô thị Portland muốn trang bị một tramway (đường xe điện) mới và muốn công ty của chúng tôi tham gia cuộc đấu thầu.

Với số dân trung bình hơn nửa triệu, đúng là đô thị này chỉ cần một loại tramcar, tức là loại xe điện đi luôn trên đường của thành phố, không có lằn dành riêng mà ngay đường ray cũng ngoằn ngoèo trên mặt bằng đô thị.

Tôi gặp người phụ trách dự án và cuộc đấu thầu. Ông này rất to lớn và đẹp trai, ăn nói rất lịch thiệp. Ông nói với tôi một cách đơn giản là đô thị Portland cần đúng công nghệ của Alstom, rất thích những mẫu xe điện của Alstom.

Tôi cảm ơn ông ấy và hỏi ngay bên chủ đầu tư có muốn mua đúng công nghệ hiện hữu hay muốn điều chỉnh gì thêm. Ông ấy tỏ ra ngạc nhiên và nói rằng tất nhiên họ muốn điều chỉnh một số thành phần trong công nghệ của chúng tôi, như làm xe rộng thêm, có thêm chỗ ngồi, máy điện mạnh hơn… Thông thường, chủ đầu tư nào cũng muốn thiết kế xe điện theo hình ảnh của đô thị, và đây là một chuyện đương nhiên không có gì phải bàn tới bàn lui.

Tuy nhiên, đúng vào lúc đó, Alstom không được Hội đồng Quản trị cho phép điều chỉnh công nghệ, lý do là đã đầu tư quá nhiều vào công nghệ rồi nên nay công ty chỉ muốn bán sản phẩm sẵn có chứ không điều chỉnh nữa. Tôi bèn lễ độ lựa lời nói với ông bạn là “sorry” nhưng chúng tôi vừa cho ra loại xe mới, nên sẽ không có khả năng điều chỉnh một công nghệ vừa được tối ưu hóa và vừa ra mắt. Ngoài ra tôi giải thích tại sao công ty có thái độ đó: chúng tôi muốn bán hàng loạt xe giống nhau để áp dụng chính sách “serie” công nghiệp, cho phép công nghệ được khấu hao, và nhờ vậy giá bán sẽ rất thấp. Nói tóm lại, ý tôi là: nếu ông chịu mua hàng tiêu chuẩn thì tôi bán rẻ, còn nếu ông vẽ vời muốn đủ thứ, kể cả vẽ lại xe của chúng tôi thì xin ông đi thăm các đối thủ của chúng tôi, nhưng ông sẽ không có hàng rẻ để mua đâu!

Ông bạn người Mỹ nói rằng ông hiểu chính sách đó của chúng tôi, tuy nhiên Portland không quan tâm về giá thành! Họ muốn mua một công nghệ đặc trưng, giống như vào tiệm may để may theo thước đo của thợ chuyên nghiệp chứ không mua áo may sẵn. Tôi lại nói “sorry” vì chúng tôi không chiều ông được! Tôi rời khách hàng Portland mà lòng không vui, vì trông họ quá “ngon” nhưng phía tôi không được phép thay đổi dạng của sản phẩm.

Vài tuần sau, tôi đang ngồi trong văn phòng Paris, ông ấy lại gọi điện thoại sang, nói rằng ông ấy sẵn sàng hy sinh nhiều thứ phải điều chỉnh và sẽ không điều chỉnh nữa, chỉ có điều thành phố vẫn quyết định muốn mua xe rộng hơn… Tôi lại phải “sorry”, vì ngay sau khi về, tôi đã trình bày vấn đề lại với lãnh đạo công ty, và đã được xác nhận là công ty sẽ không thay đổi chính sách.

Thế là bên mua nhất quyết muốn mua, nhưng bên bán nhất quyết không bán. Thật chuyện lạ đời, bạn có ngờ được không? Nhưng bài học quá đắt giá, vì rốt cuộc đối thủ chính của chúng tôi lấy được dự án. Chẳng qua chúng tôi quên rằng khách hàng là vua. Họ sẽ luôn luôn là vua, bạn nhớ nhé. Không tuân theo nguyên tắc đó thì chỉ gặp thất bại thôi!

“Nội chiến” trong công ty trên dự án bên Ba Tư

Lại một chuyện bất ngờ nữa, lần này ở Ba Tư.

Chuyện xảy ra vào năm 1989. Ba Tư từ xưa vẫn giữ một cảm tình rất đặc biệt với Alstom chúng tôi. Alstom đã bán cho Ba Tư nhiều công trình cũng như nhiều thiết bị nặng về đường sắt và nhà máy điện. Mỗi lần giao hàng là một lần vui cho đôi bên. May mắn cho chúng tôi, tất cả những sản phẩm đó đều chạy rất tốt, và tạm gọi thế là “hợp thủy thổ”! Thật vậy bạn ạ, có nhiều điều khó hiểu trong việc vận hành những thiết bị nặng. Cùng chung một công nghệ, cùng chung một công xưởng sản xuất, đôi khi cùng chung một loạt hàng sản xuất, thế mà máy chạy tốt ở xứ nọ lại không chạy tốt ở ngay xứ láng giềng. Các đội kỹ thuật của chúng tôi lắm lúc cũng điên đầu, không hiểu đâu ra đâu!

Năm 1989, Ba Tư quyết định giao cho chúng tôi 8 nhà máy điện chạy bằng than với công suất 2 x 350MW. Chỉ nội một dự án thôi cũng đã đủ để làm cho chúng tôi hạnh phúc và bận rộn, huống chi 8 lần như thế. Công ty chúng tôi xôn xao và động viên tối đa để thương thuyết và thực hiện. Không thể nào để rơi dự án này vào tay đối thủ, nhất là khách hàng chỉ trông đợi vào chúng tôi. Tình thế quá thuận lợi… có ngờ đâu…

Vào thời kỳ đó, nội tình trong công ty chúng tôi khá hỗn loạn, phải thừa nhận là như vậy. Vốn chúng tôi vừa sáp nhập với General Electric Company UK, một công ty nhỏ hơn chúng tôi nhưng rất năng động. Hai phe Pháp và Anh trong công ty tranh giành ảnh hưởng, và ngay trong việc thành lập Hội đồng Quản trị thôi cũng đã gặp bao nhiêu vấn đề. Sau đó đến việc chia ghế Tổng Giám đốc, rồi Giám đốc, rồi các ghế nhỏ hơn. Trong suốt sáu tháng của năm đó, công ty chỉ biết nội chiến chứ không chăm lo nhiều đến những chuyện khác. Bạn đọc nào đã sống trong một pha sáp nhập giữa hai công ty to chắc hẳn đã hiểu được cơn ác mộng.

Trở lại dự án bên Ba Tư, cái góc cạnh oái ăm của sự sáp nhập là cảm xúc trái ngược của khách hàng Ba Tư đối với đơn vị Pháp và Anh vừa sáp nhập của chúng tôi. Chủ đầu tư rất yêu phía Pháp, nhưng họ lại từng có rất nhiều việc kiện tụng chua cay với phía General Electric Company UK. Do đó, chủ đầu tư đặt điều kiện là nếu giao cho Alstom dự án thì công ty phải cam kết thực hiện nó tại Pháp chứ không được phép động viên các đơn vị Anh mới sáp nhập! Thế có chết không, vì tình huống tạo ra nội chiến không thể tránh được, mà tôi lại nằm ngay trên rốn của cơn lốc này! Phía Pháp thì giấu nhẹm dự án, không cho phía Anh biết, nhưng rồi họ cũng biết vì bí mật nào rồi cũng bị bật mí! Phía Anh thì hỏi khó: sáp nhập với nhau làm gì nếu hai công ty đã thành một mà vẫn không hợp tác?

Nội chiến kéo dài… đến khi một nhân vật quan trọng người Anh trong Hội đồng Quản trị tìm ra cách giết dự án. Ông ấy vặn hỏi chi tiết về từng thời kỳ của dự án, và ông ấy đã khám phá ra rằng vào đúng tháng 18 của tiến độ công trình, công ty phải xuất ra một số tiền lớn hơn vốn điều lệ của công ty. Có nghĩa là trên lý thuyết, nếu có rủi ro nào bùng nổ vào đúng tháng 18 thì cả công ty phải giải thể! Thế là với tư cách thành viên Hội đồng Quản trị, ông ấy phủ quyết, không cho phép tiếp tục dự án. Ông ấy còn nói thêm một cách đểu giả là trên thế giới thiếu gì dự án tốt mà phải quỵ lụy theo các dự án nguy hiểm của bọn Ba Tư. Phía Pháp không dám phản ứng vì những gì ông ấy dẫn chứng là hoàn toàn đúng, nhưng chỉ đúng trên lý thuyết, chứ làm gì có chuyện rủi ro trùng hợp đến thế.

Đây lại là một bài học vô cùng đắt cho chúng tôi, vì chúng tôi đã phải bỏ lỡ một cơ hội không bao giờ có lại được nữa, do “nội chiến”. Phía mạnh phải chịu thua phía yếu vì quá lạc quan. Phía Pháp đã có sơ hở, dù chỉ là sơ hở trên lý thuyết. Chúng tôi đã mê khách hàng, thích buôn thích bán; trong khi đó phía Anh thực tế hơn nhiều - họ chỉ bán hàng khi ít rủi ro, khi kết quả tài chính của dự án tốt, lợi nhuận cao. Nghe “bọn” Anh dạy đời, “bọn” Pháp không khỏi bồi hồi sửng sốt.

Bạn ạ, bán hay mua đều phải lời, nếu không thì bán với mua làm gì? Chân lý tối cao của thương thuyết đấy! Bạn cũng phải học thêm rằng trong công ty của bạn có an lành, yên ổn thì bạn mới có hậu thuẫn để bán hàng, bằng không bạn nên ở nhà đối phó với nội chiến.

Nghĩ lại câu chuyện Ba Tư, hôm nay tôi vẫn còn nghẹn ngào!

Hai vợ, vợ nào cũng là vợ cả…

Chuyện này xảy ra cho công ty chúng tôi tại Wu Han bên Trung Quốc, vào năm 1994. Vào lúc đó, công ty chúng tôi có khá nhiều dự án bên Trung Quốc, và cũng nhờ vậy tôi có cơ hội nới rộng địa bàn hoạt động của công ty. Tôi đã đi nhiều nơi xa miền duyên hải như Qing Dao, Nan Qing, Wu Han chứ không còn cắm địa ở lì tại Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu.

Vào năm 1994, tôi đi với cộng sự thăm Chủ tịch tỉnh Wu Han, một người vui vẻ, hoạt bát, lúc nào cũng có chuyện vui để đón mời khách tới thăm. Và chúng tôi đã nhanh chóng ký một MOU (biên bản ghi nhớ) cho phép Alstom độc quyền tiến hành việc xây một đường metro cho đô thị. Chúng tôi mừng rỡ mang MOU về như một thắng lợi mới, vì chưa bao giờ công ty chúng tôi đi sâu được vào lãnh thổ Trung Quốc như thế.

Tuy nhiên chỉ vài tháng sau, một công ty con của chúng tôi bên Tây Ban Nha cũng đem về một MOU độc quyền giống y như trang MOU độc quyền của công ty mẹ. Hóa ra anh chàng Chủ tịch Wu Han đã ký 2 MOU độc quyền cho 2 công ty khác nhau trên pháp lý. Rõ ràng, anh này đã phạm luật thương mại quốc tế - đã độc quyền thì không ký với hai công ty, còn đã ký với hai công ty thì không độc quyền.

Một dịp sau đó tôi lại có dịp gặp anh Chủ tịch Wu Han và phân bua với anh ta một cách rất thẳng thắn. Tôi còn nói rõ là người Pháp không làm việc được như thế. Anh chàng Chủ tịch bèn nói với cộng sự một câu rồi bảo phải dịch cho chúng tôi nghe, rằng bên Tàu, ai cũng nhiều vợ, mà vợ nào cũng là vợ cả… Ý của anh ta là “tôi cứ ký, phía nào xong sớm sẽ lấy được dự án”. Tôi phản đối và nói rằng nếu có độc quyền thực sự thì chúng tôi mới đầu tư.

Rốt cuộc nhìn lại sự việc, không phe nào lấy được dự án cả, cũng chẳng có gì để tiếc. Tôi học được bài học quý giá là khách hàng đôi khi không thành thật với công ty đem dịch vụ và sản phẩm tới phục vụ. Thế giới ngày hôm nay là một thế giới của quyền lợi, bất chấp những hứa hẹn, ràng buộc, cam kết. Nhưng đối với tôi, sự việc tới như là một bất ngờ vào đúng tuổi tôi còn tin tưởng vào giá trị cao cả của pháp lý.

* * *

Tôi càng nói về những kỷ niệm xa xưa thì ký ức lại càng gọi những kỷ niệm về. Mấy chục năm bôn ba, sao kể hết. Để kết luận, tôi chỉ xin nhắc nhở các bạn nào đang hay đã vào cuộc đời buôn bán và đàm phán là trên lộ trình công việc cũng như tiến thân có vô số bất ngờ! Mà bất ngờ là gì nhỉ? Bất ngờ là những gì có thể xẩy ra bất cứ lúc nào mà trí khôn cũng như linh tính không đoán được trước, nó xuất hiện vào đúng lúc bạn không ngờ. Bản chất của nó là thế.

Cũng vì vậy mà khi chiến thắng, bạn hãy khiêm tốn đợi từng giây từng phút xem có bất trắc nào thình lình xuất hiện. Tương tự, lúc khốn đốn, bạn hãy tin tưởng vào một sức mạnh vô hình có khả năng lật ngược thế cờ, từ đó thuận lợi cho bạn. Sức mạnh này sẽ xuất hiện bất thình lình nếu bạn nhẫn nại đợi nó, nếu bạn đã làm tất cả những gì sức lực của bạn cho phép, nếu bạn đã chuẩn bị cho giả thiết bi đát nhất, cho tình huống tối tăm nhất.

Chữ ngờ không ai nắm vững. Toán học cũng chỉ tính được xác suất. Nhưng trong xã hội loài người vẫn có những sức mạnh giống như sóng ngầm, sẵn sàng cứu vớt kẻ nhiều thiện chí.

Trong suốt cuộc đời của mình, tôi đã cố làm bạn với một “thằng tên Ngờ họ Bất”. Lúc được lúc không, nhưng nhìn chung tôi cũng thấy thỏa mãn với những gì hắn đem lại cho mình.


Chú thích

[2] Pakistan (Chú thích của biên tập viên)