-Tôi mới gặp ông Sáu bên hãng cung cấp hải sản và nông phẩm cho resort.
-Dạ, chắc hai người nói chuyện vụ resort mình có đơn đặt hàng mới, đúng không chú? – Hải mỉm cười – Hồi tuần trước, cháu mới đặt hàng ông ấy cung cấp rau sạch và trái cây. Nói là chỗ thân quen với nhau, nhưng cháu cũng đã khảo sát giá kỹ lưỡng các nhà cung cấp khác rồi mới quyết định chọn hãng ông Sáu chú à…
-Có thiệt là vậy không? – Đôi mắt hẹp nheo lại, một bên lông mày nhướn lên tựa con sâu róm đen ngòm, đang co lại để chuẩn bị tấn công.
-Cháu đã gọi điện thoại khảo giá mấy công ty có gởi brochure qua mình…- Đang báo cáo thông tin đầy đủ theo thói quen, Hải khựng lại. Sự ngờ vực thẳng thừng của ông Quyền khác nào ngọn roi quất vào mặt anh. Khó khăn lắm, anh mới nói tiếp – Giá bên công ty ông Sáu chưa phải là tốt nhất, nhưng chất lượng hàng bảo đảm, nhất là các loại rau củ quả.
-Tôi thường nhắc cậu hãy chọn nhiều nhà cung cấp khác nhau. Tránh sự phụ thuộc dễ bị họ chi phối. Cậu nhớ điều đó chứ?
-Dạ có. Nhưng chú cũng dặn cháu, luôn cân nhắc để có lựa chọn tốt nhất.
-Khi nào cậu đi Sing và Malay? – Câu hỏi tung ra đột ngột. Đôi mắt một mí tinh ranh xoáy thẳng vào mặt Hải, sẵn sàng lật tẩy bất kỳ lời dối láo nào.
Bây giờ, Hải mới hiểu ra ngụ ý trong những câu hỏi của ông Quyền. Cách đây chưa lâu, người bên công ty ông Sáu gọi điện cho anh, mời tham gia chuyến du lịch Singapore và Malaysia trong thời gian một tuần. Nghe anh hỏi lý do, cô ta nhắc đi nhắc lại rằng thông lệ hàng năm, ông Sáu đều đài thọ một số cá nhân thân thiết có liên hệ công việc trực tiếp. Khi đó, Hải cũng tin như vậy. Chưa bao giờ anh ra nước ngoài. Ngay cả đặt chân lên máy bay ra sao, anh cũng chưa từng biết. Thế nhưng, sau khoảnh khắc phấn chấn, anh quay lại với thực tại. Nếu đi, phải nghỉ học quá nhiều. Công việc văn phòng cũng không ai coi sóc khi ông Quyền đang về Mỹ. Mặc dù tiếc nuối, anh vẫn từ chối diệp may hiếm có… Thế nhưng giờ đây, ông Quyền nhắc tới nó, như một bằng chứng phạm tội. Anh chợt hiểu, ông chủ nghi ngờ anh lựa chọn mua hàng cho resort bên hãng ông Sáu là để được tặng chuyến du lịch nước ngoài miễn phí. Cơn giận bốc lên đầu Hải. Sự nghi ngờ xúc phạm anh khủng khiếp. Giọng anh lạc hẳn đi:
-Chú ạ, ông Sáu có nói với chú là cháu từ chối không đi?
-Không, tôi đâu có biết! – Ông Quyền nhún vai, thản nhiên – Nhưng nếu không đi, thì hình như cũng được nhận phong bao đỏ, hả?
-Cháu không bao giờ ngửa tay nhận những thứ đó! – Hải đứng nhỏm dậy, gầm lên trong cuống họng. Tự biết mình vốn cục tính, anh gắn sức kiềm chế. Vậy mà cơn giận vẫn bốc lên ngùn ngụt khiến mọi thứ trước mắt anh tối sầm lại.
-Nếu không có thì thôi. Cậu làm việc tiếp đi nào! – Ông Quyền nhếch môi ra lệnh, gạt qua mọi bực bội rõ ràng theo cách một ông chủ - Bữa nay cậu tới văn phòng hơi trễ. Vậy cậu ở lại tổng hợp xong đống giấy tờ cho tôi rồi mới về, nghe!
Hải gật đầu, nặng nề ngồi xuống ghế. Những con số trên màn hình vi tính mờ đi, nhảy múa hỗn loạn. Dồn sang một góc nỗi hờn uất, anh cắm cúi làm việc. Bên ngoài ô kính cửa sổ, trời mưa từ lúc nào mà anh không hay. Tối om. Cái máy lạnh vẫn chạy ù ù. Gấp lại tập hồ sơ đã hoàn tất, Hải uể oải đứng dậy. Đói và lạnh. Anh xuống nhà. Các nhân viên sales và thủ quỹ đã về hết. Bất chợt, Hải nhìn lên cái đồng hồ treo tường. Hơn tám giờ. Hải lắc mạnh đầu, không tin vào mắt mình. Đồng hồ trên bàn ông Quyền mới chỉ qua sáu giờ thôi mà. Anh chợt hiểu, khi anh không chú ý, ông chủ đã chỉnh lại đồng hồ, lừa anh làm việc thêm thời gian. Trò vặt vãnh, chẳng đáng gì, vậy mà sao anh chán ngán đến mức không thể tức giận được nữa. Có lẽ lâu nay mình sai lầm khi tin vào sự tử tế của kẻ khác. Thế giới này chẳng phải người tốt chen giữa người xấu, mà chỉ là người xấu ít sống giữa những kẻ xấu nhiều mà thôi. Lẩm bẩm chua chát một mình, Hải uể oải bước ra vỉa hè.
Mưa vẫn xối xả. Nước dâng như dòng sông tối tăm. Xe cộ rẽ nước lao đi vùn vụt, các vệt đèn xe rách bóng tối dày đặc. Tiếng nước ộc xuống từ các ống máng tô đậm thêm cảm giác trống rỗng bên trong lòng người. Xe máy của Hải gửi bên kia đường, trong khu công viên. Gió thổi mạnh khiến từng cột mưa chuyển động rùng rùng, thấm qua làn áo chemise mỏng mảnh. Có lẽ chẳng cần vội vã về nhà trọ làm gì giờ này. Men theo các mái hiên ướt đẫm, Hải bước chậm rãi. Bên trong từng ngôi nhà, mọi người quây quần bên bàn ăn. Màn hình TV hắt xuống những luồng sáng ấm áp. Trong quán cà phê nhỏ, bên bức tường kính, một đôi tình nhân ngồi ôm nhau. Cây nến nhỏ trên bàn hắt quầng đỏ sẫm. Đột nhiên, Hải nhận ra anh vô cùng cô độc trong thành phố rộng lớn này. Bất kể lúc nào anh cũng có thể bị hất văng đi. Ngay cả khi anh dốc lòng dốc sức làm việc, thì chính người mà anh phụng sự cũng có thể làm anh tổn thương. Công việc, học hành trong thành phố vội vã đã cuốn anh đi băng băng, không lơi phút giây để người ta suy ngẫm tình trạng của mình. Nhưng, khi mà bề mặt cuộc sống bỗng nứt hoác ra bờ vực tối om như thế này đây, anh mới biết mình thèm khát hơi ấm kẻ khác biết bao…
Đuổi theo ý nghĩ u ám trôi bồng bềnh, Hải đi dưới mái hiên, không ngừng bước. Anh đến khu vực trung tâm lúc nào không hay. Gió thốc mạnh như lốc xoáy. Anh đang đứng dưới chân tòa cao ốc, nơi anh từng đến phỏng vấn xin việc. Nhã Thư cũng làm việc trong này. Nỗi nhớ nhói lên, khiến tim anh thắt lại. Hải ngước cổ nhìn lên những tầng nhà bọc kính. Chỉ còn lác đác mấy ô đèn sáng. Nhã Thư ở đâu trong mấy ô vuông ấy? Hay là cô đã về, đang ấm cúng bên Vĩnh trong một quán cà phê nào đó? Hải so vai, đứng co ro. Không thể chống cự mong ước nghe giọng cô, anh rút điện thoại. Nhã Thư trả lời tức khắc. Cô vẫn đang làm việc ở văn phòng. Cắt ngang những hỏi thăm của cô, Hải thành thật: “Tôi đang ở ngay dưới cao ốc. Thư xuống đây, đi với tôi một lúc được không?”. “Có việc gì ư?” – Thư bỗng lo lắng. Hải bặm môi: “Tôi cô đơn không thể chịu nổi, Thư ạ!”. Một quãng im lặng, rồi cô gái cất giọng nhẹ nhàng: “Tôi hiểu. Vậy Hải đợi một chút nhé. Tôi xuống ngay!”.
Ngôi biệt thự kiểu thuộc địa sửa sang thành một nhà hàng bán đủ các món ăn dân dã. Thực khách đông đúc ngồi kín các bàn gỗ lên nước đen óng. Bất kể đôi giày đọng nước, bất kể cảm giác lạnh cóng vẫn bám trên da, Hải vẫn thấy dễ chịu khủng khiếp. Nhã Thư lại ngồi trước mặt anh, gương mặt hơi gầy nhưng nhẹ nhõm. Vầng trán trắng muốt tươi sáng như chưa bao giờ biết mệt mỏi. Vừa ăn, họ vừa trò chuyện.Hóm hỉnh và tinh tế đặc biệt, Thư gợi lên cảm giác tin cậy giữa hai người bạn. Hải bộc bạch với cô dễ dàng các mối bận tâm trong công việc, về sự lúng túng khi vừa là nhân viên, vừa đảm nhận vai trò điều hành. Thư lắng nghe chăm chú, thỉnh thoảng đưa ra một nhận xét đúng lúc hoặc một lời khuyên khôn ngoan. Vẫn chưa thôi uất nghẹn, anh kể cho cô nghe về sự ngờ vực của ông Quyền. Đôi mắt Thư sẫm lại:
-Bây giờ Hải định sẽ hành xử thế nào?
-Ngày mai tôi nộp đơn nghỉ việc. Làm sao còn có thể làm việc chung với người chủ đã nghi ngờ mình?
-Không. Coi như không việc gì xảy ra, Hải cứ đi làm bình thường.
-Ông Quyền trả lương, nhưng không phải vì thế có quyền xúc phạm tôi!
-Thôi nào. Hải đừng quá trầm trọng vấn đề. Đi làm một thời gian, tôi thấy phần đông mấy người trẻ như tụi mình không có kỹ năng thương lượng. Điều chỉnh bản thân trong môi trường làm việc cũng không khá lắm. Hoặc mình xu nịnh, quỵ lụy người chủ thái quá. Hoặc dễ bị chọc giận, kiêu hãnh một cách không cần thiết.
-Ý Thư khuyên tôi phải nhẫn nhịn, để giữ một chỗ làm tốt?
-Nhẫn thì có gì xấu? Hải đang tức giận. Nhưng, sao Hải không đặt lại vấn đề. Có phải khi làm việc cho ông Quyền, Hải thu thập rất nhiều kinh nghiệm hữu ích?
-Nhưng tôi phải làm cật lực cho ông ta đấy thôi. Tôi luôn nghĩ cách để tiết kiệm chi tiêu cho resort, cố gắng liên kết với các tour, mở rộng nguồn khách! – Hải thở mạnh, phẫn nộ - Ông ta trả lương cho tôi thấp như thế nào, Thư biết không? Nếu so với những gì tôi làm cho ông ta, thì quá bèo bọt!
-Ồ, sao Hải không nói thẳng những điều đó với ông Quyền thay vì ấm ức một mình. Đừng quá hy vọng chủ ghi nhận những gì anh làm. Phải mạnh dạn nói ra và chứng minh chứ! – Nhã Thư mỉm cười, nháy mắt láu lỉnh – Nhưng, Hải này, thành thật nhé, khi ta đang làm bán thời gian, chưa có bằng cấp, thì đừng vội đòi hỏi tiền bạc. Hãy coi như tụi mình bỏ sức để học kinh nghiệm đáng giá trước khi vào đời thực sự. Tụi mình có lam thuê cho người ngoại quốc hoài không? Chắc chắn là không. Sẽ có ngày, tụi mình trở thành chủ. Nhưng trước khi đến lúc đó, thì gắng kiên nhẫn, để học.
Hải gật đầu, thấy lòng nhẹ nhõm lạ. Nhã Thư thông minh siết bao. Mọi khúc mắt cô chạm tay vào, đều tan biến. Anh gọi thêm hai ly chè tráng miệng. Mới xúc vài muỗng, Thư bỗng đưa tay bịt miệng. Lớp da trên gò má cô thoáng chốc trắng bệch. Đẩy vội ghế, cô đứng dậy, chạy nhanh về phía WC. Mươi phút sau, cô quay trở ra, ngồi vào chỗ cũ, tái nhợt như vừa mất sạch máu. Trước vẻ băn khoăn dò hỏi của Hải, cô nhìn lảng hướng khác, lắc nhẹ: “Không có gì đâu. Tôi chỉ hơi mệt!”.
Thực khách của dãy bàn gần chỗ Hải và Thư đứng dậy, kéo đi. Lộ ra cái bàn có hai người đàn ông đối diện nhau. Dưới gầm bàn, bàn tay người lớn tuổi đặt trên đùi chàng trai trẻ hơn, như một con rắn mù lòa đang lần đi. Người thanh niên trẻ chuyển ngồi thẳng lưng, vội gạt nhẹ bàn tay ấy, lắc đầu. Nhưng bàn tay vẫn ngoan cố, mò đi tiếp tục. Cảnh tượng kỳ quặc ngay trong tầm mắt Hải. Mắt anh mở lớn, tò mò, kinh ngạc và cả sợ hãi. Vẻ mặt anh bất thường đến nỗi Thư cũng phải ngoảnh nhìn về phía sau.
Sự chú mục của anh và cô gái khiến người lớn tuổi khó chịu. Anh ta hơi nhỏm lên. Người thanh niên trẻ ngoái lại. Hải chết sững. Không ai xa lạ, người trẻ hơn là Hữu. Cặp mắt họ xoáy thẳng vào nhau. Kẻ bàng hoàng vì ngạc nhiên. Kẻ xấu hổ vì bị bắt gặp. Rồi sau đó là sự ghê tởm đối diện với sự giận dữ. Sau vài giây câm lặng, Hữu đứng dậy, bước về bàn của Hải và Thư. Vẻ mặt anh ta là của người quyết tâm làm chủ tình hình. Nở nụ cười trơn tuột, Hữu chống một tay lên mặt bàn, tay khoác nhẹ vai Hải, vẻ thân tình:
-Tớ đang thắc mắc không rõ vì sao người yêu của Vĩnh lại đi chơi với một chàng trai khác. Hải à, có phải tranh thủ khi Vĩnh đang lo chiến dịch tranh cử chức chủ tịch Hội, cậu có âm mưu gì phải không?
Hải im lặng. Cằm anh bạnh ra, kiềm chế nỗi tức giận. Nhìn sang Nhã Thư, nụ cười Hữu nở rộng hơn. Anh ta hơi nheo mắt:
-Chào hoa khôi hụt. Hồi nãy tôi tình cờ đi ngang WC khi bạn nôn mửa. Tò mò chút, có phải bạn đang có thai? Với Vĩnh hay với anh bạn ngớ ngẩn này?
Hải đứng bật dậy. Nhưng bàn tay Nhã Thư đã ngăn anh. Cô đặt tiền lên bàn, bước nhanh ra cửa. Ném vội vào Hữu ánh nhìn căm giận, Hải vội vã chạy theo cô. Khi ra ngoài vỉa hè mát lạnh hơi mưa, anh mới nguôi giận chút ít. Làn da trên gò má cô gái đi cạnh anh vẫn tái nhợt. Anh hỏi khẽ: “Hồi nãy thằng Hữu bịa tạc, phải không Thư?”. Cô lắc đầu: “Không. Anh ta nói đúng đó. Tôi đang có thai…”