Luật Đời & Cha Con

Chương 7

Lê Đại ra quân, về một cơ quan kinh tế, anh được về nhà, sống với vợ hằng ngày.

Không còn được thoải mái với người tình như trước, Thuỵ Miên liền nghĩ ra cách đối phó trong những trường hợp thời gian gặp nhau cực ngắn. Bây giờ chỉ có thể đùng lối đánh đu kích, đặc công.

Họ vẫn lén lút gặp nhau, thường là viện cớ công việc bất chấp nguy hiểm, cứ lao vào nhau như hai kẻ nghiện ngập. Sự vụng trộm lúc này lại càng như một liều thuốc kích thích đặc biệt.

Chính lúc ấy, cả hai đều không ngờ được rằng, tai hoạ lại đến từ một phía khác hẳn…

Đường đến một khu du lịch sinh thái tư nhân. Cánh đồng hai bên đường vàng rực lúa chín. Mấy lồng chim ngói bên lề đường chờ khách. Mùa thu, chim ngói, cơm mới. Thuỵ Miên bảo người tình, lúc về sẽ mua mấy con làm món chim hầm gạo nếp. Người đàn bà ngây ngất bay lượn trên mầu vàng mơ ấy. Mấy câu thơ, không biết của ai thốt ra từ cái miệng xinh xinh của chị:

Lúa đã chín rồi!

Ngày ngày nóng bức.

Hẹn đến ngày mai

Ta đi ta gặt.

Tình ta cũng chín rồi!

Trái tim ta nóng bức

Mong anh, anh yêu ơi!

Anh là người đến gặt!

Anh ngoái đầu lại:

- Anh gặt rồi đấy thôi.

- Anh gặt nữa đi, gặt mãi nhé!

Cả hai đều thấy rạo rực. Anh nôn nóng tăng ga vọt lên, không để ý đến cái ổ gà sâu hoắm trước mặt.

Chưa kịp xử lý, chiếc xe lệch tay lái, loạng choạng, lao ra vệ đường, rơi thẳng xuống ta luy âm.

Từ xa, anh cảnh sát giao thông trẻ đã nhìn thấy chiếc @ phóng rất nhanh, đang lạng lách qua tất cả các xe khác trước mặt nó. Bất chấp đèn đỏ, nó vẫn cắt ngang được mấy chiếc xe máy đang sang đường rồi vọt mất. Nhìn hút theo, anh lẩm bẩm: "Vẫn thằng ấy". Cái số xe ấy làm sao mà quên được. Anh gọi đến trạm cửa ngõ ra ngoại thành, yêu cầu bằng mọi cách chặn chiếc xe @ biển kiểm soát 9981 lại, đồng thời báo cáo về đồn. "Mày không thể thoát được, nếu qua ngoại thành theo đường này". Chưa đến năm phút sau anh nghe báo về chiếc xe đã bị giữ lại. "Tôi đến ngay!" "Mày chạy đâu thoát khỏi tay tao?"

Anh rẽ đám đông, tiến vào chỗ người và xe đang bị giữ. Trông mặt mũi họ, rõ ràng hai bên đang căng thẳng, to tiếng.

- Lại gặp nhau, đúng là quả đất tròn phải không?

Nhìn thấy người cảnh sát trẻ, Cường trấn tĩnh, nói ngay:

- Tôi có lỗi, nhưng anh thông cảm cho. Tôi có tin dữ. Mẹ tôi bị tai nạn giao thông ở cây số 13.

Nhìn mặt, anh biết gã không nói dối. Không trả lời anh gọi đi:

- Chúng tôi ở đội cảnh sát giao thông số 3 Thành phố. Các anh đang xử lý một vụ tai nạn giao thông ở cây số 13 phải không? Cho biết nạn nhân tên là gì?

Anh la quay sang Cường: - Mẹ anh tên là gì? Thôi được anh đứa giấy tờ xe máy đây, rồi đi cho kịp… Cẩn thận đấy.

Lê Cường rẽ đám đông hiếu kỳ, đến chỗ đặt thì thể mẹ mình. Nó nhận ngay ra người đàn ông ở gần đó, mặt mũi nhăn nhó vì đau đớn đang được buộc ga-ro cầm máu là ai. Nó ném vào mặt người ấy cái nhìn căm ghét: "Tại ông mà mẹ tôi chết đấy. Sao không chết luôn đi cho xong chuyện".

Đại không kịp về nhìn mặt vợ lần cuối. Anh vĩnh viễn không biết vì sao vợ mình bị tai nạn, bị tai nạn cùng ai. Người ấy là thế nào với vợ mình. Cũng vĩnh viễn không biết chuyện con mình đã từng chứng kiến chuyện gì giữa vợ mình và người này nhiều năm trước.

Thuỵ Miên trong tâm trí anh, mãi mãi vẫn là người vợ hiền thảo, chiều chồng nhất mực.

Kiều Linh xin người yêu được để tang mẹ mình.

- Thế là anh có vợ rồi à? - Cường hỏi lại, giọng vừa ngạc nhiên vừa gay gắt.

Kiều Linh thủ thỉ, nũng nịu:

- Thì mẹ anh đã chứng kiến cảnh chúng mình… hôm ấy.

Cường gân cổ nói bừa:

- Thế thì làm sao? Anh làm tình với khối đứa rồi!

- Em…

Nó định nói "chắc cũng thế", nhưng chợt dừng lại. Nó nhớ đến tấm vải trải giường ở khách sạn Chiều tím hôm ấy.

- Thì chắc là như thế rồi! Nhưng… đã có lần nào anh làm tình với ai trong nhà anh, trong phòng anh, trên giường anh, bị mẹ anh bắt gặp chưa?

Nó nói bừa, cốt cho xong chuyện, không cần biết câu chuyện sẽ dẫn đến đâu:

- Khối lần!

- Cũng còn trinh tiết như em à?

- Đương nhiên!

- Rồi anh cũng bỏ họ à?

- Bỏ chứ rước về làm gì?

- Thế cũng định bỏ em chắc?

Cường ngồi im. Kiều Linh ôm lấy người yêu, âu yếm dỗ dành:

- Không bỏ được em như thế đâu.

- Vì sao?

- Vì em xinh đẹp hơn hẳn những đứa anh đã gặp này. Em sẽ là một người vợ ngoan ngoãn của anh này. Học vi tính xong, bố anh sẽ xin cho em làm văn thư, thư ký, hay một chân văn phòng nào đấy. Em sẽ học tiếng Anh. Anh biết rồi, nhan sắc như em thì khối tay giám đốc nhận làm thư ký. Mà em báo cho anh tin này nhé!

- Tin gì?

- Anh chuẩn bị lễ cưới đi là vừa, sắp làm bố đến nơi rồi đấy.

Cường giật bắn người như bị điện giật:

- Đùa kiểu gì thế? Sao em lại đùa chuyện này được? Chắc gì là con anh?

- Này, em thì tát cho một cái bây giờ! - Cô đanh mặt lại khi nói câu ấy. Nhưng lại lập tức làm lành - Anh quên là khoa học kỹ thuật thời nay, ngay lập tức sẽ xác định được anh có phải là bố cái thai trong người em không à?

Cường đần mặt ra. Mẹ chưa chôn cất, đã lại có chuyện rắc rối này.

Không thể chờ đợi mãi ở Cường, mà cái thai trong bụng thì cứ lớn dần. Kiều Linh đành phải đi nước cờ chót. Cô đến gặp ông bà Lê Hoè, trình bày thẳng thắn sự việc. Ông Hoè ngẩn người ra, còn bà vợ thì lồng lên, mỉa mai tra hỏi. Nhưng vẻ cứng cỏi của Kiều Linh khi cô bảo sẵn sàng nhờ khoa học can thiệp làm hai người chùng hẳn xuống. Cô hẹn hôm sau trở lại.

Ông bà đã tính nát nước ra rồi. Cháu mình mới sắp tốt nghiệp. Nó vốn lông bông, lang bang. Lúc nào cũng như chó dái lông nhông ngoài đường. Mẹ không dạy được con. Lại còn nuông chiều vô lối. Nếu cưới thì cũng chỉ ba bẩy hai mốt ngày là bỏ nhau thôi. Nó không hề có một tí ý thức về chuyện vợ con. Mà cười thế nào được khi mẹ nó vừa nằm xuống? Nếu cháu mình mà chín chắn thì bảo còn có thể cho con bé đi nạo thai, chờ cho nó học xong, kiếm cho con bé kia một công việc nào đấy! Nhưng con tính ấy xa vời quá, không làm sao ghép vào bài toán này được. Mà nếu cưới rồi, nó lại dở quẻ ra thì còn chết nữa. Thà chết bây giờ, còn hơn lúc ấy mới chết. Tính tới tính lui, hai ông bà quyết định dùng phương án đền bù thiệt hại.

Cô gái nhìn thẳng vào mắt ông rành rẽ:

- Cháu nghe ông nói ạ!

Nó nhìn ông, yên tâm hơn. Bởi ông nhìn nó, không mấy ác cảm.

- Ý cháu thế nào, cháu phải nói ra chứ?

Nó trả lời ngay, như đã sắp sẵn tất cả trong đầu:

- Cháu đã làm tất cả để trở thành vợ anh ấy. Nhưng anh ấy lại chỉ chơi bời cho vui, nên chuyện không thành. Cháu xin gia đình chu cấp cho cháu một số tiền để cháu làm mấy việc, chắc bác biết là việc gì rồi ạ! Cháu phải nói thẳng ra điều này. Đời con gái của cháu thế là mất rồi. Phải có một sự đền bù thoả đáng…

- Cụ thể là bao nhiêu?

Lân đầu tiên, ông Hoè phải nói chuyện giá cả như ở chợ, nên lắp bắp như nói lắp. Cô bé thì không hề ngập ngừng:

- Gia đình cho cháu một trăm triệu.

Ông Hoè còn đang đờ người ra vì con số nó ra giá, thì nó đã nói tiếp, đẩy ông vào cái thế chỉ còn biết chấp nhận:

- Đối với tài sản, và nhất là với uy tín gia đình ta, thì như thế chắc chả có ý nghĩa gì!

Đầu óc ông Hoè bỗng tỉnh táo khác thường. Nếu không kiên quyết với vợ thì, lúc con bé ra giá như thế, chắc chắn bà Phụng phải nhảy dựng lên cho mà xem.

Đanh đá lắm thì đá đanh nhiều. Ông hỏi tiếp:

- Cách thức giao nhận tiền?

Ông cũng không ngờ mình lại có được một câu hỏi thực tế đến như vậy. Không cần suy nghĩ, nó trả lời ngay:

- Thưa bác, tiền phải đóng thành cọc, còn nguyên dây buộc, niêm phong có chữ ký của nhân viên đóng gói ngân hàng, mà chỉ là tiền một trăm hoặc năm mươi thôi. Hai bên làm giấy cam kết đã giải quyết sòng phẳng, không kiện cáo gì. Mỗi bên giữ một bản.

Ba ngày sau, mọi việc diễn ra theo đứng kịch bản như thế.

Sau cuộc họp thường vụ, bí thư Đảng uỷ Nguyễn Văn Hải tính nước phải chuẩn bị lực lượng. Hôm nay, lực lượng của ông được mời đến một cuộc nhậu.

Họ ngồi quanh mâm thịt chó bẩy món tú ụ. Ở thời thực phẩm, lương thực phải mua bằng tem phiếu thì bất kể một miếng thịt gì ngoài thịt quốc doanh, mà quốc doanh thì chỉ cung cấp thịt lợn cho các loại bia, cho nên bất cứ thứ thịt gì đều đắt, đều hiếm, đều quý, đều thèm đối với cả mắt, mũi, lưỡi và dạ dày. Vì thế một mâm thịt chó thế này vào thời buổi ấy là một đại đại tiệc. Mùi thịt chó, không biết bao nhiêu năm rồi chưa biết, quyện với mùi rau húng quế. Chai rượu Làng Vân nút lá chuối khô được mở ra, rót đầy sáu cái chén. Mùi rượu cay nồng, thơm lừng xộc vào mũi, gọi dạ dày co bóp.

Hải ngồi chĩnh chện trên một cái ghế có đệm. Chỉ có ông là ngồi như thế. Do đặc điểm cơ thể nên ông không thể ngồi xếp bằng tròn được. Khi ông đến, chủ nhà lập tức mang ra đặt ở vị trí trung tâm, và chỉ có vị trí ấy mới có chỗ dựa lưng.

Đột nhiên ông đứng dậy.

- Anh đi rửa tay cái nhá.

Ông chống tay xuống chiếu, nặng nể thu một chân về. Sau khi nhắc được một chân lên, ông lại thu nốt chân kia. Hai người ngồi hai bên, cùng lúc đỡ ông đứng dậy. Năm người ngồi xung quanh chiếu, đành rung đùi ra ý không sốt ruột, không thèm ăn. Nhưng một người lại nhón một củ hành chấm muối ót. Một người nhai củ sả. Một người nhặt ngọn húng quế chấm mắm tôm. Một người bẻ mảnh bánh đa nhai rau ráu. Chỉ có một người hình như đang quan tâm đến một điều gì khác ngoài mâm thịt chó đầy tú ụ này. Anh ta khẽ lắc lắc đầu, nói hai tiếng bâng quơ: "Quái lạ!".

Ai cũng biết, khi mọi người đã yên vị, rượu đã rót ra, thì y như rằng ông đứng dậy đi rửa tay. Sao không rửa tay trước mà lại rửa tay đúng vào lúc ấy. Mà ông ta thì bẩn chết đi được. Làm gì vệ sinh đến mức ấy? Mà quái lạ, nhìn kỹ, thấy tay ông ta vẫn khô nguyên là nghĩa làm sao? Là nghĩ thế, là bụng hỏi dạ, chứ bố thằng nào dám mở mồm ra. Đến ngay cả sự thắc mắc hiện trên nét mặt cũng còn không dám nữa là.

Kia rồi. Ông ta đã trở lại chỗ của riêng mình, loay hoay thu chân ngồi xuống, trong khi hai người hai bên, chân quỳ, chân gập sau đít, đỡ ông ngồi.

- Nào các chú, ta nâng cốc chúc mọi việc như ý.

Ông gọi đến cho ăn không phải là để anh em chén thừ chén tạc, chén chú chén anh, mà là vì công việc Cho nên ông không chức sức khoẻ, mà là chúc công việc như ý. Việc gỉ thế? Thì cứ ăn đi đã. Vừa ăn, vừa nghe ông chỉ thị…

Nhưng mới được mấy lần gắp, ông đã đặt đũa xuống. Bắt đầu rồi đây.

Các chú cố gắng tim hiểu thật kỹ, theo dõi thật kỹ, thật sát sao, xem đối tượng ăn ở ra sao. Tác phong sinh hoạt thế nào? Phải để ý đến cả quần áo, tóc tai, lời ăn tiếng nói hằng ngày. Câu nói nào đáng chú ý thì phải ghi lại, ghi rõ cả giờ phút nó nói, nói chỗ nào, có ai nghe thấy, trong hoàn cảnh nào. Công việc đối tượng làm thì có kết quả đấy, nhưng cách quản lý, điều hành ấy như thế nào? Có đúng với đường lối, phương châm của Đảng không? Có theo đúng đường lối giai cấp của Đảng không? Phải phát hiện ra. Phải suy nghĩ. Nâng lên thành quan điểm, lập trường càng tốt. Tôi sẽ đánh giá trình độ giác ngộ của các chú qua việc này. Để làm gì thì biết cả rồi, không phải giải thích.

Khi ông nói, cả năm người đều ngừng ngay việc ăn uống tầm thường lại, để tiếp thư những lời dặn dò. Có người còn lấy bút ra ghi vào sổ tay. Ai đang gắp thì thu đũa về. Ai đã gắp vào bát thì để đấy. Ai đang nhai thì ngậm miệng, kín đáo nhai trệu trạo rồi nuốt vội. Một người vừa mới bỏ miếng thịt vào miệng, chưa kịp nhai, vội đưa bát lên miệng, nhè ra.

Tất cả im phăng phắc nghe ông chỉ thị. Chỉ còn tiếng con nhặng xanh vo vo đánh hơi thấy mùi mắm tôm sà vào.

Ông nói xong, bảo mọi người:

- Thôi các chú ăn đi rồi còn về. Nhớ kỹ đấy nhé.

Mọi người lại ăn tiếp. Nhưng vì cùng một lúc ngừng, giờ lại cũng ăn tiếp nên năm sáu đôi đũa cùng đưa xuống mâm, tua tủa như gương, như giáo, như bát xà mâu, nhất tề xỉa vào kẻ thù. Có hai đôi, tức là hai cánh tay đan chéo vào nhau. Một trong hai người phải rút tay về nhường cho người kia.

Ông thì không cần phải gắp gì, mà bát vẫn đầy thức ăn - những miếng ngon nhất. Hai người thân tín ngồi hai bên. Một là phó bí thư thường trực, chuyên trách công tác Đảng, hai là trưởng phòng Tổ chức cán bộ - thường vụ Đảng uỷ có vinh dự chăm sóc lãnh đạo. Trong bát ông đã có một miếng gan, một miếng dồi. Trưởng phòng Tổ chức gắp miếng thịt hấp lên, có vẻ chưa vừa ý lại đặt xuống. Nếu là gắp cho mình thì xấu quá. Nhưng gắp cho bí thư đảng uỷ cơ mà. Vì thế có gắp lên đặt xuống cũng chả sao. Miếng sau nạc hơn. Được! Nhưng vẫn đeo dính một tí da. Không ngần ngại, anh lấy tay dứt ra phần da ngoan cố không chịu ly thân khỏi phần nạc, rồi mới đưa lên bát ông.

Người ta chỉ có thể gắp miệng dồi, miếng gan, chứ không ai lại cứ thế chan canh cho ông, mà lúc này ông lại muốn làm một muôi xáo măng. Thế là, tay phải vẫn cầm đũa, ông đứa ra cầm muôi. Lóng ngóng thế nào để đầu đũa vừa chấm mắm tôm quệt vào tay áo. Bực mình, ông đặt cả bát, đũa xuống, lấy giấy lau mồm rồi lau áo.

Một mẩu giấy mỏng tách ra, dính vào mũi nên ông không thể biết. Ông không biết, nhưng ai cũng biết. Ai cũng buồn cười, nhưng không ai dám cười. Trưởng phòng Tổ chức nhắc: "Trên mặt anh có mảnh giấy". Anh ta không nói đúng vị trí mảnh giấy dính là cái mũi.

Bởi nói thế, nghe rất buồn cười. Vì thế, khi ông đưa lay lên mặt, vẫn không làm cho mảnh giấy rời ra. Thấy thế mọi người đều muốn cười mà không dám cười. Cái mặt muốn cười mà không dám cười trông mới buồn cười chứ. Ông lại đưa tay lên rờ rẫm mặt. Vẫn không được.

Cả mâm chăm chú theo dõi. Sợ mọi người không giữ được sẽ cười thật, trưởng phòng Tổ chức lấy hết can đảm đưa tay lên, nhón lấy mảnh giấy trên mũi ông xuống, đưa ra trước mặt ông, như báo cáo: "Nó đây ạ! Chính nó là thủ phạm bám vào mặt thủ trưởng đây ạ!"

Ông là người cao tuổi nhất nhà máy, như cha mẹ mình ở nhà, lại là bí thư Đảng uỷ, việc chăm sóc ông là phải đạo. Ai chả muốn làm như thế? Nhưng không phải ai cũng được làm như thế.

Sau trận rượu thịt chó này, còn một trận tiết canh ngan, bún ngan nữa. Đại thể mục đích yêu cầu cũng như thế? Ông điểm xem đã phát hiện, đã tìm hiểu được những ai…

Trong bữa thịt chó, đã có một người nói một câu bâng quơ, không đầu, không đũa: "Quái lạ!" Đấy là một tay tháo vát, nhanh nhẹn, hoạt bát. Tay ấy nói câu ấy vào lúc ông bí thư đi rửa tay. Nhưng không ai biết anh ta là cái gì? Nên cũng chẳng ai bắt chuyện hay hưởng ứng. Lần này, khi thấy ông co chân đứng dậy đi rửa tay. Anh ta cũng kín đáo chuẩn bị tư thế đứng dậy. Ông ta vừa đi khuất khỏi cánh cửa, anh ta cũng lập tức bật dậy buông lại một câu dặn với mọi người: "Em ra ngoài một tí". Anh ta theo ông vào khu vệ sinh, nấp vào một chỗ ghé đầu nhìn. Thấy ông bí thư rút từ trong túi quần ra một cái chai nhỏ, ngửa cổ đưa lên miệng. Cục yết hầu trên cái cổ to như cổ trâu đưa lên hạ xuống để nuốt, rồi cái chai lại đưa lên miệng lần nữa. Đoạn ông xoáy nắp lọ bỏ vào túi quần. Anh chàng láu cá ba chân bốn cẳng biến về chỗ ngồi của mình. Vừa kịp đặt đít xuống chiếu thì ông ta hiện ra sau cánh cửa.

Không một ai biết anh ta vừa đi đâu, vừa làm gì. Cũng không một ai biết bí mật của việc đi rửa tay của ông. Sau này, khi ông bị buộc phải nghỉ hưu, bí mật ấy rưới bị anh chàng kia tiết lọ. Thì ra, bố ấy ra sau uống rượu thuốc ngâm cao hổ cốt. Uống vụng một mình. Thảo nào cái thứ rượu Làng Vân, bố ấy chỉ nhắp qua loa gọi là.

Vì Trần Kiên là trưởng phân xưởng Cơ khí Động lực nên việc xét kết nạp Đảng của anh được đưa ra cuộc họp Ban chấp hành mở rộng vào chiều thứ bảy.

Hôm nay bí thư ăn mặc rất chỉnh tề. Lại thắt cả cravát nữa. Chỉ có điều, nó lại được đưa ra ngoài áo len cộc tay. Và giầy đen, quần sẫm mầu lại đi tất trắng. Ông quán triệt:

- Các đồng chí hãy lấy tinh thần Đảng viên trong công tác xây dựng Đảng, chân thành góp ý kiến, nhận xét ưu khuyết điểm của quần chúng Trần Kiên, để đưa ra kết luận cuối cùng, xem có xứng đáng đứng trong hàng ngũ những người Cộng sản không?

Lập tức mấy cánh tay giơ lên:

- Tôi thấy anh Trần Kiên làm việc cũng được đấy. Nhưng tác phong sinh hoạt thì phải xem lại. Tóc tai gì mà trùm kín gáy. Đảng viên không thể để tóc đít vịt như thế?

- Đành rằng kêt quả thi đua ở phân xưởng anh ta là cao so với toàn nhà máy, nhưng để đạt được thành tích ấy, anh Kiên đã sử dụng một lối quản lý tư bản chủ nghĩa. Công nhân không được tôn trọng như những người làm chủ tập thể. Không động viên công nhân, chỉ ra lệnh như một ông chủ. Hết đe doạ trừ lương lại đe doạ cắt thưởng. Thử hỏi, nhà máy này của ai, của giai cấp công nhân chúng ta hay của riêng anh ta?

- Tôi thì tôi đặc biệt ghét lác phong sinh hoạt tiểu tư sản. Gớm, đi làm mà cứ như đi dự đám cưới ấy. Giở nghỉ, anh em công nhân thì chơi tú lơ khơ hoặc trò chuyện thân mật trong tinh cảm giai cấp. Chỉ riêng anh ta cứ chúi mũi vào quyển sách. Cái bệnh sách vở sinh ra từ đấy chứ đâu.

- Đúng đấy. Tôi thấy anh này hay cầm một tài liệu gì đấy. Những lúc có một mình, tôi bắt gặp anh la xì là, xì lồ tiếng gì lạ lắm. Hỏi thì anh ta bảo đang luyện tiếng Mỹ. Chết thôi! Học tiếng của kẻ thù để làm gì hả các đồng chí? Để biệt kích nó nhảy xuống đây, người nhái nó theo đường sông vào đây thì làm thông ngôn cho nó à? Dẫn đường cho nó à? Các cụ ta đã dạy rồi: Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng. Sao lại học tiếng nói của kẻ thù hả trời? Trong khi tất cả chúng ta học tiếng Nga, tiếng của Lênin, của quê hương Cách mạng tháng Mười thì anh ta lại học tiếng của kẻ thù? Đấy lập trường địch ta của anh ta thế đấy! Lập trường giai cấp của ta thế đấy các đồng chí ạ!

Các đồng chí chúng ta thường hát bài gì? Vì nhân dân quên mình này, Không cho chúng nó thoát này. Còn anh này á? Toàn những bài nhạc vàng vọt, rền rĩ…"Đêm dài qua dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới…" rồi "Cây thuỳ dương buồn…". Thanh niên thời đại Hồ Chí Minh sao lại ẻo lả, uỷ mị như thế được?

Phải như tùng bách trước gió, chứ sao lại như liễu rủ ven sông? Thời buổi chiến tranh ác liệt thế này mà cứ anh anh, em em như thế sao được? Tất cả những tình cảm riêng tư đều phải nén xuống, nhường chỗ cho những tình cảm cách mạng, chiến đấu. Một quần chúng như thế không biết chứng ta phải giáo dục bao lâu mới gột rửa được những thói xấu cố hữu của giai cấp tiểu tư sản.

Đồng chí bí thư đã nói rồi, tôi xin nhắc lại cũng không thừa. Thành tích ở phân xưởng Cơ khí Động lực là của chung mọi người. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Nếu có đóng góp một tí nào thì đó chỉ là kết quả tính xốp nổi của giai cấp tiểu tư sản mà thôi.

Phe bí thư phát biểu dồn dập, tới tấp như một trận tiến công liên tục, nổi dậy đều khắp. Việc chuẩn bị lý luận, tập hợp lực lượng của bí thư Đảng uỷ mang lại kết quả không ngờ: phe giám đốc không nổ được một phát súng nào đáp lại. Với thế áp đảo ấy, kể ra cho bỏ phiếu hở cũng chắc ăn rồi. Nhưng vốn tính thận trọng và để tỏ ra khách quan ông nói:

- Chúng ta không bao giờ quên được lời dạy của Bác Hồ, người sáng lập ra Đảng ta: "Phải giữ gìn sự đoàn kết của Đảng như gìn giữ con ngươi của tròng mắt mình", các đồng chí ạ! Vì thế để đảm bảo đoàn kết nội bộ và dân chủ, chúng ta sẽ bỏ phiếu kín!

Hòm phiếu được mang ra. Đó là một chiếc hộp phấn thạch cao 100 viên rỗng, dán lại. Phiếu được đóng dấu đảng uỷ đỏ chót, phát đến tay từng người.

Bí thư Đảng uỷ Hải phấn chấn ra mặt. Các bắp thịt trên mặt ông nổi lên đầy đặn, đỏ lựng. Khí sắc của con người được rượu cao hổ cốt đổ vào họng hằng ngày. Trong khi chờ kết quả bỏ phiếu, bí thư Đoàn cầm trịch cho mọi người hát: "Kết đoàn, chúng ta là sức mạnh, kết đoàn, chúng ta là thép gang…". Mọi người vừa hát, vừa vỗ tay theo nhịp hành khúc.

Bỗng nhiên, Trưởng phòng Tổ chức đến bên bí thư Đảng uỷ, dúi vào tay ông một mảnh giấy nhỏ gấp tư.

Ông mở ra đọc.

Mắt bỗng sầm lại.

Mặt đang đỏ lựng mà tái dại ngay như miếng thịt trâu ôi chợ chiều.

Kết quả bỏ phiếu được công bố. 18/5 người đồng ý kết nạp Trần Kiên. Chỉ tại ông quá chủ quan. Chỉ tại ông ra cái điều dân chủ với công khai. Nếu cứ giơ tay biểu quyết thì sẽ có những đứa nể mặt ông, hãi ông mà phản đối đấy. Hoá ra mình dại. Mà mấy người thân tín của ông nữa. Công lao bồi dưỡng chúng nó thế là công toi. Thế nghĩa là một trong năm đứa có mặt trong bữa rượu đã phản bội ông. Thế mà lúc nãy, trước khi bỏ phiếu, cả năm đứa đều phát biểu phê phán Trần Kiên đủ điều. Tức là một trong năm đứa đã bỏ phiếu tán thành. Gớm thật! Quân xanh vỏ đỏ lòng! Đứa nào? Ông sẽ tìm kỳ ra cho mà xem.

Nhưng, cũng tại mình cơ. Sao lại chủ quan khinh địch như thế nhỉ? Muối mặt một tí, cứ giơ tay biểu quyết có phải ăn chắc không. Trong số các cán bộ chủ chốt, sẽ không có mấy thằng đủ can đảm làm trái ý mình đâu. Và cả cái thằng chó chết nào đấy trong số năm đứa thân tín, tin cậy cũng không dám phản mình".

Ngay sau cuộc họp thường vụ Đảng uỷ nhà máy lần trước, Quận uỷ đã nắm được tình hình. Quận uỷ nhận ra ngay vấn đề mất đoàn kết nội bộ ở đây. Vì thế, nhân Hoè về phổ biến nghị quyết đã tranh thủ ý kiến ông. Sau đó, ông đã về tận đây gặp gỡ tìm hiểu cặn kẽ sự việc. Quận uỷ cũng đã cử phái viên về dự cuộc họp ban chấp hành mở rộng này.

Sự việc được báo cáo lên trên. Hải bị Ban kiểm tra Quận uỷ gọi lên kiểm điểm. Dù không bị kỷ luật, vì xét quá trình công tác, nhưng ông bị kết luận: Không đảm bảo sự lãnh đạo lành mạnh đúng đắn của Đảng, gây bè phái, chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ. Bị nghỉ hưu trước thời hạn.

Kết nạp xong, Kiên được đề bạt phó giám đốc nhà máy. Sau đó, nhà máy hoạt động theo mô hình công ty.

Khi giám đốc được đề bạt phó giám đốc Sở, anh được lên thay, và theo quy định mới, anh được bầu kiêm luôn chức bí thư Đảng uỷ công ty.