Luận Anh Hùng

TÀO THÁO - 1 -

Docsach24.com

ào Tháo là gian hùng.

Tào Tháo là gian hùng, phần lớn do bị ép buộc.

Lúc này mới thấy, thời đại Hạng Vũ còn tương đối tự do. Bấy giờ, thể chế chuyên chế trung ương tập quyền đang trong giai đoạn ban đầu và thời gian thử nghiệm cũng không dài, sau khi Tần diệt vong, mọi người cũng không chơi ngón trò này nữa. Quan niệm “dưới gầm trời chỉ có thể có một hoàng đế, bất kể hoàng đế là thần là người, là chó là lợn, đều phải tuyệt đối trung thành, bằng không tức là gian là phỉ”, cũng chưa được hình thành rõ rệt. Cục diện “thiên hạ phân phong, chư hầu cát cứ, ngũ bá nổi dậy, thất hùng cùng hưng, Sở mạnh nam phục, Tần bá tây thuỳ, thay phiên tử hội ước chư hầu, quyết phen sống mái” vẫn còn mới mẻ trong ký ức mọi người. Các chủ hầu tự do tuyên chiến, giảng hoà, kết minh, thu thuế, hoàn toàn không coi thiên tử ra gì. Văn nhân và võ sĩ, du hiệp cùng lũ thích khách được tự do chu du các nước, lưu động giữa các chư hầu, sớm Tần tối Sở, chọn chủ mà thờ, cũng không hề coi tước vị quan lộc trong tay là gì cả. Thậm chí Điền Tử Phương còn nói với Nguỵ thái tử là Kích rằng: Kẻ sĩ bàn luận mà không được dùng, chủ trương mà không hợp, thì lập tức chạy sang nước khác. Vứt bỏ quốc dân cũng như vứt bỏ chiếc giày cỏ. Tóm lại, khi đó một người chỉ cần có thực lực, có khả năng, có bản lĩnh, thì nhiều ít tuỳ ý có thể làm những việc minh muốn làm. Dù vận may chưa đến, có thất bại, cũng không có ai đàm tiếu. Vì vậy, tuy nói “thắng làm vua, thua làm giặc”, nhưng Trần Thắng từng tuyên chiến với hoàng đế, giữ nghĩa mà bại trận, cũng không có ai nói Trần Thắng là giặc, là phỉ? Không giống như bọn Tống Giang sau này, dù đã chiêu an, nhưng vẫn không vứt bỏ được cái mác thổ phỉ hay giặc cỏ.

Đây là thời đại sôi động, chiến tranh không ngừng, chiến sự liên miên, thôn tính lẫn nhau, cá lớn nuốt cá bé, và cũng là thời đại anh hùng, thời đại giữa hổ và báo. Đối với người yếu là không công bằng cho lắm, nhưng đối với người mạnh thì có cả một vùng trời tự do rong ruổi. Nên dù nói gì đi nữa, Hạng Vũ vẫn là người có nhiều tự do. Nay đã thất bại, nhưng vẫn không hề mất sĩ diện của người thất bại, vẫn còn nhiều người cúng tế nhớ thương Hạng Vũ. So sánh một chút thì thấy, Tào Tháo là người lỗi thời đen đủi hơn nhiều. Tào Tháo đã thành công (rất thành công), nhưng vẫn bị vẽ thành bộ mặt trắng bệch(1).

Số phận đã định, Tào Tháo chí có thể làm người xấu.

Tào Tháo, tự Mạnh Đức, tên cúng cơm là A Man, người huyện Tiều nước Bái, nay là thị trấn Bạc Châu, An Huy. Tam quốc chí của Trần Thọ nói, Tào Tháo là hậu thế của Tào Tham, tướng quốc thời Tây Hán, nói thế là sai. Vì Tào Tháo vốn không phải họ Tào. Tào Tung, cha của Tào Tháo chỉ là con nuôi của Tào Đằng. Tào Tung và Tào Đằng không có quan hệ huyết thống thì dù có chứng minh rõ, Tào Đằng là đời sau của Tào Tham, cũng có liên can gì đến Tào Tháo? Sự thực thì, cha mẹ đẻ của Tào Tung cuối cùng là ai, đến nay vẫn còn là câu đố, ngay cả Trần Thọ cũng chỉ có thể nói “không thể biết ai đã sinh ra họ”. Tào Tháo nói biết cha mẹ đẻ của mình là ai, vẫn chỉ là “lai lịch bất minh”.

Tào Tháo sống trong thời đại không tốt.

Tào Tháo sinh ra và lớn lên ở hai triều Hán Hoàn đế, Linh đế, ra đời vào năm 155 Công nguyên, năm Vĩnh Thọ thứ nhất thời Hoàn đế, năm 174 Công nguyên, năm Hy Bình thứ ba thời Linh đế Tào Tháo ra làm quan; hai triều Hoàn, Linh được coi là thời đại hỗn loạn nhất, đen tối nhất trong lịch sử bốn trăm năm vương triều Hán. “Thời kỳ Hoàn - Linh” là cụm từ chỉ thời kỳ vua tối quan gian này, muốn làm “người tốt” trong thời đại này là quá khó. Không bị hãm hại cũng bị chèn ép, Tào Tháo không chỉ không muốn bị hãm hại, cũng không muốn bị chèn ép, đương nhiên phải làm “người xấu”. Tóm lại, Tào Tháo sinh không gặp thời, lai lịch bất minh, thực quá đen đủi.

Trong thực tế, thời đại của Tào Tháo khác hẳn với thời đại của Hạng Vũ. Giả sử Tào Tháo sinh trưởng gặp thời, cũng chưa hẳn đã làm được gì. Kể từ khi vị hoàng đế lưu manh Lưu Bang thống nhất thiên hạ về mặt tổ chức, cháu của Lưu Bang là Vũ đế Lưu Triệt thống nhất thiên hạ về mặt tư tưởng, thì những kẻ hổ báo có khí chất anh hùng và tinh thần cao quý, cho dù là văn nhân hay võ sĩ, cho dù là có ý tưởng hay hành động đều bị xử lý gần hết. Biện pháp xử lý vẫn là chiếc gậy có thêm củ cà rốt, có điều củ cà rốt có hạt và chiếc gậy sẽ biến thành răng sói dính đầy máu. Thái sử công Tư Mã Thiên chỉ nói đỡ cho Lý Lăng nói mấy câu, mạo phạm hổ uy của Vũ đế liền bị nhục hình đến mức, nam không ra nam, nữ không ra nữ; còn như Đại nông lệnh Nhan Dị căn bản không bàn luận, chỉ là nghe người khác bàn về triều chính, môi dưới cứ mấp máy, trễ xuống một chút, liền bị coi là “phục phỉ” (có bụng phỉ báng), liền bị tử hình; chẳng trách trong thành Tràng An khi đó có năm vạn người, tù nhân có tới mười sáu, mười bảy vạn, chẳng trách khi Lang trung lệnh Thạch Kiến dâng thư tâu việc, chữ “mã” viết thiếu nét, đã phải sợ đến kinh người. Những chuyện này đều xảy ra trong thời kỳ vị vua hùng tài đại lược Hán Vũ đế cầm quyền. Vũ đế luôn được coi là một rrong các vị đế vương vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc, chính là “Tần Hoàng Hán Vũ, Đường Tông Tống Tổ”. Vì vậy, Hán Vũ đế luôn được coi là anh hùng. Nhưng tôi lại thấy, nền thống trị dưới bàn tay sắt của Vũ đế, nghiệp tích anh hùng thì có, nhưng không có tinh thần anh hùng.

Tào Tháo sống trong thời kỳ Hoàn - Linh, tình hình lúc này đã quá tồi tệ. Vương triều Đại Hán cùng với chế độ của mình, trong ngoài đâu đâu cũng đầy xác chết. Trên thực tế, từ lúc Vương Mãng cướp quyền đến sau khi Quang Vũ trung hưng, vương triều Hán đã không thể phục hồi. Ngoại thích nắm quyền, hoạn quan chuyên chính, quân phiệt xưng hùng, gian thần liều mạng nắm quyền, tham quan ra tay vơ vét, trăm họ đành phải ăn nhờ đất Phật. Đạo đức suy đồi, tất cả là một mớ hỗn độn. Lúc đó có những câu dân ca: “Đỗ tú tài, không biết chữ, đỗ hiếu liêm, cha ở riêng”; “thẳng như dây cung, chết bên đường, cong như cái móng, được phong hầu”, rõ ràng thiếu liêm ít sỉ, miệng thật lòng giả đã thành mốt. Chẳng có gì là lạ, vương triều ấy, chế độ ấy không dùng được người quân tử, tất sẽ nuôi được kẻ tiểu nhân, đã không nghe được lời nói thật, mọi người đành phải nói lời giả. Khi nhiều người phải lén lút, run sợ, như rùa rụt cổ, chuột già vào hang, khi ham muốn quyền lực phình lên cực độ, ham muốn vật dục ngang ngược bành trướng thì ti tiện được khích lệ, cao quý bị đả kích, làm gì có khí chất anh hùng, tinh thần cao quý, làm gì còn hổ và báo. Có chăng chỉ là chó và dê. Chó thô bỉ đó là từ con sói ác độc biến thành, còn dê tầm thường chính là con sói khoác da dê, hơn nữa là con sói lông vàng.

Nếu lúc này, đột nhiên xuất hiện một chú hổ hoặc báo, thì sẽ ra sao đây? Mọi người sẽ coi chúng như quái vật, giống con vịt trong truyện cổ tích, nói con thiên nga nhỏ bé kia là con vịt nhỏ xấu xí. Nhưng đó chỉ là lời mấy chú vịt cười nhạo chú vịt con xấu xí, mấy con chó thô tục và mấy con dê tầm thường kia sẽ nhất tề xông lên, tỏ vẻ mặt hoa da phấn cho hổ và báo kia xem.

Vận mệnh Tào Tháo là như vậy.

Vận mệnh của Tào Tháo như đã được quyết định từ trước.

Con người Tào Tháo lúc nhỏ chừng như là “thiếu niên có vấn đề”, nhiều chỗ giống với Lưu Bang, Hạng Vũ thuở nhỏ, có điều Tào Tháo thích đọc sách hơn hai người kia. Sử sách nói, lúc nhỏ Tào Tháo “thích ưng bay chó chạy, phóng đãng vô độ”. Người chú không vừa mát khi thấy cảnh đó, thường nhắc nhở Tào Tung phải thường xuyên trông nom thằng bé này, Tào Tháo biết chuyện, liền nghĩ quỷ kế để đối phó với ông chú lắm chuyện. Một hôm, Tháo nhìn thấy ông chú từ xa đi tới, liền vờ méo miệng xệch môi. Chú đến hỏi vì sao, đáp đột nhiên trúng gió. Lập tức người chú đến báo với Tào Tung. Lúc Tào Tung gọi Tào Tháo đến xem, đã chẳng thấy có chuyện gì. Nhân đó Tào Tháo nói thêm, làm gì có chuyện con trúng gió! Có thể chú không thích con nên mới nói bừa như vậy! Đã có chuyện “sói đến rồi” làm vật đệm, từ đó về sau người chú có nói gì đi chăng nữa, Tào Tung đều không tin.

Thực tình thì Tào Tung không quan tâm nhiều đến việc dạy dỗ đứa con này. Tào Tháo làm thơ nói: “Ký dĩ tam tỉ giáo, bất văn quá đình ngữ” (Dịch nghĩa: Chưa từng được nghe dạy dỗ về “tam tỉ”, cũng chưa từng được nghe về “quá đình”), “tam tỉ” là nói mẹ thầy Mạnh Tử, đã rời nhà đến ba lần, để con có hoàn cảnh tốt, còn quá đình là nói, con Khổng Tử hai lần đi qua sân, đều bị cha gọi lại để giáo dục, lần một bảo con học Thi, lần hai bảo con học Lễ. Xem ra, từ nhỏ Tào Tháo không được cha mẹ dạy bảo, là con nhà không mấy gia giáo. Vì thế, Tào Tháo “chơi bời phóng đãng, không màng sự nghiệp”, không khác mấy với Lưu Bang lúc trẻ “rượu chè trai gái”, “không nghĩ chuyện làm ăn, gia đình”.

Bạn bè của Tào Tháo như Viên Thiệu, Trương Mạc cũng cùng một loại. Họ thường tụ tập ầm ĩ, cũng lắm chuyện ra trò. Một lần có một người kết hôn, Tháo và Thiệu đến xem, rồi bỗng nhiên nghĩ tới chuyện cướp cô dâu. Cả hai đã trốn vào trong vườn, chờ lúc trời tối mới gào to: “Có trộm”, khi người đến dự hôn lễ chạy hết ra ngoài, nhân lúc rối loạn, Tào Tháo liền chạy vào động phòng cướp dâu. Vì quá hốt hoảng, đi đường không khéo, Viên Thiệu rơi vào bụi gai bên đường, không sao thoát ra được.

Trong lúc nguy cấp, Tào Tháo sinh kế, liền gào lên: “Trộm ở đây!”. Vì sợ quá Viên Thiệu bật mạnh, cả người thoát khỏi bụi gai, những quỷ kế như vậy, Tào Tháo có rất nhiều, trách gì “Tam quốc chí” từng nói Tháo là “ít nhạy bén, nhưng tài ứng biến”.

Một đứa trẻ thích chơi những trò ác như vậy, hẳn nhiều người sẽ không thích, họ xem thường Tào Tháo. Nhưng Thái uý Kiều Huyền lại nói Tào Tháo là “tài giỏi nhất đời”, bình định thiên hạ sau này, chính là Tào Tháo. Vì vậy, Tào Tháo tuy ngang bướng nghịch ngợm, không có phép tắc, nhưng không phải con em nhà lưu manh ác độc, con em nhà quyền quý bình thường. Tào Tháo “tài võ tuyệt vời, không ai hại nổi, bác học quần thư, nhiều nhất là binh pháp”, đúng là nhân tài mà loạn thế đang cần. Vì vậy Kiều Huyền rất tin tưởng Tào Tháo, gửi gắm cả vợ con, còn đề nghị Tháo kết giao với Hứa Thiệu, xem Hứa Thiệu nói thế nào.

Hứa Thiệu tự Tử Tương, người Bình Dư, Nhữ Nam (nay là Bình Dư, Hà Nam) là nhà bình luận, nhà giám thướng nổi tiếng nhất thời đó. Thường cứ vào mùng một hàng tháng, Hứa Thiệu bình phẩm nhân vật đương thời, gọi là “Nguyệt đán bình”, còn gọi là “Nhữ Nam Nguyệt đán bình”. Bất luận là ai, một khi được bình, thì thân giá cao lên gấp bội, người đời lưu truyền, coi đó là lời đẹp. Nên nhớ rằng, thời Lục triều Hán Nguỵ, bình phẩm nhân vật là việc lớn trong xã hội. Bất kỳ ai, muốn bước vào xã hội thượng lưu, buộc phải có sự giám định của nhà phê bình quyền uy, qua đó quyết định thân giá của mình, giống như trong thị trường nghệ thuật được các nhà phê bình quyền uy cho là tốt, mới bán được giá cao. Đương nhiên Tào Tháo cũng hy vọng có được lời bình tốt từ Hứa Thiệu, nhưng phải chăng bình phẩm Tào Tháo rất khó, nên Tào Tháo chỉ nhận được lời bình như mọi người đã biết: “Là năng thần trị thế, là gian hùng thời loạn”. Nghe nói để có được lời bình của Hứa Thiệu, Tào Tháo đã mất nhiều tâm sức, nhưng mặc cho Tào Tháo cầu xin đến mấy, Hứa Thiệu vẫn không chịu nói. Cuối cùng, bị bức đến hết cách, Hứa Thiệu mới nói ra câu đó. Và như vậy, chúng đã hiểu rõ cuộc đời Tào Tháo tận khi đậy nắp quan tài.

Hiển nhiên, Hứa Thiệu cũng đã thấy rõ Tào Tháo là một nhân vật. Còn như là năng thần hay là gian hùng, còn phải xem Tào Tháo ở trị thế hay loạn thế”(2).

Trở thành nhân vật, là tố chất; ở vào thời nào lại là vận khí.

Vận khí Tào Tháo không tốt, Tào Tháo ở vào thời loạn, là gian hùng, e đó là điều định sẵn. Thực tình thì ngay từ đầu, Tào Tháo đã muốn là năng thần. Năm 174 Công nguyên, hai mươi tuổi, Tào Tháo được cứ là hiểu liêm. Hiểu là hiểu tứ, liêm là liêm sỉ, có được xưng hiệu đó là có được bước thứ nhất vào chốn quan trường, giống ngày nay có bằng cấp là có khả năng thi làm quan chức. Ít lâu sau, Tào Tháo được bổ nhiệm làm Bắc bộ uý thành Lạc Dương, phụ trách trị an phía bắc thành Lạc Dương. Là chức quan không to (bổng lộc 400 thạch), quyền không lớn, nhưng trách nhiệm lại rất nặng, rất nhiều phiền hà. Dưới chân thiên tử, quyền quý đông đúc, đố ai dám đụng tới họ! Nhưng công việc trị an trên phần đất kinh đô không thể không duy trì. Nên vừa tới nhiệm sở, Tào Tháo đã thay mới toàn bộ viên chức nơi nha môn, cho làm nhiều chiếc gậy năm mầu, treo ở mỗi bên cửa lớn mười chiếc. “Ai phạm lệnh cấm, kể cả cường hào, đều bị đánh chết”. Sau đó mấy tháng, quả nhiên có người tìm đến xin chết. Đó là chú của hoạn quan Kiển Thạc được Linh đế sủng tín. Ỷ thế có đứa cháu miệng thét ra lửa, hắn không thèm để ý tới lệnh cấm của Tào Tháo, ngang nhiên vi phạm lệnh cấm đi đêm. Tào Tháo rất tỉnh táo, lập tức cho lấy gậy năm màu đánh chết hắn. Đúng là giết một, hàng trăm người phải sợ, “kinh đô thu mình lại yên ổn không ai dám phạm”, tình hình trị an chuyển biến tốt, Tào Tháo làm chấn động cả trong triều ngoài dã.

Chừng từ năm 174 xuống núi, năm 189 khởi binh, trong vòng mười lăm năm, Tào Tháo vẫn còn muốn là năng thần. Tào Tháo từng là Bắc bộ uý Lạc Dương, Tế Nam tướng (thành cổ ơ phía đông huyện Lịch Thành, Sơn Đông ngày nay), điển quân Hiệu uý… Trong đó, một lần bị miễn chức, hai lần từ quan, ba lần bị triệu làm Nghị lang. Trong chốn quan trường chìm nổi, Tào Tháo đã hiểu rõ mọi chuyện trong triều và quan viên. Tào Tháo thấy rõ, vương triều Đông Hán đã hết thuốc chữa, thiên hạ đại loạn không thể thay chuyển. Và dù không loạn lạc, thì triều đình và quan trường hủ bại kia cũng không cần có “năng thần trị thế”. Tào Tháo từng dâng thư lên triều đình, nói hết mọi điều tệ hại, nhưng như cát lún xuống không có hồi âm. Là Lạc Dương uý, Tào Tháo hành luật nghiêm minh, đả kích cường hào; là Tế Nam tướng, Tào Tháo trị quan sạch dân, địa phương yên bình. Tất cả những điều đó, vẫn chưa đủ để có thể chỉnh đốn triều cường, thay đổi tình thế, cũng chưa thể có nhiều ảnh hưởng. Mọi cố gắng của Tào Tháo cho vương triều sắp tàn lụi, đều như muối bỏ biển, chẳng nên công cán gì, đối với bọn quyền thần hoành hành bá đạo thì chỉ như châu chấu đá voi, trứng chọi với đá. Sở dĩ Tào Tháo còn chưa bị hoạ sát thân vì đằng sau còn có Tào Đầng chống đỡ. Lúc này triều đình lại mượn cớ Tào Tháo “thông tỏ cổ học” nên nhiều lần để Tào Tháo nhận chức Nghị lang, nhàn rỗi có chức không quyền, triều đình không trọng dụng.

Một lần nữa, Tào Tháo không thể không nghĩ lại về chọn lựa con đường của đời mình.

Xem ra, không thể là năng thần trị thế, đành phải là gian hùng vậy.

Kỳ thực, là gian hùng sẽ càng “dễ nghiện” hơn là năng thần. Trung mà vô năng là ngu tối, năng mà không trung là gian, đều không là năng thần. Nhưng chỉ là vừa trung vừa năng, thì chưa đủ, còn phải được mọi người thừa nhận. Rất khó để có được điều kiện thứ ba. Vì vậy, nghi ngờ năng lực của người khác là thứ bệnh thông thường của quan trường; nghi ngờ bề tôi không trung là căn bệnh thông thường của đế vương. Vì vậy năng thần có kết cục tốt trong lịch sử là không nhiều. Khi sống không bị giáng chức thì khi chết cũng bị chửi, là năng thần mà khi sống lẫn khi chết đều không bị người đời đàm tiếu, e chỉ có mình Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng sống rất mệt.

Hình tượng Gia Cát Lượng bị méo mó ghê gớm. Nói chung, mọi người luôn cảm thấy Gia Cát Lượng sống rất thoải mái. Dù gặp bất kỳ chuyện gì thì hầu như Gia Cát Lượng đều biết trước kết quả. Có nhiều mưu kế hay, thậm chí còn viết thành lời, cho vào túi kín, khi gặp việc người chấp hành chỉ cần giở ra xem. Bản thân không chỉ cần ra trận giết giặc, cũng không phải lao tâm khổ tứ, chỉ cần quấn khăn lên tóc, phe phẩy chiếc quạt lông, pha binh trà hoa cúc, bầy bàn cờ vây, rồi “nói nói cười cười mà giặc mạnh đã tan thành mây khói”, thoải mái biết chừng nào.

Kỳ thực, Gia Cát Lượng cũng chịu rất nhiều áp lực tâm lý. Lưu Bị và Gia Cát Lượng, quân thần gặp nhau luôn là tấm gương để đời, được xem là vua nhân tôi trung, vua sáng tôi hiền. Nhất là câu chuyện “ba lần đến lều cỏ” nổi tiếng, đã hàng ngàn năm nay khiến cho những văn nhân rắp ranh ra làm quan lại muốn ra vẻ khệnh khạng kia, thèm muốn đến muốn chết. Thực ra thì giữa hai người luôn có nghi kỵ và đề phòng. Quan hệ vua tôi không phải là quan hệ bè bạn, người được tín nhiệm nhất cũng là người cần nghi ngờ nhất. Vì hai bên quan hệ lâu dài, đi lại thần tình, thấu hiểu ngọn ngành, người kia có bao nhiêu cân lạng, lòng dạ người này đã tính toán đủ. Đó là điều không thể đề phòng. Hãỵ nhớ lại câu chuyện gửi con ở thành Bạch Đế, bề ngoài như không có đề phòng gì cả, vô cùng tín nhiệm, kỳ thực đó là nghi kỵ, đề phòng rất kín kẽ. Lưu Bị nói với Gia Cát Lượng, ta giao phó đứa trẻ này cho ngươi. Nếu thấy nó còn được thì giúp nó, không được thì phế bỏ, lấy mà thay. Đó là nói vui! Lưu Thiện vô năng! Rõ ràng là vậy, sao còn phải xét phải dùng? Chính vì biết rõ, Gia Cát Lượng tài “gấp mười lần Tào Phi” sợ con mình không được trọng dụng, nên không yên tâm, nên đã cố ý nói thật rõ, nói bằng hết. Gia Cát Lượng là người thông minh, đã tỏ thái độ: “Hạ thần dám đem hết sức phò tá, tỏ hết dạ trung trinh cho đến chết”, quyết một lòng giúp A Đẩu, tuổi bằng cậu học sinh cấp ba, mà trí tuệ bằng cậu học sinh cấp hai.

Trần Thọ nói, Lưu Bị gửi con “lòng dạ ngay thẳng, quân thần thành thực chí công, nếp sống của muôn đời”, nói như vậy nếu không phải nịnh bợ thì cũng là mù tịt. Đúng như lời Tôn Thịnh, nếu gửi con cho người tốt, việc gì phải nói mấy câu vô bổ đó, nếu gửi con cho người xấu, hoá ra đã chỉ đường cho cho họ làm phản. “May sao Lưu Thiện lại yếu đuối ngu tối, không hay nghi ngờ, Gia Cát thì uy lược, đủ để kiểm soát tình hình, những kẻ khác ý, không làm được gì”. Nói như vậy chỉ đúng được một nửa. Lưu Bị gửi con thành công vì Gia Cát Lượng đã nhận lời và ông là người biết giữ lời, cẩn thận, tỉ mỉ, nên mới không xảy ra chuyện. Còn như nói Lưu Thiện không nghi kỵ, thù hằn là không đúng. Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, dân chúng các nơi trong Thục đều tưởng nhớ, muốn dựng miếu thờ, Lưu Thiện không phê chuẩn, nói là “chưa hề có tiền lệ”. Rõ ràng trong thâm tâm, Lưu Thiện có thù sâu oán nặng với Gia Cát Lượng. Sự thực thì một hoàng đế dễ dàng ghen tỵ với một đại thần năng lực hơn mình, hơn nữa với một người đầu óc không thông tuệ, thì ghen tỵ, thù hận càng sâu đậm. Vì vậy, tất cả những kẻ kém cỏi đều giống nhau, chỉ cần có quyền lực, liền cảm thấy mình là nhất, rồi huyênh hoang. Một khi thấy cấp dưới mạnh hơn mình, liền tự hổ thẹn thành giận dữ, quyết tìm mọi cách để loại bỏ. Lưu Thiện cũng như vậy, chỉ vì có tâm giặc không có gan giặc, có gan giặc lại thiếu sức giặc, nên đành phải làm một chút gì đó sau lúc Gia Cát đã qua đời, để uy phong một chút, tỏ ra mình cũng là một nhân vật.

Cho dù Lưu Thiện thực bụng coi Gia Cát Lượng “như cha mình” thì cũng còn ý nghĩa gì. Thực ra thằng cha này quá ngốc. Không chỉ là ngốc mà còn vô lương tâm. Sau khi là tù binh, Lưu Thiện được đưa về Lạc Dương, được phong An Lạc huyện hầu. Một hôm, Tư Mã Chiêu mời Lưu Thiện ăn cơm, trong bữa ăn có đồng ý cho biểu diễn bài ca nước Thục. Các cựu thần nước Thục ngồi nghe đều rơi lệ, chỉ có Lưu Thiện là không, chỉ lo ăn uống, “cười vui như không”. Tư Mã Chiêu ngậm ngùi nói, một người vô tình tới mức này sao (con người vô tình tới mức này)! Một hôm khác Tư Mã Chiêu hỏi Lưu Thiện: “Có nhớ nước Thục lắm không?”. Lưu Thiện trả lời luôn: “Ở đây vui lắm, không nhớ nước Thục”. Cựu thần Khích Chính nghe vậy đã nói với Lưu Thiện, lần sau có người hỏi thì nói là phần mộ tổ tiên đang ở xa tận Lũng, Thục, không ngày nào là không tưởng nhớ, sau đó thì nhắm mắt lại. Sau này Tư Mã Chiêu lại hỏi, Lưu Thiện đã nói và làm đúng như vậy. Tư Mã Chiêu nói, nghe như là lời của Khích Chính vậy! Lập tức Lưu Thiện mở mắt, vừa sợ vừa vui nói: “Đoán đúng rồi, chính là ông ấy!”. Mọi người chung quanh đều không nhịn được cười. Đương nhiên, cũng có thể là để giữ mạng, Lưu Thiện đã vờ ngốc. Nhưng dù là vờ ngốc, Lưu Thiện cũng không có lương tâm. Trên thực tế, ngoài câu nói “ở đây vui lắm, không nhớ Thục”, Lưu Thiện không có cống hiến gì cho lịch sử Trung Quốc. Liệu có ý nghĩa gì khi phò tá loại người như vậy?

Vì thế, Gia Cát Lượng rất mệt. Vừa muốn lấy thiên hạ, vừa phải dỗ trẻ con, vừa sợ mấy ông già khác ý, vừa sợ nhỏ không vui, có thể không mệt sao? Trong thực tế, Gia Cát Lượng không giống quân sư mà giống quản gia. Từ việc lớn đến việc bé, Gia Cát Lượng đều phải để mắt tới, tự xem tự làm, tức là “tự mình làm”. Do tình thế ép buộc, do tính cẩn thận nên Gia Cát Lượng phải làm vậy. Nếu không làm như vậy, thì làm sao có thể nắm quyền lớn mà dân không nghi? Gia Cát Lượng rất sợ phạm phải sai lầm!

Lao động mệt mỏi đã tổn hại sức lực của Gia Cát Lượng, áp lực nặng nề khiến Gia Cát Lượng mất ăn mất ngủ(3). Năm 234 Công nguyên, Gia Cát Lượng ngã bệnh và qua đời ở Ngũ Trượng Nguyên, trên đường Bắc phạt, hưởng thọ năm mươi tư tuổi, ít hơn Tào Tháo mười hai năm. Gia Cát Lượng vốn người rất khỏe. Trần Thọ nói Gia Cát Lượng “thân cao rám thước, dung mạo rất đẹp, người người khen ngợi”, là một trượng phu anh tuấn. Nếu không vì lao động quá sức, tâm lực hao mòn, sao có thể qua đời vào những năm tháng đầy sức sống như vậy?

Gia Cát Lượng đã thực hiện xong lời hứa: “cúc cung tận tuy cho đến lúc chết”. Thực tình thì Gia Cát Lượng vì mệt mà chết(4).

Làm hoàng đế đương nhiên là tốt, có điều phải xem xem làm như thế nào, và muốn làm nhưng không làm nổi. Nếu làm như Lưu Hiệp (Hiến đế) thì thà đừng làm, nếu giống như Viên Thuật thì ngang như tìm đến cái chết.

Con người Viên Thiệu tỏ ra rất ngang bướng. Viên Thuật xuất thân thế tộc, môn đệ cao quý. Cao tổ phụ Viên An là Tư đồ thời Chương đế. Thúc thái tổ phụ Viên Thưởng là Tư không; Tổ phụ Viên Thang từng là Tư không, Tư đồ, Thái uý; cha là Viên Phùng làm Tư không; chú Viên Quỳ là Thái phó. Quan chế thời Đông Hán, Thái uý, Tư đồ, Tư không gọi là “tam công”, coi sóc mọi việc, địa vị cùng quyền hạn cao nhất trong trăm quan. Bốn đời tổ tiên nhà Viên Thuật, từ các cụ đến cha, đều có người nhận chức tam công, nên gọi là “tứ thế tam công”, là gia tộc hiển hách đầy quyền uy nơi chốn quan trường.

Viên Thuật huyết thống cao quý như vậy, nhưng tính tình lại khùng khùng điên điên, thường không coi ai ra gì, kể cả người anh là Viên Thiệu. Viên Thiệu, Viên Thuật đều là con của Viên Phùng. Viên Thiệu tuy lớn tuổi nhưng là con vợ bé, nên gọi là “thứ xuất”. Viên Thuật là em, nhưng là “đích xuất”, vì vậy tự cho mình là cao nhất. Thời kỳ quân phiệt cát cứ, anh em Viên Thiệu, Viên Thuật nắm binh quyền tự lấy làm oai, nhưng thực lực của Viên Thiệu chừng như mạnh hơn, uy vọng tương đối cao, nhân duyên cũng tốt hơn, vì vậy đa phần chư hầu hào kiệt đều dựa vào Viên Thiệu. Viên Thuật từ hổ thẹn thành giận dữ, lớn tiếng mắng bọn chư hầu không biết thế nào là phải trái, là đích thứ, không theo về người có huyết thống cao quý, lại theo kẻ nô tài nhà họ Viên! Còn viết thư cho Công Tôn Toản nói, Viên Thiệu là con của a hoàn, không phải giống nhà họ Viên. Điều đó không chỉ làm Viên Thiệu tức giận, còn tạo nên ảnh hưởng rất xấu, đó chính là nguyên nhân khiến sau này Viên Thiệu thất bại.

Chỉ là kẻ ngông cuồng, tự đại, đầu óc đơn giản đến như vậy mà ngày nào cũng mơ làm hoàng đế. Trong tay Tôn Kiên có ngọc tỉ truyền quốc. Năm 189, thái giám Trương Nhượng cùng một số kẻ khác làm loạn, để rồi sau này ngọc tỉ rơi vào tay Tôn Kiên. Sau khi biết tin, Viên Thuật cho bắt phu nhân Tôn Kiên làm con tin và đoạt lấy. Có bảo bối lại hiểu nhầm mấy câu vè trong dân gian, Viên Thuật cảm thấy, làm hoàng đế Trung Quốc ngoài mình ra không phải ai khác. Mùa xuân năm 197, chờ đợi đã mỏi mòn, Viên Thuật đành chính thức xưng đế. Lúc này Tào Tháo đã nắm Hiến đế trong tay, dời đô về Hứa Xương, có thể “ép thiên tử lệnh chư hầu”, đâu có dễ để Viên Thuật hung hăng bắng nhắng? Tất nhiên, Tào Tháo cần phải loại bỏ thằng hề này. Và Viên Thuật đâu phải đối thủ của Tào Tháo? Kết quả là bại rồi lại bại. Năm 199, Viên Thuật binh bại như núi lở, chúng phản thân ly, cuối cùng tự thấy mình không thể là hoàng đế liền quyết định chuyển ngọc tỉ truyền quốc sang cho Viên Thiệu. Vì đây là bảo bối, Viên Thuật không nỡ vứt, cũng không thể tuỳ tiện đem cho người khác, chuyển sang cho anh là hợp lý (lúc này đã nhận Viên Thiệu là anh em), gì thì gì vẫn là người họ Viên. Nhưng ngay cả ý nghĩ đó, Viên Thuật cũng không được như ý, vì Tào Tháo đã phái Lưu Bị chờ sẵn ở Hạ Bì (thành phố Bì Châu, tỉnh Giang Tô ngày nay) chờ Viên Thuật đến nộp mạng. Không còn cách nào khác, Viên Thuật đành phải quay về Hoài Nam. Lúc chạy đến Giang Đình, cách Thọ Xuân (nay là huyện Thọ, An Huy) tám mươi dặm, Viên Thuật ngã bệnh, ô hô ai tai, làm hoàng đế được ba năm rưỡi, nhưng là giả, không ai công nhận.

Nghe nói Viên Thuật chết rất thảm. Lúc Viên Thuật chết, xung quanh không còn chút lương thực nào. Hỏi nhà bếp và được trả lời, còn ba mươi hộc lúa mạch (mười đấu là một hộc). Nhà bếp nấu và bưng lên, nhưng Viên Thuật không thể nuốt được. Bấy giờ là tháng sáu, trời nóng như thiêu như đốt, Viên Thuật muốn uống một chút mật ong nhưng cũng không có. Viên Thuật một mình trên giường, than thở hồi lâu, rồi đột nhiên kêu lên rất thảm. Viên Thuật ta, sao có thể rơi vào tình thế này? Gào xong thì ngã vật xuống đất, nôn ra hơn đấu máu và nhắm mắt.

Lẽ ra Viên Thuật đã phải nghĩ, mình sẽ có kết cục như thế này. Ngay từ khi hắn có ý xưng đế, rất nhiều người đã khuyên Viên Thuật không nên manh động làm bừa. Người thân hơn như Bái tướng Trần Khuê không tán thành, mấy thuộc hạ như Diêm Tượng và anh em Trương Phạm, Trương Thừa cũng không tán thành, Tôn Sách từ Giang Đông có thư tới phản đối. Diêm Tượng nói, năm đó Chu Văn vương có tới uhai phần ba thiên hạ” mà vẫn thần phục nhà Ản. Nay ngài không bằng Chu Văn Vương, Hán đế cũng không phải Ân Trụ vương, sao có thể lấy mà thay? Trương Thừa đại diện cho Trương Phạm cũng nói, lấy được thiên hạ hay không là “ở đức không ở đông”. Nếu mọi người theo về, thiên hạ ủng hộ, thì có là một thất phu, cũng có thể thành vương đạo bá nghiệp. Đâu có phải, cứ là con nhà quyền quý mới làm được hoàng đế. Tiếc rằng, những lời trung khó nghe đó, Viên Thuật đều bỏ ngoài tai. Rõ ràng Viên Thuật đã tối mắt vì lợi.

Chỗ ngu xuẩn nhất của Viên Thuật, khi mọi người đều đang muốn làm hoàng đế, nhưng đều không dám lộ mặt thì Viên Thuật đã nôn nóng, vội giơ đầu chịu báng. Nên nhớ, một trong những truyền thống văn hoá Trung Quốc là “bắn con chim ra trước”, “thanh rui lộ ra ngoài dễ bị mục”. Nhất là trong đám quần hùng cát cứ, thế lực ngang nhau, đích ngắm của mọi người sẽ là đầu kẻ ra trước. Bọn Viên Thiệu hiểu được điều đó, nên dù có ham muốn đến mấy, họ cũng cố nhịn. Tào Tháo càng sáng suốt hơn. Tôn Quyền khuyên Tháo xưng đế, Tháo đã nhìn thấu mưu mô của Tôn Quyền, thằng nhóc này muốn đẩy ta lên chảo lửa đây! Viên Thuật đã không hiểu. Thuật cho rằng mình cứ xông lên sẽ chiếm được thế mạnh, liệu mọi người còn làm được gì! Vì vậy Thuật vội vã tuyên bố mình là hoàng đế. Nào ngờ xưng hiệu hoàng đế không phải thương hiệu, Thuật cũng không phải là vừa, kết quả không chỉ tự ném mình vào lửa mà còn chơi với lửa nên đã bị lửa thiêu.

Trong thực tế, có làm được hoàng đế hay không, không liên quan gì tới việc giành trước giành sau, mà quan hệ tới thực lực và điều kiện lúc đó. Và dù điều kiện có thuận lợi, cũng phải làm cho khéo, phải vờ từ chối, nhường nhịn, sau ba lần như vậy, mới giả bộ thuận theo ý trời, lòng dân mà nhận, tuy trong bụng còn đầy ấm ức. Đương nhiên đó là điều giả dối. Nhưng người Trung Quốc luôn làm như vậy. Nếu không giả dối như vậy, e sẽ bị coi là đồ vô sỉ. Viên Thuật không có điều kiện và thực lực, lại không tuân theo trình tự các thao tác đã định, nên Thuật không chỉ là kẻ thù của Tháo và những người khác, mà còn là kẻ thù của nền văn hoá Trung Quốc. Thêm vào đó, Thuật “bản tính kiêu ngạo, cho mình là nhất, không lo phép tác, xa xỉ vô độ, ngang nhiên vơ vét, coi dân như cá thịt, nên càng mất lòng dân. Dưới sự cai trị của Thiệu, Giang Hoài rỗng không, nhân dân phải ăn thịt lẫn nhau. Còn Thuật, ngày ngày sơn hào hải vị, binh sĩ dưới quyền thì người người chết vì đói, chết vì lạnh. Một loại vô liêm sỉ như vậy không thất bại mới là lạ!

Chú thích


(1) Trong kinh kịch hoặc hý khúc Trung Quốc, vai diễn vẽ mặt trắng là vai phản diện, gian ác (BTV).

(2) Gọi là “năng thần trị thế, gian hùng thời loạn”, có thể giải thích là năng thần trị lý thiên hạ, gian hùng nhiễu loạn thiên hạ, như vậy, gian hay năng còn tuỳ thuộc vào nguyện vọng chủ quan của Tào Tháo. Ở đây không bàn tới (Tác giả).

(3) Gia Cát Lượng từng dâng biểu lên Lưu Thiện nói: “Từ ngày nhận mệnh, ngủ không yên giấc, ăn không ngon miệng?”.

(4) Thục - Nguỵ giao chiến, đối đầu ở Ngũ Trượng Nguyên. Thục sứ đến doanh trại quân Nguỵ, Tư Mã Ý không hỏi việc quan, chỉ hỏi việc ăn uống nghỉ ngơi. Khi nghe nói Gia Cát Lượng tinh mơ đã dậy, tận khuya mới đi nằm, tù những việc như phạt quân hai mươi gậy cũng hỏi tới, liền đoán định luôn: “Lượng rồi sẽ chết!” (Tác giả).