ạng Vũ vốn có thể không chết.
Lúc Hạng Vũ đến bên sông Ô Giang, ở đó đã có thuyền đến đón. Viên đình trương Ô Giang lái thuyền chắc là một người sùng bái Hạng Vũ, nên đã chờ từ lâu, quyết tâm cứu Hạng Vũ qua sông. Ông nói với Hạng Vũ, lúc này cả vùng Ô Giang chỉ còn một chiếc thuyền nhỏ của thần, mời đại vương nhanh chóng lên thuyền, quân Hán không thể qua sông. Giang Đông tuy nhỏ, đất đai ngàn dặm, dân số chục vạn, nhưng hoàn toàn có thể dựng nên bá nghiệp. Nhưng Hạng Vũ đã chối ý tốt của viên đình trương. Hạng Vũ chỉ cầu xin đinh trưởng chở chiến mã yêu quý của mình qua sông, còn mình cùng lũ thân binh theo hầu đều xuống ngựa đi bộ, vượt qua vòng vây, giáp mặt với số quân Hán vừa đuổi tới. Đây là trận chiến lấy ít đánh nhiều, chẳng lợi lộc gì, nhưng nếu vì thế mà không đánh giơ tay xin hàng, chịu trói, thì đâu phải là Hạng Vũ. Hạng Vũ hiên ngang để chết, quyết không quỳ lạy xin sống. Đương nhiên không đời nào Hạng Vũ buông vũ khí, Hạng
Vũ vẫn muốn cầm vũ khí, kể từ ngày Hạng Vũ bắt đầu cầm vũ khí, vũ khí chưa hề rời tay. Ngược lại, trong giờ phút cuối cùng của cuộc sống, còn muốn giơ cao vũ khí, giống nhà nghệ thuật ưu tú, muốn màn diễn sau cùng phải sôi nổi nhất. Hạng Vũ và những người theo hầu đều hiểu như vậy. Thế rồi, trận chiến địch mạnh ta yếu được diễn ra tựa mây vần gió chuyển, vang động cả núi sông, riêng cá nhân Hạng Vũ đã giết được mấy trăm quân Hán, bản thân bị hơn chục vết thương. Khi đó, quân Hán đuổi tới ngày một đông, trong đó có cả Lã Mã Đồng, người đồng đội cũ của Hạng Vũ. Hạng Vũ cười to, rồi lớn tiếng gọi sang: Đây chẳng phải là bạn cũ! Lã Mã Đồng kẻ phản Sở hàng Hán thấy khó nghĩ, không dám nhìn Hạng Vũ, quay đầu lại nói với Vương E một viên tướng Hán khác: Đấy chính là Hạng Vũ. Vậy Vương E là “người bạn mới” của Vũ. Rồi Hạng Vũ nói với Vương E: Nghe nói quý quốc chi một khoản tiền lớn, thưởng ngàn vàng, phong vạn hộ để mua đầu của ta, vậy ta cho ngươi đây! Nói xong liền lấy kiếm tự cắt cổ.
Chẳng cần phải nói nhiều, ai cũng thấy, Hạng Vũ chết rất mãnh liệt, chết rất anh hùng, chết trong khí thế bừng bừng, trời đất phải kinh, quỷ thần phải khóc, ngay cả nước sông Ô Giang cũng phải nghẹn ngào, từng đợt sóng cuồn cuộn dâng trào. Rõ ràng, cái chết của Hạng Vũ là cao quý. Bất kể Hạng Vũ chết vì cái gì, cái chết của Hạng Vũ luôn có giá trị thẩm mỹ, ma lực, nhân cách, không gì sánh kịp.
Nhưng Hạng Vũ chết cũng rất thảm.
Đúng vào lúc Vương E cướp được đầu của Hạng Vũ thì số tướng sĩ quân Hán còn lại cũng ùa lên, chúng giẫm đạp lên nhau, thậm chí còn giết hại lẫn nhau, hơn chục người chết, để giành nhau thi thể của Hạng Vũ. Cuối cùng thì Vương E được thủ cấp, Dương Hỷ, Lã Mã Đồng, Lã Thắng, Dương Vũ mỗi người được một miếng thịt. Chúng chia nhau mảnh đất được Lưu Bang phong thưởng, mỗi đứa còn được thêm một chức quan gì gì đó. Còn vị anh hùng của chúng ta, vị anh hùng mà trước kia mỗi lần nghe tin chúng đã kinh hồn bạt vía, lúc này đã không toàn thây, sau khi bị chúng xâu xé, cướp đoạt.
Thực không sai, “hổ xuống đồng bằng bị chó bắt nạt”.
Bi kịch của Hạng Vũ là bi kịch của thời đại.
Thời đại trước Hạng Vũ là thời đại anh hùng, cũng là thời đại của quý tộc. Tinh thần thời đại đó đầy cảm giác cao quý và khí chất anh hùng. Tượng trưng cho loại tinh thần đó là hổ, báo. Đối lập với nó là dê, chó. Tử Cống, một học trò của Khổng Tử thường lấy hổ, báo, chó, dê để ví với hai loại nhân cách khác nhau và than thở về khả năng hổ, báo có thể lạc thành dê, chó: “Da của hổ, báo cũng giống da của dê, chó lúc đã cạo hết lông”. Nhưng theo thầy Khổng Tử thì, tinh thần hổ, báo là cao quý, có giá trị thẩm mỹ, sẽ không bị thay bởi cái thô bỉ của loài chó, sự tầm thường của loài dê.
Nhưng, kể từ lúc Tần Thuỷ Hoàng dựng nền chính trị chuyên chế trung ương tập quyền thì thời đại anh hùng cũng bắt đầu đi vào ngõ cụt.
Chuyện quân thần ngồi bên nhau trò chuyện đã không còn, và thay bằng hành lễ sửa nghĩa, khấu đầu như giã gạo, các hiệp khách mưu sĩ tung hoành trong thiên hạ thi triển tài năng cũng không còn, thay vào đó là phe phái bè đảng, câu kết quyền quý lo bò lên cao; chư tử bách gia tự do tranh luận đã hết, lấy độc tôn nho thuật, tư tưởng cá nhân để thay thế. Uy quyền và lợi lộc trở thành chủ thể và động lực, nhân cách và linh hồn được che giấu và chà đạp, khác gì lũ Vương E, Lã Mã Đồng chà đạp Hạng Vũ.
Thế là, chúng ta có thể nhìn thấy một bức tranh: Sau khi một chú hổ hoặc báo đại biểu cho tinh thần anh hùng, cảm giác cao quý, cô độc trên thảo nguyên chết, một bầy dê dung tục và sói thô bỉ đại biểu cho quyền lợi và lợi lộc, nhất loại ùa tới, rồi xâu xé, chà đạp chú hổ hoặc báo kia, sau đó mỗi cá thể miệng ngậm một miếng da báo hoặc một khúc xương hổ, chuẩn bị quay về báo công lĩnh thưởng. Còn trước đó không lâu, bọn chúng, ngay đến nhìn cũng không dám nhìn chú hổ hoặc chú báo nọ. Lưu Bang là thủ lĩnh bọn sói, dê đó; Lưu Bang là vua, là chủ của chúng.
Nói về ma lực của con người này, Lưu Bang không đáng yêu, không đáng kính, nhưng cũng không phải loại đê tiện. Lưu Bang xuất thân lưu manh, không tránh khỏi có phần vô lại, một số việc làm không thấu đáo, nhưng cũng đáng được coi là anh hùng. Trong xương tuỷ Lưu Bang có khí chất của anh hùng, cũng là một trượng phu hăng hái. Năm 195 trước Công nguyên, Lưu Bang trở lại quê hương huyện Bái, thết tiệc các bậc phụ lão, người quen cũng như nhiều anh em khác. Lúc rượu vừa ngấm, Lưu Bang tự gõ phách và cất tiếng ngâm: “Bão giông nổi hề mây vần vũ, uy khắp nước hề về cố hương, như mãnh sĩ hề gửi bốn phương”. Lời ca vang lên, Lưu Bang rời khỏi chỗ và nhảy múa, khẳng khái lẫn thương đau, lệ rơi mấy hàng. Lưu Bang cầm tay bà con cùng các bậc phụ lão. Kẻ đi xa nhớ quê hương, Lưu mỗ tuy không thể không định đô ở Quan Trung, nhưng trăm năm sau, linh hồn Lưu mỗ hướng về đất Bái. Rõ ràng, Lưu Bang tuy vô tình nhưng không hề lạnh lùng, tuy thực tế nhưng cũng rất lãng mạn. Nhưng Lưu Bang lại đại biểu cho chế độ tàn khốc vô tình, huỷ hoại nhân tính, là một chế độ lấy quyền lợi và lợi lộc thay cho khí chất anh hùng và tinh thần cao quý. Trên thực tế, chính Lưu Bang đã dựa vào quyền lợi và lợi lộc để hoàn thành cái gọi là “đại nghiệp”. Ngay cả Trần Bình cũng nói toạc ra, bên cạnh Lưu Bang rặt một lũ vô sỉ ngu dốt hám lợi.
Lũ này đang dựa vào Lưu Bang “nhường tước, nhường đất phong”, cũng tức là dựa vào quyền lợi, lợi lộc tập kết cùng nhau. Bởi vì Lưu Bang thừa nhận sự nghiệp của Tần Thuỷ Hoàng xây dựng chế độ trung ương tập quyền, thống nhất thiên hạ, vạn thần dân và trẫm phải là một, Lưu Bang không thể không đả kích, chà đạp khí chất anh hùng và tinh thần cao quý, bao gồm cả việc gắng loại bỏ những thứ còn lưu lại trong đáy lòng mình, đấy đều là những nguyên nhân khiến Lưu Bang luôn cảm thấy cô độc và đau khổ.
Hiển nhiên Lưu Bang là người đại biểu cho “phương hướng lịch sử”, Hạng Vũ là kẻ “không hợp thời”. Trên thực tế kể từ đó, kiểu anh hùng bướng bỉnh, ngây thơ, có phần ngốc như Hạng Vũ ngày càng ít đi, trái lại, các nhà âm mưu hiểm ác độc địa, những con mọt sách hủ bại ngu trung ngày một nhiều. Từ ý nghĩ đó, Hạng Vũ nói, mình bại vì “Trời muốn diệt ta” là cũng đáng.
Cái chết của Hạng Vũ như một điểm báo kết thúc một thời đại. Sau lúc thời đại hổ, báo kết thúc, thay thế là thời đại sói, dê. Và sói cũng có thể thoái hoá thành chó, chó săn.
Chừng như Hạng Vũ sinh vào năm 233 trước Công nguyên, chết năm 202 trước Công nguyên. Năm hai mươi tư tuổi khởi binh, là thiếu niên anh hùng; tự vẫn lúc ba mươi tuổi, là một chàng trai cáo biệt thời niên thiếu, bước vào những năm tháng trưởng thành hấp dẫn nhất.
Cuộc đời Hạng Vũ tuy ngắn ngủi nhưng để lại biết bao nhiêu câu chuyện, truyền thuyết, thành ngữ, còn rất nhiều chuyện đáng bàn. Những thành ngữ mà ai cũng thuộc có: Quyết một phen sống mái; sống chết mặc bay; áo gấm đi đêm; khỉ đội mũ người; bốn mặt Sở ca, Bá vương biệt Cơ, cùng với “Hạng Trang múa kiếm nhằm vào Bái Công” và “Không còn mặt mũi nhìn phụ lão Giang Đông”… Và bài thơ năm câu của Lý Thanh Chiếu, người người thích ngâm như sau: “Sinh ra làm nhân kiệt, chết biến thành quỷ hùng, tưởng nhớ mãi Hạng Vũ, không dám qua Giang Đông”.