LỜI VÀNG

KINH PHÁP BẢO ĐÀN CỦA ĐẠI SƯ LỤC TỔ

(Nguyên bản Tào Khê, sa-môn Pháp Hải(1) đời Đường sao lục)

Phần thứ 1 NGỘ PHÁP TRUYỀN Y

Bấy giờ đại sư đến Bảo Lâm, quan Thứ sử tên Cừ họ Vi ở Thiều Châu, cùng với các quan lại vào núi, thỉnh sư đến giảng đường chùa Đại Phạm vì chúng khai duyên mà thuyết pháp ma-ha bát-nhã ba-la-mật. Lúc sư thăng tòa, quan Thứ sử cùng với các quan lại hơn 30 người, và học sĩ nhà Nho hơn 30 người, tăng-ni đạo-tục hơn một ngàn người, cùng lúc tác lễ, nguyện nghe pháp yếu. Đại sư bảo rằng:

- Này các vị thiện tri thức! Mọi người hãy tịnh tâm niệm ma-ha bát-nhã ba-la-mật.

Đại sư im lặng định tâm hồi lâu, rồi bảo chúng rằng:

2. Thiền sư Trung quốc, sống vào đời Đường, người huyện Khúc Giang, tỉnh Quảng Đông. Lần đầu tiên, sư tham kiến Lục Tổ hỏi về nghĩa “tâm ấy chính là Phật” và ngay nơi đó sư đại ngộ. Về sau, sư thu chép những lời nói pháp của Lục Tổ ở chùa Đại Phạm tại Thiều Châu thành kinh Pháp bảo đàn. Những ngữ yếu, nhân duyên xuất thế của Lục Tổ mà sư ghi chép có lý thú rất sâu xa, sau trở thành tông kinh của Thiền tông và được lưu hành rất rộng rãi.

 

Này các vị thiện tri thức! Tự tánh của bồ-đề xưa nay thanh tịnh, chỉ cần dụng tâm này tức trực liễu thành Phật. Này các vị thiện tri thức, hãy nghe ta kể ý nghĩa sự việc về nhân duyên đắc pháp và cuộc đời hành đạo của Huệ Năng này! Cha của Huệ Năng quê quán ở Phạm Dương, làm quan bị giáng chức đày về Lĩnh Nam, làm thường dân ở Tân Châu. Thân thế chẳng may cha lại mất sớm, còn lại mẹ già góa bụa, phải dời về Nam Hải, gian khổ nghèo túng, ta phải đi bán củi ở chợ. Lúc đó có một người khách mua củi, bảo gánh đến quán trọ Khách lấy củi, Huệ Năng nhận tiền, rồi đi ra ngoài cửa, chợt gặp một người khách tụng kinh. Huệ Năng khi thóang nghe tụng đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, thì tâm liền khai ngộ, bèn hỏi khách:

- Tụng kinh gì vậy? Khách đáp:

Kinh KIM CANG.

Huệ Năng lại hỏi:

- Ông ở đâu đến mà trì kinh để này?

Khách đáp:

- Từ chùa Đông Thiền huyện Hoàng Mai ở Kì Châu đến, chùa ấy do Đại sư Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn chủ hóa, môn nhân có hơn ngàn người. Tôi đã đến đó lễ bái, nghe thọ kinh này. Đại sư thường khuyên tăng-tục chỉ cần thọ trì kinh KIM CANG là tự thấy tánh, trực liễu thành Phật.

Huệ Năng nghe nói, lại bởi có duyên xưa, nên sau đó mới được một người khách giúp cho Huệ Năng 10 lạng bạc để lo liệu cho mẹ già đủ quần áo lương thực, rồi bảo đến huyện Hoàng Mai lễ bái Ngũ Tổ. Huệ Năng sắp đặt yên ổn cho mẹ xong xuôi, liền từ giã mẹ chưa đầy 30 ngày thì đến Hoàng Mai lễ bái Ngũ Tổ.

Tổ hỏi Huệ Năng:

- Ông là người xứ nào? Muốn cầu cái gì?

Huệ Năng đáp:

- Đệ tử là dân Tân Châu ở Lĩnh Nam, từ xa đến lễ thầy, chỉ cầu làm Phật, chứ không cầu gì khác.

Tổ nói:

Ông là người Lĩnh Nam đúng là giống man di quê mùa(1) thì sao mà làm Phật được.

Huệ Năng đáp:

- Người tuy có Nam Bắc, nhưng Phật tánh vốn không có Nam Bắc. Thân man di của con tuy khác với thân hòa thượng, nhưng Phật tánh thì đâu có gì sai khác.

Tổ còn muốn nói nữa, nhưng thấy đồ chúng tụ tập nhiều ở hai bên, bèn bảo ta theo chúng làm việc. Ta nói:

- Huệ Năng con thưa hòa thượng, tự tâm của đệ tử thường sanh trí huệ, chẳng lìa tự tánh, tức là phước điền. Xin hỏi hòa thượng dạy con làm việc gì?

Tổ nói:

- Căn tánh của gã quê mùa này lanh lợi quá, người đừng nói nữa, hãy xuống nhà giã gạo đi!

Huệ Năng lui về hậu viện, có một hành giả sai Huệ Năng bửa củi giã gạo, trải qua hơn 8 tháng.

Một hôm Tổ gặp Huệ Năng, nói:

1. 獦獠 (Cát Lão): Tên một dân tộc thiểu số ở Tây Nam Trung Quốc, cũng phiếm chỉ người phương Nam.

 

Ta nghĩ chỗ thấy của ông dùng được, nhưng sợ có người ác hại ông, nên không nói nữa. Ông biết không?

Huệ Năng nói:

- Đệ tử cũng biết ý thầy nên không dám đi lên nhà trước, khiến người khác không biết.

Một ngày nọ, Tổ gọi tất cả các môn nhân đến rồi bảo:

- Ta nói cho mọi người nghe, sống chết của người đời là việc lớn. Mọi người cả ngày chỉ cầu phước điền, mà chẳng cầu lìa khỏi biển khổ sanh tử. Tự tánh nếu mê thì Phước nào cứu được, mọi người hãy trở về tự xem xét trí huệ của mình, lấy tánh bát-nhã của bản tâm mình, mỗi người làm một bài kệ rồi đến trình cho ta xem. Nếu ai ngộ đại ý thì ta sẽ trao y-bát và tâm pháp cho làm Tổ đời thứ 6. Hãy mau mau, không được chậm trễ! Nếu trì hoãn suy lường thì sai và không dùng được, người thấy tánh thì vừa được khai thị là ngay đó phải thấy liền. Nếu được như vậy thì dù ở chiến trận quơ đao cũng được thấy.

Mọi người nghe Tổ căn dặn, lui về rồi bàn tán với nhau rằng:

- Bọn chúng ta không cần lắng tâm dụng ý làm kệ trình hòa thượng, có chỗ nào lợi ích đâu. Thượng tọa Thần Tú hiện làm thầy giáo thọ, chắc chắn sẽ được, chúng ta khinh mạn lếu láo làm kệ tụng, cũng chỉ uổng phí tâm lực thôi.

Mọi người nghe nói, đều yên tâm, cùng nói:

- Chúng ta sau này chỉ trông cậy vào sư Thần Tú, phiền chi làm kệ.

Còn Thần Tú lại suy nghĩ “Mọi người không trình kệ, vì nể ta là thầy giáo thọ của họ thế nên ta phải làm kệ đem trình hòa thượng. Nếu không trình kệ thì làm sao hòa thượng biết được kiến giải sâu cạn trong tâm ta. Ý của ta trình kệ, cầu pháp là tốt, cầu làm Tổ thì không nên, chẳng khác nào dùng phàm tâm đoạt Thánh vị. Nếu không trình kệ thì rốt cuộc không đắc pháp. Thật khó, thật rất khó!”.

Trước nhà của Ngũ Tổ có 3 gian hành lang đi bộ, Tổ nghĩ định thỉnh quan Cung phụng Lư Trân đến vẽ những biến tướng(1) theo kinh Lăng-già và Huyết mạch đồ(2) của năm Tổ(3) trên vách hành lang để cúng dường, lưu truyền cho hậu thế. Thần Tú làm kệ xong rồi, mấy lần sau muốn đem trình, nhưng hễ đi đến trước nhà của Tổ thì trong lòng lại hoang mang, mồ hôi tuôn ướt khắp người, nghĩ định trình mà vẫn không được. Trước sau trải qua 4 ngày, cả thảy 13 lần mà trình kệ không xong. Tú mới định bụng “Chi bằng chép kệ lên vách hành lang để hòa thượng nhìn thấy. Nếu như hòa thường nói ‘Được’, thì bước ra lễ bái, nói là Thần Tú con làm. Nếu hòa thường nói ‘Không được’, thì uổng ở trong núi mấy năm, lại tu đạo gì mà thọ nhận người lễ bái”. Canh ba đêm đó, Tú không cho ai biết, tự cầm đèn chép bài kệ lên vách hành lang phía Nam trình chỗ thấy của tâm mình, kệ rằng(4):

Thân là cây bồ-đề

Tâm như đài gương sáng

Thường luôn siêng phủi lau

Chớ để dính bụi trần!

1. 變相 (biến tướng): Chỉ cho các bức tranh dựa vào những ghi chép trong các kinh điển mà vẽ lại sự tích tiền thân (bản sinh) của đức Phật, hoặc cảnh Tịnh độ trang nghiêm và tượng trạng các địa ngục... nhằm phổ biến giáo nghĩa. Cũng gọi là biến tướng, biến hội, gọi tắt là biến. Biến, hàm ý là biến động, biến chuyển, tức miêu tả các động thái thực bằng cách vẽ hoặc chạm trổ

2. 血脈圖 (huyết mạch đồ): Trong Phật giáo, từ ngữ này được dùng để chỉ cho biểu đồ truyền thừa giáo pháp, còn gọi là huyết mạch tượng thừa. Huyết mạch nghĩa đen là mạch máu, Thiền tông dùng từ này để chỉ cho sự tiếp nối. Huyết mạch tượng thừa là pháp môn thầy trò truyền nhau liên tục và rộng khắp giống như mạch máu liền lạc trong cơ thể con người.

3. Từ Sư Tổ Đạt-ma đến Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn.

4. 身是菩提樹 Thân thị bồ-đề thụ

心如明鏡臺 Tâm như minh kính đài 

時時勤拂拭 Thời thời cần phất thức

勿使惹塵埃   Vật sử nhạ trần ai.

 

Tú chép kệ xong, liền trở về phòng, mọi người đều chẳng hay. Tú lại suy nghĩ “Ngày mai nếu Ngũ Tổ thấy bài kệ mà hoan hỷ, thì ta có duyên với pháp. Nếu Tổ nói ‘Không được’ là tại ta còn mê, vì nghiệp chướng xưa kia nặng nề mà không được đắc pháp. Ý Thánh thật khó mà lường”, Tú ở trong phòng suy tưởng mãi, ngồi nằm trằn trọc chẳng yên suốt đến canh năm.

Tổ đã biết Thần Tú vào cửa chưa được, chẳng thấy tự tánh. Trời sáng, Tổ cho mời quan Cung phụng Lư Trân đến vẽ biến tướng và Huyết mạch đồ lên vách hàng lang phía Nam, chợt thấy bài kệ ấy trên vách, Tổ bảo rằng:

Quan Cung phụng không phải vẽ nữa, làm nhọc ông từ xa đến. Kinh nói “Hễ cái gì có tướng đều là hư vọng”, chỉ cần giữ lại bài kệ này để mọi người tụng trì, y theo bài kệ này mà tu thì khỏi đọa vào đường ác, y theo bài kệ này mà tu thì có lợi ích lớn. Rồi bảo môn nhân đốt hương lễ kính, và bảo tất cả trì tụng kệ này sẽ được thấy tánh. Môn nhân tụng kệ, đều khen hay.

Canh ba, Tổ gọi Tú vào phòng, hỏi rằng:

- Kệ do ông làm phải không? Tú đáp:

- Đúng là của Tú con làm, không dám mong cầu Tổ vị mà chỉ mong hòa thượng từ bi coi xem đệ tử có được chút trí huệ không.

Tổ nói:

- Ông làm bài kệ này vẫn chưa thấy bản tánh, chỉ đến được ngoài cửa, chứ chưa vào trong nhà được. Kiến giải như vậy mà cầu bồ-đề vô thượng, thì trọn không thể được. Bồ-đề vô thượng cần phải ngay lời nói liền biết bản tâm mình, thấy bản tánh mình bất sanh bất diệt. Ở trong mọi lúc niệm niệm tự thấy muôn pháp không ngưng trệ, hễ trong một pháp mà thấy được chân tướng thì nơi tất cả các pháp cũng thấy được chân tướng, muôn cảnh tự như như, tâm của như như tức là chân thật. Nếu thấy như vậy, tức là tự tánh của bồ-đề vô thượng. Ông hãy trở về tư duy trong một hai ngày, làm một bài kệ khác, rồi đem đến cho ta coi.

Nếu kệ của ông vào được cửa, thì ta sẽ trao y-pháp cho ông.

Thần Tú tác lễ rồi lui ra. Lại qua mấy ngày sau, làm kệ chẳng xong, trong lòng hoang mang, thần trí bất an, mơ màng chập chờn như trong mộng, đi ngồi chẳng vui. Hai ngày sau, có một chú tiểu đi ngang qua phòng giã gạo, vừa đi vừa xướng tụng bài kệ của Thần Tú. Khi Huệ Năng nghe xong, liền biết bài kệ này chưa thấy bản tánh. Dù chưa được dạy bảo, nhưng đã biết trước đại ý, bèn hỏi chú tiểu:

- Thượng nhân tụng bài kệ gì vậy? Chú tiể đáp:

- Cái gã quê mùa này! Không biết đại sư Hoằng Nhẫn nói “Sanh tử của người đời là việc lớn” sao? Vì muốn truyền trao y-pháp cho người kế thừa, mà đại sư bảo các môn nhân làm kệ trình cho ngài xem. Nếu ai ngộ đại ý thì trao y-pháp làm Tổ thứ 6. Thượng tọa Thần Tú đã viết một bài kệ Vô tướng lên vách hành lang phía Nam. Đại sư bảo mọi người thảy tụng bài kệ này, y theo bài kệ này mà tu thì khỏi đọa vào đường ác.

Huệ Năng nói:

- Tôi cũng muốn tụng bài kệ này để kết duyên đời sau, đồng sanh về cõi Phật. Thưa thượng nhân! Tôi giã gạo ở đây hơn 8 tháng, chưa từng đi đến nhà trước, xin thượng nhân dẫn tôi đến trước bài kệ để lễ bái.

Chú tiểu dẫn đến trước bài kệ tác lễ, Huệ Năng nói:

- Năng tôi không biết chữ xin thượng nhân đọc giúp cho nghe!

Lúc đó có quan Biệt giá họ Trương tên là Nhật Dụng ở Giang Châu liền cất tiếng đọc lớn, Huệ Năng nghe xong, nhân đó tự nói:

- Tôi cũng có một bài kệ, xin quan Biệt giá chép dùm cho!

Quan Biệt giá nói:

- Ông là dòng man di mà cũng làm được kệ sao? Việc này hiếm có.

Huệ Năng thưa với quan Biệt giá:

- Muốn học bồ-đề vô thượng thì không được coi thường người sơ học, vì người hạ hạ có khi lại có trí của thượng thượng, trái lại người thượng thượng có khi lại đánh mất ý trí của mình. Nếu coi thường người thì tội lỗi vô lượng vô biên.

Quan Biệt giá nói:

- Ông chỉ cần đọc kệ, ta sẽ chép cho ông. Nếu ông đắc pháp thì phải độ ta trước, đừng có quên lời này.

Huệ Năng đọc kệ rằng(1):

Bồ-đề vốn không cây 

Gương sáng cũng chẳng đài 

Xưa nay không một vật 

Chỗ nào dính bụi trần?

Chép bài kệ này xong, đồ chúng đều kinh ngạc, đều khen ngợi lấy làm lạ, nói với nhau rằng:

- Lạ thay, chẳng nên xét tướng mạo mà đánh giá người! Tại sao bấy lâu nay chúng ta lại dám sai bảo một nhục thân Bồ tát?

Tổ thấy mọi người kinh ngạc, sợ có người làm hại, liền lấy giày chùi hết bài kệ nói:

- Cũng chưa thấy tánh.

Mọi người mới hết nghi ngờ. Qua ngày hôm sau, Tổ bí mật đến nhà giã gạo, thấy Huệ Năng lưng đeo đá giã gạo, nói rằng:

- Người cầu đạo, vì pháp quên thân, phải như vậy sao? Rồi hỏi:

Gạo đã trắng chưa? Huệ Năng đáp:

- Gạo trắng lâu rồi, chỉ còn thiếu sàng sảy thôi.

1. 菩提本無樹 Bồ-đề bổn vô thụ 

明鏡亦非臺Minh kính diệc phi đài 

本來無一物Bổn lai vô nhất vật 

何處惹塵埃Hà xứ nhạ trần ai.

 

Tổ lấy gậy gõ vào cối 3 cái rồi đi ra, Huệ Năng liền hiểu ý Tổ, nghe trống điểm canh ba là vào phòng Tổ, Tổ lấy cà-sa che kín cửa sổ quanh phòng, không cho người khác thấy, rồi nói kinh KIM CANG cho ta nghe, đến đoạn “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Huệ Năng ngay đó đại ngộ, thấy hết thảy muôn pháp chẳng lìa tự tánh, liền thưa với Tổ:

Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh 

Dè đâu tự tánh vốn chẳng diệt sinh 

Nào ngờ tự tánh vốn tự đủ đầy

Dè đâu tự tánh vốn không động lay 

Nào ngờ tự tánh năng sanh muôn pháp.

Tổ biết Huệ Năng ngộ bản tánh, tức gọi là trượng phu, thầy của chư Thiên và người, là Phật. Huệ Năng thọ pháp trong canh ba, mọi người đều chẳng hay, Tổ liền truyền tâm-pháp đốn giáo và y-bát, nói:

- Ông làm Tổ đời thứ 6, hãy khéo tự hộ niệm, rộng độ hữu tình, lưu bố đời sau, đừng cho đoạn dứt! Hãy nghe bài kệ của ta!(1)

Hữu tình có gieo giống 

Nhân gieo, quả ắt sanh 

Vô tình đã không giống 

Vô tánh cũng vô sanh.

1. 有情來下種 Hữu tình lai hạ chủng 

因地果還生Nhân địa quả hoàn sanh 

無情既無種Vô tình kí vô chủng 

無性亦無生Vô tính diệc vô sanh.

 

Tổ lại nói:

- Xưa Đại sư Đạt-ma mới đến đất này, con người chưa đủ lòng tin, nên mới truyền y này để làm tín thể. Đời đời truyền nhau, pháp thì lấy tâm truyền tâm, đều khiến tự ngộ tự giải. Từ xưa Phật Phật chỉ truyền bản thể, Tổ Tổ mật phó(1) bản tâm, vì y cà-sa là đầu mối tranh giành nên đến ông là dừng không truyền nữa. Nếu truyền y này thì mạng sống như chỉ mành treo chuông, ông hãy đi mau, sợ rằng có người hại ông.

Huệ Năng hỏi:

- Con nên đi đâu? 

Tổ đáp:

- Gặp Hoài thì dừng, gặp Hội thì ẩn. 

Canh ba, Huệ Năng lãnh nhận y-bát, nói:

- Năng con vốn là người Lĩnh Nam, lâu nay không biết đường núi này, làm sao đi ra được cửa sông?

Ngũ Tổ nói:

- Ông chẳng cần lo chi, ta tự đưa ông đi.

Tổ đưa Huệ Năng đến thẳng Cửu Giang, bên bến sông đã có sẵn một chiếc thuyền, Tổ bảo Huệ Năng lên thuyền. Ngũ Tổ tự cầm mái chèo mà đưa thuyền đi, Huệ Năng nói:

Xin hòa thượng ngồi, để đệ tử chèo mới đúng.

1. 密付 (mật phó): Cũng gọi là mật thụ, mật phụ, mật truyền. Bậc thầy đích thân truyền trao Phật pháp cho đệ tử một cách kín đáo. Cũng tức là phương thức dùng tâm truyền tâm của Thiền tông. Khi Người tu học tỏ ngộ được mày mặt thật xưa nay của chính mình và được thầy chứng minh, ấn khả thì gọi là mật truyền mật phó.

 

Ngũ Tổ nói:

- Ta độ ông mới đúng.

Huệ Năng nói:

- Khi mê thì thầy độ, lúc ngộ rồi thì phải tự độ. Nói độ tuy là một, nhưng chỗ dùng khác nhau. Huệ Năng con sanh ở biên địa, ngay cả nói năng phát âm còn không chính xác, được thầy trao pháp, nay đã được ngộ. Chỉ nên tự tánh tự độ.

Tổ nói:

- Đúng vậy, đúng vậy. Sau này Phật pháp do ông mà được lưu hành rộng khắp, ông đi rồi, ba năm sau ta qua đời. Hãy cố gắng đi về phía Nam, chẳng nên vội thuyết pháp sớm, vì Phật pháp khó phát khởi.

Huệ Năng từ biệt Tổ rồi, cất bước đi về phương Nam, trong khoảng 2 tháng đến đỉnh núi Đại Dữu. Ngũ Tổ trở về, mấy ngày sau không lên pháp đường, mọi người sanh nghi, bèn đến thăm hỏi:

- Hòa thượng có chút bệnh hay chút phiền gì chăng?

Tổ đáp:

- Bệnh thì không có, nhưng y-pháp đã về Nam rồi.

Hỏi:

Ai là người được truyền thụ?

Tổ đáp:

Người Năng hành được.

Mọi người mới biết là Huệ Năng được. Thế là mấy trăm người liền chạy theo, muốn đoạt lấy y-bát. Có một vị tăng họ Trần, tên là Huệ Minh, trước kia là Tướng quân tứ phẩm, tính tình thô bạo, quyết chí truy tìm, chạy vượt trước mọi người, đuổi theo gần kịp sát Huệ Năng. Thấy vậy, Huệ Năng bèn đặt y-bát lên tảng đá, thầm nói “Y này biểu thị cho lòng tin, há dùng sức mạnh mà tranh giành được sao?”. Rồi Huệ Năng núp trong lùm cỏ rậm, Huệ Minh tới, vội nhặt lấy y-bát nhưng không sao nhấc lên nổi, liền kêu lên:

- Này hành giả hành giả Tôi vì pháp mà đến, chứ không vì y mà đến.

Huệ Năng bèn bước ra ngồi lên tảng đá, Huệ Minh tác lễ nói:

- Xin hành giả hãy vì tôi mà thuyết pháp!

Huệ Năng nói:

- Ông đã vì pháp mà đến đây, hãy ngưng dứt muôn duyên, chớ có sanh niệm nào, thì ta sẽ vì ông mà nói.

Huệ Năng im lặng định tâm hồi lâu, rồi mới nói với Huệ Minh:

- Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, ngay lúc đó thì cái gì là bản lai diện mục(1) của thượng tọa Minh?

Huệ Minh ngay lời nói liền đại ngộ. Lại hỏi rằng:

- Ngoài mật ngữ mật ý này ra, còn có mật ý nào khác chăng?

Huệ Năng đáp:

- Nói cho ông nghe thì chẳng phải mật rồi. Nếu ông tự soi lại mình thì mật ở bên ông.

Huệ Minh thưa:

1. 本來面目 (bản lai diện mục): Còn gọi là bổn địa phong quang, bổn phận điền địa, tự kỷ bổn phần. Mặt mũi Xưa nay. Chỉ cho tự tánh chẳng mê chẳng ngộ mà mọi người đều sẵn có, chỉ hiện tiền khi thân- tâm tự nhiên rỗng rang.

 

Huệ Minh tuy ở Hoàng Mai, nhưng thực sự chưa ngộ ra bản lai diện mục của chính mình. Nay được chỉ dạy, như người uống nước, nóng lạnh tự mình biết. Vậy hành giả chính là thầy của Huệ Minh này.

Huệ Năng nói:

- Như vậy thì ta với ông cùng thờ một thầy là Ngũ Tổ ở Hoàng Mai. Hãy khéo tự hộ trì!

Minh lại hỏi:

- Vậy sau này Huệ Minh nên đi đâu?

Huệ Năng đáp:

- Gặp Viên thì dừng, gặp Mông thì ở.

Minh tác lễ từ biệt, trở về dưới núi, nói với đám đông đuổi theo:

- Lên trên núi cao vút hiểm trở cũng không thấy tung tích, mọi người nên tìm đường khác.

Đám đông đều cho là phải. Về sau Huệ Năng đến Tào Khê, lại bị người ác truy tìm đuổi theo, bèn ở huyện Tứ Hội lánh nạn trong nhóm thợ săn, phàm trải qua 15 năm, thường tùy nghi mà thuyết pháp cho nhóm thợ săn nghe. Nhóm thợ săn thường sai bảo ta giữ lưới, nhưng hễ nhìn thấy con thú nào còn sống là đều thả hết. Cứ đến bữa ăn là bỏ nhờ rau vào trong nồi thịt, có người hỏi thì chỉ đáp:

- Chỉ ăn rau luộc bên thịt là đủ rồi.

Một hôm ta nghĩ “Đã đến lúc phải hoằng pháp, không thể ẩn lánh mãi”. Ta liền đi đến chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, nhằm lúc gặp pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết-bàn, lúc đó có gió thổi làm phướn lay động. Một vị tăng nói:

- Là gió động.

Một vị tăng khác nói:

- Là phướn động.

Tranh luận không ngưng. Huệ Năng bèn bước lên nói:

- Không phải gió động, cũng không phải phướn động, mà là tâm của các nhân giả động.

Cả đại chúng đều hết sức ngạc nhiên. Ấn Tông mời Huệ Năng lên tòa, vặn hỏi nghĩa sâu xa, thấy lời lẽ của Huệ Năng đơn giản mà đúng nghĩa lý, không do văn tự Tông nói:

- Hành giả chắc chắn chẳng phải là người tầm thường, từ lâu đã nghe y-pháp ở Hoàng Mai truyền đến phương Nam. Phải chăng là hành giả đây?

Huệ Năng đáp:

- Không dám.

Thế là Tông chấp lễ đệ tử xin ta đưa y-bát được truyền ra cho đại chúng xem, Ấn Tông lại hỏi:

- Tổ Hoàng Mai khi phó chúc, ý chỉ truyền trao là gì vậy?

Huệ Năng đáp:

- Ý chỉ truyền trao thì không có, chỉ luận về thấy tánh, chứ không luận về thiền định và giải thoát.

Tông hỏi:

- Tại sao không luận về thiền định và giải thoát?

Huệ Năng đáp:

- Vì đó là nhị pháp, chứ không phải là Phật pháp. Phật pháp là pháp bất nhị

Tông lại hỏi:

- Thế nào là pháp bất nhị của Phật pháp?

Huệ Năng đáp:

- Pháp sư giảng kinh Niết-bàn, từng hiểu rõ việc phải thấy Phật tánh, đó là pháp Bất nhị của Phật pháp; như Bồ tát Cao Quý Đức Vương thưa với Phật trong kinh Niết- bàn rằng “Phạm tứ trọng cấm(1), tạo tội ngũ nghịch(2), và hạng Nhất-xiển-đề(3) có phải sẽ bị đoạn dứt thiện căn và Phật tánh hay chăng?”, Phật dạy “Thiện căn có hai, một là thượng, hai là vô thượng, Phật tánh chẳng phải thượng, chẳng phải vô thượng, cho nên chẳng đoạn dứt”, đây gọi là Bất nhị. Phật lại nói: “Một là thiện, hai là Bất thiện, Phật tánh chẳng phải thiện, chẳng phải bất thiện”, đây gọi là Bất nhị. Uẩn và giới, phàm phu thấy hai, người trí liễu đạt thì thấy tánh ấy không có hai. Tánh không có hai tức là Phật tánh.

Ấn Tông nghe xong, vui mừng chắp tay nói:

Mỗ giáp giảng kinh giống như ngói vụn, nhân giả luận nghĩa giống như vàng ròng.

1. 四重禁 (tứ trọng cấm): Bốn giới lớn nhất của tỷ-kheo là dâm dục, trộm cướp, sát nhân, vọng ngữ.

2. 五逆罪 (ngũ nghịch tội): Năm tội bội phản là giết cha, giết mẹ, hại A-la- hán, đấu loạn chúng tăng, khởi ác ý đối với sở hành của Như Lai. Phạm 5 tội lớn này phải đọa vào địa ngục Vô gián.

3. 一闡提 (Nhất-xiển-đề): Người không tin Phật pháp, cực ác, mất hết thiện căn chẳng thành Phật được.

 

Thế rồi Ấn Tông xuống tóc cho Huệ Năng, nguyện thờ làm thầy. Huệ Năng bèn ở dưới gốc cây bồ-đề khai diễn pháp môn Đông Sơn.

Huệ Năng từ khi đắc pháp ở Đông Sơn, chịu mọi cay đắng cực khổ, tính mạng như chỉ mành treo chuông. Hôm nay được cùng với Sử quân(1), các quan lại, tăng ni, đạo-tục đồng ở pháp hội này, đều là nhân duyên nhiều kiếp, cũng là trong quá khứ từng cúng dường chư Phật, đồng gieo trồng căn lành, nên mới có nhân duyên được nghe pháp môn đốn ngộ đắc pháp như trên. Giáo pháp ấy là do bậc Tiên Thánh truyền, không phải Huệ Năng tự hiểu. Nguyện những ai nghe được giáo pháp của bậc Tiên Thánh này, thì đều khiến tâm thanh tịnh, nghe xong đều trừ được nghi hoặc, không khác gì Thánh nhân đời trước.

Sư lại bảo đại chúng:

Này các vị thiện tri thức! Trí của bồ-đề bát-nhã, người đời vốn tự có, chỉ vì tâm mê mà chẳng thể tự ngộ, phải nhờ bậc đại thiện tri thức chỉ dạy thấy tánh. Phải nên biết Phật tánh của người ngu và người trí vốn không khác nhau, chỉ vì mê ngộ bất đồng cho nên mới có kẻ ngu người trí. Nay ta vì các vị mà nói pháp ma-ha bát-nhã ba-la-mật, khiến cho mọi người đều được trí huệ, hãy chí tâm lắng nghe, ta sẽ vì các vị mà nói!

Này các vị thiện tri thức! Người đời suốt ngày miệng niệm bát-nhã mà không biết tự tánh bát-nhã, giống như chỉ nói ăn mà chẳng no, miệng chỉ nói “không” thì muôn kiếp không được thấy tánh, rốt cuộc không có lợi ích gì.

1. Tức quan Thứ sử Vi Cừ đã nói ở trên.

 

Này các vị thiện tri thức! Ma-ha bát-nhã ba-la-mật là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là đại trí huệ đến bờ bên kia. Chỗ này cần phải tâm hành, chứ không phải chỉ miệng niệm, miệng niệm mà tâm chẳng hành thì như huyễn như hóa, như sương móc như ánh chớp; miệng niệm tâm hành thì tâm và miệng tương ưng. Bản tánh là Phật, lìa tánh ra không có Phật nào khác. Sao gọi là ma-ha? Ma-ha là lớn, tâm lượng rộng lớn, giống như hư không, không có bờ mé, cũng không có vuông tròn lớn nhỏ, cũng chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, cũng không có trên dưới dài ngắn, cũng không giận, cũng không vui, không đúng, không sai, không thiện, không ác, không có đầu đuôi. Các cõi nước của chư Phật đều giống như hư không, diệu tánh của người đời vốn “không”, không có một pháp nào để đắc, tự tánh chân không cũng lại như vậy.

Này các vị thiện tri thức! Đừng nghe ta nói “không” liền chấp vào “không” quan trọng nhất là đừng chấp vào “không”. Nếu để tâm “không” tĩnh tọa thì chấp vào “vô ký không”(1).

Này các vị thiện tri thức! Thế giới hư không bao hàm hết sắc tướng của muôn vật, trời trăng tinh tú, sơn hà đại địa, suối nguồn khe rãnh, cỏ cây rừng rậm, người ác người hiện, pháp ác pháp thiện, thiên đường địa ngục, hết thảy biển cả, các núi Tu-di đều ở trong “không” (hư không). Tánh “không” của người đời, cũng lại như vậy.

Này các vị thiện tri thức! Tự tánh bao hàm hết muôn pháp, đây gọi là lớn, muôn pháp ở trong tánh của mọi người. Nếu thấy tất cả mọi người ác và thiện, mà thảy đều chẳng lấy chẳng bỏ, cũng chẳng nhiễm chấp, tâm như hư không thì đây gọi là lớn, cho nên mới nói là ma-ha.

1. 無記空 (vô ký không): Cái “không” của sự không ghi nhớ không phân biệt thiện ác, không phải là chân tâm của tự tánh.

 

Này các vị thiện tri thức! Người mê thì miệng chỉ nói, còn bậc trí thì tâm chuyên hành. Lại có người mê để tâm “không” tĩnh tọa, trăm điều không nghĩ, tự xưng là lớn. Hạng người này không thể nói với họ được, vì là tà kiến vậy.

Này các vị thiện tri thức! Tâm lượng rộng lớn, trùm khắp pháp giới, dụng thì liễu liễu phân minh, ứng dụng liền biết tất cả. Tất cả là một, một là tất cả, đến đi tự do, tâm thể vô ngại, tức là bát-nhã.

Này các vị thiện tri thức! Tất cả mọi trí bát-nhã đều từ tự tánh sanh, chứ chẳng phải từ ngoài vào. Không lầm dụng ý, đây gọi là chân tánh tự dụng. Một chân thì tất cả đều chân, tâm lượng là việc lớn, không nên hành đạo nhỏ. Miệng chớ có suốt ngày nói “không”, mà trong tâm không tu hạnh này, giống như người phàm tự xưng là quốc vương, rốt cuộc không thể được. Người như thế chẳng phải là đệ tử của ta.

Này các vị thiện tri thức! Sao gọi là bát-nhã? Bát-nhã tiếng Hoa nghĩa là trí huệ ở khắp mọi nơi, ở trong mọi lúc, niệm niệm không ngu, thường hành trí huệ, tức là hạnh của bát-nhã. Một niệm ngu tức bát-nhã dứt, một niệm trí tức bát-nhã sanh. Người đời ngu mê không thấy bát-nhã, miệng nói bát-nhã mà trong tâm thường ngu, tự nói ta tu bát-nhã, niệm niệm nói “không” mà chẳng biết chân không. Bát-nhã không có hình tướng, tức là tâm trí huệ. Nếu hiểu biết như vậy thì gọi là trí bát-nhã. Sao gọi là ba-la-mật? Ba-la-mật là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là đến bờ bên kia, giải nghĩa ra là lìa sanh diệt. Chấp cảnh thì sanh diệt khởi, như nước có sóng mòi, đây gọi là bờ bên này. Lìa cảnh thì không có sanh diệt, như nước thường chảy thông, đây gọi là bờ bên kia, cho nên gọi là ba-la-mật.

Này các vị thiện tri thức! Người mê miệng niệm bát- nhã, ngay lúc niệm có vọng tưởng có sai trái. Niệm niệm nếu hành bát-nhã thì đây gọi là chân tánh. Ai ngộ pháp này là pháp bát-nhã, ai tu hạnh này là hạnh bát-nhã, chẳng tu tức là phàm phu. Một niệm tu hành, tự thân đồng với Phật.

Này các vị thiện tri thức! Phàm phu tức Phật, phiền não tức bồ-đề niệm trước mê tức phàm phu, niệm sau ngộ tức là Phật, niệm trước chấp cảnh tức phiền não, niệm sau lìa cảnh tức bồ-đề.

Này các vị thiện tri thức! Ma-ha bát-nhã ba-la-mật là tôn quý nhất, cao thượng nhất, đứng trên hết, vô trụ không đến cũng không đi. Ba đời chư Phật đều từ trong đó ra, cần phải dùng đại trí huệ để đập tan ngũ uẩn phiền não trần lao. Tu hành như vậy, chắc chắn thành Phật đạo, biến ba độc tham-sân-si thành giới-định-huệ.

Này các vị thiện tri thức! Pháp môn này của ta, từ một bát-nhã sanh ra 84 ngàn trí huệ. Tại sao vậy? Vì người đời có 84 ngàn trần lao, nếu không có trần lao thì trí huệ thường hiển hiện, chẳng lìa tự tánh. Ai ngộ pháp này tức là vô niệm, không hồi tưỏng, không chấp trước, không khởi cuồng vọng, dụng tự tánh chân như, lấy trí huệ quán chiếu, ở nơi tất cả các pháp đều không lấy không bỏ tức là thấy tánh thành Phật đạo.

Này các vị thiện tri thức! Nếu ai muốn vào pháp giới thậm thâm và tam-muội Bát-nhã, thì phải tu hạnh bát-nhã, trì tụng kinh KIM CANG BÁT-NHÃ, tức được thấy tánh. Phải biết công đức này vô lượng vô biên, trong kinh rõ ràng tán thán, không thể nói ra hết được. Pháp môn này là Tối thượng thừa, vì người đại trí mà nói, vì người thượng căn mà nói. Người tiểu căn tiểu tri nghe, tâm sẽ sanh lòng chẳng tin. Tại sao vậy?

Ví như hàng Thiên long(1) tuôn mưa xuống cõi Diêm-phù-đề thành ấp thôn xóm thảy đều trôi dạt, như lá táo nổi trôi. Nếu mưa tuôn xuống biển cả thì chẳng thêm chẳng bớt, như người Đại thừa, như người Tối thượng thừa, nghe nói kinh KIM CANG thì tâm khai ngộ giải, cho nên biết bản tánh tự có trí bát-nhã, tự dùng trí huệ thường quán chiếu, chẳng nhờ văn tự. Ví như nước mưa không phải tự nhiên mà có, mà vốn do Thiên long khởi tạo(2), nhờ vậy tất cả chúng sanh, hết thảy cỏ cây, hữu tình và vô tình, đều được thấm nhuần, trăm sông muôn dòng đều chảy về biển cả, hợp làm một thể. Trí bản tánh bát-nhã của chúng sanh cũng lại như vậy.

Này các vị thiện tri thức! Người căn tánh tiểu căn nghe pháp môn đốn giáo này, giống như cỏ cây nhỏ bé gặp mưa lớn thảy đều gãy đổ chẳng thể tăng trưởng. Người tiểu căn cũng lại như vậy, vốn có trí của bát-nhã, cũng không khác gì người đại trí, tại sao nghe pháp mà không tự khai ngộ? Bởi vì tà kiến, nghiệp chướng nặng, gốc phiền não sâu, giống như mây lớn che hết mặt trời, không được gió thổi tan thì ánh sáng mặt trời không hiện. Trí của bát-nhã cũng không có lớn nhỏ chỉ vì tự tâm của tất cả chúng sanh mê ngộ khác nhau, tâm mê thì thấy bên ngoài, tu hành tìm Phật, chưa ngộ tự tánh, tức là tiểu căn. Nếu nghe ngộ đốn giáo, không chấp bên ngoài tu, chỉ cần tự tâm thường khởi chánh kiến, thì thường không thể nhiễm phiền não trần lao, tức là thấy tánh.

Này các vị thiện tri thức! Trong ngoài đều chẳng trụ đến đi tự do, dứt trừ tâm chấp, thông đạt vô ngại, năng tu hạnh này thì vốn không khác gì kinh Bát-nhã.

1. 龍 (Thiên long): Rồng canh giữ Thiên cung, gọi đủ là Thủ Thiên cung long. Theo truyền thuyết, Thiên long còn có nhiệm vụ tạo ra mưa, điều tiết thời khí, khiến cho vạn vật chúng sanh trong nhân gian được thấm nhuần sinh trưởng.

2. Mưa không phải tự nhiên mà có, mà vốn do Thiên long khởi tạo: Đây là truyền thuyết đã có từ xa xưa, khác với quan niệm hiện nay mưa là do không khí bốc hôi tạo thành. Tuy nhiên chúng ta chớ có quên đây là tuyên thuyết của Lục Tổ một bật triệt ngộ chân chánh, người đã xa lìa mọi mê tín, kiến hoặc. Vả lại, những khám phá của khoa học nhân loại hiện nay vẫn chưa phải là cùng tận, tất cả đều là quy ước tạm thời. Đề được cho là chân lý hôm nay, ngày mai vẫn có thể là sai lầm.

 

Này các vị thiện tri thức! Tất cả mọi tạng giáo và mọi văn tự Đại thừa và Tiểu thừa, 12 bộ kinh, đều do con người lập ra, vì từ tánh trí huệ mới kiến lập được. Nếu không có người đời thì hết thảy muôn pháp vốn tự chẳng có, cho nên biết muôn pháp vốn từ con người mà ra. Tất cả mọi kinh sách đều do con người nói mà có, vì trong con người ấy có ngu có trí, ngu là tiểu nhân, trí là đại nhân. Kẻ ngu hỏi người trí, bậc trí nói pháp cho người ngu nghe, người ngu bỗng nhiên ngộ giải tâm khai, tức không khác gì người trí.

Này các vị thiện tri thức! Chẳng ngộ thì Phật là chúng sanh, ngay một niệm ngộ thì chúng sanh là Phật, nên biết muôn pháp đều ở tự tâm. Vậy tại sao không từ trong tự tâm, ngay đó thấy chân như tự tánh? Kinh Bồ-tát giới nói “Bổn Nguyên tự tánh của ta thanh tịnh. Nếu biết tự tâm và thấy tánh thì đều thành Phật đạo”, kinh Duy-ma nói “Ngay đó hoát nhiên, liền đắc bản tâm”.

Này các vị thiện tri thức! Ta ở chỗ hòa thượng Hoằng Nhẫn, vừa nghe một lời ngay đó liền ngộ, ngay đó thấy chân như bản tánh. Cho nên đem giáo pháp này lưu hành, để cho người học đạo đốn ngộ bồ-đề đều tự quán tâm, tự thấy bản tánh. Nếu tự mình chẳng ngộ thì phải tìm bậc đại thiện tri thức giảng giải pháp Tối thượng thừa chỉ thẳng đường chính. Bậc thiện tri thức này có nhân duyên lớn, đó gọi là giáo hóa dẫn dắt khiến được thấy tánh, tất cả mọi pháp thiện đều do thiện tri thức mới phát khởi được. Ba đời chư Phật và 12 bộ kinh đều ở trong tánh người, vốn tự có đủ. Nếu không thể tự ngộ thì phải cầu thiện tri thức chỉ dạy mới thấy được. Nếu tự ngộ thì không cần cầu bên ngoài. Nếu cứ khư khư cố chấp cho rằng cần phải nhờ thiện tri thức mới mong được giải thoát, thì không có chuyện đó. Tại sao vậy? Vì trong tự tâm có thiện tri thức tự ngộ. Nếu khởi vọng niệm tà mê điên đảo hướng ra ngoài tìm cầu, dù thiện tri thức có chỉ dạy, nhưng vẫn không thể cứu được. 

Nếu khởi trí bát-nhã chân chánh quán chiếu, thì trong một sát-na vọng niệm đều diệt sạch. Nếu biết tự tánh, một khi ngộ liền đến Phật địa.

Này các vị thiện tri thức! Trí huệ quán chiếu, trong ngoài minh triệt, biết tự bản tâm, nếu biết bản tâm tức căn bản giải thoát. Nếu được giải thoát tức là tam-muội Bát-nhã, tam-muội Bát-nhã tức là vô niệm.  Sao gọi là vô niệm? Nếu thấy tất cả các pháp mà tâm không nhiễm chấp, đây gọi là vô niệm. Dùng thì ở khắp mọi nơi, mà cũng không dính chấp vào một chỗ nào. Chỉ cần tịnh bản tâm, khiến cho lục thức ra 6 cửa, ở trong lục trần mà không nhiễm không tạp, đến đi tự do, thông dụng vô ngại, tức là tam-muội Bát-nhã, tự tại giải thoát gọi là hạnh vô niệm. Nếu trăm điều không nghĩ ngợi, phải làm cho niệm dứt, tức là pháp trói buộc, đây gọi là biên kiến.

Này các vị thiện tri thức! Ai ngộ pháp vô niệm thì muôn pháp đều thông, ai ngộ pháp vô niệm này thì thấy cảnh giới của chư Phật. Ai ngộ pháp vô niệm thì đến địa vị Phật.

Này các vị thiện tri thức! Đời sau có ai được ngộ pháp của ta, nếu đem pháp môn đốn giáo này, cùng với người đồng kiến đồng hành, phát nguyện thọ trì như làm việc Phật, suốt đời không thối lui, thì chắc chắn người đó sẽ vào Thánh vị Chánh pháp cần phải được truyền trao, vì từ xưa đến nay Phật-Tổ luôn tiếp nối thầm truyền trao phó, cho nên không được giấu giếm chánh pháp của các Ngài.

Nếu ai không đồng kiến đồng hành, hoặc ở trong pháp khác thì không được truyền trao, vì sẽ làm tổn hại chánh pháp của tiền nhân, rốt cuộc không có lợi ích. Lại sợ người ngu không hiểu, phỉ báng pháp môn này mà trăm kiếp ngàn đời đoạn dứt chủng tánh Phật.

Này các vị thiện tri thức! Ta có một bài tụng “Vô tướng”, mọi người nên tụng theo, hàng tại gia và xuất gia chỉ cần y theo đây tu. Nếu không tự tu, chỉ nhớ suông lời ta thì cũng không có lợi ích. Hãy lắng nghe bài tụng của ta!

 

Thuyết thông và tâm thông

Như mặt trời trên không

Chỉ truyền pháp thấy tánh

Ra đời phá tà tông 

Pháp vốn không tiệm đốn 

Mê ngộ có chậm nhanh

Chỉ môn thấy tánh này

Người ngu chẳng thể rõ

Thuyết giảng tuy muôn đường

Khế lý chỉ về một

Trong nhà tối phiền não

Thường phải phát huệ nhật

Tà đến, phiền não đến

Chánh đến, phiền não trừ

Tà chánh đều chẳng dụng

Thanh tịnh đến vô dư

Bồ-đề vốn tự tánh

Khởi tâm tức là vọng

Tịnh tâm ở trong vọng

Chân chánh không ba chướng

Người đời nếu tu đạo

 Tất cả đều chẳng hại

Thường tự thấy lỗi mình

Tức tương ưng với đạo

Sắc loài tự có đạo

Đều không não hại nhau

Lìa đạo tìm đạo khác

Cả đời chẳng thấy đạo

Bôn ba trọn một đời

Cuối cùng tự phiền não

Muốn được thấy chân đạo

Làm chánh tức là đạo

Nếu không có tâm đạo

Ám muội chẳng thấy đạo

Nếu người chân tu đạo

Chẳng thấy lỗi thế gian

Nếu thấy lỗi người khác

Trái lại thành tựu quấy

Người sai, ta chẳng sai

Ta sai, tự có lỗi

Chỉ tự dứt tâm sai

Trừ sạch, phiền não hết

Yêu ghét chẳng bận tâm

Duỗi chân nằm thanh thản

Lòng muốn độ người khác

Tự phải biết phương tiện

Chớ để người sanh nghi

Tức là tự tánh hiện

Phật pháp tại thế gian

Chẳng lìa thế gian giác

Lìa thế tìm bồ-đề

Giống như tìm sừng thỏ

Chánh kiến là xuất thế

Tà kiến là thế gian

Tà chánh đều dứt sạch

Tánh bồ-đề hiển lộ

Tụng này là đốn giáo 

Cũng là thuyền đại pháp

Mê nghe trải nhiều kiếp

Ngộ thì trong sát-na.

Sư lại nói:

- Nay ở chùa Đại Phạm nói pháp đốn giáo này, nguyện tất cả chúng sanh trong khắp pháp giới ngay lời nói liền thấy tánh thành Phật.

Lúc đó, Vi Sử quân cùng với các quan lại và đạo-tục nghe sư nói xong, không ai mà chẳng tỉnh ngộ, đồng thời làm lễ, thảy đều khen rằng:

- Hay thay, nào ngờ ở Lĩnh Nam có Phật ra đời!

Phần thứ 2 GIẢI THÍCH CÔNG ĐỨC VÀ TỊNH ĐỘ

Qua ngày hôm sau, quan Thứ sử họ Vi vì sư mà mở đại hội chay. Dùng chay xong, Thứ sử mời sư lên tòa, cùng với các quan lại, sĩ thứ cung kính tái bái, hỏi rằng:

- Đệ tử nghe hòa thượng thuyết pháp, thật không thể nghĩ bàn, nay có chút nghi, xin ngài đại từ bi giải nói cho!

Sư nói:

- Có nghi cứ hỏi, ta sẽ nói.

Vi Thứ sử hỏi:

- Chỗ ngài nói có đúng là tông chỉ của Đại sư Đạt-ma chăng?

Sư đáp:

- Phải.

Vi Thứ sử nói:

- Đệ tử nghe Tổ Đạt-ma ban đầu dạy Lương Vũ Đế, vua hỏi “Trẫm một đời xây chùa, cúng tăng, bố thí, làm chay. Vậy có công đức gì không?”. Tổ Đạt-ma đáp “Thực sự không có công đức”. Đệ tử chưa đạt lý này, xin hòa thường nói cho nghe!

Sư nói:

- Thực sự không có công đức, chớ có nghi lời của bậc Tiên Thánh. Vì Vũ Đế tâm không chánh, không biết chánh pháp; xây chùa, cúng dường, bố thí, làm chay, đó gọi là cầu phước, không thể đem phước cho là công đức. Công đức ở trong pháp thân, chứ không ở chỗ tu phước.

Sư lại nói:

- Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Niệm niệm vô ngại, thường thấy diệu dụng chân thật của bản tánh, đây gọi là công đức. Trong tâm khiêm hạ là công, bên ngoài theo lễ là đức. Tự tánh kiến lập muôn pháp là công, tâm thể lìa niệm là đức. Không lìa tự tánh là công, ứng dụng vô ngại là đức. Nếu tìm công đức pháp thân, thì chỉ y theo đây mà hành, đó là công đức chân thật. Nếu Người tu công đức thì tâm không khinh người, thường cung kính tất cả. Nếu tâm thường khinh người, ta-tôi chẳng dứt, thì tự mình không có công; tánh mình hư vọng, không thật thì tự mình không có đức. Vì chấp ngã mà tự đại, thường coi khinh tất cả.

Này các vị thiện tri thức! Niệm niệm không ngăn cách là công, tâm hành bình đẳng chánh trực là đức. Tự tu tánh là công, tự tu thân là đức.

Này các vị thiện tri thức! Công đức phải ở trong tự tánh mà thấy; không phải chỗ bố thí, cúng dường mà cầu được. Cho nên phước đức khác với công đức. Vũ Đế không biết chân lý, chứ chẳng phải Tổ sư ta có lỗi.

Vi Thứ sử lại hỏi:

- Đệ tử thường thấy tăng-tục niệm A-di-đà Phật, nguyện sanh Tây phương. Xin hòa thường nói cho, vậy có thật được sanh về đó không? Xin ngài giải nghi cho!

Sư đáp:

- Sử quân hãy khéo nghe, Huệ Năng ta sẽ nói. Thế Tôn ở trong thành Xá-vệ, nói về cõi Tây phương để hóa độ dẫn dắt, văn kinh nói rõ ràng là cách đây không xa. Nếu luận về tướng mà nói, số dặm có mười vạn tám ngàn, tức là mười ác và tám tà trong thân, đó là nói xa, nói xa là vì người hạ căn, nói gần là vì người thượng trí. Người có hai loại, chứ pháp không có hai, vì mê ngộ khác nhau mà thấy có nhanh chậm. Người mê niệm Phật cầu sanh Tây phương, người ngộ tự tịnh tâm mình, cho nên Phật nói “Tùy tâm mình tịnh tức cõi Phật tịnh”. 

- Sử quân là người phương Đông, chỉ cần tâm tịnh thì không có tội. Dù người ở phương Tây mà tâm bất tịnh, thì cũng có lỗi lầm. Người Đông phương tạo tội, niệm Phật cầu sanh Tây phương, người Tây phương tạo tội, niệm Phật cầu sanh về cõi nào? Phàm ngu chẳng liễu tự tánh, không biết Tịnh độ trong thân, nguyện Đông nguyện Tây, người ngộ ở đâu cũng liễu tự tánh, cho nên Phật nói “Tùy chỗ trụ xứ mà thường an lạc”. Chỉ cần tâm địa của Sử quân ở đâu cũng là thiện, thì Tây phương cách đây không xa. Nếu tâm ôm lòng bất thiện, thì dù niệm Phật cầu vãng sanh cũng khó đến.

Nay khuyên các vị thiện tri thức! Trước hết dứt trừ 10 việc ác, tức đi được 10 vạn dặm, sau đó dứt trừ 8 điều tà là vượt qua 8 ngàn dặm. Niệm niệm thấy tánh, thường hành bình đẳng chánh trực, thì đến Tây phương như tróc tay, liền nhìn thấy Phật Di-đà. Sử quân chỉ cần tu Thập thiện, thì đâu cần nguyện vãng sanh. Nếu tâm chẳng dứt trừ 10 việc ác, thì Phật nào mà đến đón rước. Nếu ngộ pháp môn đốn giáo vô sanh, thì thấy Tây phương chỉ trong sát-na. Nếu chẳng ngộ mà niệm Phật cầu vãng sanh, thì đường xa làm sao đến được. Nay Huệ Năng dời Tây phương đến mọi người trong sát-na, trước mắt liền thấy. Vậy mọi người có nguyện thấy không?

Mọi người đều đảnh lễ nói:

- Nếu ở đây mà thấy thì đâu cần nguyện vãng sanh. Xin hòa thượng từ bi hiện Tây phương để mọi người được thấy!

Sư nói:

- Này đại chúng! Chính sắc thân của người đời là thành lũy, mắt-tai-mũi-lưỡi là cửa ngõ, ở ngoài có 5 cửa, bên trong có cửa ý; tâm là địa, tánh là vua, vua ở trên tâm địa, tánh còn thì vua còn, tánh đi thì vua mất. Tánh còn thì thân-tâm còn, tánh đi thì thân-tâm hoại. Tìm Phật ở trong tánh, đừng cầu ở ngoài thân. Tự tánh mê tức là chúng sanh, tự tánh giác tức là Phật. Từ bi tức là Quán Thế Âm, hỷ xả gọi là Đại Thế Chí, năng tịnh là Thích-ca, bình đẳng chánh trực là Di-đà. Nhân-ngã là núi Tu-di, tà tâm là nước biển, phiền não là sóng mòi, độc hại là rồng ác, hư vọng là quỷ thần, trần lao là loài cá loài rùa(1), tham sân là địa ngục, ngu si là súc sanh.

Này các vị thiện tri thức! Thường hành thập thiện thì thiên đường liền đến, dứt trừ nhân-ngã thì núi Tu-di sụp đổ, không có tà tâm thì nước biển khô cạn, phiền não không có thì sóng mòi ngưng lặng, độc hại dứt trừ thì cá rồng hết. Giác tánh Như Lai từ trên tâm địa phóng đại quang minh, bên ngoài chiếu soi 6 cửa thanh tịnh, năng phá các cõi Trời nằm trong lục dục(1), trong tự tánh chiếu soi thì tham sân si liền dứt, mọi tội địa ngục cùng lúc tiêu diệt, trong ngoài minh triệt thì không khác Tây phương. Nếu không tu hành theo đây thì làm sao đến được Tây phương.

Đại chúng nghe sư nói xong, rõ ràng thấy tánh, thảy đều lễ bái, khen rằng:

- Hay thay, chỉ theo lời dạy đây, nguyện chúng sanh trong khắp pháp giới nghe được pháp này mà cùng lúc ngộ giải!

Sư nói:

- Này các vị thiện tri thứ! Nếu muốn tu hành thì tại gia cũng được, không nhất thiết phải ở chùa. Tại gia mà năng tu hành thì giống như người Đông phương có tâm thiện, ở chùa mà chẳng tu thì giống như người Tây phương có tâm ác. Chỉ cần tâm thanh tịnh tức là tự tánh Tây phương.

1. 魚鱉 (ngư, miết): Con cá, con ba ba, là những loài suốt ngày phải trần lao bơi lội kiếm ăn, hiểm nguy lại không ngừng rình rập.

2. 六欲 (lục dục): Chỉ sáu điều ham muốn do lục căn mà ra, đó là mắt muốn nhìn đẹp, tai muốn nghe hay, mũi muốn ngửi thơm, lưỡi muốn nếm ngon, thân xác muốn sướng, ý nghĩ muốn vui.

 

Vi Thứ sử lại hỏi:

- Tại gia tu hành thế nào? Xin ngài vì mọi người mà chỉ dạy cho!

Sư đáp:

- Ta làm bài tụng “Vô tướng” cho mọi người nghe, chỉ cần y theo bài tụng này mà tu hành, thì thường luôn ở cùng chỗ với ta, không khác. Nếu không y theo đây tu hành, thì dù cạo tóc xuất gia cũng không có ích gì đối với đạo.

Tụng rằng:

Tâm bình nhọc chi trì giới

Hạnh chánh đâu cần tu thiền

Ơn là thân dưỡng cha mẹ

Nghĩa là trên dưới thương nhau

Nhường là tôn ti thuận hợp

Nhẫn là mọi ác không gây

Nếu dùi được cây ra lửa

Bùn đọng chắc mọc sen hồng

Thuốc đắng chính là thần dược

Lời thật ắt phải trái tai

Sửa lỗi ắt sanh trí huệ

Giấu lỗi trong tâm chẳng hiền

Hằng ngày luôn làm lợi ích

Thành đạo chẳng do thí tiền

Bồ-đề chỉ hướng tâm tìm

Nhọc chi hướng ngoại cầu diệu

Nghe nói theo đây tu hành

Thiên đường chỉ ở trước mắt.

 

Sư lại nói:

- Này các vị thiện tri thức! Mọi người đều nên y theo bài kệ này mà tu hành, thì sẽ thấy được tự tánh, ngay đó thành Phật đạo, pháp chẳng chờ nhau. Mọi người hãy giải tán, ta trở về Tào Khê, nếu ai có nghi cứ đến hỏi.

Bấy giờ, Vi Thứ sử, các quan lại, và thiện nam tín nữ trong pháp hội đều được khai ngộ, tín thọ phụng hành.

 Phần thứ 3 ĐỊNH-HUỆ NHẤT THỂ

Sư dạy chúng rằng:

Này các vị thiện tri thức! Pháp môn này của ta, lấy định-huệ làm gốc. Đại chúng chớ có mê mà nói định-huệ khác nhau, định-huệ đồng một thể, chứ không phải hai. Định là thể của Huệ, Huệ là dụng của định, ngay lúc là Huệ thì định ở huệ, ngay lúc là định thì Huệ ở định. Nếu biết nghĩa này tức là định và Huệ đều phải được học như nhau.

Này các người học đạo! Chớ có nói trước phải tu định rồi sau mới phát huệ, hoặc trước phải tu huệ rồi sau mới phát định, mỗi cách riêng biệt. Nếu kiến giải như vậy thì pháp có hai tướng. Miệng nói lời lành mà trong tâm bất thiện, trong tâm bất thiện thì dù có định-huệ nhưng định- huệ cũng khác nhau. Nếu tâm và miệng đều thiện, trong ngoài là một thì định-huệ ắt đồng nhau. Tự ngộ tu hành, chẳng ở chỗ tranh luận. Nếu tranh luận trước sau thì giống như người mê, không chấm dứt thắng thua, lại thêm lớn ngã chấp và pháp chấp, chẳng lìa được 4 tướng.

Này các vị thiện tri thức! Tam-muội Nhất hạnh là ở mọi nơi, đi đứng ngồi nằm thường hành một trực tâm, như kinh Duy-ma nói “Trực tâm là đạo tràng, trực tâm là Tịnh độ? Chớ có để tâm làm theo nịnh bợ quanh co, miệng chỉ nói trực, miệng nói tam-muội Nhất hạnh mà chẳng hành trực tâm, chỉ cần hành trực tâm thì ở nơi tất cả các pháp đều không chấp trước.

 Người mê chấp pháp tướng, chấp tam-muội Nhất hạnh, cứ nói ngồi bất động vọng, chẳng khởi tâm tức là tam-muội Nhất hạnh. Kiến giải như vậy là giống như vô tình, lại là nhân duyên chướng đạo.

Này các vị thiện tri thức! Đạo cần phải thông suốt, tại sao lại chướng ngại? Tâm chẳng trụ vào pháp thì đạo liền thông suốt, tâm nếu trụ pháp thì gọi là tự trói buộc. Nếu nói ngồi bất động là đúng, thì ngài Xá-lợi-phất ngồi yên trong rừng sao lại bị cư sĩ Duy-ma-cật quở trách.

Này các vị thiện tri thức! Lại có người dạy ngồi, khán tâm quán tĩnh, chẳng động chẳng khởi, bảo theo đây làm công phu, người mê chẳng hiểu, liền chấp thủ rồi trở thành điên đảo. Những hạng như vậy, dạy nhau như vậy, nên biết là sai lầm lớn.

Này các vị thiện tri thức! Định và Huệ giống như cái gì? Giống như đèn và ánh sáng, có đèn là sáng, không có đèn là tối, đèn là thể của ánh sáng, ánh sáng là dụng của đèn. Tên gọi tuy có hai, nhưng thể vốn là một. Pháp định- huệ này cũng lại như vậy.

Này các vị thiện tri thức! Xưa nay chánh giáo không có đốn tiệm, mà do căn tánh người tự có nhanh chậm, người mê thì dần dần khế hợp, người ngộ thì ngay đó tương ưng. Chung quy tự biết bản tâm, tự thấy bản tánh thì đốn hay tiệm cũng không có gì sai biệt, chỉ vì nhanh chậm cho nên mới lập ra tên gọi giả là đốn tiệm.

Này các vị thiện tri thức! Pháp môn này của ta, từ xưa đến nay trước lập VÔ NIỆM làm tông, VÔ TƯỚNG làm thể, VÔ TRỤ làm gốc. VÔ TƯỚNG là ở nơi tướng mà lìa tướng. VÔ NIỆM là ở nơi niệm mà không có niệm. VÔ TRỤ là đối với thiện ác tốt xấu ở thế gian, cho đến oan gia và thân thuộc, lúc nói năng xúc phạm, lừa dối, tranh đấu, tức những gì thuộc về bản tánh phàm tình của con người, tất cả đều cho là không, chẳng nghĩ đến việc đền ơn trả oán, trong niệm niệm chẳng nghĩ về cảnh trước. Nếu niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm liên tục không dứt, thì gọi là ràng buộc. Ở trên các pháp, niệm niệm chẳng trụ tức không có trói buộc. Đây là lấy VÔ TRỤ làm gốc.

Này các vị thiện tri thức! Ngoài lìa tất cả tướng, đó gọi là vô tướng. Nơi tướng mà lìa được, tức pháp thể thanh tịnh. Đây là lấy VÔ TƯỚNG làm thể.

Này các vị thiện tri thức! Ở trên mọi cảnh mà tâm chẳng nhiễm tạp, đây gọi là vô niệm. Tức ở trên niệm của mình, thường lìa mọi cảnh, chẳng ở trên cảnh mà sanh tâm. Còn Nếu chỉ trăm thứ chẳng nghĩ, mọi tư tưởng dứt trừ hết, một khi tư tưởng dứt hết thì chẳng khác gì người chết, rồi chờ thọ sanh chỗ khác, đây gọi là sai lầm lớn.

Người học đạo hãy suy nghĩ cho cặn kẽ! Nếu không biết ý nghĩa thực sự của chánh pháp, tự mình lầm còn có thể tha thứ tệ hơn nữa là làm lầm luôn người khác, tự mình mê mà chẳng thấy, lại còn phỉ báng đến cả kinh Phật. Cho nên lập VÔ NIỆM làm tông.

Này các vị thiện tri thức! Sao gọi là lập vô niệm làm tông? Chỉ vì người mê, miệng nói thấy tánh mà ở trên cảnh có niệm, trên niệm liền khởi tà kiến, cho nên tất cả mọi trần lao vọng tưởng đều từ đây mà sanh. Tự tánh vốn không có pháp nào để đắc, nếu có chỗ đắc, vọng nói họa phước, tức là trần lao tà kiến, cho nên pháp môn này lập vô niệm làm tông.

Này các vị thiện tri thức! Vô là không có việc gì? Niệm là niệm cái gì? Vô là không có hai tướng, không có tâm của mọi trần lao. Niệm là niệm chân như bản tánh, chân như tức là thể của niệm, niệm tức là dụng của chân như. Tự tánh của chân như khởi niệm, chẳng phải mắt- tai-mũi-lưỡi năng niệm. Chân như có tánh, cho nên khởi niệm. Chân như nếu không có thì mắt-tai sắc-thanh ngay đó liền hư hoại.

Này các vị thiện tri thức! Tự tánh của chân như khởi niệm, lục căn tuy có kiến-văn-giác-tri mà chẳng nhiễm muôn cảnh, chân tánh thường tự tại. Cho nên nói “Thường khéo phân biệt mọi pháp tướng, mà ở nơi đệ nhất nghĩa chẳng động”.

Phần thứ 4 CHỈ DẠY TỌA THIỀN

Sư dạy chúng rằng:

Này các vị thiện tri thức! Sao gọi là tọa thiền? Trong pháp môn này không chướng không ngại, ở bên ngoài đối với tất cả mọi cảnh giới thiện ác, tâm niệm chẳng khởi, đây gọi là tọa; bên trong thấy tự tánh bất động, đây gọi là thiền.

Này các vị thiện tri thức! Sao gọi là thiền định? Bên ngoài lìa tướng là thiền, bên trong chẳng loạn là định. Bên ngoài nếu chấp tướng thì trong tâm liền loạn, bên ngoài nếu lìa tướng thì tâm chẳng loạn. Bản tánh tự tịnh tự định, chỉ vì nhìn thấy cảnh, nghĩ đến cảnh, tức là loạn. Nếu thấy mọi cảnh mà tâm chẳng loạn, thì đây là chân định.

Này các vị thiện tri thức! Ngoài lìa tướng là thiền, trong chẳng loạn là định; ngoài thiền, trong định, đây gọi là thiền định. Kinh Duy-ma nói “Ngay đó hoát nhiên, trở về được bản tâm”, kinh Bồ-tát giới nói “Bản tánh của ta vốn tự thanh tịnh”.

Này các vị thiện tri thức! Ở trong niệm niệm tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu tự hành tự thành Phật đạo. Nhưng môn tọa thiền này vốn chẳng chấp tâm, cũng chẳng chấp tịnh, cũng chẳng phải bất động. Nếu nói chấp tâm, tâm vốn là vọng, biết tâm như huyễn, cho nên không có chỗ chấp. Nếu nói chấp tịnh, tánh người vốn tịnh, do vọng niệm nên che lấp chân như, chỉ cần không có vọng tưởng thì tánh tự thanh tịnh. Nếu khởi tâm chấp tịnh thì lại sanh tịnh vọng, vọng không có nơi chốn, người chấp là vọng. Tịnh không có hình tướng, mà lại lập tướng tịnh, nói là công phu. Ai kiến giải như vậy thì tự chướng ngại bản tánh mình, lại bị tịnh trói buộc.

Này các vị thiện tri thức! Nếu ai tu bất động, thì chỉ cần lúc thấy tất cả mọi người mà không thấy thị phi tốt xấu lỗi họa của người, tức là tự tánh bất động.

Này các vị thiện tri thức! Người mê, thân tuy bất động, nhưng mở miệng liền nói thị phi hay dở tốt xấu của người, là trái nghịch với đạo. Nếu chấp tâm chấp tịnh thì lại là chướng ngại đạo.

 Phần thứ 5 TRUYỀN HƯƠNG VÀ SÁM HỐI

Lúc ấy đại sư thấy các quan, dân chúng ở Quảng Châu, Thiều Châu cho đến bốn phương đều đến tụ tập trong núi nghe pháp. Thế là sư thăng tòa bảo chúng rằng:

Này các vị thiện tri thức, hãy nghe đây! Việc này phải từ trong tự tánh khởi, ở tất cả thời, niệm niệm tự tịnh tâm mình, tự tu tự hành thấy pháp thân của chính mình, tự thấy Phật của tự tâm, tự độ tự giữ lấy mình, thì mới không uổng công đến đây. Các vị đi từ xa đến pháp hội này, thảy đều cùng có duyên. Nay các vị hãy Hồ quỳ(1), trước hết ta sẽ vì các vị mà truyền 5 phần hương pháp thân của tự tánh, kế đến là dạy sám hối vô tướng.

Mọi người đều quỳ xuống, sư nói:

Một là giới hương, tức trong tự tâm không có sai trái, không có xấu ác, không có ganh ghét, không có tham sân, không có cướp hại, đây gọi là giới hương.

Hai là định hương, tức nhìn thấy mọi cảnh tướng thiện ác mà tự tâm chẳng loạn, đây gọi là định hương.

Ba là huệ hương, tức tự tâm vô ngại, thường lấy trí huệ quán chiếu tự tánh, chẳng tạo các việc ác, tuy tu mọi việc thiện mà tâm chẳng chấp trước, kính trọng bậc trên, nghĩ đến kẻ dưới, xót thương cứu giúp hạng cô Độc bần cùng, đây gọi là huệ hương.

1. 胡跪 (Hồ quy): Quỳ lạy theo tư thế người Hồ (Ấn Độ), đầu gối bên phải đặt sát đất, đầu gối bên trái dựng thẳng.

 

Bốn là giải thoát hương, tức tự tâm không có chỗ phan duyên(1), chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại vô ngại, đây gọi là giải thoát hương.

Năm là giải thoát tri kiến hương, tức tự tâm đã không có chỗ phan duyên theo thiện ác, không được chìm vào “không” kẹt trong “tịch” nghĩa là cần phải học rộng nghe nhiều, biết bản tâm mình, thông đạt đạo lý của chư Phật; hòa quang đồng trần(2), tiếp vật lợi sanh(3), vô ngã vô nhân, đến thẳng bồ-đề chân tánh chẳng biến đổi, đây gọi là giải thoát tri kiến hương. 

Này các vị thiện tri thức! Năm phần hương này đều tự xông ướp bên trong, chớ có hướng ra ngoài tìm! Bây giờ ta dạy cách sám hối vô tướng cho các vị để diệt tội của ba đời, khiến được ba nghiệp thanh tịnh.

Này các vị thiện tri thức! Các vị hãy nghe lời ta nói rồi cùng nhau nói theo. Đệ tử chúng con từ niệm trước, niệm nay và niệm sau, niệm niệm chẳng bị ngu mê làm ô nhiễm, mọi tội lỗi ác nghiệp, ngu mê có từ xưa kia thảy đều sám hối, nguyện cùng lúc tiêu diệt, mãi mãi không khởi lại. Đệ tử chúng con từ niệm trước, niệm nay và niệm sau, niệm niệm không bị kiêu mạn, lừa dối làm ô nhiễm. Mọi kiêu mạn lừa dối, tạo ác nghiệp xưa kia, từ niệm trước, niệm nay và niệm sau, niệm niệm không bị ganh ghét làm ô nhiễm. Mọi tội lỗi ganh ghét, ác nghiệp, thảy đều sám hối, nguyện cùng lúc tiêu diệt, mãi mãi không khởi lại.

1. 攀緣 (phan duyên): Phan là kéo lại, leo trèo, vin theo. Phan duyên có nghĩa là tâm bám dính vào một đối tượng nào đó (cảnh sở duyên). Chúng sanh khởi các vọng tưởng, tâm vọng vin theo các pháp. Vọng tưởng đã có chỗ vin theo thì thiện ác đã rõ, thiện ác đã rõ thì yêu ghét nổi lên. Do đó mà trong thì kết thành các phiền não, ngoài thì sinh muôn tật bệnh. Đây đều do tác dụng của tâm phan duyên mà ra.

2. 和光同塵 (hòa quang đồng trần): Vốn xuất xứ từ lời dạy của Lão Tử trong Đạo đọc kinh rằng “Hòa kỳ quang, đồng kỳ trần (和其光同其塵, hòa với ánh sáng ấy, đồng với bụi trần ấy)”; nghĩa là hòa đồng với trần-tục, nhưng không tự lập dị. Theo Phật giáo, cụm từ này chỉ cho chư Phật, Bồ-tát vì cứu độ chúng sanh mà che giấu ánh sáng trí huệ, lấy phương tiện quyền giả của ứng-hóa thân mà sanh ra nơi cõi trần thế đầy dẫy phiền não, khổ đau; cùng kết duyên với chúng sanh, dần dần dẫn dắt họ đến với Phật pháp, nhưng vẫn siêu trần thoát tục.

3.  接物利生 (Tiếp vật lợi sanh): Tiếp dẫn, giáo hóa chúng sanh, tùy theo căn cơ mà mang lại lợi ích cho họ.

 

Này các vị thiện tri thức! Trên đây gọi là sám hối vô tướng. Sao gọi là sám? Sao gọi là hối? Sám là ăn năn, cải sửa mọi lỗi lầm trước kia, mọi tội lỗi ác nghiệp có từ xưa kia, mọi ngu mê, kiêu mạn, lừa dối, ganh ghét, thảy đều trọn sám, mãi mãi không khởi lại, đây gọi là sám. Hối là hối hận, sửa lỗi sau; từ nay về sau mọi tội lỗi ác nghiệp, ngu mê, kiêu mạn, lừa dối, ganh ghét, nay đã giác ngộ, thảy đều mãi mãi đoạn dứt, không còn tạo lại nữa, đây gọi là hối.

Cho nên gọi là sám hối. Phàm phu ngu mê chỉ biết sám lỗi lầm trước, mà không biết hối cải lỗi sau, vì chẳng hối cải nên lỗi lầm trước chẳng diệt, lỗi lầm sau lại sanh. Lỗi lầm trước đã chẳng diệt, lại còn sanh lỗi lầm sau, thì làm sao gọi là sám hối.

Này các vị thiện tri thức! Đã sám hối rồi thì ta cùng với các vị thiện tri thức phát tứ hoằng thệ nguyện, các vị phải dụng tâm chân chánh mà lắng nghe.

Một là chúng sanh vô biên trong tự tâm thệ nguyện độ.

Hai là phiền não vô biên trong tự tâm thệ nguyện đoạn.

Ba là pháp môn vô tận trong tự tánh thệ nguyện học.

Bốn là Phật đạo vô thượng trong tự tánh thệ nguyện thành.

Này các vị thiện tri thức! Mọi người há chẳng nói “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. đó sao? Nói như thế tức không phải Huệ Năng ta độ đâu.

Này các vị thiện tri thức! Chúng sanh trong tâm, đó chính là tâm tà mê, tâm dối vọng, tâm bất thiện, tâm ganh ghét, tâm ác độc. Những tâm như vậy đều là chúng sanh trong tâm, các vị cần phải tự tánh tự độ, đó mới là chân độ. Sao gọi là tự tánh tự độ? Tức chúng sanh tà kiến, phiền não, ngu si trong tự tâm, đem chánh kiến độ đã có chánh kiến thì khiến trí bát-nhã đập tan ngu si, mê vọng của chúng sanh. Mỗi vị hãy tự độ mình, tà đến thì lấy chánh độ mê đến thì lấy ngộ độ, ngu đến thì lấy trí độ, ác đến thì lấy thiện độ. Ai độ như vậy thì gọi là chân độ. 

Lại phiền não vô biên thệ nguyện độ, là đem trí của tự tánh bát-nhã trừ sạch tâm hư vọng suy tưởng. Lại pháp môn vô tận thệ nguyện học, là phải tự thấy tánh, thường hành chánh pháp, đây gọi là chân học. Lại Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành, là đã thường năng giữ tâm khiêm hạ hành nơi chân chánh, lìa mê lìa giác, thường sanh bát-nhã, dứt chân bỏ vọng, tức thấy Phật tánh, tức ngay lời nói mà Phật đạo thành. Vậy hãy thường nhớ tu tập 4 lời thệ nguyện đó, đấy là pháp của nguyện lực vậy.

Này các vị thiện tri thức! Nay đã phát tứ hoằng thệ nguyện rồi, giờ ta lại truyền tam quy y giới vô tướng cho các vị thiện tri thức.

Này các vị thiện tri thức! Quy y giác là Nhị túc tôn(1), quy y chánh là Ly dục tôn (bậc lìa dục được tôn kính), quy y tịnh là Chúng trung tôn (bậc được mọi loài tôn kính). Từ nay trở đi, gọi giác là thầy, chứ không quy y tà ma ngoại đạo, lấy tam bảo của tự tánh thường tự chứng minh. Khuyên các vị thiện tri thức hãy quy y tam bảo của tự tánh, Phật là giác, pháp là chánh, tăng là tịnh. Tự tâm quy y giác, thì tà mê chẳng sanh, ít muốn, biết đủ lìa được tài-sắc, đây gọi là Nhị túc tôn.

Tự tâm quy y chánh, thì niệm niệm không có tà kiến, vì không có tà kiến nên không có nhân-ngã, cống cao, tham ái, chấp trước, đây gọi là Ly dục tôn. Tự tâm quy y tịnh, thì tự tánh của tất cả mọi cảnh giới trần lao ái dục đều chẳng nhiễm chấp, đây gọi là Chúng trung tôn. Nếu tu hành theo đây, thì gọi là tự quy y. Phàm phu từ sáng đến tối thọ giới tam quy mà không hiểu. Nếu nói quy y Phật thì Phật ở đâu? Nếu không thấy Phật thì nương vào đâu mà quy y? Nói ra lại thành vọng.

1. 二足尊 (Nhị túc tôn): Tôn hiệu của đức Phật, bậc tôn quý nhất trong loài người. Nhị túc (đủ cả hai) ví dụ phước và trí, Phật là bậc đầy đủ cả phước lẫn trí nên gọi là Nhị túc tôn.

Này các vị thiện tri thức! Mỗi người hãy tự quán sát, chớ có lầm dụng tâm! Văn kinh nói rõ ràng tự quy y Phật của mình, chứ không nói quy y Phật nào khác, không quy y Phật của mình thì chẳng có chỗ nào quy y cả. Nay đã tự ngộ thì các vị phải quy y tam bảo của tự tâm, bên trong điều phục tâm tánh, bên ngoài kính trọng người khác, đây là tự quy y.

Này các vị thiện tri thức! Đã quy y tam bảo của mình rồi, thì các vị cùng chí tâm lắng nghe, ta sẽ nói Phật của tự tánh gồm một thể ba thân, khiến các vị thấy ba thân, hiểu rõ tự ngộ tự tánh. Mọi người hãy cùng nói theo ta!

Nơi sắc thân mình quy y pháp thân Phật thanh tịnh.

Nơi sắc thân mình quy y báo thân Phật viên mãn.

Nơi sắc thân mình quy y trăm ngàn ức hóa thân Phật.

Này các vị thiện tri thức! Sắc thân là nhà trọ tạm, không thể nói quy y được. Cho nên phải quy hướng Phật ba thân ở trong tự tánh mà người đời đều có. Vì tự tâm mê, không thấy tánh bên trong, nên tìm ba thân của Như Lai bên ngoài, không thấy trong thân mình có Phật ba thân. Mọi người nghe ta nói rồi, khiến mọi người ở trong thân mình thấy tự tánh có Phật ba thân. Phật ba thân này từ tự tánh sanh, chẳng từ bên ngoài được.

Sao gọi là pháp thân thanh tịnh? Tánh của người đời vốn thanh tịnh, muôn pháp đều từ tự tánh sanh. Suy lường tất cả mọi việc ác tức sanh ác hành(1), suy lường tất cả mọi việc thiện tức sanh thiện hành. Các pháp như vậy đều ở trong tự tánh, như bầu trời thường trong xanh thì mặt trời mặt trăng thường sáng, vì bị mây nổi che lấp nên trên sáng dưới tối, bỗng gặp gió thổi mây tan thì trên dưới đều sáng, muôn hình tướng đều hiển lộ. Tánh của người đời thường trôi nổi, như mây trên trời kia.

1. 惡行 (ác hành): Tức hành vi bất lương, cũng là tên gọi khác của Phiền não. Phật giáo đối với tất cả nghiệp bất thiện của thân-ngữ-ý, theo thứ tự gọi là thân ác hành, ngữ ác hành, ý ác hành. Trong tất cả ác hành thì tội phá tăng là nặng nhất.

Này các vị thiện tri thức! Trí giống như mặt trời, Huệ giống như mặt trăng, trí huệ thường sáng, ở ngoài mọi cảnh, vì bị vọng niệm mây nổi che lấp tự tánh nên không được sáng rỡ. Nếu gặp thiện tri thức, nghe pháp chân chánh, thì tự trừ mê vọng, trong ngoài minh triệt, muôn pháp đều hiển lộ ở trong tự tánh. Người thấy tánh cũng lại như vậy, đây gọi là pháp thân Phật thanh tịnh.

Này các vị thiện tri thức! Tự tâm quy y tự tánh, đây là quy y Phật chân thật, tự quy y là trong tự tánh trừ sạch tâm bất thiện, tâm ganh ghét, tâm kiêu mạn, tâm ta-người, tâm dối vọng, tâm khinh miệt người, tâm ngạo mạn người, tâm tà kiến, tâm cống cao và việc làm bất thiện trong mọi lúc, thường tự thấy lỗi mình, không nói việc tốt xấu của người khác, đây là tự quy y. Thường luôn phải hạ tâm, cung kính tất cả tức là thấy tánh thông đạt, vô ngại, đây là tự quy y.

Sao gọi là trăm ngàn ức hóa thân? Nếu chẳng nghĩ đến muôn pháp, tánh vốn như hư không, một niệm suy lường gọi là biến hóa. Suy lường việc ác thì hóa thành địa ngục, suy lường việc thiện thì hóa thành thiên đường, độc hại thì hóa thành rồng rắn, từ bi thì hóa thành Bồ-tát, trí huệ thì hóa thành thượng giới, ngu si thì hóa thành cõi dưới. Tự tánh biến hóa rất nhiều, người mê không thể tỉnh giác, niệm niệm khởi ác, thường đi vào đường ác, trở về một niệm thiện thì trí huệ liền sanh, đây gọi là hóa thân Phật của tự tánh.

Sao gọi là báo thân viên mãn? Ví như một ngọn đèn phá tan được bóng tối ngàn năm, khi trí huệ phát thì diệt được vạn năm ngu si. Chớ có lo nghĩ đến lỗi lầm xưa kia, vì việc đã qua ắt không thể thay đổi được, chỉ nên thường nghĩ về sau này, niệm niệm viên minh, tự thấy bản tánh. Thiện ác tuy khác nhưng bản tánh không có hai, tánh không có hai được gọi là thật tánh. Ở trong thật tánh không nhiễm thiện ác, đây gọi là báo thân Phật viên mãn. Tự tánh khởi một niệm ác thì diệt cái nhân thiện trong muôn kiếp, tự tánh khởi một niệm thiện thì hằng sa nghiệp ác diệt. Đến thẳng bồ-đề vô thượng, niệm niệm tự thấy, chẳng đánh mất bản niệm, đây gọi là báo thân.

Này các vị thiện tri thức! Từ pháp thân suy lường, tức là hóa thân Phật. Tự tánh của niệm niệm tự thấy, tức là báo thân Phật. Tự ngộ tự tu công đức nơi tự tánh, đây là chân quy y. Da thịt là sắc thân, sắc thân là nhà trọ tạm, cho nên không thể nói là quy y. Chỉ cần ngộ ba thân của tự tánh, tức biết Phật của tự tánh. Ta có một bài tụng “Vô tướng”, nếu mọi người thường tụng trì thì ngay đó khiến mê lầm và tội lỗi trong muôn kiếp cùng lúc tiêu diệt. Tụng rằng:

Người mê tu phước, không tu đạo

Lầm nói tu phước chính là đạo

Bố thí cúng dường, dẫu nhiều phước

Tam ác(1)  trong tâm vẫn gây tạo

Nghĩ đem tu phước muốn diệt tội

Đời sau được phước, tội còn nguyên

Chỉ ở trong tâm trừ duyên tội

Chân sám hối đều trong tự tánh

Gặp pháp Đại thừa chân sám hối

Trừ tà, làm chánh tức vô tội

1. 三惡 (tam ác): I- Ba thứ tâm xấu ác của con người: 1. Tâm tính độc ác xấu xa, không thể tiếp nhận những lời nói lương thiện. 2. Khí lượng nhỏ hẹp, thường ôm lòng ghen ghét, chỉ sợ người khác hơn mình. 3. Nếu biết người khác hơn mình thì hổ thẹn, không chịu thưa hỏi. II- Gọi đủ là tam ác thú. Chỉ cho địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chỉ cho 3 thứ cảm giác xấu ác, một là dục giác (cũng gọi tham giác), suy nghĩ về những thứ hấp dẫn của thế gian mà sinh tâm ham muốn. Hai là khuể giác (cũng gọi là sân giác), suy nghĩ về những việc oán ghét ở thế gian mà sinh tâm tức giận. Ba là hại giác (cũng gọi là não giác), sinh tâm ghen ghét mà có ý niệm làm não hại người khác.

 

Học đạo thường nơi tự tánh quán

Tức cũng giống như chư Phật thôi

Tổ ta chỉ truyền pháp đốn nầy

Nguyện thảy thấy tánh đồng một thể

Nếu muốn vị lai tìm pháp thân

Lìa mọi pháp tướng trong tâm sạch

Nỗ lực thấy tánh, đừng lo rầu

Hậu niệm(1) bỗng dứt, một đời ngưng

Nếu ngộ Đại thừa được thấy tánh

Cung kính chắp tay chí tâm cầu.

Sư nói:

- Này các vị thiện tri thức! Mọi người đều phải nên tụng trì và giữ lấy, y theo đây mà tu hành, ngay đó thấy tánh, thì tuy cách ta ngàn dặm mà như thường luôn ở bên ta. Nếu ngay đây không ngộ, thì tuy ở trước mặt ta nhưng vẫn cách xa ngàn dặm, cần gì phải vất vả từ xa tìm đến. Hãy bảo trọng, ra về an lành!

Mọi người nghe pháp xong, ai nấy đều khai ngộ, hoan hỷ phụng hành.

1. 後念 (hậu niệm): Niệm sau. Niệm là khoảng thời gian cực ngắn, như trong chớp mắt. Cái chớp mắt trước gọi là tiền niệm, cái chớp mắt sau gọi là hậu niệm.

 Phần thứ 6 CƠ DUYÊN(1) THAM THỈNH

Sư đắc pháp từ Ngũ Tổ ở Hoàng Mai, về đến thôn Tào Hầu ở Thiều Châu, mọi người không biết.  Có Nho sĩ Lưu Chí Lược, lễ kính đãi ngộ rất trọng hậu. Chí Lược có người cô làm ni sư, pháp danh là Vô Tận Tạng, thường tụng kinh Đại niết-bàn. Sư vừa nghe qua liền biết diệu nghĩa, bèn vì ni sư mà giải thuyết. Ni sư liền cầm quyển kinh đến hỏi chữ, sư nói:

- Chữ thì không biết, nhưng nghĩa xin cứ hỏi!

Ni sư nói:

- Chữ còn không biết thì làm sao hiểu nghĩa.

Sư nói:

- Diệu lý của chư Phật chẳng dính dáng gì đến văn tự.

Ni sư kinh ngạc, bảo tất cả các bậc kỳ đức trong thôn rằng:

- Đây là bậc sĩ khí có đạo, phải nên tham thỉnh cúng dường.

Khi ấy có Tào Thúc Lương là cháu chắt của Vũ Hầu đời Tấn, và cư dân ở đó tranh nhau đến chiêm le sư. Bấy giờ chùa cổ Bảo Lâm từ cuối đời Tùy đã bị bỏ hoang bởi nạn binh lửa, cho nên dựa theo nền chùa cổ xây lại chùa, rồi mời sư đến ở. Không bao lâu trở thành tựu viện, sư trụ ở đó hơn 9 tháng, rồi bị bè phái ác tìm cách đuổi đi. Sư bèn lánh ra ở trước núi, nhưng cũng bị bọn ác phóng lửa thiêu rụi cỏ cây, sư len lỏi vào trong đá mà được thoát. Nay trên đá vẫn còn dấu đầu gối sư ngồi kiết-già và lằn áo vải, nhân đó mà gọi là đá tị nạn. Sư nhớ đến lời dặn dò của Ngũ Tổ đến Hoài và Hội thì dừng ẩn, liền đi ẩn ở hai ấp ấy.

1. 機緣 (cơ duyên): Cơ là căn cơ, duyên là nhân duyên. Căn cơ của chúng sanh có đủ nhân duyên để tiếp nhận sự giáo hóa của Phật và Bồ-tát, gọi là cơ duyên. Việc nói pháp giáo hóa đều lấy cơ căn chín muồi làm duyên mà phát khởi. Ngoài ra, các thiền sư khi dạy đệ tử rất nhấn mạnh ở điểm thuận ứng các cơ duyên mà ban bố giáo pháp.

 

Tăng Pháp Hải người Khúc Giang ở Thiều Châu, lần đầu tham vấn Tổ sư, thưa rằng:

- Tâm ấy là Phật, xin ngài rủ lòng chỉ dạy cho! Sư nói:

- Niệm trước chẳng sanh là tâm, niệm sau chẳng diệt là Phật, tạo thành tất cả tướng là tâm, lìa khỏi tất cả tướng là Phật. Nếu ta nói đầy đủ thì cùng kiếp cũng không hết được, hãy lắng nghe bài kệ của ta!

Tâm ấy là huệ

Phật ấy là định

Định huệ như nhau

Trong ý thanh tịnh

Ngộ pháp môn này

Do tập tính ông

Dụng vốn vô sinh

Song tu là chính.

Pháp Hải ngay đó đại ngộ, bèn làm bài kệ tán thán rằng:

Tâm ấy nguyên là Phật

Chẳng ngộ mà tự lấp

Con biết nhân định huệ

Song tu lìa mọi vật.

Tăng Pháp Đạt người Hồng Châu, 7 tuổi xuất gia, thường tụng kinh Pháp hoa, đến lễ Tổ sư mà đầu không chạm đất. Sư quở:

- Lễ mà đầu không chạm đất, chi bằng không lễ còn hôn. Trong tâm ông ắt có một vật, ẩn chứa việc gì vậy?

Pháp Đạt nói:

- Tụng kinh Pháp hoa đã hơn 3 ngàn bộ.

Sư nói:

- Nếu ông tụng đến10 ngàn bộ, được ý kinh mà không cho mình hơn, thì mới đi chung đường với ta. Nay ông ỷ vào sự nghiệp này mà đều chẳng biết lỗi, hãy nghe bài kệ của ta!

Lễ vốn bẻ lọng kiêu

Đầu chừ không chạm đất

Có ngã tội liền sanh

Quên công, phước cao tột.

Sư lại hỏi:

Pháp danh ông là gì?

Đáp:

Pháp Đạt.

Sư nói:

Pháp danh ông là Pháp Đạt mà chưa từng đạt pháp.

Rồi nói bài kệ rằng:

Ông nay tên Pháp Đạt

Siêng tụng chưa ngưng nghỉ

Chỉ theo tiếng tụng suông

Minh tâm là Bồ-tát

Vì nay ông có duyên

Nay ta vì ông thuyết

Chỉ tin Phật vô ngôn

Hoa sen từ miệng nở

Đạt nghe bài kệ xong, hối lỗi cảm tạ rằng:

- Từ nay về sau phải khiêm cung với tất cả đệ tử tụng kinh Pháp hoa mà chưa hiểu nghĩa kinh, tâm thường có nghi, trí huệ của hòa thượng rộng lớn, xin giải thuyết sơ lược nghĩa lý trong kinh!

Sư nói:

- Này Pháp Đạt! Pháp tức thâm đạt mà tâm ông chẳng đạt, kinh vốn không nghi mà tâm ông tự nghi. Ông tụng kinh này, lấy gì làm tông?

Đạt nói:

- Căn tánh của học nhân ngu muội chậm lục, xưa nay chỉ y theo văn tụng niệm, thì há biết được tông thú sao?

Sư nói:

- Ta không biết văn tự ông thử lấy kinh tụng một biến xem! Ta sẽ vì ông mà giải thuyết.

Pháp Đạt liền lớn tiếng tụng kinh, đến phẩm “Phương tiện” thì sư nói:

- Dừng lại, kinh này nguyên lai lấy nhân duyên Phật xuất hiện ở thế gian làm tông. Dù nói ra nhiều loại ví dụ, nhưng cũng không ra ngoài chỗ này. Thế nào là nhân duyên? Kinh nói “Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở thế gian”, một đại sự ấy chính là tri kiến của Phật. Người đời bên ngoài mê chấp tướng, bên trong mê chấp “không”. Nếu thường ở nơi tướng mà lìa tướng, ở nơi “không” mà lìa “không” tức là trong ngoài chẳng mê. 

Nếu ngộ pháp này, một niệm tâm khai thì đây gọi là khai tri kiến của Phật. Phật còn gọi là giác, chia thành 4 môn là khai tri kiến của giác, thị tri kiến của giác, ngộ tri kiến của giác và nhập tri kiến của giác. Nếu nghe khai thị liền ngộ nhập được, tức là tri kiến của giác, chân tánh xưa nay được hiện ra. Ông chớ có hiểu lầm ý kinh, nghe người ta nói khai-thị-ngộ-nhập vốn là tri kiến của Phật, còn chúng ta không có phần. Nếu hiểu như vậy thì chính là báng kinh hủy Phật. Phật đã là Phật, đã đầy đủ tri kiến thì cần gì khai nữa.

Nay ông phải tin rằng tri kiến của Phật chỉ là tự tâm của ông, chứ không phải Phật nào khác. Bởi tất cả chúng sanh tự che lấp ánh sáng của mình, tham ái trần cảnh, bám víu bên ngoài, nhiễu loạn bên trong mà cam chịu rong ruổi. Vì vậy làm nhọc đức Thế Tôn phải xuất định, khổ miệng nói ra đủ mọi thứ khuyên khiến thôi nghỉ đừng hướng ra ngoài tìm cầu, thì không khác gì Phật. Cho nên mới nói khai tri kiến của Phật. Ta cũng khuyên tất cả mọi người ở trong tự tâm thường khai tri kiến Phật của mình. Người đời tâm tà, ngu mê tạo tội, miệng thiện mà tâm ác, tham sân ganh ghét, nịnh nọt, ngã mạn, xâm hại người-vật, tự khai tri kiến của chúng sanh. Nếu năng chánh tâm, thường sanh trí huệ, quán chiếu tự tâm, ngưng ác hành thiện, thì đó là tự khai tri kiến của Phật. Ông phải niệm niệm khai tri kiến của Phật, chứ đừng khai tri kiến của chúng sanh. Khai tri kiến của Phật tức là xuất thế, khai tri kiến của chúng sanh tức là kiến giải của thế gian. 

 

Nếu ông chỉ lao nhọc chấp việc tụng kinh cho là công khóa, thì đâu khác gì con mao ngưu(1) say mê cái đuôi của mình.

Đạt nói:

- Nếu thế thì chỉ cần hiểu được nghĩa, chẳng nhọc tụng kinh sao?

- Sư nói:

Kinh có lỗi gì? Há chướng ngại ông tụng niệm sao? Chỉ vì mê ngộ tại người, lợi hại do mình. Miệng tụng tâm hành, tức là chuyển kinh, miệng tụng mà tâm chẳng hành, tức là bị kinh chuyển. Hãy nghe bài kệ củ ta!

Tâm mê Pháp hoa chuyển

Tâm ngộ chuyển Pháp hoa

Tụng kinh lâu chẳng tỏ

Trái nghịch nghĩa của kinh

Vô niệm, niệm tức chánh

Hữu niệm, niệm thành tà

Hữu vô đều chẳng chấp

Thường cưỡi bạch ngưu xa(2)

Đạt nghe bài kệ xong, bất giác cảm động rôi nước mắt, ngay đó đại ngộ, rồi thưa với sư rằng:

- Pháp Đạt con từ xưa đến nay thật sự chưa từng chuyển được Pháp hoa, nên mới bị Pháp hoa chuyển.

1. 犛牛 (mao ngưu): Một loài bò vùng cao Nguyên, giống hoang dã lông đen, giống chăn nuôi lông trắng, đuôi rất dài, sức mạnh dùng làm việc nặng. § Còn có tên là li ngưu 氂牛, tức bò Yak ở Tây Tạng.

2. 白牛車 (bạch ngưu xa): Xe trâu trắng, một trong 4 loại xe nói trong phẩm Thí dụ kinh Pháp hoa, tức dụ cho Nhất Phật thừa.

 

Đạt lại thưa:

- Kinh nói “Chư đại Thanh văn cho đến Bồ-tát đều tận tâm tư duy cùng đo lường, mà vẫn không lường được trí của Phật”. Nay khiến phàm phu chỉ cần ngộ tự tâm, đó gọi là tri kiến của Phật. Nhưng họ chẳng phải bậc thượng căn, thì không khỏi nghi ngờ chê bai. Lại kinh nói ba xe là xe dê, xe nai và xe trâu trắng, làm sao phân biệt được? Xin hòa thượng rủ lòng thương lần nữa khai thị cho!

Sư nói:

- Ý kinh rõ ràng, ông tự mê mà trái nghịch. Người của ba thừa đều không thể lường được trí của Phật, tai họa là ở chỗ đo lường. Cho dù tận tâm tư duy cùng suy lường, thì càng thêm cách xa. Phật vốn vì phàm phu mà nói, chứ không vì Phật mà nói. Lý này nếu không tin chắc thì ngàn tỷ-kheo trên hội Pháp Hoa rút lui, mà hầu như không biết mình đã ngồi trên xe trâu trắng, lại tìm ba xe ở ngoài cửa. Huống gì văn kinh chỉ ra rõ ràng cho ông rằng chỉ có Nhất Phật thừa, chứ không có thừa nào khác. Bất luận là hai thừa hay ba thừa, cho đến vô số phương tiện, đủ mọi nhân duyên, thí dụ, ngôn từ, cũng đều vì Nhất Phật thừa mà giả lập thôi. Sao ông không tỉnh ngộ ba xe là giả vì thời xưa mà nói, Nhất thừa là thật, vì thời nay mà nói. Đây là chỉ dạy ông bỏ giả trở về thật, sau khi trở về thật thì thật cũng không có tên gọi nữa. Phải nên biết Châu báu gia tài đều thuộc hết về ông, do ông thọ dụng, cũng chẳng nên nghĩ của cha làm ra, cũng chẳng nên nghĩ của con làm ra, cũng không nghĩ đến thọ dụng. Đây gọi là trì kinh Pháp hoa, từ kiếp này đến kiếp khác, tay không rời quyển kinh, từ sáng đến tối không khi nào mà chẳng tụng niệm.

Đạt được khải phát, thật phấn chấn vui mừng, làm bài kệ tán thán rằng:

Kinh tụng ba ngàn bộ

Một câu Tào Khê tiêu

Chưa rõ ý xuất thế

Đâu dứt lụy sanh cuồng

Dê, nai, trâu tạm lập

Sơ, trung, hậu thiện(1) bày

Ai biết trong nhà lửa

Vốn là vua trong pháp.

Sư nói:

Từ nay về sau ông mới đáng gọi là tăng tụng kinh.

Đạt từ đây lãnh hội huyền chỉ cũng chẳng ngưng tụng kinh.

Tăng Trí Thông, người An Phong ở Thọ Châu, ban đầu đọc kinh Lăng-già khoảng hơn ngàn lần mà không hiểu nghĩa của ba thân và bốn trí, cho nên lễ sư cầu giải nghĩa. Sư nói:

Ba thân gồm pháp thân thanh tịnh là tánh của ông, báo thân viên mãn là trí của ông, hóa thân trăm ngàn ức là hạnh của ông. Nếu lìa bản tánh mà chỉ nói ba thân, thì gọi là có thân mà không có trí. Nếu ngộ ba thân không có tự tánh thì gọi là bốn trí bồ-đề hãy nghe bài kệ của ta!

1. 初善中善後善 (sơ thiện, trung thiện, hậu thiện): Trong một bộ kinh do đức Phật thuyết ra thì phần đầu tức phần Tựa, phần giữa tức phần Chính tông và phần sau cùng tức phần Lưu thông, nghĩa lý đâu viên dung và sâu xa.

 

Tự tánh đủ ba thân

Phát minh thành bốn trí

Chẳng lìa duyên thấy nghe

Vượt thoát lên Phật địa

Nay ta vì ông nói

Tin sâu mãi không mê

Chớ chạy rông tìm Phật

Suốt ngày nói bồ-đề

Thông lại thưa rằng:

- Nghĩa của bốn trí xin có thể được nghe thêm chăng? Sư nói:

- Đã hiểu ba thân liền sáng tỏ bốn trí, còn hỏi gì nữa? Nếu lìa ba thân mà chỉ nói bốn trí, thì đây gọi là có trí mà không có thân, tức cái có trí này lại trở thành không có trí.

Rồi sư lại tụng rằng:

 

Đại viên kính trí, tánh thanh tịnh(1)

Bình đẳng tánh trí, tâm không bịnh(2)

Diệu quán sát trí, thấy phi công (3)

Thành sở tác trí, đồng viên kính(4)

Năm, tám, sáu, bảy, quả nhân chuyển(5)

Chỉ dùng danh ngôn không thật tính

Nếu ở nơi chuyển chẳng còn tình

Chốn động thường trong na-già định(6).

1. Khi thành Phật thì thức a-lại-da thứ 8, trước là hữu lậu, sau chuyển thành thức vô lậu là đại viên kính trí, tức tự tánh chân như, thanh tịnh tròn đầy sáng suốt như tấm gương lớn.

2. Khi thành Phật thì thức mạt-na thứ 7, trước là hữu lậu, sau chuyển thành thức vô lậu là bình đẳng tánh trí. Bản chất của thức này trước đó là chấp trước, hễ chấp là bệnh, Về sau không còn luyến chấp là tâm không bệnh. Lúc này sẽ thấy bình đẳng với tất cả chúng sanh.

3. Khi thành Phật thì thứ thứ 6 là ý thứ, trước là hữu lậu, sau chuyển thành thức vô lậu là diệu quán sát trí. Tác dụng của thức thứ 6 trước đó là phân biệt, nhớ nghĩ công lao. Về sau phân biệt mà không chấp trước, làm việc mà quên công, thì đây là diệu quán sát trí.

4. Khi thành Phật thì 5 thứ mắt-tai-mũi-lưỡi-thân, trước là hữu lậu, sau chuyển thành thức vô lậu là thành sở tác trí, đồng với đại viên kính trí. Đại viên kính trí là căn bản trí, thành sở tác trí là hậu đắc trí.

5. Năm là 5 thức mắt-tai-mũ-lưỡi-thân. Tám là thức thứ 8, tức thức a-lại-da. Năm thức trên và thức thứ 8 đều thuộc về quả. Sáu là thức thứ 6, tức ý thức. Bảy là thức thứ 7, tức thức mạt-na. thức thứ 6 và thức thứ 7 thuộc về nhân. Tất cả các thức này hợp với nhau mà chuyển dịch, vận hành vòng nhân nhân quả của tự thân mỗi chúng sanh.

6. 那伽定 (na-già định): Dịch là đại định, bất cứ lúc nào nơi nào, đi đứng, ngồi nằm, động tịnh, bận rộn, rảnh rang, đều ở trong định, chẳng có xuất nhập gọi là na-già định.

 

Thông đốn ngộ tánh trí liền trình bài kệ rằng:

Ba thân vốn thể ta

Bốn trí do tâm sáng

Thân trí dụng vô ngại

Ứng vật tùy theo hình

Khởi tu đều vọng động

Chấp trụ chẳng phải chân

Diệu chỉ nhờ thầy hiểu

 Rốt sạch tên nhiễm ô.

Tăng Trí Thường người Quý Khê ở Tín Châu, tuổi nhỏ xuất gia, chí cầu thấy tánh. Một hôm tham lễ sư hỏi rằng:

- Ông ở đâu đến? Muốn hỏi việc gì?

Thường đáp:

- Gần đây học nhân đến núi Bạch Phong ở Hồng Châu lễ hòa thượng Đại Thông, được dạy về nghĩa thấy tánh thành Phật, nhưng chưa cắt đứt được hồ nghi. Cho nên từ xa đến đảnh lễ cúi mong hòa thượng từ bi chỉ dạy!

Sư nói:

- Ở đó có ngôn cú gì? Ông thử nói ra xem!

Thường nói:

- Trí Thường con đến đó, trải qua ba tháng mà chưa được dạy bảo. Vì thiết tha cầu pháp nên một đêm nọ một mình con vào trượng thất thỉnh hỏi “Thế nào là bản tâm bản tánh của Trí Thường?”, Đại Thông liền hỏi lại “Ông thấy hư không chăng?”. Con đáp “Thấy”, Đại Thông hỏi “Ông thấy hư không có tướng mạo chăng?”, con đáp “Hư không không có hình tướng, thì làm gì có tướng mạo”. 

- Đại Thông nói “Bản tánh của ông giống như hư không, quán xét lại tự tánh thì rõ ràng không có vật gì để thấy, đây gọi là chánh kiến. Rõ ràng không có vật gì để biết, đây gọi là chân tri; không có xanh vàng dài ngắn, chỉ thấy bổn nguyên thanh tịnh giác quán viên minh, đây gọi là thấy tánh thành Phật, cũng gọi là thế giới Cực Lạc, cũng gọi là tri kiến của Như Lai”. Người học con tuy nghe nói như vậy, nhưng vẫn chưa hiểu rõ, xin hòa thượng khai thị cho!

Sư nói:

- Chỗ ông thầy đó nói, vẫn còn tri kiến, cho nên mới khiến ông chưa hiểu rõ. Nay ta dạy ông một bài kệ.

Chẳng thấy pháp nào, chấp “vô kiến”

Thật giống mây nổi che mặt trời

Chẳng biết pháp nào, chấp “không tri”

Lại như cuối trời lóe chớp sáng

Thấy biết như vậy bỗng dưng hiện

Nhận lầm rồi, phương tiện hiểu đâu?

Ông nên một niệm tự biết quấy

Linh quang tự kỷ thường hiển hiện.

Thường nghe bài kệ xong, tâm ý hoát nhiên, liền trình bài kệ rằng:

Vô cớ khởi tri kiến

Chấp tướng cầu bồ-đề

Tình còn một niệm ngộ

Sao vượt nhiều kiếp mê?

Tự tánh gốc giác ngộ

Theo chiếu chỉ luống uổng

Chẳng vào thất Tổ sư

Mờ mịt chạy hai đầu.

Một hôm Trí Thường hỏi sư rằng:

- Phật nói pháp của ba thừa, lại còn nói tối thượng thừa, đệ tử chưa hiểu, xin thầy chỉ dạy cho!

Sư nói:

- Ông hãy quán bản tâm của mình, đừng chấp pháp tướng bên ngoài, pháp không có bốn thừa, do tâm con người tự có sai biệt. Thấy nghe rồi tụng là Tiểu thừa, ngộ pháp hiểu nghĩa là Trung thừa, y pháp tu hành là Đại thừa; muôn pháp đều thông suốt, muôn pháp đều đầy đủ, tất cả chẳng nhiễm, lìa mọi pháp tướng, trọn không có sở đắc, đây gọi là Tối thượng thừa. Thừa là nghĩa của thực hành, chứ không ở chỗ tranh cãi. Ông phải tự tu, đừng hỏi ta hoài. Trong tất cả thời, tự tánh vẫn tự như.

Trí Thường lễ tạ, cả đời làm thị giả của sư.

Tăng Chí Đạo người Nam Hải ở Quảng Châu, cầu xin sư chỉ dạy rằng:

- Học nhân con từ lúc xuất gia, đọc kinh Niết-bàn hôn 10 năm, mà vẫn chưa sáng tỏ đại ý, xin hòa thượng chỉ bảo cho!

Sư hỏi:

- Ông chưa sáng tỏ chỗ nào?

Đạo đáp:

- Các hành vô thường, là pháp sanh diệt, sanh diệt diệt rồi, tịnh diệt là vui. Con nghi hoặc chỗ này.

Sư hỏi:

- Ông nghi cái gì?

Đạo đáp:

- Tất cả chúng sanh đều có hai thân là sắc thân và pháp thân. Sắc thân vô thường, có sanh có diệt; pháp thân có thường, vô tri vô giác, kinh nói “Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui”, xin hỏi thân nào tịch diệt? Thân nào thọ vui? Nếu là sắc thân thì lúc sắc thân diệt, tứ đại tan rã, đều là khổ, khổ không thể nói là vui được. Nếu pháp thân tịch diệt tức đồng với cỏ cây, ngói đá, thì ai sẽ thọ vui? Lại pháp tánh là thể của sanh diệt, ngũ uẩn là dụng của sanh diệt, một thể năm dụng, sanh diệt là thường, sanh thì từ thể khởi dụng, diệt thì nhiếp dụng về thể. Nếu cho rằng nó sanh lại nữa thì loài hữu tình chẳng đoạn chẳng diệt.

Nếu không chấp nhận nó sanh lại nữa thì mãi mãi trở về tịch diệt, đồng với vật vô tình. Như vậy thì tất cả các pháp bị niết-bàn ngăn che, sanh còn chẳng được thì có gì vui?

Sư nói:

Ông là Thích tử(1), sao lại tu tập tà kiến đoạn-thường của ngoại đạo mà bàn luận pháp Tối thượng thừa. Theo chỗ ông nói thì ngoài sắc thân ra có pháp thân khác, lìa sanh diệt cầu nơi tịch diệt, lại suy diễn thường-lạc của niết-bàn, nói có thân thọ dụng, đó là chấp luyến sanh tử mê đắm cái vui của thế gian. Nay ông phải nên biết, Phật vì tất cả người mê nhận lầm ngũ uẩn hòa hợp là thể tướng của mình, phân biệt tất cả các pháp là trần tướng bên ngoài, ưa sống ghét chết, niệm niệm biết đời, không biết mộng huyễn hư giả, luống bị luân hồi, lấy niết-bàn thường-lạc đổi thành tướng khổ, suốt ngày rong ruổi tìm cầu, cho nên Ngài mới thương xót chỉ ra chân lạc của niết-bàn, trong sát-na không có tướng sanh, trong sát-na không có tướng diệt, cũng không có sanh diệt để diệt, đây gọi là tịch diệt hiện tiền. Ngay lúc tịch diệt hiện tiền cũng không nghĩ tới hiện tiền, đây mới gọi là thường lạc. Lạc này không có người thọ lấy, cũng không có ai mà chẳng thọ cả, há có tên gọi một thể năm dụng sao? Huống gì còn nói niết-bàn ngăn che các pháp khiến mãi mãi chẳng sanh, đây là báng Phật hủy pháp. Hãy nghe bài kệ của ta!

Đại niết-bàn vô thượng 

Viên minh thường tịch chiếu 

Phàm ngu gọi là tử

Ngoại đạo chấp là đoạn

Những người cầu Nhị thừa 

Gọi đó là vô tác

Đều là tình mưu toan

1. 釋子 (Thích tử): Cũng gọi Thích chủng tử, Thích-ca tử. Chỉ cho các đệ tử xuất gia của đức Thích Tôn, hoặc chỉ chung cho tín đồ Phật giáo từ sau khi đức Thích Tôn nhập diệt.

 

Sáu mươi hai kiến chấp(1)

Vọng lập tên hư giả

Nào phải nghĩa chân thật

Chỉ có người vượt thoát

Thông đạt không thủ xả

Vì biết pháp ngũ uẩn

Với cái ngã trong uẩn

Ngoài hiện những sắc tướng

Mỗi một tượng âm thanh

Bình đẳng như mộng huyễn

Không khởi phàm-Thánh kiến

Chẳng tác niết-bàn giải

Hai bên, ba đời đoạn

Thường ứng các căn dụng

Cũng không khởi dụng tưởng

1. Tứ cú x ngũ uẩn = 20; 20 x tam thế = 60; 60 + hữu-vô = 62. Tất cả kiến chấp đâu chẳng ra ngoài 62 kiến này. Như chấp sắc là có, là không, là chẳng có chẳng không, là cũng có cũng không; hoặc quá khứ không, hiện tại có, vị lai không, hoặc quá khứ có, hiện tại có, vị lai không, hoặc tam thế đều có, hoặc tam thế đều không v.v... cộng chung thành 62 thứ kiến chấp.

 

Phân biệt hết thảy pháp

Không khởi phân biệt tưởng

Kiếp hỏa đốt đáy biển 

Gió thổi núi vang vọng

Chân thường tịch diệt lạc

Tướng niết-bàn như vậy

Nay ta buộc nói ra

Khiến ông bỏ tà kiến

Ông chớ theo lời hiểu

Tin ông biết ít phần.

Chí Đạo nghe bài kệ xong đại ngộ, hết sức mừng rỡ tác lễ lui ra.

Thiền sư Hành Tư họ Lưu, người An Thành ở Cát Châu, nghe pháp hội Tào Khê thịnh hóa, đến đó tham lễ bèn hỏi rằng:

Phải nên làm việc gì mới không rơi vào giai cấp?

Sư hỏi lại:

- Ông từng làm gì rồi mới đến đây?

Hành Tư đáp:

 

Thánh đế(1) cũng chẳng làm.

Sư hỏi:

- Rơi vào giai cấp nào?

Hành Tư đáp:

- Thánh đế còn chẳng làm thì làm gì có giai cấp.

Sư thầm kính trọng, bảo Hành Tư quản chúng. Một hôm sư nói rằng:

- Ông nên đi chỗ khác giáo hóa, không được cho đoạn tuyệt.

Hành Tư đã đắc pháp, liền trở về núi Thanh Nguyên ở Cát Châu, hoằng pháp kế thừa giáo hóa. Sau khi viên tịch, được ban hiệu là Hoằng Tế thiền sư.

1. 聖諦 (Thánh đế): Đế nghĩa là lý chân thật không hư dối; Thánh đế tức chỉ cho tất cả cảnh giới tĩnh lặng mà bậc Thánh thấy biết, đây là nghĩa căn bản của Phật giáo nên cũng gọi là đệ nhất nghĩa, chân đế thuộc nghĩa sâu xa cùng tột trong pháp xuất ly thế gian. (xt. Đệ nhất nghĩa đế).

 

Thiền sư Hoài Nhượng là con nhà họ Đỗ ở Kim Châu, ban đầu tham yết quốc sư An ở Tung Sơn, An bảo đến Tào Khê tham khấu(1). Nhượng đến lễ bái, sư hỏi:

Ở đâu đến vậy?

Nhượng đáp:

Tung Sơn.

Sư hỏi:

Vật gì mà đến như thế?

Nhượng đáp:

Nói tựa như một vật thì không đúng.

Sư hỏi:

Còn có thể tu chứng chăng?

Nhượng đáp:

Tu chứng tức chẳng phải không có, nhưng nhiễm ô tức không được.

Sư nói:

Chỉ có cái chẳng nhiễm ô này là chỗ chư Phật hộ niệm, ông đã như vậy, ta cũng như vậy. Tổ Bát-nhã Đa-la ở Tây Thiên huyền ký rằng dưới chân ông có một con tuấn mã đạp chết người trong thiên hạ ứng ở tâm ông, chẳng cần nói ra sớm làm gì. Nhượng hoát nhiên khế hội, liền làm thị giả phụng sự sư 15 năm, ngày càng ngộ ra chỗ huyền diệu sâu xa. Về sau đến Nam Nhạc, đại xiển dương Thiền tông.

1. 參扣 (tham khaáu):  Cầu xin chỉ dạy.

 

Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác, thuở nhỏ học tập kinh-luận, tinh thông pháp môn chỉ-quán của Thiên Thai tông, nhân đọc kinh Duy-ma mà phát minh tâm địa (minh tâm kiến tánh). Tình cờ đệ tử của sư là Huyền Sách đến thăm, luận pháp với nhau sôi nổi. Những lời Huyền Giác nói ra đều thầm khế hợp với chư Tổ, Sách hỏi:

Nhân giả đắc pháp với thầy nào?

Giác đáp:

Tôi nghe các kinh-luận Phương đẳng(1) đâu nói có thầy truyền cho để tử, về sau ngộ Phật tâm tông(2) trong kinh Duy-ma mà chưa có ai chứng minh cho.

Sách nói:

Trước thờ Phật Uy Âm Vương thì được, sau thời Phật Uy Âm Vương không có thầy mà tự ngộ thì đều là ngoại đạo thiên nhiên.

Giác nói:

Xin nhân giả hãy vì tôi mà chứng minh cho!

Sách nói:

Tôi nói năng thấp kém, ở Tào Khê có Đại sư Lục Tổ, các nơi đều tụ về đó đông dầy thọ pháp. Nếu nhân giả đi thì đi cùng tôi.

Giác liền cùng Sách đến tham yết, đi quanh sư 3 vòng, chống gậy mà đứng. Sư nói:

Phàm là sa-môn đều phải đầy đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, đại đức ở đâu đến mà lại sanh tâm ngã mạn?

1.方等 (Phương đẳng): Cũng gọi Đại phương quảng, Đại phương đẳng. Danh từ chỉ chung cho các kinh Đại thừa, là các kinh nói về nghĩa rộng lớn, sâu xa. Là một trong 9 bộ loại kinh, một trong 12 thể tài kinh.

2. 佛心宗 (Phật tâm tông): Tên gọi khác của Thiền tông. Danh từ này có xuất xứ từ câu “Phật ngữ tâm vi tông” trong kinh Lăng-già. Thiền tông lấy việc không lập văn tự không y theo kinh điển, truyền thẳng tâm ấn của Phật làm tông chỉ vì thế nên cũng gọi là Phật tâm tông.

 

Giác nói:

Sanh tử là việc lớn, vô thường chóng vánh.

Sư nói:

Sao không thể hội vô sanh, liễu ngộ không có mau chóng?

Giác nói:

Thể tức vô sanh, liễu vốn không có mau chóng.

Sư nói:

Đúng vậy, đúng vậy.

Lúc đó Huyền Giác mới chỉnh tề oai nghi lễ bái, chốc lát cáo từ thì sư nói:

Sao về mau vậy?

Giác nói:

Vốn tự chẳng động thì há có mau sao?

Sư hỏi:

Ai biết là chẳng động?

Giác đáp:

Nhân giả tự sanh phân biệt.

Sư nói:

Ông trọn đắc ý của vô sanh.

Giác nói:

Vô sanh há có ý sao?

Sư nói:

Không có ý thì ai đang phân biệt đây?

Giác nói:

Phân biệt cũng chẳng phải ý.

Sư nói:

Hay thay, hãy nán chút thời giờ ở lại một đêm!

Lúc ấy Giác mới có biệt hiệu là Nhất Túc Giác (Ông Giác ở lại một đêm). Về sau trước tác Chứng đạo ca thịnh hành ở đời.

 

Thiền giả Trí Hoàng ban đầu tham yết Ngũ Tổ tự nói mình đã được chánh thụ(1), ngồi lâu ở am, trải qua 20 năm, đệ tử của sư là Huyền Sách du phương đến Hà Sĩc, nghe danh của Hoàng, đến am hỏi rằng:

Ông ở đây làm gì?

Hoàng đáp:

Nhập định.

Sách nói:

Ông nói nhập định là có tâm nhập, hay là không có tâm nhập? Nếu không có tâm nhập thì hết thảy loài cỏ cây ngói đá vô tình lẽ ra đều được định. Nếu có tâm nhập thì tất cả loài hàm thứ hữu tình lẽ ra cũng được định.

Hoàng nói:

Ngay lúc tôi nhập định, không thấy có tâm hữu-vô.

Sách nói:

Không thấy có tâm hữu-vô tức là thường định, đâu có xuất nhập. Nếu có xuất nhập thì chẳng phải đại định.

Hoàng đớ lưỡi, im lặng hồi lâu hỏi rằng:

Sư nối pháp ai vậy?

Sách đáp:

Thầy tôi là Lục Tổ ở Tào Khê.

Hoàng hỏi:

Lục Tổ lấy gì làm thiền định?

1.正受 (chánh thụ): Dịch âm là tam-ma-bát-để, tam-ma-bạt-đề tam-ma- nga. Dịch ý là đẳng chí, chánh định hiện tiền, là trạng thái xa lìa tà tưởng mà lãnh thụ cái cảnh (đối tượng) chính lúc đang duyên theo. Cũng tức là khi vào định, dùng sức định khiến cho thân-tâm lãnh thụ tướng an hòa bình đẳng. Lại định tâm mà lìa tà loạn gọi là chánh, không nghĩ không tưởng mà nhận pháp ở nơi tâm gọi là thụ cũng như tấm gương vô tâm mà ảnh hiện mọi vật.

 

Sách đáp:

Chỗ thầy tôi nói là diệu trạm viên tịch, thể-dụng như như, ngũ ấm vốn “không”, lục trần chẳng phải có, chẳng xuất chẳng nhập, chẳng định chẳng loạn, tánh thiền vô trụ, lìa chỗ trụ thiền tịch, tánh thiền vô sanh, lìa chỗ sanh thiền tưởng, tâm như hư không, cũng không có lượng của hư không.

Hoàng nghe xong lời này, đi đến yết kiến sư. Sư hỏi rằng:

Nhân giả ở đâu đến?

Hoàng nói lại đầy đủ nhân duyên trước kia, sư nói:

Đúng như vậy. Ông chỉ cần tâm như hư không, chẳng chấp vào kiến giả về không, ứng dụng vô ngại, động tĩnh vô tâm, tình phàm-Thánh không còn, năng-sở đều dứt sạch, tánh-tướng như như, không lúc nào chẳng định.

Thế là Hoàng đại ngộ, tâm sở đắc 20 năm theo đó đều không còn hình bóng. Đêm ấy, dân chúng Hà Bắc nghe trên không trung có tiếng nói rằng:

Hôm nay thiền sư Hoàng đắc đạo.

Về sau, Hoàng lễ tạ cáo từ trở về Hà Bắc khai hóa tứ chúng.

 

Có một vị tăng hỏi sư rằng:

Ý chỉ của Hoàng Mai, người nào được?

Sư đáp:

Người hiểu Phật pháp được.

Tăng hỏi:

Hòa thượng có được không?

Sư đáp:

Ta không được.

Tăng hỏi:

Tại sao hòa thượng không được?

Sư đáp:

Vì ta không hiểu Phật pháp.

 

Một hôm sư muốn giặt y cà-sa mình được truyền mà không có nguồn nước sạch, nhân đó đến sau chùa chừng 5 dặm, thấy núi rừng sum suê tươi tốt, khí lành phủ quanh, sư dộng gậy xuống đất, dòng suối ngay đó phọt lên, đọng lại thành ao, rồi quỳ gối giặt y trên đá. Bỗng có một vị tăng đến lễ bái, nói:

Phương Biện tôi là người Tây Thục, trước đây ở nước Nam Thiên Trúc gặp đại sư Đạt-ma dặn rằng “Hãy mau đến Trung Hoa, là nơi ta truyền chánh pháp nhãn tạng và tăng-già-lê(1) của Đại Ca-diếp, đã truyền sáu đời, đời thứ 6 truyền đến Tào Khê ở Thiều Châu. Ông đến đó mà chiêm lễ”. Phương Biện từ xa đến, xin được nhìn y-bát mà thầy tôi đã truyền!

Sư bèn đưa ra cho xem, rồi hỏi:

Thượng nhân chuyên làm việc gì? Phương Biện đáp:

Chuyên nặn tượng.

Sư nghiêm mặt nói:

Ông thử nặn tượng ta xem!

1.僧伽梨 (tăng-già-lê): Cũng gọi là tăng-già-chi, tăng-già-trí, già-chi. Áo pháp (cà-sa) 9 điều trở lên của tỷ-kheo, là một trong 3 áo. Áo này chỉ được mặc khi vào cung vua, vào làng xóm, đi khất thực và thăng tòa thuyết pháp, hàng phục ngoại đạo, cho nên cũng gọi là nhập vương cung tụ lạc y. Lại vì áo này lớn nhất trong 3 áo nên cũng gọi là đại y; vì có nhiều miếng vải nhỏ được khâu dính lại với nhau, nên cũng gọi là tạp tối y; vì có 3 bậc (thượng, trung, hạ) 9 phẩm khác nhau nên còn gọi là cửu phẩm đại y. Thông thường y cứ vào hạ hạ phẩm mà gọi chung là cửu điều y (áo 9 nẹp).

 

Phương Biện ngơ ngác vì bất ngờ nhưng chỉ mấy ngày sau thì nặn xong chân tướng của sư, cao khoảng 7 tấc, rất mực tinh diệu, đưa cho sư xem thì sư cười rằng:

Ông chỉ biết tánh của tượng mà không biết tánh của Phật.

Sư đưa tay xoa đầu Phương Biện nói:

Hãy mãi luôn làm phước điền cho người và chư Thiên!

Có vị tăng nêu bài kệ của thiền sư Ngọa Luân:

Ngọa Luân có tài khéo

Năng đoạn trăm tư tưởng

Đối cảnh tâm không khởi

Bồ-đề ngày ngày lớn.

Sư nghe xong, nói:

- Bài kệ này chưa sáng tỏ tâm địa. Nếu y theo mà hành thì càng trói buộc.

Nhân đó sư khai thị một bài kệ:

Huệ Năng không tài khéo

Không đoạn mọi tư tưởng

Đối cảnh tâm thường khởi

Bồ-đề làm sao lớn.

Phần thứ 7 NAM ĐỐN BẮC TIỆM

Phần thứ 7 NAM ĐỐN BẮC TIỆM

Lúc Tổ sư ở chùa Bảo Lâm tại Tào Khê, đại sư Thần Tú ở chùa Ngọc Tuyền tại Kinh Nam, thời đó cả hai tông đều thịnh hóa, người đời gọi là Nam Năng Bắc Tú, cho nên có chia ra hai tông Nam đốn và Bắc tiệm. Nhưng người học đều chẳng biết tông nào mà hướng về, sư nói với mọi người rằng:

Pháp vốn chỉ một tông, nhưng người thì có Nam Bắc. Pháp chỉ có một loại, mà kiến giải thì có nhanh chậm. Sao gọi là đốn tiệm? Pháp không có đốn tiệm, vì người có nhanh chậm, cho nên gọi là đốn tiệm.

Nhưng đồ chúng của Thần Tú thường luôn chê cười Tổ sư Nam tông, không biết chữ nào thì làm gì có sở trường. Tú nói:

Ông ta được trí của vô sư, thâm ngộ Thượng thừa, ta không bằng. Lại thầy ta là Ngũ Tổ đích thân truyền y-pháp, há vô ích sao? Ta hận không thể từ xa đến đó thân cận, uổng thọ ân sủng quốc gia. Mọi người không nên nấn ná ở đây, hãy đến Tào Khê tham thỉnh giải quyết mối nghi!

Rồi bảo đệ tử Chí Thành rằng:

Ông thông minh đa trí, nên vì ta mà đến Tào Khê nghe pháp. Nếu ông nghe pháp thì hãy tận tâm ghi nhớ kỹ rồi trở về nói cho ta nghe.

Chí Thành vâng lời đến Tào Khê, theo chúng tham thỉnh, nhưng không nói ở đâu đến. Lúc ấy Tổ sư bỗng bảo đại chúng:

Nay có người trộm pháp đang ở lẫn trong pháp hội này.

Chí Thành vội bước ra lễ bái, nói lại đầy đủ việc trước đó. Sư nói:

Ông từ Ngọc Tuyền đến, đáng coi là gian Tế.

Thành nói:

Không phải.

Sư hỏi:

Tại sao không phải?

Thành đáp:

Chưa nói ra thì mới phải, nói ra rồi thì không phải.

Sư hỏi:

Thầy ông dạy chúng thế nào?

Thành đáp:

Thường chỉ dạy đại chúng trụ tâm khán tĩnh, ngồi lâu chẳng nằm.

Sư nói:

Trụ tâm khán tĩnh là bệnh chứ chẳng phải thiền. Ngồi lâu bó thân, có ích gì với lý đâu. Hãy nghe bài kệ của ta!

Khi sống ngồi chẳng nằm

Chết rồi, nằm chẳng ngồi

Một bộ xương hôi thối

Lập công khóa làm sao.

Chí Thành lễ bái tiếp, nói:

Đệ tử ở chỗ Đại sư Thần Tú học đạo 9 năm mà không được khế ngộ, nay nghe một lời của hòa thượng liền khế ngộ bản tâm. Sanh tử là việc lớn của đệ tử, hòa thượng đại từ, xin vì con mà chỉ dạy cho!

Sư nói:

Ta nghe thầy ông chỉ dạy người học pháp môn giới- định-huệ, xin hỏi thầy ông nói hành tướng của giới-định- huệ thế nào? Hãy nói cho ta xem!

Chí Thành thưa:

Đại sư Thần Tú nói “Mọi việc ác không làm gọi là giới, mọi việc thiện phụng hành gọi là Huệ, tự tịnh ý mình gọi là định”. Thầy con nói như vậy, xin hỏi hòa thượng lấy pháp gì dạy người?

Sư nói:

Nếu ta nói có pháp cho người, là dối gạt ông rồi. Ta chỉ tùy chỗ mà cởi trói, tạm gọi là tam-muội. Như chỗ thầy ông nói giới-định-huệ thật không thể nghĩ bàn, nhưng chỗ ta thấy giới-định-huệ lại khác.

Chí Thành nói:

Giới-định-huệ chỉ nên là một loại, làm sao lại khác nhau.

Sư nói:

Giới-định-huệ của thầy ông là tiếp dẫn người Đại thừa, còn giới-định-huệ của ta là tiếp dẫn người Tối thượng thừa, ngộ giải khác nhau, thấy có nhanh chậm. Ông hãy nghe ta nói, xem có giống thầy ông nói chăng? Chỗ ta nói pháp chẳng lìa tự tánh, nếu lìa thể mà thuyết pháp gọi là tướng thuyết, tự tánh thường mê. Phải biết hết thải muôn pháp đều từ tự tánh khởi dụng, đây mới là pháp môn giới-định-huệ chân thật. Hãy nghe bài kệ của ta!

 

Tâm địa không sai, giới tự tánh

Tâm địa không si, huệ tự tánh

Tâm địa không loạn, định tự tánh

Chẳng tăng chẳng giảm, tự kim cang

Thân đến thân đi vốn tam-muội.

Thành nghe bài kệ xong, hối lỗi tạ ơn, rồi trình một bài kệ:

Huyễn thân ngũ uẩn

Huyễn đâu rốt ráo

 Hướng về chân như

Pháp vẫn bất tịnh.

Sư khen phải, rồi nói với Thành:

Giới-định-huệ của thầy ông khuyên dạy người căn trí nhỏ giới-định-huệ của ta khuyên dạy người căn trí lớn. Nếu ngộ tự tánh thì cũng không lập bồ-đề niết-bàn, cũng không lập giải thoát tri kiến, không có pháp nào để đắc mới có thể kiến lập muôn pháp. Nếu hiểu ý này thì cũng gọi là Phật thân, cũng gọi là bồ-đề niết-bàn, cũng gọi là giải thoát tri kiến. 

Người thấy tánh, lập cũng được, không lập cũng được, đến đi tự do, không trệ kẹt, không ngại, cần dùng thì theo đó mà làm, cần nói thì theo chỗ hỏi mà đáp, thấy hóa thân khắp nơi mà không lìa tự tánh, tức được thần thông tự tại, tam-muội Du hý, đây gọi là thấy tánh.

Chí Thành thưa lại với sư rằng:

- Thế nào là không lập nghĩa?

Sư đáp:

- Tự tánh không có sai, không có si, không có loạn, niệm niệm bát-nhã quán chiếu, thường lìa pháp tướng, tự do tự tại, ngang dọc đều được, đâu có gì để lập. Tự tánh tự ngộ, đốn ngộ đốn tu, cũng không có thứ lớp. Cho nên không lập tất cả các pháp, các pháp tịch diệt, đâu có thứ lớp.

Chí Thành lễ bái, xin làm thị giả, sớm khuya hầu hạ siêng năng. Chí Thành người xứ Thái Hòa ở Cát Châu.

Tăng Chí Triệt họ Trương, tên là Hành Xương, người Giang Tây, thời trai trẻ từng làm hiệp khách. Từ khi Nam đốn Bắc tiệm phân chia, hai vị tông chủ tuy không còn nhân-ngã, nhưng đồ chúng tranh giành, khởi yêu ghét. Bấy giờ người của Bắc tông tự lập đại sư Thần Tú làm Tổ thứ 6, lại sợ thiên hạ nghe được việc Tổ sư Hoằng Nhẫn truyền y, nên bảo Hành Xương đến ám sát sư.

 Sư có tha tâm thông(1), biết trước việc ấy, nhân đó để sẵn 10 lượng vàng trên tòa. Đêm xuống, Hành Xương vào phòng Tổ định ra tay hãm hại. Sư đưa cổ ra cho chém, Hành Xương giơ dao chém 3 nhát mà không hề hấn gì. Sư nói:

- Chánh kiếm chẳng tà, tà kiếm chẳng chánh. Chỉ nợ ông vàng chứ không nợ ông mạng.

Hành Xương kinh hãi ngã lăn xuống đất, hồi sau mới tỉnh dậy, buồn đau hối lỗi, rồi cầu xin xuất gia. Sư liền đưa vàng nói:

- Ông hãy đi đi, sợ đồ chúng ám hại lại ông. Ngày sau có thể thay hình đổi dạng đến đây, ta sẽ truyền dạy cho!

Hành Xương vâng lời, đêm đó trốn đi. Về sau làm tăng xuất gia, thọ giới cụ túc, tinh tấn. Một hôm nhớ tới lời sư dặn, từ xa đến lễ bái tham yết. Sư nói:

- Ta nhớ ông lâu rồi, sao ông đến trễ vậy?

Xương nói:

- Xưa kia được hòa thượng tha tội, nay tuy xuất gia khổ hạnh, nhưng cuối cùng cũng khó mà báo được ơn đức, chỉ mong thầy truyền pháp độ sanh thôi. Đệ tử thường đọc kinh Niết-bàn, chưa hiểu nghĩa thường và vô thường. Xin hòa thượng từ bi giải thuyết sơ lược cho!

Sư nói:

- Vô thường là Phật tánh, hữu thường là tâm phân biệt tất cả các pháp thiện ác.

Xương nói:

- Chỗ hòa thường nói hoàn toàn trái nghịch với văn kinh.

Sư nói:

- Ta truyền tâm ấn của Phật, đâu dám trái với kinh Phật.

Xương nói:

- Kinh nói “Phật tánh là thường”, hòa thượng lại nói là vô thường; các pháp thiện ác cho đến tâm bồ-đề đều là vô thường, hòa thượng lại nói là thường. Chỗ này trái nhau, khiến người học như con càng thêm nghi hoặc.

1.他心通 (tha tâm thông): Gọi đủ là tha tâm trí chứng thông, trí tâm sai biệt trí tác chứng thông. Cũng gọi là quán tâm tâm số pháp trí chứng thông, tri tha tâm thông, Tâm sai biệt thông. Chỉ cho năng lực thần thông chứng được trí tha tâm, biết rõ đúng như thực mọi ý nghĩ sai biệt trong tâm người khác. Tương đương với tha tâm trí trong 10 trí, là một trong 5 thần thông, một trong 6 thần thông.

 

Sư nói:

- Xưa kia ta nghe ni sư Vô Tận Tạng đắc tụng một biến kinh Niết-bàn, liền vì ni sư mà giảng, không có một chữ nào, một nghĩa nào mà chẳng khế hợp với văn kinh. Cho đến nay vì ông giải nói mà rốt cuộc cũng không nói hai lời.

Xương nói:

- Học nhân con hiểu biết hẹp hòi ngu muội, xin hòa thượng thuận lòng khai thị cho!

Sư nói:

- Ông biết không? Phật tánh nếu là thường thì nói làm gì các pháp thiện ác, cho đến cùng kiếp cũng không có lấy một người nào phát tâm bồ-đề. Cho nên ta nói là vô thường, chính là cái đạo chân thường của Phật nói vậy. Lại tất cả các pháp nếu vô thường, tức mỗi vật đều có tự tánh, cùng bị sanh tử vậy thì tánh của chân thường có chỗ chẳng trùm khắp, cho nên ta nói là thường, chính là Phật nói nghĩa của chân vô thường. Phật luôn vì phàm phu ngoại đạo chấp vào tà thường, vì những người Nhị thừa ở chỗ thường mà cho là vô thường, cộng lại thành bát đảo(1). Cho nên ở trong giáo liễu nghĩa của kinh Niết-bàn đã phá trừ thiên kiến của họ mà hiển nói chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh. Nay ông y theo kinh nói trái nghĩa, cố chấp lấy những hiện tượng có đoạn diệt cho là vô thường và coi những gì đã được xác định một cách chết cứng là thường, từ đó mà hiểu lầm lời viên diệu tối hậu sâu xa của Phật. Như thế thì dù đọc ngàn biến cũng đâu có chỗ nào ích lợi.

1. 八倒 (bát đảo): Chấp có thường-lạc-ngã-tịnh là thật có, ấy là 4 thứ điên đảo của phàm phu; chấp không có thường-lạc-ngã-tịnh là thật không, ấy là 4 thứ điên đảo của Nhị thừa, nói chung lại là bát đảo.

 

Hành Xương hoát nhiên đại ngộ, liền nói bài kệ rằng:

Bởi chấp tâm vô thường

Phật nói có tánh thường

Không biết phương tiện lập

Như lượm sỏi ao xuân

Nay ta chẳng chút công

Phật tánh tự hiện tiền

Chẳng phải thầy truyền trao

Con cũng vô sở đắc.

Sư nói:

Nay ông triệt ngộ, nên gọi là Chí Triệt.

Triệt lễ tạ lui ra.

Có một đồng tử pháp danh là Thần Hội, họ Cao người Tương Dương. Năm 13 tuổi từ chùa Ngọc Tuyền đến tham lễ, sư nói:

Thiện tri thức từ xa đến vất vả có đem được bản lai(1) đến không? Nếu có gốc thì phải biết chủ nói thử xem!

Hội nói:

Lấy vô trụ làm gốc, thấy tức là chủ

1. 本來 (bản lai): Có nghĩalúc ban đầu chưa có vật gì, cũng như từ vô thỉ đến nay.

 

Sư nói:

Cái gã sa-di này, sao lại nói tầm phào như thế!

Rồi sư bèn lấy gậy đánh cho 3 cái, 

Hội liền hỏi rằng:

Hòa thượng tọa thiền, có thấy hay chẳng thấy? 

Sư hỏi lại:

Ta đánh người là đau hay chẳng đau? 

Hội đáp:

- Cũng đau, cũng chẳng đau.

Sư nói:

Ta cũng thấy, cũng chẳng thấy. Thần Hội hỏi:

Thế nào là cũng thấy, cũng chẳng thấy? Sư nói:

Chỗ ta thấy là thường thấy lỗi lầm trong tâm mình, chẳng thấy thị phi tốt xấu của người khác. Đó gọi là cũng thấy, cũng chẳng thấy. Người nói cũng đau, cũng chẳng đau là thế nào? Nếu người chẳng đau thì giống như gỗ đá, nếu đau thì giống như phàm phu, liền khởi oán hận. Chỗn gười hỏi trước có thấy hay chẳng thấy là nhị biên, còn đau hay chẳng đau là sanh diệt. Tự tánh của người mà người chẳng thấy, sao lại dám lý luận bừa như thế.

Thần Hội lễ bái hối lỗi tạ ơn, sư lại nói:

Nếu tâm ngươi mê, chẳng thấy thì phải hỏi thiện tri thức mà tìm đường. Nếu tâm ngươi ngộ tức tự thấy tánh, thì cứ y theo pháp tu hành. Ngươi tự mê, chẳng thấy tự tâm, còn đến hỏi ta thấy hay chẳng thấy. Ta thấy thì ta tự biết, há thay đổi được cái mê của ngươi sao? Nếu ngươi tự thấy thì cũng chẳng thay đổi được cái mê của ta. Sao không tự biết tự thấy, mà lại hỏi ta thấy hay chẳng thấy?

Thần Hội lại sụp đầu lạy hơn trăm lạy nữa, xin tạ lỗi lầm, ân cần phụng sự, không rời nửa bước. Một hôm sư bảo chúng rằng:

Ta có một vật không đầu không đuôi, không tên không chữ không trước không sau. Mọi người có biết không?

Thần Hội bước ra nói: 

Là bản nguyên(1) của chư Phật, Phật tánh của Thần Hội.

Sư nói:

- Đã nói với ngươi là không tên không chữ thì sao ngươi còn gọi là bản nguyên Phật tánh. Sau này dù có ra làm trụ trì, bất quá cũng chỉ thành một tông đồ tri giả mà thôi.

Về sau Hội vào kinh đô Lạc Dương, đại hoằng dương pháp môn đốn giáo của Tào Khê, trước tác Hiển tông ký lưu hành ở đời.

Sư thấy các tông phái chỉ biết vấn nạn nhau, thảy đều khởi tâm ác, nhìn thấy nhiều người đang tụ tập dưới tòa, sư thương xót bảo rằng:

- Người học đạo, tất cả mọi niệm thiện và niệm ác đều phải dứt trừ không có tên để gọi, tên gọi ở nơi tự tánh. Tánh không hai gọi là thật tánh, ở trên thật tánh kiến lập tất cả giáo môn, ngay đó phải tự thấy. Mọi người nghe nói xong, thảy đều tác lễ nguyện thờ sư làm thầy.

1. 本源 (bản Nguyên): Chỉ tự tánh thanh tịnh tâm, cũng tức là chỗ căn bản. Tự tánh của tâm chúng sanh xưa nay vốn trong sạch, nhưng vì những khách trần phiền não khởi lên sau này mà làm cho tự tánh nhơ nhuốm. Những người có trí nghe được Thánh pháp biết rõ điều đó, rồi siêng năng tu tập tâm tánh để trở về cái nguồn gốc trong sạch ấy mà được giải thoát.

 

Phần thứ 8 VUA NHÀ ĐƯỜNG XUỐNG CHIẾU TRIỆU VỜI

Ngày rằm tháng giêng âm lịch đầu niên hiệu Thần Long (705), Thái hậu Tắc Thiên(1)   và vua Trung Tông có chiếu rằng “Trẫm từng mời hai vị thiền sư Tuệ An và Thần Tú vào cung cúng dường để khi rảnh việc triều chính đa đoan được tham cứu Nhất thừa, nhưng hai đại sư đều nhún nhường từ chối, bạch rằng ‘Phương Nam có thiền sư Huệ Năng đã mật thọ y-pháp của đại sư Hoằng Nhẫn, được truyền tâm ấn Phật, có thể thỉnh đến hỏi đạo ngài’. Nay trẫm sai Nội thị Tiết Giản lãnh chiếu đi cung thỉnh, mong sư từ bi niệm tình, mau đến kinh thành!”.

Sư dâng biểu từ chối vì đau yếu, nguyện suốt đời ở nơi rừng núi, Tiết Giản đến thưa với sư:

Các bậc thiền đức ở kinh thành đều nói “Muốn lãnh hội được đạo, tất phải ngồi thiền tập định, nếu chẳng vì thiền định mà được giải thoát thì là chưa từng có”, vậy xin hỏi pháp mà sư nói như thế nào?

Sư đáp:

Đạo từ tâm mà ngộ, há ở ngồi thiền sao? Kinh nói “Nếu nói thấy Như Lai, hoặc ngồi, hoặc nằm, ấy là đi chệch đường vậy”. Tại sao thế? Vì Như Lai không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu. Nếu biết không sanh diệt thì đấy là Như Lai thanh tịnh thiền, các pháp rỗng lặng là Như Lai thanh tịnh tọa. Rốt cuộc còn không có chỗ chứng đắc, thì huống gì do ngồi thiền.

Giản thưa:

1. Vũ Tắc Thiên là hoàng hậu củ vua Đường Cao Tông. Cao Tông mất, Trung Tông nối ngôi (684), mẹ là Vũ hậu chấp chính. Sau phế Trung Tông, lập Duệ Tông, rồi lại phế Duệ Tông. Bà xưng Đế, đổi quốc hiệu là Chu, tại vị từ năm 690 đến năm 705. Bà là người thông minh lanh lợi, quyết đoán, có đảm Lược.

 

Đệ tử trở về Chúa thượng tất hỏi, xin hòa thượng từ bi, chỉ cho con tâm yếu để truyền tấu lên hai cung Thái hậu và hoàng thượng, với người học đạo ở kinh thành. Ví như một ngọn đèn thắp nối qua trăm ngàn ngọn đèn, khiến cho chỗ tối tăm đều được sáng, sáng mãi vô tận.

Sư nói:

Đạo không sáng tối, sáng tối là nghĩa đối đãi qua lại. Sáng tối thì không cùng, nhưng rồi cũng có chỗ cùng tận, vì đối đãi qua lại nhau nên phải đặt tên gọi. Vậy nên kinh Duy-ma nói “Đạo pháp không có so sánh, vì không đối đãi nhau”.

Giản nói:

Sáng, dụ cho trí huệ, tối ví như phiền não. Người tu hành nếu chẳng lấy trí huệ chiếu phá phiền não thì nhờ đâu thoát khỏi sanh tử từ vô thỉ

Sư nói:

Phiền não tức là bồ-đề, không hai không khác. Nếu lấy trí huệ chiếu phá phiền não thì đây là hàng Nhị thừa tiểu kiến, là căn cơ của cỗ xe dê, xe nai. Bật thượng căn đại trí thì chẳng như vậy.

Giản hỏi:

Thế nào là kiến giải của Đại thừa?

Tổ đáp:

Sáng với không sáng, phàm phu thấy là hai, người trí liễu đạt thấy tánh của chúng không hai. Tánh không hai chính là thật tánh. Thật tánh ấy ở phàm ngu chẳng hề giảm, mà ở Thánh Hiền nó cũng chẳng tăng, ở trong phiền não mà không loạn, ở trong thiền định mà không cô quạnh, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến chẳng đi, chẳng ở chính giữa, cho đến trong ngoài cũng không, không sanh không diệt, tánh-tướng như như thường trụ không biến đổi, đây gọi là đạo.

Giản nói:

Thầy nói không sanh không diệt, vậy có gì khác với ngoại đạo?

Tổ bảo:

Chỗ giảng giải chẳng sanh chẳng diệt của ngoại đạo là lấy diệt ngăn sanh, lấy sanh để hiển bày cái diệt. Diệt do vậy vẫn không diệt, sanh mà nói chẳng sanh. Ta nói chẳng sanh chẳng diệt là tự căn nguyên nó vốn không sanh, nay cũng không diệt, cho nên chẳng giống với ngoại đạo. 

Nếu ông muốn biết tâm yếu, chỉ cần hết thảy mọi thiện ác đều đừng bận tâm suy nghĩ thì tự nhiên sẽ ngộ nhập tâm thể thanh tịnh, thường tịch trong suốt, diệu dụng(1) vô kể.

Giản được chỉ dạy, tâm hoát nhiên đại ngộ, đảnh lễ từ biệt về triều, dâng biểu tâu lại lời sư dạy. Ngày mùng 3 tháng 9 năm ấy, có chiếu chỉ ban thưởng truyền đến sư rằng “Sư từ chối già bệnh, vì trẫm mà tu đạo, là phước điền của quốc gia. Sư như Duy-ma hiện bệnh ở thành Tỳ-da, xiển dương Đại thừa, truyền tâm của chư Phật, nói pháp bất nhị. Tiết Giản truyền lời sư chỉ dạy tri kiến của Như Lai, trẫm nhờ tích được nhiều phước thiện, gieo trồng căn lành, gặp sư xuất thế, đốn ngộ Thượng thừa, cảm kích ơn sư mà tôn kính không thôi”. Vua bái tạ và cúng dường sư cà-sa ma nạp và một bình bát thủy tinh. Lại lệnh cho quan Thứ sử Thiều Châu trùng hưng trang trí lại tự viện và ban biển hiệu chùa cũ của sư đổi tên là Quốc Ân tự.

1. Năng lực biến hóa khó lường lưu xuất từ tự tánh, khi người tu đã triệt ngộ.

 

Phần thứ 9 PHÁP MÔN ĐỐI ĐÃI KHAI THỊ

Một hôm sư cho gọi các đệ tử Pháp Hải, Chí Thành, Pháp Đạt, Thần Hội, Trí Thường, Trí Thông, Chí Triệt, Chí Đạo, Pháp Trân, Pháp Như, nói rằng:

Các ông không giống những người khác, sau khi ta diệt độ, mỗi người hãy làm thầy một phương. Nay ta dạy các ông thuyết pháp mà không đánh mất bản tông, trước tiên phải nêu ra pháp môn tam khoa, sử dụng 36 pháp đối, ẩn hiện tức lìa hai bên, nói tất cả các pháp không lìa tự tánh. Bất chợt có ai hỏi pháp các ông, thì lời nói ra đều đi một cặp, đều lấy pháp đối đãi, đến đi làm nhân cho nhau, cuối cùng hai pháp đều dứt sạch, cũng không có chỗ dứt.

Pháp môn tam khoa ấy là ấm, giới, nhập. Ấm là 5 ấm sắc-thọ-tưởng-hành-thức. Nhập là Thập nhị nhập, bên ngoài gồm 6 trần là sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp, bên trong gồm 6 cửa là mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý. Giới là Thập bát giới, gồm 6 trần 6 cửa và 6 thức. Vì tự tánh năng dung hàm muôn pháp, cho nên gọi là hàm tàng thức. Nếu khởi suy nghĩ tức là chuyển thức, sanh 6 thức, ra 6 cửa, thấy 6 trần, 18 giới như vậy đều từ tự tánh khởi dụng. Tự tánh nếu tà thì khởi 18 tà, tự tánh nếu chánh thì khởi 18 chánh, chứa điều ác mà ứng dụng tức chúng sanh dụng, chứa điều thiện mà ứng dụng tức Phật dụng. Dụng do đâu mà có? Do tự tánh có pháp đối đãi.

Cảnh bên ngoài vô tình có 5 cặp đối đãi là thiên đối với địa (1), Nhật đối với nguyệt (2), sáng đối với tối (3), âm đối với dương (4), thủy đối với hỏa (5).

Pháp tướng ngữ ngôn có 12 cặp đối đãi là ngữ đối với pháp (1), hữu đối với vô (2), hữu sắc đối với vô sắc (3), hữu tướng đối với vô tướng (4), hữu lậu đối với vô lậu (5), sắc đối với không (6), động đối với tĩnh (7), thanh đối với trược (8), phàm đối với Thánh (9), tăng đối với tục (10), già đối với trẻ (11), đại đối với tiểu (12). Tự tánh khởi dụng 19 cặp đối đãi là dài đối với ngắn (1), tà đối với chánh (2), si đối với huệ (3), ngu đối với trí (4), loạn đối với định (5), từ [慈] đối với độc [毒] (6), giới [ 戒] đối với lỗi [非] (7), thẳng đối với cong (8), thật đối với hư (9), nguy đối với an (10), phiền não đối với bồ-đề (11), thường đối với vô thường (12), bi (thương xót) đối với hại (tàn hại) (13), hỷ đối với sân (14), xả bỏ đối với keo kiệt (15), tiến đối với lùi (16), sanh đối với diệt (17), pháp thân đối với sắc thân (18), hóa thân đối với báo thân (19).

Sư nói:

- Ba mươi sáu pháp đối đãi(1) này, nếu biết ứng dụng thì nói thông suốt tất cả mọi kinh pháp, ra vào tức lìa hai bên, tự tánh khởi dụng, nói năng với người ta, bên ngoài ở nơi tướng mà lìa tướng, bên trong ở nơi “không” mà lìa “không” nếu toàn chấp tướng tức là tà kiến, nếu toàn chấp “không” thì tăng trưởng vô minh. Người chấp “không” lại báng kinh, mạnh miệng nói không cần văn tự nếu đã nói không cần văn tự thì con người không nên nói năng, ngay chỗ nói năng này thôi cũng chính là tướng của văn tự.

1. Tức 5 đối pháp về ngoại cảnh vô tình, 12 đời pháp về pháp tướng ngữ ngôn, 19 đối pháp về khởi dụng tự tánh.

 

Lại nói “Trực đạo(1) chẳng lập văn tự?, thì hai chữ “chẳng lập” này cũng là văn tự, thấy người ta nói ra liền chê bai người ta, nói rằng chấp văn tự. Mọi người phải biết, tự mình mê còn được, sao lại báng kinh Phật, không cần kinh Phật thì tội chướng vô số. Nếu chấp tướng ở ngoài mà tác pháp(2) cầu chân, hoặc rộng lập đạo tràng thuyết giảng lỗi lầm của hữu-vô, người như vậy nhiều kiếp  không thể thấy tánh. Chỉ cần nghe ta, y theo pháp tu hành, cũng chớ có trăm điều chẳng nghĩ suy mà che lấp đạo tánh. Nếu nghe ta nói mà chẳng tu thì trái lại khiến người sanh tà niệm, chỉ cần y theo pháp tu hành, không có trụ tướng pháp mà bố thí. Mọi người nếu ngộ, y theo đây mà thuyết, y theo đây mà dụng, y theo đây mà hành, y theo đây mà tác thì không đánh mất bản tông. Nếu có ai đó hỏi mọi người nghĩa, hỏi hữu thì trả lời vô, hỏi vô thì trả lời hữu, hỏi phàm thì lấy Thánh đáp, hỏi Thánh thì lấy phàm đáp, hai bên làm nhân cho nhau mà sanh ra nghĩa của trung đạo. Các ông cứ một hỏi một đáp, hễ hỏi cái gì đều đáp ngược lại, tất cả các câu hỏi đều y theo đây mà trả lời thì không đánh mất lý. Nếu có người hỏi “Sao gọi là tối?”, thì trả lời “Sáng là nhân của tối, tối là duyên của sáng”. Sáng mất thì tối, lấy sáng để hiển thị tối, lấy tối để hiển thị sáng, đến đi làm nhân cho nhau mà làm thành nghĩa của trung đạo, hỏi những câu nào khác cũng đều trả lời như vậy. Sau này mọi người truyền pháp đều y theo đây mà truyền trao cho nhau, đừng đánh mất tông chỉ.

1. 直道 (trực đạo): Con đường đến thẳng niết-bàn hay đất Phật.

2. 作法 (tác pháp): Phép tắc mà người xuất gia tu hành phải tuân thủ trong mọi hành vi đi, đứng, ngồi, nằm hằng ngày.

 

Phần thứ 10 PHÓ CHÚC LƯU THÔNG

Tháng 7 năm Nhâm Tý đầu niên hiệu Thái Cực (712), sư bảo đệ tử đến chùa Quốc Ân ở Tân Châu xây tháp, thúc giục xây gấp, đến cuối mùa hạ năm sau là xong. Ngày mùng 1 tháng 7 (713), sư tụ tập đồ chúng nói:

Đến tháng 8 này ta muốn lìa thế gian, mọi người có nghi gì phải hỏi sớm, ta sẽ vì mọi người mà phá nghi, khiến mê lầm dứt. Chỉ e sau khi ta đi sẽ không có ai dạy bảo mọi người.

Nhóm ngài Pháp Hải nghe xong, thảy đều rơi nước mắt, chỉ có Thần Hội là không động thần tình, cũng không rơi lệ. Sư nói:

Chỉ có tiểu sư Thần Hội được thiện và bất thiện bình đẳng, khen chê đều chẳng động, vui buồn chẳng sanh. Mọi người còn lại đều chẳng được, vậy thì mấy năm nay ở núi rốt cuộc tu đạo gì? Nay mọi người khóc lóc là đau buồn ai? Nếu đau buồn ta thì chẳng biết chỗ ta đi, ta tự biết chỗ ta đi. Nếu ta không biết chỗ ta đi, thì cuối cùng không báo cho mọi người biết trước, mọi người khóc lóc bởi vì không biết chỗ ta đi. Nếu biết chỗ ta đi thì không nên khóc lóc, pháp tánh vốn không có sanh diệt đến đi. Mọi người hãy ngồi xuống, ta sẽ nói một bài kệ tên là “Chân giả động tĩnh” cho nghe, mọi người đọc tụng bài kệ này là hợp với ý ta, y theo bài kệ này tu hành thì không đánh mất tông chỉ.

Chúng tăng tác lễ thỉnh sư nói bài kệ, kệ rằng:

Tất cả đều không thật

Chẳng nên thấy là thật

Nếu ai thấy là thật

Thấy ấy đều chẳng thật

Nếu tự mình có thật

Lìa giả tức tâm thật 

Tự tâm chẳng lìa giả

Không thật, chỗ nào thật?

Hữu tình tức biết động

Vô tình tức bất động 

Nếu tu hạnh bất động

Đồng vô tình bất động

Nếu tìm thật bất động

Trên động có bất động

Bất động là bất động

Vô tình không Phật chủng

Năng khéo phân biệt tướng

Đệ nhất nghĩa chẳng động

Chỉ thấy hành như vậy

Tức là chân như dụng

Báo mọi người học đạo

Cố gắng phải dụng ý!

Đừng ở môn Đại thừa

Lại chấp trí sanh tử

Nếu nghe liền tương ưng

Tức cùng luận nghĩa Phật

Nếu thật chẳng tương ưng

Cứ chắp tay vui mừng

Tông này vốn không tranh

Tranh tức mất ý đạo

Chấp nghịch tranh pháp môn

Tự tánh vào sanh tử.

 

Đại chúng nghe sư nói bài kệ xong, thảy đều tác lễ cùng thể hội ý của sư, mỗi người nhiếp tâm, y theo pháp tu hành, không dám tranh luận nữa, mới biết đại sư không còn trụ ở thế gian lâu nữa. Thượng tọa Pháp Hải lễ bái tiếp, hỏi rằng:

Sau khi hòa thượng nhập diệt, y và pháp sẽ trao cho người nào?

Sư đáp:

Những lời thuyết pháp của ta ở chùa Đại Phạm cho đến nay, hãy ghi chép lại thành sách để lưu hành, gọi là PHÁP BẢO ĐAN KINH. Mọi người hãy thủ hộ(1), lần lượt truyền dạy nhau, độ khắp quần sanh. Chỉ cần y theo lời này, đây gọi là chánh pháp. Nay ta vì mọi người mà thuyết pháp nhưng không trao y, bởi vì tín căn của mọi người thuần thục, chắc chắn không còn nghi gì nữa, nay có thể kham nhận được việc lớn. Lại theo ý truyền kệ của Tiên Tổ Đạt-ma, thì y cà-sa không nên truyền nữa. Bài kệ đó nói rằng:

Ta vốn đến đất này

Truyền pháp cứu chúng sanh

Một hoa nở năm cánh

Kết quả tự nhiên thành.

1.守護 (thủ hộ): Bảo vệ, che chở giữ gìn.

 

Sư lại nói:

- Này các vị thiện tri thức! Mọi người hãy tịnh tâm mình mà nghe ta thuyết pháp. Tự tâm của mọi người là Phật, đừng hồ nghi(1) gì nữa. Bên ngoài không có vật nào để kiến lập, đều là bản tâm sanh ra muôn loại pháp, cho nên kinh nói “Tâm sanh thì đủ mọi pháp sanh, tâm diệt thì đủ mọi pháp diệt”. Nếu muốn thành tựu chủng trí(2) thì phải đạt tam-muội Nhất tướng và tam-muội Nhất hạnh.

Nếu ở mọi nơi mà chẳng trụ tướng, ở trong tướng ấy chẳng sanh yêu ghét, cũng không có lấy bỏ, chẳng nghĩ đến những việc lợi ích, thành hoại, an nhàn điềm tĩnh, hư dung đạm bạc(3), đây gọi là tam-muội Nhất tướng. Nếu ở mọi nơi đi đứng nằm ngồi mà hành nhất trực tâm(4), chẳng động đạo tràng, chân thật thành tựu Tịnh độ thì đây gọi là tam-muội Nhất hạnh. Nếu người nào đầy đủ 2 loại tam-muội này, như đất có hạt giống, âm thầm tưới bón thì hạt trái ấy sẽ nẩy chín. Nhất tướng và Nhất hạnh cũng lại như vậy, nay ta thuyết pháp giống như trời đổ mưa, thấm nhuần khắp đất đai. Phật tánh của mọi người ví như hạt giống, gặp mưa thấm ướt, thảy được tăng trưởng, theo lời ta dạy chắc chắn được bồ-đề, y theo lời ta mà tu thì chắc chắn chứng diệu quả. Hãy nghe bài kệ của ta!

1. 狐疑 (hồ nghi): Hồ là con cáo, tính cáo đa nghi, cho nên người hay ngờ vực gọi là hồ nghi.

2. 種智 (chủng trí): Trí huệ hoàn hảo của đức Phật biết rõ tất cả mọi hiện tượng đang hiện hữu (nhất thiết chủng trí 一切種智). Trí huệ viên mãn.

3. 虛融澹泊 (hư dung đạm bạc): Biểu thị trạng thái xa lìa tất cả mọi vọng chấp biên kiến, được tự do tự tại.

4. 心 (trực tâm): Chỉ tâm chất trực không nịnh hót quanh co, là nguồn gốc của hết thảy muôn hạnh, vốn có nghĩa là chánh trực không hư giả

 

Mọi giống trong đất tâm

Mưa khắp hạt nẩy mầm

Trổ ra hoa đốn ngộ

Kết nên quả bồ-đề

Sư nói bài kệ xong, lại nói:

Pháp ấy không có hai, tâm ấy cũng thế. Đạo thanh tịnh ấy cũng không có các tướng, mọi người chớ có quán tĩnh và để tâm “không”! Vì tâm ấy vốn tịnh, không thể lấy bỏ. Mỗi người tự nỗ lực, hãy tùy duyên mà đi!

Bấy giờ đồ chúng tác lễ lui ra. Ngày mùng 8 tháng 7, đại sư bỗng gọi đệ tử đến nói:

Ta muốn về Tân Châu, mọi người hãy mau sửa soạn thuyền chèo!

Đại chúng buồn bã ở lại rất lâu, sư nói:

Chư Phật xuất hiện ở thế gian, vẫn thị hiện nhập niết-bàn, có đến ắt có đi, lý cũng thường như thế. Hình hài này của ta ắt có chỗ trở về.

Đại chúng hỏi:

Từ nay thầy đi, bao lâu sẽ trở lại?

Sư đáp:

Lá rụng về cội, lúc trở lại cũng không nói được.

Đại chúng lại hỏi:

Chánh pháp nhãn tạng truyền trao cho người nào?

Sư đáp:

Người có đạo được truyền, người vô tâm thông đạt.

Lại hỏi:

Sau này còn có nạn gì không?

Sư đáp:

- Sau khi ta diệt độ năm sáu năm, sẽ có một người đến lấy đầu ta. Hãy nhớ lời ta nói!

Trên đầu dưỡng thân(1)

Trong miệng phải ăn

Gặp nạn họ Mãn

Dương Liễu làm quan.

Lại nói:

- Ta diệt độ rồi, 70 năm sau có hai vị Bồ-tát từ phương Đông đến, một xuất gia(2), một tại gia(3), cùng lúc chấn hưng xiển hóa, kiến lập lại tông ta, xây dựng sửa chữa chùa chiền, làm hưng thịnh việc kế thừa nối pháp.

Hỏi rằng:

- Chưa biết Phật-Tổ từ xưa ứng hiện đến nay, truyền trao mấy đời? Xin thầy rủ lòng khai thị cho!

1. Nuôi cha mẹ

2.Chỉ Đại sư Mã Tổ Đạo Nhất.

3.Chỉ cư sĩ Bàng Uẩn.

 

Sư đáp:

Chư Phật ứng thế nhiều vô số lượng, không thể tính đếm. Nay lấy 7 đức Phật làm đầu, đó là Phật Tỳ-bà-thi (1), Phật Thi-khí (2), Phật Tỳ-xá-phù (3) ở kiếp Trang nghiêm trong quá khứ; Phật Câu-Lưu-tôn (4), Phật Câu- na-hàm Mâu-ni (5), Phật Ca-diếp (6), Phật Thích-ca Văn tức Phật Thích-ca Mâu-ni (7) ở kiếp Hiền trong hiện tại. Đây là 7 đức Phật kể từ Phật Thích-ca trở về trước.

Phật Thích-ca Mâu-ni đầu tiên truyền cho tôn giả

Ma-ha Ca-diếp làm Tổ thứ 1.

Tổ thứ 2 là tôn giả A-nan.

Tổ thứ 3 là tôn giả Thương-na Hòa-tu.

Tổ thứ 4 là tôn giả Ưu-ba Cúc-đa.

Tổ thứ 5 là tôn giả Đề-đa-ca.

Tổ thứ 6 là tôn giả Di-giá-ca.

Tổ thứ 7 là tôn giả Bà-tu Mật-đa.

Tổ thứ 8 là Phật-đà Nan-đề

Tổ thứ 9 là tôn giả Phục-đà Mật-đa.

Tổ thứ 10 là tôn giả Hiếp.

Tổ thứ 11 là tôn giả Phú-na Dạ-xa.

Tổ thứ 12 là đại sĩ Mã Minh.

Tổ thứ 13 là tôn giả Ca-tỳ Ma-la.

Tổ thứ 14 là đại sĩ Long Thọ

Tổ thứ 15 là tôn giả Ca-na Đề-bà.

Tổ thứ 16 là tôn giả La-hầu La-đa.

Tổ thứ 17 là tôn giả Tăng-già Nan-đề

Tổ thứ 18 là tôn giả Già-da Xá-đa.

Tổ thứ 19 là tôn giả Cưu-ma La-đa.

Tổ thứ 20 là tôn giả Xà-da-đa.

Tổ thứ 21 là tôn giả Bà-tu Bàn-đầu.

Tổ thứ 22 là tôn giả Ma-noa-la.

Tổ thứ 23 là tôn giả Hạc-lặc-na.

Tổ thứ 24 là tôn giả Sư Tử

Tổ thứ 25 là tôn giả Bà-xá Tư-đa.

Tổ thứ 26 là tôn giả Bất-như Mật-đa.

Tổ thứ 27 là tôn giả Bát-nhã Đa-la.

Tổ thứ 28 là tôn giả Bồ-đề Đạt-ma, làm Sư Tổ của Trung Hoa.

Tổ thứ 29 là đại sư Huệ Khả

Tổ thứ 30 là đại sư Tăng Xán.

Tổ thứ 31 là đại sư Đạo Tín.

Tổ thứ 32 là đại sư Hoằng Nhẫn.

Và Huệ Năng ta là Tổ thứ 33.

Từ xưa chư Tổ đều có truyền thừa, sau này mọi người thay nhau lưu truyền, đừng để trái nghịch sai lầm!

Ngày mùng 3 tháng 8 năm Quý Sửu đầu niên hiệu Khai Nguyên (713), ở chùa Quốc Ân, sau giờ ăn Ngọ đại sư nói với các đồ chúng rằng:

- Mọi người hãy theo thứ tự mà ngồi, ta sắp từ biệt mọi người!

Pháp Hải thưa rằng:

- Hòa thượng để lại giáo pháp gì để người mê đời sau được thấy Phật tánh?

Sư nói:

- Mọi người hãy lắng nghe, người mê đời sau nếu nhận biết bản tánh vốn có của chúng sanh tức là thấy Phật tánh. Nếu không nhận biết bản tánh vốn có của chúng sanh thì dù muôn kiếp tìm Phật cũng khó gặp. Nay ta dạy mọi người hãy nhận biết bản tánh vốn có của chúng sanh trong tâm mình, để thấy Phật tánh trong tâm mình. Muốn cầu thấy Phật thì chỉ cần nhận biết bản tánh của chúng sanh. Bởi vì chúng sanh tự mê lấp Phật tánh của mình, chứ chẳng phải Phật làm cho chúng sanh mê lấp bản tánh. Tự tánh nếu ngộ thì chúng sanh là Phật, tự tánh nếu mê thì Phật là chúng sanh, tự tánh bình đẳng thì chúng sanh là Phật, tự tánh tà hiểm thì Phật là chúng sanh. Tâm của mọi người nếu hiểm ác quanh co thì Phật là chúng sanh, một niệm bình đẳng ngay thẳng tức là chúng sanh thành Phật. Tâm ta tự có Phật, Phật của mình mới là Phật thật. Nếu mình không có tâm Phật thì cầu Phật thật ở đâu? Tự tâm của mọi người là Phật, đừng hồ nghi gì nữa. Ngoài bản tâm, không có một vật gì có thể kiến lập được muôn pháp, tất cả là đều từ bản tâm sanh ra muôn loại pháp, cho nên kinh nói “Tâm sanh thì đủ mọi pháp sanh, tâm diệt thì đủ mọi pháp diệt”. Nay ta để lại một bài kệ từ biệt mọi người, bài kệ tên là “Tự tánh chân Phật” Người đời sau nếu nhận biết được ý chân thật của bài kệ này, thì ắt tự thấy bản tâm, tự thành Phật đạo. Bài kệ như sau.

Chân như tự tánh là Phật thật

Tà kiến tam độc là ma vương

Lúc tà mê thì ma trong nhà

Lúc chánh kiến thì Phật trong nhà

Tà kiến tam độc trong tánh sanh

Tức là ma vương đến ở nha

Chánh kiến tự trừ tâm tam độc

Ma biến thành Phật thật không giả

Pháp thân, báo thân và hóa thân

Ba thân xưa nay là một thân

Nếu ở trong tánh năng tự thấy

Tức là nhân bồ-đề thành Phật

Vốn từ hóa thân sanh tịnh tánh

Tịnh tánh thường ở trong hóa thân

Tánh khiến hóa thân hành chánh đạo

Đương lai viên mãn thật không cùng

Tánh dâm vốn là nhân tịnh tánh

Trừ dâm tức là thân tịnh tánh

Trong tánh đều tự lìa ngũ dục

Thấy tánh sát-na tức là chân

Đời này nếu gặp môn đốn giáo 

Liền ngộ tự tánh thấy Thế Tôn

Nếu muốn tu hành cầu làm Phật

Chẳng biết chỗ nào nghĩ cầu chân

Nếu thường trong tâm tự thấy chân

Có chân tức là nhân thành Phật

Chẳng thấy tự tánh, ngoài tìm Phật

Khởi tâm thảy là người đại si

Pháp môn đốn giáo nay để lại

Cứu độ người đời phải tự tu

Báo khắp người học đạo sau này

 Chẳng theo chánh kiến mãi phiền lo.

Sư nói bài kệ xong, bảo rằng:

Mọi người ở lại được tốt lành, sau khi ta diệt độ đừng theo tình đời gào khóc thảm thiết, không nhận lễ điếu viếng của người, thân mặc đồ tang thì chẳng phải đệ tử ta, cũng chẳng phải chánh pháp. Chỉ cần thấy bản tâm mình, thấy bản tánh mình không động không tĩnh, không sanh không diệt, không đến không đi, không đúng không sai, không ở không đi.

 Vì sợ tâm mọi người mê không hiểu được ý ta, cho nên nay dặn dò lại mọi người để mọi người thấy tánh. Sau khi ta diệt độ, y theo đây mà tu hành thì giống như lúc ta còn sống. Nếu trái lời ta dạy thì dù ta ở đời cũng không có ích gì.

Rồi nói bài kệ nữa rằng:

Vô sự không tu thiện

Tự tại chẳng làm ác 

Tịch tịch dứt thấy nghe

Bình thản tâm không chấp.

Sư nói bài kệ xong, ngồi ngay thẳng đến canh ba, bỗng nói với đệ tử rằng:

Ta đi đây!

Rồi chợt an nhiên thị tịch. Lúc đó có mùi thơm lạ khắp phòng, một cầu vồng trắng xuất hiện phủ dài xuống tiếp đất, cây rừng đột nhiên biến thành một màu trắng xóa, chim muông đồng loạt kêu thương. Đến tháng 11, quan lại và đệ tử tăng-tục ở 3 quận Quảng Châu, Thiều Châu và Tân Châu tranh nhau đưa rước chân thân của sư. Vì không quyết được an vị về chỗ nào, cho nên mới đốt hương khấn rằng:

- Hương khói bay về đâu thì đưa sư về đó.

Lúc đó làn hương khói bay đến thẳng Tào Khê. Ngày 13 tháng 11, khám thờ và y-bát của sư được đưa về Tào Khê. Ngày 25 tháng 7 năm sau, mở khám ra, đệ tử Phương Biện lấy bột nhão thơm đắp lên di thể Tổ, đệ tử nhớ đến lời sư huyền ký lấy trộm đầu, bèn trước tiên lấy miếng lá sắt bọc vải Sơn quấn nhiều lớp vào cổ của sư để giữ cho chắc chắn, rồi mới đưa chân thân vào tháp. Khi ấy bỗng xuất hiện một luồng ánh sáng trắng ở trong tháp phóng ra xông thẳng lên trời, đến 3 ngày sau mới tan. 

Quan Thiều Châu tâu lên triều đình, phụng sắc lập bia để ghi nhớ đạo hạnh của sư. Sư thọ 76 tuổi, 24 tuổi được truyền y, 39 tuổi xuống tóc, thuyết pháp làm lợi lạc chúng sanh hôn 37 năm, người được ý chỉ nối pháp gồm 43 người, người ngộ đạo siêu phàm chẳng biết là bao nhiêu. Y cà-sa truyền từ Tổ Đạt-ma để làm tin, ma-nạp và bình bát quý của vua Trung Tông ban tặng, chân tướng của sư do Phương Biện nắn, cùng những đạo cụ của sư, đều giao cho thị giả coi tháp giữ gìn, mãi mãi trấn giữ ở đạo tràng Bảo Lâm. Lại lưu truyền PHÁP BẢO ĐÀN KINH để hiển bày tông chỉ hưng long tam bảo, làm lợi ích khắp quần sanh.

 

KINH KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT

Tam tạng pháp sư Cưu-ma La-thập

đời Diêu Tần dịch từ Phạn sang Hán

Như vầy tôi nghe. Một thời, Phật ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc tại nước Xá-vệ, cùng với chúng đại tỷ kheo 1.250 vị. Bấy giờ đến giờ ăn, Thế Tôn đắp y, ôm bát, vào thành lớn Xá-vệ khất thực ở trong thành ấy. Thứ lớp xin xong, trở về chỗ cũ. Ăn uống rồi, dọn y-bát, rửa chân, trải tọa cụ mà ngồi. Bấy giờ trưởng lão Tu-bồ-đề ở trong đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính mà thưa với Phật:

- Hy hữu thay thưa Thế Tôn! Như Lai khéo hộ niệm cho chư Bồ-tát, khéo phó chúc cho chư Bồ-tát. Thưa Thế Tôn! Những thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm A nậu-đa-la Tam miểu Tam bồ-đề, nên trụ tâm như thế nào? Hàng phục tâm ấy ra sao?

Phật nói:

- Hay thay, hay thay! Này Tu-bồ-đề! Đúng như chỗ ông vừa hỏi, Như Lai khéo hộ niệm cho chư Bồ-tát, khéo phó chúc cho chư Bồ-tát. Nay ông hãy lắng nghe

cho kỹ! Ta sẽ vì mọi người mà nói. Những thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm A nậu-đa-la Tam miểu Tam bồ-đề phải nên an trụ tâm như vầy, hàng phục tâm ấy như vầy.

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Vâng thưa Thế Tôn! Chúng con nguyện ưa thích muốn nghe.

Phật bảo ngài Tu-bồ-đề:

- Chư Bồ-tát ma-ha-tát nên hàng phục tâm như vầy. Đối với tất cả mọi loài chúng sanh, như sanh bằng trứng, như sanh bằng thai, như sanh từ nơi ẩm thấp, như hóa sanh; như có hình sắc, như không có hình sắc, như có tư tưởng, như không có tư tưởng, như chẳng phải là có tư tưởng, chẳng phải là không có tư tưởng, Ta đều khiến cho nhập vào niết-bàn vô dư mà diệt độ. Diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh như vậy, nhưng thật ra không có chúng sanh nào được diệt độ cả. Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì nếu Bồ-tát có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì chẳng phải là Bồ-tát.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát ở nơi pháp, phải nên không có chỗ trụ mà hành bố thí, đó gọi là không trụ vào sắc mà bố thí, không trụ vào thanh-hương-vị xúc-pháp mà bố thí. Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên bố thí như vậy, tức là không trụ vào tướng. Bởi vì sao? Vì nếu Bồ-tát không trụ vào tướng mà bố thí thì phước đức ấy không thể suy lường.

Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Hư không ở phương Đông có thể suy lường được chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Dạ không, thưa Thế Tôn.

Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Hư không ở các phương Nam Tây Bắc, bốn phương phụ, phương trên, phương dưới có thể suy lường được chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Dạ không, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

- Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không trụ vào tướng mà bố thí thì phước đức cũng lại như vậy, không thể suy lường. Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát cần phải như chỗ Ta chỉ dạy mà an trụ tâm.

Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Có thể dùng thân tướng để thấy Như Lai chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Dạ không, thưa Thế Tôn, không thể dùng thân tướng để thấy Như Lai. Bởi vì sao? Vì cái mà Như Lai nói là thân tướng, tức vốn chẳng phải là thân tướng.

Phật bảo ngài Tu-bồ-đề:

- Hễ cái gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng, tức thấy Như Lai.

Ngài Tu-bồ-đề thưa với Phật rằng:

- Thưa Thế Tôn! Liệu có chúng sanh được nghe chương cú lời lẽ như vậy, có thể sanh lòng tin chân thật chăng?

Phật bảo ngài Tu-bồ-đề:

- Đừng có nói như vậy! Sau khi Như Lai nhập diệt, 500 năm sau có kẻ trì giới tu phước, đối với chương cú này có thể sanh lòng tin, cho đó là thật, thì phải nên biết người này không phải ở chỗ một đức Phật, hai đức Phật, ba bốn năm đức Phật, trồng căn lành, mà đã ở trong vô lượng muôn ngàn chỗ các đức Phật trồng các căn lành, khi nghe chương cú ấy cho đến chỉ một niệm cũng liền sanh lòng tin trong sạch.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai biết rõ hết, thấy rõ hết các chúng sanh ấy được vô lượng phước đức. Bởi vì sao? Vì các chúng sanh ấy không còn ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, không có pháp tướng, mà cũng không đâu chẳng phải là pháp tướng. Bởi vì sao? Vì các chúng sanh ấy nếu “tâm chấp thủ tướng” tức là đã chấp vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu “chấp thủ pháp tướng” tức là đã chấp vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Vì sao vậy? Vì nếu “chấp thủ phi pháp tướng” thì là chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Do vậy không nên chấp lấy pháp, cũng không nên chấp lấy phi pháp. Vì nghĩa như vậy nên Như Lai thường nói các vị tỷ-kheo, phải biết là Ta thuyết pháp, ví như bè qua sông. Pháp còn phải bỏ, huống gì là phi pháp.

Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai có chứng đắc A nậu-đa-la Tam miểu Tam bồ-đề chăng? Như Lai có chỗ thuyết pháp chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Theo như chỗ con hiểu nghĩa Phật đã dạy, không có pháp nhất định nào được gọi là A nậu-đa-la Tam miểu Tam bồ-đề, mà cũng không có một pháp nhất định nào để Như Lai thuyết. Bởi vì sao? Vì chỗ thuyết pháp của Như Lai thảy đều không thể chấp lấy, không thể thuyết, chẳng phải là pháp, cũng chẳng phải là phi pháp. Sở dĩ vì sao? Vì tất cả Hiền Thánh đều do pháp vô vi nên mới có sự sai biệt.

Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Nếu như có người chất đầy 7 loại báu trong Tam thiên đại thiên thế giới, đem ra dùng để bố thí thì phước đức của người đó có nhiều chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Rất nhiều, thưa Thế Tôn. Bởi vì sao? Vì cái gọi là phước đức, tức vốn chẳng phải là tánh của phước đức, cho nên Như Lai mới nói là nhiều phước đức.

Phật nói:

- Lại nếu như có người theo trong kinh này mà thọ trì, nhẫn đến chỉ một bài kệ 4 câu, vì người khác mà thuyết giảng thì phước của người này hơn hẳn phước của người kia. Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ kinh này mà ra.

Này Tu-bồ-đề! Cái gọi là Phật và pháp, tức vốn chẳng phải là Phật và pháp.

Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Tu-đà-hoàn có thể nghĩ rằng ta đắc quả vị Tu-đà-hoàn chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Thưa Thế Tôn, không thể được. Bởi vì sao? Vì Tu-đà-hoàn gọi là Nhập Lưu mà không có chỗ nhập, không nhập vào sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp. Cho nên mới gọi là Tu-đà-hoàn.

Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Tư-đà-hàm có thể nghĩ rằng ta đắc quả vị Tư-đa-hàm chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Thưa Thế Tôn, không thể được. Bởi vì sao? Vì Tư-đà-hàm gọi là Nhất vãng lai, mà thật ra vốn không có vãng lai. Cho nên mới gọi là Tư-đà-hàm.

Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? A-na-hàm có thể nghĩ rằng ta đắc quả vị A-na-hàm chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Thưa Thế Tôn, không thể được. Bởi vì sao? Vì A-na-hàm gọi là Bất lai, mà thật ra chẳng có gì gọi là không có đến. Cho nên mới gọi là A-na-hàm.

Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? A-la-hán có thể nghĩ rằng ta đắc đạo quả A-la-hán chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Thưa Thế Tôn, không thể được. Bởi vì sao? Vì thật ra không có pháp gọi là A-la-hán. Thưa Thế Tôn! Nếu như A-la-hán nghĩ rằng ta đắc đạo quả A-la-hán, tức là chấp vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

Thưa Thế Tôn! Phật nói con đắc tam-muội Vô tránh là bậc nhất trong loài người, là bậc nhất trong bậc A-la-hán lìa dục. Thưa Thế Tôn! Con không nghĩ rằng mình là bậc A-la-hán lìa dục.

Thưa Thế Tôn! Nếu con nghĩ rằng mình đắc đạo quả A-la-hán thì Thế Tôn đã không có nói “Tu-bồ-đề là hành giả vui thích hạnh A-lan-na”. Vì thật ra Tu-bồ-đề con vốn không có chỗ hành, cho nên mới gọi Tu-bồ-đề là hành giả vui thích hạnh A-lan-na.

Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề:

- Ý ông thế nào? Xưa kia, Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, nơi pháp có chỗ đắc chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Thưa Thế Tôn, không có. Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, nơi pháp thật ra không có chỗ đắc.

Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Bồ tát có trang nghiêm cõi Phật chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Thưa Thế Tôn, không có. Bởi vì sao? Vì cái gọi là trang nghiêm cõi Phật, tức vốn chẳng phải là trang nghiêm, cho nên mới gọi là trang nghiêm.

Phật nói:

- Vì vậy này Tu-bồ-đề! Chư Bồ-tát ma-ha-tát, phải nên như vậy mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ vào sắc mà sanh tâm, không nên trụ vào thanh-hương- vị-xúc-pháp mà sanh tâm, phải nên ở nơi không có chỗ trụ mà sanh tâm ấy.

Này Tu-bồ-đề! Ví như có người, thân cao lớn như núi chúa Tu-di. Ý ông thế nào? Thân đó có lớn chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Thưa Thế Tôn, rất lớn. Bởi vì sao? Vì cái mà Phật nói vốn chẳng phải là thân, cho nên mới gọi là thân lớn.

Phật bảo:

- Này Tu-bồ-đề! Như số cát trong Sông Hằng, có số Sông Hằng lại nhiều như số cát đó. Ý ông thế nào? Số cát trong tất cả Sông Hằng đó có nhiều không?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Thưa Thế Tôn, rất nhiều. Vì chỉ riêng những Sông Hằng ấy đã nhiều vô số rồi, huống gì là số cát có trong những con Sông đó.

Phật nói:

- Này Tu-bồ-đề! Nay Ta nói thật cho ông biết là nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân, đem 7 loại báu nhiều như số cát của tất cả sông Hằng trong Tam thiên đại thiên thế giới mà bố thí thì có được phước đức nhiều chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Thưa Thế Tôn, rất nhiều. Phật bảo ngài Tu-bồ-đề:

- Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào ở trong kinh này, thậm chí dù chỉ thọ trì bài kệ 4 câu, đem nói cho người khác nghe thì phước đức của người này thù thắng hơn phước đức của người bố thí nói ở trước nhiều.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Chỗ nào tùy nghi thuyết giảng kinh này, thậm chí dù chỉ là bài kệ 4 câu thì phải biết chỗ này, tất cả thế gian, chư Thiên, người, A-tu-la đều phải nên cúng dường như tháp miếu thờ Phật.

Huống gì lại có người dốc lòng thọ trì đọc tụng. Này Tu-bồ-đề! Phải biết người này thành tựu pháp tối thượng bậc nhất hiếm có. Nếu như chỗ nào có kinh này tức là có Phật, và các đệ tử đáng kính của Phật.

Lúc đó, ngài Tu-bồ-đề thưa với Phật rằng:

- Thưa Thế Tôn! Kinh này nên đặt tên là gì? Chúng con phải phụng trì như thế nào?

Phật bảo ngài Tu-bồ-đề:

- Kinh này gọi là KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA- MẬT, theo tên gọi này, các ông phải nên phụng trì. Sở dĩ vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì cái mà Phật thuyết bát-nhã ba-la-mậ, tức vốn chẳng phải là bát-nhã ba-la-mật, cho nên mới gọi là bát-nhã ba-la-mật. Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai có chỗ thuyết pháp chăng?

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng:

- Thưa Thế Tôn! Như Lai không có chỗ thuyết pháp.

Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Số vi trần có trong Tam thiên đại thiên thế giới, có nhiều chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Thưa Thế Tôn, rất nhiều. Phật nói:

- Này Tu-bồ-đề! Các vi trần, Như Lai vốn nói chẳng phải là vi trần, cho nên mới gọi là vi trần. Cái mà Như Lai nói là thế giới, vốn chẳng phải là thế giới, cho nên mới gọi là thế giới. Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Có thể dùng 32 tướng để thấy Như Lai chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Thưa Thế Tôn, không thể được. Không thể dùng 32 tướng để thấy Như Lai. Bởi vì sao? Vì cái mà Như Lai nói là 32 tướng, tức vốn chẳng phải là tướng, cho nên mới gọi là 32 tướng.

Phật nói:

- Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân, dùng thân mạng nhiều như số cát trong Sông Hằng để bố thí. Nếu lại có người ở trong kinh này, cho đến chỉ thọ trì bài kệ 4 câu, vì người khác mà thuyết giảng thì phước đức của người này hơn hẳn phước đức của người kia rất nhiều.

Khi ấy, ngài Tu-bồ-đề nghe nói kinh này, hiểu sâu nghĩa thú, xúc động ràn rụa nước mắt mà thưa với Phật rằng:

- Hiếm có thay Thế Tôn! Phật nói kinh để thậm thâm như thế, từ khi con được Huệ nhãn đến nay, chưa từng được nghe kinh như vậy. Thưa Thế Tôn! Nếu lại có người được nghe kinh này, lòng tin thanh tịnh, tức là sanh thật tướng thì nên biết người này thành tựu công đức hiếm có bậc nhất. Thưa Thế Tôn! Thật tướng này tức vốn chẳng phải là tướng, cho nên Như Lai mới gọi là thật tướng.

Thưa Thế Tôn! Nay đây con được nghe kinh điển như vậy, tin hiểu thọ trì, vẫn không cho là khó. Nếu đời vị lai, 500 năm sau, có chúng sanh được nghe kinh này mà tin hiểu thọ trì thì người này hiếm có bậc nhất. Bởi vì sao? Vì người này không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng. Sở dĩ vì sao? Vì ngã tướng tức vốn chẳng phải là tướng; nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức vốn chẳng phải là tướng. Bởi vì sao? Vì lìa hết thải mọi tướng, tức gọi là chư Phật.

Phật bảo ngài Tu-bồ-đề:

- Đúng vậy, đúng vậy. Nếu lạu có người được nghe kinh này, không kinh ngạc, không sợ hãi thì nên biết người này rất là hiếm có. Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì cái mà Như Lai nói là đệ nhất ba-la-mật, tức vốn chẳng phải là đệ nhất ba-la-mật, cho nên mới gọi là đệ nhất ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Nhẫn nhục ba-la-mật, Như Lai nói vốn chẳng phải là nhẫn nhục ba-la-mật. Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì như xưa kia, Ta bị vua Ca-lợi chặt đứt thân thể lúc đó Ta không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng. Bởi vì sao? Vì khi xưa lúc Ta bị chặt đứt từng khúc, nếu có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì phải sanh tâm sân hận.

Này Tu-bồ-đề! Ta lại nhớ đến 500 đời quá khứ làm vị tiên Nhẫn Nhục. Vào những đời ấy, Ta không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng.

Cho nên này Tu-bồ-đề! Bồ-tát phải nên lìa hết thảy mọi tướng, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì không nên trụ vào sắc mà sanh tâm, không nên trụ vào thanh-hương-vị xúc-pháp mà sanh tâm, phải nên ở nơi không có chỗ trụ mà sanh tâm. Nếu tâm có trụ, tức chẳng phải là trụ. Cho nên Phật nói tâm của Bồ-tát không nên trụ vào sắc mà bố thí. Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát vì lợi ích cho tất cả chúng sanh thì phải nên bố thí như vậy.

Cái mà Như Lai nói là tất cả các tướng, tức vốn chẳng phải là tướng. Lại cái mà Như Lai nói là hết thảy mọi chúng sanh, tức vốn chẳng phải là chúng sanh. Này Tu-bồ-đề! Như Lai là bậc có lời nói chân chánh, lời nói thành thật, lời nói không hư dối, lời nói không gạt gẫm, lời nói không sai khác. Này Tu-bồ-đề! Chỗ đắc pháp của Như Lai, pháp này không thật không hư.

Này Tu-bồ-đề! Nếu tâm của Bồ-tát trụ vào pháp mà hành bố thí thì giống như vào chỗ tối tăm, tức không có chỗ thấy. Nếu tâm của Bồ-tát không trụ vào pháp mà hành bố thí thì như người có mắt, được mặt trời soi sáng, thấy đủ mọi thứ hình sắc.

Này Tu-bồ-đề! Đời sau này, nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân, có thể ở nơi kinh này mà thọ trì đọc tụng, tức là Như Lai dùng trí huệ của Phật để biết rõ người này, thấy rõ người này đều được thành tựu vô lượng vô biên công đức.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân, buổi sáng đem thân mạng nhiều như số cát Sông Hằng để bố thí, buổi trưa lại đem thân mạng nhiều như số cát Sông Hằng để bố thí, buổi tối cũng đem thân mạng nhiều như số cát Sông Hằng để bố thí, trong vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp như vậy đem thân mạng để bố thí. Nếu lại có người nghe kinh điển này mà lòng tin không trái nghịch thì phước ấy thù thắng hơn phước người dùng thân mạng bố thí kia, huống gì là biên chép, thọ trì, đọc tụng, vì người mà giải thuyết.

Này Tu-bồ-đề! Nói tóm lại, kinh này không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, vô biên công đức. Như Lai vì người phát tâm Đại thừa mà thuyết giảng, vì người phát tâm Tối thượng thừa mà thuyết giảng. Nếu có người có thể thọ trì đọc tụng, vì người khác mà thuyết giảng rộng khắp, thì Như Lai biết rõ người này, thấy rõ người này, đều được thành tựu công đức không thể đo lường, không thể cân đếm, không có bờ mé, không thể nghĩ bàn. Những người như vậy tức là gánh vác Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Như Lai.

Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì nếu người vui thích tiểu pháp chấp trước ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến thì ở nơi kinh này không thể nghe, thọ trì đọc tụng, vì người mà giải thuyết.

Này Tu-bồ-đề! Bất cứ nơi nào nếu có kinh này thì tất cả thế gian, chư Thiên, người, A-tu-la đều phải nên cúng dường. Phải nên biết nơi này tức là tháp thờ Phật đều phải cung kính, đi vòng quanh làm lễ đem các thứ hương hoa ra mà rải lên nơi ấy.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân thọ trì đọc tụng kinh này, mà lại bị người đời khinh rẻ thì nghiệp tội đời trước của người này nay đáng lẽ phải đọa vào đường ác, nhưng nhờ bị người đời khinh rẻ nên những nghiệp tội của đời trước lập tức tiêu diệt, sẽ đắc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Ta nhớ nghĩ trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp đời quá khứ ở trước thờ Phật Nhiên Đăng được gặp 804 ngàn vạn ức na-do-tha chư Phật, Ta đều đã cúng dường thừa sự không bỏ qua một vị nào. Nếu lại có người vào đời cuối sau này có thể thọ trì đọc tụng kinh này, thì chỗ họ được công đức so với công đức cúng dường chư Phật của Ta thì công đức của Ta không bằng một phần trăm, phần trăm ngàn vạn ức, cho đến dùng tốn số để ví dụ cũng không bằng được.

Này Tu-bồ-đề! Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân vào đời cuối sau này có thể thọ trì đọc tụng kinh này, thì chỗ họ được công đức nếu như Ta thuyết giảng ra đủ hết, hoặc có người nghe, tâm liền cuồng loạn, nghi ngờ không tin.

Này Tu-bồ-đề! Phải nên biết nghĩa lý của kinh này không thể nghĩ bàn, quả báo cũng không thể nghĩ bàn.

Khi ấy, ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng:

- Thưa Thế Tôn! Thiện nam tử thiện nữ nhân phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phải nên trụ tâm như thế nào? Hàng phục tâm ấy như thế nào?

Phật bảo ngài Tu-bồ-đề:

- Thiện nam tử thiện nữ nhân phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phải nên sanh tâm như vầy, là ta phải diệt độ hết thảy mọi chúng sanh, diệt độ hết thảy mọi chúng sanh xong, mà thật ra không có một chúng sanh nào được diệt độ cả. Bởi vì sao? Này Tu- bồ-đề! Vì nếu Bồ-tát có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì chẳng phải là Bồ-tát.

Sở dĩ vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì thật ra không có pháp phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng có pháp đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Thưa Thế Tôn, không có. Như con hiểu nghĩa của Phật thuyết giảng thì Phật ở chỗ Phật Nhiên Đăng không có pháp đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật nói:

- Đúng vậy, đúng vậy.

Này Tu-bồ-đề! Thật ra không có pháp cho Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ- đề! Nếu có pháp cho Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì Phật Nhiên Đăng tức không thọ ký cho Ta thế này “Ông ở đời sau sẽ được làm Phật, hiệu là Thích-ca Mâu-ni”. 

Vì vậy thật ra không có pháp đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho nên Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho Ta mà nói như vầy “Ông ở đời sau sẽ được làm Phật, hiệu là Thích-ca Mâu-ni”. Bởi vì sao? Vì Như Lai là nghĩa như của các pháp.

Nếu có người nói Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì này Tu-bồ-đề! Thật ra không có pháp để Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà Như Lai đắc, trong đó không thật không hư. Cho nên Như Lai nói tất cả các pháp đều là Phật pháp. Này Tu-bồ-đề! Nói tất cả các pháp, tức vốn chẳng phải là tất cả các pháp, cho nên mới gọi là tất cả các pháp.

Này Tu-bồ-đề! Ví như thân người to lớn… Ngài Tu-bồ-đề ngắt lời Phật nói:

- Thưa Thế Tôn! Cái mà Như Lai nói là thân người to lớn, tức vốn chẳng phải là thân lớn, cho nên mới gọi là thân lớn.

Phật nói:

- Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như vậy, nếu nói như vầy “Ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh” thì không gọi là Bồ-tát. Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì thật ra không có pháp gọi là Bồ-tát, cho nên Phật nói tất cả các pháp không có ngã, không có nhân, không có chúng sanh, không có thọ giả.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nói như vầy “Ta phải trang nghiêm cõi Phật” thì không gọi là Bồ-tát. Bởi vì sao? Vì cái mà Như Lai nói là trang nghiêm cõi Phật, tức vốn chẳng phải là trang nghiêm, cho nên mới gọi là trang nghiêm. Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát thông đạt pháp vô ngã thì Như Lai mới gọi là Bồ-tát chân thật.

Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai có nhục nhãn chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

Đúng vậy, thưa Thế Tôn. Như Lai có nhục nhãn. Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai có thiên nhãn chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

Đúng vậy, thưa Thế Tôn. Như Lai có thiên nhãn. Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai có Huệ nhãn chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

Đúng vậy, thưa Thế Tôn. Như Lai có Huệ nhãn. Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai có pháp nhãn chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

Đúng vậy, thưa Thế Tôn. Như Lai có pháp nhãn. Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai có Phật nhãn chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

Đúng vậy, thưa Thế Tôn. Như Lai có Phật nhãn. Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như trong Sông Hằng có cát, Phật nói đó có phải là cát chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

Đúng vậy, thưa Thế Tôn. Như Lai nói đó là cát. Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như trong một con Sông Hằng có bao nhiêu cát, lạ có số Sông Hằng cũng nhiều như vậy, lại có số thế giới của Phật nhiều như số cát trong tất cả những con Sông Hằng ấy, như vậy là nhiều chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

Thưa Thế Tôn, rất nhiều. Phật bảo ngài Tu-bồ-đề:

- Tất cả chúng sanh trong số cõi Phật nhiều như vậy, Nếu khởi tâm suy nghĩ thì Như Lai đều biết rõ. Bởi vì sao? Vì cái mà Như Lai nói là các tâm, vốn đâu chẳng phải là các tâm, cho nên mới gọi là tâm. Sở dĩ vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc.

Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Nếu như có người đem đầy 7 loại báu trong Tam thiên đại thiên thế giới, dùng để bố thí thì người đó nhờ nhân duyên này sẽ được phước rất nhiều đúng không?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Đúng vậy, thưa Thế Tôn. Người đó nhờ nhân duyên này sẽ được phước rất nhiều.

Phật nói:

- Này Tu-bồ-đề! Nếu như phước đức có thật thì Như Lai không nói được phước đức nhiều, vì phước đức không có thật nên Như Lai mới nói là được phước đức nhiều. Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Có thể lấy sắc thân đầy đủ mà thấy Phật chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Dạ không, thưa Thế Tôn. Không nên lấy sắc thân đầy đủ mà thấy Như Lai. Bởi vì sao? Vì cái mà Như Lai nói là sắc thân đầy đủ, tức vốn chẳng phải là sắc thân đầy đủ, cho nên mới gọi là sắc thân đầy đủ.

Phật hỏi:

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Có thể lấy các tướng đầy đủ mà thấy Như Lai chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Dạ không, thưa Thế Tôn. Không nên lấy các tướng đầy đủ mà thấy Như Lai, bởi vì sao? Vì cái mà Như Lai nói là các tướng đầy đủ, tức vốn chẳng phải là các tướng đầy đủ, cho nên mới gọi là các tướng đầy đủ.

Này Tu-bồ-đề! Ông chớ nói Như Lai có ý niệm này “Ta đã có thuyết pháp”, đừng nghĩ vậy! Bởi vì sao? Vì nếu người nào nói Như Lai có thuyết pháp, tức là phỉ báng Phật, không thể hiểu điều mà Ta đã nói vậy. Này Tu-bồ-đề! Thuyết pháp là không có pháp để thuyết, cho nên mới gọi là thuyết pháp.

Bấy giờ ngài Huệ Mạng Tu-bồ-đề bạch Phật rằng:

- Thưa Thế Tôn! Hết thảy chúng sanh ở đời vị lai nghe được pháp này, có sanh lòng tin chăng?

Phật nói:

- Này Tu-bồ-đề! Hết thảy chúng sanh ấy chẳng phải là chúng sanh, cũng chẳng phải không phải là chúng sanh. Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì cái mà chúng sanh cho là chúng sanh, Như Lai nói chẳng phải là chúng sanh, cho nên mới gọi là chúng sanh.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng:

- Thưa Thế Tôn! Phật đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là không có chỗ đắc chăng?

Phật nói:

- Đúng vậy, đúng vậy. Này Tu-bồ-đề! Ta ở chỗ quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến không có mảy may pháp nào để đắc cả cho nên mới gọi là đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp, cho nên mới gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì không có ngã, không có nhân, không có chúng sanh, không có thọ giả, tu tất cả các pháp thiện, tức là đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Cái gọi là pháp thiện, Như Lai nói tức vốn chẳng phải là pháp thiện, cho nên mới gọi là pháp thiện.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có người đem hết 7 loại báu chất đầy như các núi chúa Tu-di trong Tam thiên đại thiên thế giới dùng để bố thí, nếu lại có người dùng kinh Bát-nhã ba-la-mật này, thậm chí chỉ đem bài kệ 4 câu mà thọ trì đọc tụng, vì người khác giảng nói, thì phước đức của người trước không bằng một phần trăm, một phần trăm ngàn vạn ức, cho đến mọi tốn số thí dụ cũng không thể bì kịp phước đức của người chỉ thọ trì đọc tụng bài kệ 4 câu.

Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Các ông chớ nói Như Lai có nghĩ rằng Ta phải độ chúng sanh. Này Tu- bồ-đề, đừng nghĩ vậy! Bởi vì sao? Vì thật ra không có chúng sanh để Như Lai độ, nếu có chúng sanh để Như Lai độ thì Như Lai tức có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

Này Tu-bồ-đề! Cái mà Như Lai nói có ngã, tức vốn chẳng phải là ngã, mà phàm phu cho là có ngã. Này Tu-bồ-đề! Phàm phu ấy, Như Lai nói tức vốn chẳng phải là phàm phu, cho nên mới gọi là phàm phu.

Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Có thể lấy 32 tướng để quán Như Lai chăng?

Ngài Tu-bồ-đề nói:

- Đúng vậy, đúng vậy, có thể lấy 32 tướng để quán Như Lai.

Phật nói:

- Này Tu-bồ-đề! Nếu lấy 32 tướng để quán Như Lai thì Chuyển luân thánh vương tức là Như Lai rồi.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật nói:

- Thưa Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa của Phật nói thì không nên lấy 32 tướng để quán Như Lai.

Lúc đó, Thế Tôn nói bài kệ rằng:

Nếu lấy sắc thấy Ta

Lấy âm thanh cầu Ta

Người ấy đi khác đường

Không thể thấy Như Lai.

Này Tu-bồ-đề! Nếu ông nghĩ rằng Như Lai không tu đầy đủ các hạnh tướng thanh tịnh mà vẫn đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Đừng nghĩ Như Lai không tu đầy đủ các hạnh tướng thanh tịnh mà vẫn đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Nếu ông nghĩ như thế thì người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nói các pháp có tướng đoạn diệt sao? Đừng nghĩ vậy! Bởi vì sao? Vì người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nơi pháp không nói tướng đoạn diệt.

 

Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát đem 7 loại báu chất đầy khắp thế giới nhiều như số cát Sông Hằng để bố thí. Nếu lại có người biết tất cả các pháp đều vô ngã, được thành tựu pháp nhẫn, thì Bồ-tát này được công đức hơn Bồ-tát trước. Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì các Bồ tát này không thọ nhận phước đức.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng:

- Thưa Thế Tôn! Vì sao nói Bồ-tát không thọ nhận phước đức?

Phật nói:

- Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát làm việc phước đức thì không nên tham chấp, cho nên mới nói không thọ nhận phước đức.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có người nói Như Lai hoặc đến hoặc đi, hoặc ngồi hoặc nằm, thì người này không hiểu nghĩa của Ta nói. Bởi vì sao? Vì Như Lai không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, cho nên gọi là Như Lai.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân đem Tam thiên đại thiên thế giới nghiền nát ra thành vi trần, Ý ông thế nào? Các vi trần đó có nhiều chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Thưa Thế Tôn, rất nhiều. Bởi vì sao? Vì nếu các vi trần là thật có thì Phật tức không nói là các vi trần. Sở dĩ vì sao? Vì cái mà Phật gọi là các vi trần, tức vốn chẳng phải là các vi trần, cho nên mới gọi là các vi trần.

Thưa Thế Tôn! Cái mà Như Lai nói là tam thiên đại thiên thế giới, tức vốn chẳng phải là thế giới, cho nên mới gọi là thế giới. Bởi vì sao? Vì nếu thế giới có thật, tức là nhất hợp tướng. Cái mà Như Lai nói là nhất hợp tướng, tức vốn chẳng phải là nhất hợp tướng, cho nên mới gọi là nhất hợp tướng.

Phật nói:

- Này Tu-bồ-đề! Nhất hợp tướng thì không thể nói, chỉ vì người phàm phu tham chấp việc ấy. Này Tu-bồ- đề! Nếu có người nói “Phật nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến”, thì này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Người đó có hiểu nghĩa của Ta nói chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

- Dạ không, thưa Thế Tôn. Người đó không hiểu nghĩa của Như Lai nói. Bởi vì sao? Vì cái mà Thế Tôn nói là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến; tức vốn chẳng phải là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến; cho nên mới gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến.

Phật nói:

- Này Tu-bồ-đề! Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nơi tất cả các pháp, phải nên biết như vậy, thấy như vậy, tin hiểu như vậy mà không sanh pháp tướng. Này Tu-bồ-đề! Cái gọi là pháp tướng, Như Lai nói tức vốn chẳng phải là pháp tướng, cho nên mới gọi là pháp tướng.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có người đem 7 loại báu đầy khắp vô lượng a-tăng-kỳ thế giới dùng để bố thí. Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân phát tâm bồ-đề, trì tụng kinh này, thậm chí thọ trì đọc tụng chỉ một bài kệ 4 câu, vì người khác mà diễn nói, thì phước đức của người này hơn hẳn phước đức người kia. Thế nào là diễn nói cho người khác? Đó là không thủ chấp tướng, như như bất động. Bởi vì sao?

 

Tất cả pháp hữu vi

Như mộng, huyễn, bóng, bọt

Như sương mai, điện chớp

 Nên quán xét như vậy.

Phật nói kinh này xong, trưỡng lão Tu-bồ-đề cùng với các vị tỷ kheo, tỷ kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, tất cả thế gian, người, chư Thiên, A-tu-la nghe Phật nói đều rất vui mừng, tin tưởng lãnh thọ phụng hành.

 

LỜI TỰA KINH KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT CỦA LỤC TỔ

Kinh KIM CANG lấy vô tướng làm tông, vô trụ làm thể, diệu hữu làm dụng. Từ lúc Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa truyền trao ý chỉ của kinh này, đã làm cho nhiều người ngộ lý thấy tánh. Chỉ vì người đời không thấy tự tánh, cho nên mới lập ra pháp thấy tánh. Nếu người đời thấy rõ bản thể của chân như thì không cần giả lập pháp. Người đọc tụng kinh này vô số, mà người xưng tán cũng vô biên. Lại còn có hơn 800 nhà tạo sớ và chú giải, nói ra đạo lý theo chỗ thấy của mình, thấy hiểu tuy khác nhau mà giáo pháp thì không có hai. Những người thượng căn, đời trước từng gieo trồng căn lành, khi nghe rồi liền liễu ngộ. Nếu không có huệ đời trước, thì tuy đọc tụng nhiều mà không ngộ ý của Phật, cho nên mới giải thích nghĩa của bậc Thánh để đoạn trừ tâm nghi của người học. Nếu hiểu được ý chỉ của kinh này, không còn nghi hoặc, thì không cần giải thuyết.

Từ xưa Như Lai nói pháp thiện, là để diệt trừ tâm Bất thiện của phàm phu. Kinh là lời lẽ của Thánh nhân, dạy người nghe siêu phàm ngộ Thánh, mãi mãi dứt tâm mê. Một quyển kinh này, trong tánh chúng sanh vốn có, nhưng tự không thấy được, vì chỉ biết đọc tụng trên văn tự. Nếu ngộ bản tâm thì mới biết kinh này chẳng ở văn tự. Nếu có thể minh liễu được tự tánh thì mới tin tất cả chư Phật đều từ kinh này mà ra.

Nay e sợ người đời tìm Phật ngoài thân, cầu kinh bên ngoài mà không phát tâm bên trong, không trì kinh bên trong, cho nên mới tạo luận nghĩa kinh này và cắt đứt những nghi hoặc để những người học biết trì kinh trong tâm, hiểu rõ tự thấy tâm Phật thanh tịnh, vô biên vô lượng, không thể nghĩ bàn. Người học đời sau đọc kinh có nghi hoặc, xem được giải nghĩa này thì tâm nghi tự tiêu tan, không cần dụng tâm cắt đứt. Mong mọi người học đều thấy tánh vàng trong quặng, rồi lấy lửa trí huệ nung luyện, quặng hết mà còn lại vàng.

Đức bổn sư Thích-ca của chúng ta nói kinh KIM CANG tại nước Xá-vệ(1), nhân ngài Tu-bồ-đề thưa hỏi, Phật đại bi vì đại chúng mà nói. Ngài Tu-bồ-đề nghe pháp được ngộ, xin Phật đặt tên cho kinh để người đời sau y theo mà thọ trì. Cho nên kinh nói: “Phật bảo ngài Tu-bồ- đề rằng kinh này tên là KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA- MẬT, đây là tên gọi của kinh, các ông nên phụng trì”. Như Lai nói Kim cang bát-nhã ba-la-mật và theo pháp mà đặt tên cho kinh, nghĩa ấy là gì? Đó là kim cương là báu vật của thế gian, đặc tính của nó là rắn chắc, sắc bén, có thể cắt đứt mọi vật. Lại kim cương tuy rất cứng, nhưng sừng linh dương có thể hủy hoại nó. Kim cương dụ cho Phật tánh, sừng linh dương dụ cho Phiền não.

1. Nước Xá-vệ: Thật ra là đại thành Xá-vệ nhưng như Lục Tổ có giải thích trong phần đầu kinh này, có lúc gọi là nước Xá-vệ vì thành lớn có quy mô thịnh vượng và văn hóa đạo đức như một nước. Đại thành Xá-vệ (Sravasti) là một trong 6 đô thị lớn nhất ở Ấn Độ thờ Phật Thích-ca ra đời. Thành Xá-vệ là kinh đô nước Câu-tát-la (Kocala) nơi vua Ba-tư-nặc trị vì, cũng là nơi có vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, là nơi mà đắc Phật thường trụ để giáo hóa tín đồ và cứu độ chúng sanh. Thành Xá-vệ còn gọi là thành Thất-la-phiệt, hoặc Xá-bà-đề. Dịch ra nghĩa là Phong Đức, Háo Đạo, Văn Giả, Văn Phật.

 

Kim cương tuy cứng chắc, nhưng sừng linh dương vẫn có thể phá vỡ. Phật tánh tuy vững chắc, nhưng phiền não vẫn có thể não loạn. Phiền não tuy cứng chắc, nhưng trí bát-nhã vẫn có thể phá trừ, cũng như sừng linh dương tuy cứng chắc, nhưng sắt thép lại có thể cắt đứt. Ai ngộ lý này là hiểu rõ thấy tánh, kinh Niết-bàn nói: “Người thấy Phật tánh không gọi là chúng sanh, không thấy Phật tánh gọi là chúng sanh”.

Như Lai nói kim cương để ví dụ chỉ vì tánh của người đời không vững chắc, miệng tuy tụng kinh nhưng không phát ánh sáng; bên ngoài tụng, bên trong hành thì ánh sáng chiếu khắp. Bên trong không vững chắc thì định và huệ liền mất, miệng tụng tâm hành thì định và huệ bình đẳng, đây gọi là rốt ráo. Vàng ở trong núi, núi không biết là báu vật, báu vật cũng không biết là núi. Tại sao vậy? Vì vàng và núi đều không có tánh. Con người thì có tánh, biết lấy báu vật dùng. Nếu được gặp thợ vàng, đục phá núi đào bới, lấy quặng nung luyện mà thành vàng ròng, tùy ý sử dụng, thì tránh được nghèo khổ.

Phật tánh trong thân tứ đại cũng thế, thân dụ cho thế giới, nhân-ngã dụ cho núi, phiền não dụ cho quặng, Phật tánh dụ cho vàng, trí huệ dụ cho thợ thầy, tinh tấn dũng mãnh dụ cho đục phá. Trong thế giới của thân có núi nhân - ngã, trong núi nhân-ngã có quặng phiền não, trong quặng phiền não có báu Phật tánh, trong báu Phật tánh có thợ thầy trí huệ, dùng thợ thầy trí huệ để đục phá núi nhân - ngã, thấy quặng phiền não, lấy lửa giác ngộ nung luyện để thấy kim cang Phật tánh của mình và hiểu rõ minh tịnh. Cho nên lấy kim cương làm ví dụ, nhân đây mà đặt tên. Hiểu suông mà chẳng hành thì chỉ có tên gọi mà không có bản thể, hiểu nghĩa mà tu hành thì tên gọi và bản thể đều đầy đủ. Không tu là phàm phu, tu là đồng với trí của bậc Thánh, cho nên gọi là kim cương.

Sao gọi là bát-nhã? Bát-nhã là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là trí huệ, trí là chẳng khởi tâm ngu, huệ là có phương tiện thiện xảo. Huệ là thể của trí, trí là dụng của huệ. Thể nếu có huệ thì dụng trí chẳng ngu, thể nếu không có huệ thì dụng ngu không có trí. Chỉ vì ngu si chưa ngộ, cho nên tu trí huệ để dứt trừ.

Sao gọi là ba-la-mật? Tiếng Hoa là đến bờ bên kia, đến bờ bên kia là nghĩa của lìa sanh diệt. Chỉ vì tánh của người đời không vững chắc, ở trên tất cả các pháp có tướng sanh diệt, lang thang trong các nẻo mà chưa đến được đất chân như, nên đều ở bờ bên này. Phải có đủ đại trí huệ, ở nơi tất cả các pháp viên mãn, lìa tướng sanh diệt tức là đến bờ bên kia, cũng còn nói: “Tâm mê là bờ này, tâm ngộ là bờ kia. Tâm tà là bờ này, tâm chánh là bờ kia”. Miệng nói tâm hành tức từ pháp thân có ba-la-mật, miệng nói mà tâm chẳng hành tức không có ba-la-mật.

Sao gọi là kinh? Kinh là lối đi, đó là con đường thành Phật. Người phàm muốn đến con đường ấy thì bên trong phải tu hạnh bát-nhã, cho đến rốt ráo. Nếu như chỉ thường tụng thuyết mà tâm chẳng y theo tu hành, thì tự tâm không có kinh. Thực sự thấy, thực sự hành thì tự tâm có kinh, cho nên kinh này Như Lai gọi là kinh KIM CANG BÁT- NHÃ BA-LA-MẬT.

Đại sư Lục Tổ Huệ Năng ở Tào Khê soạn thuật. 

TIỂU SỬ THIỀN SƯ DÃ PHỤ ĐẠO XUYÊN

TIỂU SỬ THIỀN SƯ DÃ PHỤ ĐẠO XUYÊN

Thiền sư Dã Phụ Đạo Xuyên, gọi tắt là thiền sư Xuyên, họ Địch, người thời đó gọi là Địch Tam, người Côn Sơn (nay là huyện Chư Thành, tỉnh Sơn Đông). Khi chưa xuất gia, sư ở trong huyện làm lính bắt giặc cướp. Có một khoảng thời gian, nghe nói thủ tọa Khiêm ở Đông Trai đang ở trong một ngôi chùa lân cận thuyết pháp cho tăng-tục nghe, thế là sư thường hay bỏ ngang việc đến nghe giảng, lại còn kiên trì ngồi thiền không mỏi mệt.

Một hôm, Địch Tam nhân vì nghe pháp, mà bỏ quên luôn nhiệm vụ giao cấp của quan Thượng ty giao, quan Huyện lệnh xét thấy lỗi lơ là trong công việc, rồi đánh Tam một roi. Địch Tam bỗng ngay cây roi đại ngộ, thế là liền bỏ luôn công việc, nương theo thủ tọa Khiêm cạo tóc xuất gia. Thủ tọa Khiêm bèn đổi tên sư thành Đạo Xuyên, rồi bảo sư rằng:

- Tên cũ của ông là Địch Tam, nay tên là Đạo Xuyên, Xuyên (川) tức là Tam (三) vậy. Nếu ông có thể phấn chấn tinh thần, giải quyết được việc giải thoát sanh tử thì đạo pháp sẽ tăng mạnh như sông. Còn nếu buông bỏ thì y như cũ là Địch Tam. Sư đem lời dạy bảo của sư phụ khắc ghi trong lòng, càng tinh cần dụng công, không biết chán mệt. Đầu niên hiệu Kiến Viêm nhà Nam Tống (1127), sau khi sư thọ giới cụ túc xong, bắt đầu du phương tham học. Sư từng đến tham lễ qua thiền sư Thiên Phong Bàn Am, bàn luận với Bàn Am rất khế hợp, thiền sư Bàn Am càng khen ngợi sư. Sau khi hành cước, sư lại quay về Đông Trai, hai chúng tăng-tục đều rất mực cung kính sư. 

Đã từng có người trì kinh KIM CANG BÁT-NHÃ cầu xin sư chỉ dạy nghĩa lý của kinh, thế là sư liền làm kệ tụng nêu ra để khai diễn. Những bài kệ tụng này đến nay vẫn còn thịnh hành ở đời. Đầu niên hiệu Long Hưng nhà Nam Tống (1163), quan Điện soạn(1) Trịnh Công Kiều Niên không còn làm quan Tào vận ở Hoài Tây, đến vùng Dã Phụ(2) xây chùa, đón mời sư về khai pháp Tiếp dẫn đại chúng. Ngày lên pháp đường, sư dạy chúng bằng kệ tụng(3):

Mọi âm trừ sạch, một dương sanh

Cỏ cây vườn rừng đều nhú mầm

Chỉ có thiền tăng bát không đáy

Như cũ nhiều cơm lại nhiều canh.

Lại nêu công án:

- Một hôm Tuyết Phong lên tòa, giơ gậy nhìn sang bên Đông nói “Ở bên Đông”, rồi nhìn sang bên Tây nói “Ở bên Tây, mọi người có biết không?”, xong ném gậy xuống nói “Hãy hướng vào trong này mà lãnh hội đi!”.

1. 殿撰 (Điện soạn): Tên gọi khác của Trạng Nguyên, còn gọi là Tu soạn, Chưởng tu quốc sử

2. Nay là Đông Bắc huyện Lư Giang, tỉnh An Huy Trung Quốc.

3. 群陰剝盡一陽生 Quần âm bác tận nhất dương sanh

草木園林盡發萠 Thảo mộc Viên Lâm tận phát manh

唯有衲僧無底缽   Duy hữu nạp tăng vô để bát

 依前盛飯又盛羹 Y tiền thịnh phạn hựu thịnh canh.

 

Rồi sư làm bài tụng(1):

Bên Đông nhìn xong, lại nhìn Tây

Gậy gộc lớp lớp nói năm lạnh

 Mang mưa một cành hoa rụng sạch

Chẳng Phiền công tử dựa lan can.

1. 東邊覷了復西觀 Đông biên thứ liễu phục Tây quan

拄杖重重話歲寒 Trụ trượng trùng trùng thoại tuế hàn

帶雨一枝花落盡 Đái vũ nhất chi hoa lạc tận 

不煩公子倚闌干 Bất Phiền công tử ỷ lan can.

 

LỜI TỰA KINH KIM CANG CỦA XUYÊN LÃO CHÚ

Một bộ kinh này như Luận ngữ của Nho gia, ngôn từ có hạn, mà chân lý thì vô cùng. Từ khi Phật pháp đến Trung Hoa, tuy ban đầu đã truyền bá bộ kinh Đại bát- nhã đến 577 quyển (trong tổng số 600 quyển), nhưng nghĩa của văn kinh trải qua 6 đời pháp sư phiên dịch đến nay, ngay cả bản của ngài Cưu-ma La-thập đa phần trước sau chú giải nghị luận cũng bất nhất. Duy chỉ có thiền sư Tông Mật ở chùa Thảo Đường lại đáng được xem là sở đắc nhiều nhất. Hãy xem xét lời tựa của ngài với 117 chỗ mật thị đã làm sáng tỏ mọi sai biệt, từ đó đoạn cắt 27 chỗ nghi, thầm thông huyết mạch, cuối cùng lại có thiền sư Tuệ Triệt(1) thuyết giải tam không (2), khiến càng thơm nức trùm muôn hạnh.

1. Thiền tăng đời Ngũ Đại, nối pháp thiền sư Thạnh Môn Hiến Uẩn, tông Tào Động. Sư kế tiếp Hiến Uẩn trụ trì chùa Thạnh Môn ở Tương Châu (nay là huyện Tương Phàn, tỉnh Hồ Bắc) Trung Quốc.

2. 三空 (tam không): Căn cứ theo cái chúng sanh chấptrước mà chia “không” thành 3 loại:

1. Ngã không (cũng gọi là nhân không): Đối với pháp 5 uẩn cưỡng lập chủ tể, gọi là ngã chấp. Nếu suy tìm trong sắc-thọ-tưởng-hành-thức thì đều không có tự tánh, không thấy ngã thể, đây gọi là ngã không.

2. Pháp không: Đối với pháp 5 uẩn chấp là có thật, gọi là pháp chấp. Nếu suy tìm trong pháp 5 uẩn thì như huyễn như hóa, đều do nhân duyên sinh, không có tự tánh, đây gọi là pháp không.

3. Câu không: Ngã chấp và pháp chấp đã trừ, cái không của năng không cũng diệt, không và chấp đều mất, khế hợp bản tánh, đây gọi là câu không.

 

Nếu chẳng thấm sâu bát-nhã, thì chưa dễ đến được hội Kim cang này. Đầu tiên chính tướng Lưu Hầu cùng hóa duyên với Phạm Sư Vinh, mong được bản khắc chính này từ Kiều Am, rồi căn dặn ta viết lời tựa. Thế Tôn diễn nói kinh Bát-nhã gồm 4 chỗ 16 hội(1), Hội thứ 9 trả lời tôn giả Tu-bồ-đề ở Kỳ Viên, cũng là chỉnh sửa nhắc nhở những người thiện lành được thỏ rồi thì phải quên lưới, mà cả ngài Xuyên Lão cũng không tránh khỏi vẽ rắn thêm chân(2).

Ngày kiết chế(3) năm Kỷ Hợi,

nhằm niên hiệu Thuần Hi thứ 6 (1179)

Tây Ẩn Ngũ Giới (Huệ Tạng) Vô Tận ghi chép.

1. 四處十六會 (tứ xứ Thập lục hội): Thế Tôn diễn thuyết bát-nhã rất nhiều, như đây là mục đích chính trong giáo pháp của Ngài, phần lớn được tập hợp thành bộ kinh Đại bát-nhã, gồm 600 quyển, thuyết trong 16 hội tại 4 nơi. Bốn nơi là: 1- Núi Linh Thứu, 2- Vườn Cấp Cô Độc, 3- Thiên cung Tha Hóa Tự Tại, 4- Tịnh xá Trúc Lâm. Trong 16 hội thì có 9 hội là tân dịch của ngài Huyền Trang, các hội còn lại là trùng dịch. Kinh KIM CANG thuộc hội thứ 9.

2. 畫蛇添足 (họa xà thiêm túc): Theo Chiến Quốc Sách, có người nước Sở thi vẽ rắn, đã vẽ xong con rắn trước tiên, đáng được thưởng rượu, nhưng anh ta nhìn thấy những người chung quanh đều vẽ chưa xong, liền nổi hứng vẽ thêm mấy cái chân rắn. Vẽ chân rắn vừa xong, thì một thí sinh khác cũng vẽ vừa xong. Hai người cùng báo là đã vẽ rắn xong, nhưng bức vẽ của anh nước Sở bị loại, vì rắn làm gì có chân. Thành ngữ “Họa xà thiêm túc” là có ý nói người đa sự thêm thắt nhiều điều không có thật, khiến cho hư việc.

3. 結制 (kiết chế): Còn có các tên gọi khác là nhất hạ cửu tuần, cửu tuần cấm túc, kiết chế an cư v.v… Bắt đầu kiết chế an cư thì gọi là kiết hạ, khi kết thúc an cư là giải hạ. An nghĩa là làm cho thân-tâm ở trạng thái tĩnh chỉ, cư là định trú trong một thời gian nhất định. Trong thời gian 3 tháng mùa mưa ở Ấn Độ thì chư tăng không được đi hành hóa các nơi, hơn nữa do trong thời gian này các loại cây cỏ côn trùng phát sanh, nên để đừng sát thương các vật đó, hàng đệ tử Phật thường tập trung lại một nơi, cấm túc, đặt ra quy chế tọa thiền tu học.

 

Kinh KIM CANG khả thỉnh

Nếu có người nào thọ trì kinh KIM CANG, thì trước tiên phải chí tâm niệm Chân ngôn tịnh khẩu nghiệp, rồi sau mới khả thỉnh danh hiệu của Bát Kim cang(1) và Tứ Bồ-tát(2), ở đâu có kinh này là ở đó thường được Bát Kim cang và Tứ Bồ-tát ủng hộ.

Chân ngôn tịnh khẩu nghiệp

Tu rị tu rị, ma ha tu rị, tu tu rị tát bà ha.

Kệ khai kinh

Pháp vi diệu vô thượng thậm thâm

Trăm ngàn muôn kiến khó gặp được

Nay con thấy nghe được thọ trì

Nguyện giải nghĩ Như Lai chân thật.

Kinh KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT

Xuyên Lão ta nói “Pháp chẳng riêng khởi, làm sao đặt tên”

1. 八金剛 (Bát Kim cang): Tám vị thần Kim cang bảo vệ Phật pháp, có tên là: 1- Thanh Trừ Tai Kim cang. 2- Tích Độc Thần Kim cang. 3- Hoàng Tùy Cầu Kim cang. 4- Bạch Tịnh Thủy Kim cang. 5- Xích Thanh Hỏa Kim cang. 6- Định Trừ Tai Kim cang. 7- Tử Hiền Thần Kim cang. 8- Đại Thần Lực Kim cang.

2. 四菩薩 (Tứ Bồ-tát): 1- Kim Cang Quyến Bồ-tát, 2- Kim Cang Tác Bồ-tát. 3- Kim Cang Ái Bồ-tát. 4- Kim Cang Ngữ Bồ-tát.

 

Tụng rằng:

Ma-ha Đại pháp vương

Không ngắn cũng không dài

Xưa nay không đen trắng

Tùy chỗ hiện xanh vàng

Hoa nở sớm diễm lệ

Rừng tàn theo chiều sương

Sấm chớp chưa mau bằng

Điện lóe chẳng sáng ngang

Cửu Thánh(1) còn khó lường

Long Thiên(2) há nghĩ suy?

Xưa nay người chẳng biết

Tạm đặt tên Kim Cương.

(Bản chú thuật của ngài Xuyên Lão cũng tụng theo bản chú thuật của Lục Tổ).

Tân chú: Đề kinh này cũng song hành 2 pháp dụ(3), gọi thật tướng là thể, vô trụ là tông, đoạn nghi là dụng, Đại thừa là giáo tướng.

1. Cửu Thánh là tiên nhân trong truyền thuyết của Trung Quốc, chỉ Phục Hi (1), Thần Nông (2), Hoàng Đế (3), Nghiêu (4), Thuấn (5), Vũ(6), Văn Vương (7), Chu Công (8), Khổng Tử (9).

2. Chỉ cho Long chúng và Thiên chúng trong 8 bộ chúng, là những vị thiện thần hộ trì Phật pháp.

3. 雙喻法 (song dụ pháp): Hai ví dụ về pháp, đó là Kim cang dụ và ba-la-mật dụ.

 

Thứ nhất, giải thích tên gọi của pháp dụ là kim cang dụ. Pháp bát-nhã dụ như ngọc kim cương bền chắc, rất cứng, rất bén, có thể cắt đứt muôn vật. Cũng như kinh này có thể đoạn nghi và phá trừ chấp thủ của chúng sanh, lấy đây làm ví dụ. Cho nên trong 16 phần của bộ kinh Đại phẩm bát-nhã(1), lấy kinh này gọi là phần “Năng đoạn”(2). Ba-la-mật là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa có nghĩa là đến bờ kia. Chúng sanh ở trong biển sanh tử không có cùng tận, cho nên cần phải tu pháp bát-nhã này mà đến bờ niết-bàn kia. Vì Bồ-tát Đại thừa liễu đạt sanh tử tức niết-bàn, thì chẳng phải độ mà độ chẳng phải đến mà đến. Kinh là pháp chỉ dạy, thường luôn chỉ dạy, âm tiếng Phạn là tu-đa- la, tiếng Hoa dịch là khế kinh(3), nghĩa là khế lý(4) khế cơ(5).

1. 大品般若經 (Đại phẩm bát-nhã kinh): Tức kinh Đại bát-nhã ba-la-mật-đa gồm 600 quyển, do ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường. Trước ngài, đã có một số bản kinh Bát-nhã Hán dịch, nhưng chưa có bản nào hoàn bị, nên ngài Huyền Trang mới nhóm họp tăng chúng tại cung Ngọc Hoa để dịch lại bộ kinh này từ năm 660 đến năm 663. Tôn chỉ toàn bộ kinh thuyết minh rằng tất cả các pháp đều do nhân duyên hòa hợp, giả dối không thật. Phải nhận thức được chân tướng của các pháp bằng trí huệ bát-nhã mới có thể nắm bắt được chân lý tuyệt đối, đạt đến cảnh giới giác ngộ giải thoát.

2. 能斷 (năng đoạn): Ngài Huyền Trang dịch kinh KIM CANG với tựa đề NĂNG ĐOẠN KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA KINH.

3. 契經 (khế kinh): Kinh điển, ghi lại những lời dạy của Phật Thích-ca Mâu- ni hoặc các bậc Thánh đã chứng ngộ. Một trong 12 thể loại của kinh tạng Phật giáo.

4. 契理 (khế lý): Khế hợp với đạo lý, chân lý.

5. 契理 (khế cô): Khế hợp với căn cơ, trình độ

 

Thứ hai, biện luận thể của thật tướng tức lý của nhất thật tướng. Kinh nói: “Nếu người nào được nghe kinh này, tức sanh thật tướng”.

Thứ ba, làm sáng tỏ vô trụ là tông, tông là cốt yếu. Kinh nói: “Phải nên ở nơi không có chỗ trụ? Vì trong kinh phần nhiều lấy vô trụ phá chấp, cho nên lấy vô trụ làm tông.

Thứ tư, luận về đoạn nghi là dụng, nghĩa là do lực dụng của kinh có thể đoạn vọng chấp, cho nên lấy đoạn nghi làm dụng.

Thứ năm, phán định Đại thừa là giáo tướng, kinh nói: “Vì người Tối thượng thừa mà nói”, cho nên lấy Đại thừa làm giáo tướng. Kinh này do Tam tạng pháp sư Cưu-ma La-thập đời Diêu Tần dịch, chia thành 32 phần tương truyền do thái tử Chiêu Minh đời Lương lập, chứ bản dịch hoàn toàn không có. Lại khác với những bản luận chia khoa phân Tiết làm nát ý kinh, nay không theo đó. Nay chú giải một bản kệ luận của Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Thiên Thân, để nắm lấy ý kinh mà cũng không nắm hết được. Cho nên dùng lời giải khác, lấy lời giải khác thì càng khó cho người mới bắt đầu học.

Kinh KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT do

Tam tạng pháp sư Cưu-ma La-thập

đời Diêu Tần phụng chiếu dịch 

KINH KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT QUYỂN THƯỢNG

 KINH KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT QUYỂN THƯỢNG

Sa-môn Cưu-ma La-thập nước Hậu Tần thời Vũ Đế

 nhà Đông Tấn phụng chiếu dịch

Thái tử Chiêu Minh đời Lương trân trọng phân mục

Lục Tổ thiền sư Đại Giám Chân Không Phổ Giác đời Đường giải nghĩa

 

Phần thứ 1 NHÂN DO CỦA PHÁP HỘI

Tụ hội thuyết pháp 說法聚會

Do đây có nhân. 由此起因

Xuyên Lão chú: Cư sĩ Vô Tận là thừa tướng Trương Thương Anh(1) nói “Nếu chẳng phải pháp thì chẳng thể luận về ‘không ’, nếu chẳng phải hội thì không thể thuyết pháp. Muôn pháp trùng trùng gọi là nhân, nhất tâm tương ưng gọi là do”. Cho nên đầu tiên được lấy làm phần Nhân do của pháp hội.

Kinh: Như vầy tôi nghe.

Lục Tổ giải: Như là chỉ nghĩa, vầy là lời xác định. Ngài A-nan tự nói “Pháp như vầy là tôi nghe từ đức Phật”, rõ ràng không phải ngài tự nói, cho nên mới nói Như vầy tôi nghe. Lại tôi là tánh, tánh là tôi, động tác trong ngoài đều từ nơi tánh. Vì tất cả đều nghe, cho nên mới gọi là tôi nghe.

Xuyên Lão chú: Người xưa gọi là như như là đã biến đổi rồi. Hãy nói coi, biến đổi đi về đâu? Ối, không được chạy loạn. Rốt cuộc làm sao nói lửa không từng đốt cháy miệng.

1. 張商英 [Trương Thương Anh (1043-1121)]: Xuất thân Tân Tân, Thục Châu (Sùng Khánh, Tứ Xuyên) nhà Bắc Tống, tự Thiên Giác, hiệu Vô Tận cư sĩ. Hồi nhỏ ông đã có nhuệ khí, mỗi ngày tụng vạn biến kinh. Sau ông đến tham lễ thiền sư Thường Thông ở chùa Đông Lâm và được ấn khả, ông cũng theo học với thiền sư Tùng Duyệt ở chùa Đâu Suất. Trước tác của ông có Hộ pháp luận 1 quyển.

 

Tụng rằng:

Như Đêm lặng trời xa, trăng lẻ loi

Vầy Nước chẳng lìa sóng, sóng là nước

Gương, nước lúc chưa vương gió bụi

Ứng hiện trong ngần soi đất trời.

Nhìn xem!

Tôi là rỗng lặng thanh tịnh, không có chỗ để nắm bắt.

Tụng rằng:

Tôi Nhận được rõ ràng thành một cặp

Chẳng động mảy may, hợp bổn nhiên

Tri âm tự có tùng với gió.

Nghe  là kỵ nhất nghe xuôi theo nó.

Tụng rằng(1):

Vượn hú trên núi, hạc kêu giữa rừng

Tan mây gió cuốn, nước vọt chảy tràn

Thương tiếc thu tàn giữa đêm sương

Một tiếng nhạn kêu biết trời hàn.

1. 猿啼嶺上鶴唳林間 Viên đề Lĩnh thượng hạc lệ lâm gian

斷雲風捲水激長湍 Đoạn vân phong quyển thủy kích trường thoan

最愛晚秋霜午夜 Tối ái vãn thu sương ngọ dạ

一聲新鴈覺天寒 Nhất thanh Tân nhạn giác thiên hàn.

 

Kinh: Một thời, Phật ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc tại nước Xá-vệ

Lục Tổ giải: Nói một thời là lúc thầy trò cùng tụ hội gặp nhau, Phật là chủ thuyết pháp, ở (tại) là muốn nói rõ nơi chốn. Nước Xá-vệ là đất nước hoặc kinh đô của vua Ba-tư-nặc trị vì, Kỳ là tên của thái tử, Thọ là vườn cây của thái tử Kỳ đà thí cúng, cho nên gọi là Kỳ Thọ. Cấp Cô Độc là tên gọi khác của trưởng giả Tu-đạt, vườn là vốn của Tu-đạt, cho nên nói vườn Cấp Cô Độc. Phật là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là giác, nghĩa của giác có hai: Một là ngoại giác, bên ngoài quán các pháp đều “không” Hai là nội giác, bên trong mọi tâm đều rỗng lặng, không bị lục trần nhiễm ô. Bên ngoài không thấy lỗi lầm của người, bên trong không bị tà mê làm lầm loạn, cho nên gọi là giác. Giác tức là Phật.

Xuyên Lão chú: Một là theo nhau đến.

Tụng rằng:

Một Phá hai thành ba từ đây xuất

Càn khôn hỗn độn trước chưa phân

Thế nên một đời tham học tất.

Xuyên Lão chú: Thời là như cá uống nước, nóng lạnh tự biết.

 

Tụng rằng:

Thời Gió mát trăng sáng cùng theo nhau

Đào đỏ, mận trắng, tường vi tím

Hỏi đến chúa xuân tự chẳng hay.

Xuyên Lão chú: Phật là gã không có mặt mũi mà lại nói thị phi.

Tụng rằng:

Nhỏ tên Tất-đất, lớn hiệu Thích-ca

 Độ người vô số nhiếp phục quần tà

Nếu nói hắn là Phật

Chính mình lại thành ma

Chỉ đem một cây sáo không lỗ(1)

 Thổi anh nghe ca khúc thái bình.

Ở (tại) là khách đến phải coi xem, không được bỏ qua, theo sau liền đánh.

1. Thiền tông mượn từ này để chỉ cho cảnh giới chứng ngộ không thể nào dùng tâm suy nghĩ ra hoặc dùng lời nói để biểu đạt cảnh giới này được; giống như không có cách nào thổi ống sáo không lỗ cho nó kêu được.

 

Tụng rằng:

Độc tọa một lò hương

Kim văn tụng đôi hàng

Đáng thương xe, ngựa, khách

Ngoài cửa mặc rộn ràng.

Kinh: Cùng với chúng đại tỷ kheo 1.250 vị

Lục Tổ giải: Nói với là vì Phật với các vị tỷ-kheo đều trụ trong đạo tràng Kim cang bát-nhã vô tướng, cho nên mới nói là “với”. Đại tỷ-kheo là đại A-la-hán, tỷ-kheo là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là năng phá lục tặc, cho nên gọi là tỷ-kheo. Chúng là nhiều, 1.250 vị là con số, cùng là đồng ở pháp hội bình đẳng.

Xuyên Lão chú: Một tay chẳng thành tiếng vỗ.

Tụng rằng(1):

Cao lớn nghiêm trang

Vua trong vạn pháp

Ba hai tướng hảo

1. 巍巍堂堂 Nguy nguy đường đường

萬法中王 Vạn pháp trung vương

三十二相 Tam Thập nhị tướng

百千種光 Bách thiên chủng quang

聖凡瞻仰 Thánh phàm chiêm ngưỡng

外道歸降 Ngoại đạo quy hàng

 莫謂慈容難得見 Mạc vị từ dung nan đắc kiến

 不離祗園大道場 Bất ly Kỳ Viên đại đạo tràng.

 

Trăm ngàn hào quang

Thánh, phàm chiêm ngưỡng

Ngoại đạo quy hàng

Chớ nói từ dung khó được thấy

Kỳ Viên ngày ấy chẳng lìa xa.

Như vầy là chỉ một bộ kinh được nghe khi truyền đạt pháp thể, tôi nghe là ngài A-nan nói “Pháp như vậy, tôi được nghe từ Phật”. Một thời là lúc Như Lai thuyết pháp, ứng cơ mà hòa hợp. Phật là giác, là vị giáo chủ thật tôn quý, cho nên được gọi là Phật. Xá-vệ là tên nước (hoặc đại thành), tiếng Hoa là Phong Đức(1). Vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc là nơi do thái tử Kỳ đà hùn thí cây trồng, trưởng giả Cấp Cô Độc mua lại đất vườn, cả hai cùng xây tịnh xá mời Phật về ở, đây là chỗ thuyết pháp. Cùng với chúng tăng đại tỷ-kheo nghe pháp. Tỷ-kheo là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là khất sĩ, trên xin pháp để nuôi huệ mạng, dưới xin ăn để nuôi sắc thân. Lại vì bẻ gãy lọng kiêu mạn của mình để sanh phước đức mà 1.250 vị đều là những đệ tử này, hễ Phật thuyết pháp ở đâu các đệ tử đều theo thị phụng.

Những việc như vậy nêu trên gồm 6 sự kiện thường ở đầu các kinh gọi là phần Thông tự(2). Lúc Như Lai sắp diệt độ, ngài A-nan hỏi Phật “Trước tất cả các kinh phải nên đặt câu gì?”, Phật đáp “Phải nên đặt câu Như vầy tôi nghe, chẳng những pháp của Ta như vậy, mà chư Phật ba đời cũng đều như vậy”.

1. 豐德 (Phong Đức): Đức hạnh tràn đầy. Hơn nữa, thành này vốn xuất phát nhiều danh nhân, nhiều sản vật nổi tiếng, nên còn có tên là Văn Vật quốc (聞物國). Lục Tổ có giải thích Xá-vệ thật ra là một đại thành, nhưng do có quy mô phong đức to lớn nên có lúc cũng gọi là nước.

Mở đầu các kinh có 2 loại lời tựa là Thông tự và Biệt tự. Thông tự hoặc chia làm 5 đoạn, hoặc 6 hay 7 đoạn. Nếu là 6 đoạn thì có 6 sự kiện bắt đầu (lục sự quán) hay 6 thành tựu (lục thành tựu): 1- Lấy 2 chữ “Như vầy” làm Tín thành tựu, biểu thị sự tín thuận của ngài A-nan. 2- Lấy 2 chữ “tôi nghe” làm văn thành tựu, xác định chính mình được nghe. 3- Lấy 2 chữ “Một thời” làm Thời thành tựu, để chỉ thời gian thuyết kinh. 4- Lấy một chữ “Phật” làm Chủ thành tựu, chỉ rõ vị chủ thuyết pháp. 5- Lấy các chữ “ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc tại nước Xá-vệ” làm Xứ thành tựu, chỉ rõ nơi thuyết pháp. 6- Lấy các chữ “cùng với chúng đại tỷ-kheo” làm Chúng thành tựu, chỉ rõ những đại chúng cùng nghe kinh. Chia ra 6 sự này là để chứng minh kinh này chẳng phải hư truyền, bịa đặt. Đó là giáo khởi chánh tông.

 

Kinh Bấy giờ đến giờ ăn, Thế Tôn đắp y, ôm bát, vào thành lớn Xá-vệ khất thực ở trong thành ấy.

Lục Tổ giải: Bấy giờ là ngay lúc này, ngay hôm nay, đến giờ ăn là muốn đi; đắp y, ôm bát là hiển thị giáo pháp chư Phật để lại; vào là từ ngoài thành đi vào, thành lớn Xá-vệ có lúc gọi là nước Xá-vệ, vì thành lớn có quy mô thịnh vượng và văn hóa đạo đức như một nước(1), tức thành của vua Ba-tư-nặc ở, cho nên mới nói là thành lớn Xá-vệ. Nói khất thực là biểu thị Như Lai thường hạ tâm với tất cả chúng sanh.

Kinh Thứ lớp xin xong, trở về chỗ cũ(2). Ăn uống rồi, dọn y-bát, rửa chân, trải tọa cụ mà ngồi.

Lục Tổ giải: Thứ lớp là chẳng chọn giàu nghèo, bình đẳng hóa độ; xin xong là theo lệ nếu xin nhiều thì xin không quá 7 nhà, xin 7 nhà là đủ không đến nhà khác nữa; trở về chỗ cũ là ý Phật ngăn cấm các tỷ-kheo không được đến nhà của người tại gia, trừ khi được mời gọi, cho nên mới nói thế; rửa chân là Như Lai thị hiện thuận theo phàm phu, cho nên mới nói rửa chân. Lại pháp Đại thừa không những cho việc rửa chân tay là tịnh, mà còn nói rửa chân tay cũng chẳng bằng tịnh tâm, một niệm tâm tịnh thì tội cấu đều dứt trừ.

Lúc Như Lai muốn nói pháp, thường theo đó lập bày đàn tòa, cho nên mới nói trải tọa cụ mà ngồi.

1. Nơi đây khi đi vào đời sống hiện thực hằng ngày, như ôm bát khất thực, kinh mới định danh lại xác thực là Thành lớn Xá-vệ. Còn phần đầu dẫn nhập thì gọi là Nước Xá-vệ hàm ý trân trọng và khen ngợi phong đức của thành. Ý kinh thật tinh tế, thể hiện trong từng chữ.

2. Đây là trở về tịnh xá Kỳ Viên (vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc).

 

Xuyên Lão chú: Tỉnh táo hẳn.

Tụng rằng:

Ăn cơm xong chừ rửa chân rồi

Ai cùng theo trải tọa cụ ngồi?

Văn dài phía dưới biết hay không?

Hãy nhìn xem đất bằng dậy sóng!

Đây là phần phát khởi khác lạ, cũng gọi là mở đầu phần Tựa, lấy việc xin ăn để bắt đầu. Vì Phật muốn nói không trụ tướng bố thí, cho nên biểu thị trước như thế. Đương nhiên Phật lấy pháp hỷ và thiền duyệt(1) làm thức ăn, mà đi xin chỉ là thị hiện hòa đồng với phàm tăng vậy.

Bấy giờ là ngay lúc đó, đến giờ ăn tức giờ Thìn (7-9 giờ sáng), Thế Tôn là một trong 10 danh hiệu mà thế gian tôn xưng, đắp y là mặc y tăng-già-lê, ôm bát là tỷ kheo ôm bát bằng sắt đựng đủ một khẩu phần ăn (ứng lượng khí). Thứ lớp xin là tâm Phật bình đẳng không chọn giàu nghèo, trở về chỗ cũ là vườn Cấp Cô Độc, rửa chân là bên Thiên Trúc lúc ăn để chân trần, ăn uống rồi, rửa chân, trải tọa cụ mà ngồi là trải tọa cụ ngồi kiết-già.

1. 法喜禪悅 (pháp hỷ thiền duyệt): Niềm vui an lạc và thân-tâm nhẹ nhàng tự tại, do tu tập đạo pháp mà được. Hai trạng thái này giúp trưởng dưỡng thân thể, tư ích huệ mạng, như món ăn của bậc Thánh Hiền. Do đó còn gọi là pháp hỷ thực, thiền duyệt thực.

 

Phần thứ 2 NGÀI TU-BỒ-ĐỀ ĐỨNG LÊN XIN GIẢI BÀY

Trưởng lão Thiện Hiện 善現長老

Thưa thỉnh Phật dạy.   啟請佛訓

Xuyên Lão chú: Từ không? khởi huệ, thỉnh-đáp đều sáng tỏ. Cho nên được lấy làm phần Ngài Tu-bồ-đề đứng lên xin giải bày.

Kinh: Bấy giờ trưởng lão Tu-bồ-đề.

Lục Tổ giải: Sao gọi là trưởng lão? Vì đức trọng, tuổi cao, cho nên gọi là trưởng lão. Tu-bồ-đề là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là Giải Không (hoặc Thiện Hiện).

Kinh: ở trong đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính mà thưa với Phật.

Lục Tổ giải: Vì theo chúng ngồi, cho nên mới nói liền từ chỗ ngồi đứng dậy. Đệ tử cầu xin chỉ dạy thì trước tiên phải làm theo 5 điều.

Một là từ chỗ ngồi đứng dậy.

Hai là chỉnh sửa y phục ngay ngắn.

Ba là để trần vai phải, quỳ gối phải xuống đất.

Bốn là chắp tay chiêm ngưỡng tôn nhan, mắt không tạm rời.

Năm là nhất tâm cung kính, nghiêng mình hỏi cầu.

Kinh: Hy hữu thay thưa Thế Tôn!

Lục Tổ giải: Hy hữu nói tóm lại có 3 nghĩa.

 

Thứ nhất hy hữu là năng xả ngôi vị Kim luân vương (tức Chuyển luân thánh vương(1)).

Thứ hai hy hữu là thân cao một trượng sáu thước (hóa thân Phật, chiều cao khoảng gấp đôi người thường), dung mạo vàng ròng đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, ba cõi không sánh được.

Thứ ba hy hữu là tánh năng ngậm nhả 84 ngàn pháp môn, ba thân viên mãn. Vì gồm đủ 3 nghĩa trên, cho nên mới nói là hy hữu. Thế Tôn là trí huệ vượt khỏi ba cõi, không có ai bằng được, đức cao không có ai hơn, tất cả đều cung kính, cho nên gọi là Thế Tôn.

Kinh: Như Lai khéo hộ niệm cho chư Bồ-tát, khéo phó chúc cho chư Bồ-tát.

1. 轉輪聖王 (Chuyển luân thánh vương): Cũng gọi là Chuyển luân vương, Chuyển luân thánh đế, Phi hành hoàng đế. Nghĩa là ông vua quay chuyển bánh xe báu (tương đương với chiến xa). Vua có 7 thứ quý báu (bánh xe, voi, ngựa, ngọc, nữ, cư sĩ, bề tôi chủ binh), đầy đủ bốn đức (sống lâu, không đau ốm, dung mạo hồng hào, kho báu phong phú), thống nhất 4 Châu Tu- di, dùng chánh pháp trị trời, đất nước giàu có, nhân dân hòa vui. Thuyết Chuyển luân thánh vương xuất hiện và thịnh hành ở thời đại đức Thích Tôn, trong các kinh-luận, có rất nhiều chỗ đem đức Phật so sánh với vị vua này.

 

Lục Tổ giải: Hộ niệm là Như Lai lấy pháp bát-nhã ba- la-mật, hộ niệm chư Bồ-tát; phó chúc là Như Lai lấy pháp bát-nhã ba-la-mật, phó chúc cho ngài Tu-bồ-đề và chư đại Bồ-tát. Nói khéo hộ niệm là khiến cho những người học lấy trí bát-nhã hộ niệm thân-tâm của mình, không để cho vọng khởi yêu ghét, nhiễm 6 trần bên ngoài, rơi vào biển khổ sanh tử, ở trong tự tâm, niệm niệm thường chánh, không cho tà khởi, tự tánh Như Lai tự khéo hộ niệm. Nói khéo phó chúc là niệm trước thanh tịnh, niệm sau dặn dò, niệm sau thanh tịnh, không có gián đọan, rốt ráo giải thoát. Như Lai uyển chuyển tùy thuận dạy bảo chúng sanh và đại chúng trong pháp hội phải luôn hành theo đây, cho nên mới nói là khéo phó chúc. Bồ-tát là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là chúng sanh có đạo tâm, cũng gọi là hữu tình giác ngộ. Đạo tâm là thường hành cung kính, cho đến loài hàm linh sâu bọ cũng đều kính ái, không có tâm khinh mạn, cho nên gọi là Bồ-tát.

Xuyên Lão chú: Như Lai không nói lời nào, ngài Tu- bồ-đề vui thích khen ngợi Phật là bậc thù thắng thấy suốt Nguyên lý vũ trụ và thật tướng của tất cả mọi hiện tượng. Thử mở con mắt pháp ra nhìn xem!

Tụng rằng:

Cách tường thấy sừng liền biết là trâu

Cách núi thấy khói liền biết là lửa

Ngồi riêng cao lớn trên trời dưới trời

Nam Bắc Đông Tây dùi rùa đập ngói(1).

Ối!

1. Thành ngữ “Dùi rùa đập ngói” chỉ cho việc làm tốn công vô ích.

 

Trưởng lão Tu-bồ-đề là tên của người phát khởi bộ kinh này, trưởng lão là bậc đức cao tuổi trọng. Tu-bồ-đề là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là Không Sinh, Thiện Hiện. Từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật, cung kính là nghĩa cung kính thỉnh pháp. Hy hữu là từ khen Phật, khéo hộ niệm là vì hộ niệm căn cở thuần thục và sức trí huệ của Bồ-tát hiện tại. Để cho họ đều chín muồi, Phật dùng lực tu hành và giáo hóa của mình khiến cho họ quan tâm nhiếp thụ chúng sanh. Khéo phó chúc là vì phó chúc cho hàng Bồ-tát ở đời vị lai mà hiện căn cơ chưa chín muồi, đã được pháp Đại thừa, khiến họ không bỏ những người chưa được Đạii thừa, khiến họ tiến đến quả vị rốt ráo. Hộ niệm và phó chúc là việc hiếm có, đức của Phật lớn mà chúng sanh nhiều vô số, mặc dù chú ý vào bát-nhã độ sanh, nhưng vì phải đợi thỉnh hỏi, cho nên ngài Tu-bồ-đề nhìn hiện tướng Phật là biết ý, đầuu tiên liền khen ngợi rằng hiếm có, rồi sau mới thỉnh hỏi.

Kinh: Thưa Thế Tôn! Những thiện nam tử, thiện nữ nhân. 

Lục Tổ giải: Thiện nam tử là người nam có tâm bình thản, cũng là tâm chánh định, năng thành tựu tất cả mọi công đức, thường luôn vô ngại; thiện nữ nhân là người nữ có tâm chánh huệ, do tâm chánh huệ mà năng xuất sanh tất cả mọi công việc hữu vi và vô vi.

Kinh: phát tâm A nậu-đa-la Tam miểu Tam bồ-đề, nên trụ tâm như thế nào? Hàng phục tâm ấy ra sao?

Lục Tổ giải: Ngài Tu-bồ-đề hỏi hết thảy những người phát tâm bồ-đề phải nên trụ tâm ở đâu? Làm sao hàng phục được tâm mình? 

Ngài Tu-bồ-đề thấy tất cả chúng sanh nhiễu động chẳng ngưng, giống như những mary bụi lởn vởn liên tục mà mắt thường có thể thấy được khi ánh sáng mặt trời xuyên qua các kẽ hở. Tâm dao động dấy khởi như gió lốc thổi, niệm niệm liên tục, không có ngưng nghỉ, cho nên ngài mới hỏi Phật rằng muốn tu hành thì phải hàng phục tâm thế nào.

Xuyên Lão chú: Câu hỏi này từ đâu ra?

Tụng rằng:

Ông vui, ta chẳng vui

Anh buồn, ta chẳng buồn

Nhạn nghĩ bay Bắc lạnh

Yến nhớ tổ cũ về

Trăng thu hoa xuân, ý vô hạn

Trong ấy chỉ cho tự mình hay.

Phát ở đây là bắt đầu hỏi, A nậu-đa-la Tam miêu Tam bồ-đề tiếng Hoa là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ý câu hỏi là Như Lai hộ niệm và phó chúc cho Bồ-tát đời hiện tại và vị lai khiến thành Phật quả, đó là Bồ-tát tuy phát tâm đạo thệ độ chúng sanh, cầu thành Phật đạo mà chưa biết tâm mình thì làm sao an trụ Đại thừa, làm sao hàng phục vọng tâm để tiến đến Phật quả chẳng lui sụt chứ!

Kinh: Phật nói “Hay thay, hay thay! Này Tu-bồ-đề! Đúng như chỗ ông vừa hỏi, Như Lai khéo hộ niệm cho chư Bồ-tát, khéo phó chúc cho chư Bồ-tát”.

Lục Tổ giải: Đây là Phật tán thán ngài Tu-bồ-đề, khéo hiểu được tâm Phật, khéo hiểu được ý Phật.

Kinh: Nay ông hãy lắng nghe cho kỹ! Ta sẽ vì mọi người mà nói.

Lục Tổ giải: Trước khi Phật muốn thuyết pháp, thường răn dạy “Thính chúng hãy lắng nghe và nhất tâm tĩnh mặc, Ta sắp nói pháp đây!”.

Kinh: Những thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm A nậu-đa-la Tam miểu Tam bồ-đề phải nên an trụ tâm như vậy, hàng phục tâm ấy như vậy.

Lục Tổ giải: A là Vô, nậu-đa-la là thượng, Tam là chánh, miểu là biến, bồ-đề là tri. Vô là không có mọi cấu nhiễm, thượng là ba cõi không sánh được, chánh là chánh kiến, biến là nhất thiết trí(1), tri là biết tất cả hữu tình đều có Phật tánh, chỉ cần thường tu hành là trọn đều được thành Phật. Phật tức là bát-nhã ba-la-mật thanh tịnh vô thượng. Cho nên tất cả thiện nam tử và thiện nữ nhân nếu muốn tu hành thì phải biết đạo bồ-đề vô thượng, phải biết pháp bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh vô thượng, lấy đây để hàng phục tâm mình.

Kinh:  Ngài Tu-bồ-đề đáp “Vâng thưa Thế Tôn! Chúng con Nguyện ưa thích muốn nghe”.

Lục Tổ giải: Vâng thưa nghĩa là nghe xong thưa dạ, nguyện ưa thích là xin Phật nói rộng để cho căn cơ trung- hạ đều được khai ngộ, ưa thích là ưa thích nghe pháp thậm thâm, muốn nghe là khát khao mong được nghe những lời dạy bảo từ bi.

Xuyên Lão chú: Việc an trụ và hàng phục tâm được dặn đi dặn lại kỹ càng.

Tụng rằng:

Bảy tay tám chân mặt quỷ đầu thần 

Gậy đập không bể, dao cắt không đứt

Ta-bà nhảy đạp mấy ngàn lần

Chốn chốn chẳng lìa điện Không Vương(2).

1. 切智 (nhất thiết trí): Trí toàn vẹn, hiểu biết tất cả, chỉ trí huệ của một vị Phật, là điểm quan trọng, tiêu biểu nhất của một bậc Chánh đẳng Chánh giác.

2. I- Tôn hiệu của chư Phật, vì chư Phật đã thân chứng tánh không của các pháp vắng lặng vô ngại, chúng sanh không ai sánh kịp, nên gọi là Không Vương. Theo kinh Viên giác thì đức Phật là vua của muôn pháp, nên gọi là Không Vương. II- Cũng gọi là Không Vương Phật, tên một vị cổ Phật, ra đời vào thời Không kiếp. Trước thời đức Phật Không Vương thì muôn vật chưa phát sinh, cho nên Thiền tông thường dùng nhóm từ “Không Vương dĩ tiền” để biểu thị cảnh giới siêu việt ý thức của con người.

 

Ngài Tu-bồ-đề đã khen ngợi thỉnh hỏi, diệu hợp với tâm Phật, cho nên được ấn khả rằng “Hay thay, hay thay! Ta sẽ vì ông mà nói”. Phật lại khuyên bảo “Phải nên an trụ và hàng phục tâm ấy như vậy”, ngài Tu-bồ-đề liền hiểu ý Phật nên đáp “Dạ vâng, con nguyện xin nghe pháp này”, mà đại cương của một bộ kinh đều chẳng qua chỗ ngài Tu-bồ-đề hỏi cách an trụ Đại thừa, hàng phục vọng tâm, và chỗ Như Lai đáp pháp tu hành cũng không ngoài lý hành và sự hành, phá chấp đọan nghi mà thôi. Văn dưới sẽ thấy đầy đủ.

 

Phần thứ 3 CHÁNH TÔNG CỦA ĐẠI THỪA

Thừa của tối đại        最大之乘

Tông của tối chánh.  最正之宗

Xuyên Lão chú: Tông dứt chánh tà, thừa không có Đại Tiểu, tùy theo 3 căn mà hóa độ. Nói đơn giản mà riêng được tôn sùng, cho nên được lấy làm phần Chánh tông của Đại thừa.

Kinh: Phật bảo ngài Tu-bồ-đề “Chư Bồ-tát ma-ha- tát nên hàng phục tâm như vậy”.

Lục Tổ giải: Niệm trước thanh tịnh, niệm sau thanh tịnh gọi là Bồ-tát. Niệm niệm chẳng lui sụt, tuy ở trần lao mà tâm thường thanh tịnh, đây gọi là ma-ha-tát. Lại từ bi hỷ xả, dùng đủ mọi phương tiện hóa độ dẫn dắt chúng sanh, đây gọi là Bồ-tát. Tâm năng hóa và sở hóa đều không có thủ chấp(1), đây ggi là ma-ha-tát. Cung kính tất cả chúng sanh tức là chỗ hàng phục tâm mình. Chân là bất biến, như là bất dịch, gặp mọi cảnh giới mà tâm không biến dịch, đây gđi là chân như, cũng còn gọi bên ngoài chẳng giả là chân, bên trong chẳng loạn là như. Niệm niệm không có lầm lẫn tức là hàng phục tâm mình.

1. Tâm không thủ chấp việc mình hóa độ ai và ai được mình hóa độ.

 

Xuyên Lão chú: Ngài Tu-bồ-đề nêu 2 câu hỏi về cách an trụ và hàng phục, Như Lai chỉ đáp một câu về cách hàng phục tâm ấy chính là khéo hàng phục vọng tâm, còn an trụ Đại thừa hiển nhiên là sẽ được tiếp nối an trụ sau khi hàng phục được tâm.

Kinh: đối với tất cả mọi loài chúng sanh, như sanh bằng trứng, như sanh bằng thai, như sanh từ nơi ẩm thấp, như hóa sanh; như có hình sắc, như không có hình sắc, như có tư tưởng, như không có tư tưởng, như chẳng phải là có tư tưởng, chẳng phải là không có tư tưởng, Ta đều khiến cho nhập vào niết-bàn vô dư.

Lục Tổ giải: Sanh bằng trứng là tánh mê, sanh bằng thai là tánh theo thói quen, sanh từ nơi ẩm thấp là tánh theo tà, hóa sanh là tánh chỉ thấy điều vui thích. Vì mê nên tạo các nghiệp, vì theo thói quen nên thường lưu chuyển, vì theo tâm tà nên bất định, vì chỉ thấy điều vui thích mà hầu hết rơi đọa. Khi khởi tâm tu tâm, mà vọng thấy thị phi, bên trong không khế ngộ lý của vô tướng, đây gọi là hữu sắc. Bên trong thủ chấp trực tâm mà không hành cung kính cúng dường, chỉ nói trực tâm là Phật mà không tu phước huệ, đây gọi là vô sắc; không liễu ngộ trung đạo, mắt thấy tai nghe, tâm tưởng tư duy, ái chấp pháp tướng, miệng nói hạnh Phật mà tâm không y theo hành, đây gọi là hữu tướng. Người mê tọa thiền, khăng khăng trừ vọng, không học phương tiện từ bi hỷ xả trí huệ, giống như gỗ đá, không có tác dụng, đây gọi là vô tưởng; không chấp vào nhị pháp tưởng, cho nên gọi là như loài phi hữu tưởng; cầu lý mà tâm còn, cho nên gọi là như loài phi vô tưởng. Phiền não muôn lầm lẫn, đều là tâm cấu, thân hình vô số, thảy gọi là chúng sanh, Như Lai đại bi hóa độ khắp, đều khiến được nhập niết-bàn vô dư.

 

Xuyên Lão chú: Loài người và loài bàng sanh(1)  đều có 4 cách sanh; chư thiên, địa ngục, trung ấm chỉ có hóa sanh; loài quỷ thường có 2 cách sanh là thai sanh và hóa sanh, tất cả đều nằm trong cõi Dục.

Kinh: mà diệt độ.

Lục Tổ giải: Như Lai chỉ dạy chúng sanh trong tam giới, cửu địa(2) đều có niết-bàn diệu tâm, khiến tự ngộ nhập vô dư. Vô dư là không có tập khí phiền não, niết- bàn là nghĩa của viên mãn thanh tịnh, diệt sạch tất cả mọi tập khí, khiến mãi mãi bất sanh, mới khế hợp chỗ này. Độ là vượt qua biển lớn sanh tử, Phật tâm bình đẳng, nguyện khắp tất cả chúng sanh đồng nhập niết-bàn vô dư viên mãn thanh tịnh, đồng vượt qua biển lớn sanh tử, đồng sở chứng với chư Phật. Có người tuy ngộ tuy tu, nhưng sanh tâm có sở đắc, nên lại sanh ngã tướng, đây gọi là pháp ngã(3). Chỉ khi dứt trừ sạch pháp ngã mới gọi là diệt độ.

1. 旁生 (bàng sanh): Tức chỉ súc sanh. Trên từ long thú cầm súc, dưới đến thủy lục côn trùng, đều bởi nghiệp mà phải luân hôfi trong ngả ác, không phải là đường chính của chư Thiên và loài người, cho nên gọi là bàng sanh.

2. 九地 (cửu địa): Còn gọi là cửu hữu, cửu môn. Chín chỗ có, các chỗ ở của loài hữu tình gồm người, tiên và các loại trong cõi Dục. Cõi sắc giới gồm Sơ thiền thiên, Nhị thiền thiên, Tam thiền thiên, Tư thiên thiên. Cõi Vô sắc gồm Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. 

3. 法我 (pháp ngã): Cũng gọi là pháp ngã chấp, pháp ngã kiến, pháp chấp. Chỉ cho sự vọng chấp các pháp huyễn hóa là có thật, tức là chấp trước các pháp sắc-tâm có thể tính chân thật.

 

Kinh: Diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh như vậy, nhưng thật ra không có chúng sanh nào được diệt độ cả.

Lục Tổ giải: Như vậy là chỉ pháp trước đây, diệt độ là đại giải thoát; đại giải thoát là phiền não và tập khí, tất cả mọi nghiệp chướng diệt sạch, không còn gì nữa, đây gọi là đại giải thoát. Vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh vốn đều tự có tất cả mọi nghiệp ác tham sân phiền não, nếu không đoạn trừ thì rốt cuộc không được giải thoát, cho nên nói diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh. Tất cả người mê khi ngộ được tự tánh, mới biết Phật không thấy tướng mình, không có trí mình, đâu từng độ chúng sanh. Chỉ vì phàm phu không thấy bản tâm của mình, không biết ý Phật, chấp trước các tướng, không thấu đạt lý của vô vi, ngã-nhân chẳng trừ, đây gọi là chúng sanh. Nếu lìa bệnh này thì thật ra không có chúng sanh nào được diệt độ cả, cho nên nói vọng tâm không có nơi chỗ tức bồ-đề, sanh tử và niết-bàn vốn bình đẳng, làm gì có diệt độ.

Kinh:  Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề!  Vì nếu Bồ-tát có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì chẳng phải là Bồ-tát.

Lục Tổ giải: Phật tánh của chúng sanh vốn không có khác, do có 4 tướng mà không nhập niết-bàn vô dư. Có 4 tướng tức là chúng sanh, không có 4 tướng tức là Phật, mê thì Phật là chúng sanh, ngộ thì chúng sanh là Phật. Người mê ỷ vào có tài bảo, học vấn, họ tộc danh vị mà khinh thường tất cả mọi người, đây gọi là ngã tướng. Tuy hành nhân-nghĩa-lễ-trí-tín mà ý cao ngạo, tự đắc, không hành kính trọng hết, cứ nói ta biết hành nhân-nghĩa-lễ-trí-tín mà không kính trọng tất cả, đây gọi là nhân tướng. Việc tốt quy về mình, việc ác đổ cho người khác, đây gọi là chúng sanh tướng. Đối cảnh thủ xả phân biệt gọi là thọ giả tướng. Đây gọi là 4 tướng của phàm phu. Người tu hành cũng có 4 tướng, tâm có năng-sở, ta-người, khinh thường chúng sanh, đây gọi là ngã tướng

 

Tự ỷ mình trì giới mà khinh kẻ phá giới gọi là nhân tướng. Chán tam đồ(1) khổ, nguyện sanh về cõi chư thiên, đây là chúng sanh tướng. Tâm ái sống lâu mà siêng tu phước nghiệp, các chấp chẳng dứt trừ, đây là thọ giả tướng. Có 4 tướng tức là chúng sanh, không có 4 tướng tức là Phật.

Xuyên Lão chú: Đội trời đạp đất, mắt nằm ngang mũi đứng thẳng(2).

Tụng rằng:

Đạo lớn cao vời, sáng chói rõ ràng

Người người vốn đủ, mỗi mỗi viên thành

Chỉ vì lầm một niệm

Hiện ra muôn ngàn dáng.

Một đoạn này là chỗ Bồ-tát tu lý quán đầy đủ. Tứ tâm đó gọi là quảng đại tâm (1), thắng tâm (2), thường tâm (3) và bất điên đảo tâm (4). Bồ-tát Di-lặc tụng rằng:

Rộng lớn bậc nhất tâm thường ấy

Chẳng điên đảo bậc nhất là thắng tâm.

1. 三塗 (tam đồ): Ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

2.直眼橫 (tị trực nhãn hoành): Là những cái hiển nhiên trước mắt. Thiền lâm dùng từ ngữ này để ví dụ sự thấy biết đúng như thật. Việc cầu đạo không cần phải đi tìm đâu xa, mà phải nhìn ngay nơi bản lai diện mục, cũng dụ cho mặt mũi xưa nay bình thường tự nhiên, tức chỉ cho Phật tánh, bản tánh.

 

Kinh nói “Tất cả mọi loài chúng sanh có” là cảnh trong tâm, vì tâm này rộng lớn. Nói Ta đều đều khiến cho nhập vào niết-bàn vô dư là tâm thù thắng này, niết-bàn vô dư là bờ bên kia rốt ráo của Như Lai. Nói nhưng thật ra không có chúng sanh nào được diệt độ cả là chúng sanh và Phật nhất như, chính là tâm thường hằng này. Nói không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả đây là tâm không điên đảo. Nếu có 4 tướng thì gọi là tứ đảo, như một chúng sanh nào đó không được diệt độ, và ai thấy chúng sanh thật có diệt độ thì chưa thể liễu đạt bản nguyên. Nếu có 4 tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả thì không gọi là Bồ-tát. Ngã là ở trong ngũ uẩn vọng cho là có ta và cái của ta. Nhân là vọng cho là ta sanh trong loài người, khác với các nẻo khác. Chúng sanh là vọng chấp ngũ uẩn hòa hợp mà sanh ra. Thọ giả là vọng chấp ta thọ nhận quả báo trong một thời gian, tức thọ mạng dài hay ngắn. Bốn tướng này đều là điên đảo vọng tưởng, cũng gọi là tứ kiến. Bồ-tát dùng được diệu trí của bát-nhã chiếu soi liễu đạt tánh không vốn không có 4 tướng, đây gọi là hàng phục tâm ấy. Nếu không như vậy thì chẳng gọi là Bồ-tát.

 

Phần thứ 4 DIỆU HẠNH VÔ TRỤ

Hạnh của áo diệu 奧妙之行

Vốn không trụ chấp. 本無住著

Xuyên Lão chú: Được tông mà hành, chẳng trụ vào tướng, cho nên được lấy làm phần Diệu hạnh vô trụ.

Kinh: Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát ở nơi pháp, phải nên không có chỗ trụ mà hành bố thí, đó gọi là không trụ vào sắc mà bố thí, không trụ vào thanh- hương-vị xúc-pháp mà bố thí.

Lục Tổ giải: Phàm phu bố thí chỉ cầu thân tướng đoan nghiêm, ngũ dục khối lạc, cho nên khi báo hết thì rơi đọa vào 3 đường ác. Thế Tôn đại từ dạy hành vô tướng bố thí là chẳng cầu thân tướng đoan nghiêm, ngũ dục khối lạc, mà chỉ khiến bên trong phá tâm keo kiệt, bên ngoài làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, tương ưng như vậy mới gọi là không trụ vào sắc mà bố thí.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên bố thí như vậy, tức là không trụ vào tướng.

Lục Tổ giải: Phải theo tâm vô tướng mà bố thí, tức là không có tâm thấy mình bố thí, không thấy có vật thí, không phân biệt người thọ thí, đây gọi là không trụ vào tướng mà bố thí.

 

Xuyên Lão chú: Đoạn này là lý quán kiêm sự hành. Không trụ là lý quán, bố thí là sự hành, ở nơi pháp là các pháp 6 trần, bố là phổ, thí là xả. Bồ-tát tu lục độ(1) phạm hạnh(2) lấy bố thí làm độ đầu tiên để nhiếp 5 độ sau. Vì thí có 3 loại là tư sanh thí, vô úy thí và pháp thí. Tư sanh thí là thí tài vật giúp đỡ kẻ khác sống. Vô úy thí là trì giới, chẳng não loạn thì không có oan trái, nhẫn nhục thì chẳng báo thù. Pháp thí là tinh tấn thì chẳng chán mệt thuyết pháp, thiền định thì chẳng lầm căn cô thuyết pháp, trí huệ thì chẳng điên đảo thuyết pháp. Nhưng tất cả mọi bố thí đều chẳng qua 6 trần, cái gọi là 6 trần như giường chiếu, tọa cụ, đồ ăn uống, thuốc men là vậy. Người đời bố thí, tâm mong cầu quả báo, đó gọi là chấp tướng. Bồ-tát bố thí, liễu đạt tam luân thể không, cho nên thường luôn chẳng trụ vào tướng. Tam luân gọi là người thí, người nhận bố thí và vật bố thí. Phật bảo ngài Tu-bồ-đề “Phải nên bố thí như vậy tức chẳng trụ vào tướng”, là vì muốn Bồ-tát hàng phục vọng tâm.

1. 六度 (lục độ): Sáu pháp ba-la-mật. Hạnh thanh tịnh của hàng Bồ-tát, đều lưu xuất từ quan điểm không vướng mắc vào lợi lạc của riêng mình (dựa trên trí huệ về tánh không). Đó là bố thí (1), trì giới (2), nhẫn nhục (3), tinh tiến (4), thiền định (5), và trí huệ (6).

2. 梵行 (phạm hạnh): Hạnh thanh tịnh. Phạm nghĩa là thanh tịnh, thuật ngữ chỉ cho sự tu tập để giải trừ tham dục.

 

Kinh: Bởi vì sao? Vì nếu Bồ-tát không trụ vào tướng mà bố thí thì phước đức ấy không thể suy lường.

Lục Tổ giải: Bồ-tát bố thí mà tâm không có chỗ mong cầu, thì sẽ được phước đức to lớn như hư không trong mười phương, không thể sánh lường. Nói “Lại nữa” là từ ngữ nối tiếp (phần 3) phía trước và (phần 4) phía sau (tức 2 phần có liên quan về trụ tướng). Khi nói đến bố là ban bố khắp nơi, thí là buông bỏ, thường buông bỏ dứt sạch vọng niệm tập khí phiền não trong tâm. Bốn tướng dứt trừ không có chỗ ẩn chứa, đây là chân bố thí.

Lại nói bố thí là do không trụ vào cảnh giới của 6 trần, cũng không có để lộ phân biệt, chỉ ngay đó quay ngược về thanh tịnh, liễu ngộ muôn pháp rỗng lặng. Nếu không liễu đạt ý này thì chỉ tăng thêm các nghiệp, cho nên bên trong phải trừ tham ái, bên ngoài hành bố thí, trong ngoài tương ưng mà được phước vô lượng. Thấy người làm ác mà không thấy lỗi của họ, tự tánh chẳng sanh phân biệt, đây gọi là lìa tướng. Y giáo tu hành, tâm không có năng- sở, ta-người, tức là pháp thiện. Người tu hành mà tâm có năng-sở thì không gọi là pháp thiện, tâm năng-sở chẳng diệt thì cuối cùng chưa được giải thoát. Niệm niệm thường hành trí bát-nhã thì phước ấy vô lượng vô biên, y theo như vậy mà tu hành thì cảm được tất cả người và chư Thiên cung kính cúng dường, đây gọi là phước đức. Thường hành chẳng trụ vào tướng mà bố thí, kính trọng hết tất cả loài hàm sanh thì phước đức ấy không có ngằn mé, không thể đo đếm.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Hư không ở phương Đông có thể suy lường được chăng? Ngài Tu- bồ-đề đáp “Dạ không, thưa Thế Tôn”.

Lục Tổ giải: Do chẳng trụ vào tướng mà bố thí nên chỗ được công đức không thể đo lường. Phật lấy hư không ở phương Đông làm thí dụ cho nên hỏi ngài Tu-bồ-đề “Hư không ở phương Đông có thể suy lường được chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Dạ không, thưa Thế Tôn, hư không ở phương Đông không thể suy lường”.

Kinh: Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Hư không ở các phương Nam Tây Bắc, bốn phương phụ(1), phương trên, phương dưới có thể suy lường được chăng?”, ngài Tu- bồ-đề đáp “Dạ không, thưa Thế Tôn”. Phật bảo “Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không trụ vào tướng mà bố thí thì phước đức cũng lại như vậy, không thể suy lường”.

Lục Tổ giải: Phật nói hư không không có ngằn mé, không thể đo lường, Bồ-tát không trụ tướng mà bố thí, chỗ được công đức to lớn cũng như hư không, không thể đo lường, không có ngằn mé. Cái lớn trong thế giới không hơn được hư không, cái lớn trong tất cả tánh không hơn được Phật tánh. Tại sao vậy? Vì hễ có hình tướng đều không được gọi là lớn, vì hư không không có hình tướng nên được gọi là lớn. Tất cả mọi tánh đều có hạn lượng nên không được gọi là lớn, còn Phật tánh không có hạn lượng nên mới gọi là lớn. Trong hư không này vốn không có Đông Tây Nam Bắc, nếu thấy Đông Tây Nam Bắc cũng là trụ tướng, không được giải thoát. Phật tánh vốn không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu có 4 tướng này để thấy tức là chúng sanh tánh, không gọi là Phật tánh, đó cũng gọi là trụ tướng mà bố thí. Tuy ở trong vọng tâm nói có Đông Tây Nam Bắc, nhưng ở lý thì đâu có, đó gọi là Đông Tây chẳng chân thì Nam Bắc cũng vậy. Tự tánh xưa nay rỗng lặng dung thông, không có chỗ phân biệt, cho nên Như Lai rất mực tán thán cái chẳng sanh phân biệt.

1. Bốn phương phụ (tứ duy 四維) Là các phương Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, nghĩa là 4 phương ở giữa 4 phương chính Đông Nam Tây Bắc.

 

Xuyên Lão chú: Nếu muốn đi khắp thiên hạ thì chỉ chuyên tinh một nghề

Tụng rằng:

Mười loại gấm Thục Xuyên

Thêm hoa sắc càng đẹp

Muốn biết ý chân thật

Hướng Nam nhìn Bắc Đẩu(1)

Hư không chẳng vướng tơ hào niệm

Rực rỡ gọi là Đại Giác Tiên(2).

1. Bắc Đẩu là chòm sao ở phương Bắc, gồ 7 ngôi sao xếp thành hình cái đẩu (cái đấu đông thóc gạo).

2. Theo Tống sử vào đầu niên hiệu Tuyên Hòa (1119), vua Tống Huy Tông hạ chiếu đổi hiệu Phật thành Đại Giác Kim Tiên, các vị Bồ-tát là Tiên nhân đại sĩ, Tăng là Đức sĩ, Nữ đạo sĩ là Nữ đạo, Ni là Nữ đức.

 

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát cần phải như chỗ Ta chỉ dạy mà an trụ tâm.

Lục Tổ giải: Cần phải là vâng theo, chỉ vâng theo giáo pháp của Phật nói, trụ chỗ vô tướng mà bố thí tức là Bồ-tát.

Xuyên Lão chú: Có thể biết mà lễ kính.

Tụng rằng:

Cảnh giới hư không há suy lường?

Đạo lớn tình thâm lý sự sâu 

Hễ được tự tại nơi trăng gió

Xuân đến như cũ trăm hoa thơm.

Đoạn này sợ người nghi rằng đã lìa tướng bố thí thì không có phước báo, cho nên Phật nói bố thí lìa tướng thì phước càng nhiều. Bởi do chẳng trụ tướng bố thí thì khế hợp tánh không, tánh không vô biên thì phước ấy cũng vô biên, cho nên nêu ra hư không trong mười phương để làm ví dụ. Luận rằng hư không có 3 nghĩa, một là ở khắp mọi nơi, hai là rộng lớn bao la, ba là rốt ráo không cùng tận. Ở đây trả lời câu hỏi hàng phục và an trụ xong.

 

Phần thư 5 NHƯ LÝ THỰC THẤY

Lý của tự như 自如之理

Mới thấy chân thật. 乃見真實

Xuyên Lão chú: Hạnh hạnh đều như, gọi là thực thấy.

Cho nên được lấy làm phần Như lý thực thấy.

Phần này đoạn nghi “Bố thí mà không trụ tướng” trước đó mà ra. Toàn bộ kinh trước sau có 27 chỗ nghi, đây là phần đoạn nghi thứ 1.

Kinh: Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Có thể dùng thân tướng để thấy Như Lai chăng?”, ngài Tu- bồ-đề đáp “Dạ không, thưa Thế Tôn, không thể dùng thân tướng để thấy Như Lai”.

Lục Tổ giải: Sắc thân tức có tướng, pháp thân thì không có tướng. Sắc thân là tứ đại(1) hòa hợp, do cha mẹ sanh, mắt thịt có thể nhìn thấy. Còn pháp thân thì không có hình tướng, chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, không có tất cả mọi tướng mạo, chẳng phải cái mà mắt thịt thấy được, chỉ có huệ nhãn mới thấy được. Phàm phu chỉ thấy sắc thân Như Lai mà không thấy pháp thân Như Lai, lượng của pháp thân như hư không, cho nên Phật hỏi ngài Tu- bồ-đề “Có thể dùng thân tướng để thấy Như Lai chăng?”. Ngài Tu-bồ-đề biết phàm phu chỉ thấy sắc thân Như Lai mà không thấy pháp thân Như Lai, cho nên trả lời “Dạ không, thưa Thế Tôn, không thể dùng thân tướng để thấy Như Lai”

1. Tứ đại (四大): Phật giáo gọi đất, nước, lửa, gió là bốn đại, là 4 yếu tố cơ bản tạo thành thế giới vạn vật, trong đó có thân người.

 

Kinh: Bởi vì sao? Vì cái mà Như Lai nói là thân tướng, tức vốn chẳng phải là thân tướng.

Lục Tổ giải: Sắc thân là tướng, pháp thân là tánh. Tất cả mọi thiện ác đều do pháp thân, chẳng do sắc thân, pháp thân nếu làm ác thì sắc thân không sanh vào chỗ thiện, pháp thân làm thiện thì sắc thân không đọa vào chỗ ác. Phàm phu chỉ thấy sắc thân mà không thấy pháp thân, chẳng thể hành không trụ tướng mà bố thí, không thể ở tất cả chỗ hành hạnh bình đẳng, không thể kính trọng hết tất cả chúng sanh. Người thấy pháp thân, thường hành không trụ tướng mà bố thí, tức thường kính trọng hết tất cả chúng sanh, tức thường tu hạnh bát-nhã ba-la-mật, mới tin tất cả chúng sanh đồng một chân tánh, xưa nay thanh tịnh, không có cấu uế, đầy đủ hằng sa diệu dụng.

Xuyên Lão chú: Hãy nói coi, ngay đây đi đứng ngồi nằm là tướng gì? Nhìn coi, đừng ngu si lờ mờ nữa!

Tụng rằng:

Thân ở trong biển, thôi tìm nước

Cả ngày dạo núi, chớ tìm núi

Oanh hót yến kêu cũng giống nhau

Chớ hỏi trước ba, sau cũng ba(1)!

1.三三後三三 (tiền tam tam hậu tam tam): Nghĩa lý bao hàm nhiều mặt, ý chính là phá trừ tâm chấp trước, phân biệt. “Tiền tam tam, hậu tam tam” là câu nói đặc biệt của nhà thiền, siêu việt khái niệm số lượng.

 

Kinh: Phật bảo ngài Tu-bồ-đề “Hễ cái gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng, tức thấy Như Lai”.

Lục Tổ giải: Như Lai muốn hiển bày pháp thân, cho nên mới nói tất cả mọi tướng đều là hư vọng. Nếu thấy tất cả mọi tướng đều hư vọng chẳng thật, tức thấy được lý vô tướng của Như Lai.

Xuyên Lão chú: Núi là núi, Sông là Sông, Phật ở đâu?

Tụng rằng:

Có tướng có cầu đều là vọng

Vô hình vô kiến đọa thiên khô(1)

Trang nghiêm kín đáo đâu từng hỏi

Một luồng sáng lạnh lóe trời không.

Đoạn trước nói không trụ vào tướng mà bố thí, hàng phục tâm ấy là cái nhân thành Phật. Vì sợ ngài Tu-bồ-đề nghi Phật quả là thân tướng hữu vi, cho nên Phật hỏi “Có thể dùng thân tướng để thấy Như Lai chăng?”, ngài Tu- bồ-đề ngộ được ý Phật hỏi, liền đáp “Không thể dùng thân tướng để thấy Như Lai”.

Nhưng có tướng là ứng thân, vô tướng là pháp thân, pháp thân là thể, ứng thân là dụng. Nếu biết dụng từ thể khởi ứng tức là pháp vậy. Bởi vì vô tướng nên mới luận rằng chỗ Như Lai nói tướng, tức chẳng phải là tướng. Nếu liễu đạt được ý này thì tất cả mọi tướng của thế gian đều là chân như, vô vi, Phật thể. Cho nên Phật ấn khả cho ngài Tu-bồ-đề mà nói “Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng, tức thấy Như Lai”.

1. Thiên khô là kiến giả thiên lệch.

 

Phần thứ 6 LÒNG TIN CHÂN CHÁNH HIẾM CÓ

Sanh tâm chánh tín生正信心

Rất là hy hữu. 最為希有

Xuyên Lão chú: Thấy mà tin là căn lành sâu dày, cho nên được lấy làm phần Lòng tin chân chánh hiếm có.

Phần đoạn nghi thứ 2 “Nhân quả đều sâu mà không tin” chỗ nghi này từ 2 đoạn văn kinh trước mà ra.

Kinh: Ngài Tu-bồ-đề thưa với Phật rằng “Thưa Thế Tôn! Liệu có chúng sanh được nghe chương cú lời lẽ như vậy, có thể sanh lòng tin chân thật chăng?”.

Lục Tổ giải: Ngài Tu-bồ-đề thưa “Pháp này khó tin khó hiểu, phàm phu đời cuối, trí huệ nhỏ kém, làm sao tin nhập?”, Phật lần lượt đáp như sau.

Xuyên Lão chú: Luận rằng vô trụ mà bố thí là nhân sâu, vô tướng mà thấy Phật là quả sâu. Pháp của nhân quả đã sâu, mà còn có nghi là vì căn tánh của chúng sanh đời cuối mê độn, cho nên không thể sanh lòng tin như vậy.

Kinh: Phật bảo ngài Tu-bồ-đề “Đừng có nói như vậy! Sau khi Như Lai nhập diệt, 500 năm sau có kẻ trì giới tu phước, đối với chương cú này có thể sanh lòng tin, cho đó là thật, thì phải nên biết người này không phải ở chỗ một đức Phật, hai đức Phật, ba bốn năm đức Phật trồng căn lành, mà đã ở trong vô lượng muôn ngàn chỗ các đức Phật trồng các căn lành, khi nghe chương cú ấy cho đến chỉ một niệm cũng liền sanh lòng tin trong sạch”.

Lục Tổ giải: Sau khi Ta nhập diệt, 500 năm sau, nếu có người nào năng trì giới vô tướng của Đại thừa, chẳng vọng thủ các tướng, không tạo nghiệp sanh tử, trong tất cả thời, tâm thường rỗng lặng, không bị các tướng trói buộc, tức là tâm vô sở trụ. Ở nơi pháp thậm thâm của Như Lai, tâm năng tin nhập, những ngôn thuyết của người này nói ra đều chân thật đáng tin. Tại sao vậy? Vì người này chẳng phải ở một kiếp, hai kiếp, ba kiếp, bốn năm kiếp gieo trồng căn lành, mà đã ở trong vô lượng ngàn muôn ức kiếp gieo trồng mọi căn lành. Cho nên Như Lai nói “Sau khi Ta diệt độ, 500 năm sau, có người năng lìa tướng mà tu hành thì phải nên biết người này không phải ở chỗ một đức Phật, hai đức Phật, ba bốn năm đức Phật trồng căn lành, mà đã ở trong vô lượng muôn ngàn chỗ các đức Phật trồng các căn lành”.

Sao gọi là trồng các căn lành? Lần lượt nói tóm tắt như sau.

Đó gọi là ở chỗ chư Phật nhất tâm cúng dường, tùy thuận giáo pháp; ở chỗ chư Bồ-tát, thiện tri thức, sư tăng, cha mẹ bậc tôn trưởng túc đức tuổi cao, thường hành cung kính cúng dường, thừa theo sự chỉ dạy, không dám trái ý, đây gọi là trồng các căn lành.

Đối với tất cả chúng sanh nghèo khổ khởi tâm thương xót, chẳng coi thường chán ghét, có ai muốn xin đều theo sức mình mà thương cho, đây gọi là trồng các căn lành.

Đối với tất cả mọi loài ác độc, tự hành nhu hòa nhẫn nhục, hoan hỷ gặp tiếp mà không trái ý, khiến họ phát tâm hoan hỷ, ngưng tâm cứng đầu ngang ngược, đây gọi là trồng các căn lành.

Ở nơi chúng sanh trong 6 đường, không còn sát hại, chẳng khinh thường, chẳng coi rẻ chẳng hủy báng, chẳng nhục mạ chẳng đè cưỡi, chẳng vụt roi, chẳng ăn thịt chúng sanh, thường hành nhiêu ích(1), đây gọi là trồng các căn lành.

1. 饒益 (nhiêu ích): Hàm ý ban pháp đem lại lợi ích cho người.

 

Lòng tin là tin bát-nhã ba-la-mật năng trừ tất cả mọi phiền não, tin bát-nhã ba-la-mật năng thành tựu tất cả công đức xuất sanh này; tin bát-nhã ba-la-mật năng xuất sanh tất cả chư Phật; tin Phật tánh trong thân mình xưa nay thanh tịnh, không có nhiễm ô, bình đẳng không hai với tánh của chư Phật; tin chúng sanh trong 6 đường xưa nay không có tướng, tin tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật. Đây gọi là lòng tin trong sạch.

Xuyên Lão chú: Phật vàng không qua được lò nung, Phật gỗ không qua được lửa, Phật đất không qua được nước.

Tụng rằng:

Ba Phật oai nghi đều chẳng thật

Con người trong mắt trước mặt người

Nếu tin trong nhà có Châu báu

Chim hót hoa núi đều là xuân.

Phật đáp đời cuối người tự có đủ phước huệ nghe pháp bát-nhã này thì thường sanh lòng tin chân thật. Nói 500 năm sau là trong kinh Đại tập nói có 5 thời kỳ mỗi thời kỳ có 500 năm, 500 năm ở đây là 500 năm thời kỳ sau cùng. Trì giới là giới, tu phước là định, có lòng tin là huệ. Tam học giới-định-huệ đầy đủ thì thường sanh lòng tin chân thật.

Nếu luận về lòng tin chân thật thì do đã gieo trồng căn lành từ nhiều đức Phật, nên thường tin pháp của Đại thừa, cho đến trong một niệm sanh một chút lòng tin cũng đều từ gieo trồng các căn lành với Phật mà ra.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Như Lai biết rõ hết, thấy rõ hế các chúng sanh ấy được vô lượng phước đức. Bởi vì sao? Vì các chúng sanh ấy không còn ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, không có pháp tướng, mà cũng không đâu chẳng phải là pháp tướng.

Lục Tổ giải: Sau khi Như Lai nhập diệt, nếu có người nào phát tâm bát-nhã ba-la-mật, hành hạnh bát-nhã ba-la-mật, tu tập ngộ giải, đạt thâm ý của Phật thì chư Phật đều biết rõ hết. Nếu có người nào nghe pháp thượng thừa, nhất tâm thọ trì thì có thể hành hạnh bát-nhã ba-la-mật vô tướng vô trước(1); liễu ngộ không có 4 tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả; không có ngã là không có sắc-thọ tưởng-hành-thức, không có nhân là liễu ngộ tứ đại không thật, cuối cùng trở về đất nước lửa gió; không có chúng sanh là không có tâm sanh diệt; không có thọ giả là thân ta vốn không có, thì đâu có ai sống dài lâu. Bốn tướng đã không còn tức pháp nhãn minh triệt, không chấp vào hữu-vô, xa lìa trần nhị biên, tự tâm Như Lai, tự ngộ tự giác, mãi mãi xa lìa lao vọng niệm, tự nhiên được phước vô biên. Không có pháp tướng là lìa danh dứt tướng, chẳng câu nệ văn tự; mà cũng không đâu chẳng phải là pháp tướng, tức không được nói là không có pháp bát-nhã ba- la-mật. Nếu ai nói không có pháp bát-nhã ba-la-mật tức là phỉ báng Phật pháp.

Xuyên Lão chú: Trồng döa được döa, trồng quả được quả.

Tụng rằng:

Một Phật, hai Phật, ngàn muôn Phật

Mỗi mỗi mắt ngang kiêm mũi thẳng

Năm xưa thân trồng căn lành đến

Hôm nay như cũ được đại lực

Tu-bồ-đề Tu-bồ-đề

Mặc áo ăn cơm việc bình thường

Đâu cần trái lại nghi ngờ nữa.

1. 著 (vô trước): Nghĩa là không bị ô nhiễm, cấu uế, vướng mắc.

Lòng tin sanh một niệm, chư Phật thảy đều biết. Hễ có chúng sanh nào nghe chương cú này, cho đến một niệm tịnh tín thì Phật trí Phật nhãn không đâu mà chẳng thấy, cho nên được phước vô lượng.

Chỗ này giảng rõ việc sanh lòng tin mà được phước. Nếu có 4 tướng thì lòng tin chẳng sâu, đắc pháp không rộng. Phước đức ấy vô lượng là vì không có 4 tướng, cũng không có pháp tướng là tướng chấp không, cũng không có phi pháp tướng là tánh chấp không.

Kinh: Bởi vì sao? Vì các chúng sanh ấy nếu “tâm chấp thủ tướng” tức là đã chấp vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu “chấp thủ pháp tướng” tức là đã chấp vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Vì sao vậy? Vì nếu “chấp thủ phi pháp tướng” thì là chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả

Lục Tổ giải: Vì chấp thủ 3 tướng(1) này và chấp vào tà kiến, đều là người mê, không ngộ ý kinh. Cho nên người tu hành không được ái chấp 32 tướng tốt của Như Lai, không được nói ta hiểu pháp bát-nhã ba-la-mật, cũng không được nói chẳng hành hạnh bát-nhã ba-la-mật mà được thành Phật.

Xuyên Lão chú: Tròn đồng thái hư, không thiếu chẳng dư.

Tụng rằng:

Pháp tướng phi pháp tướng

Vung đấm lại thành chưởng

Mây nổi tan trong xanh

Muôn dặm một khoảng trời.

1.  Chấp tướng, chấp pháp tướng, chất phi pháp tướng.

Kinh: Do vậy không nên chấp lấy pháp, cũng không nên chấp lấy phi pháp. Vì nghĩa như vậy nên Như Lai thường nói các vị tỷ kheo, phải biết là Ta thuyết pháp, ví như bè qua sông. Pháp còn phải bỏ huống gì là phi pháp.

Lục Tổ giải: Pháp là pháp bát-nhã ba-la-mật, phi pháp là những pháp cầu sanh lên cõi chư Thiên. Pháp bát-nhã ba-la-mật có thể làm cho tất cả chúng sanh vượt qua sông lớn sanh tử, đã qua được rồi thì không nên an trụ dậm chân tại chỗ, huống gì là vui chấp những pháp sanh lên cõi chư Thiên giả tạm.

Xuyên Lão chú: Một Tiết này hiển bày lại nếu trái với ý kinh thì chẳng phải phước.

Không cần đem vàng để đổi vàng, nước chẳng rửa nước(1).

Tụng rằng:

Ôm cây vịn cành chưa phải lạ

Trượng phu trên vực thẳm buông tay(2)

Cá khó tìm do nước đêm lạnh

Chỉ còn thuyền rỗng chở trăng về

Nước đến thành sông.

Tụng rằng:

Cả ngày bận bịu, việc ấy vô ngại

Chẳng cầu giải thoát, chẳng thích thiên đường

Chỉ cần một niệm về vô niệm

Bước cao lên đầu Tỳ-lô(3) đi.

1. 金不博金水不洗水 (kim bất bác kim, thủy bất tẩy thủy): Dụ chỉ không làm việc vô nghĩa, uổng công.

2. 懸崖撒手 (huyền nhai tát thủ): Trên bờ vực thẳm buông tay. Thiền tông dùng từ này để chỉ cho cảnh giới ngộ, hình dung việc vượt khỏi tâm-ý-thức giống như đã leo đến đỉnh núi, bốn bề là vực thẳm mà còn bước thêm một bước và hai tay chẳng vịn vào đâu.

3. Tỳ-lô là tên gọi tắt của Tỳ-lô Giá-na, là tên tôn xưng chân thân Phật, hoặc pháp thân Như Lai. “Bước cao lên đỉnh đầu Tỳ-lô mà đi” là thiền ngữ ngụ ý dạy phải vượt qua mọi ý niệm mong cầu, cho dù là cầu thành Phật.

 

Ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả bốn tướng ấy chính là hai chấp sinh-pháp(1). Sinh là chúng sanh giả danh. Pháp là thật pháp của ngũ ấm, cũng gọi là ngã sở. Trong hai chấp này đều có hai chấp tánh-tướng, hai chấp này chẳng phải tánh không và tướng không, nếu không khéo quán thì không thể phá. Cho nên Tổ Long Thọ nói ở nơi sinh ở nơi pháp phá tánh phá tướng, đó gọi là ở trong giả danh phá hai chấp tánh-tướng, mà ở trong thật pháp cũng phá hai chấp tánh-tướng. Không nên chấp lấy pháp là không còn trí của năng quán, không nên chấp lấy phi pháp là không còn cảnh của sở quán. Sở quán như bệnh, quán trí như thuốc, cảnh và trí đều dứt, như bệnh hết thì thuốc phải bỏ. Nói dụ như bè, bè là công cụ để qua sông, đến bờ rồi thì không cần dùng nữa, dụ như pháp còn phải bỏ thì huống gì phi pháp.

1. 生法 (sinh pháp): Cũng gọi là nhân pháp, ngã pháp. Cái có tác dụng của tâm gọi là sinh, tức hữu tình; cái không có tác dụng của tâm gọi là pháp, tức phi tình. Chẳng hạn như chúng sanh nhờ vào sự hòa hợp của nhân duyên mà được thành lập, đó là sinh; 5 uẩn là những yếu tố cấu tạo thành chúng sanh, đó là pháp.

 

Phần thứ 7 VÔ ĐẮC VÔ THUYẾT

Rỗng thì vô đắc 空則無得

Lặng thì vô thuyết. 寂則無說

Xuyên Lão chú: Đắc cái vô đắc mới gọi là chân thật đắc, thuyết cái vô thuyết mới gọi là chân thật thuyết. Cho nên được lấy làm phần Vô đắc vô thuyết.

Phần đoạn nghi thứ 3 “Vô tướng thì làm sao thuyết được”, chỗ nghi này từ trong chỗ nghi thứ 1 “Không thể lấy thân tướng mà thấy Như Lai” mà ra.

Kinh: Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai có chứng đức A nậu-đa-la Tam miểu Tam bồ-đề chăng? Như Lai có chỗ thuyết pháp chăng?”, ngài Tu- bồ-đề đáp “Theo như chỗ con hiểu nghĩa Phật đã dạy, không có pháp nhất định nào được gọi là A nậu-đa-la Tam miểu Tam bồ-đề, mà cũng không có một pháp nhất định nào để Như Lai thuyết”.

Lục Tổ giải: A nậu-đa-la chẳng phải từ bên ngoài mà được, duy chỉ tâm không có ngã sở mới đúng nghĩa. Chỉ vì theo bệnh mà cho thuốc, tùy nghi mà thuyết, đâu có định pháp. Như Lai nói chánh pháp vô thượng, tâm vốn không chứng đắc, cũng không nói chẳng chứng đắc. Chỉ vì chỗ thấy của chúng sanh bất đồng, cho nên Như Lai tùy theo căn tánh của họ mà dùng đủ mọi phương tiện để chỉ dạy giáo hóa dẫn dắt, khiến lìa mọi chấp trước. Chỉ dạy vọng tâm của tất cả chúng sanh sanh diệt chẳng dừng, chạy theo cảnh giới loạn động, niệm trước vừa khởi, niệm sau nên giác, giác đã chẳng trụ thì cái thấy cũng không còn. Nếu thế thì há có pháp nhất định nào để Như Lai thuyết sao?

A là tâm không có vọng niệm, nậu-đa-la là tâm không có kiêu mạn, Tam là tâm thường ở chánh định, miểu là tâm thường ở chánh huệ, Tam bồ-đề là tâm thường rỗng lặng, một niệm tâm phàm chợt dứt là thấy Phật tánh.

 

Xuyên Lão chú: Lúc đầu nói không thể lấy thân tướng mà thấy Phật, Phật chẳng phải có. Vì sợ có kẻ nghi nói tại sao lại có Phật Thích-ca đắc đạo dưới cội bồ-đề thuyết pháp khắp các hội.

Lạnh thì nói lạnh, nóng thì nói nóng.

Tụng rằng:

Mây đùn núi Nam, mưa núi Bắc

Tên lừa chữ ngựa kể nhiều loại

Xin nhìn sông nước mênh mông ấy

Mấy chỗ theo vuông? Mấy chỗ tròn?

Kinh: Bởi vì sao? Vì chỗ thuyết pháp của Như Lai thảy đều không thể chấp lấy, không thể thuyết, chẳng phải là pháp, cũng chẳng phải là phi pháp.

Lục Tổ giải: Sợ người chấp trước chỗ Như Lai nói văn tự chương cú, chẳng ngộ lý của vô tướng, vọng sanh tri giải, cho nên mới nói không thể chấp lấy. Như Lai vì hóa độ đủ loại chúng sanh, theo cơ tùy lượng mà có ngôn thuyết, cũng đâu có nhất định. Người học không hiểu thâm ý của Như Lai, chỉ tụng giáo pháp của Như Lai nói mà không liễu ngộ bản tâm, không liễu ngộ bản tâm thì cuối cùng không thành Phật, cho nên mới nói không thể thuyết. Miệng tụng mà tâm chẳng hành thì chẳng phải là pháp, miệng tụng mà tâm hành, liễu ngộ vô sở đắc là chẳng phải phi pháp.

Xuyên Lão chú: Là cái gì?

 

Tụng rằng:

Như thế cũng không được

Chẳng như thế cũng không được

Bầu hư không mênh mông

Chim bay không vết bóng

Ối!

Xoay chuyển cơ luân rồi trở về 

Nam Bắc Đông Tây mặc đến đi.

Kinh: Sở dĩ vì sao? Vì tất cả Hiền Thánh đều do pháp vô vi nên mới có sự sai biệt.

Lục Tổ giải: Căn tánh của ba thừa, kiến giải khác nhau mà thấy có cạn sâu, cho nên mới nói có sai biệt. Phật nói pháp vô vi tức là vô trụ, vô trụ tức là vô tướng, vô tướng tức không có khởi, không có khởi là không có diệt, bình đẳng rỗng lặng, chiếu-dụng đều thâu, soi giác vô ngại, đó mới là Phật tánh chân thật giải thoát. Phật tức là giác, giác tức là quán chiếu, quán chiếu tức là trí huệ, trí huệ tức là bát-nhã ba-la-mật-đa. Lại vốn nói rằng Thánh Hiền thuyết pháp, đầy đủ nhất thiết trí, muôn pháp đều ở tánh, tùy câu hỏi khác nhau mà làm cho tâm người khai ngộ, đều tự thấy tánh mình.

Xuyên Lão chú: Một chút mê lầm, như trời với đất.

 

Tụng rằng:

Người chánh nói pháp tà

Pháp tà thảy về chánh

Người tà nói chánh pháp

Chánh pháp thảy đều tà

Quýt Giang Nam chanh thành Giang Bắc,

Xuân đến đều nở một loài hoa.

Chân như pháp thể lìa tướng hữu-vô, lìa tướng ngôn thuyết, há có thể lấy tai nghe tâm được sao? Phải biết đắc đạo dưới cội bồ-đề thuyết pháp khắp các hội chỉ là ứng thân thôi. Báo thân và pháp thân vô đắc vô thuyết, nhưng ứng cơ thì pháp thân và báo thân thuyết mà không có thuyết. Cho nên không thể lấy hữu mà chấp thủ không thể lấy vô mà chấp thủ. Ngài Tu-bồ-đề hiểu ý Phật hỏi liền đáp rằng không có đạo để chứng, không có pháp để thuyết. Tại sao vậy? Dưới đây lại tự giải thích rõ ràng là vì không thể chấp thủ nên không thể nói chẳng phải pháp, cũng không phải phi pháp. Nói chẳng phải pháp là không thể lấy hữu mà chấp thủ, nói không phải phi pháp là không thể lấy vô mà chấp thủ. Vì không thể chấp thủ nên không thể thuyết, nhưng Như Lai rủ lòng từ ứng hiện có chứng có thuyết là vì đắc bản thể phi hữu phi vô. Tất cả Hiền Thánh là ba đời mười phương chư Phật và Bồ-tát đều dùng pháp vô vi là tự chứng lý chân đế, sai biệt là vì hóa độ chúng sanh mà dùng tục đế chư Phật thuyết pháp không lìa chân đế và tục đế. Phật Thích-ca chúng ta cũng thế.

 

Phần thứ 8 Y THEO PHÁP MÀ XUẤT SANH

Pháp của chư Phật 諸佛之法

Theo đây xuất sanh. 依此生出

Xuyên Lão chú: Nói vô đắc vô thuyết là vì sợ rơi chìm vào “không” tất cả chư Phật đều từ kinh này mà ra. Cho nên được lấy làm phần Y theo pháp mà xuất sanh.

Kinh: Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Nếu như có người chất đầy 7 loại báu(1) trong Tam thiên đại thiên thế giới, đem ra dùng để bố thí thì phước đức của người đó có nhiều chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Rất nhiều, thưa Thế Tôn. Bởi vì sao? Vì cái gọi là phước đức, tức vốn chẳng phải là tánh của phước đức, cho nên Như Lai mới nói là nhiều phước đức”.

Lục Tổ giải: Đem 7 loại báu chất đầy trong Tam thiên đại thiên thế giới(2) để bố thí, tuy được phước nhiều nhưng ở trên tánh đều không có lợi ích. 

1. Bảy loại báu: Theo kinh A-di-đ thì 7 loại báu gồm có kim (1), ngân (2), lưu ly (3), pha lê (4), xa cừ (5), xích châu (6), mã não (7).

2. Tam thiên đại thiên thế giới: Theo khái niệm về vũ trụ vào thời xưa, khi lấy núi Tu-di làm trung tâm, xung quanh có 7 núi 8 biển, lại có núi Thiết-vi làm bức thành bao quanh, đó là một Tiểu thế giới. Gộp một ngàn cõi Tiểu thế giới lại, gọi là một cõi Tiểu thiên thế giới, một ngàn cõi Tiểu thiên thế giới gọi là một cõi Trung thiên thế giới, một ngàn cõi Trung thiên thế giới gọi là một Đại thiên thế giới. Vì cõi Đại thiên bao gồm cả Tiểu thiên và Trung thiên nên gọi là Tam thiên đại thiên thế giới. Như vậy một Đại thiên thế giới có một tỷ Tiểu thế giới.

 

Y theo ma-ha bát-nhã ba-la-mật-đa tu hành, khiến tự tánh chẳng đọa vào các cõi, đây gọi là tánh của phước đức. Tâm có năng-sở tức chẳng phải tánh của phước đức, tâm năng-sở diệt, đây gọi là tánh của phước đức. Tâm y theo lời Phật dạy, hạnh đồng với hạnh Phật, đây gọi là tánh của phước đức; không y theo lời Phật dạy, không thể noi theo hạnh Phật, tức chẳng phải là tánh của phước đức.

Kinh: Phật nói “Lại Nếu như có người theo trong kinh này mà thọ trì, nhẫn đến chỉ một bài kệ 4 câu, vì người khác mà thuyết giảng thì phước của người này hơn hẳn phước của người kia(1)”.

Lục Tổ giải: Đại ý của 12 bộ kinh đều ở trong 4 câu, làm sao biết? Vì trong các kinh tán thán bài kệ 4 câu tức là ma-ha bát-nhã ba-la-mật-đa, vì ma-ha bát-nhã là mẹ của chư Phật, ba đời chư Phật đều y theo kinh này tu hành, mới được thành Phật, Bát-nhã tâm kinh nói “Ba đời chư Phật đều y theo bát-nhã ba-la-mật-đa, cho nên đắc A nậu- đa-la Tam miểu Tam bồ-đề”. Theo thầy học đạo là thọ, hiểu nghĩa tu hành là trì, tự hiểu tự hành là lợi mình, vì người mà diễn nói là lợi người, công đức rộng lớn, không có ngằn mé.

1. Phước chất đầy 7 loại báu trong tam thiên đại thiên thế giới.

 

Xuyên Lão chú: Cốt yếu là hướng vào vô tâm mà đắc.

Tụng rằng:

Báu đầy tam thiên và đại thiên

Phước duyên chẳng thể lìa nhân-thiên

Nếu biết phước đức nguyên vô tánh

Mua được phong quang(1)  chẳng cần tiền.

Kinh: Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ kinh này mà ra.

Lục Tổ giải: Kinh này là chẳng phải chỉ văn của một quyển kinh này, mà chủ yếu là muốn hiển bày Phật tánh, từ thể khởi dụng, diệu lợi vô cùng. Bát-nhã là trí huệ, trí là biết lấy phương tiện làm công, huệ là lấy quyết tâm đoạn dứt làm dụng, tức trong tất cả thời đều giác chiếu tâm. Ở đây muốn nói là tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều từ giác chiếu sanh, cho nên mới nói đều từ kinh này mà ra.

Xuyên Lão chú: Hãy nói coi kinh này từ đâu ra? Tâm sóng biển cả trên đỉnh Tu-di. 

Tụng rằng:

Phật Tổ từ bi thật quyền biến

Lời lời chẳng lìa kinh thuyết tuyên

Xuất xứ kinh này còn phải bỏ 

Khéo lái thuyền sắt ở trong mây.

Kỵ nhất là hiểu lầm.

1. 風光可愛 (phong quang khả ái): Tiếng dùng trong Thiền lâm. Sáng sủa dễ ưa. Từ ngữ dùng để miêu tả phong thái rạng rỡ, dung nghi đĩnh đặc của thiền sư, hoặc chỉ cho cơ dụng tự do, tự tại đáng mừng.

 

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Cái gọi là Phật và pháp, tức vốn chẳng phải là Phật và pháp.

Lục Tổ giải: Ý nói tất cả mọi văn tự chương cú đều như bản đồ như ngón tay. Bản đồ và ngón tay là nghĩa của phương tiện hình ảnh và âm hưởng. Y theo bản đồ mà lấy được báu vật, y theo ngón tay chỉ mà nhìn thấy mặt trăng. Mặt trăng chẳng phải ngón tay, bản đồ chẳng phải báu vật. Chỉ y theo kinh mà đắc pháp, kinh chẳng phải pháp, văn kinh thì mắt thịt thấy được, còn pháp thì mắt huệ mới có thể thấy. Nếu không có mắt huệ thì chỉ thấy văn mà không thấy pháp, nếu không thấy pháp thì chẳng hiểu ý Phật, chẳng hiểu ý Phật thì tụng kinh không thành Phật đạo.

Xuyên Lão chú: Có thể cầm quả ngọt đổi trái bầu đắng của ông.

Tụng rằng:

Phật pháp phi pháp, năng giữ năng đoạt

Có tha có bắt, có cứu có giết

Chặng mày thường phóng bạch hào quang

Người si vẫn chờ hỏi Bồ-tát.

Đây là đo lường công đức trì thuyết, nên Phật mới hỏi “Nếu như người nào lấy 7 loại báu của đại thiên thế giới ra bố thí, vậy phước của người đó nhiều không?”, ngài Tu-bồ-đề hiểu ý đáp rằng “Rất nhiều”, vì phước đức này lìa phước đức tự tánh nên mới nói là nhiều, nhưng phước báo bố thí của thế gian là nhân quả hữu lậu. Ai thọ trì kinh này, vì người mà diễn thuyết, thường hướng đến bồ-đề thì phước của người này hơn phước của người kia. Nói cho đến bài kệ 4 câu là nêu ra một chút, huống gì là nhiều. Tại sao vậy? Vì thân và pháp sở chứng của chư Phật đều từ bát-nhã ra, bát-nhã là mẹ của chư Phật. Thế nhưng Phật vì sợ chấp thủ vào bát-nhã, cho nên mới bảo rằng cái gọi là Phật và pháp, tức vốn chẳng phải là Phật và pháp.

 

Phần thứ 9 NHẤT TƯỚNG VÔ TƯỚNG

Chỉ một tướng này 只此一相

Vô hình xưa nay.  本來無形

Xuyên Lão chú: Quả vị tuy có 4 tướng, nhưng gốc thì không có hai. Cho nên được lấy làm phần Nhất tướng vô tướng.

Phần đoạn nghi thứ 4 “Hàng Thanh văn tự thấy đắc quả là thủ chấp” chỗ nghi này từ trong chỗ nghi thứ 3 “Không thể chấp vào ngôn thuyết” mà ra.

Kinh: Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Tu-đà-hoàn có thể nghĩ rằng ta đắc quả vị Tu-đà-hoàn chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Thưa Thế Tôn, không thể được”.

Lục Tổ giải: Tu-đà-hoàn là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là Nghịch lưu, đi ngược dòng sanh tử, chẳng nhiễm 6 trần, duy chỉ tu nghiệp vô lậu, các phiền não thô nặng chẳng sanh, chắc chắn không thọ thân trong các loài địa ngục, súc sanh, A-tu-la, đây gọi là quả Tu-đà-hoàn. Nếu liễu ngộ pháp vô tướng thì không có tâm đắc quả còn một chút tâm đắc quả cũng không gọi là Tu-đà-hoàn, cho nên ngài Tu-bồ-đề mới đáp “Không thể được”.

 

Kinh: Bởi vì sao? Vì Tu-đà-hoàn gọi là Nhập Lưu mà không có chỗ nhập, không nhập vào sắc-thanh- hương-vị xúc-pháp. Cho nên mới gọi là Tu-đà-hoàn.

Lục Tổ giải: Lưu là dòng Thánh, Người tu-đà-hoàn đã lìa phiền não thô nặng, cho nên được nhập dòng Thánh, mà không có chỗ nhập, không có tâm đắc quả Tu-đà- hoàn là quả vị đầu tiên của người tu hành.

Xuyên Lão chú: Tu-đà-hoàn là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là Nhập Lưu. Đây là quả vị đầu tiên của hàng Thanh văn chứng đã đoạn kiến hoặc(1), lìa 4 nẻo ác(2), được dự vào dòng Thánh nhân, cho nên gọi là Nhập Lưu. Nói không có chỗ nhập là không chấp vào dòng sở nhập, cũng không chấp vào cảnh giới của 6 trần, cho nên ngài Tu-bồ-đề mới nói là không có chỗ nhập.

Kinh: Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Tư-đà-hàm có thể nghĩ rằng ta đắc quả vị Tư-đà-hàm chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Thưa Thế Tôn, không thể được. Bởi vì sao? Vì Tư-đà-hàm gọi là Nhất vãng lai, mà thật ra vốn không có vãng lai. Cho nên mới gọi là Tư đa- hàm”. 

1. 惑 (kiến hoặc): Tên đầy đủ là kiến đạo sở đoạn hoặc, cũng gọi kiến phiền não, kiến chướng, kiến nhất xứ trụ địa. Chỉ cho những phiền não được đoạn diệt khi tiến lên giai vị kiến đạo. Còn những phiền não được đoạn diệt khi đạt đến giai vị tu đạo, thì gọi là tu hoặc (hay tư hoặc).

2. Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la.

 

Lục Tổ giải: Tư-đà-hàm là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là Nhất vãng lai, xả phiền não ràng buộc của ba cõi, trói buộc của ba cõi dứt, cho nên gọi là Tư-đà-hàm. Tư-đà-hàm gọi là Nhất vãng lai, một lần đến đi nghĩa là từ cõi Thiên chết sanh đến nhân gian, từ nhân gian chết sanh lên cõi Thiên lại, cuối cùng ra khỏi sanh tử nghiệp của ba cõi hết gọi là quả Tư-đà-hàm. Tư-đà-hàm theo Đại thừa là mắt nhìn thấy các cảnh, tâm có một lần sanh một lần diệt, không có sanh diệt lần thứ 2, cho nên gọi là Nhất vãng lai. Niệm trước khởi vọng, niệm sau liền dừng, niệm trước có chấp, niệm sau liền lìa, cho nên thật ra không có đến đi.

Xuyên Lão chú: Tư-đà-hàm là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là Nhất vãng lai. Đây là quả vị thứ 2 của hàng Thanh văn chứng, vì cõi Dục có 9 phẩm tư hoặc(1), 6 phẩm trước đã đoạn, 3 phẩm sau chưa đoạn, còn phải thọ sanh vào cõi Dục một lần nữa, cho nên mới nói là Nhất lai. Nói thật ra không có vãng lai là nói không chấp vào tướng của vãng lai.

1. 九品思惑 (cửu phẩm tư hoặc): Hoặc ở đây là phiền não có trong chúng sanh từ khi sinh ra, chỉ giải trừ được bằng cách tu đạo. Dựa vào sự thô lớn và nhỏ nhiệm mà chia 4 loại tư hoặc là tham, sân, mạn, vô minh làm 3 bậc thượng-trung-hạ. Cũng gọi là cửu phẩm phiền não. Trong ba cõi có 9 địa là cõi Dục, bốn Thiền, bốn Vô sắc. Trong 9 địa thì cõi Dục có đủ 4 loại tư hoặc, còn bốn Thiền và bốn Vô sắc thì chỉ có ba, trừ sân. Ba tư hoặc ở mỗi địa lại chia làm thượng thượng cho đến hạ hạ cộng thành 9 phẩm, cộng chung 9 địa là 81 phẩm, gọi là 81 phẩm tư hoặc, thông cả hữu lậu vô lậu. Phàm phu cũng có thể đoạn được 72 phẩm của 8 địa dưới. Bậc Thánh ở giai vị tu đạo, nếu đoạn được 6 phẩm tư hoặc trước của cõi Dục thì chứng quả thứ hai, đoạn được 9 phẩm của cõi Dục thì chứng quả thứ ba, dứt hết tất cả 72 phẩm của cõi Sắc và cõi Vô sắc thì chứng được quả thứ tư.

 

Kinh: Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? A-na- hàm có thể nghĩ rằng ta đắc quả vị A-na-hàm chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Thưa Thế Tôn, không thể được. Bởi vì sao? Vì A-na-hàm gọi là Bất lai, mà thật ra chẳng có gì gọi là không có đến. Cho nên mới gọi là A-na-hàm”.

Lục Tổ giải: A-na-hàm là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là Bất hoàn (không trở lại), cũng gọi là Xuất dục. Xuất dục là bên ngoài không thấy cảnh để ham muốn, bên trong không có dục tâm để khởi, chắc chắn không đến cõi Dục thọ sanh, cho nên gọi là Bất lai (chẳng đến), mà thật ra chẳng có gì gọi là không có đến, cũng gọi là Bất hoàn. Vì tập khí của ham muốn vĩnh viễn dứt trừ chắc chắn chẳng đến thọ sanh, cho nên gọi là A-na-hàm.

Xuyên Lão chú: Các hành vô thường, tất cả đều khổ

Tụng rằng:

Tam quả Thanh văn đã xuất trần

Vãng lai cầu tĩnh có sơ thân

Minh minh tứ quả nguyên vô quả

Huyễn hóa không thân tức pháp thân.

A-na-hàm là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là Bất lai, là quả vị thứ 3 của hàng Thanh văn đã đoạn sạch tư hoặc của cõi Dục, không còn đến thọ sanh trong cõi Dục nữa, cho nên mới gọi là Bất lai. Nói thật ra chẳng có gì gọi là không có đến đó là nói không chấp vào tướng của Bất lai.

Kinh: Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? A-la- hán có thể nghĩ rằng ta đắc đạo quả A-la-hán chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Thưa Thế Tôn, không thể được”.

 

Lục Tổ giải: Các lậu đã hết, không còn phiền não gọi là A-la-hán. A-la-hán là phiền não vĩnh viễn dứt, không tranh chấpvới ai nữa. Nếu khởi tâm đắc quả tức là có tranh chấp.

Kinh: Bởi vì sao? Vì thật ra không có pháp gọi là A-la-hán. Thưa Thế Tôn! Nếu như A-la-hán nghĩ rằng ta đắc đạo quả A-la-hán, tức là chấp vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

Lục Tổ giải: A-la-hán là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là Vô tránh (không tranh), không có phiền não để đoạn, không có tham sân để lìa, tánh không có thuận nghịch, tâm và cảnh đều “không” trong ngoài thường tịch. Nếu có tâm đắc quả tức giống phàm phu, cho nên mới đáp không thể được.

Xuyên Lão chú: Âm tiếng Phạn là A-la-hán, tiếng Hoa là Vô học, đây là quả vị thứ 4 của hàng Thanh văn đã đoạn sạch hết phiền não của ba cõi, đến được chân lý rốt ráo không còn pháp nào để học, cho nên mới gọi là Vô học. Nói thật ra không có pháp gọi là A-la-hán đó gọi là không chấp vào quả vị Vô học, nếu chấp vào đây là chấp vào 4 tướng.

Đoạn này làm sáng tỏ 4 quả lìa chấp thủ, luận rằng xưa nay nói không có Phật quả để thành, không có Phật pháp để thuyết thì làm sao chấp thủ mà nói là chứng 4 quả vì sợ khởi nghi chỗ này nên Phật theo đây mà hỏi, ngài Tu-bồ-đề đều đáp lấy lìa chấp thủ mà hiểu sâu ý của Phật.

Kinh: Thưa Thế Tôn! Phật nói con đức tam-muội Vô tránh là bậc nhất trong loài người, là bậc nhất trong bậc A-la-hán lìa dục. Thưa Thế Tôn! Con không nghĩ rằng mình là bậc A-la-hán lìa dục.

Lục Tổ giải: Thế nào gọi là tam-muội Vô tránh? Đó là nói tâm của A-la-hán không có sanh diệt đến đi, chỉ có bản giác thường chiếu, cho nên gọi là tam-muội Vô tránh. Tam-muội là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là chánh thọ cũng gọi là chánh kiến, xa lìa tà kiến của 95 loại ngoại đạo, đây gọi là chánh kiến. 

Nhưng trong hư không cũng có sáng tối tranh nhau, trong tánh có tà chánh tranh nhau. Niệm niệm thường chánh, không có một niệm tâm tà tức là tam-muội Vô tránh. Ai tu tam-muội này, là bậc nhất trong loài người. Nếu có một niệm tâm đắc quả thì không gọi là tam-muội Vô tránh.

Xuyên Lão chú: Cắt đứt quét sạch thì mây che chắn miệng hang, dùng phương tiện tiếp dẫn thì trăng rụng trong đầm lạnh.

Tụng rằng:

Gọi ngựa đâu từng ngựa

Gọi trâu chưa hẳn trâu 

Hai đầu rơi xuống mất

Trung đạo cùng lúc tiêu

Sáu cửa(1)  chim cắt(2)  bay vút  trời

Càn khôn riêng rảo bước thong dong.

Kinh(3): Thưa Thế Tôn! Nếu con nghĩ rằng mình đắc đạo quả A-la-hán thì Thế Tôn đã không có nói “Tu-bồ-đề là hành giả vui thích hạnh A-lan-na”. Vì thật ra Tu-bồ-đề con vốn không có chỗ hành, cho nên mới gọi Tu-bồ-đề là hành giả vui thích hạnh A-lan-na.

Lục Tổ giải: A-lan-na là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là hạnh vô tránh, vô tránh tức là hạnh thanh tịnh, hạnh thanh tịnh là dứt trừ tâm có sở đắc. Nếu còn tâm có sở đắc tức là có tranh chấp, có tranh chấp thì chẳng phải đạo thanh tịnh, thường được tâm vô sở đắc tức là hạnh vô tránh. 

1. Sáu căn.

2. Loài chim cắt, tính hung dữ bay rất nhanh (nhanh như cắt). Người săn bắn thường luyện cho thuần để bắt chim, thỏ

3. 世尊。我若作是念。我得阿羅漢道。世尊即不說須菩提是樂阿蘭那行者。以須菩提實無所行而名須菩提是樂阿蘭那行 [Thế Tôn, ngã nhược tác thị niệm, ngã đắc A-la-hán đạo, Thế Tôn tức bất thuyết Tu-bồ-đề thị lạc a-lan-na hành giả, dĩ Tu-bồ-đề thật vô sở hành nhi danh Tu-bồ-đề thị lạc a-lan-na hạnh].

 

Xuyên Lão chú: Chấp theo như trước đã đắc cũng không phải.

Tụng rằng:

Minh châu trong bụng sò

Bích ngọc ẩn trong đá

Hữu xạ tự nhiên hương

Đâu cần đứng trước gió

Kế sống nhìn ra tựa như không

Ứng dụng nơi nơi đều đầy đủ

Đoạn này ngài Tu-bồ-đề dẫn ra chỗ chứng của chính mình lìa chấp thủ, khiến người sanh lòng tin, mà quả sở chứng của ngài Tu-bồ-đề là địa vị Vô học không sai lầm, cho nên Thế Tôn đặc biệt khen là bậc nhất vì không có tranh luận. A-lan-na là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa là Vô tránh. Vô tránh gọi là lìa hai chướng, một là hoặc chướng, hai là trí chướng, lìa trí thì không chấp vào pháp, lìa hoặc thì không chấp vào phi pháp. Nói thật ra không có chỗ hành đó gọi là không chấp vào hạnh của sở hành.

 

Phần thứ 10 TỊNH ĐỘ TRANG NGHIÊM

Thành tựu trang nghiêm 成就莊嚴

Tịnh minh tâm địa.       淨明心地

Xuyên Lão chú: Tâm thanh tịnh sanh thì Tịnh độ trang nghiêm, vì các tướng tức chẳng phải trang nghiêm. Cho nên được lấy làm phần Tịnh độ trang nghiêm.

Phần đoạn nghi thứ 5 “Phật Thích-ca ở trước Phật Nhiên Đăng có thủ đắc nói mình đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”, chỗ nghi này cũng từ chỗ nghi thứ 3 “Không thể thủ đắc, không thể thuyết” mà ra.

Kinh: Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề “Ý ông thế nào? Xưa kia, Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, nơi pháp có chỗ đắc chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Thưa Thế Tôn, không có. Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, nơi pháp thật ra không có chỗ đắc”.

Lục Tổ giải: Phật sợ ngài Tu-bồ-đề có tâm đắc pháp, vì muốn trừ mối nghi này cho nên mới hỏi vậy. Ngài Tu- bồ-đề biết pháp không có sở đắc, mà thưa Phật rằng dạ không. Phật Nhiên Đăng là thầy thọ ký cho Phật Thích-ca, cho nên hỏi ngài Tu-bồ-đề “Ta ở chỗ Phật Nhiên Đăng có pháp nào để đắc chăng?”, ngài Tu-bồ-đề liền đáp “Pháp nhân thầy khai thị mà thật ra không có chỗ đắc”.

 

Chỉ cần ngộ tự tánh xưa nay thanh tịnh, vốn không có trần lao, tịch nhiên(1) thường chiếu tức tự thành Phật. Phải biết Thế Tôn ở chỗ Phật Nhiên Đăng, nơi pháp thật ra không có chỗ đắc, pháp của Như Lai ví như ánh sáng mặt trời chiếu soi, không có ngằn mé mà cũng không thể nắm giữ.

Xuyên Lão chú: Xuyên Lão ta nói xưa như thế, nay cũng như thế.

Tụng rằng:

Một tay chỉ đất một tay chỉ trời

Mảy may chẳng thấy Đông Tây Nam Bắc

Về sau tâm dũng mãnh như Thiên

Vô hạn quần ma rút lui hết.

Đoạn này đoạn nghi Phật Thích-ca được Phật Nhiên Đăng thọ ký, ngài Tu-bồ-đề nói ra chỗ chứng của mình lìa chấp thủ mà ngài đã đắc. Song Như Lai lại sợ ngài Tu- bồ-đề nghi xưa kia Như Lai được Phật Nhiên Đăng thọ ký, nơi pháp thật có chỗ đắc nên mới hỏi như vậy. Ngài Tu-bồ-đề đáp rằng thật ra không có chỗ đắc mà không còn nghi nữa. Nhiên Đăng được Đại trí độ luận giải thích rằng lúc Phật Nhiên Đăng sanh ra, thân sáng như đèn cho đến khi thành đạo, nên gọi là Nhiên Đăng.

1. 寂然 (tịch nhiên): Lặng lẽ an nhiên, chỉ cho trạng thái tịch tĩnh vô sự hoặc chỉ cho cảnh giới rỗng rang bình lặng hiện bày trong tâm.

 

Phần đoạn nghi thứ 6 “Tịnh độ trang nghiêm trái với chỗ không thủ chấp” chỗ nghi này cũng từ trong chỗ nghi thứ 3 “Không thể thủ chấp” mà ra.

Kinh: Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Bồ tát có trang nghiêm cõi Phật chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Thưa Thế Tôn, không có. Bởi vì sao? Vì cái gọi là trang nghiêm cõi Phật, tức vốn chẳng phải là trang nghiêm, cho nên mới gọi là trang nghiêm”.

Lục Tổ giải: Cõi Phật thanh tịnh, không có hình tướng, đâu có vật chất gì mà có thể trang nghiêm được, chỉ có lấy tánh báu vật của định-huệ giả gọi là trang nghiêm. Sự-lý trang nghiêm gồm có ba. Thứ nhất trang nghiêm cõi Phật thế gian là xây chùa, chép kinh, bố thí, cúng dường. Thứ hai trang nghiêm cõi Phật trong thân, thấy tất cả mọi người mà đều hành khắp hạnh cung kính. Thứ ba trang nghiêm cõi Phật trong tâm, tâm tịnh tức cõi Phật tịnh, niệm niệm thường tu tâm Phật.

Xuyên Lão chú: Bản lai diện mục, áo vải ở Thanh Châu.

Tụng rằng:

Giũ bỏ toàn thân trắng hơn sương

Hoa lau trăng tuyết càng tranh sáng

May có Cửu Cao thế nhấc chân

Lại thêm mũ đỏ đâu còn ngại.

 

Kinh: Phật nói “Vì vậy này Tu-bồ-đề! Chư Bồ-tát ma-ha-tát, phải nên như vậy mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ vào sắc mà sanh tâm, không nên trụ vào thanh-hương-vị xúc-pháp mà sanh tâm, phải nên ở nơi không có chỗ trụ mà sanh tâm ấy”.

Lục Tổ giải: Đoạn này nói Người tu hành không nên bàn chuyện thị phi của người khác, tự nói ta có khả năng, ta hiểu biết, tâm khinh người chưa học, đây chẳng phải là tâm thanh tịnh. Tự tánh thường sanh trí huệ, tu tâm bình đẳng từ bi khiêm hạ, cung kính tất cả chúng sanh, đây là tâm thanh tịnh của người tu hành. Nếu chẳng tự tịnh tâm mình, ái chấp chỗ thanh tịnh, tâm có chỗ trụ, tức là chấp pháp tướng, thấy sắc chấp sắc, trụ sắc sanh tâm, tức là người mê. Thấy sắc lìa sắc, chẳng trụ sắc sanh tâm, tức là người ngộ. Trụ sắc sanh tâm như mây che bầu trời, chẳng trụ sắc sanh tâm như hư không không có mây, trời trăng thường chiếu. Trụ sắc sanh tâm tức là vọng niệm, chẳng trụ sắc sanh tâm tức là chân trí, vọng niệm sanh thì tối, chân trí chiếu thì sáng, sáng thì phiền não chẳng sanh, tối thì 6 trần tranh khởi.

Xuyên Lão chú: Mặc dù như vậy, nhưng khổ nỗi ở trước mặt thì biết sao giờ

Tụng rằng:

Thấy sắc không dính sắc

Nghe thanh chẳng phải thanh

 

Sắc thanh đều chẳng ngại

Thân đến Pháp vương(1) thành.

Lùi lại, lùi lại, nhìn kìa đá cứng nhúc nhích!

Tụng rằng:

Sơn đường đêm lặng ngồi không nói

Tịch tịch liêu liêu vốn tự nhiên

Việc gì gió Tây động núi rừng

Lạnh rét nhạn kêu khóc trời xa.

Ý hỏi rằng Bồ-tát tu lục độ phạm hạnh, trang nghiêm Tịnh độ hiện thân thuyết pháp là có chỗ thủ chấp, thì sao lại nói là không thủ chấp? Ý đáp Bồ-tát tuy tu phạm hạnh, trang nghiêm nhưng đó là hạnh vô tác xứng tánh trang nghiêm, vì vậy nói tức chẳng phải trang nghiêm, nên mới gọi là trang nghiêm. Rồi Như Lai còn dặn bảo ngài Tu- bồ-đề rằng Bồ-tát phải nên sanh tâm thanh tịnh như vậy, là chẳng phải giữ lấy mà giữ lấy, như kinh Duy-ma nói “Theo tâm ấy tịnh thì cõi Phật tịnh” là vậy. Nếu ở nơi 6 trần mà chấp thủ thì không gọi là thanh tịnh, cho nên Phật lại bảo rằng phải nên ở nơi không có chỗ trụ mà sanh tâm ấy.

1. Pháp vương là vua pháp, danh từ tôn xưng đức Phật. Vương có nghĩa tối thắng, tự tại. Phật là chủ các pháp môn, có năng lực tự tại giáo hóa chúng sanh, vì thế gọi là Pháp vương.

 

Phần đoạn nghi thứ 7 “Thọ được báo thân là thủ chấp” chỗ nghi này cũng từ trong chỗ nghi thứ 3 “Không thể thủ chấp” mà ra.

Kinh: “Này Tu-bồ-đề! Ví như có người, thân cao lớn như núi chúa Tu-di. Ý ông thế nào? Thân đó có lớn chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Thưa Thế Tôn, rất lớn. Bởi vì sao? Vì cái mà Phật nói vốn chẳng phải là thân, cho nên mới gọi là thân lớn”.

Lục Tổ giải: Sắc thân tuy lớn nhưng tâm lượng bên trong nhỏ thì chẳng gọi là thân lớn, tâm lượng bên trong lớn như cõi hư không mới gọi là thân lớn. Sắc thân dù lớn như núi Tu-di, nhưng cũng không phải là lớn.

Xuyên Lão chú: Nếu có hướng đến chỗ nào, thì hãy nhìn coi!

Tụng rằng:

Nghĩ ôm Tu-di làm thân ảo

Dẫu anh dũng khí tâm thêm bạo

Trước mắt chỉ ra muôn việc có

Ta nói trong ấy thảy đều không.

Hãy theo đó mà nhập!

 

Tu-di Sơn là âm tiếng Phạn, Tu-di-lư tiếng Hoa là Diệu Cao, núi này do 4 loại báu tạo thành, cao nhất trong các núi, cho nên gọi là núi chúa. Báo thân của Phật xa lìa mọi phiền não gọi là chẳng coi trọng những việc kỳ đặc, đó gọi là Đại Phật. Ý hỏi rằng pháp của Thánh nhân đã vô vi, không có chỗ thủ đắc thì báo thân há lầm có thủ chấp sao? Vì Phật sợ có người nghi chỗ này nên mới nêu ra ví dụ để hỏi, mà ngài Tu-bồ-đề liền biết Tu-di tự nó không có phân biệt ta là núi chúa, cho nên được gọi là báo thân lớn. Lìa chấp thủ cũng lại như vậy, cho nên Phật mới nói rằng chẳng phải là thân, đó mới gọi là thân lớn.

 

Phần thứ 11 PHƯỚC THÙ THẮNG CỦA VÔ VI

Tu phước vô vi 修無為福

Hơn hẳn bố thí. 勝於布施

Xuyên Lão chú: Phước của hữu vi hạn lượng, có lúc sẽ hết. Phước của vô vi thù thắng, không gì sánh được, cho nên được lấy làm phần Phước thù thắng của vô vi.

Kinh: Phật bảo “Này Tu-bồ-đề! Như số cát trong sông Hằng, có số sông Hằng lại nhiều như số cát đó. Ý ông thế nào? Số cát trong tất cả sông Hằng đó có nhiều không?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Thưa Thế Tôn, rất nhiều. Vì chỉ riêng những sông Hằng ấy đã nhiều vô số rồi, huống gì là số cát có trong những con Sông đó”. Phật nói “Này Tu-bồ-đề! Nay Ta nói thật cho ông biết là nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, đem 7 loại báu nhiều như số cát của tất cả sông Hằng trong Tam thiên đại thiên thế giới mà bố thí thì có được phước đức nhiều chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Thưa Thế Tôn, rất nhiều”. Phật bảo ngài Tu-bồ-đề “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào ở trong kinh này, thậm chí dù chỉ thọ trì bài kệ 4 câu, đem nói cho người khác nghe thì phước đức của người này thù thắng hơn phước đức của người bố thí nói ở trước nhiều”.

 

Lục Tổ giải: Bố thí 7 loại báu được phước báo giàu sang trong ba cõi, giảng thuyết kinh điển đại thừa, khiến nhiều người nghe, sanh đại trí huệ, thành tựu đạo vô thượng. Cho nên phải biết phước đức của thọ trì hơn phước đức của bố thí 7 loại báu.

Xuyên Lão chú: Trước ba ba, sau cũng ba ba.

Tụng rằng:

Một hai ba bốn số hằng sa

Số cát hằng hà số thêm đa

Đếm xong trước mắt không một pháp

Mới được tĩnh xứ tát-bà-ha(1).

Thau(2) thiệt cũng không đổi lấy vàng.

1. Hán dịch là cát tường, thành tựu. Tát-bà-ha phần nhiều được dùng ở cuối các câu văn thần chú. Còn cảnh giới thành tựu, đạt được khi tọa thiền ở nơi yên tĩnh thì gọi là tĩnh xứ tát-bà-ha.

2. Thau là một loại khoáng thạch, giống như vàng màu vàng nhạt. Thời xưa gọi là thâu thạch 鍮石, nay thông dụng là hoàng đồng 黃銅. Ta gọi là thau.

 

Tụng rằng:

Vào biển đếm cát uổng phí sức

 Vất vả chưa thoát được trần ai

Đâu bằng lấy châu báu mình xài

Cây khô nở hoa mới đúng xuân.

Sông Hằng là con sông bên Ấn Độ, chu vi khoảng 40 dặm, Phật nhiều lần đến gần đó thuyết pháp, nên thường lấy đó làm ví dụ. Phần trước nói lấy 7 loại báu của một đại thiên thọ giải bố thí, so với dụ thọ trì kinh và truyền dạy cho người khác, thì phước đức sau hơn hẳn. Nay lấy 7 loại báu của vô lượng đại thiên thế giới bố thí, cũng không bằng người tự mình hành trì nhẫn đến bài kệ 4 câu trong kinh này và truyền dạy cho người khác cũng hành trì như vậy, thì phước của người hành trì này nhiều hơn hẳn phước của người bố thí kia. Phước bố thí trước ít, phước hành trì sau nhiều, vì từ từ hóa độ chúng sanh để khiến họ phát khởi tín tâm vậy.

KINH KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT

HẾT QUYỂN THƯỢNG

 

KINH KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT QUYỂN HẠ

Sa-môn Cưu-ma La-thập nước Hậu Tần thời Vũ Đế 

nhà Đông Tấn phụng chiếu dịch

Thái tử Chiêu Minh đời Lương trân trọng phân mục

Lục Tổ thiền sư Đại Giám Chân Không Phổ Giác

 đời Đường giải nghĩa

 

Phần thứ 12 TÔN TRỌNG CHÁNH GIÁO

Thọ trì chánh giáo     受持正教

Thiên nhân tôn trọng. 天人尊重

Xuyên Lão chú: Kinh này ở đâu thì Thiên long đều kính trọng, cho nên được lấy làm phần Tôn trọng chánh giáo.

Kinh: Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Chỗ nào tùy nghi thuyết giảng kinh này, thậm chí dù chỉ là bài kệ 4 câu thì phải biết chỗ này, tất cả thế gian, chư Thiên, người, A-tu-la đều phải nên cúng dường như tháp miếu thờ Phật.

Lục Tổ giải: Ở chỗ nào nếu có người giảng thuyết kinh này mà niệm niệm thường hành vô niệm, tâm không có tâm sở đắc, không khởi tâm năng-sở giảng nói. Nếu năng xa lìa mọi tâm chấp trước, thường y theo tâm vô sở đắc, tức ngay trong thân này có kim thân xá-lợi của Như Lai, cho nên nói như tháp miếu thờ Phật. Ai lấy tâm vô sở đắc thuyết giảng kinh này, đều cảm được Thiên long bát bộ(1) đến nghe thọ trì. Nếu tâm chẳng thanh tịnh, chỉ vì danh tiếng lợi ích mà thuyết giảng kinh này thì sau khi chết là rơi vào ba đường ác, có lợi ích gì đâu? Nếu tâm thanh tịnh mà thuyết giảng kinh này, khiến cho những ai nghe đều trừ được tâm mê vọng, ngộ được Phật tánh xưa nay, thường hành chân thật thì cảm được chư Thiên, người, A-tu-la thảy đến cúng dường người trì kinh.

1. 天龍八部 (thiên long bát bộ): Cũng gọi là Bát bộ chúng, chỉ cho 8 bộ Thiên, rồng. đó là: Thiên (1), Long (2), Dạ-xoa (3), A-tu-la (4), Ca-lâu-la (5), Càn- thát-bà (6), Khẩn-na-la (7), Ma-hầu la-ca (8). Trong 8 bộ chúng thì 2 chúng Thiên và Long là thượng thủ, cho nên nêu tên của 2 chúng này đại diện cho cả 8 bộ, vì thế mà gọi là Thiên long bát bộ.

 

Kinh: Huống gì lại có người dốc lòng thọ trì đọc tụng. Này Tu-bồ-đề! Phải biết người này thành tựu pháp tối thượng bậc nhất hiếm có. Nếu như chỗ nào có kinh này tức là có Phật, và các để tử đáng kính của Phật.

Lục Tổ giải: Tự tâm tụng được kinh này, tự tâm hiểu được nghĩa kinh, tự tâm thể hội được lý của vô trước vô tướng, ở đâu cũng thường tu hạnh Phật, niệm niệm tâm không có ngưng nghỉ, tức tự tâm là Phật. Cho nên nói chỗ nào có kinh này tức là có Phật.

Xuyên Lão chú: Phải nên như vậy.

Tụng rằng:

Tựa như biển sâu giống như núi chắc

Tả xoay hữu chuyển không đi không trụ

Sư tử lông vàng ra khỏi hang

Trọn uy gầm rống chồn cáo sợ

Thâm tư chẳng động dẫu loạn lạc

Quy nhiếp thiên ma ngoại đạo hàng.

Chỗ lưu lại xá-lợi của Phật gọi là tháp, chỗ thờ hình tượng Phật gọi là miếu, thành tựu pháp tối thượng bậc nhất hiếm có là thành tựu Phật quả bồ-đề vô thượng, ở chỗ nào nói bài kệ 4 câu của kinh này thì chư Thiên và người đều phải cung kính như tháp miếu Phật, huống gì là người có thể trì tụng hết bộ kinh. Kinh điển này ở đâu, chắc chắn đều được kính trọng như Phật hiện tại, và như các đệ tử đáng kính của Phật. Nói đệ tử Phật thuyết kinh này cũng phải tôn trọng, vì các ngài nối tiếp được huệ mạng của Phật vậy.

 

Phần thứ 13 NHƯ PHÁP THỌ TRÌ

Ngộ pháp như vậy 當如此法

Vâng thọ phụng trì.  承受奉持

Xuyên Lão chú: Đạo vô thượng không có tên gọi, vì mượn dùng phương tiện mà gọi thành danh để tu hành, vì hành giả thọ trì cho nên được lấy làm phần Như pháp thọ trì.

Kinh: Lúc đó, ngài Tu-bồ-đề thưa với Phật rằng “Thưa Thế Tôn! Kinh này nên đặt tên là gì? Chúng con phải phụng trì như thế nào?”, Phật bảo ngài Tu-bồ-đề “Kinh này gọi là KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT, theo tên gọi này, các ông phải nên phụng trì. Sở dĩ vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì cái mà Phật thuyết bát-nhã ba-la-mật, tức vốn chẳng phải là bát-nhã ba-la-mật, cho nên mới gọi là bát-nhã ba-la-mật”.

Lục Tổ giải: Phật nói bát-nhã ba-la-mật, khiến cho những người học dùng trí huệ dứt trừ tâm ngu sanh diệt, sanh diệt dứt sạch là đến bờ bên kia. Nếu tâm có sở đắc thì chẳng đến bờ bên kia, tâm không có một pháp nào để đắc tức là bờ bên kia, miệng nói tâm hành mới là đến bờ bên kia.

Xuyên Lão chú: Hôm nay ít ra ngoài mà gặp nhiều.

Tụng rằng:

Nước không thể dìm, lửa không thể đốt

Đao không thể bổ, gió không thể thổi

Cứng như vách sắt, mềm tựa đâu-la(1)

Trên trời nhân gian xưa nay chẳng hay.

Ối!

1. 兜羅 (đâu-la): Cũng gọi là đổ-la, đố-la, đâu-la miên, đâu-la trữ. Nghĩa là sợi bông, sợi bông mịn. Gọi chung bông sợi được lấy từ hoa quả các loại cây.

 

Vẫn còn khá hơn một chút.

Tụng rằng:

Một tay nâng, một tay cầm

Bên trái thổi, bên phải vỗ

Đàn không dây đánh nhạc vô sanh

Chẳng thuộc cung thượng tân cách điệu

Tri âm mới biết khúc khôn tả

Kinh: “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai có chỗ thuyết pháp chăng?”, ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng “Thưa Thế Tôn! Như Lai không có chỗ thuyết pháp”.

Lục Tổ giải: Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề “Như Lai thuyết pháp, tâm có sở đắc chăng?”, ngài Tu-bồ-đề biết tâm Như Lai không có sở đắc, cho nên mới thưa “Như Lai không có chỗ thuyết pháp”. Ý của Như Lai là muốn khiến cho người đời lìa tâm có sở đắc, cho nên nói pháp bát-nhã ba-la-mật, khiến tất cả người nghe đều phát tâm bồ-đề ngộ lý vô sanh, thành tựu đạo vô thượng.

Xuyên Lão chú: Khẽ thôi, nhỏ thôi!

Tụng rằng:

Vào cỏ tìm người biết sao đây

Dao bén chặt đất tay mò mẫm

Mặc dù ra vào bặt tung tích

Văn chương rực rỡ biết hay chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đã nghe pháp hy hữu này rồi thì lòng vui mừng, cho nên hỏi tên kinh và cách thọ trì. Phật đáp kinh này tên KIM CANG BÁT-NHÃ là vì đoạn được tất cả mọi nghi chấp, cho nên phải phụng trì như vậy mới đoạn được nghi chấp. Tuy dùng trí bát-nhã nhưng pháp tánh vốn “không”, không thể thủ chấp, cho nên nói tức chẳng phải bát-nhã ba-la-mật. Như Lai lại lo nghĩ ngài Tu-bồ-đề chưa đạt tánh “không” của bát-nhã, nói có ngôn thuyết, cho nên mới hỏi kỹ “Như Lai có thuyết pháp chăng?”, mà ngài Tu- bồ-đề biết rõ thuyết tức vô thuyết, nên mới đáp rằng Như Lai không có chỗ thuyết.

Kinh: Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Số vi trần có trong Tam thiên đại thiên thế giới, có nhiều chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Thưa Thế Tôn, rất nhiều”. Phật nói “Này Tu-bồ-đề! Các vi trần, Như Lai vốn nói chẳng phải là vi trần, cho nên mới gọi là vi trần. Cái mà Như Lai nói là thế giới, vốn chẳng phải là thế giới, cho nên mới gọi là thế giới”.

Lục Tổ giải: Như Lai nói vọng niệm trong tánh của chúng sanh, nhiều như số vi trần có trong Tam thiên đại thiên thế giới, tất cả chúng sanh bị vọng niệm nhiều như vi trần khởi diệt chẳng ngưng, che lấp Phật tánh, chẳng được giải thoát. Nếu có thể niệm niệm chân chánh tu hạnh của bát-nhã ba-la-mật vô trước vô tướng, thì liễu ngộ vọng niệm trần lao là pháp tánh thanh tịnh. Vọng niệm đã không có thì chẳng phải vi trần, đây mới gọi là vi trần. Liễu ngộ chân là vọng, liễu ngộ vọng là chân, chân và vọng đều dứt trừ không còn pháp nào nữa, cho nên mới gọi là vi trần.

Trong tánh không có trần lao tức là thế giới của Phật, trong tâm có trần lao tức là thế giới của chúng sanh. Liễu ngộ mọi vọng niệm rỗng lặng, cho nên mới nói chẳng phải là thế giới. Chứng được pháp thân của Như Lai, thấy khắp cõi nước, không đâu mà chẳng được ứng dụng, đây mới gọi là thế giới.

 

Xuyên Lão chú: Nam Thiệm-bộ châu(1), Bắc Uất-đan việt(2). 

Tụng rằng:

Đầu chỉ trời, chân đạp đất

Đói thì ăn, mệt thì ngủ

Đông Độ Tây Thiên

Tây Thiên Đông Độ

Mùng một tháng giêng là đầu năm

Nam Bắc Đông Tây đều như thế.

Đoạn văn này, ý từ đoạn bố thí được phước trước mà ra, bởi lấy 7 loại báu trong vô lượng đại thiên thế giới bố thí, tuy được phước nhiều nhưng vẫn là cái nhân của tham sân si phiền não ô nhiễm mà lưu chuyển trong sanh tử. Cho nên lấy vi trần thế giới để ví dụ trần là vật vô tình, chẳng sanh cái nhân của tham sân si phiền não ô nhiễm là vậy. Phước báo hữu vi chẳng bằng vi trần vô tình, thì huống gì người trì nói kinh này là xa lìa cái nhân của phiền não, đắc được bồ-đề mà không hơn sao? Chẳng phải là vi trần, chẳng phải là thế giới là chẳng phải cái nhân của phiền não ô nhiễm vi trần thế giới, vô ký giống như vô tình gọi là không khởi thiện ác.

1. Là cõi con người đang sống.

2. Con người ở châu này, sanh ra liền tự lớn lên, thọ đủ ngàn năm, ăn mặc tự nhiên, phước thọ bình đẳng.

 

Kinh: “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Có thể dùng 32 tướng để thấy Như Lai chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Thưa Thế Tôn, không thể được. Không thể dùng 32 tướng để thấy Như Lai. Bởi vì sao? Vì cái mà Như Lai nói là 32 tướng, tức vốn chẳng phải là tướng, cho nên mới gọi là 32 tướng”.

Lục Tổ giải: 32 tướng là 32 hạnh thanh tịnh, 32 hạnh thanh tịnh là ở trong ngũ căn(1) tu 6 ba-la-mật, ở trong ý căn tu vô tướng vô vi, đây gọi là 32 hạnh thanh tịnh. Thường tu 32 hạnh thanh tịnh này, tức được thành Phật. Nếu chẳng tu 32 tướng hạnh thanh tịnh thì cuối cùng không thành Phật. Vì chỉ ái chấp 32 tướng của Như Lai, tự chẳng tu 32 hạnh, nên cuối cùng không được thấy Như Lai.

Xuyên Lão chú: Mượn áo của bà mừng tuổi bà.

Tụng rằng:

Anh có ta cũng có

Anh không ta cũng không

Có không đều chẳng lập

Tương đối miệng mõm đồng.

Ba mươi hai tướng là tướng của ứng thân, chẳng phải tướng là chẳng phải tướng của pháp thân, nên mới gọi là 32 tướng là có cảm thì có ứng, chẳng ngại nói 32 tướng. Phước của bố thí châu báu dù có thể thành thân tướng của Phật, nhưng chỉ là ứng thân, không bằng công đức của người trì nói kinh này, có thể thành tựu thể của pháp thân.

1. 五根 (ngũ căn): Tức 5 căn vô lậu, dùng để hàng phục phiền não, đưa vào Thánh đạo và có tác dụng tăng thượng, thuộc trong 37 phẩm trợ đạo, gồm có (1) Tín căn là niềm tin vào tam bảo, đạo lý tứ đế. (2) Tấn căn, hay còn gọi là tinh tấn căn, siêng năng dũng mãnh tu các pháp lành. (3) Niệm căn là nghĩ nhớ đến các pháp đúng. (4) Định căn là năng lực khiến cho tâm dừng lại một chỗ không bị tán loạn. (5) Tuệ căn là nhờ có định mà trí huệ quán xét sanh khởi, cho nên biết được như thật chân lý. Năm pháp này là căn bản thường khiến cho sanh khởi hết thảy các thiện pháp.

 

Kinh: Phật nói “Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân, dùng thân mạng nhiều như số cát trong sông Hằng để bố thí. Nếu lại có người ở trong kinh này, cho đến chỉ thọ trì bài kệ 4 câu, vì người khác mà thuyết giảng thì phước đức của người này hơn hẳn phước đức của người kia rất nhiều”.

Lục Tổ giải: Người thế gian quý trọng nhất không gì hơn thân mạng, Bồ-tát vì pháp mà ở trong vô lượng kiếp xả thí thân mạng cho tất cả chúng sanh. Phước ấy tuy nhiều, nhưng cũng không bằng phước của thọ trì 4 câu trong kinh này. Nhiều kiếp xả thân mà chẳng liễu đạt nghĩa của “không” vọng tâm chẳng trừ thì vẫn là chúng sanh. Một niệm trì kinh, ngã-nhân bỗng dứt, vọng tưởng đã trừ thì ngay lời nói thành Phật. Cho nên biết nhiều kiếp xả thân cũng không bằng phước của trì 4 câu trong kinh này.

Xuyên Lão chú: Bản lĩnh ngang nhau, không phân cao thấp(1). Tụng rằng:

Tay giấu dùi bén không đổi kiếm

Người khéo đều khiển thảy đều dụng

1. 兩彩一賽 (lưỡng thải nhất tái): Tiếng dùng trong Thiền lâm. Thải (ta quen đọc là thái) nghĩa là đánh bạc được, tái nghĩa là ganh đua hơn thua với nhau. Lưỡng thải nhất tái vốn có nghĩa là sau một hồi ganh đua, cuối cùng 2 người đều được cả, không phân biệt kẻ thắng người bại. Trong Thiền lâm, nhóm từ này được dùng để chỉ cho 2 vị thiền giả dùng cơ duyên vấn đáp để thăm dò cảnh giới chứng ngộ của nhau, nhưng bản lĩnh của 2 bên đều ngang nhau, không phân cao thấp.

 

Chẳng cần an bài vốn hiện thành(1)

Trong ấy phải là gã anh linh

La la lý lý la la

Hoa núi cười, chim rừng ca

Lúc này ai được ý

Tùy xứ tát-bà-ha.

Bố thí 7 loại báu là tài vật bên ngoài, bố thí thân mạng là tài vật bên trong. Bố thí thân là như vua Thi-tỳ(2) cắt thịt thân mình cho chim ưng ăn để cứu mạng chim bồ câu. Bố thí mạng là như vương tử Tát-đóa(3) leo lên ngọn cây gieo mình xuống đất cho hổ mẹ ăn thịt để nuôi 7 con cọp con. Lấy nhẹ so với nặng thì tài vật bên ngoài coi nhẹ dễ quý trọng tài vật bên trong hơn. Thế nhưng 2 cách bố thí này đều là nhân quả hữu vi hữu lậu, đều không bằng diệu quả của người trì nói bài kệ 4 câu của kinh này mà đắc được bồ-đề.

1. 現成 (hiện thành): Tiếng dùng trong Thiền Lâm. Thành tựu ngay trong hiện tiền, tức là chân lý tuyệt đối tự nhiên hiện bày, mà không cần sự nỗ lực đặc biệt nào. Ngoài ra còn có từ ngữ “hiện thành để kiến” (現成底見), cũng có nghĩa là hết thảy muôn pháp hiện tiền đều có thật, tự nhiên sinh ra chứ không do nhân duyên nào cả. Quan điểm này giống như chủ trương của ngoại đạo Tự nhiên.

2. 尸毗王 (Thi-tỳ vương): Vị Thánh vương ở Ấn Độ thời xưa cắt thịt thân mình cho chim ưng ăn để cứu mạng chim bồ câu, cũng là tiền thân của Phật Thích-ca khi còn tu hạnh Bồ-tát ở đời quá khứ. Cắt thịt trên thân mình cho chim ưng ăn là sự tích rất nổi tiếng trong các sự tích bản sinh của đức Phật.

3. 薩埵 (Tát-đóa): Tên của đức Phật ở đời quá khứ khi tu hạnh Bồ-tát.

 

Phần thứ 14 LÌA TƯỚNG TỊCH DIỆT

Lìa mọi hình tướng 離諸形相

Tự đắc tịch diệt. 自得寂滅

Xuyên Lão chú: Nghe kinh hiểu nghĩa, tự ngộ thật tướng, cho nên được lấy làm phần Lìa tướng tịch diệt.

Kinh: Khi ấy, ngài Tu-bồ-đề nghe nói kinh này, hiểu sâu nghĩa thú, xúc động ràn rụa nước mắt mà thưa với Phật rằng “Hiếm có thay Thế Tôn! Phật nói kinh điển thậm thâm như thế, từ khi con được huệ nhãn đến nay, chưa từng được nghe kinh như vậy. Thưa Thế Tôn! Nếu lại có người được nghe kinh này, lòng tin thanh tịnh, tức là sanh thật tướng thì nên biết người này thành tựu công đức hiếm có bậc nhất”.

Lục Tổ giải: Tự tánh chẳng si gọi là huệ nhãn, nghe pháp tự ngộ gọi là pháp nhãn. Ngài Tu-bồ-đề là A-la- hán, hiểu cái “không” bậc nhất trong 500 vị đệ tử đã từng siêng năng phụng sự nhiều đức Phật, thì há chẳng nghe được pháp thậm thâm như vậy sao? Há ở chỗ Phật Thích-ca Mâu-ni mới nghe nói sao? Nhưng có thể sở đắc của ngài Tu-bồ-đề xưa kia là huệ nhãn của Thanh văn, đến nay mới ngộ được ý Phật, cho nên mới được nghe kinh thậm thâm như vậy. Vì buồn xưa kia mình chưa ngộ, cho nên mới xúc động ràn rụa nước mắt. Nghe kinh, lắng niệm gọi là thanh tịnh, từ trong bản thể của thanh tịnh lưu xuất pháp bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, phải biết chắc chắn sẽ thành tựu công đức của chư Phật.

 

Xuyên Lão chú: Tức cười trước mặt kiêng kỵ.

Tụng rằng:

Từ nhỏ đến nay quen viễn phương

Bao lần Hành Nhạc đến Tiêu Tương

Một sớm trở về đường quê cũ

Mới thấy trời trăng giữa đường trường.

Kinh: Thưa Thế Tôn! Thật tướng này tức vốn chẳng phải là tướng, cho nên Như Lai mới gọi là thật tướng.

Lục Tổ giải: Tuy hành hạnh thanh tịnh, nhưng nếu thấy hai tướng cấu-tịnh thì ngay đó cũng là tâm cấu uế, tức chẳng phải tâm thanh tịnh, vì tâm có sở đắc tức chẳng phải thật tướng.

Xuyên Lão chú: Sơn hà đại địa ở đâu ra?

Tụng rằng:

Xa nhìn núi có màu

Gần nghe sông không tiếng

Xuân đi hoa vẫn nở

Người đến chim chẳng kinh

Nơi nơi đều hiển lộ

 Chốn chốn thể vốn bình

Làm sao nói chẳng ngộ

Chỉ vì quá phân minh.

Kinh: Thưa Thế Tôn! Nay đây con được nghe kinh điển như vậy, tin hiểu thọ trì, vẫn không cho là khó. Nếu đời vị lai, 500 năm sau, có chúng sanh được nghe kinh này mà tin hiểu thọ trì thì người này hiếm có bậc nhất. Bởi vì sao? Vì người này không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng. Sở dĩ vì sao? Vì ngã tướng tức vốn chẳng phải là tướng; nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức vốn chẳng phải là tướng. Bởi vì sao? Vì lìa hết thảy mọi tướng, tức gọi là chư Phật.

Lục Tổ giải: Ngài Tu-bồ-đề ngộ sâu ý Phật, bởi thấy nghiệp hết, cấu trừ huệ nhãn minh triệt, thì tin hiểu thọ trì tức không khó. Lúc Thế Tôn còn ở thế gian thuyết pháp, cũng có vô lượng chúng sanh chẳng thể tin hiểu thọ trì, đâu cần nói 500 năm sau. Vì ngày Phật còn ở đời, tuy có hàng trung-hạ căn, người không tin và người hoài nghi, nhưng vẫn đến hỏi Phật, Phật tùy nghi mà nói cho họ nghe, cho nên không ai mà chẳng khế ngộ. Sau khi Phật diệt độ, 500 năm sau, dần đến thời mạt pháp, cách Thánh Hiền lâu xa, chỉ còn ngôn giáo, nếu người nào có nghi, không có chỗ hỏi han giải quyết, ngu mê ôm chấp, chẳng ngộ vô sanh, chấp tướng rong ruổi tìm cầu, thì luân hồi trong các cõi. Lúc này ai được nghe kinh thậm thâm, lắng tâm kính tin, ngộ lý vô sanh, rất là hiếm có, cho nên mới nói hiếm có bậc nhất. Sau khi Như Lai diệt độ, 500 năm sau, nếu có người nào có thể tin hiểu thọ trì kinh để bát-nhã ba- la-mật thậm thâm, thì biết người này không có tướng của ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả không có 4 tướng này mới gọi là thật tướng, tức là Phật tâm, cho nên nói “Lìa tất cả mọi tướng gọi là chư Phật”.

Xuyên Lão chú: Nếu không đạt lời sau, thì lời trước cũng khó viên dung.

 

Tụng rằng:

Khó khó khó

Như đất bằng lên trời xanh

Dễ dễ dễ

Tựa mặc áo khi tỉnh giấc

Đi thuyền cốt ở người cầm lái

Ai nói sóng mòi từ đất nổi.

Đi đứng ngồi nằm, mặc áo ăn cơm, còn có việc gì nữa?

Tụng rằng:

Băng chẳng nóng, lửa chẳng lạnh

Đất chẳng ướt, sông chẳng khô

Kim cương giẫm đạp đất

Đầu cây phướn chỉ trời

Nếu người tin đến được

Hướng Nam nhìn Bắt Đẩu.

Tâm không phụ người, mặt không thẹn thùng.

Tụng rằng:

Trúc già mọc măng mới

Hoa nhú trên cành khô

Mưa giục người đi đường

Gió đưa cánh buồm lướt

Trúc rậm không ngăn dòng nước chảy

Núi cao nào cản mây trắng bay?

 

Ngài Tu-bồ-đề biết phước của xả thân mạng vẫn nặng phần mê hoặc, không bằng được phước của người trì nói kinh này và người được nghe pháp này. Vì cảm ơn Phật sâu mà buồn bã tuôn nước mắt than rằng hy hữu thay, rồi tự nói “Từ xưa đến nay con chưa từng nghe kinh điển này”. Vì do tin kinh thanh tịnh, năng sanh thật tướng, nên mới nói tiếp “Nay con gặp Phật được nghe kinh này cũng không cho là khó, mà chúng sanh đời vị lai có ai nghe được kinh pháp này mới là hy hữu”. Cho nên hy hữu là ai y theo kinh này tu hành; không khởi 4 tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả thì đó là ngã “không” Nói chẳng phải là tướng tức là pháp “không”, lìa các tướng này là thành Chánh giác, cho nên mới nói tức gọi là chư Phật.

Kinh: Phật bảo ngài Tu-bồ-đề “Đúng vậy, đúng vậy”.

Lục Tổ giải: Phật ấn khả chỗ ngài Tu-bồ-đề hiểu, khéo khế hợp với tâm Phật, cho nên mới nói 2 lần “Đúng vậy, đúng vậy”.

Kinh: Nếu lại có người được nghe kinh này, không kinh ngạc, không sợchãi thì nên biết người này rất là hiếm có.

Lục Tổ giải: Thanh văn lâu nay chấp pháp tướng, chấp hữu làm hiểu biết, chẳng liễu đạt các pháp vốn “không” tất cả mọi văn tự đều là giả lập, nay chợt nghe kinh để thậm thâm, các tướng chẳng sanh, ngay đó là Phật, cho nên mới kinh hãi. Chỉ có Bồ-tát thượng thừa được nghe lý này, hoan hỷ thọ trì, tâm không sợ hãi lui sụt, những bậc như vậy rất là hiếm có.

Xuyên Lão chú: Chỉ là từ trong nhà mình thôi.

Tụng rằng(1):

1. 毛吞巨海水 Mao thôn cự hải thủy 

芥子納須彌 Giới tử nạp Tu-di 

碧漢一輪滿 Bích hán nhất luân mãn 

清光六合輝 Thanh quang lục hợp huy

蹈得故關田地穩 Đạo đắc cố quan điền địa ổn

更無南北與東西 Cánh vô Nam Bắc dữ Đông Tây.

 

Sợi lông nuốt biển cả

Hạt cải chứa Tu-di

Đạt-ma thuyết pháp rồi

Thanh quang sáu phương(1) rực

Về được quê cũ điền địa ổn

Không còn Nam Bắc với Tây Đông.

Kinh: Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì cái mà Như Lai nói là đệ nhất ba-la-mật, tức vốn chẳng phải là đệ nhất ba-la-mật, cho nên mới gọi là đệ nhất ba-la-mật.

Lục Tổ giải: Miệng nói mà tâm chẳng hành là sai, miệng nói tâm hành mới đúng. Tâm có năng-sở là sai, tâm không có năng-sở mới đúng.

Xuyên Lão chú: Mở toang ra(2), hai tay trao phó.

Tụng rằng:

Gọi là đệ nhất ba-la-mật

Muôn biệt ngàn sai từ đây cả

Mặt quỷ đầu thần đối diện bày

Lúc này chớ nói chẳng biết nhau! 

1.六合 (lục hợp): Trời, đất, Đông, Tây, Nam, Bắc gọi là lục hợp.

2.八字打開 (bát tự đả khai): Mở toang ra như hình chữ “bát” 八, không giấu diếm che đậy.

 

Đúng vậy, đúng vậy là từ xác định lẽ đương nhiên. Pháp của Đại thừa vốn là khó tin khó hiểu, nếu chẳng phải căn khí Đại thừa mà trọn nghe pháp này, thì chưa khỏi kinh ngạc nghi ngờ sợ hãi. Ai nghe được pháp này mà không kinh sợ thì mới thật là hy hữu, pháp hy hữu này không có gì bằng được, cho nên gọi là đệ nhất. Nhưng vì vẫn lo nghĩ ai đó ở nơi pháp mà chấp thủ pháp ấy vốn lìa ngôn thuyết, cho nên nói chẳng phải là đệ nhất ba-la-mật. Bởi có nhân duyên vì vậy cũng có thể nói, cho nên mới gọi là đệ nhất ba-la-mật.

Phần đoạn nghi thứ 8 “Người trì nói kinh này mà chưa thoát quả khổ”, chỗ nghi này từ trong chỗn ghi thứ 7 “Xả thân bố thí” mà ra.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Nhẫn nhục ba-la-mật, Như Lai nói vốn chẳng phải là nhẫn nhục ba-la-mật.

Lục Tổ giải: Thấy có cảnh bị nhục ngay đó là sai, không thấy cảnh bị nhục ngay đó mới đúng. Thấy có thân tướng đang bị hại là sai, không thấy có thân tướng đang bị hại mới đúng.

Kinh: Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì như xưa kia, Ta bị vua Ca-lợi chặt đứt thân thể lúc đó Ta không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng. Bởi vì sao? Vì khi xưa lúc Ta bị chặt đứt từng khúc, nếu có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì phải sanh tâm sân hận.

 

Lục Tổ giải: Như Lai do trong lúc còn tu ở quả vị Sơ địa, là vị tiên Nhẫn Nhục, nên bị vua Ca-lợi cắt đứt thân thể mà không có một niệm tâm buồn khổ Nếu có tâm buồn khổ tức sanh sân hận, Ca-lợi vương là âm tiếng Phạn, tiếng Hoa nghĩa là vua vô đạo cực ác. Có một thuyết khác nói Như Lai bởi do trong lúc từng làm quốc vương, thường hành thập thiện, làm lợi ích chúng sanh, nhân dân trong nước ca tụng vua, nên nói rằng vua Ca-lợi cầu bồ-đề vô thượng, tu hạnh nhẫn nhục. Bấy giờ có Thiên Đế-thích hóa thành một kẻ Chiên-đà-la(1), đến xin thịt của vua. Vua liền tự cắt thịt mình cho, mà hoàn toàn không có sân não. Nay có 2 thuyết như trên đều thông lý lẽ

Xuyên Lão chú: Trí chẳng trách ngu.

Tụng rằng:

Như dao chặt nước, tợ lửa thổi sáng

Sáng đến tối đi, việc ấy vô can

Ca-lợi vương, Ca-lợi vương

Ai biết khói sóng xa

Riêng tự có suy lường.

Kinh: “Này Tu-bồ-đề! Ta lại nhớ đến 500 đời quá khứ làm vị tiên Nhẫn Nhục. Vào những đời ấy, Ta không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng”.

Lục Tổ giải: Như Lai do bởi trong 500 đời tu hạnh nhẫn nhục ba-la-mật, cho nên được 4 tướng chẳng sanh. Như Lai tự thuật lại nhân duyên xưa kia là muốn cho tất cả người tu hành thành tựu hạnh nhẫn nhục ba-la-mật.

1. 旃陀羅 (Chiên-đà-la): Còn gọi là Chiên-đồ-la. Dịch ý là lửa hừng, dữ tợn, người hiểm độc, người bạo ác, người chủ việc giết chóc, người trị chó. Trong chế độ giai cấp của xã hội Ấn Độ Chiên-đà-la là giai cấp thấp nhất, dưới giai cấp Thủ đà-la. Giai cấp này chuyên làm các nghề coi nhà tù, buôn bán, đồ tể, lưới cá v.v…

Người tu nhẫn nhục ba-la-mật đã hành hạnh nhẫn nhục, thì không thấy lỗi ác của tất cả mọi người, oán thân bình đẳng, không có đúng, không có sai, bị người đánh chửi giết hại vẫn hoan hỷ thọ nhận, mà càng thêm cung kính. Ai hành được hạnh như vậy thì có thể thành tựu nhẫn nhục ba-la-mật.

Xuyên Lão chú: Trước mắt không pháp, mặc cho liễu xanh hoa đỏ. Bên tai không nghe, mặc cho oanh kêu yến hót.

Tụng rằng:

Tứ đại vốn vô ngã

Ngũ uẩn đều về không 

Hư không rỗng muôn dặm

Càn khôn vạn cổ đồng

Diệu Phong(1) cao vút thường tự tại

Tiếng sáo ai ru thấu đất trời.

Nhẫn nhục là một trong 6 độ, an ổn thọ nhận gọi là nhẫn, hủy hoại gọi là nhục. Trước nói phước báo của xả thân mạng là cái nhân của sanh tử khổ, không bằng phước của người trì nói kinh này. Tu nhẫn nhục cũng xả thân mạng mà không tạo thành cái nhân khổ tại sao? Vì có thể đạt pháp vô ngã đến bờ bên kia, nói chẳng phải là nhẫn nhục ba-la-mật là dứt trừ chấp thủ. Tu hạnh nhẫn như vậy xưa kia Phật đã hành, cho nên nói ra việc vua Ca-lợi để làm chứng. Ca-lợi vương là âm tiếg Phạn, tiếg Hoa là cực ác. 

1. Tức núi Tu-di. Theo vũ trụ quan của Phật giáo, Tu-di là ngọn núi cao ngất đứng trên Kim luân ở chính giữa một Tiểu thế giới. Trong phẩm Pháp giới của kinh Hoa nghiêm có chép sự tích đồng tử Thiện Tài lên tận đỉnh núi Diệu phong để xin tỷ-kheo Đức Vân chỉ dạy về hạnh Bồ tát. Trong Thiền lâm, từ “Diệu Phong” được dùng để hình dung cảnh giới tuyệt đối vượt ngoài tất cả lời nói, suy nghĩ và tình thức phân biệt, tức chỉ cho nơi chốn của bản phận an trụ, gọi là Diệu Phong cô đính, Diệu Phong đính, Cô Phong đính thượng.

 

Đời trước Phật đã từng làm tiên nhân trong núi tu đạo, vua nhân vì đi săn nhìn thấy mà không vui, bèn cắt tai mũi, chặt tay chân mà tiên nhân cũng không sân hận, do lực từ bi và nhẫn nhục mà thân thể lành lặn như cũ. Vì liễu đạt được 4 tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả đều “không” chẳng những không có khổ mà lại có vui. Cho nên Phật nói lại mình làm tiên Nhẫn nhục trong 500 đời quá khứ để làm chứng, là làm sáng tỏ tu hạnh nhẫn chẳng phải chỉ một đời.

Kinh: Cho nên này Tu-bồ-đề! Bồ-tát phải nên lìa hết thảy mọi tướng, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì không nên trụ vào sắc mà sanh tâm, không nên trụ vào thanh-hương-vị-xúc-pháp mà sanh tâm, phải nên ở nơi không có chỗ trụ mà sanh tâm.

Lục Tổ giải: Không nên trụ vào sắc sanh tâm là nói chung, nói thanh-hương-vị-xúc-pháp là nêu tên từng loại, ở nơi 6 trần này khởi tâm yêu ghét, do đây mà vọng tâm chất chứa trong thân không thể giác chiếu, mà càng xa rời hạnh Phật. Tuy siêng năng khổ sở tu hành đủ cách mà chẳng dứt tâm cấu uế, rốt lại cũng không được đạo lý giải thoát, suy xét nguồn gốc ấy là đều do trên sắc trụ tâm. Nếu có thể niệm niệm thường hành bát-nhã ba-la-mật, tham cứu các pháp đều “không” thì chẳng so đo tính toán, niệm niệm thường tự tinh tấn, nhất tâm thủ hộ, không để buông lung, kinh Duy-ma nói “Cầu nhất thiết trí, không lúc nào mà chẳng cầu”, kinh Đại bát-nhã nói “Bồ-tát ma-ha-tát ngày đêm chuyên cần, thường trụ pháp bát-nhã ba- la-mật, tương ưng tác ý(1), không lúc nào tạm gác bỏ”.

Xuyên Lão chú: Chính ngay dụng này mà cũng lìa dụng này.

1. 作意 (tác ý): 1- Để ý đến, chú ý, nhận biết, chú tâm. 2- Tập trung tâm ý, ngăn ngừa tâm tán loạn, tập trung vào một đối tượng.

 

Tụng rằng:

Đắc ở trong tâm, ứng dụng ra tay

Tuyết trăng hoa gió, đất lâu trời dài

Sớm sớm canh năm gà vang gáy

Xuân đến nơi nơi núi trổ hoa.

Kinh: Nếu tâm có trụ tức chẳng phải là trụ

Lục Tổ giải: Nếu tâm trụ niết-bàn thì chẳng phải chỗ trụ của Bồ-tát; chẳng trụ ở niết-bàn, chẳng trụ các pháp, tất cả chỗ đâu chẳng trụ mới là chỗ trụ của Bồ-tát. Cho nên đoạn trên nói phải nên ở nơi không có chỗ trụ mà sanh tâm là vậy.

Kinh: Cho nên Phật nói tâm của Bồ-tát không nên trụ vào sắc mà bố thí. Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát vì lợi ích cho tất cả chúng sanh thì phải nên bố thí như vậy.

Lục Tổ giải: Bồ-tát chẳng vì cầu mong thân mình an lạc mà hành bố thí, chỉ vì bên trong phá tâm keo kiệt, bên ngoài làm lợi ích cho tất cả chúng sanh mà hành bố thí.

Xuyên Lão chú: Chỗ có Phật không được trụ, chỗ không có Phật mau bỏ chạy. Ba mươi năm sau, đừng nói là ta không nói nhé!

Tụng rằng:

Sáng dạo Nam Nhạc, chiều ở Thiên Thai

Đuổi mà không kịp, hốt nhiên tự đến

Độc hành độc tọa không buộc ràng

Được chỗ tâm an lòng thêm an.

Kinh: Cái mà Như Lai nói là tất cả các tướng, tức vốn chẳng phải là tướng. Lại cái mà Như Lai nói là hết thảy mọ chúng sanh, tức vốn chẳng phải là chúng sanh.

Lục Tổ giải: Như là Bất sanh, Lai là Bất diệt, Bất sanh là ngã-nhân chẳng sanh, Bất diệt là giác chiếu chẳng diệt. Văn dưới nói “Như Lai là không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, cho nên gọi là Như Lai”. Như Lai nói các tướng ngã-nhân cuối cùng cũng tan hoại, chẳng phải là bản thể chân thật, tất cả chúng sanh đều là giả danh. Nếu lìa vọng tâm thì không có chúng sanh nào cả cho nên mới nói tức chẳng phải là chúng sanh.

Xuyên Lão chú: Đặc biệt có tài nghề không ngại nói ra.

Tụng rằng:

Chẳng phải tướng chẳng phải chúng sanh

Xuân ấm hoàng oanh hót trên cành

Nói hết tình núi mây trăng biển

Như cũ không hiểu, mặc sầu bi

Sầ bi chi!

Muôn dặm không mây một khoảng trời.

 

Nhiều đời Phật tu nhẫn nhục, vì không có ngã nên được thành bồ-đề. Thế nên phát tâm bồ-đề thì phải nên lìa tất cả tướng, lìa tướng tức không trụ vào sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp, ngay đó sanh tâm vô sở trụ tức là cái nhân của bồ-đề. Nếu tâm có trụ thì không gọi là Bồ-tát, cho nên nói chẳng trụ. Bồ-tát tu lục độ đều phải nên lìa tướng sắc đứng đầu trong 6 trần, hành bố thí là độ đầu tiên trong 6 độ, cho nên nói không nên trụ vào sắc mà bố thí, tu bố thí như vậy là làm lợi ích cho chúng sanh. Nếu còn tâm thí thọ thì cũng chẳng phải diệu hạnh, cho nên nói chẳng phải là chúng sanh.

Phần đoạn nghi thứ 9 “Năng chứng vô thể phi nhân” chỗ nghi này từ trong chỗ nghi thứ 8 “Tu bố thí làm lợi ích cho chúng sanh” mà ra.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Như Lai là bậc có lời nói chân chánh, lời nói thành thật, lời nói không hư dối, lời nói không gạt gẫm, lời nói không sai khác.

Lục Tổ giải: Lời nói chân chánh là nói tất cả loài hữu tình và vô tình đều có Phật tánh, lời nói thành thật là nói chúng sanh tạo nghiệp ác thì chắc chắn thọ khổ báo, lời nói không hư dối là nói chúng sanh tu pháp thiện thì chắc chắn được lạc báo, lời nói không gạt gẫm là nói pháp bát-nhã ba-la-mật xuất sanh ba đời chư Phật, chắc chắn không hư dối; lời nói không sai khác là Như Lai nói chỉ ý vi diệu của sơ thiện, trung thiện và hậu thiện(1). Tất cả thiên ma ngoại đạo đều không thể vượt hơn và cũng không thể phá hoại được lời Phật.

Xuyên Lão chú: Người biết ơn thì ít, kẻ phụ ơn thì nhiều.

1. Tam thiện (三善)Kinh Pháp hoa nói sơ thiện, trung thiện, hậu thiện chính là nói đến 3 phần của một bài kinh trong viên giáo, đốn giáo, gồm phần Tựa (1), phần Chính tông (2) và phần Lưu thông (3). Do lý trong 3 phần này đều viên mãn, toàn vẹn nên gọi là thiện.

 

Tụng rằng:

Hai cái năm trăm là một ngàn

A da(2) vốn là bậc trượng phu

 Rõ ràng đối diện báo va biết

Khổ nỗi tâm tốt, báo không lành

Lời chân này lời thật đây

A ha ha, kìa kìa kìa!

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Chỗ đắc pháp của Như Lai, pháp này không thật không hư.

Lục Tổ giải: Không thật là theo pháp thể rỗng lặng thì không có tướng để được, nhưng trong đó có hằng hà sa tánh đức, vì dùng chẳng thiếu cho nên nói không hư. Muốn nói cái thật ấy thì không có tướng để thủ đắc, muốn nói cái hư ấy thì diệu dụng vô tận. Cho nên không thể nói không, không thể nói có. Có mà chẳng phải có, không mà chẳng phải không, ngôn từ và thí dụ đều không diễn tả được, chỉ có trí chân thật thôi. Nếu chẳng lìa tướng tu hành, thì không thể đến được chỗ này.

1. 阿爺下頷 (a da hạ hàm): Vốn chỉ xương hàm dưới của cha. Hình dáng yên lừa giống như cây cầu, cho nên gọi là cầu yên. Đứa con ngu si khi đi tìm hài cốt của cha chết nơi chiến trường, nhận lầm cái cầu yên lừa cho là xương hàm dưới của cha mình, rồi cẩn thận mang về. Mẫu chuyện này về sau trở thành từ ngữ để mắng người ngu si, không phân biệt được chân-giả

 

Xuyên Lão chú: Vị mặn ở trong nước, keo trong ở trong màu.

Tụng rằng:

Cứng như sắt, mềm như bơ

Nhìn thời có, tìm lại không 

Mặc dù bước bước thường thủ hộ

Quả thật chẳng ai biết được va.

Ối!

Chỗ Như Lai đắc diệu quả như lý mà chứng, lìa khỏi ngôn thuyết. Tại sao lại nói công đức của người trì nói kinh này hơn phước đức bố thí châu báu vậy? Song Phật không có chỗ chứng mà chứng, không có chỗ thuyết mà thuyết, chỗ chứng và chỗ thuyết đều khế lý. Vì Phật sợ ngài Tu-bồ-đề chưa đạt ý này nên lại bảo rằng Như Lai là bậc có lời nói chân thật, lời nói chân chánh là bồ-đề của Phật, lời nói thành thật là nói pháp của Tiểu thừa, lời nói không sai khác là nói việc thọ ký, lời nói không gạt gẫm là không dối gạt chúng sanh, bản cổ dịch không có câu này. Không thật không hư là pháp sở chứng của Như Lai vốn lìa ngôn thuyết, cho nên nói không thật. Vì đối cơ mà có ngôn thuyết, cho nên nói không hư.

Phần đoạn nghi thứ 10 “Nếu ở khắp mọi nơi thì tại sao có người đắc, có người không đắc?” chỗ nghi này cũng từ trong chỗ nghi thứ 3 “Tất cả Hiền Thánh đều lấy pháp vô vi nên mới có tên gọi” mà ra.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Nếu tâm của Bồ-tát trụ vào pháp mà hành bố thí thì giống như vào chỗ tối tăm, tức không có chỗ thấy.

 

Lục Tổ giải: Bố thí mà tâm có trụ chấp vào tất cả các pháp, thì chẳng liễu đạt thể của tam luân(1) “không”, như người mù ở chỗ tối tăm, không thấy gì cả. Kinh Hoa nghiêm nói “Hàng Thanh văn ở trong pháp hội của Như Lai, nghe pháp như đui như điếc”, vì họ trụ vào các pháp tướng vậy.

Kinh: Nếu tâm của Bồ-tát không trụ vào pháp mà hành bố thí thì như người có mắt, được mặt trời soi sáng, thấy đủ mọi thứ hình sắc.

Lục Tổ giải: Nếu Bồ-tát thường hành hạnh bát-nhã ba-la-mậ-đa vô trước vô tướng, thì như người có mắt ở chỗ mặt trời chiếu sáng, không có chỗ nào mà chẳng thấy.

Xuyên Lão chú: Thánh nhân lấy vô vi chân như mà có tên gọi, nhưng thể của chân như cùng khắp tất cả thời, cùng khắp tất cả chỗ. Tại sao chúng sanh có kẻ đắc, có kẻ chẳng đắc? Vì tâm có sự khác nhau giữ trụ pháp và chẳng trụ pháp, trụ là trụ chấp. Nếu tu bố thí mà chẳng đạt tam luân thể không, thì gọi là tâm trụ pháp, tâm đã trụ pháp thì không thành tựu bố thí ba-la-mật, như vào trong chỗ tối thì không nhìn thấy. Nếu đạt tam luân thể không thì tâm không có chỗ trụ tức thành tựu bố thí ba-la-mật, như người có mắt ở trong ánh sáng mặt trời nhìn thấy mọi sắc tướng.

1. 三輪 (tam luân): Là người bố thí, người nhận bố thí và vật bố thí.

 

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Đời sau này, nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân, có thể ở nơi kinh này mà thọ trì đọc tụng, tức là Như Lai dùng trí huệ của Phật để biết rõ người này, thấy rõ người này đều được thành tựu vô lượng vô biên công đức.

Lục Tổ giải: Đời sau này là sau khi Như Lai nhập diệt, 500 năm sau, thế giới Ta-bà ngũ trược thập ác, tà pháp tranh nhau dấy khởi, chánh pháp khó lưu hành. Ở trong thời này, nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào, được gặp kinh này, theo thầy thọ học, đọc tụng trong lòng, tinh tấn chẳng vọng, y theo nghĩa tu hành, ngộ nhập tri kiến của Phật, thì có thể thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do đây mà ba đời chư Phật đều biết hết.

Xuyên Lão chú: Té ngã xuống đất, thì phải từ đất đứng lên. Đất nói cái gì với ông?

Tụng rằng:

Thế gian muôn việc chẳng như thường

Cũng chẳng kinh người, lại dài lâu

Cứ thường tựa như gió thu thổi

Vô tư thổi người, người tự mát.

Nói trong đời vị lai nếu có ai thọ trì đọc tụng kinh này, thì Phật nhãn Phật trí thảy đều thấy biết người này đã tu cái nhân thù thắng, chắc chắn thành tựu diệu quả cho nên mới nói thành tựu vô lượng vô biên công đức.

 

Phần thứ 15 CÔNG ĐỨC TRÌ KINH

Thọ trì kinh này 受持此經

Công đức vô lượng.  功德無量

Xuyên Lão chú: Ai thọ trì đọc tụng kinh này, lợi mình lợi chúng sanh, công đức vô biên không thể đo lường. Cho nên được lấy làm phần Công đức trì kinh.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân, buổi sáng đem thân mạng nhiều như số cát sông Hằng để bố thí, buổi trưa lại đem thân mạng nhiều như số cát sông Hằng để bố thí, buổi tối cũng đem thân mạng nhiều như số cát sông Hằng để bố thí, trong vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp như vậy đem thân mạng để bố thí. Nếu lại có người nghe kinh để này mà lòng tin không trái nghịch thì phước ấy thù thắng hơn phước người dùng thân mạng bố thí kia, huống gì là biên chép, thọ trì, đọc tụng, vì người mà giải thuyết.

Lục Tổ giải: Phật nói thời mạt pháp, người nào được nghe kinh này mà tín tâm chẳng trái nghịch, bốn tướng chẳng sanh tức là tri kiến của Phật. Công đức của người này hơn hẳn công đức của người nhiều kiếp trước xả thân, trăm ngàn muôn ức cũng chẳng thể thí dụ. Một niệm nghe kinh, phước ấy vẫn nhiều, thì huống gì còn có thể viết chép thọ trì đọc tụng, vì người mà giải thuyết.

Phải biết người này chắc chắn thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho nên dùng đủ mọi phương tiện để thuyết giảng kinh để thậm thâm như vậy, khiến lìa mọi tướng mà đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phước đức của người này to lớn vô biên. Bởi vì nhiều kiếp xả thân mà chẳng liễu đạt các pháp vốn “không” cho nên tâm có năng-sở chưa lìa cái thấy của chúng sanh. Nếu có thể nghe kinh ngộ đạo, ngã-nhân bỗng dứt thì ngay đó là Phật. Đem phước của hữu lậu xả thân so với huệ của vô lậu trì kinh, thật ra không thể so được. Cho nên dù mười phương chất chứa báu vật, ba đời xả thân cũng không bằng thọ trì bài kệ 4 câu của kinh này.

Xuyên Lão chú: Phước báo của người và chư Thiên chẳng phải không có, nhưng Phật pháp dù nằm mơ cũng không dễ thấy được.

Tụng rằng:

Buổi sáng trưa tối phát tâm thí

Công đức vô biên tính không xuể

Đâu bằng tín tâm, tâm chẳng lập

Một đấm đạp bể bầu hư không.

Buổi sáng chia thành 3 thời Dần-Mão-Thìn, buổi trưa chia thành 3 thời Tỵ Ngọ Mùi, buổi tối chia thành 3 thời Thân-Dậu-Tuất. Một ngày 3 thời như vậy xả vô lượng thân, trải vô lượng kiếp mà tu bố thí, thế gian chắc chắn không có chuyện này. Nhưng Phật nêu ra ví dụ này để so sánh phước đức thù thắng của người nghe kinh này sanh tín tâm, thì huống gì là người thọ trì đọc tụng viết chép ư. Tín lực là sức thọ nhận, niệm lực là sức trì, đối văn là đọc, bối văn là tụng thuộc lòng. Cái gọi là thọ trì, đọc tụng, biên chép là tự tu; vì người mà giải thuyết là hóa độ chúng sanh.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Nói tóm lại, kinh này không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, vô biên công đức.

Lục Tổ giải: Người trì kinh, tâm không có ngã sở (cái của ta), đó là tâm Phật. Công đức của tâm Phật không có ngằn mé, cho nên nói chẳng thể đo lường.

Kinh: Như Lai vì người phát tâm Đại thừa mà thuyết giảng, vì người phát tâm Tối thượng thừa mà thuyết giảng. Nếu có người có thể thọ trì đọc tụng, vì người khác mà thuyết giảng rộng khắp, thì Như Lai biết rõ người này, thấy rõ người này, đều được thành tựu công đức không thể đo lường, không thể cân đếm, không có bờ mé, không thể nghĩ bàn. Những người như vậy tức là gánh vác Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Như Lai.

Lục Tổ giải: Đại thừa là trí huệ rộng lớn, khéo có thể kiến lập tất cả các pháp. Tối thượng thừa là chẳng thấy pháp cấu uế nào để chán, chẳng thấy pháp thanh tịnh nào để cầu, chẳng thấy chúng sanh để độ, chẳng thấy niết-bàn để chứng, chẳng khởi tâm độ chúng sanh, cũng chẳng khởi tâm chẳng độ chúng sanh. Đây gọi là Tối thượng thừa, cũng gọi là nhất thiết trí, cũng gọi là vô sanh pháp nhẫn, cũng gọi là đại bát-nhã. Nếu có người nào phát tâm cầu đạo vô thượng của Phật, nghe pháp vô tướng vô vi thậm thâm này thì phải tin hiểu thọ trì, vì người mà giải thuyết, khiến họ thâm ngộ chẳng sanh tâm hủy báng. Được sức nhẫn lớn, sức trí huệ lớn, sức phương tiện lớn, mới có thể thông suốt lưu hành kinh này. Người thượng căn nghe kinh điển này, được thâm ngộ ý Phật, trì kinh trong tự tâm, thấy tánh rốt ráo, rồi khởi hạnh lợi tha, có thể vì người mà giải thuyết, khiến cho người học tự ngộ lý của vô tướng, được thấy bản tánh Như Lai, thành tựu đạo vô thượng, thì phải biết rằng người thuyết pháp này được công đức vô biên, không thể đo lường. Nghe kinh hiểu nghĩa, y giáo tu hành, lại có thể vì chúng sanh mà nói rộng, khiến tất cả chúng sanh được ngộ, tu hành hạnh của vô tướng vô trước, thường luôn hành hạnh này, có đại trí huệ quang minh, lìa thoát trần lao, tuy lìa thoát trần lao nhưng cũng chẳng khởi niệm lìa trần lao, tức đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho nên gọi là gánh vác Như Lai. Phải biết rằng người trì kinh này tự có vô lượng vô biên công đức không thể nghĩ bàn.

Xuyên Lão chú: Như bổ chém một cuồn tơ, một nhát chém là bung đứt hết.

 

Tụng rằng(1):

Một tay đấm nghiêng ải hóa thành

Một chân đạp ngã ranh huyền diệu

Nam Bắc Đông Tây tin bước đi

Chớ tìm Quán Tự Tại Đại Bi

Đại thừa thuyết, Tối thượng thừa thuyết

Một gậy một vết sẹo

 Mộ đấm một bụm máu.

Tay tách mở núi Đại Hoa phải là thần Cự Linh (thần sông).

Tụng rằng(2):

1. 一拳打倒化城關 Nhất quyền đả đảo hóa thành quan

 一脚踢飜玄妙塞 Nhất cước thích phiên huyền diệu tắc

 南北東西信步行 Nam Bắc Đông Tây tín bộ hành 

休覓大悲觀自在 Hưu mịch Đại Bi Quán Tự Tại 

大乘說最上乘說 Đại thừa thuyết Tối thượng thừa thuyết

一棒一條痕 Nhất bổng nhất điều ngân

 一掌一握血 Nhất chưởng nhất ác huyết.

2. 堆山積岳來 Đôi san tích nhạc lai

 一一盡塵埃 Nhất nhất tận trần ai

 眼裏瞳人碧 Nhãn lí đồng nhân bích

 胸中氣若雷 Hung trung khí nhược lôi

 出邊沙塞靜 Xuất biên sa tắc tĩnh 

入國貫英才 Nhập quốc quán anh tài

一片寸心如大海 Nhất phiến thốn tâm như đại hải

波濤幾見去還來 Ba đào kỷ kiến khứ hoàn lai.

 

Núi lớn nhỏ chất chồng

Mỗi mỗi rất trần ai

Trong mắt xanh ngẩn người

Trong lòng nổi giận lên

Ra biên ranh nhỏ yên

Vào nước thảy anh tài

Một mảnh tấc lòng như biển cả

Bao lần nổi đợt ba đào chìm.

Kinh: Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì nếu người vui thích tiểu pháp chấp trước ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến thì ở nơi kinh này không thể nghe, thọ trì đọc tụng, vì người mà giải thuyết.

Lục Tổ giải: Thế nào gọi là vui thích tiểu pháp? Đó là hàng Thanh văn Nhị thừa, vui thích quả nhỏ mà chẳng phát tâm lớn, cho nên ở nơi pháp thậm thâm của Như Lai chẳng thể thọ trì đọc tụng, vì người mà giải thuyết.

Xuyên Lão chú: Người nhân thấy gọi là nhân, người trí thấy gọi là trí.

Tụng rằng:

Chẳng học anh hùng, không đọc sách

Bôn ba lao nhọc chạy đường dài

Kho báu tự tánh vô tâm dụng

Cam làm kẻ chết đói vô tri.

Thể của bát-nhã này vốn dứt ngôn ngữ suy lường, công đức ấy rộng lớn không thể đo lường được, chẳng phải chỗ người vui thích Tiểu thừa nghe được. Cho nên mới nói vì người phát tâm Đại thừa mà thuyết, vì người phát tâm Tối thượng thừa mà thuyết. Người phát tâm Đại thừa là vốn trụ Đại thừa; người phát tâm Tối thượng thừa là trọn nghe Đại thừa tối diệu mà tin hiểu được. Người như vậy, tu hành pháp này thì thành tựu công đức không thể nghĩ bàn, cho nên gánh vác được bồ-đề vô thượng của Như Lai. Người Tiểu thừa không thể lắng nghe thọ trì đọc tụng, vì người mà giải thuyết, là vì chấp vào tứ kiến của ngoại đạo.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Bất cứ nơi nào nếu có kinh này thì tất cả thế gian, chư Thiên, người, A-tu-la đều phải nên cúng dường. Phải nên biết nơi này tức là tháp thờ Phật đều phải cung kính, đi vòng quanh làm lễ đem các thứ hương hoa ra mà rải lên nơi ấy.

Lục Tổ giải: Nếu người nào miệng tụng bát-nhã, tâm tu bát-nhã, nơi nơi chốn chốn thường hành hạnh vô vi vô tướng thì chỗ người này ở như có tháp Phật, cảm được tất cả chư Thiên và người đều hộ trì cúng dường, tác lễ cung kính, không khác gì Phật. Ai có thể thọ trì kinh này thì trong tâm người đó có Thế Tôn, cho nên nói như tháp miếu thờ Phật, phải biết người đó được phước đức vô lượng vô biên.

Xuyên Lão chú: Củ cải ở Trấn Châu, bánh rế của Vân Môn.

Tụng rằng:

Cùng bước lại cùng đi với anh

Ngồi đứng theo nhau tháng năm dài

Khát uống đói ăn thường trước mặt

Quay đầu chẳng biết, lại suy lường.

Tháp là chỗ cất giữ xá-lợi; chư Thiên, người, A-tu- la đương nhiên đều phải cung kính. Quyển kinh Bát-nhã này ở đâu cũng đều là pháp thân chân thật, tháp báu xá- lợi, há không cung kính sao?

 

Phần thứ 16 THƯỜNG HAY THANH TỊNH NGHIỆP CHƯỚNG

Nếu năng thanh tịnh     若能清淨

Nghiệp chướng sạch tiêu. 業障盡消

Xuyên Lão chú: Hằng sa tội nghiệp một niệm tiêu trừ, quả báo chẳng phải không có, há phải trải qua nhiều kiếp sao? Cho nên được lấy làm phần Thuờng hay thanh tịnh nghiệp chướng.

Kinh: Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì đọc tụng kinh này, mà lại bị người đời khinh rẻ, thì nghiệp tội đời trước của người này nay đáng lẽ phải đọa vào đường ác, nhưng nhờ bị người đời khinh rẻ nên những nghiệp tội của đời trước lập tức tiêu diệt, sẽ đắc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lục Tổ giải: Phật nói người trì kinh được tất cả chư Thiên và người cung kính cúng dường. Vì đời trước có nghiệp tội nặng nên đời này tuy được thọ trì kinh điển thậm thâm của chư Phật Như Lai, nhưng thường bị người khinh rẻ, không được người cung kính cúng dường. Vì tự mình thọ trì kinh điển nên không khởi 4 tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả; không quan tâm đến oán thân, thường hành cung kính, tâm không tức hận, bình thản không so đo tính toán, niệm niệm thường hành hạnh bát-nhã ba-la-mật, không hề lui sụt. Vì thường tu hành như vậy nên tội chướng cực ác có từ vô lượng kiếp đến đời nay đều có thể tiêu diệt. Lại theo lý mà nói thì đời trước tức là vọng tâm của niệm trước, đời nay tức là giác tâm của niệm sau, lấy giác tâm của niệm trước sau làm nhẹ đi vọng tâm của niệm sau trước, không được trụ vào vọng, cho nên nói tội nghiệp của đời trước liền tiêu diệt. Vọng niệm đã diệt thì tội nghiệp chẳng thành, tức được bồ-đề.

 

Xuyên Lão chú: Chẳng nếm trải sự đời, chẳng mở thêm hiểu biết.

Tụng rằng:

Khen chẳng được, chê chẳng được

Nếu liễu một, muôn việc xong

Không thiếu không dư như thái hư

Này anh, đó là ba-la-mật!

Ai trì tụng kinh này, lẽ ra được người cung kính, mà trái lại bị người khinh rẻ, là vì tội nghiệp đời trước phải chiêu cảm ác báo, nhưng do lực của kinh này nên chuyển nặng thành nhẹ mà bị khinh rẻ. Cho nên tội ấy tiêu diệt thì sẽ được Phật quả vô thượng, công đức trì kinh có thể gọi là lớn vậy.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Ta nhớ nghĩ trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp đời quá khứ, ở trước thời Phật Nhiên Đăng được gặp 804 ngàn vạn ức na-do-tha(1) chư Phật, Ta đều đã cúng dường thừa sự, không bỏ qua một vị nào. Nếu lại có người vào đời cuối sau này có thể thọ trì đọc tụng kinh này, thì chỗ họ được công đức so với công đức cúng dường chư Phật của Ta, tức công đức của Ta không bằng một phần trăm, phần trăm ngàn vạn ức, cho đến dùng tốn số để ví dụ cũng không bằng được.

Lục Tổ giải: Cúng dường hằng sa chư Phật, bố thí châu báu đầy khắp Tam thiên đại thiên thế giới, xả thân nhiều như số vi trần, có đủ mọi Phước đức cũng không bằng người trì kinh một niệm ngộ lý vô sanh, ngưng tâm mong cầu, xa lìa tri kiến điên đảo của chúng sanh, tức đến bờ trí huệ bên kia, vĩnh viễn ra khỏi 3 đường ác, chứng niết-bàn vô dư.

1. Na-do-tha: Con số lớn bên Ấn Độ, bằng muôn ức, hoặc ngàn vạn. Một ức có 3 cấp là 10 vạn (1), 100 vạn (2), 1.000 vạn (3). Vì vậy sự xác định số đếm của na-do-tha cũng không giống nhau.

 

Xuyên Lão chú: Công không uổng khi thí cúng.

Tụng rằng:

Ngàn ức cúng Phật Phước vô biên

Đâu bằng thường đem cổ giáo đọc

Giấy trắng mực đen sẵn to bày 

Xin anh mở mắt nhìn trước mặt

Gió lặng lặng chừ nước mãi chảy

Tạ tam lang(1)  chỉ ở thuyền câu.

A-tăng-kỳ dịch là vô số thời. Na-do-tha nghĩa là 10 ức là một lạc-xoa, 10 lạc-xoa là một câu-chi, 10 câu-chi là một na-do-tha. Như Lai trong đời quá khứ trước thời Phật Nhiên Đăng, đã cúng dường vô số chư Phật, công đức ấy có thể gọi là sâu mà lớn vậy. Nhưng nói cũng không bằng công đức của người trì kinh trong đời cuối, tại sao? Vì trì kinh có thể sanh lý giải, đắc chứng bồ-đề. Cúng Phật tuy cảm được Phước báo, nhưng chỉ là sự tướng(2), so với công đức trì kinh, không bằng một phần trong trăm ngàn muôn ức phần. Cho nên ở đây lại nói dù toán số cũng không thí dụ được, bởi vì Phước của sự tướng là pháp có thể nghĩ bàn, còn diệu trí của bát-nhã dứt năng-sở, dứt đối đãi, Bất khả đắc nên không thể nghĩ bàn.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân vào đời cuối sau này có thể thọ trì đọc tụng kinh này, thì chỗ họ được công đức nếu như Ta thuyết giảng ra đủ hết, hoặc có người nghe, tâm liền cuồng loạn, nghi ngờ không tin.

1. Thiền sư Huyền Sa Sư Bị đời Đường (835-908), thuộc pháp hệ Thanh Nguyên. Sư họ Tạ, lúc còn ở nhà là người con thứ 3, cho nên thường được gọi là Tạ tam lang (chàng ba họ Tạ). Lúc trẻ, sư là dân chài, cuộc đời từng gắn với sông nước, thuyền câu.

2. 事相 (sự tướng): Các pháp hữu vi hay các hiện tượng có sanh có diệt.

 

Lục Tổ giải: Phật nói chúng sanh đời mạt pháp, đức mỏng cấu nặng, ganh ghét thêm sâu, tà kiến hừng hực. Trong lúc này nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào thọ trì đọc tụng kinh này, viên thành pháp tướng, liễu vô sở đắc, niệm niệm thường hành từ bi hỷ xả, khiêm hạ nhu hòa, rốt ráo thành tựu bồ-đề vô thượng. Hoặc nếu có người không biết chánh pháp của Như Lai thường hằng bất diệt, nghe nói sau khi Như Lai nhập diệt, 500 năm sau, có người có thể thành tựu tâm vô tướng, hành hạnh vô tướng, đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì tâm họ đều sanh kinh hãi, hồ nghi chẳng tin.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Phải nên biết nghĩa lý của kinh này không thể nghĩ bàn, quả báo cũng không thể nghĩ bàn.

Lục Tổ giải: Nghĩa lý của kinh này là hạnh vô trước vô tướng, nói không thể nghĩ bàn là tán thán hạnh vô trước vô tướng, năng thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Xuyên Lão chú: Lông mày thảy đều nằm ngang trên mắt.

Tụng rằng:

Thuốc hay thường đắng, lời thật trái tai

Nóng lạnh tự hay, như cá uống nước

Đâu cần mai kia đợi Long Hoa

Hôm nay được thọ ký bồ-đề.

Kinh này nếu không phải căn khí Đại thừa thì không thể trì tụng, do trì tụng mà cảm được công đức, há người tầm thường nghe được sao? Vì nghe ắt hồ nghi mà không tin nên thuyết lý không đầy đủ. Cho nên nghĩa thú và quả báo của kinh này không thể nghĩ bàn.

 

Phần thứ 17 RỐT RÁO VÔ NGÃ

Thành Phật cứu cánh 成佛究竟

Vốn không tướng ngã. 本無我相

Xuyên Lão chú: Xưa nay không có ngã thì làm sao có người, vì độ người mà tạm lập ra ngã. Cho nên mới được lấy làm phần Rốt ráo vô ngã.

Phần đoạn nghi thứ 11 “Chỗ an trụ và hàng phục tâm mà vẫn còn ngã” Chỗ nghi này từ 4 tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả trong những đoạn văn kinh trước mà ra.

Kinh: Khi ấy, ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng “Thưa Thế Tôn! Thiện nam tử thiện nữ nhân phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phải nên trụ tâm như thế nào? Hàng phục tâm ấy như thế nào?”. Phật bảo ngài Tu-bồ-đề “Thiện nam tử thiện nữ nhân phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phải nên sanh tâm như vầy, là ta phải diệt độ hết thảy mọi chúng sanh, diệt độ hết thảy mọi chúng sanh xong, mà thật ra không có một chúng sanh nào được diệ độ cả”.

Lục Tổ giải: Ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật “Sau khi Như Lai nhập diệt, 500 năm sau, Nếu có người nào phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì phải y theo pháp nào mà trụ tâm? Làm sao hàng phục tâm mình?”, Phật đáp “Phải phát tâm độ thoát tất cả chúng sanh, độ thoát tất cả chúng sanh đều được thành Phật rồi, cũng không được thấy có một chúng sanh nào do ta diệt độ cả”. Tại sao vậy? Vì phải dứt trừ tâm năng-sở, dứt trừ tâm thấy có chúng sanh, cũng dứt trừ luôn tâm ngã kiến.

Xuyên Lão chú: Trước đó ngài Tu-bồ-đề đã khéo hỏi câu này, bây giờ lại hỏi nữa là sao? Ngôn từ hỏi tuy giống nhưng ý thì khác, vì chỗ hỏi chẳng qua là trụ Đại thừa, hàng phục vọng tâm mà ý của câu đã hỏi trước đó chỉ hỏi về cách trụ được và hàng phục được. Còn ý của câu hỏi này là nếu nói ta trụ được, ta hàng phục được thì vẫn còn phân biệt mà trái với đạo của chân chứng vô trụ cho nên mới hỏi lại nữa.

Có lúc nhân trăng đẹp mà chẳng hay chẳng biết là đã qua huốt Thương Châu.

Tụng rằng:

Nếu hỏi làm sao trụ

 Chẳng hữu-vô, ở giữa

Đầu không chút cỏ che

Chân chẳng đạp Ta-bà

Nhỏ như lân hư(1) chẻ

Nhẹ tợ bướm liệng bay

Chúng sanh diệt tận biết không diệt

Đấy đại trượng phu biết theo dòng.

Kinh:  Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề!  Vì nếu Bồ-tát có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì chẳng phải là Bồ-tát.

Lục Tổ giải: Bồ-tát nếu thấy có chúng sanh được mình độ tức là ngã tướng, có tâm năng độ chúng sanh tức là nhân tướng, nói niết-bàn có thể cầu tức là chúng sanh tướng, thấy có niết-bàn để chứng tức là thọ giả tướng. Có 4 tướng này thì chẳng phải là Bồ-tát.

Kinh: Sở dĩ vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì thật ra không có pháp phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

1. 隣虗 (lân hư): 1- Gần giống như hư không. 2- Phần nhỏ nhất của vi trần hay nguyên tử

 

Lục Tổ giải: Có pháp là có 4 pháp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả chẳng dứt trừ 4 pháp thì cuối cùng không được bồ-đề. Nếu nói “ta phát tâm bồ-đề” thì cũng là các pháp của nhân-ngã, các pháp của nhân-ngã chính là nguồn gốc của phiền não.

Xuyên Lão chú: Thiếu mất một phần làm sao được.

Tụng rằng:

Phòng vắng một thân ngồi tĩnh mịch

Đâu còn Nam Bắc với Đông Tây

Chẳng mượn ánh dương hòa chung sức

Hoa đào rộ đỏ biết sao đây.

Ý của một tiết văn này cũng giống với tiết trước, trước chỉ cần phá tình hiển trí. Chỗ phá tình là 4 tướng thô chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả; chỗ hiển trí là chân trí của bát-nhã. Từ đây trở xuống không còn trí hiển lý; phá 4 tướng vi tế chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Do Hiền vị này mà dần dần vào giai vị Thánh vậy.

Phần đoạn nghi thứ 12 “Cái nhân thành Phật là có Bồ tát” chỗ nghi này từ trong chỗ nghi thứ 11 “Thật ra không có pháp phát tâm bồ-đề” mà ra.

Kinh: “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng có pháp đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Thưa Thế Tôn, không có. Như con hiểu nghĩa của Phật thuyết giảng thì Phật ở chỗ Phật Nhiên Đăng không có pháp đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Phật nói “Đúng vậy, đúng vậy”.

Lục Tổ giải: Phật bảo ngài Tu-bồ-đề “Ta ở chỗ Phật Nhiên Đăng chẳng dứt trừ bốn tướng, vậy có được thọ ký không?”, ngài Tu-bồ-đề hiểu sâu lý của vô tướng cho nên mới đáp “Không có”. Vì ngài Tu-bồ-đề khéo khế hợp ý Phật, cho nên Phật nói “Đúng vậy, đúng vậy”. Nói đúng vậy là từ ngữ ấn khả

Xuyên Lão chú: Do trước đó nói thật ra không có pháp phát tâm bồ-đề là ý nói không có người phát tâm thì không có Bồ-tát. Nếu không có Bồ-tát thì tại sao Phật Thích-ca ở chỗ Phật Nhiên Đăng nói rằng lúc đó Ta là Thiện Tuệ trả tóc lấp bùn cho Phật Nhiên Đăng bước qua, hành đạo Bồ tát mà được thọ ký vậy? Phật sợ ngài Tu-bồ-đề còn nghi chỗ này nên nêu ra để hỏi.

Ngài Tu-bồ-đề trả lời, ý nói lúc đó Thiện Tuệ là Phật Thích-ca bây giờ không có chỗ đắc, lìa mọi phân biệt, vì ngộ đạt không có pháp nên được thọ ký.

Nếu không ngủ chung giường thì đâu biết mền giấy rách.

Tụng rằng:

Đánh trống khảy tỳ bà

Hai người gặp gỡ nhau

Anh đến bờ dương liễu

Ta trọ đầu bến Sông 

Chiều đến trên sông mưa lớt phớt

Định cao xanh biết hứng sương trời.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Thật ra không có pháp cho Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Nếu có pháp cho Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì Phật Nhiên Đăng tức không thọ ký cho Ta thế này “Ông ở đời sau sẽ được làm Phật, hiệu là Thích-ca Mâu-ni”. Vì vậy thật ra không có pháp đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho nên Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho Ta mà nói như vầy “Ông ở đời sau sẽ được làm Phật, hiệu là Thích-ca Mâu-ni”. Bởi vì sao? Vì Như Lai là nghĩa như của các pháp.

Lục Tổ giải: Phật nói “Thật ra không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả mới được thọ ký bồ-đề. Nếu Ta có tâm phát bồ-đề thì Phật Nhiên Đăng không thọ ký cho Ta. Vì thật ra không có chỗ đắc nên Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho Ta”. Cả đoạn này là tóm thành nghĩa vô ngã cho ngài Tu-bồ-đề. Phật nói “Nghĩa như của các pháp”, các pháp tức là sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp, ở trong 6 trần này khéo có thể phân biệt mà bản thể vẫn trạm nhiên (tĩnh lặng), chẳng nhiễm chẳng chấp, không từng biến dịch, như hư không bất động, viên thông thấu triệt, trải qua nhiều kiếp mà vẫn thường còn, đây gọi là nghĩa như (1) của các pháp, kinh Bồ-tát anh lạc nói “Khen chê đều chẳng động là hạnh của Như Lai”, kinh Nhập cảnh giới Phật nói “Mọi dục không nhiễm ô, kính lễ vô sở quán”.

Xuyên Lão chú: Nghèo tợ Phạm Đan, khí như Hạng Vũ

Tụng rằng:

Trên không miếng ngói, dưới không dùi cắm(2)

Trời lên trăng lặn chẳng biết là ai.

Ôi!

1. Tức là nghĩ chân thật, được hiểu theo đúng với bản chất thật của sự vật, hiện tượng.

2. Không có chỗ an thân, rất nghèo cùng. Nhà thiền dùng thành ngữ này dụ cho người ngộ đạo dứt sạch tục niệm thông thường, tri thức hiểu biết của tình thức.

 

Ngài Tu-bồ-đề đã hiểu pháp không có chỗ đắc, Phật đồng ý liền nói “Đúng vậy, đúng vậy”, nhưng Phật cũng nói lại là muốn cho ngài Tu-bồ-đề biết pháp không có chỗ đắc, khế ngộ sâu chí lý mà được thọ ký. Vì chỗ Như Lai chứng diệu quả là tâm địa vốn đầy đủ pháp môn, lìa mọi danh tướng, trong chỗ không có truyền thọ mà luận truyền thọ.

Phần đoạn nghi thứ13 “Không có nhân thì không có Phật” chỗ nghi này từ chỗ nghi thứ 11 và 12 mà ra.

Dừng dừng, động vào là ăn 30 gậy đấy!

Tụng rằng:

Trên là trời chừ dưới là đất

Nam là nam chừ nữ là nữ

Mục đồng khua trâu đánh thả rong

Thảy cất tiếng hát la la lý

Là khúc điệu gì sao mãi vui? 

 

Kinh: Nếu có người nói Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì này Tu-bồ-đề! Thật ra không có pháp để Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà Như Lai đắc, trong đó không thật không hư.

Lục Tổ giải: Phật nói “Thật ra không có tâm sở đắc mà đắc bồ-đề”, vì tâm sở đắc chẳng sanh cho nên đức bồ-đề. Lìa tâm này ra, cũng không có bồ-đề nào để đắc, cho nên mới nói là không thật. Tâm sở đắc tịch diệt, nhất thiết trí vốn có, vạn hạnh thảy đều đầy đủ, hằng sa đức tánh dùng không thiếu thốn, cho nên mới nói là không hư.

Xuyên Lão chú: Bởi vì sao là từ trưng dẫn. Do đoạn trước nói thật không có pháp đắc quả bồ-đề, nên Phật Thích-ca được Phật Nhiên Đăng thọ ký, bèn nghi rằng đã không có Phật quả thì há có Phật pháp sao? Giải thích rằng Như Lai là nghĩa như của các pháp, như là chân như, không dối trá là chân, không biến dịch là như. Thể của chân như này thấu triệt ba đời, cùng khắp mười phương, chẳng phải không chẳng phải hữu, không biến không đổi, đó gọi là Như Lai tánh. Nếu có chỗ đắc thì chẳng phải bồ đề của Phật.

Giàu oán ngàn miệng ít, nghèo hận một thân nhiều.

Tụng rằng:

Sinh nhai như mộng dường mây nổi

Kế sống đều không, dứt lục thân

Một con mắt xanh còn giữ được

Cười nhìn bao lắm kẻ lại qua.

 

Kinh: Cho nên Như Lai nói tất cả các pháp đều là Phật pháp. Này Tu-bồ-đề! Nói tất cả các pháp, tức vốn chẳng phải là tất cả các pháp, cho nên mới gọi là tất cả các pháp.

Lục Tổ giải: Thường ở nơi các pháp mà tâm không có thủ xả, cũng không có năng-sở, mạnh mẽ kiến lập tất cả các pháp mà tâm thường rỗng lặng, cho nên biết tất cả các pháp đều là Phật pháp. Vì sợ người mê tham chấp tất cả các pháp cho là Phật pháp, vì dứt trừ bệnh này cho nên mới nói tức chẳng phải là tất cả các pháp. Tâm không có năng-sở vắng lặng mà thường chiếu soi, định- huệ đồng hành, thể dụng nhất trí, cho nên mới gọi là tất cả các pháp.

Xuyên Lão chú: Rờ rỡ trăm ngọn cỏ, rờ rỡ ý Tổ sư.

Tụng rằng:

Rượu cất ra từng giọt

Hoa nở trong khoảnh khắc

Cung đàn điệu bích ngọc

Lò nung bạch chu sa(1)

Lắm bao bản lĩnh từ đâu đến?

Phải tin phong lưu vốn ở mình.

Bậc đại nhân thời xưa chỉ có Khổng Tử

1. Hợp chất kế tinh của thủy ngân và lưu hoàng. § Cũng gọi là đan can 丹干, đan sa 丹砂, chu sa 朱砂, thần sa 辰砂; rất độc, thượng dùng làm màu hoặc thuốc.

 

Tụng rằng:

Pháp đúng pháp sai chẳng phải pháp

Nước tù rồng ẩn sống linh hoạt

Tâm đúng tâm sai chẳng phải tâm

Từ xưa nay bít lấp hư không 

Chỉ là dứt truy tầm

Vô hạn gió mây rừng cuốn sạch

Một vầng trăng lẻ soi lòng trời.

Chỗ đắc là không còn tình mà chứng, không thật là chẳng phải tướng hữu vi, không hư là thể của chân như. Nhưng chân như này chẳng phải có một pháp nào khác, mà là hết thảy mọi sắc pháp, lìa tánh lìa tướng gọi là thể của chân như, chỉ có Phật với Phật mới có thể chứng được, cho nên tất cả các pháp đều là Phật pháp. Thể của chân như tuy không lìa khỏi các pháp, nhưng cũng không thể thủ chấp, vì vậy mới nói tức chẳng phải là tất cả các pháp, cho nên mới gọi là tất cả các pháp.

Kinh: “Này Tu-bồ-đề! Ví như thân người to lớn…”, ngài Tu-bồ-đề ngắt lời Phật nói “Thưa Thế Tôn! Cái mà Như Lai nói là thân người to lớn, tức vốn chẳng phải là thân lớn, cho nên mới gọi là thân lớn”.

Lục Tổ giải: Như Lai nói “Thân người to lớn, tức chẳng phải to lớn”, là hiểu bày pháp thân bất nhị của tất cả chúng sanh không có hạn lượng, đây mới gọi là thân lớn. Pháp thân vốn không có nơi chốn, cho nên nói tức chẳng phải là thân lớn. Lại nữa, sắc thân dù lớn nhưng bên trong nếu không có trí huệ, tức chẳng phải là thân lớn. Sắc thân tuy nhỏ mà bên trong có trí huệ, thì mới được gọi là thân lớn. Tuy có trí huệ mà chẳng thường y theo đó tu hành, tức chẳng phải là thân lớn. Y giáo tu hành, ngộ nhập tri kiến vô thượng của chư Phật, tâm không có năng-sở và hạn lượng, đây mới gọi là thân lớn.

Xuyên Lão chú: Gọi là vật gì thì không đúng rồi.

Tụng rằng(1):

Trời sinh anh linh thân sáu thước(2)

Văn võ song toàn khéo kinh thư

Khi sớm hiểu ra mặt mũi thật

Mới tin nhàn nhã khắp Ngũ Hồ.

Ở trên nói chỗ Như Lai chứng thể của chân như, ở khắp mọi nơi, có thể gọi là lâu dài vậy. Lại vì sợ ngài Tu-bồ-đề khởi cái thấy lâu dài, cho nên Phật mới nói ví dụ rằng ví như thân người cao lớn. Ngài Tu-bồ-đề nhân ví dụ liền ngộ nên nói Chẳng phải là thân lớn, cho nên mới gọi là thân lớn. Luận rằng thân lớn có 2 nghĩa, một là ở khắp mọi nơi tức pháp thân, hai là công đức lớn tức báo thân, mà 2 thân này đều lìa mọi tướng cho nên mới gọi là chẳng phải tướng.

Phần đoạn nghi thứ14 “Không có người sanh về cõi trang nghiêm” Chỗ nghi này giống chỗ nghi thứ12, đều từ trong chỗ nghi thứ 11 “Thật ra không có pháp phát tâm” mà ra.

1.天產英靈六尺 Thiên sản anh linh lục xích khu

   能文能武善經書 Năng văn năng vũ thiện kinh thư

 一朝識破娘生 Nhất triêu thức phá nương sinh diện 

方信閑名滿五湖 Phương tín nhàn danh mãn Ngũ Hồ.

2.Thước Trung Quốc, bằng 1/3 mét, 10 thước Trung Quốc bằng 1 trượng.

 

Kinh: Phật nói “Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như vậy, nếu nói như vầy “Ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh” thì không gọi là Bồ-tát”.

Lục Tổ giải: Bồ-tát nếu nói “Do ta thuyết pháp mà trừ được phiền não của người kia” tức là pháp ngã(1). Nếu nói “Ta độ được chúng sanh” tức tâm có ngã sở. Tuy độ thoát chúng sanh mà tâm có năng-sở ngã-nhân chẳng trừ thì không được gọi là Bồ-tát. Mạnh mẽ nói ra đủ mọi phương tiện để hóa độ chúng sanh, mà tâm không có năng-sở đó chính là Bồ-tát.

Kinh: Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì thật ra không có pháp gọi là Bồ-tát, cho nên Phật nói tất cả các pháp không có ngã, không có nhân, không có chúng sanh, không có thọ giả. Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nói như vầy “Ta phải trang nghiêm cõi Phật” thì không gọi là Bồ-tát. Bởi vì sao? Vì cái mà Như Lai nói là trang nghiêm cõi Phật, tức vốn chẳng phải là trang nghiêm, cho nên mới gọi là trang nghiêm.

Lục Tổ giải: Bồ-tát nếu nói “Ta có thể kiến lập thế giới” tức chẳng phải là Bồ-tát, mặc dù kiến lập thế giới mà tâm có năng-sở, tức chẳng phải là Bồ-tát. Mạnh mẽ kiến lập thế giới mà tâm năng-sở chẳng sanh, đây mới gọi là Bồ-tát. Kinh Tối thắng diệu định nói “Giả sử có người xây được tịnh xá bằng bạc trắng đầy khắp Tam thiên đại thiên thế giới, cũng chẳng bằng một niệm tâm thiền định”. Tâm có năng-sở tức chẳng phải thiền định, năng-sở chẳng sanh mới gọi là thiền định, thiền định tức là tâm thanh tịnh.

1. 法我 (pháp ngã): Cũng gọi là pháp ngã chấp, pháp ngã kiến, pháp chấp. Chỉ cho sự vọng chấp các pháp huyễn hóa là có thật, tức là chấp trước các pháp sắc-tâm có thể tính chân thật.

 

Xuyên Lão chú: Gọi trâu thì là trâu, gọi ngựa thì là ngựa.

Tụng rằng:

Mượn áo bà lễ bái bà môn

Lễ kể chu toàn đã vẹn phần

Bóng trúc quét thềm, bụi chẳng động

Trăng xuyên đầm đáy nước trong ngần.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát thông đạt pháp vô ngã thì Như Lai mới gọi là Bồ-tát chân thật.

Lục Tổ giải: Ở nơi các pháp tướng mà không có chỗ ngăn ngại, đây gọi là thông đạt; chẳng khởi tâm hiểu pháp, đây gọi là không có ngã pháp. Người không có ngã pháp được Như Lai gọi là Bồ-tát chân thật. Tùy theo khả năng mà hành trì cũng được gọi là Bồ-tát, nhưng chưa phải là Bồ-tát chân thật. Hiểu và hành viên mãn, tất cả mọi tâm năng-sở đều dứt sạch mới gọi là Bồ-tát chân thật.

Xuyên Lão chú: Lạnh thì khắp trời lạnh, nóng thì khắp trời nóng.

Tụng rằng:

Hữu ngã vốn vô ngã

Lúc lạnh đốt lửa hơ

Vô tâm tựa hữu tâm

Nửa đêm lượm kim vàng

Vô tâm vô ngã đạo rõ ràng

Chẳng hay đạo giả ấy là ai?

A ha!

 

Pháp giới chưa phân, thân và cõi bình đẳng, cũng không có Phật đạo để thành thì đâu có chúng sanh để độ. Cho nên khởi tâm độ chúng sanh, tu tập phạm hạnh, thanh tịnh cõi Phật là cái thấy của phàm phu, không được gọi là Bồ-tát. Vậy cuối cùng khởi những tâm gì mới gọi là Bồ tát? Ai thông đạt được không có ngã và pháp mới là Bồ-tát chân thật.

 

Phần thứ 18 NHẤT THỂ ĐỒNG QUÁN

Muôn pháp về một 萬法歸一

Không còn quán khác. 更無異觀

Xuyên Lão chú: Một con mắt nhiếp 5 con mắt (ngũ nhãn), một hạt cát nhiếp hàng hà sa số cát, một thế giới nhiếp nhiều thế giới, một tâm nhiếp tất cả tâm. Cho nên được lấy làm phần Nhất thể đồng quán.

Phần đoạn nghi thứ 15 “Chư Phật không thấy các pháp”, chỗ nghi này từ trong chỗ nghi thứ 14 mà ra.

Kinh: “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào?  Như Lai có nhục nhãn chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Đúng vậy, thưa Thế Tôn. Như Lai có nhục nhãn”. Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai có thiên nhãn chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Đúng vậy, thưa Thế Tôn. Như Lai có thiên nhãn”. Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai có huệ nhãn chăng?”, ngài Tu- bồ-đề đáp “Đúng vậy, thưa Thế Tôn. Như Lai có huệ nhãn”. Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai có pháp nhãn chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Đúng vậy, thưa Thế Tôn. Như Lai có pháp nhãn”. Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai có Phật nhãn chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Đúng vậy, thưa Thế Tôn. Như Lai có Phật nhãn”.

Lục Tổ giải: Tất cả mọi người đều có ngũ nhãn, vì bị mê hoặc che lấp mà chẳng tự thấy, cho nên Phật dạy dứt sạch tâm mê thì ngũ nhãn mở sáng. Niệm niệm tu hành pháp bát-nhã ba-la-mật, đầu tiên dứt tâm mê gọi là nhục nhãn thứ nhất. Thấy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, khởi tâm thương xót, đây gọi là thiên nhãn thứ hai. Tâm si chẳng sanh gọi là huệ nhãn thứ ba. Tâm chấp pháp trừ bỏ gọi là pháp nhãn thứ tư. Vi tế mê hoặc vĩnh viễn dứt, viên minh chiếu khắp, đây gọi là Phật nhãn thứ năm.

Lại rằng thấy trong sắc thân có pháp thân gọi là thiên nhãn, thấy tất cả chúng sanh đều có đủ tánh bát-nhã gọi là huệ nhãn; thấy tánh minh triệt, năng-sở vĩnh viễn dứt trừ, tất cả Phật pháp xưa nay tự đầy đủ, đây gọi là pháp nhãn. Thấy bát-nhã ba-la-mật năng sanh tất cả các pháp trong ba đời, đây gọi là Phật nhãn.

Xuyên Lão chú: đều ở dưới lông mày.

Tụng rằng:

Như Lai có năm mắt

Ông Trương chỉ một con

Một loại chia đen trắng

Rõ ràng khác vàng xanh

Trong ấy một vài chỗ sai lầm

Sáu tháng nóng rồi, chỉ tuyết sương.

Kinh: Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như trong sông Hằng có cát, Phật nói đó có phải là cát chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Đúng vậy, thưa Thế Tôn. Như Lai nói đó là cát”. Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như trong một con sông Hằng có bao nhiêu cát, lại có số sông Hằng cũng nhiều như vậy, lại có số thế giới của Phật nhiều như số cát trong tất cả những con sông Hằng ấy, như vậy là nhiều chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Thưa Thế Tôn, rất nhiều”.

Lục Tổ giải: Sông Hằng là con sông ở gần tịnh xá Kỳ- hoàn tại Ấn Độ, Như Lai thuyết pháp thường chỉ con sông này làm thí dụ. Phật nói “Số cát trong con sông này, một hạt cát dụ cho một thế giới Phật, vậy có nhiều chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Thưa Thế Tôn, rất nhiều”. Phật nêu số cõi nước nhiều như vậy là muốn làm sáng tỏ chúng sanh có trong tất cả cõi nước ấy, mỗi một chúng sanh đều có ngần ấy số tâm như vậy.

Kinh: Phật bảo ngài Tu-bồ-đề “Tất cả chúng sanh trong số cõi Phật nhiều như vậy, nếu khởi tâm suy nghĩ thì Như Lai đều biết rõ. Bởi vì sao? Vì cái mà Như Lai nói là các tâm, vốn đều chẳng phải là các tâm, cho nên mới gọi là tâm”.

Lục Tổ giải: Chúng sanh có trong số cõi Phật, mỗi một chúng sanh đều có ngần ấy số tâm sai biệt. Số tâm tuy nhiều nhưng đều gọi là vọng tâm, biết được vọng tâm chẳng phải tâm, đây mới gọi là tâm. Tâm này tức là tâm chân thật, tâm thường hằng, tâm Phật, tâm bát-nhã ba-la- mật, tâm bồ-đề niết-bàn thanh tịnh.

Xuyên Lão chú: Đã từng lang thang thương khách lạ, thường vui chén ái biết người say.

Tụng rằng:

Mắt nhìn Đông Nam, ý ở Tây Bắc

Tưởng chỉ khỉ trắng, còn có khỉ đen

Bao nhiêu chúng sanh bấy nhiêu tâm

Sắc-thanh đeo đuôri mãi vô cùng.

Ối!

Bệnh nhiều thì biết rõ tính chất của thuốc.

 

Tụng rằng:

Cơn sóng vừa nổi muôn sóng nối

Tợ kiến bò quanh đến bao giờ?

Ôi!

Hôm nay vì anh đều cắt đứt

Xuất thân(1)  mới gọi bậc trượng phu.

Kinh: Sở dĩ vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai Bất khả đắc.

Lục Tổ giải: Tâm quá khứ bất khả đắc là vọng tâm của niệm trước, tiềm ẩn đã qua đi, truy tìm mà không có nơi chốn. Tâm hiện tại bất khả đắc là vì chân tâm vô tướng, đâu có chỗ nào thấy được. Tâm vị lai bất khả đắc là vốn không có gì để được, tập khí đã dứt, không còn sanh trở lại. Liễu đạt ba tâm này đều bất khả đắc, đây gọi là Phật.

Xuyên Lão chú: Nói khẽ thôi, khẽ thôi, chân thật được là từ lỗ mũi(2)  hít thở.

Tụng rằng:

Ba đời cầu tâm, tâm chẳng thấy

Hai mắt như cũ nhìn hai mắt

Chẳng cần rơi kiếm khắc be thuyền(3)

Tuyết trăng phong cảnh thường trước mặt.

1.身 (xuất thân): Siêu thoát, triệt ngộ.

2. 孔 (tị khổng): Dụ chỉ chỗ then chốt của việc tham thiền, con đường đốn ngộ.

3. Be thuyền là mạn thuyền. Lã Thi Xuân Thu chép: Có người qua sông, vô ý đánh rơi kiếm xuống sông. Người ấy liền khắc dấu lên mạn thuyền chỗ kiếm rơi, lúc thuyền đến chỗ khác rồi mà người ấy vẫn theo dấu khắc lặn xuống sông tìm kiếm. Thiền tông mượn điển cố này dụ chỉ người học ngu si chấp thủ, thiếu linh hoạt đối với cơ pháp của bậc thầy.

 

Trước nói không thấy đó là chúng sanh không thấy ta là Bồ-tát, không thấy mình thanh tịnh cõi nước Phật. Như vậy thì không thấy các pháp mới gọi là chư Phật Như Lai, mà Như Lai có đầy đủ ngũ nhãn, vậy há đều không có chỗ thấy sao? Ngũ nhãn là nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Bậc cổ đức làm bài kệ rằng:

Thiên nhãn thông chẳng ngại

Nhục nhãn ngại chẳng thông

Pháp nhãn chỉ quán tục đế

Huệ nhãn liễu tri “không”

Phật nhãn như ngàn trời chiếu.

Ngũ nhãn này tuy khác mà thể vốn đồng, thông suốt mười cõi mà hơn kém có khác, như trong kinh nói Như Lai đều có đủ ngũ nhãn là không đâu mà chẳng phải Phật nhãn, Như Lai đều thấy biết hết tâm của tất cả chúng sanh trong hằng sa thế giới, mà tâm của chúng sanh thì đủ mọi điên đảo. Nói chẳng phải tâm là vọng thức vốn “không”, cho nên mới gọi là tâm là chân như bất diệt. Sỡ dĩ tại sao? Vì nói ra rằng chẳng phải tâm, cho nên giải thích tâm của ba đời là tâm hư vọng sanh diệt, cầu đều không thể được vì quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại chẳng dừng, đây là tâm hiểu biết của Như Lai.

 

Phần thứ 19 SỰ BIẾN HÓA THÔNG SUỐT CỦA PHÁP GIỚI

Pháp thân khắp cõi 法身遍界

Thông hóa vô biên. 通化無邊

Xuyên Lão chú: Biến hóa thành Phước điền của tất cả 7 loại báu trong cùng khắp pháp giới, cũng đâu bằng bài kệ 4 câu của kinh này. Cho nên được lấy làm phần Sự biến hóa thông suốt của pháp giới.

Phần đoạn nghi thứ 16 “Phước đức cũng là tâm điên đảo”, chỗ nghi này từ trong chỗ nghi thứ 15 mà ra.

Kinh: “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Nếu như có người đem đầy 7 loại báu trong Tam thiên đại thiên thế giới, dùng để bố thí thì người đó nhờ nhân duyên này sẽ được phước rất nhiều đúng không?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Đúng vậy, thưa Thế Tôn. Người đó nhờ nhân duyên này sẽ được phước rất nhiều”. Phật nói “Này Tu-bồ-đề! Nếu như phước đức có thật thì Như Lai không nói được phước đức nhiều, vì phước đức không có thật nên Như Lai mới nói là được phước đức nhiều”.

Lục Tổ giải: Phước của 7 loại báu chẳng thể thành tựu Phật quả bồ-đề, cho nên mới nói “Không được phước đức nhiều”, vì không có số lượng giới hạn nên mới nói là nhiều. Nếu có thể vượt qua thì không nói là nhiều.

Xuyên Lão chú: Vì hơn hẳn, khác với tâm lao nhọc.

 

Tụng rằng:

La-hán Ứng Cúng(1) ít

So thân mạng, thất bảo

Dẫu cho nhiều trọc phú

Đâu bằng ít, thanh bần

Vô tướng chỉ do vô ý đắc

Ràng buộc mất bởi có tâm thân(2).

Trước nói tâm chúng sanh có trụ chấp là vì điên đảo, nhưng tâm phước điền tạo há cũng là điên đảo sao? Nếu vậy thì tại sao gọi là thiện pháp chứ? Vì sợ vẫn còn chỗ nghi này, cho nên Phật giải nghi phước đức có thật là trụ tướng bố thí, tạo thành cái nhân hữu lậu, thì phước ấy chỉ ít thôi. Phước đức không có là lìa tướng bố thí, thành tựu cái nhân vô lậu, thì phước ấy mới nhiều, đây gọi là chẳng trụ nơi tướng, tâm lìa điên đảo, mà chỗ tạo phước đều là pháp thiện vậy.

1. Ứng Cúng là một trong 10 tôn hiệu của đức Phật. A-la-hán cũng dịch là Ứng Cúng, là bậc đã xa lìa mọi điều ác, xứng đáng được hưởng sự cúng dường của chư Thiên và người.

2. Thân có nghĩa là khế hợp với tự tánh. Ngược lại, tách rời, không khế hợp với tự tánh là sơ.

 

Phần thứ 20 LÌA SẮC LÌA TƯỚNG

Sắc-tướng đều vọng 色相皆妄

Lìa vọng thấy tánh. 離妄見性

Xuyên Lão chú: Ba thân đầy đủ, mọi tướng viên thành, nhân và pháp đều không còn tức chẳng phải đầy đủ cho nên được lấy làm phần Lìa sắc lìa tướng.

Phần đoạn nghi thứ 17 “Vô vi đâu có tướng tốt” chỗ nghi này từ trong chỗ nghi thứ 3 “Vì Hiền Thánh do pháp vô vi nên có tên gọi” mà ra.

Kinh: “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Có thể lấy sắc thân đầy đủ mà thấy Phật chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Dạ không, thưa Thế Tôn. Không nên lấy sắc thân đầy đủ mà thấy Như Lai. Bởi vì sao? Vì cái mà Như Lai nói là sắc thân đầy đủ, tức vốn chẳng phải là sắc thân đầy đủ, cho nên mới gọi là sắc thân đầy đủ”.

Lục Tổ giải: Ý Phật sợ chúng sanh không thấy pháp thân, chỉ thấy 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, thân vàng ròng sáng rực, cho đó là chân thân của Như Lai, vì trừ mê cho họ nên Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề “Có thể lấy tướng sắc thân đầy đủ để thấy Phật chăng?”. Ba mươi hai tướng tức chẳng phải sắc thân đầy đủ, bên trong có đủ 32 hạnh thanh tịnh mới gọi là sắc thân đầy đủ. Hạnh thanh tịnh là 6 ba-la-mật, ở trong ngũ căn tu 6 ba-la-mật, ở trong ý căn định-huệ đều tu, đây gọi là sắc thân đầy đủ. Chỉ kính ái 32 tướng tốt của Như Lai mà bên trong không tu 32 hạnh thanh tịnh, tức chẳng phải sắc thân đầy đủ. Chẳng kính ái sắc tướng của Như Lai mà có thể tự trì hạnh thanh tịnh, cũng được gọi là sắc thân đầy đủ.

Kinh: Phật hỏi “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Có thể lấy các tướng đầy đủ mà thấy Như Lai chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Dạ không, thưa Thế Tôn. Không nên lấy các tướng đầy đủ mà thấy Như Lai, bởi vì sao? Vì cái mà Như Lai nói là các tướng đầy đủ, tức vốn chẳng phải là các tướng đầy đủ, cho nên mới gọi là các tướng đầy đủ”.

Lục Tổ giải: Như Lai tức là pháp thân vô tướng, chẳng phải nhục nhãn có thể thấy, mà huệ nhãn mới có thể thấy được. Huệ nhãn chưa trọn sáng tỏ sanh khởi các tướng ngã-nhân để nhìn 32 tướng tốt là Như Lai, thì không gọi là đầy đủ. Khi huệ nhãn minh triệt, các tướng ngã-nhân chẳng sanh, chánh trí quang minh thường chiếu, đây mới gọi là các tướng đầy đủ. Tam đức chưa diệt mà nói thấy chân thân của Như Lai, thì chắc chắn không có lý này. Cho dù có thể thấy, thì đó chỉ là hóa thân, chẳng phải pháp thân vô tướng chân thật.

Xuyên Lão chú: Tùy cơ ứng vật mà dùng nhiều phương tiện khác nhau.

Tụng rằng:

Xin anh ngước mặt ngắm hư không

Rộng lớn vô biên chẳng tung tích

Nếu hiểu một chút lực đến ngộ

Muôn sự muôn vật thảy tương phùng.

Trước nói chỗ chư Phật chứng là pháp vô vi, thì tại sao lại thấy thân Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp? Vì đoạn chỗ nghi này nên Phật mới hỏi, ngài Tu-bồ-đề liền hiểu pháp thân của Như Lai vốn chẳng phải sắc thân có thể thấy, cũng chưa từng lìa nơi sắc tướng mà không thể thấy, vì vậy nói tức chẳng phải sắc thân đầy đủ, cho nên mới gọi là sắc thân đầy đủ. Tức chẳng phải các tướng đầy đủ, cho nên mới gọi là các tướng đầy đủ, bởi vì bản thể trọn vẹn của pháp thân vô vi khởi diệu dụng tướng đẹp đẽ của ứng thân, do đó ứng thân tức là pháp thân, đó là không có tướng mà có tướng, có tướng mà không có tướng, không có thấy mà thấy, thấy mà không có thấy.

 

Phần thứ 21 KHÔNG THUYẾT PHÁP, KHÔNG CÓ PHÁP ĐỂ THUYẾT

Pháp không thể thuyết 法無可說

Thuyết chẳng phải pháp. 所說非法

Xuyên Lão chú: Suốt ngày luận bàn cái “không” mà chẳng luận bàn chữ nào, nếu có thuyết là phỉ báng Như Lai, cho nên được lấy làm phần Không thuyết pháp, không có pháp để thuyết.

Phần đoạn nghi thứ 18 “Không có thân thì lấy gì thuyết pháp” chỗ nghi này từ trong chỗ nghi thứ 1 “Chẳng phải thân tướng” mà ra.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Ông chớ nói Như Lai có ý niệm này “Ta đã có thuyết pháp”, đừng nghĩ vậy! Bởi vì sao? Vì nếu người nào nói Như Lai có thuyết pháp, tức là phỉ báng Phật, không thể hiểu đều mà Ta đã nói vậy. Này Tu-bồ-đề! Thuyết pháp là không có pháp để thuyết, cho nên mới gọi là thuyết pháp.

Lục Tổ giải: Phàm phu thuyết pháp, tâm có sở đắc, cho nên Phật bảo ngài Tu-bồ-đề “Như Lai thuyết pháp, tâm không có sở đắc”. Phàm phu thuyết pháp là đem tâm phân biệt hiểu biết ra mà nói, còn Như Lai nói đều là chân như, phát ra ngôn từ như tiếng vang dội lại, tùy ý ứng dụng mà vô tâm, khác với phàm phu khởi tâm sanh diệt mà thuyết. Nếu ai nói Như Lai thuyết pháp, tâm có sanh diệt tức là phỉ báng Phật. Kinh Duy-ma nói “Người thuyết pháp chân thật là không thuyết không dạy, người nghe pháp không nghe không đắc”. Liễu đạt muôn pháp rỗng lặng, tất cả mọi danh ngôn đều là giả lập. Từ trong tánh “không” của mình, mạnh mẽ kiến lập tất cả mọi ngôn từ diễn thuyết các pháp vô tướng vô vi, khai thị dẫn dắt người mê, khiến họ thấy bản tánh, tu chứng bồ-đề vô thượng, đây mới gọi là thuyết pháp.

 

Xuyên Lão chú: Đúng thì đúng đó, nhưng Đại tạng và Tiểu tạng từ đâu mà có được?

Tụng rằng:

Có thuyết đều phỉ báng

Vô ngôn cũng chẳng cần

Vì anh thông một mối

Trờ lên hừng đỉnh Đông.

Cây gậy làm bằng sừng thỏ, phất trần làm bằng lông rùa.

Tụng rằng:

Nhiều năm ngựa đá(1) phóng hào quang

Trâu sắc gầm rống vào sông dài

Hư không khi xướng không tung tích

Bất giác ẩn thân Bắc Đẩu tinh.

Hãy nói coi là thuyết pháp hay không phải thuyết pháp?

Đã nói sắc thân tướng hảo của Như Lai không thể thấy được, thì làm sao vì người mà diễn thuyết chứ! Nhưng bi Nguyện củ Như Lai sâu nặng tùy cảm mà ứng, không có thuyết mà thuyết, thuyết tức không có thuyết, chẳng đạt ý này gọi là phỉ báng Phật. Nói không có pháp nào để thuyết mới gọi là thuyết pháp là lìa tánh chấp rồi thì không ngại xứng tánh mà thuyết.

1. Ngựa đá, trâu sắc đều là thiền ngữ dụ cho tâm ấn vô tướng, Bất động mà diệu động của Phật-Tổ.

 

Kinh: Bấy giờ, ngài Huệ Mạng(1) Tu-bồ-đề bạch Phật rằng “Thưa Thế Tôn! Hết thảy chúng sanh ở đời vị lai nghe được pháp này, có sanh lòng tin chăng?”, Phật nói “Này Tu-bồ-đề! Hết thảy chúng sanh ấy chẳng phải là chúng sanh, cũng chẳng phải không phải là chúng sanh. Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì cái mà chúng sanh cho là chúng sanh, Như Lai nói chẳng phải là chúng sanh, cho nên mới gọi là chúng sanh”.

Lục Tổ giải: Pháp sư Linh U thêm vào hai chữ “Huệ Mạng” trước Tu-bồ-đề năm ngài 60 tuổi, nhằm niên hiệu Trường Khánh thứ 2 (821). Nay hiện tại trên bia đá chùa Chung Li ở Hào Châu chép vào trước lời giải của Lục Tổ, cho nên không giải nghĩa. Nay cũng vẫn còn.

Xuyên Lão chú: Ngài Tu-bồ-đề là người hiểu về cái “không” bậc nhất, tương ưng với bát-nhã không huệ. Vì lấy huệ làm mạng nên gọi là Huệ Mạng. Trước nói thân là cái thân của phi thân, pháp là chẳng phải thuyết mà thuyết, vì thân và thuyết đều vi diệu khó tin khó hiểu, cho nên mới có nghi vấn này.

Chúng sanh có Thánh có phàm, mà chúng sanh phàm phu ở nơi bát-nhã này không thể sanh lòng tin. Chúng sanh ở nơi Thánh thể mới có thể tin hiểu, nói chẳng phải chúng sanh là chẳng phải chúng sanh phàm phu, chẳng phải không phải chúng sanh là chẳng phải không phải chúng sanh ở nơi Thánh thể. Chúng sanh ở nơi Thánh thể là người có căn khí Đại thừa, thì há có thể coi là chúng sanh phàm phu không thể sanh lòng tin sao? Vì vẫn sợ ngài Tu-bồ-đề chưa ngộ nên Phật lại tự giải thích.

Lửa nóng, gió động, nước ướt, đất cứng.

1. Một trong các danh hiệu của trưởng lão Tu-bồ-đề (Subhuti). Những tên gọi khác theo Hán dịch là Thiện Nghiệp, Thiện Hiện, Thiện Cát.

 

Tụng rằng:

Hươu nai há mong thành ngựa chiến?

Gọi chim sao lại nhọc loan bay

Dù chẳng chút màng ai khác giống

Chỉ tên lừa ngựa cũng trăm loài.

Chúng sanh là nói chúng sanh phàm phu, Như Lai nói chẳng phải chúng sanh nên mới gọi là chúng sanh là nói chẳng phải là chúng sanh phàm phu, đó là chúng sanh ở nơi Thánh thể sanh được lòng tin hiểu.

 

Phần thứ 22 KHÔNG CÓ PHÁP ĐỂ ĐẮC

Ngộ tánh vốn không 悟性空故

Không pháp để đắc. 無法可得

Xuyên Lão chú: Chánh trí vô thượng thật ra không có pháp nào cả, pháp không có chỗ đắc, chân thật, cùng khắp, rõ ràng, cho nên được lấy làm phần Không có pháp để đắc.

Phần đoạn nghi thứ 19 “Không có pháp thì làm sao tu chứng” chỗ nghi này từ trong chỗ nghi thứ 12 và 13 mà ra.

Kinh: Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng “Thưa Thế Tôn! Phật đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là không có chỗ đắc chăng?”, Phật nói “Đúng vậy, đúng vậy. Này Tu-bồ-đề! Ta ở chỗ quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến không có mảy may pháp nào để đắc cả cho nên mới gọi là đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Lục Tổ giải: Ngài Tu-bồ-đề nói “Tâm sở đắc dứt tức là bồ-đề”, Phật nói “Đúng vậy, đúng vậy. Thật ra Ta không có tâm mong cầu bồ-đề cũng không có tâm sở đắc. Vì như vậy cho nên mới được gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Xuyên Lão chú: Cầu người không bằng tự cầu mình.

Tụng rằng:

Lạ gì giọt nước góp thành sông

Lưu luyến cỏ thơm liễu xanh ngát

Muôn sự hoa xuân trăng thu tỏ

Vẳng chá cô(1)  kêu chốn tịch nhàn.

1. Chim đa đa, thuộc loại bồ câu (lat. Francolinus pintadeanus), mình nó to như chim cưu 鳩, đỉnh đầu màu tía, lưng xám tro, mỏ đỏ bụng vàng, chân đỏ thẫm, đậu thành đàn trên đất, làm tổ trong hang hốc đất. § Ta quen đọc 鷓 là giá.

 

Trước đó nói thật ra không có pháp đắc Chánh giác vô thượng, thì làm sao mà có tu chứng, cho nên nghi mà hỏi. Phật đáp 3 cách, thứ 1 đáp không có pháp để đắc, thứ 2 đáp bình đẳng là Chánh giác, thứ 3 đáp chánh-trợ tu thiện thành tựu Chánh giác. Phật trả lời cách thứ 1 như văn kinh nói có thể thấy.

 

Phần thứ 23 TỊNH TÂM HÀNH THIỆN

Lấy tâm thanh tịnh 以清淨心

Tu mọi pháp lành. 行諸善法

Xuyên Lão chú: Một pháp còn trong tâm thì tình sanh cao thấp, tịnh tâm tu pháp thiện làm sao hết. Cho nên được lấy làm phần Tịnh tâm hành thiện.

Kinh: Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp, cho nên mới gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì không có ngã, không có nhân, không có chúng sanh, không có thọ giả tu tất cả các pháp thiện, tức là đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lục Tổ giải: Pháp bồ-đề này, trên từ chư Phật, dưới đến côn trùng đều có chủng trí, không khác gì Phật, cho nên nói “Bình đẳng, không có cao thấp, vì bồ-đề không có hai”. Chỉ cần lìa 4 tướng, tu tất cả mọi pháp thiện thì được bồ-đề. Nếu không lìa 4 tướng mà tu tất cả mọi pháp thiện thì càng tăng thêm tâm của ngã-nhân muốn chứng giải thoát, cũng không có cách nào được. Nếu lìa 4 tướng mà tu tất cả mọi pháp thiện, thì sẽ có lúc giải thoát. Tu tất cả mọi pháp thiện là ở nơi hết thảy các pháp không có nhiễm chấp, ở tất cả cảnh đều chẳng động chẳng chuyển, ở nơi pháp xuất thế gian chẳng tham, chẳng chấp, chẳng ái.

Ở mọi nơi thường dùng phương tiện, tùy thuận chúng sanh, khiến họ hoan hỷ tin phục, vì họ mà nói chánh pháp, khiến ngộ bồ-đề, như vậy mới gọi là tu hành. Cho nên mới nói “Tu tất cả pháp thiện” là vậy.

Xuyên Lão chú: Trả lời theo cách thứ 2 bình đẳng là Chánh giác.

Núi cao, biển sâu, mặt trời mọc, mặt trăng lặn.

 

Tụng rằng:

Tăng là tăng chừ tục là tục

Vui thì cười chừ buồn thì khóc

Nếu nơi đây thường khéo tham triệt

Sáu sáu xưa nay là ba sáu.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Cái gọi là pháp thiện, Như Lai nói tức vốn chẳng phải là pháp thiện, cho nên mới gọi là pháp thiện.

Lục Tổ giải: Tu tất cả các pháp thiện mà mong cầu quả báo, tức chẳng phải pháp là thiện. Lục độ và vạn hạnh đều tu mạnh mẽ tâm chẳng mong cầu, đây mới gọi là pháp thiện.

Xuyên Lão chú: Hai má hây hây cụm trúc đào, dạ sinh gai góc lấn trời cao.

Tụng rằng:

Ác mà chẳng ác

Thiện lại chẳng thiện

Tướng mang phù(1) đi

Quân theo ấn chuyển

Có khi riêng đứng đỉnh Diệu Hương

Đến ngồi chễm trệ điện Diêm vương

Thấy rõ nhân gian chỉ gật đầu

Tay mắt Đại Bi nhiều phương tiện.

1. Phù là ấn tín do chủ tướng giữ

 

Trả lời theo cách thứ 3 là chánh-trợ tu thiện thành tựu Chánh giác. Chánh-trợ có nghĩ rằng chánh gọi là chánh quán 4 tướng đều “Không” trợ là duyên trợ giúp tu tất cả mọi pháp thiện. Trả lời theo cách thứ 1 vì không có pháp nào để đắc mới là Chánh giác, đó là đạt vọng tức chân. 

Trả lời theo cách thứ 2 bình đẳng là Chánh giác, đó là pháp không có cao thấp. Trả lời theo cách thứ 3 chánh-trợ thành tựu Chánh giác, đó là lìa tướng tu thiện, do lìa tướng cho nên mới gọi là pháp thiện.

 

Phần thứ 24 PHƯỚC TRÍ KHÔNG THỂ SO SÁNH

Phước trí rất lớn 福智甚大

Không gì sánh được. 無物可比

Xuyên Lão chú: Bố thí Châu báu nhiều như núi, nhưng núi chẳng phải vô tận, diệu trí của thân lớn đó là núi báu. Cho nên được lấy làm phần Phước trí không thể so sánh.

Phần đoạn nghi thứ 20 “Nói vô ký chẳng phải nguyên nhân” chỗ nghi này từ trong chỗ nghi thứ 19 “Tu pháp thiện” mà ra.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Nếu có người đem hết 7 loại báu chất đầy như các núi chúa Tu-di trong Tam thiên đại thiên thế giới dùng để bố thí, Nếu lại có người dùng kinh BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT này, thậm chí chỉ đem bài kệ 4 câu mà thọ trì đọc tụng, vì người khác giảng nói, thì phước đức của người trước không bằng một phần trăm, một phần trăm ngàn vạn ức, cho đến mọi toán số thí dụ cũng không thể bì kị phước đức của người chỉ thọ trì đọc tụng bài kệ 4 câu.

Lục Tổ giải: Núi Đại Thiết-vi, cao rộng 224 vạn dặm; núi Tiểu Thiết-vi, cao rộng 112 vạn dặm; núi Tu-di cao rộng 336 vạn dặm, lấy đây mà gọi là Tam thiên đại thiên thế giới. Theo lý mà nói thì mỗi vọng niệm tham sân si đều có đủ một ngàn, nhiều núi như vậy đều như Tu-di, lại lấy 7 loại báu dùng để bố thí, thì chỗ được phước đức vô lượng vô biên. Nhưng cuối cùng vẫn là cái nhân của hữu lậu, chứ không có đạo lý của giả thoát. Bốn câu văn kinh Ma-ha bát-nhã ba-la-mật-đa tuy ít, nhưng y theo đó tu hành là được thành Phật. Vì vậy phải biết phước trì kinh có thể khiến chúng sanh chứng bồ-đề, cho nên phước bố thí 7 loại báu không thể so sánh được.

Xuyên Lão chú: Ngàn cây dùi đất chẳng bằng một cây xẻng cùn.

 

Tụng rằng:

Kỳ lân loan phụng chẳng thành bầy

Ngọc bích từng tấc bán đi thôi

Ngựa theo ngày qua không tranh đuổi

Ỷ Thiên trường kiếm(1)  khó ai bì

Càn khôn chẳng chở che

Kiếp lửa không thể hoại

Uy quang lẫm liệt khắp trời cao

Trên trời nhân gian đều chẳng biết.

Ôi!

Trước đ nói theo tu pháp thiện được bồ-đề, vậy pháp mà Phật nói chẳng được bồ-đề sao? Bởi pháp sở thuyết là vô ký, vì sợ có chỗ nghi này nên Phật mới nói bố thí 7 loại báu trong đại thiên thế giới, chất nhiều như núi Tu-di là rất nhiều, nhưng cũng không bằng một phần trong trăm ngàn muôn ức phần công đức của người trì nói bài kệ 4 câu trong kinh này. Nói vô ký đó là pháp sở thuyết lìa tướng ngôn thuyết, vì lìa tướng nên thành tựu được cái nhân của bồ-đề. Thế nên Bồ-tát Di-lặc có nói bài kệ rằng(1):

Tuy nói pháp vô ký

Cũng nói là nhân kia.

Kia tức là bồ-đề.

1. Thanh gươm rất bén nổi tiếng của Tào Tháo thời Tam Quốc, Thiền tông mượn cụm từ này dụ cho cơ phong sắc bén của thiền sư.

2. 雖言無記法 Tuy ngôn vô ký pháp

而說是彼因 Nhi thuyết thị bỉ nhân.

 

Phần thứ 25 HÓA ĐỘ MÀ KHÔNG CÓ CHỖ HÓA ĐỘ

Tánh Thánh-phàm đồng 聖凡同性

Hóa không chỗ hóa. 化無所化

Xuyên Lão chú: Pháp môn hóa độ phương tiện kiến lập chưa thoát ra ngôn ngữ văn tự. Vì muốn nói thật ra không có chỗ hóa độ, cho nên được lấy làm phần Hóa độ mà không có chỗ hóa độ.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Các ông chớ nói Như Lai có nghĩ rằng Ta phải độ chúng sanh. Này Tu-bồ-đề, đừng nghĩ vậy! Bởi vì sao? Vì thật ra không có chúng sanh để Như Lai độ, nếu có chúng sanh để Như Lai độ thì Như Lai tức có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

Lục Tổ giải: Ý ngài Tu-bồ-đề cho là Như Lai có tâm độ chúng sanh, Phật vì trừ tâm nghi của ngài Tu-bồ-đề như vậy, cho nên mới nói “Đừng nghĩ như vậy!”. Tất cả chúng sanh vốn tự là Phật, Nếu nói Như Lai độ được chúng sanh thành Phật, tức là vọng ngữ, vì vọng ngữ nên chính là ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả; đây là dứt trừ tâm ngã sở.

Ôi, tất cả chúng sanh tuy có Phật tánh, nhưng nếu không nhân chư Phật thuyết pháp thì không có cách nào tự ngộ, nương vào đâu tu hành mà được thành Phật đạo?!

Xuyên Lão chú: Lan mùa xuân, cúc mùa thu đều tự tỏa hương thơm.

 

Tụng rằng:

Sanh xuống Đông Tây đi bảy bước

Cũng người mũi thẳng, cặp mày ngang

Hòa nói buồn vui thảy nào khác

Khi ấy còn ai hướng tôn đường(1).

Có nhớ lại được không?

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Cái mà Như Lai nói có ngã, tức vốn chẳng phải là ngã, mà phàm phu cho là có ngã. Này Tu-bồ-đề! Phàm phu ấy, Như Lai nói tức vốn chẳng phải là phàm phu, cho nên mới gọi là phàm phu.

Lục Tổ giải: Như Lai nói có ngã là tự tánh thanh tịnh, là cái ngã của thường-lạc-ngã-tịnh; khác với cái ngã tham sân, vô minh, hư vọng chẳng thật của phàm phu, cho nên nói “Người phàm phu cho là có ngã”. Có ngã-nhân tức là phàm phu, ngã-nhân chẳng sanh tức chẳng phải phàm phu. Tâm có sanh diệt tức là phàm phu, tâm không có sanh diệt tức chẳng phải phàm phu. Chẳng ngộ bát-nhã ba-la- mật-đa tức là phàm phu, tâm có năng-sở tức là phàm phu, tâm không có năng-sở tức chẳng phải phàm phu.

Xuyên Lão chú: Niệm trước là chúng sanh, niệm sau là Phật. Phật với chúng sanh là vật gì?

1. Tiếng kính trọng, chỉ cha mẹ của người đang nói chuyện với mình.

 

Tụng rằng:

Chẳng hiện ba đầu sáu tay

Mà lại lấy thìa buông đũa

Có khi rượu say mắng người

Bỗng chợt thắp hương tác lễ

Tay cầm chậu cát bể

 Thân mặc lụa tơ mềm

Thay hình đổi dạng trăm ngàn loại

Bỗng mũi kéo ra ta là ông.

Đã nói pháp ấy bình đẳng không có cao thấp, thì tại sao Như Lai lại có chuyện độ chúng sanh? Cho nên có bài kệ rằng:

Chân pháp giới bình đẳng

Phật chẳng độ chúng sanh

Vì đều chung ngũ ấm

Chẳng lìa pháp giới vậy.

Đều tức chúng sanh giả danh, ấm tức thật pháp của ngũ ấm. Vì giả danh và thật pháp này đều là pháp giới, cho nên nói tức chẳng lìa nơi pháp giới. Đã là phàm-Thánh trong pháp giới nhất như thì há có chúng sanh để độ sao? Cho nên nói Phật chẳng độ chúng sanh. Nếu Như Lai nói “Ta là người năng độ, chúng sanh là kẻ được độ”, thì chấp vào 4 tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả rồi. Do lìa 4 tướng nên chẳng phải độ mà độ, độ mà chẳng phải độ, thế nên Như Lai nói có ngã là chân ngã (Phật tánh). Nói chẳng phải có ngã là chẳng phải cái ngã hư vọng, như cái ngã của phàm phu là ngã chấp, chẳng phải phàm phu là trong kinh-luận nói chẳng phải sanh, gọi là chẳng sanh pháp của Thánh nhân tức là phàm phu tục tử.

 

Phần thứ 26 PHÁP THÂN CHẲNG PHẢI LÀ TƯỚNG

Pháp thân thanh tịnh 清淨法身

Chẳng thuộc tướng hình. 非屬相貌

Xuyên Lão chú: Lấy hình sắc để thấy, lấy âm thanh để cầu đều là đi khác đường. Vì ở lòng từ diệu khế, riêng lộ chân thường(1), cho nên được lấy làm phần Pháp thân chẳng phải là tướng.

Phần đoạn nghi thứ 22 “Lấy tướng để so biết Phật thật”, chỗ nghi này từ trong chỗ nghi thứ 17 “Chẳng nên lấy các tướng sắc thân để cầu Như Lai” mà ra.

Kinh: “Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Có thể lấy 32 tướng để quán Như Lai chăng?”, ngài Tu-bồ-đề nói “Đúng vậy, đúng vậy, có thể lấy 32 tướng để quán Như Lai”. Phật nói “Này Tu-bồ-đề! Nếu lấy 32 tướng để quán Như Lai thì Chuyển luân thánh vương(2) tức là Như Lai rồi”, ngài Tu-bồ-đề bạch Phật nói “Thưa Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa của Phật nói thì không nên lấy 32 tướng để quán Như Lai”.

Lục Tổ giải: Thế Tôn đại từ sợ bệnh chấp tướng củ ngài Tu-bồ-đề chưa trừ cho nên mới hỏi như vậy. Ngài Tu-bồ-đề chưa biết ý Phật nên mới nói “Đúng vậy, đúng vậy”, đã là tâm mê rồi, còn nói “Lấy 32 tướng để quán Như Lai” cũng là mtộ loại tâm mê, rời chân thật càng xa, cho nên Như Lai nói ra để trừ tâm mê của ngài Tu-bồ-đề. Nếu ai lấy 32 tướng tốt để quán Như Lai thì Chuyển luân thánh vương tức là Như Lai, Chuyển luân thánh vương tuy có 32 tướng tốt, nhưng há đồng với Như Lai sao? Thế Tôn nói lời này để trừ bệnh chấp tướng của ngài Tu-bồ-đề, khiến ngài ngộ thâm triệt. Ngài Tu-bồ-đề bị Phật hỏi mà tâm mê bỗng tan, cho nên mới nói “Như con hiểu nghĩa của Phật nói thì không nên lấy 32 tướng để quán Như Lai”.

1. 真常 (chân thường): Là pháp chân thật thường trụ Như Lai chứng được.

2. Là vị Thiên vương cũng có 32 tướng tốt, nhưng không tỏ rõ bằng Phật. Theo kinh Niết-bàn, Chuyển luân thánh vương cũng là tiền thân của Phật Thích- ca.

Thật ra ngài Tu-bồ-đề là bậc đại A-la-hán, sở ngộ thậm thâm được phương tiện, chẳng đi vào đường mê, vì ngài mong Thế Tôn dứt trừ vi tế hoặc độ cho chúng sanh đời sau không mê lầm. (cho nên mới thị hiện nói như thế).

Xuyên Lão chú: Lầm!

Tụng rằng:

Đất đắp, gỗ chạm, tranh lụa đẹp

Sơn xanh thêm lục lại dát vàng

Nếu cho đây là Như Lai tướng

Cười chết Nam mô Quán Thế Âm.

Lầm!

Tụng rằng:

Thân vô tướng trong thân có tướng

Bọn mọi đen dưới lò hương vàng

Nơi nơi đều là vật nhà ta

Cần gì Linh Sơn hỏi Thích-ca.

Như vua cầm kiếm.

 

Kinh: Lúc đó, Thế Tôn nói bài kệ rằng:

Nếu lấy sắc thấy Ta

Lấy âm thanh cầu Ta

 Người ấy đi khác đường

Không thể thấy Như Lai.

Lục Tổ giải: Hai chữ “Nếu lấy” (sắc tướng để thấy Ta), là điểm phát ra lời lẽ Sắc là tướng, thấy là thức, Ta là tự tánh thanh tịnh trong thân của tất cả chúng sanh, là thể của chân thường vô vi vô tướng. Không thể lớn tiếng niệm Phật mà được thành tựu. Niệm cần phải chánh niệm rõ ràng, mới được ngộ giải. Nếu lấy sắc tướng âm thanh để cầu thì không thể thấy được. Cho nên phải biết khi quán Phật ở trong tướng, cầu pháp trong âm thanh, tâm có sanh diệt thì chẳng ngộ được Như Lai vậy.

Xuyên Lão chú: Cho dù không lấy âm thanh để cầu và sắc tướng để thấy, nhưng cũng chưa thấy được Như Lai. Hãy nói coi làm sao mới được thấy? Không rõ, không rõ.

Tụng rằng:

Thấy sắc nghe thanh đời vốn thường

Trên lớp tuyết, dày một lớp sương

 Nếu anh muốn thấy lão Thích-ca

Cứ nhảy vào ẩn bụng Ma-da(1).

1. Phu nhân Ma-da là mẹ của thái tử Tất-đạt-đa (Phật Thích-ca).

 

Ba mươi hai tướng là tướng của ứng thân, quán Như Lai là quán pháp thân. Ý Như Lai hỏi là “Có thể ở trong tướng tốt của ứng thân mà quán thấy pháp thân không?”, ngài Tu-bồ-đề mới biết tướng tốt của ứng thân từ pháp thân lưu xuất. Nếu thấy tướng tốt là thấy pháp thân, cho nên ngài Tu-bồ-đề đáp rằng Đúng vậy, đúng vậy. Phật lại sợ ngài Tu-bồ-đề ở nơi ứng thân thủ chấp mà không đạt pháp thể cho nên lấy Chuyển luân thánh vương là Như Lai để hỏi vặn, nhưng ngài Tu-bồ-đề hiểu ý Phật vặn hỏi nên mới đáp Không thể lấy 32 tướng tốt để quán Như Lai, rồi Phật liền làm bài kệ để chứng minh bản thể của pháp thân vốn không lìa nơi thanh-sắc, mà phàm phu vì đọa vào thấy nghe là đi khác đường, cho nên không thể thấy được Như Lai.

 

Phần thứ 27 KHÔNG CÓ ĐOẠN, KHÔNG CÓ DIỆT

Y pháp tu trì      依法修持

Chẳng nên đoạn diệt. 不應斷滅

Xuyên Lão chú: Có tướng mà vô tướng, “không” mà chẳng phải “không”, từ xưa đến nay ai nói là đoạn diệt. Cho nên được lấy làm phần Không có đoạn, không có diệt.

Phần thứ 23 đoạn nghi “Phật quả chẳng dính gì đến Phước tướng”, chỗ nghi này từ trong chỗ nghi thứ 22 mà ra.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Nếu ông nghĩ rằng Như Lai không tu đầy đủ các hạnh tướng thanh tịnh mà vẫn đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ- đề! Đừng nghĩ Như Lai không tu đầy đủ các hạnh tướng thanh tịnh mà vẫn đắc Vô thươợng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Nếu ông nghĩ như thế thì người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nói các pháp có tướng đoạn diệt sao? Đừng nghĩ vậy! Bởi vì sao? Vì người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nơi pháp không nói tướng đoạn diệt.

Lục Tổ giải: Ngài Tu-bồ-đề nghe nói chân thân lìa tướng, mới nghĩ “Không tu 32 hạnh thanh tịnh mà được bồ-đề”, Phật liền nói với ngài Tu-bồ-đề “Chớ có nói Như Lai không tu 32 hạnh thanh tịnh mà được bồ-đề. Nếu ông nói không tu 32 hạnh thanh tịnh mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức là đoạn dứt chủng tánh của Phật, thì không có lẽ đó”.

Xuyên Lão chú: Cắt không sạch chừ lý vẫn loạn, lôi đầu ra mà chặt không đứt.

 

Tụng rằng:

Chẳng biết ai, khéo hiểu thầm đưa

Nắm lại như cũ rồi buông mở

Chớ nói Như Lai thành đoạn diệt

Một tiếng nối tiếp một tiếng theo.

Ở trên làm sáng tỏ chỗ Như Lai chứng bồ-đề chẳng từ phước đức ra, gọi là chỗ Bồ-tát tu phước đức chẳng thành tựu cái nhân của bồ-đề, vậy cũng không được quả báo sao? Vì đoạn cái nghi này nên Phật bảo rằng “Đừng có nghĩ như vậy, Như Lai không tu đầy đủ các hạnh tướng thanh tịnh mà được tướng đầy đủ của bồ-đề”, tức tướng của phước đức. Vì Đại thừa tu cái nhân của phước đức, đắc cái quả của phước đức chỉ lìa tướng thủ chấp, không phải do cái thấy đoạn diệt của Tiểu thừa, cho nên nói nơi pháp không nói tướng đoạn diệt. Văn dưới nói ví dụ để khuyên bảo.

 

Phần thứ 28 KHÔNG THỌ NHẬN, KHÔNG THAM LAM

Một trần không nhiễm 一塵不染

Đâu tham thọ gì. 何貪何受

Xuyên Lão chú: Tâm lớn thành tựu nhẫn, vốn tự không có tham, phước của thế gian rất nhiều, sao gọi là thọ nhận? Cho nên được lấy làm phần Không thọ nhận, không tham lam.

Kinh: “Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát đem 7 loại báu chất đầy khắp thế giới nhiều như số cát sông Hằng để bố thí. Nếu lại có người biết tất cả các pháp đều vô ngã, được thành tựu pháp nhẫn(1), thì Bồ-tát này được công đức hơn Bồ-tát trước. Bởi vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì các Bồ-tát này không thọ nhận phước đức”. Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng “Thưa Thế Tôn! Vì sao nói Bồ-tát không thọ nhận phước đức?”, Phật nói “Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát làm việc phước đức thì không nên tham chấp, cho nên mới nói không thọ nhận phước đức”.

Lục Tổ giải: Thông đạt tất cả các pháp, không có tâm năng-sở đây gọi là nhẫn. Phước đức của người này hơn phước của người bố thí 7 loại báu. Chỗ Bồ-tát làm phước đức không vì chính mình, mà ý là làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, cho nên mới nói không thọ nhận phước đức.

Xuyên Lão chú: Tai nghe như điếc, miệng nói như câm.

1. Pháp nhẫn: Nhẫn là chỉ cho sự chịu đựng những cảnh trái ngược mà trong lòng không sinh khởi sân hận. Còn pháp nhẫn là đối với các pháp nghĩa sâu xa, mầu nhiệm được nói trong các kinh, chẳng những không sợ hãi mà còn siêng năng học tập, đọc tụng.

 

Tụng rằng:

Người dưới ngựa vì anh trên ngựa

Có cao có thấp có sơ thân

Mai kia ngựa chết, người trở về

Người thân khác nào kẻ xa lạ

Chỉ là người thời xưa thay đổi, còn nơi chốn sinh hoạt vẫn như thời xưa thôi.

Quần không thắt eo, khố không vá rách.

Tụng rằng:

Tợ nước như mây tấm thân mộng

Chẳng biết ngoài này còn thân gì

Trong ấy chẳng cho nhận vật khác

Trao phó người trên đường Hoàng Mai.

Giả sử có người lấy 7 loại báu trong vô lượng thế giới bố thí, tâm có chỗ chấp chỗ cảm thì phước thành hữu lậu. Nếu tâm lìa chấp tức thành vô lậu, cho nên nói “Nếu có người nào biết tất cả các pháp đều vô ngã, thì được thành tựu nhẫn”. Vô ngã là không có chấp người và chấp pháp. Nhẫn là vô sanh pháp nhẫn, chỗ Bồ-tát Sơ trụ chứng. Đã đắc vô sanh pháp nhẫn là khác với người trụ tướng bố thí kia, cho nên nói “Phước đức của Bồ-tát này hơn Bồ-tát trước”. Nói không thọ nhận phước đức là không thọ nhận phước đức hữu lậu, ngài Tu-bồ-đề lại nghi “Đã không thọ nhận phước báo thì làm sao có thể đắc vô sanh pháp nhẫn?”. Phải biết quả báo hữu lậu thì không nên thọ nhận, quả báo vô lậu thì thọ nhận mà không thủ, thủ gọi là thủ chấp, cho nên nói chỗ Bồ-tát làm phước đức không nên tham chấp.

 

Phần thứ 29 OAI NGHI TỊCH TĨNH

Chân tánh tịch tĩnh真性寂靜

Chẳng cần oai nghi. 不假威儀

Xuyên Lão chú: Đến đi, ngồi nằm đều như như. Cho nên được lấy làm phần Oai nghi tịch tĩnh.

Phần đoạn nghi thứ 24 “Hóa thân xuất hiện thọ phước”, chỗ nghi này từ trong chỗ nghi thứ 23 “Không thọ nhận đức” mà ra.

Kinh(1): Này Tu-bồ-đề! Nếu có người nói Như Lai hoặc đến hoặc đi, hoặc ngồi hoặc nằm, thì người này không hiểu nghĩa của Ta nói. Bởi vì sao? Vì Như Lai không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, cho nên gọi là Như Lai.

Lục Tổ giải: Như Lai là chẳng đến cũng chẳng phải không đến, chẳng đi cũng chẳng phải không đi, chẳng ngồi cũng chẳng phải không ngồi, chẳng nằm cũng chẳng phải không nằm. Trong 4 oai nghi đi đứng ngồi nằm thường ở nơi rỗng lặng, tức là Như Lai.

1. 須菩提。若有人言如來若來若去。若坐若臥。是人不解我所說義。何以故。如來者無所從來。亦無所去。故名如來 [Tu-bồ-đề, nhược hữu nhân ngôn Như Lai nhược lai nhược khứ, nhược tọa nhược ngoa, thị nhân bất giải ngã sở thuyết nghĩa. Hà dĩ cố, Như Lai giả vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ cố danh Như Lai].

 

Xuyên Lão chú: Chắp tay đầu cổng chùa, thắp hương trong điện Phật.

Tụng rằng:

Mây thu cuốn áo đi rồi đến

Bao lần Nam Nhạc với Thiên Thai

Hàn Sơn, Thập Đắc cười khi gặp.

Hãy nói coi cười cái gì?

Cười nói cùng đi bước chẳng lên.

Có đi đến, ngồi nằm đều là ứng thân(1) của Như Lai, không đến không đi là pháp thân. Nhưng thuở xưa Như Lai hành đạo Bồ-tát không thọ nhận phước báo, tại sao quả tột cùng có tướng đến đi ngồi nằm, khiến mọi chúng sanh đều cúng dường mà được Phước? Vì sợ có chỗ nghi này nên Phật nói ra để giải thích nguyên nhân là pháp thân của Như Lai như như bất động, còn động tác chỉ là ứng thân thôi.

1. 身 (Ứng thân): Tức ứng hóa thân, hoặc hóa thân, là thân thứ 3 trong 3 thân của đức Phật. Ba thân Như Lai gồm pháp thân, báo thân, ứng thân. Pháp thân là chân thân của Phật, là chân như không đến không đi, không sanh không diệt, thường trụ. Báo thân là thân hiện ra, chịu quả báo chung của nhân loại, tức thân của đức Thích-ca từ khi sanh ra cho tới lúc tịch diệt. Ứng thân là thân tùy duyên của chúng sanh mà hiện ra để giáo độ họ. Thân có thể ứng hóa thành mọi hình tướng như Phật, Bồ-tát, Tiên, người…

 

Phần thứ 30 LÝ NHẤT HỢP TƯỚNG(1)

Xuyên Lão chú: Tín tâm chẳng đoạn đó là vi trần, tin châu báu ở mọi nơi đây gọi là thế giới, giới và trần nhất hợp, pháp vốn như thế. Cho nên được lấy làm phần Lý nhất hợp tướng.

Phần đoạn nghi thứ 25 “Pháp thân là một và khác hóa thân” Chỗ nghi này từ trong chỗ nghi thứ 22, 23 và 24 mà ra.

Kinh: “Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân đem Tam thiên đại thiên thế giới nghiền nát ra thành vi trần, Ý ông thế nào? Các vi trần đó có nhiều chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Thưa Thế Tôn, rất nhiều.  Bởi vì sao? Vì nếu các vi trần là thật có thì Phật tức không nói là các vi trần. Sở dĩ vì sao? Vì cái mà Phật gọi là các vi trần, tức vốn chẳng phải là các vi trần, cho nên mới gọi là các vi trần”.

Lục Tổ giải: Phật nói Tam thiên đại thiên thế giới để dụ cho số vi trần trên tánh của tất cả chúng sanh nhiều như số vi trần trong Tam thiên đại thiên thế giới. Vi trần vọng niệm trên tánh của tất cả chúng sanh tức chẳng phải vi trần. Nghe kinh ngộ đạo, giác huệ thường chiếu, hướng đến bồ-đề, niệm niệm chẳng trụ thường ở chỗ thanh tịnh, vi trần thanh tịnh như vậy mới gọi là các vi trần.

Xuyên Lão chú: Nếu không vào nước thì làm sao thấy người bơi giỏi.

1. 一合相 (nhất hợp tướng): Một hợp tướng, chỉ cho một sự vật do nhiều nhân duyên kết hợp mà thành. Nói theo quan điểm của Phật giáo thì tất cả mọi hiện tượng trong thế gian đều là một hợp tướng.

 

Tụng rằng:

Hạt bụi vừa tung bít hư không

Xóa sạch tam thiên số chẳng cùng

Lão quê chẳng sao thu nhặt được

Đành mặc mưa gió cuốn bay đi.

Ở trên làm sáng tỏ ứng thân đến đi là khác, pháp thân không đến không đi là một. Vì Phật sợ ngài Tu-bồ-đề có cái thấy một và khác nên nói ví dụ để giải thích. Trong chỗ giải thích đầu tiên nêu ra thế giới là một và khác với vi trần để đoạn nghi, kế đến nêu ra ngôn thuyết ngã-pháp lìa kiến chấp. Văn trong chỗ giải thích đầu tiên có ba khoa và một điều, thế giới là một và khác vi trần để hiển bày vô tánh. Nói thế giới là dụ cho pháp thân, vi trần là dụ cho ứng thân, thế giới là một, vi trần là khác. Nghiền nát thế giới thành vi trần, thành vi trần mà tánh không có khác, gom vi trần thành thế giới, thành thế giới mà tánh không có một. Dụ cho mọi pháp khởi ứng, ứng mà tánh không có khác, tấ cả ứng tức pháp, là pháp mà tánh không có một. Cho nên có bài kệ nói:

Hóa thân Phật đến đi

Pháp thân thường bất động

Ở nơi pháp giới này

Chẳng khác cũng chẳng một.

Vì thể và dụng của Như Lai viên dung qua lại, có thể là một, có thể là khác, chẳng phải một, chẳng phải khác, tự tại vô ngại là do phiền não dứt sạch vậy.

Đoạn này giải thích vi trần dụ cho ứng thân không khác tánh. Nếu biết rằng nghiền nát thế giới thành vi trần, tất cả vi trần tức là thế giới, thì thế giới và vi trần đều không có thật tánh, cho nên nói tức chẳng phải vi trần, cho nên mới gọi là vi trần. Hiểu được ý của ví dụ này thì ứng thân là ứng hóa của tất cả các pháp, có khác gì với tánh đâu.

Kinh: Thưa Thế Tôn! Cái mà Như Lai nói là Tam thiên đại thiên thế giới, tức vốn chẳng phải là thế giới, cho nên mới gọi là thế giới.

Lục Tổ giải: Tam thiên là theo lý mà nói, tức mỗi vọng niệm tham sân si đều có đủ một ngàn. Tâm là gốc của thiện ác, năng tác phàm tác Thánh, động tĩnh không thể lường tính, rộng lớn vô biên, cho nên mới gọi là đại thiên thế giới.

Kinh: Bởi vì sao? Vì nếu thế giới có thật, tức là nhất hợp tướng. Cái mà Như Lai nói là nhất hợp tướng, tức vốn chẳng phải là nhất hợp tướng, cho nên mới gọi là nhất hợp tướng.

Lục Tổ giải: Trong tâm minh liễu, đều chẳng qua hai pháp là bi-trí(1), do hai pháp này mà được bồ-đề. Nói nhất hợp tướng là tâm còn sở đắc, tức chẳng phải nhất hợp tướng, tâm vô sở đắc mới gọi là nhất hợp tướng. Nhất hợp tướng là không được lấy giả danh mà bàn thật tướng.

Kinh: Phật nói “Này Tu-bồ-đề!  Nhất hợp tướng thì không thể nói, chỉ vì người phàm phu tham chấp việc ấy”.

Lục Tổ giải: Do hai pháp bi và trí mà thành tựu Phật quả bồ-đề, nói không thể hết được, vì diệu không thể nói.

1. 悲智 (bi trí): Chỉ sự lấy lòng từ bi cứu độ chúng sanh và trí tuệ cầu bồ-đề. Phật và Bồ-tát đầy đủ hai thứ công đức này, gọi chung là hai cửa bi và trí. Trong Pháp sự tán quyển thượng, ngài Thiện Đạo nói, đức Thích-ca và chư Phật đều nương theo thệ nguyện rộng lớn mà thực hành cả bi và trí, không bỏ chúng sanh hữu tình. Trong hai cửa bi và trí này, trí tuệ thuộc về lợi mình, từ bi thuộc về lợi người. Nếu phối hợp với hai tay của người, thì bi là tay trái, trí là tay phải. Nếu phối hợp với hai bộ Kim, Thai của Mật giáo thì bi là Thai tạng giới, trí là Kim cương giới. Nếu phối với hai vị Bồ-tát ở hai bên đức Phật A-di-đà, thì Bồ-tát Quán Âm bên trái biểu trưng cho bi, Bồ-tát Đại Thế Chí bên phải biểu trưng cho trí. Hoàn toàn thực hiện được hai cửa bi và trí này, thì gọi là bi trí viên mãn. Chỉ có Phật đạt được cảnh giới này mà thôi.

 

Người phàm phu tham chấp sự nghiệp văn tự mà chẳng tu hai pháp bi trí. Nếu chẳng tu hai pháp bi trí mà cầu bồ-đề vô thượng, thì không có cách nào đạt được.

Xuyên Lão chú: Nắm lại buông ra, binh theo ấn chuyển.

Tụng rằng:

Hỗn độn thành hai miếng

Chưa tách rồi lại hợp

 Nhai kỹ đừng nuốt chửng

Mới biết trọn vị thấm.

Đoạn này giải thích thế giới dụ cho tánh pháp thân không có một. Trước nói thế giới là một, tức dụ cho pháp thân là một. Nếu thế giới chắc chắn là một thì tại sao Thế Tôn lại nói Tam thiên đại thiên thế giới? Vì đây là thật tánh của thế giới liễu bất khả đắc, cho nên nói tức chẳng phải là thế giới, cho nên mới gọi là thế giới. Nói nhất hợp tướng là các vi trần hòa hợp làm thành một thế giới, chẳng phải là nhất hợp tướng là chẳng phải tánh chấp, nhất hợp là lìa tánh nhất hợp, vì vậy nói cho nên mới gọi là nhất hợp tướng. Nhất hợp tướng này chẳng thể nghĩ bàn mà phàm phu chẳng liễu ngộ tự sanh chất thủ. Bởi vì ngay chỗ ứng là pháp pháp cho nên đâu có khác gì với nhất tánh đâu.

 

Phần thứ 31 TRI KIẾN KHÔNG SANH KHỞI

Thấy biết như vậy 如此知見

Pháp tướng chẳng sanh. 法相不生

Xuyên Lão chú: Tứ kiến đều chẳng phải. Vì đây gọi là tứ kiến, cho nên được lấy làm phần Tri kiến không sanh khởi.

Kinh: “Này Tu-bồ-đề! Nếu có người nói ‘Phật nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến’, thì này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Người đó có hiểu nghĩa của Ta nói chăng?”, ngài Tu-bồ-đề đáp “Dạ không, thưa Thế Tôn. Người đó không hiểu nghĩa của Như Lai nói. Bởi vì sao? Vì cái mà Thế Tôn nói là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến; tức vốn chẳng phải là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến; cho nên mới gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến”.

Lục Tổ giải: Như Lai nói kinh này, khiến tất cả chúng sanh tự ngộ bát-nhã trí huệ, tự tu hành quả của bồ-đề. Người phàm phu không hiểu ý Phật, liền cho là Như Lai nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, mà không biết Như Lai nói pháp bát-nhã ba-la-mật vô tướng vô vi thậm thâm. Như Lai nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, khác với ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến của phàm phu. Như Lai nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đó là ngã kiến chân thật. Nói tất cả chúng sanh đều có trí vô lậu, tánh vốn tự đầy đủ, đó là nhân kiến. Nói tất cả chúng sanh vốn tự không có phiền não, đó là chúng sanh kiến. Nói tất cả chúng sanh, tánh vốn bất sanh bất diệt, đây gọi là thọ giả kiến.

Xuyên Lão chú: Đoạn này làm sáng tỏ lìa ngã kiến và pháp kiến, đầu tiên là lìa ngã kiến. Ngã kiến là cái thấy có chân ngã và cái thấy có vọng ngã. Vọng ngã kiến là hư vọng phân biệt, là chúng sanh kiến; chân ngã kiến là xa lìa chấp trước, là Như Lai kiến. Vì đã lìa chấp trước nên mới khai thị có ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến và thọ giả kiến. Tứ kiến này chẳng thấy mà lại thấy, vì chúng sanh mê cho là Như Lai thật có tứ kiến, cho nên mới nói không hiểu nghĩa của Như Lai nói. Ngài Tu-bồ-đề đã hiểu nghĩa Như Lai nói, tức biết tứ kiến của Như Lai đều chẳng phải hư vọng phân biệt, mà là cái thấy của chân ngã, cho nên mới gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến và thọ giả kiến.

Kinh: Phật nói “Này Tu-bồ-đề! Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nơi tất cả các pháp, phải nên biết như vậy, thấy như vậy, tin hiểu như vậy mà không sanh pháp tướng. Này Tu-bồ-đề! Cái gọi là pháp tướng, Như Lai nói tức vốn chẳng phải là pháp tướng, cho nên mới gọi là pháp tướng”.

Lục Tổ giải: Phát tâm bồ-đề là phải nên thấy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, phải nên thấy chủng trí vô lậu của tất cả chúng sanh, vốn tự đầy đủ, phải nên tin tự tánh của tất cả chúng sanh vốn không có sanh diệt. Dù tu tất cả trí huệ, dùng mọi phương tiện tiếp vật lợi sanh(1) mà chẳng khởi tâm năng-sở. Miệng nói pháp vô tướng mà tâm có năng-sở tức chẳng phải là pháp tướng. Miệng nói pháp vô tướng, tâm hành hạnh vô tướng, mà tâm năng-sở diệt, đây mới gọi là pháp tướng.

Xuyên Lão chú: Cơm đến thì mở miệng, buồn ngủ thì nhắm mắt.

Tụng rằng:

Ngay đó thả dây tơ ngàn thước 

Cơn sóng vừa nổi muôn sóng theo

Đêm yên nước lạnh cá chẳng đớp

Thuyền trống chở đầy trăng sáng về.

1. 接物利生 (Tiếp vật lợi sanh): Tiếp dẫn, giáo hóa chúng sanh, tùy theo căn cơ mà mang lại lợi ích cho họ

 

Kế đến là lìa pháp kiến. Như Lai thuyết pháp muốn cho chúng sanh phát tâm bồ-đề, tu hành khế lý, vì vậy nghe Như Lai thuyết thì phải nên như pháp thọ trì, cho nên Phật bảo ngài Tu-bồ-đề phải thấy biết tin hiểu như vậy mà không sanh pháp tướng. Không sanh pháp tướng là không ở nơi pháp thủ chấp, pháp vốn lìa tướng, Như Lai xứng tánh mà thuyết, vì vậy mới nói tức chẳng phải là pháp tướng, cho nên mới gọi là pháp tướng.

Nguyên cả đoạn văn này tuy chính là giải thích lìa khỏi pháp chấp, nhưng cũng chính là tổng kết hàng phục vọng tâm, an trụ chánh hạnh. Vì ở đầu kinh, ngài Tu-bồ-đề thỉnh hỏi “Nếu người nào phát tâm bồ-đề vô thượng, thì phải nên hàng phục vọng tâm và an trụ chân tâm thế nào?”, Như Lai đáp rằng “Phải nên hàng phục và an trụ tâm ấy như vậy”. Cho nên nay nói tóm lại phát tâm bồ-đề là ở nơi tất cả các pháp đều thấy biết tin hiểu như vậy. Theo chỗ tóm lại này mà trụ như vậy; theo chỗ tóm lại này, không sanh pháp tướng mà hàng phục vọng tâm.

 

Phần thứ 32 ỨNG HÓA CHẲNG PHẢI LÀ CHÂN THẬT

Ứng hiện bày hóa 應現設化

Cũng không chân thật. 亦非真實

Xuyên Lão chú: Một niệm phát tâm được phước cũng thế, ứng thân chuyển hóa chúng sanh há được rồi thôi sao? Vì chân Phật lưu thông nơi sự xong, cho nên được lấy làm phần Ứng hóa chẳng phải là chân thật.

Phần đoạn nghi thứ 26 “Hóa thân thuyết pháp không có phước” chỗ nghi này từ trong chỗ nghi thứ 25 mà ra.

Kinh: Này Tu-bồ-đề! Nếu có người đem 7 loại báu đầy khắp vô lượng a-tăng-kỳ(1) thế giới dùng để bố thí. Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân phát tâm bồ-đề, trì tụng kinh này, thậm chí thọ trì đọc tụng chỉ một bài kệ 4 câu, vì người khác mà diễn nói, thì phước đức của người này hơn hẳn phước đức người kia. Thế nào là diễn nói cho người khác? Đó là không thủ chấp tướng, như như bất động.

Lục Tổ giải: Phước bố thí 7 loại báu tuy nhiều, nhưng không bằng có người phát tâm bồ-đề, thọ trì 4 câu trong kinh này, vì người khác mà diễn nói, thì phước của người này hơn phước của người kia trăm ngàn muôn ức lần, không thể thí dụ. Thuyết pháp, khéo léo dùng phương tiện, quán căn ứng lượng, mọi nơi mọi lúc tùy nghi, đây gọi là vì người khác mà diễn nói. Người nghe pháp có đủ mọi tướng mạo khác nhau, không được khởi tâm phân biệt, chỉ cần liễu đạt tâm của như như rỗng lặng, không có tâm sở đắc, không có tâm hơn thua, không có tâm mong cầu, không có tâm sanh diệt, đây mới gọi là như như Bất động.

1. A-tăng-kỳ: Vô lượng, vô số kể Có 47 con số “không” theo sau số “một” làm thành một a-tăng-kỳ

 

Xuyên Lão chú: Muốn thuyết có gì khó, nay đây hãy lắng nghe, hãy lắng nghe!

Tụng rằng(1):

Đi đứng ngồi nằm, thị phi nhân-ngã

Bỗng mừng chợt giận chẳng lìa chỗ này

Ngay chỗ này nhổ ngay mặt

Bình sanh can đảm cùng lúc thắng

Tứ cú diệu môn đều nói ra.

1. 行住坐臥是非人我 Hành trụ tọa ngọa thị phi nhân ngã

 忽喜忽嗔不離這箇 Hốt hỉ hốt sân bất ly giá cá

 祇這箇驀面唾 Chỉ giá cá mạch diện thóa 

平生肝膽一時傾 Bình sanh can đảm nhất thời khuynh

 四句妙門都說破 Tứ cú diệu môn đô thuyết phá.

 

Một câu nói cuối cùng(1) mới đến lao quan(2), cho dù ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau(3), sáu đời Tổ sư lui mình có phần, nhưng có thể gọi là giang hà đóng băng, nước chảy không thông , mút mắt toàn gai góc, khó mà đặt chân đến chỗ này. Thêm một mảy may như trong con mắt bị châm chọc, bớt một mảy may tợ trên da thị khoét thành vết thương. Cũng chẳng phải là cắt đứt mọi học giải tri kiến, mà bởi vì người biết pháp thì thường e sợ

Mặc dù như thế nhưng Phật pháp cũng chỉ như vậy, giống như lục địa dần sụt lún xuống, há có đèn đèn tiếp nối, truyền lửa sao? Hôm nay thượng tọa Đạo Xuyên ta không tránh khỏi lấy thức ăn trong miệng cọp, xỏ châu dưới hàm rồng dữ, mở toang cửa diệu của bậc Tiên Thánh. Người học sau mong có đường tiến thân, từ đó mở ra một con đường, thì cũng đâu ngại gì phải có ngôn ngữ trọn trong sáng, hễ pháp thể lặng lẽ là riêng lộ chân thường(4). Động thì như con hạc lẻ loi trong trời mây, tĩnh thì như an núi bày đỉnh, bước tới một bước như voi chúa ngóai lại nhìn, lui lại một bước như sư tử nhăn mày rên rỉ. Pháp của bậc pháp vương khiến ngay đó thi hành, liền được ở nơi pháp tự tại. Vậy thì “Một câu nói cuối cùng” làm sao nói? Có biết không?

1.末後一句 (mạt hậu nhất cú): Tiếng dùng trong Thiền Lâm. Một câu nói cuối cùng, tức là lời nói rất mực được thốt ra khi đã đạt đến chỗ tột cùng của cảnh giới đại ngộ, không có câu hoặc lời nói nào khác có thể vượt lên được.

2.牢關 (lao quan): Cửa ải kiên cố khó vượt qua, ví dụ cảnh giới hướng thượng không thể dùng tư duy phân biệt mà đạt đến được.

3.四目相顧 (tứ mục tương cố): Bốn mắt nhìn nhau, chỉ sự truyền tâm ấn giữa thầy và trò.

4.真常 (chân thượng): Là pháp chân thật thường trụ mà Như Lai chứng được.

 

Mây trên đầu đỉnh nhàn không thấu

Dòng nước dưới khe chảy xiết nhanh.

Tụng rằng:

Được chỗ nhàn nhã thêm nhàn nhã

Mây tự bay cao, nước tự thông

Chỉ thấy gió đen thổi sóng lớn

Nào nghe nhận chìm chiếc thuyền câu.

Đoạn văn này có 3 tiết, tiết đầu lấy bố thí 7 loại báu trong vô lượng a-tăng-kỳ thế giới là giả dụ. Nếu thiện nam tử nào tự mình ngay đó sáng tỏ biết trì thuyết kinh này thì được phước hơn hẳn phước của người bố thí kia. Lại nói “Tại sao vì người mà diễn thuyết?” đó là giải thích phước thù thắng, cho nên căn cứ vào kinh văn chỉ làm sáng tỏ công đức trì thuyết mà luận, đó gọi là hóa thân Phật. Thuyết pháp có vô lượng công đức là vì hóa thân Phật là giáo chủ thuyết kinh, trì thuyết là người hoằng dương kinh, mà chỗ hoằng dương kinh là chỗ Phật thuyết pháp, chỗ thuyết lìa tướng ngôn thuyết. Nếu người hoằng dương kinh lìa được chấp thủ thì phước hơn hẳn người bố thí kia. Như như là lý của pháp thân, hóa thân đã là pháp thân thì không có đến đi, cho nên mới nói là như như bất động.

Phần đoạn nghi thứ 27 “Nhập niết-bàn làm sao thuyết pháp?” chỗ nghi này từ trong chỗ nghi thứ 26 “Diễn thuyết với bất động” mà ra.

 

Kinh: Bởi vì sao?

Tất cả pháp hữu vi

Như mộng, huyễn, bóng, bọt

Như sương mai, điện chớ p

Nên quán xét như vậy.

Lục Tổ giải: Mộng là vọng thân, huyễn là vọng niệm, bọt là Phiền não, bóng là nghiệp chướng, nghiệp của mộng huyễn bọt bóng gọi là pháp hữu vi. Chân thật là lìa danh tướng, ngộ là không có mọi nghiệp.

Xuyên Lão chú: Ở trên nói như như bất động thì Phật thường trụ ở thế gian, vì chúng sanh mà thuyết pháp. Tại sao lại nói Như Lai nhập niết-bàn chứ? Sợ có chỗ nghi này nên Phật mới nói bài kệ để giải thích.

Đi thuyền cốt ở người cầm chèo.

Tụng rằng:

Mò trăng trong nước, tìm đầu trong gương

Khắc be tìm kiếm, cưỡi trâu tìm trâu

Hoa đốm bóng nắng, mộng huyễn bọt nổi

Một nét xóa sạch(1), muốn thôi liền thôi

Đàn ca rượu nhạc vui thôn dã

Chẳng phong lưu cũng tự phong Lưu.

1. Thiền tông dùng cụm từ này để chỉ việc phá trừ trần duyên.

 

Tất cả pháp hữu vi là tất cả các pháp sanh diệt của thế gian, Phật sanh trong loài người là thị hiện đồng sanh diệt, cũng thuộc về pháp hữu vi vô thượng. Vì pháp vô thượng hư giả chẳng thật nên lấy 6 loại là mộng (1), huyễn (2), bóng (3), bọt (4), sương mai (5), điện chớp (6) làm ví dụ. Nên quán xét như vậy là quán ngay diệu trí của bát-nhã, lấy diệu trí này quán pháp hữu vi như những thứ mộng, huyễn. Năng quán đã là diệu trí thì sở quán không đâu mà chẳng phải là diệu cảnh, diệu cảnh là nhất cảnh tâm đế, diệu trí là nhất tâm tam quán. Tam quán là không-giả-trung, tam đế là chân-tục-trung. Đã quán pháp của hữu vi lìa tánh lìa tướng, đó gọi là “không” không có pháp nào mà chẳng đầy đủ gọi là giả, chẳng phải “không” chẳng phải giả gọi là trung. Đế là xét rõ chân thật chẳng hư giả đó gọi là toàn đế, phát quán để quán chiếu đế. Đế đã là một thì ba quán há có trước sau mà chiếu sao? Cho nên mới nói là phải nên quán như vậy. Quán được như vậy là liễu đạt hóa thân tức pháp thân, vô thường tức thường. Tuy là pháp thân mà chẳng ngại niết-bàn thường tức vô thường, bởi vì ý chỉ rốt ráo của Như Lai là chẳng phải thượng chẳng phải vô thượng. Vì vậy có thể thường, có thể vô thường, cho nên suốt ngày niết-bàn, suốt ngày thuyết pháp, chẳng trụ hữu vi, chẳng trụ vô vi mà không thể nghĩ bàn được. Toàn bộ kinh này trước sau đều nói như vậy, đầu tiên nói trụ tâm như vậy, hàng phục tâm như vậy, trong mỗi một tiết đều nói như vậy. Đến đây lại nói quán luận như vậy, là giải thích chánh quán diệu trí. Cho nên phải biết diệu trí là tông của toàn bộ kinh. (Hết phần Chánh tông).

Kinh: Phật nói kinh này xong, trưởng lão Tu-bồ-đề cùng với các vị tỷ kheo, tỷ kheo-ni, ưu-bà-tắc(1), ưu- bà-di(2), tất cả thế gian, người, chư Thiên, A-tu-la nghe Phật nói đều rất vui mừng, tin tưởng lãnh thọ phụng hành.

1. Thiện nam, cư sĩ nam tại gia thọ tam quy ngũ giới.

2. Tín nữ cư sĩ nữ tại gia thọ tam quy ngũ giới.

 

Xuyên Lão chú: Ba mươi năm sau chớ có khiến cho không còn gì! Lão tăng ta chẳng biết ai là kẻ báo ơn, a ha tưởng đâu không có người nào!

Tụng rằng: 

Đói được ăn, khát được uống

Nóng được mát, bệnh được khỏi

Người nghèo gặp báu, em bé gặp mẹ

Theo thuyền đến bờ cô khách về quê

Nước có trung lương(1), hạn gặp sông ngọt

Tứ Di(2) chắp tay, bát biểu(3) đến hàng

Muôn sự đều phải, muôn vật rực sáng

Cổ kim phàm-Thánh, địa ngục thiên đường

Đông Tây Nam Bắc chẳng cần suy lường

Làm lợi chúng sanh khắp mọi cõi

Đều vào đại đạo tràng Kim cương.

Đây là phần Lưu thông. Lưu thông bát-nhã khiến cho không mai một, làm lợi ích cho chúng sanh đời sau. Bồ-tát Thiên Thân làm bài kệ rằng(4):

Phật nói pháp tổng trì hy hữu

Chẳng thể đo lường câu nghĩa sâu

Tôn kính là nghe và nói rộng

Hồi phước đức này cho chúng sanh.

1. Trung lương là trung thần và lương dân.

2. 夷 (Di): Rợ, mọi. § Ngày xưa, tiếng gọi khinh miệt các dân tộc ở ngoài Trung Nguyên, như Man, Di, Nhung, Địch.

3. Chỗ ngoài tám hướng, chỉ nơi rất xa.

4. 佛說希有總持法 Phật thuyết hi hữu tổng trì pháp

 不可稱量深句義 Bất khả xưng lượng thâm cú nghĩa

從尊者聞及廣說 Tùng tôn giả văn cập quảng thuyết

 回此福德施群生 Hồi thử phúc đức thí quần sanh.

 

Bổ khuyết chân ngôn

Nam mô hát la đát na xỉ la dạ da, khư la khư la ma la ma la hổ la hồng hạ hạ tô đát noa hồng bát mạt noa bà bà ha.

KINH KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT

HẾT QUYỂN HẠ

 

LỜI TỰA SAU SÁCH LỤC TỔ KHẨU QUYẾT

(Tục tạng kinh tập 24, số 460)

Pháp tánh tròn đầy rỗng lặng, vốn không có sanh diệt, nhân có sanh niệm bèn có sanh duyên. Vì vậy Trời từ sanh niệm mà lập mạng, cho nên gọi là mệnh Trời. Mệnh Trời đã lập thì từ chân không mà đọa vào cõi trần, sanh niệm ngày trước chuyển biết mà thành ý thức. Cái dụng của ý thức phát tán ra mà thành 6 căn, 6 căn đều có phân biệt, trong đó có chỗ tổng trì, chỗ ấy gọi là tâm. Tâm là chỗ ở của niệm nghĩ lo, là chốn trọ của thần thức. Chân và vọng cùng ở chung một chỗ ngay đó cũng là nơi phàm phu và Thánh Hiền tụ hội.

Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay đều không thể lìa sanh diệt, bởi đều do tâm này trói buộc, cho nên chư Phật chỉ chuyên dạy người liễu ngộ tâm này. Tâm này liễu ngộ là thấy tự tánh, thấy tự tánh đó là bồ-đề. Lúc này ở nơi tánh đều tự rỗng lặng, thể tánh trạm nhiên như không có. Vì có sanh niệm mà về sau sanh có, có sanh thì có hình tướng, hình tướng là tụ mạt(1) của đất nước lửa gió. Lấy khí huyết làm thể có sanh là có chỗ nương gá, khí huyết đầy đủ thì tinh đầy đủ, tinh đầy đủ thì sanh ra thần, thần đầy đủ thì sanh ra diệu dụng. Như thế diệu dụng tức là lúc chân ngã của ta tròn đầy rỗng lặng, vì tiếp xúc muôn vật qua hình trạng, nên diệu dụng chỉ biểu hiện qua hình thức tác động mà thôi. Chỉ vì phàm phu mê mà chạy theo vật, Thánh Hiền tỉnh sáng mà tùy ứng theo vật. Chạy theo vật là có ta-người, tùy ứng theo vật là tự ngã. Ta-người là chấp vào sở kiến, cho nên tìm đến luân hồi; tự ngã là ngay bản thể thường “không” muôn kiếp nhất như. Nhìn chung đều là diệu dụng của tâm, cho nên ngay lúc chưa sanh gọi là tánh. Tánh ấy viên mãn đầy đủ, rỗng lặng không có vật, trong suốt thay tự nhiên, rộng lớn giống như hư không, đến đi biết hóa, tất cả đều tự do.

1. 聚沫 (tụ mạt): Thế giới hiện tượng hay các pháp vô thường được ví với bọt nước, có đó rồi mất đó.

 

Trời tuy muốn khiến cho ta sanh cũng có thể được, nhưng Trời cũng không thể khiến ta được sanh, huống gì là tứ đại, huống gì là ngũ hành. Đã có sanh niệm, lại có sanh duyên, cho nên Trời được sinh mệnh mà thành cái ta, tứ đại được khí hình mà thành cái ta, ngũ hành được giáo ước mà thành cái ta. Vì cái ta này có sanh cho nên có diệt, thế nên sanh diệt là một. Vì ở chỗ phàm phu hay Thánh Hiền, cho nên sanh diệt khác nhau. Người phàm phu sanh là do niệm có, từ đó thức theo nghiệp biến hóa, tập khí huân nhiễm, vì sanh càng nhiều nên về sau đã sanh ra là tâm chấp vào mọi vọng, vọng nhận tứ đại cho là thân của ta, vọng nhận lục thân(1) cho là ta có, vọng nhận sắc-thanh cho là khoái lạc, vọng nhận trần lao cho là giàu sang, tâm thấy biết của mình không đâu mà chẳng vọng. Mọi vọng đã khởi thì phiền não có muôn ngàn sai biệt, vọng niệm đoạt mất chân tánh thì chân tánh liề ẩn, nhân-ngã làm chủ thì thứ chân thật làm khách, ba nghiệp trước dẫn thì trăm nghiệp theo sau, lang thang trong sanh tử vô cùng tận. Sanh hết thì diệt, diệt hết rồi sanh, sanh diệt dựa vào nhau mà rơi đọa vào các nẻo, ở trong các nẻo xoay vần mà không biết, càng thêm vô minh buông thả tạo mọi nghiệp tội, đến khi trần sa kiếp hết mà cũng không trở lại được thân người. Thánh Hiền thì không thế, Thánh Hiền sanh ra chẳng do niệm, vì ứng tích(2) mà sanh, muốn sanh thì sanh, không chờ đợi mệnh của ai cả. Vì vậy sau khi đã sanh thì tánh của viên tịch y như cũ vẫn trạm nhiên sáng suốt, không có thể tướng, không có chướng ngại, chiếu soi muôn pháp như giữ thanh thiên bạch nhật mà không có mảy may ẩn tàng bỏ sót. Cho nên kiến lập tất cả mọi pháp thiện cùng khắp sa giới mà không thấy thiếu, nhiếp thọ tất cả chúng sanh trở về tịch diệt mà không cho là nhiều, rong ruổi mà chẳng thể đến nơi, chạy theo mà chẳng thể xa rời. Tuy mượn tứ đại làm hình hài, ngũ hành để dưỡng dục, nhưng đều là ngã sở hư giả, chưa từng vọng nhận, duyên ta nếu hết thì ta ứng hiện nhập diệt, vứt bỏ mà đi, Như Lai đi rồi thì ta còn ở với ai chứ. 

1. 六親 (lục thân): Sáu loại người gần nhất với mình gồm cha (1), mẹ (2), anh (3), em (4), vợ (5) và con (6).

2. 應迹 (ứng tích): Hóa thân của một đức Phật hay Bồ-tát thị hiện đáp ứng với nhiều khí chất khác nhau của chúng sanh.

 

Do đó, phàm phu có sanh thì có diệt, diệt là không thể chẳng sanh. Thánh Hiền có sanh cũng có diệt, diệt là trở về chân không. Cho nên phàm phu sanh diệt như bóng trong thân, theo đó ra vào, không lúc nào chấm dứt. Còn Thánh Hiền sanh diệt như sấm chớp trong hư không, tự phát tự dừng, không ràng buộc vào sự vật. Người đời không biết sanh diệt như vậy, mà lấy sanh diệt làm phiền não đại hoạn, vì không tự giác. Giác thì thấy sanh diệt như bụi trên thân, ngay đó đều giũ lắc, đâu thể nào dính vào tánh của ta.

Xưa đức Như Lai của chúng ta lấy tâm đại từ bi, thương xót tất cả chúng sanh. Vì mê lầm điên đảo mà lang thang lưu lạc trong sanh tử như vậy. Lại thấy tất cả chúng sanh vốn có tánh tự tại an lạc, đều có thể tu chứng thành Phật, cho nên Ngài muốn tất cả chúng sanh đều làm Thánh Hiền sanh diệt, không làm phàm phu sanh diệt. Vì lo nghĩ tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay lang thang đã lâu, chủng tánh khác nhau, chưa thể lấy một pháp chóng ngộ, cho nên mới nói ra 84 ngàn pháp môn, mỗi môn vào được thì đều có thể đến đất chân như. Hễ nói ra pháp môn nào cũng đều chắc chắn là lời chân thật, muốn khiến tất cả chúng sanh tùy theo pháp môn của mình thấy mà đều vào cõi tự tâm. Một khi đến cõi tự tâm, thì thấy Phật tánh của mình, chứng Phật của thân mình, tức đồng với Như Lai.

Cho nên Như Lai ở trong các kinh nói có là muốn tất cả chúng sanh nhìn thấy tướng mà sanh tâm thiện, nói không có là muốn tất cả chúng sanh lìa tướng mà thấy tánh, nói ra sắc-không cũng lại như vậy. Thế nhưng chúng sanh chấp trước, thấy có mà chẳng phải thật có, thấy không có mà chẳng phải thật không có, thấy sắc thấy “không” đều chấp trước như vậy. Rồi lại khởi đoạn kiến và thường kiến mà tạo thành nguồn gốc của sanh tử, không hiểu pháp môn vô nhị, lại vì mê lầm điên đảo, lang thang trong sanh tử đã lâu rồi, cho nên Như Lai lại vì đó mà nói pháp đại bát- nhã để phá hai kiến chấp đoạn-thường, khiến tất cả chúng sanh biết được cái chân hữu và chân vô, chân sắc và chân không, Xưa nay không có hai, cũng không rời xa người, trạm nhiên tịch tĩnh, chỉ ở trong tánh của chính mình. Chỉ cần lấy tánh trí huệ của mình chiếu phá mọi vọng, thì tất nhiên biết rõ mà tự thấy. Cho nên kinh Đại bát-nhã 600 quyển, Như Lai đều vì người ở quả vị Bồ-tát mà nói Phật tánh, nhưng trong đó Ngài vẫn vì người hữu vi đốn tiệm mà nói.

Chỉ có kinh KIM CANG vì người phát tâm Đại thừa mà nói, vì người phát tâm Tối thượng thừa mà nói, cho nên kinh này trước hết nói về tứ sanh và tứ tướng, kế đến nói: “Hễ cái gì có tướng đều là hư vọng, Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng tức thấy Như Lai”. Vì hiển bày tất cả các pháp đến chỗ vô sở trụ gọi là chân đế, cho nên Như Lai ở trong kinh này, hễ nói đến hữu là liền phá, vì chẳng phải chân thật nắm giữ thật tướng, để dạy chúng sanh. Vì sợ chúng sanh không hiểu ý kinh nói, tâm họ trái lại có chỗ trụ như đại loại nói Phật pháp tức chẳng phải Phật pháp. Cho nên đại sư Lục Tổ ở chỗ Ngũ Tổ được truyền y trao pháp, nghe kinh KIM CANG nói: “Không nên ở nơi không có chỗ trụ mà sanh tâm ấy”, ngay đó đại ngộ, làm Tổ thứ 6. Như Lai nói: “Tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều từ kinh này mà ra”, thật đáng tin thay lời này!

Chỉ vì ít xem xét ĐÀN KINH, nghe nói Lục Tổ do kinh KIM CANG mà thấy tánh, ắt nghi chỗ diễn thuyết của ngài mà chưa thấy và biết ở Tế Âm Tào Châu, ở chỗ Hình Quân Cố được một bản Lục Tổ khẩu quyết, xem thấy lời lẽ đơn giản, ngôn từ chỉ thẳng, rõ ràng khác hẳn, khiến người dễ hiểu mà chẳng nghi, cho nên vui mừng chẳng tự kiềm chế. Lại nghĩ người Thiểu Tây ở Hà Bắc Kinh Đông, bẩm tánh chất phác tin sâu, gặp chuyện liền quyết định, nếu được học Phật tánh thì nhất định sẽ luôn dũng mãnh tinh tấn, siêu việc hơn người. Còn giảng sư thì hầu hết chỉ truyền luận Bách pháp, kinh Thượng sinh mà thôi, người học không biết muôn pháp tùy duyên sanh, duyên hết thì pháp cũng phải diệt. Trái lại lấy pháp làm pháp, cố thủ chấp trước mà bị pháp trói buộc, cho tới chết cũng không hiểu biết. Giống như người bị cát vùi lấp, ra sức phủi cát, càng dùng sức càng bị vùi, chẳng biết không cần phủi cát mà có thể thoát khỏi, thật đáng tiếc!

Chính vì thế mà muốn lấy Lục Tổ Kim Cang kinh khẩu quyết, khắc bản lưu truyền, để khai phát cho số người mới học Phật tánh này, mà văn tự trong ấy phần nhiều phải đảm bảo tránh khỏi lầm lẫn. Vì rộng cầu biệt bản để đính chính lại, trong 10 năm tìm được 8 bản, chỉ có 4 bản văn ở đất Hàng, đất Việt, đất Kiến và đất Thiểu gần như giống nhau. Nhân đính chính lại những câu oan khuất, Đổng Quân Tuân Lực khuyên sớm hoàn thành, cuối cùng các sĩ phu trong triều đình lấy của cải tìm thợ khắc, các bậc đại phu ai nghe cũng đều vui mừng nhìn thấy mà trợ giúp. Lưu Quân Thường ở Tứ Minh nguyện chỉ cầu hoàn tất việc ấy.

Ô hô! Như Lai nói “Không có pháp nào để thuyết mới gọi là thuyết pháp”, vậy có thể thấy ngôn ngữ văn tự há có thể là chân đế của Phật pháp sao? Nhưng nếu chẳng phải ngôn ngữ văn tự thì chân đế cũng không thể truyền được. Người học nhân Lục Tổ khẩu quyết(1) để cầu kinh KIM CANG, nhân kinh KIM CANG để cầu Phật tánh của mình, thấy Phật tánh của mình rồi sau mới biết Phật pháp chẳng dừng lại ở chỗ khẩu quyết mà thôi. Như vậy thì công của Lục Tổ đối với Phật pháp không thể nghĩ bàn vậy. Có kẻ cho Lục Tổ chẳng biết chữ nghi khẩu quyết không phải chỗ Lục Tổ nói ra, cũng như Đại tạng kinh há không do Thế Tôn tự nói ra sao? Vậy thì cũng do người nghe pháp truyền lại thôi. Hoặc Lục Tổ nói ra rồi đệ tử truyền lại, ta không thể biết được. Nếu nhân khẩu quyết mà có thể thấy kinh, thì đâu cần nghi Lục Tổ chẳng biết chữ

Thiên Thai, ngày mùng 10 tháng 6

niên hiệu Duẫn Phong thứ 7

La Thích kính cẩn viết lời tựa

1. 口訣 (khẩu quyết): Sự truyền miệng tinh yếu giáo pháp từ thầy cho đệ tử

 

LỜI BẠT TRÙNG KHẮC SÁCH LỤC TỔ GIẢI NGHĨA KINH KIM CANG (1)

Ta sanh ở đất Lỗ, nơi tuy có nhiều sách vở kinh điển Phật giáo, nhưng xưa nay vẫn chưa xem biết rốt ráo, lại thường gặp cảnh gian nan bận rộn việc trần, rồi chợt nhìn lại thân xác thì chỉ còn là khoảnh khắc. Lại nghe đại sư Thạch Đường ở chùa Hải Hội tại Ngô Sơn Phi Tích hằng giăng mây từ khắp nơi, rưới mưa pháp khai mở cho người người xa gần theo về ngưỡng mộ, khiến vô số người chiêm lễ đều phát tâm đại bồ-đề. Đại sư đăng tòa thuyết pháp, trên hết luôn tuyên dương diệu nghĩa vô thượng của kinh KIM CANG. Ta cũng được từ trong đại chúng chắp tay nghe trong 10 ngày, nhân đó tin nhận chỗ giải nghĩa kinh KIM CANG của đại sư, quả thật là khai phát cho kẻ đui mù, quang minh thông đạt thay!

Người chỉ dạy giải nghĩa kinh KIM CANG từ xưa đến nay lấy thuyết lý gì làm đầu? Sư nói chú giải kinh này không dưới ngàn người, mà đại sư duy chỉ kính tin Lục Tổ giải nghĩa là bậc nhất. Nhưng lưu thông tuy không được lâu mà bản in thật sự mai một, Hướng Tăng phát nguyện trùng khắc lại, nếu ngại sức kém mỏng, duyên gian nan, thì làm sao làm được việc này.

Ôi, đại sư độ thế gian, mở rộng lòng từ, đâu trái với tâm rộng lớn vô cùng. Ta tuy không thông minh, nhưng xin được khắc bản để hoàn thành chí nguyện của đại sư. Mặc dù là nguyện của đại sư, nhưng ta chỉ xin thì làm sao nói là ta khắc bản. Tổ giải nghĩa mà đại sư thì truyền, thì làm sao nói là đại sư khắc bản. Vì muốn khiến cho thiên hạ đời sau lưu thông truyền bá, người người đều biết có bản giải nghĩa này mà đều khắc ghi vô tướng vô trụ để hàng phục tâm mình, thì nguyện của đại sư có lẽ gần như được chút an lòng vậy thay!

Mùa hạ tháng 5 năm Quý Tỵ, nhằm niên hiệu

 Thuận Trị thứ 10 nhà Đại Thanh (1653)

Đệ tử Thang Dực Thánh Mộc ở ấp Tiền Đường

chắp tay bái viết 

LỜI BẠT TRÙNG KHẮC SÁCH LỤC TỔ GIẢI NGHĨA KINH KIM CANG(2)

Ta bẩm tánh chất phác, không thích làm chuyện phù phiếm xa hoa. Có lần khi nghe giảng về âm sắc của Phạm bái(1) và kình chung(2), thần sắc ta bỗng chấn động, lòng hoan hỷ phơi phới kéo dài cả 10 ngày mà vẫn không muốn tan mất. Nếu chẳng phải trọn do kinh mà khải ngộ, thì cũng vì tánh đã gieo trồng từ kiếp trước nên mới khiến như thế. Năm ngóai theo Dương thị ở sông Vị(3), trong sở quan cấp tỉnh, chỗ lánh xa trần tục, cả buổi chiều tối ngắm hoa đăng ở Khang Cù, rồi luận hỏi về thanh điệu tụng kinh của thiền. Khi đến thăm thất ở đó, ta may mắn được thấy kinh KIM CANG BÁT-NHÃ, là bản giải nghĩa của Tổ sư đời thứ 6, nghĩa lý phát huy sâu rộng, ngôn từ ý chỉ siêu việt, khi duyệt xem mà thấy rõ, như ngàn mặt trời cùng chiếu soi, thật sự mọi duyên đều vô ngại. Mới biết Lục Tổ ở quán trọ nghe kinh này mà giải ngộ, thật có một không hai.

1. 梵唄 (Phạm bái): Dùng điệu nhạc để tụng kinh, tán vịnh, ca tụng công đức của Phật. Bái, gọi đủ là Bái nặc, là dịch âm từ tiếng Phạn Bhāṣā, nghĩa là ngợi khen. Vì dựa theo nhạc điệu tán vịnh của Phạm Độ (Ấn Độ) nên gọi Phạm bái. Tuy đức Thế Tôn cấm chỉ không được đọc tụng văn kinh bằng giọng điệu giống như thanh điệu Bà-la-môn, nhưng vì thanh bái có công dụng làm giảm bớt sự mỏi mệt của thân-tâm và giúp nhớ dai, vì thế đức Phật cũng cho phép xướng tụng. Sau khi đức Phật nhập diệt thì Phạm bái được lưu hành khắp nơi. Khi Phật giáo truyền vào Trung quốc, các nhà truyền dịch kinh văn thì nhiều, nhưng các nhà truyền tụng Thanh bái thì hiếm. Bởi vì tiếng Phạm là tiếng đa âm, mà tiếng Hán là tiếng đơn âm, nếu dùng tiếng Phạm để vịnh tiếng Hán thì tiếng dài mà vần hụt; còn nếu dùng nhạc khúc tiếng Hán mà vịnh tiếng Phạm thì vần ngắn, lời dài. Cho nên dùng nhạc khúc Hán để ca vịnh tiếng Phạm hoặc ngược lại, đều không dễ dàng.

2. 鯨鐘 (kình chung): Còn gọi là hồng chung, nghĩa là chuông lớn, loại pháp khí Phật Giáo, được truyền từ Ấn Độ sang các nước Phật giáo Đại Thừa như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, v.v…

3. 渭 (Vị): Sông Vị tức Vị hà hay Vị thủy, thuộc tỉnh Cam Túc.

 

Lớn lao thay! Chỗ chứng đắc vi diệu của đức Phật uyên thâm, năng quét sạch mọi chấp trước, khiến mây nghi ngờ nơi người tan biến mà thấu triệt Thiên tánh. Sau đó lại có Tổ sư chỉ ra chỗ u tối, mở bày lý sâu kín, trực tiếp soi thấu cội nguồn chân thật. Thật là không có một pháp nào chẳng phải là cầu bến, tức ngũ uẩn đều dựa vào đó mà giải thoát. Người giải nghĩa kinh này, nhiều không tính được, duy chỉ có lời giải nghĩa của đại sư Lục Tổ là tối thượng nhất. Nếu ai gặp được mà tùy hỷ kính thọ thì chắc chắn sẽ được chư Phật hộ niệm phó chúc.

Nào dám chẳng khắc cốt ghi lòng để cùng báo đáp ơn huệ. Nhân bỏ tiền ra khắc in để lưu thông rộng khắp, khiến cho người duyệt đọc kinh mà biết ý chỉ, theo chỗ giải nghĩa mà về được nguồn, hiển bày rõ tánh tông mà giũ sạch mọi tướng, tức chẳng trụ tướng cũng chẳng lìa tướng.

Phước đức bố thí ấy không khác gì người lấy sắc, lấy thấy, lấy âm thanh ngưỡng cầu mà đồng lòng nói ra vậy.

Kính bạt 

Tiết Mạnh xuân năm Đinh Mùi

nhằm niên hiệu Khang Hy thứ 6 nhà Đại Thanh (1667)

Đệ tử phụng Phật Chung Tú, Chu Khắc Thuận,

Hạo Danh, Siêu Gián đồng kính bái