Tôi không thể nào tin được con người đầy vẻ thư sinh, đang đứng trước vành móng ngựa kia lại có thể là một kẻ giết người. Tôi cũng có biết anh ta, có đôi lần gặp anh ta tại nhà những người bạn quen. Không ai toàn thiện. Anh ta có thể phạm tội, có thể tham nhũng, ăn hối lộ, thậm chí lừa đảo... nhưng không thể nào giết người. Không có khả năng nào để anh ta phạm tội giết người! Trên kia, vị đại diện VKSND đang đọc cáo trạng. Tháng 9 năm 1993, qua công tác, bị cáo có quen một người tên là A. A. nói với bị cáo rằng một người hàng xóm của A. đã có hành vi hiếp dâm một đứa trẻ con trong xóm. Gã hàng xóm này là người bẩn thỉu, lưu manh, tối ngày say sưa, quậy phá xóm làng, đã mấy lần bị đưa đi cải tạo về tội gây rối an ninh trật tự công cộng. Rõ ràng một kẻ như thế rất đáng phỉ nhổ, cần phải có hình phạt nghiêm khắc để làm gương. Tuy nhiên, hiện nay những người dân ở địa phưdng không biết làm cách nào để đưa hắn ra tòa. Bị cáo hứa với A. là sẽ không để cho một tên bẩn thỉu như thế tồn tại nhởn nhơ. Sau đó không lâu, “con người bẩn thỉu” kia tự tử chết, vì thế bị cáo bị truy tố khoản 2 điều 104 Bộ Luật Hình sự về tội vô ý làm chết người, với mức án từ 1 - 5 năm.
Bị cáo khẳng định mình vô tội. Anh ta nói anh ta chỉ làm một việc hết sức bình thường, là nói lên những hành vi xấu xa của con người nọ. Rằng anh ta thưa từng gặp nạn nhân, không hề có một cử chỉ, hành động đe dọa hoặc rún ép nào. Sau đó tòa cho mời vợ của nạn nhân. Người đàn bà này - trong sự phẫn nộ khôn tả - đã gọi bị cáo là một kẻ tàn ác, táng tận lương tâm, vô liêm sỉ... buộc vị chủ tịch Hội đồng xét xử phải cắt lời và nhắc nhở bà ta không được miệt thị bị cáo. Người vợ cho biết, sau khi bị cáo đưa tin chồng bà can tội hiếp dâm, cuộc sống của gia đình bà thật khốn khổ. Ra đường người ta xì xào, nhổ nước miếng, đi đâu cũng phải cúi gằm xuống đất, không dám nhìn ai. Hội đồng xét xử yêu cầu đưa bằng chứng, bà nói lá thư của chồng bà để lại trước khi tự tử chết là bằng chứng - bà tin rằng người sắp chết không thể nói dối - “Chồng tôi nói ảnh không hề làm chuyện đó. Ảnh kể lại tỉ mỉ chuyện hôm đó ảnh có nhậu say, có ôm hôn con bé, nhưng cũng như mọi ngày, ảnh rất quý nó. Nếu quý tòa không tin, xin hỏi bác Ba là má của bé B. đây xem. Lối xóm ai cũng biết vợ chồng tôi quý con bé B. như con ruột. Ngày nào ảnh đi xe về cũng có khi thì cái bánh, khi cục kẹo cho con nhỏ. Chúng tôi không con nên ảnh rất quý nó”. Hội đồng xét xử cắt ngang lời bà: “Thôi được rồi, chị cho biết chồng chị có nói nguyên nhân tại sao tự tử không?”. “Ảnh viết rằng ảnh phải chêt vì không chịu nổi sự nhục nhã”.
Kết thúc phần thẩm vấn là phần tranh luận. Vị đại diện VKSND giữ nguyên quan điểm của mình. Ông cho rằng bị cáo không thể nào chối bỏ trách nhiệm của anh ta về cái chết của nạn nhân. Cho dù anh ta không dùng vũ khí, không dùng bạo lực, nhưng hành động của anh ta đã có đủ yếu tố để cấu thành tội phạm, và ông đề nghị Hội đồng xét xử chuyển tội danh, tội “giết người” thay cho tội “vô ý làm chết người”.
Luật sư của bị cáo nói ông đã nghiên cứu Luật Hình sự thì thấy không có khoản nào buộc tội người khác giết người chỉ bằng một lời nói hay bài viết, dẫu rằng trên thực tế điều đó có thể xảy ra. Ông cũng xin tòa xem xét về nhân thân, bị cáo lần đầu phạm tội, chưa tiền án tiền sự... nên ông đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Theo diễn tiến bình thường, sau phần bào chữa của luật sư, chủ tọa phiên tòa cho phép bị cáo được tự bào chữa bổ sung, và kết hợp nói lời nói cuối cùng. Dù đã chứng kiến từ đầu phiên tòa nhưng phản ứng của bị cáo cũng khiến tôi giật bắn mình. Anh ta không thèm đứng lên chỗ vành móng ngựa, ngồi tại chỗ và cứ thế mà nói, giọng dõng dạc: “Tôi đã nói là tôi không có tội. Và không ai có thể buộc tội tôi cũng như bắt giam tôi được đâu! Tôi không thể chịu trách nhiệm hình sự, bởi vì tôi viết mà đâu có suy nghĩ?!”. “Anh ta nói thế sao được!”. Cả phòng xử ồ lên phản đối. Bị cáo vẫn thản nhiên: “Chớ tôi hỏi tất cả quý vị ở đây có ai suy nghĩ khi viết không? (Im lặng). Đấy thấy không? Chẳng phải đã có lần có vị viết một bản án tử hình cho một người bị cáo buộc là đã giết người, nhưng rồi sau đó, những người có thẩm quyền cao hơn đã bảo rằng không đủ yểu tố để buộc tội anh ta, và tất cả phải làm lại từ đầu? Tôi nghĩ, bổn phận của tôi là viết cho mạch lạc, rõ ràng dễ đọc, còn viết cái gì đâu phải trách nhiệm của tôi? Tôi thường viết về các vụ án. Người ta thường nói đàng sau các bản án là số phận của những con người. Tôi không biết mà cũng không cần biết. Nói gì tới những chuyện bên trong, tôi lại càng không thể biết. Người ta có thể cho là tôi ngu ngốc, hoặc tệ hơn là vô lương tâm, vô liêm sỉ... tôi vẫn thản nhiên. Mà nói cho cùng, tất cả các tĩnh từ đó đều có thể dùng cho tôi được hết”.
Nghe tin có một phóng viên sắp phải ra trước vành móng ngựa vì viết bậy, tôi đã tưởng tượng ra phiên tòa nói trên, một phiên tòa mà đứng trước vành móng ngựa không phải là một con người, mà là một cây viết. Chính tôi cũng thấy đó là một tưởng tượng xằng bậy, bởi lẽ đâu có ai xử tội một cây viết bao giờ!