Ký sự pháp đình 2

Giới tuyến giữa phòng xửa án

Docsach24.com
ọ chuẩn bị tinh thần cho một vụ kiện mới... Cuộc hơn thua ruột thịt ấy sẽ còn tiếp tục. Chẳng biết người cha quá cố sẽ vui với ai và buồn theo ai bây giờ?

Phòng xử án nào cũng vậy, cũng bố trí hai dãy ghế hai bên, chừa một lối đi ở giữa. Ở phiên tòa dân sự phúc thẩm ngày 19-3-1994, lối đi đó bỗng thành giới tuyến ngăn cách hai gia đình cùng dòng họ. Đứng trước mặt quan tòa, người đi thưa và người bị thưa là hai bà già tóc đã bạc, khóe mắt đã xếp chân chim, có lẽ chưa từng quen với việc ứng đáp hơn thua - dù đã trải qua một lần ở phiên tòa sơ thẩm. Mỗi lần tòa hỏi, cả hai bà đều lúng túng, người dợm quay ra sau chờ con cháu nhắc, người ấp a ấp úng, không biết phải nói thế nào cho hợp. Phía sau, con trai, con gái, dâu, rể... thi nhau nhắc nhở, cãi cọ. Mỗi lần một bà nói lỡ điều gì bất lợi, họ lại ầm ĩ lên. Quan tòa đã phải cảnh cáo mấy lần, nhưng xem ra vẫn chưa vãn hồi được trật tự.

Hai bà đó là hai chị em ruột. Cha mẹ họ chỉ sanh được có hai người con mà thôi. Theo cách đặt tên của người Hoa, hai người có cùng một tên, chỉ khác chữ lót: H.H và T.H.

*

- Tòa hỏi bà, bà trả lời ngắn gọn thôi. Chưa đến phần diễn giải đâu. Nội vụ sự kiện để lát nữa bà sẽ nói. Tòa hỏi bà là cha và mẹ bà sống chung với nhau từ năm nào?

Bà T.H - người đi thưa - sau khi trả lời lạc đề sang vụ tranh chấp nhà bị tòa nhắc mấy lần, mới sực tỉnh. Câu trả lời của bà làm nhiều người phì cười:

- Dạ tôi đâu có biết ổng bả ở với nhau hồi nào? Lúc đó tôi chưa sanh ra mà!

- Thôi được rồi. Cha bà sống với bà L.T.H (mẹ kế của bà T.H) vào năm nào? Có giấy hôn thú không?

Nội dung việc tranh chấp lần lượt rõ ra theo các câu hỏi của quan tòa. Mẹ của hai bà mất sớm. Người cha lấy vợ kế là bà L.T.H, không con. Ông có hai căn nhà, một ở Tây Ninh, nơi ông sống với bà L.T.H, một ở thành phố, nơi bà T.H ở cùng chồng con. Bà H.H thì ở bên nhà chồng. Theo lời bà H.H, năm 1992, cha bà có viết giấy đòi lại căn nhà ở thành phố. Sau đó, ông lâm bệnh rồi mất, bà H.H đứng đơn kiện ra TAND quận, đòi chia quyền sở hữu căn nhà. Bà T.H thì nói vợ chồng bà đã mua lại của người cha căn nhà ấy, nhưng không có giấy tờ. Tòa quận đã xử cho bà H.H thắng kiện. Bản án sơ thấm định giá căn nhà 45 triệu, được chia ba phần cho bà L.T.H, bà T.H và bà H.H. Do bà T.H đang ở căn nhà, nên bà phải trả lại tiền cho bà mẹ kế và em. Phần chi phí ma chay cho người quá cố cũng không bị quên, số tiền chi phí này - do bà H.H bỏ ra - sẽ được tính trừ vào giá trị căn nhà. Không bằng lòng với án sơ thẩm, bà T.H đã làm đơn kháng cáo.

Ngồi dự phiên tòa, tôi cứ thấy bứt rứt thế nào ấy. Người tranh chấp chính lẽ ra phải là bà L.T.H, vợ của người quá cố thì lại không có mặt. Bà đã về quê cũ sinh sống. Hai bà H.H T.H đều đã con đàn, cháu đống, nhà cửa ổn định, vậy mà vẫn không thể hòa thuận, vui vẻ với nhau. Và còn người cha quá cố? Ông có biết việc hôm nay tên ông đã được con cháu nhắc tới, không phải trong ngày cúng kiếng, họp mặt gia đình, tưởng nhớ công ơn người đã khuất, mà là trong một phiên tòa, và thậm chí ông chết ngày nào, khi tòa hỏi tới, họ cũng không nhớ được!

Tòa hỏi yêu cầu của mỗi bên. Bà T.H nói nếu bà L.T.H và bà H.H đòi chia căn nhà ở thành phố thì bà cũng đòi chia căn nhà ở Tây Ninh - mà bà L.T.H và bà H.H đã bán sau khi cha bà chết. Bà H.H cũng không vừa, nói nếu bà T.H đã đòi chia căn nhà ở Tây Ninh thì tòa phải cộng thêm tiền xây mả (khoảng 4 triệu đồng) vào trong phần chi phí ma chay mà tại phiên tòa sơ thẩm bà đã quên. Bà T.H phản bác: Bà không đồng ý đưa phần chi phí ma chay vào, bởi vì trước nay không thấy bà H.H nói gì - nghĩa là không thành vấn đề gì, sao nay lai đòi? Bà H.H không chịu: Nếu đã chia thì mọi thứ đều phải chia, đám tang cha một mình bà lo liệu, bà T.H không đóng góp một chút gì, đâu có được!

Giải lao. Bà T.H ra băng đá. Bà H.H ở lại phòng xử. Họ không nói chuyện với nhau đã bao lâu rồi không biết? Hai bà già giận nhau đã đành, những người trẻ tuổi của hai gia đình cũng không hề nhìn nhau một chút. Mỗi bên tranh thủ phút hội ý của tòa để rút kinh nghiệm phần mình, sôi nổi. Sau khi nghị án, tòa tuyên bố hủy án sơ thẩm, trả nội vụ về TAND quận để tiến hành lại từ đầu. Mỗi bên ra về theo hai hướng khác nhau, dù nhà hai bên đều ở cùng một quận. Bên thấy án sơ thẩm được hủy mừng thầm, nhưng nào đã xong, còn phải chuẩn bị tinh thần dự một phiên tòa mới. Bên chưa được kiện hẳn nhiên sẽ còn theo đuổi tới cùng. Cuộc hơn thua ruột thịt ấy sẽ còn tiếp tục. Chẳng biết người cha quá cố ấy sẽ vui với ai và buồn theo ai bây giờ?