3• Làm theo đam mê
ĐƯỢC TRẢ TIỀN ĐỂ LÀM NHỮNG GÌ BẠN THÍCH VÀ ĐẢM BẢO RẰNG ĐÓ LÀ NHỮNG GÌ MÀ NGƯỜI KHÁC MUỐN.
“Đam mê, dù là người điều chỉnh tồi, vẫn là một động cơ đầy sức mạnh.”
RALPH WALDO EMERSON
(Triết gia Mỹ)
Như hầu hết chúng ta, Gary Leff bắt đầu ngày mới của anh với thư điện tử. Trên cương vị là Giám đốc
Tài chính cho hai trung tâm nghiên cứu đại học ở Bắc Virginia, anh giữ liên lạc với các trường đại học từ sáng tới tối. Đây là một công việc tốt mà anh rất thích và không có ý định rời bỏ nó. Nhưng lưu lượng thư điện tử buổi sáng “sớm tinh mơ” lại đến từ một nguồn khác: Công việc làm bán thời gian của Gary trên cương vị một cố vấn chuyên môn.
Giống như tôi, Gary là một tay “tin tặc du lịch” tích cực, thường xuyên bay hàng trăm ngàn dặm mỗi năm bằng những đợt khuyến mại của các hãng hàng không khác nhau. Nhiều nhà quản lý cũng thường xuyên đi lại bằng máy bay, nhưng họ thanh toán vé máy bay bằng thẻ tín dụng thương gia. Tuy nhiên, được bay và có được những chuyến bay vào các kỳ nghỉ lễ thực sự là hai việc khác nhau hoàn toàn. Các nhà quản lý thường không có ý niệm về cách thức hoạt động của quá trình này cũng như không có thời gian để học hỏi điều đó. Bạn cần bay bao nhiêu dặm cho bất cứ chuyến đi cụ thể nào? Điều gì sẽ xảy ra nếu hãng hàng không thông báo với bạn rằng đã hết vé? Nếu không biết mình đang làm gì, bạn dễ dàng cảm thấy nản lòng và sớm từ bỏ.
Đó chính là lĩnh vực tư vấn của Gary. Để có tiền thù lao (hiện tại là 250 đôla cho hai người cùng một hành trình), Gary sẽ thiết lập hành trình dựa trên các lựa chọn của bạn. Khách hàng báo cho Gary nơi họ muốn tới, hãng hàng không nào bay tới đó và bất cứ hạn chế nào họ gặp phải trong thời gian thực hiện chuyến đi. Sau đó Gary bắt đầu công việc, anh lùng sục các cơ sở dữ liệu để kiểm tra mọi khả năng, gọi điện thoại cho các hãng hàng không và lợi dụng mọi kẽ hở.
Nghe có vẻ kỳ lạ khi trả 250 đôla cho những việc bạn có thể tự mình làm được, nhưng giá trị Gary mang lại qua dịch vụ này thực sự rất tốt. Bạn muốn một điểm dừng chân miễn phí ở Paris trong hành trình tới Johannesburg? Không có vấn đề gì. Bạn muốn có được nhiều thời gian để tham quan nhà ga hạng nhất Lufthansa ở Frankfurt trước khi tiếp tục hành trình tới Singapore? Gary có thể giúp bạn. Nếu Gary không thành công trong việc đặt vé cho chuyến đi của bạn, bạn không phải trả phí cho anh ấy – hoạt động kinh doanh này thành công chỉ khi nó mang lại giá trị thực cho các khách hàng.
Ngoài các nhà quản lý, khách hàng của Gary thường là những người hưu trí thích đi chơi biển bằng tàu thủy và những cặp đôi lên kế hoạch cho chuyến đi chỉ một lần trong đời: Cơ bản là bất cứ ai có ý định đi đâu đó nhưng không muốn lao vào đống rắc rối để tự mình tìm hiểu xem cách thức tới đó như thế nào. Công việc kinh doanh của Gary thực sự phất lên sau khi anh được xướng tên trên tạp chí Condé Nast Traveler, nhưng ngoài việc gọi điện tới các hãng hàng không để đặt vé, Gary quản lý các mối liên hệ hoàn toàn bằng thư điện tử. Công việc bán thời gian này năm ngoái đã mang lại cho Gary 75.000 đôla và đang tiến tới mức đỉnh sáu con số mỗi năm. Vì công việc chính là Giám đốc Tài chính và các dự án kinh doanh khác, nên Gary đầu tư chứ không tiêu xài tiền bạc. Anh bảo: “Tôi thật sự làm điều này bởi vì nó giúp tôi cảm thấy vui vẻ.” Trong khi đó, anh chi tiền mặt vào những chuyến bay từ các tài khoản đang phình lên nhờ công việc đặt vé của anh để du lịch thế giới cùng vợ, tất bật trong các chuyến đi hạng sang tới Philippines và Thái Lan giữa những cuộc họp lên kế hoạch tài chính khi quay về nhà.
• • •
Hoạt động kinh doanh của Gary, giống như nhiều hoạt động kinh doanh khác mà chúng ta sẽ thấy, có thể được mô tả như là hoạt động kinh doanh làm-theo-đam-mê-của-bạn. Gary thực sự đam mê du lịch và đã tìm ra một số phương cách sáng tạo để tận hưởng những chuyến du ngoạn hạng nhất khắp thế giới với mức giá rẻ. Anh đã bắt đầu giúp đỡ mọi người làm được như vậy, ban đầu trên cương vị một tình nguyện viên cho một số diễn đàn về du lịch, sau đó là trên blog và rồi trên cơ sở cá nhân đối với những người quen biết. Lời nhắn như thế này có ở khắp nơi – “Này, Gary! Mình muốn đưa vợ mình tới châu Âu và muốn bay những chặng này… Mình phải làm gì?” – và Gary thậm chí đã không nhận ra được rằng mình có nhiều yêu cầu giúp đỡ đến mức khó có thể giải quyết hết được.
Tải thêm ebook: © Sách miễn phí ©
Bước tiếp theo chính là bắt đầu việc thanh toán. Gary đã xây dựng một trang web rất đơn giản và bắt đầu kinh doanh trên đó trong một thời gian ngắn, không hoàn toàn chắc chắn điều gì sẽ xảy tới tiếp theo. Mọi người sẽ sử dụng dịch vụ bất thường này? Đúng vậy, họ sẽ sử dụng – và cho dù Gary hài lòng với công việc chính của mình và không có ý định rời bỏ nó, thì anh cũng không còn phụ thuộc nhiều vào nó. Nếu có sự thay đổi về công việc, anh vẫn không gặp phải vấn đề gì trong cuộc sống khi luôn có nguồn thu từ hoạt động kinh doanh phụ của mình hoặc phát triển nó lên thành lớn hơn.
Câu chuyện của Gary đang truyền cảm hứng cho chúng ta nhưng cũng không phải là một câu chuyện quá bất thường. Trong lúc lục lọi các nghiên cứu tình huống và tiến hành hết cuộc phỏng vấn này tới cuộc phỏng vấn khác, tôi đã dần quen và không còn quá ngạc nhiên khi nghe những câu chuyện “kỳ lạ” kiểu như trang web mua chung - do một bà mẹ đơn thân lập ra đã mang lại một công việc bán thời gian với khoản doanh thu 60.000 đôla hoặc về một hoạt động kinh doanh đồ chơi làm thủ công bằng tay đang đạt tới mức doanh thu 250.000 đôla và tuyển dụng nhiều lao động.
Kinh doanh tư vấn ngay lập tức
Hoạt động kinh doanh của Gary thật tuyệt vời và không ai quan tâm tới việc trang web của anh trông vậy mà đã được tạo từ 10 năm trước. Anh cũng không chờ đợi có người công nhận hoặc xác thực cho mình về hoạt động kinh doanh đó. Không hề có “trường dạy tư vấn” hoặc bằng cấp nào. Bạn có thể bắt đầu một hoạt động kinh doanh mới như một nhà tư vấn chỉ cần trong một ngày, nếu không thì sớm hơn.
Hãy làm theo hai nguyên tắc cơ bản sau đây:
1. Lựa chọn một lĩnh vực cụ thể thay vì lĩnh vực quá chung chung.
Không trở thành một “nhà tư vấn kinh doanh” hoặc một “huấn luyện viên cuộc sống” – hãy trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn có thể thực sự giúp đỡ được ai đó.
2. Không ai coi trọng một nhà tư vấn giá 15 đôla-một-giờ, vì vậy đừng định giá quá thấp dịch vụ của bạn. Vì bạn chắc chắn sẽ không có 40 giờ đồng hồ cho công việc tính hóa đơn hàng tuần, nên hãy tính phí ít nhất 100 đôla một giờ hoặc một mức phí tương đương với lợi ích bạn cung cấp.
BẮT ĐẦU CÔNG VIỆC[1]
[1] Bạn có thể sáng tạo, tùy chỉnh và tải mẫu “Kinh doanh tư vấn ngay lập tức” của riêng mình tại 100startup.com.)
Tôi sẽ giúp đỡ khách hàng . Sau khi họ thuê tôi, họ sẽ nhận được [lợi ích chủ yếu + lợi ích thứ yếu].
Tôi sẽ tính xxx đôla một giờ hoặc mức phí đồng loạt cho mỗi dịch vụ. Mức phí này là hợp lý đối với khách hàng và đối với tôi.
Trang web của tôi cơ bản sẽ có những thành phần sau đây:
a. Lợi ích cốt yếu mà tôi cung cấp cho khách hàng và những gì giúp tôi có đủ điều kiện để cung cấp lợi ích đó (hãy nhớ rằng các tiêu chuẩn không liên quan tới bằng cấp hoặc trình độ giáo dục; Gary được đánh giá đủ điều kiện đặt vé máy bay cho các kỳ nghỉ lễ bởi vì anh đã nhiều lần làm điều đó cho chính bản thân mình).
b. Ít nhất hai câu chuyện của những người đã được dịch vụ này giúp đỡ như thế nào (nếu bạn vẫn chưa có khách hàng nào thanh toán, hãy làm việc miễn phí cho một ai đó mà bạn quen biết).
c. Định giá chi tiết (luôn luôn nói trước về các mức phí; không bao giờ để các khách hàng tiềm năng phải gọi điện thoại hoặc viết thư để tìm hiểu xem một điều nào đó có chi phí bao nhiêu).
d. Cách thuê tôi ngay lập tức (hãy đảm bảo rằng khách hàng của bạn có thể làm điều này dễ dàng).
Tôi sẽ tìm thấy khách hàng thông qua [truyền miệng, Google, viết blog, đứng ở góc phố,…].
Tôi sẽ có người khách hàng đầu tiên vào hoặc trước [thời hạn ngắn].
Chào mừng bạn tới lĩnh vực tư vấn! Giờ đây bạn đang hoạt động kinh doanh.
Khi tôi gặp Megan Hunt tại không gian làm việc chung do cô sở hữu ở Omaha, đã là sáu giờ chiều, và cô chỉ vừa mới tới để làm việc. Megan làm việc vào buổi tối, cô thích mang đứa con mới sinh theo mình và làm việc suốt đêm. Không như hầu hết các câu chuyện của chúng ta, Megan đã quyết tâm trở thành một doanh nhân từ khi còn trẻ. Cô tâm sự: “Tôi đã bắt đầu khi mới 19 tuổi và là một sinh viên năm thứ hai đại học. Tôi chưa bao giờ có ý định làm bất cứ thứ gì ngoại trừ làm việc cho chính mình. Tôi luôn biết rằng mình không muốn một công việc thông thường, vì vậy tôi không bao giờ để bản thân cam chịu một công việc an phận khác với công việc mà tôi muốn làm như một nghệ sĩ. Tôi đã làm một vài công việc bàn giấy trong giờ hành chính nhưng tôi chỉ xem chúng như phương tiện đi tới đích cuối cùng: Kiếm đủ vốn để bắt đầu dự án toàn thời gian của riêng mình.”
Công việc toàn thời gian của Megan bây giờ là làm váy cưới và các phụ kiện cô dâu theo yêu cầu, bán chúng cho những phụ nữ tuổi từ 24 tới 30 trên khắp thế giới (42% cơ sở khách hàng của cô là ở nước ngoài). Sau khi kiếm được 40.000 đôla trong năm đầu tiên, giờ đây Megan đang mở rộng quy mô bằng cách thuê hai nhân viên cũng như lập ra không gian làm việc chung này để đưa công việc kinh doanh về đây. (Vì cô là chủ sở hữu nên không ai có thể phàn nàn về thói quen làm việc vào ban đêm của cô.)
Hầu hết mọi chủ sở hữu doanh nghiệp mà chúng ta sẽ gặp trong cuộc hành trình này ít nhất đều có một câu chuyện về vấn đề phải đối mặt, khi một điều gì không đi đúng hướng hoặc thậm chí đe dọa tới cuộc sống của doanh nghiệp. Trong trường hợp của Megan, vấn đề lớn xuất hiện đúng trước kỳ nghỉ lễ năm 2010. Sau khi mất 70 giờ đồng hồ làm thủ công bằng tay những bông hoa chất lượng cao cho hai khách hàng, Megan đã chuyển chúng qua Dịch vụ Bưu điện Hoa Kỳ… và những gói bưu kiện đã không đến được tay người nhận. Megan kể với tôi: “Thật kinh khủng. Tôi đã phải hoàn lại tiền mà tôi thì không có, và điều tồi tệ nhất chính là việc nghĩ về những cô dâu giờ không có hoa trong hôn lễ của họ”. Nhưng Megan đã làm điều cô phải làm – hoàn lại tiền, viết những bức thư ngắn xin lỗi đầy nước mắt, đăng toàn bộ câu chuyện lên blog của mình cho người khác rút kinh nghiệm – và tiếp tục cuộc sống.
Ngoài việc thề không bao giờ sử dụng lại Dịch vụ Bưu điện Hoa Kỳ, Megan thực sự yêu thích công việc kinh doanh của mình và không muốn làm bất cứ điều gì khác. Cô bảo: “Tôi dành mỗi ngày để học hỏi từ những người truyền cảm hứng và tạo động lực thúc đẩy tôi trong không gian làm việc chung. Và hàng ngày tôi tương tác với khách hàng – những người đang sống trong ngập tràn hạnh phúc. Tôi có một cô con gái nhỏ và tôi thường dẫn theo bé tới nơi làm việc. Tiềm năng kiếm tiền của tôi là vô hạn và tôi thoải mái tái đầu tư vào niềm hạnh phúc của mình với mỗi đồng đôla tôi thu về.”
Tất cả những điều này nghe có vẻ quá đơn giản:
Hãy chọn lấy thứ bạn yêu thích và xây dựng một hoạt động kinh doanh dựa theo nó, đó chính là cách Gary và Megan đã làm. Tiền đã đến! Nhưng có phải nó thực sự dễ dàng như vậy? Dù bạn có thể mong chờ, câu trả lời thực sự phức tạp hơn nhiều. Việc xây dựng một hoạt động kinh doanh dựa theo một niềm đam mê có thể rất phù hợp với nhiều người, nhưng không phải là với tất cả mọi người.
Trong lúc vội vàng theo đuổi đam mê, bạn có thể sẽ bỏ qua một số điều. Trước hết, bạn cần cân nhắc trước khi quyết định theo đuổi một đam mê nào đó – có quá nhiều thứ bạn có thể đam mê mà sẽ không một ai trả tiền cho bạn. Hãy nhớ bài học về sự hội tụ mà chúng ta đang nhìn thấy xuyên suốt cả cuốn sách này. Bạn phải tập trung không ngừng vào việc dự án của bạn có thể sẽ giúp đỡ những người khác như thế nào và tại sao họ sẽ quan tâm tới thứ bạn bán ngay trong lần ra mắt đầu tiên. Tôi thích ăn pizza, nhưng dù niềm đam mê đó có lớn thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng không dám chắc rằng mình có thể tạo dựng được một sự nghiệp dựa vào tình yêu của tôi dành cho nấm và những quả ô liu đen. Thay vào đó, tôi phải tìm ra một điều gì đó hấp dẫn hơn đối với phần còn lại của thế giới.
Đôi khi khởi đầu thất bại lại tới trước thành công. Ở Reno, Nevada, Mignon Fogarty đã tạo ra mạng lưới QDT, nổi tiếng qua chương trình phát thanh Grammar Girl của cô. Chương trình đạt được thành công lớn gần như ngay từ ban đầu, tạo ra một dòng sách và các chương trình liên quan cùng sự quan tâm không ngừng của các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng trước khi trở thành Grammar Girl, Mignon đã từng thất bại trong việc phổ biến nó thông qua podcasting[1]. Đây là lời kể của cô về câu chuyện này:
Trước khi cho ra mắt kênh chương trình Grammar Girl thành công, tôi là nhà tổ chức của một kênh chương trình khoa học có tên là Absolute Science. Tôi thích làm chương trình đó và tôi đam mê nó. So với Grammar Girl, tôi thực sự đã dành nỗ lực quảng bá Absolute Science nhiều hơn. Mặc dù chương trình được đón nhận tốt, nhưng sau gần một năm thực hiện, thực tế cho thấy rõ rằng Absolute Science không bao giờ kiếm được đủ tiền để xứng đáng với thời gian và công sức bỏ ra cho việc sản xuất chương trình.
[2] Podcasting: Là hệ thống tải nội dung ở dạng âm thanh hoặc cả âm thanh và hình ảnh từ nhiều nguồn truyền thông khác nhau, kể cả các chương trình phát thanh trên mạng Internet, về máy vi tính cá nhân để có thể nghe qua máy vi tính hoặc những thiết bị nghe kỹ thuật số cầm tay.
Mignon đã thay đổi hướng đi, chuyển từ khoa học sang ngữ pháp. Câu trả lời không phải là để từ bỏ hoàn toàn niềm đam mê của cô mà để khẳng định rằng cô đã kết nối niềm đam mê đúng với thính giả phù hợp.
Absolute Science
Đam mê… nhưng không đủ thính giả
Grammar Girl
Đam mê… và một lượng thính giả lớn
Tiếp theo, đa phần các chủ doanh nghiệp làm-theo-đam-mê-của-bạn thành công hiểu một nguyên lý quan trọng mà các chủ doanh nghiệp khao khát (và không thành công) không hiểu được. Đó chính là bạn thường không được trả tiền cho chính sở thích riêng của bạn; bạn được trả tiền vì giúp đỡ những người khác theo đuổi được sở thích đó hoặc vì một điều gì có liên quan gián tiếp tới sở thích đó. Điểm này chính là mấu chốt. Tôi đã bắt đầu công việc viết lách của mình bằng cách chia sẻ những câu chuyện về việc tìm hiểu, thăm quan mọi quốc gia trên thế giới, nhưng tôi không được trả tiền cho điều đó. Tôi phải tạo ra giá trị trong công việc của mình theo cách giống như bất cứ ai khác: Làm mà không có giá trị thực, tôi sẽ không được trả tiền và du lịch sẽ chỉ là một sở thích (mặc dù là một sở thích đầy đam mê).
Chúng ta cùng xem xét một ví dụ khác. Benny Lewis, người Ireland, thích nói rằng anh được trả tiền để học ngôn ngữ. Câu chuyện của Benny đã truyền cảm hứng cho tôi: Anh kiếm được hơn 65.000 đôla một năm, không phải báo cáo với ai và đi hết từ nước này sang nước khác để đắm mình trong những nền văn hóa khác nhau. Càng xem xét kỹ câu chuyện, chúng ta càng thấy câu chuyện có nhiều điều đáng học hỏi.
Tôi gặp Benny lần đầu tiên trong một kỳ nghỉ ở Bangkok. Benny không uống rượu, đây có thể là một điều tốt bởi anh ta có lẽ là người nhiệt huyết nhất mà tôi từng gặp. Qua hai ly nước xoài, Benny kể cho tôi nghe câu chuyện của anh. 24 tuổi, Benny đã đi du lịch khắp thế giới suốt hai năm qua. Ngày còn bé, anh chỉ nói tiếng Anh. Anh đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư và không có năng khiếu về ngoại ngữ. Tới Tây Ban Nha sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã quyết tâm học tiếng Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, sáu tháng ở lại Seville, Benny cảm thấy nản lòng vì vẫn không học được tiếng Tây Ban Nha, anh đã dành hầu hết thời gian với một nhóm người nước ngoài và người Tây Ban Nha nói tiếng Anh. Anh quyết định trong một tháng chỉ nói tiếng Tây Ban Nha và không nói một ngôn ngữ nào khác nữa. Lúc đầu thật khó khăn và lúng túng; anh đã không biết cách chia động từ, vì vậy anh chỉ sử dụng thời hiện tại và vẫy tay ra hiệu điên cuồng để ngụ ý rằng một điều gì đó đã xảy ra. Nhưng điểm tích cực của việc chỉ sử dụng một ngôn ngữ khác chính là bạn học được ngôn ngữ đó nhanh hơn khi bạn dùng tiếng Anh làm công cụ hỗ trợ. Chỉ trong vài tuần, Benny đã nói chuyện thoải mái. Việc chỉ sử dụng tiếng Tây Ban Nha một tháng này trở nên hiệu quả hơn nhiều so với sáu tháng trước đó. Và giờ đây Benny cơ thể học những ngôn ngữ khác. Anh đã tới Berlin và học tiếng Đức, sau đó tới Paris học tiếng Pháp và rồi tới Prague học tiếng Séc, một ngôn ngữ nổi tiếng khó học.
Gác lại công việc của một kỹ sư, Benny bắt đầu đi du lịch khắp nơi trên thế giới, làm những công việc tư vấn ngắn hạn ở bất cứ nơi đâu anh có thể để trang trải cho cuộc sống. Là một con người tràn đầy nhiệt huyết, Benny sẵn sàng thức dậy vào lúc nửa đêm để tham gia những cuộc hội thảo nhóm qua mạng diễn ra ở Bắc Mỹ. Vì còn độc thân (và không uống rượu) nên Benny có thể sống khá dễ dàng với một khoản tiền nhỏ, nhưng rõ ràng là Benny có một kỹ năng tuyệt vời để chia sẻ với thế giới này. Thông điệp của anh đối với mọi người, những người sẽ lắng nghe, phù hợp với quan điểm mà toàn bộ người nước ngoài ở quầy rượu đã được nghe về nó – chính là bất cứ ai cũng có thể học được một ngôn ngữ khác cho dù bạn nghĩ bạn không có “năng khiếu” ngoại ngữ.
Phương pháp của Benny được dựa trên thành công đã được chứng minh của chính anh. Trong vòng hai năm, anh đã học bảy ngôn ngữ (trôi chảy!) và thường xuyên tự kiểm tra với những người bản ngữ mà anh gặp trong khi đi du lịch. Thỉnh thoảng, anh cũng dạy kèm người khác học ngôn ngữ, nhưng phương pháp thì lung tung.
Tôi đã nói với Benny trong lần chúng tôi gặp nhau ở Bangkok rằng: “Benny, kỹ năng của cậu thật tuyệt vời. Tại sao cậu không suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc dạy lại phương pháp này cho nhiều người hơn?” (Để công bằng, tôi không khen ngợi quá nhiều để thúc ép anh. Benny suy nghĩ về ý tưởng này trong khi nhiều người khác đang ngồi quanh quầy rượu khi đó cổ vũ anh.)
Benny đã đùa với một vài cái tên khác nhau về ý tưởng này trước khi đưa ra cái tên hoàn hảo: Trôi chảy trong 3 tháng. Mọi người trong quán mỗi người giơ một chai bia để thể hiện sự tán thành còn Benny vẫn nhấp nhấp ly nước quả của mình. Không lâu sau đó, Benny đã bắt đầu công việc viết ra mọi điều anh biết về việc học ngôn ngữ.
Tầm nhìn là có cơ sở, nhưng công việc thật khó khăn. Benny đã vật lộn với việc sắp xếp mọi thứ anh biết vào một bộ sưu tập gồm các tài liệu, video và những cuộc phỏng vấn. Anh đã chờ đợi đến lúc mình có thể làm mọi thứ trở nên hoàn hảo… và rồi anh tiếp tục chờ đợi. Về sau anh nói: “Cuối cùng tôi đã phải từ bỏ sự hoàn hảo và chính thức cung cấp các khóa học về ngôn ngữ của mình.” Khóa học giờ đây có sẵn với tám ngôn ngữ – đương nhiên, tất cả đều do chính Benny giảng dạy.
Để tiếp thị Trôi chảy trong 3 tháng, Benny đã đẩy lên mạng YouTube những video giới thiệu căn hộ của anh bằng năm ngôn ngữ (bao gồm những tiếng địa phương khác nhau). Anh đứng ở các góc phố của những nước khác nhau và hát bằng ngôn ngữ nước đó, mặc bộ trang phục bản địa và dang rộng vòng tay ôm tự do. Khi tôi gặp Benny lần tiếp theo tại Texas, anh đang đội một chiếc mũ có chiếc kính râm ở trên. Tôi đã hỏi anh: “Ồ! Có điều gì với chiếc kính bảo hộ vậy?” Câu trả lời của anh thật thú vị: “Tôi đội nó khi đi du lịch vì khi nhìn thấy nó nhiều người sẽ hỏi: ‘Tại sao anh lại đội những thứ đó?’ Lúc đó tôi có cơ hội dễ dàng để làm quen với họ và cố gắng học ngôn ngữ của họ.”
Benny bảo anh được trả tiền cho việc học ngôn ngữ, nhưng như bạn có thể thấy, câu chuyện không chỉ đơn giản có thế: Benny thực sự được trả tiền vì giúp đỡ mọi người. Mọi người thích xem và chia sẻ các video của anh, nhưng nếu chúng không có ích, anh sẽ chỉ là một người Ireland không say rượu nói được nhiều ngôn ngữ và sẽ không có bất cứ mô hình kinh doanh nào.
Cùng với nhận thức ban đầu rằng không phải mọi đam mê đều tạo nên một hoạt động kinh doanh tốt và sau đó công nhận rằng sở thích và các công việc kinh doanh có thể khác nhau, còn có một điểm quan trọng hơn nhiều: Bạn có thể không muốn kết hợp sở thích riêng với công việc của bạn. Nếu sở thích hoặc đam mê đó có tác dụng giúp bạn giải tỏa căng thẳng trong công việc hàng ngày hoặc trong những bổn phận khác, bạn có chắc bạn muốn chịu trách nhiệm toàn thời gian cho sở thích đó không? Một số người nhận thấy rằng tốt hơn là tách biệt giữa đam mê và công việc của họ.
Hãy xem xét Danh sách câu hỏi kiểm tra dưới đây để xem liệu một hoạt động kinh doanh làm-theo-đam-mê- của-bạn có phải là ý tưởng hay đối với bạn hay không. Benjamin Franklin, một doanh nhân kiểu cũ, đã đưa ra phương châm này: “Nếu đam mê lôi bạn đi, hãy để lý trí giữ dây cương.”
Danh sách câu hỏi kiểm tra
Những câu hỏi dành cho bạn
• Bạn có thích theo đuổi sở thích của mình ít nhất 20 tiếng một tuần thay vì chỉ trong khoảng thời gian rảnh rỗi không?
• Bạn có thích dạy cho những người khác cùng thực hành sở thích đó không?
• Bạn có thích các chi tiết và tính phức tạp (tất cả các tiểu tiết) thuộc sở thích của bạn không?
• Nếu bạn phải thực hiện một khối lượng công việc quản lý khá lớn liên quan tới sở thích của mình, bạn vẫn sẽ thích sở thích đó chứ?
Những câu hỏi về thị trường
• Những người khác có yêu cầu sự giúp đỡ của bạn không?
• Những người khác có sẵn sàng trả tiền để có được hoặc nếu không thì hưởng lợi ích từ sự tinh thông của bạn không?
• Có phải những doanh nghiệp khác đang đáp ứng thị trường này (thường là một sản phẩm/dịch vụ tốt) nhưng không giống như cách bạn sẽ thực hiện không?
Lưu ý: Chương 6 đi vào xem xét việc nghiên cứu thị trường chi tiết hơn. Nếu bạn không chắc chắn cách trả lời những câu hỏi về thị trường, hãy tạm dừng lại.
Khi hỏi nhóm các doanh nhân bất đắc dĩ của chúng ta về mô hình làm-theo-đam-mê-của-bạn, tôi thường nghe được một câu trả lời đầy biểu cảm. Hầu như không ai nói: “Đúng! Bạn nên luôn làm theo đam mê của mình dù nó dẫn bạn tới bất cứ đâu.” Hầu hết mọi người không ai gạt bỏ ý kiến đó ngay lập tức. Sắc thái của câu trả lời đến từ ý nghĩ cho rằng đam mê cộng với ý thức công việc tốt tạo nên một hoạt động kinh doanh thực sự.
Để hiểu đam mê đôi khi có thể chuyển thành một hoạt động kinh doanh sinh lợi như thế nào, chúng ta hãy cùng xem xét bảng sau.
Như vậy bên cạnh đam mê, bạn phải phát triển một kỹ năng nhằm cung cấp giải pháp cho một vấn đề. Chỉ khi đam mê kết hợp với một kỹ năng mà những người khác đánh giá cao bạn mới có thể thực sự tạo dựng được một công việc kinh doanh sinh lời từ đam mê của mình.
Một cách khác để suy nghĩ về điều này chính là:
(Đam mê + Kỹ năng) -> (Vấn đề + Thị trường) = Cơ hội
Mặc dù đam mê rất quan trọng, song nó vẫn chỉ là một phần của đẳng thức này. Nếu kỹ năng đặt những chiếc vé thưởng của Gary đột nhiên biến mất thì niềm đam mê du lịch sẽ chẳng còn ý nghĩa gì với hoạt động kinh doanh của anh. Niềm đam mê làm váy của Megan nếu không được kết hợp với việc có một thị trường tự nguyện háo hức mua những chiếc váy đó thì cũng sẽ chẳng sinh ra được hoạt động kinh doanh nào.
Bước tiếp theo là biến đổi niềm đam mê của bạn thành một mô hình kinh doanh. Những người chúng ta đã gặp tới lúc này đã sử dụng một mô hình kinh doanh hơi khác một chút để thực hiện dự án của mình, vì vậy hãy cùng xem xét cách thức từng người một trong bốn ví dụ này làm ra tiền.
Gary được trả tiền qua phí thiết lập (hiện tại là 250 đôla) dành cho dịch vụ tư vấn chuyên môn của anh.
Benny bán sản phẩm trực tiếp (hướng dẫn học ngôn ngữ) theo một giá cố định từ trang web của anh.
Megan cũng bán sản phẩm trực tiếp (những chiếc váy theo yêu cầu và phụ kiện trong lễ cưới), nhưng giá sản phẩm của cô thì không cố định.
Mignon cung cấp dịch vụ kênh chương trình phát thanh phổ biến miễn phí dành cho người nghe và doanh thu được bảo đảm nhờ quảng cáo và tài trợ.
Mỗi mô hình này đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Gary kiếm được 250 đôla một lần… nhưng đổi lại anh sẽ phải tự mình bỏ thời gian sắp xếp chuyến du lịch cho một ai đó. Benny bán hướng dẫn của mình chỉ 29 đôla… nhưng quá trình được tự động hóa và anh không phải làm bất cứ điều gì sau khi tiền về.
Megan bán nhiều sản phẩm khác nhau (và cũng sở hữu không gian làm việc chung), vì vậy thu nhập của cô trở nên đa dạng… nhưng dự án chính là làm váy cưới lại cần nhiều nhân công. Các nhà tài trợ của Mignon mang lại thu nhập đều đặn, chắc chắn… nhưng cô buộc phải giới thiệu quảng cáo trong quá trình tương tác với thính giả.
Bất chấp những khác biệt, mục đích chủ yếu của những phương pháp này là tìm ra sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp dành cho một nhóm người phù hợp. Sẽ không có một dự án nào có thể thành công nếu không tìm được sản phẩm hay dịch vụ đó. Nhưng khi bạn tìm thấy công thức này, không thể phủ nhận rằng một hoạt động kinh doanh dựa trên kiểu đam mê đúng có thể đạt được thành công cao.
Ở Venice, California, Gabriella Redding đã tạo dựng một hoạt động kinh doanh lắc vòng một triệu đôla sau khi giảm cân nhờ lắc vòng. Trước đó cô là một nghệ sĩ xăm hình và rồi là một chủ nhà hàng. Cô nói với tạp chí Forbes: “Tôi là một nghệ sĩ. Các nghệ sĩ là những doanh nhân bởi vì chúng tôi phải tìm hiểu các cách bán tác phẩm của mình. Hoặc là thế hoặc bạn sẽ trở thành một nghệ sĩ đang chết đói, và tôi không phải là một nghệ sĩ đang chết đói.”
Nếu so với việc làm chỉ để kiếm sống, thì việc làm điều bạn yêu thích và được trả tiền cho điều đó thường dễ dàng hơn nhiều. Bạn chỉ phải tìm đúng đam mê, đúng khán giả và đúng mô hình kinh doanh.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
• Như trong các ví dụ của Gary và Benny, những hoạt động kinh doanh tốt mang tới giải pháp cho các vấn đề: “Tôi làm gì với tất cả những dặm bay quá thường xuyên này?”, “Tôi có thể dễ dàng học một ngôn ngữ mới như thế nào?”
• Đa phần các hoạt động kinh doanh làm-theo-đam-mê-của-bạn được dựa trên điều có liên quan gián tiếp, không phải tự niềm đam mê hoặc sở thích riêng đó. Khi xem xét một cơ hội, hãy hỏi: “Mô hình kinh doanh này ở đâu?”
• Không phải mọi đam mê hoặc sở thích riêng đều đáng để gây dựng thành một hoạt động kinh doanh, và không phải ai cũng muốn gắn hoạt động kinh doanh với đam mê hoặc sở thích riêng.
• Bạn có thể thành lập một hoạt động kinh doanh tư vấn chuyên biệt trong một ngày – riêng biệt hơn, tốt hơn.